Tôi bất lực, nhưng tôi biết cô ấy còn đau khổ hơn tôi. Vậy nên chỉ đành có thể ghì chặt lấy cô ấy, khóc thay cho cô ấy.
- o O o -
1.
Tôi và Phùng Anh đến đó từ rất sớm.
Tay tôi ôm một cái thùng phuy trống rỗng chuẩn bị được nhét đầy, đứng tần ngần ở cửa mãi chẳng chịu vào. Phùng Anh chống hông đứng bên cạnh, mắt đảo một vòng gian phòng khách bé tẹo chứa độc một chiếc ghế sô pha dài màu xám tro, bàn trà, kệ sách. Trên cái bàn trà đó còn bừa bộn đủ thứ sách báo như thể chúng chỉ mới được bày ra hôm qua chứ không phải là từ một năm trước.
Phùng Anh vỗ nhẹ vai tôi một cái, ý như động viên. Anh bước vào trong trước, mở cửa sổ bên hông để ánh sáng bên ngoài lọt vào. Hạt bụi nhỏ li ti ánh màu ngũ sắc nhảy một loạt những vũ điệu mông lung huyền ảo trong ánh nắng ấm áp tràn đến. Nắng rải đều màu vàng giòn rụm của nó lên những đồ vật ít ỏi trong phòng khách, hắt dài cái bóng của chúng, trộn đều vào nhau tạo những mảng sáng tối không rõ trên nền, trên tường. In hằn cả cái bóng lưng cao lớn của Phùng Anh lên.
Hít sâu vào một hơi, tôi chậm chạp bước vào trong.
2.
Tôi sẽ dọn phòng ngủ của cô ấy trong khi Phùng Anh bọc nilon những thứ mà chúng tôi không mang đi được.
Tuy đã ở yên nơi này được hai năm, nhưng đồ đạc của Phong Linh cũng không nhiều lắm.
Mấy bộ quần áo, hai đôi giày, một đôi dép bông đi trong nhà, sách, một chiếc ti vi cùng đầu thu nhỏ đặt trong phòng ăn. Phong Linh luôn thích xem ti vi trong mỗi bữa ăn. Mặc cho điều ấy là một thói quen xấu, Phong Linh cũng không có ý định sẽ từ bỏ. Mỗi lần tôi nói đến, cô ấy đều nhăn mũi rồi cho qua luôn.
Tôi xếp gọn mấy bộ đồ của Phong Linh vào túi hành lí cùng với hai đôi giày và đôi dép bông của cô ấy. Ngắm nhìn một loạt những bức tranh vẽ màu nước ghim trên tường một hồi sau tôi mới gỡ xuống từng tấm một, kẹp vào trong tập phác thảo đang mở tung cùng bức vẽ dang dở không còn được hoàn thiện của cô ấy. Tần ngần trước kệ sách chất kín, tôi lấy xuống từng quyển một, nhìn những nếp gấp đánh dấu trong mỗi trang sách, gáy cũng đã sờn rách, trong lòng khá khó chịu.
Cũng không hiểu tại sao.
Trong nhà cô ấy, thứ xuất hiện nhiều nhất là những mảnh giấy nhắn được dán cẩn thận ghi tên của từng món đồ vật. Tủ quần áo, sách, dép, ti vi, giường, gối....nét chữ nắn nót tròn tròn ngày xưa trông thật thích mắt nhưng bây giờ nhìn lại thì cảm thấy thật đáng ghét.
Đáng ghét là ở chỗ, nó lại ghi tên những món đồ mà một đứa con nít cấp một cũng có thể biết.
3.
Ôm theo một cái hộp sắt hình chữ nhật khá lớn, tôi mò ra khoảng sân nhỏ trong nhà.
Rộng chưa đầy năm mét vuông, lúc trước Phong Linh vẫn hay thường dành thời gian ra tỉa tót chỗ này. Dạo đây không còn nữa nên những cây dại được nước lấn tới, mọc đè cả mấy bụi hoa màu tím mà mất công lắm Phong Linh mới khiến chúng sống được ở đây. Dây leo uốn thân quanh cây sào dựng tạm bợ để căng tấm bạt trải che nắng một góc xanh um tươi tốt. Cái ghế mây dựng chỏng chơ bên cạnh phủ lớp bụi dày, minh chứng cho việc đã lâu lắm rồi chẳng còn ai đến và ngồi lên nó.
Dùng khăn phủi bớt bụi đi, tưởng tượng như thể Phong Linh vẫn đang ở đây, ngày ngày đều dành ra một khoảng thời gian ngồi trên chiếc ghế mây này, nhìn bụi hoa khó tính khó nết. Một chốc lại ngẩn ngơ nhìn đến từng lá thư mình tự tay viết đều bị bưu điện trả về.
Những lá thư ấy không có địa chỉ người nhận.
Chúng tôi rời khỏi đó vào hai giờ chiều sau khi mọi chuyện hoàn tất.
Về đến nhà, tôi mới có đủ dũng khí để mở hộp sắt nọ ra. Dán tem lên từng lá thư một, cẩn thận ghi tên cùng địa chỉ người nhận vào, dán tem, mang đến bưu điện, chuyển phát nhanh tất cả. Mặc dù không đọc, nhưng tôi thừa biết trong những lá thư ấy ghi cái gì và chúng vốn dĩ phải được chuyển đến cho ai.
4.
Đáng lẽ tôi không nên đọc quyển nhật kí ở dưới gối của Phong Linh.
Thả mình xuống chiếc ghế bành màu be bên cạnh ô cửa sổ buông rèm trắng. Tay vuốt lấy gáy cuốn nhật kí cũ đã sờn góc, miên man đuổi theo những dòng suy nghĩ mông lung bất chợt hiện ra rồi cũng nhanh chóng biến mất. Ngả hẳn người ra sau, khép lại đôi mắt có phần mỏi mệt, cố loại ra khỏi não bộ tiếng gót giầy nện cồm cộp xuống liền mạch không dứt, tiếng thông báo trên loa, tiếng người nói chuyện rì rầm ngoài hành lang, ngoài sân vườn, mùi thuốc sát trùng gây mũi liên tục tấn công tra tấn buồng phổi...tất cả như một bàn tay vô hình cào vào trong lòng, ngứa ngáy đến khó chịu.
"Ngày...tháng...năm...
Trong nhà tôi, sơn cũng đã bong tróc, tôi muốn sơn lại màu khác, sáng hơn, tươi hơn, tràn hy vọng hơn. Tôi đã nghĩ ngay đến một thứ màu sắc tuyệt vời. Nhưng lại không thể nhớ tên của thứ màu sắc ấy. Thứ màu ấy là màu của bầu trời. Màu gì nhỉ?
Như một thói quen, ngày hôm nay tôi cũng viết thư cho người ấy. Kể lể đủ thứ chuyện nhưng lại chẳng biết kết thúc thế nào. Cuối cùng chỉ có thể đặt một dấu chấm cực vô duyên. Xếp lại, nhét vào phong thư, ghi tên cùng địa chỉ của mình lên nhưng lại không dám ghi tên người nhận.
Liệu ghi rồi, gửi rồi, chuyển đi rồi, người ấy có chịu đọc không?"
"Ngày....tháng....năm...
Cái mà người ta dùng để nói chuyện với nhau ở một khoảng cách cực kì xa mà có bàn phím cùng đủ loại chức năng và màn hình nhỏ xíu gọi là gì nhỉ?
Tôi không dám hỏi Thương, vì tôi sợ cậu ấy biết căn bệnh mà mình đang mắc phải. Cậu ấy mà biết thì Phùng Anh cũng biết, hai người này chẳng giấu nhau điều gì. Phùng Anh biết, thì anh cũng biết. Họ chẳng giấu nhau điều gì. Và hiển nhiên tôi sẽ bị người ta nhìn vào thương hại.
Ừm, tôi không muốn như vậy.
Có thể anh sẽ về với tôi nếu biết, nhưng tôi không muốn dựa vào nó để kéo anh lại.
Tôi lại viết thư, nhưng không biết mình viết rồi để làm gì? Viết, lại không gửi. Vậy là tôi mang đốt sạch.
Lúc củi no lửa nổ bép một tiếng, tôi giật mình nhìn lại, cuối cùng không nỡ.
Bỗng dưng cảm thấy, tôi chẳng cần ai thương hại mình, cũng không thích, nhưng ít nhất là người ấy....
Thôi quên đi."
"Ngày....tháng....năm....
Tôi quên đường về nhà mình.
Thật kinh khủng. Xuống xe buýt, rồi miên man đi. Không rõ mình đã đi đến những đâu. Lúc ngỡ ra thì bản thân đang ở nơi nào đó lạ hoắc, ngồi thần trên ghế chờ, cảm thấy bất lực, vô dụng, khóc lóc và đón nhận hàng loạt những ánh mắt khó hiểu ném về phía mình.
Tôi không biết đó là đâu. Thật đấy.
May mắn sao, lang thang một hồi tôi gặp Phùng Anh. Nhờ cậu ấy đưa về và hỏi gì cũng không nói.
Tôi phát hiện ra mình mua rất nhiều giấy nhắn. Mua giấy nhắn làm gì?......"
"Ngày...tháng....năm....
Tôi nhớ ra lý do tại sao lại mua nhiều giấy nhắn như thế rồi. Là để ghi tên mọi thứ đồ vật trong nhà để dù có quên nó gọi là gì, tôi vẫn có thể nhìn vào, gọi tên và sử dụng được nó. À, tôi cũng có một quyển sổ nhỏ, ghi tất cả những thứ tôi cần chú ý vào đó, kể cả địa chỉ nhà đề phòng sau này có đi lạc....
Trí nhớ của tôi lẩn thẩn mất rồi.
Chẳng lẽ lại đến nhanh đến vậy?....."
"Ngày...tháng...năm...
Một cách nào đó mà Thương đã phát hiện ra.
Cậu ấy khóc, lồng lộn lên, bắt tôi đi khám, bắt tôi chữa bệnh. Tôi cảm thấy rất buồn, đợi cậu ấy bình tĩnh hơn mới bắt đầu nói: "Bệnh này, có chữa thì cũng chỉ kéo dài đau đớn thôi. Mình không chịu nổi nếu như có một ngày mình quên sạch mà vẫn đang điều trị. Thà rằng không, ít nhất sau này các cậu hoặc mình cũng có cái để đổ lỗi."
Trong miệng nếm được mùi vị đắng nghét. Tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy.
Nhưng quả thật, mắc phải căn bệnh này thì chỉ còn một đường duy nhất."
"Ngày....tháng....năm...
Thương bắt tôi phải chuyển đến sống cùng cậu ấy, hoặc không cậu ấy sẽ dọn đến chỗ tôi. Tôi không đồng ý, nói rằng nếu không ngại thì ngày nào cậu ấy cũng có thể đến rồi về, nhưng ở lại luôn hoặc bắt tôi dọn đến chỗ của cậu ấy thì hoàn toàn không thể xảy ra.
Bởi, tôi phải ở nguyên đây, đợi người ấy về.
Lý do này tôi không nói ra khi Thương gặng hỏi, nhưng tôi dám chắc cậu ấy biết tỏng.
Làm sao được bây giờ? Thương yêu là một thứ xúc cảm thà rằng ngay từ đầu đừng để nó bám rễ vào tim, nếu không thì cả đời cũng đừng mong rũ bỏ.
Dù đã chia tay thì sao? Cái rễ cứng đầu của nó cũng không rời khỏi. Dù có cố giật đứt thì vết hằn sâu cũng đã ở đó rồi...."
"Ngày....tháng...năm....
Bác sĩ có phải là danh từ dùng để gọi người mặc áo khoác màu trắng, tay lăm lăm ống nghe?
Ông ta nói tôi còn bảy năm. Nhiều nhất là bảy năm.
Tay tôi bị Thương xiết chặt. Giữa hè mà lòng bàn tay của cô bạn lạnh toát.
Tôi hỏi liệu có thể kéo dài được hơn nữa không? Vì tôi còn phải chờ một người, cái này tôi không nói ra. Ông ta lại dứt khoát lắc đầu, dùng một thùng nước lớn dập tắt lửa hy vọng ở tôi.
Ra đến bên ngoài, Thương khóc ngất. Cậu ấy không muốn sự việc như thế này diễn ra. Ba mẹ nuôi nhìn tôi mà buồn rười rượi. Họ đã nuôi tôi mười mấy năm, tình cảm của chúng tôi đã sớm như ruột thịt. Họ muốn tôi về nhà để tiện chăm sóc. Như lần trước với Thương, tôi từ chối. Đến phút cuối vẫn điên rồ bám víu một chỗ.
Họ buồn. Tôi biết, tôi đã làm họ buồn, lỗi ở tôi cả. Tôi thật sự thấy mình như một tên tội đồ ích kỷ. Cho con xin lỗi...."
"Ngày....tháng....năm...
Đã từng có một thời, tôi muốn quên đi tất cả, ít nhất thì như vậy tôi sẽ không còn đau, không còn buồn khi mỗi khi nhớ đến người ấy. Nhưng bây giờ, lúc tôi có thể quên đi tất cả rồi, lại ích kỷ muốn giữ lại một chút kí ức ngọt ngào cho đến cuối cùng. Lại hối hận vì đã ước một điều ngu ngốc.
Thỉnh thoảng tôi cũng mơ, giấc mơ không giống nhau chút nào nhưng đều tồn tại một người. Dưới tán đào nở rộ rợp màu hồng phớt tôi gặp người ấy. Ngày xưa chưa từng bao giờ tôi tự hỏi tại sao người ấy lại để mắt đến tôi, một người chẳng chút gì nổi bật từ ngoại hình đến tài năng. Bởi tôi luôn phủi đi tất cả những suy nghĩ ấy mỗi khi nó xuất hiện. Tình yêu, luôn khó hiểu.
Chia tay là khái niệm gì đó quá đỗi bình thường. Người ta đến với nhau vì hợp nhau, vì thích nhau, vì muốn ở cạnh đối phương nhiều hơn. Người ta chia tay nhau cũng có ti tỉ lý do. Bắt đầu thì quá mức dễ dàng nhưng chấm dứt tất cả để trở thành hai người dưng xa lạ thì lại quá khó khăn. Vì muốn hay không, đối phương cũng đã vô tình để lại những bước chân, những dấu ấn mờ nhạt hoặc đậm nét trong cuộc đời mình.
Đó chỉ là những người nặng tình. Còn...
Đùa chứ, kiểu chia tay đẫm nước mắt, đầy níu kéo chỉ có trong mấy bộ phim tình cảm sướt mướt chiếu nhan nhản trên ti vi mỗi tối hay trong mấy quyển tiểu thuyết ướt át sến súa một thời thôi. Ở thực tại, con người ta vô tình lắm. Chia tay là chia tay. Không nài nỉ, chẳng khóc lóc cũng không muốn một cơ hội làm lại.
Người tôi yêu là một người vô tình. Ai cũng nói, người đa tình thường chuốc khổ. Vậy, tôi khổ cũng đáng...."
"Ngày....tháng...năm...
Đột nhiên tôi muốn quay về ngôi đền linh thiêng mà năm đó tôi cùng người ấy đã đi. Vậy là Thương cùng Phùng Anh đưa tôi đi.
Cảnh như cũ nhưng người thì không. Tôi muốn về nhà, nhưng trời đổ mưa to quá, chúng tôi phải trú lại.
Ngồi bệt xuống thềm, hai tay vòng ôm lấy mình, tôi nghe Thương ngồi ngay bên cạnh hỏi: "Đang nghĩ gì vậy?". Lại miên man nghĩ đến trước đây hình như cũng lâu rồi, có người nào đó đã hỏi tôi: "Em đã ước gì thế?"
Có lẽ tôi đã đáp: "Cũng không có gì, mỗi sáng có người gọi dậy, tối đến thì chúc ngủ ngon, vậy đủ lắm rồi." câu trả lời này có chăng chưa mất đến một giây suy nghĩ.
Bây giờ, khung cảnh cũng như thế, nhưng người hỏi lại không phải là một, câu hỏi cũng khác.
Tôi nghĩ đến rất nhiều thứ, chén cháo mỗi lúc bị ốm, câu hỏi "ăn cơm chưa?" đầy ân cần quan tâm, một câu "anh nhớ em", một vòng ôm từ sau thật chặt, mùi hương bạc hà thảng có thảng không vấn vương bên cánh mũi, một bờ môi mềm, một đôi bàn tay xương xương...nhiều là thế, nhưng tôi chỉ lẳng lặng trút ra một tiếng thở dài: "Không có gì."
Đôi khi ta chợt nhận ta, khoảng cách là vô tận và có lẽ những cái nắm tay, những nụ hôn phớt môi, những cái ôm hời hợt, những ấm áp thoáng qua, những yêu thương nồng đượm cũng chẳng đủ để khoảng cách bớt xa.
Đôi khi ta chợt nhận ra, thời gian trong mỗi con người, trong cái khoảng không vô hạn, trong mỗi cuộc đời trôi đi quá nhanh qua kẽ tay, chẳng hề đọng lại đủ cho ta tiếc nuối vẩn vơ, cho ta chụp lấy một tấm hình lồng vào khung ảnh hoen màu. Chẳng hề dừng chân trong cõi tấp nập phồn hoa để cho ta nhận thấy yêu thương xung quanh, để ta cảm thấy còn nhau, để ta cảm thấy cần nhau, để ta cảm thấy yêu nhau.
Ta bỏ qua đi, lướt qua nhau chóng vánh đến ngỡ ngàng, ngây ngốc nhìn lại thì chẳng còn ai ở đó với ta. Ta quên nhau như thế, rất ơ hờ...."
"Ngày....tháng....năm....
Tôi thay thế những cái tên của từng người tôi quen biết bằng biệt danh. Những biệt danh mà đến lúc chính tôi cũng quên mặc dù họ nhớ rất rõ ràng.
Tôi cũng không còn ở nhà nữa, tôi chuyển đến bệnh viện....
Tôi..."
"Ngày....tháng....năm....
Thật ra, chôn dưới lòng đất hay hỏa táng cũng không phải vấn đề gì quá lớn. Tôi cũng chẳng có yêu cầu hay di nguyện gì, dù chọn cái nào không phải cuối cùng vẫn chỉ có một mình tôi? Vậy chúng chẳng khác gì nhau.
Tôi đang gặp khó khăn trong việc viết và nói rồi. Sợ rằng đây là trang nhật kí cuối cùng mà tôi viết. Cầm bút bây giờ cũng là một việc quá sức khó khăn với tôi. Nhưng tôi vẫn cố, viết một lá thư và vài dòng nhật kí có thể sẽ không được ai đọc......
Tự dưng cảm thấy sợ......"
5.
Dạo gần đây Phong Linh không nói chuyện nữa.
Dù chỉ là những câu chữ rời rạc không rõ ràng, đôi khi còn tối giản đến mức không có chút nghĩa lí gì cũng không có nữa.
Cả ngày cô ấy chỉ ngồi bên mép giường, khó khăn vươn đôi bàn tay dài ra chạm đến vạt nắng sớm len vào, cười ngu ngơ, rồi lại im lặng. Ngôn ngữ, lời nói cuối cùng cũng rời bỏ cô ấy mà đi.
Mỗi ngày thấy cô ấy nghiêng đầu nhìn tôi, đôi mắt trong veo nhưng nhận thức chẳng còn được bao nhiêu, kể cả kí ức của cô ấy giờ cũng đang bị cục tẩy đáng ghét tẩy trắng đến chẳng còn gì.
Tôi bất lực, nhưng tôi biết cô ấy còn đau khổ hơn tôi. Vậy nên chỉ đành có thể ghì chặt lấy cô ấy, khóc thay cho cô ấy. Phong Linh vỗ vai tôi nhè nhẹ.
6.
Tôi gặp con người ấy vào buổi sáng Chủ nhật trời ngập gió.
Tiễn người khách thứ mười trong tháng ra khỏi căn nhà cũ của Phong Linh, bất thình lình con người ấy xuất hiện. Như lần đầu tiên Phong Linh gặp hắn mà cô bạn đã từng nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần cho tôi nghe.
"Tên anh ấy là Khải..."
Đầu tóc rối xù, đôi mắt đỏ ngầu, một bộ dáng mệt mỏi. Tôi đọc thấy trong ánh mắt của Khải có một chút vội vã, chút kinh hoàng, chút sợ sệt. Tôi cảm thấy rất hả hê. Cực kì hả hê. Con người này, đáng bị như vậy.
"Còn quay về đây làm gì?" tôi sẵng giọng.
"Tôi muốn gặp Linh!"
7.
Khải lại đi vào một ngày tháng Tám mưa phùn.
Cũng phải, bây giờ ở đây chẳng còn gì cho anh ta níu kéo hay tìm kiếm hay nhớ về hay đại loại vậy. Cũng chẳng còn người nào thứ hai ngu ngốc như Phong Linh đợi anh ta đến mòn mỏi.
Ngày cuối cùng trước khi Khải rời đi, cậu ta ở lại căn nhà nhỏ của Phong Linh. Đem toàn bộ những lá thư tôi thay Phong Linh gửi cho cậu ấy. Ngày viết những bức thư ấy không theo quy luật nào. Có khi hôm trước ghi, hôm sau lại tiếp tục ghi, có khi cách cả tuần, cả tháng, rồi cả năm. Khải lôi chúng ra, ngồi vào chiếc ghế mây mà trước đó Phong Linh từng ngồi thừ cả ngày, đọc lại tất cả chúng, rồi trước sự ngạc nhiên của tôi và Phùng Anh, cậu ta đem toàn bộ đốt sạch. Đọc xong một lá, lại đốt một lá. Đến cuối cùng, cậu ta lại có chút chần chừ.
Khải đọc đi đọc lại, hít sâu một hơi rồi lại thả nó vào trong đốm lửa sắp tàn. Lửa bùng lên liếm gọn lấy mảnh giấy trắng có in hằn nét chữ nắn nót bằng mực xanh rồi lụi tàn đi mất. Lửa tắt một lúc lâu mà cậu ta vẫn cứ ngồi thừ ở đó.
Rồi sực tỉnh, Khải bới tung đống tro tàn làm tàn tro bay lên lơ thơ trong tầng không, chúng tôi chẳng ai rõ cậu ta muốn tìm cái gì trong đống tro ấy. Cậu ta đã đốt, và cũng chẳng có cái tài thánh đến mức biến ra được lại một lá thư nguyên vẹn như chưa từng bị lửa hủy đi.
"Cậu có yêu cô ấy không?" Phùng Anh hỏi.
Khải im lặng không nói, chỉ quay đầu phóng tầm mắt ra xa. Tìm gì? Phong Linh không ở đây nữa. Những tháng ngày cuối cùng của cô ấy không phài là cho anh ta?
Phong Linh từng bảo với tôi, cô ấy sẽ chờ Khải đến hết năm cô ấy ba mươi. Nếu đến lúc ấy, Khải vẫn chưa về, cô ấy có thể bắt đầu cuộc đời của mình. Nhưng rõ ràng, cuộc đời của riêng cô ấy chưa từng được bắt đầu.
Khi Khải quay lưng bỏ vào phòng chờ, mơ hồ tôi nhớ đến Phong Linh, vào một ngày cuối tháng ba khi bông hoa đào cuối cùng tàn lụi, đôi mắt đong đầy hạnh phúc nói với tôi:
"Tên anh ấy là Khải. Anh ấy là bạn trai mình!"
Kết Thúc (END) |
|
|