Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Quỳnh Dao » Khói Lam Cuộc Tình Tác Giả: Quỳnh Dao    
    Chiều xuống Phục đưa bé Nhụy đến Vườn Sa Mù. Đường núi khúc khuỷu, cỏ dại tràn ngập, khung trời được điểm tô với những màu sắc rực rỡ cộng thêm vẻ yên tĩnh của cảnh vật làm say lòng người. Phục như rơi vào trạng thái xúc cảm mãnh liệt. Còn bé Nhụy ? Nó vui sướng lắm, bỏ tay cha chạy tung tăng tìm kiếm những hạt cỏ màu đỏ, hay ngắt hoa dại. Chỉ một lúc là hai tay nó đầy hoa, rồi lại chạy theo những chú chuồn chuồn bay đầy trời. Chiếc bóng bé nhỏ của nó đôi lúc khuất mất trong lùm cỏ, khiến Phục phải đứng đợi, hay phải hét to.
    - Nhụy ơi! Đừng chạy xa nhé con, cỏ rậm lắm, rắn rít trong đó nhiều lắm, này coi chừng vấp đá té bây giờ!
    Bé Nhụy một mặt dạ to, một mặt đi khuất hẳn trong tảng đá lớn. Nó vừa nhìn thấy một chú bướm đen thật to, Phục nhìn theo dáng con, lòng chợt thoáng qua niềm chua xót. Để sửa soạn cho bé Nhụy đến Vườn Sa Mù dùng cơm, bà cô đã chưng diện cho bé xinh xắn. Áo trắng, áo khoác đỏ, bít tất trắng với giày da đỏ, lại còn cho đội thêm chiếc mủ vải đỏ sậm, giống như dáng dấp của cô bé quàng khăn đỏ trong truyện cổ tích. Nó thật đẹp, đẹp như mẹ nó, đôi mắt to đen, chiếc mũi nhỏ nhắn, má lúm đồng tiền... rập khuôn mặt của mẹ. Nhưng bây giờ mẹ nó đâu rồi? ? Phục chợt nhớ đến câu chuyện buổi tối hôm ấy, Mỹ như vừa khóc vừa nói với chàng:
    - Anh Phục, em yêu anh thật tình yêu anh nhưng nếu cứ tiếp tục sống chung với anh như thế này, chắc có lẽ em chết mất. Anh hãy tha thứ cho em hãy buông tha em! Em biết em không xứng đáng với tình yêu của anh.
    Phục thật buồn, anh đã trả lời một cách chua xót. Không hiểu này có biết chàng đã nói gì hay không ?
    - Mỹ Như, anh không hề có ý dùng tình yêu của chính mình để giết chết em, nếu anh quả thật như điều em nói thì... em hãy đi đi, hãy xa anh đi!
    Thế là nàng đã bỏđi! Bỏ đi với một người đàn ông khác. Phục thật yên lặng, yên lặng cách yếu ớt. Chàng biết rằng chung quanh có rất nhiều người đang chế diễu sự bất lực và cái tính anh hùng rơm của chàng. Chỉ có mình là hiểu được mình, Phục nghĩ trái tim rướm máu của mình không giữ được Mỹ Như, thì hãy để nàng ra đi, không thể trách nàng được Với Mỹ Như, Phục chỉ có thể cống hiến cho nàng quả tim. Còn nàng trời đã cho một sắc đẹp tuyệt vời, cao ngạo được mọi người chung quanh xùng bái, Mỹ Như nói thật nàng không thể chỉ vì một trái tim mà sống. Mỹ Như ra đi! Điều mà Phục ngạc nhiên nhất là tại sao mình lại không oán trách sự ra đi đó ? Không giận, không hờn, chỉ biết yên lắng trong đau khổ. Có lẽ Mỹ Như cũng không hề biết rằng sự ra đi của nàng là đã mang theo sinh lực đời Phục.
    Bé Nhụy từ sau tảng đá lớn, quay trở lại con bé vừa chạy vừa hổn hển thở, trên tay cỏ đỏ đang tách dở, chiếc áo trắng được thổi tung thành hình chiếc dù con. Hình ảnh một thiên thần đang tung hoa xuống thế. Bé Nhụy chạy vội vã, cuống quýt, gương mặt trắng xanh.
    - Cha ơi! Cha
    Phục hoảng hốt ôm chầm lấy con:
    - Gì vậy hở ? Con lại bị suyễn nữa rồi à, con ngửi nhằm hoa phấn hả.
    Đứa bé lắc đầu, đôi mắt kinh hoàng mở lớn:
    - Không phải, không phải vậy
    Phục nắm tay con, hỏi dồn dập:
    - Thế thì chuyện gì ? Con gặp rắn à ? Nó có cắn không ? ở đâu con ?
    - Không phải cha ơi! Con bé chỉ nhanh về phía tảng đá - Ở đằng kia... có một người.
    - Một người à! Phục ngạc nhiên nhưng rồi lại phì cười - Người ta thì có gì đáng sợ đâu hở con ? Người đi chơi núi ấy mà.
    - Nhưng người này nhìn về phía nhà của mình trừng trừng, trông dễ sợ lắm cha ơi.
    - Thế à ? Phục quay đầu lại quả thật từ đây có thể nhìn thấy ngôi nhà và cả lan can sắt sơn màu đỏ. Cũng tại thung lũng này, hôm qua chàng đã gặp Tâm Hồng. Tim đập mạnh, Phục hỏi con: Có phải người đàn bà không con ?
    - Vậng một người đàn bà mặc đồ đen.
    - À! Thì ra nó gặp Tâm Hồng đấy mà. Phục nắm lấy bé Nhụy, bước nhanh về phía tảng đá, vừa đi vừa nói:
    - Nào chúng ta đến đấy xem!
    Bé Nhụy sợ sệt, nói chùn chân lại:
    - Không, con không dám đi đâu!
    Phục cười nói:
    - Đừng con, đừng sợ dì ấy sẽ không làm gì con đâu.
    Nắm tay con Phục bước đến phía sau tảng đá, nơi đây là một sân cỏ bằng phẳng, mơ/ đầy loài hoa sắc tím với một đôi cây phong lá đỏ, tất cả thật yên lặng khôang một bóng người. Phục dáo dác nhìn quanh, những tảng đá im lìm trong bóng cây rậm rạp.
    - Nhụy ơi! có có hoa mắt không ? đâu có người nào đâu ?
    Bé Nhụy cãi lai:
    - Có mà, có mà. Bà ấy đứng dưới gốc cây phong này, đôi mắt... đôi mắt dễ sợ.
    Phục nhún vai, nếu quả thật Tâm Hồng bạn nãy có đứng đây thì cô bé cũng trốn từ lâu rồi. Vỗ nhẹ tay bé Nhụy, Phục cười nói:
    - Đừng sợ con nhé, dì ấy đâu có đáng sợ đâu ? Dì ấy đẹp lắm, Tóc dài nữa nè. phải không con ?
    - Không phải, không phải. Bé Nhụy lắc đầu - Bà già cơ!
    - Một bà già à ? Nụ cười trên môi Phục chợt tắt, tuy Tâm Hồng có vẻ tiều tụy nhưng cũng đâu đến nỗi giống như một bà già ? Phục nhìn con bé lắc đầu. Coi bộ con bé này có khả năng tưởng tượng đấy, có lẽ do tính di truyền ? Biết đâu nó chẳng là một nhân tài sau này ?
    - Thôi được! Bà lão mặc bà lão. Chúng ta nhanh lên nào để không người ta chờ.
    Chỉ một lúc sau, Phục và con đã đứng trước cổng lớn của Vườn Sa Mù, cánh cổng sắt kiểu cọ ngăn chặn một rừng cây cỏ sinh tươi và khu nhà tĩnh mịch với bên ngoài. Đưa tay bấm chuông, người mở cửa là bà Cao quen thuộc. Cúi đầu thật thấp chào Phục, bà nói:
    - Chào ông. Ông chủ tôi đang chờ ông trong nhà.
    Có lẽ gia đình ông Lương đã mang bà Cao từ đại lục ra đây, nên bà ta vẫn giữ lễ chủ tớ như xưa. Phục dẫn con theo bà Cao, băng qua vườn hoa rộng thơm ngát, bước vào phòng khách khang trang.
    Kiến trúc của vườn Sa Mù so với nông trại quả thật là hai thế giới khác biệt Nông trại có vẻ cổ lỗ hoang dã, còn ở đây pha lê treo cao với bao nhiêu vật dụng quí giá trang trí, cộng thêm chiếc lò sưởi tân tiến, tạo cho mọi người cảm giác thoải mái dễ chịu.
    Ông Lương hiểu được sự so sánh của Phục, đứng dậy bắt tay chàng cười nói:
    - Anh thấy đấy ở đây khác xa nông trại phải không ? Tôi biết anh thích nông trại hơn vì ở đây có vẻ mới quá.
    Phục cũng cười đáp:
    - Mỗi nơi mỗi vẻ chớ, tôi thấy ông thật biết cách sống! Kéo bé Nhụy tới trước, Phục bảo:
    - Nhụy ơi chào bác đi con!
    - Gọi thế không được! Có tiếng vang và thanh vọng lại, Phục quay đầu lại nhìn thì ra Tâm Hà, đang cười chạy đến bên bé Nhụy, nắm tay con bé - Hồi sáng nói đã gọi con là dì Hà rồi, bây giờ đâu thể gọi cha là bác ? Gọi tầm bậy tầm bạ vậy sao được
    Ông Châu phì cười:
    - Chỉ giỏi nói bậy! Sao lại dám tự phong mình lên chức dì vậy ? Cô bé gọi con là chị thì đúng, và con phải gọi là ông Phục đây là bác mới phải chứ ?
    Phục vội can ngay:
    - Làm thế coi sao được ông, tôi đâu có giá quá thế ? Đừng gọi tôi bằng bác, Hà nhé. Tôi không xứng với tiếng kêu đó.
    - Thôi được như vậy để bé Nhụy gọi tôi là chị nhưng ngược lại tôi gọi ông là ông Địch, vì ông đâu có hơn tôi bao nhiêu đâu.
    - Con nhỏ này thật không giống ai hết, lớn rồi mà cũng chẳng nên thân. Ông Châu tuy miệng nói thế, nhưng vẫn không giấy được nụ cười, quay lại nhìn bà vợ đang đứng cạnh bên, ông bảo - Linh Phương cũng tại em, con gái gì mà không dạy bảo nên thân, nuông chiều để...
    - Nó hư đốn!
    Lời ông Châu chưa dứt thì Tâm Hà đã nhanh miệng kết thúc. Ông Châu chỉ biết lắc đầu cười hỏi Phục:
    - Ông có thấy con cái như vậy bao giờ chưa ?
    Phục mỉm cười, chàn nghìn thấy gia đình yên ấm và tràn ngập hạnh phúc, Ngh lại lời dị nghị của bà cô, bất giác nụ cười trên môi chợt tắt. Bao nhiêu ám ảnh bị quét sạch, nhìn bà Châu, chàng vui vẻ hỏi:
    - Thưa có phải đây là à Châu không ạ ?
    Ông Châu chợt tỉnh:
    - Chà, quên mất. Quay sang Linh Phương, ông giới thiệu - Đây là ông Địch Quân Phục, một nhà văn tên tuổi, bút hiệu Kiều Phong mà em thường đọc đó.
    Bà Châu mỉm cười:
    - Xin chào ông. Ở đây chúng tôi đều là độc giả ruột của ông đấy! Bà đứng đấy, dáng dấp ốm gầy, gương mặt cao quí và trang nhã.
    - Dạ không dám, tôi viết còn nông cạn lắm, bà nói thế làm cho tôi gượng.
    - Qua đây ngồi đi anh Phục. Ông Châu mời - Bây giờ anh là láng giềng của tôi, chúng ta xưng hô thế cho thân mật nhé.
    Cả hai ngồi xuống ghế salon, bà Châu đưa nước đến. Tâm Hà dẫn bé Nhụy đến trước mặt bà Châu:
    - Mẹ xem nè, con có gạt mẹ đâu. Con bé đẹp như cô công chúa. Hai mắt to nhé, chiếc mũi dọc dừa. Lông mi dài đến độ con nghĩ nếu bây giờ đặt cây bút chì kên cũng không rơi. Mẹ có thấy con ai đẹp thế này chưa ? Rồi Tâm Hà lại nói nhỏ thêm một câu dĩ nhiên là phải không kể con lúc còn nhỏ.
    Ông Châu xen vào:
    - Xem kìa, nói mà không biết gượng, lớn rồi mà cứ như trẻ nít không bằng.
    Tâm Hà len lén trề môi, khiến cả phòng ai cũng cười lớn. Bây giờ Phục mới phát giác ra sự vắng mặt của Tâm Hồng. Con bé lảng vảng trong thung lũng hoàng hôn chưa về ? Như để trảo lời cho sự suy đoán của Phục có tiếng bước chân nhẹ nhàng từ cầu thang vọng xuống, Phục ngẩng đầu lên, Tâm Hồng bước xuống, nàng mặc chiếc áo trắng viền đen, tóc đượcbới cao để lộ thân cổ trắng nuột nà. Dáng dấp nhẹ nhàng, không có vẻ gì là vừa từ bên ngoài về cả. Nhìn Phục, Hồng xựng lại một chút, nét mắt hẳn lên vẻ bối rối, khó khăn.
    - Không ngờ khách lại đến sớm thế! Giọng nói thật nhẹ thật nhanh.
    Bà Châu vồn vã:
    - Hồng con, chào ông Phục đi con, văn sĩ Kiều Phong mà con biết đấy.
    Tâm Hồng do dự, nàng nhìn Phục đăm đăm thia mắt có một ánh mắt sợ sệt. Ông Châu nhìn Hồng bảo:
    - Ngủ suốt buổi chiều chưa đủ sao ? Nếu con không dậy, có lẽ cha đã bảo Hà nó lên nắm chân con lôi xuống rồi. Nào lại đây xem, con thích xem tiểu thuyết, thích viết lách thì cứ đến ông Phục sẽ chỉ dạy cho.
    Hồng rụt rè, nàng mắc cở nhìn Phục bây giờ thì không còn sợ hãi nữa nàng nhỏ nhẹ nói:
    - Dạ thưa cha, con đã gặp ông Phục rồi.
    - Thật à ? ông Châu ngạc nhiên.
    - Vâng! Phục nói - Hôm qua chúng tôi đã gặp nhau trong thung lũng.
    Ông Châu vui vẻ:
    - Thế thì cả hai đứa con gái của tôi ông đều quen cả rồi. Hai đứa là hai bầu trời. Hồng ít nói bao nhiêu thì Hà nghịch ngợm bấy nhiêu.
    - Con phản đối lời cha vừa nói - Hà kêu lên.
    - Đó ông thấy không ? Nó còn phản đối nữa chứ. Không bao giờ tôi nghe nó "nói" thử coi, chỉ thấy kêu không hà.
    Đôi mắt của Hồng như bị bé Nhụy thu hút. Nàng bước đến, cúi người xuống nắm tay bé Nhụy, đôi chân mày cong vút chớp nhanh:
    - Con đẹp quá. Ông Phục đây là con gái của ông à ?
    - Vâng, bé Nhụy, con thưa dì!! Phục vừa nói vừa nhìn Hồng và bé Nhụy. Nếu quả thật buổi chiều hôm nay Hồng ngủ yên trong phòng thì người đàn bà mà bé Nhụy gặp là ai ? Bé Nhụy vẫn cười đùa với Hồng. Vậy thì nó chưa hề biết đến cô bé này. Phục có thể quả quyết như thế. Nhất định là nó chưa hề trông thấy Hồng. Nụ cười nó ngọt và tươi, con bé này quả giống mẹ nó không sai. Ai cũng khen nó đẹp, đó là một sự thật chớ không phải một lời khen lấy lòng. Tiếng trẻ thơ trong vắt:
    - Thưa Dì!
    - Không được, phải gọi là chị chớ!! Ông Châu chen vào, con bé vội thay đổi cách xưng hô ngay:
    - Thưa chị!
    Mọi người cười ồ lên, bà Châu nói:
    - Coi kìa, mấy người làm con bé quýnh quáng. Không biết phải xưng hô là gì nữa.
    Tâm Hồng đứng lên, khẽ liếc Phục hình như cô nàng đang cố gắng khắc phục vẻ ngỡ ngàng, sợ sệt của mình, vỗ nhẹ lên vai bé Nhụy, Hồng nói:
    - Mẹ của Nhụy đâu, sao không đến ?
    Ông Châu tằng hắng một tiếng, không khí gian phòng như cô đọng lại, Hồng liếc nhanh về phía mẹ và cha, nàng hiểu rằng mình vừa lỡlời, thốt một lời không nên nói, bất giác gương mặt nàng đỏ hồng.
    Phục không hiểu phải nói làm sao. Mỗi lần có người hỏi đến Mỹ Như là hình như chàng thấy lòng mình thật khó chịu, nhất là khi trước mặt lại có người hiểu rõ tâm sự của mình lên tiếng cản ngăn câu hỏi. Phục không yên tâm. Khi nhìn xuống nét mặt nối tiếc và lo ngại của Hồng, hình như cô bé này có cảm nghĩ mình vừa phạm phải một lỗi lầm khó tha thứ. Nhưng chàng cũng không biết phải làm thế nào để cứu cô bé thoát khỏi hoàn cảnh sống sượng kia đấy.
    Cũng may đúng lúc Cao bước vào mời mọi người qua phòng ăn. Tình trạng căng thẳng trên chợt mất. Gian phòng ăn có cách bài trí tương tự như phòng khách, hai phòng chỉ ngăn cách nhau bằng một chiếc bình phong kiểu cách.
    Trên bàn ăn, thức ăn đã sẵn sàng, ông Châu cười bảo:
    - Bà Cao này ở với chúng tôi lâu lắm rồi đấy, từ Đại Lục theo đến đây, lúc Hồng chỉ mới 12 tuổi đến giờ, ở lâu nên cũng như là người nhà cả. Anh thử dùng những món này xem sao, bà Cao làm cả đấy.
    Phục mỉm cười nhìn bà Cao, dáng dấp mập mập lùn lùn, với gương mặt tròn lúc nào cũng như đang mỉm cười, đây quả là một người đàn bà điển hình cho nếp sống lương thiện
    Ngồi xuống ghế, mọi người bắt đầu dùng cơm. Bà châu hình như tập trung cả sự nuông chiều của mình về phía bé Nhụy. Gắp cho nó từ món ăn, gỡ lấy xương cá... một cách chu đáo. Tâm Hà Thì lúc nòa cũng họat náo viên lành nghề, ngồi trên bàn ăn, tiếng cười của cô lấn át hết những câu nói của người khác, chỉ có Tâm Hồng là yên lặng một cách lạ lùng. Suốt bữa cơm, hình như nàng không hề mở miệng nói lấy một lời nào cả. Đối mắt mơ mơ màng màng, hết nhìn người này đến người khác, như không ở trong thế giới hiện hữu. Phục có vẻ thú vị khi khám phá ra là những người xung quanh bàn tiệc, đối với Hồng chỉ là một sự bài trí. Khi Phục vô tình hỏi:
    - Cô Hồng, có tốt nghiệp ở Đại Học nào vậy ?
    Hồng giật mình, cảm thấy khó chịu khi biết có người đang để ý đến mình, ậm ừ một lúc lâu không nói gì cả. Bà Châu vội đáp ngay:
    - Ở trường đại học Đài Bắc ông ạ.
    Tâm Hồng miễn cưỡng mỉm cười, cúi đầu nhìn xuống. Phục cũng không muốn quấy rầy cô bé nữa, chàng quay qua ông Châu, bàn tán với nhau một vài dữ kiện mới về văn học nghệ thuật, Tâm Hà ngồi bên, thỉnh thoảng ghé miệng vào, không hỏi về đời sống gia đình của Phục thì lại hỏi về vấn đề sáng tác lúc này ra sao ? Cho mãi đến lúc phát giác ra Phục hình như không chú ý lắm đến câu hỏi của mình, nàng cụt hứng. Phục cười bảo:
    - Tôi chỉ là một ẩn sĩ trong làng văn, kể từ ngày có chút tiếng tăm là tôi chỉ sống riêng trong thế giới của mình, không còn biết gì về thế giới của người khác. Có người bảo rằng tôi là người cao ngạo, nhưng sự thật ra tôi chỉ thu ẩn trong vỏ ốc của mình mà thôi.
    Đôi mắt của Hồng nhẹ nhàng rơi trên người Phục, từ lúc xuống lầu đến giờ đây là lần đầu tiên cô bé dám nhìn thẳng vào người chàng. Nhưng khi Phục ngẩng lên thì ánh mắt của cô bé lại lảng đi nơi khác.
    Bữa cơm kết thúc trong bầu không khí thâm mật. Trở về phòng khách, bà Cao lại mang đến cho mỗi người tách trà nóng. Phục và ông Châu lại tiếp tục bàn luận về các tiểu thuyết gia cận đại như William Soroyan, Kafka và chủ nghĩa hiện thật.
    Địch Quân Phục ngạc nhiên trước kiến thức rộng rãi về lãnh vực văn học của ông Châu. Họ bàn cãi nhau một cách thật tâm đầu ý hợp. Bé Nhụy đã được được Hà đưa lên lầu, tiếng cười đùa của hai người thật ròn rã. Tâm Hồng cũng lên lầu lúc nào không biết. Ngồi nói chuyện một lúc, Phục mới thấy trời đã khuya, chàng định nói vài lời tạm biệt chủ nhân, thì ông Châu sau một phút tính toán, chợt nói:
    - Anh Phục, anh ở nông trại có thấy điều chi không hài lòng không ?
    Phục ngạc nhiên chợt hiểu ông Châu có ý gì muốn bàn:
    - Có chuyện gì chăng ? Tôi thấy tình trạng thật tốt chớ đâu có gì ?
    Ông Châu chậm rãi:
    - Vậy cũng tốt, nhưng... nhưng nếu anh có, nghe người ta nói một điều gì đó, tôi khuyên anh đừng nên để ý đến. Ở đây là một địa phương nhỏ bé, dân cư thường có... thường có nhiều điều...
    Ông Châu ngưng lại một chút, hình như đang chọn từ ngữ để diễn tả ý định. Phục chen vào;
    - Tôi hiểu rồi... xin ông cứ yên tâm
    Ông Châu quay đầu lại, nói nhanh:
    - Thật ra, tôi cần nói hết cho anh nghe, nói cho anh nghe một câu chuyện mà anh cần biết.
    Câu nói của ông Châu chưa dứt, thì đã có tiếng chân từ trên lầu vọng xuống. Tâm Hà tay nắm lấy bé Nhụy bước xuống cầu thang. Ông Châu ngưng ngay câu chuyện, chỉ nói thòng thêm một câu:
    - Cũng không có việc chi quan trọng, sau này tôi sẽ nói cho anh nghe.
    Phục nghi nhưng không tiện hỏi thăm. Bé Nhụy chạy đến bên Cha ngáp dài. Đêm đã khuya bé Nhụy cần ngủ sớm. Phục đứng dậy xin phép về. Bà Châu mang đến cho chàng cây đèn bấm.
    - Trời tối đường núi khó khăn, ông có cần lão Cao đưa đườn gkhông ?
    - Cũng không cần lắm, vì đường cũng không xa, không lạc được đâu.
    Nắm tay bé Nhụy, Phục bước ra khỏi Vườn Sa Mù. Ông Châu và Tâm Hà đưa ra tận cổng. Nhụy vẫn còn bận bịu với chị Hà lắm, cứ đưa tay vẫy mãi. Nói đã gọi Hà là chị, chứ không gọi là dì Hà. Phục cảm thấy lòng mình đang âm thầm thất vọng, vì đôi mắt mơ mộng của người con gái mà chàng mong đợi, lại không cùng ông Châu đưa mình về.
    Men theo con đường mòn, chậm rãi bước về phía nông trại. Hôm nay, trăng thật sáng, cảnh vật như một bức họa thần tiên, con đường nhỏ hiện ra trước mặt, không cần đèn bấm cũng nhìn ra lối đi. Buổi tối trong rừng núi có vẻ yên tĩnh chi lạ. Bóng cây êm đềm dưới ánh trăng, bên bờ núi đá cao vút, một lớp sa mù che phủ cả thung lũng khiến cảnh vật càng mờ ảo. Cỏ non dưới chân đã đẫm ướt sương đêm.
    Sương đêm lành lạnh, nhẹ nhàng thổi phớt qua người chàng. Bé Nhụy nắm lấy tay cha, miệng không ngừng ngáp. Ánh trăng chiếu rọi chiếc bóng đổ dài trên đường trông gầy guộc, một chiếc là đẫm sương rơi trên áo, Phục chợt rùng mình. Những chú đom đóm nhỏ, chập chờn trên đám cỏ như những chiếc đèn trời lung linh.
    Bước qua vùng đất dốc, hàng lan can của nông trại dưới ánh trăng vẫn tỏ rõ, bước chân của bé Nhụy có vẻ nặng nề. Phục sợ sương có thể làm thấm vướt vớ con, chàng cúi xuống hỏi bé Nhụy có mệt không, bé Nhụy ngoan ngoãn lắc đầu, nó đi thật sát vào người chàng. Phục vừa định quì xuống bồng con lên thì chàng chợt giật mình, trên bãi cỏ một bóng ngã dài bất động. Ngẩng đầu lên, vừa kịp nhìn thấy dáng người vừa ẩn sau tảng đá to, Phục định rượt theo nhưng lại sợ làm con giật mình, chàng xiết chặt con vào lòng, đôi mắt vẫn đăm đăm hướng về phía chiếc bóng vừa khuất. Dưới ánh trăng, hòn đá to vẫn sừng sững bên cạnh những bóng cây lay động theo gió. Chung quanh màn đen phủ đầy, mà bóng người ban nãy đâu thấy. Nhưng Phục vẫn có cảm giác là bóng đêm kia đang có một đôi mắt lạnh lùng đang theo dõi cha con chàng.
    Ánh trăng vằng vặc, gió lạnh càng lúc càng to, Phục bước nhanh về phía nông trại. Bé Nhụy đã ngủ mê trên vai chàng từ lúc nào không rõ.

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 23 (Kết Thúc)

Khói Lam Cuộc Tình
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
 
Những Truyện Quỳnh Dao Khác
» Đừng Quên Đêm Nay
» Song Ngoại
» Hậu Hoàn Châu Cát Cát
» Vội Vã
» Tình Buồn
» Cánh Nhạn Cô Đơn