Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Người Đàn Bà Mà Tôi Ruồng Bỏ Tác Giả: Shūsaku Endō    
NHỮNG VẾT TRÒN TRÊN CỔ TAY (3)

    Mi-xu bước lên tàu vào lúc giữa trưa, khi màn sương mù bao bọc lên những nóc nhà bắt đầu tan dần.
    Trên chiếc vé mà cô đang cầm trong tay phải một cách lo lắng có đề ga đến là Ô-đem-ba, nhưng Mi-xu có cảm giác như đề “ Tận cùng thế giới” thì đúng hơn. Đấy là nơi sinh sống của chỉ một nhúm người bị tách khỏi xã hội và gắn bó với nhau cùng một nỗi bất hạnh chung… căn bệnh kinh hoàng hủy hoại cơ thể họ, để lại trên da những vết loang như nến bị nung chảy. Mà họ thì dù sao vẫn là những con người, như bất cứ ở một nơi nào khác. Ở Ô-đem-ba họ đau khổ và hy vọng vào một cái gì đấy, nghĩa là họ sống.
    - Chú ý, tàu đi Ô-đem-ba năm phút nữa sẽ chuyển bánh, - có giọng một người nào đấy buồn bã nói vào loa.
    Những giọt nước đen lác đác nhỏ từ mái che đường đợi tàu.
    - Chỉ còn hai phút nữa tàu đi Ô-đem-ba sẽ chuyển bánh, - vẫn cái giọng buồn bã lúc nãy.
    Trong toa chật chội và ngột ngạt; mùi thuốc tẩy uế bay ra từ buồng vệ sinh lẫn với mùi quần áo ẩm, mùi thuốc lá và mùi mồ hôi người… Vất vả lắm Mi-xu mới tìm được một chỗ trống và ngồi xuống, đặt chiếc ô trên đùi và chiếc va-li cũ sờn góc cạnh chân.
    Ngồi đối diện với cô là một người đàn ông và một người đàn bà trẻ, có lẽ là vợ chồng, trông bề ngoài có dáng những người công chức. Lúc này họ đang ăn cơm. Người đàn bà bỏ đũa, chăm chú nhìn, lúc đầu nhìn chiếc ô, chiếc va-li cũ rồi mới nhìn chính bản thân Mi-xu. Dưới cái nhìn ấy, Mi-xu buông vai, tay giữ chặt chiếc ô.
    Có tiếng chuông reo, và đoàn tàu chuyển bánh. Những mảng khói xám bay vật vờ trước cửa sổ các toa hạng ba, qua chúng có thể nhìn thấy thấp thoáng những ngôi nhà to đủ loại, những đống gạch đá, những hàng cây, những đường phố đầy người đang rẽ ngang dọc một cách chậm chạp. Đấy là Tô-ki-ô lao động, thường ngày…
    Mi-xu bỗng nhớ tới việc cách đây một tuần cô đã đứng trên chiếc cầu cạnh ga I-ô-xu-ra-di và đấu tranh tư tưởng để khỏi nhảy xuống sông như thế nào.
    Không, cô sẽ không bao giờ trở lại Tô-ki-ô nữa, không trở lại nơi người ta ngồi uống ca-phê, dạo chơi với người yêu, đi xem chiếu bóng, không trở lại nơi cô có những ước mơ không thể thành sự thật…
    Một thế giới khác hẳn đang chờ dợi cô, một thế giới được bao bọc bởi một khu rừng rậm rạp u tối. Ở thế giới này bao giờ cũng là bóng đêm, chỉ thỉnh thoảng mới có những ngọn đèn mờ quanh các ngôi nhà màu xám dọi ánh sáng chết chóc lên khuôn mặt những con người bị mù vì bệnh hủi…
    Đoàn tàu đang lao qua Xi-na-ga-va. Mi-xu nhỏm dậy đưa mắt nhìn những mái nhà và xưởng máy - cô tìm nhà trọ đêm Xin-bui-a.
    Một con đường sũng nước trên sườn đồi… người đàn bà nặng nề leo lên dốc… những cánh cửa sổ ẩm ướt của nhà trọ đêm… người đàn ông mà cô đã hiến mình lần đầu tiên trong đời.
    Vĩnh biệt!
    Hai tiếng ấy thoát ra từ đâu đấy rất sâu trong cơ thể cô. Cô suýt nói lên thành tiếng nhưng đã kịp đưa tay che miệng. Người đàn bà ngồi đối diện lại nhìn cô chăm chú.
    Ở I-ô-cô-ga-ma có thêm nhiều người lên tàu. Tất cả các chỗ đã được ngồi kín, các lối đi cũng chật người.
    - Xin lỗi mọi người, - có giọng buồn bã của một người phụ nữ nào đấy từ phía cửa. - Có một người già yếu, ai nhường chỗ cho cụ thì tốt quá…
    Nhưng những hành khách mệt mỏi làm ra vẻ không nghe thấy gì. Đàn ông mở báo và bắt đầu chăm chú đọc, mũ kê-pi kéo sụp tận mắt. phụ nữ nhắm mắt như đang ngủ gật.
    - Xin lỗi, có ai sẵn sàng nhường chỗ…
    Mi-xu nghe rõ tất cả: ốm yếu, bệnh tật à? Nhưng bệnh gì? chẳng lẽ lại còn bệnh hiểm nghèo hơn bệnh cô đang phải chịu à? Và cô cũng nhắm mắt, cố không giọng nói yếu ớt của bà kia. Cũng có thể ông lão đang đau thật, nhưng chắc chắn không đau bằng Mi-xu bây giờ.
    Người nào cũng có một mẩu bánh mì, không ai có quyền cướp của người đang sắp chết đói mẩu bánh anh ta có, và nếu người sắp chết đói ấy không chịu đưa cho người bên cạnh bánh của mình, thì phải chăng đó là tội ác?
    Lòng Mi-xu thật trống rỗng, ảm đạm.
    Một lần nữa tiếng người đàn bà lại vang lên.
    - Xin hãy để tôi yên, - Mi-xu khẽ thì thầm, tay nắm chặt cán ô. - Tôi cũng đang ốm đây, và cũng sắp chết vì mệt.
    Không chỉ mệt thể xác mà mệt cả tâm hồn…
    Những giọt mưa to đập mạnh vào cửa sổ toa tàu. Bên ngoài là biển đang cuộn sóng, lạnh lẽo, xám xịt, và ảm đạm …
    Mi-xu cần phải ra ngoài. Cô đặt ô và va-li lên chỗ ngồi rồi đi về phía cuối toa.
    Cạnh cửa buồng vệ sinh có năm người đàn ông đang đứng chờ, còn trước bồn rửa tay là một người đàn bà đứng tuổi đang nhúng ướt chiếc khăn mùi-xoa trắng để lau cổ và mặt cho ông già.
    - Này các ông, - Mi-xu đã định lên tiếng. Trái tim cô như thường lệ, đau nhói khi thấy người khác đau khổ. Nhưng nhìn những khuôn mặt lãnh đạm của những người đàn ông, cô cắn chặt môi lại. Nhưng, quay về phía ông già bệnh tật, cô không kìm được nữa:
    - Đằng kia đang có một chỗ trống, mời cụ lại ngồi. Cũng liền lúc ấy, cô lại thầm bảo mình: “ mày đúng là một con ngốc!”.
    - Nhưng, theo tôi hình như cô cũng đang ốm…
    - Không sao, tôi trẻ hơn…
    Người phụ nữ cố gượng cười, để lộ những chiếc răng vàng rồi quay sang nói với ông lão:
    - Người ta nhường chỗ cho cụ, nào, ta đi.
    Mi-xu đi ra chỗ nối giữa hai toa, áp trán vào mặt kính lạnh, đờ đẫn nhìn đường ray của tuyến ngược chiều đang chạy lúc thì khá xa, lúc thì nhập lại gần với đoàn tàu của cô. Mặt trên của đường ray bóng nhoáng còn phía dưới thì úa vàng và rỉ.
    Một làn sương mỏng phủ nhẹ lên cánh đồng lúa, nơi có hai người nông dân đang làm việc.
    Trên trời, phía bên trái, một vệt sáng lóe ra giữa những cụm mây xám. Mi-xu nhắm mắt và cố thiu ngủ…
    “Thế là mình đang đi tới Ô-đem-ba, từ Ô-đem-ba sẽ lấy vé ô-tô buýt tới bệnh viện “phục sinh”, bệnh viện dành cho những người hủi. Dành cho những người hủi! Mình, Mô-ri-ta Mi-xu bị hủi? Không! không! không thể như thế được! Nhất định phải có một sự nhầm lẫn nào đó!”.
    Không! không! không thể như thế được!… - Mi-xu nhắc lại theo nhịp gõ của bánh tàu.
    “Không, không mình đang trở về quê hương, về Ca-va-cô-xi. Trong túi của mình là quà tặng cho các em… Mình sẽ ở nhà hai ngày. Mình sẽ mang hoa cắm lên mộ mẹ… sẽ thăm hỏi các gia đình láng giềng… chắc bố sẽ ngạc nhiên lắm, vì đã lâu không gặp nhau rồi, còn gì. Thế nào bố cũng kêu là sinh hoạt ngày một đắt đỏ, khó khăn hơn. Và sẽ hỏi mình có giúp xin việc ở Tô-ki-ô cho thằng em được không”.
    Cửa toa bỗng mở, một người nhân viên đường sắt đeo băng kiểm tra trên tay áo bên phải bước vào.
    - Vé của chị đâu? - Ông ta đóng dấu vào vé của Mi-xu rồi nói, mặc dù cô không hỏi: - Ít phút nữa, tàu sẽ tới Ô-đem-ba.
    Ở Ô-đem-ba trời đang mưa.
    Phòng chờ tàu chật ních các chàng trai và các cô gái đội mũ rộng vành, tay xách các dụng cụ leo núi.
    - Chúng mình thật không may,- họ nói, ngước mắt nhìn lên bầu trời. - Thật không may… Trời đất này thì làm sao mà leo tới đỉnh được…Thế mà định đón bình minh ở Phút-di đấy!… cứ mong leo được một nửa…
    Với một sự ghen tỵ không giấu diếm, Mi-xu quan sát họ lấy từ ba lô ra các gói thức ăn, nước quả, bánh kẹo và bắt đầu ăn chung với nhau. Cô cũng muốn ăn, cổ khô cháy. Nhưng cái cô ghen tỵ không phải là việc họ ăn, mà là tình bạn của họ: chưa bao giờ Mi-xu có bạn, và cũng chưa bao giờ cô được cùng bạn leo núi.
    Trong số các cô gái, một cô mặc quần áo leo núi, đi giày ngắn cổ, khẽ lên tiếng hát.
    Kìa, chiếc xe tam mã lao đi…
    Hình như Mi-xu đã nghe bài này đâu đó.
    A, nhớ ra rồi! Cô nhớ tới quán rượu nơi I-ô-xi-ô-ca đã dẫn cô tới. Ở đấy các chàng trai mặc áo bờ-lu đen và các cô gái hút thuốc lá đã đồng thanh hát bài hát này.
    … Ông lão đánh xe buồn rầu khẽ hát…
    Vẫn không ngừng hát, cô gái kia đưa mắt nhìn Mi-xu, và nhận thấy Mi-xu đang nhìn mình một cách thèm muốn, cô ta mỉm cười, hai lúm đồng tiền hiện ra trên má.
    - Chị là người ở đây à? - cô gái hỏi, liếc nhìn chiếc va-li và ô của Mi-xu.
    - Không, còn các chị là sinh viên à? - Mi-xu rụt rè hỏi, thầm nghĩ về I-ô-xi-ô- ca .
    - Chúng tôi là công nhân của một nhà máy ở Tô-ki-ô, muốn leo lên đỉnh Phút-di-a-ma, nhưng chị thấy đấy, thời tiết thế này…- Cô gái chìa kẹo cho Mixu: - Mời chị ăn.
    Vừa lúc ấy có một người nào đấy bỗng kêu to:
    - Có xe rồi!
    Tất cả bước ra đường.
    Trong ô-tô các chàng trai và cô gái kia vẫn tiếp tục hát cười. Mưa gõ lên nóc xe, lên cửa sổ, làm thành những sợi nước ngoằn ngoèo trên mặt kính.
    - Chị đi xa không? - Cô gái kia lại hỏi Mi-xu.
    - Tôi đi Ka-ki-a-ma.
    - A… hình như ở đấy đang có hội, tôi đọc quảng cáo ở ga xe lửa thấy nói thế. Nghĩa là chị đi dự hội và nhân thể thăm hỏi người thân, đúng thế không?
    Mi-xu không trả lời: cô gái kia cho thế là mình đoán đúng, lại mỉm cười, và cả lần này bên má cô cũng lúm đồng tiền nhỏ.
    Vượt qua một khu làng, xe bắt đầu chạy giữa những cánh đồng kéo dài tận Phút-di-a-ma, một đỉnh núi cao nhất bị mây bao phủ, chỉ chóp núi nhô lên một ít giữa những đợt sóng mây dày đặc. Một làn gió nhẹ khẽ làm đung đưa đám cỏ mọc cạnh mép đường và những ngọn cây của những khu rừng gần đấy. Đằng sau khu rừng ấy là trại hủi “ Phục sinh”.
    “Ở đây đêm không có một ánh đèn nào”. - Mi-xu nghĩ bụng.
    - Đúng là chúng mình không gặp may thật, cô gái kia lại phàn nàn. - Khó mà hy vọng thời tiết sẽ thay đổi.
    - Không sao, ngày mai chắc sẽ tốt hơn, - Mi-xu nói để an ủi cô gái, cô không nghĩ đến hoàn cảnh của mình.
    Và bỗng cô cảm thấy đau nhói vì ý nghĩ rằng có thể cô gái này là người cuối cùng cô được nói chuyện trong đời cô. Cô khẽ rùng mình. - Sao thế? chị cảm thấy khó chịu à?
    Mi-xu lắc đầu, khẽ rên:
    - Tôi sắp xuống rồi.
    Cô gái cầm hộ chiếc ô, trong khi Mi-xu lấy va-li từ trên giá xuống.
    - Tạm biệt. Chúc chị khỏe mạnh, - cô gái nói khi tiễn Mi-xu xuống.
    Mi-xu bước xuống một con đường nhầy bẩn, đầy các vũng nước cạn. Xung quanh không một bóng người. Đóng sập cửa, chiếc xe từ từ chuyển bánh, té bùn ra hai bên. Lại nghe thấy tiếng cười và tiếng hát.
    Như một ngọn cỏ cô đơn giữa cánh đồng hoang vắng, không cảm thấy từng giọt mưa đang chui vào cổ áo, Mi-xu đứng yên đờ đẫn nhìn theo chiếc ô-tô lúc này đang nhỏ dần thành một chấm đen rồi mất hẳn nơi chân trời. Gió xé tan những mảng mây đen thành từng mảnh nhỏ và rít lên từng hồi trên các dây dẫn của đường tải cao thế.
    Mi-xu cảm thấy hết sức tuyệt vọng. Chấm hết, tất cả đều chấm hết. Cô đơn.
    Sự cô đơn trước kia của cô giữa biển người của một thành phố lớn cũng không thể so sánh được với sự cô đơn đang đè nặng lên cô bây giờ.
    - Vĩnh biệt, I-ô-xi-ô-ca , vĩnh biệt…
    Đôi môi của Mi-xu run run.
    Chiếc va-li trở nên như nặng hơn, bàn tay đổ mồ hôi. Đầu mỏm rừng có một chiếc bảng nhỏ với dòng chữ: “Vùng cấm. Chỉ những ngày chủ nhật mới được vào khu điều dưỡng”.
    Giữa khu rừng và con đường là một dòng sông nhỏ chảy qua, trên đó có bắc một chiếc cầu gỗ nhẹ - điểm nối duy nhất giữa trại hủi và tất cả thế giới bên ngoài.
    Nước chảy róc rách, cuốn theo những mẩu gỗ nhỏ những cọng rơm và các mảnh báo rách…
    Trở lại! Ngay lập tức phải trở lại thành phố! Chờ ô-tô chạy ngược và trở lại. Tất cả rồi đâu sẽ vào đấy. Trước đây mình đã sống yên ổn, từ nay cũng sẽ thế. Chỉ cần không được nghĩ tới những vết tròn đỏ sẫm đáng nguyền rủa kia, như thể hoàn toàn không có chúng…
    Khi đã vào trong rừng, Mi-xu đặt va-li xuống đất rồi nhìn xuống cổ tay. Vì lạnh và vì trời mưa, các vết tròn xám lại, trông như nhỏ hơn.
    … Mà chúng có đau đâu, thậm chí không ngứa nữa… cần phải giấu kín… sẽ không ai nhìn thấy… và chúng sẽ chẳng phải làm phiền ai cả… Giấu … phải giấu… Thật đơn giản… Mình sẽ bỏ đi một nơi nào đó và…
    Theo con đường mòn trong rừng, đi ngược chiều với Mi-xu là một người đàn bà nước ngoài mặc áo khoác trắng, ô đen che đầu. Thấy bà ta Mi-xu nhỏm dậy.
    - Chào chị, - người đàn bà nước ngoài dịu dàng nói. Theo kinh nghiệm nhiều năm, bà ta hiểu vì sao cô gái Nhật bé nhỏ này lại ngồi trên cỏ, một cách đau khổ như vậy. - Đừng buồn. Bà ta chậm rãi nói từng tiếng, giọng hơi pha chút ít rồi xách va-li của Mi-xu, bước lên phía trước bằng những bước chân nhún nhảy nhẹ nhàng.
    Một lúc sau, thấp thoáng qua hàng cây đã hiện lên những ngôi nhà màu xám trông như những trại lính.
    Mi-xu được dẫn vào phòng ngoài. Ở đây, người ta cho cô uống trà nóng, hai nữ y tá tình nguyện người Nhật ngồi cạnh cô và bắt chuyện để cô đỡ buồn.
    - Chắc em mệt lắm nhỉ? Nếu mệt, em sang phòng cạnh nằm nghỉ một chốc, - một trong hai nữ y tá - người mang kính - nói, - sau đấy chúng ta sẽ vào khu vực dưỡng bệnh. Ở đây mọi người sống như trong một gia đình. Bệnh tình của em tất nhiên là một bất hạnh lớn, nhưng dần dần em sẽ quen đi, như tất cả những người đang chữa bệnh ở bệnh viện của chúng tôi. Ở đây người ta cũng sống như bất kỳ một nơi nào khác, cũng làm việc, cũng vui buồn, đau khổ. Em hãy nhìn vào mớ bột này xem. Em có biết từ đâu ra không? Các nam bệnh nhân nghiền ra đấy.
    Lần đầu tiên Mi-xu nhìn thấy những người y tá tình nguyện, với những chiếc mũ rộng vành và những bộ áo trắng đồng phục có viền đen hai bên, Mi-xu cảm thấy họ là những con người khác thường. Vì quá bỡ ngỡ, cô không biết nên trả lời họ như thế nào.
    - Còn các nữ bệnh nhân của chúng tôi thì may vá. Hàng của mình họ đem bán lấy tiền, mà không ít đâu nhé. Chị đã bao giờ may vá chưa? - Nữ y tá thứ hai là một người đặc biệt thú vị. Thậm chí cả bộ quần áo đồng phục cũng không che nổi chị ta thuộc tầng lớp những người phụ nữ quý phái ăn mặc sang trọng mà Mi-xu thường thấy ở các khu phố giàu có. Cái gì đã khiến chị ta tới đây?
    Mi-xu cảm thấy trong lòng nhẹ hơn đôi chút.
    - Thế nào, em sẽ ở lại nghỉ ngơi chút ít hay ta đi luôn vào khu dưỡng bệnh?
    Lúc này trong sân trời bắt đầu tối. Mưa đã ngừng nhưng rừng vẫn tiếp tục xào xạc một cách lo lắng. Như rùng mình, các cành cây rung nhẹ, làm rơi xuống đất những giọt nước lớn, nghe to một cách khác thường.
    - Em hãy nhìn những bục nghỉ mát có hình nấm kia kìa. Cũng do những bệnh nhân của chúng tôi dựng nên đấy.
    Giữa đám cây, Mi-xu nhìn thấy một chỗ nghỉ mát với mấy chiếc màn che bằng gỗ hình nấm có những tán rộng rực rỡ.
    - Mặc dầu chân tay đau, khó cử động, các bệnh nhân vẫn không chịu đầu hàng.
    Hết rừng cây là đến khu nhà điều dưỡng của bệnh viện.
    Quần áo được phơi trên những sợi dây thừng mắc giữa các nhà với nhau. Khu nhà khá cũ và trông ảm đạm. Nhìn thấy chúng, Mi-xu lại thất vọng.
    Ngôi nhà mà họ tới rất yên tĩnh. Ba người bước vào một dãy hành lang lạnh lẽo.
    - Đây là phòng của em.
    Phòng không lớn, cạnh cửa sổ có một chiếc bàn, trên bàn là một con búp bê, bên cạnh treo một chiếc khăn mặt. Mi-xu tái mặt vì lo lắng, khiếp sợ.
    - Cô Ca-nô sẽ sống với em. Cô ấy ở đây đã được hai năm. Một cô gái rất tốt. Cô ấy sẽ nói cho em biết lịch sinh hoạt hàng ngày. Nếu cần một thứ gì đấy, em cứ mạnh dạn cho chúng tôi biết, - vừa lần chuỗi hạt, chị y tá vừa nói. À quên tự giới thiệu với em. Chị tên là I-a-ma-ga-ta, còn đây là I-nê-mu-ra.
    Khi họ đi khỏi, Mi-xu ngồi xuống tấm thảm được bện bằng vỏ cây sậy, hai tay ôm đầu đau khổ.
    “ Nghĩa là mình đã ở đây, cuối cùng mình đã đến đây… Tất cả thật lạ lùng… Chao, ở đây buồn quá, trống trải quá, như sân nhà máy sau giờ làm việc vậy…”
    Bây giờ thì Mi-xu không còn nghi ngờ là mình bị bệnh hay không nữa. Cô đã hiểu điều ấy ngay khi chìa tấm giấy giới thiệu cho người đàn bà nước ngoài. Nếu không thì người ta đưa cô tới đây, tới khu điều dưỡng này, làm gì?…
    Có tiếng chân ngoài hành lang cửa phòng mở và một người phụ nữ trẻ có khuôn mặt đỏ lựng như đang bị sốt cao và nhẵn bóng, lấp loáng một cách kỳ lạ, bước vào. Hai người lặng im nhìn nhau hồi lâu; Mi-xu ngồi trên thảm, còn người kia thì đứng ở ngưỡng cửa.
    - Người ta phân chị ở phòng này à?
    - Vâng.
    - Nghĩa là chúng ta sẽ cùng sống với nhau. Tên tôi là Ca-nô Ta-e-cô, còn chị?
    - Mô-ri-ta Mi-xu.
    Cô kia đi lại phía tủ.
    - Ngăn của tôi phía dưới. Chị có thể để đồ đạc của chị ở ngăn trên. Chị nhận chăn chưa?
    Mi-xu lắc đầu.
    - Ngày mai I-nê-mu-ra sẽ mang chăn lại cho chị. Sống bên tôi, chắc chị sẽ cảm thấy khó chịu đấy. Mặt tôi trông đáng sợ lắm nhỉ? Tôi ở đây đã lâu. Các dây thần kinh ở mặt tôi đã bị hỏng.
    - Chị bị sốt à?
    - Không, mặt tôi đỏ không phải vì sốt đâu, vì bệnh đấy. Chị làm sao thế? Buồn lắm à? Xin lỗi.
    Nhà bên cạnh mở đài. Đang giờ truyền buổi ca nhạc theo yêu cầu thính giả. Một ca sĩ nào đấy được đàn ác-coóc-đê-ông đệm, đang hát. Chỉ đến bây giờ Mi-xu mới nhớ hôm qua là ngày chủ nhật. Cách đây một tuần, khi chưa ai chú ý đến những vết tròn của cô, cô ngồi nghe cùng I-ô-xi-ô-ca nhạc này ở quán bia.
    - Chị quê ở đâu?
    - Ở Ca-va-cô-xi. Nhưng học xong trung học, tôi lên Tô-ki-ô làm việc.
    - Còn tôi quê ở Tô-ki-ô… trong đời tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lại có thể vào đây, - Ta-ê-cô nhếch mép cười một cách mỉa mai. - Chị chưa biết lịch sinh hoạt hàng ngày ở đây nhỉ? Sáu giờ dậy. ăn sáng xong cho đến giờ ăn trưa - khám và chữa bệnh. Sau đấy những người bị bệnh nhẹ nam thì ra đồng làm việc, nữ thì may vá hoặc giúp các bác sĩ trong phòng chữa bệnh. Chúng tôi thường làm việc từ hai tới năm giờ. Ngoài ra hoàn toàn tự do. Một tháng được xem phim một lần.
    - Thật thế à?
    - Tất nhiên, kể ra, những hôm trời xấu xe phim có thể không tới, mà có tới, nghe cũng chẳng rõ. Nhưng điều ấy không quan trọng. Nói chung ở đây cũng chẳng đáng sợ như lúc đầu ta tưởng.
    Ngoài hành lang lại có tiếng bước chân, Ta-ê-cô bước về phía cửa;
    - Tôi đóng cửa nhé?
    Mi-xu không hiểu là Ta-ê-cô đóng cửa lại để cô không phải nhìn thấy những cảnh nặng nề cô chưa quen.
    - Chị có thể ăn trưa ngay tại đây. - Ta-ê-cô nói. - Chị đi đường mệt, không cần xuống nhà ăn làm gì.
    Mới gần đây thôi, Mi-xu còn rất muốn ăn, nhưng từ khi nhìn thấy Ta-ê-cô, cô không cảm thấy đói nữa. Ta-ê-cô đoán hiểu được ý nghĩ của Mi-xu, nhìn cô một cách buồn bã rồi bỏ đi ra ngoài.
    Mi-xu vẫn ngồi yên, mắt nhìn vào một điểm vô hình nào đó.
    Cửa mở, chị y tá I-a-ma-ga-ta bước vào.
    - Chị mang cơm trưa lại cho em đây, Mô-ri-ta.
    Trên chiếc khay bằng nhôm I-a-ma-ga-ta đang bưng có một bát cơm, một con cá rán và một chiếc đĩa sâu lòng đựng canh.
    - Thế Ta-ê-cô đâu?
    - Cô ấy đang ăn cơm với mọi người và bảo chị mang lại cho em. Em phải ăn nhiều vào mới được. Vừa chăm chú nhìn Mi-xu, I-a-ma-ga-ta vừa tiếp tục nói giọng rất nghiêm khắc: - Ở đây người nào cũng phải đấu tranh với chính bản thân mình. Lúc đầu thậm chí khó bắt được mình ăn đấy, cả cô Ta-ê-cô hai năm trước đây cũng vậy. Nhưng con người đấu tranh với chính bản thân mình, và điều đó có nghĩa là đấu tranh với bệnh tật. Và việc trong cuộc đấu tranh đó con người không đơn độc đã tiếp thêm sức mạnh cho họ. Như Ta-ê-cô chẳng hạn… cô ấy sống ở một thành phố lớn, học nhạc, từng là một nghệ sĩ chơi dương cầm. Vâng, nghệ sĩ chơi dương cầm. Cô ấy đang biểu diễn thành công trong các buổi hòa nhạc thì bỗng phát hiện ra là bị hủi. Chồng chưa cưới đã bỏ cô ấy. Vì bệnh làm tê liệt các ngón tay nên cô ấy phải rời bỏ cây đàn - cây đàn chứ không phải âm nhạc. Ta-ê-cô đã dũng cảm chống chọi với bệnh tình của mình… - I-a-ma-ga-ta lại nhìn Mi-xu và nói tiếp như ra lệnh: - Em ăn đi. cần phải ăn. Ăn cũng là một cách chữa bệnh.
    Phải cố gắng lắm, Mi-xu mới mở được miệng, cắn một miếng cá, nhưng mùi cá đã làm cô suýt bị nôn.
    - Em không thể ăn thêm được nữa. không thể!
    - Thôi được. dù sao như thế cũng đã là khá. Nhưng sáng mai nhất định em phải ăn đấy!
    I-a-ma-ga-ta vừa đi khỏi, Ta-ê-cô đã bước vào.
    - Xin lỗi chị, - đặt hai bàn tay lên gối, Mi-xu cúi gục đầu, cô có cảm giác có lỗi với Ta-ê-cô.
    - Không sao, không sao. Lúc đầu tôi cũng thế. Cũng rất khó chịu, - Ta-ê-cô mỉm cười. - Tôi rất hiểu chị.
    Họ cùng im lặng.
    Mi-xu mở chiếc va-li cũ kỹ rồi đặt lên bàn cái gia tài nghèo nàn của mình: chiếc áo khoác, chiếc váy và bộ đồ lót.
    Ngoài cửa sổ có tiếng gì đó sột soạt.
    - Gì thế?
    - Chim bồ câu rừng đấy. chúng sống trong rừng, thỉnh thoảng bay tới đây.
    Lại im lặng.
    - Thế tối đến các chị thường làm gì?
    - Lại nhau chơi, chuyện gẫu, chơi bài, nghe đài…
    - Xin lỗi chị…
    - Vì sao mới được chứ?
    - Hôm nay chắc vì có tôi mà chị chẳng đi đâu phải không?
    - Không sao, không sao. Đừng nghĩ thế…
    Dưới ánh điện mờ, mặt của Ta-ê-cô trông không đỏ như lúc chiều, nhưng lớp da ánh lên trông dễ sợ hơn.
    … Chắc chị ấy phải từ một gia đình giàu có, một khi chị ấy là nghệ sĩ dương cầm. Và chắc cũng đẹp nữa, như Mi-u-ra Ma-ri-cô… đã có chồng chưa cưới… Thế mà cuối cùng lại phải vào đây, nơi chỉ nghe tiếng những con bồ câu hoang dại…
    Nỗi đau khổ của người khác đã làm Mi-xu xúc động mạnh đến nỗi cô quên cả hoàn cảnh bi đát của mình, quên cả việc rồi cô cũng sẽ như Ta-ê-cô. Cô nghĩ tới điều bất hạnh của Ta-ê-cô như của chính mình và không kìm được nước mắt…
    - Chị thật là một người lạ lùng. Ta-ê-cô cười nói. Chỉ đến lúc này Mi-xu mới hiểu rằng dần dần mặt cô rồi cũng sẽ sưng tấy như của Ta-ê-cô, các ngón tay cũng sẽ bị ăn mòn dần. Cô bỗng cảm thấy hết sức hoảng sợ, hai tay ôm mặt.
    Cả động tác này của Mi-xu, Ta-ê-cô cũng hiểu. Cô gái có đôi đuôi sam ngắn này cũng hoàn toàn giống cô hai năm trước đây. Thậm chí Ta-ê-cô còn đau khổ hơn vì trước đây cô sung sướng hơn Mi-xu.
    - Đã đến giờ ngủ, - Ta-ê-cô nói rồi đưa đôi tay cứng đờ kéo tấm chăn, nhưng chợt nhớ ra là Mi-xu chưa nhận chăn, cô bỏ đi tìm I-a-ma-ga-ta.
    Nửa giờ sau, hai người đã cùng nằm chung trên một giường, quay lưng lại với nhau. Vì biết Mi-xu sẽ khó chịu khi chạm vào mình nên Ta-ê-cô đã tế nhị nằm tách xa.
    Có tiếng rên vọng lại từ khu nhà bên cạnh. Đó là nơi ở của những người bị bệnh nặng. Năm năm nữa Mi-xu cũng sẽ được đưa tới đó. Đó là con đường mỗi bệnh nhân ở đây sẽ trải qua. Và cuối cùng thì…
    - Chị khóc à? Cái quan trọng nhất không phải là đau đớn. Ở đây hai năm, tôi đã hiểu rằng bất hạnh nhất là việc chúng ta không có được những hạnh phúc đơn giản nhất của con người. Không ai cần đến tình yêu của ta, và tất nhiên sẽ không bao giờ có ai yêu ta. Làm quen với ý nghĩ nãy thật không dễ.
    Mi-xu không nghe Ta-ê-cô nói cô nhìn ra cửa sổ màu đen và trước mắt cô hiện ra những khu nhà ảm đạm của trại hủi. Cô như người từ trên cao nhìn xuống và thấy rõ toàn bộ đám mây đen bao bọc nó trải rộng đến hàng chục cây số. Mi-xu cố lắng nghe đám mây đen ấy, nghe giọng nói đặc biệt của nó, cái đang làm cô lạnh cóng người vì sợ hãi. Đó không phải là tiếng xào xạc của rừng cây đang rũ khỏi mình những giọt nước mưa, không phải tiếng gáy của những con chim bồ câu hoang dã, không phải tiếng rên của những người bị bệnh nặng, và thậm chí không phải cả sự im lặng.
    Tiếng nói của đám mây đen đó chỉ có thể nghe được bằng trái tim đã bị vĩnh viễn bắt phải sống cô đơn…
    

Xem Tiếp Chương 10Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Người Đàn Bà Mà Tôi Ruồng Bỏ
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Đang Xem Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc