Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu ( Phần I ) Tác Giả: Alan Paton    
    Trong khi đợi Msimangu lại đón và dắt tới Shanty Town. Kumalo ngồi chơi với Gertrude, và đứa cháu. Nhưng quay về phía đứa cháu nhỏ có vẻ nghiêm trang mà chơi với nó nhiều hơn vì ông đã ngoài hai mươi rồi cô Gertrude mới ra đời, nên tình anh em không thân mật lắm. Với lại ông là mục sư, điềm đạm, có lẽ buồn tẻ nữa, tóc ông đã bạc nhiều mà Gertrude còn là một thiếu phụ. Ông không nong gì nàng kể cho ông nghe những nỗi trầm trọng xảy ra ở Johannesburg này, vì chính nàng đã tìm cuộc sống và công việc trong những nỗi nó làm cho ông buồn rầu và hoang mang đó.
    Những nỗi đó thật là nghiêm trọng, quá đỗi nghiêm trọng đối với một thiếu phụ học mới hết lớp nhì trường làng. Nàng kính trọng anh, theo cái lễ đối với một người anh cả và một mục sư, và hai anh em chỉ nói chuyện với nhau theo nghi thức, chứ không bao giờ nhắc lại những nông nỗi đã làm cho nàng té xuống gào khóc trên đất.
    Cũng may có bà Lithebe hiền hậu ở bên cạnh; bà và Gertrude kể lể dài dòng về tâm sự của đàn bà, và họ cùng hát với nhau trong khi làm những công việc hằng ngày trong nhà.
    Phải, ông Kumalo quay về phía đứa cháu gái có vẻ nghiêm trang và chơi với nó. Ông đã mua cho nó một bộ gồm nhiều khúc cây nhỏ rẻ tiền và nó ngồi sắp xếp hoài, chăm chú lắm, như dự tính một việc gì người lớn không hiểu được mà nó lấy làm say mê. Kumalo bồng nó lên, luồn tay vào trong áo sơ-mi của nó, rờ cái lưng nhỏ ấm áp của nó, vuốt ve nó, cù nó, cho tới khi vẻ mặt nghiêm trang của nó, nở một nụ cười rồi nụ cười thành tiếng cười sằng sặc. Hoặc ông nói về thung lũng lớn nơi nó sanh, kể cho nó tên những ngọn đồi, những dòng sông, tả cho nó ngôi trường nó sẽ tới học, tả những đám sương mù bao phủ những ngọn núi ở phía trên Ndotsheni. Đứa nhỏ không hiểu gì về những cái đó cả; nhưng chắc có một cái gì đó làm nó cảm thích vì cặp mắt nghiêm trang của nó mở tròn ra ngó ông bác, trong khi nó chăm chú nghe những tên thanh âm trầm trầm và du dương. Những lúc đó bác nó thích lắm vì ở giữa châu thành lớn này ông động lòng nhớ quê; trong thâm tâm ông rất thích thú được nhắc lại những tên ở quê hương ông. Đôi khi Gertrude nghe tiếng ông, bèn tiến lại, e lệ đứng ở cửa phòng, nghe ông tả những cảnh đẹp nơi chôn nhau cắt rốn của nàng. Lúc đó, Kumalo lại càng vui, và thỉnh thoảng ông lại hỏi em:
    - Em còn nhớ không?
    Và nàng đáp:
    - Dạ, em còn nhớ – Nàng mừng rằng anh mình đã hỏi han mình.
    Nhưng cũng có những lúc, đương vui thì ông sực nhớ đến đứa con trai của ông. Những lúc đó, trong một thoáng, ông thấy những ngọn đồi tên trầm trầm và du dương kia hiện lên, hoang tàn dưới ánh nắng như thiêu như đốt, thấy dòng suối cạn khô, đàn bò gầy ốm, uể oải, lang thang trên mặt đất đỏ không có lấy một cọng rễ. Chỉ còn là một xứ của các ông già bà cả, các bà mẹ và trẻ thơ, nhà nào cũng có một vài người bỏ ra đi rồi, cũng mất một cái gì rồi. Giọng ông ngập ngừng, run run rồi tắt, ông im bặt, vẻ trầm ngâm.
    Có thể là vì ông không kể truyện nữa, cũng có thể là vì ông thình lình ghì chặt đứa nhỏ, nên nó mất vui, vùng vẫy để tụt xuống đất và chơi với mấy khúc cây của nó. Và như kiếm một cái gì để chấm dứt cái nỗi đau lòng tự nhiên nó tới đó, ông bèn nghĩ tới bà vợ, tới các bạn thân, tới những đứa trẻ từ trên đồi xuống, lần lần ló ra khỏi đám sương mù để tới trường. Những hình ảnh đó thân thiết với ông quá, ông thấy hết đau khổ và lặng lẽ gần như bình tĩnh ngắm nó trong tưởng tượng.
    Ai biết được cái bí mật của kiếp sống gởi trên cõi trần này. Ai biết được tại sao trên cái thề giới sầu khổ này, con người thỉnh thoảng gặp được một niềm an ủi? Xin cảm ơn Thượng Đế, trên cõi trần khổ ải này có được một người yêu làm cho lòng ta bớt chua sót, được một đứa trẻ để chơi với nó. Xin cảm ơn Thượng Đế vì cái tên du dương như nhạc của một ngọn đồi, vì cái tên của một dòng sông làm cho tâm hồn ta nhẹ nhàng, dù là tên một con sông đã khô cạn không còn chảy nữa.
    Ai biết được cái bí mật của kiếp sống gởi trên cõi trần này? Ai biết được tại sao chúng ta sống, chiến đấu rồi chết? Ai biết được có cái sức gì làm cho chúng ta vẫn sống và chiến đấu trong khi mọi cái sụp đổ chung quanh ta. Ai biết được tại sao da thịt của một đứa trẻ lại làm ấm lòng ta như vậy khi chính đứa con của ta lưu lạc đâu mất, không tìm được? Các nhà thông thái viết biết bao nhiêu sách, dùng những tiếng khó hiểu quá. Nhưng còn cái đó, cái mục đích của đời sống, cái cứu cánh của tất cả các cuộc chiến đấu của ta, thì con người không sao hiểu nổi. Ôi, Thượng Đế, xin Thượng Đế đừng bỏ con. Vâng, mặc dầu con tiến vào cái cõi u minh của sự chết, con cũng không sợ một tai nạn gì cả nếu có Thượng Đế ở bên cạnh con…
    Kumalo đứng dậy. Có tiếng Msimangu ở ngoài cửa tới đón để đi tìm Absalom.
    - Shanty Town đây, huynh ạ.
    Ngay ở nơi đây, mà trẻ con cũng cười giỡn trong những đường hẻm ngăn cách những dãy nhà thê thảm làm bằng một miếng tôn, mấy miếng ván, vải bố, cỏ tranh, và một cánh cửa cũ nát ở một căn nhà đã phá nào đó. Có làn khói cuồn cuồn toả lên từ những lỗ đục rất khéo có mùi thức ăn, có tiếng nói, không phải tiếng giận dữ đau khổ, mà là tiếng chuyện trò hằng ngày về một đứa trẻ mới sanh, một đứa khác đã chết, một đứa nữa siêng năng học hành, và một đứa hiện nay trong khám. Miền này bị hạn hán và mặt trời chói lọi chang chang trên từng không xanh ngắt, không vẩn một đám mây. Nhưng khi trời mưa thì họ làm sao? Và khi mùa đông tới thì họ làm sao?
    - Thấy cảnh này tôi buồn quá.
    - Huynh ngó, người ta đương xây cất trên kia kìa. Đã mấy năm nay người ta không xây cất nữa. Bây giờ xây cất như vậy chắc là sẽ có cái gì tốt đây. Mà đó cũng là công trình của Dubula nữa.
    - Cơ hồ như ở đâu cũng có ông ta.
    - Coi kìa, có một nữ y tá người mình nữa kìa. Đội cái nón đó, bận áo đỏ và trắng đó, coi được đấy nhỉ.
    - Phải coi được lắm.
    - Người da trắng đào tạo thêm mỗi ngày mỗi nhiều nữ y tá. Lạ thật, chúng ta tiến bộ về một phương diện nào đó, ngừng lại ở một phương diện khác và thụt lùi ở phương diện khác nữa. Về vấn đề đào tạo các nữ y tá đó, chúng ta được nhiều bạn da trắng giúp đỡ. Khi chính quyền quyết định cho một số thanh niên của ta theo học y khoa ở trường đại học Witwaterstrand thành lập cho ngươi da trắng, thì tiếng phản đối mạnh mẽ nổi lên. Nhưng các bạn của chúng ta cương quyết và tiếp tục dạy dỗ họ cho tới khi chúng ta có một chỗ đứng riêng của chúng ta. Chào cô y tá.
    - Kính chào Umfudisi.
    - Cô làm việc nơi đây có lâu chưa?
    - Từ hồi nơi này mới thành lập.
    - Và cô có biết một thanh niên tên là Absalom Kumalo không?
    - Thưa biết. Nhưng anh ta không còn ở đây nữa. Tôi biết chỗ cũ của anh ta. Hồi đó anh ta ở với gia đình Hlatshways và những người này hãy còn ở đây. Umfundisi thấy cái khoảng đất có nhiều đá quá, không xây cất gì được kia không? Có một em trai đương đứng đó.
    - Có, tôi thấy rồi.
    - Phía sau chỗ đó, Umfundisi thấy một căn nhà, có khói toả từ một ống khói lên đó không?
    - Có tôi thấy rồi.
    - Umfundisi đi xuống con đường này, sẽ thấy gia đình Hlatshways ở căn nhà thứ ba hay thứ tư, bên tay Umfundisi lấy thức ăn.
    - Cảm ơn cô, chúng tôi lại đó ngay bây giờ.
    Lời chỉ dẫn rõ ràng quá, nên họ kiếm ngay được căn nhà.
    - Chào thím.
    Người đàn bà này ăn bận sạch sẽ có vẻ dễ thương. Thím ta thân mật mỉm cười.
    - Chào Umfundisi.
    - Chúng tôi kiếm một thanh niên tên là Absalom Kumalo.
    - Thưa Umfundisi anh ấy trước kia ở nhà tôi. Chúng tôi thương hại anh ta vì anh ta không có chỗ nào ở nhờ được. Nhưng tôi ân hận cho Unfundisi hay rằng, họ đã lại bắt anh ta đi rồi và nghe nói quan Toà đã cho anh ta vào trại cải huấn.
    - Trại cải huấn?
    - Vâng, ngôi trường lớn ở đằng kia kìa, sau dưỡng đường quân y đó. Không xa lắm, đi bộ lại được.
    - Xin cảm ơn thím. Thím ở lại mạnh giỏi. Huynh ơi lại đây.
    Hai vị mục sư lặng lẽ đi vì họ không có gì để nói với nhau cả. Kumalo vấp mặc dầu con đường thẳng băng, không gồ ghề và Msimangu phải nắm lấy cánh tay bạn.
    - Can đảm lên huynh ạ.
    Ông liếc mình bạn, nhưng Kumalo cúi gầm mặt xuống nên ông không nhìn thấy gì cả, chỉ thấy một giọt nước mắt nhỏ xuống đất, và ông xiết chặt cánh tay bạn.
    - Can đảm lên huynh ạ.
    - Có lúc tôi thấy không còn chút cam đảm nào nữa.
    - Tôi có nghe nói về trại cải huấn đó. Ông bạn mục sư Anh khen nó lắm. Ông ấy bảo thanh niên thực tâm muốn cải hoá thì trong trại người ta giúp cho. Vậy huynh nên cam đảm lên.
    - Trước kia tôi vẫn ngại ngại việc đó xảy ra.
    - Tôi cũng vậy.
    - Vâng, tôi còn nhớ lần đầu huynh bắt đầu ngại ngại như vậy. Hôm đó ở Alexandra huynh bảo tôi cứ đi trước đi, còn huynh thì trở lại hỏi thăm bà chủ nhà đó nữa.
    - Tôi thấy tôi không giấu huynh được điều gì cả.
    - Không phải vì tôi lanh trí đâu, chỉ vì nó là con tôi.
    Họ ra khỏi Shanty Town, vô Orlando rồi theo con đường tráng nhựa nó đưa ra con đường cái đi Johannesburg, tới chỗ có mấy cây xăng lớn của người da trắng ở cửa châu thành, vì người da đen không được phép xây dựng cây xăng ở Orlando.
    - Thím đó nói với huynh những gì vậy?
    - Thím ấy bảo rằng bọn thanh niên đó làm vài việc bậy bạ lén lút. Họ đem về nhà nhiều hàng hoá, hàng hoá của người da trắng.
    - Trong trại cải huấn đó, người ta cải hoá họ được không?
    - Tôi không biết rõ. Người nói thế này, kẻ nói thế khác. Nhưng ông bạn mục sư người Anh khen trại đó lắm.
    Họ im lặng một lúc lâu, Msimangu vớ vẩn nghĩ chuyện khác. Rồi Kumalo lại nói tiếp:
    - Tôi chỉ mong sao người ta cải hoá được họ.
    - Tôi cũng mong vậy.
    Họ đi gần một giờ thì tới con đường đưa lên trại cải huấn. Họ tới nơi thì đã giữa trưa, và trẻ từ mọi phía, xếp hàng tiến vô trại cải huấn. Chúng từ khắp nơi đổ tới, thành hàng dài cơ hồ như bất tuyệt.
    - Chúng đông quá huynh nhỉ?
    - Phải, tôi không rắng ngờ chúng đông như vậy.
    Một người da đen như họ, tính tình vui vẻ, nét mặt tươi cười, lại gấn họ hỏi họ có việc gì không. Họ đáp rằng muốn kiếm một thanh niên tên Absalom Kumalo. Người đó bèn dắt họ vô một phòng giấy có một người da trắng trẻ tuổi, người này dùng tiếng Afrikaans hỏi họ muốn gì.
    Msimangu cũng đáp lại bằng tiếng Afrikaans:
    - Thưa ngài, chúng tôi muốn tìm đứa con trai của ông bạn tôi đây, tên nó là Absalom Kumalo.
    - Absalom Kumalo. Có, tôi biết nó lắm. Lạ lùng không, nó bảo tôi không có bà con họ hàng gì cả.
    Msimangu dịch ra tiếng Zulu cho Kumalo hiểu:
    - Cháu nó thưa với ông ấy rằng không có bà con họ hàng gì cả.
    Kumalo nói:
    - Chắc nó lấy làm xấu hổ - Ông nói tiếp bằng tiếng Zulu – Tôi tiếc rằng không nói được tiếng Afrikaans.
    Vì ông nghe nói rằng có một số người Anh không ưa những người da đen không nói được tiếng Afrikaans.
    Người da trắng trẻ tuổi đó bảo:
    - Ông muốn nói tiếng gì tuỳ ý. Con trai ông hồi ở đây có hạnh kiểm tốt. Nó đã thành một học sinh tốt trong hạng lớn tuổi, và tôi hy vọng nhiều cho tương lai của nó.
    - Thưa ngài, như vậy là nó không còn ở đây nữa?
    - Phải, nó đã được thả cách đây không đầy một tháng. Chúng tôi đã gia ơn đặc biệt cho nó, một phần vì hạnh kiểm nó tốt, một phần vì tuổi của nó, nhưng thứ nhất là vì nó có một người vợ trẻ đương có mang. Vợ nó thường lại đây thăm nó, nó có vẻ yêu vợ nó lắm và lo lắng cho đứa con sắp sanh. Mà thiếu nữ đó cũng có vẻ yêu nó lắm, vì vậy và cũng vì nó long trọng hứa với tôi sẽ làm lụng nuôi vợ con nên chúng tôi đã đề nghị với ngài bộ trưởng cho nó ra. Dĩ nhiên, trong những trường hợp như vậy, không phải luôn luôn chúng tôi thành công, nhưng khi thấy họ có vẻ thành thực yêu nhau thì chúng tôi cứ thử, may mà nó cải hoá được. Có một điều chắc chắn là nếu có sa ngã nữa thì không có cách gì cứu nó cả.
    - Thưa ngài, như vậy nó đã làm hôn thú rồi sao?
    - Chưa đâu, Umfundisi. Nhưng đã thu xếp mọi việc cả rồi. Thiếu nữ đó không có bà con họ hàng gì, mà con trai ông cũng bảo là không có bà con họ hàng gì cả, và chính tôi với người phụ tá bản xứ của tôi đứng ra thu xếp chuyện đó.
    - Ngài thật là người phúc đức. Tôi xin thay mặt chúng cảm ơn ngài.
    - Đó là phận sự của chúng tôi. Ông đứng nên quan tâm tới điều đó mà cũng đừng lo ngại về chuyện chúng không có hôn thú.
    Viên công chức trẻ tuổi có vẻ từ tâm nói với Kumalo như vậy. Điểm quan trọng là nó có săn sóc vợ con không và có sống cuộc đời lương thiện không.
    - Vâng tôi hiểu vậy, nhưng cái đó làm tôi xúc động.
    - Dĩ nhiên, tôi có thể giúp ông được. Mời ông ra ngồi chơi ở ngoài một chút đợi tôi làm xong công việc rồi đưa ông lại Pimville để kiếm Absalom và thiếu nữ đó. Lúc này không gặp nó đâu vì tôi đã kiếm được việc cho nó trong châu thành và tôi nhận được những lời báo cáo tốt về nó. Tôi đã thuyết phục nó mở một trương mục gởi tiền ở sở bưu điện và nó đã gởi vô đó được đâu ba bốn bảng.
    - Ngài tốt bụng quá, thật tôi không biết cảm ơn ngài ra sao.
    - Đó là phận sự của tôi mà. Thôi bây giờ ông để cho tôi làm nốt công việc rồi tôi sẽ đưa ông lại Pimville.
    Họ ra tới ngoài thì người da đen vẻ mặt dễ thương lại hỏi chuyện họ, biết dự định của họ rồi bèn mời họ vô nhà ngồi nghỉ. Hai vợ chồng ông ta cho một số con trai ở đậu, chúng đã được trại cải huấn cho ra ngoài sống tự do. Chủ nhà mời họ uống trà, ăn vài miếng và cũng bảo rằng Absalom ở trong trại là họ sinh giỏi, hạnh kiểm rất tốt. Rồi họ nói chuyện về trại cải huấn, về tình trạng những trẻ sống lang thang ở Johannesburg, không gia đình, không đi học, không ai nâng đỡ che chở; về bộ lạc tan rã phiêu tán, về đất đai khô cằn. Sau cùng một người vô cho hay người da trắng trẻ tuổi đã rảnh việc, sửa soạn đi được rồi.
    Xe hơi chạy một lát thì tới Pimville, một làng mà nhà cất tạm bằng những bi-đông từ mấy năm trước mà tới bây giờ vẫn chưa cất lại được. Vì lúc nào cũng không đủ nhà cho những người tứ xứ lại Johannesburg. Tới cổng rào, người Anh trẻ tuổi phải xin phép vô, vì đã có lệnh cấm người da trắng vô làng nếu không được phép.
    Họ dừng lại trước một căn nhà làm bằng thùng sắt đó và người da trắng dắt họ vô. Một thiếu nữ còn có vẻ con nít đứng dậy chào hỏi họ.
    Người da trắng trẻ tuổi bảo:
    - Chúng tôi lại hỏi tin tức về anh Absalom đây. Umfundisi này là thân phụ của anh ta.
    Thiếu nữ ấy đáp:
    - Anh ấy đi Springs từ thứ bảy vẫn chưa về.
    Người Anh cau mày, làm thinh một lát, vẻ bực mình hoặc ngần ngừ không biết tính sao.
    - Hôm nay là thứ ba rồi, mà vẫn không có tin tức gì ư?
    - Không.
    - Bao giờ anh ấy về?
    - Tôi không biết được.
    Người da trắng có vẻ thản nhiên, hỏi lơ lửng:
    - Rồi có về hay không đây?
    - Tôi không biết được.
    Thiếu nữ có cái giọng thờ ơ không hy vọng như một người đã quen chờ đợi, quen bị người khác bỏ rơi rồi. Nàng như một người không còn trông mong gì ở cái kiếp người bảy chục năm trên cõi trần này. Không có chút phản kháng, chẳng đòi hỏi điều gì và cũng chẳng giận dữ. Lòng nàng không biểu lộ một cái gì cả. Nàng thản nhiên sanh những đứa con của những kẻ đàn ông gạt nàng rồi bỏ nàng, quên nàng.
    Tuổi nàng nhỏ, thân hình nàng bé bỏng tới nỗi Kumalo mặc dầu đau sót trong lòng mà cũng thương hại nàng.
    Ông hỏi lai:
    - Cháu tính sao?
    - Cháu không biết tính sao.
    Msimangu chua chát bảo:
    - Có lẽ rồi lại kiếm một người đàn ông khác.
    Kumalo chưa kịp nói một câu gì để gột cái ý nghĩ chua chát đó đi, không cho nàng thấy, thì nàng đã lặp lại:
    - Cháu không biết tính sao.
    Một lần nữa, Kumalo chưa kịp nói gì thì Msimangu đã quay lưng lại thiếu nữ, nói nho nhỏ với bạn.
    - Ở đây chẳng làm được gì đâu. Thôi chúng mình đi đi.
    - Huynh ạ…
    - Tôi bảo rằng ở đây chẳng làm được gì đâu. Huynh lo lắng cho bản thân chưa đủ sao? Huynh nghe tôi này, ở Johannesburg này có cả mấy ngàn ả như vậy. Dù cái lưng của huynh rộng bằng cả vòng trời, túi huynh đầy nhóc vàng, và lòng trắc ẩn của huynh trải mênh mông từ cõi trần này xuống tới địa ngục đi nữa, thì huynh cũng chẳng làm gì được đâu.
    Họ lặng lẽ rút lui. Mọi người đều lặng thinh; mỗi người một tâm sự: người da trắng trẻ tuổi thì chán nản vì thất vọng, Kumalo thì rầu rĩ vì đứa con, còn Msimangu vẫn còn chua chát vì những lời nói của mình. Hai người kia đã lên ngồi trong xe rồi mà Kumalo còn đứng ở ngoài. Ông bảo:
    - Huynh không hiểu. Đứa con trong bụng thiếu nữ đó sẽ là cháu nội tôi.
    Msimangu quạu quọ, vẫn chưa nén được nỗi chua chát.
    - Ngay cái đó nữa, huynh cũng không biết chắc được. Mà dù có đúng vậy chăng nữa thì huynh cũng còn biết bao cháu nội nữa, chúng ta sẽ đi tìm chúng ngày này qua ngày khác sao? Biết bao giờ cho xong.
    Kumalo vẫn đứng trên đám đất cát, trơ trơ như bị sét đánh. Rồi không nói thêm gì cả, ông leo lên xe.
    Chiếc xe ngừng lại ở cổng rào. Người da trắng lại xuống xe, vô phòng giấy của viên giám thị người Âu. Khi trở về xe, mặt ông ta lạnh lùng, đau khổ. Ông ta bảo:
    - Tôi đã kêu điện thoại lại xưởng. Đúng rồi, tuần lễ này nó không đi làm.
    Tới cửa châu thành Orlando, họ lại ngừng xe gần cây xăng lớn. Người da trắng trẻ tuổi bảo họ:
    - Hai ông xuống đây thôi.
    Hai người xuống xe và người da trắng nói với Kumalo:
    - Tôi rầu chuyện đó quá.
    - Vâng, thực là khổ tâm.
    Rồi như không tìm được tiếng Anh để diễn tả, ông nói bằng tiếng Zulu với Msimangu:
    - Tôi cũng rầu rĩ vì ông ấy đã hết lòng mà kết quả như vậy.
    Msimangu dịch ra tiếng Afrikaans:
    - Ông ấy bảo ông ấy rất rầu rĩ vì ngài đã tốn công toi.
    - Đó là phận sự của tôi, còn nó là con ông ấy.
    Rồi ông ta quay về phía Kumalo, nói tiếng Anh:
    - Chúng ta đừng nên tuyệt vọng. Đôi khi có trường hợp một thanh niên bị bắt giam hoặc bị thương vì tai nạn, rồi người ta chở vô dưỡng đường, chúng ta không biết thực sự xảy ra sao. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm nó.
    Chiếc xe chạy đi. Hai người đứng nhìn theo.
    Kumalo bảo:
    - Ông ấy tốt bụng. Tôi chúng ta đi thôi.
    Nhưng Msimangu vẫn đứng yên, bảo:
    - Tôi xấu hổ với huynh.
    Mặt ông ta nhăn nhó, có vẻ khổ não lắm.
    Kumalo ngạc nhiên ngó ông ta. Ông ta nói:
    - Tôi đã thốt những lời đê tiện quá. Huynh tha thứ cho.
    - Huynh muốn nói vể việc đi tìm cháu nội tôi ấy ư?
    - Vậy ra huynh đã hiểu rồi ư?
    - Vâng, tôi hiểu rồi.
    - Huynh may hiểu thật.
    - Tôi già rồi, đã từng trải ít nhiều. Thôi chuyện đó nhắc tới làm chi.
    - Đôi khi tôi thấy tôi không đáng làm mục sư. Tôi muốn nói với huynh…
    - Không sao.Có lần huynh đã bảo rằng huynh nhu nhược và ích kỷ, nhưng Thượng Đế đã ra tay cứu vớt. Cơ hồ như lời đó đúng đấy.
    - Huynh an ủi tôi đấy.
    - Nhưng tôi muốn xin huynh một việc.
    Msimangu chăm chú ngó bạn, rồi đáp:
    - Sẵn sàng.
    - Sẵn sàng cái gì?
    - Sẵn sàng dắt huynh trở lại gặp thiếu nữ đó nữa.
    - Huynh cũng mau hiểu đấy chứ.
    - Phải cho người khác cũng mau hiểu như mình với chứ.
    Nhưng tâm trạng họ lúc đó chưa cho họ nói đùa được. Họ đi dọc theo con đường nóng như lửa đốt tới Orlando, không ai nói với ai câu nào, người nào người nấy tâm sự bồi hồi.
    

Xem Tiếp Chương 9Xem Tiếp Chương 17 (Kết Thúc)

Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu ( Phần I )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Đang Xem Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết