Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Nắng Mới Tác Giả: Khánh Vân    
    Những con số trên màn hình trơ trơ trước mắt Chương. Đẩy ghế, anh tìm gói thuốc rồi ra khỏi phòng làm việc. Rót tách trà còn ấm anh ra tựa vào balcon thở hít khí trời.
    Gió hôm nay như lặng đi đâu, cái hầm hập của không khí như báo hiệu một trận mưa sắp đến. Và rồi cơn mưa lất phất đến nhanh như suy nghĩ của anh.
    Chương ngửa mặt ra đón những giọt nước mưa đầu mùa, như hy vọng chúng có thể xua đi những suy đoán trái ngược nhau và cơn bực bội trong lòng.
    Là anh đa nghi hay sự thật cô gái kia đang lừa gạt anh?
    Lúc chiều sau hàng giờ quần banh mỏi mệt, vừa vác vợt ra cổng, anh đã quá bất ngờ khi nhìn thấy cô gái.
    Cô ngồi trên ghế đá, vẫn mang chiếc kính anh mua tặng, đầu hơi cúi xuống như suy tư, mặc cho con chó nghịch ngợm lăng quăng dưới chân. Dáng vóc của cô làm anh như lại hôm trước, liên tưởng đến nhân vật cô gái mù trong truyện ngắn của mình.
    Nhân vật nữ trong truyện ngắn là nhân vật tưởng tượng, nhưng lại có nhiều nét giống cô gái mù hiện tại lạ lùng. Anh đã mất hàng giờ suy gẫm để nhận thấy ở cả hai đều có phong cách đơn giản, mỏng manh, nhưng ngược lại ẩn chứa sự đằm thắm từ nội tâm.
    Nhân vật nữ trong truyện của anh cũng mù, nhưng anh mượn cái khiếm khuyết ấy để nhấn mạnh cái thanh cao, trong trắng, ngây thơ và thuần khiết của người con gái.
    Còn cô gái mù anh tình cờ quen biết hôm ấy, cô không có nét thoát tục lý thuyết như vậy. Cô vừa khờ khạo, dễ thương, lại vừa lanh lẹ, thẳng thắn. Cô có thể không thanh thoát như nhân vật tưởng tượng của anh, nhưng bù lại là nhân vật rất thật, cô là cuộc sống thật, con người thật.
    Hôm gặp cô lần đầu về nhà, Chương cứ nghĩ về cái dáng vóc nhỏ nhắn mà ẩn chứa nghị lực của cô. Thậm chí anh còn tiếc rằng trước đây nếu anh quen biết cô gái sớm, thì có lẽ nhân vật nữ trong truyện kia sẽ được khắc hoa. thật hơn, sống động hơn.
    Và sự thật là từ khi quen biết cô, anh đã có thể sửa lại đôi chút tính cách nhân vật nữ trong kịch bản.
    Anh đã trò chuyện với cô. Những câu chuyện thoạt đầu còn hời hợt khách sáo, nhưng dần dần mối đồng cảm đã làm câu chuyện trở nên thoải mái hơn, tin cậy hơn.
    Vậy mà đột nhiên, một dấu hiệu nho nhỏ đã làm anh chú ý và rồi chợt sửng sốt nhận ra dường như mình đang quá cả tin, đang bị lừa gạt. Dấu hiệu đó là ở trên cổ tay cô.
    Trên cái cổ tay mảnh dẻ ấy có một lằn dấu mà phải chú ý, anh mới chắc chắn đó chính là dấu vết đầy đủ của một chiếc đồng hồ đeo tay.
    Một cô gái có thể đeo đồng hồ chứ, nhưng chuyện lạ đời ở đây cô gái bị mù thì làm sao còn có thể đeo đồng hồ? Đã vậy còn đem máy nhắn nữa chứ.
    Chương nhăn mặt nốc cạn tách trà. Đúng là một trò bịp, một trò bịp vì lòng trắc ẩn, anh đã vô tình bị lôi vào cuộc. Cơn giận đã làm anh tức điên. Anh muốn vạch mặt cô ta, nhưng nhìn thấy đôi môi cô mấp máy lo sợ, chẳng hiểu sao anh nén xuống và để cô đi.
    Cô gái này là ai? Tại sao cô ta dàn trò bịp này với anh? Chương đã cố nhớ mà không nhớ nổi mình đã từng gặp qua cô chưa.
    Cô lừa anh, giả mù với mục đích gì nhỉ? Tiền bạc ư. Cô đã gạt tiền của anh đâu. Gạt lòng tin ư? Cái đó thì có, anh đã tin cô ta đến nổi tỏ vẻ thương cảm và hầu như muốn sẳn sàng giúp đỡ gì đó cho cô nếu cô lên tiếng. Nhưng như vậy để làm gì?
    Vuốt ngược mái tóc đã bắt đầu ướt đẫm nước mưa. Chương quay vào nhà. Ngồi vào bàn làm việc, nhưng anh vẫn không tập trung được.
    Đáng giận thật, nét cam chịu số phận và giọng nói bình thản, mộc mạc của cô ta làm anh bâng khuâng suốt cả buổi chiều. Vậy mà....tất cả đều là trò bịp.
    Càng nghĩ càng giận. Đã phát hiện ra mà lúc ấy anh còn nhân nhượng để cô nàng đi mất. Bây giờ chỉ còn biết bực bội với tính cả tin của mình. Mà xưa nay anh có dễ tin, dễ thân thiện như vậy bao giờ đâu.
    Anh bực cô gái giả mù, và bực luôn cái kịch bản sắp hoàn tất của mình. Bốn bức tường công việc cứng nhắc, khô khan khiến anh lâu lâu lại xả hơi bằng cách viết gì đó cho vui. Thú vui này giờ đây dưòng như cũng bị tác dụng của trò lừa gạt kia làm mất cả thi hứng và hứng thú rồi.
    Cơn mưa dần nặng hạt hơn. Gió thổi mạnh làm màn mưa dạn hẳn về một hướng. Những hạt đi hoang tạt cả vào nhà.
    Chương đứng lên đóng cửa lại,cảm thấy cơn bực bội không tên cứ lẩn quẩn, nặng nề.
    
- o O o -
- o O o -
**
    Quỳnh và con Bin về đến nhà trọ, cả hai đều ướt như chuột lột. Cơn mưa làm cô lạnh run, con Bin cũng vậy.
    Vừa vào phòng là cô lập cập thay áo. Tóc còn nhỏ nước, cô quay lại lo cho con Bin. Con Bin là con vật cưng nhất của Thúy Hoa, nó bị nhiễm lạnh thì cô không biết ăn nói sao với bạn.
    Khi con Bin đã khô ráo nằm bên đĩa thức ăn, cô định lo đến mình thì chị Xuân đã gọi ngoài cửa:
    - Quỳnh ơi, điện thoại của Hương gọi về đó.
    Chụp cái khăn lông để lau khô tóc, chạy ra ngoài quầy thuốc. Tiếng chị Hương vang lên xen lẫn những tạp âm:
    - Quỳnh đó hả. Ở nhà có mưa không.
    - Dạ mưa dầm từ chiều.
    - Ờ, chị gọi về nhờ em chút chuyện. Hồi sáng luýnh quýnh đi chị quên không nhớ có khoá phòng cẩn thận không. Em kiểm tra lại rồi khoá dùm chị nha.
    - Dạ được.
    - Con Bin thế nào rồi?
    Quỳnh định đáp nhưng chợt hắt hơi một cái thật lớn. Chị Hương bật cười trong ống nghe:
    - Ê! Gì mà ách xì lớn đến điếc tai chị vậy. Trả thù vì chị mang theo máy sấy của nhỏ à?
    Quỳnh nghệch mặt vội hỏi lại:
    - Máy sấy của em? Chị nói mượn máy sấy tóc của em à?
    - Ừ, máy chị hư rồi, nên hồi sáng qua phòng nhỏ mượn đỡ, nhưng nói thật nhé, có mượn cũng tạm xài thôi. Máy của nhỏ ẹ quá chừng.
    Quỳnh cười:
    - Đồ rẻ mà chị, đâu phải hàng xài chuyên nghiệp.
    - Ừ, bởi vậy mà chị xài cũng lo nó nóng quá cháy mất. May mà mấy cô diễn viên ai cũng có đem máy sấy tóc, chắc mai quay mượn đỡ của họ. À mà em chưa nói chị biết thằng Bin sao rồi, hôm nay có quậy em không?
    Quỳnh dấu biệt chuyện cô kéo nó đi dầm mưa:
    - Dạ không. Em đang cho nó ăn.
    - Ừ, coi nó cẩn thận nhé. Ở đây cũng mưa quá, chắc phải nán thêm mấy ngày để quay cho được cảnh biển trong nắng sáng. Nếu anh Hùng đi Huế về, em nhớ nói lại để ảnh đừng lo.
    - Dạ em nhớ rồi.
    Quỳnh chợt nhăn nhăn mũi rồi....ách xì thêm một cái thật lớn làm Hương đang dặn dò thêmgì đó cũng nín bặt. Rồi gịong chị lo lắng hỏi han:
    - Sao đó nhỏ? Ách xì hai lần rồi đó. Giả bộ giỡn chị à?
    Quỳnh cười khổ sở:
    - Không phải giả bộ đâu, em mắc mưa nên ách xì thật đó chứ.
    - Lại cái tât đi không đem áo mưa chứ gì, thôi uống thuốc rồi đi nghỉ đi, không thì thành cảm bây giờ.
    - Dạ em biết rồi.
    Cúp máy xong, cô mua luôn vỉ thuốc cảm và bịch khăn giấy mới của quầy hàng chị Xuân. Chị chép miệng khi thối tiền cho cô:
    - Mưa dầm hoài không ngớt, chắc đóng cửa nghỉ sớm quá.
    Quỳnh cười nhìn màn mưa. Ừ, mưa ở thành phố này là vậy mà, dầm dề suốt buổi, làm cô bán cho xong mớ hoa đó cũng khó khăn. Khổ sở ách xì thêm vài cái, cô thầm trách mình.
    Cái tật tiếc tiền làm khổ mình đây. Hồi nãy chia tay với gã Minh Chương cũng vậy, dù buồn rũ cả người nhưng về nhà cũng không biết phải làm gì cho hết buồn cô ráng lòng vòng bán hết nên mới bị mắc mưa. Mưa đầu mùa và trời cũng tối, chẳng kiếm đâu ra chỗ bán áo mưa, cô đành phải đội mưa mà về.
    Xin chị Xuân nước nóng bình thuỷ, cô về phòng mở gói cháo ăn liền và làm một tô. Nước không đủ nóng nên hạt gạo chẳng nở hết, cô nhăn mặt cố nuốt để xoa dịu cơn đói và để uống thuốc. Tô cháo chỉ vài muỗng, mà cô phải ngưng ăn để hắt hơi đến mấy lần.
    Uống thuốc xong, cô lấy tay vò đầu. Tóc chưa khô nhưng gia tài có cái mấy sấy mini, chị Hương đã mượn đi Hà Tiên cho chuyến công tác của chị rồi, bây giờ đành mở quạt hong cho mau khô tóc thôi.
    Nghĩ là vậy, nhưng chỉ hong chừng trước quạt có năm phút mà cô cứ liên tục nhảy mũi mãi. Cuối cùng mệt quá, cô tắt quạt lăn ra nằm và trùm mền luôn.
    Cái vụ đóng kịch này chưa thấy lợi lộc gì mà khiến cô tốn tinh thần và công sức dữ quá, nếu còn rước bệnh nữa thì đúng là không đáng. Mong sao hai viên thuốc cô uống công hiệu. Cô nghĩ thầm khi chìm vào giấc ngủ nhọc mệt.
    
- o O o -
- o O o -
**
    Chương chạy xe vào khoảng sân rộng. Ông Thông bước ra bậc thềm đón em với nụ cười:
    - Sao hôm nay chạy xe gắn máy? Chiếc Phord bị gì à?
    Gạt chống xe, Chương đáp:
    - Không. Em đi xe này để tiện hơn. Lỡ kẹt xe cũng đỡ.
    Ông Thông cười hà hà bá vai em trai vào trong:
    - Ừ, con đường đến nhà anh Hai là đường huyết mạch mà lại nhỏ xíu, kẹt hoài. Đi vào giờ cao điểm thì sợ thật đó chứ.
    Phòng khách có một người đàn bà nhỏ nhắn tóc hoa râm đang ngồi xem truyền hình. Thấy bà, Chương gật đầu chào:
    - Chị Hai.
    Người đàn bà mỉm cười:
    - Chú Út đến rồi à. Gói trà sen hôm trước chú đi Bảo Lộc mua về vẫn còn một ít, để tôi sai người làm pha một ấm cho chú và anh Thông nhâm nhi.
    Ông Thôn phá lên cười:
    - Chị Hai chú nói chận như vậy vì sợ gặp phải cảnh hai anh em mình cụng ly ăn mừng như lần trước đó.
    Quay qua vợ, ông nháy mắt:
    - Bà đừng lo, hôm trước là tại hứng chí quá thôi, chứ hai anh em tôi đâu phải là đệ tử lưu linh, hở một chút là uống.
    Bà Thông lườm ông:
    - Chú Út thì tôi tin, chứ ông mà nói không phải đệ tử lưu linh thì còn ai vô đây nữa. Hồi trước.....
    Ông Thông trợn mắt đẩy nhanh cậu em trai lên lầu và cắt ngang tràng kể lể dài dòng của bà vợ:
    - Tôi biết tôi biết. Hồi trước tôi ghiền rượu đến nỗi mấy lần phải nhập viện cấp cứu và suýt chết chứ gì. Chuyện xưa như trái đất mà cứ nhắc hoài.
    Phòng làm việc của ông Thông trên lầu một chỉ có một bàn làm việc, một bộ salon và một chiếc ghế bố. Chương ngắm qua một lượt rồi lắc đầu cười:
    - Phòng làm việc của anh Hai dường như càng ngày càng thay đổi. Thêm chiếc ghế bố mà bớt nhiều thứ.
    Dẹp bàn cờ vua trên bàn, ông Thông hỏi:
    - Ý chú mày là bất tiêu cái máy vi tính và tủ hồ sơ giấy tờ chứ gì?
    Kéo Chương ngồi xuống bộ salon, ông cười xuề xoà:
    - Để ghế bố trong phòng làm việc thì kỳ khôi thật nhưng anh đã hưu rồi thì nghỉ ngơi cho thảnh thơi chứ. Nặng trí mà làm gì.
    - Em biết, nhưng công ty của anh Hai...
    Ông Thông xua tay:
    - Có chú mày lo quản lý giùm anh yên tâm rồi.
    Chương cười gượng:
    - Nhưng đó vẫn là công ty của anh, mình em lo toan thì tránh sao khỏi có lúc sai lầm.
    Ông Thông vẫn khăng khăng:
    - Anh tin tưởng chú mày hết. Đã hai năm rồi, chú mày quản lý công ty dùm anh còn giỏi hơn cả anh, có gì sơ xuất đâu.
    Không để ý vẻ trầm ngâm của Chương, ông Thôn chắt lưỡi:
    - Nói thật nhé, may mà chú mày nhận lời quán xuyến luôn dùm anh, chứ không thôi anh cũng không biết làm sao. Từ khi giải phẩu đến giờ, trong người anh quả thật không còn dẻo dai như xưa nữa, mà chuyện kinh doanh thì lơ là một chút là sẽ thất bại, phá sản ngay. Không nhận mình già cũng không được.
    - Anh mới ngoài năm mươi, đã than già rồi sao?
    Ông Thông lắc đầu cười:
    - Thằng Hiển tốt nghiệp đại học từ lâu. Con Loan hôm trước gọi điện báo anh là đang mang thai đứa nữa. Đã lên hàng ông ngoại thì còn trẻ với ai.
    Người giúp việc đem vào ấm trà và rót ra hai cái tách. im lặng nhìn thứ nước vàng nhạt đang bốc khói và toa? hương thơm ngát một lúc, Chương ngẩng lên hắng giọng:
    - Anh Hai, anh đã tính gì cho Hiển chưa?
    Đang nhâm nhi tách trà, nghe nhắc đến đứa con, ông Thông phây tay chán nản:
    - Còn biết tính sao. Chú thấy đó, bảo học kinh tế thương mại không chịu cứ theo ý mình. Lụi hụi trầy trật mới tốt nghiệp được, vậy rồi bỏ ngang. Đòi mẹ nó mua cây organ học đàn, được thêm hơn năm, bây giờ chuyển qua mua đủ thứ bút giấy học vẽ.
    Chương nhướng mày ngạc nhiên:
    - Học vẽ? Chẳng phải Hiển đã học Mỹ Thuật rồi sao?
    - Thì là Mỹ Thuật, tốt nghiệp xong rồi, giờ nó bảo phải luyện thêm gì đó nữa.
    Đặt tách xuống ông thở ra:
    - Chú coi. Đẻ con ra cũng sáng láng, lành lặn như ai, vậy mà có cái đầu khác thường khó bảo, không chịu thực tế chút nào. Nói hoài không nghe.
    - Chị Hai cũng không thuyết phục được nó à?
    Ông lắc đầu:
    - Bả chỉ có chìu nó chứ thuyết phục cái gì. Người ta có khiếu, có tài còn sống không nổi với mấy nghề đó đây, cỡ qua loa tài tử như nó làm sao được. Nó cứ tưởng anh là nhà băng chắc, cứ phải nuôi nó sống ung dung nhở nhơ suốt ngày tháng như vậy.
    Thấy Chương trầm ngâm, ông nói:
    - Chú với nó cũng cùng trang lứa, vậy mà chú đã có thể làm ra tiền từ khi còn học đại học. Còn nó, thua chú có mấy tuổi mà không hề ý thức trách nhiệm gì hết. Thỉnh thỏang giúp anh nói cho nó hiểu với. Thuyết phục nó dùm anh, thằng con trai này chắc anh chịu thua quá.
    Chương im lặng không nói. Anh biết chuyện nhờ này không dễ dàng vì anh và cậu cháu chẳng nói chuyện gì hợp được.
    Hiển thích rong chơi nhưng lại hưởng nguyên truyền thống tính ngoan cường và cố chấp của những người trong dòng họ. Nếu không, ngày ba ruột mình vì bệnh nặng mà rút khỏi công việc, Hiển đã đứng ra nhận trách nhiệm thay thế rồi, đâu để anh gồng gánh đến hai năm ròng.
    Chương ngẫm nghĩ rồi đề nghị:
    - Hay anh Hai cho chồng con Loan vào làm việc ở công ty đi. Hiển chưa chịu nắm việc nhà thì cậu Thìn đỡ một thời gian cũng được.
    Ông Thông xua tay gạt đi:
    - Thôi thôi, đừng nhắc đến thằng chồng con Loan. Nó là đứa bất tài, chỉ huyênh hoang là giỏi chứ chẳng làm nên trò trống gì đâu.
    - Nhưng dù gì cũng là người trong nhà. Nếu chưa quen việc thì em để ý giúp đỡ thêm. – Chương cố thuyết phục.
    Ông Thông cương quyết lắc đầu:
    - Không được đâu. Nó là thằng không tin cậy được. Cho nó quyền hành là cho nó cơ hội ăn chơi đàng điếm, có ngày nó bỏ vợ con luôn.
    Chương cười gượng:
    - Anh thành kiến quá rồi.
    - Không phải anh thành kiến. – Ông Thông dịu giọng – Anh hiểu con gái anh, hiểu cả thằng con rể của mình. Chỉ giao làm đại lý nhỏ bán hàng công ty mà còn không xong thì làm sao làm việc văn phòng được.
    Vỗ vai anh, ông đăm chiêu:
    - Anh biết nhờ em gánh công việc dùm anh hoài như vậy là không thiệt cho em, nhưng vì tình anh em, em ráng giúp anh.
    Ông lắc đầu thở dài:
    - Con rể, con gái thì ngoài nhiệm vụ phát lương hàng tháng chon chúng nuôi con, anh chẳng còn hy vọng gì ở chúng. Có thằng con trai, nhưng lại cứ dài cổ chờ nó đổi ý mà nhận trách nhiệm gia đình. Anh không biết khi nào mình mới xuôi tay rồi, có được như mong muốn không.
    Thấy anh trai không vui, Chương đành thôi không nhắc đến chuyện tìm người cáng đáng công ty nữa. Anh nặng nề nghĩ đến công việc đa đoan và tình trạng vướng mắc của mình không biết đến bao giờ rũ tay nhẹ nhõm được mà thầm thở dài.
    Mở cặp lấy xấp báo cáo đưa cho ông, anh hắng giọng nói:
    - Thôi, anh em mình bàn chuyện công ty đi. Tháng sau đã bắt đầu triển khai mạng lưới giới thiệu bán hàng ra mấy tỉnh phiá bắc. Hiệu quả của kế hoạch này em sẽ theo dõi riêng mỗi tháng cho anh.
    Cầm xấp tài liệu, ông Thông để qua một bên cười:
    - Thú thật chú đưa mỗi tháng thì anh giữ, giấy tờ có thì anh ký, chứ cũng chẳng đọc mà làm gì. Bây giờ nặn óc để nghĩ thông một cuộc cờ còn thú vị hơn, dễ chịu hơn đọc mấy bản báo cáo, coi mấy kế hoạch nhức đầu này.
    Chương khẽ nhăn mặt vì câu nói của anh trai. Xem ra anh vì tình thân, nhưng người thân lại không chịu hiểu cho anh rồi.
    Làm việc ngắn gọn với ông Thông thêm chừng chục phút, đến khi bị ông anh bày bàn cờ rủ rê, anh phải từ chối và cầm cặp rút lui.
    Đến cầu thang, anh chạm mặt Hiển đang đi lên. Cậu cháu nhếch môi cười chào anh:
    - Chú Út khoẻ chứ?
    - Vẫn khoẻ. Gặp chuyện không vui à? Sao mặt mày khó coi vậy?
    Hiển thở ra đánh sượt:
    - Chú tinh mắt thật. Con đang chán đời đây.
    Chương nhướng mày cười:
    - Ai chọc giận vậy. Không phải mấy cô gái chứ?
    - Là con gái nhưng không phải người ta chọc giận con. - Hiển chắt lưỡi – Mà thật ra con cũng không biết tại sao nữa, thấy chán chán vậy thôi.
    Chương ướm thử:
    - Chán thì thay đổi không khí đi. Rong chơi hoài cũng chán thì hôm nào cùng chú đến công ty chơi, chú sẽ...
    Hiển xua tay phá lên cười sặc sụa:
    - Thôi thôi con xin chú, dụ con hoài. Chú còn trẻ mà muốn lao tâm lao trí với mấy công việc kinh doanh nhức đầu đó thì cứ việc. Con thì miễn đi. Đó là cái gông, dính vào thì còn gì là thú vị cuộc đời.
    - Nhưng đó là công ty của ba con.
    Xoay xoay chìa khoá trong tay, Hiển khịt mũi:
    - Vậy thì sao chứ? Con đâu có biết gì về kinh doanh. Con sinh ra là để làm nghệ thuật.
    Chương nhăn mặt, muốn phát cáu:
    - Chẳng lẽ con cứ để công ty vắng Giám đốc hoài sao?
    - Thì chú về làm Phó giám đốc đó chi.
    - Nhưng chú chỉ đỡ công việc một thời gian thôi.
    Hiển vẫn cười khì:
    - Ai biểu hồi đó chú hứa với ba con làm chi. Đây là con đường con chọn, chẳng bao giờ con đổi ý đâu, mà có muốn đổi cũng làm không được. Con đâu có làm kinh doanh được.
    Chương thở ra:
    - Chú ghét cái gọng điệu bàng quan của con quá. Công việc ở Minh Tâm con không quen thì chú cũng có quen đâu. Chẳng lẽ chú cứ phải miễn cưỡng quản lý công việc của ba con hoài trong khi ảnh có con là con trai lớn?
    Dựa lưng vào phòng mình, Hiển nhún vai cười hì hì:
    - Con trai lớn thì sao? Chú đã làm hai năm rồi, thì cứ làm tiếp đi có sao đâu. Nghe nói có chú, công ty phát triển hơn mà?
    Thấy ông chú trẻ bực bội, Hiển cười đánh trống lảng:
    - Vào phòng con chơi không? Hôm bữa mượn chú mấy cái đĩa nhạc, để con vào lấy trả cho chú. Con cũng mua được mấy đĩa Jazz hay lắm.
    - Để hôm khác cũng được. – Chương khoát tay quay đi – Chú đang bận.
    Hiển gãi đầu rồi sực nhớ ra, anh nói nhanh:
    - Quên nữa. Hôm trước chú hỏi thăm và muốn mua cuốn sách ảnh của Pháp, chụp các tranh tường và nhà thờ xưa trên thế giới phải không?
    Chương dừng chân ngay, anh lừng khừng buông giọng:
    - Thì sao? Con biết ở đâu có bán à?
    Quay người mở cửa phòng, Hiển cười khoe khoang:
    - Cả thành phố này chẳng ở đâu có bán hết. Con tìm cả tháng mới có, giữ đã mấy tuần rồi, đợi chú qua.
    Chương theo thằng cháu vào phòng.
    Căn phòng đầy đủ tiện nghi của cậu ấm, lại lộn xộn nhu cái ổ của một nghệ sĩ lãng tử thứ thiệt. Lơ đãng nhìn quanh trong lúc thằng cháu lục tìm, Chương chợt khựng lại trước một tờ quảng cáo bướm dán trên vách.
    Hiển đến lục dãy kệ rồi đến mấy ngăn kéo bàn đầy ắp các sách báo và mấy thứ linh tinh. Cuối cùng rồi anh cũng tìm ra cuốn sách ảnh dày và nặng kia ở dưới cuốn niên giám điện thoại. Hì hục lôi nó ra, anh nói:
    - Cuốn này toàn chụp tranh hoa. trường phái nhà thờ cổ xưa lắm, bằng tiếng Pháp, in cũng lâu rồi, bộ chú thích thật à?
    Không nghe ông chú đáp, Hiển nhìn lại, thấy ông chú của mình đang đăm đăm nhìn mấy tấm bích chương quảng cáo.
    - Chú nhìn gì vậy? - Hiển tò mò đi lại.
    - Cô gái này.....
    Liếc nhìn mớ tờ bướm quảng cáo chụp chung một cô gái làm mẫu, Hiển cười:
    - Chú thấy đẹp không? Con sưu tầm đó. Quảng cáo trên TV thì tối nào mà không có, nhưng mấy tờ bướm này phải tới đại lý mới có mà xin.
    - Sao lại sưu tầm? – Chương đều giọng hỏi.
    - Tại con khoái gương mặt cô nàng này. Chú chẳng bao giờ coi mấy tiết mục quảng cáo nên chắc không biết, cô nàng nhí nhảnh, dễ thương lắm, nhất là đọan quảng cáo dầu gội này.
    Chương vẫn đăm đăm nhìn xuất thần vào đôi mắt tươi sáng, tinh nghịch của cô gái trong bức ảnh như nghĩ ngợi đâu đâu, đôi lông mày anh nhăn lại.
    Hiển cũng ngắm nghiá mấy bức ảnh, anh cười phê bình một cách rành rẻ:
    - Ở ngoài cô nhỏ này trông cũng khá như vậy đó nhưng có khác một chút. Trong quảng cáo thì sáng rực rỡ, còn ở ngoài thì đơn giản hơn, nhưng trái tính trái nết y như tính cách mấy cô người mẫu sáng giá hiện giờ. Cô nàng thật ra đâu có tiếng tăm gì. Vậy mà cũng...
    - Con quen cô ta à? - Chương quay lại ngắt lời.
    Khịt mũi, Hiển cười đắc ý:
    - Quen tí chút thôi. Cô nhỏ đang làm người mẫu cho khoá học vẽ của con.
    Anh vui miệng kể luôn chuyện hôm nay qua cô gái đang ngồi cheo leo làm mẫu bị té ra sao, anh đã galant đỡ cô vậy, vậy mà chỉ có dong xe theo cô về, cũng bị chỉnh. Lúc cám ơn thì rất dễ thương, nhưng lúc chỉnh anh thì lãnh đạm kinh hồn làm chính anh cũng không biết cô có mấy bộ mặt nữa.
    Hiển nháy mắt với ông chú:
    - Nhưng thật ra cô nàng bày vẽ như vậy cũng không qua mặt được con. Con bỏ đi một đọan là vòng xe lại ngay. Cuối cùng cũng biết được chỗ cô ta trọ. Chỉ là chỗ trọ bình dân. Hèn gì phải giấu giếm.
    - Cô ta tên là gì vậy? – Chương chợt hỏi.
    Câu hỏi của anh làm Hiển hơi ngạc nhiên, Hiển máy móc đáp:
    - Là Hoàng Quỳnh. Chẳng có tên tuổi gì cả.
    - Hoàng Quỳnh? – Chương lẩm bẩm, gương mặt chợt tối sầm.
    Anh đã nhớ ra cái tên ấy rồi. Chẳng phải Bá Cường và Bình cứ nhắc đi nhắc lại với anh rằng cô ta có tài diễn xuất đó sao.
    Tài diễn xuất? Quai hàm Chương bạnh ra tức giận.
    - Trông chú lạ quá, có gì à? - Hiển buột miệng.
    Chương quay lại, mặt nghiêm lạnh:
    - Con nói biết chỗ cô ta trọ phải không?
    - Da....thì con biết, nhưng chuyện gì vậy chú?
    - Ở đâu?
    - Nhưng chú...
    - Chú có chuyện phải gặp cô ta gấp, địa chỉ ở đâu?
    Cách hỏi và cả ánh mắt sắc lạnh của ông chú khiến Hiển cũng phải trả lời một cách miễn cưỡng.
    Chỉ vừa nghe qua, ông chú của anh đã vụt bỏ đi thật nhanh. Hiển ngơ ngác đứng giữa phòng. Phải mất đến mấy giây sau anh mớ nhớ đến cái tay đang mỏi nhừ vì cuốn sách ảnh nặng trịch.
    Với địa chỉ từ Hiển, không khó khăn gì, Chương đã tìm được chỗ Quỳnh ở trọ.
    Hành lang tối có tất cả bốn năm cánh cửa đóng, nhưng anh dễ dàng tìm được cánh cửa có màu sơn vàng một cái miệng cười, như lời người đàn bà ở quầy thuốc tây mách.
    Anh gõ lên cửa phòng. Chỉ có tiếng chó sủa ran bên trong. Cánh cửa không khóa ngoài nhưng im lìm. Con chó làm anh khẳng định hơn, Chương gõ mạnh, rồi mạnh hơn nữa, nhưng ngoài tiếng chó hoảng hốt sủa, chẳng ai ra mở.
    Anh trở ra tiệm thuốc tây nhỏ ế ẩm phiá trước:
    - Xin lỗi chị, có lẽ cô Quỳnh đã đ ra ngoài rồi phải không?
    Người đàn bà bỏ cuốn tiểu thuyết đang xem sang một bên và ngạc nhiên đáp:
    - Tôi cũng không biết nữa, nhưng mà chắc là không đâu. Con Bin còn sủa trong đó mà. Vợ chồng cô Hương không có ở nhà, nhỏ Quỳnh có đi cũng đem con chó theo, không thôi thì gởi cho chú Sáu chứ.
    Chợt bà ta trợn mắt sực nhớ:
    - Ồ! Tối hôm qua nó dầm mưa về, có ra quầy hàng tôi mua cả vĩ thuốc cảm, không biết...
    Chương chưa kịp nghĩ gì thì bà ta đã bươn bả ra khỏi quầy:
    - Cửa khoá ngoài hay khoá trong vậy cậu?
    - Hình như khoá bên trong.
    - Hay cậu làm ơn ngó vô phòng nó thử coi. - Người đàn bà nói với giọng lo lắng.
    Chương ngần ngừ rồi cũng quay vào với bà ta. Gọi thêm lần nữa cũng không ăn thua, người đàn bà giúp anh tông cửa vào phòng.
    Phòng tối nhá nhem, tia nắng sáng len qua hàng bông gió cao phiá trên không đủ soi sáng căn phòng. Anh nheo mắt bước vài bước đến bên chiếc nệm thấp sát vách.
    Trong ánh sáng nhá nhem, một dáng người mê mệt cuộn tròn trong chăn. Chương tằng hắng, thân người không nhúc nhích. Anh cau mày đặt tay lên trán rồi lập tức xốc vội cô lên. Thân thể cô gái đẫm mồ hôi, và rũ oặt trong tay anh.
    Người đàn bà đang suỵt con chó thấy vậy cũng xô tới và hốt hoảng kêu lên:
    - Trời ơi, Quỳnh! Nó bị sao vậy cậu? Có sao không?
    Bồng hẳn cô lên tay, Chương nói nhanh:
    - Bị sốt rồi. Để tôi đưa đến bệnh viện.
    Không kịp để chị ta có phản ứng gì, anh đi ngay ra cửa. Một chiếc taxi vừa trờ tới, anh ôm cô chui vào băng sau.
    - Đến bệnh viện. Phòng cấp cứu. – Anh nói.
    Chiếc xe lao đi ngay. Có lẽ vì cảnh cô gái im lìm trên tay anh khiến người tài xế vội vã hơn thường lệ. Xe chồm lên cả mấy ổ gà làm người cô gái cũng bị dằn xốc mạnh.
    

Xem Tiếp Chương 8Xem Tiếp Chương 14 (Kết Thúc)

Nắng Mới
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Đang Xem Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc