Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Quê Hương Ngày Trở Lại Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
    Vào trước thời điểm ấy có vài tuần, cũng vì cái miệng hỗn hào nói năng bậy bạ mà tôi đã bị ông trưởng ban văn hóa khai trừ ra khỏi đội văn nghệ của Huyện đi dự thi trên tỉnh, mặc dù tiết mục đơn ca nữ của tôi đoạt giải nhất, vì tôi dám bảo ông rằng: "Cái lão Tư thọt thì biết quái gì về nghệ thuật mà cũng đòi làm trưởng phòng văn hóa!". Chẳng biết đứa nào thèo lẻo đến tai ông, làm ông nổi giận lôi đình mắng vốn lên tận thầy hiệu trưởng của tôi. Thầy kêu tôi vào phòng hội đồng quạt cho một trận tơi bời hoa lá. Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn được nhận giấy khen "cháu ngoan của bác Hồ vĩ đại" mới là lạ!
    Tôi nằm ngẫm nghĩ coi còn thiếu ai mà mình chưa hỏi thăm đến. Thời gian qua đi lâu qúa rồi. trong tâm trí tôi chỉ còn là những hinh ảnh mơ hồ, không rõ. Bất chợt nhớ đến Oanh nhà ở gần khu bến xe cũ, bạn học cùng lớp của chị tư và chị Năm, đồng thời rất thân với tôi, tôi hỏi liền:
    - Chị Oanh Sỹ ra sao rồi? Bữa hôm trên trường em không thấy bà.
    - Bây giờ nó mập lắm! Trông giống y như bà Minh Vượng diễu hài trên tivi. Uống rượu như nước lã, cờ bạc hơn đàn ông!
    - Lẽ ra bà đó phải là đàn ông mới đúng! À… còn chị Hải nữa?
    - Cái Hải thì vẫn ở chỗ cũ, bây giờ là cô giáo cấp một.
    - Mẹ kiếp, toàn mấy bà học dốt đi sư phạm về làm cô giáo, hèn gì học sinh dốt theo cả lũ!
    - À! Thằng Hà, em cái Hải chết rồi đấy, em biết chưa?
    Tôi giật mình ngồi nhổm dậy hỏi dồn dập:
    - Nó chết hồi nào? Tại sao chết? Ôi mẹ ơi! Cứ nhắc đến đứa nào là y rằng chết với ngắc ngoải chờ chết…khiếp quá!
    - Nó chết được mấy tháng rồi, thì nghiền nặng rồi thắt cổ tự tử!
    - Thằng Hà chết, ông Hiền chắc cũng cũng sắp rồi. Đã ghiền còn vướng sida sống sao nổi. May mà anh Hưng chuyển vào Nam không thôi ở ngoài này dám cũng chết queo từ kiếp nào rồi!
    Nhắc tới gia đình này tôi lại nhớ đến câu chuyện chị Năm tôi kể lại khi vào Sài Gòn thăm tụi tôi hồi mấy năm về trước. Anh Hiền và anh Ba tôi là bạn thân, một lần hai ông mãnh đạp xe đi vào khu Chiềng Ve đòi nợ. Đến nhà người quen gửi xe đạp dặn dò chủ nhà đôi chút rồi mới đi qua gia đình thiếu nợ nói chuyện. Anh chủ nhà kêu con bắt gà làm thịt chờ hai chú đi đòi nợ về rồi ăn cơm. Nhưng quá 1 giờ chiều mà hai chú vẫn chưa về nên anh sai con qua đó coi tình hình ra sao. Thằng con qua nhìn thấy hai chú đang nằm chèo queo giữa nhà thì ba hồn bẩy vía chạy vội về báo cho bố biết là hai chú bị đầu độc chết rồi. Ông bố nghe vậy hoảng quá, chẳng kiểm chứng gì hết, phóng xe đạp gần ba chục cây số ra tận thị trấn báo tin cho mẹ anh Hiền biết. Cô Lan mẹ anh Hiền chạy sộc vào tận nhà chị Hai tôi kêu gào thảm thiết: "Hai thằng bị đầu độc chết rồi!" Chị Hai tôi giật mình ngơ ngác hỏi "Hai thằng nào?" cô vừa kể vừa khóc nức nở kêu anh rể tôi lấy xe chở hàng chạy vào đó coi tình hình ra sao. Nếu còn sống thì mang đi cấp cứu, còn nếu chết thì mang xác hai thằng về. Chị tôi tả cô Lan đầu tóc rũ rượi, quần áo lệch xệch, xe đạp thì không đi mà cũng chẳng kêu ai chở lên lại chạy bộ hơn ba cây số. Cả xóm trên xôn xao. Anh rể tôi không có nhà, tất cả thanh niên quen biết được tập chung lại đứa có xe máy thì đi xe máy, đứa có xe đạp thì đi xe đạp, hùng hổ kéo nhau vào trả thù cho người anh em. Đi được nửa đoạn đường, xe anh rể tôi cũng bắt kịp đoàn. Đi thêm được một khúc nữa thì thấy hai thằng bị "đầu độc chết" đang lóp ngóp đạp xe trở ngược ra. Thấy nguyên bầu đoàn thê tử thì ngạc nhiên hỏi đi đâu? Làm cả xóm được một bữa cười bể bụng. Thì ra hai anh chàng này đi qua đòi nợ, được con nợ đãi ăn cơm và uống rượu, quá chén say bí tỉ nằm lăn quay ra ngủ, thằng nhóc con sang xem chừng không biết tưởng là bị đầu độc chết, chạy vội ra báo tin mới ra cơ sự này. Tụi tôi nghe kể cười gần chết.
    Chán quá tôi chẳng muốn hỏi nữa, vì cứ hỏi tới ai quen cũ thì không chết cũng đang ghiền xì ke hoặc ngồi tù. Tôi cố nhắm mắt quên đi mọi chuyện, và rồi từ từ chìm vào giấc ngủ.
    
- o O o -

    Sáng hôm sau tỉnh dậy, vừa bước xuống giường định ra ngoài rửa mặt thì Nhung tới:
    - Khiếp! Giờ này mới thức!
    - Đi đâu mà sớm thế hả nàng?
    - Trưa nay xuống dưới tao ăn cơm nhé! Khoảng 11 giờ sẽ cho người lên đón. Nhớ nhá! Tao phải đi đây. Bận lắm!
    Nói rồi Nhung quay bước đi liền như sợ tôi từ chối. Sáng nay chị em tôi lại mua con cầy hương tính làm món rựa mận, chị Ảnh bên nhà giờ này chắc thịt mất tiêu rồi còn đâu! Tôi nghĩ bụng, thôi để đến chiều về ăn cũng được.
    Một lúc sau, Thùy dắt con lên chơi, chúng tôi lại tha hồ nhắc chuyện cũ. Tôi hỏi Thùy về những anh chàng ngày xưa của nó, nó cười cái miệng méo xẹo lắc đầu nguầy ngậy. Phúc thì lấy vợ, nghiền thuốc phiện bị vợ bỏ, bây giờ vẫn còn vật vờ. Anh Toản thì cũng rứa, sắp chết rồi vì mắc bệnh sida. Đám bạn ngày xưa chơi chung với nhau một toán như anh Châu Giai đã chết, anh Hưng Phi đang nghiền, anh Toản anh Tuấn anh Toàn gì ghiền sạch mày ơi! Chán lắm! Thôi đừng nhắc tới nữa!
    Tụi tôi đổi qua đề tài khác, tôi dụ Thùy bỏ quách thằng chồng ghiền vào Sài Gòn sống cho rồi, ở ngoài này làm gì cho khổ cả một đời. Vào Sài gòn có chị có em, khó khăn gì tôi sẽ giúp nó. Thùy ngồi trầm tư không nói năng gì, tay cứ vuốt mái tóc đứa con gái. Tôi hiểu nó còn nặng nợ với gia đình. Nhưng cứ sống mãi với thằng chồng ghiền có ngày lây sida, chết bỏ con lại ai nuôi? Bây giờ có giúp vốn cho nó thì cũng chỉ như gió vào nhà trống. Nếu đưa được nó đi khỏi nơi đây thì may ra các con nó mới có tí tương lai. Tôi không ép buộc gì Thùy, chỉ có lời khuyên, kêu nó về suy nghĩ lại.
    Dưới bếp mùi thịt cầy hương nấu bốc lên thơm lừng, tôi mò xuống gắp một miếng ăn thử. Thịt dai nhắt! Chắc con cầy này cũng thuộc diện… có chắt ngoại! Hầm tới chiều chưa chắc đã ăn nổi.
    Nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ, tôi sửa soạn thay đồ chờ Nhung lên đón. Tôi mở giỏ xách của Thùy nhét ít tiền vào trong đó, làm nó giẫy nảy lên không chịu lấy. Nó bảo hôm trước tôi đã cho con nó dưới bà ngoại rồi, tôi về đây nó không có gì cho tôi làm áy náy lắm, vậy mà bây giờ… Tôi đưa tay lên miệng suỵt… ra hiệu cho nó đừng nói gì, tôi không thích người nhà tôi nghe thấy.
    - Tao cho con mày chứ không phải cho mày, giữ lấy đi có lúc cần đến - rồi phì cười nói them - Đừng có mang đi mua heroin cho chồng mày là được rồi!
    Thùy im lặng, rơm rớm nước mắt. Tôi ôm lấy vai bạn mình an ủi, sướng hay khổ đều có số cả. Nếu Thùy không chịu vào Sài Gòn thì cố gắng khuyên nhủ chồng bỏ xì ke đi, xin với mẹ dọn về sống chung với bà rồi kiếm cái gì buôn bán làm ăn cho đỡ vất vả Thùy nhé. Tôi đưa địa chỉ, số điện thoại, bảo Thùy cần gì cứ nhắn cho tôi. Nhưng cả năm nay không thấy tin gì của nó. Tôi rủ Thùy ở lại thêm ngày mai vì mốt là tôi lên đường về Hà Nội rồi, nhưng Thùy không nấn ná thêm được, nó còn vướng nhà cửa, vườn tược và cả bầy lợn, gà cùng thằng chồng ghiền đang chờ ở nhà.
    Chúng tôi nói chuyện thêm được nửa tiếng thì Nhung kêu Hùng mang xe lên đón tôi. Tôi còn dặn dò Thùy thêm một lần nữa rồi theo Hùng xuống dưới nhà Nhung ở gần đâu đó.
    Hùng chở tôi vào tận cửa nhà Nhung, một căn nhà lá, vách phên, cửa bằng gỗ trông nghèo nàn lạc hậu như từ cái thời tôi còn sống ở đó. Nhung đang lúi húi trong bếp, phụ với Nhung còn có cả Đào em của Hùng. Đào bây giờ là giáo viên mẫu giáo, dậy hoc ngay đối diện cửa nhà Nhung, hôm nay Đào nghỉ việc. Thấy tôi bước vào, Nhung đon đả mời ngồi uống nước trà, Nhung với tay lấy bình trà mang ra sau bếp súc rửa nhưng tôi chặn lại. Mới ở nhà xuống nước nôi cái gì! Tôi hỏi Nhung:
    - Còn khách nào nữa không hay chỉ có tôi và hai đứa kia?
    - Còn tụi thằng Bành thằng Hiển nữa, chắc tụi nó sắp tới rồi!
    Nhìn căn nhà Nhung, tôi thấy ái ngại cho bạn. Hình như hiểu được tâm trạng của tôi, Nhung lên tiếng:
    - Tao đang xin hợp thức hóa khu đất này để xây nhà mới chứ mày thấy đấy, trông có khác gì túp lều của nhà "chị Dậu" đâu! Nhưng mà khó quá, cứ bị dọa đuổi đi hoài!
    Nhung kéo tôi ra ngoài, chỉ lên ngọn đồi ngay sau nhà, nơi có mấy cái lô cốt của Pháp thời xa xưa nói tiếp:
    - Phòng văn hóa huyện tính mở rộng con đường dẫn vào khu du lịch nên chắc phần đất nhà tao sẽ bị tịch thu mất! Chẳng biết phải làm sao nữa.
    Tôi nhìn lên quả đồi bật cười khanh khách. Khu này tôi thuộc như lòng bàn tay, hồi còn nhỏ hay thường theo anh Ba tôi lên trên đó chơi, mấy cái lô cốt cũ là nơi các anh hay vào đó "thả bom" (ị bậy). Thế mà bây giờ đã được dọn dẹp sạch sẽ làm khu du lịch. Cũng như cái Hang Dơi đối diện Bưu Điện cũ, nay người ta cũng sửa sang lại cho sạch đẹp, bắc đèn điện, xây bậc đi lên tận nơi để làm khu du lịch có bán vé đàng hoàng. Hôm trước cháu gái tôi có xúi tôi lên đó thăm viếng cho biết, còn xuýt xoa khen ngợi "Đẹp lắm Dì ạ!". Tôi cười cười nói với cháu: "Mày làm như Dì mày chưa lên đó bao giờ í! Ngày còn bé, tụi Dì đóng đô ở trên ấy hàng ngày, chui vào tận bên trong rồi đi luồn sang cửa khác. Trong đó có cả vũng nước trong vắt, chảy róc rách, tụi Dì lấy nước rửa mặt, nước mát rượi, mấy hôm sau về mặt tróc da nhìn trông như cùi hủi! Ở trong đó có nhiều thạnh nhũ đẹp lắm, óng ánh như kim tuyến, Dì Năm còn đập lấy mang về nhà chơi, rồi gửi tận vào Nam cho bạn.". Cháu tôi mặt chưng hửng: "Thế mà cháu tưởng dì không biết!". Ngoài mấy cái này tụi tôi còn biết nhiều nơi phong cảnh đẹp tuyệt vời, những cánh đồng hoa cỏ dại mênh mông bát ngát, muôn mầu, còn đẹp hơn cả tranh vẽ…
    Bọn thằng Bành chạy xe tới kéo tôi về thực tại, không còn đứng ngơ ngẩn mơ mộng về thời xa xưa nữa. Bành, Hiển, Đào, Hậu cùng kéo nhau vào nhà. Bữa cơm đã được dọn ra, lại cũng thịt gà luộc chấm muối tiêu chanh, sườn heo kho, chả giò, gỏi đu đủ trộn đậu phộng mà ngoài Bắc gọi là nộm và thêm một rổ trái su luộc. Vừa lúc ấy Tân và Thanh lên tới. Tất cả cởi dép ngồi vào chiếu ăn cơm. Anh chồng của Nhung mang ra một chai rượu đế, tự tay rót vào mấy cái chum nhỏ rồi mời mọi người cạn ly. Tôi không biết uống rượu nhưng vẫn bị ép uống, cái vị rượu vừa đắng nghét vừa cay nồng thật khó chịu mà sao tụi này thích uống thế! Tụi tôi vừa ăn vừa nói chuyện thoải mái cười nói rôm rả. Nhung với Đào cũng uống rượu tì tì không kém gì lũ con trai. Tôi ngạc nhiên vì hồi xưa có thấy mấy đứa này uống rượu bao giờ đâu! Tôi hỏi Nhung:
    - Dạo này tiến bộ nhỉ! Uống rượu như nước lã, mà này thế lên lớp mày dạy học trò ra sao? Chúng nó có sợ mày không?
    - Sợ một phép! Loạng quạng tao xách tai lên liền!
    (Quả là Nhung nói đúng thật, học sinh trong trường sợ nó một phép. Và chẳng biết nó dạy dỗ kiểu gì mà học sinh cả trường ai cũng ghét nó, đợt bình chọn giáo viên lên làm hiệu phó, Nhung bị rớt, mặc dù dạy rất giỏi. Hơn thế nữa Nhung lại bị biệt phái đẩy sang Huyện làm thư ký cho một ông xếp nào đó mà tôi không biết. Nghe chị Hai tôi kể, Nhung khóc sướt mướt… nó đâu muốn bỏ trường bỏ lớp. Nhưng đây là lệnh không cãi được.)
    Tôi cười cưởi hỏi thêm:
    - Thế có đứa học sinh nào láo bằng tao hồi đó không?
    - Thôi mày ơi! Học sinh bây giờ láo hơn hồi xưa nhiều! Mày với thằng Bành mà nhằm nhò gì!
    - Ôi mẹ ơi! Lại còn láo hơn tao với thằng Bành nữa hả?
    Nhung nhắc lại chuyện ngày xưa giữa tôi và cô giáo dạy tiếng Nga. Thằng Bành cười lên tiếng:
    - Bà Thủy tớp (tên này có từ thời đi học) bây giờ trông khiếp bỏ mẹ!
    Nhung tiếp lời:
    - Bà bây giờ uống rượu hơn cái hũ mèm! Có bữa đến trường mặt đỏ như gấc, bị hiệu trưởng cảnh cáo mấy lần!
    Tôi hỏi tiếp:
    - Nghe nói bà có hai đứa con gái xinh lắm phải không?
    - Ừ đúng rồi! Xinh lắm! Nghe kể lại, hồi xưa bà hay viết thư cho chồng đá theo vài câu tiếng Nga, ông chồng nhận được tức quá xé bỏ vứt vào xọt rác, lại còn hầm hè lần sau viết kiểu đấy ông không thèm nhận thư nữa, tiếng Việt học còn dốt mà cứ ti toe tiếng Nga!
    Tụi tôi nghe cười nghiêng ngả, tôi hỏi tiếp:
    - Bây giờ các trường đa phần đã bỏ tiếng Nga, vậy Bà Thủy dạy gì ở trường?
    - Dạy tiếng Anh!
    - Hả? Bà đi học tiếng Anh hồi nào mà bây giờ dạy tiếng Anh?
    - Thì cứ mỗi kỳ nghỉ hè xuống học hàm thụ vài tháng chứ có gì đâu! Nghe bà dạy học sinh: "Chỉ cần biết một tiếng ngoại ngữ thì việc học thêm một ngoại ngữ khác dễ lắm! Nó cũng gần tương tự như nhau thôi mà!"
    - Chỉ được phét lác! Cái tật không bỏ! hèn gì học sinh của trường mày thi ngoại ngữ toàn được điểm "liệt"!
    Bọn tôi lại chuyển qua đề tài khác, nhắc lại chuyện thằng Chiến và cái đồng hồ. Chiến ngồi ngay cạnh cửa sổ gần kẻng của trường nên được giao cho nhiệm vụ gõ kẻng sau mỗi tiết học. Giờ toán hôm ấy gồm hai tiết, lại mệt mỏi, Chiến gõ ra chơi sớm mất năm phút. Thầy dạy môn Toán lớp tôi là Hải còng chéo ( thầy giống hệt Lý Cai, một nhân vật trong mấy phim của Sài Gòn, mà động một tí thì bị cảnh sát còng chéo tay nằm úp xuống. Nên các lớp trên đặt chết tên thầy là "Còng chéo"). Thầy ngó đồng hồ riêng rồi lên tiếng thắc mắc, nhưng thằng chiến gân cổ lên cãi lại. Thầy xửng cồ với nó, thì nó vác ngay cái đồng hồ bàn lên dí vào mặt thầy, để thầy nhìn cho rõ,nó bảo: "đây là đồng hồ của nhà trường, không phải riêng của em! Thầy có thắc mắc gì thì xuống mà phản ảnh với Hiệu trưởng, em không biết!". Chuyện đấy làm tụi tôi cứ cười khúc khích bên dưới. Tôi biết thừa thằng Chiến vặn đồng hồ sớm hơn năm phút, nhưng thầy giáo không làm gì được nó. Cũng vì chuyện này thằng Chiến đâm ra bực mình ghét ông thầy dạy Toán lắm. Nó rắp tâm trả thù bằng cách rắc lông quả mắc mèo vào ghế ngồi của giáo viên và khăn lau bảng. Nhưng người lãnh đạn đầu tiên là cái Nhung, lên bảng giải bài tập ở nhà, dùng khăn lau bảng một hồi ngứa ngáy bàn tay không chịu nổi. Rồi thì tiếp theo là thầy Hải, ông nhổm dậy từ cái ghế, gãi lấy gãi để. Sau phải xin lỗi tụi tôi về phòng thay đồ. Nhưng cái giống mắc mèo này dính vào thì phải vài ngày sau mới hết. Tụi tôi hỏi Chiến nhưng nó cứ chối bai bải. Thằng đó tẩm ngẩm mà chơi ác phải biết! Mấy cây mơ, cây mận nhà thầy hiệu trưởng quả còn non nớt mà nó, Hiển, Đào chui vào vườn vặt sạch quả non ném dưới gốc phá hoại. Đúng là cái lũ học sinh trời đánh! Nhắc đến Chiến, Nhung quay qua hỏi nhỏ tôi:
    - Hân! Tối qua thấy thằng Chiến nó nói chuyện ra vẻ…tự hào quá. Mày nghĩ nó nói đúng không?
    - Chẳng biết nữa! Thấy ông "nổ" quá, tao tính chọt vài câu, nhưng mà bạn bè lâu năm mới gặp lại không lẽ cứ nhẩy vào trong họng người ta ngồi. Thôi kệ cho nó "nổ" một bữa đi, nếu quả thật nó khá như vậy thì tụi mình mừng cho nó!
    - Nó với thằng Hưng có vẻ kình nhau quá nhỉ?
    - Ừ! Chẳng biết sao nữa? Mấy thằng con trai lớp mình cứ thậm thà thập thụt với nhau, bàn chuyện gì ấy. Tao hỏi tụi nó cứ lảng sang chuyện khác. Hình như tụi nó cũng không ưa gì thằng Hưng.
    - Ở bên Nhật có sướng không mày?
    Tôi gật đầu, không biết phải nói làm sao. Các bạn tôi đang còn phải sống cơ cực nơi đây, không lẽ tôi lại đi khoe khoang cuộc sống tiện nghi ở xứ người. Tôi chỉ nói gấp nhiều lần ở đây lắm. Sống đời vật chất sung sướng ở quê người nhưng tôi lúc nào cũng ngóng về Việt Nam, mong rằng quê hương của mình một ngày không xa sẽ có tự do dân chủ, thoát cảnh nghèo khổ.
    Nhung gắp vào chén tôi miếng trái su nhưng tôi cản lại vì tôi không ăn được món này làm Nhung tiếc rẻ. Nhung bảo "Vậy mà cứ để dành trái su non để luộc mời mày ăn".
    Phía góc kia, tụi con trai cứ chạm ly liên tục, mặt đỏ gay gắt. Bên ngoài cửa đứa con gái Tân thập thò gọi bố ra có công việc. Tân bước ra gặp con, Tân có hai đứa con gái tuổi 14, 15 xinh như mộng. Tôi bảo với Tân rằng tiếc là con trai tôi còn quá nhỏ nếu không sẽ "dú" một đứa làm con dâu, để tụi mình làm sui với nhau. Tân trở vô ngồi xuống chiếu. Tôi hỏi:
    - Có việc gì đấy! Vợ sai con lên gọi về à?
    - Ừ! Nhà đang có tang, bà chị họ hôm qua bị lật xe chết trên gần khu 90, Vợ mình nhắn về qua thắp hương!
    - Thành thật chia buồn với bạn!
    - Ba giờ chiều nay, mình có cuộc họp hội đồng trên trường. Chắc ngồi đây chơi với các bạn môt tí rồi phải về.
    - Vậy thì uống ít thôi, tao thấy tụi mày uống nhiều quá. Nhất là cái Thằng Bành này này…đi đâu cũng gạ gẫm uống rượu.
    Tôi quay sang hướng Bành ngồi dí dí ngón tay về phía nó nói tiếp:
    - Tao hỏi thật, mày có nghiện thuốc phiện không hả Bành?
    Bành cười nhăn mặt:
    - Có! Nghiện mất ba năm! Sau nghĩ tới khổ vợ con quá nên tao bỏ!
    - Dứt hẳn chưa?
    - Rồi! May mà thuốc phiện dễ bỏ, chứ heroin thì khó hơn!
    - Mày còn nghĩ đến vợ con như vậy là tốt! Cứ nghiền mãi coi như tàn đời! Hồi xưa trong Nam tao nghe tin mày cưới cái Nga lớp B làm vợ, điều đó làm tao buồn cười nhất.
    - Thế mới là sự đời! Bành này ngày xưa, toàn quen mấy em "chiến", có bao giờ để ý đến em Nga đâu! Thật là không thể nói trước được.
    - Tao nhớ hồi đó mày còn yêu được cả Thủy Hoạt, học cùng lớp với chị Tư tao mà.
    - Em Thủy dạo nay sao rồi?
    Nhắc đến Thủy, mặt Bành sầm xuống, buồn bã:
    - Nó mới bị bắt năm ngoái, đang ngồi tù gỡ lịch 18 cuốn!
    - Thủy cũng đi buôn ma túy à?
    Tất cả im lặng, tôi không muốn nhắc tới bất cứ ai nữa, toàn tin buồn thảm làm cho không khí trở nên nặng nề. Vợ Tân lại thập thò ngoài cửa ngoắc chồng ra. Tân có vẻ bực bội đứng lên miệng làu bàu "Ăn cũng không yên thân! ".
    Bữa tiệc tàn, tôi thu dọn cùng Nhung xông vào bếp rửa chén. Nhung đuổi tôi lên nhà trên uống nước với mấy đứa bạn. Bành mời anh chồng của Nhung tối mai rảnh xuống nhà Bành ăn cơm chung với tụi tôi cho vui. Bành bảo: "Cái Hân sáng ngày kia nó đi sớm rồi, làm bữa cơm mời em gái không thôi biết đến bao giờ mới gặp lại!" Rồi thì cả đám lại chia tay nhau, tôi theo Bành và mấy đứa về nhà. Bành thả tôi ngay cổng còn dặn với lại: "Tối mai nhá, nhớ đấy!"
    Tôi đi vào nhà, vừa bước đến cửa đã nghe tiếng Dì tôi đang nói chuyện um xùm. Tôi nhìn vào bên trong, thấy cả bác Hà mẹ anh Quí đang ngồi trên ghế quay mặt ra ngoài. Bác hấp háy cặp mắt nhìn tôi, tuy rằng mắt bác đã hết toét mười năm nay nhưng vòng trắng quanh mắt vẫn còn đấy. Nhìn bác tôi lại bật cười nhớ lại câu chọc ghẹo thằng Chiến Thỏ, em kế anh Quí: " Chẳng tham nhà ngói ba gian, chỉ ham đôi mắt em tưng…được ruồi", đây là câu ám chỉ mẹ nó bị toét mắt, hay đổ ghèn ruồi thường tới bu vào. Câu chọc ghẹo này làm Chiến tức lắm.
    Bác Hà mặc áo véc mầu xanh dương, tóc đã điểm bạc, những vết nhăn đang ngày một dầy thêm. Tôi nắm lấy tay bác, tự nhiên nước mắt rơi lã chã. Nếu mẹ tôi còn sống chắc cũng cỡ tuổi với bác. Vậy mà mẹ tôi lại sớm bỏ con cái để ra đi không ngày trở lại. Bác hỏi han tôi đủ điều.
    Tôi nhìn ra ngoài, xe honda của anh Quí lấm lem bùn đất đỏ. Anh Quí đang nằm trên giường nói vọng với tôi là hôm qua lúc anh lên trên 90 đón mẹ thấy một chiếc xe lao xuống vực, hình như có người chết. Tôi nói với anh là người bị nạn có bà con với Tân học lớp tôi. Anh Quí còn kể thêm có một đoàn mấy ông bà Giám Đốc, Phó Giám Đốc từ Sài Gòn lên Điện Biên Phủ thăm viếng trước khi về hưu, bị tai nạn trên đốc Pha Đin, hình như chết hết. Tôi vểnh tai lắng nghe mà không khỏi bật cười. Nghe tiếng tôi cười, bác Hà ngạc nhiên hỏi:
    - Ơ… cái con này! Sao người ta chết mà mày cười?
    - Cháu buồn cười là vì mấy ông bà này hồi còn nằm trong R trốn chui trốn nhủi dưới hầm thì thào cho nhau nghe câu tuyên truyền "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", không bị chết. Về thành ngồi mát ăn bát vàng sướng thấy bà, không dưng dửng mỡ rủ nhau đi du lịch Điện Biên Phủ làm chi để rồi khi trở về, bị con ma "anh hùng" Tô Vĩnh Diện kéo chân xuống dưới làm bạn cho vui. Không mắc cười sao được bác!
    - Ừ nhỉ! Mấy ông bà đó đi đâu không đi, đi lên Điện Biên làm cái giống gì? Lên thăm mồ mả mấy thằng Tây hả?
    Bác Hà lại quay sang nói chuyện với Dì tôi. Ui dào! Các bà lại đem chuyện Phật với Chúa ra bàn. Bác Hà bảo rằng có Mẫu Mẹ dưới Hoằng Hóa linh lắm, ai muốn cầu xin gì cứ về đó xin, Mẹ cho hết, bị bệnh gì Mẹ cũng chữa khỏi. Rồi bác kể ra đã dẫn cái Ái về chữa bệnh mà cái Ái không tuân theo lời chỉ dẫn của Mẹ nên chết thê thảm. Cái Ái này là bạn học cùng lớp với chị Tư tôi và anh Quí, bị bệnh suy thận quá nặng nhưng được chuẩn đoán sai, uống thuốc bậy bạ. Đến lúc biết ra thì quá muộn, thầy nào chữa nổi! Người thứ hai bác nói đến là Châu Giai, cũng được bác chỉ về cúng Mẹ, chữa bệnh. Nhưng vì không tuân lệnh Mẹ nên bị Mẹ phạt chết rồi đấy! Anh Châu ghiền xì ke nặng lại vướng bệnh nan y. Trời cứu! Thế mà Bác cứ một hai khen ngợi Mẫu Mẹ làm tôi che miệng cười. Cả Dì tôi cũng vậy.
    Bác Hà ngồi nói chuyện thêm một hồi rồi giã từ Dì tôi, cùng anh Quí chở về nhà dưới thị trấn. Chỉ còn lại Dì tôi ngồi trên ghế thở dài. Tôi hỏi dì:
    - Dì ơi! Cái Giang nhà mình…
    Chưa kịp nói tiếp thì Dì tôi nhổm dậy chặn ngang lời tôi, trề môi nói:
    - Ôi giời ơi! Cái con Giang vừa xấu người vừa xấu nết lại dở hâm dở hấp! Tối qua khoảng mười giờ tối mấy đứa chung trường gọi điện ra bảo chị Giang gây lộn ở đây rồi đòi tự tử kìa! Cô vào liền đi. Nửa đêm nửa hôm Dì phải sai em chạy vào xem sao?
    - Nó có sao không Dì?
    - Thằng em vào đến nơi, thấy bà chị ngồi trong góc tối, tay lăm lăm cái dây thừng đòi tự tử. Nhưng mà chỉ để dọa thôi! Mặt nó mà dám chết!
    Tôi nghe phì cả cười. Đúng là cái đồ dở hơi thật! Dì tôi ca thán thêm một tràng dài nghe não cả ruột. Nhân tiện tôi cũng nói luôn với Dì về chuyến đi thăm chị Năm tôi còn kẹt trong tù. Mấy hôm trước tôi có rủ Dì tôi cùng đi nhưng nay thấy Dì không được khoẻ. Tôi nói với Dì:
    - Dì ơi! Thôi Dì không cần đi thăm chị Năm cháu nữa đâu, đường xá bây giờ nguy hiểm lắm, tụi cháu về Hà Nội rồi ghé đó luôn cũng được. Để cháu biếu Dì ít Tiền mua thuốc uống.
    - Ừ! Dì cũng đang định nói với cháu như vậy, dạo này Dì yếu lắm, đi xa không tiện.
    Bữa nọ sau khi khơi mào rủ Dì tôi đi chung, em gái tôi cằn nhằn bảo tôi sao nhiều chuyện. Dì đang bệnh hoạn mà cứ thích rủ bà đi lỡ có chuyện gì rồi lại ân hận, nó còn hù thêm, Bà mà đi cùng là cho chị ngủ chung với bà đấy! Tôi nghe hết hồn chối liền: "Thôi cho tao xin, Dì mình ngủ ngáy còn hơn bò rống, nghe phát khiếp! Tao sợ lắm!". Tôi đã nhiều lần mất ngủ vì tiếng ngáy của Dì tôi. Có một lần về Hà Nội chung với Dì, nhà bác tôi chật hẹp, lại bẩn thỉu, mùi hôi khai nồng nặc làm tôi khó chịu. Dì rủ tôi qua nhà người quen là đồng hương của Dì ngủ nhờ. Tôi cũng theo Dì qua đó một đêm, Dì cháu nói chuyện mãi và rồi thì tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Nửa đêm khuya vắng, tôi giật mình thức giấc vì tiếng ngáy khủng khiếp của Dì. Nghe y như tiếng khủng long thời tiền sử xuất hiện làm tôi không sao ngủ lại được. Thật là tội nghiệp cho chú tôi phải chịu đựng tiếng ngáy của vợ mình trong mấy chục năm qua. Hôm sau Dì rủ tôi đi nữa, tôi từ chối liền, làm Dì cười hỏi: "Mi sợ Dì khò làm mi ngủ không được răng…"
    Nhìn Dì tôi lại phì cười nhớ đến câu chuyện chị Hai tôi kể lại bữa bố tôi ra Bắc lấy cốt mẹ tôi đưa về Nam. Dì tôi lăng săng lo việc đọc kinh và cúng bái, dì khóc lóc mẹ tôi thảm thương: " Ối chị ơi là chị ơi..! Chị có linh thiêng thì chị về phù hộ độ trì cho em nhé… bây giờ em khổ lăm… ông chồng thì rượu chè be bét, xay xỉn tối ngày. Có mấy thằng con trai thằng thì trộm cắp, đánh lộn đánh lạo, thằng thì xì ke ma túy rồi nay tù mai tội, thằng thì siêng ăn nhác làm. Còn đứa con gái duy nhất thì xấu ma chê quỷ hờn lại đanh đá chua ngoa chửi giả lại cả bố mẹ. Hu..hu..hu…Em nhớ khi xưa chị thương em nhất nhà, cơm độn khoai độn sắn chị nhường em cơm trắng, có thịt con gà chị dành em hai cái đùi to…Ối chị ơi là chị…" Bố tôi với bà sui nghe Dì tôi than thở bật cười khúc khích làm Dì tôi bực bội chửi toáng lên chẳng nể nang gì ông anh rể. Đang khóc lóc như vậy bỗng Dì chỉ tay lên bàn thờ sụt sùi nói: " Có mấy quả xoài ngon thế sao không gọt mà ăn…" Trên bàn thờ chỉ có ba quả, chị Hai tôi đành hạ xuống gọt cho Dì tôi … xơi láng hai quả. Nghe chị Hai tôi kể cùng diễn tả điệu bộ của bà Dì làm tụi tôi không nhịn được cười. Tôi lên tiếng " Chị cứ kể xấu Dì đi nhá bà mà nghe được bà chửi cho thúi đầu". " Tao kể thật chứ có nói xấu bà đâu mà sợ. Còn mày đấy, hồi xưa Dì ngồi gặm hai cài đùi gà, mày chính là con xấu nết cứ ngồi bên cạnh lườm với nguýt "
    Dì tôi đứng dậy để trở về quán, cả nhà đi đâu hết chỉ còn lại mình tôi, tôi mò xuống bếp, mở nồi thịt cầy ra ăn vụng với cơm nguội, chẳng thấy ngon lành gì cả, thế mà chị Hai tôi với chị Ảnh cứ khen ngợi rối rít, thịt rừng ngon lắm…!
    
- o O o -

    Buổi tối hôm ấy, tôi ở nhà không đi đâu chơi. Ở đây ban ngày thì nắng ấm chỉ cần mặc một cái áo mỏng cũng được nhưng tối về thì lạnh buốt đến tận xương tủy. Thời tôi còn nhỏ dưới bếp lúc nào cũng đốt củi để sưởi ấm, nay dân tình chuyển qua nấu bằng bếp gas, nên nhà cửa lúc nào cũng lạnh lẽo. Chị tôi lương giáo viên miền núi tương đối cao nhưng cũng chỉ được hơn một triệu đồng Việt Nam( gần 100 đô la Mỹ ), mà nay bị trừ tiền cứu đói giảm nghèo, mai bị trừ cứu trợ lũ lụt, rồi cả tiền ủng hộ những người bị nhiễm chất độc mầu da cam…hằm bà lằn thứ gì cũng trừ thẳng vào lương. Nếu mua máy sưởi bằng điện về xài thì tiền đâu mà trả phí mỗi tháng. Lạnh quá tôi chui lên giường đắp mền kín mít, chỉ hở mỗi cặp mắt xem ti vi. Tivi địa phương chẳng có gì, tôi chuyển qua tivi Hà Nội lại gặp đúng lúc nữ ca sĩ xấu như ma đang hát, cô mặc bộ áo váy bằng vải thổ cẩm trông chả giống ai, cô này có giọng hát khá hay hình như tên trần Thu Hà ( cháu của nhạc sĩ Trần Tiến). Đã xấu lại không biết cách ăn mặc mà ngày nào cũng chường mặt lên tivi nhìn ngứa mắt, bực mình tôi tắt máy cái rụp, không coi cũng không nghe.
    Bên phía góc kia, cháu tôi đang học bài. Chị Hai thì ngồi ở ghế sa lông kể chuyện trường lớp. Rồi bất ngờ chị hỏi tôi:
    - Cái Hân còn nhớ thằng Chung không nhỉ?
    - Chung nào? Bao nhiêu Chung làm sao em nhớ!
    - Thằng Chung ngày xưa mà em chê mặt nó xấu như bàn chưn đó!
    Nghe chị tôi nhắc, tôi giật mình, mười mấy năm qua tôi cố quên đi không muốn nhớ đến gương mặt mốc của một gã đàn ông bần tiện mà tôi ghét cay ghét đắng, ngày đó cứ tò tò theo thả dê tôi, đeo đuổi mãi không được gã đòi tự giận chết. Một bữa gã đến nhà tôi ăn vạ, tay lăm lăm con dao lam dứ dứ ở cổ đòi cắt mạnh máu. Tôi trề môi cong cớn lên tiếng thách đố:" Dám! Cắt thử đi xem có chết không! " Thế mà gã ta cắt thật, máu phún ra thành tia làm tôi sợ quá ù té chạy một mạch sang nhà bạn trốn biệt cả mấy ngày không dám mò về. Sau khi tôi bỏ chạy, anh Ba tôi bẻ điếu thuốc rịt vào vết thương cầm máu cho gã, khuyên nhủ gã đừng theo "Con bồ hóng" (ngày xưa tôi đen nhẻm xấu xí nên có biệt danh là bồ hóng )đó là gì chết uổng mạng! Gã hơn tôi mười tuổi, nhà đâu ở miệt dưới ngoại thành Hà Nội. Ốm nhom, đen xì mặt xấu xí. Mỗi lần ở Hà Nội lên hay ghé nhà tôi, mua đủ thứ cho tôi hòng lấy tình cảm, tôi không thèm lấy gã bỏ đại ở đó, tôi xếp lại để riêng trong góc tủ của mình. Sau khi biết không lay chuyển được tôi, một hôm gã đến nhà đòi hết lại tất cả những gì gã đã mua tặng cho tôi. May phước là tôi chưa mang đi cho người khác nên vào trong tủ ôm ra một đống vứt vào mặt gã nói:" Kiểm lại xem có đủ không nhé. Xong rồi xéo ngay, đừng bao giờ quay trở lại đây nữa. Đồ bần tiện!". Tuần sau tôi theo bố vào Nam chẳng còn bao giờ gặp lại gã. Khi tôi đi khỏi hắn vẫn mò vào nhà tôi hỏi thăm mãi, còn xin cả địa chỉ của tôi ở Sài Gòn để vào thăm nhưng chị Năm tôi không cho. Giờ nghe chị Hai nhắc đến gã, tôi tò mò hỏi:
    - Ông ấy dạo này sao rồi chị?
    - Có vợ và hai đứa con trai ở dưới quê rồi. Thỉnh thoảng lên thị xã vẫn ghé qua đây thăm chị, hỏi em suốt đấy chứ!
    - Ý trời ơi! Vẫn còn nhớ em Hân hả?
    - Ừ! Cả thằng Thuận nữa, thằng này ngộ ghê, gọi cái Tư, cái Năm bằng chị ngọt sớt mà cứ chị thì nó lại xưng mình mình tớ tớ.
    - Thì tại anh học chung lớp với chị mà! Anh bây giờ ở đâu?
    - Chuyển lên thị xã rồi! Thằng đó nó ghê gớm lắm! Từ ngày nó cưới cái Yến, chưa bao giờ về thăm bố mẹ vợ. Hễ vợ dính bầu là bắt đi phá thai liền!
    - Sao lại có hạng người khốn nạn như vậy nhỉ? Em mà là cái Yến em bỏ quách cho rồi! Chồng với chẳng con…!
    Kể ra thì mẹ tôi cũng có mắt nhìn người thật. Hồi đấy, thấy tôi hay đi chơi với anh Mẹ tôi cấm tiệt, Mẹ tôi bảo nhìn mặt thằng gian tà, anh học cùng lớp với chị Hai tôi, học giỏi thi đậu vào một trường đại học nhưng không hiểu vì lý do gì anh bị nhà trường đuổi học. Vậy mà mẹ tôi cứ khăng khăng nói là anh đi ăn cướp nên mới bị nhà trường đuổi. Anh trông rất thư sinh và đẹp trai như tài tử xi nê. Tôi vốn ngang ngạnh, mẹ tôi càng cấm thì tôi lại càng trốn mẹ đi chơi với anh. Tôi vẫn còn nhớ như in bữa nọ đi chung với anh bị mẹ bắt gặp, bà nắm đầu kéo về nhà đánh cho một trận, vừa đánh vừa khóc lóc vừa la mắng rầm trời: " Ối ông ơi là ông ơi…Ông về đây mà dậy con gái ông đi này… cả hai con..con chị theo thằng ăn cắp…còn con em thì mê thằng ăn cướp…" Tôi và chị Năm tôi đứng thập thò đầu hiên nhà lấm lét che miệng cười khúc khích. Thực ra tôi cũng chẳng có tình cảm gì với anh, nhưng để trả thù thằng Hưng có bạn gái, tôi đã nhận lời đi chơi với anh, cho nó biết tôi cũng thiếu ối gì người theo đuổi. Thời gian này tôi đã thành thiếu nữ, đã biết đứng hàng giờ trước gương ngắm vuốt, biết cột lại mái tóc cho gọn ghẽ, biết chọn những bộ quần áo vừa vặn với mình chứ không phải như trước kia, toàn mặc đồ khín của chị, quần lủng đít, áo vá vai, đôi dép nhựa tiền phong cũ xì dán đi dán lại đến nỗi không còn chỗ nào để dán nữa mới chịu vứt. Thời đấy tôi còn khờ lắm có biết gì đâu, đi chơi với anh tôi ngồi cách xa nghe anh kể chuyện, mỗi lần cho anh nắm tay, tối về lo lắng cả đêm chỉ sợ… dính bầu. Có một lần anh đưa tôi về nhà sau bữa tiệc sinh nhật của người bạn, gần đến đầu xóm tụi tôi dừng lại nói chuyện với nhau khá lâu. Trăng hôm đấy sáng vằng vặc, gió thổi nhẹ làm tôi rùng mình vì lạnh anh đứng sát bên tôi bỗng thì thầm nói nhỏ với tôi: "Hân! Đưa tay đây anh cho cái này!". Tôi đưa bàn tay mình ra cho anh nắm, tưởng anh sẽ đeo vào ngón tay tôi cái nhẫn cỏ mà anh vân vê nãy giờ, nhưng không ngờ anh dí bàn tay tôi vào ngay "của quí" của anh làm tôi giật vội ra, ù té chạy, không dám quay đầu nhìn lại. Cả mấy tháng sau tôi tránh mặt anh. Ra đường hễ thấy bóng dáng anh là tôi lủi mất. Tôi mang chuyện này ra kể cho cái Hồng nghe, bảo nó giữ bí mật nhưng nó lại đi rỉ tai cho nhiều đứa biết thế là tụi nó xúm vào chọc ghẹo tôi. Nhất là thằng Hưng, cứ thấy mặt tôi đâu là nó lại gọi: "Hân! Đưa tay đây anh cho cái này!". Làm tôi quê gần chết. Tôi giận Hồng mấy tháng không thèm nói chuyện.
    Năm tôi thi vào trường Đại Học Bách Khoa, anh cũng thi vào trường Đại Học Luật. Tuy mang tiếng là học giỏi nhưng khi bước vào phòng thi, đọc đề bài tôi đã tá hoả tam tinh cứ giống như người ở trên trời rơi xuống, chẳng hiểu gì sất. Tôi nhận thấy với sự hiểu biết của mình chưa chắc tôi đã làm nổi nửa câu hỏi trong đó. Nhận tờ giấy báo kết quả, tôi chỉ được có 7,5 điểm, nghĩa là thiếu tới 10 điểm mới đủ tiêu chuẩn vào bước vào cổng trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Tôi rớt cái bịch dù được ưu tiên thêm 2 điểm vì là học sinh miền núi. Anh đậu vào trường Luật, tháng 9 năm ấy anh về Hà Nội đi học. Tôi ở lại quê nhà, không thư từ liên lạc. Dịp anh về nghỉ tết cũng là ngày gia đình tôi có tang mẹ, anh tới chia buồn với tôi. Tôi nhìn anh hờ hững, chẳng còn một chút tình cảm vì tôi nhớ mãi lời mẹ. Ngày mẹ vào Nam thăm bố, mẹ đem chuyện của tôi và anh nói cho bố nghe và mẹ bắt buộc bố: "Ông làm sao đó thì làm, tôi không muốn con gái tôi lấy phải thằng ăn cướp làm chồng". Mẹ tôi không còn nữa, những lời cuối mẹ dặn bố giống như một lời trăn trối. Tôi không thể phụ lòng mẹ được, phần thì tôi cũng chẳng lưu luyến gì với anh.
    Một năm sau, cũng vào dịp Tết, tôi từ Sài Gòn trở về thăm quê nhà, gặp lại anh. Anh vẫn ân cần săn đón tôi như ngày trước. Hết phép, tôi lại theo bố vào Nam, về Hà Nội tôi đã đến tận trường Luật tìm anh, muốn nói thẳng với anh một lời dứt khoát để anh đừng chờ đợi tôi nữa. Tôi mượn xe đạp của người bác đạp đi từ phố Bạch Mai, qua ngã Tư Sở, sang đường Láng…hỏi thăm trường Đại Học Luật, cuối cùng tôi đã tìm được anh. Hai đứa tôi lang thang bên ngoài cổng trường, anh rủ tôi ra ngoài công viên nói chuyện. Tụi tôi ngồi bên nhau trên một băng ghế đá, anh nói với tôi về những dự định tương lai. Tôi thấy mù mờ quá, tôi ở tuốt tận trời Nam còn anh đang học tại đất Bắc, xa cách cả ngàn dặm, xa mặt cách lòng, ai mà biết được. Với lại mục đích của tôi hôm nay là muốn nói lời chia tay với anh, nhưng thấy anh quá hăng say, nồng nhiệt, tôi ngậm ngừng không nỡ mở lời, im lặng ngồi bên anh. Trời đã sập tối, bóng đêm phủ mờ lên cả mấy hàng cây, đèn điện được bật sáng, cái áo len tôi cởi ra để bên cạnh, chẳng đáng giá gì vậy mà không ngờ có một tên trộm mò tới từ đằng sau nhón lấy rồi vụt bỏ chạy làm tôi giật mình ú ớ không nói lên lời. Thật đúng là Hà Nội! Trộm cắp như rươi, cái áo len có đáng gì mà cũng rình lấy trộm. Chán nản tôi rủ anh về sớm. Tôi đưa anh đến cổng trường, và một mình đạp xe về nhà. Chiều hôm sau tôi theo bố ra ga Hàng cỏ lên tầu hoả vào Sài Gòn.
    Về đến nơi đến chốn, tôi liền viết cho anh một lá thư nói lời từ giã. Hai tuần lễ sau tôi nhận được hồi âm của anh. Chà! Một lá thư tình dài kín bốn mặt giấy với lời lẽ yêu thương nồng cháy và…thất vọng bẽ bàng khi nhận được lời chia tay của tôi. Lá thư đó tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và thực sự có lúc nó đã làm tôi xúc động. Cuộc đời tôi trải qua vài mối tình vắt vai nhưng chưa có ai viết cho tôi một bức thư mà lại hay được như vậy. Mười mấy năm trôi qua, bụi thời gian cũng đã xóa nhòa đi bao kỷ niệm nhưng những dòng chữ trong thư anh tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu mình:
    "… Hân ơi, Em đi rồi, anh mong tin em từng giây từng phút. Anh khắc khoải lo âu một ngày nào đó em sẽ nói lời chia tay. Hôm mình ngồi bên nhau ở công viên, anh hỏi em có còn yêu anh không,anh thấy em im lặng. Anh đã cố nhìn vào tận mắt em để tìm câu trả lời, nhưng có lẽ do trời tối quá anh không nhận ra được. Hôm nay đọc những gì em viết, anh sững sờ thảng thốt tưởng như mình bước phải một bước hụt mà không sao gượng dậy được…".
    Nhiều lúc tôi muốn siêu lòng, nhưng nhớ lời "trối" của mẹ tôi lại gạt đi ngay. Có lẽ nhờ cá tánh cương quyết nên tôi đã có đủ nghị lực để vượt qua tất cả những khó khăn của cuộc đời mà một cô gái 19 tuổi như tôi bắt đầu phải gánh chịu.
    
- o O o -

    Tiếng chó sủa ngoài sân làm tôi giật mình nhổm dậy. Chị Thanh, bạn đồng nghiệp của chị Hai sang chơi. Chị này cũng là dân Thanh Hoá có chồng và hai đứa con trai, nhưng vợ chồng chị đã li dị. Chị là giáo viên dậy môn sinh vật ở trường. Chị có dáng người cao ráo, ốm tong teo nhưng không được đẹp gái cho lắm. Tuy nhiên chị có khiếu kể chuyện làm tụi tôi nghe mà cười muốn lọt xuống giường. Hai chị nói về nghề giáo của mình, về lũ học sinh khó bảo, về các thầy cô đồng nghiệp và nhiều thứ khác… Chị Hai tôi cứ bảo chị là đồ gàn dở, làm theo ý mình nên không bao giờ được "Giáo Viên Tiên Tiến". Chị Thanh thì phản bác lại rằng "học sinh dốt quá mà phòng chỉ đạo nâng điểm lên cho đủ trung bình, em nâng 1, 2 điểm thì còn được chứ bài thi đáng có 1 điểm mà bảo em nâng lên 5 thì sao mà chịu được. Trường nào cũng muốn thi đua, cứ nâng điểm lên cho đủ chỉ tiêu phòng giáo dục đưa ra, học sinh thì dốt hơn củ khoai. Làm vậy chỉ khuyến khích chúng lười học thêm chứ được cái gì!"
    Lớp học cũ của tôi có cả hơn chục đứa theo nghề giáo viên, vì là phố huyện nghèo nàn, ngoài cái nông trường trồng chè, nuôi bò sữa không có một nhà máy nào cả để giúp dân tình có công ăn việc làm, nên sau khi tốt nghiệp trung học đa phần lũ con gái đều ghi danh học sư phạm. Ra trường về làm giáo viên nơi huyện nhà, nhưng vì gia đình nào cũng có người làm giáo viên nên các trường gần nhà đã đủ cả, muốn có việc phải đi vào vùng sâu vùng xa hơn. Có khi toàn phải đi bộ leo vài chục quả đồi. Dậy học trong đó được vài năm rồi lại xin ra gần nhà. Muốn được một chân dậy học gần nhà, không là con ông cháu cha thì phải hối lộ. Cán bộ ngoài Bắc ăn hối lộ tàn xát hơn trong Nam nhiều. Không có tiền thì đừng mơ kiếm được chỗ làm ngon lành. Trong Nam thì khác hơn, nếu có tài rất dễ xin việc lương cao. Nói chung đời sống trong Nam dễ thở hơn ngoài Bắc gấp nhiều lần.
    Hết chuyện trường lớp, chị chuyển qua chuyện nhà, chị có ông anh đi du học Nga và ở lại đó lập nghiệp. Chẳng biết có khá giả gì không nhưng khi về nước chưa giúp được ai cái gì. Một hôm mấy ông xã đến nhà rủ gây bàn nhậu, rồi thì gợi ý xin xỏ tiền cho xã. Trong lúc bốc đồng rượu, anh hứa tặng xã vài ngàn đô. Bà mẹ trong nhà nghe được, nhẩy cà tưng tưng lên tru tréo: "Lũ em mày đói như sơ mướp mày không giúp được gì, bây giờ lại ti toe đòi đóng góp cho bọn cướp ngày mấy ngàn hử? Dẹp ngay cho mẹ nhờ con ơi!". Sáng hôm sau tỉnh rượu, anh hoảng hồn lên xe vù về Hà Nội một mạch.
    - Thế anh ấy có cho chị được cái gì không?
    - Có! Cái bàn ủi Liên Xô. Còn cái nhà dột nát ca mãi để ông cho tiền sửa mà ông làm lơ không em à!
    - Nhiều khi anh ấy không có tiền. Bên Nga cũng bết bát lắm chị ơi! Qua Mỹ thì đỡ hơn.
    Cơn ho lại dồn dập tới, tôi phải chạy xuống bếp lấy ít muối ngậm cho bớt đau họng. Khi trở lên nhà tôi nghe tiếng chị Thanh vừa nói vừa cười:
    " Gia đình Bà Phong Sắc là Gia Đình Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng"
    Tôi không tin ở tai mình bèn hỏi lại chị:
    - Ui…! Bà có công gì mà được tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng hả chị?
    - Còn không à! Này nhé, bà từng là cô giáo, chồng làm trưởng phòng giáo dục huyện đã về hưu, một lũ con từ con trai, con gái, con dâu, con rể kéo nhau vào tù cả nút, lại có một án tử hình. Vậy không xứng đáng là "Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng" chứ là cái gì?
    Tôi nghe khoái chí cười tít cả mắt hỏi dồn dập:
    - Nhà Bà Lương thì sao?
    - Nhà bà đó thì được là "Gia Đình Có Công Với Cách Mạng" mới có một thằng con trai và một thằng con rể vào tù, ăn nhằm gì.
    - Thế còn nhà em?
    - Nhà em hả,nhà em là "Gia Đình Văn Hóa"
    - Ừ nhỉ! Nhà em cũng đóng góp hai chiến sĩ nhờ Đảng, nhờ Chính Phủ nuôi giùm có… 20 năm thôi mà!

Xem Tiếp Chương 9Xem Tiếp Chương 17 (Kết Thúc)

Quê Hương Ngày Trở Lại
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Đang Xem Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết