Trời rét căm. Gió vào những ngày cuối năm thường lạnh và đẫm sương. Tôi và ba ngồi co ro trên bậc tam cấp của ngân hàng, bên cạnh là chiếc xe Dream cộc cạch, mòn mỏi dõi mắt về phía đường lớn nhộn nhịp đèn xe mà lòng không thôi chộn rộn.
Bây giờ đã mười giờ kém hai mươi tối.
Khoảng thời gian khá muộn để ra ngoài đối với những người sống ở một thị xã nhỏ như ba con tôi. Nhưng với vợ chồng bác Hưng – người họ hàng xa tôi chưa từng gặp mặt, đây lại là thời điểm dạo phố đêm thuận tiện nhất cho những người làm việc muộn như bác.
Ba con tôi chỉ có thể đợi.
Giống như hai ngày trước đó, ngồi tắm trong gió và cát bụi lề đường, để chờ đợi thứ gì đó như ánh đèn mờ trên con đường tương lai không ánh sáng.
- o O o -
Home > Truyện Ngắn > Sống > Như gió mùa đông
Như gió mùa đông
Trời rét căm. Gió vào những ngày cuối năm thường lạnh và đẫm sương. Tôi và ba ngồi co ro trên bậc tam cấp của ngân hàng, bên cạnh là chiếc xe Dream cộc cạch, mòn mỏi dõi mắt về phía đường lớn nhộn nhịp đèn xe mà lòng không thôi chộn rộn.
Bây giờ đã mười giờ kém hai mươi tối.
Khoảng thời gian khá muộn để ra ngoài đối với những người sống ở một thị xã nhỏ như ba con tôi. Nhưng với vợ chồng bác Hưng – người họ hàng xa tôi chưa từng gặp mặt, đây lại là thời điểm dạo phố đêm thuận tiện nhất cho những người làm việc muộn như bác.
Ba con tôi chỉ có thể đợi.
Giống như hai ngày trước đó, ngồi tắm trong gió và cát bụi lề đường, để chờ đợi thứ gì đó như ánh đèn mờ trên con đường tương lai không ánh sáng.
(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
- o O o -
nhu-gio-mua-dong
"Tại hôm trước ba con mình về sớm. Hôm nay, chờ thêm một tiếng nữa chắc được. Đến mười một giờ, còn quán xá nào mở nữa đâu... Con gái ba yên tâm, rồi sẽ kiếm được chỗ cho con thực tập thôi."
Ba nắn vai tôi trấn an. Tôi gượng cười, không đáp. Những sợi tóc bạc trên đỉnh đầu của ba khẽ lay trong gió khiến tim tôi chợt thắt lại. Giờ này, đáng lẽ ba đã được nằm dài ngủ ngon sau một ngày lao động vất vả ngoài công trường, chứ nào như giờ... ngồi lay lắt trước đầu ngõ, chờ đợi người họ hàng xa từ lâu đã không còn liên lạc, để rồi vứt bỏ tự trọng mà mặt dày cầu cạnh người ta.
Tất cả... đều tại tôi.
Tôi biết. Bốn năm đằng đẵng gồng gánh cho con ăn học, nghĩ rồi cũng đến lúc tôi chuẩn bị ra trường, làm ngành này chức nọ đỡ đần mẹ cha. Ngờ đâu... đến một chỗ thực tập cũng kiếm hoài chẳng được thì phận làm cha mẹ, đặng lòng sao có thể yên?
Nửa tháng qua, tôi thật sự bất lực. Ngày ngày khoác gương mặt niềm nở từ công ty này đi đến công ty khác, để rồi lại thất thiểu ra về cùng nỗi bất an không thể tốt nghiệp đè nặng trên vai. Bạn bè, từ thân thiết đến chỉ vài lần dạm hỏi, tôi đều liên lạc tất. Mỗi lần tin nhắn reo lên là một lần tim tôi chững lại, để hy vọng rồi thất vọng tràn trề. Trầy trật lắm, chị hàng xóm mới xin được cho tôi một chân thực tập tại cửa hàng vật liệu xây dựng gần nhà. Nhưng giảng viên hướng dẫn không vừa ý. Lý do, cửa hàng quá nhỏ, không đủ quy mô làm luận văn. Thế là... mọi thứ lại quay trở về điểm xuất phát.
Và hôm nay, ba con tôi lại ngồi ở đây.
"Lạnh không con? Giá mà ba xin được số điện thoại thì đỡ biết mấy."
Mưa bắt đầu rơi lất phất. Ba nhích người sang, âm thầm chắn những hạt nước đang xiên tới tôi rồi ngẩng đầu nhìn trời đêm như tự trách.Tôi dõi nhìn ba. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn đường, ba tôi trông như một pho tượng đồng nhăn nheo mang đầy trăn trở. Gió tùy tiện cào tóc ba. Mưa thản nhiên lăn trên mặt. Cuộc đời vùi dập. Nhưng suy cho cùng, người khiến ba sầu khổ nhất... vẫn là tôi.
Con xin lỗi.
Tôi quay mặt đi. Đến cả điều muốn nói tôi cũng không thể cất thành lời. Đúng lúc đó, ánh đèn xe bỗng rọi vào ngõ. Ba tôi vui mừng bật dậy. Tôi nhìn đồng hồ. Bây giờ là mười một giờ kém mười lăm.
- o O o -
Bão số bảy vừa đến.
Gió lốc điên cuồng cào xé mặt đường còn mưa thì dai dẳng trút như không bao giờ dừng lại. Tôi hì hục đạp xe vào con ngõ nhỏ ngập đến tận đầu gối. Máng xối hai bên đường cứ ào ạt tuôn như bản hòa ca của nước.
Cửa sau tiệm mỳ Vĩnh Ký đang mở. Tôi tấp xe vào đó, bước lên bậc tam cấp, rồi nhấc xe vào nhà, sau đó mới cởi áo mưa ra. Sàn nhà lênh lán nước và bốc mùi cống rãnh. Tôi rũ áo mưa cho bớt nước, treo lên giá, kéo ống quần xuống rồi lếch thếch đi lên lầu. Vài giọt mưa còn đọng lại trên tóc khẽ trượt xuống mặt, theo chân tôi lành lạnh qua những bậc cầu thang.
Dì Sương đang bê hai khay vằn thánh đi xuống. Tôi dừng lại, chủ động đón lấy một khay rồi quay đầu, hạ từng bước chân. Đằng sau, người phụ nữ đã sáu mươi với một bên cánh tay ốm teo, quặt quẹo khẽ cười áy náy:
"Phiền con quá! Mưa gió thế này vẫn phải đến dạy cho bé Xuân."
"Có gì đâu dì. Mai em nó thi rồi. Nghỉ ở nhà, lòng con cũng chẳng yên."
Trời mưa nhưng lạ thay, khách vẫn đến quán nườm nượp. Tôi bê khay vằn thánh ra nhà trước, đặt xuống quầy, cố tình dừng lại bên bếp lò một chút, tranh thủ hít hà mùi nước lèo ấm nóng rồi quay trở vô. Nước mưa trên người đã khô đi bớt, chỉ có lớp da tay là vẫn còn nhăn nhúm lại.
"Trang..."
Dì Sương bỗng kêu tôi lại, rồi thôi. Nụ cười của dì chững lại đầy lưỡng lự, sau đó thì xua tay. Tôi trở lên lầu, cảm giác có chút gì đó không thoải mái.
Dì... có điều gì khó nói hay chăng?
Phòng bé Xuân đang sáng đèn. Tôi bước vào. Bên bàn học, ngồi cạnh Xuân lúc này là chị họ. Tôi chào. Chị họ Xuân, tên Dung, chán chường quay lại đáp. "Đến rồi hả?"
"Chị đến chơi ạ?"
Tôi cởi ba lô đặt xuống sàn, đoạn kéo khóa lấy ra một tờ đề ôn đã chuẩn bị sẵn từ tối qua đưa cho Xuân. Cô bé tám tuổi lễ phép đón lấy rồi trao cho tôi tờ bài tập về nhà đã giải xong. Bên trong, từ lúc nào đã chi chít những dấu mực đỏ.
"Chị chấm đấy!"
Dung nói ngay mà chẳng đợi hỏi. Sau đó bỗng chỉ tay ra ngoài. Tôi dặn dò bé Xuân một chút rồi cũng theo ra ban công. Mưa đã ngớt nhưng gió vẫn không thôi cuồn cuộn.
"Kiếm được chỗ thực tập chưa?" Chị hỏi.
"Dạ rồi."
Nhưng người ta chỉ cho số liệu chứ không nhận thực tập sinh.
Điều này thì tôi giữ lại chứ không nói. Nếu giải thích rõ với chị, tôi sợ mình không kiềm lòng được.
Dung ngồi xuống cái xích đu trắng gần đó rồi vỗ vỗ ngay cạnh, ra hiệu cho tôi đến bên. Tôi ngồi xuống. Cái lạnh của kim loại thấm qua vải chạm vào da đến rùng cả người. Dung không để ý, chị nói:
"Dù thế nào... cũng chỉ là khởi đầu thôi! Tốt nghiệp xong em sẽ thấy, khó khăn ngày trước chẳng là gì đâu."
Nói rồi, chị ngửa cổ lên, cánh tay dài gác hờ lên phần khung sắt đằng sau, đôi mắt xa xăm chìm vào những làn mây đỏ sũng nước.
"Sống ở tỉnh lẻ như mình thiệt thòi bao nhiêu. Công việc ít ỏi. Người tuyển hời hợt. Hiếm hoi lắm mới có vài công ty tổ chức phỏng vấn, ra đề kiểm tra, nhưng khốn nạn thay..." Chị nghiến răng. "Đến cuối cùng người được chọn vẫn là con ông này, cháu bà nọ! Nghĩ mà thương thay... cố sống cố chết lấy được bằng Đại học rốt cuộc rồi để làm gì cơ chứ?!"
Giọng chị phút chốc nghẹn lại. Giá mà mưa có thể tạt đến chỗ chúng tôi thì tôi đã có thể nhẹ nhõm mà nghĩ, những hạt nước đang lăn trên má chị lúc này chỉ đơn thuần là do mưa. Nhưng không, chị đang khóc. Đàn chị tôi vô cùng ngưỡng mộ vì cái tính kiên cường không khuất phục, người đã giới thiệu công việc gia sư này cho tôi, lại đang sụp đổ trước mắt tôi như thế.
Tôi gục đầu xuống. Đôi mắt u uất dán vào sàn gạch men sũng nước đang nhạt nhòa phản chiếu lại gương mặt mệt mỏi của hai chúng tôi, tự hỏi rồi điều gì sẽ còn chờ đợi tôi phía trước?
Câu trả lời đến nhanh hơn tôi tưởng.
Cái điều dì Sương ngại không muốn nói thì chị Dung đã quyết nói ra. "Làm thế này thật không phải với em. Nhưng sang học kỳ sau, chị sẽ dạy bé Xuân. Dì cũng đồng ý rồi."
"Vậy ạ."
Tôi quay nhìn chị, giọng bình thản đến mức bản thân cũng phải ngạc nhiên. Nhưng nước mắt, tự lúc nào đã đong đầy quanh khóe. Có lẽ... chúng còn hiểu rõ tôi hơn chính tôi.
Đôi chân bật dậy sau đó.
Tôi chào chị, rồi rảo bước vào trong, tấm lưng thẳng như tấm khiên tự trọng cuối cùng còn chống đỡ... trước khi nước mắt nóng hổi kịp dâng trào.
- o O o -
Wifi ở khu phòng trọ không bắt nổi một cục sóng. Mặc cho Mai đã bê cái laptop dạo một vòng quanh xóm, Internet vẫn là một thứ gì đó rất xa vời như sao Hôm buổi sớm.
"Hết cách! Ra Lotteria thôi."
Thế là hai chúng tôi, đứa đếm tiền lẻ đi xe, đứa đóng gói tài liệu, laptop vào ba lô rồi lỉnh khỉnh mang vác đồ ra trạm chờ xe buýt. Lotteria cách nhà trọ mười lăm phút đi xe. Cộng thêm mười lăm phút ngồi đợi, tới mười giờ rưỡi bọn tôi mới đến được quán.
Đang giờ giảm giá suất ăn trưa nên cửa hàng đông khiếp. Không có lấy một bàn trống. Khách ra vào chật cả lối đi. Mùi người, mùi kem, mùi thức ăn dầu mỡ tự động quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi hỗn tạp. Tôi khịt mũi liên tục. Còn Mai thì chép miệng thòm thèm. Hai đứa ôm ba lô, ngồi nhấp nhỏm trên băng ghế đợi, đôi mắt rải khắp phòng.
"Đằng kia, Trang. Thấy cặp người Tây đang ăn gà không? Họ đứng dậy là mình vô liền đó."
"Bàn đó có ổ cắm đâu."
Tôi thì thầm, ánh mắt cảnh giác nhìn vài người cũng ôm ba lô ngồi đợi gần đó, đoạn hất đầu chầm chậm về phía góc phòng, nơi có mấy cô cậu học sinh vẫn mặc nguyên đồng phục đang vui vẻ ăn khoai tây lắc, chỉ. "Chỗ bên đó mới ngon kìa. Có ổ cắm mà lại gần wifi."
"Nhưng còn lâu tụi nó mới đi cho!"
Mai hằn học nói. Tôi luyến tiếc nhìn về đó một chút rồi ủ rũ gật đầu.
"Thôi thì... kiếm cái bàn trước đã."
Mười một giờ sáu phút, đôi người Tây vừa nhúc nhích người nhỏm dậy là tôi và Mai đã chạy đến bên, đứng túc trực như người hầu. Họ đi là bọn tôi đặt ba lô xuống ngay, rồi thoăn thoắt dọn bàn, nhanh chẳng kém gì mấy em phục vụ. Xong xuôi, Mai ngồi lại mở laptop ra, tài liệu được cố tình trải rộng khắp bàn như chứng minh quyền sở hữu. Trong khi đó, tôi nối tiếp vào dòng người, kiên nhẫn đợi mua kem.
Chờ tận hai mươi phút mới đến lượt. Kem hết. Tôi đành mua nước. Một trả bằng tiền. Một bằng phiếu giảm giá. Cô bé tính tiền không dưng liếc tôi một cái rồi bực dọc bấm gì đó trên màn hình như thể tiêu tốn nhiều thời gian lắm. Ít giây sau, tôi mang hai ly nước trở về chỗ, cảm giác... đá có khi còn nhiều hơn nước.
"Đâu ra thế?"
Đối diện Mai, giờ bỗng xuất hiện một người. Chẳng ai xa lạ, là Thảo - bạn cùng khóa của bọn tôi. Nhưng thay vì trả lời, bạn tôi chỉ tập trung ăn. Toàn bộ giác quan như đang dồn hết vào việc nhai và nuốt. Tôi liếc sang Mai, khó hiểu hỏi.
"Đói đến mức đó à?"
"Ờ. Ông bà già nó bỏ đói." Mai lãnh đạm phán.
"Bậy mày!"
Thảo cãi lại ngay lập tức. Dĩa cơm thoát cái đã sạch trơn. Tôi tốt bụng đẩy ly nước tới. Thảo nốc sạch không còn một giọt. Mai liếc xéo tôi, rồi giật lấy ly còn lại, giữ khư khư.
"Mười hai giờ tao vào làm lại. Còn mười lăm phút nữa..."
Thảo nhìn điện thoại rồi thở phào, tay nhón lấy một viên đá trong ly, vừa nhai rồn rột vừa hỏi.
"Tụi mày thực tập ở đâu? Chắc khá khẩm hơn chỗ tao chứ? Thực tập gì mà ngày nào cũng đi, còn bắt tăng ca này nọ."
"À, tụi này..."
"Thực tập trường đời."
Mai bực dọc cướp lời tôi rồi hút nước sồn soạt như chẳng buồn nói tiếp. Tôi hiểu tâm trạng bạn. Cái tâm trạng hụt hẫng mà chỉ những đứa bị đẩy khỏi công ty với mớ giấy lộn mới có thể hiểu. Thảo, dĩ nhiên không hiểu, bạn thắc mắc. "Là sao?"
Mai ném phắt cuốn luận văn dày cộm cho Thảo. Âm thanh vọng lại nghe như thể tiếng ai đó đập mạnh vào tim tôi.
"Gì? Luận văn khóa trước à?"
Thảo liếc sơ qua trang bìa rồi nhìn bọn tôi chép miệng. "Đưa tao chi? Coi phát ngán trên thư viện rồi!"
"Công ty đưa đó." Mai lạnh lùng sửa, rồi bỗng dài giọng ra. "Phòng kế toán bảo cứ theo đây mà làm, khi nào xong thì mang báo cáo lên ký, khỏi cần đến công ty."
"Sướng quá trời đất!"
Thảo ghen tị kêu lên. Mai tức tối vặn lại ngay.
"Sướng con khỉ!! Không thực tập thì ra trường biết gì mà làm!"
"Chứ mày tưởng tao thì biết chắc?" Thảo cũng hầm hầm cãi lại. "Ngày nào cũng toàn chạy mua cà phê, phô giấy tờ. Đến con chuột còn chẳng cho đụng..."
"Thì phải chủ động hỏi người ta! Là tao thì đã hỏi làu làu rồi."
"Làm như có thời gian ấy! Mày thử ở vị trí tao đi rồi nói. Ở không sướng thấy mồ còn bày đặt!!"
"Mày..."
"Thôi đi mà!"
Tôi đập bàn đứng dậy. Cảm giác vừa giận vừa tủi khiến con giun tạm thời ngủ yên trong lòng thời gian qua, nay bỗng trở mình giằng xé. Lồng ngực quặn thắt lại từng cơn. Những tưởng chỉ cần lơ đi thì cơn đau sẽ mất. Nhưng không... cơn đau vẫn luôn âm ỉ ở đó, và từng ngày, từng ngày hủy hoại tôi.
"Tao đi toa lét chút."
Tôi thông báo rồi ôm ngực, lao vội vào nhà vệ sinh. Nước máy ào ạt tuôn, lạnh cóng tay rồi tới tấp vả lên mặt, như cố tình giấu đi những giọt nước mắt nóng hổi đang lăn xuống.
Mai chạy vào ngay sau đó.
Tôi nhìn bạn với đôi mắt nhòa lệ, vừa buồn vừa ấm áp mà nấc nghẹn cả lòng.
"Điên hả? Mày... theo tao... thì laptop... ai coi?"
"Con điên này!"
Mai hét lên rồi bỗng lao tới ôm lấy tôi thật chặt. "Con Thảo coi rồi. Tao đâu có ngu mà bỏ đó. Mười mấy triệu chứ ít gì..."
Nói rồi, cả hai chúng tôi cùng òa khóc.
Ngoài kia, mưa đang lất phất rơi trên nền trời. Sáng đẹp là thế, vậy mà bão lại về. Hết cơn này đi lại cơn khác đến. Gió sẽ không bao giờ thổi. Mưa vẫn sẽ luôn học cách rơi. Đường đời dài. Khó khăn sẽ không bao giờ dừng lại.
Con người cũng vậy.
Đã làm người... thì không thể ngừng đi.
"Rồi sẽ ổn thôi, mày nhỉ?"
"Ừm." Tôi đáp.
Kết Thúc (END) |
|
|