Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Tiếng Sáo Pi Trên Núi Tác Giả: Trọng Bách    
    Sa ngồi lặng im bên bếp lửa, lửa đốt bằng gỗ cây liêu, bốc lên một mùi thum thủm. Người già nói cái rét còn dài lắm, có củi mà sưởi là may rồi. Rừng không còn nữa, muốn lấy củi phải đi bộ ròng rã nửa ngày trời, cái lưng đàn bà bản Mạy còng gập xuống vì cõng củi qua bao con dốc.
    Bên ngoài hàng rào găng, tiếng sáo pi chợt cất lên buồn bã như nước chảy qua khe. Người thổi sáo dầm mình trong sương lạnh, càng về cuối khúc ngân càng run rẩy.
    Sa thở dài, ruột gan héo hắt khi nghĩ đến bóng đêm tăm tối vây bủa chung quanh. Ngày mai Sa lấy chồng rồi, lấy ngay người anh họ do mẹ cha hai bên sắp đặt. Tục lệ bản Mạy xưa nay như thế, anh em họ hàng lấy nhau để thân càng thêm thân, không bao giờ gả con gái cho người ngoại tộc.
    Thế và Sa yêu nhau đã mấy mùa hoa lau nhưng lời mẹ cha sắc như chông chà cắm chung quanh bản, Sa không dám dẫm lên đó để bước qua. Ngày trước bố Thế từ chối hôn ước với người em gái họ để cưới một cô gái nơi làng dưới, về sau bị dân bản ghẻ lạnh phải sống âm thầm như con dúi suốt đời cắm cúi đào hang. Dòng máu chảy trong Thế đã bị pha loãng bởi người ngoài, không nhà nào ở bản này gả con gái cho Thế đâu. Cha mẹ Sa nghĩ đến cuộc đời đắng cay của những người dám vượt qua luật tục, nhất định ép con gái lấy Cùa, mặc cho Sa chới với như thân cây bị lưỡi rìu sắc ngọt phạt vào ngang gốc.
    Tiếng sáo cứ thổn thức mãi ngoài xa kia, Sa khẽ lay vai mẹ, run lên như sắp khóc:
    - Mẹ cho con ra gặp anh ấy một lần. Ðã không đến được với nhau thì cũng phải nói lời từ biệt.
    - Gặp nhau chỉ thêm khổ thôi, lỡ chồng con biết được thì nhà ta còn có mặt mũi nào. Sống ở bản này mà không theo lệ bản thì có chết cũng không thành ma được đâu con ạ.
    Sa nhìn bóng mẹ cong như cái liềm treo trên vách.
    Ngoài kia bốn bề núi dựng im lìm đen sẫm.
    Tiếng sáo pi đã tắt nghẹn rồi.
    *
    Mùa đông dằng dặc lại về trên dãy Cấm Sơn. Sa bỏ thêm một thanh củi vào bếp, hơi lửa táp vào mặt rát rạt, cái rét sắc như cật nứa chui ra đằng sau lưng. Ban ngày trời càng nắng thì đêm càng rét. Vách nhà làm bằng những tấm gỗ xẻ dọc chịu nắng suốt mùa hè nên giờ hở hoác ra, sương núi tuồn vào mù mịt. Nằm trong chăn cũng chả ngủ được, đành ngồi sưởi đến khi nào buồn ngủ rũ ra thì chợp mắt cho nhanh hết đêm. Nhưng đêm nay sao ngồi mãi mà hai con mắt cứ mở chong chong.
    - Mày vừa gặp thằng Thế phải không? - Cuối cùng Cùa cất tiếng, phá vỡ sự im lặng bức bối từ chiều đến giờ.
    Sa ngẩng đầu lên nhìn chồng, chỉ thấy hai con mắt Cùa tối sầm lại. Sa kéo vạt váy đứng dậy bỏ vào buồng nằm. Cùa mang cả vò nước xối thẳng vào bếp. Lửa xèo lên một tiếng rồi tắt phụt. Căn nhà lạnh như trong hang đá.
    Chiều nay Thế đến tìm Sa.
    Thế chờ Sa dưới chân đồi khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, bóng Thế lừng lững đổ dài trên triền dốc trùm lên cái bóng bé nhỏ mỏng manh của Sa. Bàn tay ấm rực của Thế siết chặt lấy tay Sa. Hơi thở dập dồn cố kìm nén vẫn phả vào tai cô nóng bỏng.
    - Tôi nhớ Sa quá.
    Ngày Sa lấy chồng, Thế cầm cây sáo pi thổi mãi, thổi mãi đến khi máu chảy ra đằng mũi rồi đập cây sáo xuống đá vỡ nát mà bỏ đi. Nào ngờ mấy năm sau Thế trở về lập trang trại trồng cây thuốc nam ngay dưới chân núi Cấm, chỗ ngã ba đường dẫn xuôi chợ huyện. Kể từ đó Sa thôi xuống núi. Sợ gặp lại người xưa chỉ thêm đau lòng.
    Bây giờ Thế đã bước vào tuổi ba mươi, đôi mắt đen nheo lại dưới hàng lông mày rậm vẫn đắm đuối nhìn Sa như có lửa. Sa không dám nhìn vào đôi mắt ấy, nghĩ rằng ruột gan mình sắp bị thiêu cháy mất rồi. Nhưng cuối cùng Sa đã rút tay ra được. Mặt trời lặn xuống rất nhanh. Cơn gió núi quét qua mặt Sa làm hai mắt cay xè như vừa mới khóc.
    Tại gió đấy, không phải Sa khóc đâu. Sa cũng muốn đi cùng người đàn ông mình yêu khắp núi cao sông rộng, đêm về tựa vào nhau nghe ấm, sáng ra nhìn mắt nhau thấy vui. Nhưng Sa giờ như cây ngô chết héo trên nương rồi, Thế còn nhớ thương Sa làm gì nữa.
    *
    Sa lấy chồng được bốn năm mà đã sa sẩy mất ba bận. Tới bận gần đây nhất may mắn sinh được một bé trai, Cùa mừng quá mổ ngay con lợn đen to nhất đàn để ăn mừng. Vậy mà đứa trẻ như mắc phải bệnh lạ, nghe tiếng động không biết giật mình, gọi không nói, hỏi không thưa, cứ như khúc gỗ mục nơi góc bếp, như cục đá lăn lóc bên bờ suối. Thầy mo bảo nó bị con ma rừng nuốt mất lưỡi từ khi còn trong bụng mẹ.
    Người bản Mạy vẫn truyền rằng nếu phụ nữ đang có thai mà đi qua suối Cạn lúc chập tối, nghe tiếng ai gọi đằng sau nhất định không được ngoảnh đầu lại. Con ma rừng gọi đấy. Chỉ cần quay đầu lại là nó bắt đứa trẻ đi luôn. Mỗi lần đau đớn chôn xuống bìa rừng giọt máu chưa kịp tượng hình là một lần Sa lại tự dằn vặt mình. Có buổi chiều nào trên đường từ rẫy về nhà Sa đã quên lời người già dặn mà quay lại đằng sau khi nghe thoảng như ai gọi tên mình hay không? Lần thứ tư có thai, hễ đi ngang qua con suối đó Sa lại bấm chặt móng tay cúi đầu bước một mạch. Ðủ tháng đủ ngày đứa trẻ ra đời thì tay Sa cũng lõm sâu như vết dao cứa. Sa giữ được đứa con trong bụng nhưng cái hồn nó lại lạc mất đâu rồi.
    Cùa tuyệt vọng mời bao nhiêu thầy mo về cúng mà bệnh câm của con vẫn không chữa được. Cách đây nửa năm thằng bé bị sốt cao, lên cơn co giật, hai vợ chồng Sa hoảng hốt bế con chạy ra trạm xá xã, từ đó người ta thuê xe đưa xuống tuyến huyện. Cuối cùng thằng bé vẫn không qua khỏi. Sa như phát điên khi mấy người làng cuộn con vào tấm vải để mang đi chôn. Cùa chết đứng cả người. Bố mẹ Cùa ăn ở với nhau mấy chục năm chỉ được một mình Cùa. Giờ Cùa với Sa lận đận mãi không có nổi mụn con. Trời bắt phải tuyệt đường hay sao?
    *
    Cùa quyết định sẽ vào khe Hác để tìm huyết mộc. Huyết mộc là loại gỗ vô cùng quý hiếm. Quả huyết mộc chín mầu đỏ sậm, ruột óng lên như hổ phách, mùi thơm quyến rũ tỏa ra mê hoặc. Tương truyền rằng cặp vợ chồng nào khó khăn đường con cái, tìm được quả huyết mộc ăn một lần là chẳng mấy chốc đầy nhà con đàn cháu lũ.
    Sa nghe chồng nói càng thêm buồn. Ngày xưa người già vẫn dặn rằng, bản Mạy vốn đã ít người, con gái lớn lên phải gả cho người trong tộc, để sinh con đàn cháu đống cho tộc người ngày một đông thêm. Bây giờ bà con mới biết cái tục đó đã sai rồi. Trong bản có mấy nhà cũng chung cảnh ngộ như nhà Sa, sinh con ra mà chẳng đứa nào thành người được. Bác sĩ bảo tất cả do hôn nhân cận huyết. Anh em quá bốn đời mới được lấy nhau, đằng này Cùa với Sa còn chung một ông bà, cưới nhau như thế con cái sinh ra dễ bị khuyết tật bẩm sinh. Ngày trước cán bộ cũng đến tuyên truyền mãi, đến giờ hai đứa đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn đâu.
    Nhân lúc hai vợ chồng ăn cơm, Sa lựa lời bảo:
    - Mình đừng vào rừng làm gì nữa. Tôi nghe nói con cô con cậu lấy nhau, nếu có nảy mầm sợ rằng cũng chỉ ra thứ cây ủng thôi mình ạ.
    Cùa giận quá xô ghế đứng bỏ đi, chân gạt trúng nồi nước làm mấy con ốc đá ngâm trong đó đổ ra tung tóe. Sa cúi mặt chẳng nói gì. Trong bóng chiều chập choạng, cô lần lần nhặt lũ ốc vương vãi chung quanh, lặng lẽ bước tới sàn nước thả hết vào lu.
    Lũ ốc chìm lỉm trong cái lu tối om buồn bã.
    *
    Nghe tin Cùa sắp sửa đi rừng, Thế thấy lòng dạ không yên đành đến tận nhà để tìm gặp. Mấy năm nay Thế cùng trai gái trong bản nhận đất làm trại trồng cây thuốc nam bán cho người dưới xuôi, tiền thu về nhiều mà bản làng có người qua lại nhộn nhịp cũng đông vui hơn hẳn. Bây giờ Thế là người có uy tín trong bản, chả phải khổ như bố mẹ trước đây, cưới nhau già làng không làm chứng nên phải dựng lều sống nơi bìa rừng, tới lúc ốm đau không ai thăm nom, lúc chết không ai đi đưa đám. Bà con quý Thế, giục anh lấy vợ đi cho mâm cơm đỡ trống nhưng Thế cứ lặng im. Bao nhiêu năm qua trong lòng Thế chỉ nghĩ đến Sa mà thôi.
    Cùa sững người lại một chút khi bất ngờ nhìn thấy Thế ngay dưới chân cầu thang nhà sàn. Thế cao lớn hơn Cùa, lưng thẳng tắp như cây huyết mộc, tóc cắt gọn gàng, hai con mắt đen tỏa ra cái nhìn quả quyết. Cùa biết mình thua kém Thế nhiều nỗi, cái tức chẹn lên ngang ngực.
    - Mày đến đây làm gì?
    - Tao đến bảo mày đừng đi rừng nữa, xuống trại thuốc nam làm việc với chúng tao. Khe Hác là nơi lam sơn chướng khí, cánh thợ rừng sành sỏi cũng chưa ai dám vào. Cha mày đang ốm nằm đó, mẹ đã già yếu rồi, mày đi lỡ xảy ra chuyện gì rồi nhà cửa ai lo.
    - Sao tao lại phải nghe mày?
    - Vì lúc nào tao cũng có thể đưa Sa đi khỏi bản Mạy ngay lập tức mà chẳng cần mày đồng ý hay không. Nhưng bao năm qua tao đã không làm vậy. Rồi mày sẽ tự hiểu ra thôi, Cùa ạ - Thế nói chắc như dao chém đá.
    Thế rời khỏi nhà Cùa, sải những bước dài mạnh mẽ trên lối cỏ.
    Trên nhà, Sa úp mặt vào hai bàn tay héo vàng để giấu đi nước mắt. Ðời này kiếp này không đến được với nhau thì thôi, sao Thế cứ mãi nặng lòng với Sa như thế. Giá như ngày xưa Sa đừng yếu ớt như cây lau cây sậy, nghe gió thổi cứ rạp mình mãi xuống thì đâu đến nỗi hôm nay mọi chuyện cứ dùng dằng đến thế này.
    *
    Mặc cho mọi người ngăn cản, Cùa vẫn một mình lầm lũi vào rừng. Dãy Cấm Sơn quanh năm mây mù bao phủ, nhiều người nghe nhắc đến tên đã thấy sợ, Khe Hác lại là nơi hẻm vực hun hút, lúc chính ngọ mới có ánh mặt trời, khí độc bốc lên nghi ngút chưa từng ai đặt chân tới. Cùa đi được ba ngày thì bị lạc, chung quanh núi dựng ngăn ngắt, tìm mãi không thấy lối về. Lương thực mang theo đã cạn, nước uống cũng hết, Cùa lần vách đá, tìm rêu nhai cho đỡ khát.
    Tới lúc kiệt sức gục xuống, Cùa cay đắng nhận ra mình sẽ chết nơi rừng xanh núi thẳm này mà mãi mãi không tìm ra huyết mộc. Rồi Cùa bỗng nghe thấy lao xao tiếng người hú gọi, tiếng chân bước lại gần. Trước khi lịm đi, Cùa nhận ra cánh tay vững chắc của ai đó đã nâng mình lên võng.
    Chính Thế đã dẫn mấy trai bản nữa quyết băng rừng trèo núi tìm Cùa.
    Ðến khi khỏe lại, Cùa dắt con bò duy nhất trong nhà mang xuống trại trồng cây thuốc nam để cảm ơn Thế. Người bản Mạy sống giữa núi rừng, tính tình sòng phẳng, có nợ phải trả có ơn phải đền. Thế mỉm cười không nhận, bảo Cùa đem về để còn kéo cày, muốn trả ơn Thế chỉ cần ở lại đây làm việc ít lâu là được. Cùa suy nghĩ một lát rồi nhận lời. Làm thì làm, Cùa chẳng có gì phải sợ. Cánh trai bản thấy Cùa thôi ru rú nơi xó núi thì rất vui mừng, chúng nó chỉ cho Cùa cách làm bầu đất, cách ủ giống trộn phân, cách thu hái từng loại lá xếp vào bao để bán cho thương lái. Chỗ này đông người qua lại, không chỉ có dân bản Mạy mà người xứ khác cũng đến làm, Cùa thấy tốt hơn những ngày lùi lũi một mình đi bắt ong hay đào măng đắng trong núi nhiều.
    Dần dần Cùa hiểu ra mọi chuyện trong nhà mình từ đâu mà nên nỗi. Cùa với Sa vốn không thể kết đôi, chỉ tại cái hủ tục lạc hậu buộc chân hai đứa lại mới ra thế. Người bản Mạy trước đây sống âm thầm co cụm lại với nhau nên mới lụi dần, muốn vươn lên như cây huyết mộc thì phải tìm ra chỗ sáng.
    Nghĩ đến vợ Cùa bỗng thấy thương. Nó vốn là em họ Cùa, hồi nhỏ hai đứa chơi thân với nhau, củ khoai củ sắn cùng bẻ đôi. Vậy mà giờ Sa đành suốt đời làm thân đàn bà không có con như cục đá kê dưới cầu thang nhà sàn, để cho người ta dẫm lên đến mòn vẹt đi.
    Cùa về nhà vào một ngày đông nắng bừng lên rực rỡ, lặng lẽ vào rừng tìm một cây trúc đẹp nhất để chuốt sáo pi. Cùa đặt cây sáo pi vào tay Sa, khẽ bảo:
    - Sa đi đi. Mang theo cây sáo pi này xuống cho Thế.
    Sa nghẹn ngào nhìn chồng. Bao nhiêu nước mắt đã chảy dưới chân núi Cấm để mong chờ một tiếng sáo pi?

Kết Thúc (END)
Trọng Bách
» Tiếng Sáo Pi Trên Núi
» Khoảng Lặng Bình Yên
» Tiếng Vọng
» Như Những Vì Sao
» Trên Những Dặm Đường Xanh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Bầu Trời Của Người Cha
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đánh Thơ
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển