Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bầu Trời Sau Ô Cửa Tác Giả: Sưu Tầm    
    Xung quanh cuộc sống, tôi bắt gặp những câu chuyện hay và đẹp về cuộc đời như câu chuyện về cô bé Hải An – thiên thần ánh sáng đã hiến giác mạc của mình để đem lại niềm hi vọng ánh sáng cho cuộc đời khác trước khi em phải xa rời thế giới này, là câu chuyện một bệnh nhân 15 tuổi bị suy tim đã được cứu sống sau nhiều nỗ lực của các chuyên gia y tế và bác sĩ để vận chuyển một trái tim từ Hà Nội vào Huế. Người hiến tim là một thanh niên rất trẻ, không may bị tai nạn và rơi vào trạng thái chết não. Ở thời điểm đó gia đình anh đã quyết định hiến toàn bộ nội tạng. Mỗi câu chuyện cuộc đời đều rất đẹp lan tỏa tình yêu thương đến mọi người. Nhưng khi bắt đầu tham dự cuộc thi tôi lại nhớ đến và muốn viết về một câu chuyện thật gần gũi, thật giản dị và cũng vô cùng trong sáng. Câu chuyện về một cậu bé tự kỷ cũng là học trò của tôi.
    
    
- o O o -

    Cách đây khoảng hai năm, lúc đó tôi là một cô giáo khá trẻ. Tôi được giới thiệu nhận dạy một bạn học sinh tại nhà và chăm sóc bạn ý luôn. Lúc mới đến, hình ảnh đập vào mắt tôi là một cậu bé tự kỷ tên M, M chưa có ngôn ngữ. Hàng ngày bạn ý hay đứng bên khung cửa sổ ngước nhìn dòng người qua lại.
    Công việc dạy và chăm sóc M là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời của một cô giáo trẻ như tôi. Sáng sáng một trong những việc của tôi là dẫn M đi đến công viên gần nhà. Trên con đường đến công viên đi qua một khu chợ, nơi có rất nhiều người, việc của tôi và M là ngày ngày cứ đi qua đó. Tôi bắt gặp bao ánh mắt nhìn mình, người như cảm thông cũng không ít người hoài nghi nghĩ tôi đang bắt cóc trẻ con.
    Đôi lần tôi cũng muốn có người hỏi han học sinh của mình một chút bởi việc ra ngoài của hai cô trò là muốn M hòa nhập, tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn. Nhưng nhiều lần cũng chả có ai quan tâm đến chúng tôi mà chỉ nhìn. Dường như mọi người vẫn cón ái ngại và chưa biết tôi và M là thế nào.
    Tôi nhớ có một lần khi đi qua khu chợ một bác bán gạo thấy tôi và M thì vui vẻ, tươi cười hỏi han, tôi cũng cười, chào đáp lại bác. Bỗng nhiên khi tôi và M đang dừng lại thì bất ngờ cậu bé lấy tay vẩy vào thúng gạo của bác, làm gạo tung tóe ra khắp mặt đường. Khuôn mặt bác bán gạo bỗng biến sắc, từ vui vẻ trở nên tức giận. Tôi cũng ái ngại xin lỗi bác và vội kéo M đi trong con mắt của biết bao người ở gần đó đổ dồn vào. Vậy thì còn ai dám gần M nữa? Tôi tự hỏi.
    Sau đó, tôi dẫn M đến công viên nơi đó có khá nhiều người, đó là các bác trung niên đến tập thể dục. Hồi đó tôi ấn tượng với nơi này. Một công viên nhỏ nhỏ nhưng lại là nơi tôi chứng kiến nhiều cuộc đời.
    Các bác trung niên hay ngồi trên ghế đá truyện trò, cùng nhau hát, có lần M cũng ngồi cùng trên ghế đá ấy. Có Bác thấy M thì vừa hát vừa đung đưa theo điệu nhạc và nhìn M vui vẻ. M vẫn nhìn chung quanh với ánh mắt vô hồn của một cậu bé tự kỷ. Dường như có điều gì đó ngăn M đến với mọi người.
    Có đôi ba cô bé, cậu bé nhỏ tuổi hơn M nhìn thấy M thì không dám lại gần, có chị có con nhỏ thấy M thì sắc mặt cũng không mấy vui vẻ. Ngồi với M một lúc trên ghế đá cùng mọi người, tôi lại cùng M đi ra chỗ khác. Hai cô trò cứ lang thang hết công viên nho nhỏ ấy cả 2 tiếng buối sáng rồi lại về học.
    Công viên lúc sáng sớm không chỉ nhộn nhịp mà không khí cũng thật thoáng đãng. Thi thoảng tôi lại nhìn M đang cúi gằm mặt xuống những cánh hoa nhỏ xinh, tay nắm những chiếc lá xanh mơn mởm. M vốn ít khi ngẩng mặt lên mà hay cúi như vậy.
    Cả công viên có một bác trung niên là gần gũi với tôi và M hơn cả. Bác và tôi thi thoảng gặp nhau là lại nói chuyện về các bạn nhỏ tự kỷ và về cuộc sống. Có lúc bác bảo hai cô trò ngồi vào đây. Bác hay nhìn ra phía xa, dáng vẻ đạo mạo như một bà tiên hay chí ít cũng có dáng vẻ của một người mà theo tôi là có hiểu biết và lòng yêu thương. Bác hỏi tôi về M: M mấy tuổi? M đã nói được chưa? Lần nào gặp bác tôi cũng như "vớ được vàng" vì bác là người duy nhất quan tâm, hỏi han nhiều đến hai cô trò và theo tôi bác có thể giúp cậu bé gần gũi hơn với mọi người ở công viên đó. Bác bảo tôi:
    - Nếu có con thế này thì người mẹ phải biết hi sinh! Hi sinh cả công việc và mọi thứ để giúp cậu bé hòa nhập. M đẹp trai , sống mũi cao, mặt mũi thông minh nhưng đôi mắt buồn vô hạn!
    Nghe bác nói tôi cũng hơi giật mình. Bấy giờ tôi mới để ý đến đôi mắt của M. Đôi mắt màu nâu như một khoảng trời mênh mông trừ những lúc M thật sự vui còn những lúc khác trông khá buồn.
    Ở công viên, có một bác sáng nào cũng rất chăm chỉ tập thể dục, lúc tôi ra đã thấy bác say sưa, có lúc trên mặt lấm tấm mồ hôi và có lần, tôi thấy bác nhìn M cười. Một bác bảo tôi:
    - Bà này chắc bị thần kinh hay làm sao đấy, tập thể dục gì mà cả một buổi sáng không nghỉ?
    Lúc đó, tôi cũng chỉ biết im, nghĩ bác nói đúng. Lần khác, tôi ngồi cùng với bác trung niên hay quan tâm đến tôi và M. Bác bảo tôi:
    - Bác kia đang bị bệnh nan y sắp chết cháu ạ! Bác ý đang tập khí công để mong khỏi bệnh.
    Tôi khá bất ngờ khi bác nói vậy và tôi tin lời bác hơn vì tôi thấy bác cũng hay truyện trò với bác đang tập thể dục. Cùng một con người nhưng mỗi người lại có những nhận xét khác nhau. Chỉ có sự gần gũi, nói chuyện mới giúp người ta hiểu hơn và cảm thông về nhau. Cũng như M, cậu học trò của tôi, nếu những ai chưa hiểu sẽ thấy M khác biệt và không muốn đến gần bạn ý.
    Tôi thích nhất là được nắm tay M trên những đoạn đường vắng chỉ có hai cô trò. Nơi chúng tôi không chịu những định kiến hay phán xét từ người khác. Nơi đó thật đẹp, đó là một con đường tắt, thi thoảng tôi dẫn M đi qua như một quãng nghỉ để cả hai cô trò thấy thoải mái. Trên con đường ấy, có những chùm hoa ở ven đường đung đưa trong gió và nắng của sớm mai. Tôi thích ngắm những chùm hoa ấy, thi thoảng vặt một bông đưa cho M, cậu bé cũng có vẻ thích thú. Tôi và M lại tung tăng trên đường.
    Câu chuyện của M – một cậu bé tự kỷ khá nặng và những em nhỏ tự kỷ khác khiến tôi suy ngẫm khá nhiều. Cuộc đời của các bạn ý sẽ ra sao nhất là khi bố mẹ già đi hay không còn ai chăm sóc? Đó cũng là câu hỏi của những phụ huynh và những ai quan tâm đến các bạn ý. Có lần, lần đầu tiên tôi dẫn M đi ăn phở. Cậu bé chẳng thể nào ngồi im được một chỗ khi bước vào một thế giới lạ lẫm và kích thích đầy các giác quan. M nghịch cái này, vớ cái nọ, làm tôi cũng "trở tay không kịp". Chủ quán vội ném cho tôi một cái nhìn sắc lạnh như muốn mời hai cô trò ra khỏi quán của họ. Tôi bảo:
    - Chị cho em phở vào túi để em mang về nhé!
    Rời quán, tôi khá bực với thái độ của chị chủ quán đó và đưa M về nhà. Xung quanh M và các em nhỏ tự kỷ còn biết bao người chưa hiểu và định kiến như vậy?
    M là một cậu bé gây ấn tượng cho tôi bởi M không chỉ thông minh chơi điện tử giỏi, thích lật những trang sách như đang muốn đọc, M còn là một cậu bé giàu tình cảm. Có lần tôi nổi nóng mắng bạn ý, M khóc và nhìn tôi. Lúc đó, tôi lại vội vàng lau nước mắt của M và ôm cậu bé vào lòng. Lúc bố M về, bạn ý chạy lại rụi vào lòng bố khóc như muốn mách, tôi chỉ biết im lặng và bố M cũng không nói gì.
    M thích đứng ở cửa sổ ngắm dòng người qua lại....Hình ảnh đó của M cứ khiến tôi thi thoảng lại nhớ đến. Tôi thấy buồn và thương M. Gía như cũng như nhiều phụ huynh khác nếu gia đình có thể kịp thời phát hiện dấu hiệu của con lúc khoảng 1 tuổi và can thiệp tích cực thì có lẽ sẽ ít hơn hoặc không có những câu chuyện như M.
    Nếu như M là một cậu bé như bao bạn nhỏ khác nhỉ? Có lúc tôi đã nghĩ vậy. M sẽ là một cậu bé tuyệt vời vừa thông minh lại tình cảm. Bạn ý còn có nước da rất trắng và đẹp, sống mũi cao mà khó tìm thấy ở một cậu bé khác.
    Câu chuyện của M có nhiều điều khiến tôi phải nghĩ. M có một cô em gái đáng yêu, khá tinh ranh. Cô bé đó rất quý cô giáo của anh trai và tôi cũng quý em M. Nhưng cứ thi thoảng M lại gần là cô bé lại đánh anh mình một cái. Có lẽ cô bé không muốn M đến lại gần, sợ sẽ tranh mất đồ của mình. Có lúc tôi bắt gặp mẹ M đã quát khiến cô bé bật khóc vì đã làm đau anh. Những người anh em của các bạn nhỏ tự kỷ cũng gặp những khó khăn và stress khi có anh, chị mình như vậy. Nhưng điều tôi hi vọng là sau này cô bé sẽ yêu quý và giúp đỡ anh trai mình khi cả hai lớn lên.
    Trong gia đình M, tôi cảm nhận bố M là người yêu quý bạn ý nhất. Lúc ăn cơm anh hay làm trò để con cười nhưng cũng có lúc về nghỉ trưa anh đóng sầm cửa lại mặc cho M đòi bố ở ngoài. Có lần tôi và M đang ở khu chợ. Bà M đi qua hỏi một câu rồi lại phóng xe vù đi, mẹ bạn ý yêu quý con nhưng cũng có lúc bận bịu với công việc...Đôi khi, tôi thấy M thật cô đơn trong chính căn nhà của mình.
    Lúc đó còn trẻ, tôi có khá nhiều câu hỏi đặt ra mà không tìm được câu trả lời. Giờ đây, sau hai năm khi viêt những dòng này tôi mới dần nhận ra. Gia đình và mọi người có thể yêu quý M vì ít ai đã lại thờ ơ trước một cậu bé tự kỷ, lại không nói được nhưng những khó khăn, rối loạn về hành vi là một trong những rào cản ngăn bạn ý với thế giới bên ngoài và cả những người thân. Hành trình gia đình can thiệp cho các bạn ý cũng là một hành trình tốn nhiều công sức, tiền của và cả những hi sinh. Làm gì để giúp M? Chỉ có cách là cha mẹ và cộng đồng, xã hội cần có kiến thức và thấu hiếu các bạn ý bằng cả một tình yêu thương vô điều kiện.
    Quay lại câu chuyện của M, lại liên quan đến một người nữa là chính tôi, cô giáo của bạn ý. Tôi là một giáo viên bình thường như bao giáo viên khác hỗ trợ các em nhỏ đặc biệt. Tôi khá yêu các bạn ý, say mê, mải mê với công việc. dạy M rồi tôi lại nhận dạy một, hai bạn ở xa. Phần vì muốn có thêm thu nhập, phần vì thương những học trò ở xa mà tôi không nỡ lòng bỏ.
    Trong một buổi sáng dạy M, tôi thấy mình xuất hiện một cơn chóng mặt. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cả thế giới quanh mình nghiêng theo. Lúc đó, tôi nghĩ mình không sao cả. Buổi sáng, tôi thường phải dậy sớm cho bắt kịp chuyến xe đến nhà M.
    Dần dần những cơn chóng mặt ngày càng nhiều lên. Buổi tối trong khi mọi người vui vẻ bên gia đình thì tôi thấy cả con đường trước mặt và ánh sáng từ những ngọn đèn chiếu xuống như cũng loạng choạng theo. Một hai tháng sau, tôi thường xuyên đi làm muộn và cuối cùng phải xin nghỉ làm sau bốn tháng gắn bó với bạn ý.
    Nghỉ dạy M rồi, tôi phải nghỉ luôn cả dạy ở chỗ khác. Sức khỏe của tôi chưa bao giờ tồi tệ đến thế, có người bảo sao mà tôi xanh xao như thiếu máu vậy? Có lẽ do tôi đã mải dạy mà quên mất cả việc chăm sóc sức khỏe. Đắn đo mãi tôi quyết định thu dọn hành lý ở Hà Nội và trở về nhà trong sự tiếc nuối nơi tôi đã sáu năm gắn bó.
    Về nhà lại là những cơn chóng mặt hành hạ, tôi đã phải vô cùng cố gắng mới vượt qua được giai đoạn đó. Có lúc, nằm trên giường tôi chỉ ước mình được nghe tiếng chim hỏi líu lo bên hiên nhà như bao người. Hết xuân, hạ rồi lại thu đông. Tôi thấy mình chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Trong khi mọi người vui vẻ với công việc, bạn bè thì tôi mệt mỏi vì ốm. Giữa cái nắng chói chang của mùa hè có lúc tôi còn không cảm nhận được đây có phải là mùa hè hay không khi cơ thể yếu và mệt.
    Tôi chỉ ước mọi thứ sẽ trôi qua, có lúc tôi thấy tuyệt vọng và rồi lại cố gắng từng ngày hết uống thuốc lại ăn uống tập luyện. Nhiều lúc tôi muốn từ bỏ nhưng hình ảnh của M và học trò khác lại hiện lên làm động lực cho tôi cố gắng. Ban đầu, tôi không thể đi được vài bước ra khỏi giường rồi dần dần tôi mới có thể đi lại tốt hơn. Sau đó một năm tôi có thể bắt xe ra Hà nội đi học là cả một kì tích. Một ngày hai ngày rồi đã hai năm trôi qua, mọi thứ với tôi mới dần dần thay đổi và biến cố ấy như một giấc mộng tôi chưa bao giờ nghĩ tới và không dám nghĩ lại.
    Trong thời gian ốm đau đó, tôi như đứa thất nghiệp. Không có việc gì làm, tôi lên mạng tìm những cơ hội. Tôi tham gia hai cuộc thi cho những giáo viên giáo dục đặc biệt và đều dành được học bổng, cùng với đó là giấy chứng nhận trong một cuộc thi viết về giáo dục của VTV7 tổ chức. Cuộc sống của tôi dần dần thay đổi, nó như một bước ngoặt. Từ một giáo viên bình thường, thậm chí như rơi xuống vực thẳm tôi lại đạt được thành tích và được nhiều người chú ý và biết đến hơn. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc, tôi đã cố gắng vượt qua khó khăn và lại tiếp tục đồng hành cùng các bạn ý dù cho có những lần đã muốn từ bỏ.
    Câu chuyện không dừng ở đó, một lần đi thực hành trong một khóa học bên trường sư phạm. Tôi đến thực tập ở một ngôi trường. Lạ thay, tôi lại gặp M, cậu học trò ngày nào mình đã từng nắm tay. M cũng bất ngờ khi nhìn thấy tôi, cậu bé dừng lại một chút. Tôi cũng nhìn lại M.
    Buổi trưa khi ra ngoài hành lang bất chợt tôi thấy M chạy ra. Cậu bé đứng im nhìn tôi như muốn nói điều gì. Giữa sự ồn ào của một ngôi trường hòa nhập cho các bạn học sinh khuyết tật lại có một không gian yên tĩnh đến lạ lùng. Tôi đứng im trong bóng tối và sự im lặng nhìn M. Hành lang vắng lặng chỉ có hai cô trò. Học sinh cũ của mình đó ư? Tôi muốn chạy lại ôm bạn ý vào lòng. Nhưng không dường như có một điều gì ngăn tôi lại không cho tôi đến lại gần cậu bé. Là tôi ngại ngùng hạy bản thân rụt rè. Tôi cũng không biết nữa.
    Sau đó, có tiếng gọi của cô giáo: M ơi vào lớp! Cậu bé vẫn đứng im, cô giáo vội chạy ra và kéo M vào. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ mãi. Nếu như bây giờ, có lẽ tôi nên đến bên bạn ý ôm, xoa đầu hoặc chí ít hỏi han vài câu. Nhiều lần tôi tự trách mình: - Tôi đã từng là cô giáo của M vậy mà không làm được điều đó, vậy thì tại sao tôi lại trách người khác được khi không đến gần M.
    M hay đứng ở bên ô cửa sổ ngước nhìn dòng người qua lại nơi đó còn có một cây cao và nở hoa trắng muốt. Thi thoảng, tôi đứng gần M lấy tay đón những cánh hoa đưa cho bạn ý. M khẽ nở nụ cười và cùng tôi ngước nhìn những bông hoa trắng. Tôi ước những bông hoa cứ nở mãi bởi đó là khoảng trời của riêng bạn ý.
    Sau khi nghỉ dạy M, tôi cũng tích cực học hỏi nhiều hơn vì trong thời gian đó tôi thấy mình cần phải trau dồi nhiều hơn nữa mới giúp được M và cả những bạn nhỏ tự kỷ khác nữa. Tôi nghĩ mình là giáo viên dạy M thì không nên ngại ngần mà cần giúp mọi người hiểu hơn về các bạn ý. Tôi vẫn đi trên con đường của mình và cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày, chia sẻ những điều mình biết về thế giới của các bạn ý đến mọi người. Công việc nhỏ bé và thầm lặng vậy thôi nhưng nó khiến tôi vui.
    Câu chuyện của M và tôi dung dị vậy thôi nhưng tôi cũng thầm cảm ơn. Cảm ơn M một cậu bé tự kỷ, không nói được nhiều nhưng giàu tình cảm cho tôi những bài học, chiêm nghiệm trong cuộc đời mình. Đi cùng M tôi hiểu hơn về thế giới của các bạn ý. Tôi biết yêu thương, chú ý đến bản thân nhiều hơn. Nếu không có khó khăn của ngày hôm qua liệu có tôi của ngày hôm nay, mạnh mẽ và trưởng thành hơn trong suy nghĩ?
    Nhắm mắt lại, tôi thấy M và tôi tung tăng trên con đường ngày nào, lần này có lẽ cả hai cô trò bớt ngại ngùng hơn. Tôi thấy M cười và tôi cũng vậy! Bất chợt tôi nghĩ đến những câu hát trong bài hát nói về suy nghĩ của những em nhỏ tự kỷ:
    Mẹ cho con đi chơi, đừng bắt con ở nhà
    Mẹ cho con nghe nhạc, cùng con học đàn nha
    Mẹ cho con gặp bạn, cho con tới học cô
    Con muốn chơi với cún, muốn bơi cùng với ba
    Nhiều lúc con quên, nhiều khi ăn chậm
    Mẹ gọi không thưa, biết mẹ lo lắng
    Chẳng thể nói ra, con luôn yêu mẹ
    Chỉ biết ôm mẹ, thiên thần của con!
    

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Cho Tôi Xin
» Mảnh Tình Sầu
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Một Thoáng Yêu Đương
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Mơ Xuân
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1