Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Khúc Quanh Của Dòng Sông Tác Giả: Cao Việt Dũng    
    Phần lớn chúng tôi đều chỉ biết dòng sông và những con đường nham nhở cùng những gì hai bên chúng. Ngoài đó ra đều là những thứ không được biết đến; điều này có thể làm chúng tôi ngạc nhiên. Hiếm khi chúng tôi đến những nơi ngoài các nơi đã quen thuộc. Trên thực tế, chúng tôi hiếm khi đi xa. Vì lẽ đó, khi đã đi xa, chúng tôi không muốn đi xa đến thế. Chúng tôi chỉ gắn với những gì đã biết – căn nhà, cửa hiệu, câu lạc bộ, quán bar, đường dọc sông vào lúc hoàng hôn. Đôi khi chúng tôi đi chơi cuối tuần tới đảo hà mã trên sông, phía trên ghềnh nước. Nhưng ở đó không có người, chỉ có hà mã – bảy con lần đầu tiên tôi đến, và hiện còn ba con.
    Chúng tôi biết đến những ngôi làng bị giấu kín chủ yếu qua những gì chúng tôi thấy ở dân làng khi họ tới thị trấn. Họ trông rất kiệt sức và bơ phờ sau những năm tháng sống biệt lập và muốn, và có vẻ như vui vẻ vì có thể lại được đi lại tự do. Từ cửa hiệu nhìn ra tôi thường thấy họ đi lượn lờ quanh những quầy hàng ngoài chợ trên quảng trường, nhìn chăm chăm các thứ đồ, vải vóc và quần áo may sẵn, và lang thang trở lại những quầy hàng đồ ăn, những đống kiến gió tẩm dầu rán (rất đắt, được bán theo từng thìa một) để trên những mảnh báo, những con sâu có lông nhuộm màu da cam với cặp mắt phồng lên uốn éo trong những cái chậu men, những con ấu trùng trắng, to béo, ẩm ướt và mềm nhũn trong những gói đất ẩm, năm hay sáu con trong một túi – những con ấu trùng đó, hấp thụ thẳng vào cơ thể, không có mùi, là một thực phẩm béo nhiều công dụng, ngọt với những đồ ngọt, thơm với những đồ thơm. Tất cả đều là của rừng, những ngôi làng đã mất chúng hoàn toàn (lũ ấu trùng sống trong lõi của cây cỗ thụ), và không ai muốn đi kiếm chúng xa như vậy trong rừng.
    Ngày càng có nhiều dân làng đến thăm và cắm trại ở lại thị trấn. Ban đêm họ nấu ăn trên đường phố và các quảng trường. Trên vỉa hè dưới những tấm bạt cửa hiệu, những bức tường tượng trưng được dựng lên che chắn cho những chỗ ngủ - hàng rào thấp hoặc bìa cứng dựng giữa những hòn đá hoặc những viên gạch, hoặc những đoạn dây thừng (giống những sợi cáp của một sàn quyền anh thu nhỏ) giữa những ụ đá.
    Từ chỗ bị bỏ rơi, thị trấn bắt đầu đông đảo trở lại. Có vẻ như là không gì có thể ngăn dòng người đến từ những ngôi làng. Kể từ đó, từ những nơi không được biết đến ngoài thị trấn, lan đi lời đồn đại về một cuộc chiến tranh.
    Và đó là cuộc chiến tranh cũ, cuộc chiến vẫn cứ tiếp diễn, cuộc chiến tranh mang hơi hướng bộ lạc nổ ra vào lúc độc lập, đã phá huỷ và làm trống trơn thị trấn. Chúng tôi từng nghĩ về nó và làm việc với nó, những niềm say mê bùng phát. Không có gì khiến chúng tôi nghĩ khác được cả. Ngay cả những người châu Phi bản địa cũng bắt đầu nói về thời đó như là một thời điên khùng. Họ dùng đúng từ điên khùng. Qua Mahesh và Shoba tôi biết những câu chuyện khủng khiếp về thời kỳ đó, về những vụ giết chóc dân thường của đám lính, những kẻ nổi loạn và lính đánh thuê trong suốt nhiều tháng trời, về những người bị trói gô lại theo đủ kiểu kỳ quái nhất và bị buộc phải hát trong khi đang bị đánh đến chết trên đường phố. Không ai trong số những người đến từ các ngôi làng tỏ ra sẵn sàng với kiểu đối xử rùng rợn đó. Giờ mọi chuyện lại sắp bắt đầu.
    Vào thời điểm độc lập người vùng chúng tôi đã phát điên vì giận dữ và sợ hãi – toàn bộ sự tức giận của thời thuộc địa và tất cả nỗi sợ hãi bộ lạc lại thức dậy lần nữa. Người vùng chúng tôi đã quá bị lợi dụng, không chỉ bởi người châu Âu và A rập mà cả bởi người châu Phi, và vào thời điểm độc lập, họ từ chối sự quản lý của chính phủ mới ở thủ đô. Đó là một sự nổi loạn bột phát, không có người chỉ huy lẫn phương hướng hành động. Nếu phong trào có lý luận riêng, chứ không chỉ là một phong trào đơn giản là sự chối bỏ, người vùng chúng tôi đã có thể coi thị trấn bên bờ sông là thuộc về họ, thủ đô của bất kỳ bang nào mà họ dựng lên. Nhưng họ căm ghét thị trấn vì những kẻ lạ mắt đến đó để quản lý, và họ thích phá huỷ thị trấn hơn là chiếm lấy nó.
    Phá huỷ xong thị trấn của mình rồi, họ lại than khóc nó. Họ muốn lại lần nữa thấy nó là nơi để sống. Và nhìn thấy nó đang dần trở lại cuộc sống, họ lại một lần nữa sợ hãi.
    Họ giống những người không biết tâm trí mình ở đâu. Họ đã phải chịu quá nhiều nỗi khổ, họ đã chất lên chính mình quá nhiều nỗi khổ. Họ dường như yếu ớt và lo lắng khi rời khỏi làng mình đi về phía thị trấn. Họ cần thức ăn và hoà bình mà thị trấn có thể cung cấp. Nhưng họ lại quay trở về làng mình, muốn phá bỏ thị trấn một lần nữa. Thật là điên rồ! Giống như một trận cháy rừng âm ỉ phía dưới và bùng lên không ai nhìn thấy dưới những rễ cây nó đã phá huỷ và sau đó trồi lên mặt đất nham nhở nơi nó có ít cái để tự nuôi mình, ở lưng chừng sự phá hoại và ý muốn phá huỷ lại bùng lên.
     Và cuộc chiến tranh, mà chúng tôi nghĩ là đã chết, bỗng chốc lại bao quanh chúng tôi. Chúng tôi nghe tin về những cuộc mai phục dọc những con đường mà chúng tôi biết, về những ngôi làng bị tấn công, về những tộc trưởng và quan chức bị giết.
    Chính vào lúc đó Mahesh nói một điều mà tôi còn nhớ. Đó không phải là điều tôi thường trông chờ ở anh – một người chăm chút đến thế vẻ bề ngoài và quần áo, người yêu vợ mình đến thế.
    Mahesh nói với tôi "Anh làm gì vậy? Anh sống ở đây, và anh còn hỏi điều đó? Anh làm cái tất cả chúng ta đều làm. Anh tiếp thục thôi".
    
    Quân đội kéo vào thị trấn của chúng tôi. Họ đến từ một bộ lạc hiếu chiến phục vụ người A rập như những kẻ săn nô lệ trong vùng, và sau này, với một hoặc hai cuộc binh biến bẩn thỉu, đi lính cho chính phủ thuộc địa. Chính sách này đã có từ lâu rồi.
    Nhưng người ta không còn cần nô lệ nữa, và mọi người ở châu Phi hậu thuộc địa đều có thể có súng, mọi bộ lạc đều có thể trở thành bộ lạc chiến đấu. Quân đội chẳng có gì là lạ nữa. Đôi khi cũng có những xe tải chở lính trên đường phố - nhưng có vẻ như lính tráng chẳng bao giờ tỏ ra có súng. Đôi khi có duyệt binh ở các trại lính – toà cung điện do người đàn ông vĩ đại của cộng đồng chúng tôi xây lên, giờ đây trên hàng hiên cả tầng trên tầng dưới đều đầy quần áo phụ nữ phơi (một người Hy Lạp giành được hợp đồng giặt những bộ quân phục), Quân đội hiếm khi quá đáng như thế. Họ không đủ tiền để có thể khá hơn. Họ ở giữa những kẻ thù truyền thống của mình, những người xưa kia là con mồi để họ săn nô lệ, và dù họ được trả lương đều đặn và sống khá tươm tất, nhưng họ vẫn thiếu quân trang quân dụng. Chúng tôi có một Tổng thống mới, một quân nhân. Đó là cách của ông quản lý đất nước và quản lý quân đội khó khăn của mình.
    Điều này tạo ra sự cân bằng cho thị trấn. Là những người được trả lương cao, quân đội thường trú mua bán nhiều. Lính tráng chịu tiêu tiền. Họ mua đồ gỗ, và họ thích thảm – đó là thị hiếu họ hoặc được từ người A rập. nhưng giờ đây sự cân bằng của thị trấn chúng tôi đang bị đe doạ. Quân đội có một cuộc chiến tranh thật sự để đương đầu, và không ai có thể nói liệu những người này, có trong tay vũ khí hiện đại và được lệnh bắn giết, lại không quay trở lại con đường săn nô lệ của tổ tiên mình và biến thành những toán giặc cỏ, như họ đã làm vào thời điểm độc lập, khi mọi quyền lực sụp đổ.
    Không, trong cuộc chiến này tôi trung lập. Tôi bị cả hai phía đe doạ. Tôi không muốn thấy quân đội ăn chơi sa đọa. Và dù thông cảm với người trong vùng, tôi không muốn thấy thị trấn bị phá huỷ lần nữa. Tôi không muốn bên nào thắng hết, tôi muốn sự cân bằng cũ được giữ nguyên.
    Một đêm tôi linh cảm thấy chiến tranh đã gần lắm rồi. Tôi choàng tỉnh và nghe tiếng một chiếc xe tải đang chạy đi xa. Đó có thể là bất kỳ chiếc xe tải nào, thậm chí nó có thể là một chiếc của Daulat, đang gần đến đích chuyến đi gian khổ của mình từ phía Đông. Nhưng tôi cứ nghĩ: đó là âm thanh của chiến tranh. Âm thanh này đều đều, tiếng gầm gừ của máy móc khiến tôi nghĩ tới những khẩu súng, và khi đó tôi nghĩ đến những người dân làng khiếp hãi và đói dở chống lại những khẩu súng đã bắt đầu được sử dụng, những người mà mớ quần áo rách đã có màu tàn tro. Đó là nỗi lo sợ của một khoảnh khắc tỉnh giấc; tôi ngủ lại.
    Khi Metty mang cà phê đến cho tôi buổi sáng, nó nói "Quân lính quay lại rồi. Họ đến cầu rồi. Và khi họ đến cầu súng của họ sẽ tịt".
    "Metty!"
    "Cháu sẽ nói cho chú mà, patron."
    Thật tồi tệ. Đúng là quân đội sẽ rút lui, thật là tệ, tôi không muốn thấy quân đó rút đi. Nếu điều đó không đúng thì vẫn tệ. Metty đã hóng hớt những lời đồn đại, và điều nó nói về những khẩu súng tịt ngòi có nghĩa là những kẻ nổi loạn, những người rách rưới, đã tin là những viên đạn không thể giết được mình, rằng tất cả những linh hồn của rừng và của sông vẫn đứng về phía họ. Và điều đó có nghĩa là vào bất kỳ lúc nào, ngay khi có ai đó có lời kêu gọi hợp lý, sẽ có thể có nổi loạn ngay tại thị trấn.
    Thật là tôi tệ, và tôi không thể làm gì cả. Cái kho của cửa hiệu – không có gì để bảo vệ cả. Tôi có thứ gì có giá trị nữa không? Có hai hay ba kí lô vàng tôi đã tich trữ được từ những vụ buôn bán nho nhỏ, có những thứ giấy tờ của tôi – giấy khai sinh và hộ chiếu Anh của tôi, có cái máy ảnh tôi đã cho Ferdinand xem, nhưng không muốn chụp ai vào lúc này nữa cả. Tôi cho tất cả những thứ đó vào một cái thùng gỗ. Tôi cũng nhét vào đó bức tranh tường tôn kính mà bố tôi đã gửi Metty đem tới, và tôi cũng bắt Metty nhét hộ chiếu và tiền của nó vào trong đó. Metty đã trở lại là một gia nhân, lo lắng cho uy tín, thậm chí ngay cả vào lúc này, để làm sao cư xử thật giống tôi. Tôi phải ngăn nó nhét đủ thứ linh tinh vào trong đó. Chúng tôi đào một cái hố ngoài sân ngay dưới cầu thang lộ thiên – thật là dễ; không có hòn đá nào trong đất đỏ - và chôn cái thùng gỗ xuống đó.
    Lúc đó là sáng sớm. Sân sau nhà chúng tôi buồn tẻ, tầm thường với ánh mặt trời và mùi những con gà nhà bên cạnh, tầm thường với lớp bụi đỏ và những chiếc lá rơi cùng những bóng cây buổi sáng tôi từng biết khi còn ở bờ biển, tầm thường đến nỗi tôi nghĩ: điều này thật là điên rồ. Một lúc sau tôi nghĩ: mình đã phạm một sai lầm. Metty biết mọi thứ giá trị tôi có trong chiếc thùng này. Tôi đã đặt mình vào tay nó.
    Chúng tôi đi mở cửa hiệu, tôi vẫn bán hàng. Chúng tôi bán được một chút ít vào giờ đầu tiên. Nhưng rồi quảng trường chợ trở nên vắng teo và thị trấn yên ắng hẳn. Mặt trời chói chang, và tôi nhìn đăm đăm những bóng cây cùng những sạp hàng, những toà nhà quanh quảng trường.
    Đôi khi tôi nghĩ, tôi có thể nghe thấy tiếng của ghềnh nước. Đó là tiếng ồn ào vô tận ở khúc quanh dòng sông này, nhưng vào một ngày bình thường ở đây không thể nghe thấy tiếng đó. Giờ đây dường như nó đã tới và tiếp với ngọn gió. Buổi trưa, khi chúng tôi đóng cửa hiệu để ăn trưa, và tôi đi qua những con phố, chỉ có dòng sông ánh lên dưới cái nắng gay gắt, là còn có vẻ sống động. Dù không có cá nược, chỉ những cây lan dạ hương trôi nổi đến từ phía Nam, và trôi đi về phía Tây, từng lùm một, với những bông hoa màu tím nhạt rất dày giống như những quả sồi.
    Hôm đó tôi ăn trưa với cặp vợ chồng người châu Á đã có tuổi – họ từng kinh doanh trong ngành vận chuyển cho tới khi độc lập, khi việc buôn bán dừng lại, và những người khác trong gia đình bỏ đi. Không gì thay đổi ở đó kể từ khi tôi thường xuyên đến ăn trưa với họ hai lần một tuần. Họ là những người gần như không tin tức ,và chúng tôi rất ít nói chuyện với nhau. Từ mái hiên của ngôi nhà xù xì như trại gia súc nhìn ra những chiếc xe bỏ không, tàn dư của công việc buôn bán trước kia, đang hoen rỉ dần trong sân. Nhẽ ra tôi phải đau lòng vì cảnh này nếu đó là của tôi. Nhưng hai ông bà già có vẻ chẳng hề quan tâm đến việc họ đã mất mát quá nhiều. Họ có vẻ hài lòng với cuộc sống thế này. Họ làm tất cả những gì tôn giáo và những truyền thống gia đình của mình đòi hỏi, và họ cảm thấy – giống như những người già trong gia đình tôi – họ đã sống tốt và hoàn chỉnh.
    Ở bờ biển tôi thường chê trách những người trong cộng đồng chúng tôi như thế, thờ ơ với những gì xảy ra quanh họ. Tôi muốn đánh thức họ dậy và cảnh báo họ về nguy hiểm. Nhưng giờ thì lại thật vui được ở cùng những người có tuổi bình tĩnh này, và hẳn là tuyệt lắm, trong một ngày như thế này, không phải rời khỏi căn nhà đó, để được trở lại làm đứa trẻ, được sự khôn ngoan người già bảo vệ, và để tin tưởng rằng họ luôn nhìn nhận đúng vấn đề.
    Ai muốn triết học hay lòng tin vào những lúc sung sướng ? Chúng ta đều có thể tự đối mặt được với những lúc sung sướng . Chỉ những thời khắc khó khăn chúng ta mới cần tập hợp lại. Và ở đây, ở châu Phi này, không ai trong số chúng tôi có thể được tập hợp tốt như người châu Phi. Người châu Phi đã khêu lên cuộc chiến tranh này, họ có thể chịu đựng rất giỏi, hơn bất kỳ ai khác, nhưng họ có thể đối mặt. Ngay cả những kẻ rách rưới nhất trong số họ vẫn còn có làng mạc và bộ lạc, những cái hoàn toàn thuộc về họ. Họ có thể chạy trốn vào thế giới bí mật của họ và biến đi vào những thế giới đó, như họ từng làm trước đây. Và ngay cả khi những điều khủng khiếp xảy đến với họ, họ vẫn chết trong sự thoải mái khi biết rằng tổ tiên của họ đang nhìn xuống cổ vũ họ.
    Nhưng điều này không đúng với Ferdinand. Với dòng máu pha trộn của mình, nó trở nên người xa lạ của thị trấn này hệt như tôi. Nó đến căn hộ buổi chiều, vẻ bối rối, gần như động kinh, vì sự khủng bố châu Phi đối với những người châu Phi xa lạ.
    Trường đã đóng cửa các lớp học vì sự an toàn của học sinh và giáo viên. Ferdinand quyết định rằng trường không phải nơi an toàn, nó nghĩ trường sẽ là một trong những nơi đầu tiên bị tấn công nếu bạo loạn nổ ra trong thị trấn. Nó vứt bỏ tất cả những vai diễn của mình, mọi kiểu cách của mình. Lưỡi dao cạo, mà có lúc nó lấy làm kiêu hãnh như một đặc điểm châu Phi mới, nó đã vứt đi, một số thứ làm nó trở nên khác biệt quá vì sợ nguy hiểm, nó mặc quần kaki dày thay cho quần soọc đồng phục của trường. Nó nói về một con đường tưởng tượng đi về phía Nam đến với bộ tộc của cha nó. Nhưng con đường đó không thể đi được – nó biết là không thể - và rõ ràng là phải gửi nó dọc sông về làng mẹ nó.
    Thằng bé cao lớn, gần thành một người đàn ông, nức nở "Tôi không muốn về đó. Tôi không biết ai ở đó cả. Mẹ tôi muốn tôi đến đó. Tôi không muốn ở lại thị trấn hay là đến trường. Tại sao bà ấy lại gửi tôi đến trường?"
    Chúng tôi, Metty và tôi, cảm thấy thoải mái vì có ai đó để an ủi. Chúng tôi quyết định cho Ferdinand ngủ ở phòng Metty, và chúng tôi sửa soạn chỗ ngủ cho nó. Sự chú ý vào Ferdinand giảm xuống. Chúng tôi ăn sớm, khi trời hẵng còn sáng. Ferdinand im lặng trong khi ăn. Nhưng sau đó, khi chúng tôi đã ở những căn phòng khác nhau, nó và Metty nói chuyện.
    Tôi nghe Metty nói "Họ đến một cây cầu. Tất cả xe tải dừng lại, và súng sẽ tịt ngòi."
    Giọng Metty vống lên cao đầy phấn khích. Đó không phải là giọng tôi vẫn thường nghe khi nó đến thông báo tin tức với tôi hàng sáng. Bây giờ nó không nói như người châu Phi, những người nói cho nó nghe chuyện này.
    
    Buổi sáng quảng trường chợ bên ngoài cửa hiệu hoàn toàn không có ai. Thị trấn vẫn trống trơn. Những người ngồi và nằm trên phố chắc là đã bí mật bỏ đi.
    Khi đến chỗ Shoba và Mahesh để ăn trưa tôi nhận ra những chiếc thảm đẹp nhất của họ đã biến mất, cùng với một số đồ thuỷ tinh và bạc cao cấp, cả cái mặt bằng pha lê của người đàn bà khoả thân. Shoba có vẻ căng thẳng, đặc biệt quanh đôi mắt, và Mahesh có vẻ lo lắng về cô hơn về bất kỳ cái gì trên đời. Tâm trạng Shoba luôn bao trùm lên bữa ăn, và hôm đó có vẻ như cô muốn trừng phạt chúng tôi vì bữa trưa ngon lành mà cô đã chuẩn bị. Chúng tôi ăn một lúc không nói gì, Shoba nhìn xuống bàn với cặp mắt mỏi mệt, Mahesh nhìn chằm chằm vào cô.
    Shoba nói "Nhẽ ra tuần này tôi đã ở nhà. Bố tôi ốm. Tôi đã nói với anh chưa, Salim? Nhẽ ra tôi cần ở với ông ấy. Và hôm nay là sinh nhật ông ấy".
    Đôi mắt Mahesh dính chặt xuống bàn. Làm mất đi ý nghĩa của những từ mà tôi thấy là rất khôn ngoan, anh nói "Chúng ta sẽ tiếp tục. Sẽ tốt cả thôi. Tổng thống mới không phải là thằng điên. Ông ấy sẽ không tiếp tục cứ ở lì trong nhà như người cuối cùng, không làm gì cả."
    Cô nói "Tiếp tục đi, tiếp tục đi. Đó là tất cả những gì tôi nhẽ ra phải làm. Đó là tại sao tôi bỏ phí cuộc đời mình. Rằng tôi sống thế nào ở chỗ này, giữa những người châu Phi. Salim, đó có phải là một cuộc sống không?"
    Cô nhìn xuống đĩa thức ăn của mình, không nhìn tôi. Tôi không nói gì.
    Shoba nói "Tôi đã phí phạm cuộc đời mình, Salim ạ. Anh không biết tôi đã phí phạm cuộc đời mình thế nào đâu. Anh không biết sống ở đây tôi thấy sợ hãi thế nào đâu. Anh không biết tôi sợ đến thế nào khi tôi nghe về anh, khi tôi tin có người lạ đến thị trấn. Tôi bị tất cả mọi người làm cho sợ hãi, anh biết đấy" mắt cô giật giật. Cô ngừng ăn, chống đầu ngón tay vào má, như để xua đi một nỗi đau bồn chồn. "Tôi xuất thân từ một gia đình khá, một gia đình giàu có. Anh biết điều đó. Gia đình tôi có những dự định cho tôi. Nhưng rồi tôi gặp Mahesh. Anh ấy có một cửa hiệu xe máy. Một cái gì đó khủng khiếp xảy đến. Tôi ngủ với Mahesh gần như ngay sau khi gặp anh ấy. Anh biết chúng tôi và cách chúng tôi sống đủ đẻ biết rằng đó là một việc khủng khiếp đối với tôi. Nhưng nó còn khủng khiếp đối với tôi theo một cách khác nữa. Tôi không muốn ai biết điều gì khác sau đó. Đó là lời nguyền của tôi. Tại sao anh không ăn, Salim? Chúng ta phải tiếp tục".
    Cặp môi Mahesh mím lại đầy bồn chồn, và trông anh gần phát điên, cùng lúc ánh mắt anh ánh lên khi nghe sự ca ngợi trong những lời phàn nàn, anh và Shoba đã ở với nhau được gần mười năm nay.
    "Gia đình tôi truy lùng Mahesh ghê lắm. Nhưng điều này lại càng làm tôi cương quyết thêm hơn. Các anh tôi doạ tạt axít vào người tôi. Họ không đùa đâu. Họ cũng doạ giết Mahesh. Đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi đến đây. Tôi chờ đợi các anh tôi hàng ngày hàng giờ. Vẫn vậy. Tôi vẫn đợi họ. Anh biết rằng với những gia đình như gia đình tôi một số điều không phải để đùa. Và rồi, Salim, khi chúng tôi ở đây, một số điều còn tồi hệ hơn đã xảy ra. Một hôm Mahesh nói tôi thật ngu xuẩn khi cứ nơm nớp lo sợ các anh tôi. Anh ấy nói "Các anh của em chẳng có cách nào đến đây hết cả. Họ sẽ gửi một người nào đó tới".
    Mahesh nói "Đó là một câu đùa thôi mà".
    "Không, đó không phải là đùa. Điều đó đúng. Bất kỳ ai cũng có thể đến đây – họ có thể cử đến bất kỳ ai. Đó không thể là một người châu Á. Đó có thể là một người Bỉ, Hy Lạp hoặc bất kỳ người châu Âu nào. Đó có thể là một người châu Phi. Làm sao mà tôi biết được?"
    Cô nói như thế hết cả bữa trưa, và Mahesh bỏ đấy đi, anh có vẻ như đã phải đối mặt với chuyện này trước đó. Sau đó tôi đưa anh vào trung tâm thị trấn – anh nói anh không muốn đi xe. Sự bồn chồn của anh biến mất ngay khi chúng tôi rời chỗ Shoba. Anh có vẻ như không lo lắng gì về những chuyện Shoba nói về cuộc sống chung của họ và không hề bình luận gì về việc đó.
    Anh nói khi chúng tôi đi vào những con đường bụi đỏ "Shoba cứ quá lên thôi. Mọi chuyện không tồi tệ như cô ấy tưởng đâu. Tổng thống mới không điên đâu. Sáng nay tàu thuỷ đã chở người da trắng đến. Anh không biết à? Hãy đi qua chỗ Van der Weyden anh sẽ thấy họ. Ông ta có thể là con trai của một người hầu. Nhưng ông ta sẽ nắm được tất cả. Ông ta sẽ sử dụng điều đó để đẩy nhiều người vào chỗ của họ. Hãy đến chỗ Van der Weyden. Anh sẽ có một ý tưởng về mọi thứ sau độc lập".
    Mahesh nói đúng. Tàu thuỷ đã tới, tôi đã thoáng thấy nó khi chúng tôi đi ngang qua cầu tàu. Nó không hú còi và lúc trước tôi không nhìn về phía đó. Boong thấp, đáy bằng, nó gần như bị giấu sau những kho hải quan, chỉ để lộ phần cao đàng sau. Và khi tôi dừng lại bên ngoài cửa hiệu của Mahesh, nằm đối diện với Van der Weyden, tôi nhìn thấy một số xe quân đội, và một số xe dân sự cùng taxi đã được điều đến.
    Mahesh nói "Thật tốt vì người châu Phi có trí nhớ ngắn. Hãy đến nhìn những người đến để cứu chúng ta khỏi phải tự tử".
    Van der Meyden không phải một toà nhà cổ, cao bốn tầng bằng bê tông với những đường thẳng, một phần của cuộc bùng nổ kinh tế trước độc lập, và dù tất cả những cái đó đã không còn, nó vẫn được coi là một khách sạn hiện đại. Nó có nhiều cánh cửa bằng kính ở tầng trệt, hành lang có một sàn nhà ghép hình, ở đó có những cái thang máy (giờ đây không chạy), có một bàn lễ tân với những quảng cáo chuyến bay trước độc lâ .p và một tấm biển hotel complet thường trực ("không còn chỗ trống") – điều này không đúng trong vài năm gần đây.
    Tôi tưởng sẽ thấy một đám đông ở hành lang, ầm ĩ, om sòm. Tôi thấy chỗ đó trống trải hơn thường lệ, và gần như tĩnh lặng. Nhưng khách sạn có khách, trên sàn nhà loang lổ có khoáng hai mươi hay ba mươi va li dán nhãn tên người màu xanh in chữ Hazel s Travels. Những chiếc thang máy không hoạt động, và chỉ có một người phục vụ của khách sạn – một người đàn ông luống tuổi bận đồ phục vụ thời thực dân, quần kaki ngắn, áo vạt ngắn và một t.ap dề to, thô, có nhiệm vụ khuân đồ lên những bậc thang đá mài cạnh thang máy. Ông ta làm việc dưới sự trông coi trực tiếp của người châu Phi bụng to (đến từ nơi nào đó ở hạ lưu dòng sông), người thường đứng sau bàn lễ tân xỉa răng và thô lỗ với tất cả mọi người, nhưng giờ đây đang đứng cạnh những chiếc vali vẻ bận rộn và nghiêm túc.
    Một số khách mới của khách sạn đang đứng ở quầy bar ngoài hiên, tại đó có vài cây cọ xanh và cây leo trên những chậu hoa bằng bê tông. Sàn nhà bằng đá mài dốc về một cái phên sắt trung tâ m, và từ cái phên đó, đặc biệt sau cơn mưa, thường xuyên bay đến mùi cống rãnh. Trong cái mùi đó – giờ đây không đến nỗi khó chịu lắm, trời khô và nóng, ánh mặt trời làm thành một hình tam giác nhảy nhót trên tường – những người đàn ông da trắng ngồi, ăn bánh sandwich của Van der Meyden và uống bia nhẹ của Đức.
    Họ mặc đồ dân sự, nhưng họ nổi bật ở mọi nơi. Một đám người bình thường ở quầy bar thường đủ mọi kích thước và nhiều độ tuổi khác nhau. Những người này có vẻ rất khoẻ mạnh, thậm chí một số người tóc xám trong số họ còn chưa quá bốn mươi, họ như thể một đội bóng. Họ ngồi thành hai nhóm tách biệt. Một nhóm trông có vẻ nghiêm trọng hơn, ầm ĩ, quần áo hào nhoáng, hai hoặc ba người trong số đó rất trẻ, uống khá nhiều và làm trò. Những người trong nhóm kia trầm hơn, râu ria cạo cẩn thận, nét mặt có học thức hơn, ý thức hơm về vẻ bề ngoài của mình. Và bạn có thể nghĩ hai nhóm đã tình cờ gặp nhau ở quầy bar, nếu bạn không thấy họ đi những đôi bốt nặng màu nâu giống hệt nhau.
    Thường thì ở Van der Meyden những người phục vụ đều có vẻ uể oải. Những người có tuổi, với những khuôn mặt nhỏ nhầu nhĩ cau có, ngồi ở chỗ của mình và chỉ chăm chăm chờ tiền boa, mặc quần soọc và những cái tạp dề rất to giống như đồng phục của những người về hưu (và đổi khi, trong sự trầm lặng của mình, họ giấu tayvào trong tạp dề giống như thợ cắt tóc thường làm), những người trẻ hơn, những cậu chàng thời hậu độc lập mặc quần áo của mình rôm rả sau quầy thanh toán như thể là khách hàng. Giờ đây tất cả đều sẵn sàng lao đến phục vụ.
    Tôi gọi một tách cà phê, và chưa từng bao giờ tôi có cà phê nhanh đến thế ở Van der Meyden này. Một người đứng tuổi nhỏ nhắn phục vụ tôi. Và tôi nghĩ, không phải là lần đầu tiên, là thời thực dân phục vụ ở khách sạn thường được chọn theo hình dáng thấp nhỏ, để có thể dễ dàng túm lấy. Không có gì khó hiểu khi ngày trước vùng này lại cung cấp nhiều nô lệ đến thế, những người nô lệ thường thấp nhỏ về ngoại hình, chỉ là một nửa đàn ông, trừ khả năng truyền giống.
    Cà phê đến nhanh chóng, nhưng cái bình kim loại sạch bong ông ta mang đến cho tôi chỉ có một nhúm sữa bột trông như đã hỏng. Tôi nhấc cái bình lên. Người đàn ông đứng trước mặt tôi nhìn thấy trước khi tôi chỉ cho ông ta, và ông ta có vẻ khiếp sợ đến nỗi tôi phải đặt cái bình xuống và nhấm nhấp thứ cà phê khủng khiếp đó.
    Những người đàn ông ở quầy bar hẳn phải đến đây để làm việc gì đó. Có khả năng họ - hoặc những người cùng đi – thậm chí đã bắt tay vào việc. Họ biết họ là những gương mặt gây ấn tượng mạnh. Họ biết tôi đến để xem họ thế nào, họ biết những người phục vụ khiếp sợ họ. Cho đến sáng hôm đó những người phục vụ khách sạn này vẫn kháo nhau những câu chuyện về sự bất khả chiến bại của những tộc người trong rừng, và những người phục vụ khách sạn đó là những kẻ, một khi bạo loạn nổ ra trong thị trấn, có thể làm những chuyện khủng khiếp với đôi bàn tay bé nhỏ của mình. Giờ đây, thật nhanh chóng, họ vụt trở nên e dè. Theo cách nào đó điều này thật tốt, nhưng cũng thật đáng thương hại. Đó chính là cách hoàn cảnh tác động đến bạn, bạn không bao giờ biết phải nghĩ hay phải sợ gì. Sợ hãi hay hổ thẹn – dường như giữa chúng không có cái gì khác cả.
     Tôi quay về cửa hiệu. Đó là một cách đương đầu, và một cách để giết thời gian. Những cây phượng dang thay lá, mỏng mảnh, một màu xanh tơ. Ánh sáng đã thay đổi, bóng tối đã bắt đầu vây lấy quanh những phố phường màu đỏ. Những hôm khác vào giờ đó tôi nhẽ ra có thể nghĩ đến một tách trà ở căn hộ, chơi squash ở câu lạc bộ Hellenic, sau đó uống đồ ướp lạnh ở quầy bar nhỏ thô mộc, ngồi ở một cái bàn kim loại và nhìn ánh nắng tắt dần đi.
    Khi Metty đi vào, trước khi bốn giờ, giờ đóng cửa, một chút, nó nói "Sáng nay người da trắng đã đến. Một số đến trại lính và một số khác đến trạm thuỷ điện". Đó là tram thuỷ điện, ngược lên dòng sông vài dặm. "Việc đầu tiên họ làm khi tới doanh trại là bắn chết đại tá Yenyi. Chính Tổng thống ra lệnh cho họ làm vậy. Ông này không đùa được đâu, Tổng thống ấy. Đại tá Yenyi chạy ra để gặp họ, họ không để ông ta nói. Họ bắn ông ta ngay trước mặt đàn bà và mọi người. Và trung sĩ Iyanda – người đã mua cái mảnh vẽ hình quả táo ấy – họ cũng bắn anh ta rồi, cùng một vài người lính nữa".
    Tôi nhớ Iyanda với bộ quân phục gột hồ cứng đơ, khuôn mặt to bè, và đôi mặt cười, nhỏ, ranh mãnh của anh ta. Tôi nhớ cách anh ta cọ lòng bàn tay lên mảnh vải với hình những quả táo đỏ khổng lồ, cái cách đầy kiêu hãnh khi anh ta rút tiền ra trả - chỉ một khoản nhỏ thôi, thật thế. Cái mành! Tin về vụ hành quyết này hẳn làm mọi người dân ở đây thích thú. Không phải vì anh ta là một kẻ tồi tệ, mà vì anh ta thuộc về cái bộ tộc săn nô lệ đáng ghét đó, cũng giống như những người khác trong đội quân đó, giống như đại tá của anh ta.
    Ngài Tổng thống đã gửi đến thị trấn và vùng chúng tôi sự khủng khiếp. Nhưng cùng lúc, cũng bằng cách khủng bố đội quân, ông cũng tạo một cử chỉ đối với người dân địa phương. Tin tức về vụ hành quyết lan rất nhanh, và mọi người nhanh chóng trở nên bối rối và bồn chồn. Họ có thể cảm thấy – như tôi cũng đã bắt đầu cảm thấy – rằng lần đầu tiên kể từ độc lập đã có một sự lãnh đạo thông minh ở thủ đô, và cái độc lập tự do cho tất cả đã chấm dứt.
    Tôi có thể thấy sự đổi thay ở Metty. Nó mang về tin tức khá là đẫm máu. Dù sao nó cũng bình tĩnh hơn buổi sáng, và nó cũng làm Ferdinand bình tĩnh hơn. Chiều muộn chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng súng. Buổi sáng hẳn tiếng súng đó đã phải làm chúng tôi kinh khiếp lắm. Giờ đây chúng tôi thấy khá là thoải mái – tiếng súng ở xa, và tiếng ầm ì không khác gì tiếng sấm, mà chúng tôi đã quá quen thuộc. Những con chó bị tiếng động lạ làm rối trí, tru lên từng hồi, khi tiếng súng chùng xuống một chút. Ánh nắng chiều tà, cây cối, khói bếp, đó là tất cả những gì chúng tôi có thể trông thấy khi đi ra tầng đệm ngoài cầu thang lộ thiên để nhìn.
    Không ánh sáng nào hiện lên vào lúc hoàng hôn. Không có điện. Máy phát điện lại hỏng, hoặc người ta đã cố tình cắt cầu dao, hoặc trạm phát điện đã bị những kẻ nổi loạn chiếm. Nhưng giờ đây không có điện cũng chẳng sao, điều đó có nghĩa là chí ít cũng sẽ không có bạo loạn ban đểm. Người dân ở đây không thích bóng tối, một số người đi ngủ mà vẫn bật điện trong nhà hoặc lều của mình. Và không ai trong số chúng tôi – cả Metty lẫn Ferdinand và tôi – tin là trạm phát điện bị quân nổi loạn chiếm. Chúng tôi đặt lòng tin vào những người da trắng của Tổng thống . Tình thế này, lúc sáng còn quá rối rắm với chúng tôi, giờ đây đã trở nên rất đơn giản.
    Tôi ngồi nán lại trong phòng khách và đọc tạp chí cũ trong ánh sáng của một ngọn đèn dầu. Trong phòng Metty và Ferdinand chuyện trò. Chúng không nói giọng ban ngày hay giọng khi có điện. Cả hai đều nói chậm, trầm ngâm, cũ kỹ, chúng nói như những ông cụ non. Khi vào đến hành lang qua khe cửa, tôi nhìn thấy Metty đang ngồi trên cái võng của nó, mặc quần đùi và áo lót, và Ferdinand, cũng quần đùi và áo lót, nằm dài trên đệm đặt sát sàn nhà, chân chống vào tường. Trong ánh sáng đèn dầu cảnh tượng giống như bên trong một túp lều, sự lười nhác của chúng, cách nói nhỏ nhẹ, đầy những khoảng dừng và khoảng im lặng, rất hợp với dáng nằm ngồi của chúng. Lần đầu tiên trong ngày hôm nay chúng đang thư giãn, và chúng cảm thấy giờ đây đã ở xa nguy hiẻm đến độ chúng bắt đầu nói về nguy hiểm chiến tranh và các đội quân.
    Metty nói nó đã thấy những người da trắng sáng nay.
    Ferdinand nói "Có đầy lính da trắng ở miền Nam. Đó đúng là một cuộc chiến tranh".
    "Nhẽ ra mày nên nhìn họ sáng hôm nay. Họ đi thẳng đến doanh trại và chĩa súng vào tất cả mọi người. Trước tao chưa bao giờ thấy lính nào như thế cả".
    Ferdinand nói "Tao thấy linh lần đầu tiên khi tao còn rất nhỏ. Ngay sau khi người châu Âu đi ấy. Ở làng mẹ tao, trước khi tao rời khỏi đó đến ở với bố tao. Tụi lính đó vào làng. Chúngkg có sĩ quan và cư xử thật tệ".
    "Chúng có súng không?"
    "Dĩ nhiên là có rồi. Chúng tìm người da trắng để giết. Chúng nói bọn tao giấu người da trắng. Nhưng tao nghĩ chúng chỉ muốn làm loạn thôi. Mẹ tao nói chuyện với chúng và chúng bỏ đi. Chúng chỉ bắt theo vài người phụ nữ thôi".
    "Mẹ mày nói gì với chúng?"
    "Tao không biết. Nhưng chúng rất sợ hãi. Mẹ tao có quyền năng đặc biệt mà".
    Metty nói "Thế thì giống người ở bờ biển chúng ta rồi. Ông ta đến từ đâu đó gần đây này. Ông ta xúi giục giết người A rập. Bắt đầu từ chợ.Tao có ở đó. Giá mà mày thấy cảnh đó, Ferdinand ạ. Chân tay cứ là bay tứ tung khắp phố cả".
    "Tại sao ông ta giết người A rập?"
    "Ông ta nói ông ta vâng lệnh chúa trời của người châu Phi".
    Metty chưa bao giờ kể cho tôi nghe chuyện đó. Có thể vì nó cho là chuyện đó chẳng có gì quan trọng, có thể chuyện đó làm nó sợ. Nhưng nó đã nhớ.
    Chúng im lặng một lát, tôi có cảm giác Ferdinand đang kiểm lại những gì nó vừa nghe kể. Rồi chúng bắt đầu nói sang chuyện khác.
    Tiếng súng vẫn tiếp tục. Nhưng chúng không lại gần hơn. Đó là tiếng những khẩu súng ccz người da trắng tổng thốn phái đến, lời hứa về trật tự và sự tiếp diễn, và nghe nó thật êm đềm, như thể tiếng mưa đêm. Tất cả những gì đang đe doạ, trong cái bên ngoài chưa biết đó, đang được kiểm tra. Và thật là một sự khuây khoả, sau nỗi sợ hãi, được ngồi trong căn hộ có ánh đèn và nhìn cái bóng mà bóng đèn điện không thể tạo ra, và được nghe Ferdinand và Metty trò chuyện bằng giọng ông già đầy lười biếng trong căn phòng đó, giờ đây đã trở thành một cái động nhỏ bé ấm áp. Điều này hơi giống với việc được đưa đến những ngôi làng bí mật trong rừng, đến với sự bảo vệ và bí mật của những túp lều ban đêm – mọi thứ bên ngoài đều bỏ mặc, đều nằm lại sau một đường ranh giới bảo vệ huyền hoặc, và tôi nghĩ, như đã từng nghĩ khi ăn trưa với cặp vợ chồng già, rằng tuyệt làm sao nếu điều đó là sự thật. Nếu sáng ra chúng ta thức dậy và thấy rằng thế giới đã tóp lại chỉ còn lại những gì chúng ta biết và những gì an toàn.
     Buổi sáng có máy bay chiến đấu tới. Gần như ngay khi bạn nghe thấy tiếng nó, trước khi bạn có thời gian ra ngoài để nhìn, nó đã ầm ĩ, bay thật thấp, vào gào lên theo cái cách khiến bạn khó có thể cảm thấy bạn vẫn thuộc về cơ thể mình, bạn gần như mất hết cảm giác. Một chiếc phản lực bay rất thấp, thấp đến độ bạn có thể nhìn thấy hình tam giác bạc ở thân dưới, là một thứ giết người. Sau đó nó đi khỏi, nhanh chóng biến đi trên bầu trời, đang trắng lên vì độ nóng của ngày đã bắt đầu. Nó lượn vài vòng nữa quanh thị trấn, chỉ một cái máy bay duy nhất, giống như một con chim xấu xí không chịu bỏ đi. Rồi nó bay qua vùng cây bụi. Cuối cùng nó nhào xuống, và chỉ một lúc sau, cách đó một đoạn, những quả hỏa tiễn nó ném xuống nổ tung ở đó. Chúng kêu như những tiếng sấm mà chúng tôi đã quá quen thuộc.
    Nó còn quay lại vài lần trong tuần, vẫn cái máy bay đó, bay là là trên thị trấn và vùng cây bụi, hú họa ném chất nổ xuống. Nhưng chiến tranh đã qua ngày đầu tiên đó. Dù đà là một tháng trước khi quân đội phải trở về từ vùng cây bụi, và cả hai tuần tròn trặn trước khi Van der Meyden bắt đầu mất đi những người khách mới của mình.
    Khi mới bắt đầu, trước khi những người đàn ông da trắng tới, tôi tự coi mình là trung lập. Tôi từng chẳng hề muốn bên nào chiến thắng, cả quân đội lẫn quân nổi loạn. Khi đã xong, cả hai bên đều thua trận.
    Nhiều người lính – từ bộ lạc chiến binh nổi tiếng – đã bị giết. Nhiều người hơn thế mất súng ống và quân phục thẳng đơ cùng bản doanh mà họ đã chi khá tiền để trang hoàng. Quân đội được Tổng thống tổ chức lại, tại nơi rằng xa, ở thủ đô, tại thị trấn chúng tôi quân đội trở nên ô hợp hơn, với người từ nhiều bộ tộc, nhiều vùng khác nhau. Những người của bộ lạc hiếu chiến không còn được bảo vệ tại thị trấn chúng tôi. Có những cảnh khủng khiếp ở doanh trại, đàn bà than vãn trên đường vào rừng, vác theo cái bụng chửa. Một bộ lạc nổi tiếng, giờ đây đã trở nên vô vọng giữa những con mồi truyền thống của mình, đó là một trong những luật cũ kỹ của rừng, một thứ đến từ chính Thiên nhiên, đã được chuỷên hóa.
    Những người nổi loạn đói rách trong vùng chúng tôi nhanh chóng bắt đầu xuất hiện trở lại thị trấn, đói rách và hèn hạ hơn, mang trên m`inh những đống rẻ rách đen kịt, những người chỉ mới vài tuần trước đây từng nghĩ mình đã tìm được sức mạnh bái vật đủ để làm súng của kẻ thù phải gập xuống và thảy đạn xuống nước. Trên những gương mặt nhầu nhĩ đó là sự cay đắng, và một số người khi rút lui có vẻ hơi điên khùng. Nhưng họ cần thị trấn mà họ từng muốn phá huỷ, đúng như Mahesh đã nói, họ đã được cứu khỏi sự tự tử. Họ công nhận trí tuệ mới đang lãnh đạo đất nước từ xa, và họ quay về với thói quen cũ của mình là vâng lời.
    Lần đầu tiên kể từ khi tôi đến đây có cái gì đó giống với cuộc sống ở chỗ Van der Weyden. Những chiếc tàu hơi nước mang đến không chỉ đồ tiếp tế cho người da trắng của Tổng thống , mà cả những người đàn bà hết sức bụ bẫm ăn mặc đẹp, từ những bộ tộc dưới hạ lưu dòng sông, đứng cạnh họ đàn bà vùng chúng tôi, những người chèo thuyền độc mộc và bốc vác, trông như những thằng bé xương xẩu.
    Cuối cùng chúng tôi được phép ra đập nước và trạm thuỷ điện, gần nơi đã xảy ra đánh nhau. Máy móc ở đó không bị động đến, nhưng chúng tôi đã mất đi một trong những hộp đêm mới của mình. Nó đã được dựng lên bởi một người tị nạn từ lãnh thổ Bồ Đào Nha ở phía Nam (một người trốn quân dịch), và có địa thê rất đẹp, trên một vách đá nhìn toàn cảnh dòng sông. Đó là chỗ chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy quen thuộc. Cây cối được trang hoàng bằng những bóng đèn màu và chúng tôi ngồi tại những cái bàn kim loại uống rượu vang Bồ Đào Nha nhẹ và nhìn hẻm núi cùng cái đập, như thế thật là sang trọng, và làm chúng tôi trở nên sành điệu. Chỗ đó đã bị quân nổi dậy chiếm và phá tan. Toà nhà chính đơn giản và rất tầm thường – tường bằng những khối bê tông bao quanh một sàn nhảy ngoài trời với một quầy bar được quây kín một bên. Tường vẫn còn (dù họ đã cố đẩy đổ, có những vết đạn chỗ người ngồi), nhưng toàn bộ đồ đạc ở đây đều bị phá huỷ. Sự điên giận của những kẻ nổi loạn không khác gì sự điên giận chống máy móc, điện, mọi thứ không thuộc về rừng rậm và châu Phi.
    Có dấu hiệu về sự điên giận đó ở cả những chỗ khác nữa. Sau trận đánh trước đó một cơ quan Liên Hiệp Quốc đã sửa lại trạm điện và bờ đường trên đỉnh đập. Một mảnh kim loại được đặt trên một kim tự tháp nhỏ bằng dá, cách đập một đoạn, ghi nhận lại chuyện đó. Mảnh kim loại đã bị xóa đi, bị đập bằng những thứ đồ kim loại nặng, làm bay đi những chữ cái. Ở đoạn đầu bờ đường trên đỉnh đập, những ngọn đèn theo tiêu chủân châu Âu từng được đặt để trang trí – đèn cũ tại một trạm năng lượng mới. Một ý tưởng đẹp: nhưng những ngọn đèn đó cũng bị bắn, và lại có mưu toan xoá sạch những chữ cái – tên của những người làm ra đèn vào thế kỷ mười chín ở Paris.
    Sự điên giận này tạo nên hình ảnh những người dân thường tay không đương đầu với kim loại. Và chỉ sau vài tuần hoà bình, vẫn những người ấy đến từ các ngôi làng, đói lả và xin ăn trong thị trấn, với họ mọi chuyện đã xa quá rồi, khó mà tưởng tượng ra được nữa.
    Chính trong những ngày xa xôi của hoà bình đó cha Huismans đi chuyến đi quen thuộc của mình và đã bị giết. Cái chết của ông có thể không bao giờ được phát hiện ra, có thể chỉ cần vùi xác ông đâu đó trong vùng cây bụi. Nhưng những kẻ giết ông muốn chuyện đó được biết đến. Thi hài của ông được đặt lên trên một cái thuyền độc mộc, và cái thuyền trối xuôi dòng sông chính cho đến khi mắc vào bờ với một mớ lan dạ hương. Cơ thể ông nát nhừ, đầu bị cắt và đâm thủng. Ông được chôn cất nhanh chóng, với nghi lễ tối thiểu.
    Điều này thật là khủng khiếp. Cái chết đó làm cho cuộc đời ông gần như một sự phí phạm. Biết bao hiểu biết đã bị chôn vùi cùng với ông ,và với tôi còn nhiều hơn hiểu biết – thái độ của ông, sự say mê châu Phi của ông, cảm giác của ông về những niềm tin của rừng. Một phần của thế giới đã mất đi cùng với ông.
    Tôi từng ngưỡng mộ cha Huismans vì sự trong trắng của ông, nhưng giờ đây tôi phải hỏi liệu cuối cùng cái đó có giá trị gì không. Một cái chết như vậy làm chúng ta đặt câu hỏi về mọi thứ. Nhưng chúng ta là con người, không kể đến những cái chết xung quanh chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục là người trần mắt thịt, và chúng ta không thể mãi ở trong tâm trạng day dứt đó lâu được. Khi đã thoát khỏi tâm trạng đó tôi cảm thấy – một người mới sâu sắc, mới yêu đời làm sao, tôi không hề nghi ngờ điều đó – rằng ông đã sống đời của mình tốt hơn hầu hết chúng ta. Ý tưởng mà cha Huismans có về văn minh đã khiến ông sống cuộc đời hiến dâng khá đặc biệt của m`inh. Điều đó khiến ông nhìn ngắm, sưu tầm, điếu đó khiến ông tìm ra sự giàu có của nhân bản, trong khi chúng ta, những người còn lại, chỉ nhìn thấy cây bụi hay ngừng không tìm kiếm gì nữa hết cả. Nhưng ý tưởng của ông về văn minh cũng chính là sự phù phiếm của ông. Cái đó làm cho ông đi đến quá nhiều bộ tộc hổ lốn bên dòng sông của chúng tôi, và ông đã phải trả giá vì điều đó.
    Cái chết của ông còn nhiều bí ẩn. Nhưng cơ thể đã nổi lềnh bềnh trên dòng sông chính trong một cái thuyền độc mộc và đã được nhiều người nhìn thấy. Những lời đồn đại bay quanh trường trung học. Tại thị trấn chúng tôi cha Huismans được tiếng – dù phần lớn người ở đây không hiểu mấy về ông – là người yêu châu Phi, và một số cậu bé ở trường đã rất bối rối và hô thẹn. Một số nổi đóa. Ferdinand – đã hồi lại sau ngày đánh nhau, không còn muốn trở về làng cha mình hay mẹ mình nữa. Tôi không hề ngạc nhiên.
    Ferdinand nói "Đó là một cái gì đo của người châu Âu, một bảo tàng. Tại đó người ta chống lại chúa của người châu Phi. Chúng tôi có mặt nạ trong nhà và chúng tôi biết nó ở đó để làm gì. Chúng tôi chẳng việc gì phải đến bảo tàng của ông Huismans cả."
    "Chúa của người châu Phi" – những từ của Metty, và Metty đã học nó từ người lãnh đạo cuộc nổi loạn chống người A rập ở bờ biển. Tôi đã nghe những từ này lần đầu tiên vào cái đêm khí tôi nghe tiếng súng nổ vẳng đến từ trạm thủy điện và biết rằng chúng tôi được an toàn. Những từ này, khi nói chúng ta, có vẻ như đã giải thoát điều gì đó cho Ferdinand. Những ngày đó trong căn hộ là những ngày của cơn khủng hoảng đặc biệt đối với Ferdinand, và kể từ đó nó không còn cố đóng một vai kịch nào khác nữa. Như thế đã là một vai diễn có thêm nhiều ý nghĩa hơn. Nó không còn quan tâm đến việc là một kẻ lạc loài ở châu Phi, đơn giản nó là một người châu Phi, và nó, sẵn sàng để tìm hiểu mọi khía cạnh của tính cách mình.
    Điều này không làm nó sống dễ dàng hơn. Nó không còn lịch thiệp, nó trở nên hung hăng và ương bướng, với một sự bồn chồn bí ẩn. Nó bắt đầu xa lánh cửa hiệu và căn hô. Tôi đồ rằng đó là cách thức để nó tự thể hiện, sau cuộc chiến lớn của quân nổi loạn, rằng nó có thể làm mà không cần tôi. Nhưng rồi một hôm Metty mang đến cho tôi một lá thư của Ferdinand ,và bức thư đã làm tôi cảm động. Đó là lá thư chỉ gồm một câu viết bằng những chữ to cồ cộ trên một mặt giấy kẻ ly xé ra từ một cuốn vở bài tập, và được gửi đi không có phong bì, mặt giấy chỉ được gập lại thật nhỏ và gọn "Salim! Chú đã giúp cháu lúc đó và coi cháu là thành viên gia đình chú. F."
    Đó là lá thư cám ơn. Tôi đã cho nó trú ẩn dưới mái nhà của tôi, và với nó, một người châu Phi, việc đó thật đặc biệt và cần được ghi nhận. Nhưng nó không muốn tỏ ra xu nịnh hoặc yếu đuối, và mọi thứ trong bức thư đều cộc cằn một cách có chủ đích – không phong bì, tờ giấy kẻ ly được xé ra từ một cuốn vở rất to và rất bẩn, không có từ nào trực tiếp nói đến lời cám ơn. "Salim!" chứ không phải "ngài Salim", "F" chứ không phải Ferdinand.
    Tôi thấy điều này thật buồn cười và đáng cảm động. Dù sao cũng có cái gì đó mỉa mai trong toàn bộ sự việc. Hành động khiến Ferdinand trở nên mềm mỏng là một cử chỉ đơn giản của một người đến từ bờ biển mà gia đình sống thật gần, rất gần, với gia nhân của mình, những người đã từng một thời là nô lệ, thuộc dòng dõi của dân tộc bị bắt cóc từ vùng này của châu Phi. Ferdinand có lẽ sẽ tức điên nếu nó biết điều đó. Lá thư, và tính cách mới bớt khoa trương của nó cũng cho thấy nó đã lớn lên được khá nhiều. Và đó chính là điều mà mẹ nó, Zabeth, tâm niệm khi cô mang nó đến cửa hiệu nhờ tôi trông coi.
    
    Điều Ferdinand nói về bộ sưu tập của cha Huismans, những người khác cũng bắt đầu nói. Khi còn sống, cha Huismans, người thu thập những thứ thuộc về châu Phi, từng được coi là một người bạn của châu Phi. Nhưng giờ đây việc đó đã thay đổi. Có cảm giác như bộ sưu tập là một cái gì đó chống đối lại tôn giáo châu Phi, và không ai ở trường trung học chịu lấy nó đi. Có lẽ không còn ai ở đó còn đủ kiến thức và kiến văn cần thiết.
    Những người khách tham quan đôi khi cũng xem bộ sưu tập. Những bức chạm trổ bằng gốm vẫn còn nguyên, nhưng trong căn phòng để súng có lắp quạt những chiếc mặt nạ đã bắt đầu hỏng và mùi đã trở nên thật khó chịu. Bản thân những chiếc mặt nạ, nằm ngả nghiêng trên những cái giá mỏng mảnh, dường như đã một đi quyền năng tôn giáo mà cha Huismans đã bảo tôi nhìn trong đó, không có ông, chúng chỉ đơn giản là những đồ vật kỳ cục mà thôi.
    Trong không khí hoà bình mới giờ đây đã được thiết lập dài lâu ở thị trấn, chúng tôi bắt đầu đón những khách du lịch từ khoảng một chục nước, giáo viên, sinh viên, cứu trợ này kia và những người chừng như muốn khám phá châu Phi, sung sướng với bất cứ thứ gì tìm thấy, và cao ngạo nhìn những người nước ngoài như chúng tôi sống ở đó. Bộ sưu tập bắt đầu bị phá hoại. Ai còn có tính châu Phi hơn anh chàng châu Mỹ trẻ tuổi đã xuất hiện trong số chúng tôi , người luôn sẵn sàng mặc đồ châu Phi và nhảy những điệu nhảy châu Phi? Một hôm anh ta đột ngột bỏ đi bằng tàu thuỷ, và sau đó chúng tôi phát hiện bộ sưu tập trong phòng để súng đã bị đóng thùng đi cùng đồ đạc anh ta về Mỹ, không nghi ngờ gì chúng sẽ trở thành trọng tâm của trưng bày nghệ thuật nguyên thủy mà anh ta thường nói đã bắt đầu. Những sản phẩm phong phú nhất của rừng.

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 17 (Kết Thúc)

Khúc Quanh Của Dòng Sông
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết