Nàng bỗng thấy hoảng sợ khi nghĩ về những lời nói của mình. Tay nàng run lên và tim nàng đập nhanh. Mọi người bỗng im lặng và chỉ còn tiếng khóc của đứa bé.
Năm Quyên lên 16 tuổi, trong lúc bới cơm cho mẹ, nàng đã nói:
- Mẹ ơi, con cá vàng dưới đáy chén đã bị mờ rồi.
Mẹ nàng cười bảo:
- Cái chén này mẹ đã dùng để đựng nước mắm từ lúc cha con còn sống tới giờ. Tính ra đã 20 năm rồi.
Mẹ nàng nói tiếp:
- Ngày xưa cha con là họa sĩ, chuyên vẽ lên đồ gốm sứ. Hình con cá vàng ở đáy chén kia là do cha con vẽ.
Mặc dù chuyện này mẹ nàng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi ăn cơm nhưng nàng vẫn thích nghe mẹ kể. Cha của nàng chỉ thích dùng nước mắm do mẹ nàng nấu. Vì ông ấy cho rằng, nó đậm đà hương vị hơn là dùng nước mắm của người khác. Và trong các bữa ăn, chỉ dùng cái chén kia để đựng nước mắm.
- Mẹ không sợ là nếu mình sơ ý sẽ làm bể chén hay sao? Mẹ có thể để riêng ở đâu đó để giữ làm kỉ niệm.
- Con đã quên rồi à. Có lần, mẹ đã đem giấu nó vào một chiếc hộp, con liền nhận ra trong mâm cơm, không có cái chén, con đã khóc thé lên và đòi mẹ phải lấy ra cho bằng được.
- Sao con lại không nhớ ra nhỉ?
- Lúc đó con chỉ mới được 6, 7 tuổi.
8 năm sau nàng lấy chồng. Chồng nàng là một bác sĩ. Nàng làm một nhân viên kế toán cho một ngân hàng. Hai vợ chồng nàng xin bố mẹ chồng ra ở riêng. Nàng đã sinh ra một bé trai. Khi con nàng lên 3, nàng gửi con vào nhà trẻ. Hai vợ chồng nàng đi làm từ sáng đến chiều. Hầu như chỉ có buổi tối là cả gia đình mới ngồi vào bàn ăn cơm chung. Thỉnh thoảng nàng mới về thăm mẹ. Thường chỉ có nàng và đứa con về. Nàng nói với mẹ, chồng con bận quá nên không về được. Anh ta hay nói, dường như mọi người lần lượt bị bệnh hay sao đấy. Khi anh cố tỏ ra hài hước, nàng thấy thật buồn cười về cái kiểu ngập ngừng, chả có chút phong độ gì cả. Làm sao nàng có thể kể với mẹ, do anh ấy phải đi ăn nhậu với bạn bè, rồi trở về ngủ tới trưa, có khi về ói đầy nhà. Một đêm nọ, con nàng bị sốt, nàng phải một mình chở con vào bệnh viện mà chẳng thèm gọi chồng thức dậy. Đơn giản, vì nàng biết rằng, không thể. Khi tỉnh dậy, chồng nàng hỏi, tại sao lại không mang đến bệnh viện của anh đang làm, mọi người sẽ nghĩ sao về anh. Nàng cố lờ đi như chưa từng nghe thấy những lời đó.
Khi về ăn cơm với mẹ, nàng vẫn được nghe về câu chuyện năm xưa của mẹ nàng. Chuyện về cái chén. Lúc đầu nàng thấy nhẹ nhõm như quên hết mọi khó chịu từ mái ấm của nàng. Nhưng dần dần nàng chẳng muốn nghe nữa. Nàng thấy mệt mỏi và nhứt đầu. Tuy vậy, nàng không thể hiện điều đó ra bên ngoài. Nàng muốn mẹ được vui vẻ trong quãng đời còn lại.
Hôm ấy là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Nàng chở con về nhà mẹ chơi. Lần này có cả chồng nàng về nữa. Chồng nàng chuẩn bị cắt cổ gà. Mặc dù nàng cảm thấy nhứt đầu mỗi khi thấy cảnh cắt cổ gà vịt, nhưng nàng phải chạy đến bên chồng, bởi chồng nàng muốn dùng cái chén có hình con cá vàng kia để đựng máu gà. Nàng lấy cho anh một cái đĩa, và đưa cho mẹ cái chén.
Nàng đi rửa rau. Chồng nàng cắt cổ gà. Mẹ nàng thì nấu cháo. Bỗng nhiên có một tiếng khóc vang lên từ phòng khách. Tay của con nàng bị đứt và máu túa ra. Cái chén kia đã bị vỡ ra thành nhiều mảnh. Máu của đứa bé còn dính lên một mảnh vỡ. Nàng vội chạy đến ẵm con lên và quay sang mẹ bảo:
- Sao mẹ không để cái chén trong tủ đi?
- Mẹ đã để trên bàn ăn, nó đã lấy đi từ lúc nào mẹ đâu hay biết.
- Mẹ phải để ý hơn chứ, chẳng lẽ mẹ không biết cháu mình rất hiếu động sao?
Nàng bỗng thấy hoảng sợ khi nghĩ về những lời nói của mình. Tay nàng run lên và tim nàng đập nhanh. Mọi người bỗng im lặng và chỉ còn tiếng khóc của đứa bé.
Nàng muốn xin lỗi mẹ, nhưng nàng không thể thốt ra được. Nàng ẵm con ra võng để băng bó vết thương và dỗ con ngủ.
Sau bữa ăn trong lúc chồng và mẹ nàng đang nói chuyện, nàng âm thầm ra sau vườn. Nàng lấy mảnh vỡ của cái chén đem chôn bên gốc cây mận. Nàng ngước lên nhìn những bông hoa mận, nàng nhắm mắt và hít một hơi thật sâu, mặc cho mọi tội lỗi đang đâm xuyên vào tim mình.
Kết Thúc (END) |
|
|