Có những hạnh phúc ngẫu nhiên bước vào cuộc đời ta như một món quà của cuộc sống. Có những sự nhầm lẫn tai hại mà lại không hề nhầm lẫn. Vô tình hay ngẫu nhiên cuộc sống sắp xếp để mỗi người sống và
Có một tiệm bán hoa nọ thật lớn ở đường Trung Sơn Bắc. Tiệm bày la liệt những loại hoa quí, chậu kiểng và hòn non bộ. Chủ tiệm là ông già họ Trương đầy nghệ sĩ tính và khôi hài. Ông ta mở tiệm không phải để kiếm lời như thiên hạ mà là để thưởng thức hoa và chiêm ngưỡng khách mua hoa. Hàng ngày, ông ngồi chết trong tiệm để thực hiện cái mục đích đó.
Hôm ấy là mùa đông. Mưa bay lất phất. Khí lạnh làm tê cả da người. Đường sá vắng tanh. Suốt ngày ông Trương chỉ ngồi co rút một mình, không bán được một đóa hoa. Mãi đến lúc trời nhá nhem tối, ông mới thấy một cô gái từ hẻm cạnh nhà đi ra, vẻ mặt buồn buồn. Người con gái này quá ư quen thuộc. Nàng ngày nào cũng đến trước tiệm ông chờ xe bus.
Sáng đi chiều về. Ăn cơm tối xong đi mãi đến khuya mới về lại. Ông Trương có cảm tình đặc biệt với nàng, không hiểu vì lý do gì. Rất có thể vì nét mặt nhu mì, dễ thương cũng có thể nhờ cái dáng trầm lặng phảng phất buồn và mái tóc đen mượt. Ông thường ví nàng như một đóa hồng vàng. Hoa hồng nào ông cũng thích, nhưng hoa đỏ quá sặc sỡ không giống nàng mấy. Hoa vàng tao nhã, có một vẻ đẹp chiều sâu và quí phái mới giống nàng được.
Gia đình nàng có lẽ nghèo lắm, chỉ cần nhìn cách ăn mặc cũng đủ biết. Trời lạnh buốt thế này mà chỉ mặc chiếc áo lông trắng và cái robe ngắn màu xanh lợt. Hai má và mũi đỏ lên vì lạnh. Những bước đi thật khoan thai và dịu dàng chứng tỏ nàng chẳng hề biết lạnh. Thân hình thon nhỏ và mái tóc bay bay trong gió trông càng đẹp, dễ thương vô cùng. Ông Trương rất thích mẫu người này, mẫu người giống con gái ông hiện còn ở lại Trung Hoa Lục Địa.
Chiều nay khi đi qua tiệm, nàng dừng lại ngắm hoa. Cặp mắt đen sáng ấy bỗng nhiên mờ đi như bị mây hay sương mù che khuất. Nàng cúi xuống thở ra thật nhẹ Tại sao nàng buồn? Thích một đóa hoa mà không có tiền mua ư? Ông Trương đứng dậy, tiếng khua động cái ghế làm nàng bỏ đi lập tức.
Mưa vẫn rơi nhè nhẹ. Không gian lờ mờ. Trời về đêm càng buồn, nhất là buôn bán ế. Ông Trương đi tưới nước hoa, cắt tỉa lá héo rồi lấy cái lọ cắm màu đen và một bó hồng vàng. Hai màu sắc này hòa hợp có một ý vị kín đáo và tình tứ lạ thường. Vừa cắm, ông vừa nghĩ đến người con gái tiều tụy và cô độc ấy.
- o O o -
Tiếng chuông cửa reo lên, ông Trương mừng rỡ. Có được một người khách đến mua hoa lúc này thì còn gì quý bằng. Ngước đầu lên, ông thấy một thanh niên cao gầy đang đẩy cánh cửa, do dự nửa muốn vào, nửa muốn không. Ông liền đứng dậy, tươi cười đón khách:
- Cậu mua hoa à? Mời cậu vào xem.
Người thanh niên tần ngần, một lúc sau mới bước vào. Chàng ta trạc độ 22, 23 tuổi. Mái tóc đen rối bù lấm tấm những hạt nước mưa. Đôi mắt lớn nổi bật dưới hai hàng lông mày đậm. Gương mặt sáng láng, lanh lợi, nhưng đượm vẻ buồn và chứa chút ngạo nghễ, bướng bỉnh. Chàng khoác chiếc áo blouson màu cà phê, tay và cổ đã bị sờn. Chiếc quần cao bồi bó sát cặp chân dài đã ngả thành màu trắng. Đôi giày rách đầy bụi và sình. Trông chàng rất bụi đời và có một tâm trạng lo lắng. Chàng đảo mắt nhìn các loại hoa rồi ngập ngừng:
- Cháu muốn một ít... một ít hoa.
Ông Trương nhỏ nhẹ:
- Cậu thích loại nào ạ?
Chàng nhíu mày rồi mím môi quan sát, đoạn nhún vai đáp:
- Cháu cũng không biết nữa!
- Thôi vầy nhé, cậu cho tôi biết mua hoa để làm gì: cắm bình, trồng vào chậu hay làm quà cho người khác?
- Dạ, làm quà.
Nhìn vẻ mặt bối rối đầy lo lắng, ông Trương đoán có lẽ người thân chàng đang nằm bệnh viện nên hỏi:
- Làm quà cho bệnh nhân à? Nếu vậy thì cậu nên mua hoa bách hiệp, nếu không thì hoa lan, cúc, vạn thọ, hoa mã đề, thái dương...
Cặp mắt đen chớp lia lịa nhìn quanh phòng:
- Không phải thế, để cháu suy nghĩ đã.
Nhìn bình hồng vàng mà ông Trương vừa cắm, chàng vui hẳn lên như vừa tìm thấy một chân trời mới, liền reo to:
- Đúng rồi, hoa hồng vàng. Chỉ có hoa vàng mới hợp với nàng được. Cháu muốn mua một ít hồng vàng. Mỗi ngày bác có thể để cho cháu một bó được không?
- Mỗi ngày à?
Ông Trương thích thú nhìn chàng. Vẻ mặt ấy bây giờ không còn một chút buồn mà tràn đầy tươi vui và hy vọng.
- Thưa cậu, chuyện gì chứ chuyện ấy thì quá dễ.
- Nhưng thế phải trả bao nhiêu tiền mỗi ngày? Cháu xin gởi trước nhé.
Thái độ và giọng nói chàng có vẻ khinh thường tiền bạc. Chàng thọc tay vào túi áo blouson lấy ra cái bóp đã rách và xẹp lép.
- Cậu vui lòng cho tôi biết mỗi bó cần bao nhiêu hoa?
- Dạ, hai mươi hoa.
Nhìn cái bóp nghèo nàn ấy, ông Trương hồ nghi:
- Hai mươi hoa? Tiền tính từng hoa, mỗi hoa là ba...
Ông liếc chàng rồi hạ giá:
- Một hoa hai đồng.
Chàng giật mình như bị kim chích:
- Bác nói sao? Một hoa hai đồng à? Như vậy, hai mươi hoa là bốn mươi đồng, một tháng phải mất những một ngàn hai! Cháu chưa mua hoa bao giờ, không ngờ mắc như vậy. Cháu không mua nổi!
Chàng bỏ bóp vào túi, vẻ buồn khi nãy trở lại trên mặt làm cặp mắt u buồn. Chàng ra đến cửa, quay đầu lại nói:
- Xin lỗi, cháu đã làm phiền bác nhiều!
Ông Trương vội gọi:
- Khoan đã cậu.
Chàng dừng lại.
- Cần gì mỗi ngày cậu phải mua hai mươi hoa như vậy?
Ông Trương cũng không hiểu tại sao mình có thái độ vồn vã ấy. Có thể vì trời mưa buồn vắng khách, cũng có thể bởi cái tính thật thà của chàng làm cảm động lòng ông. Bởi vậy, ông quyết định giúp chàng phen này dù lỗ cũng được.
- Cậu chỉ cần mua mười hoa đủ rồi. Làm quà đâu cần số lượng, chỉ cần mình có lòng là được.
Chàng đưa tay vuốt nhẹ mái tóc bù nhìn thẳng vào mặt ông:
- Nhưng mà... nhưng mà... cháu vẫn không đủ tiền để mua mười đóa như bác đề nghị.
- Cậu có được bao nhiêu tiền để mua?
Chàng lấy cái bóp ra lần nữa, đếm đi đếm lại một lát:
- Cháu chỉ có 320 đồng!
320 đồng! Nó cần phải để lại một ít để đi xe hay dùng vào việc cần thiết khác. Ông quay sang nhìn bình hoa. Mấy ai có thể định được giá hoa. Hoa nở kịp thời thật là vô giá. Ngàn vàng chưa mua được một đóa. Kẻ nào trị giá hoa bằng tiền thì kẻ ấy không còn biết giá trị của hoa. Tuy nhiên một khi hoa héo thì chẳng ai thèm bỏ tiền ra để mua, dù với một giá rẻ ế như cho chăng nữa. Giá trị của hoa thay đổi theo thời gian. Bởi vậy ta tạm cho là hoa héo đi để cậu ta còn mua được hầu làm một món quà vừa ý. Ông quyết định:
- Tôi chỉ lấy cậu 250 đồng thôi, để cậu còn chút ít mà tiêu dùng. Mỗi ngày tôi sẽ bao sẵn cho cậu mười đóa. Hôm nay bắt đầu lấy chưa?
Chàng mừng quýnh lên:
- Ô, bác bán cho cháu 250 đồng sao?
- Vâng! Cậu muốn loại hoa nào, còn búp, vừa hé nở hay nở lớn?
Chàng vẫn ngờ là mình nghe lầm:
- Ồ... Cháu...
Cuối cùng, chàng mới nói được:
- Cháu muốn loại hoa vừa nở vài cánh.
Ông Trương vừa lựa hoa vừa nói:
- Loại ấy đẹp lắm, để tôi bao cẩn thận cho cậu nhé.
Bỗng nhiên chàng lại cản:
- Ồ, thưa bác chờ chút đã!
Ông Trương ngạc nhiên:
- Sao, còn chê nữa à?
Mặt chàng đỏ lên vì thẹn:
- Dạ, không phải... Cháu... cháu nhờ bác trao hoa giùm?
- Trao hoa giùm cậu?
Ông Trương lộ vẻ không mấy hài lòng. Mặc dù ông vẫn nuôi sẵn vài người để đưa hoa hộ cho khách hàng, nhưng ai cũng nhờ như thế thì phiền phức quá! Thấy ông lưỡng lự, chàng vội trấn an!
- Thưa bác, trao hoa không xa đâu. Căn nhà 43/5 ở hẻm bên cạnh đây mà. À mà không, số 43/3 chứ không phải 43/5, tặng cho một cô gái...
Ông Trương đã hiểu. Trong trí ông hiện lên hình bóng người con gái nhu mì dịu dàng ấy với cặp mắt mơ mơ buồn... Hoa hồng vàng! Chàng thanh niên này biết chọn hoa và có ý nghĩ phù hợp với ông lạ! Không nén được xúc động, ông Trương tươi hẳn lên, mở to mắt nhìn chàng.
Trong cái bảnh trai của chàng ta có chút bướng bỉnh. Trong cái tính ngay thẳng chứa đựng sự ngạo nghễ, nhiệt tình lẫn liều lĩnh và e thẹn của kẻ còn non sữa. Ông chịu chàng hết mình. Chàng và nàng thật là xứng đôi vừa lứa. Quân tử lúc nào cũng sẵn sàng giúp người. Vài bước đi là mấy!
- À à, tôi biết rồi. Cô bé có mái tóc đen thật dài và con mắt lớn đó chứ gì? Cô ta thường đi ngang qua tiệm tôi lắm.
Chàng mừng rỡ:
- Dạ, đúng rồi, chính nàng đó. Bác bằng lòng giúp cháu?
Ông gật đầu:
- Được, được mà. Cậu muốn tôi hằng ngày đem qua lúc nào?
- Thưa bác, buổi tối. À mà không, tối nàng đi làm. Thôi sáng đi, mỗi sáng bác nhớ giúp giùm cháu.
- Vâng, mỗi sáng tôi sẽ giúp cậu. Vậy thì ngày mai bắt đầu chứ gì?
Chàng trả tiền:
- Dạ, xin phiền bác!
Ông Trương nhắc:
- Cậu nên viết vài chữ trên danh thiếp gởi cho nàng chớ?
Chàng tươi cười:
- Dạ, nhờ bác, suýt nữa cháu quên mất!
Chàng đưa tay vuốt tóc, ngồi xuống nhìn tấm danh thiếp ông Trương đưa. Suy nghĩ một lát, chàng bắt đầu viết:
Hoa thơm vài đóa
Chúc cô vui nhiều
Một người chưa quen ái mộ cô.
Nghê Quán Quần
Thân tặng
Chàng đứng dậy đưa tấm danh thiêp cho ông Trương:
- Thưa bác, như thế là đủ lắm rồi?
Thì ra, chàng chưa hề quen với cô bé ấy. Thật là thằng con trai lố bịch và bướng bỉnh quá:
- Mỗi ngày đều viết y thế này sao?
- Dạ!
Ông Trương nhìn thẳng vào mặt chàng:
- Thôi được, chúc cậu sớm thành công!
Chàng cười. Màu đỏ của thẹn thùng nhuộm đỏ hai má. Chàng cúi đầu chào rồi quay mặt đẩy cửa đi ra, bước vào giữa mưa và gió lạnh. Ông Trương tiễn chàng cho đến khi khuất mới vào. Đứng tựa quầy hàng, ông lắc đầu rồi mỉm cười. Lòng ông cảm thấy lâng lâng vui và ấm áp. Một lúc sau, ông đi lựa mười đóa hồng vàng đẹp nhất đưa lên nhìn.
Thấy có vẻ ít quá, ông thêm vào hai đóa nữa rồi lại cười đắc ý. Ông lấy sợi dây vàng, buộc tấm danh thiếp vào bó hoa thật chặt, không quên thắt thêm một cái nơ hình con bướm. Ông đi lấy cái bình không đổ đầy nước rồi ngâm hoa vào đó. Sớm mai, công việc đầu tiên là phải đưa bó hoa nầy đi. Lùi ra sau ba bước, ông gật gù:
- Nhớ nhé, phải gắng thi hành xong nhiệm vụ. Mi ra đi tức mang theo quả tim của người con trai đang muốn được yêu.
- o O o -
Lại một ngày mưa! Du Lâm ngồi dậy, bước xuống giường nhìn mưa bay bay qua khung cửa sổ. Mưa dai dẳng thế này đến bao giờ cho dứt! Nàng thở ra thật dài. Mưa cứ mãi lất phất. Gió rít không ngừng. Thế mà sáng nào cũng phải cắp sách đến trường tối lại đi làm thì còn gì buồn bằng. Thêm vào đó, bầu không khí gia đình không mấy yên vui. Mẹ đau nằm một chỗ, bài vở nhiều không có thì giờ học, công việc làm ăn không mấy vừa ý... Và, bác Lâm, cái ông khỉ đó nữa!
Nàng lắc đầu thật mạnh, muốn xua đuổi hết ý tưởng buồn trong lòng. Cuộc đời là một chuỗi ngày phiền não không làm sao tránh được. Sáng nay có giờ học, đừng đến trễ thì kỳ lắm. Nàng hấp tấp sửa soạn bữa điểm tâm. Mẹ nàng đã thức dậy, từ phòng ngủ mệt mỏi đi ra. Trời trở mưa và gió nên chứng bịnh phong thấp của bà phát nặng, không thể đứng thẳng người được!
Ngồi vào bàn ăn, bà nhìn con lo lắng:
- Tối qua, ông Lâm đến thăm gia đình mình đó con.
Nàng hỏi lại:
- Bác Lâm hả mẹ?
- Lâm, mẹ biết con không thích chuyện này, nhưng theo mẹ thì nên lấy ông ta đi con.
Nàng sụp mắt:
- Thưa mẹ!
- Từ khi cha con chết, cuộc sống mẹ con mình khốn đốn vô cùng. Con vất vả chạy ngược xuôi mà tiền chẳng thấm vào đâu với nhu cầu chi tiêu cần thiết. Mẹ lại bệnh hoạn hoài. Thấy con khổ, mẹ đau lòng vô cùng. Bởi vậy con nên bằng lòng làm vợ ông ta đi. Tuổi ông ta có lớn, nhưng được cái tính thật thà...
Lâm cướp lời mẹ:
- Thưa mẹ, bác Lâm không phải là mẫu người đàn ông con thích. Mẹ con mình gắng chịu khổ, chờ con tốt nghiệp đại học...
- Con lại nói khùng nữa rồi. Còn hai năm nữa mới tốt nghiệp đại học, chừng ấy chắc gì mẹ còn sống để hưởng hạnh phúc đó?
Du Lâm buồn bã nhìn mẹ Nàng rất sợ phải nghe những lời ấy của mẹ:
- Đừng nói vậy mẹ, để cho con thời gian suy nghĩ kỹ đã.
- Con suy nghĩ một năm rồi đâu phải chưa?
- Cho con một khoảng thời gian nữa đi mẹ.
Bà rưng rưng nước mắt:
- Con à! Mẹ nào muốn ép uổng con, nhưng mà hoàn cảnh gia đình mình thật đơn chiếc, túng thiếu. Con gái trước sau gì cũng phải lấy chồng, có được một tấm chồng như ông Lâm sẽ được hạnh phúc, khỏi lo lắng khổ sở. Bây giờ không yêu, mai mốt sống với nhau lâu ngày sẽ yêu, có gì đâu mà suy nghĩ? Đừng kén chọn lắm vậy con. Ông Lâm có chỗ nào xấu, đáng chê đâu.
- Con có nói với mẹ ông ta là người xấu bao giờ đâu. Con chỉ nói rằng mẫu người đàn ông trong mộng không phải là ông.
Bà mỉa mai:
- Hứ, mẫu người trong mộng! Đó là một thằng thanh niên bảnh trai, dũng cảm ngồi trên ngựa trắng đến tặng cho con một bông hồng chứ gì?
- Có lẽ như vậy đó mẹ!
- Thôi, con gái của mẹ đừng có mơ mộng khùng như vậy nữa! Con nên nhớ rằng mình đang sống trong xã hội loài người với những thực tế tranh giành từng chén cơm manh áo thì mộng mơ chỉ là những viễn vông vô ích. Mẹ đồng ý với con rằng làm người ai cũng mộng mơ, nhưng mộng mơ có bao giờ trở thành sự thật đâu?
Nàng thở ra, đứng dậy lấy sách vở trên bàn:
- Con phải đi học kẻo trễ giờ, khi về mẹ con mình sẽ bàn tiếp.
Tiếng chuông reo to. Mẹ nàng vội vàng vào phòng và dặn:
- Nếu ai đòi nợ, nói với họ là mẹ vắng nhà nhé.
Lâm lắc đầu, miễn cưỡng đến cửa. Trong trí đang chuẩn bị phải nói thế nào để chủ nợ chịu hoãn lại vài hôm. Kéo cửa ra, nàng ngơ ngác!
Người đứng bên ngoài không phải kẻ đến đòi nợ mà là ông Trương, với bó hồng trên tay và gương mặt đầy vui vẻ. Nàng thấy lạ:
- Thưa ông hỏi ai ạ?
- Tôi là chủ tiệm bán hoa. Có người khách hàng nhờ tôi mang bó hoa đến tặng nhà này.
- Nhưng... nhưng mà, tặng ai vậy, thưa ông?
- Tặng cho cô đó.
Nàng nghi ngờ:
- Có lẽ ông chủ đã lộn nhà?
Mặt ông Trương càng tươi hơn:
- Làm gì lộn được. Người khách ấy nói rõ ràng lắm.
Nàng cụt hứng, nghĩ thầm:
- Như vậy là cái thằng cha già Lâm mắc dịch này chứ còn ai. Thật đúng là già dê học đòi chơi mode trẻ con!
Nàng tiếp bó hoa và hỏi:
- Thưa ông, phải người khách ấy có dáng mập mạp không ạ?
- Ô, không phải đâu, đó là một thanh niên trẻ khá bảnh trai. Tôi đoán chắc là sinh viên.
Ông Trương quay đi, không cần để ý đến sự phản ứng của Lâm. Nàng phân vân nhìn bó hoa rồi lấy tấm danh thiếp lên xem:
Hoa thơm vài đóa
Chúc cô vui nhiều
Một người chưa quen ái mộ cô.
Nghê Quán Quần
Thân tặng.
- Trời mới biết Nghê Quán Quần là ai?
Mẹ nàng ló đầu ra hỏi:
- Ai vậy con?
- Có người gởi tặng con bó hồng vàng.
- Người ấy là ai?
- Con không biết nữa! Con đâu có quen biết gì họ.
Nàng đi lấy bình cắm và thầm nghĩ:
- Có lẽ người trong mộng xuất hiện không chừng!
Đổ nước vào bình rồi cắm hoa. Những ý tưởng mộng mơ nối tiếp trong lòng đã nhuộm má nàng đỏ hồng, má nàng trông dễ thương và đẹp.
Một bó hồng đột ngột mang đến như muôn ngàn câu nói tình tự, kín đáo làm cho nàng suốt ngày bần thần nghĩ ngợi. Người sinh viên ấy ở đâu lại để ý đến mình? Bạn học hay một lần nào đó gặp trên đường đi, trên xe bus? Mà sao chàng biết nhà mình? Có lẽ hỏi thăm người trong xóm hay theo dõi không chừng.
Có lẽ thế này, có lẽ thế nọ, hàng trăm cái có lẽ lờn vờn trong trí nàng suốt ngày. Thế rồi hôm sau, thêm một bó hồng nữa. Tâm hồn nàng càng trở nên rối loạn vô cùng. Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm... từng bó, từng bó kế tiếp đến tay nàng. Khắp nhà lúc nào cũng ngào ngạt mùi thơm. Thấy vậy, mẹ nàng nghiêm nghị bảo:
- Con nói thật với mẹ đi. Nghê Quán Quần có phải là bồ của con không. Vì nó mà con không bằng lòng lấy ông Lâm chứ gì?
- Thưa mẹ, con đã nói là không hề biết người này. Người ta đã viết trên tấm danh thiếp như vây mẹ còn không tin sao?
- Biết đâu đó là mánh lới của con và nó để che mắt mẹ.
Nàng phân trần:
- Con đã nói không biết thật mà!
- Người ta đã tặng hoa một tuần rồi mà chưa ra mặt cho con biết sao?
- Dạ chưa.
- Nếu vậy thì chắc thằng này bị bịnh thần kinh rồi. Con nên cẩn thận đó nhé. Con người mang chứng bịnh ấy thì ai có thể đoán biết việc làm của họ được!
Du Lâm im lặng, quay đầu nhìn bình hoa trên bàn - Bịnh thần kinh! Dám người này mang chứng bịnh đó lắm. Tuy nhiên, nàng mong mỏi được quen biết người đó.
Nữa tháng trôi qua, ngày nào Lâm cũng nhận được một bó hồng. Niềm vui của nàng bây giờ là mỗi sáng nhận được một bó hồng, chỉ mong có thế. Cứ mỗi sáng thức dậy nàng hồi hợp chờ tiếng chuông reo. Sợ rằng, một ngày nào đó, chuông không reo nữa, hoa hồng không còn xuất hiện. Nàng không sợ người tặng hoa mắc bệnh thần kinh mà chỉ sợ hoa không còn đến.
Tính tình nàng cũng đã thay đổi nhiều: mỉm cười một cách vô cớ, làm việc gì thì hỏng việc ấy. Ca hát vu vơ và ngớ ngẩn vô cùng. Sự thay đổi đó không tránh được cặp mắt tò mò của mẹ.
- Coi bộ trên mấy bó hồng có mang vi khuẩn của bịnh thần kinh. Mẹ sợ con đã bị lây bịnh thần kinh rồi!
Hoa hồng chẳng những làm mẹ con Du Lâm lo lắng ăn không ngon, ngủ không yên mà còn làm cho ông Lâm lo sợ.
- Theo tôi những việc lạ lùng thế này không phải là việc lành đâu, nên báo cho cảnh sát biết để họ còn có cách ngăn chận.
Nàng vội cản:
- Việc ấy chẳng quan hệ gì đến bác. Hơn nữa, cháu thiết tưởng rằng chẳng có gì phải đáng lo cả.
Ông nheo mắt:
- Cô nói sao? Không có việc gì đáng lo à? Bộ cô không sợ hả?
Mắt nàng sáng lên. Mặt đỏ hồng thật dễ mến:
- Sợ à? Ai lại đi sợ những đóa hoa đẹp đẽ ấy?
Nàng lại cười lớn. Tiếng cười tưởng chừng những mũi tên đang bắn vào tim ông già Lâm. Ông ta biết thân phận mình không thể sánh được với bình hoa ấy nên đàng lặng thinh!
- o O o -
Hai mươi ngày rồi, người tặng hoa cũng chẳng hề biết. Lâm không còn chịu nổi nên đến tiệm ông Trương rụt rè đẩy cánh cửa bước vào.
Đứng giữa rừng hoa thơm ngát, nàng e ngại hỏi:
- Dạ, tôi có tí việc định hỏi ông chủ.
- Có việc gì xin cô cứ tự nhiên.
Ông ngắm nghía nàng lộ vẻ đắc ý rồi nghĩ thầm:
Hoa hồng thật hiệu nghiệm hết sức. Chúng đã nhuộm đỏ hai má và làm sáng cặp mắt nàng. Gương mặt cũng mất đi nét u buồn xa vắng. Thật thuốc tiên cũng không bằng mà!
Lâm khẽ hỏi:
- Ông thường mang hoa đến nhà tôi?
- Vâng, việc này tôi biết!
- Ông có thể cho tôi biết địa chỉ người mua hoa không?
Ông Trương thành thật:
- Xin lỗi cô, tôi không biết địa chỉ cậu ta ở đâu nữa! Cậu ấy đặt mua hoa hồng trong một tháng, trả tiền trước. Mãi đến hôm nay, tôi vẫn chưa thấy trở lại.
Nhìn thấy vẻ thất vọng trên gương mặt dễ thương ấy, ông bèn an ủi:
- Nhưng theo tôi, thế nào cậu ấy cũng trở lại sau khi những bó hoa nầy giao hết.
Nàng e lệ:
- Khi nào... khi nào cậu ấy đến, ông làm ơn... làm ơn...
Ông Trương tươi cười ngắt lời:
- Tôi biết mà. Tôi sẽ bảo cậu ấy một mình đem hoa đến nhà cô.
Mặt nàng đỏ lên, quay đầu lại chạy nhanh ra cửa. Ông Trương nhìn theo cười mãn nguyện. Nàng vội vã đi trong gió rét, mặt nóng ran lên. Bây giờ là ban đêm, nàng phải đến trạm xe bus để đi làm. Nhìn đám người cho xe, rất có thể là người này, cũng có thể người kia! sao chàng không đến, nàng đã mong mỏi từ lâu rồi!
- o O o -
Một tháng trời trôi qua, ông Trương đã giao đến bó hoa cuối cùng. Suốt ngày, ông chỉ ngồi chờ chàng thanh niên ấy đến. Mãi cho đến một hôm chủ nhật thật đẹp trời, ông Trương ngồi mơ mộng viễn vông về chuyện tình của chàng thanh niên tặng hoa với người con gái được nhận. Bao giờ Quán Quần đến, ông sẽ nói rằng:
- Cậu cứ trực tiếp mang hoa đến tặng đi. Cô ta đang chờ cậu đó.
Ông muốn được mục kích thái độ của chàng khi nghe câu nói này. Xem thử chàng sẽ vui mừng đến mức nào. Sẽ hoảng lên hay giật mình? Trong trí ông lại hiện lên khuôn mặt của Quán Quần và Du Lâm. Thật hai đứa xứng đôi vừa lứa vô cùng!
Ông phải chuẩn bị cho thêm chàng một bó hồng vàng nữa mới được. Lần đầu tiên đến nhà người con gái chưa quen làm sao tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Bó hồng ấy sẽ giúp chàng được tự nhiên hơn. Ông Trương chuẩn bị xong bó hoa theo ý nghĩ.
Nhưng mà, chờ mãi từ sáng tới chiều, Nghê Quán Quần chẳng thấy tăm hơi gì đâu cả! Chẳng lẽ chàng quên mất cái vụ tặng hoa này sao? Hay là, đã chạy theo một cô gái khác đẹp và giàu sang hơn? Bao nhiêu hoài nghi thì bấy nhiêu thất vọng trong lòng ông không sao xua đuổi hết. Ông buồn chán thở ra, không biết ngày mai mình còn nên tiếp tục giao hoa như vậy nữa không.
Tối hôm đó, ông Trương đã hết hy vọng chàng thanh niên ấy đến. Tức và buồn, thêm vào đó trời mưa liên miên suốt ngày nên ông cảm thấy cuộc đời mình vô vị quá. Ông liền bảo mấy người giúp việc lo dọn dẹp đóng cửa vì trời u buồn và mưa hoài như vậy thì chẳng còn khách nào đến mua hoa nữa. Ông vừa định đóng cửa thì có bóng một người thanh niên từ bên kia đường vội vã băng qua vào tiệm. Đầu tóc chàng ướt cả nước. Ông Trương trố mắt:
- Ô, cậu đến đó hả?
Người ấy chính là Nghê Quán Quần. Cách phục sức của chàng vẫn giống như một tháng về trước, không có gì thay đổi. Chỉ khác một điều là trông chàng có vẻ giận dữ lắm. Chàng hung hăng hỏi:
- Cháu muốn đến hỏi bác là có trao hoa giùm không?
- Sao không? Không sót một ngày!
Chàng nhướng mày:
- Vậy bác đã giao ở đâu?
Ông Trương nhíu mày, hơi ngớ ngác:
- Cậu hỏi gì kỳ vậy? Thì tôi mang đến nhà cô gái mà cậu đã dặn đó.
- Cô nào? Bác đã trao cho cô nào mới được?
- Thì cô ở hẻm bên cạnh này chứ còn cô nào nữa. Dãy nhà bên phải đếm đầu hẻm đến căn thứ ba. Cô sinh viên có cặp mắt to và mái tóc đen dài đó.
Chàng dậm chân gào to:
- Trời ơi, sai hết ráo rồi! Cháu muốn tặng cô bé căn nhà thứ tư, tên là Ức Mai.
Ông Trương đứng sững. Đúng là trong hẻm đó có một cô gái ăn mặc lõa lồ, thường phơi của quí, làm vũ nữ. Có lắm ông lớn, sang mua hàng tá hoa đến tặng, và đón rước dài dài. Ức Mai, như vậy tên cô nàng là Ức Mai! Giá trước kia, ông biết tặng hoa cho người này thì ngàn vàng cũng không nhận. Bao nhiêu vui mừng khi nãy đã biến mất. Giọng ông nặng và đục:
- Cậu nói tôi giao sai à?
- Chớ còn gì nữa không sai? Hôm nay cháu gọi điện thoại, người ta bảo chẳng hề nhận hoa hòe gì cả làm mất mặt bầu cua hết!
Ông Trương lắc đầu lẩm bẩm:
- Nhưng mà, tôi quả quyết không thể nào sai chỗ được.
Quán Quần càng bực hơn:
- Bác nói thế có chắc không?
- Chắc chứ! Không tin, cậu cứ đến nhà tôi nói hỏi xem có nhận được hoa của cậu suốt tháng nay không?
Chàng nhớ lại những gì đã viết trên tấm danh thiếp rồi kêu trời:
- Trời ơi, thế mà còn ký tên nữa chứ! Sự lầm lẫn này thật tai hại quá! Cái nhà ấy sao cũng có con gái cho rắc rối thế này. Bác nói từ đầu hẻm, đếm vào căn thứ ba phải không? Phải đến giải thích vụ này mới được!
- Cô đó cảm ơn những bó hoa của cậu lắm. Theo tôi nghĩ, khi đến thanh minh vụ này, cậu nên mang thêm một bó hoa nữa để lúc nói chuyện được tự nhiên hơn. Cậu đừng lo chuyện tiền bạc, bó này tôi sẽ biếu cậu đó.
Chàng nhận bó hoa mà trong lòng chẳng vui tí nào. Cúi đầu chào ông Trương rồi quay ra cửa. Ông Trương dặn thêm:
- Cậu nên giải thích uyển chuyển một chút kẻo con gái mới lớn lên họ mắc cở đó nhé.
- o O o -
Quán Quần không cần để ý lời dặn dò ấy. Chàng chỉ mong đến gặp mau người con gái đó, giải thích chừng một hai câu là xong chuyện, không cần dài dòng vô ích. Chàng bước thật nhanh vào hẻm, đứng đếm đến căn nhà thứ ba. Đây là một căn nhà trệt. Cạnh nhà này là biệt thự lớn, có vườn hoa rộng của Ức-Mai. Chàng ấn chuông, đưa tay vuốt nhẹ lên bó hoa và đứng chờ.
Cánh cửa mở, người con gái có nước da trắng nõn nà, gương mặt hiền lành phúc hậu nhìn Quần. Nàng đang buồn vì bác Lâm hiện có trong nhà, bàn tính với mẹ ép buộc cuộc hôn nhân. Vừa trông thấy người thanh niên cao ráo đẹp đẽ với bó hồng trên tay, mặt nàng trở nên xanh mét rồi từ từ đỏ hồng. Quán Quần cũng thất sắc, chàng không ngờ vụ đi giải thích này lại khó gấp trăm vạn lần, không dễ như đã tưởng! Chàng vội lấp bắp:
- Ô, chào cô! Tôi... tôi là... Nghê...
Người con gái trước mặt chàng trông đẹp, nhu mì và dễ thương lắm. Cặp mắt ngơ ngác lẫn hoảng sợ như con nai giữa rừng vừa nghe thấy tiếng động. Đôi môi run run. Cái vẻ sợ sệt rụt rè, xen lẫn vui mừng và oán hận làm cho người đối diện phải thương hại và ngây ngất. Quán Quần không còn nói được nữa, chỉ đứng trân trân nhìn. Một lúc lâu, chàng mới lấy lại được bình tĩnh, gắng thực hiện mục đích đã định:
- Thưa cô! Tôi là... là Nghê Quán Quần!
- Dạ, em biết.
Lâm cũng bắt đầu tỉnh mộng. Nàng không biết tính sao trước sự viếng thăm bất ngờ của chàng, nhất là trong nhà đã có sẵn ông khách hắc ám. Mời vào nhà thì không xong, ra ngoài cùng chàng nói chuyện thì khó coi quá. Đang lúc nàng còn đang do dự thì mẹ đến cửa hỏi:
- Ai vậy con?
- Thưa mẹ, anh Nghê Quán Quần đó mẹ.
Rồi nàng quay qua giới thiệu với chàng:
- Đây là mẹ em.
Nhìn bó hồng trên tay Quán Quần, bà hiểu ngay rằng chính thằng khùng này đã phá hoại cuộc hôn nhân của con bà với ông già Lâm. Và, chính nó đã làm cho con Lâm si si khùng khùng. Bà nhìn chàng, nghiêm giọng:
- Thì ra là cậu. Cậu đến đây làm gì vậy? Tôi cho cậu biết con gái tôi không phải hạng lăng loàn trắc nết, không bao giờ giao thiệp với những người lạ như cậu. Cậu vui lòng về đi!
Lâm hoảng sợ:
- Thưa mẹ!
Nàng quay người, lùi ra sau một bước đứng cạnh Quán Quần như để bảo vệ chàng và chứng tỏ cho mẹ biết là hai đứa đã tâm đầu ý hiệp. Nàng nói nhanh:
- Mẹ nói gì kỳ vậy? Anh Quần bạn thân thiết của con chứ nào xa lạ gì!
- Hứ, thật quá mà. Hai đứa mày âm mưu gạt cả mẹ!
Lâm nháy mắt ra hiệu cho Quán Quần, ánh mắt thật trăm ngàn lời nói khó hiểu. Quán Quần, đứng sững, quên mất mục đích đến đây của mình. Mẹ Lâm thì rối rắm, không biết mấy đứa nhỏ này đang chơi cái trò trống gì nên liền bảo:
- Thôi hai đứa vào trong nhà đi, đừng đứng ngoài cửa người ta trông kỳ lắm. Kể hết đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe đi coi.
Quán Quần như cái máy lủi thủi theo vào nhà. Chưa kịp nói gì, ông Lâm ngồi chờ trong nhà tức muốn điên lên nên chạy ra phình cổ hỏi:
- Mày là cái thằng mang bịnh thần kinh, mỗi ngày tặng hoa đó chứ gì?
Bị chọc tức, chàng quay qua hỏi Lâm:
- Ông này là cha em phải không?
- Đâu phải, ông ta là... là...
- Tôi là chồng tương lai của Du Lâm.
Ông Lâm ễnh cái bụng nước lèo, dương dương tự đắc. Quần nhìn Lâm không chớp. Lý nào một người con gái đẹp đẽ thùy mị thế này đi gả cho cái thằng già ngu đần ấy? Cái nhìn của Quán Quần đã làm cho Lâm rưng rưng nước mắt. Nàng đưa mắt van này ông Lâm:
- Bác Lâm, sao bác nói bậy như vậy? Cháu đã chấp nhận làm vợ bác bao giờ đâu?
Già Lâm càng tức hơn, chỉ vào măt. Quần:
- Em không bằng lòng lấy tôi mà lấy thằng khố rách này à? Cái mạng của nó biết đã tự nuôi nổi chưa huống hồ gì nói chuyện nuôi em. Lấy nó, em chỉ có nước thành ma chứ không còn sống làm người!
Quần không còn chịu nổi, tiến đến trước mặt ông Lâm nheo mắt:
- Đồ già mất nết!
Ông Lâm vênh mày phẫn nộ:
- Mày nói ai đồ mất nết chứ?
Giọng chàng càng đanh thép:
- Tôi nói ông. Tôi nói con cóc bẩn thỉu mà muốn ăn thịt con ngỗng thật quá khôi hài!
Ông Lâm tái mặt:
- Mày nói gì? Mày nói ai là con cóc? Mày là thằng lưu manh ở đâu đến đây ăn nói hồ đồ vậy? Cái tướng ăn mặc như thằng ăn xin thế này mới đúng là con cóc bẩn thỉu muốn ăn thịt ngỗng. Bây giờ phải cút mau, nếu không tao kêu cảnh sát bắt cho xem.
Quán Quần sùng máu:
- Ông đừng có ăn nói hàm hồ như thế nghe chưa. Ông phải giải thích cho tôi nghe nghèo là nhục sao? Tôi nghèo nhưng có chí, vừa làm vừa học đến bậc đại học như người. Tôi biết cố gắng và khắc phục mọi gian khổ để tạo tương lai cho mình. Tôi còn trẻ, còn đủ sức và thì giờ để tạo sự nghiệp, giúp ích xã hội. Trọc phú như ông làm nên cái trò trống gì?
Chàng quay sang Lâm, nói nhanh không cần suy nghĩ:
- Em bằng lòng theo thằng cha trọc phú này hay theo anh, một thằng khổ rách để cùng nhau sáng tạo cuộc đời?
Lâm hết sức khâm phục lời nói của chàng, lời nói đầy khí phách. Nàng chơm chớp mắt tỏ ý ưng thuận, chẳng cần đắn đo gì khác. Không nghĩ đây là lần gặp gỡ đầu tiên, phải tìm hiểu lai lịch của chàng. Nàng cứ ngỡ đã quen chàng tự lâu lắm và hiểu nhau rất nhiều. Nàng đến bên chàng âu yếm nhìn. Quán Quần xúc động vội ôm chặt eo nàng. Ông Lâm muốn lộn gan lên đầu:
- Trời ơi, thật là hai đứa điên!
Ông quay qua mẹ Lâm tỏ vẻ hách dịch:
- Xin lỗi bà Châu, tôi không ngờ con bà có hành động lố bịch như vậy mà không biết mắc cở. Vợ tôi phải là người đàn bà gương mẫu không phải hạng gái mất nết hư thân như vậy. Thôi, chuyện hôn nhân chấm dứt luôn.
Bà Châu thở ra, nhìn ông Lâm ngoe nguầy ra cửa và thầm nghĩ:
- Ông cứ mang cái thùng nước lèo đó đi đi, tôi cóc cần. Con tôi có mất nết, hư thân mặc kệ, có người săn sóc và yêu thương rồi. Chúng nó sẽ sáng tạo cuộc đời hoàn toàn mới.
Bà đóng xong cánh cửa, quay lại vẫn miên man trong lòng:
- Thằng này đẹp trai, cái vẻ đầy khí phách này chắc chắn sẽ làm nên công sự. Rất may là ta chưa làm nên lỗi lầm, chưa cướp hạnh phúc của hai đứa.
Nhìn cặp tình nhân vẫn còn đứng chết giữa nhà, bà cố dùng giọng lạnh nhạt:
- Thôi chớ, cô cậu đứng đó hoài sao. Mời anh con vào ghế ngồi đi Lâm.
Bà lui vào phòng, khép cửa lại.
- o O o -
Bên ngoài, Quán Quần và Du Lâm nhìn nhau ái ngại vô cùng. Bây giờ họ mới cảm thấy thật xa lạ. Sự việc xảy ra vừa rồi như một cơn mộng không bằng! Hai người nhìn nhau một lúc, ánh mắt xa vời lẫn thẹn thùng khó tả. Quán Quần ấp úng:
- Anh nghĩ... anh nghĩ...
Mà nghĩ cái gì nhỉ? Chẳng lẽ giờ này còn đem chuyện lầm nhà ra nói với nàng ư? Nhìn vẻ mặt đẹp và dễ thương ấy, chàng biết mình không thể nào nói được!
Lâm tiếp bó hoa trên tay chàng, giọng gợi cảm:
- Anh nghĩ gì vậy? Ngồi ghế nghỉ đi. Em muốn cắm hoa vào bình ngay bây giờ.
Nàng cắm xong bình hoa, đặt lên bàn cười duyên:
- Sao anh nghĩ ra cái trò tặng hoa hồng này cho em? Sao anh biết em thích hồng vàng?
Chàng thẹn đỏ mặt. Cúi đầu xuống, nàng lại hỏi:
- Anh bắt đầu để ý đến em tự bao giờ?
Bắt đầu tự bao giờ? Ai mà biết! Chàng chỉ biết buổi tối hôm ấy cách đây một tháng, lần đầu tiên cùng mấy người bạn đặt chân đến vũ trường. Dưới ánh điện màu, chàng đã mê mệt một vũ nữ lừng danh có sắc đẹp quyến rũ. Bây giờ lại đối diện với Lâm, cặp mắt to trong sáng ấy có một sức thu hút khác thường, không giống vẻ quyến rũ của Ức-Mai.
Tự nhiên chàng cảm thấy mình trở thành nhỏ bé, nghèo nàn và thơ ngây quá! Chàng hơi bực, tự trách mình sao đi theo một cô vũ nữ như vậy. Nhưng, nếu không có cô vũ nữ đó, làm sao giờ này gặp được Du Lâm. Họa chăng có do trời xui khiến!
Chàng ngước lên nhìn nàng. Mặt vẫn còn đỏ và đầy vẻ ngượng ngùng. Chàng đáp thật nhỏ:
- Em hỏi làm gì câu ấy? Có lẽ anh đã để ý em từ ngày khai thiên lập địa đến giờ!
Nàng im lặng, nhìn chàng đắm đuối. Hai người mỉm cười, nụ cười sâu thẳm còn hơn ngàn câu nói. Bình hoa hồng trên bàn như cũng đang cười. Mùi thơm ngào ngạt dâng khắp căn phòng.
- o O o -
Ngày hôm sau, ông Trương ngồi trong tiệm nhìn Quán Quần đẩy cửa bước vào. Chàng e thẹn chào:
- Dạ, chào bác ạ!
- Vâng, chào cậu.
Chàng không giấu được nỗi vui mừng trên mặt:
- Thưa bác còn nhớ cháu không?
- Sao không? Cậu là người trách tôi trao hoa hồng không đúng chỗ!
Chàng cười đắc chí:
- Ha ha! Mục đích của cháu đến đây hôm nay báo tin để bác mừng là hoa hồng trao rất đúng chỗ.
Ông Trương cũng cười:
- Tôi biết mà. Tôi biết đúng chỗ trăm phần trăm.
Chàng mở to mắt nhìn ông Trương. Không hiểu trong vụ trao hoa này, ông ta có âm mưu nào không? Nhưng thôi, có hay không đâu còn đặt thành vấn đề. Vấn đề quan trọng là những đóa hoa đo đến nơi thật đúng chỗ mà chính chàng cũng không ngờ được, phải gắng giữ lấy sự thành công ấy.
Chàng cảm ơn rồi xin phép đi ra khỏi tiệm Thinh-Thinh. Có người ở hẻm bên cạnh đang chờ chàng trở lại.
Tiễn chàng cho đến khi khuất. Ông Trương trở vào cầm bình tưới hoa. Vừa tưới, ông vừa hát. Nhìn bồn hoa hồng vàng, ông gật đầu cười mãn nguyện.
Kết Thúc (END) |
|
|