Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Lưng Lửng Trăng Mờ Tác Giả: Sâu    
    Trăng non sáng tỏ trên đầu ngọn tre soi rõ từng đám mây bồng bềnh trôi lơ lửng. Không khí xung quanh vắng lặng thanh bình, thỉnh thoảng vang lên tiếng ếch kêu khẽ hòa cùng tiếng dế tạo nên một bản nhạc lãng mạn. Gió vờn lũy tre, lùa dần qua cánh đồng sau mùa gặt, vờn qua đống rơm thơm nồng rồi vấn vít lên đôi chân chị.
    Chị mở to mắt nương theo ánh trăng cố nhìn vào đường nét trên gương mặt gã, ngón tay níu chặt vào nhau, từng lỗ chân lông trên mặt theo hơi thở của gã giãn dần ra, cúc áo buông lơi từng hạt, vòm ngực nâng lên hạ xuống phập phồng, dưới lưng tiếng rơm rạ soàn soạt va vào nhau theo cử động của hai người.
    Trăng non lưng lửng khuất bóng sau đám mây lớn, trời đất tối sầm, tiếng ếch nhái càng to hơn hẳn, trong gió mang đầy hơi nước. Vạt áo của chị đã mở hẳn ra. Chị nhắm mắt. Ngón tay xuôi dần rồi buông lơi trên đám rơm khô khi đôi môi gã dán lên vùng da trước ngực.
    Vậy là hết. Chị đã tự kết thúc cuộc đời mình. Chị đã chọn cho mình một cuộc đời khác. Cuộc sống áo cơm đè nặng lên đôi vai chị, bốn miệng ăn đang đợi ở nhà nặng như gã đàn ông đang lay hoay trên người chị. Bỗng dưng gã dừng lại, chị mở mắt ngơ ngác nhìn gã kéo áo đắp lên người mình rồi ngồi sang một bên đốt thuốc.
    Chị ngồi dậy theo gã, cài từng nút áo trong khi đôi mắt mong chờ ánh trăng sau mây lấp ló. Gã vẫn đốt thuốc, khuôn mặt nhìn về hướng cây mù u bên kia ao, nơi con cú vừa cất cao ba tiếng. Đốt hết điếu thứ hai, gã móc túi đẩy cho chị tờ tiền hai nghìn rồi lạnh giọng trong khói thuốc tanh hôi:
    - Về đi.
    Chị do dự nhìn gã, nhớ lại đứa con vừa thôi nôi của mình ngày nào cũng khóc oe oe vì đói thì dứt khoát cầm tiền trở về.
    Sáng sớm hôm sau, lúc chị đội nón ra đồng cắt cỏ thuê thì hay tin đống rơm lớn gần ao đã cháy sạch.
    Tiếng bàn tán của những người đàn bà xung quanh làm chị ngẩn ngơ dừng tay cắt, sửng sốt ngẩng đầu nhìn bầu trời trong veo phía xa, không khí buổi sớm mát trong đầy dễ chịu. Chị thấy ngạc nhiên. Đêm qua, chị trở về, vừa nấu xong nồi cháo cho heo thì trời đổ mưa. Vậy mà đống rơm lớn lại cháy, lẽ nào là gã đốt đi? Gã luôn là kẻ quái dị trong mắt chị.
    Bỗng dưng chị nhớ về lần đầu gặp gã.
    Đó là một đêm trăng tròn giữa tháng soi rõ mặt người cách đây gần một tháng, chị mang giỏ men theo lối mòn, băng qua con kênh thạch nham để lội xuống đám lúa đang độ chín bắt ốc cho buổi chợ vào sáng hôm sau. Gió thanh nhẹ vờn lên gò má cao, đôi mắt chị sáng ngời dưới trăng cố thu hết toàn bộ khoảng không trước mặt, chân chị nhanh nhẹn đặt lên cây cầu nối hai bờ kênh bằng hai thân cau tạm bợ. Chính đêm ấy, chị nhặt được gã.
    Gã ở trần, úp sấp trên mặt nước, ống quần dài bị sức nước thổi phồng. Không chút cử động, gã bập bềnh trôi theo dòng nước. Như một xác chết.
    Chị hoảng hốt ngồi thụp xuống cầu, chần chừ nhìn vào gã thật lâu cho đến khi nửa người trên của gã trôi qua thân cầu mới dùng giỏ tre trên tay đập vào gã. Không chút phản ứng. Trực giác mách bảo chị rằng đây là người còn sống. Chị lao xuống nước. Tiếng ếch nhái bên đồng bỗng rộ lên khó hiểu khi chị dùng hết sức lực kéo gã lên bờ. Trăng tròn khuất bóng sau mây, mờ trời, tối đất.
    Gã tỉnh. Chị mang gã về.
    Gã đi chân khập khiễng, dưới thắt lưng có một vết sẹo dài lớn bằng ngón út, ngoằn ngoèo như một con rết được dán vào da hết sức nổi bật. Dưới chân gã là đôi giày vải mòn quẹt cũ kĩ lê từng bước trên con đường nhỏ sát bên chị. Cả quãng đường tối om gã chẳng mở miệng hỏi lấy một câu, cả khi chị đem gã về đến đầu hiên, đưa cho gã một manh chiếu rách cùng một tấm áo xanh của lính Ngụy gã cũng chỉ gật nhẹ đầu, đôi mắt trong đêm đen hun hút.
    Chị tặc lưỡi chỉ cho gã chỗ nằm rồi xoay lưng vào nhà, cài kĩ then cửa. Mẹ chị đang dùng khăn ướt lau mặt cho người cha bại liệt của chị, thấy chị về thì ngẩng mắt, đánh tiếng thở dài:
    - Có được gì không con?
    Chị lắc đầu, đôi mắt mỏi mệt, trăng tròn bị mây che khuất, chị không đủ ánh sáng để bắt lấy một con cua nhưng đủ sức mò được ít ốc:
    - Chỉ được ít ốc sáng mai nấu cháo cho thằng bé thôi ạ.
    Mẹ chị ừ khẽ rồi phe phẩy quạt mo quạt mát cho chồng. Ánh đèn dầu leo lắt sáng hắt bóng bà lên bức tường quét vôi loang lổ ở đối diện, gầy còm, đứt quãng. Tiếng trẻ con khóc lên đòi mẹ làm chị bước vội xuống nhà đổ ốc vào thau nước, đậy kĩ rồi trở lên cho con bú. Bầu sữa cạn khô không làm thằng bé đủ no. Chị riết con vào lòng, mắt hằn những nếp nhăn ép vào nhau cố ngăn những vất vả đang trào ngược ra ngoài. Chị cúi đầu hôn con, đung đưa một câu hát ru buồn khổ:
    "À ơi, con không cha như nhà không nóc..."
    Ngoài hiên, gã cởi giày treo lên thân cây trứng cá, tần ngần nhìn ánh sáng hiu hắt tỏa ra từ căn nhà nhỏ cho đến khi tiếng ru con im bặt, đèn tắt đi gã mới ôm lấy bóng tối ngả lưng lên manh chiếu cũ.
    Qua đêm, gà vừa gáy canh tư, trời mù mịt sáng bằng thứ ánh trăng tròn mờ đang lặn dần bên kia đỉnh núi thì chị thức giấc. Nhớ đến gã đàn ông đêm qua, chị vòng từ sau nhà ra trước hiên để xem nhưng gã đi rồi.
    Gã đi, đem theo tấm áo lính Ngụy của cha chồng chị.
    Cứ ngỡ mảnh đời cắt ngang vô tình như nước con kênh thạch nham trong đêm trăng mờ, nào hay trăng khuyết rồi tròn, mờ rồi lại tỏ, chị gặp lại gã khi lúa vụ hè thu chín rộ đến kì thu hoạch.
    Cuối tháng tám, nắng cháy chói chang, cái nắng nóng rát thiêu da đốt thịt không chừa bất cứ ai, đàn ông mặc áo tay dài, đội nón tai bèo cũ kĩ, đàn bà mặc ba lớp áo, tay chân không một chỗ hở để gặt, suốt rồi phơi lúa trên con đường kênh chật hẹp đầy bụi đất đỏ. Vậy mà trong đám người ấy, gã lại phơi lưng trần khoe ra vết sẹo lồi lên trên lưng, dưới tán nón lưỡi trai đã rách gã nhe răng cười làm chị giật mình suýt cắt vào tay. Thế nhưng lúc chị định mở miệng hỏi một câu lấy lệ thì gã lạnh lùng quay đi khiến chị chưng hửng thu lại ánh mắt, gằm đầu cố gắng gặt lúa nhiều nhất có thể.
    Tan buổi gặt, chị trở về nhà rồi lại quên gã đi, quên như người ta quên một cô ve chai xa lạ từng ghé nhà mua vài chai nhựa lon sắt rồi đưa một trăm đồng. Cái đói, cái nghèo, cái hiện thực bày ra trước mắt khiến chị không còn đủ sức để nghĩ, để nhớ đến những người xa lạ. Mảnh đời của chính chị đã đủ bất hạnh, túng thiếu đến quẫn bách và cùng cực lắm thay.
    Cha chị tham gia lính Ngụy vì muốn gia đình được phụ cấp cao, ông từng bị đạn găm vào bắp chân trái, trị thương không cẩn thận, giải ngũ trở về, tiền thuốc men không có, phụ cấp không còn lại mang theo một thân bệnh tật, chống đỡ được vài năm thì bại liệt nằm hẳn một chỗ. Trong nhà vốn chẳng khá giả, chạy chữa cho ông được vài năm thì tài sản duy nhất còn lại chính là căn nhà cũ kĩ cùng một mảnh vườn gà nuôi không đủ chỗ, mọc đầy rau thài lài và vài bụi chuối cau. Xã không cấp giấy hộ nghèo, người ta e dè thân phận lính Ngụy của cha chị, e dè đến nỗi người chồng cưới hỏi đàng hoàng sau khi chị sinh đứa con thứ hai thì dứt khoát bỏ đi, con vừa đầy tháng thì dắt về nhà một cô vợ mới. Gia cảnh tốt hơn, lí lịch sạch hơn.
    Khi ấy, lòng chị tan nát, đau khổ đến tột cùng, chị từng nuôi ý định tự tử. Tự tử không thành chị lại bàn với mẹ muốn đi Sài Gòn buôn ve chai rồi gửi tiền về quê nhưng con còn quá nhỏ, cha chị ngày một yếu đi, toàn bộ ý định tan thành mây khói. Giờ đây, ban ngày chị phải khom lưng cắt cỏ ở đồng, dầm mưa dãi nắng bán công cho nhà người khác để kiếm vài đồng bạc lẻ mua ít gạo, ban đêm phải lội ruộng bắt ốc mò cua, mót từng hạt thóc với hi vọng bốn miệng ăn trong nhà không phải đói than.
    Cũng chính vì phải vất vả quanh năm, chị không còn tâm trí để thương hại cho người khác, dù lòng thương hại ấy bé tí như một móng tay, với chị, nhặt được gã từ con kênh lên đã là không tệ.
    Vậy nên, chị càng không thể ngờ, đời chị lại ngoặt sang con đường khác khi gặp lại gã lần thứ ba.
    Lần gặp này không khác lần gặp đầu tiên là bao. Trăng non cong cong như cười như giễu, gió thanh trên cánh đồng đang gặt dở, cơn mưa chiều còn sót lại hơi tàn nồng nàn những hồn nhiên của mùi rạ ẩm. Đêm tàn dần, đường xá vắng tanh chỉ sót lại những tiếng ếch nhái lạnh tanh hòa cùng tiếng xe máy vẳng từ con đường liên huyện ở đầu thôn. Chị cầm giỏ tre có con cá quả vừa bắt được đi từng bước nhẹ nhàng trên con đường vắng, ngang qua khu nghĩa địa nhỏ của thôn, chị rùng mình vài cái rồi suýt nữa hét lên khi trông thấy gã nằm vắt vẻo trên một tấm bia, trong tay là điếu thuốc hút dở.
    Là gã mở miệng lên tiếng trước, nhưng câu từ của gã lại làm chị lặng người đi:
    - Đừng đi bắt ốc đêm khuya nữa, làm đàn bà của tôi đi.
    Chị níu chặt giỏ cá trong tay, đôi mắt chăm chăm nhìn vào mặt gã, bằng điếu thuốc lòe lòe sáng chị nhận ra gã cũng đang nhìn mình, cái nhìn dò xét lẫn chờ mong. Chị cụp mắt, có thứ gì đó nghèn nghẹn dâng lên lồng ngực, lời của gã như khoét vào nỗi đau nghèo khó của chị, như xem thường một con đàn bà là chị, một con đàn bà chẳng còn gì đáng giá ngoài tấm thân. Nhưng trớ trêu thay, dù nó phũ phàng nhưng không hề sai, chị vốn chẳng còn gì để mất.
    - Anh định trả công tôi thế nào?
    Gã dập tắt điếu thuốc, đôi dép mòn quẹt chà mạnh lên nó dập đi đóm lửa bập bùng cuối cùng, trên cao, trăng non trong trẻo sáng giữa một vùng trời cao vút. Một cơn gió lạnh thổi ngang qua vạt áo khi gã nhích chân lại gần, chị rùng mình, suýt nữa thì lùi chân ra sau để tránh thân hình cao to của gã.
    - Cô sợ sao?
    Đúng vậy, chị rất sợ, sợ mình đi sai đường, sợ khổ, sợ đau, sợ bản thân chưa hề biết gì về con người trước mặt, sợ những nỗi sợ vô hình của một người đàn bà vốn đã trải qua nhiều giông bão của cuộc đời... Nhưng những nỗi sợ đó gộp lại cũng chẳng bằng nỗi sợ những đứa con thơ khóc la vì đói, cha mẹ bệnh tật lại chẳng đủ tiền thuốc men. Chị có thể đói, có thể đau, nhưng chị không chịu nổi khi nhìn thấy người nhà của mình phải khổ sở. Chính vì vậy, chị có thể làm tất cả mọi thứ, kể cả bán rẻ bản thân mình đi.
    Chị ngẩng đầu nhìn gã, cái nhìn sâu hút như xuyên qua đôi mắt gã để tìm đến một khoảng không hạnh phúc:
    - Tôi chỉ sợ anh không đủ tiền để trả mà thôi.
    Gã chỉ cười. Cái cười của gã trở thành đoạn kết của cuộc giao dịch, và chị trở thành đàn bà của gã trong cái hẹn sau đó ba đêm. Một người đàn bà chỉ nhận tiền nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ.
    
- o O o -

    
    Đêm khuya dần, cả thôn chẳng còn đèn nhà ai để mở, họa may chỉ vài nhà còn ánh lửa bập bùng trong bếp, thổi cho chín nồi cháo cho heo ăn khuya. Chị nhẹ mở cửa rồi lách mình thật nhanh băng ra đường lớn, bước chân nhích dần về phía căn chòi ở cuối thôn gần bờ ao nhỏ, nơi tá túc tạm bợ của gã. Thỉnh thoảng, vài tiếng chó sủa ma vang lên làm chị giật thót nhưng bước chân vẫn cứng rắn đi về phía trước. Đêm nay, gã vốn không hẹn, là chị tự đến tìm vì muốn biết chuyện đống rơm cháy vào tối qua.
    Chị đi vòng qua ao, đến trước căn chòi, chần chừ nhìn vào điếu thuốc trên môi gã, thật lâu cũng không biết làm thế nào để bước vào. Gã đang đốt thuốc, từ lúc chị đến đầu ao gã đã nhận ra, thấy chị đứng mãi dưới hiên không lên thì mất dần kiên nhẫn:
    - Vào đi.
    Gã rít thuốc nhìn bộ quần áo nhàu cũ trên người chị, dáng đi khom khom đầy khổ cực và khép nép như sợ hãi làm gã nhớ đến người vợ đã mất được năm năm của mình.
    Vợ gã không đẹp nếu không muốn nói là xấu, cô luộm thuộm với mớ tóc lúc nào cũng rối, quần áo dù luôn được gã sắm sửa cũng bẩn rất nhanh, làn da thô đen, còn hàm răng thì toàn lợi. Cô về làm vợ gã trong một buổi chiều trời mưa tầm tã, sấm chớp đì đùng như muốn rạch nát bầu trời. Làm vợ mà không cưới xin ăn hỏi. Làm vợ như chuyện đúng rồi và đơn giản nhất đời người.
    Mà cũng phải, khi ấy gã làm gì có tiền cưới hỏi, cô lại còn không. Một kẻ khố rách áo ôm, sống bằng nghề đào vàng ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” ngay sát biên giới, đào cả chục năm chỉ được toàn đá. Lần duy nhất gã đào được vàng thì gặp phải trời mưa, vàng lẫn trong đá còn chưa kịp nhặt thì phải bỏ chạy vào rừng, vừa trú mưa vừa trốn bọn buôn người đang sang Việt Nam từ bên kia biên giới. Vàng không nhặt được, ngược lại gã nhặt được cô. Khi ấy cô trốn sau hốc đá trước một túp lều gã dựng lên ở tạm lúc đào vàng, người ngợm lấm lem, quần áo rách nát, trong tay là một con dao dính máu, bên cạnh là một cái xác gầy nhom đang lạnh dần. Nhìn thấy gã thì giơ dao lên cao, đôi mắt mở to cố che đi sợ hãi. Gã cười gằn, đá chân vào xác chết cho hắn lăn đi rồi bước vào trong lều, giọng giễu cợt:
    - Nếu tôi muốn bắt cô, con dao ấy chẳng thể làm được gì.
    Cô đứng ngoài lều, nước mưa ngấm vào da thịt nhìn gã nhanh chóng thu dọn đồ đạc, đến lúc gã đeo ba lô bước chân vào rừng sâu mặc kệ cơn mưa càng lúc càng lớn thì thu hết dũng cảm đi theo. Gã nhíu chặt mày nhìn con dao trên tay cô:
    - Rửa sạch rồi cất đi.
    Nói xong thì cất bước, cô ngơ ngác lau con dao vào quần cho sạch vết máu rồi níu áo đưa cho gã:
    - Anh cho tôi theo với.
    Gã nhìn cô, cái nhìn thăm thẳm, có lẽ trận mưa hôm ấy đến đúng lúc, hoặc trên gương mặt xấu xí, đôi mắt cô chẳng lẫn một chút tạp chất dễ dàng khuấy động lòng người, gã cất dao rồi để cô theo mình. Đi thẳng một đường ra khỏi cánh rừng, tá túc một đêm trong ngôi miếu đổ hoang rồi sáng hôm sau bắt xe trở về quê cũ, cô nghiễm nhiên trở thành vợ gã, một người vợ hiền lành và thương chồng hết mực. Ở với nhau được một năm thì cô có thai, con gái sinh ra được tròn tháng thì gã quyết tâm tu chí theo bạn đi làm ăn để kiếm tiền cho vợ con cuộc sống đầy đủ.
    Vậy mà đời lắm lúc đau, trời vốn thích trêu người, con gái năm tuổi thì cô mất, mất sau một trận sốt xuất huyết, mất mà không kịp nhìn gã một lần cuối cùng...
    - Anh đốt đống rơm hả?
    Giọng nói nhẹ bâng của chị trôi vào tai đánh thức gã khỏi những khổ đau của một hồi ức xưa cũ, gã gõ tàn thuốc trên tay xuống đất, không vội trả lời mà đưa mắt nhìn ra khoảng tối mênh mông trước mắt. Trăng đã lên cao từ lúc nào.
    - Cô nói xem ông trời có mắt không?
    Theo ánh mắt gã, chị nhìn ra khoảng tối trước mặt, nhiều lúc nghĩ quẩn chị muốn chỉ tay mắng ông trời bất công, mắt nhìn không tỏ hành hạ chị khổ cực bao nhiêu năm nay nhưng rồi chị lại không dám, cái mê tín, tin vào nhân quả đã ăn sâu vào máu thịt, chẳng thể trách ai. Chị thẫn thờ trả lời:
    - Tôi không biết.
    Gã quay đầu nhìn chị, cười hời hợt:
    - Tôi cũng không biết. – Rồi nhớ ra câu chị đã hỏi khi bước vào, gã rít một hơi cuối cùng của điếu thuốc rồi thì thào. – Đêm qua tôi lỡ tay làm rơi tàn thuốc, rơm khô bén lửa nhanh, bốc cháy mạnh, tôi cũng lười dập, vậy là kệ luôn.
    Cái cười của gã giống như con kiến đang bò trên tay bỗng cắn một phát làm chị giật thót người, cố nhìn gã kỹ hơn, đêm mờ, nửa tối nửa sáng, thứ duy nhất chị nhìn rõ là sống mũi gã lõm vào ở chính giữa, hốc mắt gã sâu hoắm, cả gương mặt ẩn khuất trong khói thuốc vừa khắc khổ vừa bặm trợn đầy nét giang hồ. Trông gã như thể đã đi qua mấy cuộc đời, không còn gì để mất và chẳng biết sợ hãi điều chi.
    Rốt cuộc không ngăn nổi tò mò, chị mở lời hỏi gã:
    - Anh làm nghề gì?
    Gã châm một điếu thuốc mới rồi đưa cho chị để mời, chị xua tay từ chối. Đêm tàn dần, gà nhà ai cất vang tiếng gáy giữa khuya khi gã cất lời đáp trả:
    - Tôi là thợ đụng. Đụng gì làm đó, đi nhiều rồi nên nghề nào cùng từng trải qua.
    Câu trả lời của gã như khuyến khích chị hỏi tiếp, như muốn mở lòng để kể những thứ u uẩn đang quấn thân. Chị chần chừ rồi tiếp tục hỏi:
    - Đi hoài như thế rồi anh không có vợ sao? Hay anh đi đến đâu là có vợ đến đấy.
    Gã nhìn chị, cười khùng khục:
    - Cô xem như là một nửa người vợ thứ hai của tôi.
    Chị ngẩn ra, đúng là một nửa vợ thật, chị còn chưa kịp hoàn thành nghĩa vụ vợ chồng với gã.
    - Vậy người vợ thứ nhất của anh đâu?
    Tần ngần lúc lâu gã mới trả lời, nhẹ tênh:
    - Chết rồi.
    Chết rồi? Chết nhẹ tênh như vậy? Chị cụp mắt nhìn những ngón tay đầy chai sần, móng tay còn cụt ngủn và có màu vàng đen, màu của cực khổ bám víu lâu năm. Chị thấy mình đau, đau như thể người chết trong miệng gã là người nhà của mình. Phải đau nhiều đến bao nhiêu gã mới có thể bình thản đến như vậy, bình thản đến mức để người nghe đau lòng giùm gã. Chị không hỏi nữa, chị sợ mình đâm dao vào lòng gã, khơi lên những đau buồn gã đã từng vượt qua.
    Không khí xung quanh như ngưng đọng, cô đặc rồi nhẹ nhàng chạm vào lòng người, trong con ao nhỏ gần bên vang lên tiếng ếch nhái râm ran, xa hơn nữa là tiếng mèo kêu khe khẽ gọi bạn tình.
    Chị không hỏi, gã cũng im lặng. Sự im lặng đẩy con người ta vào những ngóc ngách tăm tối, cái tăm tối có phần hài hòa của hai phận đời khác nhau vô tình chạm phải nhau rồi gắn kết.
    Gã hút xong điếu thuốc rồi đưa tay chạm vào vai chị. Chị ngoảnh mặt nhìn, trăng tròn đang lặn dần chiếu thẳng vào căn chòi sáng rõ mặt gã, nhìn vào đôi mắt thăm thẳm của gã rồi lặng lẽ ngả người xuống manh chiếu trên sàn. Chị biết, mình có việc phải làm.
    Lúc chị thức giấc gà đã gáy canh ba, chị đưa mắt nhìn ánh trăng mờ ảo khuất sau lũy tre làng đang đung đưa những điệu hát dưới cơn gió hè khe khẽ rồi ngồi dậy chỉnh sửa quần áo gọn gàng.
    Gã ngồi dựa cửa, vẫn phì phèo thuốc như một thói quen để che đậy những nỗi niềm, đôi mắt gã chăm chăm vào cây thị mọc hoang bên kia đường đang chín trái, hương thị thơm lừng đưa vào mũi không át được khói thuốc điếu tanh hôi. Gã nhíu mày quay đầu khi tiếng bước chân của chị lại gần, chị đứng đó, lẳng lặng nhìn gã, cái nhìn có phần chịu đựng, còn có chút thương hại không thể gọi tên. Gã nhếch môi, móc túi đưa cho chị hai nghìn năm trăm đồng.
    Chị nhìn gã, có chút sững sờ rồi nhanh chóng cầm tiền rời đi.
    Trong thôn thưa người nhưng nhiều nhà đã thức giấc để kịp hái rau chuẩn bị cho buổi chợ sớm, chị bước nhanh chân để tránh người ta nhìn thấy. Chị về đến nhà, ngả lưng trên phản với con một lát, đến canh tư lại thức dậy thổi lửa đun lại nồi cháo heo rồi vo gạo bắt một nồi cơm để ăn bữa sáng. Heo trong chuồng vừa thỏa mãn vì được ăn no thì mẹ chị thức dậy, bà tần ngần đứng cạnh chị bên bếp lửa, chần chừ muốn nói lại thôi. Chị nhìn mẹ, nếp nhăn trên mặt bà dày đặc, cả vẻ mặt khắc khổ những lo toan:
    - Có chuyện gì vậy mẹ?
    - Cha con... ông ấy đi rồi...
    Lời của bà nhẹ bẫng, giọng của bà ngập ngừng, cả câu đứt quãng như con dao cùn khoét vào da thịt làm chị choáng váng, trái tim như bị bóp nghẹt đến ngạt thở. Chị đặt con dao xuống bếp, chùi tay vào áo rồi bước vội lên nhà chỗ người cha đang nằm. Ông nhắm mắt, cả người gầy còm, những ngón tay xuôi dài theo thân, lạnh dần đi, không còn chút hơi thở. Chị ngồi xuống, lặng người cầm lấy tay ông, sống mũi nghẹt cứng, cay xè.
    Mẹ chị vỗ nhẹ vào vai chị, chị quay đầu nhìn vào đôi mắt đục ngầu của bà, ngàn lời muốn mở miệng đều bị cuốn vào trong đôi mắt ấy, chua xót, lại thêm phần thanh thản. Bao năm cha chị phải chống đỡ với bệnh tật, phải chịu những cơn giày vò đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn mỗi khi trái gió trở trời, sức ông ngày càng yếu, đi được cũng là giải thoát. Đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ say, có lẽ, lòng ông cũng được thanh thản.
    Chị gọi người bán heo, gom hết số tiền hiện có làm cho cha một đám tang đơn giản nhưng không thiếu thốn, vừa để an ủi ông trên đường đến suối vàng, vừa để nhẹ lòng những người còn ở lại. Nhẹ lòng thôi, còn gánh nặng vẫn cứ đè nặng lên đôi vai ngày một gầy đi của chị.
    Suốt những ngày tang, chị không gặp gã, đến lễ hạ quan, gã mới xuất hiện đắp cho cha chị một nắm đất nhỏ, sau đó thì không gặp lại nữa, tận đến đám tuần bốn mươi chín ngày của cha.
    Ngày đó, lúa đã về kho, cánh đồng bát ngát còn trơ gốc rạ khô cằn, nắng dịu dần đi sau khi đón những cơn mưa lớn, đường đất đỏ của thôn còn nhẹp những lớp bùn chưa khô hẳn đầy những dấu xe lớn nhỏ, cạn có, sâu có. Đám tuần vừa bày mâm, còn chưa kịp cúng thì chồng cũ của chị sang, hắn đứng ngoài sân nhìn vào trong nhà, dáng vẻ có phần hèn hạ.
    Đứa con gái lớn của chị ở trong nhà, nhìn thấy hắn thì mở lời gọi một tiếng “ba”, hắn híp mắt liếc nó một cái rồi xem như không nhìn thấy. Mẹ chị bước ra hiên, bà lạnh giọng hỏi:
    - Mày muốn làm gì?
    Hắn phớt lờ lời của bà, đứng đó nhìn vào trong nhà, nhìn cho đến khi vợ hắn sang, vợ hắn nhéo hắn một cái thật mạnh rồi gào lên:
    - Sao thế? Không phải ông bảo qua đòi con về chống gậy sao? Sao sang rồi lại đứng đây? Muốn nối lại tình cũ hả?
    Chị bước ra sau tiếng gào, mày nhíu chặt khi thấy bà con lối xóm cũng bắt đầu tụ lại, trong đám đông ấy, có cả gã. Gã dựa vào gốc dừa to, phì phèo thuốc, đôi mắt hững hờ nhìn về phía chị.
    Chị bước xuống sân, nhỏ nhẹ nói chuyện với hai con người đang cố tình làm loạn:
    - Mời hai người về cho, hôm nay là giỗ của cha tôi, có gì chúng ta sẽ nói sau.
    Hắn liếc mắt nhìn chị từ trên xuống, thoáng thấy bà con chỉ trỏ bàn tán thì dự định kéo tay cô vợ trở về, nào ngờ cô vợ hung dữ giật tay hắn ra rồi chỉ vào mặt chị:
    - Hứ, mày ở đó mà đạo đức, thứ đàn bà lăng loàn như mày nên trả con cho chồng tao, để nhà tao nuôi.
    Chị nắm chặt tay, những ngón tay bấu vào nhau, chị như nghe thấy tiếng khớp xương vang lên răng rắc, như nghe thấy tim mình gào lên những tiếng phẫn nộ. Vậy mà chị còn chưa kịp bình tĩnh đã thấy cô ả xông thẳng vào nhà, đi đến cái chõng tre nơi con trai một tuổi của chị đang say giấc.
    Mẹ chị xông đến giữ cháu, giọng khản đặc:
    - Trả cháu cho tao, đây là cháu của tao, không phải con của chúng mày.
    Cô ả hung hăng đẩy mẹ chị ra, sức người già yếu đuối không thể chống đỡ ngã thẳng xuống nền đất bẩn, con gái chị lao ra sân ôm lấy bà ngoại rồi khóc rống lên. Sau đó, nó rời bà ngoại ôm lấy chân hắn, giọng nức nở:
    - Ba ơi... ba trả... em... lại cho... con đi...
    Hắn phũ phàng hất nó ra, đá chân vào người nó đầy ghét bỏ. Chân chị như dán sắt vào nền đất, chị đưa mắt, căm thù nhìn hắn. Đời chị vốn chẳng còn gì, thứ quý giá nhất với chị là những đứa con, chị cố gắng bao năm vì mong người nhà hạnh phúc, đó là con hắn, con hắn mà hắn nỡ lòng đối xử thô bạo như vậy. Chị đau đến nghẹt thở, trái tim như ngừng đập, kiệt quệ đến cực cùng. Chị hít vào, thở ra rồi chạy nhanh vào bếp cầm lấy con dao phay nằm im trên thớt rồi lao ra sân.
    Chị đưa dao lên, hết xoay vào đám đông rồi đưa về phía cô vợ hắn, mắt chị mở lớn, đục ngầu, giọng chị chết chóc:
    - Mày trả con tao đây, hôm nay mà mày ôm nó về, tao giết cả nhà mày!
    Đám đông tản dần. Cô ả ôm đứa bé khiếp người vào sau lưng hắn. Đứa bé hoảng hồn khóc rống lên, tiếng khóc làm tim gan chị đảo lộn, mọi thứ như thể chạy ngược trong người, chị chỉ biết đến con, con chị đang khóc, nó đang tìm mẹ.
    Nước mắt chị rơi xuống, chị ném dao, gào lên tắc nghẹn:
    - Trả... con... cho... tôi.
    Cô ả hừ hừ, lạnh lùng vỗ vỗ đứa bé mong dỗ nó nín khóc, nhưng đứa bé lạ hơi, ả càng vỗ nó càng khóc to hơn, khóc như đứt ruột đứt gan. Tiếng khóc của nó hòa cùng tiếng khóc của cô con gái làm lòng chị đau thắt. Chị xông đến, liều mạng xô hắn ra rồi giành con với cô ả. Cô ả mất người dựa, mất thế chống, trơ mắt nhìn chị giành lấy đứa con. Chị ôm con vào lòng, nâng niu dỗ dành, nó vừa nín khóc tiếp tục ngủ ngoan thì tiếng con gái lớn khóc thét lên. Chị ngẩng đầu nhìn, hắn đang nắm tóc con bé, nhìn chị cười giễu:
    - Mày giành được con vui lắm phải không? Mày ôm con trai mày đi, tao hành hạ con gái mày cho mày biết mặt.
    Chị há miệng, cố tìm chút không khí để thở, khi hắn giơ tay định tát vào mặt con gái thì gã xông vào. Gã giơ chân đá vào người hắn, rồi lao nhanh vào đấm thẳng lên mặt hắn.
    Gã vốn đứng nhìn thờ ơ, chị có thể là “vợ” gã nhưng chuyện gia đình chị không liên quan đến gã, thế nhưng khi hắn phũ phàng đánh cả con gái ruột của mình như hành hạ một con búp bê thì gã không thể chịu nổi. Gã từng là cha, gã yêu thương con gái như mạng sống nên không thể chấp nhận hành vi không còn tình người của hắn. Gã liều mạng đánh đấm vào người hắn, mặc kệ tiếng hô làng nước của cô ả, mặc kệ tiếng can ngăn của chị.
    Gã hung hăng phát tiết, không ai nhận ra, trên khóe mắt gã vừa rơi một giọt lệ.
    Con gái gã chết rồi, đứa con gái mười tuổi đáng thương của gã, chết vì bị người ta cưỡng bức, chết trong vòng tay gã, chết mà cơ thể chẳng còn lành lặn. Gã biết hung thủ, điên cuồng tìm công an tố cáo. Gã có đủ kiên nhẫn, gã có đủ can đảm, nhưng gã không có tiền, vì vậy hung thủ hại chết con gái gã chỉ ngồi tù hai tháng rồi nhởn nhơ phun nước bọt vào mặt gã, cười cợt vào nỗi đau xát muối của gã. Gã lao vào đánh hung thủ, đánh cho đến khi hắn ta chỉ còn chút hơi thở thoi thóp, đánh cho đến khi nỗi hận phát tiết xong xuôi, gã mặc kệ hắn ta còn sống hay không đã nhảy thẳng xuống kênh, mặc nước cuốn mình trôi lờ lững. Trôi từ lúc mặt người còn tỏ đến tận đêm khuya, đến khi chị nhặt được gã.
    Chị kéo gã ra, không biết vì sao, chị cảm thấy trên người gã có một nỗi đau rất lớn, lớn đến nỗi chỉ nhìn hành động của chồng cũ đã khiến gã buông thả cảm xúc mà phát tiết nỗi lòng.
    Chồng cũ nằm xác xơ dưới nền đất bẩn, cô vợ nhanh chóng xông đến đỡ hắn đứng dậy trở về, đôi mắt nơm nớp lo sợ nhìn về phía gã.
    Chị ngồi bệt dưới đất, ôm lấy đứa con gái lớn, đầu ngẩng lên nhìn về phía mặt trời, chói chang đến hoa lệ nhưng đau nhức vô cùng. Nước mắt chị trào ra, từng giọt từng giọt như máu trong tim đang chảy ngược. Đời chị, khốn khổ đến thế là cùng.
    Gã đứng dậy thất thểu rời đi. Chị đứng dậy ôm con vào nhà.
    Đám tuần dù muộn vẫn tiếp tục cho xong, còn phải để cha chị yên lòng.
    Tối muộn hôm ấy chị lại tìm đến gã, gã chẳng nói chẳng rằng khoác tấm áo lính Ngụy rồi đi trước, chị theo sau. Đi đến bờ kênh thạch nham nơi lần đầu chị trông thấy gã thì dừng lại. Gã lại quấn thuốc, bật lửa đốt lên. Khói thuốc tanh hôi lượn lờ khắp nơi như phủ sương lên mặt gã.
    Đêm đầu tháng trăng non mọc sớm, mông lung, khi mờ khi tỏ khuất sau những đám mây, bầu trời đêm thanh dịu, sao thưa thớt sáng. Nước trong kênh đầy ăm ắp, sóng sánh ánh trăng non đang lưng lửng trên mái đầu, trăng trong nước nhìn đẹp hơn hẳn nhưng lại càng mờ ảo hơn, một cái chạm tay là tan thành bóng nước.
    Chị quẫy chân vào nước, nhìn ánh trăng tan đi thì thở dài một tiếng, phận chị có lẽ cũng như ánh trăng kia, mông lung và sẽ tan đi nếu một ngày kiệt sức với những đè nén của cuộc đời.
    - Tôi phải đi.
    Gã lên tiếng xóa tan không khí im lặng, giọng nhẹ tênh nhưng như búa tạ gõ vào lòng chị. Chị nhìn gã, bao lời muốn hỏi để biết vì sao gã đánh chồng cũ của chị, để biết gã có nỗi đau như thế nào đều hóa thành hư không. Chị không dám hỏi. Gã đi rồi thì chị biết cũng chỉ để bản thân thêm đau mà thôi. Con người là vậy, dễ dàng hèn nhát với những thứ làm bản thân mình tổn thương. Chị gật nhẹ đầu, nhưng rồi không ngăn nổi nỗi lòng đang dậy sóng, vẫn mở miệng hỏi gã:
    - Vì sao?
    Gã nhả thuốc, thản nhiên:
    - Ở đây hết mùa lúa rồi, tôi phải đi nơi khác để kiếm sống.
    - Bao giờ anh đi?
    Gã nhìn chị, tự dưng mỉm cười, cái cười không rõ nghĩa nhưng lại làm lòng chị nhẹ hẳn đi.
    - Còn con là còn hạnh phúc... – Bâng quơ như vậy rồi gã đứng dậy, vươn vai. – Giờ tôi sẽ đi.
    Chị đứng dậy theo gã, lòng lại nghẹn nghẹn, lời của gã giống như an ủi chị, lại tựa như xót thương cho chính mình.
    Gã vuốt lại vạt áo, rồi lại cười với chị:
    - Tôi xin tấm áo này nhé. Coi như là giữ chút kỉ niệm...
    Kỉ niệm về người vợ thứ hai của mình.
    Gã nói xong thì rời đi dọc theo con kênh, xuôi theo dòng nước, cùng hướng với lúc gã trôi xuống. Bóng lưng gã cô độc, tiêu điều nhưng nhẹ nhàng như vừa để lại một phần u uẩn phận người tối tăm.
    Chị đứng tại chỗ chôn chân nhìn gã, nhìn cho đến khi bóng lưng gã khuất sau một bụi rậm to lớn rồi biến mất trong bóng đêm tĩnh mịch. Tiếng ếch nhái lại vang lên râm ran khắp nơi, chị xoay lưng trở về, ánh trăng non trôi đến lên lưng trời lại nấp vào trong mây để cả con đường chìm trong bóng tối.
    Đời người, phận người cũng lưng lửng như bóng trăng kia.

Kết Thúc (END)
Sâu
» Mụ Điên
» Sông Hiu Hắt Gió
» Lưng Lửng Trăng Mờ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Bầu Trời Của Người Cha
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò