Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tình Hận Tác Giả: Ngô Viết Trọng    
    Mấy người nhà lấm lét bước ra. Doãn vội vàng đến đỡ cha dậy. Nhưng An Sinh vương xô Doãn ra:
    - Hãy để cho cha sớm về gặp mẹ con! Dưới đó thằng Trần Thủ Độ không thể nào chia uyên rẽ thấy được nữa!
    Người nhà cho Doãn biết là suốt đêm rồi vương cứ nằm ở đó mà khóc mãi. Ai mở miệng khuyên lơn dỗ dành đều bị vương nạt nộ mắng chửi dữ dội. Mọi người không dám làm phiền vương nữa, chỉ biết chia phiên nhau để canh chừng. Doãn năn nỉ:
    - Cha dậy tắm rửa ăn uống đi cha ! Cha phải giữ gìn sức khỏe cho chúng con vui lòng chứ!
    An Sinh vương quờ tay đánh Doãn:
    - Cút đi cho rảnh! Đồ bất hiếu! Ta chỉ biết Thuận Thiên công chúa! Hãy để ta sớm về với nàng!
    Vương tử Doãn cầm tay cha lại:
    - Cha không thương tụi con sao? Cha nghe con vào tắm rửa, nghỉ ngơi...
    An Sinh vương vẫn giận dữ:
    - Bây là một lũ bất hiếu! Bây không biết trả thù cho cha mẹ bây!
    Doãn nhìn thẳng vào mắt cha, dịu dàng nói:
    - Cha hãy nghe con đi. Con xin thề độc, con sẽ trả thù cho cha. Nếu trái lời gươm giáo sẽ phân thây con!
    Mọi người nghe nói đều sợ hãi. Riêng đôi mắt An Sinh vương chợt ánh lên vẻ cười cảm động, hài lòng:
    - Vậy chớ, như thế con mới xứng là con hiếu của cha. Con phải giết tên giặc già Trần Thủ Độ nhé!
    Vương tử Doãn gật nhẹ đầu. Khi ấy An Sinh vương mới chịu im lặng để cho Doãn cùng mấy người nhà dìu vào bên trong .
    Vương tử Doãn rất lo lắng vì tình trạng của cha. Nếu cứ để An Sinh vương nói lung tung như thế thì chắc có ngày mang họa. Cũng may, một thời gian sau vương dần trở lại bình thường. Vương vẫn nói đến chuyện trả thù nhưng kín đáo hơn.
    Bình thường An Sinh vương ít nhắc chuyện hận thùvvi vương tử Tuấn. Qua cách ăn ở, cư xử với mọi người,Tấn luôn tỏ ra một tấm lòng công minh chính trực.ở Tuấn, An Sinh vương thấy cả một cái gì siêu phàm. Do đó vương còn ngần ngại mặc dầu vương rất kỳ vọng ở vương tử Tuấn. Hình như vương cảm thấy lòng hận thù của mình có vẻ nhỏ nhoi trước vương tử Tuấn. Nhưng rồi một hôm, Vương cũng cho gọi vương tử Tuấn vào phòng riêng nói chuyện.
    - Thưa Phụ vương gọi con có việc gì dạy bảo?
    An Sinh vương buồn rầu nói với Tuấn:
    - Bây giờ con là kẻ đã nổi tiếng học cao hiểu rộng, cha muốn bàn với con vài chuyện. Người ta ớ đời, cái danh là quan trọng nhất. Vì khi ta chết rồi, nó vẫn lưu truyền hậu thế. Cho nên không thể khinh thường. Như cha đây, tiếng là một đấng vương hầu, nhưng phải gánh chịu rất nhiều nỗi oan khúc, nhục nhã ê chề. Những điều xấu nếu do ta gây nên ta cũng đành cam chịu. Đằng này ta chỉ bị kẻ khác đổ vấy. Có thể ta phải mang tai tiếng muôn đời. Con là người có khả năng rửa hận cho ta, chẳng hiểu ý con thế nào?
    Vương tử Tuấn suy nghĩ rồi thưa:
    - Xin cha nói cụ thể hơn, con chưa thấy rõ vấn đề.
    An Sinh vương cúi gầm mặt khép mắt trầm ngâm như cố nhớ lại một thời quá khứ, chốc sau ông nói:
    - Đời cha quả là cả một chuỗi dài cay đắng. Ban đầu người ta dàn dựng nên vụ hiếp dâm cung nữ ở cung Lệ Thiên để triệt hạ uy tín cha. Sau đó người ta vu cho cha làm phản, tìm cách giết cha. Nhục nhã hơn nữa người ta lại cướp mất người vợ yêu quí của cha.Con có bao giờ tưởng tượng nổi sự đau đớn của một người đàn ông bất lực không bảo bọc được người mình thương yêu, để cho kẻ khác nâng niu ôm ấp? Nỗi tủi nhục đã khiến cha muốn chết từ lâu rồi. Nhưng cha vẫn gượng sống vì hi vọng ở các con, vì chờ đợi ở các con. Cha nhắm mình chẳng còn sống bao lâu nữa nên hôm nay cha đem tâm sự mà phó thác cho con. Cha tin rằng một người tài trí như con sẽ rất coi trọng chữ hiếu.
    Vương tử Tuấn thưa:
    - Thưa cha, con rất thông cảm nỗi khổ tâm của cha. Và nỗi tủi nhục của cha cũng chính là nỗi tủi nhục của chúng con. Cha là đấng sinh thành, dĩ nhiên chúng con sẽ nghe cha hơn bất cứ ai hết, theo đạo hiếu. Nhưng đây là vấn đề hết sức to lớn, không thể coi thường. Nếu con hứa bừa đi rồi làm liều như con thiêu thân hóa ra mình nông nổi, bất trí. Việc không thành tất nhiên để lại danh xấu chỉ làm nhục thêm cho cha. Vậy, con xin phép cha cho con được tùy cơ ứng biến. Con tin rằng con sẽ xứng đáng với lòng tin cậy của cha.
    Nghe con nói như thế, An Sinh vương rất hài lòng. Vương nghĩ Tuấn là người bụng dạ quân tử, đã hứa tất làm. Tuấn lại chín chắn, kín đáo, đầy cơ mưu, đã ra tay tất khó thất bại. Lúc đó vương cảm thấy thoải mái trong lòng như vừa tìm lại được một vật quí đã mất. Trên môi vương chớm lên một nụ cười chan chứa niềm tin.
    Những tưởng rằng nỗi sầu của vương sẽ vơi bớt một phần. Nhưng chỉ vài ngày sau, những nỗi nhục nhã trong quá khứ lại đua nhau quay cuồng trong đầu óc vương. Vương lại tiếp tục lâm tình trạng mất ăn mất ngủ. Người vương gầy rạc ra một cách đáng sợ. Vương bắt đầu hay tìm chỗ vắng nói lảm nhảm một mình. Người ta vẫn hay nghe vương nhiều lần nhắc đến tiếng "Thuận Thiên công chúa". Vua Thái Tôn nghe tin, ngài cho ngự y sang thăm bệnh và hốt thuốc cho vương nhưng tình trạng vẫn không khá hơn.
    Sang năm sau thì vương mang chứng bại liệt. Việc đi đứng phải có người dắt dìu. Người vương khi mê khi tỉnh không thường. Nhiều lúc vương kêu khóc, than khổ. Nhiều lúc vương lại cười sằng sặc ra vẻ sung sướng: "Ta sắp được gần Thuận Thiên công chúa rồi! Phen này thằng giặc già Trần Thủ Độ làm sao mà chia uyên rẽ thúy được nữa!". Mỗi lần vương nói như thế, người chung quanh phải bưng miệng vương lại. Hình như ngày nào vương cũng nhắc đến Thuận Thiên. Cái cảnh đó kéo dài đến hơn một năm. Tuấn và Doãn hằng ngày đều thay nhau vào thăm nom sức khỏe của cha.
    Một hôm, trong trạng thái tỉnh táo hơn những ngày thường, vương bảo người hầu ra mời cả hai vương tử vào nói chuyện. Tuấn cùng Doãn vào đứng bên giường cha nằm để nghe dạy bảo. Vương thều thào:
    - Hai con đã từng hứa sẽ trả thù cho cha, phải không? Rất tiếc, cha không còn hi vọng trông thấy việc trả thù của hai con nữa đâu. âu đó cũng là số phận. Tuy nhiên, cha rất biết tài của hai con, nhất là Tuấn, dư sức làm việc đó Các con phải hứa, sau này, nếu các con không vì cha mà lấy thiên hạ (cướp ngai vàng) thì cha chết không nhắm mắt được!
    Hai vị vương tử đều rưng rưng nước mắt cúi đầu chịu mệnh.
    Hình như vương đã gắng dồn hết tinh lực, dồn hết sự minh mẫn cuối cùng vào những lời trăng trối mấu chốt đó. Sau đó ông lại thiếp đi. Giữa khuya hôm đó ông lặng lẽ qua đời, chưa thực hiện được lời nguyện để tang ba năm cho công chúa Thuận Thiên.
    Sau ngày An Sinh vương mất, tình hình nước Đại Việt bắt đầu chớm lên cơn sốt đao binh. Quân đội Mông cổ hùng mạnh và hung tàn từ phương Bắc đã vượt Vạn Lý Trường Thành tấn công nhà Tống dữ dội. Các nước lân cận của nhà Tống đều phải rúng động run sợ. Triều đình nhà Trần lo xa liền ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Các vương hầu đều được phép tuyển mộ binh sĩ riêng, tập luyện cho tinh thục để phòng khi hữu sự. Lúc bấy giờ Trần Quốc Tuấn đã được phong tước Hưng Đạo vương, Trần Doãn được phong tước Vũ Thành vương. Được phong vương đương nhiên được phép lập vương phủ riêng.
    Triều đình lại cho phép các vương hầu được tùy tiện tuyển mộ binh sĩ để phòng lúc nguy biến. Lệnh này làm Vũ Thành vương Trần Doãn hết sức vui mừng. Ông đã bỏ ra nhiều của cải dùng vào công việc ấy. Ngày nào ông cũng chuyên chú luyện tập đám thuộc hạ. Chẳng bao lâu ông có một đạo quân có kỷ luật và khá thuần thục.
    Hưng Đạo vương Tuấn thấy em mình khổ công như vậy thì biết ý. ông biết Vũ Thành vương là kẻ có tài. Bình sinh Vũ Thành vương rất yêu thương cha và không bao giờ trái lời cha mình. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, câu tục ngữ ấy mang ý nghĩa chính xác nhất trong giai đoạn này. ông rất lo sợ nếu Vũ Thành vương vì lời dặn của cha mà gây ra một biến cố. Một hôm ông đến thăm Doãn tại tư thất. Khi anh em cùng ngồi uống trà, Doãn hãnh diện hỏi anh:
    - Vương huynh thấy đệ tập luyện chuyên cần như vậy liệu có giúp vương huynh làm nên việc lớn không?
    Hưng đạo vương Tuấn nghiêm nghị nói:
    - Tập luyện như vậy thì tuyệt lắm. Nhưng vấn đề làm nên việc lớn hay không thì phải tùy. Vương đệ có bao giờ tiết lộ ý định mình với thuộc hạ chưa? Chớ bao giờ đem tâm sự mà phó thác cho ai một cách dễ dàng nhé! Khó lắm.
    - Vương huynh khỏi lo. Em chưa từng tiết lộ lòng mong muốn của cha với ai hết. Thế vương huynh nói vấn đề làm nên việc lớn hay không thì còn tùy nghĩa là thế nào?
    - Tùy thuộc nhiều yếu tố, nhiều trường hợp. Trong trường hợp hiện tại, vương đệ chỉ có thể hợp tác chặt chẽ với triều đình thì mới phát huy được tối đa khả năng đạo quân này. Bằng ngược lại, huynh e rằng...
    Vũ Thành vương nôn nóng không để anh mình nói hết lời:
    - Vương huynh đã rõ, cha đã hết lòng trông cậy ở chúng ta. Vương huynh cũng đã từng hứa với cha, cớ sao bây giờ vương huynh có vẻ đổi thay như vậy? Vương huynh nỡ phụ lòng cha sao?
    Hưng Đạo vương ôn tồn:
    - Em đừng nóng, để anh lý giải sự việc cho em nghe. Hiện giờ quân Mông Cổ là giống giặc tàn bạo nhất đang đe dọa ngoài biên. Dân chúng mỗi ngày giật mình không biết mấy lần. Tất cả đều trông cậy vào sự che chở của triều đình. Nếu chúng ta đi ngược lại triều đình tức chúng ta đi ngược sự trông cậy của toàn dân. Như thế là chúng ta tự cô lập mình vậy. Hơn thế nữa, chúng ta có thể làm tan cái thế đoàn kết của quốc dân. Tạo cơ hội cho kẻ thù tiêu diệt dân tộc Đại Việt, đưa dân Đại Việt vào gông cùm nô lệ. Nếu chuyện xảy ra như vậy, chúng ta thành có tội lớn với dân tộc...
    - Em đồng ý với anh điểm đó nhưng làm ngược lại lời cha thì em không chịu được. Thế thì chúng ta phải làm thế nào?
    - Em có tin chắc nếu thi hành ý muốn của cha là rửa nhục được cho cha không? Anh không hoàn toàn dám nghĩ như thế. Kẻ trí hành động phải nghĩ kỹ đường tiến thoái. Nếu hành động mà thất bại, tất nhiên con cháu bị tru lục hết. Khi đã hết người để hương khói cho tổ tiên thì cái tội bất hiếu ai gánh cho đây? Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại, trong trường hợp đó mình có dám hãnh diện vì đã hiếu với cha hay không? Hay mình đã làm điếm nhục tổ tiên?
    Vũ Thành vương im lặng cúi đầu suy nghĩ. Hưng Đạo vương nói tiếp:
    - Thôi được, anh xin kể cho em nghe câu chuyện một người xưa đã làm trái lời trăng trối của cha già mà vẫn được người đời ca tụng là có hiếu nhé:
    Ngụy Thù là một danh tướng nước Tấn thời Đông Châu. Khi đã lớn tuổi, Ngụy Thù tuyển được một người thiếp rất đẹp, tên nàng là Tổ Cơ. Nàng Tổ Cơ ngoài sắc đẹp còn biết cách ăn ở, tâm đầu ý hiệp với Ngụy Thù nên Ngụy Thù thương quí lắm. Thấy mình đã già, lại hay đi trận mạc, sợ lỡ một mai bất ngờ không về thì tội nghiệp Tổ Cơ nên Ngụy Thù thường dặn con là Ngụy Khỏa:
    "Khi ta mất rồi, con hãy tìm một người tốt mà gả Tổ Cơ để nàng có nơi nương tựa!".
    Nhưng Ngụy Thù không chết trận. Về sau, ông đau liệt giường một thời gian. Khi sắp mất, ông gọi Ngụy Khỏa đến dặn:
    "Khi ta chết, con hãy đem Tổ Cơ chôn chung xuống huyệt với ta cho có bạn!".
    Ngụy Khỏa nghe cha nói cúi đầu vâng chịu.
    Thế nhưng khi Ngụy Thù mất, Ngụy Khỏa không đem Tổ Cơ chôn theo cha như di mệnh. Người em Ngụy Khỏa là Ngụy Kỳ thắc mắc:
    "Tại sao anh không đem Tổ Cơ chôn như lời cha dặn?"
    Ngụy Khỏa giải thích:
    "Bình thời cha vẫn dặn anh khi người khuất núi, hãy đem Tổ Cơ gả cho một người tết để nàng có nơi nương tựa. Đó là lời lúc người đang sáng suốt. Khi cha gần mất, người lại dặn phải đem chôn Tổ Cơ theo người, chẳng qua là lời nói lúc người trí óc đã hôn ám, không nên tin cậy".
    Sau đó, Ngụy Khỏa đã gả Tổ Cơ cho một người đàn ông tốt có chút danh vọng.
    Khi chiến tranh giữa hai nước Tấn và Tần tái diễn, Ngụy Khỏa đã gặp phải một mãnh tướng của nước Tần là Đỗ Hồi mà người Tấn không ai địch nổi. Một hôm Ngụy Khỏa đang khốn đốn vì chạm mặt Đỗ Hồi giữa trận tiền thì đột nhiên con ngựa Đỗ Hồi cỡi chân bị vướng cỏ ngã lăn làm Đỗ Hồi văng xuống đất và bị Ngụy Khỏa chém chết. Đêm đó Ngụy Khỏa mộng thấy một ông già xưng là cha của Tổ Cơ đến viếng. ông nói vì cảm nghĩa Ngụy Khỏa không chôn sống con gái mình nên ông kết cỏ làm ngựa Đỗ Hồi vấp ngã giúp Ngụy Khỏa trừ được Đỗ Hồi để đền ơn. Việc đó đã chuyển họa thành phúc cho gia đình Ngụy Khỏa và cho nước Tấn nữa Em nghĩ cái kết quả đó có thống khoái không? Đó cũng là sự giải thích cái điển tích "Kết Cỏ" vậy!
    Vũ Thành vương nghe chuyện xong nêu ý kiến:
    - Chuyện nghe được nhưng đoạn kết có vẻ hoang đường!
    Hưng Đạo vương nói:
    - Có thể như em nói đúng. Nhưng điều thực tế chắc chắn là không ai chê trách hành động của Ngụy Khỏa được Trường hợp chúng ta, anh không dám nghĩ cha trăng trối lúc cha không bình thường đâu nhé. Anh chỉ cho rằng lúc ấy đất nước đang thái bình nên cha nghĩ thế Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Nước ta có câu ngạn ngữ "Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết!". Mình không thể vì ý riêng mà vô tình tiếp tay cho giặc. Em có đồng ý như thế không? Vậy, tạm thời mình khất nợ với cha để tránh chuyện có thể dìm cả dân tộc mình xuống hố diệt vong vậy.
    Vũ Thành vương buồn rầu thưa:
    - Vương huynh vì nước nghĩ như vậy thì thật là cao thượng. Nhưng hai anh em mình đã trót hứa với cha, nhất là em đã thề độc không đội trời chung với tên giặc già Trần Thủ Độ, không lý bây giờ em lại tiếp tay củng cố cho bạo quyền của y! Vậy, em xin giao lại vương huynh cái đạo binh mà em đã dày công huấn luyện thuần thục đó để anh sử dụng. Em sẽ tính đường em.
    Hưng Đạo vương ái ngại nhìn em:
    - Em giao đạo binh em đã dày công đào tạo đó cho anh à? Vậy em sẽ làm gì?
    Vũ Thành vương nghiêm nghị nói:
    - Vương huynh, ý định của em khi tuyển mộ một đạo binh riêng thật sự chỉ vì muốn thực hiện lời hứa với cha. Bây giờ vương huynh đã dạy cho em thấy được lẽ lợi hại và trách nhiệm trong việc làm của mình, em rút lui ý định ấy. Nhưng phải tuân phục mệnh lệnh kẻ thù thì em không chịu nổi, mà không tuân phục tức phải đi đến làm phản, cho nên em đã có chủ ý riêng.
    Hưng Đạo vương thấy em mình nét mặt có vẻ căng thẳng thì nói lảng sang chuyện khác. Vũ Thành vương Trần Doãn đã bỏ ý định chống lại triều đình là ông mừng rồi. ông tin chắc một cuộc nổi dậy giữa lúc này chỉ là một vụ thiêu thân. Thái Sư Thủ Độ tuy độc tài, hung bạo, nhưng ông rất giỏi cầm quân. Vả lại, vua Trần Thái Tôn rất được lòng quan quân lẫn dân chúng. áp lực của kẻ thù hung hãn bên ngoài lại càng làm cho mọi người xích lại gần nhau. Bất cứ một vụ nổi dậy nào cũng chỉ làm cho tiềm lực quốc gia yếu đi, đưa quốc gia tới chỗ làm miếng mồi ngon cho lũ ngoại xâm thôi. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, đây là lúc câu châm ngôn này rõ rệt ý nghĩa nhất. Hưng Đạo vương cũng không muốn để một nhân tài đứng ra ngoài cuộc chiến tranh chống ngoại xâm sắp tới. Vũ Thành vương phải là một cột trụ của nước nhà.
    Sau một hồi chuyện vãn loanh quanh, Hưng Đạo vương nói với Vũ Thành vương:
    - Về đạo binh của vương đệ, anh sẽ suy nghĩ và bàn lại cùng em sau. Em nên tiếp tục công việc hàng ngày như không có gì xảy ra. Anh rất mừng vì em đã chịu nghe lời anh. Đó cũng là một điều phúc cho quốc gia vậy!
    Vũ Thành vương nhìn anh bằng đôi mắt nhuốm buồn:
    - Em đã có lời thề độc không thể cải, nhưng em nghe lời anh. Toán binh sĩ của em sẽ lần lượt gia nhập vào đội quân của anh. Em đã có chủ định rồi.
    Hưng Đạo vương biết ý Vũ Thành vương đã quyết, không muốn làm cho đầu óc em mình căng thẳng thêm nữa. ông giã từ ra về với hi vọng một ngày nào đó có thể trở lại bàn tiếp vấn đề với em mình.
    Một thời gian sau, phần đông lực lượng võ trang của Vũ Thành vương lần lượt đến xin tự đặt dưới quyền chỉ huy của Hưng Đạo vương. Họ cho ông biết Vũ Thành vương đã quyết định giải tán lực lượng của ông ta. Hưng Đạo vương biết ý em mình đã quyết, lại thấy chuyện phát triển lực lượng lúc này là cần thiết, bèn thâu nhận họ.
    Tuy thế, Hưng Đạo vương vẫn thấy khó nghĩ vì trong lúc tình thế đất nước khá căng thẳng mà Vũ Thành vương lại giải tán lực lượng võ trang của mình. ông lại thân hành đến phủ Vũ Thành vương thăm em. Vương nói:
    - Vương đệ giải tán lực lượng võ trang của mình đi, nếu chiến tranh xảy ra thì tính làm sao?
    - Em đã cương quyết đứng ngoài cuộc chiến. Em nghĩ quên thù nhà mà lo việc nước như anh là đúng. Em rất khâm phục tấm lòng cao cả của anh. Nhưng nếu em cũng làm như anh, em sợ linh hồn cha sẽ tủi vì cả hai đứa con đều không nghe lời dặn của mình. Khi nào Thủ Độ không còn nữa, tổ quốc Đại Việt sẽ có bóng em dưới cờ!
    Hưng Dạo vương phân vân:
    - Nếu em là một kẻ tầm thường thì không nói làm gì Nhưng đây em là người đã nổi tiếng có tài thao lược Trường hợp này thật khó giải thích với triều đình cũng như quốc dân. Em nên suy nghĩ lại.
    - Thưa vương huynh, em không thể làm khác được. Chắc anh còn nhớ chuyện anh em Ngũ Viên, Ngũ Thượng, ai có chí nấy. Nhưng anh yên chí, em sẽ không bao giờ phản bội tổ quốc đâu!
    Thấy chưa thể thuyết phục em mình được, Hưng Đạo vương không nói chuyện đó nữa.
    
- o O o -

    Một hôm vào tháng 7 năm Bính Thìn, Hưng Đạo vương đang huấn luyện quân sĩ ở thao trường thì vua Thái Tôn cho người đến gọi. Hưng Đạo vương kêu vua Thái Tôn bằng chú ruột. Thái Tôn biết tài Hưng Đạo vương và rất thương mến cháu. Trong thời gian gia đình Trần Liễu gặp cảnh khốn đốn dưới tay Thái Sư Trần Thủ Độ, chính vua Thái Tôn là người che chở, bảo vệ họ hết mình. Nhà vua cũng đặc biệt lưu tâm, khuyến khích việc học hành của Tuấn và Doãn. Mặc dầu bấy lâu nay, sự giao thiệp giữa hai gia đình vua Thái Tôn và An Sinh vương có phần lấn cấn nhưng với Tuấn, vua vẫn thấy gần gũi, vua coi Tuấn chẳng khác gì con của ngài.
    Hưng Đạo vương vừa bái kiến xong thì vua Thái Tôn hỏi:
    - Vương điệt có biết bây giờ Vũ Thành vương và gia đình ở đâu không?
    Hưng Đạo vương sửng sốt không hiểu. Thời gian này ông tập trung mọi nỗ lực vào việc luyện quân đội nên ít chú ý đến những chuyện khác. Hầu hết các đội quân của các vương hầu đều có qua tay ông huấn luyện. Hưng đạo vương đang ngẩn ngơ lo ngại đã có một biến cố gì xảy ra thì vua Thái Tôn nói:
    - Hắn đã đem gia đình trốn sang Tàu. Vương phủ của Doãn đã bị niêm phong. Tước Vũ Thành vương đã bị triều đình tước bỏ. Ta đã cấp thời cử người sang Tàu yêu cầu đưa hắn trở về. Ta báo cho vương điệt biết như thế!
    Hưng Đạo vương hoảng hốt quì xuống lạy:
    - Em của hạ thần làm bậy mà thần không biết để ngăn chặn được. Cúi xin bệ hạ cho bắt giam hạ thần để xử tội!
    Vua Thái Tôn ôn tồn nói:
    - Không. Anh khác, em khác, ai có bụng nấy. Ta không có ý bắt tội vương điệt. Ta chỉ muốn bảo cho vương điệt biết ta và Thái Sư không hề nghĩ rằng việc này có liên hệ đến vương điệt. Vương điệt cứ yên tâm trở về lo huấn luyện quân đội.
    Hưng Đạo vương đau khổ tạ ơn ra về .
    
- o O o -

    Từ khi thành lập đội võ trang, Vũ Thành vương lúc nào cũng bận rộn việc quân. Ngoài những lần vào triều chầu vua, ông đều thức dậy sớm để đến thao trường. ông làm việc không biết mệt mỏi. Có lẽ sở học qua sách vở bây giờ có cơ hội đem thực hành áp dụng đã làm cho ông vui thích. Vẻ mặt ông lúc nào cũng phấn khởi, hăng hái. Sau những giờ phút hăng say ở thao trường, ông lại mang theo niềm phấn khởi đó về với vợ con. Phu nhân Lê thị chăm sóc cho chồng từng miếng ăn miếng uống. Hằng đêm, hai con nhỏ là Huân, Hải, đứa lên bốn, đứa lên ba đều cứ quấn quít bên cha bắt kể chuyện Tào Tháo Vân Trường hay Nhạc Phi Tần Cối Vũ Thành vương thì lúc nào cũng sẵn chuyện để ru chúng vào giấc ngủ dễ dàng.
    Cuộc sống trong phủ Vũ Thành vương đang đều nhịp như thế bỗng ông cho giải tán lực lượng võ trang của mình. Hàng ngày vương không ra thao trường nữa mà đêm về ông cũng không còn vui vẻ với vợ con. Nét mặt ông bấy giờ lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Ngoài những lúc ăn uống, ông cứ đóng cửa ở miết trong phòng riêng. Suốt thời gian đó ông cũng không gặp gỡ riêng phu nhân lần nào. Phu nhân Lê thị hết sức lo lắng về thái độ của chồng.
    Một hôm, Vũ Thành vương mời Lê thị vào phòng riêng. Phu nhân hồi hộp đoán rằng sẽ có một điều gì quan trọng xảy ra.
    - Phu quân gọi thiếp có việc gì chăng?
    Vũ Thành vương nghiêm trang nói:
    - Ta báo cho phu nhân một chuyện hết sức quan trọng. Chúng ta sắp đi xa và có thể không trở lại chốn này. Nhưng chuyện không thể hở cho người ngoài biết.Vậy, xin phu nhân kín đáo thu xếp hành trang. Chừng năm ngày nữa chúng ta lên đường.
    Phu nhân hoảng hốt:
    - Nhưng phu quân chưa cho thiếp biết đi đâu và vì sao phải đi. Vì sao lại phải kín đáo chuẩn bị. Thiếp cũng cần biết những điều đó để yên tâm lo công việc chứ.
    Vũ Thành vương cười:
    - Ừ, muốn biết cũng được thôi. Hiện chiến tranh giữa nước ta với Mông cổ sắp xảy ra. Bậc đại trượng phu đáng lý nhân dịp này ra tay đền ơn nước, lập công danh với đời mới phải. Nhưng nhà ta gặp chuyện oan nghiệt. Người đang nắm vận mệnh đất nước hiện tại là kẻ thù không đội trời chung của tiên vương. Trước khi nhắm mắt, người đã di ngôn cho Hưng Đạo vương huynh và ta phải trả thù. Vì sự sống còn của dân tộc, Hưng Đạo vương huynh, với tấm lòng thánh thiện cao cả, đã tạm thời bỏ lơ thù riêng để lo việc nước. Hưng Đạo vương huynh làm rất đúng nhưng ta không thể làm theo được Bởi lẽ ta không muốn linh hồn cha phải tủi hận nơi suối vàng khi cả hai đứa con trai người tin tưởng đều bỏ lơ lời trăng trối của người. Nếu ta còn ở đây, giặc đến nhà mà không ra giúp nước ta sẽ bị thiên hạ cười Mà ra giúp nước tức là giúp Trần Thủ Độ và phải chịu tuân phục mệnh lệnh của ông ấy, đó là điều ta rất khổ tâm. Bởi vậy, ta quyết định phải ra đi. Ta muốn sang Trung Quốc tìm một nơi nào đó yên ổn làm ăn.
    Lê thị thấy chồng đã quyết như vậy bèn trở ra chuẩn bị cho chuyến đi.
    Cả gia đình cải trang thành nhà dân giả lưu lạc kiếm sống. Sau bao nhiêu ngày vất vả, họ đã tới được lãnh thổ Trung Quốc. Vì gặp lúc chiến tranh đang lan rộng, các cửa ải đều bị quan quân nhà Tống kiểm soát chặt chẽ để đề phòng gian tế. Gia đình Trần Doãn bị quân Tống giữ lại để điều tra. Vợ chồng Trần Doãn vẫn một mực khai là dân quê lưu lạc kiếm ăn. Không may cho Trần Doãn, gặp lúc quan nhà Tống nhận được thông điệp của triều đình Đại Việt yêu cầu kiểm soát và bất trả lại những kẻ vượt biên y khớp với gia đình Trần Doãn nên họ biết chắc họ đã bắt giữ đúng đối tượng. Muốn nhận số tiền thường, viên quan kiểm soát biên giới là Hoàng Bính bèn cho giam cả gia đình Trần Doãn để chờ trao trả cho Đại Việt.
    Nửa tháng sau thì triều đình Đại Việt nhận được thông điệp của Hoàng Bính yêu cầu cho một toán quân đặc nhiệm đến biên giới để áp giải gia đình Trần Doãn về.
    Vua Thái Tôn lập tức cho người lên biên giới tiếp nhận. Vua ban thưởng rất hậu cho viên quan nhà Tống Hoàng Bính. Đồng thời vua ra lệnh tăng cường kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
    Toán người vượt biên lớn nhỏ đều bị nhốt trong cũi để giải về kinh.
    Về đến Thăng Long, khi mở cũi ra người ta người ta mới biết được Vũ Thành vương Trần Doãn chỉ còn là một cái xác không hồn. ông đã dùng thuốc độc để tự tử. Trong người ông có giữ một vuông giấy đề rõ: "Kẻ có tội tự xử để tránh sự khó nghĩ cho Đức Hoàng Thượng và Hưng Đạo vương".
    Vua Thái Tôn thấy xác Trần Doãn, xúc động nói:
    - Trẫm nào muốn hại vương điệt đâu? Tại sao vương điệt lại tự làm khổ thân thế này!
    Vua Thái Tôn cho phép Hưng Đạo vương chôn cất Trần Doãn đàng hoàng và tha hết vợ con Trần Doãn, lại cấp cho nhà cửa và tiền bạc để họ sinh sống.
    Vụ Trần Doãn tự sát thật tình cũng làm giảm bớt phần nào sự lấn cấn khó xử của triều đình, giảm thiểu được sự nghi kị bất lợi trong đầu óc một số vương hầu.
    Để làm cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn yên tâm lo việc quân sự, vua Thái Tôn lại cho Thái Tử Trần Hoảng cưới em ruột của Trần Quốc Tuấn và Trần Doãn là Thiên Cảm về làm vợ.
    Sau này, khi Thái tử Hoảng lên ngôi vua tức Trần Thánh Tôn thì Thiên Cảm trở thành hoàng hậu. Hình như đó cũng là một hành động tỏ ý hàn gắn sự nứt rạn tình cảm giữa hai gia đình Trần Thái Tôn và An Sinh vương.
    
- o O o -

    Sáu tháng sau, vào đầu năm Đinh Tỵ thì quân Mông Cổ tràn sang nước ta. Tướng Mông Cổ Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy toàn quân theo ngả Vân Nam, xuôi sông Thao tiến xuống Hưng Hóa, đe dọa thành Thăng Long. Vua Thái Tôn sai Hưng Đạo vương Tuấn, bấy giờ mới 31 tuổi chỉ huy quân tiên phong chống giữ mặt trận biên giới. Nhưng vì quân ít, chống không nổi quân Nguyên, vương phải rút quân về Sơn Tây. Vua Thái Tôn tự cầm quân ra trận cũng thua luôn, phải bỏ Thăng Long chạy về giữ Hưng Yên.
    Quân Nguyên tràn xuống chiếm Thăng Long, tàn sát quân dân ta tại kinh thành hết sức man rợ. Vì thế, quan tướng binh sĩ cũng như dân ta khắp nơi đều nức khí hận thù.
    Vua Thái Tôn thấy tình thế bi quan, hỏi ý Thái Sư Trần Thủ Độ thì ông cứng rắn đáp: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo! ". Nhờ câu nói cương quyết đó vua Thái Tôn cũng giữ được tinh thần để tiếp tục kháng chiến.
    Gặp lúc thời tiết chuyển đổi, khí hậu trở nên oi bức khó chịu. Quân Mông Cổ quen sống ở xứ lạnh chịu không nổi nên sinh ra nhiều bệnh tật. Lợi dung cơ hội đó, vua Trần Thái Tôn ra lệnh phản công. Quân Nguyên đau ốm mệt mỏi chịu thảm bại phải rút bỏ về nước, kết thúc lần xâm lăng thứ nhất của giặc Nguyên nhằm vào Đại Việt
    Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất thắng lợi lớn, quân dân Đại Việt vô cùng phấn khởi. Lúc bấy giờ Thái Sư Trần Thủ Độ đã già, vua Trần Thái Tôn đã nắm gần hết thực quyền trong tay. Vua ân thưởng rộng rãi cho những người có công trong cuộc chiến.
    Trong dịp này, vua Thái Tôn đột nhiên ra một thánh chỉ triệu công chúa Chiêu Thánh vào triều. Mọi người đều ngạc nhiên bàn tán... Sau hơn hai mươi năm bị biếm truất, đây là lần đầu Chiêu Thánh được trở lại hoàng cung. Công chúa bây giờ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn còn đẹp, vẫn nguyên vẻ quí phái tự nhiên. Bà nghiêm trang, ít khi nói chuyện với những người đi theo. Bà được nội thị dẫn vào nội điện, nơi bà đã từng ngự trị, để bái kiến vua... Hình như bà cố giữ một vẻ bình thản, không xúc động:
    - Tiện thiếp Chiêu Thánh xin bái kiến Hoàng Thượng!
    Vua Thái Tôn ôn tồn phán:
    Trẫm miễn lễ! Cho phép công chúa ngồi!
    Đây là một biệt lệ. Nội thị đưa công chúa đến một chiếc ghế đặt sẵn trước án vua làm việc. Vua Thái Tôn nói hơi cười:
    - Trẫm biết bao nhiêu năm nay công chúa đã phải sống trong sự đau khổ tột cùng. Thật sự trẫm cũng đau khổ lắm chứ. Trẫm rất thông cảm hoàn cảnh công chúa nhưng trẫm không thể nào cứu vớt công chúa được. Lúc bấy giờ chính trẫm cũng bị bao vây bốn mặt và không có được một chút tự chủ nào cả. Trẫm hi vọng công chúa hiểu cho trẫm mà không oán trách trẫm. Bây giờ tình hình đã biến cải, trẫm muốn đền bù một phần nào những đau khổ mà công chúa phải chịu bấy lâu nay. Trẫm muốn tác hợp công chúa với một vị đại quan danh giá văn võ kiêm toàn để hưởng hạnh phúc lâu dài, công chúa nghĩ sao?
    Công chúa Chiêu Thánh mở tròn cặp mắt long lanh cảm động:
    - Muôn tâu, bệ hạ còn đoái nghĩ đến thần thiếp là thần thiếp vui lắm rồi. Bệ hạ muốn sắp xếp thế nào thần thiếp cũng xin tuân mệnh.
    Vua Thái Tôn tươi cười:
    - Vậy là công chúa đã đồng ý, trẫm sẽ đứng làm chủ hôn đám cười này!
    Trong khi quân Nguyên hùng hổ đánh bại đạo binh của Trần Quốc Tuấn rồi đánh bại luôn đạo binh của chính vua Thái Tôn chỉ huy, đuổi tràn xuống Thăng Long, tướng Lê Phụ Trần đã anh dũng cản hậu cho vua rút lui an toàn. Tiếp đó, Lê Phụ Trần lại anh dũng và mưu trí lập nhiều chiến công khác nữa. ông đã góp công lớn trong cuộc phản công quân Nguyên dành thắng lợi cuối cùng cho Đại Việt.
    Vua biết rằng viên tướng này đang ở tình trạng góa bụa, lại nhớ đến lời trăng trối của Thuận Thiên hoàng hậu, vua đã nghĩ đến chuyện tác hợp Chiêu Thánh công chúa với ông ta. Với cuộc hôn nhân này, vua Thái Tôn vừa chuộc được lỗi với người xưa, vừa ban được một phần thưởng rất xứng đáng cho vị tướng trung dũng của mình.
    Từ đó, Lê Phụ Trần và Lý Chiêu Thánh đã thật sự tìm được hạnh phúc. Hai người có với nhau được hai người con là Lê Tông và Ngọc Khuê đều được phong tước xứng đáng. Lê Phụ Trần và Chiêu Thánh cũng được sống hạnh phúc bên nhau đến bạc đầu.
    Về sau, quân Nguyên còn sang xâm lược nước ta hai lần nữa, vào các giai đoạn 1284-1285 và 1287-1288 với những đội quân vô cùng hùng mạnh. Lúc này Thái Sư Trần Thủ Độ đã mất, quân dân nhà Trần đặt dưới sự chỉ huy tài ba của Tiết Chế Quốc Công Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đã chiến thắng vẻ vang cả hai lần làm nhà Nguyên nản lòng, cam chịu bỏ hẳn ý đồ xâm lược nước ta.
    Dân tộc ta chiến thắng được một đội quân hùng mạnh và lớn lao nhất thế giới thời bấy giờ ấy là nhờ đâu? Trước hết là nhờ sự đoàn kết một lòng của toàn dân mà biểu hiệu là Hội Nghị Diên Hồng. Tiếp đó là lòng tuyệt đối tin tưởng nhau giữa những người lãnh đạo chính yếu. Đó là hai nhân vật đối nghịch liên hệ chí thiết với vụ tình hận lịch sử: Tiết Chế Quốc Công Hưng Đạo vương, con của An Sinh vương Trần Liễu và Thượng Tướng Thái Sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, con vua Trần Thái Tôn. Họ đã từng mang những điểm bất đồng sâu sắc với nhau đáng kể. Hai người này vì sự sinh tồn của dân tộc, đã tự chế ngự được những tham, sân, oán thù riêng tư của mình. Hai ngài cùng nêu một tấm gương sáng ngời: Coi nhẹ thù riêng, biết đoàn kết để bảo vệ sự sống còn của quốc gia, dân tộc Thật là đại phước cho dân tộc Đại Việt!
    

Kết Thúc (END)
Tình Hận
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Đang Xem Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu