Năm giờ sáng Nhu thức dậy bởi những cơn đau thành từng đợt nơi bụng dưới. Cô bật dậy, lo lắng đi vào nhà vệ sinh. Nhìn thấy vệt máu màu đen rơi xuống sàn nhà vệ sinh thì mặt cô biến sắc. Nhu không phải một đứa ngốc, lại càng không phải đứa trẻ không hiểu chuyện. Cô đủ hiểu biết để đoán được chuyện gì đang xảy ra. Bằng tốc độ nhanh nhất có thể cô tới bệnh viện, trên đường đi cô cố gắng kìm nén tiếng khóc vỡ òa. Và cô thực sự khóc òa khi bác sĩ nói, đã không còn tim thai nữa, đứa bé đã…
Những cơn đau cô cảm nhận được là vì cơ thể cô đang tìm cách đẩy đứa bé ra, hay nói cách khác, cô sắp sinh. Chỉ có điều sớm hơn dự định tới hơn bốn tháng, và đứa bé sinh ra sẽ không thể nào cất tiếng khóc…
Đứa bé cứ như vậy bỏ cô, chẳng có một dấu hiệu gì báo trước, dù bác sĩ nói, nó đã mất được vài ngày rồi. Nhu đưa tay sờ bụng mình, cái bụng đã nhỏ hơn so với vài tiếng trước rất nhiều. Đứa bé đã từng ở đây… Và chính ở nơi này trái tim nó đã ngừng đập, vậy mà người mẹ như cô không hề có chút cảm nhận nào để biết rằng trước đó nó không khỏe, nó cần được giúp đỡ.
Là cô quá vô dụng không giữ nổi nó hay là vì nó không muốn bên cô?
Nhu nén nước mắt, cắn răng nhịn đau và hít sâu thở đều phối hợp với các động tác của bác sĩ. Tiếng la hét của sản phụ bên cạnh thật chói tai. Thực ra Nhu cũng muốn hét lên như thế. Không phải vì đau mà vì tuyệt vọng. Nỗi đau thân xác có thể nào sánh bằng nỗi đau trong trái tim cô? Nhưng ngoài kia, phía sau cánh cửa buồng giải phẫu kia là mẹ, là chồng, là những người vừa chảy nước mắt, đau lòng vì đứa bé cô không thể giữ lại, vừa lo lắng cho cô. Tiếng hỏi han dồn dập bên ngoài của mẹ khiến cho tiếng thét thê lương nơi cổ họng cô như bị chặn lại.
Cáng cứu thương được kéo ra khỏi buồng giải phẫu. Nếu được soi gương Nhu đoán khuôn mặt cô hẳn là trắng bệch. Mẹ cầm một bên tay cô và chạy theo cáng. Cô y tá kéo cáng quá nhanh làm chân mẹ bị vấp vào cái gì đó. Thế mà tới tận hôm sau mẹ mới biết vì toàn bộ sự chú ý của mẹ đặt lên Nhu, đứa con gái đáng thương của mẹ.
Nhu giấu mình trong chăn, che đi nước mắt. Người cô không muốn nhìn thấy nhất là mẹ, bởi cô không muốn bà chứng kiến sự yếu đuối của bản thân, không muốn bà đau lòng. Và cô đã mệt mỏi khi phải gồng mình lên để chứng tỏ với mọi người: Tôi không sao, em ổn, mẹ à con khỏe… Cô muốn giống như sản phụ kia, vật vã khóc lóc, kêu gào… Nhưng cuối cùng cô cắn chặt răng, giấu đôi mắt vào trong chăn, và khi đối diện với chồng với mẹ, cô có thể nở nụ cười gượng gạo.
- Mẹ tới đây làm gì? Con không sao. – Rồi quay sang chồng. – Chuyện có gì đâu mà anh gọi mẹ.
Mẹ bật khóc, đánh nhẹ vào vai cô.
- Mả bố mày, những lúc như thế này không gọi mẹ thì gọi ai?
Giọt nước mắt của mẹ khiến Nhu không thể kìm nén được nữa rồi, cô bật khóc thật to. Cô ghét mẹ, sao mẹ lại xuất hiện lúc này chứ? Trái tim cô bộc lộ sự yếu đuối trần trụi nhất chỉ khi bên bà. Mà bao nhiêu năm nay, chẳng phải cô luôn muốn chứng minh rằng: Mẹ à, con trưởng thành rồi, con mạnh mẽ lắm, đừng lo lắng cho con nữa. Sự trưởng thành, sự mạnh sẽ của cô phút chốc vỡ vụn. Cuối cùng, cô vẫn để mẹ lo lắng, đau lòng và khóc vì cô.
Những ngày sau đó, Nhu trở nên đờ đẫn. Đứa bé không phải sảy mà là mất trước đó rồi mới sảy. Vì thế Nhu bị nhiễm trùng nặng, phải nằm viện theo dõi và tiêm truyền kháng sinh rất nhiều. Cơ thể cô gầy rộc đi, mặc dù cô đã tăng cân khá tốt trong giai đoạn đầu thai kỳ. Cánh tay hai bên cô thâm tím vì những lần tiêm tĩnh mạch hỏng. Đám y tá đổ lỗi cho kĩ năng yếu kém của họ là tĩnh mạch của cô chìm quá, và vô cùng khó lấy. Chân của Nhu như bại đi vì không biết bao nhiêu mũi tiêm vào bắp đùi. Phần cơ nơi đó xơ cứng và chai sần, đến mức mũi tiêm vừa rút ra thì một nửa thuốc bị chảy ra ngoài qua lỗ kim tiêm vừa để lại. Đáng lý nếu mạch khó lấy quá, cần đặt lưu một đường truyền ở tay hoặc cổ bệnh nhân để tiêm truyền dễ hơn. Đáng lý cơ bắp bị xơ cứng thì cần đổi vị trí tiêm. Thiếu gì vị trí tiêm bắp ngoài đùi, cánh tay thì sao, mông thì sao?
Nếu Nhu nói cô có người quen trong viện, nếu cô nói cô làm trong ngành, thì hẳn là sẽ có sự đối xử khác. Nhưng Nhu chẳng nói một câu. Thậm chí còn mặc kệ một em sinh viên trung cấp năm nhất loay hoay đến bốn năm lần chọc lệch ven, rồi như sợ bị mắng vì không hoàn thành nhiệm vụ nên cố tình cắm truyền vào một vị trí mạch bị tắc, khiến một bên tay phải của Nhu căng phồng lên rất đáng sợ.
Mẹ đi vào, gạt phăng con bé ấy ra, làm toáng lên. Chị điều dưỡng trưởng nhóm vội xuất hiện và đặt lại đường truyền cho Nhu rồi rối rít giải thích và xin lỗi. Mẹ chẳng nhận lời xin lỗi của người ta, vì mẹ hiểu con mẹ, khẽ lau nước mắt, rồi hỏi:
- Con à, tội gì phải thế?
Ừ, tội gì Nhu phải thế nhỉ? Đứa bé đã không còn, cô tội gì phải hành hạ, đày đọa bản thân vì không giữ được nó? Nhu chỉ biết, làm đau bản thân sẽ khiến cảm nhận về vết thương trong lòng cô dịu đi một tí.
Nhu ra viện, sau năm ngày vật vã ở đó. Mẹ cương quyết đòi đưa cô về quê. Bà nói, ngoài bà ra, bà không yên tâm để ai chăm sóc cô.
Nhu thầm nghĩ: Chăm sóc ư? Đã bao lâu rồi cô không cần ai chăm sóc? Bốn năm đại học và gần năm năm ở nước ngoài. Cô đã quen với việc không cần ai chăm sóc rồi. Ngồi trong xe taxi, Nhu ngước mắt nhìn bầu trời qua tấm kính cửa sau. Bầu trời vẫn thế, đường phố vẫn vậy, nhưng có một thứ đã vĩnh viễn rời bỏ cô. Cô chẳng cần chăm sóc, quan tâm, cô chỉ cần điều đã mất đi kia quay trở lại. Nhưng cô biết điều đó là không thể nào. Nhu kéo vội chiếc mũ len đang đội sụp xuống mặt và thành công che đi những giọt nước mắt lăn dài.
Đêm đầu tiên ra viện, nằm ngủ ở căn phòng mà trước khi lấy chồng, trước khi đi học đại học Nhu đã từng ở, và dưới sự vỗ về của chồng, cô nặng nề rơi vào giấc ngủ. Ngày thứ hai, chồng phải trở lại làm việc. Chỉ còn Nhu và mẹ ở lại. Mẹ luôn bên cô, chẳng rời cô một bước. Ép ăn, ép uống. Xoa bóp cho cô, trò truyện với cô. Nhu vẫn thế, gượng gạo cười cố gắng che đậy nỗi đau trong lòng.
Đêm tối, còn lại một mình trong phòng, Nhu cố nhắm mắt lại mà ngủ. Cả ngày nay cô mệt mỏi vì rất nhiều người thăm hỏi. Mỗi một lời hỏi thăm lại nhắc cô phải đối diện với sự thật, lại khiến cô muốn khóc. Sau giải phẫu, Nhu đau lưng vô cùng, cả người mỏi mệt. Mẹ nói, gái đẻ đều như vậy. Không chỉ mọi người khiến cô phải nhớ ra, phải đối diện, ngay cả cơ thể cô cũng từng giây từng phút nhắc cô nhớ tới điều gì vừa mới xảy ra. Cô đã thất bại trong việc cố gắng quên đi sự thật.
Nhu ngồi dậy, lấy khăn lau nước mắt. Nương theo ánh đèn ngoài đường, cô mở ngăn kéo tìm bịch khăn giấy. Nhu nghe thấy mấy tiếng cạch cạch vang lên thì đưa mắt nhìn về phía cửa sổ. Bịch khăn giấy trên tay rơi xuống đất khi Nhu nhìn thấy ngoài cửa sổ là một bàn tay bé xinh đang đập cửa. Nhu chạy ào tới bên cửa sổ, thì chẳng thấy bàn tay kia đâu nữa, chỉ thấy cành cây hồng bên ngoài đập vào khung cửa sổ. Gió bên ngoài gào rít, khiến cành cây đập vào khung cửa mạnh hơn, nhiều hơn.
Nhu ngồi bệt xuống đất, đưa tay bưng mặt. Thứ vừa rồi rõ ràng là một ảo giác, một ảo giác của bản thân cô, bởi phòng của cô, ở trên tầng hai…
Sau đêm đó thì mỗi tối Nhu đều nhìn thấy ít nhất một lần bàn tay nhỏ bé của trẻ sơ sinh gõ vào cửa sổ phòng cô. Và đêm nào cô cũng khóc. Cô biết ảo giác đó sinh ra là vì cô quá lưu luyến đứa trẻ, không muốn rời xa nó. Nhưng nó cũng chẳng thể ở lại với cô, chỉ có thể đứng ngoài cửa sổ nhìn cô. Cô đã không có cơ hội nhìn ngắm nó khi sinh ra, cũng không có cơ hội được ôm nó vào lòng. Thứ duy nhất cô có thể hình dung về đứa bé, chỉ là một bàn tay hàng đêm cứ cố chấp gõ lên khung cửa sổ phòng cô.
Lí trí cho Nhu biết cô cần phải chấm dứt tình trạng này, cô biết mình có lẽ cần điều trị tâm lí, nhưng tận sâu trong trái tim cô cô, cô không hề muốn. Cô khát khao được nắm bàn tay ấy… Nhu trở nên gầy rộc đi vì những đêm mất ngủ và không ăn được. Người luôn bên cô, xót xa nhìn cô, và cũng lén khóc không biết bao nhiêu lần là mẹ.
Mấy đêm sau đó, Nhu phát sốt. Trong cơn mê sảng, cô lẩm bẩm:
- … Đừng gõ cửa nữa… Mẹ xin con… Mẹ không giữ được con, mẹ xin lỗi… Đừng gõ cửa nữa, mẹ xin lỗi mà…
Mẹ bên cạnh cô cả đêm, bà sửng sốt khi nghe được những gì cô nói. Bà nhìn theo hướng cánh tay Nhu vươn tới trong cơn mê sảng và thấy cành cây bên ngoài đập vào khung cửa sổ.
Nhu dứt sốt và tỉnh lại thì đã là buổi chiều của mấy ngày hôm sau. Cô đưa mắt nhìn về phía cửa sổ, ánh nắng chiều qua khung cửa sổ trở nên gay gắt hơn thường ngày. Cô gượng dậy, tiến về phía cửa sổ và rồi bần thần nhìn thấy cây hồng trồng sau nhà, gần với cửa sổ của phòng cô đã bị chặt từ lúc nào.
Cửa phòng cô mở, mẹ đi vào mới một chén cháo trên tay.
Mắt mẹ còn sưng, hình như mẹ cũng đã khóc rất nhiều. Nhu cười yếu ớt.
- Con sốt một chút thôi, dọa mẹ sợ rồi à?
Mẹ cứ ngồi im lặng trong khi Nhu ăn. Đợi đến khi Nhu nuốt xuống thìa cháo cuối cùng mẹ mới nói:
- Con không cần tỏ ra mạnh mẽ nữa đâu. Với mẹ con mãi là đứa con bé bỏng. Mẹ thà nhìn con gào khóc còn hơn thấy con gượng cười.
Nhu tránh đi ánh mắt mẹ nhưng ánh mắt cô vô tình lại dừng bên cửa sổ. Mẹ cầm tay cô, cố gắng kìm nén xúc động mà nói:
- Con mới có đứa bé hơn bốn tháng mà đã thương nó đến đứt ruột đứt gan như thế, thì mẹ đã có con gần ba mươi năm nay còn thương con đến mức nào?
Mẹ đưa tay xoa khuôn mặt đã gầy sọp của Nhu.
- Con à, mẹ xin con, đừng thương đứa bé nữa, hãy thương lấy mẹ…
Giọng mẹ trở nên nghẹn ngào còn tai Nhu ù lên, mắt nhòa đi vì lệ. Cô bối rối quay sang nhìn mẹ.
Sao mới mấy hôm trông mẹ đã tiều tụy và trở nên già cỗi thế này?
Mẹ vừa nói vừa khóc một hồi mà quay sang thấy Nhu cứ ngơ ngác nhìn. Có lẽ sự ngơ ngác của cô khiến bà nổi giận. Bà gạt nước mắt, bất ngờ kéo Nhu đang ngồi trên giường ngã vào lòng bà theo tư thế nằm bò. Tay bà cứ thế tét mạnh vào mông cô, vừa đánh bà vừa quát:
- Con hư lắm, bao nhiêu tuổi rồi mà vẫn còn làm mẹ lo lắng. Mẹ đánh cho chừa đi này… chừa này…
Mẹ cứ đánh cho đến lúc chồng Nhu thấy ồn ào vội xông vào phòng. Anh ôm chặt lấy Nhu mà lôi ra. Anh rất bối rối, không hiểu tình huống gì đang xảy ra.
Nhu xoa xoa cái mông đau điếng, mẹ già rồi mà khí lực vẫn còn mạnh thế. Phải gần hai chục năm rồi cô chưa bị mẹ tét mông. Nhưng phải nói đúng là bị đánh đau khiến cô tỉnh táo lại. Cô len lén nhìn mẹ đang đỏ ngàu mắt thở phì phì đứng một bên. Mái tóc mẹ đã bạc màu, làn da đã đồi mồi. Nhưng ngay cả khi tức giận thì khuôn mặt già nua kia vẫn toát lên sự yêu thương và quan tâm vô hạn đối với cô.
Nhu yêu nhất là ai, là mẹ mà. Thế nên cô mới luôn muốn chứng tỏ mình cứng cỏi, mình trưởng thành là vì sợ mẹ lo lắng. Vậy mà sao lần này cô lại khiến mẹ lo lắng đến như vậy?
Cuối cùng, trong vòng tay chồng, Nhu bật cười và bật khóc, cô nói:
- Mẹ, con sai rồi, con xin lỗi…
----
Tối đó, Nhu vẫn mất ngủ, cả đêm vẫn nhìn chằm chằm vào cửa sổ, nhưng không thấy được bàn tay bé nhỏ nào gõ vào nữa.
Đồng hồ điểm sáu giờ, bên ngoài đã mờ sáng. Nhu đứng dậy đi tới bên cửa sổ, khẽ chạm tay vào khung cửa kính. Cô thở dài:
- Nếu đã không thể bên mẹ thì hãy đi tới nơi nào tốt đẹp hơn con nhé. Mẹ xin lỗi, mẹ cũng không thể theo con, nơi này còn nhiều người quan trọng với mẹ.
Ngập ngừng một chút, cô nói:
- Cám ơn con đã tới bên mẹ.
Nhu luôn tin rằng, sự xuất hiện của bất cứ điều gì cũng phải có ý nghĩa của nó. Lần này cô cũng tin như thế. Có điều trước đó cô nghĩ rằng, việc đứa bé đến bên cô và mất đi thì ý nghĩa của nó là khiến cô phải nếm trải nỗi đau lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng ngày hôm qua đã giúp cô nhận ra, sự xuất hiện và mất đi của đứa bé là để giúp cô hiểu được LÒNG MẸ. Chỉ khi mất đi cô mới nhận ra cô thương yêu đứa bé như thế nào, và đứa bé cũng giúp cô nhớ ra rằng mẹ yêu cô biết nhường nào. Tự lập quá khiến cô quên mất, cô còn được yêu thương, còn được mẹ che chở. Thế nên cô đã nói: Cám ơn con đã tới bên mẹ, nhưng vế sau của nó: Cám ơn mẹ đã là mẹ của con thì cô dằn lòng lại, cô sẽ nói điều này với mẹ, chỉ là vào một dịp khác mà thôi.
Kết Thúc (END) |
|
|