Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Kiếm Hiệp » Đời Con Gái Tác Giả: Bà Tùng Long    
    Mai Lan về nhà mà trong lòng không vui. Nàng hiểu là Cảnh yêu nàng thật sự. Một mối tình chân thật như vậy mà nàng còn dè dặt thì cũng lạ. Cảnh đã lớn tuổi, có đue khôn ngoan để chiếm đoạt nàng nhưng Cảnh không bào giờ có ý lợi dụng, lúc nào cũng tôn trọng Mai Lan. Cũng chính vì điều đó mà Mai Lan áy náy. Nàng sợ một khi Cảnh hay biết nàng đã có một đứa con, đã bị rơi vào một tình yêu nghiệt ngã thì liệu Cảnh có còn kính nể nàng, thương quý nàng như một vật quý nữa không? Hay là tâm lý đàn ông, người nào cũng xem thường hạng con gái hư hỏng, dễ dãi?
    Ngày hôm sau, sau một đêm suy nghĩ, Mai Lan quyết định đến gặp bà Hà Chi và nói hết sự thật cho bà nghe. Bà là người lớn tuổi, có học thức, xuất thân ở một gia đình khá giả, ba lại lịch duyệt, thì nàng có thể trao gởi cho bà câu chuỵên không may của đời con gái của nàng. Nàng phải nói sự thật để bà xét đoán có còn ý muốn nhận nàng làm con nuôi nữa không? Và sau này nếu bà khám phá ra sự thật thì bà không trách nàng là giả dối, thiếu chân thành.
    Thế là Mai Lan đến gặp bà Hà Chi. Thấy Mai Lan đến thình lình, bà không khỏi ngạc nhiên:
    – Hôm nay cháu rãnh hay sao mà đến thăm tôi vậy?
    Mai Lan liền ngồi xuống bên bà:
    – Thưa bà, con đã hứa với bà để con về suy nghĩ về lời đề nghị của bà. Hôm nay con đã nghĩ kỹ rồi và xin đến thưa để bà rõ. Nhưng trước khi nhận lời bà, con xin phép bà cho con được kể hết về cuộc đời của con để bà hiểu và tùy bà định đoạt.
    Và Mai Lan đã kể hết cho bà Hà Chi về gia cảnh và chuỵên không may của đời con gái của mình.
    Mai Lan kể đến đoạn bị ông cha ghẻ dụ dỗ và cơn ghen kinh khủng của mẹ khi khám phá ra chuyện ấy thì ôm đầu nức nở ...
    Bà Hà Chi ngồi nghe, vô cùng cảm động ...Nghe đến đoạn Xuân Lan hay biết sự thật bà Hà Chi thở dài:
    – Vậy thì mẹ cháu có lỗi quá. Tội nghiệp con bé, bây giờ nó ở đâu? Cháu ra khỏi nhà tu cũng phải. Không thể để con bé của khổ sở vì thiếu tình thương.
    Mai Lan nói cho bà Hà Chi biết hiện giờ Xuân Lan đang nằm bệnh viện:
    – Vì Xuân Lan, cháu ra khỏi nhà tu, nhưng bây giờ cháu ăn năn về việc làm ấy. Trở lại với đời, cháu thích sống thật sung sướng, hưởng thụ thật nhiều để bù lại những năm chôn vùi cuộc đời xuân trẻ trong bốn bức tườngồ tu viện. Cháu chưa yêu, chuyện ngày xưa chỉ để lại lòng cháu một sự sợ hãi, nhưng cũng có phần khao khát yêu thương ...Cháu muốn nếm qua hương vị chúng tôi tình yêu, làm lại tất cả ...Và bây giờ, chính Xuân Lan là một trở ngại cho cuộc đời mới của cháu. Cháu đang bị giằng co giữa bổn phận và hạnh phúc riêng tư ...Bà là người có kinh nghiệm sống, chắc hiểu cháu nhiều, xin bà tha lỗi cho cháu vì tình cảm quá phức tạp. Rồi ra đây tìm việc làm, cháu gặp chị Sương, gặp ông Cảnh. Ông Cảnh đã cho cháu nếm qua cảnh sống xa hoa của lớp người giàu sang. Những gì cháu chưa biết trước đây, ông Cảnh đã mở mắt cho cháu ...Bây giờ, cuộc đời cháu ra thế này, cháu không còn trách ai.
    Bà Hà Chi nói:
    – Lỗi tại mẹ cháu, vậy mà mẹ cháu vẫn ung dung lo xây dựng hạnh phúc. Tội nghiệp cho Xuân Lan ... Tôi cám ơn cháu đã thành thật như vậy. Nếu cháu cố tình che đậy, sau này hay được chắc tôi phiền trách cháu lắm.
    Mai Lan lo lắng nhìn bà Hà Chi. Bà đằng hắng rồi nói tiếp:
    – Hiểu rõ hoàn cảnh đau thương của cháu, tôi càng yêu thương cháu. Tôi vẫn không thay đổi ý định nuôi cháu làm con nuôi. Nhưng bây giờ, một khi đã biết cháu còn có cha mẹ, tôi em ngại một điều.
    – Điều gì thưa bà?
    – Nếu tôi nhận cháu làm con nuôi, rồi gia đình cháu không bằng lòng thì sao?
    – Như cháu đã trình bày với bà, mẹ cháu chỉ muốn cháu ra khỏi nhà, đừng bao giờ để dượng cháu gặp mặt nữa, nếu bây giờ có người lãnh nuôi và dạy dỗ cháu thì mẹ cháu càng mừng rỡ, cảm ơn là khác.
    – Đành là vậy, nhưng nếu mẹ cháu biết có người lo cho cháu, sẽ buồn, sẽ tủi.
    Tôi biết tâm lý con người lắm, và nhất là tâm trạng người mẹ.
    – Như vậy bà không còn muốn nhận cháu làm con nuôi nữa phải không?
    – Không, tôi không bao giờ bỏ ý định ấy. Tôi sẽ nhận cháu làm con, nhận Xuân Lan làm cháu. Tôi sẽ gởi Xuân Lan đi ngoại quốc học.
    Mai Lan nhìn bà Hà Chi với đôi mắt chứa chan sự biết ơn thì bà nói tiếp:
    – Nhưng tôi muốn cháu viết thư về trình bày rõ việc này với mẹ cháu, hoặc mời mẹ cháu ra Nha Trang để cháu thưa rõ mọi chuyện. Tôi không cần gặp mẹ cháu, vì chắc mẹ cháu cũng không muốn gặp tôi, cháu đã trưởng thành rồi, cháu có quyền định đoạt cuộc đời cháu. Bên nội của cháu có còn ai bà con không?
    Bên nội của cháu còn người cô, chị của cha cháu. Cô Thưởng rất yêu thương cháu. Hiện giờ Xuân Lan ở với cô trên Đà Lạt.
    – Tôi có thể gặp cô Thưởng được không? Cháu có thể cho tôi biết địa chỉ cô Thưởng không?
    – Dạ được.
    – Vậy cháu hãy viết địa chỉ bà Thưởng vào quyển sổ tay này.
    Mai Lan ghi vòa cuốn sổ tay của bà Hà Chi địa chỉ của bà Thưởng.
    Bà Hà Chi giữ Mai Lan lại dùng cơm trưa với bà. Trong khi ăn, bà nói:
    – Chắc khi hay biết cháu gặp tôi, mẹ cháu sẽ buồn lắm ... Một người mẹ đầy đủ bổn phận không bao giờ để con phải chịu cảnh này và không bao giờ bắt con phải đi tu một cách vô lý như vậy. Tôi thương cháu lắm. Nếu cháu là con nuôi của tôi rồi thì tôi không bao giờ cho phép ông Cảnh đeo đuổi cháu. Cháu đừng nghĩ vì chuyện dở dang ngang trái kia mà cháu không có quyền có chồng tử tế ... Biết bao nhiêu thiếu phụ năm bảy con rồi mà vẫn có chồng tử tế thì sao?
    Một tuần sau, Mai Lan lên Đà Lạt theo lời khuyên của bà, để gặp cô Thưởng.
    Trước đó nàng cũng đã viết thư cho cô.
    Nhưng điều nàng không ngờ là tại đấy, nàng gặp cả mẹ. Bà Phương nhìn Mai Lan không chớp mắt vì thấy nàng xinh đẹp trong chiếc áo dài màu rêu và chiếc choàng đen bằng nhung.
    Bà Thưởng khen:
    – Cháu của cô càng ngày càng trẻ, càng đẹp. Cháu lên đây vì những điều cháu đã nói trong thư phải không?
    Mai Lan không ngờ gặp mẹ ở đây nên cũng cảm thấy khó xử, vì vậy nàng tìm cách hoãn binh và nói với bà Thưởng:
    – Cô và mẹ cho phép con đi thay đồ và tìm cái gì ăn qua đã. Sáng nay ra đi con không ăn điểm tâm vì sợ lên xe bị nôn.
    Nói xong Mai Lan đi vào nhà trong. Bà Thưởng đi theo hỏi:
    – Lên đây con ở được mấy ngày?
    – Thưa cô, ngày kia con đã phải về lại Nha Trang rồi.
    Mai Lan vào phòng tắm rửa mặt, trang điềm lại và thay bộ đồ tây, định sẽ vào ký túc xá thăm Xuân Lan sau khi nói chuyện với mẹ và cô. Nàng càng xinh đẹp, gọn ghẽ trong chiếc quần tây bó sát và chiếc áo nỉ dài tay với cái cổ cao lót nhung.
    Mai Lan kể lại những gì nàng đã nói cho bà Hà Chi biết và việc bà Hà Chi yêu cầu gặp bà Thưởng.
    Bà Thưởng nghe xong, dè dặt chưa nói gì vì tính bà từ xưa đến nay bao giờ cũng vậy, nhưng bà Phương thì với tính bồng bột, nỏng cố hữu liền kêu lên đầy vẻ tức giận:
    – Mai Lan, làm như vậy, con không nghĩ là con đã làm nhục mẹ, làm xấu hổ cho dượng con hay sao?
    Mai Lan ôn tồn nói:
    – Thưa mẹ, về chuyện làm nhục mẹ, con nghĩ không có gì mẹ phải nhục, vì sau khi mẹ ném con vào tu viện và giờ đây ném con ra ngoài đời, con có nhận bà Hà Chi làm mẹ nuôi thì cũng là sự hợp lý, hợp tình. Còn chuyện làm xấu hổ cho ông dượng ghẻ thì, xin lỗi mẹ, hành vi ngày nào của ông ấy cũng đã la một việc xấu hổ rồi, đợi gì con phải làm.
    Bà Thưởng thấy mặt bà Phương tái lại thì không khỏi thương hại, liền nói:
    – Mai Lan, con nên nhẹ lời và đừng quên là mẹ con cũng đau khổ không kém gì con.
    Mai Lan khóc:
    – Sự thật con không ngờ con lên đây lại gặp mẹ con. Con đã thưa rõ với bà Hà Chi và bà chỉ cần thưa chuyện với cô là đủ.
    Bà Phương kêu lên:
    – Như vậy là con đâu còn kể mẹ ra gì!
    Mai Lan lau nước mẳt:
    – Mẹ bao giờ cũng là mẹ của con và trong đời đứa con nào thì cũng chỉ có một bà mẹ. Con sở dĩ nhận lời làm con nuôi bà Hà Chi là tìm một chỗ dung thân cho những ngày sắp tới. Như vậy cũng là để tránh cho mẹ những lo nghĩ, và con cũng không phải lăn lóc ngoài xã hội để tìm cái sống.
    Bà Phương cau mày:
    – Con nói như vậy là con không biết thương mẹ. Mẹ còn sống sờ sờ đây mà con lại đi làm con nuôi người khác.
    – Mẹ quên là con đã ba mươi tuổi sao?
    – Mà bà Hà Chi ấy là người thế nào? Rủi bà ta có ý xấu, lợi dụng nhan sắc của con thì còn gì là đời.
    Mai Lan kêu lên một cách mỉa mai, cay đắng.
    – Còn là gì đời con? Mẹ ơi, bây giờ mẹ mới lo như vậy sao? Mẹ không tin bà Hà Chi nhưng tại sao hồi đó, mẹ lại không gởi con lên đây với cô Thưởng, rồi mẹ cứ nuôi Xuân Lan, cứ xem nó là con của mẹ? Với cái tuổi mười tám, hai mươi, con có thể kiếm một tấm chồng nếu mẹ và cô thật sự xây dựng lại cho con. Đàng này mẹ lại nhốt con vào tu viện.
    Bà Thưởng nói:
    – Hồi đó, cô đã đề nghị như vậy mà mẹ con không chịu, cô biết sao? Con là cháu của cô nhưng là con của mẹ con. Cô đâu có quyền. Thì như con biết đó, cô có nhiều lần xuống tận Sài Gòn để bàn với mẹ con về chuyện của con, nhưng mẹ con lại giành lấy mà nuôi con.
    Bà Phương nói:
    – Tôi đâu ngờ ông Phương lại có tâm địa xấu xa như vậy. Huống chi Mai Lan là kỷ niệm mối tình đầu của tôi. Cha của Mai Lan xuất thân từ một gia đình hòang tộc, bên nội đều có bà con giàu có. Lúc được làm vợ anh ấy, tôi rất hãnh diện với bạn bè. Tôi yêu kính anh ấy lắm.
    Bà Thưởng nói:
    – Thôi, nói chi những chuyện dông dài. Cháu Mai Lan lên đây là chỉ để hỏi ý kiến chúng ta về việc bà Hà Chi nhận nó làm con nuôi. Hôm qua, khi mợ lên đây, tôi đã nói chuyện với mợ rất nhiều về cháu và Xuân Lan. Tôi đã khuyên mợ nên yêu thương Xuân Lan, gây lại tình thương yêu trong gia đình giữa các con. Cứ cho phép Mai Lan định đoạt cuộc đời nó. Mợ cứ nói đi nói lại cái chuyện cũ mèm dã xảy ra trên mười năm nay rồi. Phải hay trái thì thời gian đã trôi qua, không ai kéo lại được bao giờ.
    Mai Lan tán thành ý kiến của cô:
    – Cô con nói rất phải, mẹ ạ. Sở dĩ bà Hà Chi cần ý kiến của cô con là vì bà ấy nghĩ rằng mẹ đã có chồng khác, nên cô con đại diện cho gia đình cha con, cô con có quyền định đoạt.
    Bà Phương nói lẫy:
    – Ừ, thì mẹ không có quyền.
    Bà Phương nói:
    – Một khi mợ đã tái giá ...Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ, chứ hồi đó khi nghe mợ có chồng khác thì mẹ tôi có sai tôi đi bắt Mai Lan về. Nhưng giờ đây, việc đã xoay chiều thế này, có bà Hà Chi nào đó xen vào cuộc đời Mai Lan thì hôm nay tôi cũng có một việc này phải nói rõ cho cháu biết. Lẽ ra tôi phải nói từ lâu rồi, nhưng cháu chưa đến tuổi trưởng thành đã gặp chuyện không may mà sau đó lại còn vào tu viện, mợ không hỏi ý kiến của tôi.
    Mai Lan sốt ruột hỏi:
    – Việc gì vậy cô?
    Bà Phương cũng nói:
    – Việc gì, chị cứ nói cho tôi nghe với.
    Bà Thưởng nói:
    – Mẹ tôi chết sau thầy tôi ba năm. Mẹ tôi khi còn tỉnh táo có kêu tôi lại và nói:
    “Mẹ chắc không còn sống bao lâu nữa, mẹ có điều này nói cho con rõ, là mẹ đã làm một chúc thư riêng để lại các món nữ trang, của gia bảo của gia đình mình, và một số tiền, tiền riêng của mẹ dành dụm từ ngày lấy chồng, cho Mai Lan, tôn nữ Mai Lan, con của Tôn Thất Chương và vợ là Hoàng Tuyết Hoa.
    Nhưng hiện giờ Mai Lan chưa đến tuổi trưởng thành. Tiền này nằm ở phòng chưởng khế, để tên con làm giám hộ. Khi nào Mai Lan đủ mười tám tuổi thì con có quyền lấy của cải và tiền ra, rồi gởi lại ở ngân hàng với tên Mai Lan. Việc này con không cần cho mẹ nó hay và tùy theo hoàn cảnh, tình thế, con có quyền tùy nghi sử dụng tiền ấy cho con Mai Lan”.
    Bà Phương nghe vậy hết sức kinh ngạc, liền hỏi:
    – Số tiền ấy chị có thể cho em biết hiện nay lên đến bao nhiêu không? Và những của gia bảo ấy gồm có những gì?
    Bà Thưởng nhìn Mai Lan, thấy nàng ngồi cúi đầu lặng thinh thì hỏi:
    – Con có cần bo rõ không?
    Việc này bà Thưởng chỉ muốn nói riêng cho Mai Lan biết, nên khi nghe bà Phương hỏi như vậy bà mới hỏi lại Mai Lan là để dò xem ý kiến của nàng.
    Mai Lan hiểu ngay ý cô:
    – Tại sao trước đây cô không cho cháu hay ma phải đợi đến hôm nay mới nói?
    Bà Thưởng liền phân trần:
    – Cháu trách cô đó à? Để cô nói cho cháu hiểu. Lúc bà mất thì cháu mới lên tám, chín tuổi gì đó. Lúc cháu vào tu viện thì chưa đầy mười tám tuổi, cô làm sao cho cháu hay được? Mà lúc ấy cho cháu hay để làm gì. Cô đã nghĩ thôi thì mọi việc đã xoay chiều như vậy, khi nào Xuân Lan được mười tám tuổi cô sẽ cho cháu hay để cháu làm giấy tờ cho nó thừa hưởng. Đâu phải là món tiền nhỏ, những món nữ trang này cũng là cả một cái gia tài kếch xù.
    Mai Lan thở dài:
    – Hồi đó mà cháu hay cháu có một cái gia tài lớn như vậy thì cháu không bao giờ chịu để mẹ cháu ép cháu bỏ cuộc đời này mà đi tu. Với số tiền ấy cháu có thể sống độc lập và nuôi con.
    Bà Phương nhìn con:
    – Lúc ấy con còn quá trẻ mà làm chủ một gia tài lớn thì rất nguy hiểm.
    – Việc gì mà nguy hiểm hả mẹ? Con còn có cô Thưởng làm giám hộ mà.
    Huống chi lúc ấy mẹ đưa con lên trên này sanh. Con ở luôn trên này thì có ai biết? Mà dù có ai biết, cũng không sao. Con có thể nói chồng con bị tai nạn chết, con là quả phụ mà Xuân Lan là cô nhi. Ôi! Mất đi một cơ hội! Nhưng thưa cô, nếu cháu sắp trở thành triệu phú thì cháu cần gì phải làm con nuôi ai cho mệt. Cháu cứ ở đây, cô giúp cháu bằng cách chuyển món gia tài của nội cháu vào ngân hàng. Cháu sẽ về Nha Trang tìm mua một căn nhà nhỏ và đi làm sinh sống, cháu có thể kiếm một người chồng tử tế, cháu không dám tiêu xài hết tiền ấy đâu, tiền ấy cháu để lại cho Xuân Lan một phần, cô nghĩ có nên không?
    Bà Phương thấy Mai Lan tính gì cũng hỏi ý kiến của cô mà không thèm đếm xỉa đến mình thì buồn rầu nói:
    – Em đã có chồng khác, chuyện gia tài mẹ chồng em để lại cho Mai Lan, em không có quyền gì hết. Nay với gia tài kia, Mai Lan nói là không còn nhận lời bà Hà Chi nữa thì em không còn phải phân vân lo nghĩ gì nữa. Đã vậy Mai Lan giờ đây đã có chị, trăm việc em nhờ chị, nhưng em xin một điều là đừng để Mai Lan nhận Xuân Lan làm con, rắc rối cho chúng em lắm.
    Bà Thưởng lắc đầu:
    – Việc nhận Xuân Lan làm con hay không còn phải có pháp luật can thiệp.
    Lại nữa cũng tùy Mai Lan, nếu nó muốn khai sanh lại cho con bé thì mình cũng không nên làm khó dễ làm gì.
    Bà Phương hốt hoảng:
    – Khai sanh lại cho con bé? Chị nói gì lạ vậy? Trên giấy tờ, nó là con của chúng tôi ...Mà cũng đúng, nó là con của nhà tôi. Làm lại giấy tờ tức đem chuyện “thâm cung bí sử” ra phơi bày cho thiên hạ biết hay sao? Mà rồi đây ai dám cưới Mai Lan?
    Mai Lan tức giận nói:
    – Thì con ở vậy suốt đời để nuôi đứa con gái của con, chứ có gì lạ đâu mẹ?
    Những chuyện ấy hồi sau sẽ phân giải, bây giờ thì con đi thăm Xuân Lan.
    Bà Phương cũng đứng lên:
    – Mẹ cũng đi phố mua một ít rau để ngày mai về Sài Gòn sớm.
    Bà Phương đi ngay không đợi Mai Lan cùng đi, mà nàng cũng muốn nhân cơ hội nói chuyện riêng với bà Thưởng, muốn biết rõ về món gia tài, trị giá của nó.
    Bà Thưởng kéo tay Mai Lan lại gần và nói:
    – Lúc nãy cô không nói rõ về món tiền và những món nữ trang là vì không muốn mẹ con biết. Bây giờ để cô nói cho con rõ. Tiền thì bây giờ cả vốn lẫn lời đủ cho xài cả đời. Còn nữa trang thì gồm hai đôi xuyến trơn, mỗi đôi một lượng, hai đôi vòng chạm, mỗi đôi cũng một lượng, một chiếc ngọc thạch trị giá cả chục lượng vàng và một đôi mã não cùng năm cái nhẫn nạm kim cương và hai đôi hoa tai vàng nhận hột xanh, đỏ. Những thứ này là của gia bảo, từ đời dâu này để lại đời dâu khác không ai có quyền bán. Nếu cha con không xấu số thì những món này thuộc về mẹ con và rồi sau đó, cha truyền con nối cứ để lại cho các cô dâu. Cha con là con trai một, của ấy lẽ dĩ nhiên là của mẹ con nhưng bây giờ nó là của con, đó là ý của bà. Cô và hai cô nữa, ai cũng làm ăn giàu có, và bà thì cũng đã chia cho các cô nhiều tiền của rồi, các cô không tranh giành gì của con đâu. Nếu sau này con có chồng tử tế, sanh được một đứa con trai thì những của này sẽ thuộc về dâu của con. Chứ con không có quyền cho Xuân Lan. Cho Xuân Lan tiền thì được. Nhưng theo cô biết, cha của nó, ông Phương có gởi ở ngân hàng một số tiền, tiền ấy mỗi tháng mỗi gởi cho đến khi nó trưởng thành, gọi là chuộc lại phần nào tội lỗi trước đây.
    Thật là một chuyện bất ngờ đối với Mai Lan, một chuyện có thể thay đổi tất cả những trù tính mấy lúc nay và cuộc đời của nàng hiện giờ.
    Với gia tài kia, nàng có nên nhận lời bà Hà Chi nữa không? Và bà Hà Chi có phải là người tốt không? Sương có phải là cô bạn tốt không? Và cả ông Cảnh, ông ta có phải là người đàn ông thật sự yêu thương nàng không? Nay mai bà Hà Chi lên gặp bà Thưởng, bà Hà Chi sẽ nói gì và cô Thưởng sẽ đưa ra những điều kiện gì khi chấp nhận cho Mai Lan làm con nuôi?
    Thấy Mai Lan cúi đầu suy nghĩ, bà Thưởng nói:
    – Cháu nghĩ gì mà thừ người ra như vậy?
    Mai Lan đứng lên:
    – Để cháu đi thăm Xuân Lan đã, rồi tối nay cô cháu mình sẽ bàn lại sau.
    Nhưng cháu xin cô đừng nói chuyện gia tài cho Xuân Lan hay bất cứ ai biết.
    Lúc ấy cô nói cho mẹ cháu nghe, cháu thấy cũng không nên. Người đàn bà khi đã có chồng khác và một đám con với người chồng sau thì quyền lợi thường làm mù quáng, cô ạ. Như cô thấy rõ đó. Mẹ cháu dám hy sinh cháu để giữ gìn hạnh phúc cho các em khác cha với cháu, mẹ cháu nói với chị bếp rằng trên cán cân một bên chỉ có mình cháu, bên kia thì cả một lũ em cháu và cả dượng cháu, tất nhiên đĩa cân bên này cũng phải nặng hơn.
    Bà Thưởng gật đầu:
    – Cô cứ nghĩ cháu ở tu viện ra tất phải ngay thơ và không biết đời là gì. Nào ngờ cháu cũng khôn quá sức đi chứ. Vậy cháu học với ai?
    Mai Lan cười:
    – Cháu học ở sách vở. Cháu chỉ thích đọc truyện trinh thám. Loại sách này làm cho đầu óc mình khôn ra, nếu khi đọc mình biết suy nghĩ. Cháu tuy ở tu viện nhưng được đi ra ngoài học những khóa y tế, văn hóa, xã hội. Mẹ Bề Trên khuyến khích cháu tham gia những đoàn phụ nữ chí nguyện đem tình thương chăm sóc cho phụ nữ, trẻ em ở các vùng kém mở mang. Do đó cháu cũng thường tiếp xúc nhiều với các nhân vật lỗi lạc để học hỏi thêm và am hiểu cách đối phó, cư xử với những trường hợp bất thường.
    Bà Thưởng khen:
    – Nếu vậy cháu cũng giỏi, đáng khen.
    Mai Lan vào thăm Xuân Lan, thấy con bé đã khỏe nhiều, nàng cũng rất mừng là trong thời gian chờ mở bột cho cái chân, Xuân Lan được mấy bà phước dạy cho học thêm toán, lý, hóa để có thể theo kịp lớp.
    Xuân Lan vẫn có vẻ còn hờn Mai Lan:
    – Chắc chị lên có việc riêng, chứ không phải để lên thăm em, phải vậy không?
    Mai Lan cười:
    – Dù chị có đi vì công việc riêng thì chị ghé đây thăm cũng là tốt rồi, tại sao em lại trách móc như vậy. Chị có bao giờ quên em đâu. Lúc nào chị cũng nghĩ đến em. Một ngày nào đó, chị em mình cùng sống bên nhau.
    – Thôi đi, chị ơi! Ai lo cho bà Hà Chi, ai đi chơi với ông Cảnh mà chị lo cho em?
    – Ai nói với em như vậy?
    – Mẹ chứ ai, mẹ nói hết năm học này em sẽ về lại Sài Gòn, xin vô trường Gia Long lại. Mẹ bây giờ không còn ghét em nữa, đó là lời mẹ nói.
    Xuân Lan nói xong, cười một cách khó chịu. Mai Lan nghĩ:
    – Sao mà nó giống ông Phương quá! Nó cũng đẹp, nhưng lại có vẻ đẹp điêu ngoa làm sao ấy, nhất là khi nó mím chặt đôi môi.
    Mai Lan nói:
    – Mẹ nói như vậy chứ cô Thưởng không để mẹ đem em về đâu. Em phải ở đây với cô, phải vào Couvent des Oiseaux mà học, để sau này trở thành một thiếu nữ hoàn toàn, âm nhạc cũng biết, hội họa cũng sành và nhất là nữ công, nữ hạnh cũng giỏi. Sau này có thể làm một người vợ hiền, một người mẹ đảm đang.
    – Em cũng thích vào học ở Couvent des Oiseaux, nhưng em nghe nói trường ấy toàn là các ông lớn, các cán bộ cao cấp không à. Mình nghèo lấy tiền đâu mà học?
    – Chị sẽ lo cho em.
    – Bằng tiền của bà Hà Chi?
    – Thì đã sao! Nhưng không phải bằng tiền của bà Hà Chi chi đâu, tiền của chị.
    Xuân Lan cười khó chịu:
    – Chị làm gì ra tiền?
    – Miễn sao chị có thì thôi, chị không xin ai đâu. Tiền chị làm ra. Chị muốn tương lai của em được đảm bảo.
    – Sao chị nói giống giọng của ba em quá. Ông ấy mỗi lần lên thăm em đều nói như vậy.
    – Chị nhờ cô Thưởng lo cho em, em có thấy cô Thưởng dễ thương không?
    Xuân Lan ngẫm nghĩ đoạn nói:
    – Em thấy cô Thưởng cũng dễ thương như chị bếp. Mà sao chị bếp đi làm công mà lại có đức độ và tình người không thua gì người có học hả chị?
    – Chị bếp xuất thân từ một gia đình có học, lỗi tại chị ấy quá tự ái mà chuyện chồng con dang dở, chị phải tìm một chỗ nương thân, chứ chị biết điều lắm. Mà sao em lại so sánh chị bếp với cô Thưởng?
    – Em không so sánh. Em chỉ nói em thấy cô và chị ấy đều là người tốt. Em ao ước một ngày nào đó chị có nhà, chị sẽ đem chị bếp về sống với mình.
    Mai Lan cười:
    – Chuyện ấy rồi cũng có thể được thôi. Bây giờ thì em ráng ăn uống điều độ để mau phục hồi sức khỏe, để đi học. Em không phải lo gì hết. Chị sẽ chiều theo ý em nếu em lời mẹ về Sài Gòn, hay ở lại đây với cô Thưởng thì chị cũng bằng lòng, không soa cả. Em cứ suy nghĩ đi.
    Mai Lan sau khi bàn kỹ với cô về chuyện gia tài, liền trở về Nha Trang.
    Người đầu tiên đến tìm nàng là Sương, Sương ngắm Mai Lan và nói:
    – Em hợp với khí hậu miền núi thật đấy. Em đi có mấy ngày mà đẹp hẳn ra.
    Hay là có tin gì vui khiến em thay đổi như vậy?
    Mai Lan không khỏi khen thầm Sương có con mắt tinh đời:
    – Em thì có chuyện gì vui đâu chị. Nhưng lần này em vui vì vừa giải quyết được một chuyện khó xử.
    – Chị không biết em đã gặp chuyện gì khó xử, nhưng em bảo là đã giải quyết xong là chị mừng rồi.
    Ngẫm nghĩ một lúc, Sương tiếp:
    – Mấy lúc nay chị biết tuy em có cảm tình với chị, nhưng sự thật em không biết rõ chị là hạng người như thế nào. Nói rằng chi thích giúp đỡ các bạn gái gặp rủi hoặc, nhưng biết đâu họ không nghĩ là chị lấy sự giúp đỡ này để kiếm lợi. Chị cũng định sẽ nói hết cho em biết. Thôi thì hôm nay chị cũng nói vậy.
    Mấy lúc nay chị không nói là vì chị sợ những chuyện chị nói, chuyện sự thật phũ phàng, chuyện yêu thương bừa bãi khiến cho tâm hồn trong sạch của em phải xao xuyến hay hoen ố, khiến em không còn tin tưởng vào đời vì bị những chuyện kia đầu độc.
    Mai Lan đặt tay lên vai Sương và nói:
    – Chị đã biết gì về em chưa mà nói như vậy hả chị? Rủi như em không phải là một thiếu nữ hiền lành, trong trắng thì sao?
    – Em nói gì lạ vậy?- Sương vừa nói vừa nhìn sững sờ vào mặt Mai Lan.
    – Thì chị cứ kể đi đã. Chị em ta cần thành thật với nhau, hiểu biết rõ nhau trước khi em trả lời cho ông Cảnh và bà Hà Chi.
    Sương trầm ngâm một lúc rồi nói:
    – Em biết không, chị là một thiếu nữ xuất thân từ một gia đình có ba chị em đều là gái cả. Mà cả ba chị em đều cùng mẹ mà khác cha. Mỗi đứa có một ông cha, mà là thứ cha không thừa nhận con. Nói như vậy em cũng đủ hiểu mẹ chị là người đàn bà không may mắn. Ba cuộc tình duyên đều đổ vỡ, lần đầu tiên người cha chị, sau khi gặp mẹ chị, ăn ở một thời gian rồi đi làm ăn xa và không thấy trở về. Khi chị chào đời không có cha và phải lấy họ mẹ. Mẹ chị vốn là một người đàn bà từ quê bỏ nhà lên tỉnh thành, tìm kế sinh nhai, sống nơi phồn hoa, làm bất cứ nghề gì có thể kiếm được tiền nuôi con và chịu làm người mất gốc luôn không về quê xưa nữa. Khi chị bắt đầu hiểu thì mẹ chị là một chiêu đãi viên ở một cái bar bán rượu cho người ngoại quốc. Khi chị lên tám tuổi, mẹ chị lại sanh một đứa con gái nữa. Lần này chị không thấy ai là cha đứa em xấu số ấy cả. Rồi lại thêm một đứa em thứ ba cũng là gái. Phải công nhận mẹ chị thật là một người đàn bà can đảm, bất chấp cả lời chê cười, dị nghị, cứ cắm cổ làm việc và vui vẻ nuôi con, cũng cho ăn học, cũng tạo được một mái nhà.
    Khi chị lên mười bảy tuổi, mẹ chị đưa chị vào làm ở bar mà trước đây mẹ chị đã làm, rồi mẹ chị lại đi làm nghề khác, đứng bán hàng ở một cửa tiệm bách hóa của người Pháp. Chị làm được mấy tháng thì bà chủ bar làm mối chị cho một người đàn ông lớn hơn chị cả mười tuổi, có tiền, có nghề nghiệp tử tế. Chị nghĩ người con gái không như chị, kiếm được một tấm chồng cũng là kiếm được một chỗ an thân, tránh những cơn bão táp phong ba. Em cũng thừa hiểu đời người con gái, sung sướng nhất là khi còn nhỏ được sống dưới mái nhà có đầy đủ cha mẹ, sống trong tình thương và sự dạy dỗ chăm sóc của cha mẹ, kho lớn lên được có chồng tử tế, để đi từ tình yêu thương của cha mẹ đến tình yêu của chồng để rồi được làm mẹ và sống trong sự yêu thương kính nể của con cái, góp sức với chồng để lo xây dựng tương lai cho con cái. Đó, đời người con gái chỉ có thế mới gọi là hạnh phúc, là may mắn, có phải không em?
    Mai Lan nghe Sương kể, ưa nước mắt. Sương cũng không khỏi thương cảm vì câu chuyện của mình, lấy khăn chặm những giọt lệ. Giọt Sương kể tiếp:
    – Nhưng cuộc đời của chị cũng như của các em chị không làm gì có được sự may mắn ấy. Cũng như cuộc đời của mẹ chị thật là cuộc đời của một người con gái bất hạnh, chị chỉ sống với người chồng ấy chỉ có ba năm, ba năm bất hòa, chỉ vì người đàn ông ấy là một thương gia ở Sài Gòn đã có vợ và hai con. Mỗi khi người ấy ra đây vì công việc làm ăn buôn bán thì ở với chị, mỗi tháng cho chị tiền đủ sống. Chị cũng có nghe người ta nói về anh ta nhưng thấy anh chàng lo lắng đầy đủ cho chị nên chị cũng không quan tâm nhiều. Chị lúc ấy còn trẻ nên chưa hiểu đời, nhưng mẹ chị nói:
    Thằng Phong, chồng con, nó giữ kỹ để con không có con. Nó sợ lôi thôi khi gia đình nó hay biết. Mẹ chị nói vậy mà chị cũng không hiểu làm sao để giữ cho không có con. Chồng chị lại có tánh ghen khủng khiếp vì nghĩ rằng khi chàng đi vắng thì chị có thể đến quán bar hay nghe lời mẹ chị mà đi khách. Thật ra lúc ấy chị không bao giờ nghĩ cách phụ chồng, làm chuỵên đồi bại, mặc dù mình chỉ là một cô gái thuê bao không hơn không kém. Nhưng không biết anh chang Phong giữ kỹ thế nào mà chị vẫn có thai. Do đó Phong nghi ngờ chị, và đã tra khảo chị đến nỗi phải hư thai, rồi Phong bỏ chị luôn không về, và lẽ dĩ nhiên không còn cấp dưỡng nữa. Mẹ chị liền giới thiệu chị đi làm chỗ khác, ngồi giữ két cho một cái bar gần Cam Ranh.
    Cuộc đời của chị lúc ấy ba chìm bảy nổi, bốn cái lênh đênh, nhưng nói cho cùng đã làm nghề này, gần gũi với bọn buôn hương bán phấn, những tên lính ngoại quốc luôn muốn mua vui thì làm sao chị không bị lôi cuốn theo đà hỗn độn ấy.
    Cũng may lúc ấy chị gặp bác sĩ Toàn. Ông ta góa vợ, thấy chị còn trẻ đẹp và cũng thương hại chị, muốn đưa chị ra khỏi cảnh trầm luân, nên ông ta cưới chị và đưa chị về Sài Gòn. Cũng may là các con ông ở với ông bà ngoại, thành ra chị không gặp phải cảnh mẹ ghẻ con chồng. Việc gì cũng vậy, nếu không suôn sẻ thì phải gãy đổ. Chị và bác sĩ Toàn sống hạnh phúc được đâu năm năm thì ông ấy được cử đi học một khóa huấn luyện ở nước ngoài. Chị không có con vì lần hư thai ấy chị kể như mất khả năng sanh đẻ, nên Toàn ra đi mà không yên lòng, muốn đem chị về sống với cha mẹ để chị không còn ngựa quen đường cũ.
    Chị cũng hiểu sự lo lắng của Toàn vì đối với Toàn, chàng chẳng những là một người chồng mà còn là một vị ân nhân đưa chị ra khỏi cảnh trầm luân cũng như Thúc Sinh đưa Kiều ra khỏi lầu xanh vậy mà.
    Mai Lan nghe đến đây liền nói:
    – Chị ví như vậy, em không đồng ý. Thúc Sinh có vợ mà Kiều thì ở lầu xanh, chứ chị đâu phải ở cảnh ấy. Nhưng rồi sao nữa chị?
    Sương nói tiếp:
    – Chị bằng lòng về sống với cha mẹ chồng. Hai ông bà cũng rất tử tế, biết thương và hiểu hoàn cảnh của chị, duy có cô em chồng là khắt khe và thâm hiểm. Cô ấy tìm đủ mọi cách làm cha mẹ chồng ghét chị vì dĩ vãng của chị. Chị mới xin cha mẹ chồng cho chị đi học một khóa kế toán, đánh máy, vì chị có một người bạn hứa sẽ giúp chị tìm công ăn việc làm. Việc này chị cũng có viết thư hỏi ý kiến Toàn. Toàn bằng lòng và gởi tiền về cho chị để chị có thể đóng tiền đi học. Một năm sau, chị không còn nhận được tin tức gì của Toàn cả. Cô em chồng cho chị hay Toàn đã cưới một nữ bác sĩ ở ngoại quốc. Lúc ấy, chị đã có việc làm tử tế, nên cũng không quan tâm nhiều đến việc này. Sau đó chị nhận được thư của Toàn. Toàn xin chị tha thứ về sự không chung thủy của chàng và gởi cho chị một số vốn để lo cho tương lai. Chị nghĩ dù sao Toàn cũng là ân nhân của chị, giúp chị ra khỏi vòng ảnh hưởng tai hại của mẹ chị và cái xã hội trụy lạc, nhiều cạm bẫy. Chị vui lòng trả tự doi cho Toàn để Toàn cưới vợ và chị xin ra đây làm việc, dứt khoát với cái dĩ vãng đen tối. Từ ấy chị chuyên giúp đỡ các bạn gái lỡ bước và cũng đã gây dựng cho một số chị em, vì vậy mà họ biết ơn chị, biếu xén chị món này món nọ.
    Mai Lan hỏi:
    – Thế còn hai em của chị?
    – Hai em chị ít được học bằng chị lúc nhỏ nên khi ra đời cũng không tránh được cảnh dở dang. Có điều tụi nó rất có hiếu với mẹ chị. Chúng nó không phản sđối việc làm của mẹ chị, không hề oán hận mẹ một việc gì. Lăn lóc với đời rồi đứa nào cũng như cục đá. Lăn hoài rồi cũng gặp một nơi định cư. Nghĩa là hai em chị rồi cũng có chồng, đứa làm bé một thương gia, đứa lấy chồng ngoại quốc rồi đi theo họ về nước. Chúng nó giản dị, không quan niệm về hạnh phúc của người con gái như chị, thuần túy thương mẹ và làm gì cũng vì mẹ. Những tâm hồn bình dị thì sống sao miễn đừng đói khác và có tiền giúp mẹ sống yên thân ở tuổi già là được. Một người lớn tuổi đã nói với chị:
    “Bất cứ đứa con nào dù đi sai đường, dù phạm lỗi mà còn giữ được lòng hiếu thảo thì rồi ra cũng có ngày cất đầu lên nổi”. Rồi chị gặp ông Cảnh, ông ấy cũng theo đuổi chị một thời gian chứ chị đâu có bà con gì với ông ấy. Chị chỉ xem ông ta như một người bạn, và giới thiệu cho ông ấy một số bạn gái gặp tình cảnh khó khăn. Vì vậy mà ông Cảnh thường hay lui tới đây và nhiều cô gái khác cũng hay lui tới đây. Lần thứ nhất chị giới thiệu cho ông ta một cô gái con nhà tử tế, không đẹp lắm nhưng làm cô giáo dạy mẫu giáo. Ông Cảnh tìm hiểu cô một thời gian rồi chê cô quá trẻ con, không xứng với địa vị của ông. Về phần cô giáo, cô cũng chê ông ta là tay ăn chơi sành sỏi, sống với ông sẽ không bao giờ có hạnh phúc.
    Mai Lan gật đầu khen:
    – Cô ấy nghĩ vấy rất phải. Rồi chị còn giới thiệu cô nào khác nữa? Câu chuyện chị kể hấp dẫn thiệt!
    – Chị giới thiệu một thiếu nữ bị một tên sở khanh lừa gạt đến khi mang thai thì bỏ cô ta.
    – Chị giới thiệu cho ông Cảnh một thiếu nữ đang thai nghén và đang thù ghét đàn ông à?
    – Nhưng người đàn bà ấy còn trẻ đẹp và đang cần nơi nương tựa. Thật ra, nếu ông Cảnh bằng lòng thì ông phải đợi cô này sang đẻ xong đã. Nhưng ông Cảnh bảo nếu phải chờ đợi như vậy thì ông ta đi chơi bời còn hơn. Đàn ông họ muốn cái gì thì tính liền.
    – Rồi còn ai nữa không?
    – Lần thứ ba chị giới thiệu một cô vũ nữ xinh như mộng ...Cô này mới hai mươi hai tuổi, có một vẻ đẹp Tây phương, nghĩa là quyến rũ, mạnh mẽ ...Cô ta tên Alice Duyên ...
    – Tên đẹp thật. Và ông Cảnh chắc phải bằng lòng?
    – Ông Cảnh đã theo đuổi cô, hay nói đúng hơn là thì cô ta đeo đuổi ông Cảnh suốt mấy tháng trời. Ông Cảnh tiêu xài với cô không ít, nhưng rốt cuộc ông nhất định không chịu tính chuyện lâu dài với cô Alice. Ông bảo ai lại tính chuyện lâu dài với một vũ nữ!
    – Ông Cảnh viện cớ khá đấy, nhưng chắc chắn đã hứa nhiều với cô Alice và cô này đã là nhân tình ông rồi ...
    – Cô Alice có hai dòng máu, cha người Pháp, chết đi để lại cho mẹ cô một lũ con năm đứa. Alice là con lớn, phải làm vũ nữ để có tiền giúp mẹ nuôi các em.
    Mai Lan hỏi, giọng trách móc:
    – Sao chị quen đủ hạng người vậy?
    Sương thở dài:
    – Bởi lẽ đó ở đây có người xấu miệng bảo chị làm nghề tú bà. Thật ra, giới thiệu người này với người khác, chị có ăn được đồng nào đâu.
    – Rồi còn ai nữa?
    – Nhiều người lắm nhưng chưa có ai đáp ứng đủ điều kiện như em, còn trẻ, mới ra đời, tâm hồn chưa bợn nhơ ...
    Mai Lan cười:
    – Chị biết em là ai đâu?
    – Nhưng nhìn người cũng đoán biết phần nào chứ?
    – Chị không sợ lầm sao? Chị dám tin ở tài xét đoán bên ngoài ấy sao?
    Câu chuyện đến đây thì ông Cảnh đến. Mai Lan nói:
    – Chà, hôm nay ông ấy chưng diện quá.
    Ông Cảnh khóa xe, đi vào, thấy Mai Lan mặc chiếc áo mỏng thêu hoa trắng thì khen:
    – Hôm nay cô đẹp quá, trông cứ như một nữ sinh ở Couvent ra.
    Sương nói:
    – Thì vừa rồi Mai Lan mới khen ông hòa hoa phong nhã quá.
    Mai Lan không bằng lòng:
    – Chị đừng bịa chuyện, tôi nói ông Cảnh hôm nay chưng diện quá, còn câu kia là của chị.
    – Ai khen cũng không sao. Nhưng Mai Lan có bằng lòng đi chơi với tôi chiều nay không?
    Sương nhanh nhảu nói:
    – Tôi đã nói cho Mai Lan biết rồi. Mai Lan đã nhận lời.
    Ông Cảnh nói:
    – Nếu vậy hay lắm. Mời cô đi trang điểm lại.
    – Ông đợi tôi đi mặc chiếc áo dài.
    Khi Mai Lan đi vào nhà, ông Cảnh hỏi nhỏ Sương:
    – Cô ấy có nói gì về bà Hà Chi không?
    Sương nhìn về phía cửa phòng và nói:
    – Câu chuyện dài lắm.
    Ông Cảnh lo ngại:
    – Cô nhắm chuyện của tôi có thể xuống không?
    – Thì cứ hy vọng đi.
    – Tôi không dám hy vọng nữa. Cô Mai Lan đẹp và trẻ quá, làm gì đến tay tôi.
    – Ông chịu làm kẻ bại trận rồi sao?
    – Tôi buồn quá. Nếu lần này không thành, chắc tôi không còn dám nghĩ đến chuyện cưới ai nữa.
    Mai Lan ra tới, thật đẹp, thật tươi trong chiếc áo màu cam. Mai Lan còn nhớ khi nàng mới lên mười lăm tuổi, bà Phương may cho nàng một chiếc áo dài màu cam. Ai cũng khen Mai Lan đẹp trong chiếc áo dài ấy, nhưng cũng vì chiếc áo dài ấy, ông Phương lần đầu tiên đã nhìn Mai Lan với đôi mắt đầy vẻ khác lạ.
    Cuộc đời của Mai Lan đi vào khúc quanh nguy hiểm từ dạo ấy.
    Nhờ nói chuyện với Sương và được biết qua về ông Cảnh với những lần Sương giới thiệu các cô bạn gái, nên Mai Lan lần đi chơi này có vẻ dè dặt. Lại nữa, giờ đây nàng đã biết mình đang làm chủ một gia tài lớn thì nàng không cần phải tìm vội một nơi nương tựa. Nàng tuy đã có một con nhưng con tim nàng chưa hề rung động, chưa yêu ai và cũng chưa hiểu muôn hình vạn trạng của tình yêu, nàng lại còn có nhiều bổn phận với Xuân Lan. Lại nữa, đối với mẹ mấy lúc nay Mai Lan có vẻ oán hờn, nhưng một câu nói của Sương đã làm nàng tỉnh ngộ:
    Bất cứ một kẻ tội lỗi nào, dù phạm tội với đời, nhưng trong thâm tâm con một điểm hiếu thảo với cha mẹ là trời không bao giờ chận mất con đường ăn năn hối lỗi và mở ra cho họ một con đường sống để khỏi phụ công sanh thành dưỡng dục. Mai Lan có phải là đứa con có hiếu với mẹ không? Mai Lan đã làm gì để mẹ khỏi đau khổ? Dù sao thì chuyện không may trong đời Mai Lan cũng đã làm mẹ nàng lao tâm khổ trí không phải là ít.
    Ông Cảnh thấy Mai Lan đi chơi với mình mà lại không có vẻ vui tươi như mọi ngày thì nghĩ:- Không biết Sương đã nói gì với Mai Lan mà hôm nay trông nét mặt của nàng có vẻ già giặn hẳn ra như vậy. Nàng bao nhiêu tuổi rồi? Có thật nàng là một thiếu nữ còn trong trắng không? Cái dáng đài các kia, đôi bàn tay mềm dịu kia không thể đôi tay của một thiếu nữ phong trần, nghèo khó.
    Ông Cảnh như nhớ ra hỏi:
    – Có phải hôm nay Mai Lan sẽ nói cho tôi nghe một chuyện quan trọng lắm không? Thế Mai Lan lên Đà Lạt có gì vui? Có gặp được người thân? Còn chuyện bà Hà Chi đã đến đâu rồi?
    Mai Lan nhìn Cảnh bằng một ánh mắt thật sâu sắc:
    – Thì ra những gì tôi làm, hay tôi đi đâu, chị Sương đều nói cho ông biết hết.
    Tôi lên Đà Lạt thăm một người cô và cũng có vài chuyện cần giải quyết trước khi trả lời bà Hà Chi ...
    – Và cũng cho tôi nữa chứ.
    – Vâng.
    Bỗng ông Cảnh đề nghị:
    – Tôi nói thế này cô đừng phiền nhé, hay đúng hơn thì tôi đề nghị thế này, cô nghĩ nếu nhận được thì cứ chấp thuận cho tôi vui. Cô có thể cho tôi được xem cô như một người em gái, còn cô ...
    – Còn tôi thì xem ông như một người anh? Có phải anh muốn nói vậy không?
    Như vậy cũng tốt thôi, đâu có gì mà anh ngần ngại.
    – Cảm ơn em. Bây giờ chúng ta nói chuyện. Đã được phép xem em như một người em, hôm nay điều thứ nhất anh nói để em rõ là cô Sương thật ra không có họ hàng gì với anh cả. Cô ta cũng chỉ là một cô bạn kết nghĩa vậy thôi. Nhưng cô Sương thật là người tốt, thời xuân trẻ đã trôi qua một cách đắng cay, gai góc và không hạnh phúc. Nhưng nay cô Sương đã tìm được cho đời mình một lối thoát để sống yên vui và chịu đựng. Tuy vậy, em cũng nên cẩn thận. Đời em chưa gặp những phong trần, ngang trái, em đừng để tâm hồn bị đầu độc bởi những chuyện đau buồn. Nếu em có chuyện gì riêng tư khó xử thì cứ nói cho anh nghe. Dù sao anh cũng đã trải đời, đã tiếp xúc với đủ hạng người. Gặp em, anh không hề có râm trạng như gặp các cô thiếu nữ, hay các thiếu phụ trước đây. Anh thấy dường như anh không có quyền làm em phải đau khổ vì chuyện tình cảm. Nếu bảo rằng yêu em thì anh cũng chỉ muốn xây dựng với em, tạo lại cho anh một mái gia đình và đem lại cho em một phần hạnh phúc. Dù sao thì anh cũng đã một lần lập gia đình, cuộc hôn nhân ấy tuy không có hạnh phúc nhưng cũng đã buộc anh với những bổn phận mà người có lương tâm không thể xao lãng được. Với dĩ vãng ấy, dù anh có yêu em, lo lắng cho em bằng tất cả tấm lòng của anh, thì anh cũng vẫn chưa làm cho em hoàn toàn hạnh phúc. Vì vậy đôi khi anh tự hỏi yêu em và tính chuyện xây dựng với em, anh có quá ích kỷ không? Có quá lợi dụng tình cảm trong trắng của em không?
    Hôm ấy Cảnh nói nhiều lắm và Cảnh còn khuyên Mai Lan không nên quá tin Sương, hãy khoan nhận lời của bà Hà Chi, chờ chàng nhờ một người bạn điều tra kỹ về bà ta đã.
    Mai Lan lo lắng:
    – Anh làm thế bà Hà Chi hay được lại oán em thì sao? Ba hôm nữa em phải đến gặp bà, vì hôm nay chắc bà đi vắng. Bà bảo với em bà phải đi lên đồn điền đế thu xếp vài chuyện riêng.
    – Thì trong thời gian này anh cho người điều tra. Em hãy nghe lời anh, khoan trả lời bà ta đã. Đừng để phải kẹt thì rất tai hại. Em hứa với anh đi.
    Mai Lan nhận lời và nói:
    – Nhưng anh phải làm sao cho khéo, kẻo bà ấy hay biết lại oán hờn em.
    Cảnh đưa Mai Lan đi dạo một vòng trên bãi biển, đoạn cả hai vào một tiệm ăn gần chợ để dùng cơm.
    – Vậy đến bao giờ em mới trả lời cho anh biết?
    – Thì cũng phải chờ anh điều tra về bà Hà Chi đã.
    Sau khi chia tay về nhà, Mai Lan đi thẳng vào phòng, để nguyên quần áo nằm nhìn lên trần nhà, suy nghĩ liên miên. Những lời Cảnh nói rất phải, rất chân tình, và Cảnh nghi ngờ bà Hà Chi cũng không phải vô lý. Cuộc sống của người nghèo không có gì phải giấu giếm, hằng ngày họ sống đơn giản, đem toàn lực ra lo cho cái ăn, cái mặc, luôn vật lộn với cuộc sống gây go. Tình cảm của họ cũng rất giản đơn, thương ghét ai cũng có thể hiểu. Còn cuộc sống của người giàu, đời họ bị bao quây che giấu trong các căn nhà cổng kín cao tường, việc làm, tình cảm nào ai thấy rõ, đó là một thâm cung bí sử thu hẹp, một ao tù trưởng giả cần phải che đậy. Cái hạnh phúc hay sự giàu sang phú quý của họ mà người ngoài chỉ nhìn qua chiếc xe hơi, cái nhà lầu, những bộ quần áo đắt giá, những đứa con ngoan ngoãn, có thật sự là điều mà đời có thể tin là sự thật, mà mục tiêu cho những kẻ không may nhìn vào và ao ước vươn lên bằng họ chăng? Nhưng Mai Lan bây giờ tinh thần vững vàng lắm. Cảnh đã xem nàng như một người em. Sương dù có một dĩ vãng u buồn, thiếu may mắn như vậy nhưng không hẳn là người xấu. Mai Lan có thể không cần phải làm con nuôi bà Hà Chi. Mai Lan đang là một nhà triệu phú kia mà! Rồi đây mọi việc sẽ được thu xếp một cách tốt đẹp, chỉ cốt Mai Lan khôn ngoan và biết đề cao cảnh giác. Đồng tiền tuy có giá trị nhưng chưa chắc mang lại hạnh phúc cho con người nếu con người không biết làm chủ nó và biết dùng đồng tiền vào những việc hữu ích. Mai Lan phân vân không biết có nên nói thật chuỵên không may của đời con gái của mình cho Sương và Cảnh nghe không. Nàng tiếc là đã lỡ lời nói cho bà Hà Chi nghe rồi, vì khi ấy nàng chưa hay biết mình đang được hưởng một gia tài quá lớn.

Xem Tiếp Chương 7Xem Tiếp Chương 7 (Kết Thúc)

Đời Con Gái
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Đang Xem Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
 
Những Truyện Kiếm Hiệp Khác
» Tru Tiên
» Thất Tuyệt Ma Kiếm
» Xác Chết Loạn Giang Hồ
» Hắc Thánh Thần Tiêu
» Lục Mạch Thần Kiếm
» Đàn Chỉ Thần Công
» Đạo Ma Nhị Đế
» Điệu Sáo Mê Hồn
» Hắc Nho
» Luân Hồi Cung Chủ
» Huyết Thiếp Vong Hồn Ký
» Đề Ấn Giang Hồ
» Hóa Huyết Thần Công
» Hải Nộ Triều Âm
» Võ Lâm Phong Thần Bảng
» Thần Điêu Đại Hiệp
» Giang Hồ Thập Ác
» Võ Lâm Ngũ Bá
» Độc Thủ Phật Tâm
» Hàn Huyết Lệnh
» Ngũ Tuyệt Ma Vương
» Huyết Chưởng Thánh Tâm