Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Ý Nghĩa Về Sự Chết, Đau Khổ Và Thời Gian Tác Giả: Krishnamurti    
    Sáng nay tôi muốn đề cập một chủ đề dường như rất quan trọng đối với tôi. Đây không phải là một ý tưởng, không phải là một ý niệm chính những ý niệm, những phương trình đã ngăn chặn lại việc tìm hiểu những sự kiện, như là những sự kiện, nghĩa là hiện tính của chính sự kiện ấy. Hiểu một sự kiện là quan sát sự tác động, sự vận hành, của một thoả thuận hoặc của một cảm xúc hay trực nhận ý nghĩa quan trọng trong ngay khoảnh khắc mà hành động đang xảy ra, nếu không thế thì mình không hiểu nó được một cách sâu thẳm, thì mình vẫn bị sự sợ hãi bám theo luôn.
    Tôi nghĩ rằng phần đông chúng ta vẫn mang đèo một gánh nặng sợ hãi hữu thức hay vô thức. Sáng nay, tôi muốn khảo sát vấn đề này cùng với các ngài và tìm xem chúng ta có thể nào hiểu được nó một cách trọn vẹn, đạt tới sự giải quyết toàn triệt để cho mỗi người trong chúng ta, khi rời bỏ cái lều này, sẽ thấy rằng mình đã thoát hẳn theo nghĩa đen và trong thực tế, thoát khỏi sự sợ hãi.
    Vì vậy, muốn được thế, tôi có nên tỏ ý cùng các ngài rằng các ngài hãy lắng nghe tôi một cách trầm lặng hơn là chỉ lo biện luận với tôi bên trong thủ tục các ngài? Chúng ta sẽ thảo luận, chúng ta sẽ diễn phô lại những tư tưởng và những tình cảm chúng ta cho được thành lời lẽ tương hợp trong chốc lát nữa đây. Ngay bây giờ, xin các ngài hãy lắng nghe với tinh thần tiêu cực, tức là không bó buộc, không tự cưỡng trong khi lắng nghe. Đây không liên hệ gì đến việc thông đạt trao đổi giữa tôi và các ngài, hoặc giữa các ngài và tôi. Tôi đang nói, và khi các ngài đồng lòng lắng nghe, chỉ lắng nghe thôi, thì chính nhờ động tác duy nhất ấy các ngài sẽ có thể giao cảm với người đang nói.
    Phần đông chúng ta, thật là chẳng may, đều không có khả năng để lắng nghe một cách tiêu cực, trong tinh thần phủ nhận, nghe chẳng những ở đây thôi mà ngay cả trong đời sống thường nhật của họ. Trong khi đi dạo, chúng ta không lắng nghe tiếng kêu, tiếng xào xạc của cây lá, tiếng rù rì của nước chảy; chúng ta không nghe những núi non, không nghe bầu trời. Muốn được trực tiếp giao cảm với thiên nhiên, với thiên hạ người đời, thì mình phải lắng nghe. Việc ấy chỉ thể hiện được trong sự im lặng có tính cách phủ nhận mà không còn sự cố gắng nào xen vào, không còn bất cứ động tác tinh thần nào, không còn bất cứ sự tranh luận biện ngôn ngao, không còn bất cứ sự thảo luận nào cả.
    Tôi không biết các ngài có bao giờ lắng nghe trọn vẹn vợ hoặc chồng, con cái, chiếc ô tô lướt qua, những sự vận hành của tư tưởng và của sự xúc động. Trong đó không có bất cứ hành động nào, bất cứ chủ định nào, bất cứ sự diễn dịch giải thích nào, và chính tác động của việc nghe này khơi dậy một cuộc đảo lộn, cuộc cách mạng khủng khiếp ngay tận suối nguồn của ý thức.
    Nhưng chúng ta vẫn thường quen thói không nghe! Nếu những gì chúng ta nghe phản nghịch lại với tư tưởng quen thuộc của chúng ta, hoặc khi lý tưởng tầm thường hạ cấp của chúng ta bị lay động thì chúng ta liền bị khuynh đảo tinh thần ngay. Chúng ta cũng có cả "những cuộc đầu tư" có tính cách ý thức hệ giống như để dành vốn liếng trong những tài sản, trong kinh nghiệm và kiến thức, và khi mà chúng bị đe dọa thì chúng ta đứt mất sự quân bình, chúng ta phản đối lại tất cả những gì người khác nói.
    Nếu hôm nay các ngài thật sự nghe những điều nói đây, nghe với một nhận thức tỉnh táo, không chọn lựa lấy bỏ, là các ngài sẽ thấy rằng các ngài cùng đồng cử tâm thức với diễn giả chứ không phải với những danh từ thôi, các ngài sẽ thấy mình không chìm đắm vào cuộc phân tích danh từ mà thấm sâu trong diệu lý của cõi giới siêu việt ngoài vòng văn tự. Thế chẳng có nghĩa là các ngài sẽ ngái ngủ hay lịm vào một tình thái khoái trá. Trái lại, lặng nghe đòi hỏi sự đại định chú tâm rất mực: chứ không phải tập trung là trạng thái khác hẳn. Nếu ngài định tâm lắng nghe, thì có lẽ các ngài và tôi sẽ thâm nhập và những tầng sâu nhiệm, trong đấy sự diệu tác mới phát sinh ra được. Và đó mới chính là điều thiết yếu, vì tâm thức thiển cận, xao xuyến, bận lo vô số vấn đề, tâm thức ấy tuyệt đối không thể hiểu được sự sợ hãi và hiểu được sự sợ hãi là điều cốt chỉ của cuộc sống. Nếu ta không hiểu được sự sợ hãi, tức là chẳng có tình thương, mà cũng chẳng sinh diệu tác – ở đây tôi không nói việc sáng tác, mà nói cái tâm thức diệu tác xuất thế không thể diễn đạt thành lời hoặc phô bày trong họa phẩm, trong sách vở.
    Vậy ta cần được thoát ly sợ hãi. Sợ hãi không phải là một điều trừu tượng, hay một danh từ thôi – mặc dù đối với phần đông chúng ta danh từ lại được cho là trọng hệ hơn sự kiện. Không biết các ngài có bao giờ nghĩ đến tự thoát ly hoàn toàn với sợ hãi, thoát ly một cách tuyệt đối? Ta vốn có thể thoát ly rốt ráo, thậm chí tuyệt nhiên không còn một mảy may sợ hãi, vì bấy giờ tâm thức luôn luôn túc trực sẵn trước mỗi biến cố. Ý tôi muốn nói là bấy giờ, thay vì theo đuổi sợ hãi và lo chế ngự nó sau khi nó xuất hiện, tâm thức vẫn vượt phóng tới trước sự sợ hãi và do đó thoát ly sợ hãi. Để hiểu sợ hãi, cần phải hiểu rằng luôn luôn chúng ta cứ tưởng niệm bằng sự so sánh. Tại sao tâm niệm của ta cứ so sánh mãi như thế? Trong các môn kỹ thuật, ta so lường những cuộc tấn bộ, chúng đều có tính cách tương đối cả. Nay chúng ta có những trái bom nguyên tử và những phi cơ siêu thanh mà trước đây năm mươi năm chúng ta không có, và trong năm mươi năm nữa sẽ có nhiều sự vật mà hiện giờ chúng ta không có. Đó là điều mà người ta gọi là tấn bộ. Tấn bộ luôn luôn là so sánh tương đối, thế rồi ta rơi vào lối suy tưởng ấy. Chẳng những ở bên ngoài thân xác, nếu nói được thế, mà cả ở nội tại, trong cơ cấu nội tâm chúng ta cũng cứ suy tưởng bằng những sự so sánh. Chúng ta tự bảo "Nay tôi thế này, trước kia tôi thế nọ, và tôi sẽ là gì hơn nữa trong vị lai". Đấy là việc suy tưởng về tấn bộ, về cuộc tấn hoá, và tất cả việc xử sự của ta – về luận lý, về đạo đức, về tôn giáo, trong những công ăn việc làm của ta và trong những cuộc tương giao xã hội của ta – đều căn cứ ở đó hết. Ta tự so lường chính mình tùy vào một xã hội, mà xã hội đó chính là sản phẩm của những cuộc xung chướng do toàn những so đo như vậy.
    Thế nhưng mọi so sánh đều là cội nguồn của sự sợ hãi. Các ngài hãy quán sát điều ấy ở chính mình xem. Tôi muốn mình là một văn sĩ biệt tài hơn, muốn mình là một người đẹp hơn hay khôn ngoan hơn. Tôi muốn mình uyên bác hơn thiên hạ, tôi muốn thành công, muốn là một nhân vật gì, muốn được danh vang lừng lẫy. Thành công và tiếng tăm, kể về mặt tâm lý, đúng là bản chất của tinh thần so sánh, luôn luôn không ngớt dấy inh sợ hãi. Cái tâm thức so sánh ấy phát động những cuộc xung đột và đấu tranh mà ta xem như rất là khả kính. Ta dạy nhau rằng cần phải đấu tranh mới sống được ở thế gian này, rồi ta đem tinh thần tranh đua vào mọi công việc làm ăn, cả trong gia đình, cả trong lãnh vực gọi là tôn giáo. Ta mong lên được Thiên đàng, mong được ngồi gần Đức Giêsu hay gần một vị cứu rỗi nào khác mà ta tin tưởng. Tâm địa đó là tâm địa của ông cha xứ muốn được làm tổng giám mục, làm hồng y, làm cả giáo hoàng. Ta vun quén chuyên cần tâm địa ấy trong suốt đời ta. Ta tranh đấu để trở nên tài giỏi hơn hay để thu hoạch một địa vị cho thật cao tột. Cơ cấu xã hội và luân lý của ta căn cứ ở đó cả.
    Thế là ta triền miên sống trong tâm địa so sánh, tranh đua và phấn đấu ấy, cứ cố gắng trở thành một nhân vật gì – hay để đừng là gì hết, tựu trung cũng cùng nghĩa thế ấy thôi. Đó là căn cội của mọi sợ hãi, chính do đó dấy sinh đố kị, ganh ghét, oán thù. Sự thù ghét tất nhiên loại trừ tình thương, sự thù ghét dấy sinh ra niềm sợ hãi tăng trưởng liên tục.
    Như tôi đã hỏi các ngài, các ngài hãy chỉ lắng nghe thôi. Các ngài đừng tự hỏi: "Làm sao tôi dứt so sánh được? Tôi phải làm gì để dứt so sánh?". Các ngài chẳng làm gì được hết. Nếu ngài làm gì đấy, thì dụng ý của ngài cũng vẫn do sự so sánh mà phát xuất ra. Tất cả những gì ngài cần làm đó là nhận thấy cái phức tạp mà ta gọi là cuộc sống đây, chính nó là một cuộc đấu tranh do so sánh, và thấy rằng mọi việc chen vào để biến cải sự thể ấy, đều khởi sinh từ cái tâm địa tranh đua đấy thôi. Vậy chỗ trọng hệ là lắng nghe đây mà đừng xuyên tạc bóp méo, và ta xuyên tạc bóp méo đi những gì ta nghe ngay khi ta vừa khởi động niệm xen vào trong đó.
    Ta có thể nhận thấy cả nội dung và ý nghĩa đích thực của loại tư niệm này, thứ tư tưởng so sánh và đo lường hiện tượng sự sống. Nó mê lầm trong ảo tưởng rằng việc so sánh tức là hiểu: so sánh tác phẩm của hai họa sĩ, của hai văn sĩ; tự so sánh mình với một người kém lanh lợi hơn, kém hiệu lực hơn mình, xinh đẹp hơn mình, vân vân. Ta có thể nào sống ở thế gian này, sống trong ngoại cảnh lẫn vào tâm nội, mà không hề phải so sánh gì cả chăng?... Các ngài thấy đấy, nhận thức tâm địa so sánh không ngừng này, chỉ nhận thức tâm địa ấy thôi và sống cùng với nó, tất nhiên cần ở tâm có một sự chú ý cùng cực. Sự chú ý này tự phát sinh giới hạnh của nó, cái giới hạnh vô cùng uyển chuyển, thoát ra ngoài mọi kiểu mẫu, mà tịnh không trói buộc mảy may. Giới hạnh này không vụ ở chỗ kiểm soát, ở việc hàng phục hay phủ nhận gì cả mà cốt mong tỏ hiểu cho rốt ráo hết toàn cả vấn đề sợ hãi.
    Thái độ sống mà căn cứ vào sự so sánh, là một trong những động cơ chính yếu làm suy bại tổn hại nhân tâm. Nó khiến cho nhân tâm hôn trầm và vô tri. Nó làm cho nhân tâm thối rữa và mục nát. Đó chính là sự kém thông minh hoàn toàn. Thân xác chúng ta dần dần suy hoại vì già yếu, nhưng nếu tâm trí ta lại cũng suy hoại ra nữa, thì đấy là vì chúng ta cứ so với sánh, vì chúng ta lâm trong cơn đảo điên xung chướng, cứ mãi lo tranh với đua. Ta như những bộ máy mà tác dụng lại hư hỏng cứ trục trặc hoài, do đó chúng dễ mau hư mòn kiệt quệ.
    Như tôi đã nói, những sự so sánh, những sự xung đột xung chướng, những sự tranh đua, chẳng những tổn hại ta thôi, mà còn dấy sinh ra sợ hãi nữa. Mà sợ hãi là cả bóng đêm hắc ám, trong ấy không sao có được tình mến yêu, tỏ ngộ, tình thương. Muốn nhận biết sợ hãi là gì, ta hãy tự hỏi coi có bao giờ ta đối diện với sợ hãi hay không, hay ta chỉ có cái ý niệm về sợ hãi thôi, mà như vậy thì khác hẳn. Phần đông chúng ta mắc trong lưới rập của một ý niệm, của một ý kiến, của một phán đoán, của một so lường về sợ hãi, chứ không hề bao giờ tiếp xúc thẳng với sự kiện sợ hãi đó. Đó là chỗ ta cần nhận hiểu ở bề rộng như ở bề sâu thẳm.
    Chẳng hạn như tôi sợ rắn. Trước đây một thời gian tôi có thấy một con rắn và tôi hoảng sợ lên, rồi kinh nghiệm ấy còn lưu lại trong tâm thức tôi nơi ký ức. Rồi đây tôi dạo chơi vào một buổi chiều hôm, và ký ức tôi lại phát động tạo tác ra, khiến tôi sinh sợ gặp phải rắn. Thế là cái ý niệm về sợ hãi quả là bền dai, mạnh mẽ hơn chính là sự kiện tự thể. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta không hề bao giờ tiếp xúc với ý niệm của ta về sợ hãi đấy thôi. Các ngài hãy quán sát mình trực chỉ xem. Rồi các ngài sẽ thấy ra rằng những ý niệm của ta dấy khởi các sự vật, quả không thể nào xoá bỏ đi một cách giả tạo được. Các ngài cần tự hứa phải gặp thẳng sự việc không qua ý niệm, nhưng rồi không thể được. Trái lại, nếu thật sự ngài thấy đích xác rằng ký ức và dấy niệm vốn ngăn ngại ngài không cho trực chỉ thông cảm được với sự kiện – sự kiện sợ hãi, sự kiện ganh ghét, sự kiện tử vong gì đó – các ngài sẽ thấy ra rằng giữa ngài hiện lên những tương quan khác hẳn giữa ngài với sự kiện.
    Đối với phần đông chúng ta, ý niệm rất trọng hệ hơn hành động. Không bao giờ chúng ta hành động trọn vẹn cả. Luôn luôn ta hạn cuộc hành động bằng một ý niệm, bằng cách thích ứng hay diễn dịch sự hành động thể theo một công thức một khái niệm, do đó tất nhiên nào có hành động gì đâu, hay đúng hơn, hành động như vậy quá đỗi bất tức, dấy sinh thêm lắm vấn đề. Nhưng hễ ta nhận chân sự thể lạ lùng ấy, là hành động liền trở nên mãnh liệt phi thường, vì hành động ấy không còn lo phụ họa theo một ý niệm.
    Sợ hãi không phải là một sự trừu tượng, luôn luôn sợ hãi liên quan với một điều gì. Tôi sợ sự chết, sợ dư luận, sợ mình không khả ái, sợ mình không được thiên hạ biết đến, sợ không thành công, vân vân. Danh từ sợ hãi đâu phải là sự kiện sợ hãi: danh từ chỉ là biểu tượng của sợ hãi mà thôi; mà đối với phần đông chúng ta, biểu tượng lại trọng hệ hơn sự kiện, cả trên bình diện tôn giáo lẫn ở mọi bình diện khác. Thế nhưng có thể nào chúng ta thoát ly khỏi những diễn tả, những biểu tượng, những ý niệm, để quan sát mọi sự việc mà không phải diễn dịch, thậm chí cũng không tự bảo là mình phải lo quán sát nữa? Không dấy một niệm gì về sự việc ấy?... Nếu ta tiếp xúc một sự kiện với sẵn một ý niệm về sự kiện đó, thì thật ra, ta chỉ tiếp xúc với những ý niệm mà thôi. Điều quan trọng là phải nhận hiểu rằng khi ta quán sát một sự kiện xuyên qua một ý niệm, thì ta không thông cảm mảy may gì với sự kiện ấy. Nếu ta muốn cùng thông cảm, thì ý niệm tất nhiên phải hoàn toàn giải trừ mới được.
    Đây chúng ta hãy từ đó mà tiến tới xem rồi sẽ đến đâu. Sự kiện là ngài sợ cái chết, sợ những gì người nào đó sẽ nói, sợ rất nhiều việc. Khi ngài không xét sự kiện ấy xuyên qua một khái niệm, một ký ức, thì thế nào? Thì trước hết, tất nhiên không còn sự phân cách với đối tượng sở quán. Căn nguyên của sự phân cách đã bị xoá bỏ, và tức nhiên ngài liền trực chỉ tiếp xúc với cái cảm giác mà ngài gọi là sợ hãi ấy. Cái "tự thể của ngài" với những ý kiến của nó, những ý niệm, những phán đoán, những trốn tránh, những khái niệm, những ký ức gì đó của nó, cả thảy đều vong bặt, và chỉ còn có mỗi một "cái đó" mà thôi.
    …Việc chúng ta đang cùng làm đây rất đỗi khó khăn, không phải là một cuộc mua vui tiêu khiển. Tôi cảm thấy khi rời khỏi trại này hôm nay, có thể ta thoát ly toàn triệt sâu thẳm khỏi sự sợ hãi – để mà làm một con người đúng nghĩa.
    Vậy đây ta đối diện với một sự kiện, sự kiện là cảm giác hay sự lo ngại mà ta gọi là sợ hãi. Sự kiện này do một ý niệm dấy sinh. Ngài sợ sự chết chẳng hạn (tôi lấy đấy để làm tỉ dụ). Cứ thói thường, thì cái chết không phải là một sự kiện đối với ngài, mà chỉ là một ý niệm. Sự kiện này chỉ xảy ra cho ngài trong khoảnh khắc là ngài sắp chết mà thôi. Ngài đã chứng kiến nhiều cái chết và tin chắc rằng chính ngài cũng sẽ chết, sự việc ấy trở thành một ý niệm, dấy sinh lên niềm sợ hãi nơi tâm thức ngài. Chính xuyên qua cái ý niệm này ngài xét về cái chết, như vậy tức là ngài không tiếp xúc trực chỉ với cái chết. Thế là có một khoảng cách giữa người năng quán với đối tượng sở quán đấy rồi. Chính trong khoảng cách ấy tư tưởng xuất hiện, mà thoả thuận là dấy niệm, là đặt ra thành lời, là ký ức đứng ra chống đối với sự kiện. Nhưng hễ chỗ cách khoảng ấy không có, nghĩa là hễ tư tưởng bặt vong – tức hễ vong bặt thời gian – là ngài liền sống trọn vẹn với sự kiện, thì bấy giờ chính cái sự kiện hành sử ngài, chứ chẳng phải ngài hành sử nó.
    … Mong các ngài nhận rõ mấy điều đó… hay điều ấy có khó hiểu chăng, giữa một buổi mai nóng bức thế này?...
    Các ngài thấy đấy chăng, tôi nghĩ rằng sống với một sự sợ hãi, bất cứ thứ nào, quả là "ác hại", nếu tôi dùng được danh từ này. Ác Hại, là sống với sự sợ hãi, vì sợ hãi dấy sinh hận thù, sợ hãi làm thiên lệch tư tưởng và tổn hại cả cuộc sống. Vậy tuyệt đối người tu hành cần phải hoàn toàn thoát ly khỏi sợ hãi, cả ở ngoại cảnh lẫn trong nội tâm. Đây hẳn tôi không nói cái phản ứng hoát nhiên của thân xác tìm phương tự bảo vệ, vì đó là cuộc phản ứng tự nhiên. Thường nhiên bỗng dưng ta gặp phải một con rắn, tất nhiên ta phải nhảy sang để tránh xa: đó chỉ là một bản năng tự vệ ở thể xác, và nếu không có cái bản năng ấy thì đúng là bất thường rồi. Nhưng cái ý cầu chỗ an trụ nơi tâm nội, tức về mặt tâm lý, bất cứ ở giai tầng nào của bản thể ta, đều nuôi lớn sự sợ hãi. Vậy ta có thể nhận thấy rằng cốt yếu tâm thức đừng bao giờ làm môi trường để nuôi lớn mầm mống sợ hãi.
    Nếu chú tâm nghe kỹ những điều vừa nói hôm nay, thì các ngài đã hiểu rằng sự sợ hãi không hề trú tại hiện tiền, mà luôn luôn trú ở vị lai. Sự sợ hãi do tư tưởng đề khởi: tưởng niệm về những gì có thể xảy đến ngày mai, hay lát nữa. Thế là sợ hãi, tư tưởng và thời gian, đồng hành với nhau, và nếu ta muốn hiểu sợ hãi và tiến vượt quá nó, tất nhiên ta phải hiểu tư tưởng và thời gian vậy. Mọi tư tưởng có tính cách so sánh tất phải dứt bặt, dứt bặt hết mọi ý hướng động niệm cố gắng – trong đấy hàm có cái ý tranh đua, có sự tôn thờ thành công, có cái ý muốn trở thành một nhân vật. Khi toàn bộ tiến trình ấy được nhận hiểu, tức ta không còn những xung chướng nơi tâm thức, có phải thế không? Tức tâm thức không còn vướng mắc trong trạng thái tổn hại, vì nó có thể xét thẳng sự sợ hãi thay vì làm môi trường chấp chứa dung dưỡng sợ hãi. Sự thoát ly ấy quả là cốt yếu cho kẻ muốn hiểu được thế nào là diệu tác.
    Đối với phần đông chúng ta, cuộc đời là cả một thói quen buồn tẻ trong ấy không có gì thật sự mới mẻ, vì hễ cái mới nào vừa phát sinh, thì ta cứ tống nhập nó vào những tập quán của ta liền. Chẳng hạn một họa sĩ khởi sự một bức hoạ; trong một khoảnh khắc ngắn ngủi vốn phát hiện một cái gì mới mẻ, nhưng nó lại vội vàng thoáng đi; rồi nào vui thích, nào đau khổ, nào những ước vọng gì đó: tất cả thứ ấy đều thành thói quen và nhàm chán. Cuộc phấn đấu triền miên như vậy rất ít ý nghĩa. Ta cứ mãi lo tìm cầu những cái mới lạ. Về xinê, về hội họa, ta muốn một cái gì đó mà không thể đem diễn dịch bằng những phạm trù quen thuộc. Ta ước tìm được một ngón gì, một kỹ thuật gì tiểu xảo, khả dĩ thoả mãn được ý ta muốn tự phô bày – nhưng rồi cả thảy đều rơi trong buồn chán, trong xấu xí, trong nỗi chê nhàm, vì ta không thoát khỏi cái tâm thức cảm nhận: vừa gặp cái mới thì ta tri nhận nó liền và ta chôn nó lẫn vào cái cũ. Tiến trình tri nhận, đối với phần đông chúng ta, vốn vô cùng trọng hệ, vì tư tưởng luôn luôn chỉ tác dụng trong môi trường của điều quen thuộc.
    Hễ ta vừa nhìn nhận một điều gì, thì điều ấy không còn mới lạ nữa. Các ngài hiểu kịp chăng? Sự giáo dục của ta, kinh nghiệm của ta, cuộc sống hằng ngày của ta, tất cả toàn là một tiến trình tri nhận, toàn một sự lặp lại liên miên, gia sự liên tục cho cuộc sống của ta. Rồi với tâm địa vướng phải tiến trình ấy, ta muốn biết coi có hay không có cái mới: ta muốn biết có hay không có một Thượng đế. Nhưng chính điều quen thuộc khiến ta sợ hãi điều xa lạ, thế rồi ta tự nhủ: "Tôi phải khám phá điều xa lạ, phải nhìn ra nó và đưa nó vào điều quen thuộc". Cuộc truy tầm của ta cốt yếu là như thế đó, ở hội họa, ở âm nhạc, ở mọi địa hạt: truy tầm cái mới để diễn dịch nó bằng những cái cũ.
    Thế nhưng tiến trình nhìn nhận và diễn dịch đó, tức những tác động và những tác phẩm đó, nào phải là diệu tác đâu. Tuyệt đối không thể phô diễn điều xa lạ. Cái mà người nào đó có thể diễn tả được, thì nó là sự diễn dịch hay sự tri nhận về những gì mà người đó tự gọi cho là điều xa lạ. Vậy tự các ngài phải tìm thấy thế nào là diệu tác, bằng không thì cuộc sống của các ngài sẽ trở thành đời sống nhàm chán thường nhật, không thay đổi gì, không chuyển hoá chi, khiến ngài rất chóng nhàm chán. Sáng tạo là sự vận hành của chính sự sáng tạo, chứ không phải là việc diễn dịch sự vận hành của chính sự sáng tạo, chứ không phải là việc diễn dịch sự vận hành vào một bức tranh, vào âm nhạc, vào trong một quyển sách hay trong những cuộc quần sinh giao tiếp.
    Vả lại, chúng ta chấp chứa nơi ta hằng bao triệu năm những ký ức, những bản năng, và cái mống tâm thúc đẩy khiến ta vượt khỏi đi hết tất cả cùng phát tự ở trong tâm thức ta nữa. Xuất xứ từ hậu trường của quá khứ ấy, phát sinh lên cái ý muốn tri nhận được cái mới, nhưng cái mới lại là một cái gì khác hẳn – là tình thương – và cái tâm thức đang sa lầy trong tiến trình của cái cũ mà đi tìm nhìn nhận cái mới, tất nhiên chẳng tri nhận được gì cả.
    Đây là một trong những điều hết sức khó diễn tả, tuy nhiên tôi muốn trao truyền cho các ngài, nếu được, vì cái tâm thức mà không ở trong trạng thái diệu tác này, tất nó vẫn làm tổn hại mãi. Tâm trạng ấy xuất thế, vĩnh cửu. Nó không so sánh, không ích dụng, không một mảy may giá trị gì đối với sự hành động, các ngài không thể sử dụng nó để tô vẽ mấy bức họa tầm phào của các ngài được, để viết những bài thơ bài phú. Nhưng không có nó, lại quả chẳng có chi là tình thương được hết. Cái tình thương của ta được biết đây, toàn là ganh ghét thôi, cái tình thương của ta trú trong tường lũy của hận thù, của lo âu xao xuyến, của thất vọng, của khổ sở, của bao đối nghịch xung chướng vậy, đâu có gì trong đó mà gọi là tình thương được. Tình thương tự vạn cổ vẫn mới lạ, không thể tri nhận được nào. Đã chẳng bao giờ trụ tại một thể tướng, tất nhiên tình thương là tâm thái có tính cách tột độ vô sở định. Và chỉ trong tình thương ấy ta mới hiểu được thực tại phi thường gọi là sự sáng tạo diệu tác kia – tức là Thượng đế, nếu ngài không đặt cho nó một danh xưng gì khác nữa. Kẻ đã hiểu được các giới hạn của cái đã biết và tất nhiên thoát ly với cái đã biết, chỉ cái tâm thái ấy mới là cái tâm thái sáng tạo diệu tác, trong tâm thái ấy tuyệt chẳng có yếu tố tổn hại suy đồi nào cả.
    Các ngài muốn hỏi thêm chăng về mấy điều vừa nói hôm nay?
    H: Sự nhận thức mình có ý chí cá thể, phải chăng là nguyên nhân của sợ hãi?
    K: Chắc vậy. Nhưng ngài hiểu thế nào là "cá thể"? Ngài có phải là một cá thể không? Ngài có một thể xác, một tên tuổi, một trương mục ở ngân hàng; nhưng nếu nội tâm ngài bị trói buộc, bị tàn phế, bị hạn cuộc, thì ngài có là một cá thể được không? Cũng giống như thiên hạ, ngài bị qui định trước nhiễm đấy, có phải thế không? Và tất cả điều xuất sinh từ cái cùng hạn cuộc là sự qui định trước nhiễm của ngài mà ngài gọi là cá thể ấy, hết tất cả: nào những khổ phiền của ngài, nào những thất vọng của ngài, những ganh ghét của ngài, những sợ hãi của ngài. Sự thể hạn hẹp và manh mún ấy, với cái linh hồn cá thể, với cái ý chí của nó, và tất cả cơ lộn xộn đảo điên nhỏ nhen của nó, ngài lấy đấy làm hãnh diện lắm. Chính với cái ấy ngài muốn khám phá Thượng đế, khám phá chân lý, khám phá tình thương, ngài không khám phá như thế được đâu. Tất cả những gì ngài làm được là nhận thức cái manh mún của chính mình đấy, vì bao đấu tranh của nó, và nhận thấy rằng cái manh mún ấy không bao giờ trở thành được cái toàn thể. Cây căm dù có làm gì đi chăng nữa, nó không thể thành được bánh xe. Vậy cần phải tự vấn tâm mình để hiểu được cuộc sống phân biệt, hẹp hòi, hạn cuộc, cái gọi là cá thể ấy.
    Điểm quan trọng trong tất cả mọi điều này, không phải là ý kiến của ngài hay ý kiến của tôi, mà quan trọng là tìm thấy sự thực. Và để phát thấy sự thực, tâm thức phải không sợ hãi, tâm thức phải rỗng rang trút bỏ khỏi sự sợ hãi đến độ nó được hoàn toàn ngây thơ. Chỉ từ lòng ngây thơ thì sự sáng tạo mới phát hiện được.

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)

Ý Nghĩa Về Sự Chết, Đau Khổ Và Thời Gian
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh