Ngày 20-11, ngày Nhà Giáo Việt Nam, những đứa trẻ háo hức mua hoa tặng cho những người thầy, người cô kính mến của mình, khắp nơi tràn ngập không khí trang nghiêm của ngày lễ.
Còn tôi, tôi tự tách biệt mình ra khỏi bầu không khí ấy, thơ thẩn lướt qua nụ cười hiền của thầy cô khi nhận được hoa, bước vào một cửa hàng hoa với gương mặt bất cần. Có một vài đứa trẻ cũng đang mua hoa ở đấy và tất nhiên, tôi xem chúng như là không khí, dùng đôi mắt trống rỗng lướt qua từng kệ hoa. Cứ thế đến khi ánh mắt tôi dừng lại ở một bó hoa tu-lip trắng, bó hoa trông vẫn còn tươi với một vài giọt nước còn đọng lại, tôi chăm chăm nhìn nó. Cổ họng tưởng chừng như cũ mục, khàn cả đi vì không nói chuyện suốt một thời gian dài của tôi cất tiếng hỏi:
_ Bó hoa này bao nhiêu?
_ Ơ… ơ… Hai… Hai trăm – Chị tiếp viên với cặp kính dày cộm ấp úng nói, có thể vì chị ta vốn nhút nhát, cũng có thể là vì cái giọng lãnh đạm đến mục nát của tôi. Tôi không trả lời, móc trong ví ra tờ bạc hai trăm đưa cho chị ấy. Chị ấy nhận tiền sau đó đưa cho tôi bó hoa đó và không quên câu “cám ơn quý khách”- câu cửa miệng của những nhân viên bán hàng.
Tôi chỉ khẽ gật đầu rồi bước ra khỏi tiệm, tiếp tục bước đi với bó hoa tulip trắng tinh khiết trong tay. Mọi người xung quanh nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ… À… cũng phải thôi! Ai đời ngày 20-11 lại tặng hoa tulip bao giờ, đã vậy còn là màu trắng – màu của tang lễ chứ?
Môi tôi bất giác cong lên, đúng vậy, chỉ cong lên thôi, nụ cười của tôi đã dập tắt từ lâu rồi!
Đôi chân tôi dừng lại ở một nơi, nơi mà tôi sẽ trao tặng bó hoa tu-lip này cho một người. Chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ đó là trường học, nhưng không, đó là nghĩa trang.
Tôi lặng lẽ bước vào, dừng lại ở một ngôi mộ rậm rạp cỏ, lớp bụi dày phủ kín trên tấm bia, dòng chữ: “Lê Anh Quân” khắc trên đấy cũng bị bụi làm phai nhòa.
_ Thầy ơi! Con đến thăm thầy đây! – Tôi đặt bó hoa trước mộ.
_ Sao… mộ thầy đầy bụi thế? – Tôi cất tiếng hỏi.
Dĩ nhiên trả lời tôi chỉ là tiếng reo u uất của gió mùa Đông.
Tôi đưa tay phủi đi những hạt bụi bám trên bia, đến khi lộ ra nụ cười ấm áp của thầy. Chăm chú nhìn nụ cười ấy, trong lòng tôi rộ lên rất nhiều cảm xúc, từ hối hận cho đến day dứt, từ sững sờ cho đến kinh hãi. Tất cả cảm xúc của tôi ngày đó bỗng chốc ùa về, cứ như nó chỉ mới xảy ra ngày hôm qua...
Ngày ấy, tôi là một con bé trầm tính, ít nói, luôn tách biệt khỏi mọi thứ xung quanh và… không bao giờ cười. Điều gì khiến tôi như vậy ư? Chắc chỉ có thể trả lời rằng:
Ba mẹ tôi ly hôn và tôi sống với một người ba nghiện rượu, suốt ngày say xỉn và sự cô lập của bạn bè trong lớp đối với tôi, nhưng tôi không hoàn toàn tuyệt vọng, bởi vì bên cạnh tôi, luôn có một người anh trai – người lúc nào cũng yêu thương đứa em thờ ơ với mọi thứ như tôi.
Còn thầy, thầy tên là Lê Anh Quân, là một người thầy tật nguyền với đôi chân co rút không thể đi lại được, “đôi chân” của thầy chính là cặp nạng với chiếc xe lăn, thầy không có người thân, không có ba hay mẹ. Tôi và thầy đều đứng chung trên một con thuyền của sự thiếu thốn hạnh phúc, nhưng thầy khác tôi ở chỗ… nụ cười lúc nào cũng đong đầy trên gương mặt thầy.
Thầy là một người thầy rất tận tụy, thầy tra hỏi lý lịch của từng học sinh và đặc biệt chú ý đến tôi, bởi lẽ, tất cả các bạn trong lớp ai cũng có ba mẹ bên cạnh, duy chỉ tôi là gia đình tan vỡ. Trong những tiết học, thầy luôn pha trò trước lớp, có khi làm ảo thuật, có khi lại kể chuyện cười để lớp học lúc nào cũng rộn vang tiếng cười, thỉnh thoảng thầy lại dán mắt vào gương mặt lúc nào cũng thờ ơ của tôi. Những lúc tôi bị điểm kém, thầy luôn dùng nụ cười ấm áp của mình để động viên tôi, đưa đôi tay chai sạn đầy bụi phấn của mình xoa đầu tôi, như cử chỉ của một người ba dành cho đứa con gái cưng của mình. Lúc ấy, tôi ghét thầy! Ghét nụ cười ấm áp trên gương mặt thầy, ghét đôi tay đầy bụi phấn cứ xoa đầu khiến tóc tôi toàn phấn là phấn! Thế nên, lúc nào tôi cũng bỏ nụ cười của thầy ở phía sau… không nói một lời…
Từng ngày cứ trôi qua như thế, trôi qua bằng tiếng cười của thầy, bằng tiếng cười của cả lớp và... sự vô cảm của tôi…
Cho đến một ngày… ngày tôi mất đi chỗ dựa duy nhất – anh trai tôi. Ngày mà tôi nhận được câu nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức… nhưng anh cô… đã chết trên đường đến đây!” của những ông bác sĩ vô dụng. Cũng là ngày mà… tôi có ý định tự sát!
Hôm ấy lý trí trở thành một thứ xa xỉ đối với tôi, tôi khóc, tôi gào thét, tôi điên loạn gọi tên anh trai mình… Tôi gục ngã và rồi… tôi nghĩ đến cái chết!
Bằng đôi chân bất lực, đôi mắt sưng lên vì khóc, cổ họng khàn đi vì gào thét, đôi tay thờ ơ rũ xuống và cảm giác đau đớn đến trống rỗng trong tim, tôi như một cái xác không hồn lê bước trên đường, chờ cái xe nào đó đâm chết mình cho xong.
Rồi đúng như tôi mong chờ, có một chiếc xe tải đang lao nhanh về phía tôi…
Khi nhận được hình ảnh đó, tôi chỉ cong môi rồi nhắm mắt, chờ Thần Chết đến mang đi…
Nhưng có lẽ… cả Thần Chết cũng bỏ rơi tôi…
Bởi vì lúc ấy có một đôi tay đẩy tôi ra khỏi đó. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng RẦM đắng chát…
Bàng hoàng quay đầu lại, tôi thấy một cặp nạng văng xa nơi góc đường. Cặp nạng này… sao quen quá! Nụ cười của thầy hiện lên trong tâm trí khiến tôi càng sợ hãi hơn…
Tôi hớt hải bò lại phía trước chiếc xe mà không cần suy nghĩ… để rồi… để rồi… sững sờ trước hình ảnh trước mặt. Thầy! Đúng rồi! Là thầy! Thầy Quân đây mà!
Ôi không… người thầy bê bết máu, chiếc áo sơ mi trắng nổi rực lên giữa những đóa hoa mẫu đơn máu đỏ thẫm, đôi chân co rút còn mắc kẹt dưới bánh xe. Tôi lúc ấy… đã thật sự mất tự chủ, cơ thể tôi không nghe lời tôi nữa… nó ôm chầm lấy bờ vai toàn máu là máu của thầy, những giọt nước mắt cũng lăn dài trên má tôi tự bao giờ…
Thầy lại nở nụ cười, nhìn tôi thì thào:
_ Đừng…ư… đừng ngốc như vậy! Em còn cả một tương lai phía trước. Đừng để những chuyện thế này… làm em gục ngã! Tin thầy đi, nhìn…. Nhìn về phía trước… em sẽ thấy… còn nhiều điều... tuyệt vời lắm!
– Tôi vẫn im lặng, nước mắt vẫn cứ tuôn trên gương mặt.
Thầy đưa bàn tay đẫm máu đặt lên tay tôi:
_ Thầy… cứu em một mạng… Vậy nên, mạng sống của em bây giờ… là của thầy nhé! Nhớ… trân trọng nó… đừng để… m.. mất đi… Tr… Trâm Anh… s.. sống… cho… cả phần của thầy… n… - Hơi thở thầy yếu dần… yếu dần… rồi ngưng hẳn sau khi dùng tất cả sức lực siết nhẹ tay tôi.
Tôi… tôi cũng chẳng biết cảm giác của tôi lúc đó như thế nào nữa… Tôi chỉ biết là cơ thể tôi như chết trân tại chỗ, đôi tay run run ôm lấy thầy, cứ như là nó đang cố gắng níu lại chút hơi ấm còn sót lại trên cơ thể đang dần lạnh đi của thầy…
Rồi cứ thế… cứ thế… thời gian xung quanh tôi như ngưng đọng… Tôi cứ vậy, ngồi cạnh thi hài của thầy suốt đêm, mặc cho đôi chân tê cứng, mặc cho thi hài thầy đã lạnh toát, mặc cho những giọt máu đông lại, hóa thành màu nâu sẫm, mặc cho những giọt nước mắt của tôi đã đông cứng vì không thể khóc được nữa…
Một cơn gió nhẹ thổi qua kéo tôi trở về thực tại…
Tôi nhìn nụ cười ấm áp của thầy trên tấm bia. Nụ cười đó vẫn thế, vẫn ấm áp, vẫn đong đầy thứ tình cảm gọi là “tình thầy trò” mà người ta vẫn hằng ca ngợi, dù cho nó đang bị những hạt bụi của thời gian cố xóa nhòa.
- Thầy lúc nào cũng cười nhỉ? – Tôi buông ra một câu nói vừa ấm áp, lại vừa mang giọng điệu vô cảm thường trực.
Vẫn chỉ có sự thinh lặng trả lời tôi.
Tôi ngước mặt lên nhìn bầu trời bao la, cao mãi. Chợt nhận ra có gì đó ươn ướt, nong nóng trên gương mặt mình.
Khẽ đưa tay lên khóe mắt, tôi thấy có một giọt nước ấm nóng đọng lại ở ngón tay… rồi nhanh chóng bị cơn gió thổi bay đi mất…
Mình… khóc sao? Tôi tự hỏi, rồi ngay lập tức lắc đầu, dùng tay lau sạch vài giọt nước mắt hãy còn bám trên mặt.
Sau đó tôi loay hoay dọn cỏ quanh mộ để cố quên đi cảm xúc vẫn còn đè nặng trong trái tim. Ánh mắt tôi khẽ lướt qua bó hoa tulip trắng, loài hoa đắt đỏ mà người thầy tật nguyền của tôi thích nhất. Nhìn nó một lúc lâu, rồi tôi lại tiếp tục công việc của mình, công việc mà cứ mỗi năm, vào ngày 20-11, tôi lại đến đây làm.
Qua ký ức về thầy, tôi đã tự rút ra bài học cho chính bản thân mình, cũng là lời khuyên dành cho tất cả các bạn đang ngồi ở ghế nhà trường hôm nay, rằng: Nên trân trọng những người thầy, người cô bên cạnh mình. Bởi họ không chỉ mang kiến thức đến cho mình, mà còn chính là người cha, người mẹ thứ hai của mình. Đừng bao giờ phớt lờ sự quan tâm của thầy cô dành cho mình, vì biết đâu khi nhận ra được những điều ấy đáng quý đến mức nào… thì đã quá muộn màng…
Kết Thúc (END) |
|
|