Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Vòng Cung Lửa Tác Giả: Nikolai Axanop    
Bắt kẻ địch theo ý mình

    Tin buổi chiều:
    “Ngày 4 tháng 7, trên các mặt trận, không có gì thay đổi đáng kể”
    Tổng cục thông tin Liên Xô
    Tin buổi chiều 4-7-1943
    Tin buổi sáng:
    “Trong đêm rạng ngày 5-7, trên các mặt trận, không có thay đổi đáng kể.
    … Ở gần Ben-gô-rốt các chiến sĩ trinh sát xác nhận bộ binh địch đang tập trung để tấn công. Ban đêm, đơn vị sơn pháo cận vệ đã nã pháo chính xác vào chỗ bọn Hít-le tập trung. Bọn địch đã bị tiêu diệt nặng nề. Cuộc tấn công bị tàn phá”.
    Tổng cục thông tin Liên Xô
    5-7-1943
    Lữ đoàn tặng nặng “IX” được trang bị pháo tầm xa 122 ly do trung tá Tô-lu-be-ép chỉ huy, đóng ở hai làng bị phá hủy gần hết ở phía đông Prô-khô-rốp-ka. Các xe tăng được dấu kín trong các kho lúa của nông trường, các trang trại, trong các hầm đất được đào trên bờ vực ngoằn ngoèo, dưới có con suối nhỏ chảy, trong các sàn nhà dân chúng đã bỏ lại. Tất cả mọi sự di động đều bị ngăn cấm trên trời luôn luôn có máy bay trinh sát Đức, mà nhất định chúng không thể được biết ở bãi chiến trường hoang vu này có dấu kín một đơn vị xe tăng lớn. Cả trên không cũng lặng thinh. Đường dây điện thoại trực tiếp chỉ liên lạc với bộ tham mưu mặt trận…
    Tô-lu-be-ép chỉ có thể đoán ra rằng, những đơn vị riêng biệt như thế, những quân đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, trung đoàn xe tăng, pháo tự hành, bộ binh cơ giới, “Ka-chiu-sa” thuộc quyền trực tiếp Tổng hành dinh đang ẩn náu trong vùng đông cỏ này rất nhiều… Ngay chính lữ đoàn của anh cũng không ai nghe thấy, nhìn thấy. Những sự thầm lặng và tĩnh mịch này giống như những luồng điện nguy hiểm vẫn thường bao trùm lên thiên nhiên và con người trước cơn dông sắp đến…
    Ngày hai tháng bảy, tư lệnh các mặt trận được tin báo trước từ Tổng hành dinh của Bộ Tổng tư lệnh là quân Đức sẽ chuyển sang tấn công, dự đoán vào khoảng giữa mồng ba và mồng sáu tháng bảy… Các mặt trận đều co mình lại, căng hết gân cốt lên như một chiếc lò xo thép.
    Ngày mồng ba tháng bảy, bọn Đức im lặng.
    Ngày mồng bốn, không có thay đổi gì xảy ra.
    Buổi tối, Tô-lu-be-ép được triệu đến bộ tham mưu mặt trận.
    Đã mấy ngày liền, anh nghiên cứu các vị trí tiền tiêu, nơi có thể chờ đòn đánh vào của quân Đức. Tất nhiên lợi hại hơn cả là chúng đánh vào vùng giữa của vòng cung Cuốc-xcơ từ phía Nam, từ Ben-gô-rốt hay từ phía Bắc, từ Óc-lốp đánh xuống. Trên cả hai hướng này, chúng có đường xe lửa đã được phục hồi, quốc lộ và những vị trí xuất phát được chuẩn bị tốt… Phải, cả đồng cỏ khô nữa cũng sẽ trở thành bàn đạp lý tưởng cho các đơn vị xe tăng hạng nặng này.
    Nhưng Tô-lu-be-ép còn thấy điều khác nữa: chưa bao giờ có nhiều pháo đến như thế trong tất cả các tuyến phòng thủ liên hoàn, cơ man nào súng phóng lựu cận vệ, vô số khẩu đội chống tăng, và cuối cùng số bộ binh đông đến thế, đang sẵn sàng đón đánh quân địch bằng cả hỏa lực và lưỡi lê. Vậy mà bề ngoài đồng cỏ nom hoang vu, vắng ngắt; chỉ có những hầm hào ngụy trang, những hố đón lõng xe tăng và cạm bẫy, những bãi mìn, những khẩu đội chống tăng đơn lẻ là cho thấy đồng cỏ đông đúc thế nào. Mọi người đang sống trong sự căng thẳng kinh khủng và cuộc giao chiến sắp tới sẽ hết sức tàn khốc.
    Ban đêm, người lái xe dừng xe bên thanh chắn và cho xe chạy xuống hố trũng. Ở đó, dưới mái che phủ đất, đã có khá nhiều ô tô. Ở trong làng, nơi bộ tham mưu đóng, ôtô không qua lại để các máy bay do thám Đức khỏi chú ý tới.
    Tô-lu-be-ép đến gặp trưởng ban trinh sát. Dưới ánh ngọn đèn nhỏ, sáng, ánh lửa lung linh, bập bùng sống động, đại tá Krit-xchi-an đang ngồi.
    Ông chìa bàn tay khô khan, lạnh lùng nói vẻ chán nản:
    -Nếu đêm nay, các trinh sát không bắt được “lưỡi” thì đến phải tự mình đi trinh sát thôi! Ngồi đây như bị bịt mắt, mù tịt tình hình.
    Rõ ràng Krit-xchi-an đến để ở lại đây lâu. Trong phòng trưởng ban trinh sát có đặt một cái giường thứ hai, trên chiếc bàn nhỏ-hai cái cốc, hai hộp dao cạo, dưới gầm giường-chiếc va ly. Krit-xchi-an bắt gặp cái nhìn của Tô-lu-be-ép hướng về chỗ ngủ, nói:
    -Mình sẽ ở đây cho đến lúc kết thúc chiến dịch. Trưởng ban đi gặp tư lệnh có dặn là nếu anh đến khi đồng chí ấy vắng mặt, xin đợi ở đây.
    Ông bước lại gần gường, mở chiếc va ly, lấy ra thanh sô-cô-la và bao thuốc lá “Ka-dơ-bếch” Mat-xcơ-va rồi quay lại bàn:
    -Đây là quà của đồng chí và Vi-ta Ac-vi-dốp-na. Không phải, không phải của tôi đâu, của thiếu tướng đấy!
    Tô-lu-be-ép cất vào xắc cốt.
    Trưởng ban đã trở về, chào hỏi cau có.
    Tô-lu-be-ép hiểu rằng ở ban tham mưu mọi người đang bồn chồn chờ đợi. Mợi người đều có cái cảm giác như đang sống dưới đầu dây treo quả tạ, sợi dây mỗi lúc một dãn ra, một phân, hai phân, ba phân. Nhưng bao giờ quả tạ ấy sẽ rơi xuống?
    Chuông điện thoại reo gắt lên. Trưởng ban vội cầm ống nói.
    -Bắt được rồi à? Bao giờ? Ở đâu? Hãy nói lại lời khai của nó. Sau đó đưa tên tù binh đến chỗ tôi. Sao?-ông nghe một lát, đặt ống nói xuống, lại nhấc lên, yêu cầu:
    -Cho nói chuyện với tư lệnh,-ông chờ một phút, rồi nói:-Số bảy báo cáo. Vừa bắt được tên công binh gài mìn của địch. Trong các đơn vị đã được đọc mệnh lệnh của Hit-le về việc chuyển sang tấn công vào ba giờ đêm ngày mồng năm thắng bảy, thứ hai. Nhiệm vụ: chia cắt, bao vây và tiêu diệt quân đội Liên Xô ở vòng cung Cuốc-xcơ. Tóm lại, một trận Xta-lin-grat của Đức. Tên tù binh sắp được giải tới. Binh nhất Phéc-men-lô cùng với trung đội của mình được phái đi vạch đường qua bãi mìn bảo vệ trận địa quân Đức… Vâng, điều đó chắc chắn lắm. Các trinh sát của ta đã kiểm tra lời khai của tên binh nhất-bọn Đức đang gỡ mìn trên địa phận của chúng…
    Ông thở phào, nhẹ nhõm, tưởng chừng như cái việc cần phải bắt đầu vào lúc này sẽ dễ chịu hơn sự chờ đợi. Mà phải, đó sẽ là một trong những cuộc giao chiến vĩ đại nhất, trong đó hàng nghìn, hàng nghìn người sẽ chết, và cũng chưa biết được cán cân sẽ nghiêng lệch về phía nào…
    -Thế là hết phải chờ đợi!-Ông vừa nói vui vẻ lạ lùng như vậy, vừa mỉm cười nhìn Tô-lu-be-ép và Krit-xchi-an.-À, mà này Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích, nơi bố trí trận địa của anh đây.-Ông lấy từ trong két sắt ra tấm bản đồ và đưa cho Tô-lu-be-ép-Còn bây giờ, chúng ta hãy làm đảo lộn các con bài của các ngài tướng Đức. Mời theo tôi. Bắt đầu cuộc họp ở chỗ Tư lệnh.
    Bản tin buổi chiều:
    “Từ sáng 5 tháng 7, trên hướng Óc-lốp-Cuốc-xcơ và Ben-gô-rốt, quân ta đã chiến đấu ngoan cường với lực lượng lớn bộ binh và xe tăng địch, có nhiều máy bay yểm trợ. Các cuộc tấn công của quân địch đều bị đẩy lùi và chịu những tổn thất lớn. Chỉ tại vài nơi, những đơn vị nhỏ của bọn Đức lọt được vào phòng tuyến của ta.
    Theo những số liệu đầu tiên, trong một ngày chiến đấu, quân ta trên chiến tuyến Óc-lốp-Cuốc-xcơ và Ben-gô-rốt đã phá hủy và tiêu diệt 580 xe tăng Đức, không quân và cao xạ pháo đã bắn rơi 203 máy bay địch”
    Tổng cục thông tin Liên Xô
    5-7-1943
    Cuộc họp ở chỗ Tư lệnh mặt trận kết thúc vào lúc 1 giờ 30. Các chỉ huy đơn vị vội vã đáp xe về sở tham mưu của mình. Đêm mồng năm tháng bảy mệt mỏi trôi qua.
    Trung tá Tô-lu-be-ép xin phép Tư lệnh mặt trận được ra vị trí tiền tiêu của quân đội, tới trận địa được giao cho lữ đoàn của anh. Có thể chính anh sẽ phải chiến đấu ở địa phận này...
    Chiếc xe bọc thép nhanh nhẹn, quà tặng của nhà máy Goóc-ki, đưa nh tới địa điểm được giao phó. Trời vừa hửng sàng khi Tô-lu-be-ép để chiếc xe lại cho các chiến sĩ xe tăng trông nom, đi theo người sỹ quan liên lạc vào sở chỉ huy sư đoàn, và anh thầm nghĩ rằng, chỉ không đầy một giờ nữa, bầu trời sẽ rung lên vì tiếng gầm của pháo; chim chóc sẽ ngừng hót, các hạt sương sẽ ngừng rơi xuống mặt đất, và vào cái ngày nóng nực này, ai cũng thèm uống nước, những đồng cỏ sẽ ngập ngụa trong khói lửa và sẽ không kiếm đâu ra một giọt nước…
    Hạ sỹ đưa đường nhảy xuống đường hào và Tô-lu-be-ép đi theo, cũng với những bước đi rón rén, như sợ làm thức dậy bọn Đức đang ngủ say, hay đúng hơn, đang chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới ở cách không xa trận địa Nga, cũng trong những đường hầm như thế này.
    Đám bộ binh Nga cũng đang chuẩn bị chiến đấu, lắng tai nhạy bén nghe ngóng cái yên tĩnh đầy dữ dội này. Đặc biệt ở đây có nhiều chiến sĩ bắn đạn xuyên thép với những khẩu súng nòng dài. Họ được biết là Hit-le đã đưa tới Cuốc-xcơ loại xe tăng mới “Con Cọp”, đã được đọc tài liệu hướng dẫn cách chống tăng từ mấy ngày trước. Trong các tài liệu này thậm chí có cả ảnh xe tăng, còn trên thực tế họ còn chưa thấy chúng bao giờ. Nhưng họ đã chiến đấu với xe tăng Đức ở Xta-lin-grat và biết rằng bất kỳ khối sắt thép nào, dù bọn Đức có đặt tên cho chúng là gì, đều phải chững lại vì phát súng bắn có hiệu quả, nổ tung lên và bốc cháy, và giờ đây họ nhẫn nại chờ đợi cuộc giáp mặt với chúng, ẩn mình sâu trong lòng đất, cái mái che ngàn đời của con nhà lính…
    Tô-lu-be-ép tính nhẩm trong óc tuyến phòng thủ bậc thang chạy sâu đến đâu trên mặt tấn công nguy hiểm này của xe tăng, và anh kinh ngạc: theo tính toán phỏng chừng của anh, những phương tiện phòng thủ chống tăng chạy dài vào chiều sâu tới mười kilômét, và sau đó đã có những đội quân xe tăng đứng trực, những cỗ pháo tự hành hùng hậu, những trung đoàn tiêm kích, những lữ đoàn pháo hạng nặng, những đơn vị dự bị của cả mặt trận Thảo nguyên; và tất cả sức mạnh quân sự ấy đang sẵn sàng chiến đấu ngay trong những giờ đầu, nếu quân Đức chọc thủng được tuyến phòng thủ đầu tiên của mặt trận.
    Ở sở chỉ huy sư đoàn không có ai ngoài mấy sỹ quan liên lạc. Trong các đơn vị đã được đọc mệnh lệnh của Tổng tư lệnh, đã tiến hành các cuộc họp Đảng, Đoàn thanh niên, hướng dẫn nốt cách đánh xe tăng mới của bọn Hit-le. Người trực ban mời Tô-lu-be-ép uống trà và gợi ý là anh có thể chợp mắt chừng nửa giờ nhưng Tô-lu-be-ép không muốn gì cả…
    Các sỹ quan bắt đầu trở về. Họ không vội vào hầm trú ẩn, mà đứng trong các chiến hào, chỗ ẩn nấp, nhìn lên bầu trời giờ đây đã sáng bừng trên đầu. Ở nơi đụng đầu của hai đội quân khổng lồ còn đang dấu mình ấy vẫn tĩnh mịch như hồi đêm. Rồi đột nhiên, trên đầu người, lướt qua hơi thở đầu tiên của cuộc chiến đấu, mỗi lúc một mạnh thêm và lan tới tận tuyến đầu của phòng tuyến Nga…
    Đó là đòn “phủ đầu” đã được nói tới ở phòng làm việc của Tư lệnh. Toàn bộ pháo binh của quân đội Nga dội lửa dữ dội lên trận địa quân Đức, nơi vào phút đó các xe tăng đang được khởi động, các tiểu đoàn xe tăng đang tập họp để chiến đấu, lính súng máy đang ngồi lên các các xe thiêt giáp để sẵn sàng tràn vào trận địa Nga sau xe tăng. Và cũng trong giây ấy, trên đầu các binh lính và sỹ quan Nga, những máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay hạng nặng lướt qua trước giờ chúng mở cuộc tấn công được định sẵn, dội lên tiếng bom nổ hòa vào với tiếng gầm của trọng pháo, tiếng rít của “Ka-chiu-sa”, tiếng ầm vang của súng phóng lựu nhẹ và nặng.
    -Bắt đầu rồi!-Vị tướng người thấp và chắc chỉ huy sư đoàn nói.-Bắt đầu thật tuyệt diệu!-Ông nhắc lại và nói thêm:-Cái chính là trời đã sáng và bọn Đức thấy rõ điều gì đang đến với chúng. Sẽ có những tên không còn hứng thú gì với việc đánh nhau nữa…-Và ông ra lệnh:-Các đồng chí sỹ quan về vị trí!-Ông quay về phía Tô-lu-be-ép:-Mời đồng chí trung tá lên đài chỉ huy của tôi, ở đó quan sát hết sức rõ ràng…
    Đài quan sát ở trên một gò thấp, có lẽ là mồ của tù trưởng dân Xkip đắp nên. Ở đây có mấy cái gò như vậy và tất nhiên bọn Đức đã bắn vào nhiều lần, nhưng các chiến sĩ công binh sư đoàn đã khôn ngoan đào vào sườn gò và đào ngược lên hầm mộ đá, nơi chôn cất thủ lĩnh người Xkip với vợ và những người hầu của ông ta. Trong những lỗ châu mai có đặt các kính lập thể, trên những chiếc đinh đóng trên tường treo vài cái ống nhòm, trên bàn có đặt máy điện thoại liên lạc dã chiến, cạnh đó các điện thoại viên luôn túc trực.
    Đòn hỏa pháo của quân đội Liên Xô vẫn tiếp tục nhưng bọn Đức kiên trì chờ đơi tín hiệu tấn công đúng điều lệnh. Chính Hit-le đã bảo chúng rằng, đúng ba giờ sẽ bắt đầu cuộc chiến đấu quyết định cuối cùng để chiếm không gian Nga mênh mông, nó sẽ kết thúc bằng chiến thắng oanh liệt của chúng, còn bọn Nga sẽ phải chạy tít về bên kia U-ran, sẽ chết dần, chết mòn đời đời kiếp kiếp ở đó…
    Những kỳ hạn Hit-le định ra đã qua khá lâu khi Tô-lu-be-ép nhìn thấy qua ống kính lập thể những cuộn khói xa như từ đường chân trời đang cuộn tới các chiến hào Nga, thấy rõ những vệt lửa trong những đám khói đó, và anh nói, giọng có vẻ bình thản:
    -Xe tăng!
    Đó chính là sự bình tĩnh sau quá trình chờ đợi căng thẳng cân não kéo dài.
    Tư lệnh sư đoàn ra liền mấy mệnh lệnh. Nói chung, đội quân sắt thép tấn công đã được nhìn thấy từ tất cả các đài quan sát của sư đoàn. Trong các chiến hào, các khẩu đội chống tăng, những đội chống tăng đều dã ở vị trí xung kích.
    -À, lũ “Cọp” đây rồi,-Tô-lu-be-ép nhìn về phí trước qua lớp khói bụi nói.
    Những chiếc xe tăng nhẹ của địch vượt lên trước tiên bỗng ngoặt sang hai bên, ở hàng đầu mũi nhọn tấn công xông tới những chiếc xe tăng đồ sộ, sơn màu ô liu của sa mạc-những “Con Cọp”.
    Khó hiểu tại sao chúng không được sơn màu xanh hòa lẫn với địa hình? Có thể những tên lái tăng đến giờ phút cuối cùng vẫn không biết là chúng sẽ không được gửi tới vùng sa mạc của tướng Phôn Smit. Hay cũng có thể, Hit-le mãi tới giờ phút cuối cùng mới quyết định ném lên mặt bàn con chủ bài này của mình?
    Những chiếc xe này dài hơn và rộng hơn những chiếc tăng tầm trung và nhẹ. Súng của chúng dài hơn, nòng to hơn. Nhưng điều đáng sợ nhất đối với người lính là cái vẻ ngoài có vẻ không gì phá nổi của “Cọp”. Đã hàng trăm khẩu súng bắn vào chúng, mà chúng cứ tiến dần đều với vẻ điềm tĩnh khác thường, những viên đạn bật khỏi mình chúng như đá ném vào tường sắt. Tô-lu-be-ép biết rằng vỏ bọc thép ở đầu xe tăng dầy tới 400 mm và những viên đạn của súng chống tăng vẫn quen dùng thực không thể nào bắn thủng chúng được; nhưng anh còn biết một điều khác: đạn khoan và đạn xuyên thép của vũ khí mới sẽ bắn thủng con quái vật này khi nó dơ mặt sườn bọc thép về phía trận địa pháo… Nhưng tạm thời những chiếc xe tăng vẫn tiến thẳng, nã đạn vào các trận địa pháo của quân Nga.
    Ở phía bên phải đài quan sát có đặt khẩu đội pháo chống tăng được ngụy trang kín của trung úy Ka-li-nin. Trong những ngày chuẩn bị vừa qua, Tô-lu-be-ép đã mấy lần đến chỗ Ka-li-nin. Anh biết rằng lúc này Ka-li-nin với những khẩy pháo ngụy trang kỹ càng đang sẵn sàng đón đánh “Cọp”. Họ đã dặn nhau là Ka-li-nin sẽ không tháo ngụy trang khi xe tăng “Cọp” chưa xuất hiện. Chống lại loại xe tăng nhẹ của Đức đã có hai khẩu đội khác đặt ở bên phải và bên trái khẩu đội Ka-li-nin. Và Tô-lu-be-ép chờ đợi xem Ka-li-nin có chịu đựng được những phút chiến đấu đầu tiên này không?
    Những “Con Cọp” tiến lại gần. Sau chúng là những xe thiêt giáp chạy xích, chở lính xếp đầy như cá hộp. Đằng sau, chậm hơn chút ít là những tên lính bắn tiểu liên đang bám theo. Khẩu đội Ka-li-nin yên lặng.
    -Bắn!-Thiếu tướng khẽ ra lệnh.
    Nhưng trước khi khẩu đội pháo chống tăng mới xung trận, những chiếc xe tăng đã bị các chiến sĩ bắn đạn xuyên thép đón đánh. Đó là những con người đầy dũng cảm, đứng ngập trong đất, hai người một, với những khẩu súng nòng dài, giống như những khẩu súng trường cổ của cha ông đời xưa, chờ cho đến lúc những chiếc xe tăng tiến ngang qua hầm của họ là nổ súng vào sườn bọc thép của “Cọp”. Những chiến sĩ bắn súng máy trườn lên trước, nã súng vào các xe bọc thép và bọn lính mang tiểu liên. Trong khoảnh khắc đó, các khẩu pháo của khẩu đội Ka-li-nin lên tiếng.
    Tô-lu-be-ép nhìn thấy lửa bùng lên trên vỏ ngoài của “Con Cọp” đi đầu. Chiếc tăng vân tiến, tiến đều, còn viên đạn như xoáy vào mình nó, sau đó một cái gì réo sôi, rồi một tiếng nổ vang lên, chiếc tăng chững lại. Không ai trèo ra khỏi tháp xe. “Con Cọp” thứ hai ở một khoảng cách nhìn thấy rõ bốc cháy vì một viên đạn xuyên thép. Chiếc thứ ba cũng bốc cháy như vậy. Nhưng những chiếc xe tăng vẫn tiếp tục tiến, ngày càng dày đặc hơn. Đoạn đê xe lửa cao mà khẩu đội Ka-li-nin dựa lưng vào đó đã khiến cho bọn Đức không thể tiến thẳng theo hướng trực diện được. Chúng đi vòng.
    Lúc đầu có tới mười sáu chiếc xe tăng và hai chục xe thiêt giáp lao vào khẩu đội. Ka-li-nin sử dụng khẩu pháo thứ ba. Trước trận địa của anh, đã có sáu chiếc xe tăng bốc cháy, nhưng những tên lính bắn tiểu liên từ các xe thiêt giáp chở tới ào lên xung phong. Ka-li-nin chuyển hỏa lực sang hõm sâu, nơi chúng đang chụm lại, và làm tan tác cả tiểu đoàn. Bọn Đức liền tung về phía Ka-li-nin mười lăm xe tăng nữa. Mãi lúc đó, khẩu đội Ka-li-nin mới lên tiếng hết sức mình. Trước trận địa, có tới mười bốn chiếc xe tăng cháy…
    Bọn lính tiểu liên Đức nằm bẹp xuống chỗ đất lõm.
    Tô-lu-be-ép lau mồ hôi trán, nhìn đồng hồ: vừa mười lăm phút trôi qua.
    Anh đếm những chiếc xe tăng khẩu đội Ka-li-nin đã hạ được và nói:
    -Thưa đồng chí thiếu tướng, khẩu đội của Ka-li-nin đáng được đề nghị thưởng huân chương.
    -Nếu chúng ta còn sống được!-Thiếu tướng nói giọng ưu tư.
    “Nếu chúng ta còn sống được!”-Tô-lu-be-ép nhìn sang bên trái và hiểu vị tướng vừa nghĩ gì: bên trái gò mộ, bỏ lại sau mình những chiếc xe tăng và xe thiêt giáp cháy, một đại đội xe tăng Đức đã tiến sâu vào tuyến phòng thủ Liên Xô.
    Khi những “Con Cọp” vừa khuất sau những khóm rừng non trên khu vực trận địa bị chọc thủng, tiếng súng máy, tiếng súng tiểu liên và súng trường liền rộ lên, hòa thêm tiếng nổ trầm của súng phóng lựu. Tô-lu-be-ép nhẹ nhõm nhận thấy bọn bộ binh Đức đi theo xe tăng đã nằm rạp cả xuống. Chỉ có các xe thiêt giáp vượt được qua tuyến phòng thủ bám theo xe tăng.
    -Chúng ta sẽ còn sống!-Anh vui vẻ kêu lên, chỉ cho thiếu tướng về phía bên phải tuyến phòng thủ.
    Thiếu tướng dán mắt vào ống kính lập thể.
    Ngay lúc đó, trên chiến trường xuất hiện những máy bay cánh quạt.
    Ở phía dưới, như có thể phân biệt được, các máy bay ném bom Đức do bọn xe tăng gọi đến chi viện, đang lượn vòng. Trên cao hơn chúng, những máy bay tiêm kích của cả Liên Xô, của cả Đức đang bay nhanh thành vài tầng. Chiếc nọ sau chiếc kia chúi mũi đâm xuống đất. Những chiếc máy bay ném bom chưa kịp ném ra. Những máy bay tiêm kích bị bắn rơi, xoay tròn quanh trục của mình, lao xuống như những con chim bị đạn. Tô-lu-be-ép còn nhận thấy một điều: máy bay có chữ thập đen rơi xuống trước mặt anh nhiều hơn.
    Nhưng một số máy bay Đức đã lọt dược vào trận địa Liên Xô, và gò mộ chao đảo như trong một trận động đất mà Tô-lu-be-ép đã trải qua một lần hồi còn bé ở Crưm. Anh còn kịp nghĩ rằng “không bao giờ đạn đại bác rơi vào hố lần thứ hai, bom cũng không rơi xuống cạnh bom”, thì một tiếng nổ khủng khiếp trút xuống đỉnh gò, nền mộ như bị dựng ngược lên, và anh ngất đi.
    Anh tỉnh dậy vì cái lắc mạnh ở vai và giọng nói run run, van vỉ của anh chiến sĩ liên lạc trẻ măng:
    -Tỉnh dậy đi, đồng chí trung tá! Tỉnh dậy đi! Thiếu tướng bị giết rồi!
    Tô-lu-be-ép đứng dậy, dựa lưng vào tường, vì sàn hầm vẫn đung đưa như sàn tàu gặp bão. Thiếu tướng nằm bên cạnh lỗ châu mai, nét mặt điềm tĩnh lạ lùng. Ở ngực trái áo blu-dông, một vệ đen sẫm cứ từ từ loang mãi ra. Có thể ông điềm tĩnh như vậy vì không nhìn thấy đàn máy bay đông như ruồi và những chiếc xe tăng đang lao tới. Nếu quả như vậy thì Tô-lu-be-ép chỉ có thể ghen tị với người đã chết.
    Cuối cùng ý nghĩa những câu kể lể của người liên lạc mới lọt vào óc anh. Anh ta tiếp tục, giọng run run:
    -Mất liên lạc với sở chỉ huy. Điện đài bị phá hủy. Quân y không trảlời. Các trung đoàn xin chỉ thị. Tôi chưa nói với ai rằng thiếu tướng đã hy sinh…
    Ngay cả lúc này, anh chiến sĩ vẫn tràn đầy niềm kính trọng với vị thủ trưởng bị giết. Tô-lu-be-ép vịn vào tường, lần đến máy điện thoại.
    -Tôi thay mặt cho Tư lệnh. Hãy báo cáo tình hình.
    Trung đoàn bên cánh phải trả lời. Trong trận tấn công đầu tiên của xe tăng, trung đoàn đã bị ép mạnh, nhưng sau đó đã khôi phục lại vị trí. Những chiếc xe tăng lọt qua giao điểm giữa trung đoàn hai và trung đoàn ba có lẽ đã lao đúng vào ban tham mưu. Hiện nay những chiếc xe tăng lọt vào sâu đã bị tiêu diệt, nhưng các chiến sĩ liên lạc đến ban tham mưu không thấy trở về. Trong làng, nơi đóng Bộ chỉ huy đang vang rền tiếng súng. Đã cử hai tiểu đoàn dự bị và hai đại đội pháo tự hành đi tăng viện.
    Trung đoàn thuộc cánh trái chịu nhiều tổn thất, rút về tuyến phòng ngự thứ hai. Cuộc chiến đấu đang tiếp tục trên các đường phố ở một điểm cư dân. Xe tăng Đức và bọn lính tiểu liên định cắt đứt làng này, nhưng pháo binh đã hành động có hiệu quả: nhiều xe tăng và xe bọc thép của địch bị thiêu cháy.
    Trong lỗ cửa của chiếc hầm gạch, xuất hiện người người lính liên lạc lấm lem. Anh ta chào người sỹ quan không quen biết, nhìn thiếu tướng đã hy sinh, nói:
    -Liên lạc với ban tham mưu sư đoàn đã được phục hồi. Ban tham mưu đã chuyển về Ia-blô-nhe-va. Ở đó đang đánh nhau. Có nhiều người bị chết và bị thương
    Tiến gần đến cái bàn có đặt máy điện thoại, cầm ống nói, thổi vào đó, anh ta nói:
    -“Hoa cúc” đâu, tôi “Uất kim cương”. Cần nói chuyện với các đồng chí đây!-Và chìa ống nói ho Tô-lu-be-ép.
    Tô-lu-be-ép nghe thấy giọng nói quen thuộc của tham mưu trưởng sư đoàn và thở dài nhẹ nhõm.
    -Tô-lu-be-ép đang nghe đây. Thiếu tướng đã bị giết-Anh nói rời từng tiếng.
    Tham mưu trưởng yên lặng, nói gì đó với những người ở bên cạnh, rồi lại nói vào máy:
    -Tôi đảm nhận quyền chỉ huy. Va-xi-lép đang cần gặp đồng chí! Đồng chí được lệnh trở về đơn vị mình phụ trách. Xe bọc thép của đồng chí ở trong đội xe tăng dự bị. Người liên lạc sẽ dẫn đường. Hãy báo cáo qua về tình hình ở đài chỉ huy.
    -Hai quả bom rơi trúng đài, nhưng còn làm việc được.
    -Tạm biệt, đồng chí trung tá! Nếu may mắn ta còn gặp nhau!
    “Phải, nếu may mắn!”. Mới nửa giờ truớc đây thiếu tướng cũng đã nói vậy, mà bây giờ ông đã nằm trên sàn rồi đó…
    Tô-lu-be-ép gọi người liên lạc, đi ra theo đường hào hẹp dẫn về phía hậu tuyến.
    Bản tin đột xuất thứ nhất
    “Ngày 6-7, trên hướng Óc-lốp-Cuốc-xcơ-Ben-gô-rốt, quân ta tiếp tục ngoan cường chiến đấu với một lực lượng lớn xe tăng và bộ binh địch. Cuộc tấn công của quân địch được lực lượng hùng mạnh của không quân hỗ trợ.
    Ở hướng Óc-lốp-Cuốc-xcơ, mọi cuộc tấn công của địch đều bị đánh lui với những tổn thất nặng nề cho chúng.
    Ở Ben-gô-rốt, sau những thiệt hại lớn, quân địch đã lọt vào một vài điểm không sâu lắm.
    Theo những số liệu chưa đầy đủ, trong một ngày chiến đấu ở Óc-lốp-Cuốc-xcơ-Ben-gô-rốt, quân ta đã phá hủy, tiêu diệt 433 xe tăng địch. Không quân và binh chủng cao xạ đã bắn rơi 111 máy bay Đức, 22 phi công Đức bị bắt sống”.
    Tổng cục thông tin Liên Xô
    6-7-1943
    Tô-lu-be-ép chăm chú đọc các bản tin quân sự và các cuộc chiến đấu được nói tới trong đó. Chưa thấy nói gì đến sự xuất hiện của xe tăng “Cọp” và “Báo”. Nếu chính mắt anh không được nhìn thấy các pháo thủ của Ka-li-nin bắn vào “cái kỳ diệu của kỹ thuật Đức này” sáng hôm qua, thì anh có thể nghĩ rằng cả bọn Đức, cả bên ta đều chưa đưa vào cuộc chiến đấu dai dẳng loại vũ khí mới nào. Hay có thể đây là để đánh lạc hướng bọn Đức? Các ngài đã thả một đàn chiến sĩ thú ra mặt trận, mà chúng tôi cũng chẳng hề hay biết gì, chúng tôi đánh những con “Cọp”, con “Báo” như những con thỏ. Nhưng chúng ta đã báo cho cả thế giới biết rằng bọn Đức dù sao cũng lấn được chúng ta ở hướng Ben-gô-rốt cơ mà? Tuy nhiên, cả phía Đức cũng không nói gì đến cuộc tấn công bắt đầu của chúng. Bản tin quân sự của Bộ chỉ huy Đức cũng nằm trên bàn của anh (Krit-xchi-an đã quan tâm đến điều này nhưng trong đó cũng không có một lời nào về cuộc chiến đấu ở hướng Bren-xcơ, (chúng gọi phần mặt trận này như vậy).
    Đêm đến, toàn lữ đoàn được lệnh “Sẵn sàng số một”. Điều đó có nghĩa là quân Đức đã tăng cường lực lượng. Có khả năng ngay trong những ngày đánh nhau đầu tiên chúng đã phải huy động nhiều đơn vị dự bị không phải định dùng để đột phá mà để tiếp tục mở rộng cuộc tấn công. Bản tin nội bộ mặt trận đã kể tên những sư đoàn và binh đoàn xe tăng mới mà ta biết được trong các trận chiến đấu đêm rạng ngày mồng sáu.
    Mà thành tích của quân Đức tạm thời thật ít ỏi: chúng chỉ mới tiến quá Tô-ma-rốp-ka khoảng sáu đến tám kilômét và mới chọc vào tuyến phòng ngự thứ hai của ta. Quân đội Đức ở Óc-lốp mưu toán chiếm Pô-nư-ri đã không thành công.
    Trong hai ngày đêm ấy, Tô-lu-be-ép cùng lắm chỉ ngủ độ ba tiếng, nhưng điều lạ lùng là anh thấy người khỏe khắn và sảng khoái. Cú dập thương ngày hôm qua chưa thấy ảnh hưởng gì. Tất nhiên, anh biết là sau này, khi cuộc chiến đấu giằng co này kết thúc, anh sẽ gây nhiều phiền hà cho các bác sỹ quân y. Lúc này anh đang sống một cuộc sống tinh thần căng thẳng, như mọi người lính trong chiến đấu.
    Anh ra khỏi hầm trú ẩn dã chiến nằm giữa một bụi cây. Các xe tăng được ngụy trang chu đáo, vẫn chờ đợi đến giờ của mình. Máy bay Đức tạm thời bỏ qua khu vực bán sa mạc này, chúng có nhiều việc ở tuyến đầu. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy một chiếc “Un-ke” hay “Phô-ke” bị máy bay tiêm kích Liên Xô đuổi, bay tới là là sát mặt đất hay rơi xuống, để lại sau một dải khói đen. Không những chỉ không được bắn vào máy bay, mà cả việc xuất hiện trên đường, trên ruộng, trên bờ vực đều bị nghiêm cấm.
    Tô-lu-be-ép nghe ngóng: tiếng ì ầm nặng nề của các cuộc giao tranh vọng tới đều đều, đây đó thỉnh thoảng bốc lên một cột khói đen ở phía chân trời.
    Trong những ngày đầu chiến tranh, nghe thấy ở đâu có tiếng súng chiến đấu nổ rền là anh đã muốn lao tới đó với sự nôn nóng của tuổi trẻ. Anh tưởng là anh có nghĩa vụ phải có mặt ở nơi những đồng chí của anh đang hy sinh. Giờ đây thì anh lại lạnh lùng chờ đợi lúc nào sẽ đến thời điểm anh và các chiến xa của anh phát huy tác dụng. Và nếu âm vang của các cuộc chiến đấu không chuyển từ phía Nam lên phía Bắc, thì điều đó có nghĩa là anh phải bình tĩnh chờ đợi, dạy cho các chiến sĩ cái nghệ thuật chủ yếu của chiến tranh-sự bình tĩnh, đơn vị anh có nhiều người mới tham gia chiến đấu lần đầu.
    Anh thong thả đi qua khoảnh rừng mới trồng, xoi mói nhìn ngụy trang của xe tăng, nhìn mặt những người lính cũng như anh đang lắng nghe tiếng gầm của trận giao chiến ở gần, chào hỏi họ và lại đi tiếp. Tất cả mọi thứ có vẻ như bình thường. Mọi người thay nhau nghỉ ngơi và chuẩn bị chiến đấu.
    Trên đường về, qua các cành cây anh lại được thấy một trận không chiến. Và mặc dù mọi người đang ẩn nấp trong rừng đều mong muốn được xem tường tận trận không chiến, nhưng không ai nhảy ra khỏi bụi cây, không làm lộ ngụy trang, còn chiếc máy bay Đức (đó là chiếc Mec-xe-mit) cắm cổ chạy khỏi chiếc tiêm kích của ta về phía Tây, phía Ben-gô-rốt.
    Trong hầm tham mưu, điện thoại reo, tiếng người trả lời bình tĩnh, và Tô-lu-be-ép lại nghĩ: “Mọi người đã học được nhiều trong chiến đấu. Không ai quát tháo, rối trí, dọa nạt, mắng mỏ. Và mặc dù ai nấy thần kinh đều căng thẳng tột độ, nhưng xử thế thật tuyệt vời. Nào, ngài Hit-le, bây giờ thì ngài hãy coi chừng! Ngài chẳng tài nào tiêu diệt cũng như dọa dẫm nổi chúng tôi”.
    Anh bước vào cổng hầm mở ngỏ. Sỹ quan tham mưu trưởng đứng dậy, mọi người vui vẻ hồn nhiên chào lữ đoàn trưởng và quay lại với công việc của mình. Họ biết rằng Tô-lu-be-ép không ưa thích sự lăng xăng vô tích sự.
    Tham mưu trưởng báo cáo:
    -Vi-ta Ac-vi-dốp-na yêu cầu đồng chí gọi điện. Có nhiều tù binh được đưa đến.
    Người điện thoại viên nói bằng tín hiệu: “Ong mật”, “Ong mật”, “Tổ đàn” đang đợi đây,-và chuyển ống nói cho trung tá. Và ngay lập tức, nghe thấy giọng nói thân yêu của Vi-ta làm dào dạt lòng anh một đợt sóng yêu thương. Nhưng chị nói về công việc, muốn khoe sự phục tùng của mình.
    -Đồng chí trung tá! Ta bắt được mấy tù binh lái xe tăng “Cọp” và một tên phi công. Đại tá Krit-xchi-an yêu cầu anh tìm hiểu lời khai của chúng…
    “Còn lâu, có lẽ suốt đời, Vi-ta vẫn nói cái giọng trọ trẹ như vậy-anh nghĩ. Những tiếng “đồn chí” của em giờ đây vang lên cũng tự nhiên như tiếng “đồng chí” của mỗi chúng ta. Và em sẽ quen với Tổ quốc mới, sẽ chia xẻ với nó một niềm vui, nỗi buồn…” Và đột nhiên, anh bắt gặp được mình trong cái ý muốn nói to lên: “Nếu chúng ta còn sống…”.
    Đó là một sự yếu đuối, không được phép và nguy hiểm, vì bằng cách đó, anh dường như đổ dồn tất cả mọi tai họa của chiến tranh lên con người Vi-ta xiết bao mỏnh manh và yếu đuối, những tai họa mà chưa bao giờ anh, các chiến sĩ và sỹ quan của anh cảm thấy to lớn và khó chịu đựng đến thế! Và một lần nữa, không biết là lần thứ bao nhiêu, anh trách mình: sao không để Vi-ta ở lại Mat-xcơ-va? Như thế có phải lúc này anh đã dễ dàng hơn không?...
    Địa điểm hỏi cung những tù binh được giải đến ban tham mưu sư đoàn, theo lệnh của Krit-xchi-an “đề tìm hiểu tâm trạng đối phương”, được đặt cách khoảnh rừng mới trồng chừng một cây số rưỡi, trong một nhà nghỉ đã bị phá hủy gần hết. Người ta chỉ được phép đi xe đến đây từ phía quốc lộ để nơi bố trí trung đoàn xe tăng khỏi lọt vào những cặp mắt ngẫu nhiên. Nhưng trung tá thích một cuốc đi bộ theo bờ vực, nơi những rặng cây trăn và các bụi mận gai sẽ che khuất không những người đi bộ, mà cả những người cưỡi ngựa nữa. Và Tô-lu-be-ép ngụp vào màu xanh mát mẻ.
    Trong phòng ăn của nhà nghỉ, một căn nhà thấp lè tè, dưới sự giám sát của bảo vệ, mấy chục tù binh nằm trên các đụn cỏ hay ngồi trên những chiếc ghế dài. Chúng không còn phải đánh nhau nữa và cảm thấy mình được tương đối an toàn. Thực tình chúng cảm thấy khiếp sợ nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay. Ngoài sân, dướí một cây sồi xum xuê, là nhà bếp dã chiến yên lành, bọn chúng nhìn ra đấy qua khe cửa với niềm hy vọng và tò mò. Nhiều tên bị bắt đã hai ba ngày và biết rằng người Nga không đánh đập tù binh, không xử bắn mà còn cho ăn uống; những tên mới đến còn chưa tin lắm vào những lời đồn này, đang chờ đợi cái gì sẽ đến với chúng sắp tới: cuộc xử bắn hay… bữa ăn trưa?
    Trung tá bước vào căn nhà gỗ nhỏ, nơi Vi-ta đang hỏi cung tù binh.
    Bên cạnh Vi-ta, Li-đi-a đang ngồi ghi chép những lời khai của một tên Đức cao kều, quân phục thủng lỗ chỗ. Vi-ta dịch từng câu một. Anh hạ sỹ canh gác tù binh nghiêng đầu sang một bên nghe những câu dịch lại. Tô-lu-be-ép nghĩ thầm: “Thư trạm của con nhà lính!”. Cậu hạ sỹ này đi trực về sẽ kể khối chuyện cho đồng đội. Mà tên lính Hit-le này quá sợ đếnnỗi, hạ sỹ sẽ có khối chuyện để kể.
    Nhìn thấy người sỹ quan cấp cao, tên lính Hit-le đứng phắt dậy, nhanh đến nỗi anh hạ sỹ phải vội giật tiểu liên ra khỏi cổ. Vi-ta và Li-đi-a mỉm cười, một người đầy tin cậy và vui sướng, còn người kia vẻ độ lượng, dường như xác nhận rằng: tôi đã bảo mọi chuyện sẽ ổn cả mà!
    -Các đồng chí tiếp tục đi!-Anh ra lệnh.
    Vi-ta báo cáo rằng Cuôc Blu-me là hạ sỹ quan trung đoàn xe tăng số ba nhăm, bị bắt sáng hôm nay tại Tô-ma-rôp-ka.
    -Ngồi xuống!-Vi-ta ra lệnh cho tên tù binh và khi tên này vừa sợ hãi nhìn người sỹ quan, ngồi xuống, chị nói tiếp:
    -Tôi nghe đây.
    Tên Đức nói nhanh và sôi nổi. Rõ ràng nó rất muốn tỏ rõ cho người nữ chính ủy mặc quần áo sỹ quan đeo quân hàm thiếu úy này và tất cả những người khác về sự thành thật của mình.
    Vi-ta khô khan dịch:
    -Nó khai rằng sư đoàn xe tăng số 4 của nó đóng cách mặt trận năm mươi kilômét. Các sỹ quan nói rằng những xe tăng mới “Con Cọp” sẽ xông lên khi quân Nga tháo chạy và sẽ truy kích đội quân rút lui cho tớí khi sát nhập với mũi xe tăng tấn công từ phía Óc-lốp tới. Khi đó chúng sẽ quặt sang phía Tây để chia cắt các đơn vị bị bao vây và sẽ dồn bọn Nga vào một cái “Kotel” (Tiếng Nga: cái chảo, đồng thời có nghĩa là vòng vây)…-Chị hơi ngập ngừng và hỏi Li-đi-a:-“Kotel” là gì? Đó có phải là từ Nga không?
    -Là vòng vây.-Tô-lu-be-ép cười khẩy.
    -À, em biết rồi. “Xta-lin-grat”!-Vi-ta gật đầu.
    Tên tù binh lại nói, Vi-ta dịch đúng từng câu, từng chữ:
    -Tên hạ sỹ nói rằng đã nhìn thấy bản đồ tấn công ở chỗ trung đoàn trưởng Xtrô-mec, trên đó có vẽ những mũi tiến công. Nơi hợp điểm của các binh đoàn xe tăng là Cuốc-xcơ. Sau đó, một mũi sẽ triển khai theo hướng Đông Bắc nhằm về Matxcơva, còn sư đoàn số bốn sẽ thủ tiêu “Kotel”.
    -Hắn đã bị bắt như thế nào?-Tô-lu-be-ép hỏi.
    Vi-ta dịch câu hỏi, tên tù binh hơi ngắc ngứ. Vi-ta nhắc lại câu hỏi. Lúc đó tên tù binh mới nổi xung lên.
    Tô-lu-be-ép hiểu là hắn chửi bọn chỉ huy. Vi-ta khẽ cười và dịch:
    -Tên hạ sỹ đang căm tức. Đáng ra chúng sẽ phải đi truy kích, hóa ra lại phải đi đột phá-câu ấy nói vậy phải không?-Chị quay về phía Li-đi-a.-Hắn cho rằng hắn đã bị đánh lừa. Việc đột phá lẽ ra phải diễn ra từ hôm qua thì hôm nay chúng bị ném về Tô-ma-rốp-ka, ở đó đã chồng chất-cái đó gọi là gì nhỉ? Phải rồi, hàng trăm nghìn tấn sắt vụn. Không, sắt cháy thành tro bụi. Bọn chỉ huy nói rằng chiếc xe tăng Đức vĩ đại không thể bị đạn chống tăng Liên Xô bắn hỏng, vậy mà xe của trung đoàn trưởng Xtro-mec trúng đạn, tháp xe lập tức bị bay đi. Viên chỉ huy ra lệnh cho tên hạ sỹ này chĩa phần mũi xe tăng về phía quân Nga để che chắn chiếc xe của nó, cho bọn tùy tùng của đại tá sửa chữa lại chỗ hư hại. Tên hạ sỹ vừa quay chiếc xe tăng thì sườn bọc thép trúng ngay một viên đạn trái phá. Đạn gì?-Chị hỏi tên Đức.-Dạ, đạn cháy! Một cú đánh mạnh như hai phát nổ cùng một lúc, và nó xoáy vào thép như có phép quỷ… Quỷ nó xoáy vào à?-Chị bỡ ngỡ hỏi Tô-lu-be-ép.
    Anh trả lời:
    -Đạn khoan, em đã được xem bắn rồi!
    -Ồ, em, em! Con quỷ xoáy trôn ốc! Trong xe tăng bốc lửa và chúng nhảy xuống các đường hào. Lúc đó xe tăng của tên chỉ huy cũng bốc cháy. Tên hạ sỹ không biết điều đó xảy ra như thế nào, một tiếng nổ dậy trời và đối với bọn trong xe là hết đời. Khi đó chúng bò vào một chiếc hầm quân Nga bỏ lại và đi theo mãi, hai tay giơ lên cao, cho đến khi gặp những người Nga bắt chúng làm tù binh.
    Tên tù binh nín lặng, nhìn đôi tay bị bỏng băng bó qua quít của mình, Tô-lu-be-ép bảo:
    -Dẫn nó đến quân y dã chiến. Báo cho nó biết, không nó lại tưởng bị đem đi bắn.
    Vi-ta dịch. Tên tù binh ngạc nhiên nhìn chị, rồi bỗng nhiên tin tưởng nhìn Tô-lu-be-ép đầy biết ơn nhưng anh đã hỏi sang tên khác.
    Tên tù binh này là phi công, Tô-lu-be-ép nghĩ rằng Krit-xchi-an đã gửi nó đến cho đa dạng. Quả thực lời khai của những tên lính tăng giống nhau đến lạ lùng. Bọn chỉ huy Đức coi xe tăng “Cọp” là “tinh hoa” của chúng. Kể cả bọn SS, những tên lái xe đã nổi tiếng trong các trận đánh trước đây và những tên chỉ huy các xe tăng khác của Đức. Bị bắt làm tù binh, chúng đều khiếp sợ như nhau, thái độ quỵ lụy, không có gì giống với những tên đã bị bắt làm tù binh hồi đầu chiến tranh. Và điều chúng khiếp sợ hơn cả là mọi tính toán của bọn chỉ huy, mọi điều khẳng định của Hit-le và mệnh lệnh nổi tiếng của hắn về “cuộc tấn công quyết định”-tất cả đều như bọt xà phòng, như một làn sóng mỏng manh bị vỡ tan khi đạp vào bức thành phòng ngự không gì phá vỡ nổi của người Nga. Chúng không còn tin, hay khẳng định rõ là không còn tin, vào Hit-le nữa…
    Tên phi công cũng sợ sệt như những tên lái xe tăng, những lời khai của hắn lý thú hơn.
    Thiếu úy Hốp-man được lệnh trinh sát vùng trời ở gần hậu phương quân Nga. Ngày hai, có khi ba lần, hắn bay từ mặt trận Ben-gô-rốt tới Óc-lốp, tới đó hắn nghỉ ngơi tại sân bay của chúng rồi bay trở lại. Bọn chỉ huy ra lệnh cho hắn đặc biệt theo dõi các chỗ ùn tắc trên các tuyến đường hậu phương, bám sát các đơn vị quân đội Xô Viết rút lui. Sáng ngày tám tháng bảy, hắn bị phi công tiêm kích Xô Viết bắn rơi. Tên thiếu úy nhảy dù và bị bắt.
    Nó khai rằng chiều ngày bảy tháng bảy, tức là ngày thứ ba của cuộc tấn công của bọn Đức, nó đã báo cáo với tên chỉ huy tình báo là không có chỗ ùn tắc nào trên các tuyến đường hậu phương của bên Nga cả, rằng giao thông trên đường không hướng về hậu phương, mà đổ ra mặt trận, thì tên đại tá nhận báo cáo đã dậm chân như phát rồ lên, và mắng hắn là đồ hèn nhát: “Mày không bay trên các con đường mà chỉ bay trên đồng cỏ, để khỏi bị cao xạ Nga bắn rơi!”, và ra lệnh phải cất cánh vào lúc sáng sớm ngày hôm sau. “Có thể bọn Nga rút quân bí mật vào ban đêm? Nếu vậy lúc sáng sớm, mày sẽ còn kịp nhận ra sự vận chuyển của chúng…”. Chuyến bay sớm mồng tám hóa ra là chuyến bay cuối cùng của tên phi công.
    Tới giờ ăn trưa, Tô-lu-be-ép còn hỏi cung hàng chục tù binh, nhưng tất cả chỉ là điều nhắc lại, cái đã biết: nỗi kinh hoàng pháo binh Nga, đạn trái phá bắn xoáy, sự hư hại của xe tăng “Cọp” và pháo tự hành “Phéc-đi-năng” mà đã từng được nói là không gì xâm phạm được.
    Vào hai giờ, Krit-xchi-an đến. Họ đi xuống một khe hẻm có bụi cây mọc bên mặt sông. Krit-xchi-an lấy nước lạnh vỗ lên mặt, bỗng nhiên nói:
    -Vla-đi-mi-a A-lếch-xan-đrô-vích, đồng chí chắc biết tôi đến vì việc gì chứ?
    -Đúng vậy, thưa đại tá! Bao giờ?
    -Vào ngày 11, 12. Bọn Đức đã tiến được ba mươi kilômét. Có lẽ trận đánh quyết định sẽ diễn ra ở Prô-khô-rôp-ka. Lệnh của cấp trên-cầm chân quân địch cho tới ngày đó, sau đấy chuyển sang tấn công. Trong bộ tham mưu mặt trận đang bố trí lại lực lượng. Tham mưu trưởng nhờ truyền đạt là: lữ đoàn xe tăng nặng của đồng chí sẽ đặt ở hướng quyết định của trận đấu tăng…
    Tô-lu-be-ép chờ xem Krit-xchi-an nói gì thêm nữa không nhưng ông đã cởi áo blu-dông và sơ mi, dấp nước mạnh lên tấm thân mình khô và nóng bức.

Xem Tiếp Chương 8Xem Tiếp Chương 8 (Kết Thúc)

Vòng Cung Lửa
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Đang Xem Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế