Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Đại tá không biết đùa Tác Giả: Lê Lựu    
    Sự phẫn nộ bừng nóng khuân mặt anh. Anh rụt chân ngồi ngay ngắn lại. Anh gắng tươi tỉnh, vừa tìm từ thích hợp, vừa ra hiệu cho cô hiểu anh phải về Việt Nam.
    Anh đã có vợ con, anh rất sợ kỷ luật của bộ đội Việt Nam. Cô gái cũng vừa nói vừa ra hiệu giải thích rằng: Cô không giữ anh ở lại, cô không theo anh đi. Rằng cô chỉ cần một đêm nay, anh cho cô một đứa con, rồi anh đi ngay. Rằng, cô đã đứng ở trong phum nhìn ra mặt đường để thành điên dại mới gặp được anh. Nói xong, cô cúi xuống chờ đợi sự ban phát. Anh lính Việt Nam gốc ở một làng quê mặc cả: “Xong việc” tôi đi luôn về Việt Nam đấy. Cô gái gật đầu chấp nhận. Nếu có con thì sao? Cô nghiêng nghiêng mặt chưa hiểu. Anh hỏi lại. Cô reo lên: Ô, có hả? Trời ơi, thế thì sung sướng cho em lắm! Cứ để mình em nuôi thôi. Khi nào bộ đội thích thăm con, bộ đội sang. Không thích thì cứ để em dạy con thương bộ đội. Thương anh bộ đội Việt Nam thật nhiều. Chắc chắn không có phiền hà cho hiện tại và mai sau, anh đứng dậy đi đi lại lại. Động tác của anh như còn phải phân vân nghĩ ngợi, như là hít thở lấy làn không khí mát mẻ của ban đêm cho sức mình mạnh mẽ hơn. Một người đàn ông chưa vợ, nhưng thừa những nếm trải, biết cách làm cho người con gái tận hưởng niềm sung sướng điên cuồng khiến cho anh chột dạ. Anh thì thào hỏi cô. Bọn Pốt có phát hiện ra chúng mình? Nhưng cô không để ý. Công việc của cô lúc này là dùng đôi tay chắc ghì siết lấy cổ anh, để tiến tới chót vót của sự thỏa thuê. Nhưng anh không còn cả sức lực lẫn tình cảm. Anh trở thành kẻ thất bại. Anh ngủ và ngáy ngay khi cô đang ở trạng thái không bình thường. Lúc lâu sau cô mới nhẹ nhàng nâng mình lên. Đặt anh sang bên, lấy khăn đắp cho anh và quỳ xuống ngắm nhìn khuôn mặt mệt mỏi và vô tư, như muốn nuốt lấy, giữ gìn lấy cái hạnh phúc bình thường như tất cả mọi người ở thế gian này. Chỉ vậy thôi mà cô đã phải thách đố với cả bom đạn và dư luận bao tháng, bao ngày mới được giây phút ngắn ngủi! Rồi lại mất ngay bây giờ sao? Anh không thể ở với em? Nước mắt cô trào ra. Nhưng phải giữ lời hứa. Đã không thể giữ được anh, cô đàng đứng dậy rón rén bước đi trên những tầng lá mục. Gần sáng cô trở lại với một túi cơm, một gói đường, một bi-đông nước, một khẩu AK và băng đạn cô nhặt được ở cạnh đường cách đây hai tháng. Rất may mắn cho anh, có khẩu súng phòng thân. Anh đã trả ơn cô bằng những cái hôn giữa những vòng tay ghì siết lấy hai con người như không bao giờ muốn rời ra. Nhưng anh phải ra đi. Anh không đi ra đường tìm gặp bộ đội Việt Nam theo tay cô chỉ, mà đi ngược lại vào sâu trong khu rừng hoang vắng. Anh chạy trốn cả hai phía. Cốt sao sống để tìm về nước. Ở quê hương mình, với một người mẹ sẵn sàng gánh chịu mọi tội lỗi cho con, anh sẽ nhận lấy mọi hình phạt để mẹ không bị đơn côi lạnh giá. Lúc ấy mẹ sẽ hiểu rằng, anh không phải là kẻ hèn nhát ở bất cứ phía nào trong nghĩa vụ của người công dân.
    Đi và sống trong rừng, nơi có nhiều biệt kích đi phục kích quân ta và cũng có rất nhiều đơn vị của ta phân tán lùng sục quân địch. Chỉ có cách đi lặng lẽ mới tìm ra những nơi ẩn náu để hai bên đều không thể phát hiện. Cũng ở trong rừng, anh mới biết có đơn vị của ta truy quét quân địch một cách qua loa dối trá, cốt cho xong nhiệm vụ. Đôi khi để đánh chiếm mục tiêu, họ bắn tất cả các loại đạn của tất cả các loại súng, tự làm lộ mình cốt để cho quân giặc biết, chúng bỏ chạy, mình tiến quân yên tâm hơn. Không cần thống kê số liệu để báo cáo với ai, nhưng anh tin mình nhớ tất cả mọi việc kể cả thất bại và thành công, kể cả sự liều lĩnh lẫn cao thượng của chính mình. Bốn lần anh nổ súng vào bọn “Pốt” phục kích chuẩn bị phụt B.41 vào xe đạn của ta. Lần nào anh nổ súng cũng có kết quả, dù nó không chết thằng nào. Quan trọng là nó không thực hiện được ý định. Nghe tiếng nổ nó bỏ chạy, xe ta đi qua an toàn, thế là anh hoàn thành nhiệm vụ, nhưng những nhiệm vụ không ai giao, không ai nghe, co nghe cũng không thể tin. Nhưng anh thấy nhẹ nhõm sảng khoái. Chỉ cần thế. Anh lại tiếp tục đi. Có bảy lần nữa anh bắn bọn gài mìn chống tăng đang hí hoáy đào bới trên mặt đường. Hai thằng trúng đạn chết. Thật ra anh không muốn thấy nó chết, cứ muốn nó bỏ nhiệm vụ mà chạy. Nhưng cái lần ấy trông hai thằng thật đáng ghét, chúng hăm hở với công việc mình làm, cái công việc sẽ giết hàng chục người ấy, chúng hăm hở một cách hãnh diện, cáu tiết anh cho một điểm xạ. Hai thằng lăn vật ra kết thúc cái vinh quang của những kẻ háo hức làm ra chiến công. Cái bản chất anh hùng nhất của những kẻ tàn quân Pôn Pốt là thập thò lén lút. Dù thằng to hay thằng nhỏ, thì dáng điệu đứa nào cũng như chuột nhắt, nghe tiếng hô là chạy, rất hãn hữu mới đối mặt với đối phương. Hiểu quy luật ấy, Tùy không bao giờ tấn công bọn chúng ở rừng sâu. Trong chốn rừng sâu ấy, anh tìm cách tránh nó hoặc nghi binh để nó tưởng có cả một đơn vị đang truy lùng. Nhưng chủ yếu là anh theo chúng để tìm ra đường chính. Khi đó anh vừa có hướng đi vừa làm cho địch tan mọi ý định và chạy. Cũng có hai lần anh bị nó quây định bắt sống, phải bắn hết đạn và doạ nó, rồi vác súng chạy thục mạng. Tuy vậy, chưa khi nào anh gặp địch anh thấy hoảng bằng chạm phải đơn vị của ta. Trốn được ta để đánh được giặc rất khó. Nhưng anh cũng tìm được bí quyết riêng. Một con người ẩn nấp giữa những cánh rừng bao la có gì là khó. Một mình mình chịu trách nhiệm, một mình lo toan cho mình cũng dễ. Ngay cái ăn là mối lo muôn đời của những người phiêu bạt anh cũng cảm thấy nó nhẹ nhõm. Tất nhiên, phải dùng đủ mọi thủ đoạn bẩn thỉu như ăn vụng, ăn trộm không để lại dấu vết. Thực ra, với một đất nước chỗ nào cũng gặp trái cây, cũng kiếm được rau, cũng bắt được cá thì sự kiếm ăn cũng không đến nỗi quằn quại chờ đợi như những ngày chờ nước, chờ lương thực trên cao điểm. Anh sống an toàn vượt qua dược tất cả mọi trở ngại lớn, tránh được tất cả các cuộc lùng sục tìm kiếm của ta và sự rình rập của địch. Đã có ba lần các đơn vị quân đội Việt Nam sục sạo những khu rừng địch đã đi qua và cả những khu rừng anh đang ẩn náu. Cô gái Căm-pu-chia cũng đi tìm kiếm anh. Cô đi vì nỗi lo sợ cho anh, vì hy vọng, vì muốn xoa dịu nỗi thèm nhớ, khát khao, chứ tuyệt nhiên không để bắt anh mắc míu vào sự ràng buộc nào. Cô đi một mình cả mười ngày, rồi bốn tháng sau cô dẫn một trung đội bộ đội Việt Nam cùng đi tìm kiếm anh theo mệnh lệnh của tư lệnh. Nhưng cả cô gái và các chiến sĩ đều vô vọng. Điều anh lo sợ nhất đã không xẩy ra. Cái anh coi thường nhất lại ập đến bất ngờ. Một tiểu đội lính Pôn Pốt đã phát hiện và đi theo anh suốt một ngày mà anh không hề hay biết. Đến chiều, lúc rừng đã sẫm lại chúng chia thành hai mũi đã bao vây. Ở mũi chạy vòng lại phía sau, do sơ suất, chúng đã để phát ra tiếng va chạm của kim loại. Một băng đạn rơi! Một cú vấp ngã súng đập vào đá! Một cú nhảy, xẻng va vào cuốc chẳng hạn. Lúc ấy anh đang đứng lặng áp tai vào một thân cây nhỏ, thói quen trước khi trời tối: nghe động tĩnh xung quanh, rồi đáng động chỗ này nhanh chóng luồn đi thật xa như mọi lần anh vẫn cảnh giác. Sự sơ suất của đối phương giúp anh nhanh chóng phát hiện và khéo léo buông tay nậy chốt an toàn khẩu tiểu liên, rồi ngồi thụp xuống luồn ra chỗ khác. Tốp địch phía sau thấy mất mục tiêu ào ào chạy lên. Anh bình tĩnh quay mũi súng vào phía chúng. Chỉ cần nửa băng đạn, cả sáu tên đã ngã xuống. Nửa băng còn lại anh dành cho bốn tên ở phía trước, nhưng chúng còn cách quá xa, nên chỉ làm một thằng chết, một thằng bị thương. Hai thằng sống thì một bỏ chạy, một quỳ xuống phụt B.40. Anh nhẩy sang hướng khác, khi phát đạn sắp sửa bùng lên. Biết còn một thằng vừa bắn mình, anh xô lại quát bằng tiếng Căm-pu-chia bắt nó giơ tay thì nó lại quỳ xuống lạy anh bằng tiếng Việt: Em xin anh tha tội chết. Anh tức giận đạp hắn ngã lăn ra nằm như chết. Đứng nhìn một lát trước cái đống thịt bất động mềm nhũn ấy anh vội vàng nắm cánh tay lay lay. Cái vốn tiếng Việt đã nói hết, lúc này hắn không thể nói gì hơn. Nói tao tha, không nói tao bắn. Tên tàn quân cuống quýt chồm dậy. Hắn mừng rỡ có thể kể lể van xin rằng hắn sợ chết, nên cứ phải đi theo Pôn Pốt. Hắn có vợ, một con. Nếu muốn cứu hắn, phải cứu cả vợ con hắn. Khi mày bắn tao, mày có nghĩ tao cũng có vợ, có con không? Dạ, nhiệm vụ, thấy giặc không bắn cũng chết. Cứ bắn cho xong, trúng đâu thì trúng. Vừa rồi tôi biết anh bắn chết cả tốp bên kia, tôi sợ lắm, nhưng không bắn anh thằng bên cạnh nó cũng bắn chết tôi. Tôi phải bắn, bắn cách xa xa một chút. Vậy là anh đã cứu tôi! Dạ, không phải thế. Em chỉ bắn cho thằng kia nó tin là cũng căm thù anh, cũng muốn giết anh. Thằng kia là chỉ huy? Không phải đâu. Nó cũng như em, phải tuân lệnh chỉ huy. Chỉ huy bảo các anh độc ác lắm, phải căm thù, phải đổi mạng mình nếu thấy cần thiết, để bắn chết các anh. Thằng kia chạy thoát thì về nhà hay về đơn vị? Nó có mẹ già và con vợ rất trẻ, nhưng nó phải chạy về đơn vị? Còn anh? Nếu tôi tha, anh có về nhà không? Dạ, thực em rất muốn về, nhưng quê em được bộ đội Việt giải phóng, mà ban đêm vẫn có hoạt động. Nghĩa là anh sợ trả thù? Thưa đúng. Nếu bộ đội cứu em, bộ đội bắn vào chân em một phát. Để anh gẫy chân? Dạ, gẫy một chân mà được ở với vợ con. Tôi không làm được việc đó. Quê anh cách đây xa không? Dạ thưa, sát Biển Hồ, thuộc huyện P. Tôi sẽ đưa anh về nhà. Không, không được. Cám ơn bộ đội, em sợ lắm. Bao nhiêu người ra đầu thú trở về gia đình làm ăn thì sao? Quê em bọn nó còn lén lút về luôn. Ở đấy không có bộ đội Việt giúp hay sao? Trước đây em về “hoạt động” phải tránh bộ đội Việt. Nhưng bây giờ bộ đội Việt rut cả về huyện rồi. Tôi sẽ đưa anh về và bảo vệ anh, rồi tôi tìm cách tổ chức lực lượng du kích đủ mạnh để bọn Pôn Pốt phải ra khỏi làng, dân chúng yên ổn làm ăn. Dạ, cảm ơn bộ đội Việt. Nhưng bộ đội cứ bắn vào chân em. Bắn vào chân không đi được. Bắn vào tay trái được đấy, bộ đội ơi. Thôi được, cứ đi về đến gần nhà anh, tôi sẽ bắn. Còn phải đi hàng tháng trong rừng, anh què quặt tôi nuôi làm sao. Được đấy, bộ đội ạ. Rồi tôi cũng nghĩ cách bắn thế nào, bắn vào chỗ nào để anh khỏi què quặt nữa chứ. Bộ đội nghĩ giỏi quá. Em và bộ đội đi về quê em, rồi bộ đội bắn em để em không què quặt, nó cũng không nghi được em. Hai người đi như hai người bạn cùng tiểu đội vừa kiếm ăn vừa tránh địch, tránh ta. Sao lại sợ bộ đội Việt minh, hở bộ đội? Vì tôi dẫn anh đi, bộ đội tưởng tôi theo địch, nên phải tránh. Tránh đến khi nào tôi luyện tập cho du kích quê anh giữ gìn được làng, tôi mới trở về đơn vị và không phải tránh bộ đội Việt. Thế bộ đội Việt không thích luyện tập cho du kích vùng em à? Có. Nhưng người ta có kế hoạch, có tổ chức. Còn tôi, tôi quý anh, trốn đơn vị đi giúp các anh, không có ai người ta cử, hiểu không? Dạ dạ, em hiểu, em cảm ơn bộ đội Việt nhiều. Nhưng vì lý do gì đó tôi phải trở ngay về đơn vị thì cũng phải hiểu, nghe không. Phải nói trước điều đó, vì biết đâu bất thình lình chạm trán những đơn vị “địa bàn” hoạt động. Làm sao để khi “mình chuồn” mà anh ta không thể nghĩ xấu về những người lính của mình. Hơn nửa tháng sau, hai người có thể gọi được là đôi bạn từng quen những nơi đói no, lặn lội vượt qua cái chết, che chở cho nhau, họ trở về đến quê hương người lính tàn quân Pôn Pốt. Lúc này cả đơn vị của mặt trận đã nắm được dân, bọn tàn quân được lệnh “nằm im” và rút chạy. Vốn có thói quen vừa đi vừa “nghe”, vừa “cảm” và phán đoán, Tùy nhận ra những đám tàn quân đi trong rừng đêm đêm có vẻ hốt hoảng, lo sợ. Như thế có nghĩa là quân ta đã có mặt ở vùng này. Anh quyết đinh không bắn sát thương người bạn cùng đi. Người lính kia nắm lấy tay anh, run rẩy xin cứ làm đúng như lời đã hứa. Tình hình đã thay đổi, không nên máy móc tự hủy hoại mình làm gì. Nếu thực sự “Pốt” còn đe doạ anh, tôi vẫn ở quanh đây, tôi có trách nhiệm bảo vệ anh và tôi sẽ huấn luyện cho du kích của phum giữ được quê hương như đã bàn với nhau. Nhưng bây giờ tình hình khác quá rồi, bọn tàn quân đang hoảng sợ, chúng không dám làm gì anh đâu. Anh ta nhất quyết không rời Tùy và không nghe lời anh giải thích. Nói thế nào anh ta cũng không chịu. Bởi vì anh không thể giải thích cho anh ta hiểu rằng chính tôi cũng đang bị truy lùng. Người ta kết án tôi là kẻ phản bội Tổ quốc. Ngay cả người cha của tôi, tôi cũng không muốn ông phải nhìn thấy con đứng trước tòa án binh. Tôi không muốn mẹ tôi phải chết hai lần về nỗi nhục nhã khi tôi chưa ở bên mẹ để mẹ hiểu rằng tôi không bao giờ, không thể bao giờ tôi là kẻ phản bội cha mẹ mình. Anh đứng lặng đi khiến người bạn sợ có một mối đe doạ gì đấy để bộ đội Việt phải lo, phải buồn. Anh ta túm lấy tay Tùy: Em không về với vợ con em nữa. Em ở ngoài rừng cùng anh phục chúng nó. Có anh, em không sợ. Không! Tôi đưa anh về. Phải đến quá nửa đêm họ mới thống nhất quyết định với nhau: Người lính kia phải về nhà, anh ta về một mình còn Tùy phục ở ngoài. Người lính ấy sẽ hỏi mẹ và vợ xem thái độ của hai người thế nào, tình hình ở nhà ra sao, rồi người lính trở ra và họ sẽ quyết định, xem Tùy có vào nhà anh ta không? Sẽ không trở ra với hai trường hợp như sau: Một, có bộ đội Việt Nam trong nhà thì đốt đèn sáng lên. Hai, có “Pốt” trong nhà phải reo lên: Ô may quá, tôi bị Duôn phục kích, chạy về đây. Trường hợp nào cũng không được có bất cứ cử chỉ gì để bị nghi là có người ở ngoài. Xử lý tình huống nào, theo cách nào do người ở ngoài quyết định. Phải làm sao để anh không bị nghi vấn có sự liên quan. Bàn đi, bàn lại, dặn dò mãi, mà khi rời tay Tùy trở vào nhà, anh ta ngã rúi rụi không biết vì hoảng sợ hay vì mừng rỡ. Mẹ và vợ con anh cùng reo lên vì không ngờ anh còn sống trở về.
    Vợ anh vội vã đI châm đèn, anh lấy tay giữ lại. Chỉ dăm phút sau anh đã chạy uỳnh uỵch Tùy vừa nói vừa thở. Anh ta cứ trầm trồ khen Tùy giỏi. Từ ngày ở giữa rừng, anh đã biết tàn quân chuồn đi hết, bộ đội Việt đã trở về xây dựng du kích và cho những người bỏ hàng ngũ Pôn Pốt trở về với gia đình học tập.
    Nhưng bộ đội Việt không ở nhà ai. Anh vào nhà em, mẹ em, vợ em rất mong được anh vào nhà. Em đã nói, nhờ có anh nên em sống, mẹ em khóc, còn vợ em bắt em phải nhanh chóng ra mời anh. Hoảng hốt và bực bội vì anh ta đã làm lộ bí mật, đã sai lời giao ước, nhưng trước tình cảm của anh ta lúc này, Tùy không nỡ nói điều gì. Anh phải dặn người lính kia về nói với mẹ và vợ anh ta làm sao đừng để ai biết anh. Nếu chuyện lộ ra tức là đã cầm súng bắn anh rồi đấy. Không, không. Cả mẹ và vợ em giữ kín lắm. Nếu ai biết có anh, em xin cầm dao tự chặt đầu mình. Bằng mọi cách anh ta nói cho Tùy yên tâm. Anh ôm lấy bạn nức nở khóc như một đứa trẻ xa mẹ. Không thể dùng dằng mãi ở đây, có nguy cơ gặp lính trinh sát của ta, anh phải ôm ghì lấy bạn, rồi xin phép ra đi. Người bạn Căm-pu-chia ra hiệu cho anh chờ để mình chạy vào nhà. Anh ta cuống quýt cho đường, gạo nếp, cao trăn, quần áo chật ních vào chiếc bao lô “cóc” lộn ngược (của bộ đội Việt kỷ niệm cho gia đình) bê ra cho Tùy. Đến bây giờ thì người ra lệnh kiên quyết và mạnh mẽ bắt Tùy phải nghe theo lại là anh ta. Tùy không muốn dùng dằng lâu thêm, đành cảm ơn và nhận chiếc ba-lô ra đi. Chính đêm ấy, anh gặp Hoài. Gặp ngay trên đường cách nhà anh bạn Căm-pu-chia chừng vài ki-lô-mét. Một cuộc gặp gỡ đột ngột như sét đánh. Dưới ánh trăng mờ mờ anh nhìn thấy em, nếu không phải là dáng một người con gái, thì anh đã chạy thục mạng bất kể cái bóng đen đó là ta hay là địch. Nhưng khi thấy anh, Hoài đã chạy gấp và nhanh chóng ôm choàng lấy anh: Em đây, Hoài đây, anh ơi! Vẫn tưởng gặp ma hay mình nằm mê, anh không hề nói năng, không hề nhúc nhích mặc cho nước mắt em đã ướt đầm vai áo mình. Thực ra cái tình yêu trong cô không thể mạnh mẽ như những ngày anh chuẩn bị lên đường. Ra đi như một sự thách đố, cô sẵn sàng chết, sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình cốt để chứng tỏ cô cũng giữ một tình yêu chung thủy duy nhất, chứ không phải sẽ bỏ đến thằng thứ một trăm. Cũng không thể là “Cuộc tình nào cũng biết giả đau” như kẻ đã nhân danh người lính làm cho anh trở nên mù quáng! Nhưng sự thủy chung ấy là gì, nếu không để đạt tới sự thỏa mãn trong tình yêu của cô. Những ngày tháng qua cô hành động với một ý thức “mất” và “được” rõ ràng, sòng phẳng, không thể chỉ là dài đặc những năm tháng mòn mỏi nuôi lời hứa hẹn không căn cứ, không thể hy vọng và thủy chung với cái không còn có thực ở đời. Điều ấy cô đã biểu hiện từ mất tháng trước khi biết nguồn gốc “mất tích” của người yêu mình. Thái độ mập mờ của đại tá lúc gặp cô đã báo cho cô một điều gì đó không bình thường ở Tùy. Cô tìm cách xin cơ quan tiền phương của Bộ tư lệnh, rồi tìm cách đi X, tìm cách đi B, đi lên điểm cao 1224. Trả lời cho những vất vả lặn lội của cô là tin Tùy đã phản bội Tổ quốc, bị ta bắt, bị địch phục kích và từ đó không ai biết gì thêm. Cô mất người yêu! Cô mất công bỏ ra hàng năm nay, sức lực và nhan sắc bị tàn phai cốt để háo hức được giãi bầy, được đền bù, được chứng minh một tình yêu thủy chung. Tất cả đã bị hẫng hụt cô cảm thấy xấu hổ vì sự thách đố đã rơi vào khoản trống vô vọng. Cô quyết định sẽ trở về. Cô đã tự nguyện ra đi, bây giờ cô thấy cần thiết phải quay về. Suốt tuần lễ nằm bệnh xá của một sư đoàn, cô đã thấm thía hết nỗi đau đớn tủi nhục, đã hiểu thế nào là cay đắng của những thất bại thời trẻ trung, ngây thơ, bồng bột. Trời thì dửng dưng, mà đất lại vô tình!
    Cô không co cả bố lẫn mẹ. Hai người bỏ nhau, mỗi người gian díu với một nguồn vui mới, cô bơ vơ giữa sự hờ hững của họ. Bởi quá khô cằn trong tẻ lạnh, cô dễ dàng “bốc cháy” trong lửa ấm của con người. Cô thèm khát một gia đình và bằng mọi giá chiếm đoạt nó! Phải đâu cô buông thả trôi nổi cho thỏa mãn những đòi hỏi tầm thường. Cô sai lầm bởi vì cô quá tin, cũng như tất cả đàn bà đều sai lầm với niềm tin dễ dãi và mù quáng trước sự biến mất của con người và xã hội. Phải đâu cô cốt sống qua ngày.
    Buổi sáng ở trạm xá kiểm tra sức khỏe, người ta bảo cô đứng vào bàn cân, cô hiểu vì sao mình đã sút năm ki-lô-gam rưỡi so với mấy tháng trước. Những cái sức lực của người con gái tuổi dậy thì đang sa sút cũng không làm cô lo lắng, nếu không có cái bệnh đột nhiên buốt đến điếng người và tai ù đi như có ai đóng trên đỉnh đầu.
    Trung tướng tư lệnh mặt trận nhân chuyến đi kiểm tra đã đón cô về trên chiếc trực thăng của ông. Ông thuyết phục cô cũng bằng sự sòng phẳng rõ ràng. Chỉ có những ý kiến tham khảo, tuyệt nhiên không có mệnh lệnh toát ra từ ông, dù ông đã báo cho cơ quan quân y tiền phương bộ: từ nay cô tạm thời thuộc quyền quản lý của phòng quân y mặt trận. Ông cho cô biết kết luận trường hợp của Tùy trên cao điểm 1224 là do hoàn cảnh tạo nên, họ là những chiến sĩ tốt. Không may sa vào tay địch, họ đã chiến đấu dũng cảm để trở về đơn vị. Những người chết được coi như liệt sĩ, còn Tùy… nó có thể “vẫn còn sống”. Ôi bác ơi, anh Tùy còn sống? Cho đến nay tin tức chưa chính xác, nhưng chắc chắn đã có một người phụ nữ Căm-pu-chia cứu nó và chôn cất cho bạn nó. Sau bốn tháng chị ta đã dẫn trinh sát đi tìm. Gần đây nhiều tin khẳng định cậu ta còn quanh quẩn trong những khu rừng quanh huyện P, gần vùng B. Bác ơi có cách nào tìm được anh ấy? Mặt trận đã mở một chiến dịch ngăn chặn sự vận chuyển của địch, trong đó có việc tìm kiếm nó, nhưng… Bác có thể cho cháu đến đấy được không? Bác đón cháu về với ý định ấy… Liệu có còn hy vọng gì không ạ? Bác không thể biết. Bây giờ đi hay không là tùy ở cháu quyết định. Cháu vô cùng cảm ơn lòng tốt của bác. Lúc nào có thể đi được ạ? Thời gian cũng lại do cháu. Lúc nào cháu đi được, bác báo cho đội trinh sát dẫn cháu đi. Cháu quấy rầy bác nhiều quá. Bác tha cho cháu, thế này có được không ạ? Cháu cứ nói. Vấn đề là tìm thấy nó, không cần câu nệ vào bất cứ việc gì? Nếu có thể được, bác cho cháu xin khẩu súng và tấm bản đồ. Cháu đi một mình. Bản đồ vùng ấy và súng thì dễ, nhưng cháu phải đi với đội trinh sát. Bác biết đấy “thân gái dặm trường” cháu đâu có ngại. Từ bên nước mình sang đây chỉ chưa đầy một tháng cháu đã đi hầu hết các vùng biên giới bạn, phần lớn là đi một mình. Đằng này cháu phải đi trong rừng lần tìm từng gốc cây bụi rậm? Cháu phải tính đến hiệu quả của công việc! Sao lại lụy vào hình thức đi đứng. Cháu thú thật, cháu không muốn đi với con trai trong những trường hợp nguy hiểm phức tạp. Với lại… cháu thích một mình tìm ra anh ấy. Chính bác cũng nghĩ thế, có khi hàng sư đoàn không tìm thấy được vì nó sợ hãi phải lẩn trốn, nhưng nghe có cháu nó lại tự tìm ra… Dạ… cảm ơn bác. Nghĩ đến điều ấy, nên bác mới nghĩ đến việc đón cháu, nhưng mà… nguy hiểm quá. Bác thông cảm cho chúng cháu. Chúng cháu thích được dành riêng cho nhau những điều bất ngờ. Thôi được, bác chiều cháu. Bác rất mong có được điều bất ngờ vui vẻ ấy. Cháu chả biết nói thế nào với bác lúc này. Có quan trọng gì chuyện đó. Cháu định bao giờ lên đường? Chiều nay xin bác cho cháu đi luôn. Vội vàng thế? Ừ, thôi được. Bây giờ thì mọi việc cháu phải tự quyết định lấy, bác chỉ mong cháu tính toán sao đỡ phạm sai lầm nhiều. Dạ, trước khi đi, cháu nên qua bệnh viện gặp bác Thủy một chút. Bác ấy đang nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, rất mong sự có mặt của cháu lúc này. Dạ!
    Nói như thế, nhưng đến buổi chiều ra đi cuống quýt mong chóng đến nơi, cô đã quên không bảo đánh xe qua bệnh viện. Tuy nhiên, chuyện ấy chưa quan trọng bằng khi nhớ ra mình đã quên, cô không hề ân hận gì. Điều đó không có chỉ ở cô, ở cả người con trai của ông. Họ chỉ luôn chờ đợi lo toan và sẵn sàng phê phán ông đã làm được những gì, những gì còn chưa đáp ứng thỏa mãn yêu cầu của họ. Họ thường hay “quên” và rất vô tình với những đòi hỏi của ông, với những gì ông lo toan và những nhu cầu cần thiết của những người già. Thành ra ông thì lo toan cho họ quá nhiều, đến mức trở thành độc ác, mà họ lại nhớ về ông quá ít, đến mức vô trách nhiệm.
    Với giấy giới thiệu của mặt trận và thư riêng của trung tướng gửi cho ban chỉ huy chiến dịch ở huyện P. HoàI trở thành nhân vật tự do, hoàn toàn hành động theo ý muốn.
    Chiếc U-oát của tư lệnh mặt trận đưa cô đến Sở chỉ huy trung đoàn 400. Bí thư huyện ủy là chỉ huy trưởng chiến dịch, trung đoàn trưởng và trưởng ban quân sự huyện là phó, nhưng thực chất là toàn bộ công tác tham mưu và các kế hoạch hiệp đồng tác chiến, công tác hậu cần… đều do trung đoàn trưởng quyết định. Anh sẵn sàng làm mọi việc theo yêu cầu của cô, ngoài cả quy định của mặt trận. Ngay chiều hôm đó, bộ chỉ huy chiến dịch họp mở rộng đến chỉ huy trưởng các tiểu đoàn và đại đội trực thuộc, anh yêu cầu các đơn vị kể cả bộ đội địa phương và dân quân các phum sóc, nếu gặp cô xem giấy giới thiệu đặc biệt gồm hai thứ tiếng Việt Nam - Căm-pu-chia do bộ chỉ huy chiến dịch cấp, phải tạo mọi điều kiện giúp đỡ những gì cô yêu cầu. Dù ai cũng hiểu, trong chiến dịch có thêm nhiệm vụ tìm kiếm phát hiện dấu vết của một chiến sĩ quân tình nguyện bị lạc, nhưng chưa hình dung hết mức độ quan trọng của nó như lúc này. Cô ta là vợ, là người yêu, hay chị em của chiến sĩ bị lạc? Hẳn là thế. Nhưng việc gì phải tha thẩn một mình giữa rừng rú trúng đạn lạc chết như chơi. Nguy hiểm lắm, đề nghị nghĩ lại. Nếu là quyết định của trên bắt cô ta làm việc này, xin nghiên cứu những lợi hại của nó? Nếu là đề nghị của cô ta hoặc ai đó, thì cũng nên nghĩ rằng đây không phải là trò đùa. Chúng ta đang làm một công việc hệ trọng, nghiêm túc, không thể để một cô gái dẫn diệu như hề. Ai sẽ bảo đảm tính mạng cho cô ta. Mà việc tìm kiếm chiến sĩ bị lạc đã được kết luận là hết hy vọng rồi kia mà! Chả nhẽ các đơn vị nói dối, hoặc cấp trên không tin anh em!
    Đại tá phó tham mưu mặt trận có nhiệm vụ như một tổng chỉ huy chiến dịch thấy những ý kiến hầu hết của các đơn vị chủ lực quân tình nguyện là có lý, dù hơi gay gắt. Ông trầm ngâm, rồi với tay nhặt lá thư của tư lệnh mặt trận để trước mặt trung đoàn trưởng trung đoàn 400. Ông đọc và nghĩ ngợi khiến mọi người chăm chú chờ quyết định của ông. Chắc chuyện này có yêu cầu của cô bé và anh em trong cơ quan. Trước tình cảnh bối rối của cấp dưới, tư lệnh muốn biểu hiện một tình cảm an ủi để chia sẻ. Nhưng thư viết chung chung thôi, làm gì có những yêu cầu cụ thể như trung đoàn trưởng vừa phổ biến. Tuy vậy ông thấy chính mình cũng không nỡ cải chính. Phần thông cảm thương hại của bạn mình, phần với cộng tác tham mưu lão luyện, đến lúc này ông thấy không nguy hiểm gì lắm, ông nói. Bao giờ cũng chỉ “tham gia”, nhưng lại là những quyết định không thể thay đổi. Thôi, chả có gì lớn lắm đâu, các đơn vị cứ chấp hành ý kiến của đồng chí phó chỉ huy chiến dịch. Ông cũng gặp riêng Hoài, nghe cô trình bày nguyện vọng của mình. Đó là buổi tối thứ nhất đến huyện P. Cô bồn chồn cầu mong một sự may mắn thần tiên và cả những dự tính cho sự rủi ro thất vọng có thể là lần cuối cùng. Mới đêm trước, khắc khoải trong nỗi đau đớn cầu mong, đêm hôm sau đã gặp anh. Trời ơi, anh có tin vào thần thánh không, anh. Em rất tin vào số phận. Mấy tháng trước khi biết chuyện xẩy ra với anh, em đã thức liền năm đêm, đến sáng thứ sáu thì trông thấy anh vác súng AK tóc trùm đến vai, râu ria xồm xoàm, quần áo rách tả tơi hệt như bây giờ. Em đã hét lên chạy theo anh và ôm lấy anh khóc. Lúc ấy có người gọi dậy ăn sáng, em vội vàng ôm ghì lấy anh để giữ anh lại, thì chỉ còn chiếc gối ướt đẫm nước mắt. Cô kể với anh những giấc mơ khủng khiếp, những giấc mơ thần tiên như lúc này. Ấy là khi cô chứng minh cho anh lòng chung thủy của mình bằng những việc làm, những hy sinh lớn lao mà ở đời này, cả đời người không có một người đàn bà nào làm được như thế. Cô bấm đèn pin soi nhằng nhằng xung quanh để lục tìm sổ sách, sự phóng khoáng vô ý của cô làm Tùy hoảng sợ, mồ hôi anh toát ra, anh vội vã chộp lấy tay cô ấn cái ánh sáng ấy xuống đất, rồi tắt nó đi. Biết duyên cớ của sự hoảng hốt ấy, cô kéo đầu anh gục vào vai mình, cười phá lên có phần giễu cợt. Đất này là của chúng ta rồi: “Pốt” không dám bén mảng đến đây, còn quân tình nguyện, người ta đang làm việc để rước anh về đấy. Cô kể cho anh nghe kết luận mới nhất của mặt trận, sự quan tâm của trung tướng tư lệnh và tất cả mọi người. Khi anh đã trấn tĩnh lại, cô mới bấm đèn tìm tờ báo đăng những bức ảnh tiết mục kịch được giải nhất của cô, những bức ảnh anh đã nhận được như những quả bom rơi trúng đầu đều có trong phóng sự của một số tờ báo đặc biệt. Rồi bao nhiêu giấy tờ bao nhiêu thư từ của mẹ, của những người lo toan đến hạnh phúc của chúng mình.
    Nhưng em hỏi tại sao anh lại nghĩ về em xấu đến thế? Vì anh sợ mất em! Sợ mất? Sợ mất mà nói người ta như xúc đất đổ đi ấy. Nói thật nếu không uất sự nghi ngờ của bố anh, em chẳng thèm nghĩ đến, đừng nói chuyện lăn lội sang đây với anh. Như thế anh càng nhẹ nhõm. Không yêu em nữa phải không? Em biết đấy! Anh không thích cái gì mập mờ. Vẫn nghĩ em mập mờ? Bây giờ thì không. Lúc ấy làm sao anh có thể bình tĩnh, trong khi mong thư em như mong nước uống. Em im lặng bặt tin, có khác gì để chứng minh cho sự độc ác của tay kia là đúng đắn. Em nghĩ như thế có phải là mập mờ không? Em muốn tự anh phải chứng minh lấy niềm tin của mình. Hai lần đột ngột và tự chứng minh như thể chắc đến đây em chỉ nhặt được những dúm xương của anh. Cấm anh không được nói gở nữa. Trời ơi, anh gầy quá. Toàn xương là xương. Cứ đi thế nay vài tháng nữa, khi gặp, em chỉ toàn thấy những dúm xương thật. Nhưng anh không hề biết là mọi người tìm kiếm anh chứ? Anh căm giận những kẻ kết luận hồ đồ. Thì người ta cũng còn phải xác minh nữa. Họ xác minh trên xác của hai thằng bạn anh đấy. Xác minh cả trên cái cơ thể tàn tạ của anh có thể chết rục bất cứ lúc nào. Thôi, không nói nữa, buồn lắm. Chúng mình sẽ về Sở chỉ huy, rồi em sẽ “vỗ béo” cho anh. Ngay mai anh phải cắt tóc, cạo râu. Em đun nước nóng cho anh tắm gội. Anh còn yếu, vì lâu không tắm, phải tắm nước nóng chỗ kín gió. Ai kỳ cọ cho anh? Em chứ còn ai. Em sẽ tắm rửa cho anh sạch, sẽ rồi mặc cho anh bộ quần áo mới như cho một chú bé. Em đố anh quần áo mới ở đâu đấy? Em may cho anh từ ở nhà. Anh vẫn thông minh lắm. Bộ quần áo sẽ rất vừa, rất đẹp nhé. Đã đo đâu, biết là vừa. Hồi sắp đi, em chả “đo” mãi đấy thôi. Bây giờ em “đo” lại đi. Thôi, đừng vớ vẩn. Anh yếu lắm không chịu được đâu. Chết đến nơi vẫn không chừa. Thế ngộ “không có anh em vẫn ôm ghì lấy người khác” thì sao. Thì “anh bắn vào lời em nói”. Thơ với thẩn, đúng là thơ lính tráng độc mồm độc miệng.
    Nhưng với họ, như một thói quen của sự nghiện ngập, không phải dò dẫm, bóng gió. Cô biết đòi hỏi của anh và của chính mình không thể trì hoãn vào những lúc như thế này. Lại một tấm vải nhựa trải ra dưới bầu trời trăng sáng. Bầu trời Việt Nam và Căm-pu-chia cùng chung một ông trăng ở đỉnh đầu, chỉ khác nhau ở chỗ trước đây những vầng khoai sọ không che khuất mặt trăng, còn bây giờ bóng những cây thốt nốt đổ dài xuống lớp lá mục như những người nằm nghỉ ngơi sau nỗi nhọc nhằn vất vả. Cô cằn nhằn âu yếm: Thương anh, em chiều, nhưng sợ lắm. Thôi, nhanh nhanh, rồi để dành lúc khác anh nhé.
    Một người đàn bà có thể thành hai trong một khoảng cách ba phút đồng hồ. Cái phút trước rất minh mẫn khôn ngoan, chừng mực nhận nại và quyết liệt như một vị tướng, ở phút sau lại mê muội dại đột như một đứa trẻ con liều lĩnh và bất chấp như kẻ vô giáo dục. Lúc ở ngoài cuộc cô chỉ chiều chuộng và bắt anh phải qua quýt để tránh nguy cơ sụp đổ ở cái cơ thể anh đã rệu rã. Khi vào cuộc, cô đã ghì giữ lấy anh. Từ từ, trời ơi. Chúng mình sẽ có con. Lần này về chúng mình tổ chức, rồi đẻ con, anh nhé. Em ư? Em thích con gái đầu lòng. Anh có sợ em đẻ con gái không? Yên trí, anh nhé, người ta xem tử vi đoán cung tử của em tốt lắm. Một gái đầu, một con trai thứ hai. Cả hai con chúng mình đều đẹp, thông minh như bố và dũng cảm như mẹ. Sau này bố mua một cái xe máy, chiều thứ bẩy đưa ba mẹ con về với bà nội. Mùa hè ta Đồ Sơn. Mua một cái dù Nhật Bản cắm xuống bờ biển trước cửa khách sạn Hoa Phượng Đỏ ấy. Cả nhà nằm và ăn bánh bột lọc, uống nước chanh. Tất cả em chuẩn bị từ ở nhà, không mua bán gì ở ngoài, xót ruột lắm. Rồi ba bố con ngồi trên phao, em đẩy ra và té nước mù mịt, bao giờ bố con phải lạy em, em mới tha cơ. Ối, ối anh ơi. Sung sướng quá. Rồi hai cánh tay vòng lên ghì siết lấy anh buông lơi từ từ, cô nằm đê mê trong niềm sung sướng, như là đang bay lơ lửng, như là đang nằm trong chiếc thuyền dập dềnh sóng vỗ, như là có một thiên thần bé nhỏ đang chạy trong cơ thể say say nôn nao, cô mỉm cười và đôi mắt khép hờ như là giữ tất cả ở lại, tất cả sẽ ở lại trong cô. Chừng mười phút sau mới bơi ra khỏi bao la của niềm khoái lạc, cô thì thầm: Chúng mình có con thật, anh ạ. Làm thế nào, hở anh? Ngày mai ta về “mặt trận” luôn, anh nhé. Tổ chức ở đây có được không. Em tin là tư lệnh thương và ủng hộ chúng ta. Cố để mọi người khỏi dị nghị, chứ em cũng chả thích bày vẽ cưới xin vất vả? Ý anh thế nào? Hay là về nhà để mẹ khỏi buồn. Ừ thế cũng được. Chúng mình xin về tổ chức, rồi lại sang. Anh ngủ à? Anh, anh ơi. Anh Tuỳ. Anh, anh ơi. Anh Tuỳ. Anh Tuỳ ơi! Cô lay lay đầu anh. Cái đầu mềm oặt không hề có phản ứng. Cô đặt tay vào mũi, cũng không thấy còn hơi thở, cô hoảng hốt xoay mình ngồi dậy ôm anh vào lòng lay gọi. Nhưng hai hàm răng đã cắn chặt. Cô cuống cuồng đặt tay lên mũi. Mũi lặng tờ. Ghép áp tai vào ngực, tim không còn đập nữa. Trời ơi, em đã giết anh! Em đã giết anh rồi, ơi bà con ơi, có ai cấp cứu giúp tôi không. Còn cách gì để cứu được anh không, anh ơi, anh ơi!
    Rừng mênh mông, khoảng cách với những phum sóc vời vợi, phải hơn ba cây số mới đến phum lẻ loi, ai nghe, ai biết đến tiếng kêu than, cầu cứu của cô. Cô cởi ba-lô, lấy bộ quần áo mới mặc cho anh. Nhanh chóng xoá bỏ mọi dấu vết của cuộc ân ái, cô ôm anh ngồi từa vào gốc cây thốt nốt, chờ trời sáng, chờ cả những niềm hy vọng. Rồi mãi mãi sau cô vẫn không thể hiểu, tại sao đêm hôm đó giữa đêm tối mịt mùng ở cái bìa rừng rậm rạp ấy, cô lại ôm một người chết suốt đêm không hề có cảm giác sợ hãi. Đến năm giờ sáng, một tổ trinh sát tìm ra cô, họ nhanh chóng điện về sở chỉ huy. Người ta đưa cô về bệnh viện cấp cứu và làm các thủ tục xét nghiệm thi hài người chết. Văn bản pháp y khiến các cơ quan hành pháp vồ lấy như một món bở, nhưng không thể khai thác được gì và mãi mãi những người đời sau còn biết: Có rất nhiều những dấu hiệu của những bệnh sốt rét. Cơ thể người chiến sĩ lại quá yếu, đã bị trúng cảm đột ngột trên đường trở về đơn vị. Thân nhân của người bị chết tìm thấy anh nằm bên một gốc cây thốt nốt. Toàn thân và nội tạng không có dấu vết của sự va chạm và ngộ độc. Còn điều họ không ghi lại là những dấu vết ghi nhận khi cấp cứu cô bên cạnh thi hài người chết. Người ta hiểu điều gì đã xảy ra dẫn đến cái chết đột ngột này. Nhưng không ai ngờ và cũng chẳng để làm gì, họ im lặng trước vẻ nghi ngờ của đại tá Thuỷ. Cho đến hai tháng sau, lúc cô hồi phục sức khỏe, tức là sau bảy ngày phiên toà xét xử người lái xe, cô đã tự phanh phui mọi việc và kiên quyết yêu cầu phải mở lại phiên toà mà tội phạm chính là cô…

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Đại tá không biết đùa
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu