0 giờ, phòng trực có tiếng gõ cửa, bác sĩ Ly nghĩ rằng đó là nữ hộ sinh. Chắc có ca trở dạ. Mặc vội áo len cho đỡ lạnh và choàng bên ngoài chiếc áo blu, bác sĩ Ly đi sang phòng chờ. Một người đàn bà nhỏ thó, cái bụng choán hết cơ thể. Trông mặt rất quen, có thể bác sĩ Ly đã gặp chị ở đâu đó nhưng hiện thời không nhớ ra. Thai mấy tháng rồi? Bác sĩ Ly hỏi, chị không đáp mà chỉ nhíu mày, tiếp theo là từng cơn đau thắt khiến chị rên xiết. Thưa bác sĩ thai hơn 36 tuần. Nữ hộ sinh gấp gáp chuyển một số dụng cụ lên sẵn ở bàn. Bác sĩ Ly khám xong rồi đưa mắt nghiêm nghị nhìn người đàn bà.
- Chị chưa muốn sinh con bây giờ đúng không?
Chị lẩn tránh ánh mắt của bác sĩ Ly, trong lúc đó người chồng phân bua.
- Thưa bác sĩ, đã đến tháng đâu mà đẻ? Còn bốn tuần nữa mà...
- Sao anh biết?
- Tôi ngủ với vợ tôi, là cha của đứa bé sao tôi không biết được.
- Anh có biết cửa mình của vợ anh mở bao nhiêu phân rồi không?
Đến đây thì người chồng im lặng, nhưng anh ta không quên cái đá mắt về phía vợ. Có lẽ cơn đau không thể kìm nổi nên chị ta mới la toáng lên.
- Anh ơi, chắc em phải đẻ thôi, em nhịn hết nổi rồi.
Cơn gió lạnh se sắt kèm mưa phùn kéo vào bệnh viện. Một đường thẳng có tường che chắn ở phía hành lang đã khiến cái lạnh vào đây trọn vẹn, buốt đến tê lòng. Bác sĩ Ly bảo sản phụ nằm lên bàn và nói với nữ hộ sinh.
- Cô chuẩn bị dụng cụ để mổ.
Nữ hộ sinh tròn xoe mắt. Sao có thể như thế? Sản phụ có thể đẻ thường mà. Nữ hộ sinh nhíu mày không hiểu, bác sĩ Ly nhắc nhở thêm lần nữa và nữ hộ sinh vội vàng đi về phía phòng đựng dụng cụ. Dù rất đau nhưng sản phụ đã im lặng, thay vào đó, ánh mắt chị nhìn đăm đăm về phía chồng. Có điều gì đó như van xin nhưng người chồng vẫn một mực từ chối bằng mắt. Chị nghiến răng, bụng co lại khiến lồng ngực và cổ rướn về phía trước. Cơn đau bắt đầu dồn lên vặn lấy cơ thể chị rồi bẻ gập xuống. Bác sĩ Ly nói giọng từ tốn.
- Việc chị và chồng chị làm có thể giết chết đứa bé, nó sẽ bị ngạt, tôi sẽ mổ để mang đứa bé ra.
- Tôi có thể đẻ...
- Tôi biết điều đó rõ hơn chị, nhưng vì sao chị lại làm điều ngược lại?
Nữ hộ sinh đã chuẩn bị xong dụng cụ, người chồng hất cằm về phía người vợ. Như một lệnh đặc xá, chị thét lớn và đứa bé thoát ra khỏi người chị. Bác sĩ Ly đặt tay lên trán sản phụ, cử chỉ này khiến chị ta khóc và nói lời cảm ơn. Nữ hộ sinh đặt đứa bé vào chiếc khăn và quấn quanh người nó. Những nụ cười tươi từ bác sĩ Ly, nữ hộ sinh và người mẹ, riêng cha đứa bé vẫn lặng im.
Những ngày Tết, bệnh viện rất vắng. Người đàn ông vẫn tất bật cơm nước cho vợ tại bệnh viện. Ngày hôm sau thay ca, anh ta đến xin số điện thoại bác sĩ Ly phòng khi vợ và con mình có bất trắc. Lẽ thường có bác sĩ trực ở đấy và họ làm hết sức trách nhiệm nhưng bác sĩ Ly vẫn đọc số để anh ta yên lòng. Mãi một điều thắc mắc nhưng không tiện hỏi, vì sao cả anh ta và mẹ đứa bé lại không muốn sinh con vào lúc đó? Vì quan niệm tuổi tác hay lý do nào khác. Và nữa, bác sĩ Ly nói với người chồng, rằng mình đã gặp chị ta ở đâu đó mà không nhớ ra. Mặt người chồng hơi biến sắc nhưng anh ta chống chế, chắc là lúc vợ tôi đi khám thai. Bác sĩ Ly gật đầu, trở về nhà mới nhớ ra câu chuyện, trong bệnh viện X 5 năm về trước. Đúng như thế, bác sĩ Ly đã gặp người đàn bà này tại đó.
Phòng trực sản ngày mùng ba tháng giêng, người đàn ông đến xin cho vợ ra viện. Bác sĩ Ly không đồng ý, đứa bé sinh thiếu tháng cần phải được ở lại để theo dõi một thời gian. Anh ta lắc đầu ngao ngán. Bác sĩ Ly thẳng thắn.
- Ở đây bệnh nhân trốn viện cũng nhiều, nhưng sản phụ thì chưa có tiền lệ.
- Chúng tôi sẽ ở đây theo lời bác sĩ.
- Chỉ thêm hai ngày nữa thôi, đứa bé ổn, anh chị có thể về nhà. Con lớn các anh chị vào lớp một rồi chứ?
Thêm một lần nữa người đàn ông lẩn tránh câu trả lời, điếu thuốc trên môi lập lòe và ánh mắt anh ta nhìn xa xăm, trông rất buồn.
- Bệnh viện cấm hút thuốc thưa anh. - Nữ hộ sinh nhắc nhở.
- Xin lỗi chị. - Người đàn ông dụi điếu thuốc rồi vứt vào thùng rác.
Anh ta đang nghĩ về bác sĩ Ly, câu chuyện dần trở về trong đầu ông ta và điều gì sẽ đến? Ông ta đã nhớ ra hai người họ có đứa con hơn năm tuổi và cuộc gặp gỡ ở bệnh viện X. Ông ta sẽ nhớ thêm gì không hay chỉ có chừng đó chi tiết. Lần sau chắc chắn họ sẽ không trở lại bệnh viện này, nhưng nếu bác sĩ Ly lại được điều chuyển đến nơi khác? Rõ ràng hơn 5 năm trước ông ta ở bệnh viện X và giờ ông ta ở đây, gặp lại họ trong tình huống tương tự. Bằng cách nào đó phải ra viện sớm hơn hoặc nếu ở lại thì nên hạn chế tiếp xúc với bác sỹ Ly. Thêm lần nữa anh ta nghi vấn, hay việc kéo dài thời gian của sản phụ tại bệnh viện là chủ ý của bác sĩ Ly. Có thể như thế lắm, gương mặt ông ta có nhiều điểm toát lên sự thâm thúy, có cả sự bỡn cợt. Mỗi ngày trôi đi thật dài và ngày cuối cùng ở lại bệnh viện cũng là lúc anh ta được tin bác sĩ Ly bị ốm. Ông ta ốm! Có phải như thế không? Điều này có thể tin tới hơn chín mươi phần trăm là sự thật. Bác sĩ Ly ốm lúc này hơi muộn nhưng có còn hơn không. Sáng đầu tiên bệnh viện trở lại làm việc, mọi người tấp nập đông vui và mọi việc diễn ra suôn sẻ, phần vì đầu năm tâm lý ai cũng phấn khởi, phần vì rất ít bệnh nhân nên công tác hành chính diễn ra lẹ làng. Anh ta đưa vợ con ra xe, chiếc ta-xi anh ta vừa gọi không ngờ lại đẳng cấp như thế và việc anh ta hết sức ngỡ ngàng là tái xế không là ai khác ngoài bác sĩ Ly.
- Tôi không gọi bác sĩ, đây là một số điện thoại khác...
- Đấy là số dịch vụ của con trai tôi, nó bận viện nên nhờ tôi chạy khách.
- Nghe đâu bác sĩ ốm. Tôi có thể gọi xe khác...
- Tôi chỉ bận chút việc nhà nên báo nghỉ, anh cứ đưa vợ và cháu bé lên xe, tôi sẽ đặt hành lý và đảm bảo nó an toàn trong suốt chuyến đi.
Năm mươi cây số dài mịt mù, tưởng chừng đó là con đường dài nhất trong đời đối với gia đình họ. Người vợ lúc này đã nhận ra ông bác sĩ năm nào ở bệnh viện X còn người chồng trong tư thế ngồi yên, cũng có thể gọi đó là bất động. Anh ta nghĩ, cứ để bác sĩ Ly chạy xe thọc vào ngôi nhà mình và mọi việc sẽ diễn ra. Không thể như thế, anh ta nghĩ ra một cách là sẽ chọn đường đi chật hẹp mà ô-tô không thể vào để loại trừ bác sĩ Ly. Nhưng nếu làm như thế vợ con anh ta sẽ gặp khó khăn và cũng có thể vì nguyên nhân này bác sĩ Ly sẽ tìm cách giúp đỡ và thời gian họ ở cạnh nhau sẽ lâu hơn thường lệ. Mọi sự dồn nén đến khi anh ta nói ra, một điều khiến bác sĩ Ly lắc đầu.
- Nếu đẻ con vào năm sau, đứa bé sẽ hợp tuổi.
- Anh chị tuổi gì?
- Không phải chúng tôi.
- Tôi không hiểu, và nếu thấy khó anh có thể không nói.
- Vâng.
Bác sĩ Ly chạy xe chậm hơn, đoạn đường hơi xấu và nó đi ngang qua bệnh viện X. Hình ảnh hơn 5 năm trước, một phụ nữ nhỏ nhoi, bụng vượt mặt ngồi ém hai chân ngăn đứa bé thoát ra khỏi cửa mình lúc đó máu đã chảy với giữa hai đùi chị. Bác sĩ Ly nhớ lại, chính là chị ta và đứa bé đã ra đời như mong muốn. Anh chồng nở nụ cười hớn hở xoa đầu vợ, mình giỏi lắm, tuổi Hợi hợp với Mùi và Mão... Bác sĩ Ly chỉ còn biết cách lắc đầu. Tuy nhiên, do tính chất công việc và sự bận rộn chiếm hết thời gian nên bác sĩ Ly không thể xem năm sinh trong hồ sơ bệnh án. Và giờ, có thời gian bác sĩ Ly đã quyết định không xem, không cố ý nhớ lại, lục lọi nó cũng chẳng để làm gì. Điều tự nhiên là nó đã đến. Bác sĩ Ly chỉ thắc mắc một điều, đứa bé kháu khỉnh 5 năm trước giờ trông như thế nào? Chợt muốn gặp lại một đứa trẻ trong biết bao đứa trẻ được đôi tay mình đón chúng chào đời. Cảm giác ấy khá ngộ nghĩnh, hay nói đúng hơn, tiện trên một con đường, cuộc gặp gỡ tình cờ này trở nên thú vị. Cho xe chạy chậm rồi dừng hẳn, bác sĩ Ly quay sang phía người chồng.
- Tôi nhớ ra rồi... - Bác sĩ Ly nói lấp lửng.
- Tôi biết, - anh chồng chắc chắn vào câu nói chẳng rõ đầu đuôi. Anh ta cứ nghĩ đó là câu chuyện bệnh viện X...
- Ở cạnh đây có một con đường cắt ngang thành phố đến chỗ anh chị ở gần nhất, đường thoáng lại gần như thế sẽ giảm chi phí.
- Thì ra như thế...
Mặc, đến đây thì anh ta không buồn nghĩ bác sĩ Ly toan tính những gì. Để đối phó với người quen sơ thực sự mệt mỏi. Cứ kệ ông ta, đường nào ông ta muốn và đến đâu ông ta cho là phải. Chẳng biết làm như thế để làm gì, anh ta giễu cợt. Việc chui lủi vào đời sống cá nhân của người khác là thói quen của người trí thức sao? Sẽ chẳng có câu trả lời nào sau đó nữa, chẳng có sự giải thích nào từ phía vợ chồng họ đối với người bác sĩ, đó là quyết định của anh ta. Xe đã về đến cổng, ngôi nhà khang trang tầng này chồng xếp lên tầng kia, tọa lạc giữa cánh đồng lúa mơn mởn xanh thấp thoáng cánh cò trắng lội sương mai ở một vùng quê yên ả. Bác sĩ Ly biết rõ về nơi này, ông là đứa trẻ mồ côi được người làng ở đây nuôi dưỡng đến khi hết phổ thông trung học; năm cuối cấp bác sĩ Ly nhận học bổng ra nước ngoài. Nhận ra bác sĩ Ly về làng, mọi người mách nhau ùa tới. Và chỉ trong chốc lát trên một cung đường mọi người tay bắt mặt mừng. Người già xoa đầu bác sĩ, người trẻ quấn quýt cạnh bên. Mặc, anh ta nghĩ. Và đến đây anh ta bất lực hơn là phó mặc. Không biết phải làm gì, một nắm tiền được để lại trên xe thanh toán tiền ta-xi và anh ta đưa vợ vào nhà khóa chặt cánh cổng. Lúc biết được bác sĩ Ly là người đã chở vợ chồng họ về làng, không khi hồ hởi chùng xuống, thay vào đó là sự nghi vấn. Không lý nào như thế, bác sĩ Ly có thể quen với hạng người như vợ chồng họ và còn thân thiết đến mức chở họ về làng? Hay chính bác sĩ Ly cũng móc nối với họ trong đường dây mang thai hộ, hoặc bác sĩ Ly là cha đứa bé vừa mới lọt lòng kia? Mọi nghi vấn như thế nhưng chẳng ai nói ra, mỗi người nghĩ theo cách của mình và họ cho rằng đúng như thế, chẳng xê dịch gì. Đó là tâm lý ở làng. Chợt nhận ra mình bỏ quên vợ chồng họ quá lâu, bác sĩ Ly quay lại xe thì nhận thấy số tiền được đặt trên ghế, còn ngôi nhà thì cửa đã khóa im lìm. Lần tìm lại số điện thoại trong chiếc máy của cậu con trai, bác sĩ Ly gọi. Bên kia, giọng người sản phụ nhẹ nhàng.
- Bác ở ngoài đó chắc người làng cũng đã nói. Đứa bé 5 năm trước theo bố đẻ nó về nhà sau đó vài hôm, tôi chỉ mang thai hộ cho người đàn ông đó, đừng bám theo vợ chồng tôi nữa...
Cuộc hội thoại kết thúc, máy báo kết nối đã ngừng nhưng chiếc điện thoại vẫn nằm trên tay bác sĩ Ly. Đằng sau, những người làng bắt đầu thưa thớt, họ trở về ngôi nhà của mình với những suy nghĩ khác nhau nhưng sẽ chẳng bao giờ họ nói ra. Cánh đồng lúa xanh chia tay những cánh cò không vấn vít, con cò nhón chân bay đi, cây lúa rễ bám chằng chịt vào đất. Mùa này nước xâm xấp chân ruộng, gió thỉnh thoảng lắt lay đánh động những chiếc lá nhỏ xinh rung rinh như cánh tay trẻ thơ đang thời nhớ sữa...
Kết Thúc (END) |
|
|