Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Bóng Dáng Xưa Tác Giả: Thanh Châu    
    Ở ga về, Xương toan đi nằm ngay, để được khóc một mình trên chiếc gối quen thuộc của mình. Nhưng xe kéo vừa đỗ, nàng đã thấy Tâm đứng trong sân, dưới giàn nho leo như có ý đợi nàng. Quả nhiên Tâm chạy lại phía nàng và nói:
    - Tôi chờ mãi. Tôi đã đọc xong cái truyện ngắn mà cô đã vui lòng cho xem. Nhưng tôi phải thành thực mà nói. Bởi vì đó là bổn phận một người bạn. Cho dẫu có phạm...
    Xương thấy chán nản lạ thường. Trong lúc này, nàng còn thiết tha gì nữa? Nàng phải cố quên đi, quên hết, ái, Hòa, cuộc đi chơi... để trở về với cái đời nhạt nhẽo mọi ngày. Thấy Tâm lúng túng không nói hết câu, Xương cũng không còn lòng nào mà khuyến khích chàng nói nốt. Tâm ngừng một chút, rồi lại tiếp:
    - Tại sao cô lại đi viết thứ truyện như vậy để làm gì? Cô nên để công ấy cho những kẻ vô tài, những kẻ tâm hồn khô khan, trống rỗng. Tôi biết cô có thể có nhiều ý tưởng cao hơn thế. ừ, tại sao lại cứ phải những chuyện tình không lý thú, những chuyện hoang đường, rùng rợn, chuyện diễm ảo, bi kỳ? Không phải là tiếng vang của cuộc đời. Tại sao cứ phải tả những thiếu nữ ngây thơ giả dối, những anh hùng với những cử chỉ lố lăng, những kẻ gian ác cử chỉ bạo tàn? Không, lòng người có muôn ngàn trạng thái, có bao nhiêu tình cảm đẹp... Tâm nói một hơi, nhưng bỗng chàng ngừng bặt. Xương đã dựa mình vào cạnh tường hoa mà khóc. Cạnh nàng là một khóm hoa dạ hợp, tay nàng nắm lấy một cành, nên lá rung lên. Tâm hoảng sợ, chạy đến gần nàng:
    - Tôi xin lỗi Xương. Tôi không ngờ... Tôi nói thực... Tôi chỉ muốn... Xương ngửng đầu lên. Trời tối, Tâm không thấy những hạt lệ long lanh dưới mắt nàng. Xương nói:
    - Không! Không phải là lỗi tại anh... Nhưng tại sao tất cả mọi sự không may lại hùa nhau đến cùng một lúc thế này? Nàng nói như là nói với một mình mình. Tâm không hiểu được ra sao cả, nhưng chàng biết là Xương có điều gì đau xót lắm, nên chàng chỉ đứng im.
    - Ừ thì được đi hay không cũng không cần... nhưng còn Hòa? Cớ sao Hòa lại nỡ lòng như vậy được? Hòa đi qua cửa nhà này mà cũng không vào. Hòa đi xa mà cũng không thèm cho biết... Xương càng nói, nước mắt lại càng chan chứa:
    - Nhưng chẳng qua cũng là lỗi ở tôi... Bao giờ tôi cũng lỗi... Chính tôi đã làm cho Hòa lánh xa tôi. Đó là hình phạt của trời. Nhưng cô Cả đã hứa với tôi sao lại quên lời được? Và bây giờ thì đến anh lại trách tôi viết những truyện chẳng ra gì. Tâm cảm động muốn kiếm lời an ủi nhưng chàng chưa biết nói gì thì Xương lại tiếp:
    - Không, tôi biết lắm. Tôi biết là những truyện của tôi viết ra chẳng giá trị gì. Nhưng khi mà tôi viết những truyện hợp với tờ báo trả tiền tôi như vậy, thì tôi có thể giúp được nhiều người... Tâm vội nói luôn:
    - Tôi cũng hiểu lắm. Nhưng cô không có quyền viết văn như vậy, trong khi mình...
    - Sao lại không?
    - Không. Là bởi vì cô đã phí cái tài thực của mình ẩn kín trong tâm hồn mà chưa tìm ra được. Và rồi cô sẽ làm hỏng nó đi. Cái nghề tiểu thuyết, đã bị bao nhiêu người làm hổ tiếng rồi. Cô không có quyền, thực vậy. Cô sẽ viết những cái gì chỉ ở lòng mình mà thôi. Người làm văn phải khỏe, phải biết chống lại những cái lợi nhỏ nhen, mới hòng tiến đến chỗ tinh vi của nghệ thuật được. Tâm chỉ lên giàn nho và nói tiếp:
    - Đây này, trên đầu chúng ta, chung quanh chúng ta có bao nhiêu là điều đáng nói. Cô hãy viết cho tôi một cái truyện về cái cây nho này chẳng hạn. Cây nho giờ không có lá, và có vẻ cằn cỗi như một ông già. Nhưng không, nhựa sống tràn đầy trong lòng cây, và biết đâu nó cũng có một linh hồn như chúng ta đây? Bao giờ đến mùa hè, nó sẽ tươi tốt hiến cho đời lá xanh và quả thắm. Cái hại là người đời không biết đợi chờ lúc sang hè.
    Xương chưa từng thấy Tâm nói hăng hái, say sưa như vậy bao giờ cả. Xương nghĩ đến những trang nhật ký mình đã viết trong những giờ mỏi mệt và chán nản, trong những giờ xa mái ấm gia đình và các người thân. Những dòng chữ viết rất nhanh, những dòng chữ của một cõi lòng cởi bỏ trong hiu quạnh. Có lẽ Tâm sẽ thích đọc những trang thành thực như vậy chăng? Xương tự nhủ: Nhưng lúc này chưa phải là lúc nên cho Tâm rõ. Trong cái vườn của dĩ vãng, chỉ có những kẻ thân yêu của mình mới có quyền bước chân vào. Vả lại, trong cuốn nhật ký của Xương, nàng đã nhắc đến Hòa nhiều quá. Dưới bút nàng, cái tên người bạn thuở xưa trở lại luôn luôn. Nàng không muốn cho người ngoài đọc đến.
    Từ hôm đó, Xương và Tâm lại càng trở nên thân mật. Xương sẵn lòng nghe những lời khuyên bảo của Tâm. Còn Tâm thì cũng thấy lòng mình đầy kiêu hãnh, đầy bối rối... Tâm đã đọc nhiều và đi khắp mọi nơi. Chàng thường kể lại cho Xương biết những nơi chàng đã đi qua ở miền Nam. Bởi thế câu chuyện của chàng kể lại Xương cho là đầy lý thú. Nhưng trong khi nghe chuyện của Tâm, nàng đã thấy cái bóng của Hòa hiện đến, và lượn quanh chỗ hai người. Trong mỗi phong cảnh đẹp đều có khuôn mặt của Hòa hiện ra mờ nhạt, nhưng chẳng dễ cho người xua đuổi. Thỉnh thoảng ái lại gửi cho Xương một bức ảnh, một phong thư ngắn ngủi. Xương đọc thấy những câu: "Em và cô đương ở Huế. Huế đẹp lắm, để khi về em sẽ kể..." Hay là: "Em và cô đã tới Sài Gòn...", và thiếu nữ đoán ra rằng ái đã viết cho chiếu lệ, để cho người không được đi có thể an ủi là mình vẫn có người nhớ đến. Rồi nàng lại tự hỏi xem ái có đem theo bút và giấy để vẽ trộm bà cô một vài cảnh đẹp chăng? ái có còn giữ được cái tính thích vẽ, và cái tài hơi khô khan ngày xưa đã khiến cho ái nổi tiếng là người con vẽ khéo trong nhà chăng? Không. Chắc là không đời nào cô Cả cho phép ái làm như thế ở dọc đường. Cô Cả sẽ cho thế là không lịch sự. Một cô gái ngồi ở đường để vẽ? Người ta sẽ bàn tán thế nào? Thực ra, được mặc quần áo đẹp và đi du lịch với cô, ái cũng phải bỏ mất cái thú vô hại của mình ngày bé, cái mộng trở nên một nghệ sĩ tài hoa, danh tiếng.
    Đối với ái hay với ai cũng vậy, cuộc đời không có cho không một cái gì. Được một chút vui, thì người ta lại phải trả lại gấp hai lần, bằng những sự buồn, sự tiếc. Xương nghĩ vậy, và nàng cho cái cuộc du lịch trong tưởng tượng của nàng qua lời nói của Tâm, lại còn đầy đủ mặn mà hơn là cuộc du lịch của ái bên cạnh một bà cô khó tính. ái đi được hai tháng, thì một đêm, bà Phán Hàng Đào rủ cả Tâm và Xương cùng đi xem diễn kịch ở nhà hát lớn với mẹ con bà. Đêm đó người ta diễn một tích mới quá, bà Phán không hiểu nên nửa chừng bà dặn hai người ở lại xem và đưa mấy đứa con bà về sau, vì bà buồn ngủ. Lúc tan hát, Tâm và Xương cùng mỗi tay dắt một đứa trẻ đi bộ về nhà. Trời đã trở thu, không khí mát mẻ, dễ chịu. Tiếng chân người đi trên hè phố vang giòn. Xương khẽ nhẩm lại theo điệu hát vừa nghe vai đào chính ở trên sân khấu hát. OEm nhạc của ban thanh niên đã giúp vui thêm cho buổi diễn đã khiến lòng nàng rộn rã. Nhiều lúc Xương nắm lấy cánh tay Tâm mà bước. Còn Tâm thì sung sướng nhìn thấy vẻ hân hoan trên nét mặt nàng. Xương mặc một cái áo lụa mỏng trắng tinh có điểm hoa thêu nhỏ, mặt nàng rực rỡ hồng hào, mắt nàng cũng sáng lên khác ngày thường. Tâm nắm lấy bàn tay gầy nhỏ của Xương. Chàng nghĩ rằng đêm nay chàng sẽ nói cho Xương rõ... Nhưng chàng còn sợ đến phút cuối cùng lại ngập ngừng không nói ra lời. Đó là một dịp hiếm có. Không mấy khi hai người được đi cạnh nhau trong đêm khuya với hai đứa trẻ nhỏ trên hè phố như thế này. Nên chàng không có can đảm nói... Tâm vừa nghĩ vậy, thì Xương cất tiếng:
    - Tôi vừa mới nhận được thư của em tôi ban chiều. ái và cô tôi đã gặp Hòa và cụ án ở Đà Lạt, và họ sẽ cùng đi chơi nhiều chỗ khác với nhau. Tâm mừng thầm khi nhận ra rằng Xương đã nói đến cái tên "Hòa" một cách lãnh đạm khác mọi khi. Chàng tự nhủ bây giờ không còn gì ngăn cách chàng và Xương nữa... Tâm chỉ cần nắm chặt lấy tay Xương mà nói ra tất cả nỗi lòng mình bấy lâu là đủ... Tâm không dám nghĩ đến việc nó sẽ xảy ra cho mình cách thế nào. Nhưng mà chàng chắc nó sẽ khiến được chàng vui sướng lắm... Tuy vậy hai người vẫn đi cạnh nhau, rất lâu mà Tâm chưa nói được ra. Lòng chàng đau xót khi thấy chỉ còn một phố nữa đã tới nhà. Chàng hoảng lên, và liều nói:
    - Cô Xương ạ. Cô có thể cho phép tôi viết thư về Phủ Lý được chứ? Tôi có một điều rất quan hệ để nói với ông Thông... quan hệ lắm! Tâm cho cách đó là hơn cả. Chàng biết rằng không bao giờ mình dám nói ra câu chuyện ấy với Xương. Từ lâu, chàng định sẽ viết thẳng thư cho ông bà Thông để hỏi Xương. Như vậy thì không "lãng mạn" chút nào, có lẽ Xương giận chàng cũng nên. Nhưng làm thế thì đứng đắn, và đỡ ngượng. Xương hơi lấy làm sửng sốt. Nhưng lòng nàng lúc đó đương hớn hở, nàng bắt chước dáng điệu của vai đào trong vở kịch vừa nghiêng mình vừa nói với Tâm:
    - Tại sao lại không cho phép? Cả nhà tôi đã biết ông Tâm là ai rồi. Tôi vẫn thường kể chuyện ông Tâm với các em tôi. Rồi nàng lại hỏi trêu:
    - Nhưng mà ông Tâm muốn viết thư về nhà tôi làm gì vậy? Để phàn nàn về cô học trò hư và dốt của ông Tâm chăng?
    Tâm thấy máu chạy bừng bừng trên mặt và trong đầu. Chàng không biết nói gì thêm nữa. Chàng là một kẻ đàn ông vụng về và lương thiện. Chàng chỉ biết rằng mình nên tự cho mình là sung sướng nhất đời. Bởi Xương đã nói đến mình trong những bức thư gửi về nhà. Mấy đứa trẻ đương buồn ngủ thấy đã tới nhà thì đấm cửa ồn lên gọi người mở cửa. Bà Phán nằm trong màn vừa tỉnh giấc liền gọi Xương lại gần và đưa cho nàng một cái dây thép vừa gửi tới lúc bà ở nhà hát lớn ra về. Bà bắt Xương mở ra để xem ngay có việc gì hệ trọng không. Mặt Xương bỗng nhiên tái ngắt. Nàng biết là có việc không hay xảy ra trong gia đình nàng rồi. Cái thứ giấy báo tin kia bao giờ chẳng báo những tin làm cho người ta đau khổ. Tâm nhìn Xương và cũng thấy lo lắng như chính việc của mình. Cái dây thép đã mở ra trên tay run rẩy của Xương: "Thuần ốm nặng. Xương phải về ngay tức khắc". Xương biết là lần này thì hết. Thuần sẽ đi khỏi gia đình vĩnh viễn. Nàng hối hận trong lúc Thuần đau yếu, nàng lại không có mặt ở đầu giường em. Nàng đoán thầm những nỗi lo sợ của các em, của bà Thông, và nàng khóc. Nàng khóc ngay ở cửa màn bà Phán. Mấy đứa trẻ con cũng xúm lại bên nàng mà khóc theo người chúng vẫn yêu. Bà Phán cũng thấy nghẹn ngào nước mắt. Còn Tâm thì chàng hiểu rằng trong trường hợp ấy, chàng hóa ra một người vô dụng. Chàng biết rằng Xương đang đau khổ lắm. Nhưng mà những lời an ủi của chàng sẽ hóa ra vô ích.
    Thuần nằm ngủ chập chờn trên giường bệnh... Người ta chỉ còn tính từng ngày số mệnh của nàng..., người ta chỉ còn tính từng giờ... Nhưng trông mặt thiếu nữ thì bình tĩnh lạ. Hình như nàng không đau đớn một chút nào. Nàng lả dần như những cành hoa bị cắt rời cây trong một sáng hè. Bấy giờ thiếu nữ cũng có trên mặt nàng cái duyên ẻo lả ấy, những con mắt đẹp tuyệt trần, cái vẻ buồn yểu mệnh của những đứa trẻ không sống lâu được bao nhiêu. Và ngày thường bao giờ Thuần cũng rút rát, e dè, như là thiếu nữ do dự, ngập ngừng trước cuộc đời. Nàng hoảng sợ vì những điều tê tái nàng chưa biết nhưng thầm đoán ra trong đó. Những điều tủi cực, và thất vọng, và gắng gượng, với lại những nỗi vui ngắn ngủi phải trả đắt gấp mười lần. Thuần muốn rằng mình sẽ không đi sâu vào cuộc đời giống mọi người. Thiếu nữ nằm một mình một cái giường trở nên rộng quá từ buổi Xương và ái đi xa. Nhưng chính cái nhà thân yêu cũng đã thành ra rộng quá, và buồn rầu như một cái tổ chim mà các chim con đã nhớn lên, đã bay xa. ở cạnh cửa sổ buồng Thuần, một cây mộc già, một lần nữa, trong lúc không ai để ý lại ra hoa. Những cành khẳng khiu, đen mốc lại trở nên tươi trẻ vì những chùm hoa lấm tấm một màu trinh bạch. Mỗi năm người ta tưởng là nó đã chết rồi, nhưng cứ bất thình lình nó lại có hoa như vậy, chẳng khác những tấm lòng già, tuy mỏi mệt, tuy cằn cỗi, nhưng mỗi lần có chuyện yêu thương lại thấy đập xôn xao. Xương không rời em một phút.
    Bây giờ chỉ có một mình nàng săn sóc đến Thuần. Bà Thông và mọi người trong nhà đều mệt yếu cả rồi. Xương sắc thuốc cho em như một người mẹ trẻ. Mấy ông thầy thuốc vẫn thường được mời đến, không tỏ ra là thất vọng hẳn rồi, cứ vẫn cho Thuần uống vài vị thuốc cầm chừng, để yên lòng những người thân thích. Xương hiểu là bây giờ chỉ còn có cách chịu phục tùng số mệnh, và chờ... Nhưng sự đó không lừa nổi được Thuần. Bởi vì nàng biết. Nàng đương kiên nhẫn đợi. Nàng im lặng đợi. Nàng lành như một con vật nhỏ dễ thương, khiến ai trông thấy cũng lấy làm chua xót. Nàng không kêu rên, không oán hận một điều gì. Khi gặp chị, thiếu nữ thở dài một chút, và mừng rỡ nói:
    - Nếu ái và Thịnh cũng có mặt ở đây, thì có phải là bốn chị em đầy đủ như xưa không chị nhỉ? Xương quay mặt đi không dám nhìn Thuần mà khóc. Như xưa! Vậy ra Thuần cũng thế ư? Thuần cũng thương tiếc những tháng năm đã mất? Những năm mà tiếng cười nói của bốn chị em vang lên gọi nhau ríu rít trong vườn và trên gác? Một buổi trưa, chỉ có một mình Xương nằm cạnh giường Thuần, để trông cho Thuần ngủ. Thiếu nữ thấy em cựa mình và nói sảng. Một nụ cười thoáng trên môi nhợt và khô của Thuần. Xương không nỡ đánh thức em, nhưng Thuần đã mở to mắt đầy nỗi vui mừng và ánh sáng:
    - Này chị Xương ạ, em vừa nằm mơ thấy... em vừa nhớ đến cái ngày chủ nhật đã lâu lắm, chúng ta ăn bánh đa và ném cho cá, trên cầu ao, bên vườn cụ án. Hôm đó chị định lội xuống ao để hái nụ sen, nhưng chị Thịnh không cho. Còn anh Hòa thì ngắt một cái lá to đội lên đầu làm nón. Xương thổn thức nhìn ra vườn đầy ánh nắng thu. Cái giờ khắc giữa trưa im lặng ấy, có một vẻ huyền bí thuộc về cõi chết. Chiếc mành mành che cửa hơi động đậy vì gió thổi qua. Thiếu nữ rùng mình như chạm phải hơi lạnh của tử thần. Nàng nhớ tới cảnh vui ngày trước. Nàng định bỏ guốc để lội xuống ao, nhưng Thịnh mắng và đuổi nàng khắp vườn. Nàng nấp sau những gốc cây nhãn to ngả bóng râm trên vườn cỏ. Hòa giật được một con cá rõ to và hét lên làm cho cả bọn giật mình. Nàng nhớ hết... Nàng lại nghe Thuần tiếp:
    - Anh Hòa, có lẽ em không bao giờ được gặp anh Hòa nữa... Xương suýt òa lên khóc. Nhưng nàng giữ được. Nàng đặt tay lên trán Thuần lấm tấm mồ hôi:
    - Em đừng nói nhảm. Em phải ngủ đi cho khỏe để đợi lúc nào anh Hòa về, chúng ta lại đi câu cá như xưa. Nhưng Thuần khẽ lắc đầu:
    - Không, không thể được đâu chị Xương ạ. Chị cũng biết rằng em không bao giờ đi câu cá cùng các chị và anh Hòa nữa... Xương lại quay mặt đi một lần nữa để giấu Thuần những giọt lệ đã tràn ra đầy cả má nàng. Nhưng Thuần đã tìm tay chị và nắm lấy:
    - Chị Xương ạ, chị đừng nên sợ. Thiếu nữ nói câu đó xong thì bỗng lại nở một nụ cười thảm hại:
    - Thực là kỳ lạ. Ngày xưa chính chị thường bảo em: "Đừng nên sợ gì hết cả." Vậy mà ngày nay lại đến em khuyên chị. Chị còn nhớ chứ? Chị bảo em rằng cụ án không có gì là dữ tợn, chị bảo rằng em có thể đưa rổ cho anh giáo Phúc và anh Hòa ra vườn hái đậu giúp u già. Chị bảo: "Đừng sợ cái gì hết cả". Và em tin chị. Em tin rằng chị phải. Chị bao giờ cũng bạo, cũng cứng cỏi hơn em. Chị khiến người ta nghĩ đến những con chim lạ, càng có gió cản, càng giông tố lại càng bay khỏe. Thuần vừa nói vừa thở hình như mệt lắm. Xương muốn bảo em ngừng lại. Nhưng không được vì Thuần lại tiếp:
    - Còn em, thì mẹ vẫn bảo em là một đứa tồi. Em chỉ được cái quẩn chân mẹ và u ái ở nhà thôi, đi đâu thì co rúm lại. Mẹ cũng tưởng không bao giờ em đi đâu cả. Vậy mà bây giờ lại đến lượt em đi xa hơn tất cả mọi người. Em sắp từ biệt tất cả mọi người vĩnh viễn. Không... chị đừng nói gì cả... để cho em nói... Bây giờ thì khác hẳn. Em cũng chẳng biết nói ra thế nào cho được rõ. Nhưng em tin rằng chị hiểu. Chị bao giờ cũng là người hiểu thấu đáo được mọi điều, hơn cả mọi người. Bây giờ em thấy em không sợ gì nữa cả... Cuộc đời có thể chia tán chúng ta... nhưng bao giờ em cũng trông thấy được ngôi nhà nhỏ thân yêu của chúng ta, như khi mà bốn chị em còn thơ ấu, còn đoàn tụ dưới một ngọn đèn. Em dù ở cõi đời nào cũng không quên cảnh đó. Như vậy cũng như không có gì chia rẽ được chúng ta. Nàng ngừng lại để cười, lại bóp chặt tay Xương và nói:
    - Nhưng em lại chỉ lo cho một mình chị mà thôi. Dẫu có được vào đến chốn thiên đường sung sướng an vui nào rồi, em cũng cứ không yên lòng vì chị. Bởi chị khác hết tất cả chị em nhà.
    Thuần nhắm đôi mắt lại. Hàng lông mi dài của thiếu nữ in bóng lên trên gò má cao gầy võ của nàng. Xương kéo chăn lên quá ngực cho em. Và nàng gục đầu xuống cạnh gối em. Có tiếng trống trường ở xa vọng đến. Học trò nhỏ năm ba đứa mới lững thững tới trường cười nói ồn ào ở ngoài đường. Xương nghe như là tiếng vọng ở một thế giới nào xa lạ. Buổi chiều hôm đó Thuần qua đời. Không một tiếng động, không một tiếng kêu, không một lời than... Nàng tắt như một ngọn đèn đã hết dầu nên cháy chập chờn một hồi lâu trước khi biến hẳn... Thuần chưa đến hai mươi tuổi.
    Một ngôi mộ ở ngoài thành phố giữa một cánh đồng cỏ xanh... Xương giồng một cây hồng trắng và một nhánh hoa leo Nhật Bản bên giàn mộ cho em. Mỗi khi có gió mưa thì cánh hoa rụng tả tơi trắng cả nơi Thuần ở. Xương phơi hết quần áo của em ra nắng, và gấp từng chiếc một bỏ vào hòm, như sửa Soạn hành trang cho một kẻ đi xa. Nàng thu thập hết những đồ vật mà Thuần vẫn thích từ ngày bé để bỏ vào ngăn rút trong tủ áo. Nàng treo ảnh em ở đầu giường. Nàng chăm chút mấy con mèo của Thuần để lại. Bà Thông bây giờ không còn hơi sức nào mà coi sóc việc nhà như trước nữa. Bà nằm liệt một nơi, và những ông lang đã cắt thuốc cho Thuần, bây giờ lại cắt thuốc cho bà. Bao nhiêu công việc đều vào tay Xương hết. Xương định không lên Hà Nội nữa. Bà Phán xuống thăm đã mang theo cả hòm xiểng của nàng về. Nàng tìm thấy một hai cái truyện ngắn chưa viết trọn, và cuốn nhật ký mà nàng đã gửi vào đấy bao nhiêu là tâm sự lúc xa nhà. Cách một vài hôm, nàng lại một mình đi thăm mộ của em. Nàng ngồi hàng giờ trước cây hồng và hòn bia mộ chí. Đấy là tất cả những cái gì nhắc nhở cho người còn lại về cô thiếu nữ hiền lành thường nấp sau các chị em nhà mà nghe chuyện, mà sợ sệt... Cô thiếu nữ chỉ yêu những con mèo nhỏ, và thích chơi với trẻ con. Và hễ trong vườn nở được đóa hoa nào là chạy gọi cả nhà ra đứng ngắm.
    Bây giờ, Xương đã sống lại dưới mái gia đình, nhưng sự thương tiếc lần này càng khiến cho lòng nàng tê tái. Nàng biết làm không thể nào lại còn được như xưa nữa. Ngôi nhà bây giờ chỉ còn chứa những bóng ma. Xương phải làm lụng suốt ngày thay mẹ. Nàng dậy sớm như gà. Nàng giặt giũ, nấu nướng vừa sửa sang vườn tược. U ái đã già đi thêm một chút nữa, không giúp đỡ được nàng bao nhiêu. Nhiều hôm, cơm nước xong thì người Xương tưởng chừng gãy rời ra được. Thế nhưng công việc cũng khiến nàng nguôi quên được nhiều điều.Buổi chiều, khi trời sẫm lại, Xương thường một mình ngồi trên gian gác xép của nàng mà chờ tối. Và khi tiếng giun dế đã đua nhau rỉ ran ở mọi xó vườn, xó hè nhà, thì nàng thắp đèn lên. ông Thông bà Thông, từ ngày Thuần mất, không mấy khi thức khuya nên trong nhà chỉ còn có một bóng Xương. Hôm thì thiếu nữ xem sách, hôm thì nàng viết truyện. Từ buổi đưa Thuần về nơi thiên cổ, lòng Xương lại giá lạnh thêm một chút nữa vì đời. Nàng muốn nhờ cảnh ngộ mình lúc đó để sáng tạo nên một cuốn sách sâu xa, thành thực. Một cuốn sách viết bằng chính những rung động của lòng nàng, như Tâm thường nói. Xương viết hàng giờ trên gian gác vắng, quản bút hình như có phép nhiệm mầu của những kẻ vô hình đưa đẩy giúp. Những kỷ niệm ngày xưa lần lượt hiện ra nhảy múa quanh nàng...
    Xương viết rất dễ dàng chứ không khó nhọc như xưa nữa. Nàng đi trong những thế giới thần tiên của dĩ vãng tưởng còn gần ngay đó, nhưng mà đã bị cái chết, sự vắng mặt, sự oán hận, sự biệt lá ngăn cách hẳn rồi... Sợi dây thiêng liêng buộc tất cả mọi người trong gia đình vào với nhau, đã đứt. Chuỗi ngọc đã sổ dây, mỗi viên lăn đến một chỗ mà số mệnh định đâu từ trước. Thịnh đã có một mái nhà ở chốn xa, và nàng đương hưởng cái hạnh phúc ích kỷ bình tĩnh của những người sung sướng. Việc gì cũng không quan trọng cho nàng lấy này bằng chồng nàng với con nàng. Dĩ vãng đối với nàng nay chẳng đáng để tâm bằng hiện tại với tương lai... ái thì vẫn đi chơi xa với bà cô giàu có. Thiếu nữ không về được để chôn Thuần. Những giọt nước mắt của người ở xa thấm ở trong thư cũng không làm gì được cho Xương cả. Thuần đã đi ra khỏi cổng nhà để ngủ giấc muôn năm ngoài đồng nội, bên cạnh một cây hồng run rẩy. Còn Hòa thì vẫn không có một lá thư để thăm hỏi đến Xương...
    Như là nhờ một phép lạ, Xương hội họp mọi người lại dưới ánh đèn. Mỗi đêm, nàng tìm lại với những kẻ thân yêu ngày trước. Những cái bóng người xưa đều chạy đến với nàng, và xúm quanh nàng, với những tiếng nói cười, với những áo quần ngày cũ. Họ vẫn nói những câu nói cũ, họ vẫn giữ được dáng điệu ngày xưa. Và đó là chính họ đọc cho Xương viết bằng một ngọn bút nhanh chóng, không bao giờ mệt mỏi... “Phải viết những cái gì thoát ra ở chính tấm lòng mình”.
    Câu nói của Tâm vẫn vang lên bên tai thiếu nữ, mỗi lần nàng cầm bút. Bây giờ thì chính thực nàng đã sống trong những hàng chữ nàng viết ra, nàng và tất cả những kẻ xưa kia đã làm thành cuộc đời nàng, với những ngày vui với những ngày buồn... Một đôi khi Xương đọc lại những trang mình đã viết vào buổi sáng. Nhìn đám giấy đen những mực, những chỗ gạch, xóa, nàng nghĩ đến những cơn mê đắm say sưa trong lúc viết. Và nàng do dự, nàng tự hỏi mình có quyền mang tất cả một thuở thiếu thời ra gạn lọc lấy những cái gì sáng sủa ngọt ngào của nó, mà làm thành một câu chuyện giải trí mua vui cho kẻ khác được chăng? Nhưng Xương lại nghĩ rằng chỉ có thế mới lột được hết chỗ tài nghệ đáng kể nhất của mình thôi. Và nàng biết rằng trừ Thuần ra, thì tất cả mọi người không ai hiểu cái giá trị của một kho tàng quý báu như thế nữa. Nàng không chiếm đoạt của ai một cái gì. Những cái mà nàng lượm lặt từng mẩu vụn, từng lá từng tý ở cuộc đời chung của những người thân, nếu không có nàng, thì đã chết hết, chết phí đi trong một xó lãng quên, trong lãnh đạm...
    Cuốn truyện cứ như vậy mà thêm trang, mà dài thêm ra mãi, trên gian gác thân mật của Xương, nhưng không một ai biết cả. Khi đã chấm dấu hết trên trang giấy cuối cùng, Xương mới đem cả tập ra bờ sông Châu để ngồi hóng mát mà đọc lại. Buổi chiều gần tắt nắng. Thuyền bè vẫn qua lại trên sông như cũ. Xương ngồi đúng ở một chỗ mà ngày xưa Hòa và bốn chị em nàng vẫn cùng ngồi xem nước chảy với thầy giáo Phúc. Gió chiều hơi lạnh, thổi rạp những cỏ cao mọc ở ven sông. Những nóc nhà trong tỉnh còn một chút màu vàng ốm yếu sắp tàn trên mái. Mấy cô thiếu nữ đi học về đuổi nhau trên đường đá. Một đám muỗi bay vòng quanh trước mặt Xương kêu vo vo như mừng trời sắp tối. Phía bên kia bờ sông Châu có người đốt cỏ khô và rác. Ngọn khói bốc lên cao, bị gió tản ra, mờ nhạt dần đi. Mùi khói, trong buổi chiều cuối thu có cái hương vị chát của những cành cây đầy nhựa cháy. Lúc Xương đọc xong tập giấy của mình thì trời vừa chập choạng. áo nàng đã ẩm vì hơi sương. Nàng trở về nhà thì u ái đã thắp đèn trong gian giữa. Đó là hiệu gọi của gia đình. Xương nhớ lại những ngày còn đi học mải chơi cùng chúng bạn, lúc trở về đã thấy lên đèn thì trong lòng lo lắng. Nàng đẩy cửa vội bước vào nhà.
    Sáng hôm sau, Xương gửi tập truyện của nàng đi Hà Nội. Nàng há vọng rằng Tâm làm báo chắc hẳn phải quen nhiều nhà in có thể in cho nàng cuốn truyện đầu tiên ấy. Nàng gửi đi như vậy tất cả của cải của đời nàng, và nàng cũng không hiểu số phận nó sẽ ra sao, tùy ở sự phê bình sau này của Tâm, người bạn chân thành nhất của nàng trên Hà Nội. Nàng tin rằng Tâm sẽ giúp nàng sửa đổi một đôi chút về những chỗ vụng về không thể tránh được trong lúc nàng ham viết mà không để ý. Tâm có thể in được cuốn truyện cho nàng hay không? Xương cũng không bận lòng lắm về sự đó. Nàng viết ra chỉ cốt để cởi bỏ hết được tâm sự của mình, được cái gánh dĩ vãng đè nặng trong lòng mình từ ngày hiểu biết cuộc đời. Lòng nàng đã nhẹ nhõm. Không có gì ám ảnh đuổi theo nàng nữa. Từ nay, có lẽ không bao giờ Xương lại viết văn. Ngay hôm đó, Xương trở lại với công việc nội trợ của mình một cách yên lòng hơn trước. Nàng lại vá may giặt giũ, chăm nom cha mẹ, cơm nước và giúp đỡ u già ái.
    Thịnh lần thứ hai đã có mang, và nghe nói bà Thông ốm yếu luôn luôn nên nàng đem cả con về nhà cha mẹ đẻ, định sẽ ở lâu cho vui cửa vui nhà. Xương thay chị trông nom cháu những khi Thịnh đi chợ mua ăn, hoặc đi đâu có việc. Nàng khéo dỗ cháu đến nỗi đứa bé cả ngày cứ quấn lấy nàng. Nhưng cũng nhờ có đứa trẻ mà gia đình bà Thông cũng đỡ tịch mịch. Một buổi sáng, Thịnh nhận được một phong thư vội đi vào bếp tìm Xương. Xương trông thấy một vẻ lo ngại bồn chồn trong mắt chị. Nàng sợ hãi hỏi ngay:
    - Có việc gì thế chị? Hay là anh Giáo mệt, chị phải về...
    - Ồ, không, không phải thế nhưng... Thịnh ngập ngừng một lát rồi mới hỏi:
    - Chị hỏi thật em, nếu bây giờ em được tin rằng anh Hòa đã yêu người khác... thì em nghĩ thế nào? Xương đương rán dở mấy con cá trên bếp lửa. Nàng không tỏ vẻ gì ngạc nhiên hết nhưng nàng quay lại, nhìn thẳng vào mặt chị, như để tìm cho ra một cái tên. Sau cùng nàng hỏi:
    - Người đó là ai vậy? Có phải là em ái của chúng ta
    chăng? Thịnh gật đầu... Xương lại trở nên bình tĩnh như thường. Nàng cúi đầu trên bếp lửa. Thịnh nhìn ra sân nói:
    - Chị cũng đoán thế thôi, chứ cũng chưa lấy gì làm chắc. ái nó viết trong thư rằng nó và Hòa đã cùng đi Đà Lạt... và Đà Lạt là một chốn thần tiên... và nhiều câu tương tự thế. Bởi vậy nên chị ngờ rằng có lẽ... Thịnh không nói hết. Nhưng mặt nàng đã đỏ bừng. Xương nhìn chị vẫn còn trẻ đẹp như ngày con gái. Nàng nói rất thản nhiên:
    - Nếu vậy càng hay chị ạ. Sự bình tĩnh của Xương làm cho Thịnh hơi sửng sốt. Nàng lại ngập ngừng:
    - Nhưng... thực là không việc gì đến em cả chứ? Vậy mà bấy lâu chị cứ tưởng... Thế rồi cố vượt qua sự ngạc nhiên, Thịnh lại nói bằng cái giọng của người chị cả, như ngày trước:
    - Nếu vậy, có lẽ chị nhầm, Xương ạ. Hay đó là một điều bí mật mà em không muốn cho chị rõ. Chị cứ tưởng em vẫn có lòng yêu quý anh Hòa, và nếu anh ấy trở về... Xương vội phá lên cười và ngắt lời chị:
    - Không. Như thế thì hơn. Phải, có lẽ chỉ em ái mới hợp anh Hòa, mới là người mà Hòa muốn chọn. Họ cùng trẻ, đẹp, và cùng giống tính nhau. Phải, thế là hơn... Nhưng nàng bỗng cúi đầu, và trong một phút nàng không giữ nổi lòng mình được nữa:
    - Nhưng mà chị ạ, nếu lần này anh Hòa trở lại, và nếu anh ấy còn nhớ tới em, thì lần này hẳn là em không từ chối.
    - Đấy em xem, em vẫn yêu Hòa. Chị có nhầm đâu.
    - Vâng em vẫn yêu Hòa, nhưng chẳng phải như chị tưởng... Lòng em lúc này cũng vẫn chẳng khác gì trong ngày cưới chị, ngày em không dám nhận mối tình chàng... Nhưng bây giờ thì chị cũng đã rõ rồi, em cũng cần được yêu hơn bao giờ hết, để khỏi phải sống một mình hôm sớm thế này... Em cũng ước ao một cảnh đời như của chị. Hiu quạnh. Phải, chưa bao giờ Xương cảm thấu sự quạnh hiu đến thế. Thiếu nữ tưởng tượng giờ khắc này em gái mình đương đứng cạnh Hòa, trước một cảnh thông reo nước chảy. ại, họ đã xa mình, họ đã bỏ mình. Cái xa cách vì đường đất, vì không gian có lấy gì làm đau đớn bằng cái xa cách giữa lòng mình với những lòng người đương sung sướng. Xương tưởng tượng rằng Hòa lúc này đương thỏ thẻ bên tai ái những lời êm ái như xưa kia chàng đã nói với Xương: "Tôi không thể nào sống không có em bên cạnh..." Phải, có lẽ cũng lại những lời nói ấy. Và Hòa cũng lại cúi xuống sát đầu ái, mắt chàng cũng sáng lên những vẻ dịu dàng như nàng đã thấy. Và cảnh đó đã xảy ra ở trên một bờ bể đẹp, ở giữa một rừng thông, ở cạnh một con suối nhỏ. Nhưng đáng lý ra thì Xương mới là người giờ khắc này được ở gần chàng. Đáng lý ra thì Xương mới được theo cô đi du lịch, và trở nên xinh đẹp trong ánh nắng một buổi chiều, trong con mắt của Hòa.
    Đó là cái phần hạnh phúc của Xương. Nhưng em nàng đã hưởng. Nghĩ cho cùng đó cũng là sự dĩ nhiên. Hạnh phúc đến tay ai thì người ấy hưởng. Ai bảo Xương đã quá vụng về. Cái may mắn không chờ đợi những người chậm chạp. Xương có một tâm hồn sôi nổi quá. Xương hay lo ngại viển vông. Xương không có được tính tình giả dối, lọc lừa, khéo léo mà cuộc đời bắt buộc những kẻ muốn an thân phải có... Xương đã như người đánh bạc để lộ bài. Vậy là nàng thua hết! Buổi chiều, gió đã lạnh dần. Xương nhìn ra vườn đã thấy một vài thứ cây đổi lá. Bên nhà hàng xóm có ai đương chặt một gốc cây. Tiếng chặt cây vọng vào lòng Xương một nỗi cô đơn, một niềm thương tiếc vô cùng đau xót. Nàng nghĩ rằng ái và Hòa đương ngắm một cảnh hoàng hôn sáng lạn ở miền Nam. Trong lòng những kẻ tình nhân rộn lên một khúc yêu đương ấm áp... Nhưng trong lòng nàng thì gió lạnh buổi tàn thu đương thổi lạnh lùng.
    Ái đã báo tin về, và trong gia đình bà Thông bây giờ mọi người đều rộn lên về việc sửa Soạn đón tiếp những người đi chơi xa sắp phản hồi. Xương và u ái thi nhau lau quét khắp mọi nơi. Bàn tay thiếu nữ đã thành chai, nhưng Xương vẫn không tỏ vẻ gì khác cả. Tuy vậy lòng nàng thực là rối nát như tơ vò. Nàng nghĩ đến cái buổi gặp mặt Hòa, và nàng run sợ. Nàng tự bảo thầm rằng Hòa đã sắp thành người chồng của em nàng. Và nàng phải gượng cười gượng nói thế nào đừng để lộ ra một điều gì cả. Những nỗi băn khoăn chua chát, những giọt nước mắt đã rỏ trước kia, trong lúc vắng Hòa, Xương định không bao giờ để cho Hòa biết cả... Nhà cửa đã sạch sẽ, ngăn nắp đâu vào đấy, Xương thường tạ sự cắt những áo mới cho cháu nhỏ để lên ngồi trên gác xép một mình. U già ái thấy Xương bây giờ không hay đùa cợt với u như ngày xưa và thường có vẻ trốn lẩn mọi người, thì kêu với bà Thông rằng Xương đã hóa ra đứng đắn quá. U ái cho rằng Xương đã đến cái tuổi mà người đàn bà đã bắt đầu nghĩ đến những bổn phận của mình ở tương lai, cũng như mình trong thuở trẻ trung. Nhưng Xương không nghĩ đến một cái gì nhất định. Nàng nằm dài trong gian gác nhỏ, mắt lim dim như người chờ giấc ngủ. Và chỉ có vậy nàng mới tìm được một chút yên ổn trong trí não. Xương lắng nghe tiếng động của một con chuột nhắt gặm một tờ báo cũ trong xó tối, hay tiếng nước mưa chảy rì rì trên lòng máng mái nhà. Nhiều khi bóng tối lọt vào phòng lúc nào nàng cũng không hay. Xương uể oải thắp ngọn đèn dầu lớn, nhìn những cái mạng nhện giăng trên cánh cửa, và những con nhện kiên nhẫn nhả tơ dệt lưới âm thầm bằng những đốt chân dài lông lá.

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Bóng Dáng Xưa
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu