Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bơi Thuyền Thúng Tác Giả: Nguyễn Phan Hách    
    Hai người đàn bà, thuộc hai thế giới khác nhau, một thế giới của văn minh vật chất, một thế giới tự nhiên, hoang dã được Nguyễn Phan Hách vẽ ra trong một khu du lịch trải nghiệm biển Việt Nam. Chuyến du lịch của người đàn bà ngoại quốc không chỉ nói được vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam mà nói lên vẻ đẹp thuần nhất, chân mỹ của người đàn bà Việt, tuy cuộc sống đầy lo toan vất vả, thiếu thốn. Nguyễn Phan Hách nguyên là một nhà thơ nên văn xuôi giàu chất thơ và đứng được bởi những chi tiết quan sát kỹ càng và sinh động.
    
    Tôi nhận trách nhiệm của Công ty Du lịch đưa bà Mêri đi chơi biển. Đây là một khách quen, và tôi biết rất rõ về bà, một người sống độc thân, uống rượu mạnh, và thích “ăn chơi”. Trắng trẻo, quý phái, lịch sự, lãng mạn, bà đi đâu, ai cũng có cảm tình.
    Tôi đưa bà về bãi biển Mê Khê. Bãi nhỏ, mới khai thác, nước xanh biếc, cát sạch tinh, và người thưa vắng, tránh được cảnh ồn ào náo nhiệt của các bãi tắm quá tải.
    Bà Mêri thích lắm. Thuê một phòng nhỏ trong khách sạn sát mí biển, mở cửa sổ có thể thấy sóng lớp lớp xô bờ.
    Bãi Mê Khê có một “dịch vụ nghiệp dư” tự phát của ngư dân ở đây: Cho khách bơi thuyền thúng. Chiếc thuyền thúng bé tẹo, đan bằng tre trát sơn đen, tròn lung lủng, dân vẫn dùng đi câu tôm đêm ven bờ. Không hiểu vì sao với con thuyền mỏng manh, như vỏ hạt dẻ kia mà người ta dám bơi ra biển. Sóng bờ cũng to lắm chứ.
    Thế là tôi phải thuê cho bà Mêri một con thuyền thúng. Chủ thuyền là bà Dặm, ngoài 50 tuổi, nhưng đàn bà miền biển săn chắc mạnh mẽ, lái thuyền đi băng băng, đầy tự tin.
    Bà Mêri mặc áo phao, hào hứng bước lên thuyền. Chai uýtki nhỏ và ly cầm tay. Vừa trải nghiệm thuyền thúng lướt trên các ngọn sóng, vừa nhấp ly rượu cũng thú vị chứ.
    Tôi thuê tiếp chiếc thuyền thứ hai với các dụng cụ cứu nạn đầy đủ, áp sát để bảo hiểm và quay phim bà.
    Bà Mêri ngông nghênh “tạo dáng” bước lên thuyền. Sáng nay sóng khá to. Những lớp “đăng ten” trắng dào dạt lớp lớp cuộn vào bờ.
    Bà Dặm khéo léo đưa thuyền nhẩy tưng tưng như ném thia lia trên các ngọn sóng. Tôi thật lạ là làm sao đôi bàn tay người đàn bà kia lại có thể làm được như thế. Trông đáng sợ lắm. Từng lớp sóng cuộn lên cao, rồi lại ném xuống, trập trùng, mênh mông, mà con thuyền thì đúng chỉ bé bằng vỏ hạt dẻ. tưởng như sóng đập nó vỡ ra đến nơi. Mà chả cần sóng, chỉ cần một đám bọt nước xối mạnh, cũng làm vụn ra. Nó bằng nan tre đan trít sơn thôi mà. Thế mà với hai mái chèo, bà Dặm điều khiển được nó đi trên các ngọn sóng, làm như nó chả có “liên quan” gì đến sóng cả.
    Tôi ngồi thuyền sau quay phim. Bóng bà Dặm hằn lên nền trời, nền biển bao la. Đôi vai áo nâu tròn trặn, và đôi tay dẻo như có cánh.
    Bà Mêri chưa kịp nhấp ly rượu nào, chưa kịp trải nghiệm khoảnh khắc “du lịch mạo hiểm” nào, đã bò rạp xuống thuyền, một đống váy áo da thịt trắng ngần cuộn tròn lại. Chỉ phút chốc mặt bà tái nhợt, vàng ệch, và mồm nôn ồng ộc. Tôi tuyệt đối chưa ghi được một khuôn hình “trải nghiệm du lịch mạo hiểm” nào của bà, lòng rất băn khoăn. Thuyền vẫn lướt đi, mà lướt theo hướng ra xa. Hợp đồng chương trình là như thế. 30 phút trải nghiệm, giá một triệu đồng. Ra xa rồi mới quay về.
    Bà Mêri đến lúc cuộn tròn trong lòng thuyền cũng không yên nữa, phải vứt cả rượu cả ly, ôm chặt lấy hai chân bà Dặm. Vì sóng thì vẫn cứ trập trùng, mênh mang như lúc trời đất còn hỗn mang.
    - Quay về, quay về - Bà Mêri hét gọi tôi.
    Đoạn về cũng không phải đùa. Thuyền phải “ném thia lia” thế nào cho đúng luồng, mới cập được bờ. Khi thuyền chạm cát, bà Mêri như rải khoai, tôi và bà Dặm phải xốc nách hai bên về lều.
    Mệt vì say sóng, vì sợ, hôm sau bà Mêri mới “đàm đạo” cùng tôi:
    - Bà Dặm có trọng lượng bằng nửa người tôi, mà sao lại “tài giỏi” thế. Cùng là “đàn bà” cấu tạo như nhau, mà sao khác nhau một trời một vực. Tôi có cảm giác, lúc lướt thuyền, bà ấy như con chim, còn tôi là “con sứa” sắp tan ra thành nước.
    Bà bắt tôi đưa đến “thăm viếng xã giao” bà Dặm. Nhà bà Dặm gần mí biển, tanh nồng mùi cá, gió thổi lồng lộng, vèo bay những bông hoa muồng tím nhạt trước hè.
    Bà Dặm tiếp nhiệt tình. Chồng bà, một ngư dân chất phác, hiền hậu, đi hấp “tôm hùm” mời chúng tôi ăn. Những con tôm bà Dặm mới bơi thuyền thúng câu được đêm qua, tươi rói, ngọt thơm. Mêri nói ở Pháp chỉ tết Nô-en, bà mới dám mua loại tôm này về ăn.
    Hai đứa con bà Dặm, một trai một gái, học đại học ngành thủy sản, giờ đang làm cán bộ trên tỉnh liên quan đến nghề đánh cá nhưng lương lậu cũng chỉ đủ ăn. Vợ chồng bà vẫn phải “bám biển” để sống, và trợ cấp thêm thắt cho con. Chồng bà là dân đi đánh bắt xa bờ, mỗi đợt cả tháng mới về, vật lộn với Thái Bình Dương, có lần bão đánh vỡ tan thuyền, bám mảnh ván bơi trên biển mấy ngày mới được cứu hộ.
    Còn bà, với chiếc thuyền thúng mỏng manh, câu tôm đêm, năm này qua năm khác, từ lúc 16 tuổi đến giờ đã được 38 năm. Chiếc thuyền này mục hỏng, bà thay chiếc thuyền khác. Đã cả trăm chiếc thuyền thúng qua tay bà.
    Bà Dặm ngồi mắt đăm đăm nhìn ra biển, và cười cười “miêu tả” lại cảnh câu tôm đêm như thế nào theo yêu cầu của khách du lịch.
    ... Mỗi buổi tối, tôi kéo thuyền từ bờ cát ra biển - bà nói - Thuyền khá nặng, phải cố sức đẩy. Nó cứ trịt trên cát, không chịu đi cho. Chớm đến nước nó mới chịu nổi phềnh. Tôi bơi ra xa, càng xa càng nhiều tôm hơn, xa đến mức không nhìn thấy bờ cát nữa. Ở đấy tất cả mênh mông, đen ngòm, sóng buôn dập dềnh, tôi bắt đầu thả câu buông lưới...
    Theo lời kể của bà, tôi tưởng tượng hình ảnh con thuyền thúng của bà lúc ấy cô đơn như thế nào giữa trời nước bao la về đêm. Mà nào phải là thuyền gỗ, thuyền đinh chắc chắn, nó chỉ là những nan tre đan to hơn cái thúng, có lẽ chu vi hơn một mét là cùng. Nó so với biển thì thật đúng là buồn cười, mong manh như vỏ trứng.
    Vậy mà cô gái Dặm, một mình ngồi đấy, đêm này qua đêm khác, thức với đại dương, từ lúc 16 tuổi đến giờ, ngoài 50 tuổi. Biển thành “giường ngủ đêm” của bà. Bởi câu đêm là câu từ tối đến sáng, càng về sáng càng được nhiều tôm. “Giường ngủ đêm”, nhưng nào có được ngủ. Chỉ biển ngủ thôi, còn bà phải thức. Biển ngủ, nhưng biển “ngáy” hơn sấm. Tiếng biển đêm ầm ào, sóng quện với bóng tối.
    Bà ngồi chồm hổm trên Thái Bình Dương một mình. Có lúc Thái Bình Dương để cho bà ngồi yên, nhưng có lúc nó giở mình vì mỏi, lật úp thuyền bà. Và bà phải nhảy xuống sóng, lựa chiều lật nó ngửa lên, tát nước ra. Chỉ đôi tay “mềm yếu” của con gái, mà làm được việc ấy.
    Cả đời bà phải giữ cân bằng cho thuyền không bị sóng lật úp. Thái Bình Dương thì đêm nào cũng chỉ nhăm nhăm lật úp thuyền bà như cuộc đời chỉ nhăm nhăm xô đẩy dập vùi số phận con người.
    Bà phải thắng được nó, thì mới sống. Thái Bình Dương rộng mênh mông, mà đêm đêm chả có ai cạnh bà. Mình bà. Một mình bà. May mắn, thì trên trời có những ngôi sao. Ừ, phải rồi, nói bà cô đơn trong đêm thì cũng “hơi oan”, vì trên trời còn có những ngôi sao. Và mỗi tháng một kỳ, có trăng. Bà làm bạn đêm với trăng và sao Thái Bình Dương. Sao nhấp nháy, hàng tỷ ngôi sao đang dõi theo, quan sát bà từng động tác câu tôm. Vậy là bà cũng không đến nỗi “lẻ bóng” một mình lắm! Còn trăng thì có lúc tròn vành vạnh, làm bạn “gần gũi” hơn. Chỉ đến kỳ cuối tháng, trăng “đi gặp người yêu” ở đâu, mất tăm , không gặp. Bà thấy hờn hờn, dỗi dỗi, ghen ghen... Phút gặp lại nhau có gì vui lạ.
    Sau suốt một đêm thức trắng, thường thì mặt trời từ chân biển tít xa nhô lên, đầu tiên là một vành nhỏ như lưỡi liềm vàng, rồi bay vút cao tròn xoe rực rỡ. Mặt trời đã thức, biển đã thức, ánh chói lòa, bà tắt chiếc đèn chai, bóng làm bằng chai cưa đáy, thủy tinh dày cộp để chắn gió đêm.
    Những con tôm trong thúng nhảy lách tách, bà bơi thuyền về bờ cát, bắt đầu “hòa nhập” với “cuộc sống”, sau một đêm tách ra khỏi “thế giới”. Bây giờ thì bà bận rộn lắm, đi bán tôm, đòi giá đắt rẻ, chả để ý gì đến mặt trời đang lòi lọi trên đầu. Chỉ đến hoàng hôn, sắp tối, mặt trời sắp lặn, bà kéo thuyền ra biển, mới thấy nhơ nhớ mặt trời,...
    Bà Mêri thích thú trước những lời miêu tả cảnh câu đêm ấn tượng của bà Dặm. Bà tặng chủ nhà một vòng ngọc trai bằng nhựa có móc khóa kim loại sáng loáng. Những hạt trai giả đẹp hơn cả hạt trai thật. Thứ này phụ nữ đeo thì tuyệt. Bà Dặm ướm thử lên cổ mình. Vòng ngọc trai làm sáng bừng chiếc cổ nhuộm gió và muối biển đen sạm.
    - Tôi cũng có những viên ngọc trai. Nhưng làm thế nào mà đục lỗ xâu dây lại thành vòng được như thế này - Bà Dặm nói - Khi đi câu tôm thỉnh thoảng gặp khu biển thích hợp, tôi cũng câu được cả những con trai to bằng cái bát. Thịt trai nấu thơm ngon lắm. Và trong lòng nó có những hạt trai óng ánh. Tôi tích lại được một vốc, để dành...
    Bà Dặm đem ra chiếc túi vải rách, đựng những hạt trai thật, to nhỏ khác nhau, chưa được đánh bóng, nên trông rất xấu. Chả làm sao đẹp được bằng chuỗi hạt trai nhựa tinh xảo chế tạo ở Pari của bà Mêri.
    Đầy phấn khích vì được trải nghiệm chuyến du lịch đặc biệt, để hòa đồng với “thổ dân”, bà Mêri xin hát tặng chủ nhà một bài dân ca Pháp. Hát là nghề của bà. Nghề sống hẳn hoi. Bà vốn là ca sĩ, vũ nữ trong các quán trà loại ba ở Pari. Giọng hát loàng xoàng, nhưng xinh đẹp, múa đẹp, “chịu chơi”, nên sống được bằng nghề này. Cái quan trọng nhất là bà không lấy chồng. Đấy là một ưu thế tuyệt đối, một vũ khí lợi hại, giúp bà tồn tại, thành công, thanh nhàn giữa đất Pari, giờ về già, có tiền đi du lịch thoải mái.
    Chẳng thằng đàn ông nào thích “lằng nhằng” với gái có chồng. Chơi với “gái không chồng” an toàn, thú vị, chẳng sợ rắc rối gì. Bà Mêri già vẫn đẹp, vẻ đẹp sung mãn, từ bé đến giờ không biết bao nhiêu người yêu bà, và tất nhiên là bà “ai cũng yêu và chẳng yêu ai”. Bà sống như con chim tự do, lúc đậu cành này, lúc đậu cành khác. Rét thì bà bay “di cư” xuống phương Nam ấm. Nóng thì bà lại bay về.
    Công bằng mà nói, bà là người tốt. Bà chẳng làm gì hại ai. Chẳng lừa đảo ai. Bà cũng chẳng làm một người đàn ông nào phải đau khổ mà chết vì bà. Bà cũng chưa làm ai phải “mất chức”, mất công danh vì “phạm pháp yêu vợ người khác”. Bà có chồng đâu. Suốt đời bà là người tự do. Người tự do thì yêu đương thả sức...
    Sau màn hát của Mêri, tôi đề nghị bà Dặm cùng hát. Hát và hò kéo lưới. Dân biển nơi nào cũng biết kiểu này. Khi kéo thuyền to, dọc mí biển, người ta phải chụm sức lại, tròng dây thừng vào vai, và xướng lên những điệu “hò dô” làm nhịp. Những bài “hò dô” phát triển thành những giai điệu hào hứng phấn chấn giúp người ta vượt qua những cơn nhọc nhằn quá sức. Hò kéo thuyền trên biển, mênh mông vời vợi, là tiếng tâm hồn của những con người xứ biển.
    Dân xóm mách bà Dặm là người có giọng hay nhất ở đây. Mỗi khi gọi nhau đi hợp sức kéo thuyền, ai cũng thích gọi bà đứng ra “cầm càng” xướng lên để cho tất cả hò theo. Bà hò từ lúc 16 tuổi, nên bây giờ, chả ngần ngại gì mà không hò, rồi cả hát dân ca biển cho bà khách vui tính và hào phóng vừa tặng bà chuỗi hạt trai nhựa tân kỳ ở đây chưa ai có...
    Bà Dặm bước ra chiếc chiếu giữa nhà, hai tay đưa lên vai, kéo một chiếc dây thừng tưởng tượng. Tấm thân mềm mại dẻo giang của bà xô nghiêng, chân choãi ra, như hình tượng trong tranh cổ điển” Những người kéo thuyền trên sông Vonga”.
    Hò ơi... Dô tá dô tà...
    Thuyền từ biển lớn, sóng xa thuyền về...
    Giọng bà Dặm âm âm, ngân lên, xao động. Rõ ràng là người “có giọng”. Có cái gì vời vợi mênh mang của biển trong câu hò của bà. Những lớp sóng xa xa rồi xô đến bồn chồn. Giọng hát từ sâu thẳm của tâm hồn biển ngân vang, chứ không đơn thuần là phát ra từ đầu môi chót lưỡi.
    Bài hò khá dài... “Ca sĩ phòng trà chuyên nghiệp của trung tâm ăn chơi bậc nhất thế giới Pari” Mêri cũng phải im phắc lắng nghe, xúc động...
    Trở về khách sạn, bà Mêri cho tôi xem tập anbum của bà. Những tấm “ảnh lụa” đen trắng có từ hồi thợ ảnh khi chụp còn phải phủ tấm khăn lên đầu che kín rồi nheo một mắt qua khe ngắm...
    ... Cô bé Mêri 16 tuổi từ thị trấn, bỏ nhà, trốn bố mẹ lên Pari, hai cái nơ như đôi bướm ngây thơ trinh trắng đậu trên đầu. Tay xách gói đồ, cô bỡ ngỡ trước bến xe điện đầy những quý ông đội mũ phớt quả dưa, tay cầm ba-toong qua lại.
    16 tuổi. Ừ, hình như Mêri cùng tuổi với Dặm. Đêm Mêri đặt bước chân đầu tiên lên sâu khấu phòng trà loại ba ở Pari, cũng là đêm Dặm một mình bơi con thuyền thúng như vỏ hạt dẻ ra Thái Bình Dương.
    Đêm Mêri hát bài hát đồng quê đầu tiên ở đấy, cũng là đêm Dặm ngồi một mình sợ chết khiếp vì sự mênh mông của Thái Bình Dương, nên cô cũng hát lên. Sau này Mêri có mấy “bài tủ”, trong đó có một bài nói về “Sao trời và biển đêm” được thính giả phòng trà đòi hát đi hát lại nhiều lần, vì nó gợi tả nỗi buồn cô đơn, nhỏ bé của kiếp người... Thì chính lúc ấy Dặm đang là “nhân vật chính” của ca khúc kia. Đêm nào Mêri cũng hát bài ấy và đêm nào Dặm cũng ra Thái Bình Dương câu đêm.
    Số đêm “lao động” của họ bằng nhau.
    Đời Mêri trôi qua trong các vũ trường phòng trà thì đời của Dặm trôi qua trong đêm và sóng Thái Bình Dương.
    Rồi họ cùng dần về già. Giọng hát của Mêri có lẽ cũng không hơn gì giọng hát của Dặm. Nếu Dặm bước lên sâu khấu phòng trà có lẽ người ta cũng chào đón nồng nhiệt như với Mêri. Nhưng đời Dặm chỉ có những con sóng đêm Thái Bình Dương chào đón. Và Dặm hát cũng chỉ cho những con sóng đêm Thái Bình Dương nghe.
    - Tôi đã tìm thấy “hình ảnh biểu tượng” của cuộc đời mình - Bà Mêri cầm tay tôi thầm thì triết lý khi tôi xem xong tập anbum - Tôi sẽ thuê họa sĩ vẽ hình ảnh một người đàn bà với con thuyền thúng trong đêm giữa biển cả và trời sao. Đó chính là đời tôi đấy. Sự cô đơn và thân phận của tôi, của kiếp người...

Kết Thúc (END)
Nguyễn Phan Hách
» Hoa Sữa
» Bơi Thuyền Thúng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết