Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Cá Voi Trầm Sát Tác Giả: Mai Ninh    
Vức Nắng

    Mười giờ sáng, trời mùa đông mà chang chảng nắng, nắng cháy rức, nắng xoá bạc lòng mắt người đàn bà đang đứng đầu giường nhìn tôi cướn người dưới hai cánh tay Danny vồng bắp thịt. Tôi ngoái cổ, người đàn bà không hề giật mình trong khi tôi rú lên mỗi lần thằng Danny dùng hết sức thúc tôi xuống đáy ngục. Người đàn bà gật gù theo mười tiếng kính coong giục giã cầu hồn rồi lại thẳng người lên. Chắc chắn bà ta đang lạnh lắm. Tấm áo lụa mỏng dính làm sao đương cự trận gió bắc thổi qua đây, đã cắt rụng tứ chi tôi khi bước khỏi ngáng cổng sơn chữ thập, thất thần lớ ngớ đứng chựng ở lề đường. Vậy mà Danny đang đổ mồ hôi hột, mấy giọt từ thái dương nhỏ xuống nóng hổi. Chúng rơi trúng miệng tôi, giữa hai môi, nồng, mặn, đắng, chát, hôi tới muốn nôn thốc. Nhưng không oẹ ra được, tôi giơ tay níu cần cổ Danny, trườn người. Bà ta hẳn đang chuồi cái nhìn theo ngực và bụng tôi cong tướn. Ừ, đã vậy để cho xem, tôi đẩy thằng con trai lên, chùn người như con trùng và xoè lưỡi ra lách, liếm, lần từ núm ngực Danny xuống giữa hai đùi. Sao phần thịt nào của hắn cũng rực lửa trong khi tôi lạnh cóng. Da hắn nhờn nhẫy, chất bợn trong ruột tôi lại túa lên cổ. Thế mà chiếc lưỡi đã đau rát cứ mải mê lau quét. Thằng Danny rên từng tiếng kêu hoảng rồi bất thần quíu lấy chùm tóc, hốc lên thảng thốt. Tôi ngỏng cổ tìm người đàn bà vẫn bất động, mấy ngón tay tím sẫm đang cấu vào song sắt, máu đọng ở đầu. Những nếp nhăn trên mặt đã được trét phấn phẳng lì. Vòm trán trồ ra, mái tóc chải sát rạt túm sau gáy bằng chiếc kẹp đồi mồi to bản. Đôi môi màu hồng bôi quét kỹ lưỡng nhưng sao tai tái. Từ lúc nào chúng mim mỉm lặng thinh? Còn cặp mắt ở đâu? sao tôi không nhìn thấy được. Làm sao để biết bà ta đang long lên giận dữ hay nhắm chặt đau đớn, hay cả là đang nhỏ lệ. Không có gì giữa trán và miệng, một khoảng trống dị kỳ. Nắng càng nhức loá, tung những lưỡi dao sáng loáng đâm xuyên ngang dọc, vung khắp không gian, chém phựt phựt ngang bụng. Tôi hét lên, vùng dậy. Nhưng Danny chưa hả cơn, gầm gừ xốc nách tôi kéo lên, vật sấp, thúc mạnh giữa hai mông. Đau điếng, đành chịu trận. Mà ở vị thế này lại thấy rõ người đàn bà hơn. Mặc kệ gã con trai mài miệt, tôi giơ hai tay về phiá trước cố chụp lấy cánh tay, mẩu đùi hay một bắp chân bà ta. Phải xiết chặt lấy chúng, làm cho bà ta phải bật kêu bất cứ tiếng gì, phải gào la hay mắng nhiếc chửi rủa nhưng không được im lìm. Thằng Danny càng đè lên đáy lưng bao nhiêu thì như cán cân, đầu cổ tôi càng ngóc cao chừng ấy. Tôi moi tìm lòng mắt của bà ta, phải thấy cho được chúng u uẩn hờn trách hay sắc xanh ánh lửa. Thứ lửa hừng hực của lò luyện kim đã bùng lên tràn lan khắp căn phòng, đốt rụi tất cả bàn ghế sách vở, thiêu hủy luôn trần nhà, luôn tường luôn cửa. Nhưng tại sao còn chừa độc chiếc giường này với thằng Danny dằn giã trên lưng và tôi oằn oại thân xác, và bà ta lạnh lùng giám thị? Chụp với bao nhiêu tôi cũng chỉ chạm vào một chất gì mới đầu mơ hồ mềm nhũn rồi hụt hẫng hư không. Cố rún người lên nhưng Danny bị trượt ra ngoài vội tóm lấy vai tôi ghì thụt lại. Tôi càng vùng vẫy, Danny càng điên cuồng húc mạnh. Những lớp màng ẩn kín bị xé rách, những tế bào vỡ toang dưới sức ép, các sớ thịt căng quá mức đứt lìa. Tôi đau đớn thét, khua tay cầu cứu. Người đàn bà bấy giờ bỗng chồm tới. Đây rồi cặp mắt, hai lòng lồi phựt ra ngoài kéo theo mấy sợi gân đen tím. Hai miếng môi run bần bật. Ừ, nói đi, chửi đi, khóc đi, giờ khắc cuối cùng rồi, đừng im lặng nữa. Giơ tay lên, đập xuống đi, gào lên, rồi sau đó bà tha hồ ngậm kín cả thiên thu. Nhưng người đàn bà chưa kịp gập xuống trên tôi thì rầm, trời đất nổ tung, thằng Danny lăn qua rớt đùng cùng lúc một phiến đá nóng như lửa đáp vào mặt tôi. Không gian chao nghiêng, chiếc giường quay mòng với những sợi tóc xám người đàn bà đã sổ tung. Tôi cố mở mắt ra. Hõm má trũng, sống mũi thẳng và cặp môi lúc nào cũng rõ nét của ông ta bỗng hiện ra trong vòng tròn đảo ngược. Có cả bàn tay xoè to, đỏ lừ giận dữ múa may, đè lên khuôn mặt người đàn bà. Choáng váng, bỏng rát, điên đảo nhưng tôi vẫn xoáy vào những vòng tròn lớn nhỏ. Cuối cùng gần kiệt lực tôi mới gặp được hai hũng mắt bà ta, chúng đang từ từ khép lại, giọt nước rạch khoé, long lanh.
    

- o O o -

    Làm sao ngờ khi nó thức dậy, ông ta đã đi rồi. Chụp chiếc áo lên người, tay lắc lắc mấy sợi tóc ngắn, nó ưỡn vai vặn vẹo rồi đi ra bếp. Đâu đó tia nắng nhạt hiếm muộn mùa đông xuyên qua cửa sổ, rọi xuống mặt bàn. Ngạc nhiên, nó dùi dụi trố hai con mắt để khẳng định thêm một lần, mặt phẳng xanh lạnh của chiếc bàn dưới hai lằn sáng nghiêng nghiêng kia thật sự trống trơn. Bình cà-phê trên kệ cũng sạch bong. Không khí thiếu hương thơm nồng buổi sáng thường lệ, tự nhiên xông lên thứ mùi ẩm ướt nộn nạo của các gia vị mắm muối Á châu chất chứa lâu ngày.
    Đồng hồ treo trên tường kính coong mười giờ, chiếc đồng hồ cứ nửa tiếng lại coong coong của ông ta đã từng làm nó khó chịu thời gian đầu. Nó không ưa những gì nhịp nhàng tuần tự đồng thời giục giã, nhắc nhở khuôn phép. Nhưng đó là kỷ vật của ông ta. Mười giờ, sáng chủ nhật. Xưa nay ông ấy chẳng đi đâu vào khoảng thời gian này, họa hoằn chăng khoác áo ra ngoài giữa buổi chiều. Bao giờ lúc nó thức dậy, ông đã ngồi ở bếp đọc báo. Trên chiếc bàn con, hai ba lọ mứt khác nhau về màu mè và hương vị, khúc bánh mì, miếng bơ, cái bánh lưỡi liềm cong vàng cùng đĩa tách đặt ngay ngắn. Còn thêm ly nước cam vắt sẵn. Nó chỉ nói: ‘‘Chiao’’ rồi ngồi xuống ghế. Ông lẳng lặng đứng lên, cầm bình cà- phê còn giữ nóng rót vào cái tách to trước mặt nó, rồi tới tủ lạnh đem ra chai sữa. Nó cầm lấy, đổ thêm vào cà-phê, nguấy muỗng lanh canh. Ông ngồi lại tiếp tục tờ báo và nó lặng thinh ăn. Đã bao thời gian, một kịch bản bất biến. Thế mà sáng nay, người đàn ông ấy không còn đây.
    Không gian này treo trên con đường dọc dòng sông có những tán cây xanh lao xao lá. Nhưng lúc này vào đông đầu cành bị gọt trụi, tròn ngủn sần sùi. Sương mỏng dâng lên từ mặt nước, tan lung linh trong nắng trời hôm nay bất ngờ trở lại thành phố. Đường trên cao rào rạt xe đổ về ngôi thánh đường chính, bờ phiá dưới sát mặt nước dâm dấp. Ông ta cũng thích đứng ở cửa sổ nhìn xuống. Những buổi chiều bước ra khỏi hầm métro(1), đi băng qua hết cây cầu rồi ngước lên, nó thường thấy bóng ông thoang thoáng dù bất cứ bầu trời xám đục màn mưa hay vàng rỡ nắng. Lần đầu người đàn ông về tới căn lầu cao này, đã đến cạnh cửa sổ và xuýt xoa:
    - Đẹp quá Hạc à.
    Câu nói chỉ được đáp lại bằng một gật đầu lặng lẽ.
    Nó lết vào phòng tắm. Hai con mắt xếch với lòng ngươi màu hạt dẻ ngó đăm vào tấm gương, rồi quay nhìn chung quanh. Bao nhiêu chai lọ, mấy túp kem, vài thỏi son im lìm trong cái giỏ mây cũ kỹ, chiếc khăn bông thêu chữ H hoa một góc iu ỉu vắt cạnh bồn tắm. Cái bồn hình móng ngựa, xưa như văn minh xứ này, chỉ để ngồi mà tắm chứ không thể duỗi người ra. Không gian thu hẹp chật chội, mờ mờ chút ánh sáng từ khung cửa sổ bé bàn tay, vậy mà một chậu cây xanh đặt trên bệ từ bấy lâu nay. Những thứ ấy ở đâu vẫn ở đấy, không ai đụng đến, cả nó và ông ta.
    Nó buông vuông khăn tuột xuống đất, đầu trái ngực khoanh mảnh hồng hồng, núm vênh vểnh. Chợt rùng người, cảm giác bàn tay nham nhám thằng Danny lách qua làn vải. Tên này mới nhìn qua tướng mạo cao ráo, nhưng rồi cái gì cũng vụng về. Lần đầu chưa tới đâu gã con trai đã vội vã hốc một tiếng ngã vật sang bên, khi lấy lại hơi thở hắn vừa luống cuống xin lỗi vừa giải thích tại vì quá xúc động. Nó nằm nghiêng sang bên thản nhiên nói ‘‘Không sao’’, rồi lơ đãng ngó vảnh ngực và vùng bụng lông lá của tên tài tử xi-nê đang đứng dang chân, tay vạch trễ chiếc quần jean hở nút trên tấm bích chương dán bờ tường đối diện. Con Emma hay nhảy xổm vào với những lời bình luận ngon lành:
    - Sao lại không sao! Bọn con trai cóc biết yêu. Yêu là phải biết chờ đợi.
    Có khi nó hào hứng tranh cãi, đôi lần buông thõng:
    - Hề hấn gì. Tại tao cũng không thực yêu nó đó mà.
    Thật ra, sau mấy lần, Danny đã thành thạo lắm nhưng sao nó vẫn lơi khơi như cảm xúc còn ở ngoài da thịt. Vậy mà đã nhiều khi nó lại rơi vào hai cánh tay và nghẹt cứng giữa vòng chân gã con trai. Không phải chỉ vô tình mà thường là chính nó hộc tốc đi tìm Danny. Tại sao? Nó biết tại sao chăng hay cũng không cần biết, cũng chẳng màng tâm sự với con Em.
    Con Em ném chiếc váy vào hộc xong vặn khoá rọc rọc, rồi vừa cột đôi giầy thể thao vừa than:
    - Mẹ tao bốn đứa con, ba ông chồng mà chưa đủ. Người Việt mày ra sao?
    Nó đáp nhanh :
    - Tao không phải Việt Nam.
    Con bạn quay sang trợn mắt:
    - Au, vậy chứ người gì? Mày lai à?
    - Tao không biết. Chắc vậy.
    Vừa khi ấy, người huấn luyện viên huýt còi gọi ra sân. Nhưng con Emma chưa hài lòng nên lúc chạy vòng quanh sân vận động, cố ý chậm lại chờ, hổn hển hỏi:
    - Sao lại chắc, sao mày không biết?
    Nó chẳng trả lời, tiếp tục cắm đầu chạy, lớp đất nện sủi bụi dưới mũi giầy.
    
- o O o -

    Danny không hề biết người đàn ông ấy đã ra đi. Căn nhà không còn ai, ngoài tôi. Nhìn xuống đường, gã con trai lóng ngóng ở bờ lề đang chụm môi hôn tôi qua chiếc điện thoại trong tay. Trên này tôi nghe tiếng mình cười xôn xao. Tôi nói chuyện đẩy đưa, mặc kệ hắn đợi chờ, trước kia hắn đã quen như vậy. Nào phải lúc nào Danny đến gọi tôi cũng có thể ra khỏi căn lầu này. Hắn từng đứng dưới đó hằng mười lăm, ba mươi phút trong khi tôi lấn cấn đi ra đi vào giữa mấy bức tường, lẩn quẩn tìm lí do và một câu nói dối để có thể khoác áo xuống đường. Mỗi lần như thế, Danny sầm mặt, nhưng không sao, tôi chỉ cần leo lên sau mô-tô, tì cằm vào vai hay hơn nữa đăt bàn tay nằm im giữa hai đùi hắn là mọi bực bội sẽ lặn ngay trong dòng sông bên kia con phố. Bây giờ, không còn ai, tôi có thể quẳng chiếc khăn tắm này trên sàn, tròng cái quần và chạy xuống với hắn ngay nhưng tôi vẫn đứng dựng trước ô cửa sổ nhám lớp bụi lâu ngày. Tại sao mới hơn mười giờ sáng mà đã rã rời? Bắp thịt sượng và thần kinh trên đầu cương nhức, chẳng suy nghĩ gì được cũng không chút hào hứng trước gọi kêu của Danny làm một vòng về khu Marais. Nếu nói cho hắn biết là đang một mình, nhất định Danny sẽ lên đây. Không, tôi chẳng muốn vô cớ nằm dưới hắn lúc này. Tôi đang rỗng toang, hắn sẽ đè tôi vỡ nát ra như chiếc bánh men trắng tròn tròn mong manh tôi thường mua ba đồng mười chiếc ngày còn nhỏ. Tuy thế, tôi cố tiếp tục rúc rích cười cho đến lúc Danny thất vọng trèo lên mô-tô và biến mất ở đầu đường. Lúc bấy giờ vô tình ngước lên, hai ba khuôn mặt trên chiếc tủ thờ phía sau ghế sofa ông ta vẫn nằm, đang chằm chằm nhìn xuống. Không nhớ đã từ bao lâu tôi bắt đầu tránh né những cặp mắt ấy. Hồi nhỏ tôi thích ngó lên ban thờ ngắm nghía đĩa ngũ quả óng đẹp dưới ánh nến. Những ngày mới sang đây, mỗi lần mẹ thắp nhang tôi cũng còn đứng đàng sau ngưỡng vọng các khuôn mặt ấy, thơ ngây cầu xin muôn vàn thứ. Bất chợt tôi rùng mình, ông ta đã bỏ đi, bây giờ chỉ còn tôi với họ. Tôi phải một mình đeo những ánh mắt ấy trên vai. Họ sẽ lạnh lùng và nghiêm khắc dò xét, giõi theo tôi từ phòng khách này ra tới bếp, vào cả trong nhà tắm và căn phòng kia. Họ sẽ thì thào với nhau và phẫn nộ khi tôi không đốt mấy cây nhang cắm vào cái bát hương bằng sứ. Chẳng biết từ bao giờ tôi sợ mùi trầm, thứ mùi u uẩn nặng nề quá khứ. Quá khứ dai dẳng, đeo cứng, chập chùng. Nó là mảng lưới chụp lấy con người rồi quấn chằng lại với những điều người ta vốn sợ hãi vì khả năng hủy diệt của chúng. Không phải chỉ đau khổ mà cả cái gọi là hạnh phúc. Mẹ tôi từng nói, hạnh phúc vừa đến, chưa kịp đến, thì đã tốc đi, đã tuột tức khắc vào cái qua rồi. Ánh chớp nhoáng của nó là lưỡi sắc chém đôi con người, hất một nửa vào kinh sợ, nửa kia vào nuối tiếc hão huyền. Nhưng mẹ lại chắt chiu quá khứ tuy chưa bao giờ hé cười khi đụng mắt vào mấy tấm ảnh ấy hay lúc nhắc tới ngày xưa. Ngày xưa của mẹ nhoà trong hai con ngươi u uất, nhưng mẹ lại sống với nó hằng ngày. Mẹ ủ nó trong hai ba cái áo dưới đáy tủ vương mùi long não, tưởng cầm lên sẽ nát mủn trong tay, cùng với xấp hình vàng ố chằng ngoài bằng sợi giây lạt đỏ. Mẹ ấp nó trên cái gối tròn chắc nịch như một lọn đùi lực sĩ. Hôm đầu tiên được rời trung tâm tị nạn ra ở riêng, mẹ đã đi mua bông về nhồi cứng ngắc và vất ngay chiếc gối vuông èo uột. Bao ngày tháng thiếu cái gối tròn ba tấc dưới gáy là giấc ngủ đứt quãng, vì thế tha hồ thao thức trở về với muôn đoạn đường khúc khuỷu đã đi qua. Không, tôi không thể một mình cáng đáng sức đè của họ nữa. Một tay bưng bát hương, tay kia tôi úp sấp cái khung ảnh chụp một người đàn bà quấn khăn nhung đeo kiềng vàng, vành môi mỏng mim mím. Đem cái bát sứ vào bếp tôi bứt từng cọng chân nhang. Lớp tro dầy bay lên xông vào mũi sặc sụa, tôi bèn dốc cả vào thùng rác rồi trở ra trước tủ thờ lật thêm khung hình chụp người đàn ông tóc bạc, hai con mắt chệch xuống viền râu mép. Còn lại tấm ảnh cuối cùng, tôi cầm lên đăm đăm, cái bụng rỗng chợt đau quặn, tôi vội để tấm hình lại trên đầu tủ, chạy ngay vào phòng nằm vật lên giường. Ngoài đường xe cứu cấp rít những tiếng còi rút thắt ruột gan.
    Người đàn bà đưa bàn tay to gấp hai bàn tay Danny giựt tung cái khăn tắm, những ngón xoè ra như nan quạt liền chụp ngay mảng bụng. Cả thân tôi rúm lại, vậy mà không thể nào bật lên phản kháng. Bà ta quay lưng vào cửa sổ, khuôn mặt nhờ nhờ xam xám, nhưng ống tay áo và mấy ngón khẳng khiu hiện rõ trong lằn nắng. Chúng cào cấu lần rờ từ lõm rún rồi xấn qua bên sườn. Tôi cứng đơ lạnh giá dưới bàn tay lục tìm nắn bóp. Người đàn bà kiếm gì? Đừng hòng, cái bụng ấy hãy còn lép xẹp, nó chưa kịp phồng lên vì chứa đựng chứng tích. Lạy trời, hai bàn tay ấy đừng nẩy cặp đùi tôi ra để đút vào cái mỏ vịt như viên bác sĩ bộ mặt lạnh lùng, lầm lì thản nhiên trước đứa con gái e thẹn luống cuống, ngập ngừng trèo lên cái bàn dài, nằm xuống mở chân. Tôi không thoải mái chút nào ở lần đầu tiên bước vào phòng mạch ấy. Con Emma đưa cho cái địa chỉ, cười cười báo trước:
    - Trông mặt của mày non choẹt, thế nào cũng bị hỏi cha mẹ có biết hay không?
    Rồi nó vừa chắp tay trước ngực vừa rúc rích:
    - Ôi lạy Maria đồng trinh, Mẹ, người đã có một mà không cần phải làm, xin hãy cho con được làm mà không phải có.
    - Im đi, bậy quá.
    - Hay không? Tao đọc thấy trong truyện.
    Nhưng ông bác sĩ không coi là chuyện đùa. Hai con mắt sau cặp kính nhướng lên trờn trợn, ngón tay trỏ rà rà trên vỉ thuốc, ông ta gặng giọng hai lần:
    - Không sao, nhưng từ giờ phải cẩn thận. Nhớ rồi chứ. Không được quên. Nếu quên viên nào phải uống liền khi nhớ ra. Ba tháng sau, trở lại gặp tôi.
    Tối đó, dưới ánh sáng vàng hiu mật thiết của ngọn đèn ngủ, tôi lôi ra và chiêm ngưỡng những viên thuốc cứu độ, phải uống liền khi quên. Bảy viên thuốc trắng, mười bốn viên thuốc hồng. Một tuần ngừng là một tuần kinh nguyệt. Những viên xinh xinh này sẽ cho phép tôi phản bội mà không bội phản. Tôi sẽ không phải thấp thỏm lo sợ máu cứ ở rịt trong người, không trào ra vào chu kỳ vẫn hẹn. Cũng chẳng phải chịu đựng cái nhìn chăm bẳm, cái nhíu mày nghi ngờ, mấy câu hỏi dò xét của mẹ như một lần thấy tôi nôn khan trong nhà tắm. Mẹ cứ việc canh chừng bằng những lời răn đe doạ dẫm nhiều hơn cảnh giác. Tôi đã tự mình trang bị để lên đường. Chắc chắn con đường tôi đi sẽ khác hẳn mẹ. Tôi không muốn thu tôi dưới chiếc bóng một người đã trở thành cái bóng của chính mình. Nhưng để thực sự thoát ra khỏi nó thì tôi như thanh củi mắc nghẹn một bờ sông. Muốn tuôn trôi theo dòng nước để đi đến chỗ tận cùng sông bể, nhưng vẫn có rong rêu sỏi đá ngăn chắn, ngắc ngoải dập dềnh. Mẹ càng canh tôi càng muốn đào thoát, mẹ càng nhắc tới gia giáo tôi lại gườm gườm muốn hét lên tôi chỉ là đứa con không gốc tích. Tôi biết như vậy từ thời ở trại tị nạn. Đứng gần nhìn bà mẹ nắn nót kê khai hồ sơ, đứa con gái nhỏ cầm lấy tờ khai sinh không tên cha, ngập ngừng mãi mới dám hỏi:
    - Ba là ai?
    Mẹ không đáp, lẳng lặng gấp lại xấp giấy. Chiều tối khi mọi người tranh lấn xô đẩy lấy thức ăn, mẹ nắm tay kéo tôi về cuối trại. Hai mẹ con leo lên lẻo đất cao, dưới chân là đá, nước biển, là rác rưởi thiên hạ thải ra nổi bập bềnh. Xa tít bên kia vịnh, thành phố. Một nơi mỗi đêm sáng rực hàng tỉ sao trời, thiên đường trước mắt đấy mà muôn trùng, chẳng bao giờ tới được. Mẹ đứng im nhìn ra biển, hai vạt quần rộng thùng thình phần phật trong gió, quạt xiêu thân hình gầy hun hút. Tôi ngong ngóng chờ một lời nói. Cuối cùng khi thiên đường bên kia biến mất sau lớp sương dầy bốc trên mặt biển thì bên này mẹ giản dị bảo, ngày ghi trên giấy là hôm mẹ xin tôi về, bồng trên tay mừng quýnh mẹ quên hỏi ngày sinh, đến khi trở lại người đàn bà cho tôi ra đời chẳng còn đó nữa. Hỏi gì thêm mẹ chỉ nói: Chiến tranh mà con . Nhiều năm sau, vẫn một câu trả lời ngắn gọn, bất biến. Luôn luôn thái độ gạt ngang không giải thích, như sự thể đã là như vậy, phải chấp nhận, tuân theo. Như phải chấp nhận sự có mặt của người đàn ông xa lạ từ một buổi mẹ chìa tờ thư ông ta nhờ bảo lãnh sang đây, không biết đấy từng là người chồng của mẹ cho đến giờ phút đó. Nhưng cặp mắt to và sâu trên khuôn mặt kéo vài nếp nhăn trầm tư của ông ta tỏa ra sức hút khiến tôi đã ngó vào trong gương tìm kiếm một trùng hợp. Con Emma cũng có lần đứng trước kiếng, tay cầm tấm hình ông bố, tay kia nhúng nước tém những sợi tóc ngắn ép sát vào da đầu như con trai, mặt nghênh lên, ngoẻo qua ngửa lại, nhưng rồi chợt hạ xuống tiu nghỉu:
    - Nhiều khi tao muốn coi mình có chút nét đàn ông gì, giống cha tao ra sao.
    Tôi ngó trừng gương mặt con Em định nói nó khùng nhưng lại thấy mình rớt hẫng. Tôi không có nổi một hình ảnh để so sánh.
    
- o O o -

    Người đàn bà vung cánh tay bước thoắt khỏi căn phòng cùng lúc với tiếng chuông réo gắt. Vạt nắng chạy theo tà áo xanh nhoá lên ánh chớp cuốn tôi dậy như chiếc lò-so. Đầu còn quay đảo nhưng cơn đau quặn bụng rút đi thật bất ngờ. Lại hai ba hồi chuông, tôi ló ra ngoài cửa sổ. Danny đứng dưới một tay thọc túi quần, tay kia đang định nhấn thêm. Tôi huýt gió hai tiếng, rồi đóng rầm cánh cửa. Ba phút sau tôi đã ngồi trên mô-tô, hai tay xiết vòng bụng hắn. Loáng gió giật qua con sông, hất mấy chiếc lá cuối trên cành chạy rạt giữa lòng đường. Danny lượn vọt tới trước, vượt qua ngã tư đèn chớp đỏ. Chiếc xe hơi từ bên phải thắng két, tôi chúi vào tấm lưng của Danny kêu lên hốt hoảng. Hắn không nhả ga, vẫn phóng, một tay vỗ nhẹ vào tay tôi. Gió luồn trong chiếc blouson phần phật.
    Place des Voges nhộn nhịp sáng chủ nhật, những mặt tiền mở ra tươi tỉnh đón nhận ánh nắng hiếm hoi một ngày mùa đông. Dựng xe xong, Danny không vào cái quán quen thuộc, hắn kéo tôi rẽ ngang qua con đường nhỏ, gióng chuông căn gác của Paul. Không ai trả lời nhưng Danny vẫn bước lên cầu thang, hai bờ tường đá xông mùi ẩm lạnh. Cánh cửa không khoá, tia sáng lọt qua ô kính nhỏ rọi đúng vành một chiếc ly còn đọng cặn rượu đặt dưới sàn, ở đầu chiếc giường thấp. Phía bên kia, một cửa sổ khác có chấn song nhìn ra màu ngói rậm rêu xanh. Danny vứt ngay chiếc áo, xiết tôi vào người, hai bàn tay lục lọi. Lưng tôi đập xuống tấm nệm, hai chân khua trên không, màng bụng vỡ ra. Tôi ngó sững vào lòng mắt của Danny, chúng không xanh rưng rức như mọi lần hắn ở trên tôi mà đắm hút một sức cuốn lạ lùng của dòng nước xoáy. Chúng mở trừng nhìn, rồi nhắm lại như đang tập trung sức lực lên nhát búa sắp đóng phập vào tôi đang dang hai tay thập giá. Nhưng chẳng ngờ gã con trai gục xuống, đầu chúi vào cổ tôi, lưỡi lút trong vành tai. Bàn tay lần tìm bàn tay tôi, bóp lại, dịu dàng. Cặp chân giật rung vài nhịp rồi duỗi thẳng trên tôi. Hai cây thập tự ấp vào nhau, im lặng. Trong bất động, tôi nhận ra dưới lưng mình bốc mùi hâm hấp của tấm chăn len và ra giường ướp tinh dịch của tên Paul cùng những thằng tình nhân. Bất chợt tôi ngoái đầu về cửa sổ, lũng mắt người đàn bà đâu? Tôi đã quen với bóng dáng lạnh lẽo của bà ta, sao bà không đến tận đây đứng ngó như mọi lần? Sao chỉ có màu rêu tái úa loang từng mảng trên những viên ngói cũ. Tôi đợi chờ người đàn bà nhưng bà ta không đến, chắc đang ở đầu kia thành phố, sau cánh cổng sắt ngáng chữ thập đỏ. Cuối cùng tôi đẩy Danny xuống, lăn người sang bên và thiếp đi trên mảnh ra giường xanh dương lằn ngoằn những vết rong vãi keo khô.
    Danny đánh thức tôi dậy khi chiều chỉ còn đọng một đọn sáng trên nhánh ăng-ten truyền hình nhô khỏi nóc nhà đối diện. Hai đứa mặc lại quần áo, Danny vớ ly rượu đầu giường nuốt một ngụm, nhăn mặt chửi thề. Khi hắn khoèo chân đóng cánh cửa, tiếng động đập binh vào đầu thứ âm thanh đã giật hoảng tôi buổi sáng hôm ấy, mười giờ. Tôi lảo đảo, nhưng gã con trai ôm lưng kéo xuống cầu thang, mấy bực gỗ lót thảm đỏ tối u, đâm sầm, mút mắt.
    Dạo trước chúng tôi thường đến đây, giữa mấy con đường chật chội. Các cửa tiệm bày bán quần áo thời trang bọn trẻ sáng rỡ chen lẫn với hiệu ăn, quán cà phê và các quán ba hâm hấp. Một tối tôi theo Danny vào đó tìm Paul. Mái trần thấp chụp lên những vòm ngực lông lá, vành mông xé nứt lớp jean, những lọn tóc xoắn, tất cả múa may trong thứ mùi hừng hực của da thịt lẫn với nước miếng, thuốc lá và rượu làm tôi quay cuồng. Chỉ hai ba bóng đàn bà giữa một đám đàn ông, chờn vờn lấp lửng. Tôi chùn chân lại ở ngưỡng cửa, Danny đã lẩn biến vào các bờ vai và những cánh tay trần vàng mượt uốn vặn trước mắt tôi tựa thân rắn. Tiếng nói phát ra rầm rì gù gục như thể từ cõi âm rồi đột phá lên thành một loạt miểng cười vỡ toang nhọn hoắt. Tôi thất lạc gọi Danny, nhưng ở đầu kia gian phòng chỉ có những cái đầu lắc lư trong khói thuốc dầy đặc, sọ người bệt tóc dập dềnh giữa dòng sông sương trắng. Khi Danny trở ra hắn đã hốt hoảng nhặt tôi lên sau cánh cửa.
    Danny thích ngồi cà-phê ở khu phố này dù tôi không tin hắn hứng thú trước những cặp mắt đẩy đưa của mấy thằng con trai đi qua hoặc cố ý đến gần Danny hích một góc vai, cọ một bên đùi. Tôi canh gác hắn như mẹ canh chừng tôi, tuy chẳng biết để làm gì. Chưa bao giờ tôi chờ đợi hắn bằng một nhớ thương làm nghẹn đau lồng ngực. Trong lúc đang yêu đương, hai con người hoặc rú lên hoặc tuyệt đối im câm - tiếng kêu là nhập cuộc là bày tỏ, còn câm lặng là để tận hưởng cảm xúc - thì dường như cả hai thứ ấy tôi không làm trọn vẹn được một. Đúng ra tôi đã nhiều lần hét lên thất thần đấy chứ. Nhưng khi đó, đáng lẽ cùng với tiếng kêu hai con mắt phải nhắm nghiền để hút thật sâu khoái cảm hoặc giương to chụp bắt trên gương mặt thằng con trai những giao hoà xúc động, thì chúng lại khẩn hoảng xoay tìm cho ra người đàn bà, đinh ninh hốc mắt bà ta đang giám sát quay đảo quanh xác thân và cả linh hồn tôi.
    Chống tay bên má, cúi nhìn khoanh bánh chocolat mới xắn một miếng đã bứ ngang cổ. Ly diabolo menthe chủ tiệm vừa đem ra lóng lánh màu bạc hà thoắt làm lạnh cóng hai bàn tay nhỏ bụm hòn nước đá nhận vừa được ông già đầu ngõ nhà bà ngoại tưới cho vài nhểu nước đường xanh ngắt. Tôi đẩy đĩa bánh sang bên thọc tay vào túi áo tìm hơi ấm, ngó mông lung ra ngoài đường. Bất ngờ những bóng nhà nghiêng qua khung kính ùn ùn đổ sập lên nhau tan hoang gạch ngói, kèo cột ngổn ngang. Khói mìn xám đen bốc trên lửa đỏ rồi bung ra phủ kín cây mít, hàng phượng và các tàu dừa. Mẹ lôi tôi chạy khỏi nhà, chưa được mấy bước đụng phải chiếc xe ba gác của ông già bán nước đá nhận đã lật chổng càng. Miếng ván đặt ngang xe từng đựng cái bào nước đá, thùng trấu, hai ba chai si-rô xanh đỏ cùng mấy hũ kẹo và xoài ngâm cam thảo, úp mặt bờ đường, những quả cóc tỉa hoa lăn long lóc. Chai si-rô bể cổ nằm cạnh con bạn hàng xóm lên sáu, tấm thân nó nhỏ xíu trên miếng tôn, áo bà ba đẫm máu, mắt mở trừng hướng lên trời cao trong vắt. Tôi rụt lại muốn xem si-rô xanh hoà với máu đỏ thành màu gì thì tiếng súng ầm ầm đuổi theo từ bên kia rặng núi. Tôi ôm cứng mẹ. Từ muôn thuở, tôi luôn luôn níu lấy mẹ tôi, mà rồi lại chăm chăm muốn bứt tung, chặt đứt sợi dây, vùng khỏi chiếc bóng.
    Danny cầm muỗng gõ hai ba tiếng lên đĩa bánh, bọt cũng đã tan trong ly bia còn đầy của hắn. Chúng tôi cùng nhìn vào mắt nhau. Lần đầu tiên tôi bắt gặp lòng ngươi mỏi mệt lặng lờ mang màu lục nước hồ đọng suốt mùa đông. Gã con trai ngập ngừng định mở miệng nhưng rồi lặng thinh ngó sang hai cô gái mới vào đang rúc rích cười và tay vuốt ve tay trên mặt bàn. Tôi đá chân Danny:
    - Ê, có chuyện gì?
    Hắn quay lại, xoay xoay ly bia một hồi mới đáp bằng cái giọng ngang bằng đơn điệu, hoàn toàn tương phản với nhịp đập bất thường mà tôi nghe ra từ ngực và cổ hắn:
    - Ông bố tự tử hôm qua, đang còn trong bệnh viện.
    Lạ thay tôi không mấy ngạc nhiên. Ông bố, người đàn ông vầng trán cao hằn những nếp trũng sâu chắc vì hay nhíu lại mỗi khi bà vợ cất tiếng nói. Trong lần duy nhất Danny đưa tôi về ngôi nhà gia đình, người đàn ông ngồi ở chiếc ghế bành nệm gấm hoa vàng, nụ cười hăn hắt buồn bám trên hai bàn tay giật giật run rẩy đặt lên đùi, lập đi lập lại câu hỏi, cô có thích Wagner? Tôi trả lời chỉ biết sơ Mozart, Beethoven còn thì âm nhạc hằng ngày của tôi là Jennifer Lopez, U2, Norah Jones, cùng lắm là Brel. Chắc chắn không hề biết U2 là gì nhưng mặc kệ tôi, mặc kệ đôi môi dè bĩu của bà vợ, ông ta tiếp tục nói về sự hoà trộn sâu đậm và bình đẳng của thơ và nhạc trong các opéra của Wagner, rằng nhân đạo đã bị nguyền rủa từ khi con người cần vàng của sông Rhin và nó phải đi tìm cho được sự cứu chuộc trong tình yêu. Danny đứng sau, bóp nhẹ vai tôi. Bà mẹ trưởng giả son phấn kỹ càng đi ra đi vào chắc lưỡi. Hết ném cái nhìn cáu kỉnh lên ông chồng bà soi mói vào tôi. Cái nhìn xuyên qua tấm áo, chạm đến mảnh ngực, hẳn bà nhận ra sau manh áo tầm thường tôi không mặc gì khác bên trong nên quay lại thằng con, ánh mắt ta thán và thương hại. Còn tôi, để tránh nó, tôi ngó hai ống đùi gầy khỏng của người đàn ông trong lớp vải flanelle (2) mềm sang trọng. Trên đường trở về phòng trọ trong trung tâm Paris, Danny bảo từ ngày bị bệnh ông không ra khỏi nhà nhưng bà vợ vẫn bắt mỗi ngày ăn mặc như thời huy hoàng cũ.
    Nói ra được chuyện ông bố, Danny nốc cạn ly bia như cục nghẹn trong cổ đã trôi phần nào xuống bụng dù màu đục vẫn vương vương lòng mắt. Vậy mà khi nãy, gã con trai này đã sùng sục say đắm trong căn gác của Paul bằng thứ lửa rực cháy như thể không có sự gì xảy ra, như thể ông bố vẫn còn ngồi nhìn hai bàn tay nơi cửa sổ và đợi thằng con trai mỗi tuần một lần ghé về thăm. Hoá ra để phản kháng chống đỡ những đè nén đau đớn, Danny chẳng khác chi tôi. Tôi đã chẳng hiểu gì về Danny cũng như hắn không hề biết đến những ám ảnh từng nện chặt, đóng đinh không cho linh hồn tôi một giờ phút bay bổng, hay ít nhất hồn nhiên đón nhận cảm xúc. Bỗng nhiên tôi muốn nói với gã con trai điều đó, ngay bây giờ, nhưng Danny đã đứng dậy nhấc cái nón mô-tô bảo đưa tôi về rồi phải vào nhà thương xem ông bố ra sao. Ngồi sau lưng xe, băng qua những con đường âm u trong bóng sẫm cuối chiều lòng tôi chùng xuống, định nói cùng đi thăm ông ấy nhưng tôi đã lặng câm. Tôi sợ nhà thương, tôi sợ nhà thương từ một đêm xanh, từ một rạng sáng mặt trời đỏ lừ sau những bờ tường sương ủ.
    
- o O o -

    Danny thả xuống trước cửa, tôi định quay bước hắn chợt níu cánh tay:
    - OK không?
    Tôi lẳng lặng gật đầu. Qua cái mũ mô-tô, mắt gã con trai tối long lanh. Tự nhiên hắn hỏi:
    - Ông ấy tử tế chứ?
    Hình như tôi đáp người đàn ông không còn đây nữa, và Danny buông sõng:
    - Đâu còn liên hệ gì, ông ta đi là phải.
    Tôi im lìm, đúng hơn tôi vừa lẩm nhẩm lại trong đầu Ông ấy đi là phải , vừa co người trong làn gió buốt thổi róc qua con sông. Danny ân cần bảo hãy lên nhà cho ấm và hẹn ngày mai rồi nhấn ga, tôi nhìn theo chiếc blouson phồng lưng hút giữa dòng xe trước khi bước qua bên kia lề, lững thững băng ngang cây cầu xuống hầm xe điện. Tìm đến nhà con Emma nhưng đứa em nhỏ hé cánh cửa kêu nó đi từ hai ba hôm chưa về. Qua một tiệm bán đĩa nhạc còn mở cửa, tôi bước vào cầm lên bỏ xuống cái CD Tristan và Yseult của Wagner rồi ra quầy trả tiền. Tên bấm máy đeo bông một bên tai đang đánh mông theo điệu rap ném cái nhìn ngạc nhiên. Tôi nhún vai: Et alors (3). Hắn nhếch môi, trả lời trong cổ họng: T as pas l air! . Tên này muốn nói tôi không có vẻ gì? Chẳng thèm biết, nhưng trước khi ra khỏi tiệm tôi đã liếc nhìn mình trong tấm kính sáng chói ở gần cửa. Tay lủng lẳng cái túi đựng CD tôi đứng lại vài giây ngẫm nghĩ nên quẹo trái hay phải và đi đâu. Loanh quanh rồi chui vào một rạp xi-nê. Charlotte Rampling là người đàn bà mang hai con mắt đuôi xệch và vành miệng mỏng loay hoay đi tìm người chồng mất tích dưới lớp cát và sóng biển, hay cũng là đi tìm một xác định về chính mình. Ánh mắt vừa sung sướng vừa thất lạc ở cảnh cuối trước đại dương làm hai phụ nữ ngồi hàng sau thì thào khen tuyệt. Bước ra khỏi phòng chiếu, trời đêm thẫm. Các con đường rươm ướt, âm u, bóng cây ngả sấp trong ánh đèn vàng vọt. Ở bệ một cửa tiệm, thân đàn ông co quắp trong tấm nỉ chỉ thò cái đầu, chai rượu kề một bên miệng toang hốc, đen ngòm, ồn ĩ ngáy. Dòng xe nhấp nháy đèn, những ngôi sao loé lên, loé lên từng chớp trong đầu óc rỗng hoang. Ngoài lề xe cộ vẫn lướt qua, xuôi chảy về phiá trước, vùn vụt, lạnh lùng cán thẳng lên bóng mụ đàn bà ở truồng ngồi sụp bên miệng cống. Nước tiểu tuôn tháo ồ ạt như máy nước vừa thông. Cái váy hoa lươm bươm chùm lên đầu, hai tay ôm vòng một gốc cây lắc lắc chẳng khác con vượn già. Buổi tối đầu tiên được dắt nhau ra phố thiên đường, hai mẹ con tôi đã hoảng kinh bởi hình ảnh tương tự thế này. Đêm về, nằm trong giường tôi lại thấy mình đứng trên lẻo đất ngóng qua eo biển nhưng chỉ có sóng cuồng dâng vũ bão, bốc cuốn mất cả những vì sao xanh, thì bên cạnh mẹ nấc lên từng tiếng nghẹn lo âu. Thế mà chẳng bao lâu, mẹ mạnh dạn cầm tờ giấy đi xin việc làm, thân hình gầy hạc quần quật tiêu hao. Mãi đến khi có người đàn ông ấy về ở, mẹ mới bớt dẫm trên bóng mình. Nhưng ba người trong căn lầu cao vẫn là ba ốc đảo.
    
- o O o -

    - Ai cho phép ông xông vô phòng, thẳng tay tát ngon lành vào mặt tôi? A, hay là ông ghen với thằng Danny?
    - Đừng nói bậy.
    - Ông không là gì với tôi cả, ông biết chứ.
    - Đúng…đúng, dù thế nào tôi cũng không có quyền gì như vậy. Tôi…tôi chỉ quá bức xúc khi tất tả chạy về tìm cô để hỏi xem chúng ta trả lời nhân viên nhà xác thế nào về ngày an táng Hạc, thì không ngờ...
    - Không ngờ gì, không ngờ tôi đang điên loạn làm tình vào mười giờ sáng khi mẹ tôi vừa chết lúc bốn giờ?
    - Tôi nghĩ người Hạc thương yêu nhất trên đời là cô. Tôi không chịu được ý nghĩ quan tài Hạc còn mở nắp mà đứa con của Hạc…
    - Vieux jeu (4)! chuyện đó không quan hệ gì tới ông hết. Mà thôi, đừng lên tiếng đạo đức.
    - Cô bé, cô chẳng thể nào hiểu, người Việt Nam mình…
    - Ôi…ông đừng có đem cái câu người Việt Nam mình ra giảng dạy, làm bài bản, làm chỗ dựa như mẹ tôi. Việt Nam hay Tây hay cả là Tàu, như tôi, cũng vậy thôi. Phải, tôi đã tìm được trong đáy tủ những dòng ghi chép của mẹ tôi về người đàn bà Tàu ôm đứa con mồ côi ngồi trước cổng bệnh viện.
    - Cô…
    - Người ta phải sống với xúc cảm thực trong lòng mình, không thể nhất nhất tuân hành thói lề, qui tắc.
    - Cô nói tới xúc cảm, thực vậy không? Thế sao cô bỏ mặc mẹ cô nằm đó chạy đi, chẳng một ngó ngàng?
    - ….
    - Nói đi, đừng có im lìm như thái độ cô vẫn có với Hạc mỗi khi Hạc nói gì không hợp ý cô. Sự lặng im chẳng giải quyết được gì hết.
    - Từ nhỏ, tôi không cãi lời mẹ.
    - Ha, bây giờ thì cô nhỏ lại vin vào gia giáo!
    - Rõ thật là ông chẳng hiểu gì.
    - Câm lặng dễ đồng nghĩa với khinh thường.
    - Ông không biết rằng nhiều khi nó chỉ đơn giản là vì chẳng muốn nặng lòng người ấy.
    - Được, cứ cho là như thế. Bây giờ hết sợ nhọc lòng ai, vậy nói đi, vì sao cô bỏ chạy.
    - Người đàn bà nằm trong cái hòm gỗ đó không phải mẹ tôi.
    - Hoá ra cô hận Hạc đã xin cô về nuôi đến thế?
    - Ôi, rõ thật ông chẳng hiểu gì.
    Giữa đêm khuya lăn trở tìm giấc ngủ và cơn mơ chập chờn gần sáng, đứa con gái vần vũ với cuộc đối thoại như vậy trong đầu. Những đối đáp căng cứng xiết gút thần kinh nhưng vẫn chưa nói được ra cho đến sáng hôm nay, nào ngờ ông ta đã bỏ đi. Hôm ấy, khi sương bắt đầu loãng ra trên những ngọn cây khô, nó đứng bên trong khung kính căn phòng lạnh trống, bên cạnh ông ta. Người đàn ông đã về nhà rồi trở lại đây, lột bỏ bộ quần áo làu nhàu mặc suốt ngày và đêm qua, bây giờ quần tây xanh đậm, cổ sơ mi trắng trên chiếc áo pull xám nhạt. Ông không nói một câu, nghiêm chỉnh chờ, thỉnh thoảng chau mày. Ừ, không biết tại sao lại chau mày. Nó ngó ra quả mặt trời hoang đỏ vừa loé sau khối nhà vuông vức, rồi đi qua đi lại ngước nhìn cây thập tự bằng kim loại đen khắc khổ đóng cao trên bờ tường trắng toát. Chẳng biết bao lâu sau, người ta đẩy ra, đặt ngay ngắn chiếc quan tài gỗ bóng vẹc-ni dưới chân cây thập tự ấy. Nó và ông bước lại. Nhân viên nhà xác trịnh trọng mở nắp quan tài như thể trình bày cho hai người chiêm ngưỡng một tặng phẩm, một món hàng qúi báu. Ông ta cúi xuống, mấy ngón tay to run run, nhẹ vén hai ba sợi tóc trên vầng trán người đàn bà phẳng nhẵn, trong khi nó quay vụt người bước một mạch khỏi căn phòng. Cánh cửa bị đẩy bung, rít một tiếng cứa lạnh.
    Người đàn ông ấy biết thế nào được, tại sao nó tung cửa thoát khỏi nhà xác để đứng lơ ngơ ở ngã tư đường trong một sáng nắng tươi. Còi xe giận dữ cảnh cáo mỗi lần nó lao người định băng ngang đại lộ rồi lại rút trở về, đèn xanh đèn đỏ liên tục chớp nháy bao lần. Đi đâu? để thoát khỏi vực trống kinh hồn đang phình trướng, để tìm ra một đầu dây mà níu. Cuối cùng, nó cũng sang bên kia con đường, chui xuống một miệng hầm. Đoàn người đi làm, đi học buổi sáng tất tả, ngang dọc những tuyến đường xe điện. Nó chưa nghĩ nên đi về đâu, bất chợt một bóng đàn bà Á Châu mảnh khảnh trong chiếc măng-tô xám nhạt, mớ tóc đốm bạc búi cao thấp thoáng trong gió luồng bần bật rét giữa hai hành lang métro. Nó đuổi theo vội vã nhưng thiếu phụ đã leo lên chuyến xe vừa khép cửa. Gương mặt lấp lánh sau khung kính rồi mất hút vào bóng tối con đường hầm. Mẹ nó mỗi buổi sáng mùa đông cũng mặc chiếc áo xám, quày quả xuống xe điện đi làm. Mẹ đang ở trên con tàu ấy, đang rút trong mẩu hầm tối đen kia, rồi sẽ lại xuất hiện ở một trạm dừng khác. Mẹ phải là người đàn bà ấy, mẹ không thể là hình hài nằm cứng ngắc giữa lớp vải trắng lót quan tài lạnh lẽo với bộ mặt được người ta thoa phấn láng bóng, hai con mắt nhắm nghiền, đôi môi quẹt son hồng, vầng trán được vuốt thẳng không nếp nhăn, chẳng còn hằn lộ cơn đau. Khuôn mặt ấy mịn như thạch, bộ áo dài lụa mỏng màu xanh ngọc ông ta đã đem tới để nhân viên nhà xác mặc cho người đàn bà nằm đó thật mượt mà. Nắng bình minh rực sáng, tỏ tường và sắc lạnh. Người đàn bà được trang điểm, mặc áo lụa mềm mại ấy đẹp đẽ thật nhưng nó chưa từng quen biết. Mẹ mỗi ngày quần tây, áo len đi đi về về tất bật, dáng nghiêng xiêu trong gió mùa đông ngả rạp những hàng cây. Tiều tụy thế nhưng mới chính là mẹ. Không thể là thiếu phụ xa lạ nằm trơ trơ, không thèm nhìn con, hoàn toàn vô cảm. Làm sao cặp mắt từng theo giõi nó, từng biểu lộ những âu lo, giận dỗi, cau có lẫn thương yêu có thể nhắm lại vĩnh viễn. Giờ chính là lúc chúng càng phải mở cho to hơn nữa để thấy nỗi đớn đau kinh hoàng đang muốn vỡ tung mà nó phải cố dồn nén. Không, mẹ chẳng thể thản nhiên lạnh lùng, me đã xin nó về, luôn luôn dặn dò canh gác, dùng mọi cách giữ rịt bên mình thì bây giờ không được quyền lẳng lặng ra đi, làm cho nó bị bỏ rơi lần thứ hai. Còn cả một quá khứ ẩn khuất mà mẹ và nó chưa thanh toán với nhau. Nó chưa kịp hay đúng hơn chưa đủ can đảm bắt người đàn bà ấy phải nói ra, trực diện với sự thật quá khứ.
    Thẫn thờ lòng vòng trong đám đông, lên tuyến métro này rồi đổi sang tuyến khác, bước lên một hè phố rồi lại chui vào hầm. Khi nó chưa kịp nhận ra mình đứng ở đầu cầu thang lên phòng trọ của Danny thì vừa lúc thằng con trai chạy xuống, trố mắt nhìn. Một ý nghĩ thoáng nhanh, chẳng chờ đợi nó lôi tuột Danny ra ngoài đường, không một lời cho đến lúc hai đứa bước qua căn phòng khách có cái tủ thờ ảnh ông bà ngoại, có chiếc sofa trống trải. Thằng con trai còn đầy ngạc nhiên lớ ngớ, vẫn chưa nói được câu gì thì con bé đã đẩy hắn xuống giường, thẩy áo khoác trên sàn, tuột băng cái pull, ưỡn ra đồi ngực hồng. Đây là lần đầu nó dắt bạn trai vào phòng, trên cái giường của mình. Thì đã sao, mẹ đã đành tâm bỏ đi, sao không ở đây mà cấm cản. Nó cần phải tống khứ ra ngoài nỗi đau uất nghẹn đã ghìm sâu từ bốn giờ sáng khi bà y tá rút những ống ni-lông đâm vào mũi, chằng chịt ngang đầu để người ta khiêng mẹ xuống nhà xác. Nó không kiếm ra cách nào khác hơn là dùng chính thân xác mình để đương đầu với cái chết và mất mát tận cùng. Ngớp lên những tiếng thở, hét ra tiếng kêu, oằn lên những vùng thịt, tống ra máu me sâu thẳm, tất cả phải chăng là để thay tiếng khóc đã không thể bật ra trước quan tài. Có bao nhiêu lúc trong đời? con người không khóc nổi.
    
- o O o -

    Gần nửa đêm tôi lại vòng trở về trước cánh cửa lên căn lầu Danny. Giơ tay bấm chuông, không tiếng trả lời vọng xuống. Lùi về bệ đường ngửng nhìn lên cửa sổ, đụng phải một mặt kính đen sâu hút. Bỗng dưng những giọt lệ từ bao lâu nay không chảy chợt trào ra, cảm giác bị bỏ rơi vốn là ám ảnh lại nhói lên tê điếng. Lần đầu tiên tôi khao khát một vòng tay quấn qua bờ vai đã bắt đầu thấm sương lạnh ngắt. Tôi muốn đưa tay níu lấy và hít thở làn da ấm một ngấn cổ, úp mặt vào đó, ngửi một hơi người thân thuộc. Nhưng dưới mái hiên chỉ có gió hút từ hai ba con đường nhỏ tụ hội về đây, thổi bay những chiếc lá những giấy rác phế thải của một ngày, gió cũng luồn vào tận da thịt tôi để cứa từng đường buốt giá. Tôi không thể đứng mãi ở đây chờ Danny nhưng sợ quay về căn nhà không còn một ai, nghe tiếng kẹt cửa lạnh lùng trong khuya vắng. Sợ đi ngang ghế nệm ông ta vẫn nằm giờ chỉ còn mấy chiếc gối. Ông ta đã thực sự đi rồi, ngoài ông ấy còn ai đâu biết được liên hệ gốc tích tôi? Hai người tôi từng gọi là ông bà ngoại thì khung hình đã bị úp sấp vào mặt tủ, bát hương tôi đổ tênh toang. Và nữa, còn cặp mắt mẹ đang đau đáu chờ tôi trên tấm ảnh thờ. Rùng người, ý nghĩ phải đi loanh quanh lòng vòng trong thành phố cho đến sáng như đêm người ta đã đuổi tôi ra để đem mẹ xuống nhà xác tẩm liệm khiến tôi gập bụng khuỵu xuống bờ hiên.
    Một luồng đèn sáng hoắc vụt quặt vào vỉa hè cùng với tiếng máy xe. Tôi ngửng nhìn, bóng Danny hiện ra bất ngờ sững tim, hai chân không bước kịp ra vệ đường để ôm chầm lấy hắn. Chao đi trong cánh tay gã con trai, chẳng kịp thấy bực cầu thang đưa lên đưa lên tít tắp. Tôi được nhấc khỏi mặt đất, sợi thần kinh quá căng trong đầu đã đứt lìa muôn đoạn, chỉ còn trăm ngàn co thắt loạn nhịp của các vùng thịt da mật thiết. Cảm xúc như gió tứ phương ào tới, phơi phới thênh thang. Tôi thả tôi cuốn gió, lâng lâng bay bổng, đồng thời tôi ý thức mình đang thực sự hiện hữu cùng với thân xác nức nao. Không còn con mắt chết người đàn bà đứng ngó xuống tôi, mẹ đang mỉm cười thong thả quay đi, nhẹ nhàng khép cửa. Không còn những vức nắng loá cháy, chỉ là đêm thật mượt gọi mời sự sống. Cũng bàn tay quơ lên như bao lần, nhưng giờ tôi không tìm gì khác ngoài gương mặt Danny. Tôi muốn nhìn hút vào lòng mắt đằm thắm thao thiết của thằng con trai. Tôi muốn chỉ còn hai điểm ấy sáng long lanh như đôi vì sao xanh ngoài khung cửa.
    
    1) xe điện hầm
    2) loại vải nỉ và len
    3) thì sao
    4) trò cũ rích

Xem Tiếp Chương 10Xem Tiếp Chương 11 (Kết Thúc)

Cá Voi Trầm Sát
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Đang Xem Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu