Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Huyền Trân Công Chúa Tác Giả: Hoàng Quốc Hải    
    Tỉnh giấc, vua Nhân tôn không biết mình đã thiếp ngủ đi từ lúc nào. Khoang thuyền sẩm tối như trong hang. Không gian tĩnh mịch, nghe rõ cả hơi thở của từng người nằm rải rác đó đây. Lại nghe rõ cả tiếng nước vỗ nhẹ mơn man ngoài mạn thuyền, như trẻ thơ vầy nước trong chậu tắm.
    Nhà vua mở nhẹ tấm chăn bông, đoạn khoác chiếc áo ngự hàn lên tấm thân mảnh mai như thân hạc, rồi ngài ló nhìn ra ngoài trời. Ánh trăng tan loãng trong sương. Vành trăng thu nhỏ lại như một chiếc lưỡi hái. Nhìn vành trăng, nhà vua biết trời đã về sáng. Ngài cúi nhìn dòng sông đen xỉn, loáng thoáng vài đốm sao rơi trên mặt nước, khiến dòng sông như một tấm vải mầu chàm, cải lưa thưa những chấm hoa trắng li ti.
    Viên quan nội hầu đang ngủ say, chợt gió xộc vào mũi y một mùi hương quen thuộc làm y choàng tỉnh, và hốt hoảng lao về phía mũi thuyền. Thấy thượng hoàng trầm ngâm ngắm cảnh trời, nước, y vội lên tiếng:
    - Tâu, ngoài này sương giá, xin thượng hoàng bảo trọng.
    Nhà vua miễn cưỡng quay vào.
    Viên quan nội hầu đã kịp khơi bạch lạp và đặt siêu nước lên chiếc hỏa lò đang bén lửa.
    Vua sai đánh thức quan ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài dậy thưởng trả.
    Nhữ Hài khép nép đứng hầu:
    Vua chỉ tay vào góc đệm gấm:
    - Ngồi xuống! Nơi thuyền bè chật chội mà sao khanh thủ lễ một cách thái quá. Ta miễn lễ, khanh cứ tự nhiên cho thoải mái.
    - Đa tạ thượng hoàng gia ân. Đoàn Nhữ Hài nói nhỏ, vừa đủ để nhà vua nghe, rồi chàng ghé ngồi nơi mép đệm.
    Vua Nhân tôn đã gặp, đã trò chuyện với Đoàn Nhữ Hài đôi lần. Nhưng lần nào cũng vội vã bởi công việc chi phối. Vả lại chàng cũng khép nép giữ ý, nên không bộc lộ được tâm tính một cách hồn nhiên.
    Duy lần ta gặp Nhữ Hài ở chùa Siêu Loại, có dễ đến gần hai canh giờ. Qua trò chuyện, ta biết Nhữ Hài là người có tài.Và quan gia cất nhắc như vậy cũng là một sự mạnh tay. Nay đã được vài năm, ta muốn kiểm xét lại Nhữ Hài, xem y đã tinh tấn ra sao.
    Lần này Nhữ Hài ở ngay bên cạnh, gần gũi, thân mật, nhà vua muốn tự mình thăm dò ý tứ sâu nông, xem kiến văn và cả sự từng trải của một quan lớn nhỏ tuổi, được quan gia sai khiến thế nào. Không những nhà vua muốn kiểm xét tài năng và nhân cách của Đoàn Nhữ Hài, mà ngài còn muốn kiểm xét cả trí sáng suốt của Trần Anh tông trong việc dùng người. Bởi việc dùng người chính là thước đo năng lực của bộ máy cai trị. Mà bộ máy cai trị lại chính là thước đo về sự mạnh yếu của một quốc gia. Vì rằng, nếu bộ máy cai trị dùng được nhiều người tài đức nơi triều chính tới các phủ, lộ, châu, quận và cả hương ấp nữa, thì nước không mạnh là điều xưa nay chưa từng thấy. Trái lại, những kẻ bất tài, vô hạnh, tham bẩn ngự trị nơi triều chính và lẩn khuất khắp mọi nơi, thì nước không suy yếu rồi sụp đổ cũng là việc xưa nay chưa từng thấy. Thế nhưng bộ máy cai trị của một quốc gia mạnh hay yếu, tốt hay xấu, lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự anh minh và đức độ của người đứng đầu quốc gia đó, được thể hiện qua việc sử dụng nhân tài. Tuy đã trao quyền trị quốc cho Anh tông từ năm Quí mùi (1293), và ngài đã xuất gia tại hành cung Vũ Lâm từ tháng 6 năm Ất dậu (1295), nhưng ngài vẫn giám sát việc điều hành triều chính của Anh tông.
    Hai cây bạch lạp thi nhau tỏa sáng. Ánh sáng soi tỏ cả một khoang thuyền đã được ngăn bằng những tấm ván thưng. Nói rằng thuyền ngự, nhưng Nhân tôn không cho phép trang hoàng xa xỉ. Chỗ ngài nằm chỉ trải tấm nệm gấm mầu huyết dụ đã cũ lắm. Mép đệm đã xơ, mặt đệm loáng thoáng có một vài lỗ thủng để lộ mầu bông trắng nhờ. Bên chồng gối xếp có mấy cuốn kinh Phật, một ống gỗ mun đen nhức cắm vài ngọn bút lông và nghiên mực cạn. Ngoài ra, còn có chiếc tráp nhỏ và bộ đồ trà.
    Đoàn Nhữ Hài ngồi đối diện với nhà vua, nhưng trong lòng đang nghĩ về những công việc mà chàng đã trải từ mấy năm nay. Và cả việc chàng được cất nhắc mà chính chàng cũng khó tin. Từ một anh học trò mặt trắng, bỗng trở thành một ngự sử trung tán; ở chức chưa được vài năm lại thăng bổ Tham tri chính sự, tham dự chính phủ. Tuổi trẻ, chức quan vượt trên cả các bậc cố lão đại thần, Đoàn Nhữ Hài cảm như có một mối hiểm nguy mơ hồ, lúc nào cũng rình rập, khiến chàng canh cánh lo âu. Đôi lúc, chàng đã mạnh dạn thổ lộ với Anh tông.
    Nhà vua mỉm cười độ lượng, vỗ vào vai Nhữ Hài nói lời an ủi:
    - Khanh đừng lo người khác ghen tị, hoặc chọc hại khanh. Mà hãy lo làm cho thật tốt phận sự của chính mình. Theo ta, đó là cách phòng vệ tốt nhất. Có như thế mới không phụ lòng ta tin cậy, và mới bịt được miệng những kẻ xấu bụng luôn nghĩ bậy cho người khác.
    Chàng cứ đuổi theo những hình ảnh từ buổi sơ ngộ với đức Trần Anh tông, tới việc chàng theo hầu nhà vua, và được cất nhắc vào quan chức triều đình trong mấy năm qua. Nhưng mắt chàng lại dừng nơi đôi bàn tay viên quan nội hầu với cách thức y chế trà.
    Chao ôi, sao mà ông ta làm các việc nó ngon lành và thuần thục như vậy. Đến nỗi Nhữ Hài có cảm giác như ông ta được sinh ra cuộc đời này để chỉ làm có mỗi một việc là chế trà.
    Ông ta bầy bộ đồ trà ra từ lúc siêu nước mới réo sôi. Đồ trà là một thứ đồ gốm Bát Tràng. Một chiếc ấm song ẩm mầu thúy hồng độc sắc, có một đường viền chìm bằng hoa cúc dây quanh miệng ấm. Bốn chiếc chén cũng mầu thúy hồng nhưng có trình bày một dây hoa cúc chạy chìm quanh miệng chén. Mặt trong chén được láng men trơn mầu trắng. Bốn chiếc chén bầy trên một đĩa có chân đế. Mặt ngoài đĩa láng men thúy hồng, mặt trong men trắng độc sắc có một đường viền quanh đĩa bằng dây hoa cúc chìm trong men. Một chiếc chén cái, cũng gọi là chén chuyên hình thuôn, có chân đế cao, dáng khỏe, men và hoa lá trang trí y hệt bốn chiếc chén quân bầy trong đĩa. Tất cả đều được đặt trên chiếc khay gụ trơn hình vuông. Một lọ trà to bằng hai chiếc chén cái, mầu sắc trang trí như cách trang trí chén và đĩa.
    Kỳ lạ là y vừa bầy xong các thứ khay chén ra, thì siêu nước cũng réo sôi. Y khéo léo tráng ấm bằng chén nước sôi rồi lào chè ra lòng bàn tay để cho vào ấm. Lại chế nước sôi vào bình trà, rồi rót nhanh nước đó vào bát thải bã chè. Đó là nước rửa chè, để nếu như có bụi bẩn bám dính vào trong khi sao sấy trà, sẽ được khử bỏ hoàn toàn. Y pha hãm liền ba nước, đều trót vào chén cái. Còn cách chừng một hạt thóc nữa thì nước chớm vành dây hoa cúc phía trong miệng chén. Tráng lại nước sôi mấy chiếc chén con một lần nữa, viên quan nội hầu chuyên trà từ chén cái sang; mầu trà xanh sánh như mật ong, trong như hổ phách, không hề gợn một mảy cấn chè.
    Đoàn Nhữ Hài đã được hầu trà ông nội, lại cũng được hầu trà quan quốc tử giám tư nghiệp, hồi theo học trong trường Giám, nhưng chàng chưa thấy có một ai pha trà khéo tới mức tinh tế như viên quan nội hầu này. Từ việc rót nước sôi vào ấm, rót trà ra chén cái, lại chuyên trà sang các chén quân, chàng không hề thấy một giọt nào trào hoặc sánh, hoặc rơi ra ngoài. Vậy mà ông ta đã già, các đường gân đã nổi chằng chịt như những con giun trên mu bàn tay, và gương mặt dăn deo những đường hằn ngang dọc. Cặp lông mi thưa, vểnh ra những sợi dài bạc trắng. Mái tóc giấu kín trong chiếc mũ bồ đài bằng gấm đỏ. Ông có khuôn hình nhỏ thó nom hao hao lão Dương ở trong cung, đã từng theo hầu thượng hoàng và thái thượng hoàng từ hồi chống giặc Thát năm Giáp thân (1284).
    Viên quan nội hầu mà thực ra y là một lão bộc hết đỗi trung thành, khom lưng dâng chén trà đang bốc khói lên thượng hoàng.
    Nhà vua đỡ lấy chung trà, nói:
    - Ta ban cho quan Tham tri một chung trà, khanh rót đi:
    Vừa bê trà cho Đoàn Nhữ Hài xong, quan nội hầu định lui ra phía mép cửa khoang thuyền chờ sai khiến. Bỗng giọng nói êm nhẹ của nhà vua lại cất lên: - Ta cũng ban cho khanh một chung. Khanh tự rót lấy. Nào, ta cùng uống cho vui. Nhân tôn vừa nói vừa đưa chung trà lên môi nhấp.
    Tới lúc này Đoàn Nhữ Hài và viên quan nội hầu mới dám nâng chung trà lên tay. Mùi trà thơm bốc theo khói xộc vào mũi, khiến Nhữ Hài có cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. Nhưng chàng không phân biệt được đấy là hương của loài hoa nào, hương của loại trà nào. Sự thật quan tham tri mới ngoài hai chục tuổi. Phần lớn tuổi trẻ của chàng đều dùng vào việc học hành, rèn trí và rèn đức. Chưa có thì giờ, và cả không có tiền bạc thưởng thức những thú vui như trà lầu, tửu quán. Vì vậy quan ngài thưởng trà, thưởng rượu cũng không khác chi đám trai nghèo lam lũ uống nước mưa bằng gáo dừa.
    Đợi cho Nhữ Hài uống xong, vua Nhân tôn mới ném về phía chàng một nụ cười và hỏi:
    - Khanh thấy lão Tá pha trà thế nào? Và hương vị trà của ta có làm khanh hài lòng?
    - Tâu thượng hoàng, Nhữ Hài nói, gương mặt chàng ửng đỏ lên vì ngượng. - Xin thượng hoàng tha tội. Thần… Thần không biết nói thế nào. Vì ở nhà, thần chỉ có uống nước vối thôi ạ.
    Vua Nhân tôn bật ra tiếng cười sảng khoái. Nhà vua phải lấy tay ôm bụng để cho cơn cười hạ xuống.
    Vẻ hài lòng:
    - Hay lắm, khanh không có lỗi có tội gì cả. Ta mừng vì khanh còn giữ được sự trong sáng của thời học trò, chưa bị lây nhiễm các thói tật của đám quan lớn. Ước gì bộ máy cai trị của ta, mọi người đều có được phẩm hạnh như khanh. Tệ lắm, ta biết cái đám quan lớn kia, không thiếu kẻ lê la hết trà đình, tửu điếm đến lầu ca kỹ viện, ngón nào cũng tinh rành như ma. Sau các ngón ăn chơi đó là các mưu ma chước quỉ, dối trên lừa dưới, móc mổ móc họng dân lành.
    Đoàn Nhữ Hài nghe nhà vua nói, và nghiệm trong hàng các quan lại mà chàng được biết, phần đông trong số họ đều có đủ các phẩm chất hệt như vua nói.
    Vẻ thân mật, thượng hoàng lại bảo:
    - Ta nói để khanh biết, vì có khanh nên ta mới sai lão Tá chế trà ngon, chớ riêng ra, từ ngày xuất gia, ta chỉ dùng lão mai trà, hoặc dùng trà vối như khanh thôi.
    Đoàn Nhữ Hài rưng rưng cảm động. Chàng tự nhủ: "quan gia biệt đãi ta, còn thượng hoàng lại ưu ái ta. Những trọng ân ấy biết lấy chi báo đáp ngoài sự tận lực đối với công việc và tấm lòng trung của ta đối với non sông đất nước".
    - Này Nhữ Hài, khanh có nghe dân chúng và cả quan lại đàm tiếu, dị nghị về việc ta xuất gia không?
    - Tâu thượng hoàng, trong dân chúng cũng như quan lại, đàm tiếu thì không, nhưng dị nghị thì có.
    - Chẳng hay họ dị nghị gì về ta? Khanh nói thử ta nghe.
    - Tâu, họ thường nói bệ hạ là người tài đức chói ngời, công trùm thiện hạ. Hai lần cầm quân đánh tan lũ giặc Mông - Thát có sức mạnh ngang trời đất, cứu giang sơn khỏi cái họa diệt vong. Thế mà lại bỗng dưng xuất gia.
    - Mọi người nghĩ thế là phải. Bởi cái mong muốn thường tình ở cõi thế gian này, là quyền cao chức trọng và của cải. Cả hai thứ ta đều có, bỗng chốc lại buông hết. Thế gian ít kẻ hiểu được lòng ta. - Gương mặt nhà vua an nhiên tự tại, không lộ vẻ vui buồn. Đoạn nhà vua như chợt nhớ ra, liền hỏi: - Riêng khanh, khanh nghĩ thế nào về việc ta xuất gia?
    Câu hỏi bất chợt của thượng hoàng khiến Đoàn Nhữ Hài lúng túng. Thật tình, đôi lúc chàng có nghĩ tới, nhưng chưa bao giờ chàng lại ngờ tới một tình thế khó xử như thế này. Đành liều! Chàng tự nhủ. Và cứ thực tình tâu bẩm, chắc thượng hoàng không vì thế mà trách phạt ta. Nghĩ vậy, chàng bèn thưa:
    - Xin thượng hoàng tha tội. Chính thần cũng không hiểu, vì sao thượng hoàng xả bỏ một cách nhẹ nhàng những thứ mà cả thiên hạ khát khao kiếm tìm. Thần lại nghĩ, chắc thượng hoàng phải vì một cái gì lớn lắm, thiêng liêng lắm, không cho riêng bản thân ngài, mà cho cả trăm họ, không chỉ cho ngày nay mà cho cả muôn sau. Dạ, đó là tất cả những gì mà thần nghĩ, hiểu trong việc thượng hoàng xuất gia.
    Vua Nhân tôn biết đằng sau những lời nói kia là cả một tấm lòng chân thực. Giọng nhà vua trở nên ấm áp:
    - Ta phải cám ơn khanh về những điều khanh nghĩ về ta. Song, quả thực những người nghĩ được như khanh hiếm lắm. Ta biết, số đông họ nghĩ về ta khác kia. Họ cho là ta giả dối. Tu vờ. Mà tu chỉ là cái cớ để đi khắp nước dò tìm kẻ đối nghịch với triều đình. Cũng có người tin là ta đi tu thật. Nhưng họ lại nghĩ, một ông vua đi tu vẫn còn sướng hơn chán vạn người khác. Ôi cái thân tứ đại thì có gì khác nhau giữa vua chúa với chúng dân. Còn như lấy miếng ăn miếng uống ra để so bì cao thấp, thì đó là một thứ nghĩ suy hạ cấp của những loài súc sinh chưa tiến hóa.
    Tuy vậy từ ngày xuất gia, ta bỏ hài nhung, hài gấm, mà chỉ đi dép cỏ, bỏ áo lông áo gấm vận xô gai, bỏ trà thơm uống nước vối, hoặc chẻ gỗ mai ra pha hãm làm nước uống thay trà; bỏ thịt cá, sơn hào hải vị dùng cơm chay. Ta không phải gò mình ép xác sống khổ làm gì. Nhưng ngay cả khi ăn nem công chả phượng, hải sâm, yến sào, ta cũng có cho nó là sang là quí đâu. Chẳng qua chúng cũng chỉ là các đồ giả thực, nuôi sống tấm thân giả hợp của ta thôi chứ có gì ghê gớm đâu.
    Trầm ngâm một lát, vua Nhân tôn thả cái nhìn ra ngoài trời lúc này sương đã tan loãng, bóng sao đã lặn chìm, phương đông hơi loe lóe một ráng hồng. Bất chợt nhà vua lên tiếng:
    - Này Nhữ Hài! Có phải khanh nghĩ, việc ta xuất gia vì một cái gì lớn lắm, thiêng liêng lắm, không cho riêng bản thân ta, mà cho cả trăm họ, không chỉ cho ngày nay, mà cho cả muôn sau. Có phải đúng là khanh nghĩ thế hay khanh nghe ai nói thế, hay là khanh đã đọc ở sách nào?
    Nhữ Hài ngượng chín người về câu hỏi có vẻ hoài nghi của thượng hoàng. Từ nãy, chàng vẫn ngắm thượng hoàng giấu tấm thân nhỏ nhắn trong cặp áo nâu sồng nhà tu. Nơi cổ ngài đeo chuỗi hạt bồ đề, mỗi viên to bằng đầu ngón tay cái. Và trên đầu, ngài trùm chiếc mũ vải kết gút nom như đầu các vị bụt ốc. Toàn thân ngài toát lên vẻ dung dị, dẫu ta có nằm mơ cũng không nghĩ rằng đó là một vị quốc vương rất đỗi anh hùng vừa cởi áo giáp, trút hoàng bào, bỏ vương trượng, để khoác lên mình tấm áo cà sa, và nắm lấy cây thiền trượng đi thuyết giáo khắp nơi, kể cả thôn cùng xóm vắng. Chàng bẽn lẽn đáp lời:
    - Tâu, điều thần nghĩ là bắt nguồn từ các việc mà thượng hoàng đã làm.
    - Khanh nói thử các việc ấy ta nghe.
    - Muôn tâu, đó là thượng hoàng đi khắp cõi thuyết pháp, khuyên bảo dân chúng tu tâm dưỡng tính theo yếu chỉ của đạo thiền, không tin nhảm nhí, không thờ bừa bãi các tà thần, dâm thần, tạp thần. Mỗi người hãy tự tin ở mình, khai phóng nội lực, làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, không vọng tưởng, không cầu tìm tha lực. Tâu thượng hoàng, theo ngu ý của thần, thì đó là một công cuộc đại khai trí cho toàn dân, thông qua việc giáo hóa của bệ hạ về ngũ giới và thập thiện, tiến tới một ngày nào đó bệ hạ sẽ khai ngộ cho toàn dân tộc.
    Vua Nhân tôn hết đỗi xúc động về những lời nói không khoa trương, không xu nịnh của Nhữ Hài. Nhà vua có cảm nhận như người này có phần nào được khai ngộ bởi cái trí vô sư đã xuất hiện nơi chàng. Nghĩ vậy, nhà vua bèn dẫn dụ để chàng hiểu thêm về các công việc ngài làm, và cũng có ý muốn khai ngộ thêm cho chàng, bởi chàng là một quan lớn chăn dân. Vua nói:
    - Nếu những kẻ chăn dân vừa có trí tuệ, vừa có lòng nhân, đức thiện thì dân được nương tựa, mà đạo của ta cũng có đường vào.
    Ta nhớ trong lịch sử truyền giáo, đức Thích-ca-mâu-ni đã ao ước thu nạp được nhà học giả minh triết Xá-lợi-phất như thế nào. Và khi ngài Xá-lợi-phất viên tịch, Phật đau đớn thốt lên: Ôi, đạo của ta trống rỗng!. Nghe qua ý tứ của nhà vua, Đoàn Nhữ Hài biết nỗi khát khao cháy bỏng của ngài, là muốn bộ máy cai trị của ngài tóm thâu được nhiều người trí, người tài đức. Bởi người dẫn dắt dân lành mà là kẻ bất trí, bất thiện thì y sẽ biến cả xã hội thành một tổ quỉ khổng lồ. Vả lại, trong dân gian vẫn thường nói: Một người biết lo bằng một kho người làm. Vậy đó, theo ý nhà vua, quyền dẫn dắt dân chúng không thể trao vào tay những kẻ ngu khờ, ác hiểm. Và chàng tự nhủ: Chắc ta chưa đạt được mức người trí như đức vua mong muốn. Tuy vậy, ta cũng không phải hạng ngu khờ, song ta quyết không phụ lòng ngài trông đợi.
    Im lặng một lát, như để cho Đoàn Nhữ Hài kịp lãnh hội cái vi ý của ngài, nhà vua lại hỏi:
    - Vậy chớ khanh có còn hoài nghi gì về những việc ta làm, những điều ta nói?
    - Tâu bệ hạ, thần cứ tự hỏi, tại sao lúc này bệ hạ lại hối thúc việc rao giảng ngũ giới và thập thiện đến thế?
    Thoáng gợn một chút gì đó trên gương mặt bình thản của nhà vua. Đoạn ngài chậm rãi:
    - Không phải chỉ lúc này ta mới rao giảng về ngũ giới và thập thiện. Nhưng lúc này ngũ giới và thập thiện là cứu cánh cho xã hội. Khanh không thấy hiện tình xã hội ta đang mắc vướng điều gì sao? Chẳng lẽ khanh không thấy trong ba năm liền, đất nước ta phải đương đầu với hai cuộc xâm lăng tàn khốc do giặc dữ Mông - Thát tràn vào các năm Ất dậu (1285) và Đinh hợi (1287), mỗi lần tới hơn năm mươi muôn (500.000) quân sao?
    Như sực nhớ ra, Nhân tôn à lên một tiếng:
    - Phải rồi, ngày ấy khanh còn nhỏ quá. Mới chỉ hơn 10 tuổi. Phải, khanh có phải đi chạy giặc. Có biết khổ và cả biết hãi sợ nữa. Nhưng thức nhận về tầm nguy hại của cuộc chiến, ta chắc ngày ấy khanh chưa biết.
    Khanh chưa thể hình dung ra sức mạnh của 50 muôn quân với ngựa chiến, tầu thuyền cùng khí giới tinh nhuệ nhất, với các tướng tài lừng danh của một đội quân bách chiến. Chưa cần phát tác oai lực, chỉ cần 50 muôn quân ấy đi qua nơi nào, lập tức biến nơi ấy thành vùng đất chết. Bởi nhà cửa sẽ cháy rụi hết. Cây cối đổ nát hết. Ngay cỏ trên đường đi cũng không còn một cọng. Đội quân có sức mạnh trùm sông núi ấy, với chính sách tam quang tảo đãng vô cùng tàn bạo. Nghĩa là đi đến đâu chúng đốt hết, giết hết, và cướp phá hết. Bởi thế, tất cả những nơi chúng đã đi qua đều ngợp chìm trong máu và lửa. Bước chân chúng đặt tới đâu là biến nơi đó thành vùng đất chết.
    Hai cuộc chiến kinh hoàng làm vậy, ụp lên đầu một đất nước nhỏ yếu với chưa đầy bốn triệu dân, trong vòng ba năm giời. Người yếu bóng vía, chỉ nghe tiếng quân reo, tiếng ngựa hí của giặc cũng vỡ mật ra mà chết, nói chi đến việc đánh lại chúng. Ấy thế nhưng người mình đã dám kình chống, và đã thắng. Do gồng sức lên trong cuộc chiến, nên hậu chiến nảy sinh không biết bao tai họa, và cũng không biết bao nhiêu công việc phải làm. Nào bệnh tật tràn lan. Nào phải xây dựng lại nhà cửa. Nào phải khôi phục lại những đất đai hoang hóa trong những năm biến loạn. Nhưng bi thảm nhất vẫn là không khí tang tóc trùm phủ khắp non sông đất nước. Nhiều nhà, giặc tàn sát không còn sót một sinh linh. Nhiều làng, giặc triệt hạ thành bình địa. Mồ mả cha ông, giặc cuốc đào.
    Có thể nói, nỗi bất hạnh do chiến tranh đem lại được chia phần một cách không đồng đều cho mỗi gia đình, mỗi thân phận trong cả nước. Nó không chừa, không tránh một ai. Ngay cả hoàng gia và hoàng tộc cũng thế thôi, cũng phải chịu tang tóc và đắng cay muôn nỗi. Trong lúc thế nước lâm nguy, buộc ta phải thuận lòng đưa hoàng cô An Tư vào nộp cho tướng giặc Thoát-hoan, để làm thư quốc nạn. Rồi hoàng cô cũng thác trong đám loạn quân. Quốc thúc Trần Ích Tắc thì đem cả nhà về hàng giặc, trong lúc thế giặc đang mạnh như vỡ đê trời. Giặc đánh vỡ mặt trận phía nam, toàn quân ta và cả triều đình đều ở trong vòng vây giặc, thì người anh em thúc bá Trần Kiện, đem cả một muôn quân đi đầu hàng giặc. Y còn tự thân dẫn đường cho giặc truy đuổi quốc thúc thượng thái sư Trần Quang Khải. Nghĩa đệ của ta, tiểu tướng quân Trần Quốc Toản thì hi sinh trên đường truy đuổi giặc, ở bờ bắc sông Như Nguyệt trước ngày quân ta toàn thắng chỉ có một hôm. Ôi, còn bao chuyện đau lòng khác, kể sao cho xiết. Lại theo đó, nảy sinh biết bao điều bất như ý khác.
    Nhữ Hài, khanh biết đấy, trước chiến tranh, dân ta sống chất phác, hòa hiếu biết dường nào. Nay thì nạn cướp của giết người lan tràn từ kinh thành đến cả xóm thôn thưa vắng. Trong nhiều gia đình, kỷ cương, hiếu đễ lộn đảo: con giết cha, vợ giết chồng, cháu con hỗn láo ngược đãi ông bà, cha mẹ vì đói nghèo, vì túng quẫn. Anh chị em đánh giết nhau vì tranh đoạt một chiếc niêu đất, một bó rơm. Phải, những thứ đó là hậu quả của chiến tranh. Vì chiến tranh làm cho con người quen lờn với máu, lửa, giết chóc và tàn bạo.
    Trước tình cảnh đau lòng ấy, khanh bảo ta làm cách nào để trục bỏ những thứ đó ra khỏi đời sống xã hội? Ta nghĩ, chỉ còn cách giáo hóa ngũ giới và thập thiện cho mọi người. Nếu nhà nhà đều thức nhận được về ngũ giới và thập thiện; nếu người người làm theo ngũ giới và thập thiện thì chẳng bao lâu cái ác phải lui dẹp. Làm như vậy, là ta muốn hỗ tương cho quan gia đang ráng sức lo cái ăn, cái ở và học hành cho trăm họ. Ta nghĩ, nếu chuyển xoay được cả phần thế tục và tâm linh cho bách tính, thì chí ít trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa, nước ta mới có cơ phát khởi trở lại, cường thịnh trở lại.
    ..........
    (Ngũ giới : Năm điều răn cấm của Nhà Phật:Không sát sinh. Không trộm cắp. Không gian dâm. Không nói càn, bậy. Không uống rượu.
    Thập thiện: Gồm ba thứ: Thân thiện nghiệp do sự hành động của thân thể gây ra. Khẩu thiện nghiệp do nơi lời nói gây ra. Ý thiện nghiệp do nơi ý nghĩ, tư tưởng gây ra.
    - Ba nghiệp thuộc về thân:Không sát sinh, Không trộm cắp,Không tà dâm.
    - Bốn nghiệp thuộc về lời nói:Không vọng ngữ (nói dối),Không nói hai lưỡi (vu oan giá họa), Không nói ác khẩu,Không ỷ ngữ (nói điêu, nói thêu dệt).
    - Ba nghiệp thuộc về ý:Không tham lam,Không sân hận,Không ngu si, tà kiến.)
    

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 28 (Kết Thúc)

Huyền Trân Công Chúa
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị