Bản thân tôi đã từng đinh ninh là chỉ việc sống mộc mạc bình dị, trời sẽ không bạc ta, bởi lẽ ông cha mình đã dạy rồi "Trời đãi kẻ khù khờ". Giờ nghĩ kĩ lại mới phân vân rằng liệu có đúng như vậy thật không, hay phải có phúc trời cho thì mới sống an nhiên được, vì nếu không thì làm sao không gian manh, mưu mẹo mà có thể chống chọi nổi trong cái thời đại hỗn mang thật hư đảo điên hết cả lên này.
- o O o -
Mấy hôm vừa qua, tôi đã nung nấu ý định viết một truyện ngắn đầu tay để gửi tham dự một cuộc thi nhưng bất thành. Vì vốn dĩ điều tiên quyết để hình hài nên một câu chuyện có sức hấp dẫn người đọc là một cái gì đó xung đột, một chi tiết cao trào, đậm chất kịch tính, mà tiếc thay, cuộc sống hạn hẹp của tôi chưa nếm trải được điều gì gay cấn tương tự như thế. Vì văn là đời, cũng như đời là nguyên liệu sống còn của nghệ thuật thơ ca. Bởi một người cầm bút muốn bịa chuyện mà kể thì cũng thật khó có hồn, chí ít không phải mình trực tiếp va vấp thì cũng phải có cơ hội chứng kiến rồi suy tư, nghiền ngẫm, hoặc đọc (phương thức đi du lịch không cần xăng xe, cách sống qua nhiều kiếp đời chỉ với ít giờ cắm cúi qua từng trang sách để cảm, để nhớ để mơ) thật nhiều.
Hôm nay cũng là một ngày như bao ngày, thậm chí còn tệ hơn khi đây là ngày mưa dầm dề đầu tiên của tôi trên đất Mỹ (sau trận mưa rào không đáng kể cách đây độ hai tháng đổ lại), mọi người đều đã đi công chuyện, chỉ còn tôi một mình trong căn nhà rộng nhưng thiếu đi tiếng nói cười. Những tưởng mình sẽ phải loay hoay tìm một bộ phim nào đó xem để giết thời gian, thì bỗng chú, một người bạn của một người chú khác không mấy thân thích ruột thịt đến chơi nhà tôi. Trong cái bầu không khí ảm đạm lạnh ngắt đó, chú đến mang theo một thứ cảm giác rất hào sảng, phóng khoáng, rất nguyên sơ, rất đời, rất tình như chính cái tên của chú - một cái tên chắc là dễ bắt gặp trong những ngòi mực đượm buồn của mấy nhà văn hoài cổ có nhiều nỗi bất mãn với xã hội Việt Nam thời kỳ quá độ. Chú tên Thuần.
Chú Thuần qua du lịch và cũng là để đi thăm bà con ở cái xứ sở cờ hoa này đã gần hai tháng, và chỉ ngày mốt thôi là chú đã về lại Sài Gòn. Trong suốt những chuyến đi, chú luôn tự thuê xe để lái vòng quanh thăm thú đó đây. Quê chú ở Nha Trang, một thành phố nổi tiếng bởi những bờ biển đẹp với sóng xanh cát trắng nắng vàng và những rặng dừa rỉ tai nhau rì rào trong gió đêm ngày. Nhưng than ôi, Nha Trang có còn thơ mộng vậy không khi qua lời kể của chính người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đó, giờ đây các khu đô thị, nhà cao tầng mọc san sát nhau, đứng trên cao nhìn xuống không có một khoảng hở; mạng lưới cống rãnh xuống cấp trầm trọng là nguyên nhân khiến nước ứ đọng bò lênh láng trên các con đường ngõ hẻm vì không biết chảy đi đâu cho hết khi mùa khô đi qua.
- "Ủa con ở đâu?"
- "Dạ con ở Huế."
- "Chà ở Huế tui mê nhất đoạn đường Đoàn Thị Điểm. Đồ ăn cũng ngon nữa. So với Đà Nẵng thì Huế chẳng thay đổi gì mấy, nói cho đúng thì bờ Nam có khác ít nhiều, còn bờ Bắc thì gần như vẫn vậy."
Tôi giật thót người, trời ơi, sao một người con của miền Nam chỉ mới hai lần đặt chân lên mảnh đất cố đô - nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi nuôi nấng tôi hơn hai chục năm qua - lại có thể có một cái nhìn tường tận đến như vậy. Nếu đặt trường hợp ngược lại là tôi, nếu được hỏi về Nha Trang hay bất cứ một thành phố nào khác, tôi e rằng mình sẽ chẳng biết phải nói gì, mở lời như thế nào, có chăng thì cũng chỉ vật vờ ấp úng mấy cái kiến thức phổ thông trong sách báo cho qua chỉ để gọi là lấy lệ. Có một cảm giác gần như được gọi tên là xấu hổ bắt đầu xâm chiếm lấy toàn bộ cơ thể tôi.
Chú Thuần năm nay đã ngoài lục tuần nhưng vẫn thường xuyên cùng vợ đi du lịch rất nhiều, không những trong mà còn ngoài nước. Và có lẽ ở mỗi nơi mà chú có dịp ghé thăm dù chỉ ngắn ngày đi nữa thì bản lĩnh và sự từng trải vẫn cho chú một sự đánh giá không thể nào chính xác hơn về vùng đất và con người ở đó.
- "Ồ chỗ này có mấy cái thác nước phải gọi là quá tuyệt, ồ thành phố kia đường sá, nhà cửa, cao ốc quy hoạch khá lắm..."
- "Ở Mỹ đây đồ ăn đồ uống thì không có thiếu. Mỗi chợ lại có một mặt hàng, một sản phẩm đặc biệt ngon hơn ở các nơi khác. Ở Sacto (Sacramento - thủ phủ của tiểu bang California, Hoa Kỳ, gọi là thủ phủ (capital city) vì nó có nhiều cơ quan hành chính, nhưng trên thực tế, khá ít người biết đến thành phố này) cũng có nhiều chợ của người Việt Nam, còn mấy chợ Mỹ, nào là Bel Air, Safeway, Walmart, Costco (một chợ chuyên bán hàng sỉ với giá rẻ hơn ngoài thị trường)... thì quá trời là thực phẩm, đi một vòng đã thấy no rồi."
Chợt tôi nhớ đến một cảnh trong một bộ phim từng xem có tên là "Lady Bird" (một bộ phim hài – chính kịch do Greta Gerwig đạo diễn và viết kịch bản được phát hành vào năm 2017).
- "So where are you from?"
- "Sacramento"
- "Oh sorry?", người hỏi ngẩn ngơ ra chiều khó hiểu.
- "San Francisco", một sự thất vọng đi kèm với vẻ chán chường xuất hiện trên khuôn mặt của nhân vật nữ chính.
- "Oh, I see, it's a worth living city!" (tạm dịch: Ồ, đó quả là một thành phố đáng sống!")
Cô thở phào, nghĩ thầm trong đầu "Tôi biết ngay mà, chẳng ai biết Sacramento là cái chỗ nào đâu, đáng ra từ đầu tôi cứ nói dối vậy luôn cho đỡ mất công đi, giờ thì sao, buông tha cho tôi được rồi chứ hả?".
Nếu ngay ở trên tiểu bang Cali, người dân địa phương còn chẳng hề để tâm mà biết tới cái thủ phủ của nó, vậy thì liệu người nước ngoài có từng nghe đến sự tồn tại của một thành phố miền Trung nhỏ bé, mang trong mình nhiều trầm mặc, hoài cổ, xứ kinh kì của nước Việt một lần nào?
Ở Huế có câu ca dao:
"Chiều chiều ra chợ Đông Ba
Ngõ về hàng Bột, trông ra hàng Đường
Nhìn mai, ngắm liễu, xem hường
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi"
Dù cuộc sống có xoay vần, công nghệ có phát triển dữ dội hơn mấy chục năm vừa qua, người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng vẫn giữ thói quen đi chợ để lo việc bếp núc trong gia đình. Bởi ra chợ vừa chọn được thực phẩm tươi ngon trong ngày, vừa rất thường hay được gặp lại người quen cũ rồi xởi lởi chào nhau hỏi chuyện, vừa được tha hồ mặc cả với người bán (dù không biết có được hay không, dù thấy giá đó đã là quá rẻ nhưng vẫn muốn nài nỉ thêm vì quen rồi, dù được ít hay nhiều, vì tiết kiệm được năm trăm hay một nghìn đồng cũng đủ trả tiền gửi chiếc xe đạp cà tàng cho bác bảo vệ)... Các bà, các mẹ, các chị nào muốn tiết kiệm thời gian thì chỉ thường lui tới ở những quán quen vì có thể yên tâm về chất lượng mà lại không sợ bị hớ (mua một món đồ với giá thành cao hơn so với giá trị thực của nó). Danh từ siêu thị (super market) nói chung chỉ dành cho những khu trung tâm thương mại, mua sắm nhiều tầng khang trang, sạch sẽ (bước đi không cần phải nhón gót nhẹ chân, xăng ống quần vì sợ văng đất văng cát, văng cả máu me của cá tôm dưới sàn lên ống quần). Nhưng hóa ra, cái mà ta gọi là siêu thị đó còn nhỏ chưa tới một phần mười cái mà người Mỹ gọi là chợ (market). Tiền của nước mình cũng vậy, nghe thì to lắm, đồng nào đồng nấy cũng phải ba bốn chữ số không ở đằng sau trở lên thì mới chịu, mà kì thực khi đem ra trao đổi ở thị trường ngoại tệ, đau lòng bao nhiêu khi biết nó đứng vị thứ nào từ trên xuống dưới?
Chú đến chơi đúng lúc tôi đang loay hoay rửa dọn mấy cái chén bát và luộc một ít bún khô ở dưới bếp.
- "Chà, đúng là con gái Huế có khác, một dạ hai dạ, nhẹ nhàng quá chừng!"
Dạ, đúng rồi chú ơi, mà cũng nhờ có chú nhắc vậy con mới lại bàng hoàng thấy tiếng nói quê hương mới ngọt ngào, thân thương làm sao. Gần nửa năm sống ở xứ người, mỗi ngày đều chăm chăm nghe ti vi, báo đài cho quen với ngôn ngữ của nước họ, suýt chút nữa thì con đã quên mất cái hay cái đẹp của từng con chữ, thanh âm đã thuộc nằm lòng từ thuở ấu thơ.
Từ nhỏ đến lớn, con luôn được dạy rằng người lớn nói gì cũng phải gọi dạ bảo vâng, nào có dám nửa lời nói không bao giờ, chứ chưa tính đến chuyện tỏ thái độ hay lớn tiếng cãi lại để bảo vệ cho ý kiến của mình. Nhưng mà chú biết không, khi mà thậm chí người lớn trong gia đình cũng tỏ ra quá ích kỉ, hẹp hòi, thì e rằng lối giáo dục đó đã làm thui chột ý chí của con, khiến nó chết dần chết mòn theo từng ngày buồn đằng đẵng trôi đi. Vì con chỉ biết đáp "Dạ" cho xong khi một người cô một năm về thăm một lần yêu cầu con đừng tự động dọn dẹp đồ đạc để cất thêm áo quần của mình vào mấy cái hộc cũ, chỉ được dùng duy nhất một cái tủ con con kế bên, phải giữ cho căn phòng y như lúc ban đầu, phải dọn ra ngoài phòng khách ngủ để lúc con bé con của cô hè về thăm chơi, nó cảm thấy thoải mái, vì đó là kỉ niệm, là tuổi thơ của nó. Cô ơi là cô, vâng, như vậy thì quả là rất tốt, nhưng chỉ là tốt cho con của cô thôi, còn con, cũng là đứa cháu ruột, là đứa con gái út của người anh chắc là không mấy tử tế gì của cô thì sao, có quá đáng với nó lắm không? Một thân một mình vượt nửa vòng Trái Đất qua đây, không mẹ, không chị, những tưởng cũng sẽ vui mừng hạnh phúc vì được đoàn tụ với ông nội cùng các cô mấy chú, một con bé chịu nhiều thiệt thòi vì ba mẹ sớm ly hôn từ lúc nó mới học lớp hai, con bé đó không tội nghiệp sao hả cô? Tiền bạc quả là rất quan trọng trong cuộc sống, có nó người ta mới có thể thỏa mãn các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở được. Nhưng tiết kiệm quá thể (nói trắng ra là bần tiện) thì có thể dư giả ra được đồng nào không? Con bật điện, ngồi trong góc đặt cái đệm hơi cắt tỉa lại mấy cái móng chân đã dài ngoằng cũng là phung phí. Cô kêu con tắt điện đi, ra chỗ sáng mà ngồi, nhưng chỗ sáng thì nào đâu có tiện cho con làm một việc cá nhân như thế. Không lẽ cô không hiểu được là ở mấy chỗ sáng mà cô nói đó thì con phải ngồi bệt dưới đất và ngay chỗ đi ra đi vào của mọi người sao hả cô? Nhưng, cuối cùng, con lại "Dạ" rồi ngoan ngoãn làm theo lời cô, thôi thì lâu lâu ngồi không đủ ánh sáng cũng chẳng sao, để cho mắt căng ra điều tiết quá độ một chút cũng không ảnh hưởng tới thị lực gì nhiều lâu dài được. Thường ngày, đối với tất cả mọi người, con thấy cô quả là một phụ nữ trung niên rất chín chắn và hiểu chuyện, nhưng sao với con, cô lại cứ phải hóa thân vào một vai diễn phản diện nào khác, nông cạn và hẹp hòi quá đỗi?
Người Huế không ồn ào, náo nhiệt, luôn giữ cho mình một lối sống từ tốn, ngồi uống cà phê với anh em bạn bè cũng phải ngâm nga ca kệ đủ thứ trên trời dưới đất từ sáng đến trưa, khiến cho một số chủ quán phát tức đến nổi quạu nhưng cũng không thể làm gì được. Dù một bộ phận không nhỏ dân Huế cũng hối hả chen chân vào Sài Gòn làm ăn sinh sống, nhưng đó chỉ là vì miếng cơm manh áo bắt buộc vậy; chứ nếu lại được lên xe, bắt tàu về quê, sẽ vẫn chẳng ai có thể hối thúc họ nhanh lên một chút nào bao giờ. Người Huế sống chậm, nhưng không thâm. Thế cho nên trai tráng trên khắp dọc miền Tổ quốc ai ai cũng đều muốn cưới về cho mẹ cha một nàng dâu xứ sở thần kinh, vừa hiền dịu, duyên dáng với tà áo dài thắt đáy lưng ong, với vành nón lá bài thơ nghiêng nghiêng trong gió, vừa nết na, thùy mị. Những phẩm chất đẹp đẽ ấy đâu cả rồi, sao con không nhìn thấy trong cô, hay tại cô sống quá lâu ở Mỹ, hơn hai mươi năm qua chưa từng về nhìn lại Đại Nội, cửa Ngọ Môn, nên vô hình trung đã hòa tan theo cái lối sống quá ư cá nhân hóa của nơi chốn phồn thịnh, giàu có về mặt vật chất mà thiếu đi tình người này. Vì trời mưa lâm thâm, ngồi lái xe bên trong chiếc ô tô hiệu đắt tiền (có thể xem như ngôi nhà mini di động) được che chắn bốn bề, cô vẫn kêu van ướt át. Thử hỏi liệu cô có còn nhớ tới tháng chạp âm lịch năm nào lạnh đến nỗi cắn ngón tay không ra máu, cô đội mưa đội gió, đội luôn cái áo mưa tơi đạp xe đi học trên đường làng đầy bùn non làm bẩn hết cả tà áo dài độc nhất đã úa vàng cũ kĩ?
Lại nói về chú Thuần và sáng hôm đó, cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ chừng dăm ba phút của hai người đàn ông xa lạ đã cho tôi một sự bình yên đến lạ trong tâm hồn, một liều thuốc an thần cho con chim nhỏ không bầy đàn, cô độc những lúc quay quắt, chới với đập cánh để tìm cho mình một hướng bay đúng. Nhờ có chú, bóng dáng quê hương lại được khơi gợi lên trong tôi với bao la hoài niệm xen lẫn tự hào khó tả. Đặc biệt thay, tôi còn thấy hình ảnh phản chiếu của mình thêm phần đẹp xinh, lấp lánh qua đôi mắt chú đen trong, sâu thăm thẳm như mặt hồ rộng nhưng êm đềm không chút gợn sóng. Một phiên bản vẫn là của tôi nhưng rất khác so với khi được xuyên thấu và hấp thụ bởi những lăng kính đã mờ đục, những vết nứt mới và cũ trên đó chồng chéo nhau làm tấm thân tôi trở nên biến dạng, thô kệch, xấu xí đi quá nhiều.
Nhưng rút cuộc thì như Lỗ Tấn cũng đã từng nói "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi." Tôi của hai mươi hai cái xuân xanh đã từng trăn trở đến điên cuồng với cái suy nghĩ rằng không có một nơi nào là miền đất hứa cho tất cả mọi người trên thế giới này, con người muốn có cơ hội thì không có sự lựa chọn nào khác ngoài cách tự bản thân mình phải biết cố gắng. Thế nên việc ở đâu không quan trọng, cái quan trọng là nằm ở chính mỗi con người, vì nếu nội lực đủ mạnh thì có lo gì ngoại lực yếu kém. Lý thuyết là mỗi con người trưởng thành phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tuy nhiên, cuộc sống của cái nhân loại ngày luôn không thể tách rời khỏi mối quan hệ với gia đình, bạn bè, xã hội..., và đó là lý do dù thâm tâm chỉ muốn quay về quê cha đất tổ, thì hiện tại, và cả tương lai nữa, sự lựa chọn của tôi vẫn sẽ là ở lại đất nước hợp chủng quốc này cho đến khi nào đủ lông đủ cánh, với quyết tâm học tập và làm việc cật lực, cùng niềm mong ước sớm có thể "ổn định", dù giờ tâm trí đã thôi hết ngây thơ để biết khó lòng có thể định nghĩa được hai cái chữ đó, vì nó thay đổi chóng vánh qua từng giai đoạn, từng cách nhìn nhận về thế giới quan đặc thù của mỗi cá nhân.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, ấy thế mà đã gần đến dịp Tết âm lịch cổ truyền rồi chứ chẳng chơi, lòng tôi không thể không rạo rực khi đọc đến từng trang sách trong cuốn tuyển tập "Văn minh Việt Nam" của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên nói về việc thờ cúng tổ tiên, các tục lệ ăn trầu cau của ông cha ta thời xưa, các mâm cơm cúng đầm ấm những ngày đầu năm mới... Chạnh lòng nhớ đến ngôi nhà cũ rồi hỏi thầm "Mẹ ơi, năm này con không về, mẹ liệu có buồn nhiều không?"
Thật lòng mà nói, lúc mới trông thấy chú Thuần, một người đàn ông không mấy ăn vận cùng mái tóc luống màu muối tiêu không chải chuốt, tôi không nghĩ chú thuộc gia đình loại khá giả gì chứ đừng nói đến chuyện thuộc tầng lớp thượng lưu. Mãi đến mấy hôm sau mới biết rằng chú sở hữu một mảnh đất thuộc trung tâm thành phố rộng đến mấy hecta, một phần là xí nghiệp cơ khí của chú, phần còn lại chú cho xây các khu nhà để người ta đến mướn đặt văn phòng, trụ sở, tôi thật sự bất ngờ, tự dặn lòng sẽ không bao giờ "nhìn mặt mà bắt hình dong" thêm một lần nào nữa.
Bản thân tôi đã từng đinh ninh là chỉ việc sống mộc mạc bình dị, trời sẽ không bạc ta, bởi lẽ ông cha mình đã dạy rồi "Trời đãi kẻ khù khờ". Giờ nghĩ kĩ lại mới phân vân rằng liệu có đúng như vậy thật không, hay phải có phúc trời cho thì mới sống an nhiên được, vì nếu không thì làm sao không gian manh, mưu mẹo mà có thể chống chọi nổi trong cái thời đại hỗn mang thật hư đảo điên hết cả lên này. Nhưng suy cho cùng thì, dù một người tốt số đến bao nhiêu mà tâm lại không thể tịnh, thì có khi nào vươn tới được một cuộc đời chân phương đẹp đẽ bao giờ, phải không chú Thuần?
Kết Thúc (END) |
|
|