Rất nhiều lần đi qua căn nhà mướt mát cây, cửa gỗ khép hờ nhưng hôm nay tôi mới dừng lại dưới mái hiên lợp ngói ta cũ rêu phủ đầy, để trú mưa. Những cơn mưa sau bão luôn ào ạt bất ngờ đổ xuống như người nóng tính trút giận, gào thét đập phá xong là quên!
Rồi vài người cùng những chiếc xe máy lao vào mái hiên duy nhất giữa dãy nhà liên kết như những chiếc hộp xám xanh ánh cửa nhôm kính khiến tôi giật lùi sâu vào trong, vô tình đẩy tung cánh cửa gỗ ngả vàng mầu sau khi bong tróc lớp sơn gụ bên ngoài. Một khoảng sân gạch đỏ loáng nước, những cây nhài, bưởi chanh run rẩy rũ mưa, lá xanh ngắt và hoa rụng rắc đầy. Hương mưa mát lành thơm.
Đột ngột cơn giận tan. Mưa dừng. Gió lặng. Nắng bừng lên, trời xanh ngắt, không gian óng vàng trong, mọi người trèo lên xe mang theo những khuôn mặt hớt hải, phóng nhanh các hướng. Còn lại mình tôi tựa bức tường khô ngắm khu vườn bé nhỏ xinh đẹp, với ngôi nhà ngói ba gian như trong chuyện cổ tích.
Bên trong. Một người đàn bà khoảng 70 tuổi lưng hơi còng đi ra. Khuôn mặt bà ánh lên tia sáng của người thông minh, nụ cười thân thiện ”Cô có bị ướt không? Mưa gió kiểu này khó lường, chắc mai hết. Bão tan rồi” - ”Dạ, nhờ mái hiên của bà mà cháu khô nguyên ạ. Cảm ơn bà đã không khóa cổng, rất nhiều người trú được mưa”.
Cánh cửa gỗ khá nặng được mở rộng. Ngôi nhà và khu vườn hiện ra như một thế giới khác. ”Nếu cô không bận, vào trong kia uống nước. Tôi hãm nụ vối, có cả bánh chả, mời cô”.
Tôi ngồi trên cái sập bên cạnh bộ bàn ghế cổ nâu bóng với cảm giác bình yên lâu lắm mới có, trong nhà một người lạ. Và không ngờ thời gian trôi đi dài thế. Nhắm mắt. Nghe trong gió mùi hương lá cây vỡ. Hương hoa Móng rồng tươi rụng đầy góc sân.
... Hôm ấy, cũng giống mọi ngày thôi. Cô mua bánh khúc nóng đầu phố, hãm ấm lá vối hái ngoài giậu, hai vợ chồng ăn sáng uống trà xong chú ấy đạp xe đi. Ra đến cổng, chú quay lại cười, vui nên cái miệng rộng thế cơ chứ ”Chiều mình đi ăn bánh tôm Hồ Tây, hôm nay anh lĩnh thưởng”. Đóng cổng lại. Cô vội đi gội đầu, cuốn lô mái tóc cho xoăn lên và chuẩn bị quần áo cho bữa ăn mừng chồng ngoài quán. Rồi cô đi làm. Cả khu phố mất điện, xí nghiệp cho về sớm. Đạp xe từ nhà máy dệt về, cô hát suốt dọc đường, những đoạn khác nhau của nhiều bài vì cô không thể thuộc nguyên vẹn một bài. Cũng vì cái thói quen nhớ đâu hát đấy mà sau này mọi người gọi là liên khúc ấy, chú hay trêu, bảo may cô không gặp mấy ông nhạc sĩ không thì người ta đập cho cái tội phá nhạc...
Vẫn nhớ. Khi nói đến đây, mắt bà ánh lên những tia sáng, càng đẹp khi đầy ậng nước.
... Cô nhớ. Hôm ấy cô hát rất nhiều, những đoạn dân ca nối với nhạc đỏ, sang ru con Nam Bộ. Lau nhà. Soạn tủ quần áo. Làm mẻ bánh chả mới. Hát miên man. Và chỉ dừng lại khi có tiếng đập cửa rất mạnh, và tên cô được gào lên ngoài đó. Cô chạy ra. Thấy hai người làm cùng phòng với chú lao vào. Kỳ lạ là trước đấy mấy phút họ gào thét gọi, đập như muốn phá cổng nhưng thấy cô lại đứng sững, im lặng. Cô vẫn nhớ mình là người nói trước “Anh Thế gặp chuyện phải không ạ?”. Cô vẫn nhớ, hai người bạn của chú cứ giơ tay lên lại hạ tay xuống nói gì rất lằng nhằng, kiểu không tìm ra câu để ghép lại cho rõ nghĩa. Và cô ngất đi...
Vẫn nhớ.
Nước mắt chảy nhẹ đến nỗi tôi không biết mình khóc. Trong lúc khóc, tôi thấy mình quay lại buổi tối đó, hơn dăm năm trước. Sau bữa cơm như trăm lần ăn uống, mắt mỗi người dán vào chiếc ti-vi xem những bản tin Thời sự tối. Hôm nay anh ăn nhanh, rồi đi vào nhà sau khi uống hết ly rượu tỏi, và quay ra với bộ quần áo đã thay quá nhanh, khoác chiếc túi có cái máy ảnh, vật bất ly thân cùng máy tính xách tay loại nhỏ, mắt nhìn lên trần nhà có cái quạt trần khô dầu quay chậm kêu ken két, cười hơi ngượng “Anh có việc phải đi. Em đừng đợi cửa”. Tôi, lúc đấy vừa uống nốt hụm nước canh rau muống luộc dầm sấu, chưa kịp hỏi thì anh đã ra đến cửa. Cánh cửa sắt mở ra, bóng tối nuốt anh và xóa nhòa. Chỉ còn loang trong không gian nhỏ chật của căn phòng nhỏ mùa hè mùi hương đàn ông luẩn quẩn quanh tôi gần sáu năm. Đấy cũng là lần cuối cùng mùi hương đó gần gũi bao bọc mỗi khi bước chân vào nhà, vương các góc. Từ lúc đấy cho đến ngày sau, tôi khóc mù mịt đến nỗi phải tự hỏi cơ chế tạo ra nước mắt trong mình hoạt động kiểu gì mà tuôn ra xối xả như vậy.
... Ba ngày sau, cô tỉnh lại và nằm im trong viện. Trên cao là khung cửa sổ với tán cây sấu đang mùa hoa. Chim hót vang nhảy nhót dưới những tán cây. Cô thấy người mình nhẹ bỗng, rõ ràng cảm giác thân xác mình đây nhưng hồn cốt rời đi mất rồi.
“Ngày chú đi, cô mới 40, quá trẻ để sống thế này, cô thật nghị lực”. Tôi cảm thấy tức ngực và nhìn quanh, cảm giác như đang đi vào một khu nhà lưu niệm với tất cả đồ dùng có từ thời bao cấp.
... Nghị lực gì đâu cháu - Cô cười, mặt lại bừng sáng - Cái gì mình muốn có nhất rồi cũng sẽ mất. Nhất là với con người. Ai cũng chọn cho mình một cách biến đi. Cũng không ai chọn được việc người khác quên hay nhớ mình.
- o O o -
Vẫn nhớ.
Tôi đã ngồi lặng bao lâu nhìn cô mở một ngăn tủ, bưng ra những xấp quần áo của người chồng được giặt, gập xếp ngay ngắn như thể để lát sẽ mặc dù ông đã rời cõi tạm ba mươi năm.
... Chú lúc nào chẳng bên cô. Mỗi bữa cơm cô vẫn bày bát đũa mời chú ấy. Ngày sinh nhật, Tết hay giỗ, cô nấu những món chú thích. Lâu lâu cô ra những quán ăn cô chú hay đến mỗi khi có chuyện vui. Khi đi, cô mang ảnh chú theo, và đặt đối diện. “Chẳng nhẽ bao nhiêu năm qua, không có ai tới và muốn gắn bó với cô?” - Hỏi xong tự biết lỡ lời, nhất là cảm giác mình quá tầm thường xâm chiếm khiến tôi tự chán mình. Nhưng mà lời nói đã bay ra, chẳng cách gì kéo ngược nó lại vào bụng. Không ngờ, cô vẫn vui vẻ, lại còn cười nữa mới may.
... Nhớ mấy lần, có ông nọ ông kia nhờ bạn bè đưa đến thăm cô, chỉ cần bước qua cánh cổng kia vào nhà là cô quay cuồng muốn ngất.
“Tại sao ạ?”.
... Tại mùi hương. Tại những chi tiết làm nên con người đó. Mỗi người tự thân tỏa ra một mùi hương riêng - Cô khua tay, hơi ngước lên, mái tóc bạc trắng viền quanh khuôn mặt phấn khích bất ngờ - Xung quanh cô là mùi hương của chú ấy. Căn nhà này không thể có mùi người lạ cháu ạ.
Phải rồi.
Ngày anh nhẹ nhàng biến vào bóng tối sau bữa cơm chiều nhàn nhạt tình vợ chồng, căn hộ chung cư hai phòng ngủ, một phòng khách không có mùi gì ngoài hương cơ thể anh, kể cả tôi cố xua đi bằng cách xịt nước hoa, đốt hương muỗi hay xông tinh dầu sả đều thất bại. Nhiều mùa thu heo may se lạnh, mùa đông gió buốt, tôi đã tính bán nhà. Nhưng chỉ cần nghĩ những người lạ sẽ ở trong nơi chốn này, không gian cũ của mình và chồng sẽ tan biến, đời sẽ có gì trước mặt trong khi ký ức là tài sản duy nhất lại tự xóa mất rồi, tôi không bán nhà nữa. Ba năm sau. Do mối xông, do bể nước của nhà trên gác chảy thấm bong hết các mảng tường vôi rơi lả tả mỗi ngày, tôi đành phải sơn lại. Đêm đầu tiên trong căn phòng sặc mùi mới, thấy như mình đang ở nhà người lạ, trằn trọc bịt mũi bằng chiếc áo may ô của chồng do hôm dọn đồ bị sót lại, nghe nước mắt chảy đợi bình minh. Ba năm với một lần đối mặt nhau tại Tòa, một lần mở cửa chuyển đồ ra ngoài để anh cúi mặt khuân đi và hòa vào đám đông người dưng nước lã miên miết trôi ngoài kia. Còn nhớ. Khi thẩm phán nhắc đến chuyện tài sản, anh nhẹ nhàng “Tôi để lại cho vợ tôi tất cả. Cô ấy thiệt thòi nhiều. Nhất là chuyện sinh đẻ. Vì tôi mà cô ấy không thể có con được nữa, trong khi tôi lại có con”. Cô lúc đấy, lại mờ mịt nước mắt, tai đánh trống thì thụp như có thêm một quả tim đập dồn máu sau cơn chạy dài. Anh chợt cởi lòng hơi quá với thẩm phán, dù lúc ấy cô cứ trố mắt ra nhìn. “Khi lấy nhau, tôi nói tôi không thể sinh con do bị quai bị từ nhỏ, vợ tôi nói không cần có con vì tôi không may, sẽ nuôi con nuôi nếu tôi muốn. Tuy nhiên, vợ tôi vẫn đưa tôi đi khám. Bác sĩ nói, đúng là tôi khó có con. Vợ tôi sợ tôi buồn, nên lặng lẽ đi triệt sản để tôi không mặc cảm. Thế quái nào, tôi lại làm cô thư ký có bầu, do vài lần trót sa ngã vì tôi vẫn tin là tôi không thể có con. Vợ tôi lại một lần nữa cao thượng, tặng tôi cho mẹ con cô ấy. Tôi đời này kiếp này đội ơn vợ tôi. Nên tôi đi trắng tay...”.
- o O o -
Vẫn nhớ.
Khi ra khỏi ngôi nhà cổ tích như dừng lại ở thời quá khứ đó, ám ảnh tôi là khuôn mặt cô khi kể về ngày chồng ra đi. Hôm ấy. Cạnh cơ quan có đám cháy. Trong đám cháy đó có một bà cụ lòa. Chú đã trèo tường vào đưa bà ra đến sân thì gục xuống do ngạt. Khi mọi người bên ngoài phá cổng để vào thì chú đã đi không toàn vẹn. Sợ cô sốc quá nên mọi người phải lo sửa sang khuôn mặt bị cháy của chú. Và mọi người rất bất ngờ khi cô không hề muốn nhìn chú trong hình hài đó, mà nhờ những người thân làm giúp. Cô nói, với cô, nụ cười cuối cùng của sáng hôm đó mới là chú, hãy để cô lưu giữ hình ảnh đó cho năm tháng của mình.
Vẫn nhớ.
Tôi chọn con đường đi làm hằng ngày qua nhà cô. Lâu lâu, tôi ghé vào nằm kềnh ra cái sập, nhắm mắt như người đi spa, để những cơn gió nhẹ nhàng tinh khiết loáng thoáng hương hoa mơn man da mặt. Thỉnh thoảng có tiếng gà con lích chích, tiếng “méo” chợt chói lên, chắc con gà mẹ lại đuổi mổ con mèo đen mặt tròn xoe, cô bảo chúng nó chọc nhau suốt nhưng đêm đến lại nằm cạnh nhau canh lũ chuột.
Một ngày. Tôi về sớm và rẽ vào cô. Mang theo mảnh vải thô tặng cô may áo mùa thu. Đẩy cửa như mọi lần. Từ ngày biết cô, lần đầu tiên cửa khóa ngoài. Đứng một lúc, tôi quay về cho tới lần thứ ba quay lại, người hàng xóm chạy tới đưa một cái phong bì bằng giấy tự gấp.
... Cháu yêu quý của cô. Cô phải đi xa một chuyến. Có lẽ cô cháu mình không bao giờ gặp lại nhau nữa. Cô không tin là có lúc lại nói với ai đấy về chồng mình, thật may là cháu đã đến và nghe cô kể chuyện. Giờ thì cô không phải giữ trong mình điều gì nữa, ra đi được rồi. Cháu gái, hãy yêu một ai đấy bằng tất cả mọi tế bào của cơ thể mình. Được như thế, người cháu yêu có bên cháu hay không, chẳng còn quan trọng. Cháu sẽ không bao giờ cảm thấy mất mát. Cô yêu cháu rất nhiều, thiên sứ của cô. Tạm biệt...
- o O o -
Vẫn nhớ.
Tôi đã điên cuồng tìm các bệnh viện khi biết cô tự thấy có vấn đề, tự đi viện và biến mất. Hai tuần sau quay lại nhà cô. Cổng vẫn khóa, thanh bình hương hoa tỏa ngát. Tôi không nghĩ mình đã lay gọi cô bao lâu đến khi hàng xóm chạy ra nói cô đã mất tuần trước. Tổ dân phố đã làm thủ tục hỏa thiêu theo di chúc và thả tro cốt xuống sông Hồng xuôi về mạn ngược.
Và.
Tôi không nghĩ mình đã nhớ cô đến thế. Nhớ nụ cười và bàn tay cô nắm tay khi tôi ngồi lên xe máy chuẩn bị đi, ánh mắt vời vợi sự mất mát vô hình. Giờ thì tôi hiểu, cô nhìn tôi tiễn biệt để lưu giữ hình ảnh yêu thương cuối cùng. Những lúc nhớ cô nhất, tôi chợt tự nhận ra nỗi nhớ ngày xưa mỗi lần lang thang những con phố mới tránh xa mọi con đường cũ từng đi với chồng để cố xóa anh ra khỏi đời mình lại làm tôi nhớ đến tủi thân, cay đắng. Chìm vào rượu, thuốc ngủ mỗi đêm trong những căn phòng nhỏ đậm đặc mùi cơ thể anh và ước mình chết đi nhưng lại hèn không dám tự tử vì sợ phiền lòng bố mẹ anh em sống lại trên đời mang tiếng đã làm gì xấu khiến mình quyên sinh. Giờ lại là nhớ. Nỗi nhớ cô xót xa tới sâu thẳm khiến tôi đau đớn.
Đời mỗi con người có vẻ ai cũng mang vác rất nặng, do tự chất lên chính mình mỗi ngày. Chỉ khi họ quyết định hay buộc phải ra đi, thật sự hành trang lại nhẹ không ngờ. Ngày cuối ở trong ngôi nhà khiến tôi chết đi sống lại bởi một thời yêu đương, một thời tan nát, trước tất cả những đồ vật quen thuộc bao năm mang vác sưu tầm, nâng niu như báu vật, giờ chẳng còn ý nghĩa.
Bây giờ.
Tôi đã ở một nơi rất xa quê hương. Khi ra đi, tôi không nghĩ là mình lại nhẹ nhàng thế. Đơn giản trong chiếc valy là kỷ vật của bố mẹ, cặp nhẫn cưới mỏng manh, mấy cuốn sách. Và đồ cô tặng là những bức tranh, vài món đồ gốm Việt cổ cô chú sưu tầm.
Giờ thì cả cô và tôi là người lạ trong ngôi nhà nơi xa xứ.
Nếu hiểu, cuộc đời là thế này thì từ trẻ, tôi đã sống khác. Nhiều lần. Ngước lên trời cao xanh ngắt rồi lại nhìn xuống đất dưới chân. Mưa đổ xuống hay nắng hửng lên. Vạn vật mướt mát trong mưa. Tôi chỉ muốn quay về nơi ấy, với mùi không gian tinh khiết tình yêu của cô, như được về nhà của chính mình.
Kết Thúc (END) |
|
|