Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Vẫn Mãi Yêu Anh Tác Giả: Vân Khanh    
    Phương Đông cố gắng nhướng mi mắt nặng trĩu. Ánh sáng tràn vào mắt cô, cùng lúc với tiếng nấc nghẹn của mẹ cô:
    – Phương Đông! Con tĩnh rồi phải không?
    Phương Đông đảo mắt nhìn quanh. Bắt gặp một ánh mắt sắc lẻm của cô gái mặc chiếc áo đỏ đang đứng cạnh mẹ. Phương Đông khẽ rùng mình, màu đỏ.
    Nhưng không phải là máu.
    – Phương Đông! Con nhận được ta không?
    Nụ cười yếu ớt nở trên môi, Phương Đông nói chậm và nhỏ:
    – Là mẹ và chị Bảy. Còn chị này, con không hề quen.
    Bà Như Nguyệt mừng quýnh:
    – Trời ơi! Con gái của ta. Cuối cùng thì con cũng đã trở về với mẹ. Một đứa con gái bình thường như trước đây.
    Phương Đông chớp mắt:
    – Mẹ nói gì con không hiểu? Bộ con vừa đi đâu về hay sao? Con nhớ đang bệnh kia mà.
    Bà Như Nguyệt hồi hộp:
    – Đúng rồi! Con bị cảm sốt, phải nghỉ học một thời gian.
    – Nhưng hình như con đâu phải vô bệnh viện. Con đã nhờ Minh Thiên đi mua ổi. Lẽ ra con đừng đòi hỏi như thế thì đâu có chuyện đau lòng xẩy ra. Bây giờ, con không còn thấy Minh Thiên nữa. Nó luôn về trò chuyện với con, dạy con đàn, dạy con học vi tính. Còn mua bánh kem cho con ăn nữa.
    Phương Đông cứ nói mãi, nói mãi theo dòng ký ức thoáng qua.
    – Mẹ! Nói cô này đi đi. Con ghét màu đỏ lắm.
    Bà Như Nguyệt đau đớn nhỏ nhẹ:
    – Con thấy trong người có đau đớn gì không? Có gì khó chịu trong người, con nói rõ cho mẹ biết nha.
    Phương Đông lắc đầu và nhổm dậy:
    – Mình về đi mẹ. Con đâu bị đau gì nữa.Con ghét mùi thuốc và màu tường của bệnh viện lắm.
    Ôi! Con gái của bà. Nó tỉnh thật rồi ư? Phải chi có Quốc Trung ở đây. Bao ngày qua, nó đã giúp đỡ con bé nhiều và chờ mong ngày này của Phương Đông mà thôi. Bà nghĩ Quốc Trung giận dữ một lúc rồi anh sẽ trở lại. vì đồ đạc của anh đều còn nằm gọn ở trong nhà bà. Hai bàn tay trắng, Quốc Trung sẽ đi đâu chứ? Thế mà Quốc Trung đã không quay về như bà nghĩ. Nỗi đau bị Minh Khang coi thường, nghi ngờ tư cách của mình khiến anh không còn màng đến đồ đạc của anh nữa. Rồi đây, bà sẽ tìm Quốc Trung để tạ ơn. Thấy mẹ bỗng trầm tư suy nghĩ điều gì đó nét mặt mẹ buồn thật buồn. Phương Đông liền hỏi:
    – Mẹ nghĩ gì thế mẹ? Ba con đâu rồi?
    Bà Như Nguyệt xúc động cầm tay xanh xao của con gái:
    – Mẹ đang nghĩ tới một người ân nhân đã giúp đỡ con khỏi bệnh. Ba con sắp vào thăm con rồi đấy.
    Phương Đông nhăn trán thật lâu:
    – Mẹ muốn nhắc đến ai vậy?
    – Con không nhớ được đâu, đừng cố gắng sẽ bị đau đầu đấy. Để mẹ đi pha sữa cho con uống nha?
    Phương Đông nhăn mặt:
    – Uống sữa hoài, con ngán lắm. Mẹ cho con ly nước cam ấy.
    Bà Nguyệt còn đang loay hoay pha nườc thì Minh Khang đi vào. Anh không đi một mình mà theo sau vẫn là cô gái áo đỏ mà bà Nguyệt vừa bảo lui ra.
    Phương Đông có vẻ bực bội:
    – Chị vào đây làm gì thế? Tôi ghét màu này lắm. Chị đi ra đi!
    Minh Khang nhìn em:
    – Mai Phương được anh nhờ tới đây chăm sóc em đấy. Đừng làm cho cô ấy phiền và buồn chứ. Em còn yếu, cần có người chăm sóc.
    Mai Phương - vì người con gái ấy chính là cô – chẳng rõ vì sao mới về nước chưa quá hai ngày, Minh Khang đã quen được cô. Vừa nghe Khang nói muốn tìm người coi sóc em gái mình, Mai Phương đã sốt sắng nhận lời. Cô cười thật đẹp:
    Em không thích màu đỏ thì chị sẽ không bao giờ mặc nó những lúc ở bên em nữa. Riêng chị, rất thích gam màu này, nó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ dữ dội của con người em ạ.
    Phương Đông hờ hững:
    – Nếu thích thì chị cứ việc làm theo ý mình. Con người phụ thuộc vào người khác chẳng hay lắm đâu.
    – Nãy giờ con chưa chào Minh Khang. Bộ con không nhận ra anh Hai à?
    Bà Như Nguyệt đặt ly nước vào tay Phương Đông và hỏi.
    Phương Đông cười nhẹ:
    – Tại anh Hai muốn giới thiệu bạn của ảnh trước. Anh Hai về bao giờ thế?
    Anh về ba ngày rồi.
    – Còn định đi nữa thôi?
    – Minh Khang nheo mắt:
    – Không đi nữa đâu. Anh muốn về Việt Nam phụ ba coi công ty.
    Phương Đông nói tỉnh:
    – Liệu coi nổi không đấy? Anh ham chơi như thế, đi học cho có tiếng, chứ em dám cá chữ nghĩa chẳng đọng được bao nhiêu trong đầu anh đâu. Ông trời không công bằng, Minh Thiên giỏi đủ thứ lại phải chết yểu.
    Minh Khang đỏ mặt:
    – Em nói khôn ngoan vậy, sao còn đóng kịch điên dại làm gì? Hay em muốn tìm cớ để gần thằng đó.
    Bà Như Nguyệt trừng mắt:
    – Minh Khang! Em nó vừa tỉnh, đầu óc còn lung tung lang tang đủ thứ. Con đừng có nói bậy bạ.
    Phương Đông bực bội:
    – Anh muốn ám chỉ đến ai đây? Em không tầm thường như anh nghĩ đâu. Xa nhau mấy năm, bây giờ gặp lại, anh vẫn không mấy thay đổi tính cách. Rồi đây ba mẹ sẽ khổ vì anh thôi:
    Mai Phương đưa thuốc và ly nước lọc tới cho Phương Đông:
    – Em uống thuốc đi, rồi bác sĩ sẽ vô khám bệnh cho em.
    Nhìn thuốc, Phương Đông nhăn mặt:
    – Thuốc đắng lắm, tôi đâu có đau ốm gì mà uống thuốc.
    Mai Phương dỗ ngọt:
    – Em vừa ngất đi tới một ngày dài. Bác sĩ sẽ la chị, nếu em không uống thuốc.
    Phương Đông có vẻ nghĩ ngợi, nhưng cô không uống thuốc. Nằm trở lại giường, cô nhắm mắt:
    – Mẹ ơi! Con muốn ngủ một lúc nữa. Khi con dậy mẹ nhớ cho còn ăn súp cua nhé. Con thèm quá!
    Minh Khang kéo tay Mai Phương:
    – Em đừng buồn. Con bé được mẹ anh nuông chiều riết nên sinh tật. Bây giờ thì về nhà với anh phụ dọn dẹp phòng, để rồi xin bác sĩ cho nó về.
    Phương Đông vụt la lên:
    – Đừng có đụng vô phòng của tôi. Chị nghe lời anh Hai tôi chị sẽ bị tôi ghét đấy.
    Mai Phương nghe bực bội trong lòng, nhưng cố dằn. Khó khăn lắm, cô mới quen được Minh Khang, và đóng vai cần việc làm để anh ta nhờ cậy. Cô không ngờ Phương Đông lại đẹp thế.
    Con bé nhớ lại rồi thì phải. Mai Phương mím môi nghĩ đến khuôn mặt đẹp trai, gai góc lạnh lùng của Quốc Trung. Không cô không muốn họ lại gặp nhau nữa, cô phải tìm cách ngăn cản Quốc Trung. Dù anh có trốn tận chân trời nào, cô cũng tìm ra thôi. Tìm ra để tình yêu của cô không còn rướm máu, con tim cô không nhức đau từng đêm. Cô thuộc loại nhạy cảm. Minh Khang là anh trai nhưng chẳng biết gì về em gái mình cả. Giữa hai anh em họ trái ngược nhau hoàn toàn tính cách. Phương Đông thuộc dạng con gái nhà giàu được giáo dục kỹ. Tính nết bướng bỉnh, nhưng không quậy phá. Với một đối thủ như Phương Đông, nếu không dùng mưu mẹo, Mai Phương sẽ không còn hy vọng gì với Quốc Trung.
    Bà Như Nguyệt không mấy thiện cảm với cô gái này. Linh cảm người mẹ khiến bà không yên tâm trước đôi mắt quá sắc của Mai Phương. Hình như bà đã gặp cô ta ở đâu đó, nhưng bà không nhớ ra được. Bà muốn bảo Minh Khang không nhờ cô ta nữa. Khổ nỗi, Minh Khang tỏ ra mến mộ cô ta nhiều. Có bao giờ cô ta giả vờ đóng vai người thất nghiệp để gần gũi con trai bà không nhỉ?
    Bàn tay, bàn chân cô ta đẹp quá, chẳng giống người nghèo chút nào. Phải chi có Quốc Trung ở đây, bà sẽ yên tâm hơn nhiều. Bà không thể không nghi ngờ cô gái này được.
    Buổi Chiều, ông Hoàng tới bệnh viện thăm con gái. Nghe tin vợ báo Phương Đông tỉnh táo lại rồi, ông mừng lắm, nhưng vẫn chưa dám chắc.
    Đang nằm đọc báo thấy ông, Phương Đông nhỏm dậy, cười khoe hàm răng trắng đều tăm tắp.
    – Ba! Ba từ công ty ghé thăm con à?
    – Con khỏe không? Có muốn ăn gì không? Ăn gì để ba mua cho!
    Phương Đông nũng nịu:
    – Nằm đây có muốn ăn gì, con cũng ăn không nổi. Ba xin cho con về đi.
    Không đau đơn bệnh hoạn bắt vô bệnh viện kỳ cục quá, con ghét ngửi mùi ête trong bệnh viện lắm.
    Mắt ông hoàng lấp lánh niềm vui:
    – Cứ ở đây an dưỡng ít ngày cho khỏe. Ba đi mua mì hoành thánh cho con ăn nghe?
    Phương Đông lắc đầu:
    – Con không thấy đói, ba mua cho con ít trái nho được rồi. À, ba ơi! Từ lúc ngủ dậy đến giờ sao con không thấy tụi bạn con đâu vậy hả ba?
    Ông Hoàng cười nhẹ:
    – Quỳnh Trâm đi thực tập ở Hà Nội. Nó vẫn gọi điện thường cho con đấy, hai đứa kia cũng ra Đà Nẵng rồi.
    Phương Đông ngẩn ngơ:
    – Sao vậy? Một giấc ngủ thật dài, kéo theo đổ vỡ. Tại sao con lại ở nhà chứ?
    Lẽ ra con cũng đi thực tập như tụi bạn chứ!
    – Vì con bị bệnh.
    – Bị bệnh? Hèn chi đầu con cứ hay đau, ba ạ.
    Phương Đông nói thật khẽ.
    Ông Hoàng thở ra:
    – Bây giờ con còn đau nữa không?
    Lắc đầu Phương Đông quyết:
    – Con không còn đau nữa, con phải về tiếp tục đi học, con không muốn bỏ dở.
    Ông Hoàng ngập ngừng:
    – Thật sự chuyện em con ...
    Phương Đông ngắt lời cha, nước mắt rơi dài xuống gò má mịn màng:
    – Em con bị tai nạn giao thông. Phần số nó ngắn ngủi quá, con nhớ nó lắm ba ạ. Nhưng con còn trách nhiệm đối với ba mẹ. Dù gì định mệnh đã an bài cho chúng ta, kẻ ở lại phải sống làm sao cho thật xứng đáng. Con xin lỗi đã làm cho ba mẹ buồn nhiều trong thời gian qua. Chiều nay, mình về nhà nha ba. Con muốn vế nhà để đi thăm mộ Minh Thiên, con muốn được thắp cho em nó một nén nhang.
    Ông Hoàng ôm vai con gái, nghẹn ngào:
    – Phương Đông, con gái của ba. Ừ chiều về, ba sẽ đưa con đi thăm mộ em, cũng được một trăm ngày rồi. Nhanh thật, mới đó ...
    Phương Đông sững sờ ngơ ngẩn, một trăm ngày rồi ư? Những ngày ấy con sống sao sao nhỉ? Mất trí nhớ à? Vậy cô có đập phá có lang thang như bao người mất trí nhớ không? Ôi chao! Sao cô lại vô tình với những người thân của mình lâu đến như vậy? Một trăm ngày sống giữa vô thức, giả vờ thật, chắc mẹ buồn vì cô lắm. Thở dài, Phương Đông nhớ đến cô gái mặc áo đỏ. Lẽ nào, trong thời gian mất trí nhớ thì cô ta chăm sóc cô à? Không tiện hỏi, Phương Đông chi biết chìm trong suy nghĩ.
    Ngọc Nhi đã thi xong đại học, hôm nhận được giấy báo trúng tuyển liền một lúc hai trường. Đại học Sư Phạm và Đại học Xây Dựng, cô mừng đến khóc.
    Mấy cha con quyết định thu xếp về về Cao nguyên cùng cô Nga.
    Hôm Quốc Trung bỏ nhà bà Như Nguvệt đi, chẳng nói rõ anh đi đâu, làm cả nhà cứ cuống lên. Bà Nguyệt đã tới nói cbuyện với ba Ngọc Nhi về chuyện con trai bà không tôt với Quốc Trung. Bà mong ba cô tìm xem anh đang ở đâu để bà khỏi day dứt.
    Sau đó chị Phương Đông tỉnh trí, thoát khỏi cơn mê kéo dài, đúng một trăn ngày. Bà Nguyệt mừng cuống lên, tới nói với ba Nhi biết. Thấy bà Nguyệt đã nhiệt tình giúp đỡ con trai mình nhiều, ông Triệu đành nói để bà yên tâm, Quốc Trung về Cao nguyên rồi.
    Bà Nguyệt hứa chờ ngày cho Phương Đông ổn định về tình cảm, tư tưởng, sẽ đưa chị lên trên ấy để cám ơn anh Trung.
    – Ngọc Nhi! Chuẩn bị đi đâu mà trên xe xếp đồ đạc dữ vậy?
    Loay hoay vừa làm, vừa nghĩ ngợi, Ngọc Nhi giật mình khi nghe tiếng bà Loan sát một bên tai. Hơi cau vầng trán, Ngọc Nhi bặm môi:
    – Là mẹ à? Nhà chuẩn bị trả lại cho người ta, nên phải lo dọn dẹp. Mẹ về đây có việc gì không?
    Bà Loan cười khẩy:
    – Tao tưởng cha con mày ngon lành lắm, có bấy nhiêu cũng lo không nổi.
    Vậy mà lúc nào cũng lên mặt đạo đức.
    – Mẹ muốn nói ai thế?
    Bà Loan săm soi hàng lông mày.
    – À! Tao chỉ muốn nói đến ba mày và thằng con trai ổng.
    Ngọc Nhi gắt lên:
    – Mẹ không có quyền nói xấu ba và anh Hai.
    – Bênh dữ há! Nhưng nè, mày cũng định đi theo ổng hay sao?
    Ngọc Nhi khoanh tay nhìn mẹ:
    – Con cái không ở với cha mẹ thì ở với ai? Mẹ đã cố trút của nợ là hai đứa con do chính mẹ sinh ra vào đôi vai tiều tụy bệnh hoạn của ba. Bây giờ, căn nhà đã bị mẹ đem cầm cố, nay người ta đòi lại. Chị em con không theo ba, còn biết theo ai về đâu.
    Bà Loan cười nhạt:
    – Mướn được chỗ mới rồi à? Có hơn ổ chuột rách này không?
    Ngọc Nhi giận điên người. Cô muốn đuổi bà ra khỏi nhà, nhưng phận làm con, dù có lỗi lầm vẫn không thể thừa nhận đó chính là mẹ mình.
    Ngọc Nhi bực bội:
    – Nếu hơn thì mẹ có vui không? Còn chỉ là tấm bạt che nắng mưa bên mái hlên nhà ai đó, mẹ có thấy thương tâm hay day dứt không? Vì ai mà ra nông nỗi.
    Bà Loan bình thản:
    – Tao chỉ hỏi một câu, có gì mà ghê gớm lắm đâu mà mày phải quạu qua tao dữ vậy? Thật ra tao đâu muốn về đây nữa. Nhưng nghĩ đến chị em mày, tao ghé thăm, muốn cho chị em mày chút tiền tiêu vặt, nhân tiện tao muốn hỏi mày chuyện này.
    Ngọc Nhi cười nhạt nhẽo:
    – Cám ơn mẹ đã quan tâm, tụi con đã lớn rồi Biết kiếm sống để nuôi bản thân mình. Tiền mẹ kiếm cực khổ mẹ cứ giữ để lo cuộc sống cho mẹ. Tụi con không muốn xài đến những đồng tiền đó. Bây giờ, sắp đến lúc con phải đi học rồi, mẹ có hỏi gì thì hỏi đi.
    Bà Loan cười tươi tắn:
    – Chẳng là mẹ có người quen là Việt kiều. Bà ấy thích con lắm, lúc nào cũng khen con dễ thương, bà muốn con làm con dâu của bà ấy.
    Ngọc Nhi nhếch môi:
    – Mẹ nói tiếp đị!
    – Ừ, con trai bà ấy làm nghề kinh doanh bất động sản. Sang đó mới hơn chục năm, giờ giàu kinh khủng, con gái Mỹ thiếu gì cô chết mê chết mệt vì cậu ta.
    Nhưng cậu ấy không ưng? muốn về việt Nam lấy vợ thôi. Bà ấy chỉ ưng có mình con. Hôm nay, nhờ mời con đến chơi với mẹ con bà. Học cao mà làm gì, cứ lấy gương của thằng Trung anh mày đấy, học năm năm tốn vài chục triệu giờ vẫn thất nghiệp. Mẹ nghĩ, con nên đồng ý lấy cậu ta phần nào cuộc đời con sẽ khỏi cực khổ, phần có tiền để giúp cha mẹ chuộc lại căn nhà này. Ông đau gầy ốm, ra ngoài không cửa không nhà đau thôi đủ chết. Con coi mẹ tính như vậy được không?
    Ngọc Nhi nhếch môi cay đắng:
    – Bao nhiêu?
    Nghe con gái hỏi thế, bà Loan ngỡ con gái chịu rồi. Ừ, khôn ngoan phải biết thức thời. Bây giờ con gái có chút nhan sắc, hốt bạc như chơi. Có đâu phải khổ như mấy đứa xấu số. Nó mà chịu lấy người này, bà vừa được tiếng lại được vài ngàn đô. Cha con nó cứ cù lần lắm, đưa sao biết vậy, tròn trêm đủ số tiền nhà là xong. Nghĩ thầm trong bụng, bà Loan đắc ý ra mặt:
    – Dư sức để chuộc lại căn nhà này, chưa kể cả vòng vàng tư trang riêng của con nữa.
    Mặt Ngọc Nhi tái nhợt, mắt cô bé vằn tia máu giận dữ. Cô bật hét lên đau đớn:
    – Bà đi ngay đi. Trời ơi! Mẹ ơi là mẹ! Tôi không thể ngờ bà lại vô lương tâm như vậy. Bà có còn coi tôi là con bà nữa không. Tôi căm hận bà. Đừng bao giờ coi tôi là con bà nữa, tôi không có người mẹ như vậy. Cuộc đời của tôi chỉ đáng vài ngàn đô, bé vậy thôi sao? Bà thử nghĩ công mười chín năm nuôi tôi, số tiền bạc bao nhiêu? Sao bà chẳng chịu sống làm người mẹ tốt ít ngày cho chị em tôi đỡ tủi và nhục. Dưới mắt mọi người, chị em tôi có người mẹ làm gái. Gái già hạng sang đàng hoàng, nhục quá. Bà nên nhớ điều đó, để đừng nghĩ đến chúng tôi là con bà nữa.
    Bà Loan tái mặt. Cơn giận dữ của Ngọc Nhi như trái bom nổ giữa thinh không. Bà không ngờ nó lại dám nói bà như thế, rõ là ngu cả lò. Vốn trời cho như thế mà không biết hưởng thụ gì cả, còng lưng đi gánh nước mướn, cạp bánh mì chan nước tương mà ngỡ mình hoàn thiện. Con cái gì mà ngu quá vậy, sướng không muốn lại muốn khổ. Bà Loan chỉ nghĩ chứ không dám hé răng nói nữa, con bé dường như nổi điên rồi.
    Bà lầm lũi quay lưng đi ra ngoài hẻm. Đâu đó có những tiếng xầm xì nổi lên, những câu bóng gió của thiên hạ xỏ xiên bà.
    Ngọc Nhi gục đầu xuống bàn, khóc nức nở. Thất vọng và tủi nhục cùng lúc ùa vào trái tim vốn cao ngạo của cô bé. Sinh ra đầy đủ cha mẹ. Cho đến tận hôm nay cũng chẳng ai bị số phận vùi xuống ba tấc đất, vậy mà trong cô, người mẹ thuở nào như chết hẳn:
    Nam Hưng đứng lặng lẽ nhìn chị khóc, cậu như đoán phần nào nỗi buồn của chỉ mình. Lúc nãy, về gần đầu hẻm, Hưng thấy mẹ từ trong này đi ra. Cậu thở dài chua chát.
    Ngọc Nhi quẹt nước mắt khi nghe tiếng thở dài sau lưng. Không ngẩn đầu lên, cô bặm môi:
    – Bà còn muốn gì mà quay trở lại? Đừng để thằng Hưng thấy bà trong ngôi nhà này. Bà đẩy tụi tôi vào vũng bùn nhơ, bất hiếu. Đi mau đi!
    Nam Hưng khẽ nói:
    – Phải mẹ vừa về đây không? Bà đã nói gì phải chị phải khóc chứ?
    Ngọc Nhi quay lại bối rối:
    – Là em à? Em về lâu chưa?
    – Đủ để nhìn chị khóc.
    Ngọc Nhi thở dài:
    – Mẹ về đây kêu chị nghỉ học, lấy chồng do mẹ giới thiệu.
    Nam Hưng ngạc nhiên:
    – Lấy chồng! Mà lấy ai?
    Ngọc Nhi nhếch môi:
    – Việt kiều Mỹ, dân xịn.
    Bĩu môi, Nam Hưng chửi đổng:
    – Xịn ông cố nội ấy? Rồi chị nói sao?
    – Chị nói mẹ đi đi, đừng bao giờ để chúng tôi nhìn thấy bà nữa. Bà chửi chị ngu, không biết tận hưởng. Chị đau lòng lắm, Hưng ơi? Thà chúng ta lớn lên không có mẹ, hoặc mẹ điên loạn tật nguyền thì đỡ biết bao. Đằng này ... chúng ta có tội tình gì? Ba suốt một đời làm lụng vất vả, nhưng cuối cùng mẹ đã đi ngược lại đạo lý. Ngay cả đứa con ruột của bà mà bà cũng muốn bán nữa.
    Ngọc Nhi nức nở. Nam Hưng nhăn mặt:
    – Đừng thèm nghĩ và để ý những gì bà ta nói. Đời có luật quả báo. Bà ta làm nhiều điều thất đức cho chồng con, sau này bà sẽ lãnh trái đắng nhân quả. Ba có nói bữa nào chúng ta đi không, mà chị đã lo dọn đồ đạc hết chưa vậy?
    Ngọc Nhi gầt đầu:
    – Ba đã gọi điện cho anh Hai và cô. Ngày mốt là ngày tốt, cô Nga dặn thế.
    Chúng ta sẽ đi chuyến xe đầu tiên trong ngày.
    – Thế bỏ nhà đi không ai trông vậy sao? Không người ở, nhà sẽ hôi hám và hỏng mất.
    Ngọc Nhi nói nhỏ:
    – Ba đã cho hai chị sinh viên trường sư phạm mướn rồi. Còn dặn, nếu mẹ về thì nói đó là nhà của họ.
    Nam Hưng chép miệng:
    – Không có cô Nga và anh Hai chắc ba con mình phải đi ra đường ở thật.
    Nghĩ đến cảnh ấy, em vừa sợ, vừa u uất. Biết khi nào chị em mình mới kiếm ra được đồng tiền để trả hiếu cho ba. Tiền đâu chuộc nhà nổi.
    Ngọc Nhi cay đắng:
    – Thật ra, chỉ một năm biết tính toán chi tiêu và ông trời sẽ không bắt ba bệnh hoạn, ba dư sức làm ra số tiền ấy.
    Nam Hưng tròn mắt:
    – Chị không đùa với em chứ? Một cái ga-ra chật hẹp như thế làm sao làm được như chị nói.
    – Chị chỉ nói thật, mới vài tháng mẹ bỏ đi, ba giao tiền cho chị trừ tiền ăn ra, chị mua được cả lượng vàng.
    – Hả! Nếu vậy, sao ba lại ra đi?
    – Ba buồn, ba muốn tránh mẹ để bà nghĩ rằng căn nhà đã bị mất. Hơn nữa, thời gian này anh Hai đang bắt đầu tạo dựng sự nghiệp. Anh Hai đang xây dựng cơ sở chế biến dược phẩm, nhân lực thiếu nhiều. Ba muốn chúng ta về trên giúp anh Hai vài tháng. Qua hè, em thích thì ở lại đó học, còn không thì quay vè đây.
    Nam Hưng ngơ ngẩn:
    – Vậy ư! Em chưa được đi xa bao giờ, chưa biết rừng núi ra sao, bây giờ được về quê chắc thích lắm.
    Ngọc Nhi hơi cười:
    – Cô Nga ở ngay trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột. Anh Hai nói nhà ở cũng cũng to lớn, rộng rãi không thua kém gì Sài Gòn.
    – Ủa! Sao em nghe mỗi lần về quê xuống, anh Hai đều kể về rẫy cà phê, trà và tiêu mà? Chị đừng nói với em là trồng những thứ tiêu, cà phê đó ở đường phố nhé!
    Ngọc Nhi phì cười dù mắt còn đỏ hoe:
    – Ngốc vừa thôi. Học tới lớp mười, sắp lên mười một rồi mà còn ngố quá.
    Rẫy ở trên đồi cách nhà tới năm, bảy cầy số gì đó.
    Nam Hưng lại nói:
    – Anh Hai cũng ghê thật, dám mở công ty dược. Em nghĩ cô Nga mình cũng giàu lắm.
    Ngọc Nhi nhỏ giọng:
    – Chuyện tiền bạc chị không rành lắm. Tất nhiên mở công ty dược không phải chuyện đơn giản như mở một shop bán quần áo. Vốn phải là tiền tỷ ấy chứ.
    Anh Hai thì ảnh luôn muốn sáng tạo, làm chủ chính mình. Nhất định ảnh sẽ thành công, chị tin là vậy.
    Nam Hưng chợt nói:
    – Chị biết không? Hôm qua em gặp chị Phương đi với một chàng trai cũng đẹp lắm.
    Thấy em bà ấy kênh kênh ra vẻ ta đây vậy. Nhìn thấy ghét.
    Ngọc Nhi chép miệng:
    – Cũng không trách bà ta. Mai Phương thích anh Hai mình thiệt đó. Căn bản mà nói bà ấy cũng không phải sa đà, hư hỏng gì. Nếu không vì chuyện căn nhà, chắc anh Hai cũng vẫn quý Mai Phương.
    Số ảnh cũng ngộ, toàn được mấy bà giàu sụ khoái mới chết. Bà Thùy Trang cứ theo em hỏi ảnh hoài đấy.
    Ngọc Nhi im lặng, cô nghĩ đến Quốc Trung và hình dung những công việc sắp tới của anh trai cô và của cô ở trên vùng Cao nguyên ấy.
    􀃌 􀃌 􀃌 Được sự hỗ trợ từ phía nguồn vốn, nhất là của vợ chồng cô Hoàng, ngoài ra họ còn nhiệt tình giới thiệu Quốc Trung với cổ Đông, việc thành lập công ty chế biến dược phẩm đã hoàn tất. Trang thiết bị máy móc sản xuất được Trung tìm mua tại một số trường y dược, công ty sản xuất sản dược phẩm trong nước với giá rẻ để đưa về lắp ráp vào phân xưởng. Quốc Trung tận dụng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình, anh đi vào những buôn làng của đồng bào dân tộc ở sâu trong rừng, tìm đến những già làng để hỏi thăm về những thứ thuốc bằng cỏ cây hoa lá mà đồng bào dân tộc biết được, khả dĩ chữa được bệnh như:
    sởi, đậu mùa, rắn cắn, gãy xương khi bị té, đau khớp nhức mỏi ... Quốc Trung không ngờ những thứ cây rất gần với chúng ta hằng ngày lại chính là những vị thuốc quý giá, hy hữu. Các già làng, các thầy thuốc khi biết nguyện vọng của anh đã nhiệt tình chỉ dẫn cách chế biến thuốc. Ai cũng muốn được sớm nhìn thấy những cây thuốc sớm trở thành những chai thuốc thần dược, ngọt ngào dễ uống dễ tìm khi mắc bệnh.
    Vạn sự khời đầu nan. Cực khổ vất vả vô cùng, khi một thân một mình anh trên chiếc xe 67 cũ mêm chạy hết đồi nọ, ngọn dốc kia để tìm lá thuốc. Có ngày anh bỏ xe vô bụi rậm phủ cỏ lại đánh dấu rồi lội bộ vào rừng. Tìm được cây thuốc về, anh lại hì hục băm, sắc, sao chế theo cách dạy trong sách anh đã đọc.
    Có khi anh thức trắng đêm để đọc cho xong một cuốn tư liệu về cách bào chế thuốc mà anh mượn từ ai đó. Ngày thì tới nơi thi công, chỉ đạo từng phần việc cho bộ phận xây dựng khu xưởng bào chế thuốc.
    Quốc Trung hầu như không mấy khi được nghĩ ngơi. Người anh gầy tọp hẳn và đen nhẻm.
    Trừ đôi mắt ngời sáng và bờ môi khinh bạc luôn chực sẵn nụ cười, nếu không thì ai nhìn ra anh nữa.
    Bà Nga phải kêu lên:
    – Làm gì thì cũng cần nghỉ ngơi chứ con. Coi chừng khi hoàn tất công việc, con lại đổ gục vì bệnh đấy.
    Cũng chính bà phải giận dỗi, rồi dùng quyền làm cô để buộc anh mỗi ngày phải về nhà ăn cơm tối. Quốc Trung không dám để cô buồn, anh đành nhăn nhó chấp nhận.
    Cha con ông Triệu lên Buôn Mê Thuột thì trời đã chạng vạng tối, ông Triệu nghe bồi hồi trong trong lòng. Mới đấy mà đã mười lăm năm, cũng vào một đêm tối trời mùa hạ, trung tuần tháng bẩy như thế này, ông đã bỏ mảnh đất quê cha máu thịt này để cùng bà Loan đi tìm hạnh phúc mới trong Sài Gòn hoa lệ.
    Hạnh phúc trượt khỏi tay ông ngay từ khi Ngọc Nhi vừa tròn ba tuổi và Nam Hưng thì mới vừa biết bò, lật ngửa nơi nền nhà, bà Loan đã không đem lại niềm vui cho một mái gia đình. Không khí trong ngôi nhà nhỏ của ông lúc nào cũng nặng nề, u ám xen lẫn tiếng khóc đói bụng, khát sữa của hai đứa con khờ dại và bà Loan mải mê với những cây bài tứ sắc triền miên.
    Ngày tháng trôi đi, ông đau đớn trong tội lỗi ngày xưa để không dám trở về khi cha mẹ ông nằm xuống, những nghĩ sẽ là chấm hết vĩnh viễn cho một cuộc đời tha Phương, không cội nguồn quay lại. Vậy mà ...
    Ông Triệu thở dài. Hai mươi năm nay, dấu vết vùng rừng hoang dã gò ghề đất đỏ của một làng quê nghèo đã hoàn toàn đổi khác. Nếu không có người em gái vị tha của ông chắc ông chẳng thể nào ngờ. Căn nhà nhỏ của ông ngày xưa bây giờ trở thành ngôi biệt thự xây theo lối cổ, vừa còn tính hoang dã với một nửa là nhà sàn, vườn cây hoa lá, một nửa xây theo kiểu mới hiện nay.
    Bà Nga vẽ đường cho ông đi. Xuống xe, ông Triệu muốn đi bộ về nhà, tiện thể nhìn quang cảnh thành phố. Ngọc Nhi không chịu, cô gái than mệt và chỉ muốn nghỉ ngơi một. Một ngày ngồi xe, lên dốc xuống đèo, chưa đi xa thế bao giờ mệt là phải.
    Nam Hưng kêu xe ôm. Nghe cậu nói địa chỉ nơi cần đến, anh tài xe ôm cười cởi mỡ:
    – Bác và hai em đây là gì của bà Nga vậy?
    – Dạ, người nhà. - Hưng đáp gọn.
    Anh tài xế vẫn nhanh miệng:
    – Bà Nga coi vậy mà giỏi lắm đó bác. Một tay bà Nga vừa trông nom trang trại cà phê, vừa mua đất trồngtiêu. Năm rồi, tiêu được mùa, bà Nga cũng thu được khá lắm. Ở đây ai cũng biết tên tuổi của bà hết. Đã vậy, bà còn hay giúp đỡ những người nghèo khó.
    Ngọc Nhi vui vẻ:
    – Chú ở gần nhà cô cháu ạ?
    – Vợ tôi phụ bà Nga coi phần sơ chế trà, bà trồng nửa mẫu trà xuất khẩu.
    Chúng tôi ngoài Bắc vô đây làm kinh tế mới. Gặp lúc gia đình khó khăn, bà Nga giúp đỡ y như con cháu vậy.
    Anh khoe thêm:
    – Cậu cháu trai của bà Nga học trên Sài Gòn đậu bác sĩ gì đó, bây giờ về đây mở công ty bào chế các loại được phẩm. Nhà bà thiệt có phước.
    Ông Triệu im lặng nghe, tự day dứt lương tâm của mình.
    Trong khi Ngọc Nhi như quên mất mệt mỏi, cô bé tò mò:
    – Công tỳ đã xây dựng chưa chú?
    – Xong cả rồi. Coi như cậu Trung lầm lì vậy mà giỏi ghê. Vợ tôi khoe, bà Nga sắp làm lễ khánh thành công ty. Chắc là lớn lắm. Nghe đâu bà còn đợi người anh thất lạc mấy chục năm, ba của cậu Trung, họ gặp nhau rồi. Ổng lên là cậu Trung làm lễ ngay. Chắc ông và hai em là khách mời của cậu Trung phải không ạ?
    Ngọc Nhi hờ hững:
    – Dạ phải.
    Cô không nói chuyện nữa, khi ngó lại thấy nét mặt của ông Triệu buồn rười rượi. Ba lại mặc cảm nữa rồi. Khổ vậy. Chị em cô háo hức về quê nội bao nhiêu thì ba cô lại buồn rầu, xót xa bấy nhiêu. Lỡ rồi, nếu ông bà nội còn sống, nếu mẹ anh Hai còn, hẳn ai cũng sẵn sàng tha thứ cho ba cô thôi. Nước chảy về nguồn, lá rụng về cội. Ai nỡ dằn vặt mãi lỗi lầm của con cái mình khi lỗi ấy mắc phải lúc tuổi còn bồng bột, ham vui ... Bây giờ không phải ba cô đang trả giá cho sự sai lầm của ba mình đấy sao. Còn đang nghĩ ngợi, Ngọc Nhi thấy xe dừng lại trước một cánh cửa sắt. Cô ngỡ ngàng và rụt rè trước vẻ bề thế của ngôi nhà.
    Tiếng anh tài xe ôm nói:
    – Giờ này chắc bà Nga mới từ trong trang trại về thôi. Cậu bấm chuông đi!
    Nam Hưng chờ chị trả tiền xe, và anh lái xe quay ngược lại con đường cũ.
    Nam Hưng bước tới nhấn vô chiếc nút đỏ.
    Ngọc Nhi thấp thỏm hơn cả cha và em trai, cô nhón chân để nhìn vào khung sắt nhỏ phía trên. Thấp thoáng bóng bà Nga bên ban công lầu. Cô bé mừng quýnh, hét lên:
    – Cô ơi! Con là Ngọc Nhi nè! Cô ra mở cửa cho con đi!
    Tiếng Ngọc Nhi vang lên lanh lảnh khiến Nam Hưng phải nhăn nhó.
    – Chị kỳ thấy mồ, làm gì mà um sùm thế, trước sau gì cũng có người ra mỡ cửa thôi.
    Ngọc Nhi cười trừ:
    – Tại chị nôn quá à.
    Câu nói vừa dứt thì một người đàn bà trạc ba mươi, ba lăm tuổi đã mở cổng cùng lời nói nhẹ nhàng:
    – Bác và cô cậu có việc chi cần gặp bà chủ à?
    Ông Triệu gượng cười:
    – Phải đây là nhà cô Nga không cô?
    – Dạ phải! Bác với bà chủ ...
    Người đàn bà còn đang tìm lời để hỏi thì từ trong nhà, bà Nga đã vội vàng bước ra, mừng rỡ:
    – Anh Hai! Phải anh Hai và hai cháu không? Mấy bữa nay em và thằng Trung cứ trông mãi. Vô nhà đi anh.
    Cô kéo tay Ngọc Nhi mắng đùa:
    – Vừa nghe tiếng con Nhi, cô đã mừng quýnh cả lên, ngỡ là mình lầm chứ.
    Sao không gọi điện thoại báo cho cô biết, để cô ra đón. Mấy cha con đi bộ vô đây à?
    Ngọc Nhi láu táu:
    – Tại ba con muốn bất ngờ lên, cô và anh Hai mới mừng. Con mệt muốn chết, đi bộ không nổi, ba con đành nhượng bộ kêu xe ôm. Anh Hai con đâu hả cô?
    Bà Nga kéo tay Nam Hưng:
    – Con để đồ xuống đây đi. Rồi cô kêu người dọn phòng cho con ở. Sao im lặng vậy, con buồn à?
    Nam Hưng cười cười:
    – Chị Nhi giành nói giùm con và ba rồi. Để chị nói, kẻo lại cằn nhằn nữa.
    Con không ngờ trên này đẹp không thua Sài Gòn. Thích thật đấy.
    Bà Nga vui vẻ:
    – Còn nhiều cái khác Sài Gòn nữa. Bữa nào con rảnh, con vô trang trại cho biết, chưa chừng con hết muốn về đấy.
    Ngọc Nhi bĩu môi:
    – Cô đừng nghe nó phinh nịnh. Lên đây mà không có em út, nó sẽ buồn như bầu trời không ánh sáng đó cô.
    Nam Hưng tỉnh bơ:
    – Chị mơ ngủ nên có nhìn thấy gì đâu. Đảm bảo rừng này, em út ngon lành hơn hẳn Sài Gòn mình.
    Ngọc Nhi lưỡi:
    – Chưa gì mà khoác lác. Mấy cô bạn lớp 10A5 của em mà nghe được, coi chừng em cụp lưng đó.
    – Còn khuya?
    Ông Triệu nhăn mặt:
    – Hai đứa hay ghê, ai lại cãi nhau khi mới đến đầy làm khách. Đừng để người ta cười chứ! Ngọc Nhi rụt vai:
    – Con xin lỗi. Tại vui quá, con chỉ đùa em Hưng chút thôi.
    Bà Nga từ trên lầu đi xuống:
    – Em đã cho người dọn phòng. Anh và hai cháu đưa hành lý lên trên, tắm rửa cho khỏe rồi ăn tối luôn.
    Ông Triệu do dự:
    – Quốc Trung không ở nhà hả em?
    Bà Nga cười cười:
    – Nó cũng sắp về tới rồi. Suốt ngày nó cứ bận rộn với công việc, chỉ về nhà buổi tối thôi.
    – Công việc của cháu nó tiến triển suôn sẽ cả chứ em?
    – Dạ, căn bản đã hoàn tất phần xây dựng, lắp ráp máy móc. Quốc Trung nôn lắm. Nó đã thí nghiệm thử một mẻ các cây thuốc nam mà nó tìm được, về cũng phơi phóng rồi cho vô máy ép nước, đem cất thành nguyên liệu để dùng. Loại thuốc xoa bóp nhằm điều trị bệnh đau nhức xương đấy anh. Không ngờ vừa rẻ vừa tiện lợi, dễ sử dụng, lại có công hiệu nữa. Thằng nhỏ mừng phát khóc khi thành công.
    Bà Nga khoe với ông Triệu. Vừa lúc, dưới sân có tiếng xe máy nổ giòn rồi tắt hẳn.
    Bà Nga bảo:
    – Quốc Trung về đấy. Anh và hai đứa nhỏ cứ ở đây đợi em một lát, chúng ta thử dành cho nó một bất ngờ coi sao.
    Quốc Trung kêu lớn:
    – Cô ơi! Cô đầu rồI? Xuống ăn cơm đi cô, cháu đói bụng muốn xỉu rồi đây nè. Cô có nghe thấy không cô?
    Bà Nga đỏng đảnh:
    – Coi con kìa? Con trai lớn tồng ngồng rồi mà kêu đói y như con nít vậy. Ai nghe được phải khổ không?
    Quốc Trung trợn mắt:
    – Cô nói lạ thì có! Đói thì con kêu là đói, có vo tròn bóp méo gì đâu, sao lại sợ khổ khi người ngoài nghe chứ? Con không hiểu ý cô muốn nói gì?
    Bà Nga cười tủm tỉm:
    – Khổ đây là khổ bị ê sắc ế đấy con ạ. Con gái đã là chúa ăn vặt, ăn nhiều.
    Gặp con ham đói, ham ăn nữa, ai mà biết thì làm sao dám quen con?
    – Hiểu ý cô Nga, Quốc Trung phì cười:
    – Chuyện nhỏ cô ơi! Tại cháu chưa thích đó thôi. Con gái đúng là rắc rối phức tạp lắm, quen sớm chỉ khổ sớm mà thôi. Cháu lại thích được cô thương và chăm lo lại cho cô, vậy là khỏe thôi. Chứ cháu bây giờ muốn lấy vợ lúc nào lại không được. Cô đừng lo cháu bị ế, nói vậy là làm mất giá của cháu đó.
    Anh cười vui vẻ, định ôm vai bà Nga xuống phòng ăn thì một bàn tay từ phía sau bịt chặt lấy mắt anh. Bàn tay của con gái, khiến Quốc Trung ngơ ngác:
    – Trời đất! Ai vậy cô? Cô vừa cảnh cáo cháu coi chừng bị con gái chê, sao bây giờ ở đâu ra con gái trong nhà mình vậy cô?Ai vậy, buông ra đi!
    Ngọc Nhi nhéo vai anh, môi cô bé cong lên:
    – Là em nè anh Hai. Kinh khủng ghê, chưa gì đã lên mặt ông chủ.
    Quốc Trung nhăn nhó:
    – Ngọc Nhi à! Lên khi nào gì nhóc con? Ba và Nam Hưng đâu?
    Nam Hưng điềm đạm:
    – Em đây anh Hai. Cũng vừa tới được một chút thôi, ba đang tắm trên phòng.
    Quốc Trung xuýt xoa:
    – Nhóc con này, móng tay nó sắc quá. Dám bầm thịt anh Hai mất rồi.
    Nam Hưng tưng tửng:
    – Anh thông cảm giùm, mấy bà con gái chi nhờ vào mười đầu móng tay của mình để hộ thần đó thôi, nên em sợ quá không dám quen nhỏ nào có móng tay dài cỡ như chị Ba. Giận lên cũng ngát, vui thì nhéo, rách thịt người ta mà cứ tỉnh bơ.
    Ngọc Nhi cung tay:
    – Phải vậy không đó? Cẩn thận cái miệng kẻo khổ cái thân đó cậu Út à.
    Quốc Trung cười vui, choàng tay qua vai em gái:
    – Thi cử sao rồi Nhi.
    Ngọc Nhi ngơ ngác:
    – Ủa! Ba biểu gọi điện báo tin cho anh và cô Ba mừng mà. Ba chưa nói gì sao?
    Quốc Trung nói:
    – Mấy ngày nay anh đi suốt. Công việc chất cao hơn núi. Về được tới nhà ăn được chén cơm xong là lăn đùng ra ngủ như chết. Anh không nghe cô nói gì.
    Ngọc Nhi cười bẽn lẽn:
    – Em đậu được hai trường đại học lận, nhưng em phải chờ ý kiến của anh Hai. Sư phạm và Xây dựng, ngành nào em cũng thích cả, nên không biết chọn trường nào. Anh Hai có thể góp ý giùm em.
    Quốc Trung phì cười:
    – Vậy thì học luôn cả hai trường đi.
    Ngọc Nhi xòe tay ra:
    – Học thì học, em đâu có ngán gì ai. Nhưng căn bản đây là tài chính kìa. Anh tài trợ hả?
    Quốc Trung vui vẻ:
    – Việc lo cho hai đứa ăn học bây giờ là phần của anh. Nhưng theo anh, con gái học sư phạm là lý tưởng rồi. Toán, lý, hóa hoặc ngoại ngữ. Sau này ra trường vừa dạy vừa lo cho gia đình. Còn nghề xây dựng muốn giàu thì phải đi nhiều phải dám làm. Còn học xong ngồi bàn giấy thì chẳng thà em làm giáo viên còn khỏe hơn.
    Nam Hưng cười cười:
    – Anh Hai ơi! Bà Nhi nhà mình tướng thì yểu điệu thục nữ, chứ học các môn tự nhiên khô như đá sỏi thì thuộc vào hàng cao thủ, siêu đẳng luôn. Em cũng khuyên chị Ba nên đi học sư phạm toán, lý đi, nhưng chị Ba vẫn chưa chịu.
    Ngọc Nhi cắn môi:
    – Tại chị muốn hỏi thêm ý kiến của anh Hai, ba và cô chớ bộ. Nhưng em sẽ học Anh văn vì em thích môn này, làm giáo viên dạy môn toán khó tính lắm.
    Mấy anh em cười vui vẻ. Ông Triệu cũng vừa xuống, cha con ôm nhau mừng rỡ. Bữa cơm tối ấy, nhà bà Nga ăn muộn hơn mọi ngày cả hơn tiếng đồng hồ.
    Nhưng bữa cơm hôm nay vui vẻ và ngon miệng nhất từ trước đến giờ của bà Nga. Bà rất vui mừng và sưng sướng khi anh em cùng đoàn tụ.
    􀃌 􀃌 􀃌 – Con đang làm gì đó vậy Phương Đông?
    Đang loay hoay quét dọn căn phòng của Minh Thiên, nghe tiếng mẹ, Phương Đông ngừng tay, quay lại:
    – Mẹ! Sao mẹ nói là mẹ đi công chuyện với ba con?
    Bà Như Nguyệt tủm tỉm:
    – Mẹ cũng định đi. Nhưng nghe ba con nói phải vô nhà hàng ăn nhậu với khách hàng mà lại là người ngoại quốc nữa, mẹ ngại lắm. Chỗ đàn ông nhậu nhẹt với nhau, có mình xen vô thì cũng kỳ lắm.
    Phương Đông nheo mắt:
    – Mẹ nghĩ thế là sai rồi đấy. Bây giờ mốt của mấy ông giám đốc, đi đâu cũng thích có vợ đi chung cho vui. Ông nào mà có vợ xấu và già thì tìm cách rủ cô thư ký đi chung. Mẹ mà để ba đi như vậy, sau này có chuyện gì mẹ lại ngồi đó buồn cho mà coi.
    Bà Như Nguyệt cười xòa:
    – Ôi! Mẹ già rồi, đâu còn ham hố gì ba cái việc tiệc tùng ấy nữa. Ba con mà có tính hào hoa rồi thì có cột chân ổng ở nhà cũng không thể nào giữ nổi trái tim của ổng đâu. Mẹ để kệ cho ổng được tự do, cũng là biết tự bảo vệ hạnh phúc gia đình chứ bộ. Sao con không ngủ trưa,mà dọn dẹp chi vậy?
    Phương Đông vui vẻ và trầm giọng:
    – Con không buồn ngủ, tự nhiên con nhớ đến Minh Thiên quá nên chạy sang sửa soạn, dọn dẹp lại căn phòng cho nó. Mẹ ơi! Hình như ở đây có nhiều thay đổi. Con nhớ lúc con còn bệnh, nhà mình có một người nữa hay ở phòng em con, và hay sang phòng con nói chuyện lắm, phải không mẹ?
    Bà Như Nguyệt dè dặt:
    – Ừ. Nhưng cậu ấy đã không còn ở đây nữa rồi.
    Phương Đông nhăn trán:
    – Người này tốt lắm. Hay cho con bánh kem và dạy con đánh đàn, cả vi tính nữa. Sao bây giờ con khỏi bệnh thì người ta dọn đi? Con cứ nghĩ người ta là em mình nên nhiều lúc con đánh anh ta bầm mặt, vì những móng tay dài của con.
    Giá như bây giờ có mặt anh ta ở đây, con phải xin lỗi và hỏi xem những lúc ấy con đã làm những chuyện gì. Chắc là toàn chuyện buồn cười lắm.
    Bà Như Nguyệt gặng hỏi:
    – Con muốn gặp cậu ấy thật à?
    – Dạ. – Phương Đông mơ màng – Con thích kết bạn với anh ta. Tại sao lúc mới mất trí nhớ thì ảnh ở bên cạnh con, bây giờ con khỏi rồi thì không gặp được ảnh nữa? Chả lẽ con không xứng đáng để gặp mặt anh ta.
    Bà Như Nguyệt trầm giọng:
    – Cậu ấy đi vì biết con đã khỏi bệnh. Công việc của cậu ấy là tìm ra thuốc để chữa bệnh cho mọi người. Nếu con muốn, hai ngày nữa ba mẹ sẽ cho con đi chơi xa, con sẽ gặp cậu ấy.
    Ánh mắt Phương Đông sáng long lanh, cô ôm vai mẹ:
    – Mẹ nói thật hà mẹ? Tại sao không đi ngay ngày mai mà con phải chờ đến hai ngày nữa? Con sẽ mầt ngủ vì nôn nóng đấy.
    – Mẹ cấm con không được nhịn ăn, nghe không Đông? Quốc Trung mà biết con nhịn ăn, cậu ấy cũng không thích đâu. Phải hai ngày nữa để ba con thu xếp công việc ở công ty rồi mới đi được. Vì Quốc Trung ở tận trên Cao nguyên lận.
    Không đi thì thôi, đã đi lên trên đó rồi, thì phải ở lại đó dăm ngày. Bởi đó cũng chính là mảnh đất ngày xưa mà mẹ đã sống một thời. Nên bây giờ mẹ muốn tiện thể về thăm chốn xưa.
    Phương Đông ngạc nhiên:
    – Thế sao bấy lâu mẹ không về thăm? Con cũng không bao giờ nghe ba mẹ nhắc đến vùng Cao nguyên là sao?
    Bà Nguyệt điềm tỉnh:
    – Tại mẹ không có thời gian giành cho riêng mình, con gái ạ. Nếu không vô tình gặp được Quốc Trung chắc mẹ quên luôn mảnh đất ấy rồi.
    Phương Đông lẩm bẩm:
    – Quốc Trung, chắc là nhìn anh ta mảnh mai và thư sinh lắm phải không mẹ?
    Bà Như Nguyệt bật cười:
    – Trái lại, Quốc Trung thuộc mẫu người đàn ông có ngoại hình đủ khiến con gái khối cô ngẩn ngơ mơ ước.
    Phương Đông tò mò:
    – Vậy sao ba mẹ lại dám giao con gái mình vào tay một gã hào hoa, trong khi con gái của mẹ dỡ điên dỡ dại thì cũng vẫn là một đứa con gái? Hay anh ta là chỗ quen biết cũ với nhà mình?
    Bà Như Nguyệt thật tình:
    – Thoạt gặp, mẹ đâu biết cậu ta là ai. Sau này mới biết mẹ của Quốc Trung và ba mẹ là chỗ bạn bè quen biết cũ. Quốc Trung lạnh như tảng đá băng ấy. Nó mặc cảm thân phận và không thích con gái. Khối đứa con gái nhà giàu theo khiến nó phải trốn đấy.
    Và bà kể cho Phương Đông nghe buổi đầu vô tình gặp Quốc Trung.
    Phương Đông cười khúc khích:
    – Vậy mà anh ta lại chịu gần đứa con gái điên, tính khí bất thường, chịu làm em trai của con một cách thiệt ngoan ngoãn. Đúng là ngộ thật Mẹ càng khiến con thấy tò mò về người này rồi.
    Bà Như Nguyệt nạt cười:
    – Con khỏe lại, mẹ mừng lắm. Công đầu này phảI kẻ đến Quốc Trung không ít. Nếu không có cậu ấy chắc mẹ đành gởi con vô bệnh viện tâm thần rồi. Liệu uống thuốc vô để khi gặp Quốc Trung nói năng cho chuẩn mực. Người nghèo họ giàu tự trọng. Đó là lý do mà anh Hai con đã xúc phạm Quốc Trung khiến nó ra đi. Đồ đạc nó còn bỏ lại y nguyên trong phòng con.
    Phương Đông nhoẻn cười:
    – Con biết rồi. Mẹ nói nhiều quá, con ứ uống thuốc nữa đâu. Thuốc nhìn thôi con cũng đủ sợ rồi.
    Bà Như Nguyệt tỉnh bơ:
    – Không uống thuốc thì khỏi đi Buôn Mê Thuột khỏi gặp, Quốc Trung.
    Phương Đông tròn mắt:
    – Eo ơi! Xa vậy sao? Vậy thì con tuân lệnh mẹ một trăm phần trăm. Nói gì thì giữ lời đó nghe mẹ.
    Bà Như Nguyệt mĩm cười, bà quay ra cửa bảo Phương Đông:
    – Về ngủ đi con. Giấc ngủ quý hơn ba liều thuốc đấy, con gái.
    Phương Đông chợt nhăn mặt, khi nghe tiếng cười nói khúc khích vọng lên từ dướI lầu. Phương Đông níu tay mẹ:
    – Mẹ nên cho bà Phương nghỉ đi, con đâu còn có bệnh gì để cần tới bà.
    Bà Như Nguyệt tư lự:
    – Chuyện này, mẹ không hề thuê mướn Mai Phương. Do Minh Khang đưa về. Khi ấy, con vừa nhớ lại được quá khứ. Con còn yếu, thêm nữa Minh Khang cũng mới về nước. Mẹ không muốn thêm ồn ào, nên cũng đồng ý để Mai Phương tới giúp con mỗi ngày.
    Phương Đông bĩu môi:
    – Con nghĩ bà Phương thích quấn quýt chăm sóc cho anh Khang thì đúng hơn. Đôi khi con nghi ngờ bản thân của Mai Phương, chị ta đẹp và tướng tá không thuộc dạng nghèo khổ.
    Bà Như Nguyệt thở dài:
    – Mẹ cũng nghĩ như thế. Hay Mai Phương muốn gì ở gia đình mình? Để thủng thẳng sau chuyến đi này về, mẹ sẽ nói để anh Hai con biết.
    – Tùy mẹ. Nhưng con thật tình không muốn thấy Mai Phương ở trong nhà mình nữa đâu.
    Thà chị ta cực khổ, phải đi làm để nuôi sống bản thân. Đằng này, lúc nào chị ta cũng chưng diện xài toàn dầu thơm và mỹ phẩm đắt tiến nữa.
    Câu chuyện giữa hai mẹ con tưởng chỉ dừng lại đó. Ai ngờ, buổi chiều khi ngủ dậy, Phương Đông đã nổi sùng lên khi gặp Mai Phương đang lục lọi đồ nơi phòng của Minh Thiên.
    Tay Phương Đông run lên, mặt cô nóng hừng hực:
    – Tại sao chị lại vô phòng của em trai tôi lục đồ?
    Mai Phương biến sắc mặt khi nhận ra nét mặt giẫn dữ trên khuôn mặt Phương Đông. Phải cố gắng lắm, Mai Phương bình tỉnh nói:
    – Hôm qua, anh Khang lấy của tôi cuốn sổ. Tôi hỏi thì anh ta nói để bên phòng này.
    Mai Phương nói dối thật trơn trẽ.
    Phương Đông tiến tới, kéo tay Mai Phương thật mạnh:
    – Chị ra khỏi đây mau? Nếu không, tôi kêu người làm đuổi chị.
    Mai Phương kênh mặt:
    – Cô dám không? Nên nhớ, tôi đến đây là do Minh khang. Mẹ cô còn không có quyền đuổi tôi kia ...
    Phương Đông giận điên lên:
    – Tại sao tôi lại không dám? Chị là người được anh Hai tôi thuê đến để trông nom tôi chứ không phải để lục lọi đồ trong phòng người khác. Nhất là phòng em tôi. Nó đã chết!
    Mai Phương không vừa:
    – Cô nghĩ tôi khoái lục đồ người chết lắm à? Tìm tiền ư? Xin lỗi nha! Tôi cóc cần tiền của nhà cô, cái tôi tìm là thứ khác, của người khác.
    Phương Đông hét nhỏ:
    – Tôi thừa biết mưu đồ của chị, chỉ do anh trai tôi xa Việt Nam lâu quá nên dễ tin người.
    Bĩu môi thật đỏng đảnh, Mai Phương cười khẩy:
    – Rõ là điên! Khéo tưởng tượng! Cỡ anh trai của cô có xách giầy tôi chưa xứng đâu. Tôi chỉ muốn vô đây để tìm đồ của người khác.
    – Bà dám chửi tôi?
    – Sao không!
    Phương Đông tức quá, cô la lớn:
    – Mẹ ơi, lên coi nè, có người ăn trộm trong nhà nè!
    Mai Phương sựng người. Cô không nghĩ Phương Đông lại nói được như thế.
    Dù rõ ràng có hay không, Phương Đông cũng bắt gặp cô đang lục lọi trong phòng Minh Thiên. Mà vô nhà người ta lục đồ nếu không ăn cắp thì lục đồ để làm gì?
    Nghĩ đến lát nữa đây Minh Khang gặng hỏi, Mai Phương đâm liều:
    – Con quỷ nhỏ! Mày dám vu khống cho tao nè!
    Miệng nói, tay Mai Phương quơ tay tới cào đại vào mặt Phương Đông. Dù mới khỏi bệnh, Phương Đông cũng không phải loại yếu ớt. Bình thường cô nổi tiếng bướng bỉnh nhầt nhà, nhất nhóm. Bây giờ, như thế Phương Đông tức run người lên cô nhếch môi:
    – Đừng nghĩ dễ ăn hiếp tôi nha!
    Hai cái tay liên tiếp giáng xuống mặt Mai Phương.
    Mai Phương ôm mặt:
    – Tao chưa từng bị ai đánh, dù chỉ là một tát nhẹ. Hôm nay mày dám động đến tao là mày tới số rồi.
    Phương Đông cong môi:
    – Chị làm gì được tôi mà hù chứ? Cô gái đẹp như chị, đến nhà người ta tự nhiên lục lọi đồ đạc hỏi còn tư cách không? Đúng là thứ con gái không ra gì?
    Mai Phương lì lượm:
    – Tao đã nói rồi, ba mớ đổ trong phòng của thằng nhãi con đã chết, cho tao, tao cũng không thèm. Đừng nói mất công tao lục lọi. Tao chỉ muốn lục để tìm đồ của Quốc Trung, người yêu của tao thôi, Mày có hiểu chưa?
    Phương Đông ngạc nhiên, vừa nghi ngờ:
    – Quốc Trung à? Tại sao chị lại biết ảnh? Và đồ nào của ảnh để lại đây chứ?
    Mai Phương kênh mặt:
    – Quốc Trung là người yêu của tao. Tao không biết ảnh, chả lẽ mày biết? HỏI lảng nhách thế mà cũng hỏi được. Nói mày điên là quá đúng cho mày rồi. Đồ gì thì mặc kệ người ta tìm, mắc gì đến mày.
    Phương Đông đang tính hỏi nữa, thì bà Như Nguyệt và mấy người làm trong nhà chạy lên.
    Thấy mặt Phương Đông bị vết cào rướm máu, bà Như Nguyệt cuống quýt lên:
    – Phương Đông! Mặt con sao thế? Ai ăn trộm chứ?
    Phương Đông xụ mặt:
    – Bà quỷ này cào chứ ai. Bà ta tự tiện vô phòng của Minh Thiên lục lọi tùm lum. Con thấy lạ vô hỏi, bà ta còn không biết lỗi mà còn cự lại với con nữa.
    Bà Như Nguyệt lạnh giọng:
    – Sự thật đúng thế chứ Mai Phương?
    Mai Phương gật đầu, bình thản:
    – Đúng vậy! Lỗi do con bà gây ra. Tự dưng vu khống cho tôi vô phòng ăn trộm. Bà nhìn thử xem, tôi có giống phường đạo chích không?
    Bà Như Nguyệt giận dữ:
    – Cô thật quá quắt! Dù cho Phương Đông con gái tôi có nói gì sai đi nữa, cô cũng không được đánh nó như thế. Đằng này, lỗi rành rành nơi cô, cô còn đánh con tôi như vậy. Cô muốn gì trong căn nhà tôi hả?
    Mai Phương quắc mắt:
    – Tôi chẳng muốn bất cứ cái gì trong nhà mấy người cả, bà yên tâm đi. Thứ tôi chỉ muốn là đồ của Quốc Trung.
    Bà Như Nguyệt cau mày:
    – Đồ của Quốc Trung? Cô biết cậu ấy? Hèn gì cô rành rẽ về gia đình tôi cũng phải. Cô biết câu ta không ở đây nữa, cô mới vô được. Tại sao lại nói tìm đồ của cậu ta? Nếu muốn, Quốc Trung có thể về đây bất cứ lúc nào cũng được. Tôi không tin cậu ấy phải nhờ cô.
    Mai Phương xụ mặt:
    – Bà nói đúng? Vì tôi yêu anh ấy, tôi muốn biết bây giờ anh ấy đang ở đầu.
    Tôi hy vọng sẽ tìm thấy địa chỉ của anh ấy ở Buôn Mê Thuột mà anh ấy đã ghi đâu đó trong sổ sách, nên tôi tìm. Tôi đâu phải con nhà hèn mọn.
    Bà Như Nguyệt thoáng ngỡ ngàng. Một chút thương hại dâng lên trong tim làm mẹ của bà.
    Thêm một mối tình đơn Phương nữa, và cô gái này không được Quốc Trung yêu.
    Bà nhẹ lắc đầu:
    – Cô không cần phải thanh minh nhiều. Tôi đã nghi ngờ thân phận cô ngay từ đầu khi cô đến đây. Nhưng do công việc trong gia đình tôi dạo này lu bu quá, phần lại thấy cô không có hiện tượng nào đáng nghi ngờ, tôi đã bỏ qua. Lẽ ra ta phải trừng tội cô dám đánh con gái tôi.
    Nhưng cô đáng tuổi con cháu, lại phận đàn bà cả tôi không muốn thấy cô thất vọng chút nào.
    Quốc Trung là chàng trai giàu tình cảm. Cô yêu cậu ta, cô có thể lên Cao nguyên tìm cậu ấy, và nói để cậu ấy hiểu tình cảm của mình. Biết đâu nhờ vậy cậu ta sẽ yêu cô.
    Mai Phương chớp mắt rầu rĩ:
    – Cám ơn bà đã tha thứ và dạy bảo. Rất tiếc anh Trung không yêu tôi. Trước kia tôi còn chút hy vọng. Bây giờ cha mẹ tôi đã đập đổ niềm hy vọng mong manh của tôi, và ảnh rất hận cha mẹ tôi. Tôi khổ lắm, tôi chỉ muốn chết mà thôi.
    Phương Đông ngẩn ngơ. Tại sao phải chết vì một gã đàn ông lạ hoắc chứ?
    Phương Đông chưa yêu ai, cô không có khái niệm rõ nét về tình yêu là gì cả.
    Giọng bà Như Nguyệt mềm lại:
    – Ngày mai, tôi gặp Quốc Trung, tôi sẽ nói giùm Cô.
    Mắt Mai Phương sáng lên:
    – Bà đi Cao nguyên à?
    Bà Như Nguyệt thành thật:
    – Gia đlnh tôi về thăm bạn bè cũ trên ấy, tôi nghĩ tôi sẽ có cơ hội gặp cậu Trung.
    – Minh Khang đi cùng bà ư?
    Bà Như Nguyệt lắc đầu:
    – Minh Khang phải ở nhà, công ty không thể một ngày không có chủ. Cô muốn nhắn gì thêm thì viết thư tôi sẽ chuyển giùm.
    Mai Phương cảm động:
    – Cháu cám ơn bác. Để cháu suy nghĩ lại đã, có gì cháu sẽ nhờ bác sau.
    Vừa lúc ấy, Minh Khang về tới. Anh gọi Mai Phương inh ỏi khiến mọi người đều nhìn nhau rồi bỏ đi.
    Bà Như Nguyệt thở dài, lẩm bẩm:
    – Con bé này ...chả lẽ nó là con gái ông Thịnh? Đúng rồi, chỉ có ông bà Thịnh mới khiến Quốc Trung hận thôi. Minh Khang thân mật với Mai Phương quá, liệu có xảy ra tiếp một cuộc tình đơn Phương nữa không đây? Minh Khang không là Quốc Trung, nó cũng không đủ can đảm được như cô gái này. Nếu yêu rồi nó sẽ khổ nữa. Nhưng bà không thể nói trước được điều gì khi Minh Khang chưa lên tiếng.
    Buốt cả lòng, khi nhìn gò má nhịn màng của con gái tím ngắt, rớm máu, bà chỉ còn biết thở dài.
    

Xem Tiếp Chương 10Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)

Vẫn Mãi Yêu Anh
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Đang Xem Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh