Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Trăng Huyết ( Phần I ) Tác Giả: Anthony Grey, Nguyễn Ước    
    Cơ sở chính thức của quan sứ thần tọa lạc bên một con đường rợp bóng cây thuộc khu vực Tân Định, phía bắc Nhà thờ Đức Bà. Phòng lớn nhất của ngôi nhà cho thấy rất ít bằng chứng về tài sản to lớn được dòng họ Trần tích lủy qua ba thế hệ hợp tác chặt chẽ với Pháp. Bên ngoài cửa sổ, các lùm bụi và cây ăn quả vùng nhiệt đới như mảng cầu, đu đủ, xoài tượng, lựu, vươn lên rậm rạp từ mặt đất ẩm bên trong khu vườn có tường thành bao quanh. Đồ đạc trong phòng thưa thớt, hợp truyền thống khắc khổ và hiếu học của giới quan lại An Nam. Nổi bật cuối phòng là bàn thờ gia tiên gồm ba chiếc tủ thờ sơn son thiếp vàng. Cái lớn nhất và cao nhất là tủ thờ chính, đặt ngay chính giữa. Sát hai bên tủ thờ chính là hai tủ thờ phụ, cao ngang nhau, trên mỗi cái đặt linh vị, hai ngọn đèn cầy, bát nhang và lư hương nhỏ. Trước mỗi bàn thờ phụ kê một chiếc bàn nhỏ, trên đó đặt các lễ vật của thân nhân mang đến gồm cau, rượu, trà, vàng hương. Sau phần nghi lễ chính, họ sẽ lần lượt bái lạy trước bàn thờ trước khi cùng ngồi vào ăn giổ.
    Trên mặt tủ thờ cao trưng bày hai bình bông huệ trắng mới hái, tươi nguyên, như còn long lanh sương sớm. Bốn cây đèn cầy màu đỏ cắm trên bốn chân đèn bằng đồng đánh bóng loáng. Giữa bàn thờ có một bát nhang bằng gỗ, trên cắm tua tủa chân nhang còn lại từ những lần thắp buổi sáng buổi chiều trong suốt tháng chạp này. Mé ngoài bát nhang là một lư đồng, khói lên nhè nhẹ, tỏa hương dìu dịu làm không khí mỗi lúc một thêm vẻ linh thiêng. Ngay trên bàn thờ chính, xếp hai khay gỗ bày đầy hoa quả, chất vun cao theo hình kim tự tháp, được hái từ những cây trái sum sê trong vườn. Kế bên khay hoa quả và sâu vào bên trong một chút là phần cúng cơm, gồm một bát cơm, một quả trứng. Cơm sới có ngọn trong cái chén đầy, úp lồng một cái chén khác làm thành bát cơm lồng. Trứng gà luộc bóc vỏ, ấn dẹt cho nứt ra, đặt trên dĩa với một ít muối hạt. Bên cạnh là ba chiếc ly nhỏ chưa rót rượu. và trầu cau têm sẵn.
    Mé trước bàn thờ chính kê một chiếc bàn thấp, bày cổ cúng gồm những dĩa nhỏ chưng dọn thịt luộc, chả lụa và cá, kèm theo gỏi ngó sen và rau, các tô miến nấu đặc biệt có nấm và kim châm, hương vị đậm đà; xôi chè; cơm trắng, hai hàng chén đơm sẵn cơm có kèm theo các đôi đũa đặt ngay ngắn bên cạnh mỗi chén; mấy chiếc ly thủy tinh đựng rượu trắng hơi vơi một chút; mấy chiếc tách sứ để không và bình trà đã pha, sẵn sàng châm trà khi các hương linh thụ xong cổ, và chuẩn bị cho người chủ lễ vái ba lần sau cùng, hoàn tất phần nghi lễ. Ngay đằng trước mâm cổ cúng trải chiếc chiếu hoa cạp điều, dùng để bái lạy. Tuy thế, tâm điểm của bàn thờ là bức chân dung khung thiếp vàng của một vị quan trông rất khả kính, mình mặc triều phục, ngự chốn danh dự và cao nhất trên bàn thờ chính giữa.
    Tất cả phẩm vật và cách thức trưng bày ấy không là sáng kiến cá biệt của dòng họ Trần. Số lượng nhiều hay ít tùy gia cảnh, nhưng nói chung, chúng được bày biện theo những qui định có tính truyền thống, làm thành phong tục của người An Nam về lễ giỗ. Đó là một nghi lễ được cử hành hằng năm và suốt đời, để tưởng nhớ ngày lìa trần của ông bà cha mẹ. Họ là những đấng sinh thành nên con cháu phải chịu tang trọn đời, khác với tang vợ tang chồng chỉ chịu ba năm. Không ai biết rõ phong tục và nghi thức ấy bắt đầu từ thời điểm nào trong lịch sử dân tộc, nhưng thực tế nó hiện hữu đã ngàn năm trên đất Việt.
    Bắt đầu từ đồng bằng bắc bộ, cái nôi của dân tộc và văn hóa Việt, chúng theo chân đoàn lưu dân đi dọc Trường sơn vào các đèo cao và vùng đất sỏi đá miền trung. Rồi sau đó, chúng cùng đi với đoàn người khai phá vào phương nam, nơi gạo rất trắng nước rất trong, khí hậu thoáng mát, đồng ruộng cò bay thẳng cánh và mùa nước lên cá lội tràn bờ. Qua bao nhiêu thay đổi triều đại, thăng trầm với lịch sử, biến thái theo hoàn cảnh địa phương, dị biệt về lập trường chính trị hay giai tầng xã hội, người Việt khắp nơi vẫn tuân giữ và thực hiện những qui định căn bản trong phong tục tập quán ấy. Giới giàu sang phú quí thường cử hành lễ giỗ để vinh danh người chết và chiêu đãi kẻ sống. Hạng nghèo khổ cơ cực tới ngày giỗ ông bà cha mẹ cũng rán cúng chén cơm ly nước cây nhang mới khỏi tủi thân và ngủ yên giấc.
    Hôm nay là ngày chính giỗ vị thượng quan cụ thân sinh của người An Nam mặt nhăn nheo, mặc áo bào vua ban chỉ may bằng một tấm vải được thượng nghị sĩ Sherman khéo lấy lòng một giờ trước đó.
    Chiều hôm trước đã có lễ cúng tiên. Thường là để họ hàng thân thuộc đến nhóm họ, ở lại chầu chực gia tiên và chuẩn bị cho sáng sớm ngày mai bắt tay chuẩn bị cỗ bàn. Như thế, lễ giỗ ngoài mục đích tưởng niệm người đã khuất còn là dịp tụ họp để siết chặt tình gia tộc trong phúc ấm của ông bà tổ tiên, quấn quít thêm vòng sống của người Việt trong bốn vòng gia đình, thân tộc, làng xóm và dân tộc. Việc thực hiện nghi lễ này là một trong vô số cách để củng cố thêm văn hóa cùng tín ngưỡng của đại gia đình người Việt trong đó kẻ sống và người chết quần tụ bên nhau, hằng ngày hằng đêm tương tác cảm thông, vượt không gian và thời gian. Từ đó làm thành một cuộc sinh hoạt vừa chan chứa tình nghĩa vừa dồi dào tâm linh trong quân bình và hài hòa giữa con người với tổ tiên, có trời cao lồng lộng là cha nghiêm minh và đất thấp bao la là mẹ từ ái.
    Đúng ra phần nghi lễ cúng giỗ theo truyền thống phải cử hành buổi trưa vào giờ chính ngọ. Nhưng đặc biệt lễ giỗ này hằng năm thường cử hành lúc hoàng hôn vì hôm trước giỗ là ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng bận đưa ông táo về trời nên có một số người sáng nay mới từ lục tỉnh lên kịp. Thêm nữa, cũng vì phải tham dự buổi tiếp tân dành cho gia đình thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman tại dinh thống đốc nên vị thượng quan bộ Lễ quyết định cử hành vào buổi tối cho thong thả, để có thì giờ hành lễ trang trọng và ung dung thụ lộc với con cháu.
    Khi trời bên ngoài bắt đầu sẩm tối, lão trượng Trần Văn Trung cất bước vào phòng. Ông mặc y bào thụng tế với hai tay áo dài, rộng thùng thình, may bằng lụa màu nhang khói. Trên đầu ông đội chiếc mũ mềm thêu chỉ màu, sụp xuống che một phần khuôn mặt. Lan và hai anh không thể thấy trọn vẹn bộ mặt của ông nội khi cả ba đi giữa cha và mẹ, theo chân ông bước qua ngưỡng cửa bằng đôi chân không mang giày hoặc dép. Các thân nhân khác lần lượt đi theo thành hàng dọc vào một chỗ khuất trong bóng tối. Ở đó, họ đứng có quy củ theo thứ bậc và theo nhóm nội ngoại, họ hàng gần rồi họ hàng xa, không phân biệt tuổi tác hay nam nữ.
    Quan Tham tri bộ Lễ Trần Văn Lung bước tới gần bàn thờ. Ông cẩn thận kiểm soát lễ vật, cả số lượng đủ thiếu lẫn qui cách chưng bày. Xong ông đưa tay nhận cây nến nhỏ vừa được thắp sáng từ một thân nhân làm chấp sự. Kính cẩn cúi đầu trước bức chân dung của thân phụ, ông mồi nến vào từng tim đèn cầy cao màu đỏ đặt hai bên bức chân dung. Khi bốn ngọn lửa trên cao toả sáng khắp bàn thờ, ông bước vào giữa chiếc chiếu trải trước bàn thờ, lễ bốn lạy, rồi quỳ xuống, hai tay chấp lại, vòng lên ngang trán.
    Dù tuổi cao chân yếu, vị lão quan phải lạy đúng theo truyền thống qui định. Đứng thẳng, chắp hai tay dơ cao lên ngang trán, khom mình cúi xuống, đặt hai tay vẫn chắp xuống chiếu, quì gối bên phải rồi gối bên trái xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống sát hai bàn tay lúc này lật ngửa trên mặt chiếu, gọi là thế phủ phục. Sau đó, ông cất đầu và thẳng lưng đồng thời co hai tay đã chắp lại trước ngực và co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy. Kế đó, ông đem hai bàn tay vẫn chấp xuống, tì vào đầu gối bên phải để đứng lên. Chân trái đang quì tự nhiên theo cử động chót này cùng đứng thẳng lên.
    Thấy ông lão đã lễ đủ bốn lạy, người chấp sự lấy ba nén hương châm lửa thắp, đưa cho ông. Trần Văn Lung cầm hương vái một vái dài rồi trao lại cho chấp sự cắm lên bát nhang. Kế đó, chấp sự mở nút bình rượu, rót vào ba cái chén nhỏ để trên bàn thờ. Chờ mọi sự cử hành đâu vào đó, vị thượng quan Bộ Lễ bắt đầu đọc lời lễ khấn bằng tiếng Hán Việt trong tờ sớ, đại ý:
    “Nước Đại Nam, triều vua Đồng Khánh năm thứ chín, nhằm năm Giáp Tý, tháng chạp, ngày hai mươi tư, tại thành Gia Định. Con xin cùng với cả gia đình, và các con các cháu thành khẩn kính dâng lễ vật rượu, trầu, hoa quả, xôi, chè, cổ bàn, lên thân phụ là đấng sinh thành, tên húy là Trần Văn Soạn, tên thụy là Xuyên Vân, mất ngày hai mươi tư tháng chạp năm Mậu Tý, an táng ở cánh đồng Hòa Hưng. Hôm nay là ngày giỗ, với lòng thành xin kính dâng chút lễ bạc, cung thỉnh thân phụ soi xét lòng thành hâm hưởng, phù hộ cho con cháu cả nhà được mạnh giỏi, mọi sự tốt lành. Xin cung thỉnh ông bà tổ tiên tam đại tứ đại cùng hương linh thân tộc thượng hạ về cùng hưởng cúng lễ. Xin cung thỉnh hương linh tiền nhân liệt sĩ, dù văn dù võ, sống trung dũng chết anh hùng, không phân biệt địa phương, thời gian, địa vị, chính kiến và triều đại, cùng quần tụ về đây thượng hưởng.”
    Tuy mới mười tuổi nhưng vì hầu như đã trải qua suốt ngày quan sát mẹ đôn đốc người nhà và thân nhân chuẩn bị làm cỗ, Lan biết rõ trên bàn thờ đang bày những thức ăn thức uống thuở sinh thời, vị thượng quan nội triều ấy thích thưởng thức nhất. Được cho phép phụ dọn cỗ cúng và chợt nhận ra rằng kèm theo các món cao lương mỹ vị kia là sáu cái chén với sáu đôi đũa, Lan hỏi mẹ tại sao như vậy. Và được mẹ thì thầm giải thích:
    - Chúng ta cúng thêm thức ăn thức uống để cụ cố của con có thể mời mọc hương hồn của các nhà ái quốc và các nhà nho nổi tiếng khác cùng theo cụ về ăn cỗ.
    - Thế có những hương hồn chưa từng gặp cụ cố ở Huế hay Sài Gòn thì sao hở mẹ?
    - Con biết không, ở cõi bên kia người ta quen biết nhau hết và hiểu rất rõ bụng dạ nhau, ngay cả những vị lúc còn sống ở cõi bên này suốt đời chống đối nhau, lắm khi cầm quân ra trận rượt đuổi nhau mà đâm mà chém. Sống thì đường ai người ấy theo, chúa ai người ấy phò, chứ chết rồi là trả xong nợ đời, không còn lý do đối địch với nhau nữa. Con người chủ yếu là khí tiết và đạo nghĩa. Miễn sao khi sống trung thành với vua, yêu thương đồng bào đất nước và tận tụy với chức vụ của mình thì thôi. Hương linh nào cũng đáng tôn kính cả.
    Lan vừa nhớ lại lời cắt nghĩa khó hiểu của mẹ vừa thấy mình đang ngó lom lom từng đôi đũa xem có đôi nào có vẻ nhúc nhích không. Mọi khi nghĩ tới việc hương hồn tổ tiên hiện về trong lễ giỗ, Lan và hai anh lại cảm thấy người rờn rợn. Cách riêng hôm nay, sau sự việc liên quan tới con khỉ nhỏ của Lan tại dinh thống đốc hồi chiều, cảm giác rờn rợn đó càng lúc càng lên tới cực điểm trong khi ba anh em run rẩy chờ đợi vì biết thế nào cũng sẽ bị cha quở phạt.
    Qua lệnh của cha do mẹ truyền lại rằng ba anh em phải ở lại trước bàn thờ suốt từ đầu tới cuối thời gian tế lễ, cha đã tỏ dấu cho thấy ông vô cùng tức giận. Cả ba đều biết nghi lễ sẽ kéo dài khoảng nửa giờ — cho tới khi cây nhang độc nhất cắm trong bát gạo trắng trên bàn thờ tàn ngang mặt gạo. Mọi năm, khi ông nội vừa dứt lời thì thầm khấn nguyện, Lan và hai anh đều được phép ra chơi ngoài vườn cho tới khi chấm dứt phần cúng tế mới bị gọi vào. Lúc ấy, cỗ cúng trên bàn thờ được dọn xuống, đem bày chung với các dĩa thức ăn khác để cả họ cùng nhau ăn giỗ. Thêm một dấu hiệu khác nữa là cha vừa phán, cũng qua lời mẹ truyền, rằng ông muốn nói chuyện riêng với cả ba anh em trong thư phòng ngay khi vừa kết thúc phần nghi lễ.
    Dù cha không để lộ dấu hiệu ông sẽ trừng phạt như thế nào, nhưng qua vẻ trầm trọng trên mặt ông, Lan và hai anh đều biết lần này, cha giận dữ hơn bao giờ hết. Mẹ đã báo động cho biết rằng khi nào tới lượt ba anh em khấn vái trước bàn thờ cụ cố, mỗi đứa phải lớn tiếng kêu cầu cụ tha tội. Với trí óc mười tuổi non nớt, Lan thường suy luận rằng hình như hễ mỗi lần trong ba anh em có người nào làm cha tức giận, tức là đã xúc phạm tới hương hồn của ông bà tổ tiên và làm tổn thương danh giá của gia tộc.
    Đứng bên Lan, Kim đang cố che giấu cảm xúc. Nhưng qua vẻ mặt xanh xao và căng thẳng của anh, Lan có thể nhận ra Kim vừa lo lắng vừa bực bội. Trong các gia đình An Nam thuộc đẳng cấp của họ, việc chăm sóc nhà cửa và nuôi dạy con cái được giao phần lớn cho người mẹ. Tuy thế, cũng như hầu hết những người cha An Nam khác, Trần Văn Hiếu bao giờ cũng thủ sẵn một cây roi mây thật nhuyễn, cất trong chiếc tủ khảm xà cừ kê nơi phòng sách. Hễ khi nào cảm thấy cần thiết, ông đem ra dùng để góp phần cụ thể duy trì và củng cố thêm sức mạnh cho hai chữ hiếu thảo của Khổng giáo. Trước đây cây roi chưa bao giờ dùng tới ấy chỉ được ông đem ra phe phẩy dọa dẫm, nhưng lần này các con của ông đều hiểu rõ rằng sự việc Kim không vâng lời cha, xảy ra đành rành lúc xế chiều, đã đẩy ông vào tình thế bất lực và mất thể diện một cách quá sức tệ hại, ngay trước mặt mọi người.
    Không giống Kim và Lan, Tâm thỉnh thoảng đưa con mắt đổ tội lấm lét liếc Kim, như có ý thanh minh với cha rằng mình không sai phạm chút nào vì đã cố hết sức ngăn em đừng làm chuyện điên rồ đó. Riêng Lan, cô bé hi vọng một cách tuyệt đối rằng mình sẽ được cứu xét là đương nhiên vô tội. Trong khi nhìn ông nội mấp máy đọc thì thầm lồi khẩn nguyện, Lan bắt đầu lặp đi lặp lại trong bụng những câu dự tính sẽ van vái với vong linh tổ tiên để cầu xin tha thứ.
    Nguyện xong lời cung thỉnh thân phụ tôn kính cùng chư hương linh, vị lão quan đưa tờ sớ cho người chấp sự đốt. Ông cúi mình lễ nốt một nửa lạy nữa rồi đứng lên. Sau khi vái ba vái, ông lùi lại và bước ngang ra, đứng một bên, nhường chỗ cho con trai. Tới lượt Trần Văn Hiếu quì xuống. Ông im lặng, nghiêm trang cử hành những động tác y hệt thân phụ vừa làm, nhưng với vẻ cẩn trọng hơn. Sau khi sụp mình lạy xong lần thứ ba, ông vẫn tiếp tục quì. Trước sự kinh ngạc của các con, ông bắt đầu cao giọng khẩn nguyện, cực kỳ trang trọng, nghe vang rõ từng tiếng trong tai mỗi đứa con:
    - Kính bẩm nội tổ, trước hết và trên hết, con xin thành tâm kính cẩn thỉnh cầu nội tổ cùng ông bà tổ tiên phù trợ cho hết thảy con cháu luôn luôn khắc ghi trong tâm khảm lời giáo huấn của Đức Khổng tử, đấng thánh hiền vĩ đại. Suốt hàng ngàn năm nay, ngài vẫn không ngừng nhắc nhở hậu thế bổn phận của con cháu đối với ông bà tổ tiên và cha mẹ, đối với đức vua và hết thảy các bậc quan quyền được đặt định lên trên chúng con. Con cũng xin kính cẩn khẩn cầu cho hết thảy các con các cháu được càng ngày càng ăn ở với nhau đầy phúc đức và thêm gắn bó, cũng như sống mật thiết hoà hợp với các sức mạnh vĩ đại của tự nhiên, với đất trời chung quanh, với thế giới bên kia của các hương linh, để nội tổ cùng chư vị ông bà tổ tiên có thể tiếp tục an hưởng giữa các con các cháu. Nếu chúng con không chu toàn bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội của mình, chúng con biết rằng chẳng sớm thì muộn, chắc chắn chúng con sẽ đánh mất sự phù hộ của hương hồn tổ tiên và của mọi hương hồn tiền nhân liệt sĩ trung dũng anh linh trên đất nước chúng con...
    Kim cắn môi ngó xuống sàn nhà trong khi cha đưa mắt nghiêm nghị nhìn về phía ba anh em với ánh mắt nhiều ý nghĩa. Dưới tia nhìn sắc bén như dao vàø định tĩnh như mặt nước hồ ấy, Tâm và Lan cảm thấy bứt rứt ngứa ngáy khắp người. Suốt thời gian hành lễ của cha rồi tới mẹ, tia mắt ấy quyện chặt, bám riết ba anh em. Thấy vợ hành lễ xong, Trần Văn Hiếu đưa tay vẫy Tâm bước lên trước vì cậu là trưởng nam và là đích tôn. Từ cuối phòng, cậu bé mười hai tuổi lẹ làng chạy lên, lật đật sấp mặt xuống chiếc chiếu trãi trước bàn thờ. Tâm lẩm bẩm thành tiếng với hi vọng cha và ông nội dù đứng cách xa mấy bước cũng có thể nghe rõ từng lời lẽ quyết liệt của cậu:
    - Cố ơi, cháu lạy cố, cháu xin cố biết cho cháu rằng cháu đã cố làm hết sức mình để ngăn cản thằng Kim đừng mang theo trong người nó con khỉ đó. Cháu lúc nào cũng tuyệt đối vâng lời cha cháu, không dám có một chút thắc mắc. Từ trước đến nay và ngay cả hôm nay, cháu hoàn toàn vâng lời cha cháu, không sai một mảy may không sót một giây phút. Cháu chỉ dám khẩn nài lên cố một điều thôi là xin cố phù hộ cho cháu được tiếp tục mãi mãi vâng lời cha của cháu.
    Nói xong, Tâm chà đầu xuống thật sát mặt chiếu rồi hấp tấp chạy về chỗ, cẩn thận vừa giữ cho mình đừng lạc mắt nhìn Kim.
    Lan sửng sốt khi thấy mình là em út lại được cha ra lệnh cho bước tới bàn thờ tiếp liền Tâm. Là em út, mọi khi Lan là kẻ lên sau chót nhưng qua việc bảo Lan lên trước Kim, rõ ràng cha đã lựa riêng Kim ra để đối xử cách riêng. Với hai bàn chân trần, Lan nhón gót đi thật nhẹ trên sàn gỗ bóng loáng, bước rón rén tới trước bàn thờ, rồi nhẫn nhục cúi mình, đưa hai bàn tay lên ôm lấy đầu. Lan thì thầm khấn vái trong khi nhắm nghiền hai mắt, như thể đang vận động thêm sức mạnh siêu nhiên hỗ trợ lời cầu xin của mình:
    - Cố ơi, xin cố đừng để cha cháu nổi giận với cháu vì việc anh cháu làm. Cố ơi, cháu chỉ muốn làm cha cháu vui lòng thôi. Cháu biết mình có tội về việc con khỉ cưng của cháu bị mang tới dinh quan thống đốc nhưng vì cháu là con gái, cháu đâu có thể cản nổi anh Kim cháu đừng làm chuyện chưa đúng. Xin cố phù hộ cho anh Kim cháu cư xử đúng ý của cha cháu hơn và đừng gây thêm chuyện rắc rối nữa.
    Lan sụp xuống lạy trước bức chân dung của vị thượng quan quá cố, giữ mình không nhúc nhích trong vài giây để chứng tỏ cho hương hồn ông bà tổ tiên thấy rõ mình là một đứa cháu đang vô cùng hối hận. Khi đứng thẳng người lên bước về chỗ, cô bé cố ý cúi đầu thật thấp để mái tóc đen rủ xuống, che kín khuôn mặt, không cho ai thấy những giọt lệ ăn năn và lo sợ đang ứa đầy trong mắt.
    Còn Kim, khi thấy cha vẫy tay ra hiệu bước lên, cậu chậm rãi đi tới trước bàn thờ, hai môi mím chặt thành một lằn ngang quả quyết. Kim đứng cúi đầu, úp mặt vào hai lòng bàn tay một hồi lâu, không vái lạy, không cầu xin khẩn nguyện. Kế đó, ngay trước khi ngẩng mặt lên về lại chỗ đứng của ba anh em, cậu đột nhiên nghiến chặt răng, thì thầm vừa đủ cho mình nghe, với giọng quyết liệt:
    - Xin cố phù hộ cho cháu chịu đau nổi mà không khóc. Cháu chỉ xin có vậy thôi.
    Suốt phần nghi lễ còn lại, từ cuối phòng nơi gia đình và thân nhân đứng tách biệt, ba anh em có thể nghe rõ từng đoạn trong bài giảng huấn của ông nội với những lời tràng giang đại hải ca ngợi công đức của nhị vị phụ mẫu quá cố. Cuối cùng, khi cây nhang trên bàn thờ tàn ngang mặt gạo, mẹ dẫn ba anh em vào phòng sách, xếp chúng đứng thành hàng ngang ngay phía trước án thư, đối diện với cây roi mây đặt sẵn trên mặt bàn.
    Vừa đặt mình xuống ghế, Trần Văn Hiếu cất tiếng với giọng điềm đạm và nghiêm khắc:
    - Hẳn cả ba anh em đều đã biết rằng thái độ của các con hồi xế chiều là mười phần bất kính đối với quan thống đốc Tây cũng như ngỗ nghịch đối với cha mẹ. Mặc dù biết rõ Kim chính là đầu mối của sự việc phiền nhiễu đó, cha vẫn không còn chọn lựa nào khác ngoài việc buộc lòng phải trừng phạt hết cả ba anh em.
    Tâm xịu mặt. Lan cảm thấy nước mắt lại ứa ra. Còn Kim nghe rất rõ lời của cha nói nhưng không tỏ dấu hiệu xúc động nào.
    - Tâm này, vì trách nhiệm của con về việc xảy ra đó không lớn bằng trách nhiệm của Kim nên con và em gái đi tới góc phòng đằng kia, quì một tiếng đồng hồ, úp mặt vô vách. Nếu suốt một giờ đó cả hai đứa giữ cho lưng mình thật thẳng, không đứa nào nhúc nhích, cha sẽ không bị phạt thêm. Trong khi quì, mỗi đứa hãy dùng thời gian đó để ngẫm nghĩ về thái độ đáng hổ thẹn của mình — và thề hứa với mình rằng nhất quyết từ nay về sau sẽ luôn luôn vâng lời cha.
    Cậu con lớn và cô em út nhẹ người bước thật lẹ tới góc phòng. Vị quan đặt bàn tay xuống cây roi mây, ấn ấn ngón tay lên thân roi, lăn qua lăn lại một lúc rồi ngước mắt nhìn cậu con thứ. Kế đó, cũng vẫn giọng điềm đạm, Trần Văn Hiếu nói:
    - Kim này, việc trừng phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc câu trả lời của con có thành thật hay không. Điều trước tiên cha muốn biết tại sao con đem con khỉ tới dinh quan thống đốc trong khi con thừa biết rằng làm như vậy là ngỗ nghịch?
    Trong một lúc lâu, cậu con thứ im lặng, bướng bỉnh, không nhìn cha. Cuối cùng vị quan đứng dậy, cầm roi mây lên và nói:
    - Nếu con không chịu nói cho ta biết, ta sẽ đánh con không chút nương tay.
    Kim vẫn không mở miệng. Nhưng khi cha đi vòng qua án thư tới đứng trước mặt cậu, Kim ngước lên nhìn vào mắt cha, nói một mạch:
    - Con làm việc đó vì ở trường con học mấy thằng lớn tuổi hơn con tụi nó thách con! Tụi nó nói con khiếp sợ mấy ông chủ Tây mắt xanh mũi lỏ, không dám làm một việc như vậy. Con muốn tỏ ra cho tụi nó biết là con không sợ.
    Mắt Trần Văn Hiếu rực lên, quai hàm săn lại nhưng giọng nói vẫn đều và rõ từng tiếng:
    - Tại sao con cần tỏ ra cho chúng bạn biết là con không sợ? Con đã biết là con phải cư xử lễ độ và tôn kính quan thống đốc Tây cùng các quan chức của ngài, không kém gì đối với cha và ông nội của con. Họ là nhà cầm quyền đang cai quản chúng ta. Địa vị và tài sản của chúng ta hiện nay hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của họ.
    Kim đáp trả ngay, tuôn ra một hơi, vẻ mặt cậu đang tái nhợt bỗng ửng đỏ:
    - Ở trường học, mấy thằng lớn tuổi hơn con nói rằng chúng ta chẳng là cái thá gì cả, rằng chúng ta không hơn gì những con bù nhìn múa rối của bọn Tây! Người ta nói chúng ta bán linh hồn mình cho thực dân Pháp để đổi lấy những đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Sau lưng chúng ta, người ta gọi chúng ta là “quân ăn cướp có môn bài”.
    Kim nói xong, cả căn phòng bỗng ngưng đọng. Trong tình trạng im bặt đó, Tâm và Lan đang úp mặt vào vách thình lình nghe cha hít vô một hơi, dài rợn người. Rồi giữa bầu không khí tịch mịch, tiếng rắc của cây roi mây vang lên, nghe như tiếng một phát súng lục nổ. Khi tiếng răng rắc ấy lặp lại lần nữa lần nữa rồi cứ thế, Lan nước mắt ràn rụa chảy ròng ròng đầm đìa hai má. Bên cạnh em gái, Tâm cứng người hãi hùng lắng tai chờ nghe chú em của mình cất tiếng rên rĩ.
    Nhưng dù cây roi đều đặn đưa lên thật cao rồi quật xuống khủng khiếp, và tiếp tục vang lên tiếng sàn sạt kinh hoàng, người anh em của Tâm và Lan vẫn bằn bặt câm nín. Có lần Tâm liều lĩnh đưa mắt run sợ liếc nhìn lui. Cậu thấy Kim nằm dài người trên án thư, mặt trắng bệch, toàn thân từ đầu tới chân run bần bật. Mắt Kim nhắm nghiền, hai nắm tay bóp thật chặt như thể đang cố vận từng phân hơi sức gan lì cuối cùng của một cơ thể mới mười một tuổi để chịu đựng trận đòn khốc liệt của cha. Không khóc một tiếng, không than một lời.
    

Xem Tiếp Chương 7Xem Tiếp Chương 14 (Kết Thúc)

Trăng Huyết ( Phần I )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Đang Xem Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc