- Du ơi sang dì cho mớ mồng tơi về mần nồi canh nè con!!!
Tiếng bà Tư đứng bên kia bức rào gọi nó. Vẫn là sự nhanh nhẹn đã nằm trong bản tính của nó. Nó vội đáp:
- Con sang ngay đây dì Tư!
Chất giọng lanh lảnh của đứa trẻ mới lớn đang hí hoáy dọn mấy bắp ngô phơi ngoài sân gạch đã rêu màu cũ kĩ nghe mà chua xót. Đó là cái Du, mẹ nó bỏ đi từ ngày nó còn nhỏ, lớn lên bởi một tay chăm sóc của ba nó.
- o O o - - o O o - - o O o -
Dáng vẻ khắc khổ từ gương mặt nó toát lên một cái gì đó như sự sắp đặt của số phận. Bởi thế, nhìn nó dù là đứa trẻ 13 tuổi nhưng đã sớm tỏ ra là đứa sành sỏi mọi việc như một lao động chính trong nhà sau ba nó.
Sáng nào cũng vậy, người ta đã nhìn thấy bóng dáng của cô bé lúc nào cũng tất tưởi, một tay bưng thau cám cho vịt, một tay lại xua xua cái chổi đã xơ xác những sợi cọ đan dệt chẳng bền chắc. Cho đám vịt ăn xong đâu đấy, nó lại tiếp tục hành trình lùa đàn vịt ra đồng.
Ông Bảy lo chuyện đồng áng, nhà có mấy sào ruộng là một tay ông làm cả. Mỗi năm thóc cũng đủ cho hai miệng ăn, sắn ngô ông cũng cố giồng để lấy nguyên liệu chăn nuôi này nọ. Còn nó, chuyện gia đình từ bếp núc hay mấy việc vặt đều do một tay tần tảo. Vì sớm thích nghi với hoàn cảnh, nó thấu hiểu phần nào sự vất vả của ba nó. Ông trời sinh ra quy luật bù trừ là như thế. Bởi nghĩ rằng nếu chẳng làm được những việc đó ba nó sẽ lại thêm gánh nặng, nhà đã neo nhau lại thêm cơ cực hơn.
Hôm nay, lo thả lũ vịt ra đồng, nó lại quay về sắp sửa đi học. Dù nghèo dù đói ba nó vẫn cho nó được đi học đầy đủ, nghĩ ra nó chẳng phải tủi thân với bạn bè, mà ba nó cũng không phải mang cái tiếng không lo được cho con cho cho cái mình.
Nó học giỏi lắm, bản tánh nó hiền lành, ngoan ngoãn nên thầy thương bạn mến. Mấy cái quỹ học bổng tài trợ này nọ trên trường nó không để sất phần cho ai cả. Cái tên nó vinh danh mỗi buổi sáng chào cờ đầu tuần đã trở nên quen thuộc. Rồi cả những cuộc họp phụ huynh cái tên "Trần Thị Du" luôn được cô nhắc đến là một tấm gương sáng trong học tập và thi đua vì danh hiệu "học sinh nghèo vượt khó". Thế nhưng nó chẳng những nghèo nó còn thiếu thốn tình cảm của người mẹ nữa....
Chẳng thể kìm lòng khi nhắc về câu chuyện của 13 năm về trước. Mẹ nó bỏ ra nước ngoài từ ngày nó mới 3 tuổi. Ngày đó ba nó đồng ý cho mẹ nó đi vì sang bên đó xuất khẩu lao động, lương cao mà đồng tiền lại có giá trị, vì miếng cơm manh áo đành phải chấp nhận cảnh xa cách tình cảm vợ chồng, mẹ con.
- Mẹ bây có gửi tiền về không Du?
Vẫn như thế, thi thoảng nó lại tủi thân cúi đầu trước những câu hỏi vốn không bao giờ có câu trả lời thật hạnh phúc. Nó ngậm ngùi mà vẫn cố tỏ ra tươi tỉnh:
- Cái đó là gửi ba con sao con biết được thím.
Người ta hỏi là hỏi như thế, chứ xung quanh hàng xóm cũng buông lời đồn đại mẹ nó lấy chồng bên nước ngoài rồi. Những lời xì xào vẫn theo nó lớn lên qua từng ngày như thế.
"Ôi mẹ nó bỏ ba con nó rồi, tham phú phụ tình, giờ bên đó sung sướng thế ai còn muốn quay về cái đất này nữa, có khi lấy ông Tây nào nào rồi cũng nên".
Kể cũng phải, họ nói như vậy chẳng có gì sai dù cho lời nói đó khiến cha con nó chẳng mấy vui vẻ gi. Ông Bảy vốn đã chấp nhận sự thật là vợ mình sẽ không quay trở về. Ông nghèo, thì vợ con ông chẳng được nhờ. Nhưng ai muốn như vậy, đời người biết như thế nào mới gọi là đầy đủ. Đôi khi cái ngưỡng cửa của hạnh phúc chỉ cần là cùng nhau chung sức xây dựng nên hai tiếng gia đình, giản dị mà ý nghĩa. Nghèo đói không thực sự đáng sợ bằng sự khiếm khuyết tình thương của đứa trẻ mới lên ba như Du. Nhưng dù cho ông chẳng bằng lòng thì mẹ nó vẫn đơn phương độc mã mà quay lưng đi với danh nghĩa kiếm tiền về cho gia đình. Nhiều lúc nó ngây ngô mà hỏi:
- Má con sao đi lâu vậy mà chưa về hả ba?
- Má mày lo đi lâu kiếm nhiều tiền cho mày ăn học.
Ánh mắt xa xăm của ông và tiếng thở dài sau mỗi lời nói dường như là một sự bất lực. Đó cũng là sự dối lòng đớn đau gắn mác cho lời an ủi đứa con còn trẻ dại.
Lớn dần, Du chẳng còn hỏi han hay nhắc nhở gì về má nó nữa. Bởi trong tiềm thức của nó như tự xuất hiện một sự thật ngang trái mà dù những người hàng xóm kia chẳng đồn thổi nó cũng tự ý niệm được: mẹ nó đã bỏ hai cha con nó. Chẳng một ai khi chân trọng hạnh phúc mà không tự tìm về gia đình nhỏ của mình cả. Tiền bạc...nhưng nó lại được đặt trên cán cân đong đếm của thời gian nữa, đã 10 năm như vậy là quá đủ để nó ý thức được. Ba nó buồn lòng bao nhiêu nó càng thương ba nó bấy nhiêu. Nhiều khi hàng xóm người ta trêu:
- Anh Bảy sao không kiếm lấy cô nào về đỡ đần cơm nước cho cái Du nó bớt khổ.
Trong thâm tâm của nó, hơn ai hết nó cũng muốn ba nó có người bạn nào đó để tâm sự lúc về già lắm chứ. Nhưng nó chẳng dám góp ý vì sợ ba nó ái ngại. Có lẽ đến cái tuổi tứ tuần này rồi người ta cũng chẳng hay mặn mà hay quan tâm đến mấy chuyện cảm tính đó. Ông Bảy vốn hiền lành, chịu khó ai cũng thương cũng mến. Vậy nên chuyện cô Hiền có tình cảm với ba nó chẳng có gì lạ, ở cái xóm 6 này ai cũng biết cả, người thì tán dương ủng hộ, người thì dè bỉu nhưng dù là thế nào thì ngoài mặt là vậy nhưng đâu biết trong lòng họ nghĩ gì. Cũng có người chép miệng:
"Ôi dào, cái tuổi này trẻ trung gì nữa đâu, có quý mến nhau thì về ở với nhau để đỡ đần lúc về già".
- o O o - - o O o - *
Chị Hiền nay cũng đã ngoài 40 tuổi, hoàn cảnh đặc biệt chị sống một mình. Cứ độ vụ mùa đến, chị lại một tay chung sức phụ ba nó thu hoạch. Sớm nhận ra cách đối xử đặc biệt của chị, có lần ông Bảy nói:
- Cha con tôi phiền cô nhiều quá!! Việc chẳng có gì đâu, cô không phải đỡ đần gì cả. Hàng xóm người ta xì xào cũng chẳng hay.
Cô có ý với ba nó chẳng một ai không nhận ra, còn ba nó thì luôn giữ cái trầm ngâm khó đoán của một người đàn ông luôn trăn trở một nỗi niềm về hạnh phúc.
"Có phải do mình nghèo nên không giữ chân được bà ấy".
Phải không, hay do mẹ cái Du là người thay lòng, nói một cách thành thật mẹ nó là người hám tiền bạc vật chất mà bạc bẽo với ba con nó, chẳng phải ư???
Trong cơn mộng mị, ba nó lại thốt lên những suy nghĩ như thế. Cả một nỗi lòng trăn trở về tuổi thơ lớn lên của Du chưa bao giờ thôi dằn vặt trong suy nghĩ của người đàn ông ấy. Nó không có mẹ, không được chiều chuộng, không có một tuổi thơ trọn vẹn như bao đứa trẻ khác, cái độ tuổi mà hoàn cảnh bắt nó phải tự trưởng thành sớm hơn trong mọi việc. Bởi vậy ông Bảy thương nó bằng tình thương của cả người cha và người mẹ.
- o O o - - o O o - *
Tối đó, ba nó đổ bệnh, huyết áp thấp khiến ba nó thường xuyên rơi vào tình trạng ngất đi bất chợt. Trong lúc hoảng loạn nó vội gọi với sang nhà người đàn bà cạnh bên:
- Cô Hiền ơi, ba con lại phát bệnh.
- Cô...cô sang ngay đây!!!
Chị lắp bắp mấy câu trong miệng mà run rẩy, chị sợ ba nó lại có chuyện gì. Nồi cơm trên bếp đang bắc dở chị bỏ luôn đó mà tất tả chạy sang như tâm thế một người đang lao vào đám cháy. Liên tục vỗ vào người ba nó, chị lấy lại bình tĩnh nhét viên thuốc vào miệng ba nó mà đôi mắt ngầu đỏ lo sợ những bất trắc:
"Ba...ba.... a..aaa cái Du tỉnh lại đi".
Trong giây phút mà con người ta chỉ có thể sống bằng thứ cảm xúc duy nhất đã kìm nén, chất chứa từ bao lâu nay, người đàn bà đã bộc phát:
"Giá như tôi được dọn qua đây chăm sóc cho hai cha con thì đâu đến nông nỗi. Cái Du nó còn nhỏ, những lúc nó đi học thì ông tính làm sao mà xử trí"!!!
Nỗi nghẹn ngào hòa chung dòng nước mắt, người đàn bà quay sang nhìn Du với vẻ mặt ái ngại, nhưng nó biết ba nó chẳng dám nghĩ tới chuyện đó với chị.
Thuốc thang đã ngấm, một lát sau ông Bảy tỉnh lại:
- Cô Hiền cứ về mà lo việc nhà đi!! Tôi khỏe rồi, cảm ơn cô.
Ông nói mấy câu mà buồn lòng, rồi chị lại lục đục vào bếp nấu nồi cháo rồi bảo cái Du lát nữa đút cho ba nó ăn rồi mới về. Vẻ mặt người đàn bà thoáng hiện lên nét buồn, có lẽ ông Bảy chẳng biết vô tình hay cố ý chẳng nhận ra tình cảm của chị nhưng đã bao năm nay chị vẫn vậy, âm thầm và lo lắng cho hai cha con nhà nó. Và người đàn bà ấy lại một lần nữa trao đi thứ tình cảm vốn chẳng được đáp trả - thứ tình cảm xuất phát từ một phía đầy vô vọng.
Tối đó, cái Du cũng thật lạ, nó dám ngồi đó mà nói chuyện với ba nó như người lớn:
- Ba à, con thấy cô Hiền quý mến cha con mình thực sự, hay là....
- Thôi con, mày còn nhỏ!!
Ông như biết trước nó sẽ nói gì, liền chặn ngang lời nói còn dang dở của nó khiến nó xanh mặt. Sự băn khoăn như chẳng thể dấu được trên khuôn mặt đứa trẻ thơ bấy lâu nay. Ông chưa bao giờ nói nặng lời với nó cả, chẳng một ai có thể yêu thương Du hơn chính ông bởi nó cần một tình yêu thương đặc biệt và nhiều hơn những đứa trẻ khác. Xuống giọng ông nói tiếp.
- Nãy tao đã nghe thấy cô nói gì rồi, nhưng....
Trong ngôi nhà vách lá tranh đơn sơ, người ta lại thoáng bắt gặp nét ngập ngừng trên khuôn mặt đã có vài nếp nhăn của một người đàn ông vốn trong tâm trí chẳng bao giờ thanh thản. Ông xua xua cái tay:
- mà thôi mày lo mà soạn sách vở mai mà đi học.
Ông lại lơ đi cái chuyện đó như thế. Nhưng sau lần đó, con bé cũng thoải mái vì đã một lần dám nói, nó cũng mong cho ba nó tìm được hạnh phúc lắm chứ, còn việc ông Bảy có chấp nhận hay không thì chẳng một ai đoán được.
- o O o - - o O o - - o O o - - o O o -
Sáng hôm sau, người ta lại xì xào to nhỏ chuyện gia đình ông tối qua. Chắc có lẽ, ai có quý có mến ông là chuyện bình thường, nhưng cái quan tâm đặc biệt như người đàn bà ấy thì chắc không ai có nên người ta lại để ý. Dì Tư có lẽ như là một người chị thân nhất với ông Bảy. Thấy tình cảm của người ta như vậy, ông Bảy lại ốm đau thường xuyên, dì chẳng đành lòng mà im lặng:
- Giờ mẹ nó đi như vậy chắc không về rồi. Cái Du nó còn nhỏ, nó cũng cần được chăm sóc chứ chú, thêm người thêm vui. Cô Hiền cô ấy tốt tính lại yêu thương cha con nhà chú, chứ sao chú chẳng dám tiến tới?"
Nhếch môi cười chua chát, ông Bảy nói như không thương lấy mình:
- Cô ấy tốt như vậy nào đâu thể hi sinh vì tôi được. Cứ hai cha con tôi nương tựa vào nhau là đủ rồi dì ạ!!
- o O o - - o O o - - o O o - **
Vậy là lại qua đi cái lần người ta cố gắng vun vén để xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc cho họ - qua đi một cách tẻ nhạt vì không có được một cái gật đầu từ ông. Đây chẳng phải lần đầu, chỉ là lần này những thứ người ta nên nói cũng đã nói ra cả.
Bầu trời ngoài kia vẫn xanh một màu xanh hi vọng, nó giống như niềm hi vọng của người đàn bà tên Hiền vậy. Mấy năm qua vẫn vậy, dù cho không được đáp trả nhưng cô hàng xóm "đặc biệt" ấy vẫn quý trọng và dành tình cảm cho hai cha con nó.
Đâu ai biết được cũng có thể niềm vui với cô Hiền chỉ là được quan tâm tới người mình yêu mến, dù cho thứ tình cảm ấy không được đón nhận. Còn ông Bảy cũng đâu ai đoán được lý do khước từ ấy là gì, cho đến mãi sau này, ai nấy đều không ngừng băn khoăn vì sao ông Bảy chẳng đi bước nữa, người ta không chấp nhận hay không dám chấp nhận, có lẽ người đàn ông ấy chẳng muốn mình lại làm khổ thêm cuộc đời của một người nữa là cô. Con người ta đôi khi chẳng dám cho phép mình cái quyền được mưu cầu hạnh phúc!!!
Vụ mùa tháng năm cũng sắp đến, rồi người ta sẽ lại thấy hình ảnh người đàn bà thầm lặng chẳng nhờ mà đến thoăn thoắt bàn tay cắt những đùm lúa trên thửa ruộng của hai cha con nhà Du.
Kết Thúc (END) |
|
|