Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Ván Bài Lật Ngửa ( Phần VII ) Tác Giả: Nguyễn Trương Thiên Lý    
    Luân có trong tay một tập sách mỏng in ronéo do một Quốc Tân nào đó biên soạn, dĩ nhiên là lưu hành bí mật. Tổng nha Cảnh sát quốc gia tịch thu được tập sách, chuyển lên báo cáo với Ngô Đình Nhu và Nhu trao lại cho Luân để nghiên cứu. Tập sách gồm một số chương và một số tiết mà chương đầu tập trung nói về Ngô Đình Diệm và mối liên quan giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
    Trong tiết: “Hoàn cảnh nào đã tạo ra Thủ tướng Ngô Đình Diệm?”, tác giả bắt đầu từ 1954 và nhận định rằng, do quyết định tối hậu của các đại cường, Việt Nam đã chia làm hai miền: Bắc bị Cộng sản thống trị, Nam dưới quyền chính phủ Quốc gia. Lúc đầu, chính phủ Quốc gia vẫn tiếp tục dựa vào Pháp nhưng không lâu thì Hoa Kỳ cảm thấy Pháp không đủ sức bảo vệ miền Nam tự do nên quyết định gánh vác sứ mệnh đẩy lùi sự đe dọa của Cộng sản. Do môi giới của Trần Văn Chương, đại sứ của Việt Nam ở Mỹ, Tổng thống Mỹ đã đi đến giải pháp Ngô Đình Diệm, Ngô - Trần là thông gia với nhau và ý kiến của ông được Hồng y Spellman ủng hộ, rất ăn khớp với dự định của Tổng thống Mỹ.
    Tập sách nói đến con người Ngô Đình Diệm như sau: Nhờ người cha, Ngô Đình Khả, là quan đại thần triều Khải Định, Ngô Đình Diệm được học trường Hậu bổ, ra làm Tri huyện, sau thăng Tuần vũ. Sống trong buổi giao thời, với bản tính chấp nhất, quan liêu, tự mãn với địa vị của mình, ông Diệm chỉ là một người thuộc lớp “Cổ vô đạt, kim bất thông”.
    Năm 1932, Bảo Đại từ Pháp về nước lập chính phủ Nam triều, ông Diệm được gọi từ Phan Thiết ra Huế giữ chức Lại bộ Thượng thư. Sau vì ghen tài với Phạm Quỳnh và thấy cái kém của mình trước một người tài hoa được nhà vua trọng dụng hơn, nên Diệm xin từ chức.
    Suốt trong 12 năm, từ 1934 đến 1946 là lúc dân tộc chuyển mình trong phong trào đấu tranh giành độc lập, cả nghìn vạn chiến sĩ bị tù đày hoặc ngã gục trước mũi súng của thực dân. Vậy mà, từ Bắc chí Nam không thấy bóng dáng và tiếng nói của ông Diệm.
    Thế rồi, đầu năm 1948, người ta lại thấy ông Diệm xuất hiện ở Đà Lạt để Bảo Đại ban cho chức Thủ tướng chính phủ thuộc địa. Nhưng do thế lực của Trung tướng Nguyễn Văn Xuân khi đó quá mạnh khiến ông Diệm bị thất vọng rồi ôm hận qua La Mã ở với anh ruột là Ngô Đình Thục.
    Năm sau, ông Diệm qua Balê. Ở đây, ông sống trong một căn nhà trọ nghèo nàn, sinh hoạt như một chàng sinh viên kiết xác.
    Khi ấy “hoàng thượng Bảo Đại” du hành qua Pháp. Có người kể tình cảnh ba đào của ông Diệm hiện tại cho “hoàng thượng” nghe, “hoàng thượng” bèn nghĩ đến thể thống quốc gia, chẳng gì cũng đường đường một vị “cựu Lại bộ Thượng thư”, sao nỡ để cho đày đọa trần ai thế!
    Bởi vậy “hoàng thượng” thương tình nên giúp cho một số tiền, để người bầy tôi cũ của mình có thể thuê khách sạn mà ở cho đỡ tủi thân.
    Tình trạng ông Diệm như vậy, ta đủ hiểu gia đình họ Ngô lúc đó bỉ cực đến thế nào?
    Ông Diệm ở khách sạn của Hoàng đế Việt Nam thuê cho tại Balê được ít lâu thì anh ông, Giám mục Ngô Đình Thục, từ La Mã ghé qua đón ông sang Mỹ.
    Ở đây, ông Diệm mặc áo dòng, hầu hạ Hồng y Spellman trong 4 năm và giữa lúc đang sửa soạn thành linh mục, thì một cơ hội nghìn năm một thuở đến với ông.
    Hồng y Spellman thương tình người đồ đệ của mình, ông nhắm thời cơ và nhận thấy tình trạng đất nước Việt Nam lúc đó là một cơ hội tốt, có thể giúp Ngô Đình Diệm làm được nhiều việc có lợi hơn là nằm trong khuôn khổ một linh mục.
    Bởi vậy, Hồng y Spellman đã sử dụng mọi uy tín và thế lực của mình để vận động với chính phủ Mỹ, đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam.
    Trước việc làm của Spellman và lời đề nghị của Trần Văn Chương, chính phủ Mỹ vội vã cứu xét và chấp nhận ngay, vì thấy có hai điều lợi ích căn bản:
    1. Dùng Diệm chắc chắn sẽ tạo được một chính phủ chống Cộng triệt để.
    2. Qua Spellman, chính phủ Mỹ biết được bản tính của Diệm: thuần phục, dễ bảo. Điều đó cho biết một chính phủ do Diệm lãnh đạo sẽ không bao giờ hành động vượt ra ngoài chủ trương và sách lược của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
    Thế rồi, ông Diệm được sửa sang mày mặt, cởi bỏ áo dòng khổ hạnh để về Sài Gòn ngồi ghế Thủ tướng.
    Và, việc gì đến đã đến!
    “Giải pháp Bảo Đại không ổn thì Bảo Đại phải đi”!
    Khi hoàng thượng bị truất phế, người những hai lần tuyên thệ làm bầy tôi trung thành của hoàng thượng và đã để hoàng thượng phải thương xót trong cơn ba đào tại hải ngoại, đã không ngần ngại phỉ nhổ và quét mực vào mặt hoàng thượng in trên giấy, rồi đem bêu xấu khắp các phố phường, thôn xóm.
    Trong tiết “Chế độ Ngô Đình Diệm” tài liệu viết:
    Khi đã truất phế xong Bảo Đại, ông Diệm bèn nghĩ đến việc chia bùi xẻ ngọt với anh em, bà con, tương tự như các bậc đế vương đời Xuân Thu - Chiến Quốc thường làm.
    Với Ngô Đình Nhu, con người nuôi tham vọng trở thành “vua học thuyết và chính trị tại Việt Nam”, khi đã đóng vai cố vấn, nấp sau hậu trường, Nhu không từ một chước thần mưu quỷ nào để thu gom quyền hành về cho gia đình họ Ngô.
    Ngô Đình Nhu đã âm mưu với Diệm thủ tiêu Hồ Hán Sơn và Trịnh Minh Thế, hai người có công đầu trong việc kiện toàn tổ chức, thu hồi quyền lực về cho chính phủ trung ương. Sau đó, các giáo phái, nhân sĩ, trí thức, đảng phái đối lập lần lượt bị anh em Ngô Đình Diệm hãm hại và làm cho tan rã.
    Đã độc tài về chính trị, làm cho mọi người mất hết tự do, nhân dân sống trong cảnh nghẹt thở; gia đình họ Ngô còn độc tài về kinh tế. Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn thi nhau lợi dụng uy thế của gia đình mình, lũng đoạn nền kinh tế quốc gia, khiến cả triệu người lâm vào cảnh đói khổ.
    Những cảnh muôn vạn người nghèo khổ, mọi thứ tự do bị chà đạp, Việt Cộng đánh phá khắp nơi đều có tội của gia đình họ Ngô gây ra cả.
    Đó là những nguyên nhân sâu sa tạo ra phản ứng của quần chúng. Nhưng nguyên nhân tối hậu thúc đẩy sức phản ứng quyết liệt của quần chúng lại là vấn đề Phật giáo.
    Vậy tại sao có phong trào đấu tranh của Phật giáo đồ?
    Đầu năm 1963, báo HongKong Tiger Standard tiết lộ: Giám mục Ngô Đình Thục đã không ngần ngại đọc diễn văn nói về sự phát triển Thiên Chúa giáo tại Việt Nam đã đến giai đoạn cực thịnh. Ông nhấn mạnh: Phật giáo Việt Nam đã tự hủy diệt lần mòn và tới nay không còn dấu hiệu gì chứng tỏ đó là một tôn giáo đang còn sinh hoạt...
    ... Một mục sư Tin lành đã hoạt động tại Việt Nam trong 12 năm qua cho biết: “ông Thục lợi dụng uy thế của người em làm Tổng thống để âm mưu cùng mọi người trong gia đình đặt kế hoạch biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo trong vòng vài năm... ”.
    Báo HongKong Tiger Standard đặt vấn đề:
    “Ông Thục muốn dâng công với Tòa thánh Vatican để chiếm chức Hồng y hay nuôi tham vọng trở thành giáo chủ Việt Nam giáo, tương tự như Anh giáo”?
    Phù hợp với tiết lộ trên, thực trạng tại Việt Nam cũng cho ta thấy:
    - Riêng tại miền Trung đã có mấy nghìn gia đình bị cưỡng bức tòng giáo.
    - Ai không chịu theo Thiên Chúa giáo thì bị tù đày, giết chóc.
    - Phật giáo đồ bị ngược đãi, nhiều địa phương, chính quyền công khai xúc phạm và khinh bỉ Phật giáo.
    - Công chức, quân nhân theo Thiên Chúa giáo được ưu đãi hơn mọi người theo tôn giáo khác.
    Ngoài ra, mặc dù Phật giáo đồ bất bình, ta thán về đạo dụ số 10, nhưng đạo dụ đó vẫn tồn tại suốt 9 năm cầm quyền của ông Diệm.
    Đạo dụ số 10 có phương hại gì đến tinh thần tín ngưỡng cùng truyền thống của dân tộc ta?
    Thoát thai từ chế độ thực dân, đạo dụ số 10 ban hành năm 1950 mang nặng tính chất bất công, kỳ thị tôn giáo.
    Đạo dụ này hạ thấp tôn giáo xuống ngang hàng với các hội đua ngựa, đá banh. Nhưng đặc biệt, lại đặt các hội truyền giáo Thiên Chúa ra ngoài phạm vị đạo dụ đó.
    Như vậy, rõ ràng thực dân muốn miệt thị dân tộc ta, nên coi tôn giáo của đại đa số nhân dân Việt Nam không có giá trị gì.
    Ông Diệm lên nắm chính quyền, không những không sửa đổi đạo dụ đó, mà lại còn ký thêm một nghị định vào ngày 23-9-1960 nói về việc mua bán các bất động sản của các tôn giáo - dĩ nhiên, trừ Thiên Chúa giáo - dù bé nhỏ tới đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng thống.
    Trên danh nghĩa, mọi tôn giáo đều chịu sự kiểm soát của Phủ tổng thống một khi tiếp nhận bất động sản do tư nhân tiến cúng. Nhưng mặt trái của sự việc này ra sao? Ông Diệm liệu có tránh khỏi thiên vị khi chính nghị định này không phải là sáng kiến của ông, mà do sự yêu cầu của người anh ruột đầy quyền hành và đầy tham vọng trần tục!
    Sự kiện đó làm cho người ta hiểu rằng, dù ông Diệm không dám mong ý tưởng hủy diệt Phật giáo, nhưng ít nhất ông cũng bị chi phối, khiến không thể công bình trong việc đối xử với các tôn giáo khác.
    Đã thiếu minh chính, thiếu vô tư xuyên qua đạo dụ số 10 và nghị định ký ngày 23-9-1960, ông Diệm còn phó mặc mọi công việc thuộc phạm vi quyền hành của ông cho những kẻ thân tín trong gia đình. Mà những kẻ này là ai? Là những kẻ chẳng có cương vị, chẳng có trách nhiệm gì đối với lịch sử và dân tộc, nhưng trong lòng lại chứa đầy những tham vọng cuồng dại. Mỗi người một vẻ, mỗi người đều muốn trở thành “vua” trong lĩnh vực riêng: kinh tế, chính trị và tôn giáo.
    Vì vậy người dân chỉ khổ trong phạm vị độc tài kinh tế, chính trị, nhưng Phật giáo đồ còn khổ cả về mặt tinh thần, tức vấn đề tín ngưỡng bị đe doạ.
    Quan điểm của tập sách thật hết sức rõ ràng. Nó đáp ứng trước hết là khẩu vị của nước Mỹ và không loại trừ bàn tay của CIA nhúng vào và khai thác, chủ yếu sự thù địch tôn giáo. Mục tiêu chống Cộng vẫn là hàng đầu của người viết sách. Dĩ nhiên, những sự kiện mà tập sách nêu ra đều đúng 100%, nhưng cách phân tích những sự kiện thì lại xuất phát từ những ý định có sẵn, làm thế nào để giải thích công cuộc chống Cộng kém hiệu quả ở Nam Việt Nam bằng một luận điểm và chỉ một luận điểm mà thôi: do Ngô Đình Diệm, biểu trưng tập trung nhất là đàn áp Phật giáo.
    Tập sách minh họa nhận định của lãnh đạo mà Luân nhận được ở Nam Vang từ tay Sa. Trò khua động dư luận để tạo cớ “thay ngựa giữa dòng” bắt đầu một cách rộn ràng.
    Chẳng có gì khó hiểu khi thượng tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo bỗng dưng ra một lời đính chính rằng Phật giáo không chấp nhận sự ủng hộ của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày mùng 10-6, Hãng thông tấn Pháp AFP loan tin này, tin bịa và thượng tọa Thích Tâm Châu đã đính chính thật. Người ta có thể thông cảm rằng Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến muốn cột phong trào Phật giáo với Việt Cộng nhưng người ta khó đoán mà thông cảm sự đính chính với lời lẽ hằn học của một nhà sư. Thượng tọa Thích Tâm Châu yêu cầu báo chí nói rõ rằng sự can thiệp của tướng Giáp là một việc làm không ăn thua vào đâu và ông ta không nhận sự ủng hộ ấy, mà ông ta xem như là một thủ đoạn của Cộng sản.
    Trong đầu Luân, bài toán xoay quanh một ẩn số, đó là quần chúng, kẻ phán quyết số phận của chế độ Ngô Đình Diệm lẫn các phần tử lợi dụng đạo Phật, lợi dụng quần chúng, lợi dụng thế của cách mạng.
    Ngày 16-6, Ủy ban liên bộ gồm Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Phủ tổng thống Nguyễn Đình Thuần và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương đã ký với phái đoàn Phật giáo một thông cáo chung. Đó là kết quả của 3 ngày thảo luận tại hội trường Diên Hồng. Thông cáo chung gồm 5 điều khoản, trong đó phía chính phủ có những nhượng bộ và phía Phật giáo cũng thế. Nếu người ta chú ý đến giờ ký bản thông cáo chung - 1 giờ sáng - thì có thể hiểu quá trình “cò kè” phức tạp đến chừng nào. Thông cáo chung được hòa thượng Tổng hội chủ Phật giáo kiểm nhận và Tổng thống Ngô Đình Diệm thông qua. Bên trên chữ ký của Diệm là hai dòng bút tích của ông: “Những điều được ghi trong thông cáo chung này thì đã được tôi chấp nhận nguyên tắc ngay từ lúc đầu”.
    Bị bắt buộc phải hạ mình ngang với các sư, Ngô Đình Diệm vẫn cố vớt vát.
    Cái chết của hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn chưa đủ độ mạnh để cảnh tỉnh chính phủ Ngô Đình Diệm.
    Mười ngày sau khi thông cáo chung được ký kết, Tổng thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa Ngô Đình Nhu đã xác lập: Phong trào Thanh niên Cộng hòa là một phong trào quần chúng, không phải là một phong trào của chính phủ để mù quáng làm tay sai cho bất cứ ai. Người ta chỉ có thể giải thích quan điểm đó là Thanh niên Cộng hòa không thừa nhận thông cáo chung. Nhu đã nói rõ: Các nhà sư rất hăng hái lợi dụng, xuyên tạc một cách trắng trợn và ngoan cố để đầu độc một số tín đồ và gây áp lực với các vị đại đức hầu phát động một chiến dịch bất tuân pháp luật... Sự nguy hiểm của công việc thiếu giáo dục, thiếu học tập, thiếu cảnh giác nhân dân, để một số bất cứ lúc nào cũng có thể trở nên cuồng tín. Trong một vụ làm chết người có tổ chức bằng cách tưới xăng đốt một vị thượng tọa và các nhà sư không ngần ngại hành hung các cảnh sát...
    Theo gợi ý chung của Nhu, Cao Xuân Vỹ, Tổng giám đốc Nha thanh niên, vận động một cuộc biểu tình đại quy mô để yêu cầu Ngô Đình Diệm duyệt lại bản thông cáo chung mà Vỹ cho là quá khoan hồng với Phật giáo. Một số cuộc mít tinh khác lập kiến nghị lên án Phật giáo. Một bộ phận trong nhóm Lục Hòa Tăng và Cổ Sơn Môn, theo gợi ý của Nhu, đã đánh điện cho Hội Phật giáo Sri Lanka lên án các hoạt động của Phật giáo Việt Nam.
    Trong thời gian này, Diệm chơi trò hai mặt. Một mặt dùng Nguyễn Ngọc Thơ để xoa dịu, một mặt dùng Cao Xuân Vỹ để kích động.
    Phía Phật giáo cũng có cách phản ứng riêng. Chan Htoon, Chủ tịch Hội Phật giáo thế giới đã ra lời kêu gọi Phật giáo thế giới ủng hộ Phật giáo Nam Việt Nam chống lại sự áp bức và ngược đãi Phật tử. Thái tử Norodom Sihnouk, Quốc trưởng Cambôt yêu cầu giải quyết gấp rút vấn đề tôn giáo bằng đường lối hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc đã được ghi trong tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc. Sihanouk còn đánh động các chính phủ Mỹ, tổng thống Ấn Độ, rổng thống Pháp, thủ tướng Anh; và bà Bandaranaike, thủ tướng Sri Lanka cũng hành động tương tự.
    Thông điệp của Sihanouk, như ông ta cam kết với Luân, lời lẽ hết sức có mức độ. Nhưng các trung tâm Phật giáo Miến Điện, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Iran, Nhật Bản và một số nước khác đã họp tại Tân Gia Ba để bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo Nam Việt.
    Điều mà dư luận lấy làm lạ xoay quanh chỗ hai phe chống đối đổ cho nhau là Việt Cộng. Phật giáo, qua Thích Tâm Châu, đã gán cho Ngô Đình Nhu là Cộng sản, là sử dụng nghệ thuật của Cộng sản khi gọi những người Phật giáo là phản động, là phiến loạn. Trên tờ The Times of Viet Nam, Trần Lệ Xuân cho đăng một bài tố cáo rằng những cuộc biểu tình của Phật giáo đều được tổ chức đúng như dự kiến của Cộng sản.
    Phật giáo tố cáo ông Ngô Trọng Hiếu đã cho 300 cán bộ công dân vụ cạo trọc đầu, giả làm sư để làm mất thanh danh Phật giáo, thậm chí thuê may cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam. Thông cáo của Bộ Nội vụ trưng ra các bằng chứng về sự dính líu của Phật giáo với Việt Cộng: tịch thu ở chùa này truyền đơn, ở chùa kia lựu đạn, ở chùa nọ chất nổ, bắt được quả tang cán bộ Cộng sản hóa trang làm sư với giấy thông hành giả và súng ngắn. Vân vân và vân vân.
    Chín giờ sáng ngày 23-7-1963, trong lúc chùa Xá Lợi đang diễn ra cuộc họp báo của bà Diệu Huệ, mẹ của giáo sư Bửu Hội, cho hay bà sẽ tự thiêu thì một đoàn biểu tình án ngữ lối ra vào chùa với các băng ghi: Đại diện cho 5 vạn thương phế binh và 12 vạn cô nhi quả phụ, yêu cầu hãy chấm dứt gây chia rẽ trong hàng ngũ Quốc gia. Trong các khẩu hiệu, ngoài những câu chống Cộng quen thuộc, Ngô Trọng Hiếu còn sáng tác ra một nội dung ngộ nghĩnh: Yêu cầu Tổng hội Phật giáo kết tội Lê Đình Thám, người sáng lập Hội Phật giáo, hiện làm tay sai cho Cộng sản miền Bắc. Nhưng có lẽ, cơ quan tình báo Mỹ đặc biệt chú ý đến hai khẩu hiệu:
    - Đừng để ngoại bang xâm nhập chủ quyền dân tộc.
    - Chấm dứt mọi hành động vọng ngoại ươn hèn.
    Hết sức lý thú là sau cuộc biểu tình “tự động” của dân vệ và thương phế binh trước chùa Xá Lợi, Tổng giám đốc Thông tin Phan Văn Tạo hỏa tốc họp báo. Tạo thanh minh rằng chính phủ không hay biết về cuộc biểu tình này, người chịu trách nhiệm là trung tá Trần Thanh Chiêu, thanh tra Trung ương dân vệ đoàn Chính phủ đã cách chức và phạt trung tá Chiêu 40 ngày trọng cấm. Nhưng, sau cuộc họp báo giật giân này chẳng bao lâu thì Trần Thanh Chiêu lại được thưởng Anh dũng bội tinh.
    Tình hình vừa căng thẳng vừa lộn xộn, có bi và có hài.
    ... Luân đọc các tin trên báo, trong các báo cáo và anh bỗng cười. Dung kinh ngạc.
    - Em đoán xem tại sao anh cười? - Luân hỏi vợ.
    - Chịu thôi!
    - Hiện nay, ai cũng nhắc đến Việt Cộng cả. Em nhớ cuộc xung đột ở bán đảo Sinai giữa Ai Cập và Do Thái không? Ai Cập tuyên bố: Chúng tôi sẽ thắng vì chúng tôi noi theo tấm gương anh hùng của Việt Nam. Do Thái tuyên bố: Chúng tôi sẽ thắng vì chúng tôi học các bài học dũng cảm, kiên quyết của Việt Nam... Tại Sài Gòn, chính phủ buộc Phật giáo là Việt Cộng, Phật giáo buộc chính phủ là Việt Cộng... Trăm sự đều do Việt Cộng cả!
    - Tất nhiên, họ xuyên tạc. Song, cái đáng nói là Việt Cộng buộc họ phải nhắc đến như một huyền thoại.
    - Em nói đúng. Xét cho cùng, tất cả rắc rối thuộc nội tình của chế độ thân Mỹ ở Nam Việt sẽ không có hoặc có dưới mức gay gắt, nếu chúng ta không tồn tại, dân tộc ta không thể hiện bản lĩnh và từ 1954, không có một miền Bắc tự do, từ 1960, không có một Mặt trận Giải phóng hùng mạnh...
    Luân dịu dàng ghì Dung, hôn lên má cô.
    
    12 giờ trưa ngày 4-8, Thích Nguyên Hương, một nhà sư trẻ, sinh năm 1940 đã tự tưới xăng lên mình, tự châm lửa tại Đài chiến sĩ trước Tòa tỉnh trưởng Phan Thiết. Thích Nguyên Hương chết kéo theo những rắc rối mới. Cơ quan công lực tỉnh Bình Thuận bắt nhốt các tăng ni Phật tử đến viếng Thích Nguyên Hương tại nhà xác của bệnh viện. Tàn bạo hơn nữa, cảnh sát bẻ nhục thân của thầy Nguyên Hương để nhét vào hòm, đưa về Tuy Phong tránh mũi nhọn của quần chúng tại thị xã Phan Thiết.
    Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu không phải là một hành động đột ngột. Ngày 30-7, đại đức đã gửi một thư trần tình và bức thư đó - cùng với bức thư của đại đức gửi cho cha mẹ - được công bố trên báo chí.
    20 giờ ngày 12-8, một thiếu nữ vóc dáng mảnh dẻ, mặc chiếc áo dài màu xanh đã dùng búa tự chặt tay mình tại chùa Xá Lợi. Đó là nữ sinh Mai Tuyết An. Cũng như trường hợp Thích Nguyên Hương, Mai Tuyết An đã dự định hành động và không giấu giếm ý định của mình.
    Ngày 13-8, tại Huế, đại đức Thích Thanh Tuệ lại tự thiêu. 8 giờ ngày 15-8, tại Ninh Hòa, ni cô Diệu Quang tự thiêu tại chùa Ninh Hội. Ngày 16-8, tại Huế, trong khuôn viên tại chùa Từ Đàm, thượng tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu.
    Tất cả đẩy tình hình Nam Việt đến chỗ bùng nổ.
    Bình luận của các báo: Hầu hết các báo đều đăng các tin bình dưới đây, không mang chữ ký.
    
    Bảng thông cáo chung, gáo nước lạnh dội vào ngọn lửa le lói...
    2 giờ ngày 16-8-1963, bản thông cáo chung được ký kết giữa chính phủ và Phật giáo sau 2 ngày đêm hội đàm, 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo được công nhận. Tổng hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố, cuộc đấu tranh đã hoàn thành trong giai đoạn cần thiết.
    Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện đúng với chương trình đấu tranh thuần túy tôn giáo, cương quyết từ chối mọi sự lợi dụng của những tổ chức chính trị. Bức thư của thượng tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban liên phái đăng trên tờ Đồng Nai chống lại sự lợi dụng của Võ Nguyên Giáp đồng thời vạch rõ vị trí hoạt động của Phật giáo Việt Nam trong cuộc đấu tranh thuần túy tôn giáo cho 5 nguyện vọng Phật giáo đồ.
    Bản thông cáo chung giữa chính phủ và Phật giáo được ký kết như một giáo nước lạnh xối vào ngọn lửa le lói của bọn trung lập định lợi dụng cuộc đấu tranh huynh đệ ở Việt Nam.
    Phối hợp chặt chẽ giữa bọn trung lập thân Cộng Việt - Miên
    Trong thời gian có cuộc đấu tranh tôn giáo thì tại Cambôt, bọn trung lập thân Cộng Cao Miên cũng như lưu vong Việt Nam hớn hở mừng rỡ. Điện tín, thư từ giữa bọn trung lập Cambôt và bọn trung lập thân Cộng Việt Nam cầm đầu là Trần Văn Hữu có sự giúp sức của bọn Hồ Thông Minh, Phạm Huy Cơ, cấu kết với nhóm Việt Cộng của Mai Văn Bộ định thành lập ngay một chính phủ lưu vong mà bản tuyên ngôn đầu tiên kiểu trung lập Lào năm 1960.
    Một số chính khách lưu vong từ Balê về Nam Vang hăm hở họp hằng ngày để bàn về tình hình Sài Gòn trong thời gian có cuộc đấu tranh tôn giáo.
    
    Sự thật về âm mưu Sihanouk và lưu vong
    Cuộc đấu tranh của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, đúng như Đức hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và thượng tọa Thích Thiện Minh, Trưởng phái đoàn Phật giáo Việt Nam đã nói là thuần túy tôn giáo.
    Cũng như Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đã nói, tinh thần bản thông cáo chung được ký kết giữa Phật giáo và chính phủ là tinh thần đoàn kết huynh đệ, những minh định trên đây của các vị lãnh đạo chính phủ cũng như Phật giáo, hơm một lần đã làm sáng tỏ thiện chí xây dựng của những người yêu nước, đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết.
    Những bọn cơ hội, bọn hoạt động, bọn tay sai cho Cộng sản, vẫn cố tình lệch lạc, nhắm mắt, bưng tai, âm mưu lợi dụng cuộc đấu tranh huynh đệ trong nội bộ Việt Nam Cộng hòa, muốn biến cuộc đáu tranh thuần túy tôn giáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành một cuộc đấu tranh chính trị có lợi cho bọn đế quốc, bọn Cộng sản và bọn thù nghịch quốc tế.
    Tại Nam Vang, trong một buổi lễ khánh thành một ngôi chùa, thái tử Norodom Sihanouk, Quốc trưởng Cao Miên đã tuyên bố, sẽ tích cực can thiệp để cứu “những đạo hữu Việt Nam - của ông”. Sau đó, chính quyền Cao Miên tổ chức cuộc biểu tình của các sư sãi Cao Miên đến trước Tòa đại diện Việt Nam Cộng hòa để đưa kiến nghị.
    Thái tử Norodom Sihanouk đích thân viết thư cho Tổng thống Kennedy, Thủ tướng Mac Milan, Tổng thống Ấn Độ và UThant, Tổng thơ ký Liên hợp quốc yêu cầu can thiệp vào vấn đề nội bộ Việt Nam Cộng hòa.
    Tổng thống Kennedy đã trả lời Norodom Sihanouk rằng: “Nguyên tắc dân chủ, Tổng thống Kennedy không thể can thiệp vào vấn đề nội bộ Việt Nam Cộng hòa và Tổng hội Phật giáo đã đi đến một thỏa hiệp tốt đẹp.”
    Norodom Sihanouk nấp sau bức bình phong tôn giáo để thực hiện một âm mưu chính trị.
    Trong khi ấy, tại Nam Vang, bọn Ca Văn Thỉnh, đại diện kinh tế mậu dịch của Việc Cộng, Lê Phủ Doãn, tên trùm giám điệp Việt Cộng đã cùng với một số lưu manh, chạy theo với một số chính khách Cao Miên để tập hợp thêm một số bất mãn lưu vong ở Cambốt với sự giúp đỡ của Cambôt lợi dụng phong trào đấu tranh tôn giáo ở Việt Nam Cộng hòa điều động một số người đánh phá vùng biên giới. Một mặt, có sự phối hợp của Cộng sản miền Nam phá hoại ở đô thị gây ra những cuộc náo loạn, biến cuộc đấu tranh thuần túy tôn giáo thành cuộc đấu tranh chính trị quần chúng để lật đổ chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
    
    Tờ New York Times cuối tháng 7, đăng một bài tường thuật của Erich Wulf, nhà thần học, gốc Đức, nhiều năm ở Nam Việt Nam. Tường trình của bác sĩ Erich Wulf cùng với hàng loạt cuộc diễn thuyết của ông trên đất Mỹ đã dẫn đến một cuộc hội kiến giữa công và các nhân vật có thẩm quyền của chính phủ Hoa Kỳ trong đó đáng để ý là Ngoại trưởng Dean Rusk và nhà chính trị có thế lực của đảng Cộng hòa Cabot Lodge. Erich Wulf nói:
    “Ngày 8-5-1963, tại cố đô Huế, tôi phải tìm hết cách mới lén lút vào được căn nhà xác để xem 8 tử thi bị quân đội của tổng thống Ngô Đình Diệm bắn đứt đầu, gãy chân ngay trước khi chính phủ vội vàng đem chôn... Tôi là người Tây phương, không có ân huệ gì với Phật giáo Việt Nam, không có ác cảm gì với chính phủ Ngô Đình Diệm; tôi nói những điều này là tôi trông thấy, các ông nghĩ sao?
    Đầu tháng 6, tôi cố gắng lắm mới tìm được cách vào săn sóc chớp nhoáng cho 62 sinh viên Phật tử, nạn nhân của những vụ “tạc đạn lửa chế tạo tại Hoa Kỳ” do chính phủ Ngô Đình Diệm gây ra. Trong chương trình viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam, gồm có nhiều thứ, nhưng chắc các ông đã nhận thấy chính phủ Ngô Đình Diệm không ham chuộng chuyên viên y tế và thuốc men bằng súng bom!
    Các ông hiện nay là những yếu nhân của chính phủ Hoa Kỳ, nếu có những người dân của các ông tuyệt thực để phản đối chính sách của các ông; các ông đối phó với họ bằng cách nào? Tất nhiên, các ông phải áp dụng phương thức nhân đạo chung mà thế giới thường làm: cứu xét nguyện vọng để thỏa mãn; nếu chưa thể được thì phải giữ họ mà tiêm thuốc bổ để duy trì sức khỏe cho cơ thể họ. Các ông có biết ở miền Nam Việt Nam, người ta đã đối phó như thế nào không? Khi 300 sư sãi và Phật giáo đồ tuyệt thực 48 giờ trong chùa Từ Đàm, thì chính quyền cho lính đến bao vây, cúp điện nước. Hết hạn tuyệt thực của tăng ni, họ lại mang dây thép gai đến phong tỏa, không cho chở thực phẩm vào chùa. Vài ngày sau, một số người hoạt động trong chi nhánh hội Hồng thập tự quốc tế tại Việt Nam bí mật nhờ tôi tới xem xét có muối và nước trong chùa Từ Đàm mà các vị sư đang cần để tìm cách cứu giúp. Nhưng tôi cũng bị chung một số phận với các sinh viên Phật tử đội cơm tới chùa để cúng đường, họ bị đuổi về, sau khi thực phẩm bị quăng xuống cống. Còn tôi, tôi bị dây thép gai trói chặt lấy lương tâm và lòng thương xót của tôi.
    Cũng vì việc phong tỏa này nên các sinh viên Phật tử nhất tề nổi dậy, rồi họ bị khủng bố, bị đả thương rất nhiều và nhiều người bị thương tích vô cùng trầm trọng. Tôi không thể dành cho các sinh viên này một phương pháp trị liệu đặc biệt nào, vì nhân viên chính phủ đã từ chối không cho tôi biết là họ dùng loại lựu đạn gì. Nhưng có biết cũng vô ích vì chỉ một ngày sau, tất cả các bệnh nhân của chúng tôi đều được mang đi và được giam ở một nơi rất cẩn mật, đến nỗi hiện nay chúng tôi cũng không nhận được tin tức gì về số phận của họ. Trong số những người bị thương, và bị giam giữ bí mật này có nhiều người tôi quen biết vì họ là những sinh viên ưu tú của lớp học mà tôi dạy, trước ngày bị thương trầm trọng, một trong những sinh viên ưu tú của Trường y khoa Huế đã gặp người bạn đồng nghiệp rất thân của tôi tại một góc phố. Đồng nghiệp của tôi không nhận ra anh sinh viên Phật tử này nữa, vì trông anh quá hốc hác do sự hành hạ dã man gây ra”.
    Mũi tiến công đột phá của Erich Wulf được dư luận Hoa Kỳ tán đồng - dư luận báo chí và dư luận chính giới - như đã chờ đợi từ lâu, theo bản hợp xướng đã xong phần phối âm. Tờ New York Herald Tribune lên tiếng sớm nhất:
    “Thượng tọa Thích Quảng Đức, một vị tu sĩ Phật giáo đã biến tấm áo cà sa vàng của mình thành một dàn hỏa thiêu không phải là một người duy nhất có thể tự đốt mình. Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam cũng đang làm một việc rất hay là ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông... ”
    Thượng nghị sĩ Wayne L.Morse thuộc tiểu bang Oregon dự vào cuộc hòa âm ngay lập tức: “Chúng tôi không đồng ý cho một dollar nào nữa để ủng hộ một chế độ độc ác và tàn bạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam”. Trước nghị viện, ông Morse nói thẳng thừng: “Chế độ hiện thời ở Nam Việt Nam không đáng hưởng sự hy sinh tín mệnh của một trẻ em người Mỹ... ”
    
    THÔNG BÁO CỦA BỘ NỘI VỤ
    Từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 7 năm 1963, Tòa án quân sự đặt biệt Việt Nam Cộng hòa đã xử 94 can phạm gồm 19 sĩ quan và 75 thường nhân liên quan đến cuộc phiến động ngày 11 tháng 11 năm 1960. Tòa tuyên án chung thẩm tử hình đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh lữ đoàn dù, trung tá Vương Văn Đông, đồng thời đã kêu án từ 18 năm khổ sai đến 7 năm khổ sai và 5 năm cấm cố các thiếu tá Phan Trọng Chinh, trung úy Nguyễn Bá Mạnh Hùng vv...
    Về thường nhân, tòa đã kết án thỏa đáng các tên Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Thành Phương, Đinh Xuân Hoạt, Phạm Lợi, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lương, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Hồ, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Lê Ngọc Chấn, Trần Văn Tuyên, Phạm Hữu Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Văn Đỗ v.v...
    
    NHÀ VĂN NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM TỰ SÁT
    Tin các báo:
    Nhà văn nổi tiếng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng, từng là Chủ nhiệm những tờ báo nổi tiếng như Phong Hóa, Ngày Nay, Xướng Xuất, Tự lực văn đoàn, tác giả nhiều quyển tiểu thuyết, đã có lúc giữ chức Ngoại trưởng chính phủ Việt Minh, vào 1 giờ 12 phút ngày 8-7-1963 đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Đồn Đất bằng thuốc độc, giữa lúc tòa án quân sự đặc biệt đang xét xử ông.
    Đám tang Nguyễn Tường Tam được cử hành theo thể thức Phật giáo và một đoàn người đông đảo đã đưa linh cửu Nguyễn Tường Tam đến cầu siêu tại chùa Xá Lợi. Nguyễn Tường Tam được chôn ở chùa Giác Minh, Gò Vấp. Ông hưởng thọ 57 tuổi.
    
    MỘT TÊN KHỦNG BỐ VIỆT NAM MƯU TOAN LIỆNG LỰU ĐẠN VÀO ĐÁM TANG NHẤT LINH
    Tin VTX
    Một tên khủng bố Việt Cộng đã bị bắt ngày hôm qua trong lúc đang trà trộn vào đám đông người dự đám táng nhà văn Nguyễn Tường Tam tại nghĩa trang chùa Giác Minh (Gò Vấp).
    Tên này là phu xích lô số 0125 lúc ấy đậu trước nhà cạnh nghĩa trang.
    Theo nhà chức trách, tên này mặc sơ mi kiểu quân nhân, trên túi áo để một trái lựu đạn. Vẫn theo nhà chức trách thì vị trên đường vào nghĩa trang là độc đạo, nên tên VC này chưa dám ném trái lựu đạn, vì y sợ khi ném rồi thì không có lối thoát thân.
    Thật quả là một điều may mà tên khủng bố chưa thi hành được thủ đoạn, nếu không, có lẽ sẽ gây tai nạn cho nhiều người, vì lúc ấy còn đông người dự đám tang.
    Cuộc điều tra của nhà chức trách còn đang tiến hành.
    *
    THÔNG BÁO CỦA NHA TỔNG GIÁM ĐỐC THÔNG TIN
    Ngày 7-7-1963, trước cửa chùa Nguyệt Quang ở hẻm 164 đường Trương Minh Giảng đã xảy ra một vụ lộn xộn như sau:
    Sáng hôm đó, một số sư sãi làm lễ cầu siêu trong chùa rồi sắp hàng kéo ra đường định biểu tình, nên các cảnh sát viên yêu cầu họ trở về chùa với lý do trật tự an ninh. Một vài ký giả ngoại quốc đứng gần đó đã tiến tới vạch lối cho sư sãi đi: đó là một trường hợp đi ra ngoài quyền hạn của báo chí.
    Tiếp theo ký giả Peter Arnett, thuộc hãng thông tấn Associated Press giơ máy chụp hình và phó thẩm sát viên Lâm Văn Lý thuộc Tổng nha Cảnh sát quốc gia ra lệnh không được chụp sau khi đã xuất trình phù hiệu cảnh sát. Ký giả Arnett không những không tuân lệnh mà còn quay ống ảnh vào chính mặt ông Lâm Văn Lý chụp.
    Ông Lâm Văn Lý lấy tay che ống kính máy ảnh, thì bị ký giả Malcolm Browne, cũng thuộc hãng AP, hành hung. Đồng thời ký giả Peter Arnett quay lại đánh thẩm sát viên Nguyễn Văn Lang tới giải vây cho phó thẩm sát viên Lâm Văn Lý. Cả hai nhân viên công lực đều bị thương nhẹ, và rách áo.
    Còn phía ký giả Arnett Browne khai bị hư máy ảnh.
    Việc này chỉ là một vụ lộn xộn nhỏ có thể xảy ra bất cứ ở nơi nào. Nhưng rất tiếc rằng một số các ký giả ngoại quốc đã tự ý cho việc này có một tầm quan trọng hơn, cho rằng “chính phủ Việt Nam định tâm dùng vũ lực đàn áp ký giả ngoại quốc” trong khi chính mấy ký giả đó đã dùng vũ lực để đàn áp cảnh sát - nói tóm lại, đã thổi phồng việc này thành một đề tài chính trị nên Tổng nha thông tin có bổn phận phải đặt lại vụ lộn xộn trong khuôn khổ sự thực.
    
    ĐIỆN KHẨN
    Peter Arnett gửi Tổng xã AP Sài Gòn ngày 9-7.
    Thông báo của Nha tổng giám đốc Thông tin Việt Nam Cộng hòa về trường hợp của tôi và của Browne là hoàn toàn xuyên tạc. Chính Nguyễn Văn Lang và Lâm Văn Lý cùng nhiều cảnh sát đã đánh chúng tôi. Ở Sài Gòn, người ta đang sáng tác những thông báo dối trá đến độ nhơ nhớp. Ví dụ người ta đưa tin một tên khủng bố Việt Cộng mưu toan liệng lựu đạn vào đám tang nhà văn nổi tiếng Nhất Linh và tên khủng bố bị bắt. Đó là một vụ tưởng tượng, mặc dù chính phủ ông Diệm cố chụp ảnh chiếc xích lô. Thói nói láo đã trở thành một bệnh dịch được nhà nước Việt Nam Cộng hòa gieo rắc và khuyến khích cho lây lan...
    
    Luân và Nhu ngồi đối diện cả 15 phút. Ngoài rít thuốc, họ im lặng. Luân đoán rằng Nhu sắp tung thêm một đòn nữa vào Phật giáo - đòn gì, anh chưa biết.
    Trong những tháng gần đây, Nhu mất hẳn vẻ điềm đạm và sâu sắc mà Luân vẫn phục anh ta. Nhu bắt đầu nói năng thiếu cân nhắc, có nhiều quyết định thật đột ngột và chẳng hợp lý, nhất là trên mặt trận dư luận và trong đối phó cụ thể. Cảm thấy uy tín của chế độ mà anh ta là “linh hồn” - như anh ta tự nhận đôi khi lộ liễu - sa sút nghiêm trọng trong mấy năm nay, Nhu thích ca ngợi quá khứ, kể công. Không ít lần Luân phải chịu đựng hàng giờ với Nhu: anh ta “độc chiếm” diễn đàn thao thao bất tuyệt. So với tuổi, Nhu già quá sớm - già về khả năng suy xét.
    Đối thủ của anh ta, bây giờ là cả một chính phủ Mỹ, tất nhiên rất vui lòng trước những sơ xuất liên tục của anh ta - đúng như tờ New York Herald Tribune nhận xét - “gia đình Tổng thống Diệm đang thúc đẩy sự thiêu hủy của chính mình”.
    - Đã đến lúc mà một nhượng bộ nhỏ cũng trở nên nguy hiểm! - Nhu nói. - Ta phải làm mạnh. Tổng thống Mỹ ủng hộ ta. Số đông nhà sư chân chính ủng hộ ta. Các tướng nói chúng đều đứng sau lưng chính phủ. Ngay Big Minh, ông ta cũng chỉ lưu ý tôi là đề phòng cấp dưới lợi dụng danh nghĩa chính phủ mà gây ra hiểu lầm trong dư luận... Về người Mỹ, tôi nghe đâu Kennedy đau một thứ bệnh gì đó nan y.
    Luân bỗng thấy thương hại Nhu. Anh so sánh Nhu với những ngày cuối cùng của Hitle mà anh xem trong nhiều sách! Đầu tháng 4, nghĩa là cách ngày Hitle tự sát non tháng, khi các vành đai phòng thủ ngoại vi dẫn đến Berlin bắt đầu nát vụn trước các mũi tiến công dữ dội của quân đội Xôviết, Hitle đã hò hét: “Đối với chúng ta, chỉ có việc đơn giản là phải đứng vững. Ở mặt trận phía đông, có thể chống cự với quân Nga ít nhất 2 tháng nữa. Từ đây đến đó, liên minh Nga - Mỹ - Anh sẽ đổ vỡ và sẽ ký một thỏa hiệp với nước nào đề nghị với ta trước... ”. Hitle có cái nhìn lịch sử khá độc đáo vào lúc y mạt vận: y cắt nghĩa thắng lợi của vua Frederik (1) là do... cái chết bất ngờ của Nga hoàng Elizabeth.
    Bởi vậy, ngày 13-4, tin tổng thống Mỹ Roosevelt từ trần được bọn đầu sỏ phát xít tiếp nhận với sự vui mừng điên dại. Goebel ngã lăn ra bất tỉnh, rồi gọi điện cho Hitle: Thưa Quốc trưởng, hôm nay, đúng là bước ngoặt. Hitle cũng nhảy cỡn lên, gọi điện thoại loạn xạ đi khắp nơi.
    Nhu đang ở trong tình trạng bấn loạn. Anh ta hy vọng hão huyền.
    Nhu đứng lên, Luân biết là Nhu không còn sức để trao đổi với anh những vấn đề thực tế, mặc dù Nhu giao anh một cặp tài liệu cực dày về các vấn đề bảo vệ ấp chiến lược, hẹn hôm nay bàn. Hai người bắt tay nhau. Chưa bao giờ hai người lại ít nói như hôm nay. Nhu lững thững đi vào phòng riêng. Luân có cảm giác Nhu cố gắng thật dữ để lê đôi chân...
    ---
    (1) Còn gọi là Frederik II đại đế, vua Phổ (1740-1786), chiến thắng cuộc chiến tranh “7 năm” của các nước liên minh Nga, Pháp, Áo. Elizabeth, nữ hoàng Nga (1741-1782), con gái của Pierre Đại đế.
    

Xem Tiếp Chương 7Xem Tiếp Chương 9 (Kết Thúc)

Ván Bài Lật Ngửa ( Phần VII )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Đang Xem Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói