Hôm nay lại là một đêm trăng tròn nữa rồi đấy. Tôi ngẩng mặt nhìn trời. Ánh trăng sáng vằng vặc chiếu xuống từng mảnh vạt rừng. Trăng xuyên qua tầng tầng lớp lớp cây rừng, xuyên qua từng tán lá, len lỏi vào từng mắt gỗ. Trăng tản mát vào mọi ngóc ngách. Trăng soi đường cho những loài vật đi ăn đêm cất bước. Thỉnh thoảng đâu đó trong không gian vang lên một tiếng chim hót muộn, một tiếng khỉ “khẹc khẹc” ồn ào.
Chúng tôi đang ngồi bên dưới tán lá của cây chò thân cao phải đến 30m hay 40m gì đấy. Tôi không tính được chính xác, chỉ có thể mỗi tháng hai lần nhân ánh trăng lên cao mà hào hứng nhảy ra đứng ở gốc cây. Tôi sẽ cố gắng xoay trở để đặt bàn chân mình thẳng hàng lên cái bóng của cây chò cao vút đó. Rồi tôi đếm. Tôi đếm từng bước chân xiên vẹo của mình đang vẽ trên cái bóng đổ dài đó, từ gốc đến ngọn, rồi nhặt một cành cây khô bên cạnh lên, tôi hí hoáy viết. Tôi nhớ lại những công thức toán ngày xưa được học dưới ánh đèn dầu le lói trong đêm. Tôi không nhớ chính xác, vì thời gian đã quá lâu nên tôi cứ phải tính đi rồi lại tính lại. Mỗi tháng hai lần, tôi lại ngồi ngẩn ra, dưới ánh trăng, lẩm nhẩm tính toán.
Thằng bạn tôi vẫn ngồi dưới gốc cây, lần nào nó cũng nhệch cái miệng của mình ra, ú ớ vài từ không thành tiếng, ý chừng cười tôi là thằng ngốc, có mỗi cái việc cỏn con đấy mà lại cứ u mê mãi không tính ra. Tôi bảo nó giúp tôi đi, hồi trước nó dạy tôi mà, thì nó lại cứ hếch mặt lên nhìn vầng trăng đang treo lơ lửng trên đầu kia. Tôi lắc lắc ống tay áo thõng thượt của nó, tôi nhặt cho nó cánh hoa tim tím đang bay trong gió, tôi tìm đủ mọi cách để nịnh nó, để nó giúp tôi. Thế mà cái thằng bạn trời đánh ấy, tay nó xua tay tôi ra, nó nhặt lấy cành cây khô của tôi và ném ra xa. Tôi bực mình, đấm một cái vào vai nó rồi quay lại với cái bóng cây của tôi. Nó ngã giúi giụi vào bụi cây rồi nằm nguyên tại chỗ. Nó nhặt một cành hoa mỏng manh ngậm vào miệng rồi lại ngẩng đầu lên ngắm trăng. Nó ngâm nga một vài âm thanh nào đó xa lạ. Âm thanh chứ không phải là giai điệu. Cái thứ âm thanh ấy cứ ồm ồm, the thé trong đêm.
Tôi ngồi vật lộn với mấy con số của mình, chẳng biết bao lâu đã trôi qua, bỗng dưng tôi thấy mình không tính nổi nữa. Những con số cứ như nhảy ra khỏi bộ não tí hon của tôi, nhảy nhót dưới ánh trăng. Chúng cười hô hố vào mặt tôi, kẻ suốt ngày trôi dạt trong biển số để rồi lại bị chúng nhận chìm bằng những phép toán mãi không thành hình. Tôi ngẩng mặt nhìn thằng bạn đang bất động dưới ánh trăng. Nó đã ngồi dậy, quay lưng lại với tôi, khuôn mặt và cả phía trước thân người ngập chìm trong ánh sáng mênh mang ấy. Tự bao giờ nó đã ngừng hát và im lặng ngồi đấy rồi. Thằng bạn của tôi, ngày xa xưa ấy, đã từng là một cây văn nghệ!
Tôi ném cành cây khô và bài toán tính mãi không ra lời giải của mình đi, nhảy lò cò về ngồi bên nó. Tôi hát cho nó nghe, bằng thứ giọng vịt đực của tôi. Nó quay sang tôi, ú ớ rồi giả vờ ẩn tôi đi xa, nó còn lấy một bàn tay bịt tai mình lại. Nhưng tôi vẫn ngồi đó, vẫn rền rĩ hát cho nó nghe, cái bài hát mà ngày xưa nó thường hay hát, sau bờ rào và sau lũy tre xanh.
Hai chúng tôi cứ thế ở bên nhau, chẳng biết đã qua bao tháng bao ngày. Ban đầu tôi còn miệt mài đếm từng mảnh trăng trôi, rồi dần dần, đếm cũng chẳng để làm gì, khi trăng cứ tròn đầy rồi lại khuyết, và chúng tôi thì vẫn vậy.
Rồi có những ngày khi cơn mưa rào mùa hạ đổ xuống, chúng tôi lại như những đứa trẻ ngày nào chạy ào ra khoảnh đất trống mà nhảy múa. Từng hạt mưa khổng lồ từ trên trời rơi xuống, chúng va đập vào nhau, hòa lẫn vào nhau, to hơn, mạnh mẽ hơn rồi trượt dài qua từng tầng lá. Như những chiếc xe không phanh, chúng xô đẩy, gầm thét và ào ào giội lên đầu chúng tôi. Hai đứa chúng tôi như hai con chuột ướt lướt thướt chạy từ gốc cây này sang gốc cây kia. Trên mặt đất để lại ba dấu chân nham nhở, chỉ giây lát sau lại bị nước mưa rửa trôi. Thằng bạn tôi hò reo ầm ĩ, chỉ có lúc này, nó mới thoải mái mà gào thét như vậy. Vì tiếng mưa rất to. Sẽ không ai phải sợ âm thanh mà nó phát ra cả.
Cơn mưa qua đi, mảnh rừng lại ngập trong yên tĩnh. Chúng tôi lại ngồi tựa bên nhau, mỗi thằng một suy tư mà thả hồn về đó. Thỉnh thoảng tôi nhìn về một góc rừng phía xa xa, tôi hỏi nó, mày có nhớ nhà không? Nó không trả lời tôi mà chỉ nhẹ vỗ lên vai tôi an ủi. Tôi biết, cái vỗ vai đấy cũng là để vỗ tan đi nỗi nhớ da diết đang cuộn trào trong trái tim chúng tôi. Mảnh rừng không người ở này, gốc cây không người lại qua này, chúng tôi đang mài mòn từng thớ thịt của mình theo mỗi thời khắc trôi qua. Chúng tôi thèm khát có một lần được nhìn thấy bóng người đi qua để họ chỉ cho chúng tôi lối về nhà. Đường về nhà ngày càng xa thăm thẳm. Xa hơn chiều cao của cái cây mà bao năm qua tôi vẫn không tính được, xa hơn cả chiều rộng của khu rừng mà chúng tôi đang lạc bước, và xa hơn cả những khuôn mặt mà chúng tôi vẫn đêm ngày hồi tưởng.
Những khuôn mặt trong ký ức cứ dần dần phai nhạt. Chúng tôi tìm cách nhớ bằng cách ngày ngày vẽ khuôn mặt những người thân yêu trên mặt đất. Có hàng chục, hàng trăm khuôn mặt xung quanh gốc cây chò. Lông mày cao hơn chút nữa, khóe miệng hơi cười mà, đôi mắt phải cong cong hình trăng lưỡi liềm. Tôi nhảy loi choi giữa vô số những khuôn mặt, những nụ cười và những ánh mắt đó. Hai thằng chúng tôi, cứ xoay tròn, vẽ và xóa, vẽ và xóa, lặp đi lặp lại cả trăm lần, ngàn lần. Chỉ để chúng tôi không quên.
Nhưng thời gian là thứ vũ khí đáng sợ nhất của cuộc đời này. Nó cứ ngày ngày xẻo đi từng miếng thịt trên thân xác ta. Âm thầm, lặng lẽ, không tiếng động. Cho đến một ngày thân xác ta chỉ còn trơ lại bộ xương. Trắng phớ. Lạnh lẽo. Đơn côi. Chúng tôi cứ ngỡ rằng những bức tranh trên mặt đất, trên thớ vỏ cây kia sẽ giúp chúng tôi nhớ được những người chúng tôi yêu thương nhất. Nhưng rồi cũng có ngày mặt đất xáo trộn, vỏ cây rời thân xù xì mà buông mình rơi xuống. Chẳng còn gì rõ nét để mà nhớ nhung, tiếc nuối. Hai thằng lại ngồi bên nhau, câm nín vì nỗi mất mát giờ chẳng còn gì có thể lớn hơn.
Năm đuổi tháng đi, đêm níu kéo ngày, rừng vẫn cây già vươn bóng, cây non ươm mình lớn dậy. Một đêm ngắn ngủi lại đến. Thằng bạn tôi đang ngồi vắt vẻo trên cành cây, ngâm nga mấy câu hát thuở nào, dưới ánh trăng lồng lộng, trong nỗi nhớ chằng chịt như mạng nhện bủa vây. Tôi vẫn lại lò cò trên từng phép toán. Rồi bỗng “Bịch” một tiếng vang lên, nó rơi xuống đất. Nó nhìn về tôi, ánh mắt kinh hoàng, mất mát. Nước mắt đẫm đầy hai gò má xương xẩu và cái cằm vẹo vọ. Bao năm rồi, vì sao lại khóc? Tôi vội vã nhảy về phía nó, chỉ thấy nó đấm bùm bụp vào ngực mình, nức nở như một đứa trẻ con. Nó quỳ xuống, nhìn về phương bắc xa xôi, nó dập đầu xuống đất lia lịa, âm thanh không rõ tiếng rõ lời cứ thế mà thảm thiết gào lên. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi chỉ biết rằng tôi hoảng sợ, sợ vô cùng. Tôi lắc vai nó, giật ống tay áo nó, tôi hỏi nó vì sao. Rồi tôi cũng dập đầu như nó. Rừng xanh vang vọng tiếng gọi của tôi và tiếng gào của nó.
Mẹ nó, vừa ra đi!
Mẹ nuôi tôi, đã mất rồi!
Mẹ mất, không được về chịu tang, mẹ mất, trước khi nhắm mắt cũng không biết chúng tôi đang lang bạt nơi nào. Nó vật vờ như cái bóng, bước chân vô định cứ quần đảo quanh khu rừng mong tìm lối ra. Tôi nhảy theo nó, nhảy mãi rồi cũng chán, tôi lại quay về bên gốc cây chò, chờ nó đi chán rồi sẽ quay lại bên tôi.
Rồi nhiều mùa trăng cũng qua đi. Hai chúng tôi cũng đã lặng tâm đi nhiều. Vẫn ngâm nga hát dưới trăng, vẫn tính toán mãi không ra đáp số, vẫn tắm mưa và vẫn đợi chờ.
Một ngày của một năm nào đó về sau, có những người xa lạ bắt đầu xuất hiện nơi chúng tôi đang lặn ngụp trong sự tĩnh lặng của thời gian. Một nhóm gần chục người mặc quân phục màu xanh mang theo nào cuốc nào xẻng và đầy những thứ lỉnh kỉnh khác. Họ dựng một cái bàn gỗ gấp, họ đặt một bát hương lên trên và rì rầm khấn vái. Chúng tôi đứng im lìm dưới gốc cây, nhìn chằm chằm vào những con người đó. Rừng cây rơi lá phủ lên người chúng tôi, che giấu sự tồn tại của hai kẻ phiêu bạt. Thằng bạn tôi gạt đám lá trên vai mình rồi gạt lá trên vai tôi ra, nó ẩn lưng tôi và tiến về phía trước. Đã đến lúc rời khỏi nơi này rồi đấy. Chúng tôi bước đến trước mặt người đàn ông đang quỳ trên mặt đất trước bát hương. Trong không gian xanh ngắt của rừng rậm, trong làn khói đang bảng lảng vấn vương nơi đầu mũi, chúng tôi nghe thấy người đàn ông ấy gọi tên mình. Hai thằng chết lặng, đứng nhìn thật sâu vào khuôn mặt ấy. Mái đầu không có sợi tóc nào, một bên mắt lạc hướng, bên còn lại đục màu đau thương. Nhưng giọng nói ấy không hề xa lạ.
Vì sao? Bao nhiêu năm rồi vì sao không thể đến và mang chúng tôi về? Vì sao lại lãng quên để cho gió mang hạt mầm mọc thành bụi rậm che phủ hết lối đi? Vì sao ngay trước mắt thôi mà lại không thể tìm thấy? Vì sao dễ dàng bỏ cuộc khi cơn mưa rào ầm ầm trút xuống? Vì sao năm lần bảy lượt trở về rồi quay lại mà vẫn không thể chạm vào nhau khi mũi xẻng chỉ còn cách có đúng năm phân? Vì sao lá vẫn rụng phủ đầy lối về, mưa xối xả xóa hết vết chân xưa?
Vài mùa trăng lại qua, chúng tôi đứng ngay trước mặt mà hai thế giới chẳng thể nào chạm được vào nhau. Những người đàn ông ấy đến rồi lại đi, họ cày xới cả khu rừng, họ tìm được những người nằm rải rác bên bìa rừng, nhiều lắm, nhưng họ vẫn không thể đến gần chúng tôi.
Dần dần, ngày càng có thưa người đến hơn, khoảng cách giữa những chuyến đi cũng xa hơn.
Lá lại rơi, phủ đầy lối.
Mưa lại về, xóa hết những hy vọng cứ trôi dạt bềnh bồng trong không gian.
Trăng tròn, trăng khuyết, trăng soi rọi lối đi nhưng ánh sáng mênh mông ấy không đủ sức mạnh để mở lối đưa đường cho người ta nhận ra, còn có hai kẻ cô đơn vẫn đang ngày ngày tha thẩn dưới gốc cây chò chỉ. Cây càng to, gốc càng lớn, rễ chạy ngoằn ngoèo ăn xuống đất rồi lại bật ngược lên trên. Xoắn vào nhau, như một hệ thống ranh giới bảo vệ, để ẩn giấu và để cách ngăn, giữa thế giới hiện thực đủ đầy và thế giới mất mát, đau thương.
Hai chúng tôi đã không còn khát vọng phép màu xảy ra nữa. Có lẽ thời gian đã quá lâu để còn có người nhớ đến chúng tôi. Ăn ở rừng, ngủ ở rừng, tắm mưa trong rừng, ngắm trăng và rền rĩ dưới ánh trăng treo trên mảnh rừng già, tất cả những điều đó đã trở nên thân thuộc tự lúc nào. Chúng tôi ngồi trên cành cây chò chỉ cao ngất ngưởng kia, ngắm nhìn những người đào vàng ngày ngày lại qua. Chẳng muốn can thiệp, và cũng chẳng thể can thiệp, chỉ lặng yên nhìn, miễn là người đừng đụng ta, ta cũng sẽ không đụng người. Gốc cây chò vẫn sừng sững đứng đó, và sẽ mãi đứng đó, nếu như không có một ngày, cơn bão ập về, cây chò bị sét đánh trúng.
Nứt dọc thân cây.
Vết nứt chạy xuống tận gốc rễ.
Cây bật gốc, nằm ngang với đất mẹ.
Lớp rễ lớp đất bật tung lên.
Bó rễ nuôi cây lớn ngày nào giờ đứt thành từng đoạn, nằm phơi mình dưới ánh mặt trời sau cơn mưa giông.
Những người đào vàng lại qua, trèo lên thân cây, vỗ vỗ đập đập. Họ bảo nhau rằng, cây này bao năm rồi đấy, nứt nửa thân ra vẫn còn dùng được. Rồi họ hò nhau mang cưa đến cưa thành từng mẩu gỗ nhỏ, chia nhau mang về.
Chỉ còn lại bó rễ.
Bơ vơ, trơ trọi.
Và hai kẻ lang thang chúng tôi.
Không còn cây chò chỉ cao lớn cho chúng tôi nương tựa. Thằng bạn tôi không còn có chỗ để dựa vào mỗi đêm để ngắm trăng, để ngâm nga vài câu hát thân thuộc. Tôi không còn thứ gì níu kéo để tính cho hết ngày hết tháng hết từng mùa trăng. Cả khu rừng trống đi một khoảnh nhỏ. Không gian mở ra một lỗ hổng. Soi xuống bó rễ cây. Soi xuống sâu dưới lớp đất. Soi xuống những mẩu xương nhỏ đang dần dần lộ ra.
Chúng tôi vẫn ở mảnh đất đó. Chúng tôi có khi sừng sững đứng, dưới ánh trăng, có khi lại ngồi trên những mẩu rễ cây còn rơi rớt lại. Và vẫn lại đợi chờ như xưa, đợi chờ một ngày nào đó, nơi khoảng đất trống trải kia, sẽ mọc lên một mầm non, nhỏ bé thôi nhưng sẽ lại vươn cao dưới ánh nắng mặt trời và tỏa ra gốc rễ rộng lớn, ôm trọn chúng tôi vào lòng.
Tôi bắt đầu đếm những hạt mầm ngày ngày bay qua chúng tôi, khẽ chạm vào má tôi, vuốt ve gương mặt nhợt nhạt vì năm tháng của chúng tôi và rồi rơi xuống đất. Tôi đếm những mầm cây bé nhỏ dần dần nhú lên. Tôi nằm dài trên mặt đất, úp mặt lên lớp đất đá ẩm ướt, ngắm nhìn mẩu cây nhỏ đang chậm rãi vươn mình đứng dậy. Chậm thôi, từng mẩu nhỏ bé ngoi lên mặt đất, mang theo hy vọng từ sâu thẳm trong lòng đất mẹ và hướng tới ánh mặt trời.
Mầm non lớn lên mang theo niềm vui cho sự tồn tại không biết điểm dừng của chúng tôi. Một ngày mùa đông năm ấy, khu rừng bỗng chốc ồn ào tiếng người văng vẳng đuổi bắt nhau. Bầy chim không ngừng đập cánh bay cao, đàn khỉ im ắng lẩn mình vào từng tán lá. Những kẻ đào vàng nhảy xuống nước, chạy trốn khắp nơi. Những người đàn ông mặc đồng phục, những người đàn ông mặc quần áo bình thường, kẻ chạy qua, người đuổi lại. Chúng tôi đứng bên mầm non nhỏ bé, chỉ sợ họ vội vàng chạy qua sẽ giẫm chết mất niềm hy vọng của mình. Hai thằng nắm tay nhau thành vòng tròn, ngồi quây xung quanh cây nhỏ. Chúng tôi chẳng có quyền năng gì lớn lao cả, chỉ có thể dùng tình yêu và niềm tin của mình để che chở cho cây.
Rốt cuộc thì cũng có người mặc đồng phục ngã xuống trên đường đuổi bắt, ngã xuống bên những mẩu rễ còn sót lại tự hôm nào. Mặt người đó úp xuống đất ngay bên cạnh chúng tôi và rồi người đó nhìn thấy những mẩu xương trắng lẫn trong những mảnh vải rách đang cố gắng tự thu mình lại dưới lớp đất mỏng manh. Tôi nhìn thấy đôi mắt đen lấp lánh ánh lên vẻ kinh ngạc tột độ, có hoảng hốt, có hãi hùng. Người đó vội vàng đứng dậy, bước chân nhanh chóng chạy đuổi theo những người phía trước. Chúng tôi vẫn cứ lặng im ngồi nắm tay nhau như thế, không nhúc nhích, không động đậy.
Mấy ngày sau, đôi mắt đen lấp lánh quay lại cùng những người mặc đồng phục màu sắc khác nhau. Họ trải một tấm áo mưa lên mặt đất và cũng lại xếp một chiếc bàn bằng gỗ ngay ngắn bên trên. Họ trải thêm một tấm áo mưa nữa bên cạnh rồi hướng về phía gốc cây, họ rì rầm khấn vái. Chúng tôi đứng bên cạnh họ, vai kề vai, lắng nghe tiếng họ đang xin phép được đào đất lên. Những người thanh niên ấy, khuôn mặt họ hãy còn trẻ lắm, chắc cũng chỉ tầm mười tám đôi mươi, cũng giống như chúng tôi ngày nào. Khấn vái xong xuôi, họ bắt đầu đào. Bàn tay họ cầm những chiếc xẻng nhỏ, chúng tôi thấy họ nhẹ nhàng gạt từng lớp đất ra, cẩn thận từng chút từng chút một. Chúng tôi cũng ngồi xuống bên cạnh họ, chăm chú nhìn theo từng mẩu đất được gạt ra. Mỗi nắm đất bay lên là cả một khoảng thời gian dài phủ lấp được mở ra. Đất bay tung lên, nhẹ tênh, nhẹ như thời gian vô tình trôi mãi. Họ cặm cụi đào và bới cho đến khi nhìn thấy một chiếc mũ tai bèo vẫn còn nguyên hình dáng. Lớp đất bụi bám chặt trên từng thớ vải. Màu của đất, mùi của thời gian, vị mằn mặn lăn dần trên khóe mắt. Chúng tôi nghe thấy những người thanh niên ấy run giọng thì thầm trong tiếng gió lao xao đang len lỏi chạy qua từng mẩu lá. Thấy rồi! Là quân phục, là bộ đội đấy! Những bàn tay thoăn thoắt lật đất, gỡ rễ cây, những móng tay bám đầy đất, những giọt mồ hôi rơi tí tách xuống từng mẩu xương trắng. Tôi nhìn thấy đôi mắt đen lấp lánh kia vội vã quay đi giấu giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má. Tôi biết, nếu ngày đó, chàng trai trẻ ấy không vấp ngã trước mặt chúng tôi thì chẳng biết đến khi nào ánh mặt trời rực rỡ kia mới chiếu lên được chiếc mũ tai bèo và bộ quân phục ấy.
Những người thanh niên cẩn thận xếp từng mẩu xương lên mảnh áo mưa đã trải sẵn lúc ban đầu. Hai chiếc mũ tai bèo, một còn nguyên hình nguyên dáng, một đã rách nát hết cả, được đặt lên phía trên. Hai bộ xương, một to một nhỏ, một dài một ngắn, lần lượt được xếp bên dưới. Hai chiếc ba lô, thủng lỗ chỗ khắp nơi, những mảnh quần áo rách nát đã mủn hết cả ra, cũng được xếp ngay ngắn bên cạnh.
Chúng tôi ngồi xuống, thằng bạn tôi ngồi bên trái, cạnh bộ xương gầy và chiếc mũ tai bèo vẹn nguyên. Nó sờ lên phần xương hàm đã bị vỡ, bàn tay cứ mân mê, dường như nó đang muốn nắn lại cho thẳng. Để nó có thể nói được. Như ngày xưa vẫn thế.
Tôi ngồi bên bộ xương to hơn, bên cái mũ tai bèo rách nát. Tôi chạm vào cái chân trái vỡ vụn mà xót xa. Ngày xưa, đôi chân này đã chạy bộ qua bao nhiêu mảnh ruộng, chạy không biết bao nhiêu lần quanh lũy tre xanh. Đôi chân đã trèo cây, lội suối và đuổi bắt lũ bạn ngày nào. Đôi chân to khỏe ấy, không còn lại hình dáng ngày xưa.
Ừ, đó là chúng tôi đấy. Hai thằng bạn cùng sinh ra trong một năm, lớn lên trên cùng một mảnh đất. Mẹ tôi mất sớm, mẹ nó nhận nuôi tôi. Chúng tôi là hai thằng con trai của mẹ. Hai thằng con trai trốn mẹ nhập ngũ, khai gian tuổi để sớm được cầm súng lên đường đánh giặc. Chúng tôi đã bỏ lại mẹ già sau lũy tre xanh, bỏ lại phía sau tiếng ru à ơi đêm hè mẹ hát, bỏ lại phía sau mùi khoai nướng thơm lừng mẹ hay giúi vào đống tro để phần cho hai đứa. Tuổi mười tám, chúng tôi đã bỏ lại tất cả phía sau và chôn mình nơi góc rừng sâu thẳm này.
Những người thanh niên ấy xếp thành hàng một đứng trước mặt chúng tôi. Họ chia nhau từng que hương, những bàn tay vẫn còn bám đầy đất bụi cứ run run làm cho làn hương cũng rung rung trong gió. Mùi hương nghi ngút bao trùm khắp nơi, làn khói lững lờ trôi len lỏi vào từng lớp lá. Họ đứng thẳng lưng, đưa tay lên chào chúng tôi rồi hát Quốc ca cho chúng tôi nghe. Từng tiếng ca vang vọng không gian, đánh thức những mảnh ký ức còn chôn sâu dưới lòng đất. Lời hát thúc giục chúng tôi lên đường và giờ lại cất lên để đón chúng tôi về nhà. Chúng tôi cũng đứng dậy, thẳng lưng đứng trước mặt họ, bàn tay cũng đưa lên ngang mày. Ừ, chào nhé, các đồng đội thân mến!
Thắp hương xong, họ bắt đầu sắp xếp lại từng mảnh xương vào trong hai chiếc hộp gỗ nhỏ. Họ nhẹ nhàng mở từng chiếc ba lô, lật mở từng mẩu giấy đã vụn nát. Chẳng còn gì cả. Chẳng có gì để cho họ biết chút manh mối về chúng tôi. Thằng bạn tôi ngồi trên mẩu rễ cây, nó vòng tay ôm lấy đầu gối mình, khuôn mặt đặt nghiêng trên đó. Nó lẳng lặng nhìn quyển nhật ký đã không còn lại gì. Nó thấy cậu thanh niên đang nâng niu những gì còn lại, cậu ấy thở dài một tiếng rồi quay sang nói với những người còn lại. Chẳng còn chút thông tin nào cả. Không còn lấy nổi một cái tên. Đành quy tập về như cũ thôi. Lại hai đồng chí Vô Danh nữa!
Thằng bạn tôi vẫn giữ nguyên dáng hình bất động như thế, nó đăm đắm nhìn những mảnh giấy còn sót lại, rồi bất chợt nó thổi một hơi thật dài về phía những mảnh giấy đó. Cơn gió nhẹ từ dưới đáy sâu của nỗi đợi chờ thăm thẳm khẽ lùa qua từng chiếc lá, những hạt bụi bay lên, một mẩu giấy cũng theo đó mà bay lên, và nhẹ nhàng rơi xuống trên cầu vai người chiến sỹ trẻ. Những người đang rì rầm nói chuyện chợt lặng im, không một ai cất tiếng, họ lại gần và nhặt mẩu giấy lên. Tôi cũng lại gần, cũng nhìn vào mẩu giấy ấy. Tôi cũng kề sát vai họ, cùng họ soi những nét chữ đã bạc phếch màu thời gian dưới ánh mặt trời. Có một vài nét chữ còn sót lại. Tôi đánh vần từng nét, cố gắng luận ra một vài từ.
Hà Nội mến yêu của con!
Tôi thở dài, nghẹn ngào. Thằng bạn của tôi, nó nhớ nhà nhiều lắm đấy. Tôi nhảy lại gần, ôm lấy vai nó, bờ vai run run, nó không nói gì nhưng tôi hiểu. Tôi hiểu tất cả. Nó muốn, ít nhất là được về lại quê hương.
Khi những cậu thanh niên tuổi vừa tròn đôi mươi ấy đang loay hoay tìm kiếm xung quanh những gì còn sót lại thì đằng xa có tiếng ồn ào vọng tới. Tôi trông thấy có ba người trung niên đang tiến lại gần. Người đàn ông đi giữa vừa đến nơi thì tất cả đều dừng tay và tiến lại chào. Thủ trưởng. Thủ trưởng sao đã về đến đây rồi? Người đàn ông lớn tuổi ấy gật đầu, Họp xong tôi về luôn. Anh em có tìm được thông tin gì không?, nói rồi người đó tiến lại gần chiếc bàn gỗ, cúi xuống châm hương. Mái tóc hoa râm trầm mặc cúi xuống, ánh mắt sâu thẳm nhìn vào hai chúng tôi, nhìn vào vết nứt vỡ trên xương hàm và trên chân. Báo cáo thủ trưởng, có lẽ là người Hà Nội, một người thanh niên cất tiếng. Bàn tay đang cắm hương vội run lên nhè nhẹ. Người đàn ông ấy nhìn chúng tôi rồi thì thầm, Hai đồng chí, bao năm rồi, cuối cùng tôi cũng có cơ hội để gặp hai người.
Tôi không hiểu, nhảy lại gần mái tóc hoa râm đó, tôi nghiêng đầu nhìn từ khuôn mặt đến dáng hình người đó, tôi nhận ra tôi chẳng hề biết người đó là ai cả. Chẳng thể nào nhớ nổi một khuôn mặt, một ánh mắt nữa rồi. Có lẽ những gì thân quen nhất rồi sẽ dần bỏ lại chúng ta cô đơn trên cõi đời này mà đi thật xa. Để đến một ngày, khi lá đã rời cành, khi hoa đã rụng cánh, chúng ta rồi sẽ quên mất mình đã từng là ai, đã từng đi qua con đường nào, chúng ta rồi sẽ quên mất những giọt máu nóng chảy trong thân mình. Như chúng tôi bây giờ vậy. Mình là ai, mình từ đâu đến, tại sao mình ở lại nơi này, tại sao mình chẳng thể nào nhớ được mình là ai, tất cả những điều đó vẫn cứ ngày ngày cuộn trào trong tâm trí, hành hạ, dằn vặt chúng tôi. Có khi, tôi cũng sẽ mất đi khái niệm về sự tồn tại của chính mình. Như vậy đấy!
Người đàn ông tóc hoa râm ngồi xuống bên cạnh chúng tôi, xếp lại vài mẩu vải rách đang phất phơ trong gió. Nhiều năm trước, khi tôi bằng tuổi các cậu bây giờ, tôi cũng đã theo một đoàn vào khu rừng này để tìm kiếm các đồng đội cha anh của chúng ta. Khi ấy, chúng tôi đã cày xới xung quanh rất nhiều. Chúng tôi tìm thấy rất nhiều đồng đội. Nhưng lạ một điều là có hai người mà dù tìm bao nhiêu lần chúng tôi cũng không thể nào tìm được. Ngày ấy, có một đồng chí từ Bắc vào cứ kiên quyết yêu cầu chúng tôi tìm đi tìm lại hai đồng đội mà chú ấy đã chính tay chôn cất. Chấn thương trên đầu làm người lính ấy không thể nhớ được chính xác nơi chôn.
Thì ra là như vậy. Thì ra là người có lòng mà trời chẳng thương. Tôi nhìn sang thằng bạn đã ngồi bên cạnh mình tự khi nào. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau, chẳng nói lời nào nhưng lại hiểu ra ngàn vạn. Đồng đội đáng thương, đến cuối cùng chúng tôi cũng đã quên mất anh rồi.
Chúng ta còn lưu lại liên lạc của người đó không ạ, đôi mắt đen lấp lánh cất tiếng hỏi, chúng ta có thể báo tin cho người đó vì ở đây không có thêm bất cứ thông tin nào cả.
Người đàn ông trung niên lặng lẽ cúi đầu, Chú ấy mất vài năm sau đó rồi, vì chấn thương ở đầu không thể chống cự được nữa. Đơn vị cũng có lưu địa chỉ của chú ấy và thông tin hai đồng đội mất tích nhưng vài năm trước chúng ta đã mất tất cả. Các cậu có nhớ trận lụt lịch sử nhiều năm trước không. Mất hết tất cả rồi, chẳng còn lại gì cả.
Mất hết rồi, chẳng còn lại gì nữa…
Rồi chúng tôi theo chân những người thanh niên ấy để trở về. Những bóng lưng thẳng tắp, kiêu hãnh dưới ánh nắng mặt trời. Những bộ quân phục ấy dẫn đường cho chúng tôi đi. Con đường thăm thẳm giờ đã mở lối, cây chò chỉ đã mất nhưng chúng tôi lại tìm được lối ra. Tôi sẽ mãi mãi chẳng thể nào biết được cây chò chỉ ấy cao bao nhiêu mét. Tôi cũng sẽ không còn phải đếm từng mùa trăng trôi qua nữa. Tôi sẽ đếm từng ngọn cây trên đường trở về. Tôi sẽ đếm từng khuôn mặt hạnh phúc mà tôi lướt qua. Tôi sẽ đếm những nụ cười đang nở bừng rạng rỡ, những giọng cười khanh khách reo vang.
Và tôi sẽ đếm những áng mây trôi trên bầu trời, nơi thằng bạn tôi gửi ánh mắt biết nói biết cười của nó, ngày ngày khi mặt trời lại qua…
Kết Thúc (END) |
|
|