Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Bản Tango Cuối Cùng Tác Giả: Lệ Hằng    
    Cứ thế cho đến khi về nhà. Mẹ mừng long lanh nước mắt, mẹ nhìn tôi như cả ngàn năm hai mẹ con chưa gặp nhau không bằng. Tôi mừng mẹ nhưng vẫn không quên được Phong, càng xa nỗi nhớ càng day dứt thêm. Giờ này chắc Lan Chi đã gặp được chàng, dù gặp trong tù, tình yêu họ vẫn còn đó gắn liền cuộc đời hai người trong một cuộc tình. Tôi bị hất ra lề rồi. Lẻ loi nhìn Phong trong vòng tay ấy, mẹ tíu tít nói cười, mẹ khoe chuyện này, mẹ kể chuyện kia. Tôi sà xuống bên mẹ, cho nguôi quên tình sầu.
    -Chị Dũng đâu hở mẹ?
    Mẹ thờ dài:
    -Ði phố rồi, hở chồng là đi phố sắm sửa, chẳng coi mẹ ra gì hết.
    Tôi an ủi:
    -Mẹ đừng buồn phải cho chị ấy sống với chứ.
    Mẹ lắc đầu:
    -Nó đi ra đi vào im ỉm, bực mình lắm con, nó làm như mình ăn nhờ nó không bằng. Con tao đứt ruột đẻ ra, chứ nặn được à? Giờ nó nuôi tao ngày hai bữa nó khinh tao như chó.
    Tôi năn nỉ:
    -Con xin mẹ, chuyện đâu còn đó mẹ nghĩ làm gì cho cực thân. Ðể rồi con đi dạy nuôi mẹ. Cũng tội cho chị ấy, lương công chức của anh ấy ăn thua gì mẹ.
    Mẹ cau mặt:
    -Hừ, hồi mẹ nuôi các con mẹ có lương gì không?
    Tôi vuốt tay mẹ:
    -Con hiểu, mẹ không thấy anh Dũng gầy đi sao?
    Mẹ thở dài thườn thượt:
    -Con mẹ, mẹ không thấy ai thấy.
    Tôi lảng chuyện:
    -Chị Phượng có hay về không mẹ?
    Mẹ thừ người:
    -Về luôn nhưng mà chán lắm con ơi.
    Tôi cười gượng:
    -Lại chuyện bà cô chứ gì.
    Mẹ đứng lên:
    -Con cái nuôi lớn lên, nhìn nó khổ khổ theo, bảo không nghe giờ làm sao được nữa. Còn con nữa đừng hòng mẹ gả cho mấy thằng đạo theo, thứ đạo vợ đó, thật mẹ vái dài.
    Tôi giật mình:
    -Tuỳ người chứ mẹ.
    -Không tùy gì hết, thằng nào ngoan đạo mẹ gả, kiếm cháu chắt các cha gả là yêu nhất.
    Tôi cười:
    -Bộ cháu chắt các cha là thánh cả.
    Tôi bỏ vaò nhà sau. Giường này ngăn giường kia bằng những tấm màn gió. Lúc trở ra chị Phượng đã ngồi thừ bên mẹ, mắt đỏ hoe.
    -Chị thật tệ, hễ về thăm mẹ là khóc.
    Chị Phượng ngửng mặt nhìn tôi:
    -Còn cô nữa, nghe tụi nó nói ra ngoài đó cô cũng biểu tình hoài hoài.
    Mẹ hỏi:
    -Rồi con tính sao? Sống như vậy gầy còm cả người thế này này, hay dọn về với mẹ ít lâu đi.
    Tôi lắc đầu:
    -Mẹ sao cứ sui chị ấy bỏ chồng hoài vậy? Anh Tùng có nỗi khổ của anh ấy chứ?
    Mẹ gắt lên:
    -Con biết gì mà nói sống với nhau một nhà coi nhau như kẻ thù làm sao chịu nổi.
    Chị Phượng kể lể:
    -Nói với con gàn đó làm gì mẹ, đến giống cha Hưng cho coi, suốt ngày ôm quyển sách kè kè. Mẹ biết không, họ đùng đùng kêu thợ xây hai cái nhà ra rồi, cái nhà có rộng gì cho cam, còn cái sân con tưởng họ để cho tụi con nít có chỗ chơi ai ngờ họ cũng xây tường chia hai cái sân. Con lại phải bỏ tiền ra làm cổng khác, làm bếp, làm nhà vệ sinh. Vậy chứ thấy bóng anh ấy về là háy ho chửi xéo mắng xiên. Thật muốn điên lên được đó mẹ.
    Tôi chen vào:
    -Chị nên hiểu rằng vì họ quá thương con họ thế thôi, là người ngoài nhảy vào hứng hết tình thương của họ, họ phải thù chị chứ. Con người ta anh người ta, người ta yêu thương cả mấy chục năm trời, bỗng dưng chị nhảy vào hứng hết tình yêu của họ. Ðó, chị thấy mẹ có bao giờ thương chị Dũng được đâu?
    Mẹ gắt:
    -Con này,mẹ không thương nó nhưng mẹ không quá khe khắt như thế được. Cái gì má cấm nó chở vợ đi nhà thờ nữa.
    Tôi nói nhỏ:
    -Tại mẹ bắt anh ấy theo đạo mình làm chi, những gì đã ăn sâu vào tâm khảm người ta, một sớm một chiều đâu có thay đổi hết được. Chính ra vợ phải theo chồng mới phải, bà ấy tức chị là đúng.
    Mẹ quắc mắt:
    -Hừ, bộ mày tính sui chị mày bỏ đạo sao đây?
    -Con không sui, nhưng phải linh động và tế nhị theo cảnh này chứ khăng khăng bắt người ta theo mình thấy cũng chướng.
    Chị Phượng nhăn nhó:
    -Anh ấy không bỏ, nhưng anh ấy nể mẹ, thành ra…
    Mẹ não nề:
    -Thành ra hành hạ con dâu cho bỏ tức.
    Tôi cười:
    -Mẹ hành hạ chị Dũng thì sao?
    Mẹ cau mặt:
    -Con sao móc họng mẹ hoài vậy? Mẹ hành hạ cái gì?
    Tôi vuốt ve:
    -Dĩ nhiên mẹ không hơn, nhưng giả thử anh Dũng bỏ đạo theo vợ như anh Tùng xem.
    Chị Phượng gắt:
    -Thôi đi mẹ nói với nó tức cả mình, dở lý suốt ngày ai chịu nổi thử hỏi cô sống trong cảnh tôi cô nghĩ sao? Cứ ngày chúa nhật, ngày lễ của mình bà ấy dở trò ra cúng bái kêu anh ấy sang sì sụp lạy lục không cho đi nhà thờ. Ra lườm vào nguýt, riết rồi cả tháng nay mặt anh nhăn cả ngày không thấy một nụ cười. Mày chịu được không mà noí thành với tướng?
    Tôi nhún vai:
    -Nếu em yêu, em chịu hết, em hy sinh cho tình yêu của em. Ðiều tối thượng là anh ấy yêu chị tình yêu có thể giải quyết được tất cả.
    Mẹ trợn mắt:
    -Hử Trang, con nói gì đó, gì mà yêu đương lung tung trong đó hử?
    Tôi nháy chị Phượng:
    -Thôi em đi ngủ đã, tưởng về nhà yên chứ lộn xộn thế này thua gì ngoài ấy.
    Mẹ nói theo:
    -Còn cô nữa liệu mà yêu với đượng, mẹ thề không chiều theo các cô nữa đâu.
    Tôi cười trừ bỏ vào nhà, lũ nhỏ đi học về chạy nhảy như giặc phá trong nhà. Nhà chật, đông trẻ con không một phút nào yên tĩnh được nữa. Tôi nhăn nhó nằm trên giường nhớ không khí âm thầm lặng lẽ buổi trưa của Huế, nhớ Phong và nụ cười cao vời xa cách. Lạy trời cho hai người đừng sáp vaò nhau, cho Phong ngồi tù hoài hoài, để không gặp nhau, không hôn nhau.
    Mẹ vẫn rù rì với chị Phượng mặc chị Dũng lui cui nấu cơm một mình. Chị Phượng yêu một người đạo Phật, mặc mẹ ngăn cản chị nhất định đòi lấy cho bằng được, mẹ sợ chị liều lĩnh nên đành chìu theo gả chị cho anh Tùng. Ðám cưới cử hành ở nhà thờ nhưng anh Tùng chỉ giữ đạo được có một ngày đó thôi. Anh con một của một người đàn bà goá chồng rất sùng Phật. Thảm kịch xảy ra từ đó. Chị Phượng sinh con cho chồng một năm một đứa, nhưng chị không thể cướp anh ra khỏi vòng vây cũ rích của gia đình chồng. Yêu vợ bao nhiêu, thương mẹ bấy nhiêu. Anh Tùng trên đe của mẹ uy quyền của mẹ tình yêu của mẹ chụp lên đời anh từ thưở nào rất xa. Dù tình yêu có mạnh hơn sự chết đi nữa, dù tình yêu có bắt anh vào nhà thờ quỳ đau đầu gối, xưng tội đổ mồ hôi để rước chị Phượng về làm vợ. Tình yêu ấy vẫn không huỷ diệt được tình yêu anh dành cho mẹ.
    Dưới là đe, là người vợ anh yêu mê một thời. Bỏ ai anh cũng khổ, giữ cả hai càng khổ hơn nữa, cuối cùng anh quay tròn quay tròn, cuối cùng anh im lặng như triết gia, anh nghe vợ day dứt mỗi đêm khi nằm bên nhau. Anh nghe mẹ thở than mỗi khi sang hầu mẹ. Im lặng là vàng, im lặng là nhất. Chị Phượng tức điên lên, mẹ chồng của chị cũng điên lên, người thêm muối ớt người thêm dầu cho cuộc chiến lạnh là cô em đang làm gái già của anh Tùng. Nhan sắc đã bay theo một trận đậu mùa, da chị bị cày bị cấu lỗ chỗ như tổ ong. Nhan sắc đàn bà mong manh vô cùng, như tiên nga có thể thành Chung Vô Diệm chỉ trong một giờ. Ðàn bà không quyền đi tìm hạnh phúc, mà chỉ ngồi chờ đàn ông gọi đến cho một đám cưới. Ðám cưới rồi mới tính được tương lai, không thôi hẩm hiu như cơm nguội thiu. Chị Phượng đẹp, chị Phượng xinh, chị Phượng trở thành cái gương cho em gái anh Tùng nhìn thấy nhan sắc trái mùa của nàng. người mẹ càng thương con gái càng ghét con dâu thêm.
    Ðời một người đàn bà hoàn toàn lệ thuộc vào đàn ông. Họ cho hạnh phúc nhờ hạnh phúc, họ bắt đầu đau khổ, phải đau khổ. Buồn thật, tôi yêu Phong và tôi khổ vì chàng dại dột lao vào đời Lan Chi, vợ không ra vợ, nhân tình không ra nhân tình. Phải chi chàng có vợ có con đàng hoàng cho tôi nhắm mắt tự an ủi mình rằng tôi hy sinh, rằng tôi cao thượng quay lưng một mạch. Ừ nếu anh có vợ em nguyền sẽ yêu anh, câm nín mà yêu anh, em không băn khoăn không mơ ước một cỏn con nào, đừng nói chi đợi trông anh.
    Lan Chi không phải là vợ anh, chỉ là một người cho anh tạm yêu, cho anh rảnh tâm, cho anh cuồng tín lý tưởng của anh, bởi vậy nên tôi mới khổ.
    Tôi nằm khoanh tay trên giường, tiếng mẹ la mắng ngoài kia, tiếng chị Dũng gắt mắng con để xiêu xéo xa xôi. Tôi muốn bịt tai lại.Tôi muốn nhắm mắt lại để khỏi phải nghe những lời chì chiết đó. Hạnh phúc là gì, vuông hay tròn, dài hay ngắn, Những lời ngọt êm có phải là hạnh phúc và những lời cay đắng xa xôi nhau có phải là bất hạnh?
    Từ ngày có con dâu mẹ hết là thánh, từ khi có người ngoài bước vào mái gia đình này cướp mất đứa con trai còn lại của mẹ, mẹ hết là thánh, mẹ thành người trần. Anh Dũng phải yêu vợ, không yêu nhau ai sống với nhau được. Không yêu tinh thần cũng yêu vật chất, nếu không làm sao có con với nhau được. Anh Dũng yêu vợ là mẹ khổ, mẹ biết là vô lý, nhưng vẫn khổ. Mẹ tìm cớ khác, có trăm ngàn cớ cho mẹ kể tội con dâu mẹ, lười biếng, làm nũng chồng, bỏ bê con, ít nói mẹ kêu lầm lì, hay nói mẹ kêu miệng rộng.
    Tôi không thương chị Dũng được, vì tôi yêu anh tôi, nhưng quả thật chị Dũng không có gì đáng ghét cả. Mẹ anh Tùng ghét chị Phượng mẹ nhăn nhó mẹ than thở. Mẹ cho con gái mẹ ít may mắn và mẹ quên cái ít may mắn của con dâu mẹ. Ồ sao hôm nay tôi kể tội mẹ tôi hơn nhiều, phải chăng vì tôi nhớ Phong, tim Phong lớn, trí Phong cao và lòng Phong rộng, Phong nhìn gì cũng dễ tha thứ, xa chàng tôi thành người có trái tim lớn rồi ư? Xa chàng tôi thành người có tấm lòng cao hơn núi rộng hơn đại dương thế này. Tôi không tin, vì tôi là đàn bà, đàn bà lòng dạ bao giờ cũng hẹp cũng nông.
    -Thôi cho tôi xin, gạo tăng vùn vụt thế này con nghịch gạo thì giết mẹ rồi con ơi, lương của bố con đủ mua được bao gạo đấy. Tôi đến bỏ nhà đi mất thôi, cáng đáng không nổi nữa rồi trời ơi.
    Mẹ hừ hư ngoài kia, chị dũng tiếp tục:
    -Số tôi không ra gì, hầu hạ như con ở vẫn chưa hài lòng cho.
    Thằng nhỏ kêu thét lên vì một cái tát tai của mẹ tôi nẩy người lên, tôi ôm mặt trong hai tay tôi,lòng tôi như thắt lại từng hồi. Tiếng mẹ quá ngoài kia:
    -Thôi cho tôi xin cho tôi xin đi chị ơi, chị đánh ngay tôi cho yên, cần gì phải đánh con mắng caí như thế hử?
    Chị Dũng ong óng:
    -Con phải dạy nó chứ, con đẻ ra không cho dạy nữa sao?
    -Dạy gì, chị muốn dạy ai trong nhà này?
    -Nó mở thùng gạo nghịch vãi đầy nhà không dạy để nhịn đói cả nhà hay sao?
    Mẹ dài giọng:
    -Tôi biết rồi, để tôi mua gạo đền cho chị.
    Cuộc đàm thoại lằng nhằng chỉ chấm dứt khi anh Dũng trở về. Anh im lặng thở dài, mẹ nặng nề ngồi xuống, chị Dũng ấm ức dưới nhà.
    Bữa cơm nặng bữa cơm nhạt, mọi người ngồi chung mâm mà không buồn nhìn nhau. Anh Dũng mặt đăm đăm mẹ thừ người, chị Dũng lạnh lùng. Ðời thú nhất bữa ăn và giấc ngủ ái tình. Bữa ăn nặng khác chi ăn một mình.
    Buồn quá tôi lại nhớ Huế, những lần chàng săn sóc lo cho tôi ăn, mừng khi tôi ngon miệng, vui khi tôi than đói. Chàng thường nói anh sợ ngồi ăn một mình, ăn một mình khổ như ngủ một mình.
    Buổi tối vợ chồng anh Dũng vác con lên lầu, mẹ nhìn theo khe khẽ thở dài. Tôi leo qua ngủ chung với mẹ, mân me bàn tay nổi gân của mẹ mà nghe xót đau.
    -Mẹ.
    -Con đi vắng mẹ khổ lắm, buổi tối mẹ thui thủ một mình dưới này.
    -Con biết, nhưng chả lẽ con bỏ học.
    -Thôi con gái học như vậy cũng đủ rồi, hơn nữa…
    -Mẹ định nói tiền học chứ gì, con kiếm ra chỗ dạy rồi mà.
    -Con vợ nó kể ra than vào suốt ngày.
    -Cũng tội cho chị ấy, lương anh Dũng bây giờ chẳng ăn thua gì.
    -Tao cũng nuôi chồng nó ăn học giờ nó phải nuôi con chứ.
    -Anh Dũng rất tốt, tại thời buổi khó khăn.
    Tôi dò dẫm:
    -Hay để con đi làm sở Mỹ nghe mẹ.
    Mẹ lắc đầu:
    -Chết thì thôi mẹ không cho con làm sở Mỹ, rồi làm sao lấy được chồng tử tế nữa.
    -Có sao, miễn con đàng hoàng thì thôi chứ, nghề nào chẳng là nghề, bộ cứ làm sở Mỹ là hư hết.
    -Mẹ không noí con hư, nhưng mà khó lắm con ơi.
    -Hay để con ra Huế vừa đi học vừa đi làm rồi con mang mẹ theo.
    Mẹ gắt:
    -Không được, mẹ còn mình anh con là trai, sống mẹ theo nó, chết mẹ theo nó.
    Tôi thở dài:
    -Sao mẹ còn nhăn.
    -Con vợ nó ngày xưa ngoan ngoàn là thế.
    Tôi an ủi:
    -Tại túng thiếu, con cái nheo nhóc nên chị ấy mới cau có mẹ ạ. Con cái đầy nhà đáng nhẽ phải có người làm cho chị ấy mẹ nhỉ?
    -Tiền đâu mướn người làm, làm bồi phòng cho Mỹ khỏe ru lương cả chục ngàn, ai thèm làm cho mình nữa.
    Mẹ nằm thở ra tôi ngao ngán:
    -Cuối cùng phải có tiền, tiền vẫn là nhất.
    -Nếu mẹ giàu chắc con dâu mẹ ngoan hơn.
    Tôi nhắm mắt:
    -Thôi ngủ đi mẹ ạ, thức khuya quá đau thì khổ.
    Mẹ trằn trọc, mẹ già tóc trắng vẫn buồn vì tiền. Tôi mải mê yêu đương. Tôi quên nỗi buồn của mẹ và bây giờ tuổi già còm cõi của mẹ cột chặt tôi nơi đây để nhớ nhung dày vò, để tình yêu cắn xé. Mẹ hy sinh suốt đời son giá nuôi anh em tôi lớn lên thắt lưng buộc bụng nuôi con ăn học. Anh cả theo chân ba biệt tăm ngoài Bắc, anh thứ chết trận, mình anh Dũng an phận đời công bộc đồng lương chết đói, dù được mẹ nuôi học đến cử nhân Luật, vẫn không báo hiếu mẹ được nửa ngày thư thái.
    Buổi sáng chị Dũng phát tiền cho con, chị quên mẹ bởi anh Dũng nhịn đói đi làm kia mà. Tôi chạy ra chợ mua bánh cuốn cho mẹ, không quên phần chị Dũng, chị có vẻ ăn năn:
    -Cô hiểu cho chị, cả năm nay cái áo chị không dám may.
    Tôi gật đầu:
    -Em hiểu, mẹ già rôì chị chịu khó chìu mẹ, vài bữa nữa em sẽ đi làm phụ với anh.
    Chị Dũng chớp mắt quay đi, tôi bỏ xuống phố kiếm bạn bè, người quen. Gặp anh Thế phóng xe ngang tôi, anh rối rít, anh ngạc nhiên:
    -Ủa sao về? Không học nữa à?
    Tôi cười:
    -Em nghỉ học rồi.
    Anh Thế nhăn:
    -Sao vậy? Bắt người ta gửi gấm rồi bỏ ngang?
    -Ðịnh đi làm anh ạ.
    -Làm gì mới được chứ.
    -Làm sở Mỹ.
    Anh Thế lắc đầu:
    -Nghe không được rồi đó, cô thích đi dạy không?
    Tôi sáng mắt:
    -Thích quá đi chứ, ở Huế, Trang cũng đang dạy học, nhưng mẹ Trang bắt về.
    Anh Thế suy nghĩ:
    -Thôi được để anh tính lại đã nghe.
    Tôi lang thang ngắm phố, nhìn tủ kính cho đã thèm, những con búp bê xinh, những xấp hàng mới lạ mắt. Nhìn thôi, đừng dại dột hỏi giá mà tủi thân. Anh Thế thật dễ mến, galant, nghệ sĩ, đàn hay nụ cười tình nhưng anh cũng có vợ rồi, có vợ rôì là xong, là hết chuyện nói, phải chạy xa hàng chục cây số, phải xua như xua tà, phải trốn như đàn ông trốn lính. Ðời kỳ, hễ ông nào yêu được y như rằng có vợ kềm sau lưng.
    Mình cũng kỳ cứ mê người có vợ, đàn ông có vợ mới là đàn ông thật, còn thì là con trai, con trai hình như không có chất mạnh không có chất tình.
    Thành phố đầy gái đẹp những cô gái mặt đầy phấn, mắt kẻ đen xì, môi đỏ như son. Những cô gái lạc lõng trong áo quần đắt tiền, chân ngắn thò dưới júp chói lực màu sắc, tay đen thò ra, ngực trần hớ hênh, nửa kín nửa hở. Họ đi bên những người đàn ông mũi thật thẳng, da đỏ hồng và cao gấp đôi họ.
    Nếu mịnh chịu như thế mình sẽ sắm được xe hơi mời mẹ đi chơi biển, mình sẽ xây nhà thật rộng, anh Dũng một phòng lũ nhỏ một phòng học một phòng chơi, nhà rộng hết cãi nhau, mình sẽ gắn máy lạnh cho mẹ ngủ trưa, đở mệt.
    Tôi có tật xấu yếu chịu được nóng, trời hơi nực một tí tôi đã nhoài người, trời hơi nắng mồ hôi tôi từng giòng, quê không chịu được. Người ta khen tôi dễ thương vì không đánh phấn, có ai hiểu cho rằng tôi có bệnh đổ mồ hôi như dũng sĩ đấu bò. Mỗi lần đi chơi với chàng, chàng lau mồ hôi hai bên tóc mai xấu hổ đỏ mặt, tôi vụng về trốn đôi mắt diễu cợt của chàng.
    Lưng ướt đẫm tóc ướt dẫm, tôi thành con bé xấu như ma. Nhất là vùng nách, tắm hai lần, tắm ba lần cũng đến thế thôi. Tôi khổ sở và tôi ghét tôi. Vậy mà chàng khen tôi đẹp, chàng bảo đã quen mùi hôi của tôi nữa.
    Tôi chớp mắt mà buồn, anh yêu ai? Lan Chi hay em? Anh có quen mùi hôi của Lan Chi không? Em thì em thương anh như thương cái lạnh, em ghét mùa hạ em yêu mùa Ðông, mùa hè nóng quá làm em gầy ăn bao nhiêu uống bao nhiêu ra mồ hôi hết trơn hết trọi. Mai sau có tiền mình sẽ lên Ðà Lạt sống và yêu thương nhau anh nhỉ?
    Lang thang rồi lại phải về nhà, nhìn gia đình mình tàn tạ trong thành phố đầy dấu tích Mỹ. Ngày nào tôi gặp bạn trai ngay trong nhà dưới mắt nhìn của mẹ, hàng xóm xầm xì nọ kia, chờ con gái đầy trong xóm, sáng leo lên xe Mỹ chiều leo xuống xe Mỹ, hai thằng mỹ khênh đem lên xe không ai buồn xầm xì. Quá rồi, quá trớn rồi thiên hạ hết nói.
    Anh Dũng gọi:
    -Trang ơi, có người hỏi em kìa.
    Tôi vung tay cho khổ thò mặt ra là sững người:
    -Ủa thầy sao thầy biết Trang về đây?
    Thịnh cười thật tươi:
    -Thế mới tài chứ, Trang tưởng trốn tôi dễ lắm à?
    Tôi kéo ghề mời Thịnh ngồi:
    -Trang có trốn anh bao giờ đâu, tại về thình lình quá chưa kịp viết thư cho anh đấy chứ? Mà sao anh biết nhà Trang hay quá vậy?
    -Thế mới tài chứ, đùa đó, anh hỏi bà hiệu trưởng Ðồng Khánh.
    Tôi tròn mắt:
    -Anh đến gặp chị Nhơn?
    -Tại sao không? đồng nghiệp mà em.
    Tôi ngồi nhìn Thịnh, chàng kể:
    -Vù ra Huế tưởng gặp em, ai ngờ em về trong này, anh thất vọng quá giận ghê.
    Tôi nhí nhảnh:
    -Giận sao anh còn vào đây?
    Thịnh cười xoà:
    -Giận nhưng vẫn nhớ, thấy mặt em hết ghét nổi rồi.
    Tôi suỵt:
    -Coi chừng, mẹ em ra đó.
    Thịnh co vai:
    -Thật hở em, mẹ nghiêm không?
    Tôi nheo mắt:
    -Một cây.
    Mẹ điềm đạm bước ra:
    -Chaò ông, con vào pha trà đi con.
    Tôi nháy mắt với Thịnh rồi lui ra, Thịnh nghiêm trang:
    -Thưa bác, cháu dạy học ở huế, thấy Trang bỏ học vào đây tiện dịp cháu ghé thăm.
    Mẹ săn đón:
    -Quý hoá quá, vậy ra đây ông là giáo sư của cháu.
    -Thưa vậy, cháu dạy môn Triết.
    Tôi khép nép mang trà ra đãi khách, mẹ nói:
    -Con ngồi tiếp chuyện thầy đi, mẹ vào nghỉ đã.
    Tôi le lưỡi nhìn Thịnh:
    -Ngán anh quá sao liều thế?
    -Không liều làm sao gặp được em, em trốn hang cùng ngõ hẽm nào anh cũng tìm được hết.
    Thịnh nói chuyện học hành thi cử bởi mẹ vẫn húng hắng ho sau nhà, Thịnh hỏi thật khẽ;
    -Ði chơi một vòng được không trang?
    Tôi ngần ngại:
    -Chắc không được rồi đó.
    Thịnh nhăn nhó:
    -Anh từ sàigòn ra Huế, từ Huế vào đây em nỡ từ chối à?
    Tôi thắc thỏm:
    -Nhưng mẹ khó lắm anh ơi.
    -Anh xin cho.
    -Anh liều thấy mồ đi.
    Thịnh thì thầm:
    -Tại em đấy.
    Tôi tròn môi:
    -Tại em?
    -Tại em làm anh điên nên anh liều, em coi chừng, anh liều thân thì nguy đấy.
    Tôi cười:
    -Khiếp, đất lạ không có học trò anh làm quá.
    Thịnh nháy nhó làm hiệu và Thịnh theo chính sách ngoại giao từ từ. Thịnh noí chuyện với anh Dũng, cuối cùng với mẹ và khám phá ra anh Hưng ngày xưa cùng học với Thịnh. Mẹ thì gặp ai cũng kể chuyện cha Hưng. Túm được mối ngon, Thịnh bám sát cuối cùng bà cụ khuyến khích tôi đi chơi với Thịnh. Tôi bắt đầu nao núng, anh chàng tấn thối đẹp mắt, anh chàng chinh phục cả nhà, anh chàng được bà cụ hài lòng, chỉ vì anh chàng cùng đạo lại tỏ ra sẳn sàng cưới vợ ngay bây giờ. Ðời giờ tìm được người đàn ông đủ điều kiện lấy vợ hiếm như các đảng phái tìm lãnh tụ. Mẹ dặn tôi:
    -Ông ta đàng hoàng nhưng con cũng phải ý tứ nghe không con?
    Tôi hỏi:
    -Sao mẹ biết ông ta đàng hoàng.
    -Thì ông đặt vấn đề hôn nhân ngay với mẹ kia mà, nghe đâu còn bà mẹ phải không?
    Tôi ngạc nhiên:
    -Ủa ông đặt vấn đề hôn nhân với mẹ à?
    -Ừ, ông nói đi tìm vợ và từ Sài gòn ra đây tìm con, vì con…
    Tôi hơi thẹn:
    -Kỳ cục cái ông này kỳ cục và lì gớm.
    Mẹ đắn đo:
    -Tuy vậy con vẫn phải dè dặt nghe con, mẹ định một đám cho con rồi, tội cái nhiều em thôi.
    Tôi nhăn nhó:
    -Chán đời.
    -Này đừng có dở hơi nhé, sao lại kêu chán đời.
    Tôi bỏ ra ngồi nhìn Thịnh, anh chàng không phải tay vừa đâu. Nụ cười đa tình, giọng nói lẳng, đôi mắt thẳng thắn, vẫn không dấu nỗi nét đa tình sau gọng kính trắng.
    Thịnh vui vẻ:
    -Chịu rồi nhé.
    Tôi ngưóc mặt:
    -Chịu cái gì kia?
    -Thì xin phép cho em rồi đó.
    Tôi lắc đầu:
    -Không được đâu anh, ở đây Trang có nhiều bạn lắm, đi với anh tụi nó đồn ầm lên bực lắm.
    Thịnh nhăn mặt:
    -Anh là người đàng hoàng, bộ Phi Mỹ gì mà em sợ dữ vậy?
    Tôi cười khi thấy Thịnh giận:
    -Ðùa đó, chiều em đi chơi với anh, buổi chiều biển mới đẹp.
    -Giờ anh làm gì?
    -Anh ở đâu?
    -Khách sạn.
    -Về đó ngủ rồi chiều đi biển, buổi trưa ở đây không dễ thương như Huế đâu, bụi và ồn ghê lắm.
    -Cần gì, đi với em nóng lạnh gì cũng hạnh phúc hết.
    Tôi hơi ngượng:
    -Anh kỳ, làm như em là..
    Thịnh đứng lên:
    -Là người yêu, thôi anh về nhá kẻo mẹ giận cúp phép thì nguy to, chiều anh đến đón nghe.
    Tôi xúc động vì chàng gọi mẹ tôi giọng tự nhiên và thân mật.
    Thịnh về rồi, tôi vẫn còn bâng khuâng, đôi mắt Phong chập chờn trên đám mây lang thang. đừng giận em, đừng trách em, bao giờ tình yêu vẫn còn đó, nhưng anh ơi em là con gái mà cuộc đời chỉ cho em một thời xuân sắc thôi. Ðành rằng em có thể đợi chờ, với tình yêu thời gian là thuốc thử. Nhưng Lan Chi không cho phép em đợi, không cho em hy vọng kia mà.
    Tôi nghe lòng trống không? Gian dối với chính mình là điều tôi ghê sợ và bây giờ tôi phải làm nên làm. Sống trung thực với lòng mình đâu phải là điều dễ. Tôi yêu Phong vì cuộc đời cao đẹp của chàng, vì chàng là hiện thân của hình ảnh người cha cách biệt. Người tôi chỉ nghe kể qua giọng mẹ bùi ngùi, người mà trong suốt những năm thơ dại tôi vẽ vời mơ ước trong tim óc non nớt. Nhưng tình yêu ngang trái ngay lúc đầu. Lan Chi hiện ra như một bà phù thủy phá vỡ lâu đài thần tiên của tôi. Tôi thành nàng công chúa mất ngai, mất tất cả, lang thang một mình trốn vào rừng, lang thang với cõi tình giờ chỉ còn là mơ ước xa xôi.
    Chân trần, tóc bay như lòng mình tan tác. Về đâu bến bờ nào không còn tình yêu cũng lạnh lùng như thế thôi. Tôi như kẻ sắp chết đang lao đảo giữa giòng. Thịnh như chiếc phao nổi chắc chắn nhất Trời ban cho tôi. Dĩ nhiên tôi phải vươn tới phải ôm lấy Thịnh để được sống. Thịnh có biết chắc chàng không nỡ giận hờn tôi. Mẹ cắt ngang giòng tư tưởng của tôi.
    -Thầy con về rồi à?
    -Dạ chiều ông đến.
    -Sao bảo xin phép đưa con đi chơi.
    -Buổi trưa mà đi chơi đâu bây giờ hở mẹ?
    Mẹ dò hỏi:
    -Con quen ông lâu chưa? Cha Hưng giới thiệu cho hở?
    Không biết nói sao tôi đành gật đầu, mẹ hài lòng:
    -Vậy thì được cha chọn cho con thì mẹ tin rồi, trông người có vẻ cốt cách lắm mà.
    Tôi mím môi để đừng cười:
    -Thật hở mẹ? Cốt cách lắm hở?
    Mẹ gật đầu:
    -Như vậy con có hai đám để chọn lựa, cũng hay!
    Tôi ngạc nhiên:
    -Mẹ nói gì mà hai đám ở trong đó?
    -Thì một ông bác Ðốc làm mối, giờ một ông cha chọn cho con, không hai là gì? Ðiều cái ông bác Ðốc nhiều em út quá, khiếp sao người ta đẻ lắm thế không biết, mười bốn người con, sợ con về nhà đó chiều mười ba cô không nổi chứ.
    Tôi le lưỡi:
    -Ghê, chị Phượng ngoan thế hiền lành nữa, một bà cô còn rên như bọng, con những mười ba bà cơ hả mẹ?
    Mẹ thừ người:
    -Mẹ cũng nghĩ ngợi vì thế đó, lại con cả nữa mới phiền chứ?
    Tôi đùa:
    -Nếu con yêu con chịu liền, mười ba bà cô ông chú, chứ ba chục con cũng chịu nữa.
    Mẹ nghiêm giọng:
    -Con định sao? Xem chừng con yêu ông giáo sư này?
    Tôi lắc đầu:
    -Con không yêu ai hết, còn ở nhà với mẹ.
    Mẹ gắt yêu:
    -Thôi cô ơi, mẹ chả dám đâu, để con gái trong nhà phát ốm vì lo.
    Tôi cười khúc khích:
    -Sao bảo không có con mẹ buồn.
    Mẹ cười tủm tỉm:
    -Ðành vậy rồi,nhưng con gái lớn phải đi lấy chồng chứ, ở nhà làm bà cô người ta cười chết.
    -Vì sợ người ta cười nên phải lấy chồng phải không mẹ?
    Mẹ cau mặt:
    -Thôi đừng có đuà nữa, lớn bằng cái xào rồi đấy, liệu mà ăn nói kẻo người ta chửi mục mả.
    Tôi than thở:
    -Kiếp sau xin chừa làm con gái, khổ sở trăm chiều, học ăn học nói rồi lo bị chửi, đàn ông sướng không phải đẻ vẫn có con, muốn lấy ai thì lấy, không cũng chẳng ai cười. Con mà làm ông trời, con bắt đàn ông trăm cay ngàn đắng vì đàn bà cũng vẫn còn sướng chán. Cho đàn ông chửi hoang họ biết tay đàn bà liền.
    Mẹ cười ngất:
    -Cái con này nói gì không nói, nói đàn ông chửa hoang.
    Tôi tròn môi:
    -Sao không, thứ đàn ông lang bang đầu đường năm mươi tuổi còn chửa hoang nữa ạ, con mà có quyền, con cho đàn ông chửa đẻ một phen.
    Mẹ dí trán tôi:
    -Này im đi, ăn nói nhảm nhí người ta cười.
    Tôi nhún chân chạy vào nhà trong nói vọng lại:
    -Chúa bất công bắt mình đàn bà khổ, vừa yêu vừa hồi hộp.
    Mẹ gắt theo:
    -Ơ hay cái con này điên hở.
    Tôi nằm lăn ra giường ôm gối mà cười thầm. Lấy được chồng phải hành cho đã bụng, đàn ông đáng được hành, đáng bị hành, không hành uổng phí của trời. Ðàn ông tự do yêu đương, không sợ tai tiếng càng thử lửa nhiều càng hiển hách oai phong. Ðàn bà thử lửa một lần ta tnah cuộc đời, bụng to là hết ngẩn cao mặt mà đi, hết cười tươi mà bước, cúi gằm mặt xuống mà trốn lui lủi như loài chuột cống. Ðời thành nước mắt còn chàng hiên ngang tiến lên, hiên ngang ghi thêm thành tích.
    Lấy được chồng rồi,chồng giàu chồng sang cho thiên hạ biết tay cho thiên hạ thèm, mình sẽ làm bà ngồi một chỗ mà mà cười, lấy được chồng sang là thi đỗ cái bằng to nhất, học đến tú tài cử nhân không lấy được chồng vẫn chưa được gọi thật to thưa bà.
    Tôi nằm dũa móng tay, dũa móng tay cho đẹp để chiều nay dấu vuốt khoe mềm, để chiều nay Thịnh phải xin mẹ cưới tôi. Một thoáng buồn nhẹ kéo về. Tôi chớp mắt nhớ Phong. Mái tóc phong trần, giọng nói vang cao đôi mắt sâu. Phong sợ ràng buộc, mẹ đời độc thân để tự do lao vào đời, để tự do vùng vẫy dù trong ngục tù.
    Phong sợ trách nhiệm nên lấy đàn bà về làm vợ thay vì lấy con gái, nhận con người làm con mình thay vì có con máu thịt. Vì Phong muốn nhẹ trách nhiệm con người nuôi được càng hay, không nuôi được chẳng sao. Vợ thừa yêu suốt đời càng tốt, giữa đường gian truân đỡ xót thương.
    Rồi coi bao lâu Phong còn say lý tưởng còn mê cách mạng chàng còn chưa có con. Hiểu Phong rồi đừng buồn, đừng trách chàng nữa. Tất cả những người đàn ông yêu đàn bà đều là những người sợ trách nhiệm muốn nhẹ gánh trên vai. Phong từng nói với tôi anh mà có vợ trời hết đảo điên, anh mà có vợ nước hết nổi trôi.
    Kỳ cục, Phong là người đàn ông kỳ cục. Lý trí mạnh hơn tình yêu. Gia đình nhẹ, cái chết nhẹ. Sinh mạng chàng còn như lông hồng nói chi vợ, nói chi con.
    Cuối cùng nằm nghĩ nhảm, nằm lý luận để mong ghét Phong, để chiều nay đi chơi với Thịnh, tôi lại yêu Phong say sưa thêm, lại nhớ Phong da diết hơn xót xa hơn.
    Phong trần đến thế là cùng sao tôi không yêu? Chối từ tiền bạc và an nhàn, chối từ vợ đẹp và con ngoan để lao đời trong cơn lốc dữ dội nhất, để một mình gian nan với vận nước nổi trôi, chẳng được gì trắng đôi tay, ngồi tù. Chẳng được gì trắng đôi tay cô đơn.
    Không thể quên anh được không thể đòi lại tình yêu. Thôi đành đem về cho chồng một tấm thân dù nguyên vẹn, nhưng tâm hồn chìm trogn thương nhớ. Thôi đành anh ơi, bởi con gái chỉ có một thời, bởi em tầm thường như mọi người, em không xứng đáng yêu anh, không thể sống cho người như anh.
    Chị Phượng về thăm nữa, tiếng mẹ mừng như khách quý, chị Phượng vén màn bước vào:
    -Giờ này còn nằm hở cô út? Sướng thật những ai chưa chồng.
    Tôi ngồi dậy:
    -Thôi không tin nổi bà đâu, bà xồn xồn đòi lấy chồng giờ còn nói gì nữa.
    Chị Phượng hứ:
    -Nói ngang như cua, người ta lo hầu chồng tối tăm mặt mũi, lo hầu con cuống cuồng tay chân, còn cô nằm khểnh ăn kẹo.
    Tôi ranh mãnh:
    -Cũng phải có mục gì sướng chị mới chịu hầu chứ? giỏi nói ra nghe coi.
    Chị Phượng dậm chân gọi mẹ.
    -Trời đất, mẹ vào đây nghe cô út nói bậy này, xa nhà có vài tuần mà tiến lẹ dữ.
    Mẹ bước vào:
    -Gì đó? Nói gì bậy đó?
    Chị Phượng phân bua:
    -Nó ăn nói khủng khiếp quá mẹ ơi, nó xa nhà vài bữa mà ghê quá ta.
    Tôi trề môi:
    -Chị bậy thì có, người ta hỏi đàng hoàng chị nghĩ gì mà la hoảng vậy hử? Em hỏi lấy chồng có gì sướng không mà bà nào cũng rên khổ nhưng chẳng bà nào chịu rời chồng một ngày? Trả lời đi cho người ta tính chứ. Mẹ coi con hỏi như vậy có gì bậy đâu?
    Mẹ lắc đầu:
    -Chị em mày như mèo với chó, đứa nói gà đứa nghĩ vịt.
    Tôi cười:
    -Thấy chưa, khiếp mấy bà có chồng bụng chứa đầy chuyện bí mật, người ta nói gì cũng nghĩ ra chuyện đó hết trơn.
    Chị Phượng cau mặt:
    -Chuyện đó là chuyện gì, cô nên nhớ cô chưa được hai mươi tuổi đâu nhé.
    -Chuyện đó em biết từ lâu rồi.
    Chị Phượng tròn mắt, mẹ trợn mắt:
    -Cô nói gì, biết cái gì?
    Mẹ hấp tấp:
    -Con nói con biết?
    Tôi cười:
    -Sao không lấy chồng rồi có bầu rồi đẻ con.
    Chị Phượng dắt mẹ ra:
    -Thôi mẹ gả chồng cho nó đi, nguy lắm.
    Tôi cười tủm tỉm lại lăn ra giường. Ðộ này tôi lười như hủi, nắm đầu năm luôn đó, ngồi đâu ngồi tê mông. Người ta vẽ tôi lười thì thì mập, người lười bao giờ cũng mập, mập rồi được đàn ông mẹ, ốm đàn ông chê khô như trám. Mập lấy chồng đỡ tốn tiền mau nệm mút, đỡ đau hai chân, khi yêu chính Lan Chi đã dạy khôn tôi thế.
    Tôi bắt đầu tu luyện cho mập dần là vừa. Chạy như ngựa, nhảy như chim, đến thành con hạc mất thôi. Ăn rồi nằm, nằm rồi ngủ, ngủ dậy ăn, không nghĩ không buồn, nhất định sẽ căng phồng hai đồi ngực, sẽ ú nần hai vai, sẽ nảy hai mông.
    Ðừng nghĩ nữa, nghĩ mệt gấp hai lần làm việc. Chị Phượng nheo nhéo gọi:
    -Trang ơi có thư này, gớm thật mới về đã có thư.
    Tôi dựng người tôi dậy, sải hai bước ra khỏi phòng liền. Thư? Thư Phong chăng? Còn ai biết địa chỉ nhà tôi ngoài Phong đâu.
    -Ðâu thư đâu?
    Chị Phượng hất hàm:
    -Ở bàn ấy.
    Chị tiếp tục nói chuyện dài dài với mẹ, tôi run run nhìn nét chữ cố nắn nót cho mềm của Phong. Phong khôn thật, đề tên con gái ngoài bì thơ nên chị Phượng chẳng thèm để ý.
    Tôi bỏ vào giường kéo kín màn gió nằm quay vào tường đọc thư Phong. Lan Chi một bên còn viết thư cho mình được, cũng tài thật.
    Huế ngày,
    Trang yêu,
    Ra tù về nhà chẳng gặp Trang, thấy tình yêu thật mong manh như khói sương và buôn, nên viết cho Trang.
    Nói rằng anh không yêu Trang tức là anh đã tự dối lòng mình, nhưng cuộc tình muộn màng của anh đối với trang là một thứ đa diện, một thứ cocktail về tình cảm. Tình bạn, tình anh em, tình của một người lớn tuổi đối với một người nhỏ tuổi, và cuối cùng, tình yêu… Tất cả những thứ tình cảm phức tạp đó quyện lấy nhau, ràng buộc lấy nhau như muốn giữ cho nhau một thứ quân bình đau xót. Tình yêu tấp tểnh định xé rào, lập tức tự những góc thầm kín nhất, sâu thẳm nhất của tiềm thức, những thứ tình kia ào ào vọt ra ngăn cản. Một cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng và đau xót ghê gớm. Lý lẽ của con tim trong suốt năm sáu tháng qua vẫn chưa hẳn dành được thượng Phong.
    Nói như thế cũng không phải là anh chưa yêu Trang tha thiế, chỉ vì hoàn cảnh không cho phép, tất cả được an bài rồi, Trang hiểu cho anh không? Anh gìn giữ là gìn giữ cho người anh yêu với tất cả những gì gọi là tình yêu còn lại trong anh.
    Suốc cuộc đời anh, bao nhiêu bất hạnh về tình cảm đã đến với anh, giữa lúc anh muốn quên hết chuyện tình yêu, thì Trang ở đâu tới với anh.
    Chúng ta yêu nhau, nhưng giữa chúng ta có một bức tường vô hình không thể phá nổi, đó là cuộc đời gian truân mà anh đã chọn, anh không thể đem cho em một hạnh phúc bình thường như mọi người đàn ông khác. Anh với Trang mỗi đứa đứng bên này nhìn sang bên kia cười nói với nhau, và chỉ có thế thôi.
    Nói đến ước mơ của anh ơ? Ước mơ nhiều lắm chứ, tuy nhiên những ước mơ chua xót, những ảo mộng não nề. Tình dục? Anh không hề nghĩ đến chuyện đó vì Trang đã được anh đặt lên một ngôi thứ đặc biệt. Cũng cần nói thật và mong Trang đừng tự ái vì anh không khi nào so sánh Trang với những người con gái khác, những người đàn bà khác. Anh qúi mến Trang một cách riêng biệt, mấy tháng qua Trang đã rõ anh chưa bao giờ viết một chữ tỏ tình hoặc có một cử chỉ nham nhở với Trang, để Trang có thể khinh thầm anh.
    Ngay một cử chỉ bình thường nhất là hôn nhẹ lên những ngón tay xinh của Trang, những ngón tay đã viết ra những giòng chữ ân tình mà anh còn không dám làm đủ biết anh qúi Trang đến bực nào.
    Dù trong trạng huống nào, hoàn cảnh nào, anh cũng vẫn yêu Trang, vẫn đời đời nhớ đến Trang.
    Ðịnh mệnh đã đem Trang đến cho anh, nhưng anh vẫn hoàn toàn cô đơn, cô đơn hơn bao giờ hết. Cô đơn hơn cả khi chưa quen Trang. Một người thiếu thốn mọi mặt nếu cô đơn cũng không đáng sợ bằng một người cỏ đủ tất cả mà vẫn hoàn toàn cô đơn. Nỗi cô đơn này mới kinh khủng, mới xót xa không sao tả xiết. Trang có hình dung được tâm trạng của một kẻ như thế không? Có hiểu thấu được những day dứt âm thầm rợn người như vậy chăng?
    Mổi lần gần nhau chúng mình cười cười nói nói với nhau đủ thứ chuyện ngoại trừ có chuyện tình yêu là không bao giờ đá động tới? Vì sao? Vì định mệnh?
    Trang thấy chưa? Mỗi lần gặp Trang là một lần những gì anh định nói với Trang bỗng nhiên chìm vào nơi không tên sâu thẳm và lúc đó cũng chẳng nhớ ra được nữa, tựa hồ có một sức mạnh vô hình làm cho anh lãng quên đi.
    Ðã nhiều lần anh muốn nói với Trang rằng anh yêu Trang, mặc dù tình yêu của anh với Trang là một thứ tình yêu vô vọng…một thứ tình yêu trong lý tưởng. Biết đâu như vậy chẳng khác người, lại chẳng đẹp và giữ được cái vẻ đẹp vĩnh cửu trong hồn nhau hở Trang?
    Ngày còn nhỏ, đọc tiểu thuyết anh tưởng thời bây giờ anh đã hết thứ tình yêu lãng mạn đó rồi, không ngờ bây giờ anh lại vướng mắc lại yêu trong xót xa.
    Bây giờ là 1 giờ 15 sang một ngày khác rồi, có lẽ Trang đã ngủ ngon. Hy vọng sẽ gặp nhau trong những giấc mơ vậy.
    Nhớ rất nhiều.
    PHONG
    TB: Anh đi lính không ra toà, nhưng vào lính với chức vị binh nhì. Cũng xong phaỉ không Trang đời đưa đến đâu anh đi đến đấy chẳng buồn chẳng vui. Dĩ nhiên anh không được đóng ở Huế, người ta sợ anh lại biểu tình lại xách động sinh viên. Ðừng buồn nhé. Anh phải viết riêng, vì anh định dấu em.
    Những giòng tái bút làm tôi thắt ruột, đi làm binh nhì, đời chàng điêu linh đến thế là cùng thôi. Tôi lặng người thân xác tôi trôi chên chăn gối. Chàng yêu tôi, chàng viết thư cho tôi trong một ngày đời chàng đổi khác, từ nay chàng sẽ giã từ đời sống cũ, giảng đường bạn bè sách vở chỉ còn là dư ảnh.
    Tôi bỏ đi lấy chồng khi chàng vào lính, khi chàng đã minh xách rằng chàng yêu tôi? Không thể được, tôi có thể gian dối với chính mình có thể gian dối với chồng, nhưng tôi không thể thôi yêu thương Phong.
    Tôi không thể khóc được nữa. Trong thư chàng không một lời nhắc đến Lan Chi, nhưng tôi, tôi vẫn hiểu nàng giữ góc nào trong cuộc đời tình cảm của chàng. Tự nhiên tôi hết ghen, hết ghét người đàn bà xinh đẹp đó. Hai tình yêu khác nhau và ngoài nhau, tại sao tôi dại khờ bày chuyện ghen tương. Bây giờ tôi thương Lan Chi, thương như thương một người chị, tình cảm rắc rối thật. Chắc chị cũng buồn khi chàng vào lính, chị cũng lặng đi như tôi, nổi khổ như nhau sao mình không thương nhau? Mất đàn ông vì một người đàn bà còn phải ghen còn phải hậm hực, đi lính là sẽ mất chàng vô điều kiện, mất không kêu ca bồi thường. Tôi có thể ghen với Lan Chi nhưng tôi không thể ghen với Tổ Quốc đè nặng trên vai chàng.
    Bởi vậy bây giờ tôi mới hết ghét Lan Chi. Thịnh đến từ lúc nào tôi cũng không còn lòng dạ nào háo hức đợi chàng nữa. Mẹ bước vào nhăn mặt:
    -Con thật, hẹn với thầy sao giờ còn nằm ườn ra đó hở? Chải tóc lại đi.
    Tôi hỏi nho nhỏ:
    -Ðến rồi hở mẹ?
    -Ngồi chờ ngoài đó kia, con sao càng ngày càng hư.
    Tôi lười biếng:
    -Hay mẹ ra tiếp ông dùm con đi, sao con mệt quá mẹ ạ.
    Mẹ trợn mắt:
    -Ăn nói hay chưa, hẹn hò nhau rồi bắt thân già này ra chịu tội hử?
    -Nhưng con bị mệt.
    -Mệt cũng phải ra ngoài, người ta không phải là trẻ con cho cô đùa.
    Tôi khổ sở:
    -Nói khẽ chứ mẹ, nhỡ người ta nghe thì sao?
    Mẹ nắm cái lược quơ tóc cho tôi:
    -Còn xinh chán, ra đi con kẻo mang tiếng mẹ không biết dạy con.
    Tôi mím môi:
    -Hồi này mẹ lạ ghê, dục con đi chơi với đàn ông hoài.
    -Bộ để cô làm của à? Rúc xó nhà hoài rồi đem cô muối chua được sao?
    Tôi le lưỡi:
    -Nghe mẹ nói con phát lo.
    Mẹ hứ:
    -Không lo sao được, một trong hai đám cô phải chọn một, tuỳ cô đấy. mẹ xem chừng ông này cũng đứng đắn, hơn nữa bạn cha Hưng thì bảo đảm rồi.
    Tôi buột miệng:
    -Ơ không phải…
    Tôi ngừng kịp, nếu mẹ biết tôi quen Thịnh trong lớp chắc mẹ chửi bằng thích. Tôi bước ra cười thay một lời chào.
    Thịnh trách nhẹ:
    -Lục đục gì trong đó bắt anh chờ lâu quá vậy?
    Tôi cười nửa miệng:
    -Trang đang ngủ mà anh.
    Thịnh thở ra:
    -Em vô tình thật, hẹn anh mà còn ngủ được, cả buổi trưa này anh không sao ngủ được, anh nằm chờ lúc được gặp em.
    Tôi cúi mặt nghịch từng sợi tóc, thịnh nhắc:
    -Sao em chưa sửa soạn? Anh mươn được xe của người bạn đưa em đi biển.
    Tôi lí nhí:
    -Hay để bửa khác đi anh…
    Thịnh kêu lên:
    -Sao thế, anh dâu có ở đây lâu được.
    -Trang bị mệt hơi chóng mặt anh ạ.
    Thịnh bình thản:
    -Không sao như vậy càng nên ra biển có gió em sẽ hết chóng mặt nằm trong phòng hoài thiếu không khí nên bị mệt đó.
    Tôi lắc đầu:
    -Thôi anh ạ, Trang sợ.
    -Không sao đâu, anh bảo đảm anh sẽ làm em hết đau, đi em, công anh mượn xe, công anh từ Huế vào đây mời em đi biển một vòng em từ chối à.
    Tôi đành phải đi dù tôi sợ. Tôi cảm thấy cán cân đã nghiêng về phía Phong. Ðôi mắt Thịnh sau vòng kính trắng đằm thắm nhìn tôi:
    -Vào thay áo đi, anh chờ.
    Tôi mỉm cười khi mẹ dặn:
    -Phải ý tứ con nhé, đừng về muộn quá nghe con.
    Tôi vén màn cửa bước ra, Thịnh xuýt xoa:
    -Chà em đội mũ trắng xinh quá, ai chọn cho em đó?
    Tôi chúm chím cười:
    -Một ngươì rất bí mật.
    Thịnh đưa tôi ra biển, bãi Tiên Sa, chiều nay vắng người từng đợt sóng tung nước trắng xoá trên ghềnh đá rêu xanh. Ðỉnh núi sừng sững ôm ấp bãi cát êm. Hàng ngàn con chim biển lao xoa bay ra. Biển như có linh hồn thở trên mặt nước xanh, mênh mông vỗ về bóng mây dạt dào vỗ về chân núi. Tôi đứng với Thịnh trên một tảng đá nâu để nghe sóng biển kể chuyện tình. Sóng vỗ dạt dào, trời cao tít tắp. Tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ, thân phận tôi mong manh như bọt sóng và tình yêu như vùng mây sáng chói vàng trên núi cao. Không dễ gì có được tình yêu, cũng không dễ gì được sống như mình ước mơ.
    Thịnh trầm ngâm:
    -Anh suy nghĩ rất kỹ trước khi vào đây tìm em, mẹ anh nói đúng, đã đến lúc anh cần có một người chờ, anh mỗi khi đi làm về, đã đến lúc anh phải nghĩ đến những đứa con, sống cho mình mãi nhiều khi lạc lõng và chán chường. Em nghĩ sao, cho anh biết ý nghĩ thật nhất của em đi.
    Tôi bàng hoàng:
    -Bất ngờ quá, Trang không kịp nghĩ gì hết.
    Thịnh lắc đầu:
    -Có gì khó khăn đâu, anh chỉ hỏi em bằng lòng làm vợ anh không?
    Tôi cắn môi không dám nhìn Thịnh. Người đàn ông này quá tự tin và bởi vậy tôi không dám nói thật. Tôi nói vòng quanh:
    -Hình như đã có một lần Trang nói với anh rằng, một đứa con gái như Trang được một người địa vị như anh ghé mắt đến khó lòng từ chối và bởi vậy thú thật với anh, Trang sợ rằng tình yêu không có mặt trong cuộc hôn nhân này.
    Thịnh dứt khoát:
    -Em có yêu anh không?
    Tôi nhìn ra xa, bởi vì tình yêu cũng mênh mông không bến không bờ như đại dương, bởi vì tình yêu là muôn vạn sắc màu. Yêu Thịnh không? Câu trả lời còn khó hơn hỏi trên cao xanh kia có những gì?
    -Trang, em hãy nhìn anh, sao em im lặng?
    Tôi chớp mắt:
    -Hình như là yêu, nhưng…
    -Nhưng sao?
    -Cứ sống thế này không đẹp sao anh?
    Thịnh lắc đầu:
    -Anh không cần đẹp, anh muốn cột chặt em vào đời anh, anh muốn có em, đẹp là cái gì?t Là nhớ thương là lo âu một ngày mất nhau ấy à? Không anh không phải là trẻ con, anh không dại đến thế.
    Tôi nghĩ đến Phong rồi đdến Lan Chi. Vô ích Trang ơi, đời anh đã có Lan Chi rồi, Lan Chi đến trước, đừng lý luận vô ích bởi vì họ đã yêu nhau. Có một đời chồng có vài đứa con hay năm đời chồng hay mười đứa con người ta vẫn có quyền yêu nhau. Tình yêu không có qui luật, tình yêu là cái bất khả xâm phạm, chẳng lẽ mình làm vợ lẽ Phong? Chẳng lẽ mình ở giá yêu Phong hoaì hoài như thế này.
    Phaỉ lấy chồng, người chồng lý tưởng nhất phải là Thịnh trí thức, dàn ông trí thức hay chiều vợ nể vợ, đàn ông trí thức không đánh vợ dù bằng một bông hồng. Ðàn ông trí thức rất thích chiều vợ, giặt cả áo cho vợ, không dám để vợ gãy nửa cái móng tay. Họ trọng nhân cách nên không dám ngoại tình, càng không dám bỏ vợ.
    Mấy người bạn của chị Phượng đã truyền nghề cho nhau cách đối xử với loại chồng trí thức. Mình phải học học thật kỹ để dược chồng mê. Ðàn bà mà đươc chồng mê thì nhất, sướng không chê vào đâu được.
    Mẹ mình tu nhân tích đức, bố mình cương trực một chết một sống không bẩn thỉu, nên mình có phúc, lọt vaò mắt xanh của ông giáo sư trẻ tài cao này.
    Chị Phượng có một người bạn thân lấy một giáo sư đại học tốt nghiệp Sorbone đàng hoàng. Họ ở chung với một gia đình, cũng giáo sư nốt. Toà biệt thự lớn được chia làm hai., Chồng của chị Ái nho nhã hiền hoà, ông giáo sư ở cũng nhà trái lại tướng như võ sĩ, lấy cô vợ mình hạc sương mai. Hai cặp ở chung một nhà, ra vào trông thấy nhau cười cười nói nói với nhau. Ðến một ngày đẹp trời họ ...ng nhau toé lửa ở Vũng Tàu. Chị Ái đi với ông thầy tướng Võ, còn chồng chị đang du dương với người đàn bà mảnh mai như liễu, vợ của ông bạn cùng nhà.
    Họ im, lặng tránh nhau, hai cái xe hơi đi ngược chiều nhau. Ngày hôm sau một trong hai cặp đổi nhà. Thế là xong, không một cái tát, không nửa lời cắng đắng. Trí thức khi ghen cũng ghen thầm trong bụng, khỏe như ru, êm như mộng.
    Thịnh hơi nhăn mặt:
    -Em lạ quá anh hỏi mà cứ nghĩ đâu đâu không à?
    Tôi giữ tóc ho đừng rối bời cho tóc đừng bay quấn sang cổ Thịnh, Thịnh giữ tay tôi:
    -Ðể yên em, em cột anh từ lâu rồi.
    Tôi nóng bừng hai má rút tay về. Thịnh say đắm:
    -Tuần sau anh đưa mẹ ra thăm em nhé.
    Tôi giật mình:
    -Chết, khoan đã anh, chuyện quan trọng chứ bộ đùa sao mà anh tính toán như gió vậy.
    
    -Anh có noí là không quan trọng đâu, nhưng không nên để lâu quá, lằng nhằng mệt cả hai đứa.
    Tôi van lơn:
    -Trang van anh, để Trang suy nghĩ vài tháng đã, Trang chưa thấy ai lạ như anh đó, anh tính coi, chuyện hôn nhân mà anh làm như…
    Thịnh gắt:
    -Làm như cái gì? Anh đã nói anh suy nghĩ kỹ rồi cơ mà.
    -Nhưng em chưa suy nghĩ thì sao.
    Thịnh im lặng, tôi vuốt ve:
    -Giận em đấy à? Ðể em nghĩ vài tháng đã chứ.
    -Gì mà lâu quá vậy.
    -Buổi chiều đẹp thế này nói chuyện khác cho vui đi anh.
    Thịnh than thở:
    -Lần đầu tiên anh thua một người con gái như em.
    Tôi cười nhẹ:
    -Gì mà thua với được anh, điều em muốn nghĩ thật kỹ để…em nhận ẩu rồi mai mốt đổi ý phải phiền không?
    -Tại em chưa yêu anh tha thiết đấy. Thôi được anh chờ.
    Thịnh dắt tôi đi lang thang men theo bãi biễn để nước vỗ về bàn chân để trần.
    -Chim bay nhiều quá anh kìa.
    Thịnh ngửa mặt lên nhìn theo đàn chim.
    -Nếu không nhốt được em lại, rồi em cũng bay ra khỏi đời anh như thế.
    -Người ta thường ví đàn ông là cánh chim có ai ví ngược như anh đâu.
    -Với anh trong tình yêu đàn ông đàn bà ngang nhau.
    -Em không thích ngang nhau, em thích anh ở trên em.
    Thịnh nheo mắt:
    -Ờ có thậ em thích anh ở trên em không? Thật không?
    Tôi ngơ ngác nhìn nụ cười Thịnh lạ lạ có chút gì đắm say chất ngất, có chút gì lẳng lơ tình tình. Rồi chợt hiểu, tôi nóng bừng bừng khắp người dang ra xa Thịnh và chạy:
    -Anh kỳ, Trang không chơi với anh nữa đâu.
    Thịnh đuổi theo tôi. Tôi cuống chạy dài trên bãi vắng, xa vài người của xóm chài kiên nhẫn bắt nghêu bằng những cái cào dài.
    Tôi nói vang trong tiếng sóng:
    -Ghét anh rồi, người ta nói đàng hoàng anh nghĩ vậy.
    Thịnh vẫn đuổi theo tôi:
    -Anh nghĩ bậy bao giờ, có em thì có.
    -Em nghĩ bao giờ.
    -Sao em chạy trốn anh.
    -Em sợ…
    Thịnh cười vang:
    -Ðấy nhé, anh làm gì mà em sợ, chết coi chừng ngã.
    Tôi vướng chân ngã soài trên cát, Thịnh theo đà ngã xuống bên cạnh tôi. Mồ hôi chảy dài hai má, tôi nằm thở. Thịnh say đắm:
    -Trang, em đẹp.
    -Em không tin.
    -Anh noí thật mà, em đẹp kinh khủng.
    -Ai lại đẹp kinh khủng bao giờ.
    THịnh ghé sát má tôi, tôi lăn một vòng trốn, Thịnh lại lăn theo. Tôi dẫy nẫy:
    -Không chịu đâu, không chịu đâu, người ta cười chết.
    -Có ai mà cười.
    -Người ta cười.
    -Anh thương Trang thật.
    -Không chịu đâu.
    -Phải chịu.
    Chàng thở ngay bên gáy tôi. Cảm xúc chạy khắp người khắp chốn. Tôi run rẩy đẩy Thịnh ra:
    -Ðừng làm em sợ.
    Thịnh trìu mến:
    -Sao em sợ anh?
    Tôi vuốt tóc:
    -Em cứ sợ anh đó.
    Thịnh tình tứ:
    -Tại em chứ bộ.
    Tôi vênh mặt:
    -Tại em?
    -Sao không, ai biểu em đa tình.
    -Em mà đa tình.
    Thịnh gật gù:
    -Em đa tình như biển cả, em mát như biển.
    Tôi giận hờ:
    -Bỏ em ra, không chịu đâu.
    Thịnh cuồng nhiệt vươn hai tay ôm chặt lấy tôi, tôi đẩy chàng ra dằn dỗi:
    -Em không thích.
    Thịnh giận xầm mặt nói:
    -Em không yêu anh, anh biết em không yêu anh.
    Tôi đứng xa xa, nhìn Thịnh đăm đăm nhưng không nói. Thịnh lạnh lùng:
    -Anh phải có tự ái chứ, sao em đẩy anh ra?
    Tôi rưng rưng nước mắt:
    -Em không quen…
    -Em chưa bao giờ yêu ai?
    -Có, nhưng anh ấy không như anh.
    -Ai vậy?
    -Một người đã có vợ.
    -Em chưa hôn người ấy?
    Tôi lắc đầu, Thịnh dịu dàng:
    -Anh xin lỗi em.
    Tôi ngập ngừng:
    -Về đi anh.
    Thịnh buồn bã;
    -Em giận anh?
    Tôi lắc đầu:
    -Không, nhưng muộn rồi, về đi anh.
    Thịnh gàn bướng:
    -Anh không về.
    -Em ra đón xe về một mình cho coi.
    -Cho anh ôm em một chút đi.
    Tôi nghiêm mặt:
    -Không.
    Thịnh tiến đến gần tôi:
    -Chiều đẹp quá không ôm em phí của trời.
    Tôi dậm chân:
    -Em bảo đưa em về, lần sau em sợ em không đi với anh nữa đâu.
    Thịnh cười buồn:
    -Sao em nhát thế?
    -Về đi anh.
    -Ðòi về hoài vậy?
    Tôi rưng rưng muốn khóc, Thịnh dỗ dành:
    -Anh không làm gì em đâu, anh yêu em thật nhưng em phải hiểu rằng tình yêu là như thế chứ, ngồi xa hàng cây số nói yêu nhau được à?
    -Một thước chứ bao nhiêu mà nói một cây số.
    Thịnh bật cười:
    -Một thước cũng không được, phải một ly cơ.
    Tôi nguýt dài;
    -Một ly, thôi ông ơi, chết con người ta còn gì.
    -Sao em biết là chết.
    -Mẹ dặn.
    Thịnh cười xoà:
    -Thôi một mét vậy. Ngồi xuống đi, đừng nhìn nhau như tử thử vậy. Bộ em định xuống tấn đấu chưởng với anh hở?
    Tôi lại nhắc:
    -Cho em về đi anh.
    -Em đòi về hoài, anh ăn vạ đây cho coi.
    Tôi cười:
    -Không ngờ anh là thấy của em mà cũng ghê vậy chứ.
    -Không thầy bà gì hết, khi yêu một lũ như nhau hết, bộ làm thầy rồi không có quyền hôn?
    Nghe chữ hôn của Thịnh tôi càng hoảng, tôi dợm chân chạy nữa. Thịnh quàng vai dìu tôi đi:
    -Thôi đừng lo, để anh đưa về.
    Tôi hơi yên tâm đi dần lại chỗ đậu xe. Thịnh say đắm:
    -Chưa bao giờ em đẹp như hôm nay, cái mũ trắng làm em giống như thiên thần.
    -Thiên thần đâu có biết hôn.
    -Bởi vậy anh mới ham dạy, để anh dạy cho em.
    Tôi phụng phịu:
    -Anh kỳ quá, đi chơi thế này bộ anh không thích sao?
    -Thích chứ, nhưng không hiểu sao biết em chưa hôn ai anh thích dạy em ghê.
    Tôi vùng vằng:
    -Không nghe anh nói nhảm nữa, đưa em về.
    -Hôn nhau em cho là xấu à? Em khờ quá, đẹp chứ sao lại xấu.
    -Hôn nhau là hết, anh mà hôn em hết yêu anh liền.
    -Trái lại em sẽ yêu anh hơn, thử đi.
    -Không đưa em về.
    Tôi chợt nhớ Phong, nhớ khóc lên được. Chưa bao giờ Phong làm tôi buồn, chưa bao giờ Phong đòi hôn tôi. Lá thư Phong còn nguyên mùi giấy thơm còn nồng nàn dư vị vậy mà tôi vội vàng đi chơi với THịnh, tôi vội vàng quên chàng vì người đàn ông sang trọng trí thức này. Những lời thư đầm thắm vang vọng trong tôi từng chữ, từng lời. Tôi lạnh lùng noí với Thịnh:
    -Anh đừng coi Trang như những người con gái anh đã gặp, mỗi người một tính, Trang không nói họ sai nhưng Trang không phải là họ.
    Thịnh đành đưa tôi ra xe, suốt trên đường về chàng không thèm nói nữa câu nào. Tôi đành im lặng ngồi bên chàng mà nghe cách xa nghìn trùng, mà nghe băng giá mà nghe bùi ngùi.
    Nhìn Thịnh buồn tôi cảm thấy xót xa, hình như tôi yêu Thịnh, yêu Thịnh nhưng vẫn không quên được Phong. Thịnh vồ vập nên tôi sợ, đời đã cho Thịnh nhiều dịp giao tiếp với đàn bà nên tình yêu của Thịnh có vẻ Tây quá. Tôi sợ vì thế, và vì sợ tình yêu co dúm lại trong tôi không dám nở tung ra nữa.
    Tôi quen yêu những gì thâm trầm u mặc của tâm hồn Ðông phương. Tôi quen xúc động vì một cái nhìn tôi quen lao đao vì một lời nói. Tôi chưa quen những cử chỉ vồn vập, những va chạm làm tôi sợ phát khóc. Cảm giác lạ thật, thích thú thật, ngất ngây thật nhưng tôi vẫn sợ, sợ nhưng vẫn thích. Thích và sợ tạo nên trạng huống lằng nhằng giữa tôi và Thịnh, bởi tình yêu vốn đã lằng nhằng như sợi xích quăn queo.
    Cảm giác mạnh bạo khi Thịnh ngã dúi trên tôi vẫn còn, cát êm như chăn ấm gối êm và Thịnh như cơn bão táp, như cơn mưa nguồn. Tôi yêu Thịnh vì thế chăng? Rôì bây giờ khuôn mặt lạnh như tiền của Thịnh làm tôi khổ sở lẫn ăn năn. Xe về đến phố, nghẹt thở vì sự lặng lẽ giữa mình và Thịnh. Tôi nói:
    -Cho Trang xuống đây đi anh.
    Thịnh lạnh lùng mở cửa xe cho tôi rồi lao xe đi. Tôi nhìn theo không thấy Thịnh quay lại. Tôi thẫn thờ đạo phố chiều một mình, tôi mua bánh cho mẹ, mua kẹo cho tôi. Mua bất cứ cái gì nhìn thấy.
    Suốt buổi chiều còn lại, tôi nghĩ đến Thịnh hoài, bên cạnh vẫn hình bóng Phong. Uy nhi giữa đám đông nhiệt thành, từng giòng mồ hôi nhỏ xuống vì thương đời, trầm ngâm mỗi khi nhìn vì thương sót tôi. Tình yêu với chàng là đôi mắt ấy, là giọng nói âm thầm ấp áp. Bao nhiêu lần tôi đợi chàng hôn tôi và chàng đã không hôn. Và bởi vậy có lẽ đến chết tôi vẫn không quên nổi chàng.
    Tôi trở về nhà, mẹ ngạc nhiên đón tôi:
    -Ủa sao con lại về một mình, thầy giáo con đâu?
    Tôi bực dọc:
    -Ông đâu mặc ông chứ làm sao con biết được.
    Mẹ cau mày:
    -Hay chưa? Ông xin phép mẹ đưa con đi chơi, ông phải đem con về tận nhà cho mẹ chớ.
    -Con có phải con mèo con chớ chi mà phải dong đi dong về.
    -Con gây với mẹ phải không? Mẹ hỏi tại sao con về một mình, con trả lời cho mẹ đi?
    Tôi mím môi:
    -Con thích về một mình thì con về một mình, bộ cấm con về một mình.
    Mẹ dơ tay lên trời:
    -Cãi nhau phải không? Mẹ đã bảo mà, con có nghe mẹ đâu tính con nóng như lửa ở nhà quen mẹ chiều ra ngoài đời bộ ai người ta cũng chiều con hết. Con gái phải dịu dàng kín đáo người ta mới thương.
    Tôi gắt:
    -Ở đó mà dịu dàng kín đáo cho người ta thương. tại mẹ đấy.
    Mẹ trợn mắt:
    -Cái gì mà tại mẹ? Con ăn nói sao như con điên vậy.
    Tôi dấm dẳn:
    -Mẹ nói dịu dàng ý tứ phải không? Lầm, phải mở toang hết, phải nhảy lên ngựa chứng, phải vồ lấy họ kia họ mới hài lòng. Con nghe mẹ nên anh ấy giận con.
    Mẹ thừ người:
    -Con nói không đầu không đuôi mẹ chả hiểu gì hết.
    Tôi đi vào giường:
    -Con đòi xuống phố và ông ta không thèm chạy theo năn nỉ con ghét.
    Mẹ bật cười:
    -Có thế thôi?
    Tôi ừ hử:
    -Vâng có thế thôi, mà mẹ đừng nói chuyện ba cái ông đàn ông cho con nghe nữa, bực cả mình.
    Mẹ gắt:
    -Này cô lớn rồi đấy, ăn nói như con nít không ngửi được đâu.
    Tôi buông người xuống:
    -Con ngửi con được rồi, cần gì ai.
    -Hôm nay con lạ quá, hở một câu là cãi một câu? Mà ông ta có nói gì với con không?
    Tôi lắc đầu:
    -Không nói gì hết.
    Mẹ nhíu mày:
    -Lạ nhỉ? Chính ông ta ướm ý mẹ rồi cơ mà.
    -Mẹ noí ướm cái gì kia?
    Mẹ nổi cáu:
    -Còn hỏi với vẫn nữa, tại con hết.
    Tôi cau mặt:
    -Tại con?
    -Chứ còn gì nữa, con gái phải biết úp mở cho người ta nói, gì mà cứ cau có ra chó nó rước đi nữa. Rõ ràng ông ta nói xa xôi với mẹ sẽ tính chuyện hôn nhân với con, vậy mà cái mặt con cau có sao mà ông ta ngậm tăm luôn rồi.
    Tôi bật cười:
    -Thì ra ông nói với mẹ rồi, sao ông nói sao, mẹ nói lại con nghe coi.
    Mẹ vẫn chưa hết giận:
    -Tao có phải cái máy ghi âm của máy đâu, người ta nói xa mình phải trâu bò gì mà không hiểu.
    Tôi cười:
    -Thấy chưa, nghĩa là mới ỡm ờ thôi, ối ăn thua gì, đàn ông họ thích ỡm à lắm, đừng thèm tin mẹ.
    Mẹ thở ra:
    -Con học đến tú tài chứ cử nhân cử hậu vẫn ngu như thường, đến ế dài mất thôi. Ði chơi với đàn ông phải tươi tỉnh, phải dò ý tứ họ, phải khuyến khích cho họ nói chứ. Mày thua xa con chị mày rồi, nó ăn nói khôn ngoan hơn nhiều.
    Tôi giận dỗi:
    -Mặc kệ con, con ngu kệ con, không yêu kệ thây con.
    Mẹ hừ:
    -Này ăn nói với mẹ như thế đó hử Trang?
    Tôi dịu giọng:
    -Ai biểu mẹ la con hoài chi.
    Mẹ nghiêm nghị:
    -Vào tắm rồi sửa soạn ăn cơm, liệu với tôi đó.
    Mẹ có vẻ lo âu ra mặt. Tôi hiểu vẻ trí thức của Thịnh đã chinh phục được mẹ. Thịnh giận tôi rồi, tại sao người ta có thể giận nhau dễ dàng thế nhỉ? Không biết Thịnh có đến thăm tôi nữa không? Tình yêu như bóng mây, có đó rồi không đó. Cũng đành phải không anh? Bởi làm sao tôi cưỡng được mệnh trời?
    

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)

Bản Tango Cuối Cùng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh