Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hạt Giống Thời Gian Tác Giả: Hồ Trung Liên    
    Tôi có một cuộc sống khác ẩn dưới vẻ mặt thường ngày và những lời tâm sự sớm trở thành sáo rỗng bởi người ta không tin câu chuyện của tôi là sự thật.
    Tôi chỉ ước sự bình lặng dưới một mái nhà đơn sơ, một công việc tạm đủ sống nếu nó kéo dài đến tóc bạc như vậy đã hài lòng lắm. Nhưng. Tất cả bắt đầu từ một căn bệnh. Quái ác. Tôi sẽ không thể đủ tiền đặt chân vào những bệnh viện lớn với thời gian chữa trị kéo dài, trong lúc căn bệnh đủ khiến tất thảy chừng như trở nên quá muộn màng. Tự nhiên bị choáng, một mình ở nhà tưởng không còn dậy nữa. Một hiện tượng chưa từng xảy ra. Dòng nhận xét của bác sĩ khiến tôi rụng rời, muốn sụp xuống mà khóc, kêu trời gào đất. Khoảnh khắc tôi thấy mình rã từng bộ phận rệu xuống như tảng băng tan dần dưới ánh dương buổi sớm. Tại sao y học phát triển đến ngần ấy, con người vẫn mắc những căn bệnh hiểm nghèo không thể gọi khác hơn từ chết. Sẽ chấm dứt tại đây những hẹn hò, những đầm ấm bên ngọn đèn khuya, những đêm không ngủ được ngồi nhìn bầu trời đen kịt ầm ào mưa.
    Tôi gọi anh ơi... một từ anh xa xôi mơ hồ nào đó bật lên từ vô thức, em đã rớt lại giữa vòng xoáy không gượng dậy nữa. Lời hứa đã bị sóng cuốn đi như tấm thân mỏng manh giữa vô cùng này. Tôi gọi con ơi... một đứa con ảo tưởng cựa quậy trong sâu thẳm căn mạng, mẹ xin lỗi không thể giúp con nhìn thấy ánh mặt trời. Tôi gọi tên mình trong thảm thiết. Nhiều đêm tự nhiên tỉnh giấc, tôi rón rén bước tới đứng nhìn khuôn mặt những thành viên trong gia đình đang chìm sâu giấc ngủ. Có những người nếu gặp phải căn bệnh như tôi cũng đã thỏa mãn lắm để về bên kia dốc đời. Còn tôi bơ vơ dưới chân đồi bên này, không ai đưa tay kéo lên, không ai.
    Một lần tạt vào viện, tôi nhận phiếu gửi xe qua đêm. Tắt di động. Tôi bước chậm dọc hành lang khu vực dành cho bệnh nhân ung bướu giai đoạn cuối. Như chính tôi là một trong số đó. Những khuôn mặt thất thần qua song cửa lạnh lùng. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt họ. Nhiều khuôn mặt trong góc khuất kia nữa, tối. Họ há miệng nhận miếng cơm rồi trệu trạo nhai, không một cảm giác ngon dở gợn lên. Người nằm nghiêng, người tựa gối ôm bụng, người còng người nôn thốc. Gắng lên, sự sống phía trước, thiên đường phía trước. Có lẽ họ thèm được như tôi, với nét mặt còn tươi, thân hình còn mỡ màng và hơn thế, mái tóc còn xanh. Tôi đã thấy những cô gái trẻ, những phụ nữ nhan sắc với cái đầu trọc lốc láng bóng. Hình ảnh khiến tôi liên tưởng tới cảnh mình sẽ xin quy y ở một ngôi chùa sư nữ, nương thân cho tới lúc khối u vỡ ra. Có lẽ nhẹ nhàng hơn. Có lẽ Phật sẽ từ bi đưa linh hồn tôi trở lại đầu thai vào một trong những người thân nhất. Tôi đã định bước tới một ngôi chùa. Rồi chùn chân. Tháng vài ngày chay tịnh đã thấy khó, nào dám mơ mỗi tinh sương tụng kinh sám hối...
    Ngày tiếp theo tôi vẫn tự dậy lúc ba giờ, cuốc bộ bên ngoài ngôi chùa sư nữ nghe tiếng kinh như những đợt sóng nhẹ vỗ bờ.
    Thời gian không đợi. Mỗi một ngày trôi qua tôi sẽ tiều tụy hơn, sẽ ốm gầy xanh xao. Đêm tôi khóc, sáng ra lẳng lặng đi thật sớm. Không ai trong gia đình hay biết. Vẫn còn chút ít thời gian. Tôi đã làm một chuyến hành trình dằng dặc. Quê hương phía sau lưng xa dần rồi mất hút. Trên chuyến xe đêm nước mắt tuôn rơi. Khác với lời tạm biệt vui vẻ giả tạo, đơn thuần là chuyến làm ăn ở một thành phố xa nhà hàng nghìn km. Nhưng khoảng cách ấy dường như không thể đo đếm, dường như vĩnh viễn không còn trở lại nữa. Đặt chân vào gian phòng trọ điều đầu tiên hiện lên là hình ảnh tôi nằm đó thở nặng nhọc. Cánh cửa vẫn đóng suốt mấy ngày liền chưa ai mở đón ánh sáng...
    *
    **
    Ngày nghỉ, tôi trèo lên ngọn đồi thiêng, một mình ngồi lại giữa thiên nhiên, nhắm mắt giữa trời. Tôi không còn sợ cái chết nữa, nếu như có một loài rắn độc trườn tới cắn, hẳn đó cũng là cái kết có hậu. Nhưng rồi tôi bật dậy. Nhớ đến giấc ngủ trên chiếc ghế đá đặt trong khuôn viên bệnh viện. Lạnh. Chiếc ghế chưa đủ dài để tôi xoãi chân, vậy mà từ lúc nào người ấy đã ngồi phía dưới và đôi chân tôi gác lên anh chìm vào giấc ngủ ngon lành. Sự thật một khi vượt khỏi trí tưởng tượng sẽ không dễ tin. Chính tôi cũng không tin nổi khúc quanh này. Anh đánh thức tôi, từ trong tiềm thức. Ai đó sẽ nghĩ tôi bắt đầu sắp đặt cho một lối rẽ bớt mủi lòng hơn. Không. Hoàn toàn. Nếu có sự sắp đặt thì đó là từ thế giới vô hình với quyền năng vô hạn... Tôi háo hức trở về căn phòng hẹp. Chiếc máy tính cũ được bật lên và tôi gõ lên google về những mầm sống đâm lên từ lớp băng chết. Nhiều người đã lành bệnh nhờ thực hành tâm linh, nhiều người đã bước ra khỏi cái chết như tôi chỉ với phương pháp Dưỡng Sinh. Không phải là hy hữu. Gạo lứt + muối mè. Ngay hôm đó tôi mua về thực hành. Niềm hứng khởi tích lại từ đêm qua, tôi nóng lòng chờ cơm chín, dọn ra ăn. Thật bất ngờ. Như gáo nước lạnh dội vào dòng máu nóng đang xông lên, tôi cau mặt. Lại thử nhai tiếp. Không nuốt nổi. Buông đũa và điều tôi sợ là nước mắt tuôn vào chén cơm còn bốc khói. Tại sao người ta có thể ăn gạo lứt với muối mè một cách ngon lành đến dứt hẳn khối u rất nhẹ nhàng. Tôi tiếp tục bưng cơm lên, nhai và nuốt. Có thể tôi ăn chưa đúng cách, nhai chưa kỹ nên không cảm nhận được độ ngọt. Điều tệ hại là những món xưa nay vẫn dùng đều phải xóa sạch khỏi danh sách thụ hưởng. Không mặn nhạt chua cay, không bất kỳ món ăn hấp dẫn nào, không cả sự gợi nhớ về món cá vụn mẹ kho bằng nồi đất ở quê; không trái cây, đường sữa, không cà-phê...
    Rồi anh ào tới như một cơn lốc cuốn hết bụi bặm. Trong thoáng chốc bầu trời lại sáng. Cứ như những chi tiết giản đơn được lặp lại trong nhiều câu chuyện tình. Đây lại là sự thật. Anh mang đến cho tôi năng lượng. Một con người gầy ốm tôi gặp lại vào đêm thứ hai ở khoa ung bướu. Tôi nhớ đến anh và trở lại để mong được gặp. Cứ như đêm nào anh cũng ở đó, đêm nào cũng sẵn sàng đợi tôi trên chiếc ghế đá lạnh lùng ấy. Xưa nay ai cũng bảo tôi có đôi mắt hút hồn. Tôi thì thấy nó thật sự hoang dại từ lúc phát hiện căn bệnh nan y trễ tràng. Tầm nửa khuya, ánh điện trong khuôn viên bệnh viện soi rõ sự trầm mặc của hai khuôn mặt. Tôi kể về dòng đời mình, về hành trình lưu lạc, về một tâm hồn bơ vơ trên thể trạng hao mòn. Muốn khóc. Anh nắm lấy bàn tay tôi ấm nóng. Tôi nhìn anh và đột nhiên, không hiểu sao lại thốt lên: Em sẽ chết phải không? Anh yên lặng thật lâu, rồi nói nhiều về nội lực tự sinh; nguồn nội lực vốn sẵn trong mỗi người sẽ chuyển nghiệp nạn. Anh đưa tôi về phòng trọ. Rồi về. Tôi biết đến con người này chỉ chừng ấy, và không muốn tìm hiểu thêm, không muốn biết gì thêm nữa. Tôi thật sự cần một chỗ nương nhờ.
    Sự sống trỗi dậy, một khát khao dẫu sẽ phải đứng rất xa nhìn hạnh phúc của anh chăng nữa. Tôi tạm chấp nhận ăn gạo lứt muối mè thường bữa, dẫu cơn thèm đồ vặt cuộn lên dữ dội. Nhiều lúc tôi vùng dậy ra đường bởi tiếng rao đêm, rồi dằn vặt, đứng yên vậy cho những gánh hàng rong đi qua cùng ánh lửa hồng và mùi thơm vẫn còn theo vào cơn trằn trọc. Trưa hôm sau lúc tôi vắng nhà, anh đã đợi sẵn. Tự nhiên tôi bảo, em thử nhịn ít ngày anh ha. Tôi vẫn tỉnh trí để dùng chữ ít ngày, sợ không vượt nổi. Anh hơi cau mày, khó hiểu. Chính anh giới thiệu phương pháp tuyệt thực trước lúc ăn gạo lứt trị bệnh nan y, chính anh trách tôi yếu đuối, bây giờ thì nghi ngại. Nhưng rồi anh bảo, được, sau đó ra vén lại những thứ rau củ mua ở chợ tính làm món thực dưỡng dành cho tôi. Trưa đó anh cũng không ăn, tôi bảo anh về, anh lắc đầu. Sẽ nhịn cùng em.
    Đêm đầu tiên tôi rơi vào mê loạn, bụng nóng ran bởi đói và tệ hơn là không thể ngủ. Đêm thứ ba, tôi phải vịn thành giường ngồi dậy đợi trời sáng, rồi lại nằm vật xuống. Anh hứa với tôi mai là ngày hết cảm thấy đói, với tôi điều này không đúng. Gầy rộc, anh vẫn ôm lấy tôi đang như con mèo ướt lạnh tội nghiệp. Ngày tiếp theo tôi định dừng, ngó qua thấy anh vẫn nở nụ cười gượng hiền từ. Tôi bảo anh ngừng nhịn để lấy sức còn chăm sóc em. Anh lại cười, hiểu câu nói của tôi không thật, nếu anh ngưng tôi sẽ dao động. Hai chúng tôi nằm cùng nhìn lên trần nhà nhiều mạng nhện. Tôi lần tìm tay anh. Nắm chặt, rồi tôi nghiêng đầu nhìn qua, khẽ thốt lên: Anh, em rồi cũng chết phải không? Không. Em không chết. Những tế bào ung thư sẽ chết. Rồi anh dậy, ra ngoài. Hình như anh sợ mình bật khóc yếu hèn. Tôi đợi suốt ngày. Chiều đó, thật tệ, tôi ngưng nhịn và húp một chút bột pha loãng, kết thúc mười một ngày khổ sở; bắt đầu đợt ăn gạo lứt muối mè trở lại một cách tuyệt đối và dứt khoát. Tôi không gượng nổi. Vẫn nhớ câu nói của anh: Một khi tinh thần bị đánh gục, mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa.
    Một đêm, tôi bật dậy như một thói quen, tới bệnh viện bước dọc hành lang khu dành cho bệnh nhân được chăm sóc giai đoạn cuối. Rồi một ý nghĩ lóe lên, sao tôi không thử chụp phim lại. Kết quả dẫu mức nào đi nữa cũng thỏa mãn hơn là tôi đang bám víu vào một niềm tin mà bản thân chưa tự chứng. Gắng quên anh, cố ăn thực dưỡng kỹ hơn, hun đúc niềm tin tươi sáng, gặp lại anh với một thân hình hoàn toàn khỏe mạnh, có phải là một ước mơ hão huyền? Vậy rồi hơn một tháng kể từ ngày anh khó nhọc quay xe khuất sau cánh cổng gỉ sét, tôi đến khoa ung bướu xin chụp phim xét nghiệm. Đến chiều mới được gọi tên. Ông bác sĩ so sánh hai tấm phim chụp cũ mới, nhìn tôi khá lâu, hỏi nhiều về thời gian qua tôi chữa trị bằng cách nào. Tôi trả lời đơn giản: nhịn đói, và gạo lứt cộng muối mè. Và nữa, tôi muốn nói nhiều về nguồn năng lượng từ anh. Bác sĩ chỉ cho tôi thấy hai khối u ở hai tờ phim, một lớn một nhỏ; ông nói trong hào hứng, trong sự quan tâm thấu đáo và gieo thêm cho tôi hy vọng: nếu theo đà này, khối u sẽ teo...
    *
    **
    Tôi muốn trở lại với khối u trên đầu như lần rời bỏ quê nhà đau xót. Lành lặn để làm gì, còn ý nghĩa gì khi tâm hồn hoang phế. Tôi lê bước đến quán nhỏ chuyên bán cà-phê xay. Thời điểm tôi bước đầu vật vã với gạo lứt muối mè, vật vã với sự thèm khát bị tước đoạt tất cả những sự ăn uống khác. Tôi không dám đụng đến một miếng bánh nói gì cà-phê và đường sữa. Và anh ào tới như một luồng gió cuốn tôi theo. Anh nói về nỗi sợ hãi, nó sẽ đánh gục chúng ta. Em sẽ chết bởi nỗi sợ hãi trước lúc chết vì căn bệnh. Anh gọi hai ly cà-phê xay pha sữa, loãng. Tôi nhấp một ngụm còn nóng, cảm giác như thế giới này chưa từng sáng tạo ra loại thức uống tuyệt duyệt này. Tôi muốn nép vào vai anh và thủ thỉ: Em sẽ chết phải không? Giờ đây trước mặt tôi vẫn ly cà-phê ấy. Đắng lắm. Kịp ngăn dòng nước mắt. Tôi tìm công việc ở một thành phố mới, gây dựng cuộc sống mới hay đi chôn vùi tất cả trước lúc chôn vùi chính mình. Tôi đi tìm cái chết từ từ, lặng lẽ và cũng từng có ý nghĩ sẽ dùng hết sức lực còn lại trèo lên ngọn núi lao xuống vực thẳm không ai đặt chân tới cho đến lúc xác thân trở thành cát bụi. Lẽ ra tôi phải ban một ân huệ, là được òa vào vòng tay mẹ lần cuối. Được khóc vĩnh biệt, và mẹ tiết ra những giọt nước mắt hiếm hoi sót lại trong đời. May thay hình ảnh này tái hiện trong giấc mơ, mẹ ôm tôi thật chặt, nước mắt đầm vai và đúng lúc đó tôi thấy cha bước từ gian thờ tối đến bên gỡ bàn tay mẹ ra để tôi nhẹ nhàng rơi bồng bềnh như một chiếc lá khô queo quắt.
    Tôi gọi tôi, gọi anh trong thầm lặng. Hai tia sáng vút lên bầu trời xanh thẳm. Tôi sẽ gục chết mất. Cảm giác về mầm ác tính nhói đâm từ sâu thẳm đời mình; dẫu anh, đã gieo vào tôi hạt giống để nhắc nhở về sự tiếp nối của sự sống, vĩnh hằng.

Kết Thúc (END)
Hồ Trung Liên
» Hạt Giống Thời Gian
» Giấc Xuân
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết