Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Ván Bài Lật Ngửa ( Phần IX ) Tác Giả: Nguyễn Trương Thiên Lý    
    Thế là năm 1963 trôi qua. Noel, một ngày buồn, và tết dương lịch còn buồn hơn. Buổi tiếp tân đầu năm của Quốc trưởng tại dinh Độc Lập, tuy đủ mặt ngoại giao đoàn, song không những ly sâm banh không hâm nóng nổi không khí chung mà những nhà chính trị thành thạo chờ một cái gì đó bùng nổ tiếp sau cuộc đảo chính. Đại sứ Cabot Lodge, vẫn tỏ vẻ mãn nguyện - chỉ mãn nguyện bề ngoài, vì người ta đôi lúc bắt gặp ông ta phân tâm, như đăm chiêu suy nghĩ về một bài toán khác bắt đầu hình thành trong ông. Đại sứ Pháp thản nhiên – cũng bề ngoài nốt, ông ta không phải không biết âm mưu bài Pháp sắp được công khai hóa, sự răn đe của người Mỹ với bộ sậu của tướng Minh! Mỹ lật Bảo Đại, tấn phong Diệm là hất cẳng Pháp, họ không thích cái trò luẩn quẩn ấy tái hiện. Mỹ lật Diệm và tấn phong Dương Văn Minh nhất thiết không có nghĩa phe thân Pháp ngoi lên và phục thù. Trong lúc chúc mừng Quốc trưởng nhân dịp đầu năm, Cabot Lodge nói ngắn, và nói vừa đủ cho mọi người nghe:
    - Thưa trung tướng Chủ tịch, tôi hân hạnh thay mặt chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ khi tống tiễn năm cũ về quá khứ và đón năm mới, chúc trung tướng Chủ tịch, toàn thể Hội đồng quân nhân, chính phủ và dân chúng Việt Nam Cộng hòa những ngày tháng sắp tới đầy hy vọng. Với chúng ta, thành viên của thế giới tự do, chúng ta chịu ân sủng của Thượng đế và bằng lòng với sự an bài của Thượng đế. Hôm qua là hôm qua. Nền dân chủ mà chúng ta hy sinh để bảo vệ sẽ hướng về phía trước cũng như Việt Nam Cộng hòa mãi mãi đứng vững trên tư thế tiền đồn của thế giới tự do, không ai có thể quay ngược bánh xe lịch sử. Chủ nghĩa thực dân gây đau khổ cho dân chúng quý quốc, chế độ gia đình trị cũng như thế. Bây giờ Việt Nam Cộng hòa giành được một triển vọng tốt đẹp, nó đảm bảo sự nghiệp chống Cộng đạt thắng lợi. Chừng nào Việt Nam Cộng hòa kiên định lý tưởng tự do và chống Cộng không ngả nghiêng thì chừng đó Hoa Kỳ sát cánh với các bạn.
    Rõ ràng Cabot Lodge cảnh cáo tướng Minh và nhắn khéo chính phủ Pháp. Ý này bộc lộ trắng trợn khi ông ta chạm cốc với tướng Minh:
    - Trung lập là nạn dịch nguy hiểm!
    Trung tướng Quốc trưởng ít cười, trừ những lúc bắt buộc phải cười. Không thông thạo lắm về chính trị, song ông hiểu rằng trò chơi vừa ở pha khởi sự, vai trò của ông và đồng sự bấp bênh như thế lực thật của các ông. “Tay đại sứ Pháp yếu quá!”. Đó là nhận xét của trung tướng Chủ tịch, nhận xét thầm thôi.
    Quốc trưởng nói còn ngắn hơn Cabot Lodge và ông đã khiến đôi mày của vị đại sứ Mỹ nhíu lại một cách lộ liễu.
    - Thưa các vị đại sứ và đại diện ngoại giao, nhân đầu năm theo Tây lịch, tôi cám ơn tất cả các vị đã đến chúc mừng Hội đồng quân nhân cách mạng, chính phủ Việt Nam Cộng hòa và cá nhân tôi. Tôi xin chúc các vị, quý mến và quốc gia mà các vị đại biểu một năm mới tốt đẹp. Việt Nam Cộng hòa vừa trải qua cơn xáo trộn.Chúng tôi đang cố gắng khôi phục để tình hình trở lại bình thường. Nguyện vọng của nhân dân chúng tôi là được sống trong thanh bình và tình huynh đệ. Về ngoại giao chúng tôi hy vọng liên kết với mọi quốc gia theo nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào nội bộ, mỗi quốc gia giữ nếp sống chính trị và văn hóa riêng mà mình lựa chọn. Xin mời các vị cạn ly!
    Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa không nhắc, dù một lần, quyết tâm chống Cộng, không lên án Bắc Việt, không cám ơn Hoa Kỳ, không chúc sức khỏe tổng thống Johnson, không ca ngợi đại sứ Mỹ - tác giả của cuộc khuynh đảo đưa Big Minh lên sân khấu. Tất cả những người có mặt đều thấy thái độ giận dỗi của Cabot Lodge lúc kết thúc buổi tiếp tân – ông ta cố ý nện mạnh gót giầy lên bậc thềm...
    
    Một “điều chỉnh” nhỏ năm hôm sau buổi tiếp tân ở dinh Độc Lập. Văn phòng Hội đồng quân nhân ra thông báo mà không kèm theo một lời giải thích: Trung tướng Tôn Thất Đính từ Tổng trưởng an ninh chuyển sang Tổng trưởng nội vụ, thiếu tướng Đỗ Mậu làm Tổng trưởng thông tin thay thiếu tướng Trần Tử Oai, trung tướng Trần Văn Đôn thôi Tổng trưởng quốc phòng mà lĩnh chức Tổng Tư lệnh quân đội.
    Cuộc điều chỉnh tất nhiên có dụng ý. Không còn Bộ An ninh mà chỉ còn Bộ Nội vụ - công việc an ninh bỏ ngỏ trong khi chờ đợi một Tổng cục trưởng tình báo; Đỗ Mậu lẽ ra giữ một trọng trách hơn Bộ thông tin; Tổng tư lệnh chỉ là danh nghĩa dành cho tướng Đôn, cũng như Tổng tham mưu trưởng dành cho tướng Kim. Riêng Trần Thiện Khiêm vớ được chỗ béo bở: Quân đoàn III và vùng III khống chế thủ đô, nơi mà tướng Đính đã sử dụng binh lực làm đảo chính.
    Cabot Lodge dí các quân cờ. Tán thành hay không, tướng Big Minh cũng phải ký một quyết định mà thế của ông qua đó đã mỏng càng thêm mỏng.
    Hai dấu hiệu khác mang ý nghĩa báo động: đám tang Nhất Linh Nguyễn Trường Tam bỗng biến thành cuộc biểu tình chống trung lập – cái chết của Nhất Linh dù ai giàu tưởng tượng đến mấy cũng không thể cột nó với ý nghĩa phản đối thuyết trung lập: Ngân hàng quốc gia bỗng công bố giá vàng từ 6.200 đồng đến 6.500 đồng một lạng, kéo theo giá hối đóai đồng bạc so với đồng dollar Mỹ.
    
    Dung lái xe, thong thả chạy qua chùa Xá Lợi. Cờ phướn rợp cổng chùa, nơi tiến hành Đại hội thống nhất Phật giáo. Ngôi chùa từng là địa điểm xung đột đẫm máu mấy tháng trước nay trang hoàng rực rỡ. Cờ Phật giáo uốn lượn trước cơn gió nhẹ trên từng chiếc cột dài theo đường Bà huyện Thanh Quan. Có vẻ như cuộc tranh chấp xung quanh quyền treo cờ đã kết thúc mà thắng lợi thuộc về giới Phật tử. Nhưng lẽ nào về chuyện treo cờ tôn giáo mà một triều đại phải sụp đổ? Tất cả chỉ là cái cớ. Ngô Đình Diệm chọn cái cớ “phải tôn trọng quốc kỳ” để ngăn ngừa một nguy cơ đối với chế độ của ông ta.
    Những người theo đạo Phật bình thường - họ chiếm số đông và rất thành tâm - dồn nỗi uất ức chế độ Ngô Đình Diệm lên cái cớ “không được treo cờ” họ được hàng triệu người không theo đạo Phật ủng hộ, đây là lực lượng chủ công trong trận đánh chính trị đầy gian khổ qua vô vàn hy sinh và tiểm ẩn trong họ ý thức chống Diệm đồng nghĩa với chống Mỹ xâm lượng, chống Mỹ gây chiến tranh, chống Mỹ hủy hoại đạo lý dân tộc... Giới cầm đầu Phật giáo cũng không đồng nhất; bộ phận chân tu đau lòng trước cơn pháp nạn, ít nhiều hiểu Ngô Đình Diệm là cái bóng của Mỹ, do Mỹ đặt để chống Diệm, tức chống một phần chính sách của Mỹ, họ không hứng khởi vì chỗ treo của một lá cờ, họ băn khoăn vận nước song họ không đủ nhạy bén chính trị, ít tháo vát, ít mưu lược; bộ phận cực đoan dùng phong trào Phật giáo như chiếc bình phong để đạt ý đồ chính trị, hễ Phật giáo trở thành “quốc giáo” thì họ là chúa tể của mảnh đất này, nắm quyền lực tinh thần lẫn vật chất, đổ máu hay cái gì khác không khiến họ bận tâm, họ sẵn sàng đưa hàng chục vạn sinh mệnh tín đồ mặt quân phục Mỹ và chấp nhận vượt vĩ tuyến 17. Họ dính dáng với tình báo Mỹ và các đảng phái do tình báo Mỹ tài trợ, họ căm thù Cộng sản và những cái do Cộng sản đẻ ra: giải phóng đất nước, xây dựng Tổ quốc... Bộ phận đứng giữa gồm số người lừng chừng, không có chủ đích, đánh đồng Mỹ và Cộng sản, họ lại bị số cơ hội chủ nghĩa nhiều tham vọng cầm đầu, những kẻ dùng mọi đối địch để giành quyền chế ngự cả đạo lẫn đời... Liệu Đại hội thống nhất Phật giáo dung hòa nổi các mâu thuẫn nội tại gay gắt này không? Khả năng phái chân tu bị cô lập thì đã rõ. Một Thích Thiện Hoa, một Thích Thiện Luật, một Thích Trí Tịnh, luôn cả Thích Thịnh Khiết, Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thử; khó mà chi phối những Thích Tâm Châu, Thích Tâm Giác, Thích Đức Nghiệp “sát máu”, được Thích Nhất Hạnh quỷ quyệt nhằm hỗ trợ. Quyền bính thực sự sẽ lọt vào tay số ăn tiền Mỹ... Quần chúng bị lừa gạt trước những ngọn cờ Phật uốn lượn trong gió, không trong khuôn viên nhà chùa mà ngoài quan lộ này. Những hy sinh lớn lao của Phật tử rốt lại chỉ gắn lên cầu vai một số thượng tọa, đại đức quân hàm sĩ quan Tuyên úy, nhằm trang bị cho một số người cầm đầu những gian phòng lộng lẫy có máy điều hòa nhiệt độ, những chiếc ô tô sang trọng, và tệ hại hơn, những cô gái mơn mởn cùng tài khoản nước ngoài tính bằng dollar...
    Dung theo đuổi ý nghĩ cho đến khi xe cô dừng lại đầu đường, nơi giáp với đại lộ Hồng Thập Tự.
    Ngôi nhà mà Dung tìm đây rồi. Một biệt thự kiểu mới. Dung bấm chuông.
    Người tiếp Dung là Lưu Thị Băng Trinh, vợ của thiếu tướng Phan Cao Tòng, trưởng quân tiếp vụ - nguyên sư trưởng sư 13. Mặc dù cách nhau hơn ba năm, Băng Trinh vẫn không thay đổi, có lẽ chuyến đến thăm của Dung hơi đột ngột nên Băng Trinh không được bình tĩnh lắm. Qua vài lời chào hỏi và cử chỉ của Băng Trinh, Thùy Dung khẳng định rằng Băng Trinh vẫn như xưa, vẫn thật thà...
    - Em không ngờ gặp bà... Tụi em định thỉnh thoảng đến chào ông bà, nhưng ngại quấy rầy ông bà, anh Tòng của em thường nhắc ông bà, nhắc cái ơn lớn đó, mà ảnh dặn em, đại tá nghiêm lắm. Thôi mình nhớ ơn thì để bụng, nay thăm mai viếng e đại tá không bằng lòng...
    - Ơn nghĩa gì mà chị nhắc. – Dung ngắt lời Băng Trinh – Ông thiếu tướng vắng nhà?
    - Dạ, anh Tòng của em bữa nay đi thăm ông Chiểu... họ là bạn bè thuở xưa... Ông Chiểu sắp lãnh một bộ nào đó...
    - Chị có hay về quê không? – Dung hỏi như tình cờ.
    - Dạ có,... em lên Tây Ninh thăm anh Nghĩa... - Băng Trinh xởi lởi
    - Công việc làm ăn của chị thế nào?
    - Cũng tàm tạm. Cơ sở nuôi bò của em vẫn ở chỗ cũ...
    Câu chuyện từ chỗ thù tiếp xã giao chuyển dần sang các nội dung cao hơn. Bây giờ Thùy Dung tin chắc mình gặp Băng Trinh là đúng. Băng Trinh liên hệ chặt với Lưu Khánh Nghĩa, đã xuống rừng U Minh thăm Lưu Khánh - những khám phá gián điệp của Dung bởi Băng Trinh tin Dung mà lộ ra.
    “Cô ta nhất định nhận nhiệm vụ gì đó của các đồng chí” – Dung đi đến kết luận. Phần Phan Cao Tòng, qua Băng Trinh, Dung hiểu ông ta mù tịt việc làm của vợ, bản thân lo làm giàu: nghề quân tiếp vụ luôn mang tiền vô như nước, tuy vậy, Tòng không phải loại chống cách mạng – ông ta an phận thủ thường, Băng Trinh quan hệ rộng với các sĩ quan, trong đó Dung chú ý Lê Đạo, quê Quảng Bình, nguyên trưởng phòng an ninh sư đoàn 13, người từng thảo một báo cáo bịa đặt trong vụ hậu cứ sư đoàn 13 bị tấn công năm 1960 – và Luân còn giữ báo cáo đó. Hiện nay, Đạo hàm trung tá, sĩ quan sư đoàn 5 thuộc Bộ tổng tham mưu, chuyên theo dõi tình hình vùng II. Có thể dùng tài liệu này mà khống chế Lê Đạo không? Dung đắn đo mãi. Sau cùng cô nghĩ tốt nhất nên đưa tài liệu đó cho Lê Khánh Nghĩa – cô sẽ gửi bản sao theo đường bưu điện mà không cần nhắc nhở gì, tự khắc Nghĩa sẽ hiểu ra công dụng của nó và tìm cách sử dụng có lợi nhất.
    Dung gặp Băng Trinh để cốt xác định giả thiết của Luân và thăm dò thử thực lực Nghĩa nắm – cô yên tâm: Nghĩa tạo được chân rết khá rộng, và trong mọi hoàn cảnh nào, Nghĩa cũng yểm trợ được cho Luân.
    Tìm Mai khó hơn tìm Băng Trinh. Báo “Ngôn luận” và “Người Việt tự do” đăng ở mục rao vặt: nhắn bà Đào, nguyên tiếp viên hàng không Air Việt Nam, trước ở đường Trần Hưng Đạo để thương lượng vụ mua nhà. Hỏi chị Cả, có thể liên lạc bằng điện thoại mà bà đã biết.
    Luân và Dung không dám mạo hiểm đến nhà chị Cả. Họ cũng ít hy vọng gặp được Mai - từ sau vụ đánh bom dinh Độc Lập đến nay đã lâu, không rõ Mai còn ở thành phố hay đã ra Khu. Báo đăng ba kỳ liền, chẳng thấy động tĩnh gì.Họ bắt đầu nghĩ đến phương pháp khác. Báo cáo với anh Sáu Đăng...
    Đến một tuần lễ sau, vào buổi trưa, điện thoại reo. Mai hẹn gặp Luân.
    Mai hóa trang người xin làm việc vặt đến nhà Luân. Dung tiếp Mai ngoài hiên. Mai đang ở chiến khu, đọc báo biết có việc cần, vừa vào thành phố hôm qua. Dung thông báo liền tình hình Nguyễn Thành Động và Trương Tấn Phụng. Mai nghe rất chăm chú. Trả lời câu hỏi của Dung về tướng Đức, Mai lắc đầu: chưa đặt được một quan hệ nào tốt. Nhưng về tướng Lâm thì Mai mỉm cười, Dung có thể hiểu là chị của tướng Lâm đã tiếp xúc với ông ta và tin cậy được.
    
    Tình hình mâu thuẫn tôn giáo ngày mỗi căng thẳng – ít nhất, cái vẻ bề ngoài cho họ cảm giác như vậy. Bộ Nội vụ ra một thông báo kêu gọi dân chúng đừng nghe theo các tin tức kích động, không hề có xung đột tôn giáo. Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Tuy, quận trưởng Tánh Linh nổ súng, bắn chục tín đồ Thiên Chúa giáo bị chết, nhiều người bị bắt. Đây là số dân dinh điền võ trang gậy gộc không chịu cho quận trưởng khám xét - quận trưởng được mật báo dân dinh điền tàng trữ thuốc nổ và truyền đơn chống chính phủ. Một phái đoàn từ Sài Gòn ra Tánh Linh điều tra theo yêu cầu của một số linh mục. Giáo hội Phật giáo bầu Thích Tâm Châu làm Viện trưởng Viện Hóa đạo, cơ cấu giáo hội cải tổ hoàn toàn với hệ thống và chức danh na ná một bộ máy nhà nước - quyền hành pháp thuộc Viện Hóa đạo.
    Dấu hiệu đầu tiên về cơn rối loạn mới xuất hiện với cuộc biểu tình gượng ép: một số sinh viên, học sinh do ai đó giật dây xuống đường chống thuyết trung lập, nhân ông Basdevant, Giám đốc Viện Văn hóa Pháp thăm Sài Gòn. Trước đó mấy hôm, chính phủ Pháp quyết định công nhận chính phủ Bắc Kinh và lập quan hệ ngoại giao với cấp đại sứ. Chính phủ Sài Gòn không nhận tân đại sứ Pháp Du Gardier vì ông này từng làm đại sứ Pháp ở Cuba? Đà chống Pháp và chủ trương trung lập mở rộng, tất nhiên hoàn toàn giả tạo. Hội đồng nhân sĩ lên án “mưu toan trung lập hóa Nam Việt”, chính phủ tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh đối với Pháp. Hội đồng nhân sĩ kêu gọi chính phủ đoạn giao với Pháp; Bộ Kinh tế cấm nhập hàng Pháp, không cấp hộ chiếu nhập cảnh cho người Pháp và mang quốc tịch Pháp, sinh viên yêu cầu chính phủ quốc hữu hóa tài sản của Pháp...
    Dư luận hiểu biết chính trị đoán rằng bức màn khỏi nói trên mào đầu cho một cú gì đó.
    
    Cuộc điện đàm trưa ngày 29-1-1964
    - Alô! Tôi xin được nói chuyện với trung tướng Tổng tư lệnh quân đội!
    - Ai đó?
    - Tôi, đại tá Nguyễn Thành Luân...
    - Trung tướng đang nghỉ trưa...
    - Tình hình rất xấu, tôi muốn hầu chuyện gấp với trung tướng...
    - Không thể được. Đại tá không biết sáng nay trung tướng vừa làm lễ cưới không chính thức với một nghệ sỹ tên tuổi sao?
    ... ..
    - Alô! Tôi xin nói chuyện với trung tướng Tổng trưởng nội vụ
    - Ai đó?
    - Tôi, đại tá Nguyễn Thành Luân...
    - OK... Đợi một phút...
    - Allo! Đính đây. Việc mô mà đại tá gọi?
    - Trình trung tướng, theo các nguồn tin chắc chắn, một cuộc động binh lớn đã âm thầm diễn ra...
    - Một cuộc động binh lớn? Mần răng có chuyện đó? Quân ở đâu?
    - Quân ở quân đoàn II, kết hợp với thiết giáp...
    - Này, đại tá định đánh một đòn gì đấy?...
    (tiếng ngáp và tắt máy)
    - Allo, tôi xin nói chuyện với trung tướng Mai Hữu Xuân
    - Tôi đây, ai đó, việc gì?
    - Thưa, tôi là đại tá Nguyễn Thành Luân... Tôi nghĩ rằng đang có một cuộc sửa sọan đảo chính...
    - Tôi cũng nắm được một số tin tức... Tôi sẽ trao đổi với Hội đồng quân nhân... Đại tá nên báo ngay với trung tướng chủ tịch...
    ... .. .
    - Alô, tôi xin gặp trung tướng chủ tịch...
    - Ai đó?
    - Tôi, đại tá Nguyễn Thành Luân...
    - Chào đại tá, tôi là thiếu tá Nhung. Xin đại tá chờ một chút
    - Alô, Minh đây! Có việc gì, anh Luân?
    - Thưa, đang có một cuộc bố trí quân... Tôi nghĩ đến khả năng đảo chính...
    - Vậy ư? Quân của ai?
    - Của tướng Nguyễn Khánh...
    - Chà, chà!
    - Xin trung tướng chủ tịch phát lệnh báo động...
    (Im lặng một lúc)
    - Đại tá liên hệ với đại sứ quán Mỹ chưa? Với tướng Jones Stepp chẳng hạn...
    - Thưa, chưa...
    (Lại im lặng)
    - Nếu người Mỹ cho phép, dẫu tôi báo động cũng như không!
    - Tôi chỉ có trách nhiệm báo với trung tướng chủ tịch... Mọi quyết định do trung tướng.
    - Cám ơn anh. Để tôi suy nghĩ... Tôi phải trao đổi với tướng Đôn, Đính, Kim và Xuân...
    - Tôi nghĩ rằng mục tiêu mà ông Khánh nhắm là chủ tịch và các vị tướng mà chủ tịch vừa nhắc.
    - Có thể! Cảm ơn anh...
    ... - Allo, có phải anh Luân đó không?
    - Anh đây! Saroyan, anh nghe...
    - Ngày nay, ngày mai anh không được ra khỏi nhà. Bảo Dung không đi làm, bé Lý không đi học... Anh hiểu em nói gì chứ?
    - Hiểu... Jones thông báo với anh phải không?
    - Có thể hiểu như vậy...
    - Cám ơn Saroyan...
    - Anh nhớ! Không ra khỏi nhà!
    - Anh nghe rõ...
    

Xem Tiếp Chương 8Xem Tiếp Chương 21 (Kết Thúc)

Ván Bài Lật Ngửa ( Phần IX )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Đang Xem Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ