Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tuổi Sắt Đá Tác Giả: J.M. Coetzee    
    Tôi mơ thấy Florence, một giấc mơ hay ảo mộng. Trong mơ, tôi thấy cô ta lại đi xuống đại lộ Chính phủ, tay dắt Hope và cõng Beauty trên lưng. Cả ba mẹ con đều đeo mặt nạ. Tôi cũng có đấy cùng đám đông đủ loại người và tầng lớp tập hợp chung quanh. Không khí như ngày hội. Tôi có nhiệm vụ trình diễn một vở.
    Nhưng Florence không dừng lại xem. Cô ta nhìn thẳng và cứ đi như qua một đám hồn ma.
    Mắt trên mặt nạ như mắt trong những tranh cổ Địa Trung Hải, to, hình bầu dục, con ngươi ở giữa trông như hạnh nhân của một nữ thần.
    Tôi đứng giữa đại lộ đối diện với toà nhà Nghị viện, những người đứng chung quanh xem tôi làm ảo thuật với lửa. Trên cao là những cây chò rất to. Nhưng tôi không nghĩ đến trò mình đang làm. Tôi chăm chú nhìn Florence. Chiếc áo choàng đen buồn thảm của cô ta đã rơi đâu mất. Gió thổi nhàu chiếc quần trắng, cô ta đi chân đất, đầu để trần, ngực bên phải cũng để trần, cô ta đi qua thật nhanh, đứa bé đeo mặt nạ, trần truồng, lon ton chạy bên cạnh, đứa kia giơ tay chỉ trỏ.
    Nữ thần này là ai mà đến trong ảo mộng, ngực để trần rồi vụt đi thế nhỉ? Đó là Aphrodite, nhưng không phải Aphrodite với nụ cười đáng yêu, người đỡ đầu của những khoái lạc, mà chỉ là hình dáng xưa cũ, khẩn trương, chỉ như tiếng khóc dồn dập trong đêm tối, tiếng khóc của máu và đất, xuất hiện trong chốc lát cho mọi người thấy rồi đi luôn.
    Nữ thần không để lại dấu hiệu hay tiếng gọi nào. Mắt mở trắng dã. Nữ thần thấy mà không thấy gì.
    Tôi trình diễn với lửa nhưng vẫn đứng đó, sững sờ. Ngọn lửa từ người tôi phát ra xanh như màu băng tuyết. Tôi không cảm thấy đau đớn gì hết.
    Đó là ảo mộng trong giấc mơ đêm qua, nhưng nó đến từ thời gian bên ngoài. Nữ thần đi qua, qua mãi, vẻ ngạc nhiên và tiếc thương, tôi không thể nhìn theo được. Tuy tôi vẫn nhìn ngắm cơn lốc đến từ ảo mộng, nhưng nữ thần và các con cô ta đều trống rỗng, người đàn bà theo sau cũng không có mặt, người đàn bà thường mang những vòng lửa ngoằn ngoèo như rắn trên đầu ấy, vẫn đập tay, vừa khóc vừa nhảy múa.
    Tôi kể lại giấc mơ cho Vercueil nghe.
    Anh ta hỏi "Có thật thế không?"
    "Thật ư? Tất nhiên là không rồi. Nó cũng chẳng đáng tin cậy nữa kia. Florence thì có dính dáng gì đến Hy lạp. Những hình bóng trong giấc mơ có ý nghĩa khác. Đó chỉ là dấu hiệu về những vật khác thôi"
    Anh ta hỏi vặn "Có thật thế không? Cô ta có thật không?" khiến tôi cụt hứng tuy vẫn không chịu tránh né. "Bà còn thấy gì khác nữa?"
    Tôi cảm thấy phải theo đà câu chuyện, khẽ đáp "Thấy gì khác nữa? Còn gì khác nữa sao? Anh biết à?"
    Anh ta lắc đầu, vẻ chán ngán.
    Tôi nói "Mấy ngày qua anh biết tôi thế nào rồi. Tôi vẫn đứng bên bờ sông chờ đến lượt. Chờ xem có ai chỉ đường cho tôi qua sông. Từng ngày từng phút tôi vẫn ở đây chờ. Đó là những gì tôi thấy. Anh cũng thấy chứ?"
    Anh ta không nói gì.
    "Cái lý do tôi chống việc quay lại bệnh viện là nếu vào đó họ sẽ bắt tôi ngủ. Đó là cách họ làm đôi với động vật, do lòng tốt của họ thôi, nhưng họ cũng làm như thế với con người. Họ sẽ bắt tôi ngủ mà không được mơ thấy gì hết. Họ sẽ buộc tôi phải ăn quả độc để ngủ lơ mơ, để ngã xuống sông chết đuối và trôi đi. Vì vậy tôi không bao giờ qua sông được. Tôi không chịu để điều đó xảy ra. Tôi đã mất bao nhiêu công phu không thể nhắm mắt được.
    Vercueil hỏi "Vậy bà muốn thấy gì?"
    - Tôi muốn thấy anh thực sự là thế nào
    Anh ta nhún vai, tần ngần "Vậy tôi là ai?"
    - Là người thôi. Một người không mời mà đến. Tôi chỉ nói được thế thôi. Anh có thể nói thêm được gì nữa không?
    Anh ta lắc đầu "Không".
    Tôi nói "Nếu anh muốn làm gì giúp, tôi nhờ anh lắp bộ ăng ten cho cái đài".
    - Bà không muốn tôi đem ti vi lên cho bà ư?
    - Tôi chẳng có lòng dạ nào coi ti vi. Tôi sẽ phát ốm với nó.
    - Coi ti vi làm sao mà ốm được. Đó chỉ là hình ảnh.
    - Không phải chỉ có hình ảnh. Sau hình ảnh là những con người. Họ phát những hình ảnh ấy để làm người ta phát ốm. Anh biết tôi nói gì chứ.
    - Hình ảnh không thể làm cho bà ốm được.
    Đôi khi như anh ta muốn trái ý tôi, khiêu khích tôi, gây sự với tôi, xem tôi bực mình như thế nào. Cách anh ta nói đùa vụng về, chẳng hấp dẫn tí nào, lại khiến tôi muốn ngả theo.
    - Tôi chỉ yêu cầu anh lắp giùm ăng ten thôi.
    Anh ta xuống nhà. Lát sau khệ nệ bưng ti vi lên gác. Anh ta để ti vi quay mặt vào giường, lắp ăng ten, bật mở rồi đứng sang một bên. Lúc đó đang là buổi chiều. Một ngọn cờ phấp phới trên nền trời xanh. Một đội kèn chơi quốc thiều nước Cộng hoà.
    Tôi bảo "Tắt đi".
    Anh ta càng vặn to hơn.
    Tôi hét "Tắt ngay đi!"
    Anh ta quay lại nhìn mắt tôi đang long lên. Rồi tôi ngạc nhiên thấy anh ta ngọ nguậy, ngoáy mông, giang tay, búng ngón tay, không ngờ anh ta có thể nhảy múa theo điệu nhạc. Miệng anh ta còn lẩm bẩm nữa. Lẩm bẩm những gì tôi không hiểu.
    Tôi lại hét "Thôi đi!"
    Một bà già đã rụng hết răng lên cơn điên. Chắc anh ta thấy tôi rất lạ. Anh ta vặn nhỏ tiếng.
    - Thôi đi!
    Anh ta tắt ti vi, khẽ nói "Bà đừng thất vọng thế"
    - Vercueil, anh đừng dở hơi, đừng đùa thế, đừng có đem tôi ra đùa.
    - Nhưng sao bà lại có tâm trạng thế được?
    - Vì tôi sợ xuống địa ngục sau khi cứ phải nghe mãi bài Die stem.
    Anh ta lắc đầu nói "Bà yên tâm. Nên kiên nhẫn đi. Mọi thứ sắp kết thúc cả rồi".
    - Tôi không có thì giờ để mà kiên nhẫn được. Anh có thể có thì giờ, nhưng tôi thì không.
    Anh ta lại lắc đầu, nhe răng nhìn tôi "Có lẽ bà cũng có thì giờ".
    Trong khoảnh khắc, trời cao như bỗng mở tung với ánh sáng chói loà rọi xuống. Cả một đời chỉ toàn nhận những hung tin bây giờ bỗng như nghe tin tốt lành, tôi mỉm cười hỏi lại "Thật thế à?" Anh ta gật. Chúng tôi nhìn nhau cười như hai người điên. Anh ta lại giơ ngón tay lên búng, trông như một con chim điên xoè hết lông cánh, nhảy lại điệu khi nãy. Rồi anh ta bước ra ngoài, trèo lên thang nối dây ăng ten bị đứt, và chiếc đài lại nghe được.
    Nhưng có gì đâu mà nghe? Thời buổi bây giờ các làn sóng âm thanh chập vào nhau quá nhiều đến nỗi âm nhạc không thể nào phát tử tế được. Tôi nghe bài Một người Mỹ ở Paris rồi ngủ đi lúc nào không biết, lúc tỉnh dậy chỉ còn nghe thấy tiếng tít tít dồn dập. Tiếng ở đâu phát ra? Từ một con tàu trên biển chăng? Từ con tàu cổ lỗ nào chạy bằng hơi nước đang rẽ sóng giữa vịnh Walvis với đảo Ascencion chăng? Tiếng mã Morse đánh không nhanh, cũng không chậm, cứ đánh mãi trên biển cho đến chiều tối chăng? Họ phát thông điệp gì thế nhỉ? Nhưng điều đó có gì quan trọng đâu? Tiếng tí tách như mưa, mưa có ý nghĩa, an ủi tôi, giúp tôi nằm yên dễ chịu, chờ thời gian trôi đi, cho đến lúc tôi uống viên thuốc ngủ nữa.
    
    Mẹ bảo mẹ không muốn ai bắt mẹ phải ngủ. Sự thật là mẹ không chịu nổi nếu như không được ngủ. Ít ra thuốc Diconal cũng làm mẹ ngủ được hoặc giả như ngủ. Cái đau giảm bớt, thời gian trôi nhanh, chân trời hé mở, mẹ tập trung chú ý, như mảnh chai cứa vào người cho nỗi đau dịu đi một lát, để mẹ có thể nín thở, xòe tay, duỗi chân. Mẹ tự nhủ phải cám ơn giây phút đã giúp cho thân thể mẹ vô tri vô giác, tâm hồn mộng mị, nửa người mẹ thóat ra ngoài để bắt đầu bồng bềnh trôi.
    Nhưng khoảng thời gian trì hoãn ấy không bao giờ kéo dài. Đám mây laị kéo đến trùm lên đầu, ý nghĩ rối rắm, mẹ lại rơi vào cuộc sống dầy đặc đám ruồi nhặng điên dại. Mẹ lắc đầu, muốn xua đuổi chúng đi. Mẹ giơ tay, mở to mắt nhìn những đường gân xanh trên đôi bàn tay, nhìn tấm khăn phủ giường, rồi quật xuống nhanh như chớp. Mẹ chợt thiếp đi, chợt tỉnh lại nhìn bàn tay mình. Giữa những khoảnh khắc ấy, có lẽ một gìờ đã trôi đi trong nháy mắt, mẹ chẳng biết gì hết, vật lộn với một thứ gì dầy và đặc quánh trong miệng làm mẹ cứng lưỡi, như mẹ vừa từ đáy biển nhoi lên mặt nước, lắc đầu. Cổ họng chát đắng mùi diêm sinh, mẹ tự nhủ, có lẽ mình điên mất rồi! Vị đắng ấy làm mẹ điên mất rồi!
    Đã có lần mẹ đứng nhìn bức tường, tay mẹ cầm bút chì, đầu vót nhọn. Các chữ trên tường dạng chân, nhảy múa, chẳng có nghĩa gì, như chữ của mẹ hoặc ai đó trong mẹ.
    Mẹ gọi cho bác sĩ Syfret nói "Hình như thuốc Diconal ngày càng có nhiều phản ứng xấu. Tôi muốn hỏi xem ông có thể kê thứ thuốc gì khác cho tôi được không? "
    Bác sĩ Syfret đáp "Tôi không biết là bà vẫn tự coi mình như bệnh nhân của tôi. Bà nên vào bệnh viện cho họ săn sóc tốt hơn. Tôi không thể tiến hành giải phẫu trên điện thoại được".
    Mẹ nói "Tôi chỉ hỏi ông thế thôi. Thuốc Diconal làm tôi luôn luôn mê sảng. Liệu tôi có thể dùng thuốc nào khác được không?"
    - Tôi đã bảo không thể chữa trị nếu không trực tiếp gặp bà. Tôi không làm việc kiểu đó, các đồng nghiệp của tôi cũng không làm kiểu đó.
    Mẹ im lặng rất lâu khiến ông ta có thể tưởng đã mất mẹ rồi. Thực ra mẹ chỉ phân vân thôi. Con hiểu không? Mẹ muốn nói: tôi mệt lắm, mệt muốn chết. In manus tuas: ông hãy nhận tôi và săn sóc cho tôi, nếu không được thì tuỳ ông xem có cách nào tốt nhất vậy.
    Mẹ nói "Tôi xin hỏi ông câu nữa. Loại phản ứng như ở tôi, những người khác cũng có phản ứng như thế không?"
    - Bệnh nhân phản ứng rằng nhiều cách khác nhau. Đúng đấy, rất có thể phản ứng ở bà là do thuốc Diconal.
    Mẹ nói "Vậy nếu có dịp nào thay tim, tôi nhờ ông gọi điện kê cho tôi một đơn thuốc mới qua hiệu thuốc Avalon trên phố Mill nhé. Bác sĩ ạ, tôi không ảo tưởng về tình trạng của tôi đâu. Tôi không cần chăm sóc, chỉ cần giúp tôi đỡ đau thôi".
    - Bà Curren, nếu bà thay đổi ý kiến và muốn gặp tôi, bà chỉ việc nhấc điện thoại là xong, ngày hay đêm cũng được.
    Một giờ sau có chuông reo ngoài cửa. Người của hiệu thuốc đem đơn mới đến cho mẹ, thuốc dùng trong mười bốn ngày.
    Mẹ gọi hiệu thuốc hỏi "Tylox có phải là thuốc mạnh nhất không?"
    - Nghĩa là sao?
    - Ý tôi muốn hỏi đó có phải là thứ thuốc cuối cùng không?
    - Bà Curren, chẳng có loại thuốc nào như thế. Không có thuốc nào là đầu, thuốc nào là cuối.
    Mẹ dùng hai viên thuốc mới. Cơn đau bỗng tan đi một cách kỳ diệu, mẹ hưng phấnó, có cảm giác như được sống lại. Mẹ tắm, ngồi vào giường, định đọc sách nhưng rồi ngủ thiếp đi. Một giờ sau mẹ tỉnh. Cơn đau lại dần dần bò đến, làm mẹ buồn nôn và lại thấy xuất hiện bóng dáng quen thuộc của sự buồn nản.
    Thuốc trị đau chỉ là tia sáng chốc lát rồi bóng tối lại dầy đặc gâp đôi.
     Vercueil bước vào.
    Mẹ nói "Tôi đã uống thuốc mới nhưng chẳng thấy khá hơn chút nào. Có lẽ thuốc chỉ mạnh hơn một chút thôi".
    Vercueil nói "Bà cứ uống thêm đi. Không phải chờ bốn giờ sau mới uống nữa".
    Đúng là lời khuyên của một anh nghiện rượu.
    Mẹ nói "Tôi sẽ uống. Nhưng lúc nào thích thì uống, mà uống tất cả một lúc cũng được chứ sao".
    Hai người im lặng.
    Mẹ hỏi "Tại sao anh lại chọn tôi?"
    - Tôi đâu có chọn bà.
    - Tại sao anh đến đây, đến ngôi nhà này?
    - Nhà bà không có chó.
    - Gì nữa?
    - Tôi nghĩ bà sẽ không gây khó khăn.
    - Tôi đã gây khó khăn gì chưa?
    Anh ta bước đến gần mẹ. Mặt anh ta sưng lên. Hơi thở anh ta có mùi rượu. Anh ta nói "Nếu bà muốn tôi giúp, tôi sẽ giúp". Anh ta vươn người tới, tay nắm vào cổ mẹ, ngón cái khẽ ân vào thanh quản, ba ngón khoằm ôm dưới tai. Mẹ khẽ nói "Đừng" và gạt tay anh ta ra. Mẹ rưng rưng nước mắt. Mẹ cầm tay anh ta đập vào ngực, như muốn than vãn, một cử chỉ xưa nay mẹ chưa từng làm.
    Mẹ ngồi im một lúc. Anh ta vẫn ngả vào người mẹ, như muốn để mẹ sử dụng anh ta. Con chó sục mũi vào cạnh giường ngửi hai người.
    Mẹ nói "Anh để con chó ngủ với tôi được không?"
    - Taị sao thế?
    - Cho ấm thôi.
    - Nó không chịu đâu. Tôi ngủ đâu nó ngủ đấy.
    - Vậy anh cũng ngủ đây đi.
    Anh ta đi xuống nhà. Mẹ chờ lâu, uống viên thuốc nữa. Rồi đèn ở cầu thang tắt. Mẹ nghe anh ta cởi giày. Mẹ nói "Anh cũng bỏ cả mũ ra nữa, cho nó khác đi".
    Anh ta nằm lên trên khăn trải giường, dựa lưng vào mẹ. Mẹ ngửi thấy mùi chân bẩn. Anh ta khẽ huýt sáo. Con chó nhảy tới, xoay mình nằm vào chỗ giữa chân anh ta và chân mẹ. Y như cây gươm của Tristan, giữ cho hai người lương thiện.
    Viên thuốc tỏ ra rất có hiệu lực. Suốt nửa giờ, trong khi anh ta và con chó ngủ, mẹ nằm im không động đậy, không thấy đau, tâm hồn tỉnh táo, nhanh nhậy. một luồng ánh sáng chạy qua trước mắt, mẹ thấy đứa bé Beauty được mẹ nó cõng trên lưng chạy đến, nhong nhong nhìn phía trước. Rồi ảo ảnh đó mờ đi, lại thấy một đám bụi, bụi Borodino, quay cuồng trước mắt như những bánh xe của thần chết.
    Mẹ bật đèn. Lúc này đã nửa đêm.
    Mẹ sẽ kéo màn che ngay bây giờ. Đây không thể có nghĩa một câu chuyện của thân thể, mà của tâm hồn chứa trong thân thể ấy. Mẹ sẽ không cho con thấy những gì con không chịu nổi, cảnh người đàn bà trong ngôi nhà cháy, chạy từ cửa sổ này sang cửa sổ khác, nhìn qua song cửa kêu cứu.
    Vercueil và con chó ngủ rất yên bên cạnh những cơn thác buồn rầu đang đổ xuống. Những cơn thác trút hết tội, chờ cho tâm hồn xuất hiện. Tâm hồn mới nhập đạo, ướt át, mù quáng, ngu dốt.
    Bây giờ tôi mới biết tại sao anh ta không sử dụng được mấy ngón tay đó nữa. Đó là một tai nạn trên biển. Họ phải rời bỏ con tàu. Trong lúc vật lộn, tay anh ta bị kẹt trong dây tời và dập nát. Suốt đêm anh ta lênh đênh trên chiếc bè với bảy người khác và một chú bé, chờ chết. Hôm sau họ được một chiếc tàu kéo của Nga đến cứu, và tay anh ta cũng được chữa chạy nhưng lúc đó đã quá muộn.
    Tôi hỏi "Anh có học được tiếng Nga nào không?"
    Anh ta bảo chỉ nhớ được một từ kha ra sô.
    - Không ai nói gì đến Borodino à?
    - Tôi không nhớ đến Borodino.
    - Anh không tính ở lại với người Nga sao?
    Anh ta nhìn tôi với vẻ khó hiểu.
    Từ đó anh ta không bao giờ ra biển nữa.
    Tôi hỏi "Anh có nhớ biển không?"
    Anh ta đáp dứt khoát "Tôi không bao giờ đặt chân lên tàu nữa".
    - Tại sao?
    - Vì tôi sẽ không may mắn nếu lần sau còn lên tàu.
    - Làm sao mà biết được chứ? Nếu anh tin ở mình thì có thể đi trên mặt nước được nữa kia. Anh không tin là có những điều tin tưởng thì làm được sao?
    Anh ta im lặng.
    - Hoặc sẽ có một cơn lốc đến bốc anh lên khỏi mặt nước và đặt anh xuống đất khô ráo. Còn có cá heo nữa. Cá heo cứu thuỷ thủ sắp chết đuối, phải thế không? Tại sao anh không trở thành thuỷ thủ được?
    - Chẳng bao giờ nghĩ trước hay biết trước được đâu.
    Tôi khẽ bấm vào ngón tay đeo nhẫn "Anh có cảm thấy gì không?"
    - Không, các đường gân tê liệt cả rồi.
    Tôi vẫn biết anh ta có chuyện để nói, và bây giờ anh ta bắt đầu nói ra bằng những ngón của một bên tay. Chuyện của người đi biển. Tôi có tin được không? Tin hay không cũng chẳng sao. Chẳng có điều nói dối nào mà không có chút thật trong đó. Chỉ cần nghe như thế nào thôi.
    Anh ta cũng đã làm việc trên bến, bốc vác hàng. Anh ta nói có một hôm bốc hàng ở cần cẩu anh ta bỗng ngửi thấy mùi gì, mở ra thấy có một xác người, hoá ra người đó trốn vào đấy và chết đói.
    Tôi hỏi "Người đó từ đâu đến?"
    - Trung Quốc. Ở xa lắm.
    Anh ta cũng đã làm việc cho Hội bảo vệ súc vật, trông cũi chó.
    - Vì thế mà anh thích chó ư?
    - Tôi vẫn thích chó.
    - Anh có con chó nào để thay cho trẻ không?
    Anh ta chỉ ậm ừ, không nói rõ. Trước đây anh ta thường lựa xem câu nào tôi hỏi là đáng nghe, câu nào không đáng nghe.
    Tuy nhiên, tôi dần dần chắp lại câu chuyện một cuộc đời cũng đen tối như bất cứ cuộc đời nào khác trên trái đất này. Tôi không hiểu rồi sau khi kết thúc giai đoạn với một bà già trong ngôi nhà rộng lớn này, anh ta sẽ còn gặp chuyện gì khác nữa? Một bàn tay anh ta bị co quắp, không thể làm việc bình thường được.Kỹ năng kéo dây của một thuỷ thủ cũng mất rồi. Không còn thông thạo được như người khác. Quãng đời dang dở của anh ta không có người vợ bên cạnh. Đơn độc. Stoksiealleen. Một cây que trên cánh đồng hoang. Một tâm hồn lẻ loi, cô đơn. Ai sẽ chăm sóc cho anh ta đây?
    - Sau khi tôi đi rồi, anh sẽ làm gì?
    - Tôi tiếp tục sống.
    - Chắc chắn là thế rồi, nhưng sẽ có ai trong đời anh nữa?
    Anh ta mỉm cười khiêm tốn. "Tôi cần có ai trong đời nữa sao?"
    Không phải một câu đáp mà là một câu hỏi thật sự. Anh ta không biết nữa. Chính anh ta, một con người thô sơ, đang hỏi tôi như thế.
    - Phải. Tôi nghĩ anh cần có một người vợ, nếu anh không cho ý kiến đó là lập dị. Ngay cả người đàn bà anh đã đưa về đây, nếu như trong lòng anh còn nghĩ đến chị ta.
    Anh ta lắc đầu.
    "Nhưng thôi, tôi không nói chuyện anh lấy vợ đâu, mà nói chuyện khác cơ. Tôi hứa sẽ chăm sóc anh, trừ khi tôi không biết sau khi chết có thể làm gì được. Có lẽ không làm gì được đâu, hoặc có cũng rất ít. Mọi việc ở đây đều có luật lệ của nó, dù người ta mong muốn thế nào cũng chưa chắc có thể thoát khỏi. Không ai được phép có chuyện bí mật hoặc kín đáo theo dõi. Vậy chẳng có cách nào giữ được một khoảng riêng tư trong lòng mình hay trong lòng bất cứ ai. Mọi thứ có thể bị xóa sạch, không chừa một thứ gì. Ý nghĩ đó thật ghê sợ. Đủ ghê sợ để người ta phải nổi loạn, để nói rằng nếu mọi sự phải như vậy thì tôi thà rút đi còn hơn. Đây, tôi trả lại tấm vé đây. Nhưng tôi e rằng ngay cả việc trả lại tấm vé cũng không được phép, dù với lý do nào.
    "Vì thế anh không nên sống cô đơn, mà tôi thì có thể sẽ đi hẳn."
    Anh ta ngồi trên giường quay lưng về phía tôi. Anh ta cúi xuống vuốt ve con chó đang dựa vào đầu gối.
    - Anh hiểu tôi nói gì không?
    Anh ta ậm ừ trong miệng, một thứ ậm ừ có thể là đồng ý nhưng thật ra chẳng có nghĩa gì.
    - Không, anh không hiểu đâu. Anh chẳng hiểu gì hết. Không phải triển vọng cô đơn của anh làm tôi lo sợ, mà chính là triển vọng của tôi.
    Mỗi ngày anh ta đều ra ngoài mua hàng. Tối đến nấu ăn, rồi lảng vảng theo dõi xem tôi có ăn được không. Tôi chẳng bao giờ thấy đói, nhưng không dám nói thẳng cho anh ta biết. Tôi chỉ nhẹ nhàng bảo "Anh cứ đứng nhìn thế tôi không ăn được", rồi cất đi một chỗ sau đó cho con chó.
    Món anh ta thích làm nhất là bánh mì trắng rán với trứng và cá ngừ, đổ sốt cà chua lên trên. Tôi nghĩ bụng gía mình biết trước thì đã dạy anh ta vài bài học về nấu nướng.
    Tuy anh ta có cả ngôi nhà để muốn ngồi đâu thì ngồi, nhưng thực tế anh ta sống với tôi trong phòng. Anh ta vứt túi không và giấy gói ra sàn. Giấy viết tung toé đầy nhà như những bóng ma. Tôi kêu "Anh vứt rác ra ngoài đi". Anh ta hứa "Tôi sẽ vứt". Nhưng có lúc anh ta vứt, có lúc để lại càng nhiều hơn.
    Chúng tôi cùng nằm chung một giường, như trang giấy gập đôi, như hai mảnh đời chập vào nhau, như những bạn cũ cùng phòng, cùng giường tầng, hợp lại như vợ chồng. Lectus genialis, lectus adversus. Mỗi khi bỏ giày ra, trông móng chân anh ta như sừng màu vàng gần thành nâu. Anh ta không dám thò chân xuống nước, chỉ sợ ngã và rơi vào những khoảng sâu thẳm không thở được. Một sinh vật trên cạn, sinh vật của không khí, như những con châu chấu ma trong chuyện của Shakespeare với cẳng dài cứng của con dế và móng như mạng nhện. Hàng đàn những con đó theo gió kéo nhau ra biển, xa đất liền, rồi mệt mỏi bám vào nhau chết đuối trên Đại Tây Dương. Chúng bị nuốt hết, không còn một mống. Những đôi cánh gãy trên biển thở dài như một rừng lá, hàng triệu con mắt lờ đờ nhìn đám cua bò chung quanh, bám vào chúng và nhai ngâu nghiến.
    Anh ta ngáy.
    Mẹ nằm bên người chồng tưởng tượng để viết cho con đây. Con tha lỗi cho mẹ nếu hình ảnh đó khiến cho con giận mẹ. Người ta phải yêu cái gì gần mình nhất. Phải yêu cái gì nắm lấy được, như con chó biết yêu vậy.
     Bà V.
    
    Ngày 23 tháng Chín, ngày mặt trời đi qua đường phân điểm. Mưa tầm tã từ bầu trời đã che kín núi non, bầu trời xuống thấp đến mức có thể cầm cán chổi mà đụng tới được. Có tiếng thình thịch như một bàn tay to bằng nước đập trên nóc nhà, vỗ vào mái ngói, vào những ống máng dã hết hồi âm, nghe bì bì như không khí biến thành nước.
    Vercueil hỏi "Cái gì thế này nhỉ?"
    Anh ta cầm chiếc hộp gỗ nhỏ màu hồng có nắp bản lề. Mở nắp thì trong hộp hiện ra một chàng thanh niên tóc dài mặc bộ đồ kiểu cũ. Xoay góc khác thì hình ấy lại biến thành những vệt sáng bạc dưới mặt kính.
    - Đó là tấm ảnh ngày xưa, từ hồi chưa có ảnh.
    - Ai thế?
    - Tôi không rõ. Có thể đó là anh em gì đó của ông tôi.
    - Nhà bà như viện bảo tàng ấy nhỉ.
    (Anh ta đã vào những phòng cảnh sát đột nhập).
    - Trong bảo tàng thì các đồ vật đều có nhãn. Đây là bảo tàng mà nhãn đà rơi đâu mất. Một bảo tàng mục nát. Một bảo tàng phải đưa vào bảo tàng.
    - Nếu bà không cần nữa thì bán đi.
    - Nếu anh muốn thì bán đi. Bán cả tôi nữa.
    - Để làm gì?
    - Để lấy xương, lấy tóc. Bán cả răng của tôi nữa. Trừ phi anh cho là tôi chẳng còn đáng gì hết. Rất tiếc là chúng ta không có chiếc xe trẻ con thường dùng để đẩy người đi. Anh có thể đẩy tôi xuống Đại lộ, hoặc đem tôi đến một chỗ tối, thí dụ đống rác và vứt tôi ở đó.
    Mỗi khi muốn hút thuốc, anh ta thường ra ngoài hiên. Bây giờ anh ta hút ngay ở đầu cầu thang, để khói thuốc bay vào phòng. Tôi không thể chịu được. Nhưng bây giờ đã đến lúc phải quen dần với những gì tôi không chịu được.
    Anh ta bước đến nhìn tôi giặt đồ lót trong chậu. Tôi đau người, không cúi xuống được. Chắc anh ta thấy ngứa mắt, bảo "Để tôi giặt cho". Tôi từ chối. Giặt xong tôi không với tay đến dây phơi. Anh ta phơi hộ tôi, phơi đồ lót của một bà già. Anh ta có vẻ buồn bã, chẳng nhiệt tình chút nào.
    Cái đau trong người tôi mỗi lúc một dữ dội, tôi rùng mình, tái mặt, mồ hôi lạnh lã chã. Có lúc anh ta cầm lấy tay tôi. Tôi giẫy giụa trong tay anh ta như con cá cắn câu. Tôi biết lúc đó trông bộ dạng tôi thật xấu, bộ dạng thường có ở người đang say mê làm tình, tàn nhẫn và lợi dụng. Anh ta không thích nhìn cái vẻ đó, quay mặt đi. Còn tôi, tôi nghĩ cứ để anh ta nhìn cho biết như thế là thế nào.
    Anh ta có con dao trong túi. Không phải loại dao gấp mà lưỡi dao có đầu nhọn bọc vỏ cây. Lúc nằm trên giường, anh ta để con dao cùng với tiền bên cạnh, trên mặt sàn.
    Vậy là tôi được bảo vệ. Tử thần sẽ phải suy nghĩ trước khi định bước qua con chó và con người này.
    Anh ta hỏi "La tinh là cái gì?"
    Tôi đáp, đó là thứ ngôn ngữ đã chết rồi, chỉ người chết mới dùng ngôn ngữ ấy.
    Anh ta nói "Thật thế à?" Xem ra anh ta có vẻ thích thú.
    Tôi nói "Thật thế đấy. Hiện nay ngôn ngữ ấy chỉ dùng ở những cuộc tang lễ. Tang lễ và những đám cưới vớ vẩn".
    - Bà thử nói xem.
    Tôi đọc một đoạn Virgil, đoạn dành cho những người chết không được nhắm mắt:
    Nec ripas datur horrendas et rauca fluenta
    Transprotare prius quam sedibus ossa quierunt.
    Centum errant annos volitantque havec littora cirum:
    Tum demum admissi stagna exoptata revisunt.
    Anh ta hỏi "Thế nghĩa là gì?"
    - Nghĩa là nếu anh không đem thư gửi cho con gái tôi, tôi sẽ phải sống khổ một trăm năm nữa.
    - Không thể thế được.
    - Được chứ. Ossa là từ trong nhật ký. Tức là những ngày mà cuộc đời mình đã được ghi trong đó.
    Rồi anh ta lại nói "Bà đọc la tinh nữa đi". Tôi đọc, thấy anh ta nghe và môi cũng mấp máy theo. Tôi đoán anh ta muốn thuộc. Nhưng không phải thế. Đó chỉ là những âm tiết dài ngắn tác động đến mạch máu và cổ họng của anh ta thôi.
    - Bà dạy những thứ đó à? Nghề của bà đó à?
    - Phải, nghề của tôi đấy. Tôi sống bằng nghề đó. Đem tiếng nói cho người chết.
    - Vậy ai trả lương cho bà?
    - Những người đóng thuế. Nhân dân Nam Phi, cả lớn lẫn bé.
    - Bà dạy tôi được không?
    - Tôi có thể dạy anh. Dạy phần lớn những từ La mã thôi, còn Hy lạp thì tôi không chắc lắm. Tôi còn có thể dạy được, nhưng sẽ chẳng có thì giờ mà học hết đâu.
    Tôi có thể thấy anh ta khoái chí.
    Tôi nói "Học la tinh anh sẽ thấy rất dễ. Có thể nhớ được nhiều".
    Lại một thách thức nữa, một sự thân mật nữa mà tôi biết. Tôi như người dàn bà với một anh chồng có nhân tình đang giấu giếm, mắng mỏ anh ta, buộc anh ta phải chung thuỷ. Nhưng tôi nói anh ta không thèm để tai. Anh ta chẳng giấu giếm gì hết. Cái dốt của anh ta là có thật. Dốt và ngây thơ
    Tôi bảo "Sao không thấy anh nói gì thế nhỉ? Anh cứ nói xem những lời vừa rồi đưa anh đến đâu?"
    Nhưng anh ta đang ở ngưỡng cửa, không bước qua được. Anh ta đứng chững lại, không nói gì, nheo mắt và nấp sau làn khói thuốc lá để tôi không nhìn thấy.
    Con chó chạy quanh anh ta rồi chạy đến chỗ tôi, rồi chạy đi, không chịu ngồi yên một chỗ.
    Chả có lý người được phái đi là con chó, chứ không phải anh ta?
    Mẹ nghĩ con sẽ chẳng bao giờ được gặp anh ta đâu.
    Mẹ muốn gởi cho con một tấm ảnh nhưng lần trước máy ảnh đã bị chúng lấy trộm rồi. Dù sao anh ta cũng không phải thứ người ăn ảnh. Mẹ đã nhìn ảnh anh ta trên thẻ chứng minh. Trông như một tên tù vừa ra khỏi bóng tối nhà giam, bị đẩy vào căn buồng sáng chưng, bắt đứng dựa vào tường, nghe họ quát bảo phải đứng nghiêm. Tấm ảnh như họ bức hiếp anh ta phải chụp.
    Anh ta giống như một trong những sinh vật nửa huyền thoại, xuất hiện mờ ảo, hình dáng mơ hồ biến trong bụi rậm, có thể đó là người hay thú, hoặc chỉ là chấm bẩn trong thuốc tráng phim, không được chứng minh, không được chứng nhận. Hoặc nằm ở bên lề tấm hình, trong bẫy kẹp của cánh tay, hay cẳng chân, hoặc sau gáy.
    Mẹ hỏi anh ta "Anh có muốn sang Mỹ không?"
    - Tại sao?
    - Để đem thư của con tôi đi. Đáng lẽ gửi bưu điện, anh có thể đích thân mang đi. Bay sang Mỹ rồi bay về. Sẽ chỉ như một cuộc phiêu lưu thôi. Còn hơn đi tàu thuỷ. Con gái tôi sẽ gặp anh, chăm nom anh. Tôi sẽ mua vé trước. Anh đi được không?
    Anh ta cười hô hố. Mẹ biết có những câu nói đùa ccmẹ đã đánh trúng tâm lý anh ta.
    Mẹ bảo "Tôi nói thật đấy".
    Nhưng sự thật đó không phải một đề nghị nghiêm túc. Mẹ hình dung Vercueil với đầu tóc cắt ngắn, mặc quần áo rẻ tiền, ngồi láng cháng ở phòng khách nhà con, chỉ muốn uống rượu nhưng ngại không dám đòi, còn con thì ở phòng bên, trẻ con đang ngủ, chồng đang ngủ, ngồi nghiền ngẫm bức thư như một lời thú tội điên rồ này, mẹ không dám nghĩ đến chuyện đó. Con sẽ nghiến răng nói Tôi không cần bức thư này! Tôi đã phải sáng đây để trốn tránh những chuyện đó, tại sao nó còn tôi sang đây chứ?
    Mẹ vẫn còn thì giờ mở xem những tấm ảnh mấy năm qua con gởi từ Mỹ về. Mẹ thấy hình như con bấm máy trên một cái nền lộn xộn. Thí dụ mặt mũi hai đứa trẻ ngồi trong xuồng máy lẫn với sóng gợn trên mặt hồ và màu xanh của lá cây linh sam lẫn màu da cam của những chiếc áo phao chúng mặc vào người, y như nước và những thứ khác đều cùng một màu. Mẹ nhìn màu sắc sán lạn trong ảnh mà mê người, tưởng như ảnh có chất cao su hoặc nhựa, sờ vào thấy ran rát. Không hiểu tại sao những vật liệu xa lạ với mẹ ấy, có lẽ xa lạ với cả loài người, được chế tạo, thổi hơi và đeo vào người hai đứa trẻ, gợi cho mẹ nghĩ rất nhiều về cái thế giới con đang sống, và tại sao tinh thần mẹ suy sụp khi nhìn thấy thế? Mẹ không biết nữa. Nhưng vì những điều mẹ viết đây thỉnh thoảng đưa mẹ từ chỗ không biết gì đến chỗ bắt đầu biết được, phải nói là mẹ mất hết can đảm, không dám nghĩ rằng những đứa trẻ của con sẽ chẳng bao giờ chết đuối. Với những hồ nước ấy, ở vùng đất nhiều sông hồ ấy, chẳng may xuồng bị lật thì những chiếc áo phao có cánh màu da cam giúp cho mấy đứa trẻ của con nổi bồng bềnh trên mặt nước, rồi sẽ có xuồng máy đến kéo chúng lên, và mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
    Sau tấm ảnh con ghi đó là khu giải trí. Mặt hồ và rừng cây được kiểm soát và đặt tên lại.
    Con bảo sẽ không có thêm con nữa. Giới hạn tuổi để có con sắp hết. Hai đứa trẻ ấy như hạt giống được gieo trong gió tuyết Mỹ sẽ chẳng bao giờ chết đuối, tuổi thọ của chúng sẽ là bảy mươi lăm và có thể nhiều hơn nữa. Ngay mẹ đây, sống ở vùng biển mà nước đã nuốt chửng cả những người lớn, mỗi năm tuổi thọ càng giảm đi, thế mà mẹ còn có cái chết không được sáng tỏ. Huống chi hai đứa trẻ của con, thua kém về quyền lợi so với mọi người, bơi lội ở khu giải trí đó hỏi còn hy vọng gì? Chúng sẽ chết ở tuổi bảy mươi lăm hay tám mươi lăm trong tình trạng ngu ngốc như khi chúng ra đời thôi.
    Chẳng lẽ mẹ mong cho hai đứa cháu mình chết hay sao? Lúc này đây, giở những trang thư con có cảm thấy ghê tởm không? Con có kêu lên rằng bà già này điên rồ không?
    Chúng không phải là cháu mẹ. Chúng quá xa vời, không thể là cháu của mẹ ở bất cứ dạng nào. Mẹ không để lại sau một gia đình đông con. Chỉ một đứa con gái, một người mới kết thân và một con chó.
    Mẹ hoàn toàn không mong muốn họ chết. Cuộc đời của hai đứa trẻ đã gạt bỏ mẹ dù sao cũng coi như chết rồi. Không đâu, mẹ mong cho những đứa trẻ của con sống. Nhưng những chiếc áo phao con đeo vào cho chúng sẽ không đảm bảo cho chúng sống được. Cuộc sống chỉ là cát bụi dính vào kẽ chân. Cuộc sống là cát bụi dính vào răng lợi. Cuộc sống là ăn phải cát bụi.
    Hoặc cuộc sống đang chết đuối. Rơi xuống nước, rơi xuống sàn.
    
    Thời gian của mẹ đã gần hết. Mẹ sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của những gì là gần gũi nhất. Đã đến lúc phải kết thúc câu chuyện buồn này thôi. Không phải mẹ nghi ngờ sự giúp đỡ của Vercueil. Đã đến lúc cuối rồi, mẹ chẳng còn nghi ngờ gì anh ta nữa. Trong anh ta vẫn còn lảng vảng một chút lo lắng cho mẹ, điều mà anh ta không thốt ra được. Mẹ đã ngã xuống và anh ta đã kịp đỡ mẹ. Khi đến đây, không phải anh ta ngã mà được mẹ nâng đỡ đâu. Bây giờ thì mẹ hiểu không phải mẹ ngã và anh ta nâng đỡ, mà cả hai cùng ngã vào nhau, lảo đảo đứng dậy và từ đó đã tin cậy nhau.
    Tuy thế mẹ có thể tưởng tượng còn lâu anh ta mới là y tá, là vú nuôi, là người nuôi mẹ. Người anh ta khô cạn. Rượu anh ta uống không phải nước mà là lửa. Có lẽ vì thế mà mẹ không thể tưởng tượng anh ta có con, vì tinh trùng của anh ta khô, có màu nâu như của nhuỵ hoa hoặc cát bụ ở cái xứ sở này.
    Mẹ cần anh ta có mặt, an ủi, giúp đỡ, nhưng anh ta cũng cần mẹ giúp. Anh ta cần cái thứ chỉ người đàn bà mới cho đàn ông được. Không phải quyến rũ mà là quy nạp. Anh ta không biết yêu là thế nào. Mẹ không nói đến những chuyển động của linh hồn mà một cái gì đơn giản hơn. Anh ta không biết yêu, cũng như đứa trẻ chẳng biết yêu là thế nào. Không biết đâu là khóa kéo, là nút khuy. Không biết cái gì sẽ đi đến đâu. Không biết làm như thể nào và phải làm cái gì.
    Càng gần đến lúc kết thúc, anh ta càng tỏ ra trung thực hơn. Tuy vậy mẹ vẫn phải cầm tay anh ta để chỉ chỗ.
    Mẹ nhớ hôm mẹ và anh ta cùng ngồi trong xe, anh ta đưa hộp diêm và bảo mẹ làm đi. Mẹ rất phẫn nộ. Nhưng như thế thì mẹ đâu có công bằng với anh ta? Hình như bây giờ anh ta đã quan niệm rõ về cái chết hơn một cô gái đồng trinh quan niệm về tình dục. Cũng vẫn là tò mò như nhau thôi. Cái tò mò của một con chó ngửi vào bẹn nó, vẫy đuôi, rồi thè cái lưỡi đỏ và ngu ngốc như dương vật.
    Hôm qua anh ta giúp mẹ đi tắm, áo mẹ tuột ra và mẹ bắt gặp anh ta nhìn chòng chọc. Y như bọn trẻ trên phố Mill vậy, cái nhìn của anh ta chẳng có gì là đứng đắn. Đứng đắn là điều không thể giải thích được, là cái nền cho mọi đạo lý là điều mà ta không thể làm. Ta không chăm chú nhìn lúc linh hồn rời khỏi thể xác, vì nước mắt đã che mờ hoặc ta che mắt bằng tay. Ta không chăm chú nhìn những vết sẹo đã khép kín, đã khâu kín, nơi mà linh hồn cố sức bỏ đi nhưng rồi buộc phải trở lại.
    Mẹ hỏi anh ta cho mèo ăn chưa. Anh ta bảo "Rồi" nhưng là nói dối. Vì đám mèo đã bị anh ta đuổi đi hết. Mẹ cần gì đâu? Không, mẹ chẳng cần gì nữa. Sau khi đã chăm sóc cho con, chăm sóc anh ta, trong lòng mẹ chẳng còn bất cứ gì. Như người ta thường nói, còn gì thì cũng tiêu ma hết.
    Đêm qua, tự nhiên lạnh ghê gớm, mẹ định gọi con để từ biệt. Nhưng mẹ biết con sẽ không đến. Mẹ thầm nhắc tên con "con gái ơi, con của mẹ ơi". Mẹ thầm gọi trong bóng tối, nhưng tất cả chỉ thể hiện trong ánh sáng, tấm ảnh con mà không phải con. Mẹ nghĩ bụng thế là cắt đứt hết rồi, ngay cả thời gian cũng cắt đứt rồi. Bây giờ không còn gì giữ mẹ lại được nữa.
    Nhưng mẹ lại ngủ thiếp, rồi tỉnh dậy, mẹ vẫn còn đây, sáng nay rất mạnh khoẻ. Có lẽ không phải mẹ gọi con đâu. Có lẽ mẹ lạnh vì nghe bên kia biển gọi mẹ bước ra khỏi thân xác mà mẹ không biết đó thôi.
    Con thấy không, mẹ vẫn còn tin ở tình yêu của con.
    Mẹ sắp sửa cho con thoát khỏi những lời lẽ ràng buộc con đây. Con không cần phải thương mẹ. Con hãy dành chút suy nghĩ cho người đàn ông bị bỏ rơi này đi, anh ta không biết bơi, cũng chưa biết bay.
    Mẹ ngủ, rồi tỉnh dậy trong cái lạnh, ruột gan mẹ, tim mẹ xương tủy mẹ, tất cả đều lạnh tóat. Cửa ra hiên mở toang, màn cửa tung bay trong gió.
    Vercueil đứng ngoài hiên nhìn lá cây xào xạc. Mẹ sờ vào tay anh ta, sờ ngực, sờ vai, và khúc xương ở cột sống. Mẹ run lập cập, lên tiếng hỏi "Anh nhìn gì thế?"
    Anh ta không trả lời. Mẹ đứng sát lại. Dưới kia là cả một khoảng tối, lá cây rung động, xào xạc, như trèo những nấc thang lên bóng tối.
    Mẹ hỏi "Đã đến lúc chưa?"
    Mẹ quay vào giường, chui vào đống khăn lạnh tối om. Màn cửa mở, rồi anh ta đến nằm cạnh mẹ. Lần đầu tiên mẹ không ngửi thấy gì hết. Anh ta đưa tay ra ôm mẹ, giữ mẹ rất chặt, khiến mẹ thở dốc. Cái ôm đó chẳng có chút gì gọi là nồng ấm.
    

Kết Thúc (END)
Tuổi Sắt Đá
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu
» Đau Thương Đến Chết ( Phần II )
» Mùa Thu Vàng