Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Quê Hương Ngày Trở Lại Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
    Nhà vắng ngoe, chỉ còn đứa cháu gái đang tưới rau ngoài vườn. Thấy tôi về nó bảo Bà gọi điện nhắn Dì xuống dưới ăn cơm, để cháu chở dì xuống nhá.
    - Xe đâu mà đi?
    - Cháu chở Dì bằng xe đạp của cháu!
    - Thôi, chờ chút xem có ai về thì đi luôn.
    Tôi bước vào trong nhà, vứt giỏ xách lên giường cái bịch, tháo giầy thả mình xuống giường nằm thẳng cẳng. Từ trưa tới giờ bị ngồi mãi nhức mỏi hết cả thân thể. Hai lỗ mũi nghẹt cứng, cổ thì khản đặc, khạc ra đờm đất cát lợn cợn, tanh ngòm. Cái chai thuốc xịt mũi tôi mang theo là cái đồ thổ tả, mỗi lần hít vào đau rát mũi gần chết, Không có thứ khác thì phải xài tạm. Nằm một hồi, cô em gái chạy xe về, tôi nhỏm dậy bảo nó chở tôi xuống nhà Dì ăn cơm. Tụi tôi khóa cửa tống ba đi luôn.
    Từ đây xuống nhà Dì chưa đầy năm phút. Khu này, mọi thứ đều đã thay đổi. Cái bảo tàng cũ ngày xưa làm trường học tạm nay đã được phá hủy, thay vào đó là những căn nhà tầng khang trang đẹp đẽ. Đoạn đường từ ngã ba "Căm Thù" đi vào rộng lớn và được đổ hắc ín láng mịn. Lúc trước, con đường này được dải đá răm, đi lạo xạo dễ gây tai nạn. Tôi chẳng còn nhận được một tí gì khung cảnh của ngày xưa.
    Nhà Dì của tôi nay được chuyển ra gần mặt lộ, trước ngõ dựng một cái quán nhỏ để bán nước, bánh trái, và ba đồ lặt vặt, trông thật nghèo nàn. Trong quán lèo tèo vài người khách đang ngồi ăn trứng gà luộc và uống rượu đế. Tôi đi ngang qua quán và tiến thẳng vào trong nhà. Chú tôi đang lúi húi nấu nướng trong bếp, trông chú gầy đi nhiều và lưng còng hẳn xuống. Thấy tôi chú tươi cười hỏi:
    - Cái Hân mới ra đấy hả? Khoẻ không cháu?
    - Dạ cháu khoẻ!
    Chú mời tôi lên trên nhà, chân chú đi tập tễch. Tôi nhìn chú thương cảm, rượu đã tàn phá con người của chú tôi, buồn vợ, buồn con, giận cuộc đời chú tìm đến men rượu, lúc nào cũng ngật ngưỡng. Chú tôi ngày xưa là "con nhà địa chủ" giàu có dưới vùng Hà Bắc. Hồi nhỏ chú đã được gửi ra Hà Nội học hành. Nhưng trong đợt cải cách ruộng đất, cha mẹ Chú bị mang ra đấu tố tới chết, Chú thì bỏ trốn lên vùng rừng núi hẻo lánh này khai hoang và dấu biệt tung tích. Mãi sau này Dì tôi mới biết và hiểu lý do tại sao Chú không bao giờ cho Dì về thăm quê. Chú Dì có bốn người con, ba trai, một gái nhưng chẳng đứa nào ra hồn, toàn làm khổ bố mẹ. Thằng đầu không theo nổi cấp ba nghỉ học giữa chừng rồi thì nghiện hút, đi đến đâu ai cũng sợ. Sau này cai nghiện vào Nam được bố tôi lo lắng cho theo học nghề điện lạnh, và gả vợ cho. Tưởng nên thân ai ngờ có tí tiền thì lại đàn đúm nghiện ngập. Lần nào nghe tin tôi về cũng mò lên xin tiền nhưng tôi đuổi thẳng tay, thứ nghiện ngập tôi không chấp nhận được. Nay đã cai nghiện nhưng không biết cai được mấy ngày. Đứa thứ hai thì khá hơn một chút, biết tu chí làm ăn, nhưng cũng lại nát rượu. Còn đứa con gái là giáo viên thì nghe nói dở dở ương ương, lâu lắm rồi tôi chưa gặp mặt. Anh công tử có vẻ tử tế hơn, mong rằng em tôi đừng vướng vào con đường ma túy.
    Tôi dúi tiền vào tay chú bảo cất đi, tôi không muốn Dì tôi nhìn thấy, bà lại moi hết. Biết rằng có tiền chú tôi sẽ lại mua rượu uống, nhưng chẳng lẽ tôi lại không cho. Chú tôi nấu ăn ngon có tiếng trong vùng, lúc còn khoẻ hàng xóm có tiệc cưới hay đám ma gì một mình chú tôi đứng bếp nấu mấy chục mâm cỗ. Đám cưới anh tôi đều một tay chú lo lắng. Không ngờ cuối đời chú lại thành một người tàn phế.
    Tôi nhìn xung quanh nhà, mấy tấm hình tôi chụp thủa trước được lồng trong kiếng treo trên tường. Cạnh đó là ảnh Dì tôi chụp hồi còn trẻ. Dì tôi giữ kỹ thật, hình tôi chụp ngày xưa tôi chẳng còn tấm nào.
    Khách khứa đã về hết, quán vắng tanh. Tôi ra ngoài đó nói chuyện với Dì. Dì pha ly chanh nóng bảo tôi uống cho bớt đau họng. Nhìn cái ly cáu bẩn, loang lổ vét ố vàng làm tôi ngần ngừ cầm lên rồi đặt xuống. Hình như hiểu ý tôi Dì mang đống ly đi rửa lại. Tôi nói với Dì rằng làm hàng quán thì phải sạch sẽ, gọn gàng, trông bẩn thỉu thế thì ai dám uống.
    - Dì buôn bán như vầy lấy gì đủ sống?
    Dì tôi buồn bã thở dài:
    - Buôn bán này chỉ là phụ thôi, cái chính trông chờ vào vụ mùa trái cây, nhưng ba năm nay mất mùa liên tiếp, thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Chú mày thì tối ngày rượu chè, say bét nhè rồi gây lộn um xùm cả xóm. Chán lắm thôi cháu ơi! Sao cái số Dì nó khổ!
    Nhắc đến con cái mắt Dì rớm lệ. Tôi hiểu lòng Dì tôi, mẹ nào mà không thương con. Tôi cũng thương tụi nó bởi "một giọt máu đào hơn ao nước lã", tôi cũng đâu bỏ chúng nó được. Nhưng tiền bạc thì cũng có hạn, tôi đâu thể bao đồng mãi được… Dì tôi mái tóc đã điểm bạc, đuôi mắt đã hằn những vết chân chim. Nhìn Dì tôi lại nhớ đến mẹ mình, Tôi cứ thầm ao ước giờ này mẹ còn sống.
    Bà ngoại tôi sanh được sáu người con, một trai, năm gái. Mẹ tôi là con gái thứ hai, theo sau là bốn em gái, một Dì mất lúc được năm tuổi, một Dì kế đang ở Sài Gòn, một Dì ở Đà Nẵng và một Dì thì ở đây. Trên mẹ còn một anh trai mới mất năm ngoái, ngày bác mất tôi không về được, chỉ có Dì tôi và chị Tư thay mặt mọi người đi Hà Nội dự đám tang. Bác tôi lúc trước làm bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai, đã nghỉ hưu và bị bệnh bại liệt, nằm một chỗ mấy năm trời mới mất. Nhìn Dì tôi lại bật cười nhớ đến chuyện chị tôi kể về đám tang. Bác tôi cưng Dì tôi nhất, ai mà nói xấu em gái ông là chết với ông liền. Các con, các cháu không được phép nói động gì tới em gái bác hết. Ngày tang lễ, Dì tôi khóc to nhất kể lể: "Ối anh ơi là anh ơi..! Hồi trẻ anh đẹp trai, về già anh đẹp lão. Bây giờ anh nằm đây như con chim bị vặt trụi lông…".
    Các con, các cháu nghe bà Dì khóc cứ cúi mặt cười khúc khích. Chị họ tôi, con gái ruột của bác thì lẩm bẩm: "O không được khóc như thế! O khóc như thế là hại con hại cháu! Ai đời bố chết mà con cháu lại cười…".
    Chuyện được mang đi kể tùm lum, ai thấy Dì tôi cũng che miệng cười, bà lại la toáng lên:
    "Bay cười cái chi? Lại cái con Hai đi kể xấu tao chứ gì?".
    Trời đã chập choạng tối, cơm nước đã chuẩn bị xong, bụng tôi đói cồn cào mà chờ mãi chị Hai tôi chưa xuống. Tôi phải dục thằng em công tử chạy lên trường chị xem sao. Nó đi được vài phút rồi quay lại cùng chị tôi. Chị tôi mắc bận họp hội đồng nên không bỏ được.
    Cơm dọn ra, lại cũng thịt gà. Trời ơi! đi đâu cũng thịt gà! Chắc tôi chết mất! Lần này thì tôi không dám ăn nữa, chỉ gắp chả giò chiên và dưa chua. Có dĩa trái su luộc thì tôi lại không dám ăn, tôi bị dị ứng với su su, cà pháo, và mận, hễ cứ ăn vào là y rằng xong bữa chạy vào toilet ói gần chết. Nhìn thèm nhỏ rãi cũng chẳng dám động đến. Cơm nước xong xuôi, cả nhà ngồi uống trà nói chuyện phiếm. Nhìn đồng hồ hơn bẩy giờ, tôi vội vã cáo từ đi về, sợ đám thằng Hiển kéo đến chơi.
    Về nhà ngồi chờ mãi tới tám rưỡi không thấy chúng nó đâu, tôi đi tắm, rửa mặt, thay đồ rồi leo lên giường đi ngủ. Thằng nhóc cháu thì xuốt cả ngày cứ đòi chị mở bản nhạc "SeaGame" cho nó coi, nghe riết tôi cũng muốn thuộc. Cô ca sĩ hát bản này khá hay, giọng khoẻ. Vì gần tới ngày lễ hội Sea Game 22, nhạc sĩ đang chọn tìm người hát thế cô ta. Báo chí đăng um xùm, bàn tán người này, kẻ nọ tá lả. Cô ca sĩ dở hơi này sắp đến ngày lễ hội thì lại đẻ với đái, để lỡ hết cả việc. Tìm kiếm mãi không có ai hát được như cô.
    Hơn chín giờ một chút, chuông điện thoại đổ dồn, chị Hai tôi ngồi gần đó nhấc máy rồi ngoắc tôi lại nghe.
    - A lô!
    - Hân ơi! Mày ở đâu?
    - Đang ở nhà chị tao chứ ở đâu! Chờ tụi bay mãi không thấy, tao lên giường đi ngủ rồi!
    - Tụi tao đang ở dưới nhà Dì mày này. Tụi tao lên trên đấy nhá?
    - Ừ, lên đi. Để Hân ra đường đợi!
    Chị tôi mở đèn ngoài cổng cho sáng. Khoảng hơn năm phút sau, tiếng lố nhố ở phía đằng xa, chắc chúng nó đi lộn nhà, tôi phải lên tiếng gọi. Một toán đâu cỡ bẩy tám thằng chạy xe ào ào tới. Đi đầu là Bành Tổ, rồi thằng Hiển, Thanh Ung, Trung Chột và vài thằng nữa tôi không nhận ra mặt. Tôi bảo chúng nó chạy thẳng xe vào trong nhà nhưng chúng nó cứ dựng ngay ngoài cổng. Tôi la lên lỡ mấy thằng nghiền nó dắt đi thì phải làm sao, mất vui hết. Bành trâng tráo trả lời:
    - Em gái đừng lo! Thằng nào mà dám lấy xe của anh?
    - Chắc mấy thằng nghiền sợ mày lắm đấy hả?
    Chẳng đứa nào nghe lời tôi, tụi nó hùng hục sộc vào trong nhà y như lũ ăn cướp. Thằng Hiển to mồm nhất, nói liến thoắng. Trung Chột thì hỏi tôi:
    - Hân đã đi được đâu rồi?
    - Mới xuống được nhà cái Hồng và mấy người lối xóm thôi.
    - Tao biết ngay… mà… Thế nào mày cũng xuống nhà cái Hồng trước! Chúng mày thân nhau thế kia mà!
    Giọng nó kéo dài ra làm tôi bật cười. Thằng này cũng là một trong ba thằng đang ế vợ. Nhà ở gần cửa hàng ăn nơi mẹ tôi làm việc thủa xưa. Hồi còn đi học, tôi hay ăn hiếp nó, hơi tí là xông vào đánh nhau chí choé. Tôi nhớ có một lần hai đứa tôi đánh lộn, tự nhiên nó dừng lại lúi húi cúi xuống đất mò mò. Tôi hỏi:
    - Mày tìm cái gì đấy?
    - Tao tìm con mắt của tao
    Trung bị hư một mắt từ nhỏ. Được lắp cục bi ve vào một bên mắt trái. Lúc đánh nhau với tôi, con mắt đó văng ra. Khi nó tìm được, nó lau vội vào vạt áo rồi nhét tọt vào trong mắt. Từ đấy tôi không đánh nhau với nó nữa.
    Tôi điểm mặt từng thằng, Bành Tổ, Sa Trọng Bành, lớn nhất lớp tôi và là học sinh cá biệt, quậy phá không ai bằng. Bành người dân tộc Thái, đẹp trai, lực học hơi yếu. Bành hơn tôi ba tuổi, nhưng vì học chung nên chúng tôi cứ mày tao chí tớ hết. Bành không già đi chút nào, chỉ khác có hàng ria mép trông có vẻ người lớn. Thanh Ung cũng là người dân tộc Thái, đi học đủ các trường nhưng bây giờ lại ở nhà làm rẫy. Thanh gầy đi nhiều trông già dặn hẳn lên. Nghe Hưng nói, vợ chồng Thanh không có con. Nguyễn Văn Hiển, Hiển này nhà ở Hạt Hai, lù dù như con gà dù, lúc nào cũng giống ngủ gật. Giờ thì trông như ông cụ non. Dũng Nhỏ, nhà cạnh Hiển. Đi làm công nhân tuốt ở xa, mới về chịu tang Bố. Tư, hồi trước học chung lớp, sau đổi sang lớp khác. Làm công an một thời gian sau đó nghiền xì ke bị đuổi việc, bây giờ ở nhà ăn bám vợ. Tôi chợt nhớ tới người bạn ẻo lả cà dẹo lúc trước khá than thiết, nên lên tiếng hỏi tụi nó:
    - Bạn Hồng Chiềng Sại của mình có lên không?
    Nghe thấy tôi hỏi vậy, cảm đám cười rầm rầm. Một anh chàng núp mình vào người Thanh, e thẹn. Bành tổ chỉ vào nó nói:
    - Chính hắn.
    - Ồ! Nghe bảo bạn nay về làm trưởng bản hả?
    Hồng chưa kịp trả lời, Bành đã vội lên tiếng:
    - Cái thằng ngu này, học cho đã rồi đi về bản làm rẫy!
    Vừa nói vừa lắc đầu làm tôi bật cười. Thằng Hiển qua lãi nhải:
    - Hân! Tao tức lắm!
    Tôi nhìn chằm vào nó, lắng nghe.
    - Mày ngày xưa hát hay như thế mà bây giờ để con Hồng Nhung nó dành hát bản nhạc "Sea Game" mất. Vậy mà mày bảo mày hát hay hơn cả Mỹ Tâm!
    - Thằng mắc dịch mắc gió, tao bảo tao hát hay hơn Mỹ Tâm hồi nào? Từ chiều đến giờ mày chọc ghẹo tao hơi nhiều rồi đấy nhá.
    Hồng Nhung nó nhắc trên tức là ca sĩ Hồng Nhung một thời nổi tiếng ở Việt Nam, nay thì đang chìm dần theo năm tháng. Cô bé này tôi biết từ lúc đi hát theo đoàn nhạc nhẹ Hà Nội năm mười mấy tuổi. Nhỏ xíu, loi cha loi choi, mặc bộ đồ trắng gióng cái họng hát bản "Papa, người Cha Yêu Dấu ", phát âm tiếng Anh theo kiểu người Hà Nội nghe thật kỳ cục. Thường thì đoàn nhạc nhẹ Hà Nội vô Sài Gòn biểu diễn hay ngụ tại khách sạn Sài Gòn, kế sát quán cà phê nhà Dì tôi, ban ngày hoặc buổi tối sau khi đi hát về, các em lại tíu tít qua bên quán, đàn đúm với mấy anh khách mối quen nhà tôi, trong đám đó có cả ca sĩ Thanh Lam. Mấy cha Bắc kỳ o bế hai em này dữ lắm, suốt ngày cứ Bống ơi! Bống à! (Bống là biệt danh của cô ca sĩ nhí Hồng Nhung). Rồi thì mỗi buổi chiều trước giờ biểu diễn mấy cha lại nhặng xị lo chạy đi mua hoa để tối đến mang tặng các em trên sân khấu. Tôi nhìn ngứa cả mắt. Thanh Lam trông xinh gái hơn, cắt cái đầu ngắn kiểu con trai, mặc đồ giống bụi đời nhìn bẩn bẩn. Hồi đó Thanh Lam còn nghèo rớt mùng tơi, làm gì có tiền ăn diện. Nhưng so ra thì Thanh Lam có giọng hát hay hơn em Bống nhiều. Giọng hát ấm, khoẻ, và rất có hồn. Tôi thích nghe Thanh Lam hát, tôi vẫn nghĩ thầm sau này Thanh Lam sẽ nổi tiếng. Thời đó ông khách quen nhà tôi mê Thanh Lam như điếu đổ, dẫn cô nàng đi mua sắm tùm lum. Một năm sau em lấy chồng, anh ta thất tình ngồi cù rủ một chỗ, trông thật tội nghiệp! Khi Thanh Lam nổi đình nổi đám, lên sân khấu cạo cái đầu trọc lốc, mặc đồ dị hợm, hát thì cứ rên ư ử ư ử. Tôi bỏ chẳng bao giờ đi xem cô ta hát nữa. Hồng Nhung nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng khi chuyển vào Sài Gòn thì chẳng có ma nào biết đến. Sau này cặp bồ với ông già nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được ông lăng xê lên mới có tiếng tăm. Tôi thì không thích giọng hát của cô này. Cô ta chỉ hát được nhạc đỏ nhạc đen, còn nhạc tình cảm nghe kỳ kỳ. Tôi phì cười khi nghe cô ta hát Hạ Trắng (gọi nắng…trên vai em gầy, đường xưa áo bay…). Có một thời cô nàng chẳng biết đi học múa ở đâu về mà mỗi lần lên sân khấu biểu diễn cứ giơ tay lên như chim đang bay, cào cào bổ xuống nhìn trông thật chẳng giống ai, sau này bị khán giả và báo chí phản đối nhiều quá, nên cô nàng đã bỏ không múa nữa.
    Vào thời điểm đó, Hồng Nhung và Thanh Lam chỉ là dân đi hát phụ họa thôi còn người hát chính của đoàn vẫn là ca sĩ Ái Vân xinh đẹp khả ái. Cô Ái Vân hát không hay lắm nhưng có một nhan sắc mỹ miều, giọng nói Hà Nội ngọt như mía lùi và phong cách biểu diễn tuyệt diệu! Tôi thích xem cô hát bản nhạc "Triệu Đóa Hoa Hồng", cô mặc bộ xoa rê mầu xanh lam nhạt, phủ khăn voan choàng cùng mầu gắn kim tuyết lóng lánh. Cô vừa hát vừa nhảy theo điệu nhạc cùng người chồng cũ là diễn viên múa tên Trần Bình, nhìn cứ mê li rụng rốn. Anh Bình vẫn thường xuống quán tôi uống cà phê, thỉnh thoảng cô Ái Vân cũng xuống tìm chồng. Tôi cứ lân la lại gần ngắm nhìn cô cho thỏa thích. Người đâu mà đẹp như tiên nữ giáng trần!
    Các bạn tôi thi nhau kể chuyện, Thằng Bành vẫn cứ liến thoắng nói không ngưng nghỉ, nào là mấy ông bà già sung lắm, tóc bạc trắng, nắm tay nhau đi đầy dưới phố huyện rồi. Bành còn đòi tối may kiếm cô Nghị "ngủ giao lưu ". Cô Nghị là cô giáo dậy văn tụi tôi hồi lớp 10 và lớp 11. Cô xinh gái và hát cũng khá hay. Cô vốn phụ trách đội văn nghệ của trường tôi. Mấy thằng này thật hết biết, đến cô giáo cũ mà nó còn đòi "ngủ giao lưu". Tôi thắc mắc thầy Dũng dậy môn Hóa chẳng biết có lên không. Bành trả lờ tỉnh queo: "Anh mình không bao giờ dám lên Mộc Châu nữa đâu! ". Tôi liếc nhìn Bành rồi điểm mặt nó hỏi:
    - Mày là thủ phạm cái môi sứt khâu mấy mũi của thầy phải không?
    Bành cười:
    - Em gái cứ nghi bậy bạ!
    - Còn không nữa! Khai thật đi! Mười mấy năm qua rồi còn gì!
    - Ai bảo bố láo bố toét!
    - Thế mà hồi đấy cứ cãi sống cãi chết!
    - Hồi đấy bố bảo tao cũng không dám khai thật!
    Cả đám cười rộ lên. Tôi thì nhấp nhỏm ngồi không yên, vừa nói chuyện mà mắt cứ phải liếc ra ngoài ngõ nơi mấy chiếc xe còn dựng ở đấy, chỉ sợ thằng nghiện nào mượn tạm thì khốn nạn. Thấy cũng đã muộn, Bành rủ tụi bạn đi về và hẹn ngày mai 5 giờ chiều chạy xe lên đón tôi. Tôi đưa tiễn các bạn ra tận đường lộ rồi quay về leo lên giường đi ngủ.
    Sáng hôm sau giật mình thức giấc vì tiếng ồn ào. Tôi nằm hé mắt nhìn ra bàn khách, anh Quí đang nói chuyện với một cô gái lạ hoắc. Chắc anh từ Hà Nội mới lên. Cô gái mặc cái áo vét mầu xanh đậm nhưng lại mặc cái quần bông hoa mầu sáng, thứ đồ bộ hay mặc trong nhà, mặt mũi xấu xí, răng cửa sún hết trơn. Thấy tôi mở mắt, cô gái đó tiến lại phía tôi cất tiếng chào:
    - Chị Hân mới ra! Chị có khoẻ không?
    - Ừ! Chị mới ra, bệnh mấy bữa nay rồi!
    - Thế à! Chị nằm nghỉ nhé, em về, lúc nào rảnh em chạy lên chơi!
    Tôi chưa kịp hỏi han gì thì cô gái te te đi thẳng ra cửa, nổ máy xe, lao vụt đi. Chị Tư tôi đang ngồi trang điểm. Anh Quí thì ngả người trên ghế sa lông, lim dim đôi mắt. Tôi vẫn còn nằm trên giường, mền đắp lút cổ, thò mặt ra ngoài:
    - Anh Quí ơi! Em gái anh đấy hả?
    Anh Quí giật mình quay sang hướng tôi, ngơ ngác hỏi:
    - Ai cơ?
    - Thì con bé hồi nãy nói chuyện với anh đấy!
    Chị Tư tôi liền cắt ngang trả lời:
    - Em gái mày đấy!
    - Em nào?
    - Cái Giang con nhà Dì mình chứ em anh Quí nào!
    Anh Quí cười hề hề:
    Tôi bật cười ha hả… tiếng cười của tôi chắc nghe khủng khiếp quá nên làm thằng nhóc cháu đang ngủ bên cạnh giật mình bật dậy ngơ ngác hỏi:
    - Cái gì vậy?
    Tôi xoa đầu ấn nó xuống ngủ tiếp mà vẫn còn cười khùng khục ở trong họng. Má ơi…! Giòng họ nhà tôi sao lại lọt vào cái con nhỏ xấu chi mà xấu tệ, khiếp! xấu không để ai xấu với! Tôi nhớ lúc rời quê hương, nó còn nhỏ đâu có đến nỗi nào.
    Nằm thêm một hồi, tôi bật dậy pha trà uống. Chị Tư trang điểm đã xong, xuống nhà dưới thay đồ, dặn tôi đánh thức thằng nhỏ cho nó tỉnh ngủ để đi họp lớp. Tôi nhìn anh Quí rồi phá lên cười:
    - Cười cái gì thế?
    - Cười em gái anh chứ cười cái gì!
    Anh Quí lại cười hề hề:
    - Quái mình làm gì có đứa em nào xấu vậy!
    - Anh lên hồi nào đấy?
    - Tối hôm qua!
    - Vậy tính bữa nào mình về?
    - Thư thả chơi vài bữa đã! Anh còn phải lên trên 90 đón bà già nữa! Ngại quá! Đường xá trên đó ghê lắm!
    Chị Tư đã trở lên nhà, chị mặc áo len mỏng mầu trắng ngà, mặc váy ngắn trên đầu gối bằng vải tuyết nhung mầu đen, mang vớ tiệp với mầu da người, đi đôi giày cao cổ cũng mầu đen. Tóc chị uốn dợn sóng, vuốt mút bóng lộn. Trông cũng còn trẻ trung xinh gái ra phết ở lứa tuổi bốn mươi mốt này! Em gái tôi lảng vảng bên cạnh, tôi ghé vào tai nó nói thầm:
    - Ê! Coi chị gái mày kìa! Đang cưa sừng làm nghé!
    - Chị bà thì có!
    Tôi cười khanh khách, chị tôi cứ làm như còn trẻ lắm không bằng! Diện đồ y như gái mười tám! Nhưng nghĩ lại thì tôi cũng vậy thôi. Mỗi lần đi Shibuya mua đồ, chồng tôi cứ ghé tai bảo: "Mấy cô bán hàng mà biết rõ tuổi của em, các cô đó sẽ giật mình vì cái bà già này sao lại đi lạc vào đây…!"
    Mọi người đã đi chơi hết, chỉ còn lại mình tôi ở nhà. Tôi khóa cửa qua nhà hàng xóm tán dóc. Từ chỗ tôi đi vòng sang cổng chính nhà chị Ảnh cũng khoảng chừng 50 thước. Chị Ảnh đang ngồi trước cửa lặt rau, thấy tôi sang, chị ngước lên nhìn tôi cười thật tươi:
    - Chúng nó đi hết rồi hả?
    - Dạ! Đi hết trơn rồi!
    Chị Ảnh năm nay đã hơn năm chục tuổi nhưng trông còn trẻ, Vẫn nước da trắng hồng, đôi môi đỏ chót không cần đánh son, mái tóc óng vàng lòa xòa vương trên trán. Chị không đẹp nhưng có duyên, đặc biệt chị có cái mũi to tướng và đỏ chót như quả cà chua đặt lên trên mặt. Anh chồng chị thấy ai có lỗ mũi to cũng đều ví: " to như mũi cô Ảnh nhà tôi…". Vợ chồng chị là dân Thanh Hóa, còn nói giọng quê đặc sệt. Anh chị sinh được bốn người con, ba trai, một gái. Ba đứa nhỏ đang học nghề ở xa còn thằng lớn thì lãnh án tù 12 năm, với chuyện không đáng. Chồng chị làm nghề buôn bán nông sản, cả thú rừng… anh đi vào các làng bản xa xôi mua hàng bán lại cho con buôn kiếm lời. Ông bạn hàng xóm ganh ghét chơi đểu ưa rình mò để báo công an hoặc kiểm lâm bắt giữ tịch thu hàng hóa của anh chị. Bị nhiều lần tay trắng, mất miếng cơm, thằng con trai bực bội lắm, lúc nào cũng hằm hè vác dao sang xin ông hàng xóm tí huyết. Thế rồi một lần gây lộn, nó xách dao sang thật và lụi thằng con ông hàng xóm một nhát vào mông. Chuyện thật cứ như đùa, người ta lụi vào tim hay bụng có khi còn được cứu sống, đằng này nó chỉ lụi một nhát vào mông mà thằng nhỏ kia chết queo, chết do mẹ nó ngu. Thay vì đưa con vào bệnh viện huyện băng bó vết thương cầm máu, bà lại mướn xe chở thẳng con về bệnh viện dưới Hà Nội, mục đích là để ăn vạ tiền bồi thường. Vô tình hại chết con mình! Từ Mộc Châu về Hà Nội quá xa, vết thương chảy máu không ngừng, thằng bé chết trên đường đi. Một nhà thì mất con, một nhà thì con đi tù.
    Chị Ảnh rất tốt bụng, nhưng có cái miệng hỗn nên bị chồng đánh như cơm bữa, đánh cho tơi bời hoa lá hẹ. Vì là hàng xóm với nhau, chị Hai tôi đã chứng kiến bao lần chị bị chồng đánh tới đổ máu. Chị tôi kể lại: " Chị đi dậy học về đến nhà, vừa bắc nồi cơm lên bếp thì nghe tiếng uỵch uỵch, tiếng la hét ở bên nhà chị Ảnh vọng qua, chị vội bỏ tất cả rồi chạy ngay sang ngay bên đó. Tới cổng, thấy ông túm đầu bà dập vào trong tường nhà như quả bóng, mâm cơm đổ tung toé bên cạnh. Bà vẫn đang bù lu bù loa:
    " Mày đánh tao như mày đánh con Tám nhà mày…" "Này thì con Tám này…" vừa nói ông vừa đưa tay tát vào mặt bà túi bụi. Chị lao vào đẩy ông ra, hét lên:
    " Thôi. Vợ chồng với nhau, sao lại cạn tầu giáo máng thế!" Ông xô chị té nhào và bảo " Cô đi ra đi, chuyện vợ chồng tôi để tôi giải quyết".
    Chị lại xông tới, liền bị ông quay lại thụi cho một quả đấm vào ngực, bay sang bên cạnh ngồi bệt xuống ôm ngực không thở nổi. Bà thấy có người sang can ngăn lại được nước gào lên:
    " Trong nhà tao với mày là vợ chồng, ra ngoài xã hội thì tao hơn tuổi mày, mày phải gọi tao bằng chị. Mày mang giấy khai sinh ra xem có đúng không nào? Mày muốn đánh nhau thì tao với mày ra kia đánh tay bo" .
    Nghe vậy, ông chồng lại túm lấy tóc chị giật ngược ra:
    " Này thì tay bo…này thì chị…này thì con Tám…Cô là vợ mà cô hỗn hào" .
    Mỗi một câu nói là một cái tát nảy lửa, chị Ảnh máu mồm máu miệng trào ra trông thật khiếp đảm. Ngày hôm sau, mọi việc đã qua đi, chị sang bên thì thấy chị Ảnh hai mắt tím bầm, môi xưng tấy như hai quả chuối mắn, trông thật tang thương! Chị chỉ bị ông tống có một quả mà ngực còn tím bầm đến mấy tuần mới hết huống hồ gì cứ đầu bà ông dộng vào tường như thế. Chị ngồi tỉ tê hỏi: " Thế con Tám là ai hả chị? " Chị Ảnh gượng cười trả lời: " Thì là con…mẹ đẻ ra thằng Chứ đó ai vào đây nữa mà hỏi". " Ôi giời! mẹ chồng mà chị gọi là con Tám, cái miệng hỗn như thế ông đánh cho là phải. Chỉ được cái miệng hại cái thân!"
    Ngày xưa, anh lên bản mua được một con chim yểng biết nói tiếng người mang về nhà nuôi. Nhưng vì chị hay nói bậy nên con chim cũng bắt chước nói theo. Bốn đứa con của chị lần lượt có tên: Bằng,Biên, Chuyên, Quyên. Chị gọi con về ăn cơm giọng Thanh Hóa thành: "Bằng Bin Chuyn quin ơi về mà hốc!", con yểng cũng nhái lại y như vậy với cái giọng ồm ồm như ông già. Chị hút thuốc lào sòng sọc, con yểng cũng bắt chước tiếng thuốc lào rít, và đặc biệt cũng chửi bậy y như chị. Hai vợ chồng chị lấy làm thích thú lắm vì con yểng này. Thế nhưng có một lần, anh đi xa về, trời gió lào bụi bay mù mịt, thời tiết khó chịu muốn khô héo cả người, vậy mà vừa bước vào cửa chưa kịp uống miếng nước, con yểng la lên: " Chứ ăn L…, Ảnh ăn L…" tức muốn điên cả mình. Anh quyết định kêu người đến bán. Mãi mới có một người khách đến coi chim để mua,Vợ chồng anh cứ canh cánh lo nó lại nói bậy thì chẳng ai mà dám mua, chờ cả buổi con chim chẳng nói lời nào, cứ chố mắt nghiêng đầu nhìn chủ, nhìn người khách lạ, dụ mãi nó cũng chẳng nói. Người khách lạ chán nản tính đi về thì nó la lên: "Chứ ăn L…Ảnh ăn L…" vợ chồng anh chị ngượng đỏ cả mặt. Nhưng ông khách thấy con yểng nói bậy thì thích qua đồng ý mua liền.
    
- o O o -

    Chị Ảnh hỏi tôi có thích ăn thịt cầy hương không. Nhà chị còn hai con đang nhốt đằng sau, chị đứng dậy kéo tay tôi ra phía sau chỉ vào cái chuồng lợn cũ, xếp đầy củi phía bên ngoài nói:
    - Nó ở trong ấy.
    Tôi ngó mãi mà chẳng thấy gì cả, bèn hỏi lại:
    - Có thấy cái gì đâu?
    - Trời ơi! Nó kia kìa!
    Lần này thì tôi đã nhìn thấy, con cầy hương giống như một con chó nhỏ lông mầu xám nhạt. Tôi nghe nói Cầy Hương là nguyên nhân gây ra bệnh SARS hồi năm ngoái chết mất mấy chục người, tò mò muốn coi cho biết. Tôi và chị quay trở lại nhà trên ngồi nói chuyện. Chị rót một chén rượu đế đưa lên miệng uống cái ực rồi thò tay bốc miếng cơm nguội, nhai ngon lành. Chị nói với tôi:
    - Cứ sáng ra là chị mày "lau miệng" vài chén rượu với bát cơm nguội thế là xong!
    Chị xuống giọng nói nho nhỏ về gia đình chị Hai của tôi cho tôi nghe rồi thì thầm:
    - Con Hai nó dặn tao đừng nói gì cho bây nghe! Cứ uống rượu vào rồi thì nói bậy nói bạ. Nhưng bây giờ tao chưa say, tao nói trước. Hồi nữa say, tao khỏi nói!
    Tôi nghe cười rinh rích, vỗ vỗ nhẹ sau lưng chị rồi khen nịnh:
    - Chị trẻ lâu nhỉ! Da lúc nào cũng trắng hồng như con gái…
    Chị hứ lên một hơi dài rồi trề mỏ có vẻ đắc ý:
    - Ứa…trời ơi! Hồi trẽ chị đẹp gái lắm…da trắng như trứng gà bóc này…tóc đen dài tới gót chưn…mấy ông giám đốc hã… theo tao như ri…phải cỡ giám đốc trỡ lên chứ phó giám đốc tao có mà thèm vào…!
    - Thế sao bà lại lấy ông Chứ?
    - Ờ..ờ..! Thì tại duyên số đó em..!
    - Chỉ được cái phét lác là giỏi!
    Hai chị em tôi lại phá lên cười giòn giã.
    Ngồi nói chuyện với chị gần hết cả buổi sáng, tôi đứng lên về bên nhà để nấu cơm.
    Cả buổi chiều hôm ấy tôi cứ luẩn quẩn trong nhà, hết nằm xuống rồi lại ngồi dậy, chẳng biết làm cái gì. Chị tôi bắt đầu mang phấn son ra ngồi trang điểm. Hôm nay các bạn của chị đã có hẹn gặp nhau từ sớm, chị hỏi tôi có muốn đi thì chị chở xuống chợ luôn, vì tôi có hẹn với Bành rồi nên ngần ngừ không chịu đi. Thế là tôi lại ở nhà một mình!
    Tôi trang điểm, thay đồ ngồi chờ sẵn ở ghế. Hôm nay tôi mặc áo thung mỏng ở bên trong, áo lạnh mầu đen bên ngoài, chiếc váy ngắn sọc ca rô đen trắng, đi đôi giày boot cũng mầu đen, tóc thả dài ngang lưng được vuốt thẳng băng. Nhìn mình trong kiếng tôi bật cười, cứ làm như mình đang ở Tokyo không bằng! Thời trang mùa đông mới nhất ở Tokyo đem đi khoe với xứ khỉ ho cò gáy này thật không giống ai! Nhưng áo quần tôi mang theo toàn những thứ như vậy, biết mặc cái gì bây giờ! Mấy cái quần tây thì mầu trắng bóc, mặc vào đi ra đường một vòng bảo đảm thành mầu cháo lòng ngay. Tôi đâu có dại! Hơn năm giờ chiều mà chẳng thấy bóng dáng Bành Tổ đâu, tôi đâm ra lo lắng, sợ nó quên bẵng tôi mất. Cứ đi ra rồi lại đi vô, ruột nóng như lửa đốt. Biết thế hồi nẫy ké theo xe chị tôi xuống dưới nhà Hoài trước cho rồi.
    Tiếng chó sủa ồn ào làm tôi ngó ra cửa, một chiếc xe gắn máy chạy vào tận nhà. Tôi nhìn kỹ thì không phải là Bành, Người đàn ông lạ hoắc nào đó. Anh dừng xe hỏi chị Hai tôi có nhà không. Tôi trả lời anh chị tôi đi từ nãy rồi. Anh nheo mắt nhìn tôi ngỡ ngàng rồi reo lên:
    - Hân hả? Phải Hân không?
    Tôi nhíu mày nhìn anh. Anh tiếp:
    - Còn nhận ra anh không?
    Quả thật tôi không nhận ra được anh dù nhìn cứ ngờ ngợ. Anh cười nhe cái răng sứt ở ngay cửa rồi nói:
    - Anh Hải Chụp Hình đây!
    Tôi thở phào ra:
    - Trời ơi! Anh Hải!
    Anh Hải là con bác Khánh sửa đồng hồ nhà gần bến xe cũ. Anh làm thợ chụp hình ở huyện. Anh này ngày xưa chơi ác cứ nhằm lúc tôi xấu nhất mà chụp, nên tôi ghét lắm. Hồi tôi đi thi hát ở huyện, anh chụp hình cho phòng văn hóa thông tin. Có nhiệm vụ đưa tin tức. Tôi nhớ anh đã chụp tôi khi đang hát bản "Dáng Đứng Bến Tre", mặc áo bà ba, mang khăn rằn, cổ ngửa ra, mắt nhắm tịt, miệng há hốc như đang chuẩn bị đớp cái microphone. Tôi lúc đó vốn rất xấu xí, lại còn chụp ở tư thế ngửa mồm thật trông chẳng giống ai! Hình được mang treo trên phòng truyền thống của Huyện. Bạn bè trong trường thấy được cứ nhìn tôi là chúng nó khúc khích cười làm tôi quê gần chết. Tôi lén lên đó gỡ trộm bị ông trưởng phòng bắt gặp la cho một trận.
    - Em tôi nó đi Tây có khác! Ăn cơm của Tây trông xinh gái hẳn lên!
    - Anh còn giữ tấm hình "cười" của em ngày xưa không?
    - Tấm hình nào?
    - Tấm hình thấy ghê chụp em cười ngoác cái miệng ra đó. Nếu anh còn giữ cho em đi em mang về nhát ma chồng em chơi!
    - Anh bỏ lâu rồi! Còn ở lại đây thì bữa nào ghé xuống nhà anh chơi nhé! Thôi anh phải đi đây không bạn bè chờ, tính rủ chị Hai em đi chung mà nó lại đi trước rồi.
    Anh quay xe, rồ máy phóng đi. Tôi lại quay vào nhà ngồi chờ bạn tới đón. Khoảng mười phút sau Bành tới thật. Tôi khóa cửa, khóa cổng cẩn thận, mang chìa khóa sang gửi bên nhà chị Anh rồi leo lên xe Bành chở đi. Dọc đường, gặp xe vận tải chạy ngang là bụi đất lại bay mù mịt. Bành chở tôi ghé nhà Tư, mấy đứa bạn cũng đang ngồi đó chờ sẵn. Cả đám lại lên đường xuống nhà Hoài.
    
- o O o -

    Trong nhà của Hoài, lố nhố vài đứa bạn đã ở đó. Tôi leo lên trước, thấy có Hồng,Hoài, Hậu Lùn, Hoa, và một số đứa nữa tôi chưa kịp nhận ra mặt. Hậu mặt trônggià câng, lùn được một mẩu le te nhấc ghế cho tôi ngồi rồi hỏi tới tấp:
    - Hân, mày ở đây chơi lâu không? Mày đã gặp thằng Hưng chưa? Mày thấy tụi tao làm sao…? Kỳ trước họp lớp sao mày không về? Hồi đấy vui ơi là vui!
    Tôi nhìn nó, rồi đảo quanh nhìn tất cả các bạn, chậm rãi trả lời:
    - Hân chỉ ở đây có một tuần thôi. Gặp thằng Hưng ở Hà Nội rồi. Khiếp! Nó bây giờ nhìn ghê quá! Kỳ trước họp lớp không về được Hân cứ tiếc mãi nhưng mà nói thật, hồi đó tiền đâu mà về! Thằng Hưng có gọi điện thoại vào rủ, bảo sẽ bao tiền vé nhưng không lẽ Hân ngửa tay lấy tiền của nó. Coi sao được! Lớp mình còn được bao nhiêu đứa tụi bay?
    - Còn nhiều, gần đầy đủ!
    Hoài vòng tay ôm ngang lưng rồi chỉ về phía mấy đứa bạn khác nói:
    - Đố mày nhận ra được từng đứa một đấy Hân?
    Tôi nhìn từng đứa, cố gắng tìm những nét quen thuộc để đoán nhận ra bạn cũ của mình. Ngoài Hồng và Hoài, có Hậu nhà ở gần khu rừng ma Bản Mòn, Hoa gần khu cửa hàng bách hóa cũ, Hà Sẹo ở khu xưởng kẹo, Hái Tỉ kế nhà tôi, còn một đứa con gái nữa mà tôi chưa nhận ra được, nhưng cứ làm bộ lơ đi. Mấy đứa con trai thì hôm qua đã có mặt ở nhà tôi rồi, chưa có thêm tên nào mới xuất hiện. Nhà Hoài ghế chỉ có mấy cái, tụi tôi trải chiếu ra chính giữa ngồi tạm, tha hồ nhắc lại chuyện cũ, cười nói rôm rả, và chờ đợi những đứa khác tới sau. Bành Tổ có vẻ nóng ruột, cứ đi ra đi vô, ngóng nhìn về phía đường quốc lộ, miệng thì lẩm bẩm:
    "Bọn lớp mình chán thật! Dặn đi dặn lại sáu giờ tối có mặt ở đây, thế mà giờ này chưa thấy đến. Không biết ở nhà thêm một hai giờ đồng hồ thì làm thêm được cái gì cóc khô gì! Em tao ở xa mãi tận bên Nhật mà còn về được, tụi nó lại tiếc rẻ mấy tiếng đồng hồ! Bọn chó chết!".
    Nghe nó lảm nhảm nhiều quá, tôi và Hậu khúc khích cười. Được một lát, Tân chở vợ đến. Tân ở sau khu nhà xác bệnh viện huyện, người Thái. Ngày trước học cũng khá, bây giờ làm Hiệu Phó trường cấp 2 trên tuốt cây số 90. Tân cũng được lên làm Hiệu Trưởng một thời gian nhưng vì không phải là đảng viên nên bị xuống chức Hiệu Phó. Vợ Tân cũng là người ở bản gần đó, trông dễ thương. Tân mặc bộ đồ vét mầu xanh đậm ra dáng cán bộ ra phết! Nói năng như ông cụ non làm Hậu ngứa mắt cứ đốp đốp, chát chát. Hậu quay sang tôi nói nhỏ:
    - Mẹ kiếp! Đi họp lớp mà bầy đặt mang theo vợ… Định khoe vợ đẹp đấy mà!
    - Thì người ta có vợ đẹp cho người ta khoe một tí đi! Sao mày khó tính thế!
    - Nhưng mà tao ghét…!
    Tân chở vợ lên trường trước bảo sẽ quay lại sau. Đã gần bẩy giờ tối, tôi đói meo bụng, nhấp nhổm nhìn ngó đồng hồ. Bành Tổ còn nóng ruột hơn tôi, bắt đầu chửi thề. Vừa lúc ấy Hưng gọi điện thoại tới nó bảo đang ở dốc 75, chờ cho mìn nổ xong mới đi được. Thêm vài thằng chạy xe tới. Bành la lên:
    - Chúng mày ở nhà úm vợ à? Sao giờ này mới tới!
    - Ông anh cứ nóng tính! Bận tí thôi mà!
    Đúng lúc một cái xe gắn máy chạy ngang qua. Bành nhìn thấy gọi với theo:
    - Chiến ơi! Tụi tao ở đây này!
    Chiến nhà ở khu gần trường Bổ Túc Văn Hóa, cao nhất lớp, ngồi ngay cửa sổ, có nhiệm vụ gõ kẻng khi hết giờ học. Nay đang sống ở Hà Nội, nghe nói giàu có lắm và đang làm Giám Đốc môt công ty nào đó. Mấy đứa trong lớp bảo vợ của nó xấu xí lại hay ghen nên nó dấu biệt không cho tụi tôi ngó mặt. Lần này nó chở vợ cùng lên nhưng lại dừng xe khá xa nhà Hoài trong khi trời đã lem nhem tối, tụi tôi không nhìn được mặt. Mấy đứa con gái không ai bảo ai đồng thanh gọi vọng ra:
    - Anh Chiến ơi! Em đây nè! Anh chở vợ về nhà, rồi ra đây với tụi em nhá!
    Mấy thằng con trai thì càu nhàu:
    - Chúng mày đã biết vợ nó ghen rồi mà cứ chọc ghẹo nó làm gì!
    - Ghen thì mới chọc, không ghen ai thèm chọc!
    Bành, Hiển, Đào, Trung ra tận ngoài chỗ Chiến đậu xe đứng nói chuyện. Hậu chỉ vào cô gái mà tôi chưa nhận ra mặt nói:
    - Con này bây giờ là chị dâu nó đấy!
    - Ai?
    - Cái Dung chứ còn ai!
    Rồi Hậu ghé vào tai tôi thì thào:
    "Dung nó khổ lắm! Anh chồng đang nghiện hút, có cái gì cũng mang bán. Tội lắm mày ơi!".
    Tôi hỏi lại Hậu: "Mày nói anh thằng Chiến là ai, nó có mấy ông anh lận mà?
    " "Anh Tuấn, học cùng lớp với mấy chị mày đấy! Nhớ không?".
    À…! bây giờ thì tôi nhớ rồi. Anh Tuấn đi bộ đội bên Lào, bạn của chị Năm. Anh hồi đó hiền lắm sao bây giờ ra nông nỗi này… Tôi cũng nhận ra được Dung, Dung nhà trong xóm lò mổ, bé tí teo được lớp đặt cho biệt danh là Dung Nhỏ. Hồi đấy Dung khá xinh gái, có mái tóc quăn tự nhiên, hiền dịu…thế mà bây giờ tàn tạ tới nỗi tôi không nhận ra được.
    Mấy thằng con trai đã trở vào nhà, Bành bảo tí nữa Chiến sẽ ra nhập hội. Tôi bĩu môi:
    - Chúng mày cứ ở đó mà chờ đi! Vợ nó thả cho đi khối đấy!
    Tôi giật áo thằng Bành năn nỉ:
    - Thôi mình đi kiếm cái gì ăn đi! Tao đói quá! Chịu hết nổi rồi!
    Hoài lên tiếng:
    - Chờ thằng Hưng một tí!
    Tôi quay lại dí dí ngón tay về phía Hoài nói:
    - Vậy Hoài ở nhà chờ nó nhá! Tụi này đi trước à!
    Hồng chêm vào:
    - Hai đứa chúng mày có cái gì với nhau? Khai ngay…? Dạo sau này thằng Hưng lên đến nơi là chui tọt vào nhà cái Hoài thôi đấy nhá! Cái gì cũng em Hoài, em Hoài! Hai đứa mày…tao nghi lắm!
    Cả đám cười rộ lên, Hoài đỏ mặt tía tai chối bai bải:
    - Em có gì đâu! Cái chị Hồng này…!
    Mấy đứa ăn cơm chiều rồi thì ngồi lại nhà Hoài, còn cả đám theo Hồng đi tìm quán ăn. Hồng chở tôi lên hướng cửa hàng ăn uống, dừng lại trước một quán ăn và bảo:
    - Quán này của chị dâu thằng Chiến Hùng, Mày nhớ không Hân?
    - Nhớ! Thằng Chiến dạo này sao rồi mày?
    - Đang chờ chết!
    - Cái gì?
    - Thì ghiền xì ke chứ cái gì! Còn vướng sida nữa! Ông anh nó cũng thế! Sắp chết hết rồi!
    Tự nhiên tôi nghe lạnh xương sống. Chiến là bạn thân của tôi nhà ở chân dốc 75, cao lớn, đẹp trai, hiền lành chất phát. Chiến học lớp B, nhưng nó vẫn thường lui tới nhà tôi chơi thời tôi còn đi học. Anh trai nó ngày xưa là mối tình đầu của chị Tư tôi, nhưng không biết lý do gì hai người chia tay nhau. Tôi còn nhớ có một lần anh nó đi bỏ phiếu bầu cử Quốc Hội, lúc ấy anh đang học lớp 12, còn tôi vừa vào lớp 10. Anh đến phòng phiếu, thay vì gạch bỏ tên của hai trong số ứng cử viên Quốc Hội, anh đem gạch chéo rồi ghi thêm bên dưới dòng chữ "Không xứng đáng". Vừa bước ra khỏi phòng phiếu anh bị công an túm gáy đưa ngay về đồn xét hỏi cái tội phản động. Ở đó anh phải viết bản kiểm điểm cả buổi và bị phạt vi cảnh đi làm cỏ vê mất ba ngày. Trong trường học đồn um xùm làm tụi tôi cứ nhìn thấy anh là cười khúc khích.
    Tôi cũng không hiểu thuốc phiện có gì quyến rũ mà dân lành quê tôi cứ lao đầu vào nghiện ngập. Lúc tôi còn ở quê, mọi người sống lương thiện, hiền hòa, đùm bọc thương yêu nhau như ruột thịt. Chỉ có mười mấy năm thôi…vậy mà nạn ma túy, nạn sida, nạn đề đóm đã tàn phá quê hương tôi tanh bành, gia đình ly tán, lớp chết, lớp ngắc ngoải chờ chết, lớp rủ nhau lũ lượt vào tù, lớp ở ngoài thì nghèo xơ xác. Anh Ba tôi cũng là nạn nhân, nếu không được kịp thời mang vào Nam, chắc giờ này anh tôi cũng đã bỏ xác mất rồi.
    Tôi ngồi trong quán ăn, thẫn thờ nhìn ra ngoài, tự nhiên chẳng thấy đói nữa. Bọn con trai kêu mang ra rượu đế, chân gà làm mồi. Mấy đứa con gái đứa gọi phở, đứa gọi miến gà. Thấy vậy tôi cũng kêu tô miến, nhưng ăn vài miếng thì bỏ. Trong lúc cả nhóm đang ăn thì Hưng đánh xe tới mang theo cả đứa con gái và cháu gái nhỏ. Không khí lại trở nên náo nhiệt. Hậu vẫn cứ to mồm nhất. Con bé này ngày xưa ít nói ngồi ở bàn đầu tiên vì nhỏ con, nay cứ liến thoắng chọc đứa này, ghẹo đứa kia. Làm tôi phì cười tí bị sặc miến. Hái tỉ thì luôn mồm thúc dục tụi tôi ăn nhanh lên để tới trường xem văn nghệ. Hôm nay cái Nhung lớp mình làm MC, còn chồng Hái thì "ghép" nhạc cho đội văn nghệ của trường. Hái là đứa duy nhất bị rớt trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba năm ấy. Nó có gương mặt giống như người dân tộc Mèo nên tụi tôi đặt tên cho là Hái Tỉ. Nghe từ ghép nhạc thấy lạ tai tôi quay sang hỏi Hồng:
    - Ghép nhạc là gì mày?
    - Thì là chơi nhạc, đánh đàn đánh điếc gì đó!
    Tính tiền xong, tụi tôi rủ nhau lên trường xem văn nghệ. Đường dẫn vào trường đông như kiến cỏ, phải gửi xe tuốt bên ngoài rồi đi bộ vào. Ngôi trường nay được rời xuống sân đá banh cũ, xây cao mấy tầng lầu, không còn là những căn nhà lắp ghép bằng ván mùn cưa ép, lợp tôn, nằm chỏng chơ trên sườn quả đồi mà chúng tôi mỗi lần tập thể dục giữa giờ xong, phải bò lên lớp trở lại. Tối quá tôi không nhìn rõ được nhiều.
    Sân khấu được làm trên nền đất hồi xưa dựng hai cái cột làm cổng trường, trên đó Nhung bạn học cũ của tôi mặc áo dài, tóc thả ngang lưng đang làm người hướng dẫn chương trình phỏng vấn các thầy cô và các cựu học sinh. Người trả lời phỏng vấn là chú Vinh gần xóm nhà tôi, đang kể lại quá trình đi học hồi trước. Bên dưới học sinh nhiều vô kể đứng há hốc mồm nhìn lên sân khấu. Mấy đứa lớp tôi rủ nhau vào phòng truyền thống xem lại hình ảnh cũ của trường. Phòng truyền thống không to lắm treo đủ hình ảnh chụp các thầy cô giáo từng khóa và học sinh các lớp từ đời thủa xa xưa. Trong đó có cả hình ảnh chụp tập thể lớp tôi, nhìn tấm hình tụi nó cứ cười ré lên chỉ trỏ:
    - Hân ơi! Mày đây này! Cả thằng Hưng nữa! Thằng Hưng hồi đấy đẹp trai nhỉ!
    Tôi kéo Hưng lại gần tấm hình, dí mặt nó gần vào đấy nói:
    - Mày nhìn cho kỹ rồi ngắm lại mình đi nhé! Mày thay đổi không thể tưởng tượng nổi.
    Hưng cười:
    - Gì mà chê nhau mãi thế!
    Chúng tôi kéo nhau trở ra ngoài sân trường. Cuộc phỏng vấn đã kết thúc. Chương trình văn nghệ bắt đầu. Mở màn là tốp ca nữ hát cái bài khỉ ho gì đó tôi không biết. Tiếp theo là một vài tiết mục đơn ca. Mấy đứa lớp tôi quay lại nói:
    - Hân! Mày lên trên sân khấu hát cho bạn bè nghe đi! Tụi này hát chán quá!
    - Tao nói còn chẳng nổi, lấy gì hát với hò! Nếu không bị khản tiếng, tao cướp đài phát thanh cho mà coi!
    Đang bị đau cổ họng, tiếng thì khàn khàn như vịt đực nên tôi mới mạnh miệng như vậy, chứ nếu còn khoẻ mạnh thì cũng chẳng dám to họng vì lâu nay không tập luyện hơi hám biến sạch, hát một bài thở không ra hơi, đòi gì chiếm đài phát thanh! Đứng mỏi chân quá, hát hò thì dở ẹc, tôi chỉ muốn kiếm chỗ nào đó ngồi nghỉ. Thằng Hưng đứng trên hè phòng hội đồng nhà trường ngoắc tụi tôi lại. Chúng tôi đi về phía nó, nó rủ về nhà Hoài rồi sau đó kiếm phòng karaoke hát cho vui. Tôi đồng ý liền vì đứng mỏi chân quá rồi.
    Tụi tôi gọi nhau ý ới rồi kéo ra ngoài đường lấy xe. Bành chở tôi về nhà Hoài trước tiên. Ở đây, tôi đã gặp mặt chồng Hoài, tưởng ai xa lạ hóa ra người quen cả. Anh Tuấn học chung lớp với chị Năm tôi nhà ở khu Cầu Trắng. Anh Tuấn nay làm tài xế chạy xe chở khách tuyến Mộc Châu Hà nội. Hôm qua nhìn hình tôi lại không nhận ra.
    Các bạn đã kéo về đông đủ, đứa kéo ghế, đứa ngồi chiếu nói chuyện um xùm. Hưng xin phép đưa con về đi ngủ rồi quay lại sau. Tụi tôi chờ cả tiếng đồng hồ mà chẳng thấy nó đâu, sốt ruột Thanh gọi điện thoại lại cho nó thì nghe nó bảo chờ nó ru cái "Cún" ngủ, Cún là biệt danh của đứa con gái mười một tuổi cao nghều nghệu gần bằng tôi, thế mà bố phải ru ngủ. Tôi trề môi nói lớn:
    - Thằng Hưng này coi không được! Đi họp lớp mà mang theo con cái, mất cả vui!
    Cái Hậu đá thêm vào:
    - Còn Thằng Tân nữa, mang vợ đẹp theo khoe! Tao ấy hả, chồng con tao bỏ nhà hết!
    Hà sẹo thì bảo:
    - Cái Cún nhà thằng Hưng nói mẹ nó cử đi theo dòm chừng bố. Sợ các cô cuỗm mất! bé tí mà ghê gớm thật!
    - Ma nó thèm bố nó! Vậy thì mình có chương trình gì không? Chẳng lẽ ngồi đây?
    Bành đang nhấn điện thoại gọi cho Chiến. Tôi chận lại:
    - Thôi đi! Nó mới từ Hà Nội lên để cho nó nghỉ ngơi. Với lại sức mấy vợ cho đi giờ này! Mai gặp cũng được!
    Nhìn đồng hồ đã 10 giờ tối. Tôi kêu giải tán sáng mai đúng 8 giờ gặp mặt tại đây. Các bạn tôi lục tục kéo về, chỉ còn Bành, Hiển Nguyễn, Đào, Hậu và tôi. Cả đám đưa Hậu về nhà tuốt trên khu 82. Đường tối thui, gập ghềnh đất đá, thỉnh thoảng gặp phải xe chở hàng bụi tung mù mịt. Xe chạy ngang qua nhà chị Hai tôi thẳng lên hướng 82. Tối quá tôi không nhìn được cảnh vật, chỉ nhớ khu này ngày xưa một bên là bãi đất trồng ngô của nông trường, một bên là nghĩa địa, nơi mẹ tôi nằm yên nghỉ hồi trước. Bây giờ đang được giải tỏa để xây thị xã mới. Nhà của Hậu nằm phía bên tay phải, gọi là nhà thì hơi quá đáng, phải gọi là túp lều của chị Dậu trong tác phẩm "Tắt Đèn" thì đúng hơn. Có lẽ đây là túp lều dựng tạm bợ trước khi khu phố được qui hoạch xong. Hậu gõ cửa rầm rầm kêu chồng, tôi nghe tiếng lục đục bên trong rồi một gương mặt ngái ngủ ló đầu ra. Thấy tụi tôi, anh mở cửa lớn mời vào trong. Tôi nhìn thấy anh quen mặt mà không nhớ anh ở khu nào hồi trước. Anh rót trà mời tụi tôi uống. Bành lại gạ gẫm uống rượu. Bọn này đi đâu cũng uống rượu. Anh làm việc ở bưu điện còn Hậu thì bán hàng tạp hóa ở nhà. Hai vợ chồng sinh được hai đứa con gái, đứa lớn đang học lớp mười, thấy tấm hình chụp treo trên tường cũng xinh xắn. Tôi quay qua chọc thằng Đào:
    - Này Đào! Mày làm con rể cái Hậu được đấy! "Dú" con gái nó đi là vừa!
    Đào đỏ mặt tía tai liếc tôi:
    - Mày chỉ được cái nói vớ vẩn! Cháu nó đang còn nhỏ!
    Anh chồng Hậu mang ra chai rượu, rót vào cái cốc nhỏ rồi đưa cho từng người uống xoay vòng. Tôi không biết uống rượu nên ngồi nhìn lắc đầu nói:
    - Bành! Uống vừa thôi! Tao còn đang yêu đời lắm đấy nhé!
    - Em gái yên tâm! Anh không bao giờ biết say!
    - Ngồi sau lưng mày sợ bỏ mẹ lên! Tao không muốn giao trứng cho ác đâu nghe chưa!
    Bành cười xởi lởi:
    - Ừ thôi không uống nữa!
    Đã hơn mười một giờ đêm, tôi rủ tụi bạn đi về, mai còn dậy sớm lên trường dự lễ, với lại còn để cho anh chồng cái Hậu nghỉ ngơi sớm.
    Chúng tôi bước ra ngoài. Gió thổi mạnh, lạnh dúm cả người. Bành quay ngược đầu xe lại, tôi leo lên ngồi. Tất cả nổ máy phóng đi. Từ nhà Hậu xuống chỗ chị Hai tôi chưa đầy mười phút. Bành thả tôi ngay ngoài cổng và dặn tôi sáng mai dậy sớm để Bành lên đón rồi vù xe đi.

Xem Tiếp Chương 7Xem Tiếp Chương 17 (Kết Thúc)

Quê Hương Ngày Trở Lại
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Đang Xem Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết