Lần thứ ba chuyển nhà, vợ tôi nói không biết năm nay mình gặp cái hạn gì mà toàn đụng phải người khắc tính. Đầu năm gặp ông chủ nhà bủn xỉn, căn ke từng giọt nước tính tiền. Không ở nổi, chuyển. Lần thứ hai gặp đứa ở phòng bên cạnh hút hít xì ke ma túy, thỉnh thoảng nghe tiếng rột roạt giữa đêm khuya. Thấy ớn, phải chuyển.
Nên lần này vợ chồng quyết không ở phòng trọ nữa, thuê hẳn cái nhà độc lập. Chấp nhận tốn kém nhưng tránh giáp mặt ông chủ, tránh đụng độ kẻ chung vách. Nghĩ thế thì phải tìm bằng được cái nhà như thế. Một căn nhà cấp bốn cũ nằm gần cuối đường hẻm, đi bộ thêm một chút nữa là ra tới cánh đồng. Nói chừng đó đủ biết vợ chồng tôi đã bị dạt ra tận rìa mép thành phố. Cũng hay, đỡ ồn ào bụi bặm, dù đi làm hơi xa một chút. Chủ cho thuê nhà đang sống ở Mỹ. Ông cụ thân sinh của người chủ đi theo diện Hát Ô (HO - tái định cư sau chiến tranh), rồi bảo lãnh lần lượt từng người con, đứa dâu. Đến lượt ông chủ là hết trọn cả gia đình sang bên đó. Căn nhà cũ này thành ra để không, cho thuê với giá... ưa trả bao nhiêu cũng được, mà không trả cũng xong luôn. Miễn, giữ nhà cửa cho sạch sẽ. Ngày rằm, mùng một quét bàn thờ thay lư nước thắp giùm cây hương. Tôi gốc gác nông dân nên hiểu mấy chuyện lễ nghĩa này. Ở nhà người ta thì cũng coi sóc hương khói bàn thờ tử tế như nhà mình, có thờ có thiêng có kiêng có lành.
Còn hàng xóm thế nào? Vợ hỏi khi tôi mô tả cái nhà vừa thuê được. Ờ, chưa tìm hiểu, chỉ thấy phía bên trái cũng có một cái nhà ống, cách vách nhà mình thuê cỡ hai mét. Hôm tôi đến coi nhà, bên đó đóng cửa, nên chẳng biết. Vợ bảo thôi kệ, dù sao cũng là một cái nhà độc lập, chủ thì xa xứ, hàng xóm cách biệt, thế là tốt rồi, còn lại nhờ trời.
Ngày chuyển đồ đạc đến, xe bán tải vừa bật nắp sau đã thấy một gã khập khiễng triềng tới. Hàng xóm đây, một người thọt chân. Tôi sững người nhìn vợ, áy náy vô cùng. Cả hai vợ chồng không nói ra, nhưng đều cảm giác không thoải mái lắm. Mở hàng, tân gia, cưới hỏi mà gặp người khập khiễng xưa nay thiên hạ e dè kiêng cữ.
Gã đưa hai tay lên ý nói chỉ chân bị tật còn tay vẫn bình thường, xong nhanh nhẹn bốc phụ mấy thứ đồ đạc xuống. Hết đồ, gã cười một cái, đi về bên nhà. Tôi mời gã vào nhà uống nước nhưng gã bảo “để chiều”, thoáng cái thân hình đã khuất sau cửa.
Hàng xóm như thế cũng được. Vợ tôi nói, như chấp nhận cái sự chọn lựa chỗ ở của chồng. Không biết cái lý ở đâu ra mà vợ còn bảo dù gì ở bên cạnh người có tật cũng... yên tâm. Vì những người khiếm khuyết thường biết thân biết phận, khiêm nhường, dễ chịu, ít quấy rối người khác. Nghe cũng rất có lý.
Buổi chiều, như đã có lời hẹn lúc sáng, gã gọi với sang hàng rào bảo qua chơi. Lẽ ra người mời phải là tôi mới đúng, vì tôi là khách xóm này, người đến sau phải chủ động mời mọc làm quen người ở trước. Không cần cầu kỳ khách sáo, gã nói, sống là tạm bợ, chúng ta đều kẻ trọ của đất đai.
Gã chừng bốn mươi tuổi, hơn tôi đến cả giáp, tôi gọi gã bằng anh, gã gọi tôi là chú em. Ngó qua căn nhà, thấy cũng giản đơn, đồ đạc chỉ vừa đủ những thứ thiết yếu. Rót ly rượu đầu tiên, gã nói chỉ sống một mình, không vợ con. Nghề nghiệp là chơi cây, buôn cây và làm vườn sinh cảnh cho nhà người ta. Một cái nghề không lương cố định nhưng không đến nỗi lo đói, lại đỡ bon chen giành giật, được thư thả và thỏa mãn đam mê.
Nửa chai rượu coi như tạm ổn cho buổi đầu làm quen. Tôi không tò mò nhiều, suốt bữa nhậu gã muốn kể gì cứ kể, hỏi gì thì đáp. Tàn cuộc, gã bảo chú em biết cái chân tật của anh không, là tại anh nhìn vợ người ta nên bị đánh gãy đấy.
Thọt chân, vì tội nhìn vợ người?
Tôi cũng không còn bình tĩnh để hỏi xem gã mê đến mức nào, đã a bê xê gì đến mức bị đánh. Hàng xóm như thế thì nhà ai có vợ cũng phải đề phòng. Nhất là khi gã mới đang bốn mươi, không vợ. Và con đầu của tôi chưa bỏ bú.
Tôi về nhà, kể cho vợ nghe sơ sơ gã hàng xóm, tuổi tác, nghề nghiệp, tính tình. Riêng lý do gã bị thọt chân thì tôi giấu. Bởi vì kể chuyện đó cho vợ biết là một điều dại dột. Vợ tôi cũng không săm soi hỏi về cái chân của gã, chắc vì chuyện đó quá bình thường. Ai mà chả có khiếm khuyết nào đó. Thọt chân do bẩm sinh, do tai nạn, cứ để vợ nghĩ như thế hay hơn.
Đêm đầu tiên thật khó ngủ, chưa hẳn vì lạ chỗ. Rượu lúc chiều cũng đã tan hết. Không dưng tôi lại đi nhớ chuyện cái gã hàng xóm. Thọt chân thì ít gây phiền phức, như cách nghĩ của vợ tôi. Thọt chân cũng sẽ yếu thế hơn, nên giả sử có gây gổ đánh lộn chắc chắn gã thua tôi. Những cái đó không cần phải đề phòng nữa. Chỉ là, đề phòng gã lúc nào đó sẽ dính dáng tới vợ tôi.
Một tuần, chưa thấy chuyện gì xảy ra. Vợ tôi bảo chỗ này có vẻ hay đấy anh nhỉ, hơn hẳn mấy chỗ trước. Tôi không biết trong lời khen của vợ là vô tư hay có gì ẩn khuất. Tôi cả ngày đã ở nhà máy, vợ thì đang được nghỉ chế độ thai sản. Ai mà biết được. Gã hàng xóm đã tiêm vào đầu tôi một mũi nghi ngại mạnh đến nỗi hễ ra khỏi nhà là tôi cảm thấy bất an.
Phòng ngủ của tôi cách vách nhà hàng xóm hai mét. Một khoảng cách không quá xa, không quá gần, tạm gọi là an toàn. Chỉ có điều cửa sổ phòng ngủ của tôi có thể nhìn thông qua cửa sổ nhà gã. Và tất nhiên, không lý gì bên hàng xóm không nhìn được sang nhà tôi. Hai ô cửa sổ của hai nhà đều có khung sắt bảo vệ, không thể nhảy xổm vào nhà nhau qua đường này, nhưng những ô vuông trống quá rộng cho con mắt có thể chui lọt qua. Và để tránh sự khó chịu này, cả hai nhà thường đóng kín cửa sổ. Hoặc đôi khi tế nhị nhường nhịn nhau, bên nhà tôi mở thì bên gã đóng. Chúng tôi không nói ra nhưng ngầm hiểu với nhau ai mở cửa trước sẽ được quyền ưu tiên. Nên có lần tôi vừa hé cửa sổ đã thấy bên kia mở toang hoác, đành phải khép lại cửa nhà mình.
Gã cũng biết điều, hoặc gã biết nhường nhịn, rất ít khi mở cái cửa sổ đó. Có thể gã nghĩ vợ chồng tôi cần mở cửa hơn cho trẻ con có khí trời thông thoáng. Nhưng ngay cả khi gã đã đóng, khép cửa, thì tôi vẫn hồ nghi biết đâu đằng sau khe cửa có ánh mắt của gã đang săm soi nhìn qua. Cửa sổ nhà gã làm bằng gỗ, mưa nắng thời gian phai bạc mầu sơn và co rút đai cóng, thoáng qua đã biết cửa ấy chẳng đóng khít được. Và như thế, hóa ra cái cửa khép chỉ để ánh mắt bên trong được tự do hơn thôi.
Những ngày đỉnh nắng, trời hầm hập bốn chục độ xê, ban đêm vẫn oi bức đến nghẹt thở. Nhà tôi nhà gã không còn giữ phép tắc, mở toang hết bốn cánh cửa sổ. Nếu không có khung sắt, hai nhà gần như chung làm một. Ý nghĩ đó khiến tôi điên tiết, chẳng biết trách ai đành phải chửi ngầm thằng cha nào thiết kế hai cái nhà này thật ngu. Tôi lại mất ngủ những đêm trời nóng nực, chỉ vì mải nằm canh cái cửa sổ. Không có trộm mà như có trộm rình rập đâu đó.
Lâu lâu vợ khiến tôi đau tim khi khen gã hàng xóm tốt bụng. Ấy là buổi chiều bất ngờ mưa giông, gã cà thọt chân nhảy phắt qua hàng rào bưng giúp mấy cái nống phơi lá thuốc nam. Vợ kể không có anh ấy bưng kịp, thuốc hư hết rồi. Tôi bảo vợ thật là phiền, chân cẳng gã như thế mà rượt đuổi theo ông trời không khéo mang thêm họa vào thân, họa cho cả mình ấy chứ.
Thật sự tôi không muốn gã sang nhà mình những khi tôi đi vắng. Kể cả khi ở nhà, tôi cũng không muốn mời gã qua đây chơi, vì sợ quen đường, gã sẽ tìm sang bất cứ lúc nào. Và để đề phòng từ xa, tôi chọn cách cạch mặt gã, dù gã chưa gây hại gì cho tôi. Tốt nhất, không nên kết thân với một kẻ mình đang nghi ngờ.
Ngược lại, gã có lẽ cũng là người thân thiện, thường rủ tôi nhâm nhi vài ly. Từ chối hoài cũng ngại, đằng nào cũng hàng xóm, đôi khi tôi miễn cưỡng đồng ý. Vợ trách tôi khó tính, có hàng xóm hòa đồng như vậy mà cứ làm ra vẻ trịch thượng với người ta. Tôi có cảm giác bị xúc phạm, sao vợ lại đi bênh người ta.
Lâu lâu vợ nhắc tôi nên soạn bày đồ nhậu mời gã cho phải phép, có qua có lại mới toại lòng nhau, ai lại để gã lo hoài. Tiếp thêm điều đó, vợ đi chợ thỉnh thoảng mua ít đồ nhắm, xúi tôi chiều nay mời hàng xóm. Theo ý vợ, với lại nghĩ cũng phải, nên tôi vui vẻ rủ gã nhậu, nhưng phải nhậu ở bên nhà gã. May, gã đồng ý, còn bảo qua bên nhà gã tự nhiên hơn vì không có ai cả. Gã có một vườn cây cảnh mát rượi đã con mắt, trải chiếu dưới bóng cây uống rượu chiều hè thú vị vô cùng.
Những cuộc rượu sau này gã không hề nhắc lại chuyện cái chân bị tật. Tôi thì vẫn tò mò chờ gã hé ra một chút gì đó cho biết để có cách đề phòng gã lặp lại tật cũ. Gã chỉ nói chuyện cây cối, chuyện gốc gác lịch sử, chuyện kỷ niệm tuổi thơ, những câu chuyện vừa bình dị vừa đĩnh đạc, tuyệt không nói chuyện đàn bà. Một người như thế mà bảo mê vợ người ta đến mức bị đánh cũng hơi khó tin. Nhưng ai biết được, người ta hay giấu tật của mình, hoặc bị đánh một lần rồi phải chừa chẳng hạn.
Rồi cũng có lần tôi đánh liều hỏi gã sao không lấy vợ. Gã cười, không nói gì, rót ly rượu đẩy sang. Tôi lại bảo hay để em giới thiệu cho anh thử vài cô bạn xem. Gã lại cười, vẫn không nói gì, cầm ly rượu lên uống. Cười là hứng thú, im lặng là đồng ý, tôi nghĩ vậy và bắt đầu giới thiệu những cô bạn diện ế chồng cho gã.
Kỳ thực tôi cũng chả cao thượng đến mức đó. Ở đời có bốn cái ngu, làm mai nhận nợ gác cu cầm chầu. Tôi phải chịu cái ngu đầu tiên. Nghĩ, một người đàn ông có vợ rồi thì bớt tơ tưởng đến đàn bà khác. Hoặc, gã có vợ thì gã cũng phải canh chừng vợ gã, vì cạnh nhà gã là tôi còn trẻ trung sức vóc. Khi đó cả gã cả tôi sẽ phải đề phòng nhau, và theo luật bất thành văn rằng ta không đụng người thì người không đụng ta. Cái gì của Xê-da phải để cho Xê-da.
Thế là từ chỗ tránh quan hệ với gã, tôi thành ra gần gũi gã hơn. Những lần hẹn gã đi cà-phê, rồi gọi thêm lần lượt từng cô bạn gái đến cùng. Sau một lúc tôi lấy cớ có việc bận phải đi, để gã và cô bạn ngồi tự tìm hiểu. Gã không đưa ra một tiêu chuẩn cụ thể nào về người vợ tương lai, thế nên sau những lần mai mối, tôi hỏi gã chỉ cười bảo không hợp. Các cô bạn gái tôi giới thiệu cho gã tất nhiên chẳng xinh, chẳng trẻ, nhưng ít ra theo tôi là tương xứng với gã. Đòi hỏi gì nữa khi gã đã ngoài bốn mươi, chân lại cà thọt. Những cô bạn gái thì lại nhận xét rất tốt về gã, bảo gã có vẻ tâm lý và sâu sắc, nhưng khó lấy làm chồng. Gã dửng dưng chuyện lấy vợ, mất công tôi giới thiệu. Gã không chấp nhận ai cả như là một sự thách thức đối với tôi.
Hết mùa nắng, những ô cửa sổ đã thôi gây chuyện lăn tăn nhường nhịn nhau đóng mở. Giờ thì nó khép kín những ngày mưa, và nêm chặt những ngày bão. Xứ sở nắng rát mặt bão dập lưng, chống chọi với ông trời như một việc lặp đi lặp lại hằng năm. Chỉ cần nghe tin có bão, bên nhà gã đã gọi với sang hỏi tôi xem chuẩn bị sẵn sàng chưa. Tưởng gã một mình không cần lo chuyện bất trắc, hóa ra cũng sợ chết tức tưởi. Và không ngờ chân cẳng như thế gã vẫn leo được lên mái nhà giằng cột mấy tấm tôn cũ. Ngó cái mái nhà gã, tôi lại hy vọng bão đừng thăm, chứ gió lật hết thì gã sẽ phải sang nhà tôi trú bão. Nhà tôi có đổ trần kiên cố, cửa ngõ cũng còn chắc chắn không cần nêm nẹp gì, chỉ lo cho nhà gã.
Bão không vào thật, chỉ hoàn lưu gây gió nhẹ và mưa rào rạt. Gã choàng tấm ni-lông sang gõ cửa nhà tôi. Mở cửa, tôi thấy gã tay cầm đĩa mồi với chai rượu. Nhậu thôi, coi như mừng thoát bão. Tới nước này thì tôi không thể từ chối được nữa, và càng không thể đẩy cuộc nhậu sang nhà bên đấy. Gã nói nhà anh mưa xốc nước re lung tung khắp nhà, không chỗ nào lót đủ một chiếc chiếu để ngồi.
Không lẽ đêm nay gã định ngủ luôn đây. Tôi bần thần, cầu trời mưa ngưng, ít nhất là trước khi cuộc nhậu này xong, nếu không tôi quyết thức đến sáng với gã.
Nhà tôi có kiên cố hơn nhà gã thật, nhưng mưa vẫn tia qua được mấy khe cửa làm ướt những vạt nền gần đó. Cái chỗ tốt nhất lúc này để ngồi nhậu là sàn phòng khách, ép vào trong. Chỗ này nhìn xuyên qua được lối vào phòng ngủ không cửa.
Đêm bão mất điện, có thể cây gãy làm đứt đường dây nào đó, hoặc người ta chủ động cắt để bảo đảm an toàn. Mất điện càng hay, tôi chỉ thắp một cây đèn dầu hỏa vừa đủ chỗ ngồi nhậu. Cả nhà tranh tối tranh sáng, lờ mờ như thế kẻ ngồi nhậu khó mà nhìn rõ được tận tới giường ngủ.
Tôi uống rượu không được thoải mái chính trong căn nhà mình đang ở. Gã thì tỏ vẻ khoái, kêu nhậu đã quá. Hết chai rượu, gã chào về khi bên ngoài mưa đã ngớt. May quá, trời đã giúp tôi đuổi khách.
Tối đó tôi nằm mơ, không ác mộng nhưng hơn cả ác mộng. Gã thả ly rượu cuối cùng và nhảy lên giường nằm bên vợ tôi. Lúc đó tôi chếnh choáng say, không gượng dậy nổi để níu kéo. Miệng gã cười rất đểu rồi đưa mắt nhìn về chỗ tôi nằm say, mặc kệ sự van xin tức tối của tôi. Nhưng, cả trong mơ cái giọng hét của tôi cũng không cất lên được. Giấc mơ bất lực.
Gã không thách thức nhưng tôi xin chịu thua gã. Chuyển nhà. Những lần trước hàng xóm làm mình khổ thân, lần này thì gã làm tôi khổ tâm quá rồi. Tâm bất an bệnh dễ sinh. Thôi thì cái gì không yên tâm đừng nên kéo dài.
Vợ tiếc quay quắt cái nhà này, nhưng cũng chấp nhận khi lý do tôi đưa ra cô không kiểm chứng được. Tôi dối vợ rằng rất nhiều đêm đã gặp ác mộng, chắc dưới đất có âm binh bộ hạ hay vong linh oan nghiệt gì đấy. Đất thiêng không nên ở.
Ngày chuyển đi cũng như khi chuyển đến, gã cà thọt chân sang bưng giúp. Tôi áy náy không phải vì cái chân thọt của gã, mà vì trong sự ra đi này tôi đổ hết phần lỗi cho gã. Thật sự gã chưa làm việc gì gây phiền toán quá nhiều cho tôi, chỉ là do tôi cảm giác bất an và đề phòng sớm. Bây giờ thì mặc kệ gã chui vào tận phòng ngủ xách cái lọ hoa, tôi không còn khó chịu nữa, vì lần cuối cùng rồi.
Dù sao cũng từng là hàng xóm láng giềng, nên chúng tôi hẹn nhau vài bữa nữa sẽ quay lại nhậu. Xong xuôi, gã nói cảm ơn tôi đã nhiệt tình mai mối giúp, nhưng gã thú thật cái khoản đàn ông đó của mình đã im lặng từ lâu.
Lỡ chuyển đi, không quay lại được, tôi chỉ mong hàng xóm nơi sắp đến thật tốt, như gã là được rồi.
Kết Thúc (END) |
|
|