Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Sông Xa ( Phần II ) Tác Giả: Chu Lai    
    Sau đêm ấy, tôi ốm đến rụng tóc, nằm bệnh xá mất gần một tháng.
    Trong thời gian này, ngoài đồng đội và các anh, các chị trong huyện ủy, huyện đội ra, anh Tám có đến thăm tôi hai lần. Cả hai lần anh ấy đều rất ít nói. Nhìn mái tóc đã rụng gần hết, chỉ còn ít sợi cứng queo và gò má nhô cao, xanh xao, hai hốc mắt thâm quầng của tôi, anh quay đi, mắt đượm buồn. Tôi cươi héo hắt:
    - Dòm Thanh lúc này xấu lắm hả anh Tám?
    Anh không trả lời, vẫn quay đi, khe khẽ lắc đầu. Lát sau anh day mặt lại, xót xa nhìn vào mắt tôi:
    - Những lúc như thế này, Thanh càng toát ra một cái vẻ gì đó… kỳ lạ lắm! Xin lỗi, tôi đã không gọi được tên nó ra. Nhưng mà đúng thế.
    Tôi nhìn xuống, chẳng qua là anh ấy tế nhị, anh ấy động viên mình, không nỡ để mình buồn, thế thôi. Nhưng cần gì phải thế hả anh Tám, đẹp xấu bây giờ đối với tôi nào có ích gì! Hơn một tháng qua, tôi người chết hẳn rồi. Bữa nay ngồi nói chuyện được với anh thế này, là tôi đã bình phục nhiều lắm! Bình phục cả thể chất lẫn những suy nghĩ rối rắm bên trong. Chính anh và các đồng chí, đồng đội của tôi đã hà hơi cho tôi bình phục.
    - Từ đó đến nay Nhân chưa tạt về thăm Thanh lần nào? – Anh hỏi với cái gịong nằng nặng
    Tôi lắc đầu.
    - Chắc cậu ấy bận quá! Hay là chưa nhận được tin?
    Tôi lắc đầu. Sao lại không nhận được? Chính Thu vừa rồi được cử đi học y sĩ đã gặp anh ấy ở trên đó rồi kia mà. Còn “bận” không về được thì ít ra cũng phải viết cho tôi ít chữ chớ! Con chung chứ có phải con riêng của tôi đâu. Mà anh ấy là người hờ hững với con cái đã đành, ngược lại anh là một người cha yêu con đến mụ mẫm. Tôi hiểu lòng anh, anh Tám ạ, anh muốn bào chữa cho bạn, muốn làm tôi quên đi cái trắc trở này. Ngay cả điều đó cũng không cần nữa anh Tám. Có ai hiểu con bằng cha mẹ, có ai hiểu chồng bằng vợ đậy. Tôi biết nhận được tin con, anh ấy đau lắm, đau tới nỗi có thể tái phát lại những vết đòn bao nhiêu, anh ấy càng giận tôi bấy nhiêu. Chao ôi! Sao cuộc sống phũ phàng thế, lòng người độc địa thế? Ít ra anh ấy phải biết, hơn lúc nào hết, lúc này tôi cần có anh, cần có cha của con tôi ở bên cạnh để được khóc, được an ủi, được xin tha thứ. Anh cứ về, nặng mặt nặng mày cũng được, thậm chí giận quá có thể xáng cho tôi vài cái tát nhưng hãy cứ về. Sự im lặng của anh cứa thêm vào lòng tôi một vết thương nữa.
    Tôi nghĩ vậy và không thể nói được với anh Tám. Chuyện vợ chồng trăm điều phức tạp, kể ra làm gì. Bằng đôi mắt từng trải và nhạy cảm, giống như đôi mắt của ông thày tướng số, anh vỗ nhè nhẹ lên bàn tay hằn đầy những gân xanh của tôi.
    - Đừng trách nó. Nó cũng đang đau khổ lắm! Tôi biết không ai thương con như Nhân đâu. Chỉ có điều – Anh ho khan một cách khó nhọc như hớp phải bụi than - Chỉ có điều… Thôi Thanh này! Tôi thấy mai mốt khỏe hẳn, Thanh… Hay là Thanh tạm thời nghỉ đơn vị một thời gian lên cơ quan công tác.
    - Một thời gian là bao lâu? – Tôi hỏi bình thản.
    - Cái đó tùy ở Thanh.
    - Nếu tôi lên hẳn?
    - Cũng được thôi. Hoàn cảnh Thanh bây giờ quyết định như vậy cũng là hợp lý.
    - Anh thương hại tôi? - Anh nhăn nhó vẻ khổ sở - Tôi nghĩ đến Thanh, đến vợ chồng Thanh. Tôi không muốn vì bất cứ một lý do gì để Thanh phải dằn vặt thêm nữa. Chà, Nhân! Cái thằng…
    - Anh Tám! Tôi hiểu ý anh, tôi cám ơn anh đã quan tâm chu đáo, nhưng tôi nghĩ rằng chuyện vợ chồng là chuyện vợ chồng, chuyện công việc là chuyện công việc. Hai cái này đừng dính ngằng vào nhau, mệt lắm. Ai chẳng có đau thương, gia đình nào không có mất mát nhưng không phải vì thế - nói đến đây, nghĩ tới chồng và sự im lặng tàn nhẫn của con người đó, tôi giận sôi lên nhưng cố lảng đi. – Hơn một tháng qua tôi đã có dịp nghĩ lại tất cả. Tôi thấy mình không sai mặc dù mình đã phải trả giá quá đắt, đắt lắm, đắt đến nỗi suốt đời không bù lại được! Con tôi… Nhưng xin nói thẳng với anh, chính vì cái chết của con tôi của thằng Riềng, của Thành và bao người khác, tôi càng thấy mình không thể rời đi đâu được hết. Chỗ của tôi là ở đơn vị. Mọi người đang cần tôi ở đó. Hôm anh em trong đơn vị lên thăm tôi, họ nói: “Nghe đồn chị định bỏ chúng em lên trên cơ quan văn phòng, tất cả đều buồn. Chúng em bảo nhau, nếu chị Hai đi thì mọi người cũng về nhà làm ăn luôn”. Tất nhiên đấy là cách nói nhấn mạnh tình cảm của họ đối với tôi, nhưng lại buộc tôi phải suy nghĩ. Cái tình ấy nó ràng níu tôi giữ lắm! Những ngày vừa qua không phải không có lúc tôi đã nghĩ quẩn - trốn chạy khỏi cuộc đời, nhưng chính nhờ có cái tình ấy, sống giữa cái tình ấy, mà gượng dậy được. Anh Tám… Quyết định được điều này, tôi có thể tiếp tục phải trả giá. Có thể chồng tôi sẽ vẫn không hiểu tôi, không thông cảm với tôi; như vậy tôi sẽ mất anh ấy. Và chính bản thân tôi nữa, biết đâu tôi cũng sẽ ngã xuống vào một ngày nào đó. Tôi tự nguyện chấp nhận tất cả. Tôi...
    - Thôi, đừng nói nữa! Tôi hiểu, hiểu hết – Anh Tám ngăn tôi lại – Thanh nằm xuống nghỉ đi! Mồ hôi ra đầy trán rồi đó. – Nói rồi anh đứng dậy đi đi lại lại, những ngón tay xoắn vào nhau kêu khùng khục.
    Tôi thở dồn, mắt hoa lên vì bị xúc động mạnh nhưng không chịu nằm xuống. Nói được điều này với anh Tám người đứng đầu huyện, người mà tôi coi như anh ruột của mình, trong lòng bỗng nhẹ đi, như vừa được đánh gió. Đến lúc này tôi mới để ý thấy chân anh đi hơi cà nhắc. Và một miếng băng dính dán cộm lên ở sau gáy. Anh cũng có vẻ gầy và già đi hơn lần gặp trước, một nếp hằn lõm sâu xuống ở chỗ giao nhau giữa hai vệt lông mày rậm rịt. Dường như anh đang băn khoăn một điều gì căng thẳng lắm, tất nhiên là ngoài chuyện của tôi. Tôi hỏi:
    - Anh bị thương hồi nào vậy, anh Tám?
    - Đâu có, đâu có thương tích gì? – Anh nói xóa.
    - Bị thương có gì xấu mà anh phải giấu! Tôi nói giọng trách móc mà tôi không tự biết.
    - À, thì cũng là ta đánh nó, nó đánh ta. Miểng đạn sơ sơ có gì đáng nói.
    Tôi không hỏi nữa. Rõ ràng anh vẫn cố ý giấu tôi. Cách đây mấy ngày, tại cái trạm xá này, người ta đã kháo nhau về anh thông qua vài người ở dưới tiền phương vừa lên. Họ bảo đợt này anh Tám Phương căng đây, có khi đi tong! Ai bảo đã có chủ trương của trên là lập căn cứ huyện ủy phải cách xa địa bàn ra một chút để giữ tầm chỉ đạo chung và cũng là để đảm bảo được an toàn tối thiểu, nhưng ông ấy không nghe, ông ấy bảo vậy là nhát, là tách rời quần chúng, là bỏ trống trận địa lòng tin cho kẻ thù tràn vào và sau một hồi cãi vã, cả đập bàn đập ghế, ông ấy cứ kéo cả cơ quan huyện ủy, huyện đội xuống sát ấp. Bị điệp báo, một tuần sau căn cứ bị đánh điểm không còn nguyên một ngọn tre nào. Cơ quan bị tróc trở lại chỗ cũ sau khi hy sinh mất ba người, trong đó có một huyện ủy viên sừng sỏ, mất dăm cây súng, hai máy chữ, cả tài liệu nữa... Đang mệt, tôi chỉ nghe họ kháo được láng máng như thế rồi cũng quên đi như quên đi bao chuyện đau thương mất mát khác. Lúc này thấy anh tiều tụy võ vàng, lại chân đi cà nhắc tôi mới nhớ lại.
    - Dưới đó có chuyện gì phải không anh Tám? Tôi nghe nói...
    - Chiến tranh! Lúc nào không có chuyện... Thanh cứ để đầu óc cho thảnh thơi, nghe nói này nói nọ làm chi.
    Sự quan tâm của anh lần này khiến tôi phát bực. Anh ấy khi tôi quá. Dù sao tôi cũng... Tôi định nói điều ấy nhưng thấy anh chu miệng huýt gió nhè nhẹ, cái huýt gió quá vụng về để che đậy một cái gì đó của đàn ông khiến tôi dừng lại. Thật đúng là... Tôi cố hỏi một câu cho vui, cho anh thôi đừng có chu miệng tức cười như thế nữa.
    - Anh Tám sắp già rồi đó nghen! Liệu mà lấy vợ đi thôi. Sao bảo trong này nhiều cô trẻ, đẹp phải lòng anh lắm mà. Hay tính kiếm vợ ngoìa thành? Đàn ông chưa vợ ai lại để râu ria mọc tùm lum khắp mặt như thế, các cô ấy cười cho đó.
    - Vì đàn bà để người ta sống đẹp hơn chứ vì đàn bà mà phải cạo râu thì dễ quá!
    - Vậy chắc anh đang có rồi hả anh Tám? Vì người ta bảo anh Tám là người sống đẹp, sống đàng hoàng – Tôi nói và nghĩ đến chị Ba Liên.
    - Không! Chưa có và sẽ không bao giờ có cả. Mỗi người đàn ông chỉ có một người đàn bà, một thôi, để mình gửi gấm, để mình soi rọi tất cả vào đó... Thậm chí sẵn sàng chết cho cái đó. Người đàn bà ấy tôi đã tìm ra nhưng... chết rồi! Chết vĩnh viễn rồi!
    - Ai? Hồi nào vậy, anh Tám? – Tôi hỏi tò mò – Có phải chị...
    - Thôi chuyện đó dài lắm. Nói lúc này dễ thành dớ dẩn! Tôi về nghe! Chúc mau bình phục. Ở nhà mọi người rất mừng. Không ngờ Tiến nắm đơn vị chắc ra trò. Vừa rồi cũng đánh được một trận kha khá đó!
    Nghe nhắc đến Tiến, tôi sực nhớ:
    - Chết! Còn chuyện này muốn hỏi anh Tám mà cứ quên hoài. Việc Nghĩa tới đâu rồi? Sao không thấy tin tức gì hết?
    Tôi nhìn thấy một chút lúng túng trên nét mặt anh. Anh làm bộ chăm chú thắt lại dây đeo súng, trả lời qua quít:
    - À, thực ra thì cũng có tin rôi...
    - Tin gì? Có kết quả chưa hay còn đang...
    - Cũng đang cho nắm thêm. Câu chuỵện chắc không đơn giản đâu. Mà thôi, Thanh cứ an tâm điều trị đi. Việc ấy ở nhà đã có người lo.
    - Nghĩa bị sao rồi phải không? Anh nói đi.
    - Đâu có! Nghĩa vẫn mạnh khỏe, vẫn bình thường, nhưng… mà đã bảo đang còn nắm thêm, tính nết gì kỳ vậy?
    Anh Tám lập mặt nghiêm với tôi nhưng rõ ràng thái độ ấy chỉ nhằm khỏa lấp một sự thật gì đó chưa thể nói ra. Thấy tôi xịu mặt, anh cười, hàm răng rất trắng:
    - Nóng rồi hả? Vang danh là nữ kiệt, mà sao thỉnh thoảng dòm giống con nít quá trời vậy? – Yên chí đi! Mấy bữa nữa, tôi cho người nắm thêm thật chắc rồi thông báo với Thanh cụ thể sau. Nhiệm vụ của đồng chí lúc này, đồng chí nữ huyện ủy ạ, là ráng ăn, ráng ngủ và… lấy lại được bộ tóc ngày xưa.
    Tôi không thể cười được trước câu nói vui đó. Chắc lại có chuyện gì rồi đây mà anh ấy sợ mình lo nghĩ sinh bệnh thêm nên không nói. Linh tính báo cho tôi có điều gì không ổn trong việc này đây.
    *
    * *
    Khoảng một tuần sau đó, chị ba Liên đến thăm tôi. Chị có mập hơn ra một chút, vì thế càng trẻ, càng có vẻ phúc hậu. Giống như anh Tám và chú Năm, là những người kết nạp tôi vào Đảng, tình cảm của tôi đối với chị bao giờ cũng có một sự quý mến, kính trọng đặc biệt. Tôi biết chị cũng cưng tôi. Mỗi lần từ đơn vị lên huyện họp, nếu phải ngủ đêm lại, khi nào chị cũng ồn ào bắt tôi sang ngủ chung hầm và có gì ngon trong bồng là chị lôi ra ép tôi ăn bằng hết. Đến nỗi cái võng tôi nằm có một lỗ thủng do miếng pháo tiện rách đã được mạng lại, chị cũng bắt tôi đổi cho chị lấy cái võng đôi màu xanh lá cây mới tinh. “Em ở dưới đó vất vả, chị ở trên này, võng nào cũng được” chị nói vậy và thường là chị em hàn huyên tâm sự suốt đêm. Dù cùng là huyện ủy với nhau nhưng trước chị, bao giờ tôi cũng cảm thấy mình non nớt, bé bỏng, muốn được cưng chiều. Chị Ba quê ở Dĩ An, vốn là học sinh trường trung học Thủ Đức thoát ly ra rừng làm cách mạng. Chị đã có một đời chồng. Anh Ba gốc người Bắc, nguyên là trung đoàn trưởng một trung đoàn có tên tuổi ở đặc khu Sài Gòn – Gia Định, đã hy sinh trong một lần chui rào trinh sát với bộ đội, không kịp để lại cho chị một mụn con. Nhưng người chồng trẻ tuổi đó đã để lại trong lòng chị những kỷ niệm khắc khoải, không thể phai mờ được. Có đêm, ở võng bên cạnh, tôi nghe thấy tiếng chị khóc âm thầm. Gần sáng chị sang võng tôi, toàn thân chị nóng ra:
    “Thanh ơi!... Dù sao em cũng là người hạnh phúc. Em hạnh phúc hơn chị, hơn nhiều người khác. Chồng em là người tốt, rất thương em và cái chủ yếu là còn sống. Không, chị không ghen với em đâu. Chị còn hơi sờ sợ cho em nữa là khác. Thân phận người đàn bà trong rừng mỏng manh lắm! Ráng mà giữ lấy mình, giữ lấy hạnh phúc của mình nghe em! Đời chị thế là muộn rồi, lỡ rồi! Sống thêm ít năm nữa trong rừng rồi em sẽ hiểu. Đàn bà con gái chúng mình đâu có sợ khổ, đâu có sợ chết. Khổ thế nào cũng chịu được, chết khi nào thì chết. Nhưng kinh khủng nhất là thời gian. Chiến tranh kiểu này còn dài, vậy mà... xuân sắc có thì, tuổi mỗi lúc mỗi già, người mỗi lúc một yếu. Rồi tất cả những cái đó sẽ đi tới đâu? Cho nên có những chị em hôm nay còn đánh giặc như trò chơi, ngày mai đã trốn về ấp, đã chạy theo giặc rồi. Người đàn bà thời nào cũng vậy, họ chỉ sợ đường chồng con lận đận, bẽ bàng...”.
    Đêm ấy, nghe chị nói mà tôi buồn nẫu cả người. Tôi cũng ôm chặt lấy chị. Giọt nước mắt dễ lây, nhất lại là giọt nước mắt rơi ra từ nỗi niềm về thân phận đàn bà.
    Vừa nhác trông thấy tôi, nước mắt chị đã rưng rưng:
    - Trời ơi!... Sao em lại đến nông nỗi này?
    Tôi cười:
    - Sống được đã là may rồi chứ đòi gì nữa, chị?
    - Nhưng làm sao lại tiều tụy nhanh đến thế - Chị đưa chiếc khăn rằn lên chấm chấm nước mắt - Tội nghiệp con nhỏ! Ăn uống thế nào? Có gì ăn không? – Tôi gật đầu - Phải ráng ăn vào chớ. Đằng nào thì việc cũng rồi, lo buồn thêm cũng không ích gì. Còn vợ còn chồng là còn con, ráng mà chịu đựng.
    Vừa nói chị vừa lục bồng giở ra, đặt lên võng tôi hai hộp sữa, cân đường, mấy gói mì tôm và cả một cái đài còn mới tinh:
    - Rađiô của chị đó! Em chưa có, lấy mà nghe tạm, đêm nằm ở đây buồn chết. Ráng mau khỏi, về có chhị có em cho nó khuây.
    Tôi ứa nước mắt nhìn chị. Sao những câu nói tưởng như nhàm chán, tưởng như đãi bôi đã phải nghe hoài ấy, ở miệng chị nói ra lại mộc mạc, chân tình đến thế? Tôi kéo chị ngồi xuống, cố đánh lảng câu chuyện mà tôi không muốn ai nhắc đến nữa:
    - Ở nhà có chuyện gì không chị?
    - Bình thường - Chị lắc đầu - Cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Chuyện ở nhà đã có người ở nhà lo.
    - Sao bảo vừ rồi căn cứ huyện ủy bị càn?
    - Ờ… Ờ! Cũng có đấy. Nhưng làm sao? Can hệ gì đến cô? Chị đột nhiên căng giọng một cách vô cớ?
    Hiểu tính chị, tôi vẫn dịu dàng:
    - Em nghe nói có một huyện ủy viên hy sinh? Đúng không chị?
    - Ơ! Cái cô này tức cười chưa? Đã bảo hỏi in ít thôi, tôi đến thăm cô chứ có phải đến để hội ý công việc với cô đâu?
    Mang máng cảm thấy điều gì, tôi nói giọng buồn buồn:
    - Anh Tám hôm rồi có tới đây. Cả anh Tám, cả chị đều muốn giấu em. Người ta coi tôi không bằng con nít.
    Thấy thái độ tôi như vậy, chị cuống quýt nói:
    - Khổ quá! Có gì đâu mà phải giấu. Em cứ cả nghĩ. Bọn chị muốn cho em đừng bận tâm về điều gì hết để dốc sức mà thuốc thang. Có thế mà cũng...
    - Chú Năm đâu rồi? – Tôi nói ra cái điều ngờ ngợ từ lúc nãy.
    Chị cúi đầu xuống, nói nhỏ:
    - Chú Năm hả?... Hy sinh rồi! rồi không hiểu có phải vì thái độ buồn bức của tôi hay vì tính chị xởi lởi không để lâu trong bụng được điều gì, qua cái chết của chú Năm, chị đã nói hết mọi nhẽ với tôi.
    - Tôi thì tôi nói cô nghe cho biết, đừng nghĩ ngợi gì nghen! Sau trận càn ấy và cái chết cảu chú Năm, anh Tám mệt lắm? Anh bị người ta qui chụp đủ thứ. Nào là tư tưởng thế này, tư tưởng thế nọ; nào là tác phong thế nọ, tác phong thế kia... Anh Tám không nói một lời nào, mà tính anh ấy xưa nay đâu có chịu để ai đè nén hiểu sai về mình; chỉ ngồi ở cửa hầm đốt thuốc thâu đêm thôi. Bực quá, chị phải gắt lên: “Đúng hay sai thì anh cũng phải kêu lên cho người ta hiểu chớ, cứ im lặng vậy để tự làm khổ mình, tự thiêu mình bằng ba cái thuốc rê khét lẹt này à?”. Anh lắc đầu: “Ầm ĩ lúc này không phải với vong hồn anh Năm. Để cho anh nằm yên một chút!... Đằng nào cũng lỡ rồi. Dù sao tôi cũng có lỗi đã gây ra cái chết của anh ấy”. Anh ấy nói vậy thì chị còn biết cằn nhằn cái nỗi gì nữa. Nghĩ mà thương! Vừa thương vừa giận. Sau này chị mới vỡ ra rằng sự im lặng đến cam chịu của anh ấy còn vì hai nguyên nhân khác nữa, mà hai cái này mới là chủ yếu... Nhưng thôi, cô hãy biết đến đó hẵng. Bây giờ ngồi đây, tôi đi kiếm nước sôi chế mì tôm cho mà ăn - Chị bỗng lới giọng gọi vào trong lán - Bảy Lù tạm xá trưởng đâu rồi hè! Từ nãy tới giờ mất mặt đâu không thấy, bộ ngán tôi rồi hả? Kiếm cho ít nước sôi coi!
    Từ trong lán, bác sĩ Bảy Lù ló đầu ra, hai bàn tay còn đầy bọt xà bông. Anh ta còn trẻ, tên là Hân, nhưng người mập thù lù nên chị Ba cứ tên Bảy Lù mà réo. Bảy Lù cười toét:
    - Ủa! Chị Ba mới tới, chị Ba. Vậy mà im re không la lên một tiếng.
    - Cái thằng! Hỏi đã rồi mới làm bộ: “Chi Ba mới tới chị Ba!”. Chi ít nước sôi coi!
    - Có ngay mà chị Ba! Nước sôi chứ nước gì thằng em cũng có hết mà chị Ba.
    - Hừm!
    Tôi phì cười. Cái anh chàng bác sĩ được đào tạo từ Hà Nội này sao nhún với bà này quá trời vậy?
    - Tính làm em rể chị hả chị Ba? – Tôi hỏi.
    - Ui cha! Dâu rể gì đâu. Ngày trước hắn ở trung đoàn của anh Ba, hình như là anh em kết nghĩa gì đó. Anh Ba hy sinh hắn đòi theo chị về đây. Chị coi hắn như em, chỉ phải cái hắn cà trớn, gặp hồi nào là toét mồm hồi đó. Vậy mà còn tính lấy vợ Dĩ Anh nữa đó. Nhưng... thằng cha ngon lành lắm! Đi hết giải rừng này, đố kiếm ra thằng cha thằng cha nào chịu chơi như hắn đó.
    Bảy Lù lễ mễ xách một siêu nước sôi đi đến. Anh đật xuống trước mặt chị rồi làm bộ uốn éo:
    - Có rồi đó, má! Lần này lên, má có dẫn con nhỏ vợ của tôi đi theo không vậy?
    - Có con cùi nó đi theo đó. Nè, hút đỡ đi! - Chị dúi vào tay anh mấy gói Rubi đã móp méo - Để giành cho mi lâu quá, nhăn hết rồi.
    - Nhăn thuốc chứ có nhăn lòng đâu chị Ba! Thôi, chị ngồi chơi đi, em vào lán làm nốt chút việc đã.
    - Chích thuốc hả?
    - Không, mổ.
    - Trời đất! Nó mổ bụng, mổ gan người ta mà dòm tưng tửng như mổ gà không bằng.
    - Xong rồi, để tiếp chị mà chị Ba! Nếu không, chị rầy la cũng đến đập đầu vào võng mà chết thôi.
    Anh nói rồi lại làm bộ uốn éo đi vào, cái lưng nần nẫn vẹo qua vẹo lại như con vắt ăn no.
    - Thằng nhỏ dễ thương quá! - Chị nhìn theo chép miệng - Vậy mà đi tập kết trở về, ông già bà già không còn ai cả. Bị trôi sông hết. Dân kháng chiến cũ mà.
    Tôi ráng nuốt một thìa mì vàng rộm nhưng đắng mồm quá lại đặt xuống.
    - Anh Tám buồn... còn hai lý do kia là sao? Chị không chịu nói, em nuốt không có vào. Nghẹn lắm!
    - Con nhỏ lại nhõng nhẽo nữa! Thì ăn đi, tôi báo cáo nốt vậy. Mà cũng để nghe cho biết thôi nghen! Hôm rồi anh Tám có nhận được mấy chữ của Nhân.
    - Chồng em?
    - Ừa! Hai người thân nhau như hai anh em ruột, em biết rồi chứ?
    - Dạ, biết!
    - Không biết trong mảnh giấy bằng bàn tay ấy viết gì mà coi xong, chị thấy anh Tám run bắn hai tay, mặt đỏ bừng lên rồi chuyển sang tái nhợt. Biết là có hỏi cũng bằng không, chị mới tìm cách lén đọc. Thực ra cũng chẳng phải lén. Thấy anh họp hành, viết lách lu bù, quần áo cũng không kịp giặt, chị mới đem chiếc áo của anh ra suối. Không ngờ trong túi còn vương lại lá thư ấy.
    - Thư viết sao chị? – Tôi nóng ruột hỏi.
    - Không nhớ cụ thể, nhưng đại khái chồng em có trách anh Tám là tàn nhẫn, là cứng nhắc, là thiếu tình người, chỉ biết công việc, công việc và công việc, quên cả nghĩa tình bạn bè. Chị nhớ có đoạn viết vầy: “Nếu anh biết rằng, về một phương diện nào đấy, chính anh đã góp phần giết chết con tôi và nếu tới đây tình cảm vợ chồng tôi có sứt mẻ, thậm chí tan vỡ thì chắc anh cũng sẽ không cho rằng mình không có trách nhiệm gì chớ. Tôi rất buồn anh, anh Tám ạ! Người mà xưa nay tôi vẫn kính trọng và khâm phục về tính nguyên tắc và nghị lực phi thường. Không ngờ thứ nguyên tắc và nghị lực ấy lại vận ngay vào cuộc sống của tôi, của gia đình tôi, thằng bạn mà anh vẫn hằng nói sẽ bảo vệ bằng máu của mình. Tôi cám ơn anh...”.
    - Có thật như thế không? Có đúng anh ấy viết như vậy không? – Tôi đau đớn hỏi.
    - Thôi dẹp chuyện đó qua một bên đi! Chắc chồng em trong một lúc đau đớn quá đã suy nghĩ chưa chín. Phải hiểu, phải thương hắn, đừng rầy la, đừng trách móc hắn mà vỡ chuyện ra. Vợ chồng cần nhau là những lúc như thế này.
    Tôi quay mặt đi... Chắc chị chưa biết rằng từ ngày con chết, anh chưa thèm đến thăm tôi một lần chớ đừng nói tôi rầy la, tôi ghẻ lạnh anh. Nhưng tôi không muốn nói ra điều này với chị. Tôi vẫn hy vọng và vẫn chờ đợi ở anh. Tôi muốn giữ gìn cho anh. Người đàn bà đang ngồi trước mặt tôi kia, người đàn bà mà chỉ mọi sự ăn ở bạc bẽo của người khác cũng đủ làm cho nổi điên lên rồi, nếu biết được điều đó, làm sao người ấy để cho anh yên! Tôi quay lại, buồn rầu:
    - Còn nguyên do thứ hai, chắc là... chuyện Nghĩa phải không chị?
    - Ủa! Sao biết?
    - Em đoán vậy. Lần trước anh Tám đến đây tuy không nói, nhưng qua sự bối rối của anh, em đã hiểu ra phần nào. Anh bảo mấy bữa nữa sẽ thông báo cho em cụ thể nhưng em chờ một tuần nay rồi! Gặp chị, thấy chị cũng không hề đả động một câu đến chuyện đó, em biết là Nghĩa đã gặp chuyện không hay. Nghĩa chết rồi hả chị?
    - Không! - Chị trả lời một cách nhọc nhằn – cô ấy về rồi, đang ở dưới đội. Khỏe mạnh. Chỉ có điều... Mà thôi, tôi không nói nữa đâu. Dễ dãi với cô như vậy là quá đủ rồi đó.
    - Em cũng không hỏi gì chị nữa. Thế cũng là đủ - Tôi nói thực tâm vì rất sợ phải nghe thêm những điều đau lòng mà đau thế nào tôi cũng chưa hình dung ra hết - Chắc là với thất bại này, anh Tám lại một lần nhức đầu nữa phải không chị?
    - Nhức! Lại bị quy chụp đủ điều. Tội nghiệp! Con người táo bạo, hết lòng với công chuyện như vậy mà toàn không gặp may. Đụng đâu sứt đầu bể trán đó. Một lần nữa để Nhân nó có cớ chì chiết, lên án anh ấy. Vì Nghĩa là...
    - Em hiểu! Thôi chị đừng nói nữa. Em đau đầu quá!
    - Khổ! Thì tôi đã nói miết rồi mà. Nằm xuống, nằm xuống nghỉ đi, để chị đi pha ly sữa. - Chị đỡ tôi ngả người xuống võng.
    - Khỏi cần, chị. Em nằm một chút là qua thôi. Nóng ruột quá. Ở nhà bao nhiêu chuyện mà sao cứ nằm hoài đây thế này!
    Từ đó cho đến đêm, chị Ba không nói thêm với tôi một điều gì nữa. Chị quanh quẩn pha cho tôi cái này, chế cho tôi cái kia và thỉnh thoảng lại tự trách mình vô tâm, nói năng ba choác để làm tôi thêm mệt.
    Tôi cầm tay chị:
    - Chị đừng rầy la mình nữa chị Ba. Nếu chị không nói, em còn lâu khỏi bệnh hơn. Em phải cám ơn chị nhiều. Bây giờ em thấy trong mình dễ chịu lắm.
    - Thật không? - Người đàn bà trên ba mươi tuổi này hỏi một cách ngây thơ.
    Tôi gật đầu... Làm sao chị biết được những tin tức ây làm tôi nhức nhối đến thế nào? Tôi không ngờ chồng tôi có thể xử sự với tôi, với bạn bè anh nhẫn tâm, bạc ác như thế. Anh ấy nhân danh cái gì, nhân danh ai để mạt sát, để rẻ rúng người khác? Và anh Tám nữa... Người đàn ông thâm trầm và tốt bụng đó đang vì tôi, vì những ý muốn của tôi mà im lặng, nhẫn nại gánh chịu tất cả bất hạnh vào mình. Tôi chưa khỏe, nhưng tôi muốn về, ngay đêm nay muốn xách bồng trở về địa bàn. Tôi muốn gặp Nghĩa. Tôi chưa tin rằng việc ấy đã hoàn toàn tuyệt vọng. Trong chiến tranh, nhiều khi những khúc mắc nội bộ còn gay cấn, còn làm người ta mệt mỏi hơn những xung đột sống chết với kẻ thù. Và quả thật, về một ý nào đó, vừa rồi tôi đã không xí gạt chị Ba. Tôi thấy trong người đang sôi sục lên một cái gì đó – cái sôi sục này tự nó đã làm vơi đi nỗi đau mất mát tưởng như khong chịu nổi của tôi.
    Đêm đó, chị Ba ở lại với tôi. Cánh rừng giờ này im pháo nên hai chị em mắc võng nằm trên mặt đất cho thoáng đãng. Bầu trời đêm nay có nhiều sao. Ngày mai chắc nắng lắm. Những ngôi sao nhìn lên từ rừng có vẻ xanh hơn, sáng hơn, chúng ẩn hiện, nhấp nháy qua những vòm cây bị gió thổi đung đưa. Võng cũng đung đưa. Đêm trong rừng sâu thẳm, tĩnh mịch đến giật mình. Nằm bên tôi, chị Ba vẫn chưa ngủ. Chốc chốc lại trở mình sột soạt. Biết tôi cũng đang thức, chị nói như một hơi thở dài:
    - Anh ấy đêm nay có chịu ở nhà không hay lại xuống xã rồi? Người gì mà bệnh đến bỏ cơm, bỏ nước cũng không chịu nghỉ lấy một giờ.
    - Ai, chị?
    - Anh Tám. Lúc chị đi đây, anh ấy đang lên cơn sốt rét. Lâu lắm rồi anh ấy mới lại sốt rét! Anh giục chi đi thăm em lẹ lên rồi về, anh còn xuống xã.
    Tôi hỏi một câu mà bấy lâu vẫn ngờ ngợ:
    - Chị thương anh Tám nhiều hả chị ba?
    Im lặng. Tiếng võng cũng thôi xột xoạt. Tôi thở ra. Thú thực tôi đang chờ những câu mắng té tát của chị sau câu hỏi đó, nhưng không ngờ chị lại im lặng. Hồi lâu, chị chuyển người nghiêng sang tôi, mắt mở to, nói những điều bấy lâu vẫn giữ kín, vẫn ủ giấu đầy ắp trong lòng mà chưa có dịp san sẻ bớt cùng ai.
    - Thương... Rất thương! Đối với em, chị không giấu làm gì. Chị thương anh ấy nhưng... anh ấy hình như không cần biết có mặt chị trên đời này. Mấy ngày vừa rồi, nhìn anh ấy hốc hác hẳn đi mà chị muốn khóc. Anh ấy không tâm sự với chị, chị còn chịu được nhưng ngay cả đến việc chăm sóc, anh ấy cngx tránh né thì chị tủi quá! Em biết không, cóngày mải mê công việc, anh ấy quên cả ăn cơm. Đến khuya đói quá, giành được mấy gói mì tôm, chị trở dậy chế vào ca đêm sang hầm cho anh, anh cười, chỉ vào bụng: “No rồi” rồi gọi tay công vụ dậy ăn giúp. Chị gọi riêng cậu công vụ ra, trách: “Cháu phải để mắt vào bữa ăn, giấc ngủ của chú Tám chứ. Ai lại để chú làm việc khuya nhin đói bao giờ”. Chị nhét vào bồng cậu ta tất cả số mì tôm còn lại, dặn: “Nếu thấy chú làm việc khuya thì nhớ chế cái này, cho chú ăn” nhưng mấy bữa sau, cậu công vụ đem trả lại, nói: “Chú Tám kêu phải trả lại cô để cô bồi dưỡng, dạo này cô cũng yếu lắm! Chú nói cám ơn cô và chỉ nhận một gói”. Em bảo... người gì mà tính nết khó quá. Lại còn cái thói liều mạng như con nít nữa. Là bí thư một huyện, tất nhiên có kèm thêm huyện đội trưởng nữa những không phải vì thế mà cứ thấy mùi khói đạn ở đâu là hùng hục xộc đến, ngăn thế nào cũng không nghe. Mà đã xộc đến rồi là cũng giằng lấy AK, giằng lấy B40, cũng hò hét om xòm như mấy cậu lính trẻ vào trận. Có khi lại còn hăng hơn, nữa là khác. Thành thử cứ trận nào khó, tình huống nào căng, có mặt anh là mọi việc trót lọt hết. Cánh đồng Phú Chánh em biết rồi đó! Đầy điệp và các ổ phục kích. Nhưng khi đã cần làm việc với một cơ sở nào đó thì anh ấy bất chấp. Một mình một súng, hóa trang luôm nhuôm ra giữa cánh đồng; có bận lính rượt chạy về đến cứ còn nôn khan. Nhưng cũng nhờ vậy mà chi bộ mật trong xã còn trụ lại được. Tuy vậy... Bí thư huyện ủy có cần thiết phải vậy không? Chị có lần nghiêm túc đặt vấn đề này ra, anh nghiêm ngay mặt lại: “Làm cách mạng phải bình đẳng. Nhất là trong tình hình khó khăn này. Cứ dựa vào vị trí Đảng trao mà ngồi một chỗ xúi mọi người vào chỗ chết, để mặc phong trào muốn ra sao thì ra, ai chẳng làm được. Tất nhiên, nếu tình hình mở ra hơn, lực lượng mình lớn hơn, tôi cũng hổng việc gì phải lang thang ra đồng cho lình nó rượt, phải bôi lọ chui rào với bộ đội”. Những lý lẽ ấy, nghĩ cho cùng, chị thấy cũng chưa thật ổn, vẫn có cái vẻ cực đoan ngang ngang. Nhưng từ con người anh, hai con mắt thiếu ngủ của anh cứ phả ra một sức mạnh mà chị ít khi dám nhìn vào. Chị nể anh ấy. Vừa thương vừa nể cho nên chị mới khổ! Lắm lúc chị có ý nghĩ, ngoài công việc và cái thú xông pha trận mạc ra trong ngực anh ấy không còn cái gì nữa. Anh ấy yêu mạo hiểm hơn yêu cuộc đời mình, anh ấy trân trọng công việc hơn trân trọng tình cảm của người khác. Anh ấy chỉ có cái đầu mà không có trái tim. Những va vấp của anh vừa rồi có lẽ cũng do cái đó mà ra.
    Chị nói đầy vẻ hờn trách rồi lại thở dài đến thượt một cái. Trước vẻ xởi lởi hơi bỗ vã của người đàn bà đang yêu này, bỗng dưng tôi cũng thấy lồng ngực mình ấm nóng lên. Tôi hỏi:
    - Em không cho rằng anh Tám thiếu tình cảm đâu. Ngược lại nữa là khác.
    - Sao cô biết? - Chị trợn mắt với vẻ phật lòng.
    - Nhìn vào mắt anh, nghe giọng anh nói thì biết. Người có con mắt và giọng nói ấy, không thể là con người vô tình.
    - Không vô tình! Không vô tình mà lạnh lẽo như đá ấy à? - Chị vẫn còn đang bực.
    - Theo em – Tôi cố lấy giọng làm ra vẻ từng trải – có thể anh ấy bị hút vào công việc đến nỗi quên hết mọi thứ khác. Và cũng có thể trong quá khứ anh ấy có một nỗi đau ghê gớm nào đó trong chuyện này khiến anh xa lánh phụ nữ.
    - Xì! Lãng mạn! Tôi không tin. Làm như nhân vật trong tiểu thuyết không bằng.
    - Nếu thế thì dứt khoát anh ấy đã có một người đàn bà để anh thờ phụng rồi. Người đàn bà này chắc phải ác liệt lắm, có thể xóa nhòa được tất cả những người đàn bà khác.
    - Lãng mạn nốt. Cả đời có thấy anh ấy chuyện trò, thư từ cho ai đâu. Và nói cho đúng ra, cái thứ đàn bà đó chỉ may lắm có trong cải lương, phim ảnh.
    Tôi định nhắc lại câu nói của anh hôm rồi nhưng thấy chị cứ nguây nguẩy như con gái mới lớn, tôi dồn thêm câu cuối:
    - Nếu vậy chị đừng thương, mất công. Ông này tôn thờ cách sống độc thân -Tử vì đạo.
    - Ờ... Ờ.. có lẽ! Có lẽ! - Chị gật - Nếu thế thì hoài công thật.
    Tôi buông người nằm xuống đuổi theo nỗi niềm uẩn khúc của chị và thấy khuây khỏa đi phần nào. Thế là đêm nay nữa chồng tôi cũng không đến! Ngày nào cũng cứ vào khoảng nửa đêm, tôi lại mong chờ cồn cào bước chân của anh đi vào trạm xá. Một tiếng rung cây, một con chồn ăn lá, một bước chân của người y tá trực đêm cũng khiến tôi hồi hộp, thảng thốt. Nhưng mỗi lần như thế, không phải anh, tôi lại ngật đầu xuống võng muốn lịm đi. Giận hờn, trách móc, cả phẫn nộ cứ dồn vào anh mà găm tới. Tôi mường tượng nếu lúc này đây hay đêm mai, đêm mốt, nếu anh tới, tôi sẽ quên tất cả, quên hết, tôi sẽ gục đầu vào ngực anh mà khóc, mà thở than, rồi sau đó sẽ không rời anh ra nữa, anh ở đâu tôi ở đó, từ nay vợ chồng mãi mãi bên nhau, không còn con, cuộc đời tôi chỉ có anh, anh là duy nhất, anh sẽ biết cách an ủi tôi, sẽ tha thứ sẽ thông cảm hết cho tôi... Nhưng, đêm này nối tiếp đêm khác, vẫn chỉ có mình tôi với rừng đêm thanh vắng, chỉ có mình tôi với những trăn trở nóng bức trong đầu. Không ngày mai tôi nhất định phải rời khỏi nơi này. Cứ nằm đây mà chờ đợi, mà khắc khoải, tôi sẽ phát điên lên mất. Ngày mai.... chắc Nghĩa đang chờ tôi ở dưới đó. Cô ấy đang buồn lắm! Ngày mai... Tối sẽ gặp lại anh Tám, tôi sẽ hỏi anh cặn kẽ mọi điều và nếu anh cứ cao ngạo nhận về mình mọi điều không may thì tôi phải lên tiếng. Ngày mai... Rừng ở đây buồn đến héo ruột, héo gan, phải nằm thêm ít ngày nữa chắc tôi sẽ thành kẻ khác mất. Ngày mai tôi cần phải trở về với Lê, với Thu, với những đồng đội của tôi. Chỉ có sống với đồng đội, những người tôi coi như ruột thịt, tôi mới tìm được sự thanh thản, yên tĩnh trong lòng. Cạnh tôi, tấm võng có mạng nhiều chỗ của chị Ba không còn đong đưa nữa. Chắc chị đã ngủ đem theo vào giấc mơ cả những điều xót xa và cay đắng về người đàn ông khiến chị vừa thương vừa sợ kia. Có con tắc kè nào kêu khàn khàn trên ngọn cây... Tôi cũng dần thiếp đi.
    Bác sĩ Bảy Lù sau khi nghe tôi xin ra viện cứ tròn mắt lên thở phù phù như đạp phải bò cạp, rồi cuối cùng không làm cách nào ngăn cản nổi, kể cả mang y học, mang tổ chức ra dọa, đành phải xị mặt chấp nhận. Anh nhét vào bồng tôi cả bịch thuốc với những viên tròn dẹt, xanh đỏ trắng vàng hoa cả mắt mà không tài nào nhớ được loại nào vào loại nào rồi đeo hộ bồng đưa tôi gần hết nửa đường.
    Cô gái giao liên có bắp chân trắng xanh, thon dài đưa tôi về đến căn cứ của đơn vị vào lúc quá nửa đêm. Tất cả đã ngủ im lìm, không một tiếng ngáy, một tiếng nói mơ. Tôi đứng ngẩn ngơ... Thế là lại trở về nhà. Hơi ấm của bạn bè, của đồng đội, của hơi rừng sực lên, lan sâu vào người tôi ngây ngất. Ở một góc trong cùng, cách không xa các cánh võng khác có một ánh đèn cháy le lói. Tôi khẽ bảo cô giao liên tìm chỗ giăng võng tranh thủ chợp mắt đi một chút, tối mai hãy trở về huyện ủy cho đỡ mệt. Sau đó, đặt nhẹ cái bồng xuống đất, tôi rón chân bước về phía có ánh đèn. Đó là ngọn đèn chai quen thuộc mà khi hành quân nó luôn được đeo theo bên người cùng với khẩu súng ngắn, cây đèn pin ngoèo, chiếc bi-đông lồng trong ca i-nốc và tấm võng gói nhỏ bằng chiếc bánh ít. Ngọn đèn cháy tí tách, ngả ngớn theo gió khiến tôi không nhận ra được cái hình người ngồi im lặng trước nó là ai. Tim tôi đập rộ. Hai cánh tay đưa ra phía trước sẵn sàng ôm ghì lấy cái thân hình quen thuộc nào đó kia... Nhưng chợt tôi dừng lại, sửng sốt! Ngồi trước ngọn đèn không phải là Nghĩa, là Lê, là Thu hoặc một người nào khác mà chính là... anh Tám. Khuôn mặt trông nghiêng gân guốc và đôi lông mày rậm rịt của anh đang chúi xuống một quyển sổ tay. Trang sổ mở rộng, trong đó không phải ghi nghị quyết, ghi những mũi tên chiếu lệ mà là những dòng chữ viết nghiêng nghiêng rất đẹp. Tôi chớp mắt và bất ngờ nhận ra đó là những dòng thơ... Trời đất! Chẳng lẽ anh ấy trở dậy lúc nửa đêm để làm thơ? Làm thơ trong trạng thái thần kinh không bình thường của anh như chị Ba nói? Không hiểu sao tôi bất giác nín thở và đưa chân khẽ lùi trở lại. Nhưng muộn rồi! Không rõ do linh cảm, do tôi thở, hay do hơi nóng sau một thôi đường dài vận động từ người tôi bốc ra, anh đột ngột ngẩng lên, quay đầu lại... Tôi còn nhớ khuôn mặt anh lúc đó. Cùng với động tác gấp vội cuốn sổ, mặt anh nghệt ra trong tích tắc rồi chuyển thành vẻ ngỡ ngàng đến bối rối. Tiếp sau đó là sự lặng đi trong đôi mắt. Anh nhìn tôi rất lâu như không tin rằng đó lại là tôi. Khi tin rồi, anh nhẹ cười, dường như không phải cười với tôi mà cười với ai khác, rất xa xôi. Anh đứng dậy, thân hình như cao hơn trước vì anh ốm đi nhiều. Anh nói nhỏ, vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng:
    - Thanh... Sao Thanh lại về? Thanh về hồi nào?
    Gặp anh tôi mừng thực sự! Đang có rất nhiều điều muốn hỏi anh, ai dè lại đụng anh ở đây rồi, hên quá!
    - Vì cần phải về thôi, anh Tám. Nóng ruột quá! Nhưng… tại sao anh lại ở đây? Căn cứ huyện ủy chuyển xuống đây à? Lẹ ha!
    Có lẽ giọng tôi hỏi to quá nên chỉ kịp nghe anh trả lời anh xuống đây có một mình để trực tiếp chỉ đạo tác chiến trong khi tôi đi vắng thì mọi người đã ập đến. Họ xúm xít quanh tôi, người cầm tay, kẻ ôm vai, có cô còn hôn cả vào má, mỗi người hỏi một câu khiến tôi cứ quay như chong chóng. Đủ mặt cả: Tiến, Lê, Thu và hai chục anh chị em khác, người nào cũng tươi tắn, nhẹ nhõm sau một giấc ngủ sâu. Nhìn thấy tôi quá gầy guộc, tiều tụy, nhiều người rưng rưng nước mắt. Có người quay đi, khóc thành tiếng. Tôi đưa mắt nhìn quanh: hai mươi ba người! Như vậy trong thời gian tôi đi vắng, may mắn chưa khuyết đi một người nào. Nhưng còn Nghĩa? Nghĩa đâu?
    Tôi buột miệng hỏi:
    - Còn Nghĩa đâu? Sao không thấy đây?
    Không ai trả lời. Có những con mắt bối rối chuyển đi tránh cái nhìn của tôi. Thậm chí có người kín đáo lảng về võng của mình. Thế là sao? Lát sau, Tiến mới đến cạnh tôi.
    - Chị Hai! Chị mới về tới, còn mệt! Chị đi nghỉ đi, sáng mai em sẽ báo cáo với chị mọi việc
    Anh Tám cũng đến trước mặt tôi, nai nịt gọn gàng, nói một câu cố làm ra vui:
    - Thôi, bây giờ bà nữ kiệt về rồi, tôi xin trả lại đơn vị cho bà. Tôi về nhà đây.
    - Ý, đâu có được anh Tám! Anh ở lại chiều mai hẵng đi. Tôi đã kịp làm việc gì với anh đâu.
    - Tuần sau họp huyện ủy, ta làm việc luôn thể. Nhiệm vụ của Thanh lúc này là nghỉ, chắc là trốn viện, chứ sức mấy mà thằng cha Bảy Lù, chúa nguyên tắc lại chịu nhả bệnh nhân của nó ra ngang hông dễ dàng thế này; lại còn đòi làm việc luôn thì đâu có được. Thôi, đi nghe! Chào Tiến, chào tất cả.
    - Nhưng anh đi bằng cách nào? Cô giao liên ngủ rồi.
    - Tôi đã gọi dậy và cô ấy sẵn sàng xuất phát. Tình yêu của cô ấy ở trên đó, càng về sớm giờ nào, cô ấy càng thích giờ đó. Vả lại, nếu cần, tôi đi một mình cũng được, quen rồi.
    - Anh liều quá!
    Tôi chỉ còn biết trách theo với một câu và cái dáng đi có chiều vội vàng không bình thường của anh đã khuất sau mấy gốc cây to.
    Chỉ còn lại một mình tôi với Tiến, tôi kêu cậu ta ngồi xuống, nghiêm giọng:
    - Sao mọi người có vẻ tránh tôi như thế? Cả anh Tám nữa? Có chuyện gì nói tôi nghe xem nào?
    Tiến tháo kính ra lau vào vạt áo rồi lại đeo lên, không nói. Tôi không dằn lòng được nữa:
    - Nghĩa đâu? Nghĩa làm sao? Tôi vẫn là người chỉ huy ở đây đấy chứ?
    Tiến ngẩng lên, chiếu thẳng đôi mục kính vào mắt tôi, cất tiếng dịu dàng:
    - Chị Hai... chị ốm quá! Đáng lý chị phải nghỉ, chị đừng dính dáng gì đến cong việc vội. Biết có giấu cũng không được vì chị đã về đây rồi... - Tiến cúi đầu xuống – Nghĩa không còn ở đây nữa. Cô ấy đi rồi!
    - Đi đâu? – Tôi nhổm người dậy.
    - Cô ấy bỏ chúng ta đi rồi!
    - Nghĩa đã... chết!
    - Cũng coi như chết!
    - Thế là thế nào? Cậu có cái lối nói lấp lửng ấy từ bao giờ vậy?
    - Cô ấy... trở vào ấp. Cô ấy chiêu hồi!
    - Sao?
    - Nếu chị về sớm hơn một chút thì điều ấy có thể không xảy ra... Cô ấy mới đi chiều qua.
    Như bị một cái tát trái vào mặt, tôi choáng váng rơi người xuống... Người ta giấu tôi, lảng tránh tôi vì thế đấy. Thật không thể nào ngờ được. Vậy mà tôi cứ tưởng... Đầu óc tôi muốn đóng băng lại. Tôi hỏi để mà hỏi:
    - Nó có để lại cái gì không?
    - Dạ có! Một lá thư dài cho chị. Em đã đưa cho anh Tám đọc.
    - Đâu? Thư đâu?
    Tiến lôi trong túi áo ngực ra mấy tập giấy thô được gấp gọn. Tôi hờ hững cầm lấy. Còn phải xem xét gì nữa. Đàng nào nó cũng đi rồi! Bỏ bạn bè, bỏ chị em, bỏ tất cả mà đi, khốn nạn dến thế còn thư từ làm gì. Than vãn ư? Kêu ca ư? Hối hận, nhục nhã ư? Cũng bằng thừa. Trời ơi!
    Tôi bảo Tiến về võng ngủ tiếp. Còn lại một mình bên ngọn đèn sắp cạn dầu, tôi lơ đãng giở lá thư ra. Thư viết khá dài bằng những nét chữ nhỏli ti, đều đặn, càng về cuối cùng càng nghiêng rạp xuống, vội vã. Trên một vài đoạn còn lưu lại những vết ố nhòe. Lại còn có thể khóc được nữa! Đáng lẽ chị em sinh tử có nhau, ừ thì muốn làm gì thì làm, muốn ra sao thì ra, ít nhất nó cũng phải gặp mặt mình một lần. Đằng này... Tôi muốn vò nát lá thơ nhơ nhốc ấy vất đi, nhưng rồi lại không nỡ. Sắp sáng rồi. Đầu óc nhức ong ong không ngủ được, tôi đưa mắt một cách buồn bực vào những dòng đầu... Dòng nữa.... Dòng nữa rồi sang trang. Thật không ngờ, lá thư đẫm nước mắt ấy đã cuốn tôi đi mà không tài nào cưỡng lại được. Trong nửa tiếng, tôi đã đọc đến dòng cuối cùng. Đến bây giờ tôi hầu như còn nhớ rõ ràng từng chữ, từng lời trong lá thư vĩnh biệt đầy mê sảng ấy...
    “Chị Hai ơi!...
    Em khổ lắm! Em nhục lắm! Em thương chị lắm nhưng cuộc đời em thế là hết rồi, em không còn cách nào khác. Em đi đây. Em phải đi thôi. Đến lúc chị về, em đã không còn ở đây nữa, và cũng có thể không còn có mặt ở trên đời này nữa. Em muốn đến với chị, muốn được gặp chị lần cuối cùng, thầm chào chị, nhưng em sợ... Em sợ khi đã gặp chi rồi, thương chị quá? Kính trọng chị quá mà em không thể đi được nữa. Cho nên... chị tha thứ cho em, đứa em bội bạc, bất hiểu, bất nghĩa này. Em đi vì hoàn cnảh em không thể không đi chứ em không bỏ chị đâu, không đi tìm cái sướng cho riêng mình đâu. Hành động của em là tội lỗi, là đe nhục, chị cứ xỉ vả, cứ nguyền rủa, thậm chí cử người tiêu diệt em đi, nhưng... Em không thể không chuyện trò với chị một lần chót, em chỉ còn chị để giãi bày thôi. Dù chị có khinh em, giận em, em cũng nói. Nói hơi dài một chút. Nói mà không cần chị có hiểu hay không vì chính em cũng không hiểu nổi em nữa... Kinh khủng quá! Nghĩ lại em cứ thấy rùng mình... Sau khi tạm biệt chị ở cửa rừng, em đặt chân lên mặt lộ khá xuôn xẻ. Mọi viẹc xảy ra đúng như chị dự đoán, không một ai nghi ngờ em cả. Trước khi vẫy một chiếc xe lam về Sài Gòn, em còn kịp nhìn thấy đôi mắt không đeo kiếng của anh Tiến nhìn vuốt theo em đầy lo lắng. Đên bây giờ em vẫn biết ơn anh ấy thật nhiều về mọi tình cảm và mọi chăn sóc anh ấy giành cho em. Thời gian qua, tình cảm của Tiến đối với em thế nào em hiểu hết, nhưng... em không thể đáp ứng được. Hình như em với anh ấy trái duyên trái số với nhau. Chị nói với Tiến giùm em là Tiến tốt lắm, cao thượng lắm, em không xứng đáng với Tiến đâu...
    Về đến Sài Gòn, em gặp ngay nhóm bạn trong băng nhạc cũ. Chúng nó hỏi em bấy nay đi đâu và khen em trắng ra, đẹp hơn trước! (không ngờ những ngày cực nhọc với chị ở trong rừng lại làm em thay đổi kỳ lạ thế?).
    Đang ở rừng yên tĩnh, thanh đạm và ấm cúng đã quen, ra ngoài này mấy ngày đầu ồn ào, cuồng nộ em nhức đầu không chịu nổi. Bọn bạn xung quanh, xưa nay em đâu còn lạ gì nhưng sao bây giờ trông chúng lòe loẹt, nhạt nhẽo và tầm thường thế. Ngoài nhậu nhẹt, ca hát, đập phá và yêu đương, chúng không còn biết làm gì nữa. Thằng cha nhạc sĩ kiêm ca sĩ có tên tuổi hồi trược em cũng gặp lại. Vừa thấy em, hắn đã đứng ngây ra rồi liên hồi quỳ sụp xuống đòi suốt đời làm nô lệ cho em. Con người óng chuốt, trơn tuột và ẻo lả như tàu lá này không hiểu tại sao có thời em yêu đến thế! Hay tại vì bấy lâu em nhìn những khuôn mặt gai góc, đầy mê say và kiên nghị của đồng đội quen mất rồi?
    Hắn hỏi cái gì đã xảy đến với em trong thời gian qua? Em kêu cuộc sống này ngấy ngán quá! Có đốt đuốc đi tìm suốt đời cũng không thấy một thằng đàn ông cho ra đàn ông. Hắn hỏi nửa đùa nửa thật: “Ngay cả bọn đàn ông người rừng nữa à?” Em trừng mắt: “Đừng nói năng cái kiểu lạp xạp ấy!”. Hắn xin lỗi: “Tại vì có thời gian tôi nghe nói Nghĩa chán chường bỏ vào rừng làm phiến loạn!”. Em giật mình nhưng vội trấn áp ngay: “Vậy thì bắt đi! Trói đi, giải lên Tổng nha mà lãnh thưởng. Đồ hèn!”. Hắn im không nói gì nữa và chỉ nhìn em ngây dại. Giá lúc đó em bắt hắn quỳ xuống hôn chân em chắc hắn cũng làm. Nhưng chị ơi!... Thật không ngờ, đây lại là dấu hiệu đầu tiên đẩy em đến bất hạnh mà em không hề biết.
    Những ngày sau em vẫn cố tỏ ra buồn bực và cau có. Với tư cách là trưởng băng hát, hắn rủ em cùng cả tốp đi hát kiếm tiền ở khắp nơi. Tốp này đang nổi lên với những bài hát kích động, dâm dật và hiếu chiến, riêng em, chỉ hát những bài dân ca mà em thích. Chính những điệu dân ca đó đã khiến cho những buổi trình diễn của ban gây được tiếng vang hơn, thu được nhiều tiền hơn. Hắn càng o bế và si mê em. Hắn chiều em trong mọi chuyện chỉ trừ chuyện không dám cợt nhả, mon men nối lại tình cũ như xưa. Có lần hắn nói: “Nghĩa trở về đây đã làm sống lại ban hát này, thổi vào luồng sinh khí mới trong lành. Thực sự Nghĩa, bằng vóc dáng buồn và lạnh, bằng giọng ca thiên bẩm của mình đã trở thành nữ hoàng của ban và thành thần tượng của giới trẻ ở khắp nơi. Cám ơn Nghĩa nhiều lắm... Bây giờ Nghĩa muốn gì, làm gì tôi cũng chiều hết, chỉ xin Nghĩa đừng ghẻ lạnh, đừng buồ mãi như thế. Nhìn Nghĩa ủ ê, tôi rầu lòng lắm!”.
    Em cười thầm. Thế là đã đạt được yêu cầu ban đầu theo dự kiến. Em làm vẻ vô tình: “Xà quầy hoài một chỗ, chán lắm! Đi xa một chuyến đi!” “Đi đâu?” - Hắn hỏi. – “Cấp, Vĩnh Long, Biên Hòa hay Bình Dương chẳng hạn”. Hắn lim dim mắt một lúc, rồi vỗ đét hai tay vào nhau: “Thôi đúng rồi! Ta đi Bình Dương. Cảnh đẹp, người đẹp, chiến sự đang căng thẳng sẽ làm thư thái thần kinh và điều hệ trọng là, hắn cười ranh mãnh, ở đó Nghĩa sẽ gặp một tay đàn ông thứ thiệt, vốn là bạn bè cũ, đẹp lạnh, mềm yếu và tàn bạo, thích đâm chém nhưng cũng mê thi ca... Tóm lại là một gã đàn ông đầy cá tính, rất nhiều sức quyến rũ đối với đàn bà. Đi Bình Dương nghe!”. Em chắc mẩm hắn đang nói về thằng Quang, vui trong bụng nhưng vẫn làm bộ che tay ngáp: “Ừ, đi đâu thì đi! Đi cho khuây khỏa tý chút”.
    Ban nhạc kích động lên đường trên một chiếc Taxi thuê bao cả tháng.
    Tối đầu tiên ban nhạc trình diễn tại rạp hát duy nhất của thị xã. Đông kinh khủng, cả tầng trên tầng dưới không thừa một ghế nào, trong khi đó ngoài cửa rạp, thiên hạ vẫn chen lấn, la ó rùm trời. Trước giờ kéo màn, hắn, tên nhạc sĩ ghé tai em: “Chú ý hát cho ngon nghe! Tối nay thằng cha quận trưởng cũng tới coi đó. Thằng cha này chơi đẹp lắm, không sợ uổng tài năng đâu”. Em gật đầu. Mọi việc diễn ra cứ như được xếp đặt trước. Em càng phục tài phán đoán của chị, của anh Tám và của cả... Tiến nữa. Em chỉ còn lo làm sao hóa trang cho khang khác đi một chút để chẳng may có ai quen ngồi dưới cũng không nhận ra.
    Tối ấy em hát sau cùng nên suốt trong một tiếng đồng hồ trước đó, em có dịp đứng trong cánh gà kín đáo quan sát hắn. Quận trưởng Quang ngồi ngay hàng ghế đầu, cạnh một cô gái tóc nửa hung, nửa đen, cóvẻ đẹp man dại và bốc lửa như dân Tây Ban Nha, trong một bộ phim nào đó em đã coi. Hắn cao lớn, vai rộng, bộ quân phục thiếu tá bó chặt lấy khuôn ngực nở nang, tóc hắn hơi dài, mặt xương, mắ sắc và lạnh, môi mỏng, mím chặt khá cương nghị. Toàn thân hắn toát ra vẻ trận mạc, dạn dày đến tàn bạo. Hắn ngồi nghe nhạc mà dửng dưng, lạnh lẽo như ngồi trước bản đồ chiến sự. Hắn tỏ ra không cần giấu diếm sự nhàm chán trước các loại nhạc rú rít chói lói này. Hắn cũng dửng dưng luôn cả với cô người tình ăn mặc diêm duas và hở hang bên cạnh. Cô này chốc chốc lại liếc nhìn hắn, đưa cho hắn cục kẹo cao su hay nắm hạt dưa gì đó, nhưng hắn đều mỉm cười lắc đầu. Chỉ một chi tiét ấy cũng chứng tỏ hắn xưa nay vốn được đàn bà tôn sùng và chiều chuộng. Hắn đã gây được sự tò mò trong em, cái tò mò của một người khác phái chứ chưa hẳn là sự tò mò của kẻ thù địch. Có lẽ vết rạn đầu tiên đã hình thành ngay trong sự tò mò ngớ ngẩn đó.
    Đên lượt em ra sân khấu. Hôm đó em mặc một bộ đồ giản dị, trái ngược hẳn với những bộ đồ sặc sỡ, đúng mốt của đám người ca trước: quần trắng, áo dài máu tím Huế, tóc buông chùng để ăn nhịp với bài dân ca sông nước miền Trung. Ngay từ phút đầu, bằng những tiếng xì xào, chặc lưỡi, em biết mình đã gây được sự chú ý của đám đông. Và sau tiếng đàn ghi-ta đổ dồn, em cất tiếng hát. Cũng như mọi lần, ngay từ giai điệu ban đầu, em đã khiến được đám đông lặng đi… lặng đi cho đến câu chót để rồi sau đó là những tráng vỗ tay kèm theo những tiếng Bis! Bis! Liên tục. Đêm đó, nội bài hát ấy em đã phải hát lại ba lần. Em hiểu em được tán thưởng như vậy không hẳn là do có giọng hát hay, cái chính có lẽ là những bài hát trước đã là họ choáng tai, nhức óc, đến bài hát này, tâm hồn họ được dịu lại, họ cảm nhận tự nhiên hơn, gần gũi mình hơn. Còn hắn? Trong khi ngợp trước ánh đèn đủ màu, em vừa hát vừa vẫn để ý đến hắn. Lần đầu, em đi hết nửa bài rồi mà nét mặt hắn vẫn dửng dưng không hề xao động. Em đã lo! Ưu thế của người đàn bà không ở đâu nổi rõ như ở trước ánh sáng sân khấu và trong hào quang hư ảo nghệ thuật, nếu ở đây mà hắn vẫn trơ trơ ra thế kia thì nơi khác, với tất cả sự trần trụi của người thật, làm sao có thể rung động được hắn. Lúc ấy giọng em hơi bị hụt. Kệ! Em tự nhủ và dồn hết tâm hồn vào nửa bài cuối, nửa bài có những nét nhạc đẹp nhất. Rất may, chính trong nửa bài này, em đã đánh thức được hắn. Cặp mắt nnheo nheo mệt mỏi của hắn dần dần mở to hơn, chăm chú hơn: đầu hắn hơi nhao về phía trước và dáng ngồi cứng đờ cũng bắt đầu thay đổi. Nét mặt hắn mềm lại, vẻ tàn bạo cô hồn lặn đi rất nhanh. Thế là được rồi. Em phấn khởi tự nhủ và càng dồn tâm vào lời ca. Có lẽ đêm đó là đêm em tự thấy mình ca có hồn nhất. Ca cho một khán giả duy nhất là hắn. Bằng lời ca, em điều khiển sắc thái trên khuôn mặt hắn từng nhịp, mỗi lúc một dồn dập, một da diết hơn. Đó là bài ca buồn nẫu ruột của một nhạc sĩ già tài hoa. Tới câu cuối là cái câu buồn nhất, lắng đọng nhất, em chỉ nhìn hắn, nhìn sâu vào mắt hắn để kết thúc. Em cảm thấy rõ ràng cái rùng mình rất nhẹ của hắn và sau đó dường như bị ngợp, hắn nhắm mắt lại trong khi cả rạp vỗ tay vang động.
    Đến lần hát thứ hai, thứ ba thì hắn không còn là hắn nữa. Hắn ngồi đó, miệng hơi há ra, mê say thơ ngây như một đứa trẻ. Cho đến tận giây phút cuối cùng trước khi em bước hẳn vào hậu trường, em mới tháy hắn vỗ tay nhè nhẹ. Em kín đáo nở mọt nụ cười với riêng hắn, tỏ ý biết ơn. Hắn cũng mỉm cười lại. Thú thực, chưa bao giừo em thấy một người đàn ông nào mà chỉ cần một cái mỉm cười thôi, cũng làm thay đổi khuôn mặt như thế, mọi sự u ám độc địa biến mất, chỉ còn lại một sự tỏa sáng trên vầng trán nhiều suy tư. Tuy vậy thái độ ấy làm em hơi khinh thường. Bọn đàn ông đứa nào cũng giống nhau cả thôi, tỏ vẻ cao ngạo lạnh lùng làm gì cho thêm ngấy.
    “Hắn xử đẹp lắm, không sợ uổng phí tài năng đâu”. Đúng như lời gã nhạc sĩ ẻo lả nói, vào lúc trước khi lên xe về khách sạn, một gã trung úy trắng trẻo, cao ráo, có dáng người của một viên sĩ quan bàn giấy đi đến ngả mũ chào và đưa em một cái hộp bọc nhưng xinh xắn: “Thưa bà! Ông quận trưởng có nhã ý tặng bà nhân đêm trình diễn rất có hiệu quả của bà!”. Nói xong gã lịch sự cúi chào lần nữa rồi quay người đi luôn. Em giở ra: đó là một chiếc nhẫn có gắn hạt xoàn cỡ bốn ly mà ngay những cô gái con nhà tư sản ở Sài Gòn mà em biết cũng khó mà có được. Cầm chiếc nhẫn, bất giác tay em run run. Em không run vì giá trị của nó mà hồi hộp vì tín hiệu cá đã cắn câu hiện ra trước mắt em, thu nhỏ trong chiếc nhẫn này. Nhưng… Còn cái gì nữa chứ? Chẳng lẽ chỉ thế thôi à? Nếu vậy làm sao em có thể tiếp cận được sát gần hắn? Đúng ra em hy vọng hắn sẽ lên sân khấu, chúc mừng em, hẹn hò một câu gì đó hoặc giả mời cả ban nhạc đến dinh thự riêng, đến nhà hàng ăn tiệc hay đi đâu đó như bản tính háo sắc của hắn vẫn thường làm. Đằng này, hắn giấu mặt gửi một tặng vật rồi mất hút luôn… Tay này khó hiểu đây. Em đang đứng bần thần với họp nhẫn trên tay thì gã nhạc sĩ đi tới, cười bả lả: “Trước phong độ của lính tráng, người đẹp ngẩn ngơ rồi phải không? Hay còn chê chơi thế không đẹp?” Đang bực mình chưa biết tính sao, em độp luôn: “Anh có phải bà vú của tôi đâu mà theo hoài vậy. Đây, nếu thích, anh cầm lấy, trả công anh đó”. Em quẳng hộp nhẫn vào mặt hắn rồi bước lên xe.. Trời ơi, em không biết rằng hành động đó, lần thứ hai em đã đẩy em tiến sâu hơn vào sự bất hạnh.
    - Chị ạ! Ban nhạc còn ở lại trình diễn thêm ba buổi nữa. Cả ba buổi đó em đều hát quấy quá cho xong. Ruột gan em cồn lên. Nếu ngày hôm nay mà hắn vẫn im tiếng như thế là hết! Ngày mai cả tốp buộc phải trở về Sài Gòn. Và như vậy còn có dịp nào để trở lên đây rầm rĩ như thế này nữa! Thằng cha này chẳng lẽ lại thay đổi tính nết nhanh như thế? Xưa nay có bông hoa đẹp nào lạc đến đây mà hắn chịu bỏ qua không nếm ngửi? Hay là, em mờ nhạt, em không có mảy may sức quyến rũ, em không đánh được vào lòng hắn một chấn động nhỏ? Có thể... Cùng một lúc, cảm giác bẽ bàng vô duyên và cả ảm giác hận gã đàn ông lạnh nhạt đó trào lên trong lòng em. Em hiểu em chỉ đóng kịch theo phương án thôi nhưng sao trước sự phách lối, trịnh thượng của hắn, em lại thấy tủi, thấy uất thật! Là phụ nữ, chắc chị thông cảm cho em những điều tinh tế về tâm lý không thể giải thích được này.
    Đêm cuối cùng cũng sắp trôi qua. Nóng ruột thực sự, em tính phỉnh gã nhạc sĩ trưởng nhóm ở lại thêm vài buổi nữa với lý do đang hốt bộn bạc; cùng lắm, nếu hắn không nghe, mà mấy bữa nay không hiểu sao hắn lại tỏ ra khá bướng bỉnh, em sẽ ở lại một mình rồi tìm cách lo liệu sau. Cũng may (hay không may hả chị?) sáng hôm sau, vẫn gã trung úy thư sinh đó tìm đến khách sạn và chuyển lời thiếu tá quận trưởng có ý mời ban nhạc ghé chươi tư dinh của ngài ít bữa, nhân tiện nếu có thể được, mời ban nhạc trình diễn cho các lực lượng bảo an, dân vệ trong chi khu vài buổi. Nhạc sĩ nhóm trưởng vui vẻ nhận lời ngay sau khi đã liếc xéo sang em một cách ranh mãnh như muốn nói: “Tấm thịnh tình này là giành riêng cho cô đó cô bé ạ!”.
    Chị Hai! Viết đến đây em run tay không cầm nổi cây viết nữa. Tại đây, trong chính cái tư dinh xinh xắn đó, số phận em đã được định đoạt. Nhưng nếu không nói được với chị lần này thì không bao giơ em còn có dịp nói nữa. Hắn tiếp bọn em trongmột căn phòng rộng rãi trên gác hai. Đêm ấy trông hắn khác hẳn với bộ đồ thể thao mầu trắng khá trang nhã. Hàm râu quai nón của hắn đã được cạo xanh, chỉ để lại hàng râu mép xén gọn theo kiểu Huê Kỳ rất hợp với khuôn mặt rám nắng, xương xương của hắn. Chắc chị ghê tởm lắm khi em hơi quá chú trọng đến vẻ ngoài của gã đàn ông thù nghịch này? Thực ra em chỉ muốn nói, giữa những khuôn mặt nhạt nhẽo, dáng hình õng ẹo của những gã con trai trong ban nhạc, con người hắn nổi bật lên với cái vẻ phong trần, thô rám rất đàn ông. Thú thật điều đó đã gây ấn tượng ít nhiều cho em. Càng ây ấn tượng hơn nữa khi hắn đối xử với em cũng vui vẻ, lịch lãm hệt như những người khác, không tỏ dấu hiệu gì là chú ý đặc biệt cả. Thậm chí hắn cũng không thèm hỏi xem em có hài lòng với món quà tặng ấy không? Trong đêm tiệc đó, hắn coi như không có em trong phòng. Điều đó một lần nữa làm em điên đầu. Vừa tự ái đàn bà vừa lo không hiểu rồi dự định sẽ được tiến triển ra sao. Em cũng lạnh mặt lại, chỉ ngồi hút thuốc, uống nước hoa quả mà không động đến một giọt rượu. Em cần tỉnh táo trong bất kỳ hoàn cảnh nào như lời chị dặn. Bữa tiệc tối trôi qua một cáchhết sức nặng nề đối với em. Nặng nề đến nỗi khi đến cuộc nhảy, em cũng không buồn nhấc chân nhấc tay nữa. Đáng lý tôi nay em phải tìm mọi cách để quyến rũ hắn thì... em lại ngồi yên. Em cũng không hiểu tại sao em lại buông thả mình đến như thế. Thiên hạ đang quay cuồng xung quanh em. Nhạc mở hết cỡ. Những gương mặt đỏ gay, đầy đam mê; những cánh tay trần quấn lấy vai, lấy lưng nhau.... Gã nhóm trưởng tỏ ra hăng nhất. Hắn vừa nhảy vừa nói cười ha hả. Mấy lần hắn định mon men tiến đến gần, nhưng đụng cặp mắt lạnh lùng của em, hắn buộc phải quay ra. Trong khi đó dù làm vẻ thờ ơ nhìn găm vào một điểm ở trên tường nhưng qua tấm gương to, em cũng phải công nhận gã quận trưởng nhảy khá sành điệu. Bước chân gã chuyển động mềm mại, mái tóc rậm và xoăn của gã hơi ngửa ra sau một cách duyên dáng. Nếu lúc này có ai đó nói gã là một tên ác ôn hiểm độc thì thật khó hình dung ra nổi. Em đang nghĩ lan man, trong đó có cả suy nghĩ là sẽ phải chủ động mồi chài hắn, phải đưa hắn vào vòng mê muội nếu không sẽ lỡ thời cơ mất thì bỗng dưng em cảm thấy có hơi ấm đằng sau lưng và một mùi nước hoa đàn ông thoảng ra. Em vừa giật mình nhìn lên thì đã bị ngợp trong cái nhìn vừa dịu dàng vừa thoáng chút giễu cợt của hắn. Hắn cúi đầu mời em nhảy. Không thể từ chối và chính thâm tâm cũng đang chờ đợi đièu đó, em đứng dậy liền, đứng dậy hơi cập rập nữa là khác. Đây là một sai lầm tiếp theo của em.
    Hắn khéo léo dẫn em vào vòng lượn êm ái cảu một điệu vanxơ cổ điển. Em nhảy, như chị biết rồi đấy, vốn không phải tồi nhưng đi bên cạnh hắn cứ thấy mình vụng về làm sao ấy. Hắn im lặng và nhìn rất chăn chú vào mắt em. Phải nói, nếu hắn không là một thằng ác ôn thì cái nhìn đó rất dễ khiến cho đà bà, con gái phải bối rối. Bàn tay em lọt thỏm vào bàn tay có những ngón cứng cáp và ấm nóng của hắn. Tay kia hắn đặt hờ lên lưng em thôi, mà em thấy nặng như gọng kìm. Giây phút đó, em bỗng thấy giận sôi lên! Chính bàn tay rất giỏi mơn trớn này đã giết hại bao nhiêu người của ta, đã… có lẽ mắt em lúc đó vằn lên dữ dội lắm nên bàn tay của hắn đang đặt trên eo lưng của em hơi rời ra, nhẹ bỗng. Chột dạ, em mỉm cười e ấp và nũng nịu, hơi ngả đầu vào vai hắn. “Sao cô không vui - hắn hỏi - Suốt buổi tối nay và cả buổi tối tôi được chiêm ngưỡng dung nhan và thưởng thức tài năng của cô, cô đều có nét mặt không vui. Cô đang băn khoăn, áy náy điều gì?”. “Không! Thưa ngài thiếu tá, em vẫn vui đấy chứ, nhất là tối nay, sao lại có thể không vui?”. Hắn khẽ cười: “Không sao, hỏi cho biết. Thấy một người đàn bà đẹp, tài hoa rầu rĩ, bọn mày râu chúng tôi chịu không nổi. Nếu có thể giúp gì được cho cô khuây khỏa, cô cứ nói, tôi xin hết lòng, kể cả đổi bằng máu”. Chà! Em nghĩ. Hắn bắt đầu giở bài bản kiểu người hùng của Mỹ ra tán tỉnh rồi đây. Em nói bâng quơ: “Cảnh ở đây đẹp quá, khí hậy lại rất tốt, giá mà được nán lại ít ngày… Chán cảnh đô thành chen chúc lắm rồi”. Hắn xiết chặt tay em hơn: “Mời cô, nếu cô muốn. Ngay từ lúc này cô có thể tự coi mình là bà chủ của tòa nhà này. Tôi rất sung sướng”. Để rồi mi hất ta ra ngoài đường ngay tối mai như những người đàn bà nhẹ dạ khác? Em nghĩ nhanh, nhưng giả đò lúng túng biểu hiện một hàm ý biết ơn: “Đâu dám, ngài thiếu tá. Có nằm mơ em cũng không dám nghĩ rằng mình lại có được cái diễm phúc ấy”. Hắn ghé sát mặt em, hơi thở nóng ran bên tai: “Cô hoàn toàn có quyền được hưởng điều đó. Cô đẹp lắm, duyên dáng lắm cô biết không? Nghe cô hát, nhìn cô ngồi, chuyện trò tiếp xúc với cô, tôi đảm bảo không người đàn ông nào lại không nảy sinh một tình cảm cao quý muốn an ủi, muốn chở che. Vẻ đẹp buồn của cô, chính thế mà kiêu sa, khiến kẻ khác dù si mê đến mấy cũng ngại ngùng”. Chắc câu này hắn đã thốt ra hàng trăm lần với hàng trăm người đàn bà rồi. “Tôi vừa nhìn thấy cô nhếch mép cười - Hắn tiếp – Cô không tin những điều tôi nói, cô cho tôi là kẻ chuyên đi chinh phục đàn bà như mọi lời đồn đại? Tùy cô! Nhưng có một điều cô cần hiểu: Tôi còn có nhiều việc khác phải làm hơn là mất thì giờ với họ. Tôi bận. Tôi không có thời gian làm cái việc chinh phạt vô bổ ấy. Vả lại, đối với họ, thực ra tôi cũng chẳng cần phải nói dài dòng như thế này. Tôi chiếm đoạt họ bằng mắt và cũng bằng mắt, tôi vẫy họ lại. Nếu vừa rồi tôi phải nói những lời có vẻ sách vở ấy với cô thì bởi vì cô hoàn toàn xứng đáng với nó. Trên đời này, những người đàn bà được như cô không nhiều. Dường như cô không chỉ là một ca sĩ, cô còn một cái gì đó nữa ẩn hiện bên trong khiến người ta kính nể hơn bản thân cái nghề cầm kỳ thi họa của cô”.
    Chị ạ! Nghe hắn nói câu này em không giật mình vì nhìn vào trong mắt hắn, con mắt mệt mỏi và bất cần, em tin điều hắn nói là thực. Chị biết đấy, bọn đàn ông khi muốn tán tỉnh đàn bà thì ngoài cái mồm nói thia lia ra, con mắt chúng cũng ráo hoảnh, trơ tráo. Còn hắn không có vẻ gì là tán tỉnh, mà hắn chỉ muốn giãi bày một sự thật bên trong cuộc đời hắn. Bất giác em thấy gã đàn ông mà em có nhiệm vụ thi hành án tử hình này cũng có một cái gì đó không tầm thường, ghê tởm như người ta tưởng. Cái hố sâu của định mệnh đã hiện ra ngay dưới chân em mà em không hề biết! Em vẫn đưa chân theo điệu nhảy Vanxơ trong vòng tay gã đàn ông mà chỉ lát nữa, vào lúc gần sáng , sẽ định đoạt số phận cuộc đời em. Bên em, sau câu nói ấy, hắn bỗng trở nên im lặng, mắt nhìn trượt đi đâu phía trên đầu em, lạ lắm! Mãi sau, khi bản nhạc đã sắp vang lên những hợp âm cuối cùng, hắn mới cúi xuống nhìn vào mặt em, giọng trở nên xa vắng: “Cô có nét nào đó hơi giống người đàn bà mà tôi thương. Thương khổ đau, thương suốt đời mà không được đáp lại. Tôi đã từng quen biết và va chạm với rất nhiều đàn bà, con gái nhưng chỉ một người đó là ngự trị tình yêu của tôi. Tôi chỉ yêu một người đó. Chính vì không có người đó, không được người đó mà tôi phải lao vào phá phách, lao vào chém giết cho quên đi. Cô biết không Nếu cuộc đời tôi có người đàn bà, mà cho đến tận bây giờ cũng không rõ tại sao tôi lại có thể yêu si mê cuồng nhiệt đến thế, thì có lẽ số phận tôi sẽ khác… Làm gì cũng được miễn là sớm tối đi về, trong túp lều của tôi có con người đó. Thế là đủ, nhưng trời phật chẳng chiều tôi, người đàn bà đó mãi mãi ở bên ngoài tôi, dù cố gắng thế nào tôi cũng không thể với tới được. Vì thế tôi chán, tôi hận, tôi phải làm một cái gì đó dữ dằn cho hả. và làm miết rồi thành quêen đi, thành cảm hứng, thậm chí thành ý thức, thành lý tưởng mà có muốn cũng không duỗi ra được nữa. Nhưng cũng có thể nếu được người đó rồi, có khi tôi vẫn không thay đổi lối sống và chính kiến. Đàn bà mà! Khi chưa có thì tưởng là ghê gớm lắm, nhưng có rồi thì cũng thấy thường thôi. Xin lỗi! Không hiểu tại sao điều này tôi không muốn thổ lộ với ai mà bữa nay lại đem ruột gan ra bày biện trước mặt cô? Phải chăng, về một nét nào đó cô rất giống con người kia mà tôi chưa gọi tên ra được. Cho nên… cô khỏi bận tâm đề phòng. Nếu được nói thật lòng mình thì tôi xin nói: tôi thích cô chứ không yêu cô cũng như tôi chưa hề yêu một ai cả ngoài người đàn bà tầm thường, đúng, tầm thường chứ không phải sắc nước hương trời gì nhưng rất kỳ lạ đó. Đấy là cái khốn nạn của tôi và cũng là tấn bi kịch trong tâm hồn tôi.
    Chị Hai! Một lần nữa em xác nhận là hắn không giả dối trong câu nói này như bọn đàn ông thường làm vào những trường hợp tương tự để đánh vào sự thương hại của phái yếu. chị biết không? Đáng lẽ em bỏ ngoài tai những câu nói ngậm ngùi đó để dồn tâm vào công việc chị trao, em lại thấy thương thương hắn và thoáng ghen với người đàn bà nào đó mà hắn tôn thờ đến dường ấy. Người đàn bà ấy... Chị Hai! Sau đó em mới được biết không ngờ lại là chị. Nếu em được biết ngay lúc đó, cái lúc em bắt đầu nhìn hắn lào nhòa đi, hình nét kẻ thù không còn rõ nữa thì em đã tránh được, em đã không đến nỗi thế này! Em sẽ tự hào thêm về chị, người chị và người chỉ huy của em, em sẽ tỉnh táo trước sự hư ảo của con người hắn hơn. Vậy mà điều đó đã không xảy ra!
    Không, chị Hai! Nếu chỉ thương thương như vậy thôi thì vẫn không đủ độ để em sa ngã, em sẽ gượng dậy được nếu lúc đó gã trung úy thư sinh không xuất hiện. Hắn ghé tai thượng cấp nói một câu gì đó không nghe rõ, chỉ thấy nét mặt của viên quận trưởng xầm tối và sắt lại. Vầng trán đanh như thép lá của hắn ửng đỏ; lặng đi một chút, sau đó hắn gượng cười: “Xin lỗi các quý vị! Mời quý vị cứ vui tự nhiên, tôi có một chút việc cần vắng mặt ít phút. Ngài trung úy đây sẽ thay tôi hầu tiếp quý vị!”. Nói xong, hắn đi ra với những bước chân nhanh và dài. Trong thoáng chốc vẻ nhã nhặn của hắn biến mất, thay vào đó là phong độ lính tráng trận mạc trở lại bất thần. Lát sau, nghe dưới sân có tiếng xe nghiến rào rạo vào sỏi rồi vút nhanh ra cổng.
    Không còn chủ nhân, bữa tiệc kéo dài thêm được ít phút tẻ ngắt nữa rồi cũng tàn. Gã trung úy lịch thiệp dẫn từng người về phòng ngủ của mình. Đến lượt em, gã nói nhỏ: “Ông quận trưởng dặn tôi lưu ý đặc biệt đến chỗ nghỉ của bà. Mời bà đi theo tôi:. Căn phòng gã dẫn em đến là một căn phòng xinh xắn, quét ve trang nhã và trên tường treo nhiều bức họa cổ điển. Góc phòng kê một chiếc giường đôi có phủ vải trắng toát và ở cạnh cửa sổ là một bình hoa có cắm những bông hoa màu tím và vàng rất tươi. Chỉ thoáng nhìn cũng biết chủ nhân căn phòng này là một người có học, lịch duyệt. Em hơi ngại ngần hỏi: “Phòng này ai ở?” Viên trung úy mỉm cười: “Chỉ dành riêng cho những người khách mà quận trưởng của tôi thực sự quý trọng”. “Những cô gái lần đầu được lọt mắt ông chủ chẳng hạn?”. Em hỏi thêm, không giấu được chút mỉa mai. “Không! Thứ đó đã có một căn phòng khác, hấp dẫn hơn nhiều. Chúc bà ngủ ngon”. Gã trung úy nói một câu gọn lỏn rồi quay lưng đi ra. Còn lại một mình, ngồi mớm xuống chiếc giường êm ái, em bồn chồn quá! Đêm nay, theo phương án, em phải hành động nếu lát nữa hắn trở về và bước vào căn phòng này. Hắn đi đâu bất tử vậy? Liệu có thể về trước sáng không? Liệu em có đủ thời gian để làm mọi việc? Rờ tay vào nước thép lạnh tanh của khẩu súng, người em bỗng run lên. Em không sợ đâu. Vào tới tận đây rồi còn sợ nỗi gì nữa… Em chỉ e rằng một khi hắn trở về, đứng trước mặt em, vẫn dáng người và khuôn mặt dù sao cũng dễ hiểu, cũng gần gũi hơn khi em nhận lệnh trừ khử hắn, liệu em có mạnh tay rút súng ra được không? Và nếu rút được thì em sẽ bắn như thế nào, trúng hay trật? Hay là bị thương, lại không nỡ? Không nỡ giết chết một con người cũng đang có những khổ đau, dằn vặt giống mình, giống như mọi con người sinh ra trên đời này?
    Căn phòng vắng lặng. Ngọn đèn ngủ tỏa một màu xanh cô đơn hiu hắt. Em ngồi thu mình trong vũng tối. Em cố vuốt nhỏ mọi suy nghĩ lộn xộn vào một điểm: Đừng! Đừng thương, những tội ác hắn gây ra đang đè nặng xuống bà con, chòm xóm. Hắn phải chết như mọi tên đồ tể khác! Vì những người đang sống và những người đã chết ở trong rừng kia, vì mọi nỗi khổ đau mà đồng đội, bà con đang nếm trải, mình phải kết liễu đời hắn, làm bài học cảnh tỉnh cho những tên ác ôn khác… Em đã nghĩ được thế, sự tỉnh táo sắc bén phần nào đã trở lại. Nếu đúng lúc luồng suy nghĩ thẳng căng như viên đạn này hắn trở về thì mọi việc có lẽ đã được xử lý hoàn toàn gọn. Nhưng hắn chưa trở về! Và vẫn chỉ có mình em với những suy nghĩ đảo điên, trôi bồng bềnh không neo được vào đâu cả. Con người hắn thì ở gần em, quá gần. Những suy nghĩ về nhiệm vụ thì ở xa, rất xa. Một đằng cụ thể, một đằng mông lung. Em hoàn toàn bị mê hoảng trong căn phòng xa lạ vào cái giờ khuya khoắt ấy. Em sợ. Sợ chính bản thân em. Em vừa mong hắn về, lại vừa cầu cho hắn đừng về. Em đã tính bỏ chạy. Chạy trốn khỏi đây, chạy về với rừng, gục xuống chân chị thú nhận tội lỗi rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng một lực vô hình nào đó cứ giữ cứng em lại. Em đã định mở cửa phòng đi xuống nhà dưới đánh thức các bạn dậy, chuyện trò, tán láo, cần thiết vặn nhạc lên mà nhảy để khỏi phải ở một mình, để quên đi. Thậm chí lúc này em sẵn sàng ngồi cạnh gã nhạc sĩ, uống rượu với hắn, nếu cần để mặc hắn ba hoa tán tỉnh, miễn là... Em chợt nhớ lúc viên trung úy dẫn em lên đây, gã nhìn theo với một cái cười rất khó hiểu, vừa đểu vừa thỏa mãn.
    Một tiếng động dưới cổng làm em tỉnh hẳn. Có tiếng bánh xe lăn vào sân. Hắn về?... Đúng, hắn đã trở về thật. Có tiếng giày bước nhẹ lên thang gác... Toàn thân em nóng phừng phừng. Tốt nhất là phải bắn ngày từ lúc hắn vừa bước chân vào cửa phòng. Em lẩy bẩy rút cây súng ra, chĩa sẵn nòng ra cửa, tim đập thình thình. Tiếng chân đã đến hành lang... đã đến sát cửa phòng... đã dừng ở cửa... Em tưởng như nhìn thấy nắm đấm cửa bằng đồng đỏ đang từ từ xoay... ngón tay em xiết nhẹ vào cò súng... Nhưng không! Nắm đấm cửa vẫn im lìm và tiếng chân của hắn đi tiếp về phía cuối hành lang, chắc là phòng ngủ của hắn. Tiếng bước chân mệt mỏi. Em sững người, để rơi bàn tay cầm súng, mồ hôi toát ra đầm đìa... Thế là số phận đã quyết định tách em ra khỏi chị và những bạn bè của em trong cái nắm đấm cửa không xoay đó rồi ! Mệt bã người, em đặt lưng nằm dài xuống giường. Bây giờ sao đây? Cứ nằm chờ sáng hay dụ hắn tới? Nằm chờ là hết, còn dịp nào thuận tiện hơn như thế này nữa. Dụ hắn tới ư? Với tính cách kỳ dị ấy, chắc gì hắn đã thèm tới và nếu có tới thì điều đó cũng buộc hắn phải nghi ngờ. Như vậy là cái số hắn chưa đến lúc chết. Tại sao con mèo lại bỏ qua miếng mỡ! Chính hắn bố trí em ở một mình một phòng kia mà? Cái giường đôi, cái gối đôi và tấm dra trải giường thơm tho kia chả lẽ chỉ bày biện ra cho vui? Vô lý! Có thể chút nữa hắn sẽ mò qua? Hắn đi về đang mệt hoặc còn phải tắm táp đã chứ. Em ngồi dậy, căng mắt nhìn vào cánh cửa và khẩu súng lại lăm lăm trong tay. Nhưng mười phút... mười lăm phút... hai mươi phút trôi qua mà ngoài hành lang vẫn lặng tờ. Thế là thế nào? Kim đồng hồ treo trên tường đã chỉ bốn giờ sáng. Sắp hết đêm rồi! Thần kinh em căng quá, chỉ muốn thét lên một tiếng cho nó dịu đi. Kim đồng hồ vẫn nhích về phía trước... Đã liều, năm bẩy cũng liều! Hắn không sang, em sẽ sang với hắn vậy. Được hay không được, mọi việc phải ngã ngũ ngay trong đêm nay, lần lữa trong đợi chờ kiểu này, bể đầu mà chết mất! Uống một hụm nước lạnh, thoa chút son vào môi, em đeo cái túi nhỏ có nhét cây súng giảm thanh mở cửa phòng bước ra. Hành lang hun hút gió, ắng lặng đến rợn người. Tầng dưới đang vang lên bước chân tuần đêm của tên lính gác đều đều, bền bỉ. Một lát sau, bước chân tuần đêm của hắn sẽ mò lên đây. Em bước nhanh đến cửa phòng của hắn. Căn phòng vẫn sáng đèn. Từ trong bay ra mùi thuốc là khét nồng. Hắn chưa ngủ. Em cúi người dòm qua lỗ khóa. Một hình người mờ mờ, còn mặc nguyên quân phục ngồi trước bàn, khói thuốc tỏa mù mịt. Em định thần nhìn kỹ hơn. Đúng hắn! Tóc hắn rũ xuống, mắt ngước lên vòm trần, buồn bã, u uất đến rũ rượi. Vẻ mặt này làm em hơi sựng lại, một lần nữa cái cảm giác chống chếnh thương thương lại ùa về. Nhưng chót rồi! Lỡ rồi! Bây giờ có quay lại cũng sẽ đụng tên lính gác đang bắt đầu gõ chân lên nấc thang đầu tiên. Em gõ nhẹ vào cánh cửa gỗ lim nặng chịch. “Mời vào”. Một tiếng nói khàn khàn vọng ra. Em xoay nhanh nắm đấm cửa… căn phòng khá rộng tràn ngập ánh sáng của hai ngọn đèn nê-ông. Hắn ngồi lọt thỏm trong vùng ánh sáng đó. Thấy em, hắn không tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả, chỉ đứng dậy khẽ gật đầu chào: “Mời cô ngồi xuống”. Tôi biết thế nào rồi cô cũng sẽ tới. Cám ơn” Trời đất! Chưa bao giờ em gặp một thằng đàn ông kiêu ngạo và tự tin đến dường ấy. Nửa đêm nửa hôm đàn bà con gái đến gõ tận cửa phòng mà hắn lại có thể cho đó là chuyện thường, dĩ nhiên phải thế? “Uống cà phê đặc không ngủ được, thấy phòng ông còn sáng đèn, tôi sang chơi”. Em chống chế mà không dám nhìn vào đôi mắt vừa thô bạo vừa giễu cợt của hắn. “Tôi ũng vậy. Tôi cũng đang ao ước có người để trò chuyện. Thế là ít nhất đêm nay trong cái thị xã buồn tênh này cũng có hai người mất ngủ. Cô dùng gì? Lave hay Côca?” “Cám ơn! Tôi không muốn uống gì hết. Ông vừa về tới?” “Được một lúc rồi. Qua cửa phòng cô thấy im lìm, nghĩ rằng cô đã ngủ nên không dám đi mạnh chân”. “Hình như ông vừa gặp chuyện gì không vui?” “Cô tinh lắm! Mà, cũng thường tình thôi. Đời binh nghiệp làm gì có nhiều chuyện vui. Nhưng, riêng đêm nay…” - mắt hắn mờ đi như có bao nhiêu khói thuốc lá trong phòng đều dồn cả vào đấy. – “Đêm nay tôi mất một thằng bạn chơi với nhau từ nhỏ. Đau quá!” “Chết bệnh hay tai nạn xe hơi ạ?”. Em hỏi cho qua chuyện và kín đáo rời cái túi lên trên đùi cho miệng túi hơi mở ra. “Không! Chết banh xác, phải lượm mỗi chỗ một miếng, gói vào đem gửi về cho má nó ở Sài Gòn. Chết vì trái mìn phục kích của đối phương. Họ chơi độc quá! Đoạn đường ấy xưa nay được bảo đảm tuyệt đối an toàn. Chà! Chiến tranh… Nó là con một gia đình khá giả. Ngày mai gặp má nó, tôi không biết phải nói năng sao đây?”. Em nhè nhẹ kéo chiếc phẹc-mơ-tuya ở miệng túi. “Thế ra ông bỏ chúng tôi đi chỉ vì việc ấy. Tưởng có cô bồ nào muốn gặp ông?”. Hắn lắc đầu cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi đó: “Buồn! Sau mỗi lần như vậy, trong người lại thấy tan nát đi một chút; lại muốn có một người đàn bà yêu mình, hiểu mình để gục đầu vào lòng người đó mà ngủ một giấc, ngủ vĩnh viễn cũng được. Đâm chém hoài, đã quá! Mệt mỏi quá! Ngày mai vừa muốn đích thân chỉ huy một cuộc càn trả thù cho bạn vừa muốn không làm gì hết… Nói điều này chắc cô chẳng thể hiểu được đâu. Nhưng đúng vậy đó. Thằng lính bên này hay bên kia, tôi nghĩ, chắc cũng giống nhau cái phần người này thôi. Cô ca sĩ xinh đẹp! Đêm nay ta còn ngồi với nhau, nói với nhau những điều không dối trá, nhưng biết đâu ngày mai, hay ngay bây giờ tôi có thể chết, cô cũng có thể chết. Tôi sẽ là kẻ thù của cô và cô cũng sẽ là kẻ thù của tôi, cô và tôi khi đó không thể nói năng với nhau theo lối này được nữa! Nghĩ cho cùng, cái đó cũng chả sao, thường thôi. Chiến cuộc mà…”.
    Bàn tay em đã đặt được vào báng súng chỉ còn việc rút ra và đưa lên nhằm trúng vào phản ngực kia là xong nhưng… Chị ơi, chẳng hiểu sao câu nói cuối cùng của hắn cùng với vẻ mặt cực kỳ ủ dột kia đã làm chậm tay em lại. Và thật khủng kiếp là hắn đã kịp nhận ra điều đó trên vẻ mặt thoáng biến sắc của em. Hắn lôi trong ngăn kéo ra một gói Salem, vẫn rất dịu dàng: “Có lẽ cô muốn hút thuốc? Tôi có thứ này hợp với cô hơn, cô khỏi phải lấy thuốc của mình ra”. Em lắc đầu như kẻ cấm khẩu. “Vậy thì - Hắn nói tiếp, sắc mặt vẫn không hề thay đổi – cô dùng cái này tiện hơn. Nhẹ, gọn, hợp với bàn tay phụ nữ. Có sẵn cả trong đó rồi đó, cô chỉ việc đưa lên, làm theo ý của mình”. Chị Hai… chị có biết hắn đẩy đến trước mặt em cái gì không? Một khẩu súng! Khẩu Rulô của hắn! Hoảng hồn, em nhìn khẩu súng rồi lại nhìn hắn, đầu óc hoàn toàn ngây dại, chân tay em cứng đờ ra như không phải của mình nữa! Đến lúc đó hắn mới thong thả đứng dậy, mở nhẹ khuy áo ngực, cất một tiếng cười nhạt nhưng có cả sự đau khổ lẫn căm giận trong đó: “Cô Nghĩa! Cô bắn đi! Cô cầm lấy súng và bắn đi Bắn để làm tròn nghĩa vụ với các đồng chí trong rừng của cô. Cô đừng ngại! Không phải súng giả đâu. Đầy đạn trong đó đó. Tôi đã lau chùi kỹ, nạp đủ đạn từ hồi chiều để lúc này giành riêng cho cô. Nào! Còn ngại ngần gì nữa. Tôi chờ đợi phút này từ lâu rồi. Và tôi đã sẵn sàng. Cô tưởng tôi thiết sống lắm sao? Tưởng tôi quý cái mạng của mình lắm sao? Không! Cô nhầm rồi! Thực sự tôi chưa muốn chết nhưng cũng đã chán sống. Cô cầm lấy súng đi. Sao cô lại nhìn tôi như thế? Tôi không lừa cô đâu. Nói chung là tôi không thích lừa đàn bà. Đàn bà không bao giờ là đối tượng chính trị cũng như là đối tượng tác chiến của tôi cả. Tôi biết… Thế nào rồi cũng có ngày người ta sẽ tìm đến tôi nhưng tìm đến theo kiểu này thì hơi đau! Đau quá! Người đàn bà đó… Chính người đó đã phái cô đi phải không? Vậy thì nhân danh con người bạc ác đó, cô trừng trị tôi đi, để cho đẹp lòng người ta! Đằng nào rồi tôi cũng chết. Không chết ngoài trận tiền thì cũng phải chét theo kiểu này. Như nhau ráo.Vậy tôi chọn cái chết bởi bàn tay cô phái viên của người đàn bà đó. Dù sao như thế cũng ngọt ngào hơn là mất xác ngoài công sự”. Hắn nói đến đó thì dừng lại, mặt tái đi dòm ghê sợ lắm! Hắn không nhìn em, không nhìn vào khẩu súng và dường như không nhìn vào cả cái chết có thể xảy ra tức thì, hắn có vẻ đang chìm vào trong những đau buồn ẩn đàng sau tất cả những cái đó. Thế là hết! Em biết thế là hết! Em sẽ không bao giờ cầm nổi khẩu súng còn ở trong túi và cả khẩu súng đặt trên bàn nữa. Nếu lúc này hắn gầm lên, quát tháo, rít giọng, đánh tát em thì có lẽ em sẽ tỉnh lại mà nhớ hắn là ai? Đằng này… Em bỗng thấy hành động của mình là vô nghĩa dù cái cách dâng súng cho đối phương kia là giả trá, là che giấu một cạm bẫy gì đó bên trong. Thế là em cứ ngồi đó, ngay đơ như bị hắn thôi miên. “Chắc cô đang khổ sở khi nghĩ rằng tại sao tôi lại biết cô là ai? Định vào đây làm gì? Cái đó không khó. Tất cả những tín hiệu của cô phát ra đều tự tố giác cô. Hắn nói tiếp, giọng bình thản và cay nghiệt – Ngay tối trình diễn đầu tiên, đôi mắt cô nhìn tôi đã khiến tôi phải nghĩ ngợi. Không có ca sĩ nào nhìn khán giả như thế cả trừ trường hợp cô ta định mồi chài gì đó nhưng đáng tiếc là, ngay hình dong bên ngoài, tôi cũng biết cô không phải là thứ đàn bà rẻ tiền đó. Đến cái nhẫn tôi tặng cô thì lại rõ hơn. Viên trung úy của tôi có nói lại là cô tỏ ra rất dửng dưng với món quà trị giá bằng cả chiếc xe hơi đó. vậy thì cô muốn gì? Cô mê tôi? Tôi không đến nỗi quá ngu dại mà nghĩ vậy mặc dù điều đó đối với tôi cũng thường xảy ra. Và sau đó là đêm dạ yến. Cô hiện lên khá rõ mặc dù đã che giấu rất khéo léo. Cái kiểu cô ngồi tách ra mọi người nhưng đôi mắt lại thu nhận tất cả, cái kiểu cô giật mình khi tôi bước đến đàng sau cô và rồi cả cái kiểu lúc cô nhảy nữa. Bàn tay cô run, chảy mồ hôi phải không? Chứng tỏ cô đang cố gắng làm một việc mà cô chưa đủ sức làm. Tấm lưng cô nữa, khi tay tôi đặt vào đó, tôi thấy mặt cô thoáng nhăn lại như bị bỏng. Cô không muốn, cô ghê tởm. Và thưa cô, cuối cùng là đôi mắt. Đôi mắt ấy có lúc là đôi mắt của cô, rất đàn bà, rất nhiều chao động nhưng hầu hết là đôi mắt của người khác ghép vào. Làm sao trên cùng một khuôn mặt, cái miệng thì cô cười rất duyên, nhưng ánh mắt lại chứa đầy cái tia sáng đen sẫm của thù hận. Ánh mắt ấy đã phản lại cô thậm tệ mà cô không tự biết. Bởi vì chắc đây là lần đầu cô nhận làm cái công việc này. Vì là lần đầu nên cô lúng túng, cô để lộ nhiều sơ hở quá! Thậm chí tôi còn biết có những lúc cô tự giằng xé gay gắt giữa con người thực và con người của công vụ trong cô. Đúng không? Điều đó khiến tôi thấy thích cô, quý trọng cô, tất nhiên có cả căm thù. Tôi bắt đầu tò mò quan sát cô. Và cô gái ạ! Cô lại tiếp tục bộc lộ những sơ hở đáng tiếc. Hồi nãy tôi về cô vẫn chưa đi nằm. Tôi không nhìn qua lỗ khóa như cô vừa rồi đâu. Xin lỗi! Và cũng không đặt máy ghi âm hay băng thu hình gì hết. Tôi không quen làm cái trò đó. Tôi chỉ cảm nhận việc cô thức và nóng lòng chờ tôi qua trực giác. Trực giác của một kẻ luôn luôn phải đề phòng người khác đến bổ vào sọ mình. Thế thôi! Cho nên tôi biết chắc là cô sẽ sang đây với cái túi xách nguy hiểm này. Tóm lại, thưa cô, tôi đã biết cô vào đây làm gì cũng như ngay từ đầu tôi đã hiểu cô không chỉ là ca sĩ, cô muốn xử tôi theo lệnh của cấp chỉ huy trong rừng nhưng không hiểu tại sao tôi lại thích tâm sự, thích được cởi mở với cô. Có một kẻ thù xứng đáng còn hơn có một người bạn tầm thường. Cô có hiểu điều đó không? Tôi đã nói hết. Và bây giờ, đến lượt cô, cô xử sự đi! Xử sự theo đúng tiếng lòng của cô. Tôi chờ.”
    Chị ơi! Vào hoàn cảnh ấy em còn biết làm gì hơn được nữa! Toàn bộ con người em như bị lột truồng từ đầu đến chân trước mắt hắn. Trong khi đó hắn vẫn không thôi dịu dàng với cái giọng mỗilúc một thuốn sâu bò như rắn rết vào đầu óc em. Em tủi nhục, sững sờ, bất lực và không hiểu gì cả, cộng với những ngày thần kinh căng thẳng vừa qua, em không làm chủ được mình nữa thấy mình bé dại đáng thương và người đàn ông kia thì mờ ảo, tự tin, bao dung, hoàn toàn đứng ở vị trí chế ngự. Em thương thân và thương cả con người đang rầu rĩ ở trước mặt em đó. Nấc lên một tiếng, em gục đầu xuống bàn… Trong cảm giác tan rã đó, dường như có một ai lặng lẽ đến gần em… lặng lẽ đặt tay lên vai em. Sương mù bao phủ tất cả, em không hay biết gì hết… Và rồi cũng lặng lẽ như thế, người đàn ông nâng bổng em lên, từ từ đi lại phía giường … Em muốn giãy giụa, muốn thét lên cào cấu nhưng đuối sức quá và cũng đã muộn mất rồi. Ánh sáng trong phòng vụt tắt. Sương mù đùn ra từ hơi thở nào rất gần. Tấm dra giường trắng toát chụp vào mắt em. Đêm tối đen như những hố sâu hôi hám trong đầu em… Em duỗi dài chân tay tự buông thả trong cảm giác bị đè nén nóng bức, ngày một nặng nề, ngột ngạt…
    Chị Hai ơi! Chắc chị khinh em lắm! Em tồi tệ, em thối nát đến tận chân tóc, em chỉ là một con vật cái không hơn không kém. Em đã bán rẻ tình nghĩa chị em, đồng đội bán rẻ danh dự quân giải phóng; đã buông thả linh hồn và thể xác vào vòng tay kẻ thù. Em cũng không biết tại sao em lại hư hỏng nhanh thế. Nỗi nhục nhã này có ở trong em ngay từ lúc em tỉnh dậy trên cái giường thơm tho đó. Hắn đã dậy trước em, đang đốt thuốc và trầm ngâm nhìn ra cửa sổ bàng bạc trắng. Ngoài trời đang mưa. Em vội vàng mặc quần áo vào với ý định vụt chạy ra khỏi căn phòng gớm ghiếc này. Hình như đoán trước được điều đó, mà sao cái gì hắn cũng đoán trược được cả thế, hắn tắt thuốc; “Tôi biết cô đang hối hận, cô căm thù tôi. Khẩu súng tôi vẫn để trên bàn và cô vẫn toàn quyền được sử dụng theo ý muốn. Nhưng tôi biết cô sẽ không làm thế. Cám ơn! Cô Nghĩa! Sau câu chuyện vừa rồi, tôi đã bắt đầu thấy phải lòng cô. Hình như ngoài cái thích ra, chính con người cô đã dội vào lòng tôi một cái gì đó giống như… Cái cuối cùng tôi muốn nói với cô là: nếu cô thấy không ghê tởm nơi đây, không quá căm ghét tôi thì từ nay, cô sẽ là chủ nhân của dinh thự này. Còn nếu không? Cũng ngay từ giờ phút này, cô hoàn toàn được tự do. Coi như giữa chúng ta không có chuyện gì xảy ra cả. Tùy cô!”. Nghe hắn nói mà em tím gan tím ruột. Cũng giọng nói dịu dàng pha phong độ hào hoa mã thượng ấy, cách đây hơn một tiếng sao nghe thật lọt tai mà lúc này, nó chỉ toàn một vị nhớp nhúa. Nhưng hắn nói đúng. Sau tất cả mọi chuyện, em không còn lòng dạ nào nghĩ đến công việc chị trao cho nữa. Vơ vội cái túi xách, em đi như chạy ra cửa. “Khoan! Hắn gọi giật em lại – Còn cái này nữa, xin phiền cô giúp cho. Người đàn bà ấy, người đàn bà mà tôi từng nói với cô ấy, chính là người đã cử cô vào đây. Nói giúp với người ấy rằng tôi vẫn không thù không oán gì cả và nếu có dịp cho tôi được gặp. Gặp ở đâu tùy người ấy chọn và hãy tin ở tôi, tôi không biến cuộc gặp gỡ thành cuộc thanh toán đâu. Tôi thề trên danh dự đàn ông”. Nghe vậy, em sững người lại. Trời ơi! Thì ra thế. Quả thật đến lúc này em vẫn không thể ngờ rằng người mà hắn tôn thờ, người làm cho hắn khổ sở lại là chị, chị dâu của em.
    Hóa ra hắn đâu có thích, đâu có phải lòng gì em như hắn nói, hắn chỉ muốn thông qua em để trả thù chị. Trả thù không cần cưỡng bức, trả thù bằng cách gần như tự nguyện của em. Chó má thật! Thế mà em… Nước mắt uất ức muốn trào ra nhưng em kìm lại được. Ít nhất cũng không nên để hắn cười mũi một lần nữa”.
    Không nghe hết được nữa, em chạy ù xuống gác. Người gặp đầu tiên ở ngoài sân lại là gã nhạc sĩ. Hắn nhìn em, ngạc nhiên, thật khác với cái nhìn đểu đểu hồi tối. Không để hắn kịp mở miệng ra, em giang thẳng cánh tát cho hắn một cái vào giữa mặt: “Đồ chó! Đồ sâu bọ! Thằng khốn nạn!”rồi đi nhanh ra cửa.
    Chị Hai! Toàn bộ câu chuyện của em chỉ có thế. Nói lại đau lòng lắm, nhưng em phải nói vì em đã xa hẳn chị rồi! Không! Đáng lẽ em cũng chưa đi đâu, em đã trở về căn cứ với ý định quỳ xuống xin chị tha tội rồi chị muốn làm gì em thì làm kể cả xử bắn. Nhưng chị không có đó. Buồn khổ quá, trống trải quá, em theo giao liên lên tìm anh Hai.
    Tưởng rằng anh em cùng chung máu mủ, anh Hai sẽ hiểu em, sẽ tha thứ cho em rồi sẽ động viên em một điều gì đó khả dĩ làm cho em quên phần nào được câu chuyện vừa qua. Nhưng nghe xong, không không cần hỏi han gì cả, anh ấy nổi giận tạt tai luôn cho em một cái rất mạnh: “Con đĩ! Không ngờ tao có một đứa em phản trắc như mày”. Em tuyệt vọng quá! Anh em ruột thịt còn nỡ xử với nhau như vậy, huống chi người ngoài. Sao lúc ấy em thấy anh Hai giống ông cậu em quá. Anh sợ liên lụy... Em lủi thủi ra về, sống như một chiếc bóng để chờ chị. Chị sẽ quyết định số phận của em, chỉ mình chị thôi chứ không thể ai khác. Những ngày u ám luôn luôn nghĩ đế cái chết đó, chính Tiến là người ân cần chăm sóc nhất cho em. Không rõ anh ấy có biết chuyện không nhưng không thấy anh ấy đả động gì tới chuyện đó cả. Con người tốt bụng và cao thượng đó càng làm cho em hổ thẹn. Em không còn xứng với tình cảm của Tiến nữa. Em là con đàn bà bỏ đi rồi! Chị Hai ơi! Sao chị lâu về thế? Sao chị lại chọn đúng lúc này mà đi? Cháu mất, chị khổ lắm phải không? Vậy mà em còn làm chị phải khổ thêm nữa? Em không không chờ được nữa đâu. Em đi đây. Ngay cả đến chị, người mà em yêu quý hơn cả sự sống của mình, mà em cũng không thể nhìn mặt được nữa. Đêm ấy, thằng quận trưởng ác ôn đã... để lại dấu vết ô nhục trong em... Em đi chị nhé! Em rập đầu xin chị tha tội bất nghĩa, còn mọi tội khác, em sẽ tự xử. Em sẽ trốn lánh đi một nơi thật xa, xa hẳn vùng đất này và... Đến bây giờ, em vẫn chưa thể hình dung ra cái gì đang chờ đợi em ở phía trước nữa. Có điều chắc chắn là sẽ toàn cay đắng nhọc nhằn.
    Nói anh Tám, chị Ba và đơn vị tha tội cho em. Em không xứng đáng ở lại trong cùng một cánh rừng với những con người đó. Chị...”.
    Đọc xong lá thư, mắt tôi nhòa đi, thái dương bị giật mạnh. Lá thư được viết bằng những tờ giấy thô đó không phải là quá dài nhưng đọc xong tôi thấy mệt mỏi quá sức. Buồn ư? Giận ư? Có cả đấy nhưng lúc này tôi chỉ thấy thương, thương đến nẫu ruột cô em chồng của tôi. Để viết được những dòng này, tôi biết Nghĩa như trút hết ruột, hết gan mình vào đó và bây giờ chỉ còn lại cái thân xác đang lang thang vất vưởng không biết ở nơi đâu? Nghĩa ơi! Chị hiểu em. Giá như chị đừng đi trạm xá, giá như chị về sớm hơn được một chút thì đâu dến nỗi này. Chị đã dẫn dắt em vào đây, đã trao nhiệm vụ cho em và bây giờ đành chịu để mất em mà không còn cách nào cứu vãn được. Lỗi này phần nào do chị. Chị đã đánh giá đối phương quá thấp, chị đã không hiểu hết được những bí ẩn phức tạp trong tâm hồn trong trắng và yếu đuối của em. Đáng lẽ chị không nên cử em đi làm cái công việc quá sức đối với em này. Bây giờ em ở đâu? Liệu có quẫn trí mà sinh ra liều mạng không, Nghĩa ơi! Nếu bây giờ em có ở đây, ngồi trước mặt chị, chị sẽ không mắng chửi, sẽ không khinh rẻ em đâu. Về chuyện khí tiết, chuyện giai cấp, chuyện mơ hồ thù ta... chắc chị em mình còn có nhiều dịp để nói với nhau, thậm chí nói mất mặn mất nhạt. Nhưng... thận phận đàn bà, con gái trong chiến tranh khắc nghiệt lắm, chẳng may có sai sót, có vấp váp thì cũng là lẽ thường , nỡ lòng nào mà chửi mắng, khi rẻ nhau. Anh ấy đã tát em... Tội nghiệp! Sao anh ấy lại có thể nhẫn tâm như vậy được. Chị buồn lắm! Những ngày phải gồng mình từng phút để tồn tại này, thiếu cái tình, thiếu cái nhìn bao dung cho nhau thì thử hỏi sống làm sao? Chị hiểu em và thương em nhiều lắm. Nghĩa ơi! Giá như chị về sớm được ít giờ?... Giá như... anh Tám đừng giấu chị? Chị biết anh ấy cũng đang rất khổ tâm! Em biết không? Qua chuyện này, không hiểu cái gì sẽ xảy ra thêm với anh ấy...
    Tôi ngồi lặng im trên võng, để mặc cho dòng suy nghĩ xót xa của mình chảy tràn ra. Trời đã ràng rạng sáng. Ở cánh võng bên kia, Tiến cũng đang ngồi im lặng. Người con trai ít nói này cũng đang có nỗi đau riêng của mình. Tôi đến bên Tiến, đặt nhẹ tay lên vai cậu ta, nói như để nói với mình:
    - Thôi, chuyện đã xảy ra rồi, cho nó qua đi! Đừng nghĩ ngợi gì nhiều, thêm mệt.
    - Chị Hai! - Tiến ngẩng lên - Chị có nghĩ rằng trong một hoàn cảnh o ép nào đó, Nghĩa sẽ khai báo, chỉ điểm căn cứ này không?
    - Không! – Tôi cau mày – Không thể có chuyện ấy. Chỉ nghĩ thế cũng đủ xúc phạm cô ấy rồi. Cô ấy vào ấp không phải vì lý do ngại gian khổ, chết chóc. Cô ấy ra đi vì những lý do tế nhị của tình cảm. Cô ấy bị xốc.
    - Em cũng nghĩ thế- Khuôn mặt Tiến hơi sáng lên - Trước sau em cũng cho Nghĩa là người tốt, yếu đuối chứ không bao giờ phản lại bạn bè. Chị Hai! - Tiến đứng dậy, thái độ rất quả quyết – Em nghĩ rồi! Nếu tới đây tình hình thoáng hơn, chị cho phép em đi tìm cô ấy. Em sẽ giả trang hợp pháp đi bất cứ xó xỉnh nào để đưa được cô ấy trở về đây. Lúc này Nghĩa rất cần có những con người chân thành bên cạnh mình.
    Tôi gật đầu ghi nhận cái tình cảm bồng bột rất ít khi nảy sinh ở anh con trai chính chắn trước tuổi này, thế thôi, chứ việc đó còn phải suy tính nhiều. Riêng tôi, tôi cũng đang nghĩ đến một việc khác, hoàn toàn chỉ liên quan đến một mình tôi. Tôi đang nghĩ đến lời hẹn gặp của quận trưởng Quang... và vẫn là nghĩ thôi, chứ từ đó để thành quyết định lại còn bao nhiêu chuyện khác.

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 9 (Kết Thúc)

Sông Xa ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói