Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Dân Bến Phà Tác Giả: Đinh Lan    
    Tụi nó để ý nhau lâu lắm và dự định vài tháng nữa sẽ tổ chức đám cưới nhưng khi biết thằng Nhân ở xóm bến phà thì trong nhà con Quyên bắt đầu xì xào, tiếng nói vô, tiếng bàn ra loạn xạ, đại để là chín người mười ý, không ai giống ai nhưng tựu trung là không bằng lòng.
    Mà ngộ thiệt, cái bến phà đó nó có còn tồn tại nữa đâu?
    Người ta xây cầu mất đất từ mấy năm nay, giờ xóm ấy như bao xóm khác, hổng chừng còn lặng lẽ hơn nhiều nơi, nhưng cái cụm từ ''Dân bến phà'' thì vẫn trơ trơ.
    Nói trắng ra, bao nhiêu tệ hại là dồn hết cho dân bến phà.
    Tại sao? ai biết tại sao?
    Như thằng Nhân, tuổi gần ba mươi, trắng trẻo chững chạc, con cô giáo, cả họ hàng ai cũng nức nở khen thằng nhỏ, còn nói là ''con Quyên tu tám kiếp mới gặp được thằng đàng hoàng như vậy'' nhưng chỉ sau ba mươi giây biết ra chỗ ở của Nhân là mọi nghĩ suy trước đây bỗng dưng đổi thay quay ngoắt, y như là ta vừa lật trở bàn tay.
    Cuối cùng con dâu nhà bà giáo Hiền không thể là ai khác hơn ngoài con bé Quyên xinh như búp bê.
    Nghiễm nhiên từ đây nàng thành cư dân chính hiệu xóm Cầu Bắc, nói nôm na là đã thành ''dân bến phà'' quỷ tha ma bắt, trai thì lưu manh, gái thì lựu đạn, đĩ điếm giang hồ.
    Sao kỳ vậy cà?
    Có thể nào dẹp đi cái nhìn không được hay ho của mọi người dành cho xóm mình không ta?
    Con Quyên không nói ra chứ thiệt lòng đang nghĩ suy mong ước dữ lắm.
    ....Xế xế chiều thôi là cái quán nhậu của chị Bảy bắt đầu đông khách, nói quán cho sang chứ kỳ thực là dăm bảy bộ bàn ghế thấp thấp được kê đầy trước sân cho xôm tụ và mồi màng chỉ là trứng vịt lộn, khô đủ loại, nướng lên thơm phức nhưng giá rất bình dân, có kèm dưa chua tương ớt, vậy là đủ gọi mời khách đến lai rai.
    Khách vãng lai không nhiều, toàn là thành phần rảnh rang trong xóm.
    Chú Tư Khai vừa bưng ly rượu kê lên miệng chưa kịp uống thì con Phượng ròm mặc bộ đồ ngắn cũn ngắn cỡn đi ngang, nó ốm nhom nhưng cái mông nó ngoảy qua ngoảy lại nhọn lểu làm Tư Khai nóng mắt.
    Ổng ực một phát hết nửa ly rượu kêu nghe cái trót rồi dằn mạnh cái ly xuống bàn giọng ồm ồm:
    - Con gái con đứa, mặc cái quần chi mà có một gang, mẹ bà nó, tưởng khoe cái gì ra coi cho đẹp, ai dè đưa cái đít lép xẹp, bắt chảo lên thắng một năm chưa ra được muỗng mỡ...
    Con Phượng đâu có vừa nó la léo nhéo:
    - Đồ thứ già mắc dịch, rảnh quá chọc cho thiên hạ chửi, ốm mập gì kệ cha người ta, nhậu vô hết chuyện nói, nói bậy coi chừng có ngày bị vả tét miệng.!
    - Mầy ngon đứng lại! mầy nói ai mắc dịch? đồ con nít ranh! mầy đòi vả miệng ai?
    Miệng con Phượng trề ra cả tấc, nó tỉnh bơ sấn lại:
    - Tui đi ngoài đường, tui nói vậy đó, tui có chọc ghẹo gì ông chưa mà ông chỏ mỏ vô chê khen? ông ngon, nói tiếng nữa là thấy cái cảnh....
    Chú Tư Khai giận run, đứng bật dậy, miệng lập bập:
    - Đồ mất dạy, đồ cô hồn sống.
    Con Phượng độp lại liền:
    - Còn đỡ hơn cái thứ già mà đi...dòm đít con gái.
    Không kềm chế nổi, Tư Khai chụp cái ly trên bàn phang đại vô con nhỏ vừa ròm vừa dữ, nhưng chú Sáu Hiến và Út Bình đã kịp chụp tay chú ngăn lại, út Bình can ra và nói ngọt cho con Phượng đi về:
    - Thôi bỏ đi bây, ổng cũng say rồi, về đi, tụi bây sao cũng chằn tinh quá...kệ ổng đi, ổng già còn hơn cha má mầy nữa, thôi về đi!
    Con Phượng te tái vừa đi vừa nói ''với với'':
    - Tại ổng chứ bộ, ở cái xóm nầy mà hổng chằn là mấy ông xỉn xỉn vô muốn nói trời nói đất hay muốn làm gì, ai biết sao cản được, tui nể chú Út nha chứ tui hổng sợ ai hết đó.
    Chuyện chỉ có vậy mà từ buổi tối đó cho đến sáng sớm hôm sau trong xóm rộ lên cái tin ông Tư Khai đi bóp đít con Phượng ròm, nguyên xóm chừng hai chục căn nhà chứ mấy mà náo loạn tưng bừng:
    - Tao nghe anh Sáu về nói lại rỏ ràng ông Tư chê con nhỏ Phượng lép xẹp nên mới đưa tay sờ thử ai dè nó chửi té tát...
    Vợ Sáu Hiến chưa kịp dứt lời thì cô Ba Vân xỉa liền:
    - Vậy là Bà cũng không thấy mà chỉ là nghe ổng kể lại? mà nghe kiểu gì sao kể không đâu vô đâu? Cái gì lép xẹp? sờ thử? sờ chỗ nào? trời ơi...hổng nghe hổng biết thì thôi, chứ nghe kiểu vầy tức muốn ói máu.
    Chị Bé chủ quán hủ tiếu vừa hất vắt mì vừa trụng vô tô vừa tía lia:
    - Ôi! anh Tư ảnh vắng vợ lâu thì ''bốc hốt'' bậy chút chơi chứ có quan trọng gì đâu mà sáng giờ ai cũng rần rần, nghe mệt thiệt chứ.
    Út Bình rề cái xe tấp vô:
    - Bốc hốt hồi nào, tui nhậu chiều qua với ổng đây, con nhỏ đi ngang ổng ngó theo tính mở miệng ghẹo chọc chơi, chưa gì thì sanh chuyện, con nhỏ dữ bà cố luôn, giờ thêm miệng của mấy bà nữa, ai nghe mà hổng sợ cái xóm nầy tui mới...sợ á!
    - Chú Út binh chú Tư Khai chứ gì, tối con Phượng nó kể hết sạch rồi, chính miệng nó nói Ổng già mà sàm sỡ phát ớn, phải kể thôi, chứ nếu không mai mốt ai biết đường mà tránh.
    Chị Tám Đúng ngồi ăn cuối quán nói vọng lên.
    Thằng Trí đi làm ca đêm về tính ghé vô ăn tô hủ tiếu nhưng nghe người ta rùm beng chuyện cha mình, nó nép vô quán ca phê sát bên nghe ngóng rồi lầm lì vác cái mặt nặng như chì xộc vô nhà, lôi ông Tư dậy rồi hỏi xẳng lè:
    - Hồi chiều qua Cha làm gì con Phượng mà xóm làng họ la rần rần kia kìa?
    Ông Tư chưng hửng:
    - Tao có làm gì nó đâu nà...
    Ông nheo nheo đôi mắt chưa kịp tỉnh hẳn ráng suy nghĩ coi bữa nay thằng Trí làm cái giống gì mà mặt mày quạu đeo, nói năng cộc lốc, kỳ cục vậy cà?
    - Hổng làm gì mà họ đồn rùm, con hết biết Cha luôn, già mà để người ta cười mình, nhục thúi đầu.
    - Mầy im hôn? tao nói không có là không, đứa nào hỗn tao đập chết mẹ.
    - Không có, sao họ chỉ ngay Cha, thiếu gì người họ không nói mà nói đích danh nhà mình.
    - Dẹp! mầy tin tao hay tin đám đàn bà nhiều chuyện xóm nầy? đừng chọc nóng tao nghe! Tao nói lại lần nữa không là không! Riết rồi con cái có đi học đi làm mà ngu như cái dân đứng b..ế..n....
    Ông bỏ lửng câu nói, đôi mắt sụp xuống tối sầm.
    Thằng Trí cũng lẳng lặng bỏ xuống nhà sau, nó mệt mỏi sau một đêm miệt mài làm dưới khu công nghiệp.
    Gì chứ nó biết trên đời nầy cha nó thương nó nhứt và ổng cũng không phải là người xấu xa tệ hại.
    Xấu sao được khi một tay ổng chăm bẵm nuôi nấng lo toan cho nó hơn hai chục năm nay.
    Má nó bỏ đi hồi nó chưa đầy ba tuổi, nó còn biết cha nó không hề oán hận người vợ bạc tình bạc nghĩa, nó còn biết đêm ngày ổng lơ ngơ lóng ngóng chỉ mong một điều không thể nào có được dẩu có khi hàng xóm hét chửi ai đó tương tự khốn nạn như má nó thì ổng cũng rùm beng phóng góp theo lời tục tằn.
    Cái xóm nó vậy đó mà.
    Chuyện Tư Khai sàm sỡ con Phượng chưa kịp lắng xuống thì cả xóm bật ngữa khi nghe tin Bà Hai Khởi đi cậy người viết đơn thưa kiện thằng em chồng cái vụ tranh chấp nhà cửa gây xích mích nghiêm trọng.
    Cái chuyện tranh chấp nhà cửa thì không lạ gì vào thời buổi nầy, nhưng Bà Hai Khởi năm nay hơn bảy mươi mà có ''bồ'' rồi sanh chuyện thưa gởi mới là đề tài để cả xóm nhỏ to xì xào.
    Thiệt ra Bà Hai quê xứ Gò Công, thôi chồng có ba bốn đứa con rồi mới gặp Ông Hai Khởi, ông nầy vợ chết lâu rồi nên rổ rá cạp lại, hai người sống yên lành hơn mười mấy năm qua.
    Ông Bà được người ta cho vô vườn róc lá dừa, bó lại thành bó rồi bỏ mối cho mấy lò đường gần đó.
    Trước khi có vụ nhà nhà xài ga thì ông bà chở lá qua phà bán lẻ cho người ta chụm nấu, chỉ vậy thôi, mà nghe đồn sắm được... vàng lượng để dành phòng thân.
    Lớn tuổi ăn uống đâu có bao nhiêu nên của hổng vốn (dù ''của'' chỉ là thứ người ta bỏ đi) đủ làm ông bà không phải lo no, lo đói mà cứ tà tà qua ngày, không giàu bằng ai chứ cũng chưa ai trong xóm thảnh thơi như hai ông bà.
    Nhưng đời không ai lường trước được điều gì, nhà có hai người mà mấy khoẻn vàng ky ca ky cỏm bao năm nay bỗng biến mất trong tích tắc.
    Ông là đàn ông mà lúc nào cũng kè kè cái ''của chìm'' đeo niệt bên người, nay quỷ thần nào xui giục, mà ông quên để hở nó ra, khi đi tắm nên lúc trở vô túi vàng không cánh mà bay.
    Ông đổ cho bà lấy, bà đổ cho ông là người lòng lang dạ sói, bao năm bà không động tay vào, nay can cớ chi mà phải ăn cắp, mà dẩu có tham lam thì lấy được rồi biết giấu đi đâu? biết xài vô cái ngã nào?
    - Một lũ con bốn đứa nó xúi bà chớ ai?
    - Tui không là con thú như ông nên không nghĩ ra cái điều khốn nạn đó.
    - Thú nè! ăn trộm nè! ăn cắp nè! muốn tan tành tao cho tan tành!
    Và một trận ẩu đả bằng miệng mồm lẩn tay chân chưa từng thấy trong lịch sử của các cặp vợ chồng già nổ ra tưng bừng.
    Ông dứt khoát bỏ về Hậu Giang ở với đứa con riêng duy nhất của ông, và bà mặc nhiên chiếm lỉnh căn nhà nằm sâu tuốt cuối xóm.
    Và ngộ thiệt, đàn ông, đàn bà kể cả gần đứt hơi mà không đủ đôi đủ cặp thì cũng như bông như hoa mới nở hay sắp tàn, dù nở ở hang hốc hay kẹt đá cũng có bướm ong dập dìu săm soi, lượn đáp.
    ...Ông già có chiếc xe đạp điện đỏ chạy chầm chậm vô xóm, thằng Lâm chuột thấy trước tiên, nó chuyên môn canh ''cớm'' cho tụi đá gà độ, nên con mắt nhà nghề của nó dể gì tha, nó quét mắt một cái rồi hỏi khơi khơi:
    - Kiếm nhà Bà Hai ''khỏ'' hả ông già? giờ nầy dễ gì gặp, cho vài điếu thuốc rồi tui kêu bả dùm cho, giờ mà ông tới ngay trước cửa kêu có bả- tui cùi.
    Ông già nhìn nó rồi rà chân từ từ cho cái xe ngừng hẳn, ổng mở miệng lều phều:
    - ''Qua'' không hút thuốc lâu rồi chú em, vậy chứ cô hai đi chợ hay đi đâu mà không có nhà em?
    - Bả mà chợ búa gì, ngày có gói mì là ăn trối chết, có khi quên ăn luôn, bả ''múa quạt'' đằng kia cà, ông giỏi thì đi mà kiếm.
    Nó kiếm chuyện vậy thôi chứ Bà Hai đã hẹn hò ổng sẳn, nên chờ đằng nhà từ hồi sớm, ổng chạy cái réc tới trước nhà là có bả chờ sẳn đón tiếp rồi.
    Không chờ đến ổng về, thằng Lâm rống từ đầu ngỏ:
    - Bà Hai nầy coi vậy mà là ''hàng độc'', ôi trời từ thuở giờ mới thấy già mà có ''ghệ''..
    - Trời! thiệt hôn mậy? bả già vậy làm gì có chuyện đó, mày độc mồm độc miệng thì có.
    - Láo, Bà bắn! tui mới nói chuyện với ông đó nảy giờ nè, ổng ở xóm trên chớ đâu, bà lên miệt An Thượng hỏi ông Hai Rocket, ai cũng biết, ổng giàu lắm.
    Thằng Lâm chuột ghét vì không moi được điếu thuốc nào nên nó chế thêm tỉnh bơ, còn giả bộ thề thốt Bà bắn!( Bà nào bắn nổi nó với lại ai có tên kỳ cục vậy, mà thằng nầy nó đặt cái...chết danh ông già luôn).
    Vậy là cái tin bà Hai có ''bồ'' lan nhanh, không những đầu làng cuối ngõ ai cũng hay mà thằng em út của Hai Khởi ở tuốt bên chợ cũng bị điếc tai vì cái sự việc giật gân đó.
    Một đồn trăm, trăm đồn thiên, thiên đồn vạn, ai làm sao bưng bít được mấy cái miệng rảnh rang của xóm bến phà.
    Lâu ngày nhịn không nổi nên thằng em chồng bực bội gõ cửa nhà bà chị dâu và dằn từng tiếng rành rọt:
    - Tui là nể tình anh tui dữ lắm nên làm thinh cho chị ở đây tới cuối đời, ai dè chị làm cái gì ''sống nhăn'' vậy chị Hai?
    Chị quên đất, nhà nầy hồi đó tui cho anh chị ở đậu sao?
    Giờ một là chị trả tui, hai là tui thấy cái thằng cha Rốc- ca, Rốc-két gì đó léng phéng tới đất tui, tui quýnh bỏ mạng? chị làm sao coi cho được thì làm!
    - Tui làm gì mà Chú ''ong óng'' cái miệng lên vậy? tui thách chú đó!
    Đất thì của chú thiệt, tui không giành, nhưng hồi đó chú cho vợ chồng tui cất nhà, nó là cái vũng lạng nhỏ như bàn tay.
    Con tui với tui chèo ghe ra sông móc đất về đắp nền, dựng nhà, thằng anh chú nó không rớ được tới một cọng lạt. đừng nói làm ra trò trống gì.
    Không có tui nai cái lưng trâu nầy ra mang gánh, ổng sung sướng được như giờ hôn? mà thôi, tui với anh chú hết nợ hết nần, chú đừng đá động gì tới tui nữa, vậy đủ rồi, tui cám ơn!
    - Chị già nói gì ra, ráng làm ơn để em út nó nể, ăn nói ngang phè mà còn thách với thức, hông lẻ nói chị dốt mà còn làm tàng thì cho chị ra mình không, khỏi thách, ai đời ở nhờ ở đậu không có miếng giấy lận lưng mà còn kình với chống...
    - Không đền đủ một trăm triệu tiền công mẹ con tao gánh đất, làm nhà, đố cha thằng nào xeo tao ra khỏi nhà tao.
    Thằng em chồng bỏ về không quên quăng lại cái cười khinh bỉ kèm theo tiếng nghiến rít:
    - Thằng nầy mà ra tay, cỡ bà không còn cái quần mà che mặt, chống mắt lên rồi...biết!
    Thằng em chồng về một buổi rồi, bà Hai vẫn còn ngồi bần thần, nó nói không có trật một chỗ nào, phen nầy mình phải làm sao? phải đi thưa nó trước mới được, nếu không....
    Nói cho sướng cái miệng xong bà mới giật mình.
    Cả cái xóm nầy nói năng văng mạng, ngang phè thì không ai bằng chứ còn thưa gởi biết đường nào mà viết đơn.
    Bà loay hoay, bà tính nát nước, bà nghĩ suy lung lắm....
    À...mắt bà sáng rỡ, chỉ còn một cách là nhờ con Quyên vợ thằng Nhân thôi, từ lúc về xóm nầy tới giờ ai cũng thương nó, con nhỏ hiền khô, già cả như bà nhờ một tiếng, nó sao nỡ chối từ, không giúp đỡ?
    Nghĩ là làm liền, mua chút quà gì chứ?
    Bà lần tới cục gạch sát cạnh bếp, khom người xuống một chút., thò tay quơ quơ nhấc viên gạch ra.
    Bà tá hỏa.
    Trống trơn, trống phộc, bà trợn trừng...bà giảy đành đạch, bà la làng chỏi lỏi...
    Nhưng dù có la khóc đến khản cổ, có kể lể, lê lết đến lả người, có bỏ cơm bỏ nước đến thân xác rã rời thì cái gì đã mất đi vĩnh viễn không tìm lại được.
    Có người chép miệng ''Của Thiên Trả Địa'', có người xót xa cho ''mối tình'' chớp nhoáng như ''xi-nê-ma'', có người đoán già đoán non nhiều khi ông chồng sau trận cải vã bữa đó đã vớ được món hời nên lẳng lặng bỏ đi, có người nói bà nầy để dành tiền cả đời đem chôn ở đâu, giờ già nên lú lẩn kiếm không ra chứ tiền vàng không lẻ có chân mà chạy từ chỗ nầy sang chỗ nọ.
    Tất cả nhốn nháo nhưng thảy đều không có câu trả lời xác đáng.
    Bà Hai trở nên lăng câm chỉ biết là bà bị mất cái gì đó, mà theo ý nghĩ bà thì còn lớn hơn cả sinh mệnh mình nên bà mới trở thành cái xác không hồn như vậy.
    Bà không mở miệng xởi lởi thêm một lần nào nữa và bằng lòng bó người trong nhà như một sự tự trừng phạt hay tự nghiền ngẫm thói người thói đời.
    Ông Rốc-két cũng lạ, không còn thấy một lần léo hánh.
    Thằng em chồng không hề đá động gì chuyện đất đai chủ quyền, nghe đâu nó ráo riết lôi kéo bắt ông Hai Khởi phải về nhưng ổng bặt tăm.
    Thằng Lâm chuột luồn tuôn sáng ghé, chiều ghé.
    Ngoài miệng thì nó nói coi chừng để lỡ bả ''đi'' không ai hay, kỳ thực nó đổ gạo cho bà nấu cơm, gạo nó ''trấn lột'' ai đó cũng không hiểu nổi.
    Người trong xóm cười nó vì dạo nầy ngồi không, nó ưa mở miệng triết lý kiểu như ''Vợ chồng dù chỉ một ngày cũng chớ có nên ba xạo, nếu không sẽ.. ôm hận ngàn thu'' hay ''Bảy mươi chưa gọi là lành,'' cao hứng lên nó còn hát om xòm ''Sống trên đời nầy người giàu sang cũng như người nghèo khó''...
    Nhưng ''cũng như'' sao được, giàu ở đâu không thấy chứ nghèo ở đây thì lóc nhóc.
    ...Mấy ngày nay mưa gió bão bùng, mới chừng ba giờ chiều cả xóm một phen hú vía vì nhà chú Chín Thà bị hai thằng ''xã hội đen'' đến đập phá điên cuồng.
    Nói đập phá vậy chứ trong nhà chỉ có cái bàn cũ xì thấp thấp bằng nhựa là ngay tầm tay hai thằng mất dạy đó.
    Một thằng giựt lấy quăng cái rốp ra đường, còn một thằng lôi xềnh xệch con Phượng, nó xô con nhỏ chúi nhủi ra giữa đám đông đang rần rần kéo lại bu đen bu đỏ.
    - ĐM, cỡ mầy bây lớn đây thì cái gan mầy bự bao nhiêu mà dám trốn không trả tiền cho tụi tao hả mậy? cho mầy nói một tiếng đó, mầy biết bữa nay là vốn lời tổng cộng bao nhiêu chưa?
    - ĐM, tao ghét nhất là bắt máy kêu mà nín thinh im re (thằng kia hùng hổ xấn tới) tao đập bể nát cái điện thoại rồi đó, cộng vô tiền mầy thiếu cho bỏ tật trốn không nghe máy.
    Con Phượng ngày thường hung dữ đâu không biết chứ giờ mặt mày nó tái le tái lét, nó run rẩy ngồi co rúm dưới đất, hai tay ôm đầu kiểu như nửa che mặt, nửa tránh đòn.
    Chú chín Thà chống cây nạng lập cập quýnh quáng năn nỉ hứa trả nợ cho con.
    - Hứa, hứa hoài, chân cẳng ông chừng nào mới tháo bột, gảy mẹ chân nó rồi ai mướn ông làm nữa mà hứa có tiền trả? con nầy hồi mượn tiền mầy hứa góp ngon lành quá, giờ giỡn mặt với tao hả? cái mạng mầy chưa đủ cái tiền nợ nha con!..chừng nào trả?(nó nhào lại thị uy).
    Đám đông nhốn nháo, ai đó hét lên:
    - Người ta thiếu từ từ người ta trả, ai giựt được với tụi bây, làm gì mà muốn ăn tươi nuốt sống con nhỏ vậy? giết nó giờ cũng không có môt cắc, dám giết hôn?
    - ĐM, thằng nào nói? ngon ra đây, không có tiền thì im hết mẹ tụi bây đi! chuyện tao, tao xử. Con quỷ kia, mầy có miệng hôn hay câm rồi?
    Chú Tư Khai nhảy vô:
    - Nó thiếu mấy chú bao nhiêu?
    - Mười triệu. Tao nói một lần chót, giờ có nhiêu đưa nhiêu, đúng một tuần sau tao quay lại, không có thì kiếm đường mà chết trước, chứ là tao xé banh xác, ngon- dám lèng èng với tụi tao, chưa biêt trời cao hả con?
    Con Phượng khóc thảm thiết, nó nói đứt quảng:
    - Con mượn có hai triệu rưởi hà!
    Đám đông rần ì chửi lén cái quân bất nhơn, quân giết người, quân ăn lời dã man.
    Nó nắm cổ áo con nhỏ lôi dậy.
    - Giờ mầy đưa bao nhiêu? nói!
    Chú Tư níu con Phượng can ra, nhưng không gạt nổi cánh tay của thằng hung hãn.
    - ĐM, thằng nào có tiền bỏ ra trả, còn không thì biến, nhào vô lộn xộn, tao quất chết mẹ.
    Chú Tư làm sao cự được với hai thằng đầu gấu, chú ỉu xìu bất lực ngó con Phượng.
    - Buông con nhỏ ra!
    Ngơ ngác, rồi đám đông nhao nhao mừng quýnh...
    - Mầy ngon, bỏ tiền cái rụp ra rồi muốn nói gì nói.
    - Tao nói buông con nhỏ ra!
    -Tiền?
    -Bao nhiêu?
    - Mười triệu.
    -Mầy thiếu nó bao nhiêu Phượng?
    - Dạ...hai triệu rưởi.
    - Sao ăn lời cắt cổ vậy? mầy ở đâu tới đây?
    - ĐM, hỏi cái mặt lì của nó kìa, góp xách hơn nửa năm rồi trốn mất. Còn tám tháng, mỗi tháng ba chục phần trăm, giỏi,tính đi!
    - Tính cái l...con mẹ mầy! Dòm cho kỹ mặt tao! Con Trang bến phà đây! dân ở đâu thì về đó. Tao trả ba triệu! biến!
    Và nó cầm ba triệu đưa ra kênh thẳng ngay mặt thằng đầu gấu.
    ....
    - Mọe! chê không lấy thì cũng biến luôn, nó góp cho mầy sáu tháng là dư vốn dư lời rồi, mầy dân xứ nào, cần tao tới đó quậy banh chành hôn?
    Thằng kia nháy mắt cho thằng nọ lấy tiền rút êm, cả nhà con Phượng thiếu điều quỳ lạy cám ơn con Trang.
    - Mầy mượn tiền chổ Bờ Ổi hả? mượn đặng sắm quần sắm áo ''quạ diều'' ở quán cà phê chứ gì? Quán nó trả mầy bao nhiêu một tháng?
    - Con làm lương triệu tám.
    - Xài cho dữ rồi mượn nợ tè le, dám mượn dân cô hồn, tụi mầy mới nứt mắt ra ''chưa thấy quan tài chưa đổ lệ'', dòm ba má mầy cà..
    - Con nhỏ nầy nó gan dữ trời chị Trang ơi, sao hồi đó mầy không hỏi chị Trang, phải đỡ khổ hôn (thằng Lâm chuột xen vô) ai dè con Phượng thiệt thà trả lời:
    - Cô Trang dữ gần chết, ai dám hỏi.
    - Cho vay mà hiền đặng tuột quần hả? mầy thấy ai cho vay mà khùng vậy chưa? giờ một tháng mầy trả tao ba trăm, còn triệu rưởi ráng chừa ra phụ ba má mầy, trả cho tao đủ một năm, mầy làm hổng xong tao cắt cổ, để khỏi sống ương ương mất công chật đất.
    Thằng Trí nảy giờ chen đâu trong đám lổn nhổn giờ bước ra nói nhỏ nhỏ:
    - Để con trả cho Cô mỗi tháng năm trăm, chú Chín biết chừng nào mới làm lại nổi, cho con Phượng năm nay ráng mần để có tiền phụ ba má nó.
    Chú Tư Khai với cả xóm ngó thằng Trí...đứng hình.
    - Ha..ha..ha, anh khéo dạy thằng nhỏ há anh Tư, mầy ngon lành đó Trí, Cô không tính lời, tháng nào kẹt quá thì thôi, miển sao trả đủ ba triệu, mầy hứa là chắc ăn như bắp...chừng nào tính cưới nó đây mậy?
    Nó lủi mất tiêu, đám đông tản hết ra, mấy ông tụ lại nhà Chín Thà, ngồi bệt dưới đất châm trà...thời sự (có cái bàn bị quăng bể nát còn đâu).
    Tối bữa đó cha con thằng Trí rầm rì tới khuya, chú Tư nói ''mầy lớn thiệt rồi, biết lo biết nghĩ tao mừng. Giờ tao đi kiếm má mầy'',
    - Má không về được thì là má không muốn, Cha đi kiếm làm chi?
    - Nhiều khi má mầy mặc cảm hay vì cái gì đó, mình không kiếm, không hỏi sao biết được.
    - Biết ở đâu mà kiếm cha ơi, rồi tiền đâu cha đi hoài, mà lỡ như cha có thấy má xẹt ngang, làm sao Cha nhận ra?
    - Thằng nầy khờ... có ai nhìn mà không biết vợ mình, mà thôi để tao đi một chuyến...
    - Cha mới...khờ, đi kiếm kiểu như Cha biết bao giờ mà gặp Cha ơi.
    Trong đêm, thằng Trí đâu thể nào nhìn thấy hai con mắt của cha nó sâu hun hút buồn hiu hắt.
    Vậy là chuyện ''Tư Khai đi kiếm vợ'' thành đề tài cho cái xóm nầy biêu riếu bàn tán.
    - Cha nầy khùng hay sao, vợ bỏ đi hai chục năm mà đi kiếm, chắc trên đời nầy hết đàn bà.
    Chị Bé hủ tiếu tấm tắc:
    - Vậy mới là đàn ông chung thủy, đời nầy dễ gì kiếm ra đàn ông như anh Tư? có ai làm được như ổng hôn?
    Chị Bảy bán khô nạt ngang:
    - Chung thủy cái con khỉ, chả làm tui mất mối ngang xương, chiều nào chả cũng lai rai, có chả là tụi nó kéo lại rần rần, thiệt là ''chả'' nghĩ kiểu gì mà đi kiếm kiểu trớt he vậy cà?
    - Trớt đâu mà trớt, biết đâu...
    Tiếng ai đó xen vô phụ họa.
    Má Năm hối chị Bé nấu hai tô đem về nhà lẹ lẹ:
    - Mầy lo nấu cho khách trong quán, không nấu riết cho tao về, đi mà lâu cha nội nhà tao kiếm chuyện um sùm, phải ổng được như phân nửa Tư Kha tao cũng lạy mà hầu.
    Cô năm Hiếu lật bật đẩy xe bắp nấu vừa đi vừa sụp cái nón lá che con mắt đỏ hoe. Ai mà tinh ý hỏi sao vừa đi vừa khóc biết nói đàng nào cho khỏi ''lòi chành''?
    Nhớ hồi thằng Trí mới lớp một, lớp hai cô ưa nhét mấy trái bắp mập ú, hột đều trân, cho nó cạp đỡ đói vì Chú Tư Kha chạy xe chở khách chưa kịp về.
    Lâu lâu có ông nào dòm ngó thì cô lãng tránh, đổ thừa còn phải nuôi má, nuôi em chứ thiệt ra cô thương đứt ruột hình ảnh anh Tư tẳn mẳn dụ thằng nhỏ ngồi yên, anh cắt cho sạch mấy bộ móng tay móng chân.
    Cô vừa giận mình vừa thương mình sao mắc gì phải đợi chờ, phải vấn vương cái người mà suốt bao nhiêu năm tâm tư cứ gởi theo con vợ bạc nghĩa bạc tình.
    Cô lầm thầm ước gì ''ảnh đi cho chán rồi cũng trở về lủi thủi một mình với thằng Trí cho coi''.
    Ừ.. vậy đi, cô cứ lan man, cứ nghĩ suy..chiếc xe nghiêng qua, nghiêng lại.
    Cô đi như chạy mặc ai đang xì xào:
    - Dân bến phà kỳ cục ghê, bán bắp mà không sợ ế, người ta kêu mua rát họng vậy chứ đẩy đi hoài, bà nầy chắc...ma nhập chứ bán buôn gì....
    Nắng lên đọng trên đôi mắt cô những giọt ngân ngấn lung linh...dân bến phà không giống ai hết trơn....! Sao kỳ vậy ta??

Kết Thúc (END)
Đinh Lan
» Dân Bến Phà
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam