Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu ( Phần II ) Tác Giả: Alan Paton    
    Jarvis ngồi trên chiếc ghế bành của con, còn bà vợ và nàng dâu trở về nhà ông bà Harrison. Sách, sách, và sách nữa, chưa thấy nhà nào có nhiều sách như vậy. Trên bàn la liệt giấy tờ, thư từ và sách nữa.
    “ Thưa ông Jarvis, xin mời ông lại diễn thuyết tại Giám lý hội (1) Parkwold”
    “ Thưa ông Jarvis, chúng tôi lấy làm hân hạnh được ông lại diễn thuyết ở câu lạc bộ Thanh niên Anglican Sophiatown”
    “Thưa ông Jarvis, xin mời ông quá bộ lại tham dự cuộc thảo luận ở Đại học….”
    Không ông Jarvis không thể lại diễn thuyết ở một nơi nào cả.
    “ Thưa ông Jarvis, chúng tôi hân hạnh mời ông lại dự buổi họp hàng năm của hội Ki Tô và Do Thái…”.
    “Ông bà H.B. Singh hân hạnh mời ông bà Jarvis lại dự tiệc cưới con gái đầu lòng của chúng tôi, cô Sarajini”
    “ Xin mời ông bà Jarvis quá bộ lại dự dạ hội Toc. H ở thung lũng Van Wyk, cho buổi dạ hội được thêm long trọng…”
    Không ông Jarvis không thể nhận những lời nhã nhặn đó được.
    Trên tường bên cạnh các tủ sách, treo ba tấm hình: hình Chúa Ki Tô trên thánh giá, hình Abraham Lincoln, hình ngôi nhà trắng ở Vergelegen và bức tranh vẽ một phong cảnh đồng cỏ mùa đông, lơ thơ mấy gốc liễu trụi lá bên dòng nước.
    Ông Jarvis đứng dậy bước lại nhìn các tủ sách. Riêng về Abraham Lincoln đã có mấy trăm cuốn. Một người mà sao có thể làm đề tài cho bấy nhiêu tác phẩm, chứa đầy một tủ sách. Một tủ nữa chứa các sách về Nam Phi: cuốn Tiểu sử Rhodes của Sarah Gertrude Millin, cuốn về Smuts cũng của nữ văn sĩ đó, cuốn Tiểu sử Louis Botha của Engelenburg, rồi các sách nghiên cứu về các vấn đề chủng tộc, về loài chim Nam Phi, về Kruger Park và vô số các sách khác nữa. Một tủ thứ ba đầy những sách viết bằng tiếng Afrikaans, nhưng đọc nhan đề ông chẳng hiểu gì cả. Rồi đây nữa sách về tôn giáo, về Nga Sô, về vấn đề phạm pháp, về tội nhân, có cả những tập thi tuyển nữa. Ông kiếm Shakespeare. Có cả Shakespeare.
    Ông trở về ngồi ở chiếc ghế bành, ngắm nghía hồi lâu bức hình Chúa Ki Tô trên thánh giá, hình Abraham Lincoln, hình ngôi nhà Vergelegen và tấm tranh vẽ cành liễu bên dòng nước. Rồi ông kéo mấy tờ giấy lại gần.
    Tờ thứ nhất là một bức thư của người thư ký câu lạc bộ Thanh niên Phi ở Claremont, đường Gladiolus gởi cho con ông, tỏ ý tiếc rằng con ông không lại dự buổi hội họp hằng năm được, và báo tin rằng con ông lại được bầu làm Hội trưởng một khoá nữa. Cuối thư có đoạn cú pháp kỳ cục này:
    “ Cuộc họp hằng năm giao cho tôi cái việc mừng ông về điều đó, và đa tạ ông rất nhiều về tất cả thời gian ông đã hội họp với chúng tôi, về các vật mà ông đã tặng cho Hội. Nếu không có ông dự thì Hội này làm sao mà tổ chức được, đó là điều bí mật mà đa số chúng tôi không hiểu. Vì vậy chúng tôi nhất định bầu ông làm Hội trưởng một khoá nữa.
    Tôi xin lỗi ông vì dùng tờ giấy này, nhưng xấp giấy viết thư của Hội chúng ta đã bị mất rồi do những hoàn cảnh bất ngờ.
    Tôi xin trân trọng chào ông.
    Washington Lefifi ” (2)
    Còn tờ giấy kia có nét chữ của con ông. Chắc là những đoạn trong một bài hoặc một cuốn nào đó, vì hàng đầu là cuối một câu và hàng cuối là một câu còn dở dang chưa hết. Ông tìm không thấy những trang còn thiếu, bèn đọc những trang đó vậy:
    “ Có thể chấp nhận được. Việc mà chúng ta đã làm khi tới Nam Phi có thể chấp nhận được. Phát triển những nguồn lợi lao của ta nhờ nhân công tại đó, là điều hồi xưa có thể chấp nhận được. Dùng những người không chuyên môn vào một công việc không chuyên môn là điều hồi xưa có thể chấp nhận được. Nhưng lấy cớ là những việc không chuyên môn, mà không đào tạo những thợ chuyên môn thì là điều không chấp nhận được.
    “ Khi chúng ta tìm thấy mỏ vàng, phải kiếm nhân công cho mỏ, đó là điều chấp nhận được. Lúc đó lập trại cho thợ mỏ, bắt vợ con họ phải ở xa châu thành, là điều có thể chấp nhận được. Chấp nhận được vì hồi đó chúng ta chưa biết gì cả và chúng ta còn thí nghiệm. Nhưng ngày nay chúng ta đã hiểu biết rồi thì điều đó không thể chấp nhận được nữa. Khi chúng ta biết rằng như vậy, là làm gia đình họ tan tành, mà chúng ta vẫn tiếp tục làm thì điều đó không sao chấp nhận được.
    “ Nếu có sự thoả thuận của thợ thuyền, thì sự khai thác tài nguyên là điều chấp nhận được. Nhưng khai thác mà làm hại cho thợ thuyền, thì là điều không thể chấp nhận được. Không thể chấp nhận được cái việc đào vàng, chế tạo sản phẩm, hoặc cấy cầy ruộng đất, nếu việc khai thác, chế tạo, trồng trọt đó cần có một chính sách duy trì cảnh khốn khổ của thợ thuyền. Không thể chấp nhận được sự gia tăng tài sản của một số người, nếu họ chỉ có thể làm giầu trên lưng người khác. Sự thực chỉ có một danh từ để gọi các hành động ấy, danh từ “ bóc lột ”. Cái đó có thể chấp nhận được hồi chúng ta mới tới xứ này, vì lúc đó chúng ta không thể lường được, sự bóc lột đó đã làm cho đời sống cộng đồng của dân bản xứ tan nát ra sao, đời sống gia đình của dân bản xứ trụy lạc ra sao, họ hoá ra nghèo khổ, hà tiện ra sao, gây tội lỗi ra sao. Nhưng bây giờ chúng ta đã thấy những tai hại đó rồi, thì việc đó không thể chấp nhận được nữa.
    “ Hồi xưa có thể chấp nhận được cái việc bỏ thí sự giáo dục cho dân bản xứ, cho ai muốn cáng đáng thì cáng đáng. Nghi ngờ sự ích lợi của việc giáo dục dân bản xứ, là điều hồi xưa có thể chấp nhận được. Nhưng ngày nay đã có kinh nghiệm rồi thì điều đó không chấp nhận được nữa. Một phần do sự phát triển kỹ nghệ của ta, một phần do những nguyên nhân ngoài ý muốn của ta, hiện nay số dân bản xứ ở các thành thị đã rất đông. Xã hội thời nào cũng vì cái lợi của xã hội, nếu không phải vì những lý do khác. Lo việc giáo dục con em để dạy cho chúng biết trọng pháp luật, có những mục đích hợp với đời sống xã hội. Phải dùng cách đó chứ không cách nào khác. Vậy mà chúng ta vẫn để mặc, vài người Âu lưu tâm tới vấn đề muốn dạy dỗ dân bản xứ ở thành thị ra sao tuỳ ý, mà không giúp họ tiền và phương tiện để họ phát triển công việc của họ, cái đó không thể chấp nhận được. Vả lại, chỉ xét riêng về cái lợi của xã hội thì chính sách đó còn nguy hại là khác.
    “ Hồi xưa, việc tiêu diệt một bộ lạc, nó làm cản trở sự phát triển của xứ này, là điều có thể chấp nhận được, tin rằng sự tiêu diệt đó không sao tránh được là điều lúc đó có thể chấp nhận được. Nhưng ngày nay, thản nhiên nhìn một sự tiêu diệt như vậy, mà không kiếm cách thay thế nó bằng một cái gì khác, hoặc chỉ thay thế một chút thôi, để đến nỗi cả một dân tộc bị hủy hoại về thể chất và tinh thần, là một điều không thể chấp nhận được.
    “ Chế độ bộ lạc cổ truyền mặc dầu tàn nhẫn, dã man, mặc dầu có nhiều mê tín dị đoan, pháp thuật, cũng vẫn là một chế độ luân lý. Dân bản xứ chúng ta thời nay thành những kẻ phạm pháp, mãi dâm, nghiện rượu, không phải vì bản tính của họ như vậy, mà vì các chế độ trật tự chất phác, cái hệ thống tập tục, truyền thống của họ đã bị hủy hoại. Vậy xã hội văn mình của chúng ta, không thể trốn tránh được cái bổn phận thành lập cho họ một chế độ trật tự với những tập tục, truyền thống khác.
    “Đành rằng thời trước chúng ta hy vọng rằng dùng một chính sách chia cách chủng tộc, thì điều đó có thể duy trì chế độ bộ lạc. Điều đó hồi xưa có thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta chưa bao giờ theo chính sách đó một cách đúng đắn hoặc thành tâm. Chúng ta để ra một phần mười đất đai cho bốn phần năm dân số. Như vậy chúng ta làm cho – có người bảo rằng chúng ta cố ý làm cho – nhân công bản xứ nhất định phải đổ dồn về các châu thành. Thế là chúng ta phải chịu hậu quả của tính ích kỷ của chúng ta.
    “ Không nên làm cho vấn đề có vẻ kém quan trọng đi. Không nên gây cảm tưởng rằng giải quyết vấn đề đó là việc dễ. Không nên coi thường những nỗi lo lắng, sợ sệt nó bao vây chúng ta. Nhưng dù chúng ta lo lắng, sợ sệt hay không thì chúng ta cũng không được trốn tránh vấn đề luân lý, vì chúng ta những người theo Ki Tô giáo.
    “Đã tới lúc….”
    Tới đó hết trang, Jarvis đương say mê đọc, kiếm đoạn tiếp nhưng coi hết các tờ giấy bừa bãi trên bàn, mà không thấy được thêm trang nào nữa. Ông đốt thuốc, kéo mấy tờ giấy lại gần mình và đọc lại.
    Khi đã đọc xong lần thứ nhì, ông vẫn tiếp tục hút thuốc, trầm ngâm suy tư. Rồi ông đứng dậy, lại đứng trước tủ chứa sách về Lincoln, ngó lên bức hình của bậc vĩ nhân đã ảnh hưởng lớn tới con ông như vậy. Ông nhìn qua nhan đề mấy trăm cuốn sách, đẩy miếng kính qua một bên, lấy ra một cuốn. Rồi ông trở về ngồi ở ghế bành, lật trang sách. Tới một chương nhan đề: Bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg, một diễn văn mới đầu không ai để ý tới, rồi sau được coi là một trong những diễn văn quan trọng nhất của thế giới. Ông lật mấy trang mở đầu, tới bài diễn văn, rồi chăm chú đọc từ hàng đầu tới hàng cuối. Đọc xong ông lại hút thuốc, suy nghĩ miên man. Được một lát ông đứng dậy, đặt trả cuốn sách vào chỗ cũ, khép tủ lại. Nghĩ sao ông lại mở tủ ra, lấy cuốn sách bỏ vào túi, rồi đẩy tấm kính khép lại. Ông ngó đồng hồ đeo tay, gõ ống điếu vào lò sưởi để trút hết tàn thuốc, đội nón, cầm lấy chiếc can.
    Ông chậm rãi xuống cầu thang mở cái cửa đưa tới hành lang bi thảm đó. Ông dỡ nón ngó vết sẫm ở trên sàn. Ông không cố ý gợi lại mà tự nhiên hình ảnh em bé ở High Place hiện lên trong óc ông, một em bé chơi mấy cây súng bằng gỗ. Ông đi dọc theo hành lang, lơ đãng không nhìn thấy gì cả bước qua cái cửa mà mấy hôm trước thình lình thần chết đã ùa vô. Thầy cảnh sát chào ông, ông đáp lại bằng mấy lời bâng quơ chẳng có ý nghĩa gì cả. Ông lại đội nón lên, bước ra cửa rào. Ông do dự ngó hai phía đầu và cuối con đường cái. Rồi gắng sức bước đi. Thầy cảnh sát thở dài, vươn vai.
    
    1. Một giáo phái của Anh: Methodist.
    2. Giọng thư ngây ngô, vì người viết là một người da đen ít học.
    
    
    Jarvis muốn trở lại thăm ngôi nhà của con trai một lần nữa. Đi cửa sau, qua bếp, qua chỗ có vết trên sàn rồi leo lên cầu thang lên phòng ngủ của con như vậy kỳ cục thật, nhưng ông cũng theo lối đó. Ông không vô phòng ngủ của con mà vô phòng làm việc đầy sách vở. Và ông lại đi một vòng coi các sách, qua cái tủ đầy sách về Abraham Lincoln, cái tủ đầy sách về Nam Phi, cái tủ đầy sách viết bằng tiếng Afrikaans, cái tủ đầy sách về tôn giáo, xã hội học, về vấn đề phạm pháp, về tội nhân, và cái tủ đầy thơ, tiểu thuyết và Shakespeare. Ông ngó hình chúa Ki Tô trên thánh giá, hình Abraham Lincoln, hình ngôi nhà Vergelegen và bức tranh vẽ rặng liễu mùa đông. Ông ngồi ở chiếc bàn viết la liệt những thư mời làm việc này việc khác, hoặc dự mời buổi họp này buổi họp khác, và những bản thảo nói về điều gì có thể chấp nhận được và điều gì không thể chấp nhận được ở Nam Phi.
    Ông kéo các hộc ở bàn giấy con ông ra và thấy ngăn thì chứa các chi phiếu, ngăn thì chứa giấy và bao thư, viết mực viết chì, lại có ngăn chứa những chi phiếu đã đóng dấu rồi, ngân hàng gởi trả lại. Sau cùng có một ngăn sâu chứa những bài văn đã đánh máy, ghim lại gọn ghẽ với nhau đặt chồng lên nhau. Có một bài nhan đề là “ Cần có những cơ quan cứu tế xã hội ”, một bài nữa về “ Các loài chim trong một công viên Parkwold ”, một bài nữa về “Ấn Độ và Nam Phi ”. Đây là một bài nữa nhan đề là “ Tâm sự của một người Nam Phi ”. Ông lấy ra đọc:
    “ Sanh ra ở Nam Phi thật là đau khổ. Có thể sanh ra là người Afrikaaner, hay người Nam Phi nói tiếng Anh, hay là người da màu (1), hay là người Zulu. Người ta có thể cỡi ngựa, như tôi hồi nhỏ, đi khắp các miền đồi xanh và các thung lũng lớn. Cũng như tôi hồi nhỏ, người ta có thể thăm các khu dành riêng cho người Bantu ở, mà không thấy được những gì xảy ra ở đó cả. Người ta có thể nghe nói như tôi hồi nhỏ, rằng ở Nam Phi có rất nhiều người Afrikaaner hơn là người nói tiếng Anh, vậy mà chẳng biết chút gì hết, chẳng thấy cái gì hết. Người ta có thể như tôi hồi nhỏ, đọc những sách về Nam Phi đẹp đẽ, cái xứ có mặt trời chói lọi, có nhiều thắng cảnh không bị các cơn dông tố trên thế giới tàn phá (2), mà cảm thấy vinh hãnh, yêu mến non sông của mình, vậy mà vẫn chẳng biết gì về xứ đó cả. Mãi đến sau này lớn lên, người ta mới biết rằng ở xứ này còn có nhiều cái khác nữa, ngoài ánh nắng mặt trời, mỏ vàng và vườn cam. Lúc đó người ta mới thấy những niềm oán ghét, những nỗi sợ hãi của xứ này. Tới lúc đó, lòng yêu quê hương của ta mới sâu sắc, nồng nhiệt như một người đàn ông yêu một người đàn bà vừa thành thực vừa gian xảo, vừa lạnh lùng vừa âu yếm, vừa tàn ác vừa sợ sệt.
    “ Tôi sinh ra trong một trại ruộng trong một gia đình nền nếp, được cha mẹ chiều chuộng, cung cấp cho đủ, không thiếu thốn thèm khát thứ gì cả. Cha mẹ tôi là người ngay thẳng, hiền từ, trọng pháp luật; các người dậy tôi đọc kinh cầu nguyện, và dắt tôi tới giáo đường, không bỏ buổi nào; các người không bao giờ làm mất lòng gia nhân, và ba tôi không bao giờ thiếu thợ. Các người đã dạy cho tôi tất cả những điều cần biết về danh dự, nhân ái, bao dung. Nhưng về Nam Phi thì tôi chẳng học được chút gì cả…”
    Jarvis đặt xấp giấy xuống, trong lòng bực tức, thấy bị xúc phạm. Trong một lúc ông gần như phát giận, rồi ông dụi mắt, nén được giận. Nhưng ông vẫn còn run run không đọc tiếp được nữa. Ông đứng dậy, cầm lấy chiếc nón, xuống cầu thang, đi tới chỗ cái vết trên sàn. Thầy cảnh sát sắp chào ông thì ông quay trở lại, trở lên cầu thang, lại ngồi xuống bàn. Ông cầm xấp giấy lên, đọc cho hết. Có lẽ ông thưởng được cái đẹp của lời văn, vì đoạn cuối làm cho ông cảm động. Có lẽ ông cũng thưởng được cái đẹp của ý tưởng nữa.
    “ Cho nên tôi sẽ hy sinh đời tôi, thời giờ của tôi, sức lực của tôi, tài năng của tôi để phụng sự Nam Phi. Tôi sẽ không tự hỏi việc nay việc nọ có tiện lơi hay không nữa mà chỉ tự hỏi nó có công bằng hay không. Tôi sẽ hành động như vậy không phải vì tôi cao thượng, không vị lợi, mà vì đời sống trôi đi và trong quãng đường còn lại tôi cần có một ngôi sao dẫn đúng đường cho tôi, một la bàn dẫn đúng hướng cho tôi. Tôi sẽ làm như vậy không phải vì tôi yêu người da đen và ghét người đồng chủng với tôi, mà vì tôi tự xét lòng, thấy không thể làm gì khác được. Nếu tôi còn cân nhắc cái nay với cái kia thì tôi là con người bỏ đi, nếu tôi còn tự hỏi việc mà tôi làm có nguy hiểm không thì tôi là con người bỏ đi; nếu tôi con tự hỏi những người khác, da trắng hay da đen, Anh hay Afrikaaner, người dị giáo hay Do Thái giáo có tán thành tôi không, thì tôi là con người bỏ đi. Vậy tôi sẽ rán làm cái gì công bằng và nói cái gì đúng sự thực.
    “ Tôi hành động như vậy vì tôi không phải can đảm và thành thực, mà vì chỉ có cách đó mới dẹp tan xung đột mạnh mẽ trong tâm hồn tôi. Tôi làm như vậy bởi vì tôi không có thể tiếp tục để cho một phần bản ngã của tôi hướng tới cái gì cao thượng nhất còn phần kia thì phản đối lại nó. Thà chết chứ tôi không muốn như vậy. Bây giờ tôi hiểu được những người chịu chết vì tín ngưỡng mà cho chết như vậy là đẹp đẽ, can đảm hoặc cao thượng. Họ chết như vậy còn hơn là sống, thế thôi.
    “ Nhưng tôi sẽ không thành thực nếu bảo rằng tôi hành động như vậy chỉ vì một lòng phản tự kỷ. Có cái gì không tùy thuộc tôi thúc đẩy tôi làm việc công bằng, bất kỳ là phải trả giá thế nào. Về điểm đó tôi sung sướng được người vợ đồng tâm đồng ý rán tự chế ngự được nỗi sợ hãi oán ghét của nàng. Nhờ nàng mà nguyện vọng của tôi thực hiện rõ ràng. Các con tôi còn nhỏ quá không thể hiểu được. Tôi sẽ khổ tâm lắm nếu lớn lên chúng sinh ra oán ghét tôi, hoặc sợ tôi, hoặc cho tôi là phản quyền lợi của chúng tôi. Nếu trái lại lớn lên, chúng suy nghĩ như vợ chồng tôi thì tôi sẽ vui mừng vô hạn. Nỗi vui mừng đó mới thật là kích thích, phấn khởi đáng cho tôi cảm ơn Thượng Đế. Nhưng cái đó không thể trả giá được. Thượng Đế cho thì được hưởng hay không được hưởng thì chúng ta cũng phải giữ đạo công bằng ”
    Jarvis ngồi hút thuốc một hồi lâu. Ông không đọc thêm nữa, xếp tập giấy trả lại vô chỗ cũ và khép hộc lại. Ông ngồi đó cho tới khi hút xong cối thuốc rồi cầm nón xuống cầu thang. Tới chân cầu thang, ông quẹo mà đi ra phía cửa trước, không phải vì sợ bước ra cái vết trên sàn, chỉ vì không muốn đi ngã sau, thế thôi.
    Cửa trước chỉ khép chứ không khoá, ông bước ra ngoài. Do thói quen của một lão nông ông ngửng lên ngó trời, nhưng vòm trời nơi xa lạ này không tỏ ra một dấu hiệu gì cả. Ông bước xuống sân ra cửa rào. Thầy cảnh sát đứng cạnh ở cửa sau nghe thấy tiếng cửa trước khép lại, gật gật đầu tỏ ý hiểu. Thầy nghĩ bụng: “Ông ấy không thể nhìn cái đó được nữa, tội nghiệp ông già, ông ấy không thể nhìn cái đó được nữa”
    
    
     Chú thích:
    1. Lai da trắng và da đen.
    2. Tức không bị hai cuộc chiến tranh Thế giới.
    

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)

Khóc Lên Đi, Ôi Quê Hương Yêu Dấu ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh