Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu ( Phần III ) Tác Giả: Alan Paton    
    Lễ Kiến Tín đã sửa soạn xong rồi. Các phụ nữ trong giáo khu đã tới, mình bận áo dài trắng, cổ quàng một chiếc khăn màu xanh lá cây. Những người đàn ông thuộc về giáo khu mà không bỏ đi nơi khác làm ăn, cũng lại dự lễ, bận quần áo tết, nghĩa là những bộ quần áo ngày thường nhưng đã giặt vá và chải kỹ lưỡng. Những trẻ em làm lễ hôm đó đã tới đủ, gái thì bận áo dài, mũ nồi trắng, trai thì bận những bộ đồ đi học nhưng đã giặt vá, và chải kỹ lưỡng. Bọn phụ nữ lăng xăng trong nhà tiếp tay bà vợ Umfundisi, vì làm lễ xong sẽ có một bữa ăn xoàng gồm món bánh ngọt chắc dạ làm bằng bột bắp, giải khát thì có nước trà nấu cho tới khi cánh trà không còn chút hương vị nào nữa. Bữa ăn đạm bạc nhưng vui vì mọi người sẽ cùng ăn với nhau.
     Ở trên trời mây đen tụ lại, trong không khí oi ả, và người ta không biết vui mừng hay nên lo. Những đám mây lớn trôi trên mặt đất đỏ, leo lên đỉnh cái đồi đỏ và trọi. Người ta nhìn lên trời rồi nhìn con đường đức Giám mục sắp tới, tự hỏi không biết nên mừng hay nên lo. Vì chắc chắn rằng trước khi mặt trời lặn, chớp sẽ loé ra, sấm sẽ gầm vang lên trên các ngọn đồi.
    Kumalo lo lắng nhìn lên trời và con đường mà đức Giám mục sắp tới; và ngạc nhiên thấy người thân tín của ông đương đánh xe sữa tiến lại. Sao sữa hôm nay tới sớm như vậy?
    - Hôm nay em tới sớm nhỉ?
    Người đó rầu rầu đáp:
    - Thưa Umfundisi, tới sớm vì hôm nay nghỉ, Inkosikazi (1) mất rồi.
    Kumalo thốt lên:
    - Mất rồi? Có lý nào.
    - Thưa Umfundisi, mất rồi. Khi mặt trời ở kia – người đó đưa ngón tay chỉ lên trời, ngay trên đầu – thì Inkosikazi tắt thở.
    - Ôi! Bi thảm quá.
    - Bi thảm thật Umfundisi.
    - Thế còn Umnumzana?
    - Ông không nói năng gì cả. Umfundisi biết tính ông ấy rồi. Nhưng lần này sự im lặng của ông thật trầm uất. Thưa Umfundisi, tôi về nhà tằm rửa xong, sẽ trở lại dự lễ.
    - Ừ, em về đi.
    Kumalo trở về nhà cho vợ hay là Inkosikazi đã mất. Bà kêu lên: “ Chao ôi! Chao ôi! ”. Các người đàn bà khác cũng vậy. Có vài người khóc và khai người mất là nhân từ hiền hậu. Kumalo lại ngồi ở bàn viết suy nghĩ nên phải làm gì đây. Làm lễ Kiến Tín xong ông sẽ lên điền trang ở High Place và thay lời dân chúng trong thung lũng và chia buồn với ông Jarvis. Nhưng rồi ông tưởng tượng ngôi nhà có tang, tất cả các xe hơi của người da trắng đậu ở đó, các tá điền bận áo đen họp nhau thành từng nhóm nhỏ, nghiêm trang thì thầm với nhau, vì ông đã từng trông thấy cảnh đó rồi. Ông nghĩ rằng mình không nên tới, như vậy không hợp tục lệ. Có tới thì cũng đứng lẻ loi một mình tại một góc nào đó, trừ phi chính là ông Jarvis lại tiếp ông, còn thì không có ai biết rằng ông thay mặt dân ở trong miền lại chia buồn với tang gia. Ông thở dài, kéo hộc tủ ra lấy một tờ giấy. Ông nghĩ phải viết bằng tiếng Anh mới được, vì mặc dầu hầu hết các người da trắng ở đây nói được tiếng Zulu, nhưng ít ai đọc được, viết được tiếng đó. Và ông bắt đầu viết. Ông viết nhiều lắm, xé liệng đi, sau cùng mới được bức thư này:
    “ Kính thưa Umnumzana.
    “Ở trong giáo đường này chúng tôi đau đớn hay tin rằng Inkosikazi đã từ trần, chúng tôi hiểu và xót xa tới rơi lệ. Chúng tôi chắc chắn rằng Inkosikazi biết những việc Umnumzana đã giúp đỡ chúng tôi, và chính Inkosizana cũng dự vào công việc đó nữa. Trong giáo đường này chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn người được an lạc ở Thiên Đàng, và cũng cầu nguyện cho Umnumzana trong cái tang lớn này nữa.
    Kẻ thuộc hạ trung thành của Umnumzana.
    Mục sư S . Kumalo ”
    Viết xong rồi ông ngồi suy nghĩ không biết nên gởi thư đó không. Có thể rằng vì con trai bị giết mà bà ấy đau xót trong lòng mà không sống nổi nữa. Nếu quả vậy thì mình là cha kẻ sát nhân kia có nên gởi bức thư như vậy không? Ông đã chẳng nghe nói rằng gần đây bà Jarvis gầy sút đi và đau ốm đấy ư? Thật là khó xử quá, Kumalo bứt đầu bứt tóc, do dự chưa biết tính sao thì nhớ tới việc ông Jarvis cho sữa, mướn viên cán sự trẻ tuổi lại dạy cho dân chúng làm ruộng, nhất là nhớ cái giọng ông Jarvis hỏi ông: “ Có được ân xá không? ”, cái giọng đó như hiện còn văng vẳng trong phòng này vậy. Và ông biết con người đó khi đã quyết tâm theo con đường nào rồi thì không còn ai ngăn cản làm cho đổi ý được nữa. Nghĩ vậy Kumalo bèn dán bao thư lại, bước ra ngoài gọi một em nhỏ lại bảo:
    - Con đưa giùm ta bức thư này nhé.
    Em nhỏ đáp:
    - Thưa vâng.
    - Em lại nhà chú Kuluse, mượn con ngựa của chú ấy rồi đem bức thư này tới nhà ông Jarvis. Đừng làm rộn Umnumzana nhé, tới nơi gặp người nào thì cứ đưa thư cho người đó. Và con nhớ này, phải im lặng, kính cẩn, đừng lớn tiếng gọi nhé, đừng cười nói lăng xăng, vì Inkosikazi mất rồi. Con hiểu không?
    - Thưa Umfundisi con hiểu rõ rồi.
    - Thôi đi đi con. Ta ân hận rằng con không kịp về coi lễ.
    Rồi Kumalo báo cho mọi người biết rằng Inkosikazi đã mất. Mọi người im lặng, và một vài người đang la cười hoặc nói lăng nhăng cũng vội vàng ngừng lại.
    Sau đó họ nghiêm trang nói nho nhỏ với nhau cho tới khi đức Giám mục tới.
    Giáo đường tối om om nên phải đốt đèn lên để làm lễ. Những đám mây lớn bay ngang qua thung lũng, chớp loé lên trên những ngọn đồi đỏ trọi mà đất đã rớt ra từng mảng như mảng thịt, còn trơ lại đá. Sấm vang lên trong thung lũng chỉ còn lại ông già bà cả, đàn bà và trẻ con này. Vì đàn ông, thanh niên, thiếu nữ đều đã bỏ đi hết rồi, đất đai không thể nuôi họ được. Mấy đứa em bé hôm nay, lại làm lễ Kiến Tín ở giáo đường này ít năm nữa cũng bỏ đi nơi khác thôi, vì đất đai không thể nuôi được chúng.
    Giáo đường tối om om và nóc lại dột. Trên sàn, nước đọng lại từng vũng, người ta phải dời chỗ để tránh nước mưa. Vài ba chiếc áo dài trằng đã bị ướt, một em gái run lên lập cập vì lạnh: em thấy buổi lễ long trọng này nên đứng yên, không dám tìm chỗ khác tránh dột. Và giọng đức Giám mục cất lên:
    “ Xin Chúa đem Thánh sủng che chở đứa con của Chúa đây, để cho nó hoài hoài là con chiên của Chúa, mỗi ngày mỗi tiến bộ nhờ Thánh Linh của Chúa, cho tới khi nó được vô cõi Thiên Đàng vĩnh viễn của Chúa ”.
    Đứa trẻ nào đi tới trước mặt ông để nhận lễ Kiến Tín, thì ông cũng lặp lại câu đó.
    Tan lễ, họ quây quần trong nhà để dự bữa ăn thanh đạm. Những người hôm đó không dự lễ Kiến Tín hoặc không phải là người thân của những người làm lễ, Kumalo cũng mời ở cả lại giáo đường vì vẫn còn mưa lớn, mặc dầu đã hết sấm chớp. Thành thử nhà ăn chật cứng, trong bếp, trong phòng tính sổ sách của Kumalo, trong phòng ăn, trong các phòng ngủ, và ngay cả trong phòng của viên cán sự trẻ tuổi nữa, phòng nào cũng đầy người.
    Sau cùng mưa tạnh, đức Giám mục và Kumalo ngồi một mình trong phòng tính sổ sách. Đức Giám mục đốt ống điếu và nói với Kumalo:
    - Tôi có chuyện muốn nói với ông.
    Kumalo ngồi xuống, lòng thắt lại, sợ phải nghe những lời Giám mục sắp nói.
    - Tôi rất buồn rầu vì những điều bất hạnh của ông.
    - Bẩm, thực đau đớn quá.
    - Tôi không muốn làm cho ông thêm buồn đâu vì ông đã đau khổ nhiều rồi. Vì vậy tôi nghĩ nên đợi đến buổi làm lễ Kiến Tín này.
    - Bẩm, vâng.
    - Lời tôi nói với ông đây là chí tình, ông nên tin chắc như vậy.
    - Bẩm, vâng.
    - Theo tôi, ông nên rời Ndotsheni thì hơn, ông Kumalo ạ.
    Phải, đức Giám mục muốn nói điều đó và ngài đã nói ra rồi. Phải, chính mình vẫn sợ điều đó. Đưa tôi lại chỗ khác đi, cho tôi chết đi, vì tôi già quá rồi, lập lại cuộc đời sao được. Tôi già cả, yếu ớt. Nhưng tôi đã hết lòng coi dân chúng ở đây như con tôi. Bẩm, đức Giám mục, sao ngài không có mặt ở đây cái buổi tôi về Ndotsheni này, để được thấy dân chúng vẫn yêu quý tôi mặc dầu tôi già cả? Để được nghe em gái đó nói như vầy: “ Umfundisi về, chúng con thích quá; còn Umfundisi kia, chúng con không hiểu được ”. Ngài đưa tôi đi giáo khu khác, đúng vào cái lúc ở đây bắt đầu có nhiều việc mới mẻ xảy ra: có sữa cho trẻ em này, có một cán sự trẻ tuổi lại này, có những cây gậy cắm xuống đất để xây đập này. Nước mắt rưng rưng, Kumalo nhắm mắt lại, lệ ứa ra rớt xuống chiếc áo đen mới sắm để làm lễ Kiến Tín này, nhờ số tiền của người bạn rất thân: Msimangu. Đầu bạc của ông gục xuống và ngồi im như một em bé không thốt một lời.
    Đức Giám mục ôn tồn gọi:
    - Ông Kumalo - rồi lập lại lớn tiếng hơn – Ông Kumalo.
    - Thưa ông. Bẩm ngài.
    - Làm ông đau khổ tôi rầu lắm. Tôi rầu lắm đã làm ông đau khổ. Nhưng ông nghĩ coi, đi nơi khác có phải hơn không?
    - Bẩm, xin tùy ý ngài.
    Đức Giám mục cúi xuống phía trước, khuỷu tay chống lên đầu gối.
    - Ông Kumalo có phải cha nạn nhân là ông Jarvis, người láng giềng của ông tại Ndortsheni này không?
    - Bẩm, phải.
    - Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ ông nên đi nơi khác.
    À, thì ra vì lẽ đó. Nhưng chính ông Jarvis đã chẳng cưỡi ngựa lại đây thăm tôi đấy ư? Và cậu bé chẳng phải vào nhà tôi chơi đấy ư? Chẳng đi đón thầy cán sự trẻ tuổi đó lại dạy dân chúng làm ruộng đấy ư? Và lòng tôi chẳng đau xót cho ông ấy vì bà vợ mất đấy ư? Nhưng làm sao nói những điều ấy với đức Giám mục, một nhân vật rất quan trọng trong miền được? Những điều đó không thể nói ra được.
    - Ông hiểu lòng tôi chứ, ông Kumalo?
    - Bẩm, tôi hiểu ngài.
    - Tôi sẽ đưa ông lại Pietermaritzburg, gần người bạn già Ntombela của ông. Ở đấy ông có thể giúp ông ấy được mà cũng đỡ một gánh nặng cho ông. Ông ấy sẽ lo công việc xây cất, trường học và tiền nong, còn ông thì chuyên về tôn giáo. Đó là tôi tính như vậy.
    - Bẩm, tôi hiểu ngài.
    - Ông Kumalo ạ, nếu ông ở lại đây thì ông phải đảm đương nhiều gánh nặng lắm. Không riêng cái điều ông Jarvis là người láng giềng của ông, rồi đây sớm muộn gì ông còn phải xây cất lại giáo đường, tốn tiền và phải lo lắng. Ông thấy đấy nó hư nát quá rồi.
    - Bẩm vâng.
    - Và tôi nghe nói rằng ông đã đưa người con dâu ông về đây ở, và cô đó sắp tới ngày sanh đẻ. Ông nghĩ coi họ ở đây có tiện không? Lại ở nơi nào không ai biết những chuyện đã xảy ra, có phần hơn chứ?
    - Bẩm, tôi hiểu ngài.
    Lúc đó có tiếng gõ cửa, đứa nhỏ đem bức thư lại nhà ông Jarvis đã trở về đứng đó. Nó chìa một bức thư ra, Kumalo đỡ lấy, thư gởi cho mục sư Kumalo ở Ndotsheni. Ông cảm ơn nó, khép cửa lại rồi trở về ngồi ở ghế để nghe đức Giám mục nói tiếp.
    Đức Giám mục bảo:
    - Ông cứ đọc thư đi, ông Kumalo.
    Kumalo mở thư ra đọc;
    “ Umfundisi.
    Tôi cảm ơn Umfundisi đã chia buồn với tôi và hứa cầu nguyện ở giáo đường cho chúng tôi. Umfundisi đoán đúng đấy: nhà tôi biết hết những việc đương làm và đã dự một phần lớn vào. Vợ chồng tôi vì nhớ người con trai yêu quý của chúng tôi mà làm mấy việc đó. Một trong những ước vọng cuối cùng cùa nhà tôi là xây cất một giáo đường mới ở Ndotsheni, để hôm nào tôi sẽ lại cùng bàn với Umfundisi.
    Chân thành…
    James Jarvis. ”
    “ Umfundisi nên biết rằng nhà tôi đã đau từ trước khi đi Johannesburg ”
    
    
    
    Kumalo đứng dật nói bằng một giọng làm cho đức Giám mục ngạc nhiên:
    - Thật là Thượng Đế đã sắp đặt cho cả.
    Giọng đó là một giọng vui vẻ trút được hết nỗi lo lắng, nửa như cười, nửa như khóc. Ông ngó các bức vách bốn bề, lập lại:
    - Thật là Thượng Đế đã sắp đặt cho cả.
    Đức Giám mục lãnh đạm hỏi:
    - Cái gì mà Thượng Đế đã sắp đặt đó, đưa tôi coi nào.
    Kumalo vội vàng chìa bức thư ra. Đọc xong rồi, đức Giám mục nghiêm trang bảo:
    - Tôi đã coi thường, bậy quá.
    Ông ta đọc lại lần nữa, xỉ mũi, ngồi xuống, tay vẫn cầm bức thư, hỏi Kumalo:
    - Những việc đương làm đó là việc gì vậy?
    Kumalo bèn kể cho ông ta nghe việc cho sữa, việc dự tính xây đập, việc phái thầy cán sự trẻ tuổi lại. Đức Giám mục xỉ mũi mấy lần, bảo:
    - Thật là chuyện lạ lùng. Tôi chưa bao giờ nghe nói một chuyện lạ lùng như vậy.
    Kumalo giảng cho ông ta hiểu câu tái bút: “ Umfundisi nên biết rằng nhà tôi đã đau từ trước khi đi Johannesburg ”. Ông giảng rằng câu đó chứa cái tình thương xót, hiểu biết. Ông lại kể lời Jarvis hỏi ông: “ Có được ân xá không? ”, kể chuyện cậu bé lại thăm ông, cậu bé lòng lúc nào cũng hân hoan, phát ra tiếng cười.
    Đức Giám mục bảo:
    - Chúng ta qua giáo đường cầu nguyện đi, nếu bên đó còn có được một chỗ khô ráo. Rồi tôi phải đi thôi vì đường còn dài. Nhưng trước hết tôi muốn từ biệt bà Kumalo và người con dâu của ông bà đã. Này, thế còn cái chuyện người con dâu đó với đứa bé sắp sanh?
    - Bẩm Ngài, chúng tôi đã thẳng thắn cầu nguyện trước mặt mọi người. Có cách nào khác được đâu?
    - Hồi xưa, cổ nhân làm vậy, thời đó các cụ có đức tin. Nhưng hôm nay, hay được những chuyện như vậy, tôi nghĩ chẳng riêng cổ nhân mới vậy.
    Kumalo từ biệt các người trong nhà rồi cùng Giám mục qua bên giáo đường. Tới trước cửa giáo đường ông ta đứng lại, nghiêm nghị nói với Kumalo:
    - Tôi thấy rằng Thượng Đế không muốn ông rời Ndotsheni.
    
    
    
    Đức Giám mục đi rồi, Kumalo đứng trước giáo đường trong bóng hoàng hôn. Mưa đã tạnh, nhưng trời vẫn còn u ám, sẽ còn mưa nữa. Không khí mát mẻ, gió hây hẩy từ dưới sông đưa lên, tâm hồn con người nhẹ nhàng. Trong khi ông đứng đó nhìn xuống thung lũng lớn thì văng vẳng có tiếng từ trên trời đưa xuống: “ Cứ an tâm, cứ an tâm, các con, ta sẽ làm những việc đó cho các con, ta không bỏ các con đâu ”.
    Những tiếng nói đó không do một phép mầu, như người ta tưởng tượng đâu. Nó không phải là phép mầu. Nó là ảo tưởng, hoặc là sự tưởng tượng của những người kiệt sức, hoặc là sự ám thị thần bí.
    
    
    Khi ông trở vô nhà thì thấy bà vợ, người dâu và vài ba người đàn bà nữa ở giáo đường và người thân tín đã xách tay nải giúp ông, đương lúi húi kết một vòng hoa. Họ kiếm được một cành trắc bá, vì có một cây trắc bá cô độc ở gần chòi người thân tín đó, cây trắc bá duy nhất trong khắp thung lũng Ndotsheni, không ai nhớ do cách nào mà nó mọc ở đó. Họ quấn cành nó lại thành một cái vòng, cột chắc cho vòng khỏi bung ra; rồi họ kết đầy những hoa trong đồng cỏ, những hoa vẫn còn trổ mặc dầu hạn hán.
    - Thưa Umfundisi tôi không vừa lòng chút nào cả. Có cái gì coi không được. Không giống vòng hoa của người da trắng.
    Cô giáo mới bảo rằng:
    - Họ kết hoa trắng. Tôi thường nhận thấy ở Pietermaritzburg họ kết hoa trắng.
    Người thân tín của Kumalo nói giọng hăng hái:
    - Thưa Umfundisi, tôi biết một chỗ có hoa trắng, hoa ráy và hoa huệ.
    Cô giáo mới cũng rất hăng hái:
    - Hoa ráy và hoa huệ. Phải, họ kết bằng những hoa đó.
    - Nhưng ở xa lắm. Thứ đó mọc ở gần đường xe lửa, phía Carisbrooke, trên bờ một giòng suối nhỏ mà tôi biết.
    Kumalo bảo:
    - Ừ, xa quá.
    Người thân tín của ông bảo:
    - Tôi xin đi. Một việc như việc này thì xa mấy cũng không đáng kể. Umfundisi cho tôi mượn cái đèn gió nhé?
    - Ừ, thì lấy đi.
    Cô giáo mới nói thêm:
    - Còn cần một giải lụa trắng nữa.
    Một người đàn bà bảo:
    - Ở nhà tôi có, tôi về lấy.
    - Còn anh, anh Stephen, anh phải viết một tấm thiếp chứ? Anh có một tấm thiếp tốt đấy không?
    Cô giáo mới bảo:
    - Thiếp phải viền đen mới được.
    Kumalo nói:
    - Có, tôi có tấm thiếp, tôi sẽ tô mực đen ở chung quanh.
    Ông vô căn phòng để tính sổ, kiếm được một tấm thiếp ở trong hộc.
    Ông nắn nót viết chữ như chữ in:
    Chân thành phân ưu.
    Tín đồ của giáo đường Thánh Mark.
    Nđotsheni.
    Ông còn đương cặm cụi tô mực đen bốn mép, rán cho khỏi lem, thì bà vợ vô mời ông ăn bữa tối.
    
     Chú thích:
    1. Có nghĩa là phu nhân.
    

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 7 (Kết Thúc)

Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu ( Phần III )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán