Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Trăng Huyết ( Phần VIII ) Tác Giả: Anthony Grey, Nguyễn Ước    
    Ba hôm sau, vào chiều Thứ Hai ngày 28 tháng Tư năm 1975, không khí đặc sệt và thấm đẫm như một tấm khăn liệm phủ lên thủ đô Miền Nam Việt Nam. Từ lúc mới tảng sáng, mây trời xám xịt và mỗi giờ một đen kịt thêm như điềm gỡ báo trước cơn mưa đầu tiên sẽ rơi ào ạt, bắt đầu cho một mùa ẩm ướt mới. Nhưng dù bầu trời râm ran liên tục như sắp tới điểm rạn vỡ, cơn bão đang tụ về vẫn bướng bỉnh không chịu bùng nổ. Hậu quả, khắp mọi đường phố căng thẳng như bị điện giật và trong ánh sáng chập chờn màu xám, ba triệu rưỡi người dân thủ đô Sài Gòn bị mắc kẹt trong vòng vây siết chặt của xe tăng Cộng Sản vẫn có thể thấy rõ những vệt nhăn sợ hãi đang đậm nét và hằn sâu trên mặt nhau. Nỗi sợ hãi ấy cô đặc lại khi dân chúng đô thành chuyền tay nhau các nhật báo đăng tin rằng trong đêm thứ tư sau ngày từ chức, Nguyễn Văn Thiệu đã cùng với thủ tướng lâu năm của mình là vị đại tướng trầm lặng và hiểm hóc Trần Thiện Khiêm chạy sang Đài Loan bằng một chuyến phi cơ đặc biệt của Không lực Hoa Kỳ, mang theo 15 tấn tài sản.
    Trong khi đi bộ thật nhanh từ trung tâm thành phố tới Dinh Độc lập, Joseph có thể nghe ra tiếng gầm rú xa xa của cuộc pháo kích đang trải thảm xuống căn cứ không quân chính của Nam Việt Nam tại Biên Hoà, cách Sài Gòn khoảng ba mươi cây số. Thỉnh thoảng, trong tiếng gầm của đạn pháo lại xen lẫn rải rác tiếng sấm và nghe càng lúc càng lớn hơn. Joseph nhận thấy những người dân anh gặp trên đường, miên man ngó lên trời. Rõ ràng họ vẫn tự hỏi tới bao giờ khởi sự cuộc oanh tạc thủ đô.
    Sau nhiều tuần lễ mỗi ngày một thêm e ngại, trên bộ mặt của dân chúng đang kẹt lại ở Sài Gòn bắt đầu lộ vẻ sợ hãi vì họ biết rằng với hai mươi sư đoàn quân Cộng Sản đang bao vây thành phố, không ai có thể trông mong sư đoàn duy nhất có kỷ luật còn lại của Quân Lực VNCH ở mạn bắc chận được đường nam tiến của Bắc quân. Trong khi đó, quân VNCH ở Miền Tây phải giữ nguyên vị trí, không thể đưa lên tiếp viện. Đối mặt với tình hình quân sự vô vọng ấy, chính quyền lung lay của Nam Việt Nam đang sửa soạn lễ tuyên thệ của tân tổng thống — vị tổng thống thứ hai trong khoảng thời gian sáu ngày — với kỳ vọng mong manh rằng ông có thể chứng tỏ mình đúng là người được Cộng Sản chấp nhận. Thế nhưng lời đồn đãi về hành động đó đã lan tràn khắp đường phố và trong số những người biết tới kỳ vọng đó, chỉ có vài ba người tin rằng cái trò liều lĩnh chính trị tuyệt vọng và cầu may ấy sẽ cứu nổi thủ đô.
    Suốt hai tuần lễ thứ ba và thứ tư trong tháng Tư, những người lãnh đạo Hà Nội đã tăng cường lực lượng của họï và bố trí quân vào các vị trí một cách ung dung và chậm rãi, để họ có đủ thời giờ hủy hoại thẩm quyền lãnh đạo chính trị của Nam Việt Nam tới mức độ hoàn toàn không phục hồi nổi.
    Trước đây khoảng mười ngày, để đảm bảo việc tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không đào thoát ra hải ngoại rồi thành lập chính phủ lưu vong hầu có thể gây phương hại về sau cho sự kiểm soát tối hậu của Cộng Sản tại Miền Nam, những người lãnh đạo Bắc Việt, qua các đại biểu của họ ở Trại Davis trong Tân Sơn Nhứt, đã đưa ra lời gợi ý rằng họ có thể chấp nhận điều đình và dàn xếp nếu Nguyễn Văn Thiệu chính thức từ chức tổng thống. Nhưng sau khi dọn đường cho Hoa Kỳ ép được Nguyễn Văn Thiệu từ chức, họ lập tức đưa ra đòi hỏi mới. Họ khăng khăng rằng nay tới lượt phải thay thế phó tổng thống kế nhiệm Trần Văn Hương, kẻ chủ trương tử thủ Sài Gòn tới giọt máu cuối cùng bằng một khuôn mặt khác. Và từ Hà Nội, họ nêu đích danh Dương Văn Minh. Ông là một vị đại tướng tự nhận là lãnh tụ của lực lượng thứ ba, chủ trương hòa giải và hòa hợp với Cộng Sản và được Thượng tọa Thích Trí Quang xem là một nhân vật, với sự hỗ trợ của Phật giáo Ấn Quang, có tư thế và khả năng thương thuyết với Cộng Sản về một cuộc ngừng bắn song phương. Vì sự đòi hỏi đó dường như đưa tới niềm hy vọng mong manh là có thể ngăn được việc Sài Gòn bị hoàn toàn tàn phá nên người Nam Việt Nam phải vội vàng đồng ý. Để việc chuyển giao chức vụ tổng thống cho Dương Văn Minh được hợp hiến, quốc hội đành phải họp khoáng đại lưỡng viện, biểu quyết trao cho Trần Văn Hương toàn quyền chọn người kế vị.
    Lễ tuyên thệ nhậm chức của Minh Cồ được cử hành vào xế chiều. Joseph tới Dinh Độc lập lúc vừa quá năm giờ, kịp thời gian nhìn vị tướng lãnh Phật giáo đơn sơ ấy — kẻ từng đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc lật đổ Ngô Đình Diệm do Hoa Kỳ giật dây — đi vào đại sảnh khánh tiết với bộ mặt chất phác và bần thần. Người Mỹ sắp bỏ đi hết. Thế và lực của Miền Nam chẳng còn gì. Cộng Sản đã tới bên lưng. Những kẻ trước đây hùng hổ hô hào chống cộng tới giọt máu cuối cùng cũng đang cuống cuồng bỏ đi. Chỉ còn ba sư đoàn ở thủ đô và miệt Cần Thơ, không lẽ để họ cùng với vị cao niên gân guốc và quyết tử Trần Văn Hương đánh đến hơi thở cuối cùng cho tan nát hết. Vậy ông từ vị trí trung lập chuyển qua vị trí nguyên thủ của chế độ VNCH để thương lượng với phía bên kia.
    Đây cũng là cơ hội được các nhà sư hệ phái Ấn Quang và thành phần thứ ba ấp ủ và tranh đấu suốt mười mấy năm nay, đó là chủ động một chính phủ xúc tiến việc hòa giải hòa hợp với các phe lâm chiến. Họ hy vọng, tuy không dám nghĩ là rất mong manh, sẽ thương lượng được với các thành phần trong MTGPMN và Chính phủ Cộng Hòa MNVN để có một chính phủ liên hiệp ba thành phần do Pháp làm bà mụ, và để hạn chế bớt những mất mát sinh mạng và hư hao tài sản của người Việt. Riêng đối với Dương Văn Minh, bất chấp những lời của Trần Văn Hương đã sỉ nhục ông công khai trước quốc hội và trên vô tuyến truyền hình hai ngày trước đó là “ngây thơ và nông cạn về chính trị”, ông chấp nhận vai trò tổng thống để vừa đáp ứng niềm tin của những người xem Dương Văn Minh là một giải pháp, vừa thành tựu giấc mơ làm chủ nhân Dinh Độc lập được ông đeo đuổi từ lâu. Nếu thành công như ông đang tin tưởng vào lời hứa từ nhiều phía, ông sẽ ngẩng cao đầu trước những người suốt hai mươi năm nay làm thương tổn ông. Nếu thất bại, ông sẽ trang trọng bàn giao chính quyền cho phía bên kia và để tên tuổi của mình cho lịch sử phán xét. Còn tính mạng, ông sẽ bảo trọng tới cùng vì theo ông, đó là kết tạo bởi trời đất, do cha mẹ sinh dưỡng và ông không có quyền hy sinh theo kiểu “thành mất tướng tuẩn tiết theo thành.”
    Phòng khánh tiết rộng thênh thang với những bức rèm thêu kim tuyến và màn cửa bằng nhung cùng trần cao vời vợi, treo những chùm đèn pha lê thật lớn, đang có mặt một cử tọa khoảng hai trăm người Việt gồm các sĩ quan quân đội và các chính trị gia có thành tích chống đối chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Trong e dè và thinh lặng, họ quan sát tướng Dương Văn Minh cao lớn và chửng chạc, trong bộ vét-tông mới may cắt, bước lên chiếc bục diễn thuyết có gắn huy hiệu riêng của ông — một đồ hình hoa mai trắng trên nền màu xanh nhạt dịu dàng. Có kẻ bảo đó là hình ảnh lấy từ ý thơ lạc quan “ nhất chi mai” trong Thiền tông Việt Nam. Có kẻ cho rằng nó được vẽ trại đi từ hoa lan, vì với biệt danh “tướng hoa lan”, ông nổi tiếng là người có nhiều hoa lan quí và đẹp nhất Sài Gòn. Có kẻ lại lập luận rằng nó có ý bày tỏ tinh thần hòa hiếu, và ý nguyện hòa hợp hòa giải của chính phủ ông với người anh em Cộng Sản ở bên kia chiến tuyến.
    Joseph len lỏi qua đám đông chừng một trăm phóng viên ở cuối phòng khánh tiết để tới chỗ Naomi đang đứng bên toán truyền hình với vẻ mặt căng thẳng và điều khiển việc quay phim diễn tiến nghi lễ. Dưới bàn tay trái của Naomi đong đưa chiếc mũ sắt và nàng vẫn mặc áo giáp chống đạn màu xanh ô liu như hầu hết các phóng viên khác, những kẻ tất bật vô ra các tuyến đầu mặt trận, nơi lúc này chỉ cần vài phút xê dịch bằng xe hơi từ khách sạn của họ ở trung tâm thành phố là có thể tới ngay hiện trường. Cả Naomi lẫn Joseph đều tập trung tâm trí và bồn chồn lắng nghe Minh Cồ, cố tìm xem việc thay đổi lãnh đạo như một nỗ lực cứu vãn cuối cùng này có cho Joseph thêm được vài giờ để tìm cho ra Trinh không.
    Dương Văn Minh bắt đầu phát biểu với giọng rưng rưng xúc động:
    - Đồng bào cần thấy rõ rằng tình thế lúc này vô cùng nghiêm trọng. Những sự việc bi đát đang diễn ra từng phút từng giây trên xứ sở của chúng ta và chúng ta đang trả giá đắt bằng xương máu cho những sai lầm của mình. Tôi vô cùng đau buồn vì những biến cố đó và lúc này tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải tìm kiếm một cuộc ngừng bắn và mang lại hòa bình trên căn bản Hiệp định Paris... Những ngày sắp tới sẽ vô cùng khó khăn. Tôi không thể hứa hẹn nhiều với đồng bào...
    Joseph lắc đầu thất vọng. Naomi nhìn quanh sảnh đường và bắt gặp bộ mặt ảm đạm mệt mỏi của chồng. Từ khi đặt chân xuống Sài Gòn cho tới lúc này, đã bốn mươi tám tiếng đồng hồ, Joseph chẳng chợp mắt chút nào. Suốt ngày suốt đêm, anh đi lang thang trong thành phố, cố tìm cho ra những nơi thường lui tới của các đầu mối liên lạc của Việt Minh thuở trước và Việt Cộng ngày nay trong các ngõ hẽm quanh co và giăng mắc mù mịt như cung mê và những xóm nhà tồi tàn lụp xụp dọc hai bên bờ mấy con kênh nước đen.
    Joseph bắt đầu bằng việc cho tiền hối lộ thật hậu hỉ những người hầu dễ mua chuộc và những người gác cửa khách sạn Continental Palace, Caravelle và các khách sạn lớn khác, những kẻ anh tin chắc họ lúc này không thể không làm mật báo viên cho Việt Cộng. Anh hứa sẽ cho thêm nhiều tiền nữa nếu họ có thể nói cho anh biết làm thế nào liên lạc được với Triệu Hồng Trinh, một cán bộ mới mẻ và quan trọng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam vừa rời Hà Nội năm ngày trước đây để vào nam đảm trách công tác đặc biệt tại Sài Gòn. Anh âm thầm nhét tờ giấy bạc một trăm Mỹ kim vô tay họ. Đôi khi còn kín đáo cho họ thấy mấy bức ảnh anh chụp chung với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp thời anh công tác OSS năm 1945.
    Trong liều lĩnh tuyệt vọng tìm cho ra Trinh, Joseph nói dối như máy, không cảm thấy hổ thẹn chút nào. Anh bảo mình là một nhà văn có cảm tình với chính nghĩa Cộng Sản và hiện có lý do để tin rằng đồng chí Trinh đang mang những tin tức bí mật và quan trọng do lãnh đạo của đảng Lao Động ở Hà Nội gởi vào và mong anh nhận được càng sớm càng tốt. Và chính vì tầm quan trọng sống còn của nhiều nhân vật Việt Cộng tại thủ đô Miền Nam nên nữ đồng chí ấy phải lập tức liên lạc với anh, ngay lúc vừa từ Miền Bắc Việt Nam đặt chân tới Sài Gòn.
    Những người làm công cho khách sạn nghe và nhìn Joseph với ánh mắt nghi hoặc. Rồi sau khi chìa tay nhận thêm tiền đút lót, họ cung cấp một số danh tính cùng địa chỉ. Và anh khổ sở lần từng bước thật chậm theo các đường dây điều động bí mật dẫn qua những lối đi bùn lầy nước đọng và bước xuống những nhà đò hôi hám cắm neo làm thành những xóm lụp xụp bẩn thỉu trên kênh rạch của thành phố.
    Khắp mọi chỗ tiếp xúc tối tăm và dơ dáy ấy, người ta đón nhận những lời dò hỏi của Joseph bằng con mắt cảnh giác và những tiếng lẩm bẩm trong miệng. Không màng tới sự an nguy của bản thân, ban đêm Joseph còn đi ra cả những làng mạc ven đô mỗi khi dàn xếp được việc gặp gỡ người đầu mối ở đó. Và như thế, anh tin chắc rằng mình đang lần ngược trở lên hệ thống và càng lúc càng tiếp xúc được với cấp chỉ huy cao hơn của Việt Cộng. Nhưng tới đêm thứ hai Joseph thất vọng ngừng cuộc tìm kiếm vì xét thấy mình chỉ lần mò tới được cấp chỉ huy bậc trung. Và không một người đầu mối nào xác nhận họ có biết chút gì tới sự hiện hữu của đồng chí Triệu Hồng Trinh trong hàng ngũ của họ.
    Hôm Chúa nhật, Joseph tới dự tất cả các thánh lễ cử hành tại Nhà thờ Đức Bà. Anh cố làm cho người ta để ý tới mình vì anh biết rằng trong rất nhiều năm, nơi này là chỗ cho những phái viên của Việt Cộng tiến hành việc móc nối lén lút các nhà báo nước ngoài khi có lợi cho họ. Nhưng tới khi mọi người ra về, không một tay trung gian nào tiếp cận anh.
    Sang sáng Thứ Hai, lòng ngập tràn thất vọng hơn bao giờ hết, Joseph đến phi trường Tân Sơn Nhứt. Anh tìm được cách vào Trại Davis, một cơ sở kiên cố mà theo Hiệp định Paris được dùng làm trú sở cho phái đoàn liên hiệp quân sự. Họï gồm hai trăm bộ đội thuộc Quân Đội Nhân Dân của Bắc Việt cùng với một nhóm ít người hơn gồm các viên chức Việt Cộng thuộc Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Trên lý thuyết, họ có mặt tại đó để giám sát việc ngừng bắn vốn bắt đầu từ năm 1973 nhưng mọi người thừa biết rằng các sĩ quan Bắc Việt ấy là cán bộ chính trị ngụy trang của Hà Nội. Và suốt hai năm nay, cứ mỗi sáng Thứ Bảy, họ xúc tiến một cuộc họp báo quái đản để cổ động cho đường lối tuyên truyền của Hà Nội.
    Trên đường tới Trại Davis, lần đầu tiên Joseph thấy các đám người Việt mỗi lúc một đông, đang chờ di tản bằng những chuyến máy bay C-130 của Không lực Hoa kỳ cất cánh rời phi đạo theo những thời điểm cách nhau đều đặn. Phòng luyện tập của DAO: Defense Attached Office — Cơ quan Tùy viên Quân lực Hoa Kỳ, trở thành một trung tâm điều hành việc tị nạn. Tại đó, quang cảnh những người đàn ông, đàn bà và trẻ em giữ chặt túi đồ đạc của mình trong khi chờ rời bỏ quê hương bản quán ra đi khiến cho cảm giác báo động của Joseph bốc lên thật cao.
    Trong một cơn bồng bột, Joseph quyết định tiết lộ gần hết sự thật của việc anh quan tâm tới Trinh cho viên đại tá Hà Nội, thủ trưởng phái đoàn Cộng Sản ở Trại Davis. Joseph xin gặp bằng cách gởi bức ảnh OSS của mình kèm theo một mảnh giấy nhỏ ghi đầy đủ họ tên Triệu Hồng Trinh và lý do của việc anh tha thiết tìm cho ra đứa cháu ngoại. Nửa giờ sau, viên đại tá mắt ti hí ấy tiếp anh, lắng nghe câu chuyện của anh với bộ mặt không lộ chút cảm xúc. Kế đó, ông ta gọi một phụ tá tới tiễn Joseph ra cửa rồi nói với anh:
    - Tôi chẳng biết tí gì về những điều ông vừa nói.
    Tới lúc Joseph rời phi trường Tân Sơn Nhứt, số lượng đông đảo những người tị nạn xếp hàng ra đi phình lên thấy rõ. Toán lính Thủy quân Lục chiến Mỹ ít ỏi được đưa sang đây trong tuần lễ vừa qua để giữ trật tự cho cuộc di tản đang vất vả thuyết phục những người Việt hoảng loạn đừng vứt lung tung xe hơi của mình làm nghẽn lối vào phi trường. Trên đường về lại trung tâm Sài Gòn, vừa qua khỏi Lăng Cha Cả được một quãng, Joseph dần dần bị kẹt cứng giữa cả chục ngàn người dân Sài Gòn. Họ hầu hết là quân nhân các nơi vừa chạy thoát về Sài Gòn và tín hữu Công giáo mà gia đình hơn 20 năm trước đã vượt thoát Miền Bắc, di cư vào nam. Họ tấp nập kéo nhau tới giáo xứ Tân Sa Châu để ngóng từng lời diễn thuyết của cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. Đứng trên bục cao ở một góc sân thánh đường, mắt đeo kính đen, mình mặc bộ đồ trắng ủi thẳng nếp, vị thiếu tướng không quân hồi hưu nổi tiếng ăn nói bôác đồng và hành động đầy khinh suất đó đang hô hào quân dân thủ đô hãy cùng ông ở lại tử thủ Sài Gòn. Ông hứa hẹn nếu Sài Gòn có bị thất thủ, lúc ấy ông sẽ cùng đồng bào rút xuống cố thủ ở Miền Tây. Lấy giọng thật trầm và thật ấm, ông tâm sự rằng mình sẽ không bao giờ chạy sang Mỹ vì không chịu được lối sống của Mỹ, và tại quê hương này, lúc nào cũng có sẵn rau muống và mắm cáy là hai món ăn ông thích nhất.
    Không lách qua được đám đông ấy, Joseph phải tấp chiếc xe mướn của mình vào đậu một bên đường và xuống xe, bắt đầu đi bộ dọc theo đường Trương Minh Ký. Đi chưa được bao lâu, tới đường Trương Minh Giảng, qua một cổng xe lửa, anh nhận ra mình đang ở vùng xứ đạo Bùi Phát. Đó là khu vực mới sáng nay, trong cuộc pháo kích vào thành phố, quân Cộng Sản đã bắn trúng và san bằng trọn quãng đường phố chạy ngang một xóm nhà lụp xụp tồi tàn, mái lợp tôn, nằm túm tụm vào nhau. Khói vẫn còn bốc lên trên những đống đổ nát bị lửa cháy lan sáng nay. Từ các xác nhà đổ sụp, người ta vẫn còn moi ra thi thể người đã chết và người sống sót bị cụt chân gãy tay. Thân nhân ngồi thành từng nhóm nhỏ khóc sụt sùi. Người đi ngang cũng tụ thành từng đám, đứng nhìn choáng váng. Khi tới gần góc phố điêu tàn ấy, Joseph thấy một nạn nhân bị phỏng rất nặng vì cuộc pháo kích, đang được người ta lôi ra từ bên dưới những gì tan nát còn lại của một túp lều mái tôn cong vồng.
    Joseph đứng ngó với cảm giác càng lúc càng thêm hãi hùng khi hai người lính túm hai cổ chân cháy thành than giật mạnh và phần thân thể còn lại bị kéo tuột ra ngoài, vọng lên tiếng rên rỉ yếu ớt. Bỗng tin rằng nạn nhân đó là một thiếu nữ, anh bất giác chạy tới, la lớn. Thân mình cùng tứ chi đen như khúc củi than, giộp lên. Tóc trên đầu cháy trụi. Đôi mắt màu nâu thật sáng, trợn tròn xoe đau đớn, đảo lia đảo lịa. Hai môi đen đủi mấp máy nhưng không thoát ra thành tiếng.
    Joseph chụp bi-đông của một người lính, ra hiệu cho họ hạ thấp chiếc cáng nạn nhân xuống trong khi anh nhỏ vài giọt nước vào cổ họng cháy sém ấy. Anh nghe vọng lên thêm một tiếng rên khe khẻ và thống thiết khi cơn co giật vì đau đớn làm thân thể nạn nhân rùng mạnh. Và lúc ấy Joseph mới thấy ra trên mình nạn nhân hầu như không còn một mảnh vải vì chúng đã cháy theo ngọn lửa khi nó thiêu rụi mọi sự. Cái anh tưởng chiếc quần đen nylon thật ra chỉ là lớp da bị giộp lên. Lúc ấy anh cũng nhận ra nạn nhân là một thanh niên. Dù vẫn cảm thấy cực kỳ kinh hãi, Joseph thở ra nhè nhẹ, lòng dịu lại đôi chút. Khoảnh khắc sau, người tuổi trẻ ấy rùng mình rên lên tiếng cuối cùng rồi từ trần. Hai người lính Việt Nam đang nôn nóng chờ với vẻ mặt ác cảm khi nhìn Joseph, lúc này tiếp tục công tác của họ là dọn dẹp tử thi chưa ai nhận ấy.
    Đứng hồi lâu giữa những đổ nát do các phát hoả tiễn gây ra Joseph cảm thấy lòng choáng váng không kém người dân trong xóm đang đứng chung quanh anh. Ai nấy đều nhận ra rằng cuối cùng cuộc chiến đã xâm phạm tới trung tâm thủ đô, nơi suốt gần ba mươi năm qua, Sài Gòn hiện hữu như một phép lạ giữa những trận đánh đẫm máu diễn ra khắp bốn phương tám hướng chung quanh nó. Chỉ một ít ngoại lệ như cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân vào bảy năm trước, cuộc pháo kích bằng hoả tiễn năm 1971, và vài ba vụ đánh phá bằng chất nổ vào nhà hàng hay vũ trường thường có người nước ngoài lui tới, thủ đô của Nam Việt Nam lúc nào cũng là một ốc đảo tương đối thanh bình trong một đại dương sôi sùng sục vì chiến tranh. Nay khi ngày tiếp tục và những đám mây đầu mùa mưa làm đen kịt bầu trời thủ đô, trong không khí Sài Gòn dường như đang hiện hữu điều gì đó rất cụ thể tới độ người ta có thể sờ mó được, báo hiệu một cách chắc chắn rằng chiến tranh đang tiến vào rất gần.
    
    Hình ảnh thi thể cháy đen của người thanh niên lại hiện về ám ảnh trí tưởng của Joseph hết giờ này qua giờ khác khi anh tiếp tục lùng tìm Trinh. Rồi dần dà, nó diễn đi diễn lại mãi và trở thành một biểu tượng cho sự kinh khiếp hãi hùng. Trong khi lắng nghe diễn từ chỉ toàn là kỳ vọng của Dương Văn Minh anh lại nghĩ tới hình ảnh đó vì qua những gì vị tân tổng thống Nam Việt Nam phát biểu, người ta có lẽ sớm nhận ra rằng trong tâm tư ông hẳn cũng đang tràn ngập những ý nghĩ tương tự.
    Lần đầu tiên Dương Văn Minh nhắc tới và gọi thẳng cái tên tự xưng của “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”. Ông nói rằng lúc này toàn dân muốn sự “hoà giải” trên hết mọi sự. Nhưng cung giọng của Minh Cồ gợi cho thấy ông không dám đặt hy vọng vào việc Việt Cộng hoặc người Bắc Việt sẽ có nhiều nhượng bộ vì lúc này, chiến thắng hoàn toàn về quân sự đang nằm trong lòng bàn tay của họ.
    Cố sức bơm thêm niềm tin tưởng vào lời lẽ của mình, Dương Văn Minh nói:
    - Việc hoà giải đòi hỏi anh em bên này lẫn anh em bên kia đều phải tôn trọng quyền sống của nhau. Tôi kêu gọi anh em bên kia ngưng ngay lập tức những cuộc tấn công lẫn nhau để chấm dứt những khổ đau của dân chúng, cùng nhau ngồi vào bàn hội nghị để tìm những giải pháp hữu ích cho quốc gia dân tộc.
    Vị tướng chất phác và lực lưỡng ấy ngừng một chút, hít vào một hơi thật dài, mắt không nhìn cử tọa. Ông nhận thức rõ ràng rằng mình đang nói qua vô tuyến truyền hình phát trực tiếp tới tai mắt của nhiều người bên ngoài đại sảnh khánh tiết này:
    - Với tất cả tấm lòng chân thật của mình, tôi hy vọng rằng lời kêu gọi này sẽ được anh em bên kia đón nhận...
    Đúng khoảnh khắc ấy, toàn bộ dinh tổng thống rúng động bởi một tiếng nổ long trời. Chớp loé lên rực sáng bầu trời bên ngoài, hất tung những chiếc màn lớn treo trên các cửa dẫn ra hàng hiên. Một luồng gió mạnh ào tới, tạt nước mưa vào phòng khánh tiết trong khi cơn bão đầu mùa gió chướng bùng nổ cực kỳ dữ dội. Và khi các cửa lớn được đóng kín trở lại, tổng thống Dương Văn Minh cất cao giọng để cử tọa nghe rõ hơn, át tiếng sấm tiếp tục rền vang bên ngoài. Mặt nghiêm trọng hơn trước, ông nói:
    - Thưa đồng bào, trong những ngày vừa qua, tôi có thể nhận thấy rằng có nhiều người đang âm thầm rời bỏ xứ sở này. Tôi muốn nhắc nhở toàn thể đồng bào rằng đây là quê hương yêu quí của chúng ta. Xin đồng bào hãy can đảm, hãy ở lại và chấp nhận số phận mà Thượng đế...
    Tiếng sấm lại nổ thêm lần nữa và rền vang đinh tai buốt óc. Chờ cho tới khi lặng tiếng sấm, Dương Văn Minh thêm lần nữa ngước mặt và nhìn cử toạ bằng ánh mắt van lơn:
    - Xin hãy ở lại và cùng đứng bên nhau — tái xây dựng Miền Nam Việt Nam! Xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và thịnh vượng. Và như vậy người Việt Nam sẽ sống với người Việt Nam trong tình nghĩa anh em.
    Ngừng lại lần chót, Minh Cồ đưa mắt nhìn quanh phòng khánh tiết, như một người cố tỏ ra can trường nhận biết, một cách trọn vẹn, rằng rồi ra bản thân mình có thể sẽ bị nhấn chìm bởi cơn thủy triều lịch sử không cưỡng lại nổi. Cuối cùng, giọng trầm hẳn, ông nói thêm: “Xin cám ơn quí vị và toàn thể đồng bào”. Nhưng lời ấy không tới được tai cử tọa trong phòng khánh tiết vì mọi người đang bị nhấn chìm bởi một loạt sấm vang rền khác.
    Khi cuộc tụ họp bắt đầu tản ra, Naomi bước tới bên Joseph, nắm cánh tay chồng an ủi. Với vẻ mặt rúm ró, anh ưỡn người lên, nhún vai cam chịu. Kể từ lúc tới Sài Gòn, Joseph hỏi tới hỏi lui Naomi nhiều lần về lời nhắn gởi đã được nàng nhận từ người ký giả Pháp. Và lần nào nàng cũng kiên nhẫn kể đi kể lại với anh rằng một cô gái tên Trinh họ Triệu liên lạc với người đại diện của Hãng Thông tấn AFP tại Hà Nội, đưa cho anh ta một tờ giấy và kể cho anh ta nghe việc Trần Văn Kim biến mất sau khi bị loại khỏi Bộ Chính trị. Đổi lại tin tức đó, cô gái yêu cầu anh ta bí mật liên lạc với một người Mỹ có tên là Joseph Sherman và chuyển lời rằng ông cậu ngoại của Triệu Hồng Trinh đã sắp xếp cho cô ta xâm nhập Miền Nam với tính cách một cán bộ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Cô gái ấy nói rằng do việc Trần Văn Kim bị trừ khử, cô ta sợ cho tương lai của mình nếu còn ở lại Miền Bắc. Lúc này rõ ràng quân đội Bắc Việt sắp hoàn toàn chiến thắng tại Miền Nam nên cô gái ấy cảm thấy nếu mình có vào nam ở đi nữa cũng không có tương lai. Đó là lý do tại sao cô ta muốn Joseph Sherman giúp đỡ để ra khỏi nước Việt Nam. Cho tới lúc ấy, đảng không đưa ra lời tuyên bố nào về Trần Văn Kim nhưng ngay sau đó, anh ký giả Pháp biết từ một người đưa tin đáng tin cậy rằng ông ta đã chết trong một vụ xe lật.
    Naomi nói trầm giọng:
    - Joseph ạ, anh đừng có vẻ lo lắng quá như thế. Có thể anh bạn AFP kia vì lý do nghề nghiệp giữ lại một số chi tiết. Có thể chuyến đi của Trinh bị trì hoản. Cũng có thể tại những khu vực Cộng Sản kiểm soát, đường đi lại lúc này rất lộn xộn.
    Joseph không trả lời. Anh nhướng mắt nhìn quá ra sau vai của Naomi, tới đám đông các dân biểu và thượng nghị sĩ quốc hội đang đứng thành từng nhóm bên dưới các chùm đèn, thảo luận về bài diễn văn nhậm chức của Dương Văn Minh. Naomi vừa hỏi vừa quay mình theo ánh mắt chồng:
    - Gì vậy?
    - Trần Văn Tâm! Coi kìa, anh ta đang nói chuyện với vị thủ tướng mới. Vẫn là một con tắc kè chính trị xuất sắc không chê vào đâu được! Dù gì anh ta cũng phải cố chuyển mình từ chế độ Thiệu qua phía những người trung lập.
    Joseph lật đật đi tới người Việt Nam ấy. Vừa quay lại Tâm đã thấy Joseph đứng sát khuỷu tay mình. Anh anh chìa bàn tay:
    - Vậy là anh tới đây để chứng kiến màn chót tấn thảm kịch của đất nước chúng tôi, phải không Joseph? Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể làm nhưng chúng tôi hiện không còn chút sức mạnh nào để mặc cả. Việc tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống chỉ kiếm được nhiều nhất cho chúng tôi một ít thì giờ thôi.
    Tâm nói những lời ấy với giọng thật thấp không để những người đứng chung quanh nghe. Rồi anh ta mỉm cười buồn bã. Joseph gật đầu:
    - Nhưng còn kế hoạch riêng của cá nhân anh thì sao? Liệu anh có nằm trong số những người hưởng ứng lời kêu gọi ở lại và chấp nhận số phận được Thượng đế an bài cho mình không?
    Người Việt Nam cười khúc khích rồi bồn chồn đưa mắt nhìn quanh trước khi trả lời:
    - Với lòng yêu nước nồng nàn, tôi muốn hưởng ứng, nhưng cũng giống như những kẻ khác, tôi e sợ những gì Cộng Sản sẽ làm. Tôi đã phòng ngừa bằng cách cho vợ tôi và cả nhà rời khỏi Sài Gòn. Họ hiện ở Thái Lan.
    Joseph hỏi như thì thầm:
    - Vậy anh có tính chuyện đưa luôn ra ngoài ít nhiều của cải không?
    Tâm lại khúc khích cười với vẻ bối rối:
    - Có, cũng đã có tính trước chuyện phòng xa như thế cho chắc ăn.
    - Và bằng cách nào bản thân anh ra đi được? Trong phi trường, người ta càng lúc càng bu đông như kiến!
    Bộ mặt Tâm cau lại thành một nụ cười như có tính toán sẵn:
    - Vị đại sứ của anh lúc nào cũng đối xử với tôi như một người bạn tốt. Anh biết không, tôi luôn luôn làm hết sức mình để có thể cung cấp cho ông ấy quan điểm riêng của tôi về các công việc của chính phủ chúng tôi. Như để bày tỏ lòng biết ơn, ông ấy bảo đảm cho tôi một chỗ trên máy bay của toà đại sứ nếu cần phải di tản đột ngột.
    - Và làm thế nào anh thoát khỏi sự qui kết rằng bản thân anh cũng từng có những sai phạm lâu dài không kém gì tổng thống Thiệu?
    Tâm lại nở thêm trên môi một nụ cười:
    - Một sự khôn ngoan rút lui khỏi chức vụ của mình tại Bộ Thông tin vào tuần trước — khi đã thấy rõ gió đang thổi về hướng nào. Nhưng nói cho tôi biết có phải anh đang viết thêm một cuốn sách nữa? Có phải đó là lý do khiến anh quay lại Sài Gòn trong tình thế nguy hiểm này?
    Joseph lắc đầu:
    - Không phải vậy đâu anh Tâm. Thực tế, tôi tới đây vì việc vừa xảy ra cho Trần Văn Kim, em của anh, ở Hà Nội. Tôi rất buồn khi nghe tin ấy.
    Tâm lắc đầu thở dài:
    - Tình huống cái chết của em tôi rất lạ lùng nhưng tôi không hiểu tại sao nó lại tác động tới anh?
    - Có thể anh không biết, nhưng Tuyết và con trai của nó bị tử nạn trong trận không tập hồi lễ Giáng Sinh năm 1972. Chỉ còn con gái của Tuyết là Trinh sống sót. Kim là người thân duy nhất của Trinh ở Hà Nội. Lúc này, Kim đi rồi thì Trinh cô độc và rất sợ hãi. Hình như Kim có bảo trước cho Trinh biết làm thế nào nhắn tôi qua một ký giả Pháp tại Hà Nội. Và Kim cũng chuẩn bị sẵn giấy tờ để Trinh có thể âm thầm thâm nhập Miền Nam chung với các cán bộ Bắc Việt khác.
    Tâm tròn xoe mắt:
    - Như vậy anh tới đây tìm nó để mang nó ra khỏi Việt Nam?
    Joseph ảm đạm gật đầu, giọng chua xót và tuyệt vọng:
    - Đúng, nhưng tôi tìm không ra nó. frgtTôi đã cố liên lạc với hết thảy các đầu mối mà mình biết. Anh biết có ai ở phía bên kia giúp được không?
    Trong mắt người Việt Nam hiện lên vẻ đề phòng:
    - Tôi không làm nổi việc đó đâu... Tôi rất tiếc. Giống như những kẻ khác, tôi còn phải lo lắng đủ thứ cho thân mình.
    Tâm dợm chân muốn bỏ đi nhưng Joseph túm vai xoay người anh ta lại:
    - Anh Tâm này, Trinh cũng là ruột thịt của anh! Người như anh chắc chắn phải có những liên lạc riêng của mình với phía Việt Cộng.
    Joseph ngừng nói. Quai hàm bỗng đanh lại, anh gằn giọng:
    - Có lẽ tôi nên đề cập vấn đề đó với ông đại sứ và yêu cầu ông ấy hủy chỗ của anh trên máy bay trực thăng!
    Mặt Tâm biến sắc xanh lè. Anh ta hoác miệng cười hớt hải và nhìn Joseph một lúc lâu với vẻ cảnh giác. Rồi mắt anh ta loé sáng:
    - Tại sao anh không hỏi ý kiến người bạn của anh trong “phòng trắng”?
    Joseph ngó Tâm chằm chặp, sửng sốt:
    - Anh biết gì về người đàn ông trong phòng trắng đó?
    - Chú em Guy của anh kể hết cho tôi nghe việc anh ta từng đưa anh tới xà lim đó để cố nhận diện hắn. Anh ta nghĩ anh nhận ra hắn qua những ngày xa xưa ở Bắc kỳ nhưng anh không chịu nói ra điều đó.
    Joseph lắc đầu không tin nổi. Bảy năm trời trôi qua từ ngày anh ghé lại cái xà lim trắng toát và bít bùng, nơi giam hãm bộ xương run lẩy bẩy của Đào Văn Lật. Anh hỏi với giọng ngờ vực:
    - Anh ta còn ở đó sao?
    Tâm gật đầu:
    - Vâng, và vẫn ngậm kín miệng — từ lâu người ta không còn thẩm vấn hắn. Hắn không bao giờ để lộ điều gì về tổ chức của Mặt trận Giải phóng. Nhưng lúc này đang tới hồi kết cuộc, có thể hắn làm một ngoại lệ — cho một người bạn cùng chiến đấu mà trong quá khứ đã chứng tỏ lòng trung thành đối với hắn.
    Joseph lại túm vai Tâm:
    - Tôi sẽ cố! Anh sắp xếp cho người bên an ninh của anh giúp tôi tới đó thăm anh ta — mà tắt hết các ống kính và mi-crô đi.
    Tâm lẹ làng gật đầu:
    - Tôi sẽ vì anh mà gọi liền vài cú điện thoại. Xin đợi tôi tại khách sạn anh ở cho tới lúc nhận được tin của tôi.
    

Xem Tiếp Chương 8Xem Tiếp Chương 11 (Kết Thúc)

Trăng Huyết ( Phần VIII )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Đang Xem Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu