Lần giở từng tờ lịch, lốc lịch chỉ còn có mấy tờ dính vào nhau, ông Thanh đăm chiêu lẩm bẩm: "Năm hết Tết đến tới nơi", rồi lại thở dài ra chiều suy tư lắm.
- o O o -
Một lớp sương mù trắng mỏng tang như cố nán lại bao phủ lên vạn vật càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, cái lạnh se se của những ngày tháng Chạp. Tia nắng đầu ngày yếu ớt chưa đủ sức "thoát xác" những hạt sương li ti bám vào cánh lá sen khô và xua cái lạnh ào về đêm qua. Ông Thanh với cái áo trấn thủ cũ kỹ khoác lên người, bước ra ngoài.
Cây mai già góc sân, lá cằn vàng sậm nhưng hình như chúng vẫn chưa có ý định muốn lìa cành. Và nách lá, nơi khởi nguồn cho việc bàn giao giữa già nua và tươi trẻ bắt đầu nhú những mầm lộc, những nụ hoa bé tý bằng đầu tăm màu nâu tía trông mới vui mắt làm sao. Xòe bàn tay bấm đốt thêm lần nữa cho chắc, ông Thanh bắt đầu lặt lá mai. Vừa làm ông vừa nhớ tới đứa em gái. Ngày bé tý hai anh em chuyên lặt lá mai dịp Tết. Chuyên lau lá dong lá chuối cho má gói bánh, chuyên canh nồi bánh tét và chuyên giành nhau cái bánh vét... Ông ứa nước mắt nhớ em. Nhớ đến bần thần. Thực lòng ông Thanh muốn đi gặp em gái lắm, nhưng sợ lại "hư bột hư đường" như dịp Tết trước. Năm ngoái, cũng cữ này, ông ông thuê xe ôm chở đến nhà em gái. Trên đường đi, thấy cậu xe ôm phong phanh chiếc áo công nhân mà nắng chưa lên, trông cậu ấy có vẻ lạnh, ông ngồi sau núp lưng cậu ta mà cóng hết cả tay liền hối: "Tấp vô lề đường". Cậu xe ôm còn đang ngơ ngác, ông cởi áo trấn thủ bắt cậu mặc vào người rồi mới được đi tiếp. Thấy khó chịu với cái nhìn ghẻ lạnh của người mà ông khách mở hàng buổi sáng gọi là "em gái tui đó", cậu xe ôm lặng lẽ ra ngõ châm thuốc hút. Chưa kịp nói rõ ý định muốn đón em về ăn Tết cùng gia đình cho vui thì anh em ông lại cãi nhau. Vẫn cái giọng: "Tết nhất bây giờ đơn giản, tiết kiệm..." như những lần trước, lần này ông Thanh còn thấy em gái có thái độ khác lắm. Thật chẳng hiểu trong đầu trong bụng đứa em ông nghĩ gì. Ông tức giận bỏ về. Năm nay... ông tính nhờ Hiền, con gái út của mình. Ờ...được đó, con bé này tính tình vui vẻ, dễ gần, cô cháu nhà nó rất quý nhau. Ông liền gọi Hiền: "Con vô chỗ cô Năm chơi, nói khéo dùm ba má muốn mời cô về nhà ăn Tết nha. Ba giao nhiệm vụ cho con đó, không hoàn thành nhiệm vụ thì không được về đâu nghen". Hiền le lưỡi: "Ba ác quá hà, cô Năm mà không chịu về chắc con ở trỏng luôn quá...".
Hiền thấy háo hức với nhiệm vụ này vì trong đầu đã phác thảo nhanh một kế hoạch "du lịch". Móc điện thoại a lô mấy đứa bạn thân, rủ, "đi dã ngoại đồng quê". Đứa nào cũng thích mặc dù chưa hình dung được ở cái chỗ gọi là "đồng quê" ấy ra sao. Hiền chuẩn bị ít đồ biếu cô Năm, sạc pin điện thoại, sạc pin máy chụp hình cho đầy rồi ngủ sớm.
Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa thức, hừng đông mới ửng hồng, cả bọn đã tập trung đông đủ ở nhà Hiền. Gió lạnh phả vào mặt ràn rạt mà đứa nào cũng tươi. Mấy chiếc xe máy, chở sáu đứa nối đuôi nhau hướng về Suối Rạt. "Tốc độ này đi chừng bốn mươi phút là tới", Hiền ngoái đầu nói với cô bạn ngồi sau xe mình. Ra khỏi thành phố Đồng Xoài chừng ba cây số, quang cảnh hai bên đường ngút ngàn cao su. Lô tiếp nối lô. Hàng tiếp nối hàng, thẳng tăm tắp như một đội quân đang duyệt binh. Rẽ phải một đỗi thì quang cảnh đã khác biệt. Hai bên đường bây giờ toàn điều là điều, một màu xanh mát dịu, khác hẳn màu xanh đậm chen sắc úa vàng của cao su cuối vụ. Lá điều xanh nòn nõn, bông trắng, bông tím đơm dày ken. Vài cây đã có trái chín bói, chùm điều nặng trĩu, căng mọng đong đưa trong nắng sớm, hương điều bảng lảng trong sương sớm thật gần gũi, bình yên mà chân chất hiền hòa. Đứa nào cũng trầm trồ: "Mùa điều năm nay chắc trúng đậm".
Còn chừng non nửa cây số nữa là đến nhà cô Năm. Dưới tán điều là một thảm hoa, ôi chao đẹp. Đẹp đến hút hồn. Cả bọn dừng xe. Hiền, Nga, Hương cùng đồng thanh: "Hoa ngũ sắc". Ờ, đúng rồi, hoa ngũ sắc, cây cỏ dại, bình dị, chẳng có gì đặc biệt. Hoa ngũ sắc đứng một mình thì không thể gọi là đẹp được, nhưng cả một đồng cỏ ngút mắt, cùng một màu xanh của lá non tơ, một màu trắng phơn phớt tím của bông... Thì thật không thể tin nổi tại sao lại đẹp đến vậy. Chạy vội vào nhà cô Năm, chào hỏi qua loa mấy câu, cả bọn chạy ra thảm cỏ chụp ảnh.
Cô Năm thấy đám trẻ rộn ràng cũng đi theo, cô bảo: "Có khoảng mươi nhà khu này nuôi cây cỏ này để chống xói mòn, diệt sạch các loại cỏ khác nên dưới tán điều chỉ còn đồng nhất một thứ cỏ như mấy đứa thấy đó. Cây này còn dùng để gội đầu, tóc thơm và mượt, không gàu nha". Phong tiếp lời: "Con nghe nói cây này còn chữa được bệnh viêm xoang, viêm mũi nữa, đúng không cô?" "Ờ, đúng đó con, người ta vào vườn xin từng bao từng bao hoài à...".
Hiền lôi cô Năm cùng vào chụp ảnh, Thành và Linh trèo lên mấy cành điều thấp ngồi vắt vẻo. Hết lấy tán điều, hoa điều, quả điều làm hình nền đến nâng niu từng chùm hoa ngũ sắc. Nga và Hương còn nằm xoài xuống đám cỏ, cười nói rộn cả khoảnh đồi... Phải nói chưa bao giờ đi chụp ảnh vui và thích như vậy.
Chiều, cô Năm bận đi họp xóm, chuẩn bị cắt cử người lo chống cháy dịp Tết và liên hoan cuối năm thì phải. Cả bọn tha thẩn ra vườn hái điều ăn, đứa nào cũng tò mò sao cô Năm đẹp vậy mà không thấy chồng con đâu. Ngôi nhà này của vợ chồng anh Sáng, anh Sáng kêu cô Năm bằng dì ruột, kêu ba Hiền là cậu ba. Hiền bảo, cô Năm mới về ở với anh Sáng ba năm nay thôi. Chuyện nhà cô Năm thế nào cô không rành lắm. Vợ anh Sáng tay cắp rổ khế có chén muối ớt bước tới bảo: "Chuyện dì Năm nhà tui li kỳ lắm, mấy đứa có muốn nghe không?".
Chị Phương vợ anh Sáng chưa kịp kể chuyện về cô Năm thì má Phong điện gọi về gấp. Ba Phong bị lên cơn hen khó thở, nhập viện rồi. Các bạn về hết, Hiền chưa hoàn thành nhiệm vụ nên còn phải nán lại. Hiền nhờ anh chị nói giúp để cô Năm về nhà chơi ba ngày Tết, để cho anh em họ có dịp làm lành. Anh Sáng bảo tại dì không nghe lời cậu ba nên cậu ba giận. Cậu ba nóng tính ai cũng biết còn dì Năm thì ngang như cua. Nhưng dì Năm tốt lắm, trên đời này anh mới thấy một người duy nhất đó là dì Năm của anh, là cô Năm yêu quý của Hiền.
- o O o -
Năm 16 tuổi dì Năm xin ngoại cho theo cậu ba, là ba em đó vào kháng chiến. Ba em lúc đó đã làm cấp gì to to rồi, đi họp hành suốt. Dì Năm phụ mấy chú, mấy cô, mấy anh mấy chị ở cứ. Vừa học chữ, vừa làm cấp dưỡng, dì Năm làm tùm lum việc không tên. Khi thì liên lạc, khi thì phụ chăm sóc thương binh... Thủ trưởng của dì Năm là ông Thưởng, bạn thân với cậu ba. Dì Năm rất quý mến và kính trọng ông này. Ông Thưởng đã có vợ và con ở ngoài thị trấn. Sau một lần ông Thưởng được chị gái nhắn về gấp để giải quyết chuyện gia đình, thấy ổng buồn hiu, cứ thở dài thườn thượt, đêm nào cũng ngồi đốt thuốc. Dì Năm xúi anh trai dò hỏi mới biết vợ ổng treo cổ tự tử vì bị tên đồn trưởng ngoài Thị trấn làm nhục do cái tội có chồng lên rừng chống lại "Quốc gia". Vợ ông Thưởng chết, để lại ba đứa con, đưa lớn mới năm tuổi, đứa nhỏ còn chưa đầy tháng. Dì Năm thương ổng quá, ở trong cứ mà bụng dạ hướng về các con. Chị gái ông Thưởng bị chồng cằn nhằn vì ôm một lúc ba "cục nợ", biểu kêu ổng về lo cho con ổng đi, bầy con mình lo chưa xong, ốc còn chưa mang nổi mình ốc còn bày đặt... Nhìn ông Thưởng gầy tọp đi vì thương con mà không biết xoay xở thế nào, dì Năm mới đặt vấn đề muốn chung tay cùng ông lo cho sáp nhỏ. Ổng cứ lần khân mãi, phần thương dì Năm là gái tơ, phần sợ cái cảnh mẹ kế con chồng. Chuyện đến tai cậu ba, cậu ba mắng dì Năm: "Bộ điên hay sao mà lao đầu vào đám ấy. Chưa biết làm vợ đã làm mẹ một bầy con hả?". Ông Thưởng cũng không dám bước tới, có ý lãng tránh dì Năm. Lại có tin chị gái ông Thưởng đi bán bánh ú dạo bị xe Jep Mỹ đụng chết. Hết chỗ bấu víu, ông Thưởng đành đưa ba con vào cứ. Ngày ngày dì Năm chăm sóc tụi nhỏ, thương tụi nó đứt ruột mà không biết làm sao. Thấy dì Năm thật lòng ai cũng khuyên ổng nên bước tới, rồi đưa vợ con ra ngoài cho tụi nhỏ đi học. Sau hai năm, hai người lên duyên chồng vợ, cậu ba cũng không phản đối nữa vì biết ông Thưởng tốt bụng, thật thà và thương dì Năm thực bụng.
Trước khi ra Bắc đi học ông Thưởng có tìm gặp cậu ba để gửi gắm dì Năm nhưng hôm đó cậu ba sốt rét run cầm cập, anh em không tâm sự được gì, dượng Năm chỉ kịp cởi cái áo trấn thủ mới tinh đắp cho ông anh vợ rồi đi. Cái áo ấy đến giờ cậu ba vẫn mặc. Còn dì Năm ở lại chăm lo cho tụi nhỏ học hành.
Hòa bình lập lại, cậu ba về thăm em gái, vẫn thấy có ba đứa nhỏ. Hỏi: "Bây không sanh thêm đứa nào à?" Dì Năm thực thà: "Nuôi ba đứa đủ mệt rồi, mà đâu phải nói sanh là sanh ngay cho được...". Mãi sau này mới biết, dì Năm đã xin thuốc của đồng bào dân tộc triệt sản trước rồi. Dượng năm biết chuyện nên mới hoảng hồn lo cưới dì Năm liền, ổng không ngờ dì Năm hy sinh, muốn ông yên tâm sẽ không có cảnh "con anh, con em". Dì Năm một lòng thương ổng. Gia đình dì Năm sống hòa thuận đầm ấm hạnh phúc lắm. Dượng Năm cưng chiều dì Năm hết chỗ chê luôn. Vào mùa cỏ ngũ sắc trổ bông, dượng Năm ngày nào cũng tranh thủ lúc hết công việc cơ quan quơ hàng giỏ thứ cỏ dại có vị thơm thơm hăng hắc và sắc hoa tim tím trăng trắng đem về cho vợ nấu nước tắm, gội đầu. Chỉ cần thêm nắm sả, với dăm lá bưởi lá chanh nấu với hoa ngũ sắc là bất cứ loại mỹ phẩm hàng hiệu nào cũng phải chào thua...
Vậy mà sau khi dượng Năm mất, mấy đứa con mà dì luôn yêu quý và chăm sóc đã quậy tưng. Dì rầy thì nó bảo: "Bà không phải là mẹ của tôi". Cả ba đứa xúm lại đòi dì bán đất chia cho tụi nó. Dì Năm buồn, buồn quá bỏ lên chùa ở một thời gian, mấy anh chị em kiếm miết mà không biết dì đi đâu. Khi biết dì vô chùa Bửu Thái ở, mọi người mới đi đón dì về. Dì về ở với vợ chồng anh từ dạo đó.
Ba em cứ chửi dì điên, nếu có một đứa con do mình đẻ ra thì giờ đâu đến nỗi. Chuyện đã vậy rồi, anh chị thương dì lắm. Để ít bữa anh chở dì ra nhà em chơi, dì thương cậu ba lắm, hay kể chuyện ngày xưa mấy anh em đi tát đìa bắt cá, hay lặt lá mai chuẩn bị Tết. "Thôi chết, nay Mười Bảy tháng Chạp rồi, ra phụ anh lặt lá mai cái coi".
Anh em tôi đang lụi hụi lặt lá mai thì cô Năm về. Thấy anh em tôi vui vẻ, cô cũng nhào vô lặt chung. Anh Sáng mới nhắc tới "cậu ba" đã thấy cô Năm rưng rưng, cô ngồi bệt xuống nền đất: "Thì tại ba con Hiền không nói thương cậu xe ôm phong phanh chạy xe lạnh mà cởi cho mượn áo trấn thủ chứ bộ. Cái áo ấy là kỷ vật mà, cô tưởng anh ba cho cậu xe ôm cái áo đó...". Rồi cô Năm quay sang anh Sáng: "Tết này dì ra nhà con Hiền ăn Tết nha Sáng!" Anh em tôi nháy mắt nhìn nhau. Vui như mở cờ trong bụng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà không phải tốn chút công sức nào...
Một bóng người lùa đàn bò đi ngang qua vườn điều, mùi hăng hắc của hoa ngũ sắc lan lan. Mùi chân chất, bình dị như tình người nơi đây bao đời vẫn vậy.
Kết Thúc (END) |
|
|