Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi Tác Giả: Xuân Diệu    
Vài ý kiến về bệnh sơ lược

    Bệnh sơ lược và tác hại của nó
    Một nhà văn mắc bệnh sơ lược, khi diễn tả sự việc một cách nông cạn như vẽ một cái sơ đồ đại khái, khi trình bày cuộc sống cách mạng như một việc dễ dàng trót lọt, khi có khuynh hướng giật dây các nhân vật, mớm cho họ nói theo ý muốn chủ quan của tác giả, chứ không để họ ăn làm đúng theo quy luật trong cuộc đời, khi thiên về tuyên truyền khẩu hiệu, nhẹ về nghiên cứu thực tại trăm hình nghìn vẻ. Nhà văn mắc bệnh sơ lược nhiều khi có ý tốt, muốn ca ngợi cuộc cách mạng thiêng liêng và đời sống mới phấn khởi, nhưng quên rằng: cách ca ngợi vẻ vang nhất, là nói cách mạng chiến thắng qua nhiều vấp váp, trồi sụt, gay go.
    Những tác phẩm mắc bệnh sơ lược gây tác hại là làm cho người ta hiểu sai thực tế, tưởng cách mạng là toàn hồng, gây bệnh chủ quan và lý tưởng hoá. Do thiếu sống và xa đời thực, những tác phẩm sơ lược thường tẻ nhạt, làm cho người đọc dễ chán; gây một sự hờ hững nào đó của công chúng đối với nền văn học mới, làm cho nền văn học mới kém tác dụng đi nhiều.
    Do đâu có bệnh sơ lược
    Sự lãnh đạo có một phần trách nhiệm trong bệnh sơ lược. Do quan niệm hẹp hòi, phiến diện về nhiệm vụ của văn học, trong một giai đoạn khá lâu của Kháng chiến, lãnh đạo đã để kéo dài việc minh hoạ chính sách, kéo dài việc diễn ca; những việc này cố nhiên cũng có ích lợi trong một phạm vi nào đó, nhưng thực chất không phải là món ăn tình cảm của quần chúng. Điển hình là việc cho ra hai quyển Đóng góp và Chính phủ tạm vay, hai quyển này chứng tỏ một cách cảm động thái độ phục vụ không điều kiện của hai nhà văn Nam Cao và Tô Hoài, nhưng thật là hết sức sơ lược. Lãnh đạo cũng không uốn nắn sự phê bình của thời đó, một sự phê bình gò bó, máy móc, không hiểu được đặc trưng của văn nghệ, coi một thiên truyện ngắn bằng như một bài xã luận, bắt một tác phẩm nào cũng phải có đủ các yếu tố chính trị, đủ công nông liên minh, đủ vai trò của Đảng, đồng thời đủ vai trò của Mặt trận, lại đủ bảo vệ hoà bình thế giới, v.v… chất lên trên lưng con ngựa tác phẩm nhiều thứ quá, đến nỗi nó cất bước không được nữa. Những người phê bình lại thường non gan, không dám để cho những vai phản diện phát biểu, sợ nó phản tuyên truyền, hoặc mới thấy tác giả nói ít nhiều khuyết điểm của cán bộ hay của nông dân, đã vội lo là bôi nhọ… Những quan niệm hẹp hòi trên đây gò bó các tác giả, làm cho họ ít dám phát huy sáng tạo, dễ khiến họ cầu an, đi theo con đường vô sự nhất, không dám sai âm binh dậy, sợ không điều khiển nổi thì rắc rối to.
    Tuy nhiên, phê bình cái khuyết điểm này của lãnh đạo, chúng ta cũng phải thấy rằng: trong những năm đầu của cuộc Kháng chiến, việc giáo dục tư tưởng ưu tiên nhất, nền tảng nhất vẫn phải là giáo dục lập trường kháng chiến, giáo dục phân rõ địch, ta, giáo dục lập trường giai cấp, chứ không thể san bằng chống bệnh sơ lược, một bệnh ấu trĩ của văn học mới, cũng như là chống đế quốc và phong kiến.
    Một mặt khác, theo ý tôi, nguyên do chính của bệnh sơ lược không phải ở sự lãnh đạo, mà chính ở hoàn cảnh khách quan của việc sáng tác sau Cách mạng. Nhà văn trước Cách mạng tháng Tám có thể nói là tương đối thuộc lòng cuộc sống cũ, nhưng nhà văn sau Cách mạng chưa thuộc được cuộc sống mới. Cuộc đời cũ là một cuộc đời đứng lại, đọng lại. Cuộc đời thực dân hàng trăm năm, phong kiến hàng nghìn năm thuộc vào một hệ thống cuộc đời hàng vạn năm người bóc lột người, người áp chế người. Các nhân vật điển hình cũ rõ nét từ lâu lắm. Những ông quan, thầy lý, chú lính lệ, những ông sứ, ông cẩm, thầy phán, những cô đầu, anh nghiện, những thầy giáo hồ lơ v.v… nhà văn cũ biết họ rất kỹ, lột tả được họ. Vả lại nhiều thế hệ nhà văn, lớp này tiếp lớp khác, để lại cho nhau những tìm tòi nghiên cứu về cái khổ truyền kiếp của con người. Ở các nước phương Tây, mỗi nét hiện thực phê bình có sức ủng hộ của bao nhiêu nhà văn cổ điển; ở nước ta, mỗi câu, mỗi chữ nói cái buồn, cái đau, cái hận, có sức ủng hộ của Nguyễn Du, Thị Điểm, Xuân Hương…, của ca dao. Những chữ buồn đau ấy có một sức vang ngân vô hạn trong tâm hồn của con người. Ví dụ trong thơ, chỉ vài chữ như: Gió chiều hiu hắt, mưa thu, đêm thu, mây thu, một buổi chiều thu… cũng gợi lên bao nhiêu tình cảm xưa man mác. Chỉ nói một chữ ly biệt cũng đã thấy “lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm”.
    Trái lại, cuộc sống mới sau Cách mạng tháng Tám của chúng ta là một cuộc đổi thay căn bản; chúng ta không những dành độc lập dân tộc mà còn tiến lên xoá bỏ cái xã hội có giai cấp hàng vạn năm người bóc lột người. Những tình cảm mới của chúng ta chỉ có mươi mười hai năm, nếu kể cả nhân loại, thì chỉ mới có từ Cách mạng tháng Mười Nga. Cuộc sống mới ở nước ta đổi tiến vùn vụt, mà nhà văn Việt Nam ta thì chưa nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin để phân tích cho đúng và có con mắt mới, lại lăn lộn vào thực tế, vào quần chúng chưa sâu sắc, và nếu xét nghiêm khắc, thì cái vốn học vấn của chúng ta cũng lại còn nông cạn; cho nên, dọn bữa ăn tinh thần cho nhân dân, nhà văn chúng ta nấu cơm chưa chín! Theo ý tôi, cái nguyên do chính của bệnh sơ lược là như vậy! Bởi thế cho nên, trong cuộc đời cũ, phóng sự là một thể văn điều tra, tường thuật, mà có người viết phóng sự dài về đời sống xã hội, về “làm tiền” chẳng hạn, thảng hoặc có một vài kỳ ngồi nhà “sáng tạo” ra, mà người đọc vẫn cứ thấy đúng, thấy lột như thường. Trái lại, với lối văn tiểu thuyết là lối văn không quá trói buộc vào tài liệu, thế mà những bạn văn chúng ta lăn đi lộn lại quan sát một người nông dân hiện nay, đến lúc viết vẫn còn sai bét! Là vì người nông dân Việt Nam hiện nay vĩnh viễn không phải là bố cu ngày trước nữa rồi, những đổi mới trong tâm trí anh, từ xưa đến nay chưa từng có.
    Theo tôi nghĩ, vấn đề có tác phẩm hay, là một vấn đề đào tạo cán bộ. Xã hội cần đào tạo các nhà văn, các nhà văn cần tự đào tạo mình chóng lên đến mức trưởng thành; khi các nhà văn đã có một khối óc, một tài năng trưởng thành theo tinh thần của thời đại rồi, nhiều khi họ quay trở lại tìm tài liệu về những giai đoạn lịch sử đã qua, và sáng tác rất sát, đúng. Và khi mà họ chưa đủ vũ khí về tư tưởng, về thực tế và về nghề nghiệp, thì dù đang nằm giữa thời đại, vẫn cứ chòng chành, chuệch choạc, mắc bệnh sơ lược. Việc sáng tác gian khổ như vậy. Mà chính vì nó gian khổ như vậy, nên nó mới có vinh quang.
    Bệnh sơ lược không ở trong bản chất nền văn học mới chúng ta
    Chúng ta chống bệnh sơ lược là đúng, là cần thiết. Nhiệm vụ nhà văn đòi hỏi chúng ta điều đó. Quần chúng cấp bách đòi hỏi chúng ta điều đó. Nhưng có một số nhỏ người cho rằng bệnh sơ lược là do ở bản chất nền văn học mới của chúng ta, cũng như có người nói tệ sùng bái cá nhân là ở bản chất của chế độ Xô viết. Gián tiếp họ muốn nói rằng: tại vì Đảng lãnh đạo nhúng tay vào văn học, nên văn học mới bị sơ lược, công thức như thế này; nếu cứ để văn nghệ sĩ hoàn toàn tự do, thì văn nghệ đã vô cùng phong phú… Theo tôi thấy, chúng ta không độc quyền về bệnh sơ lược. Văn dở thì cổ kim, đông tây, đời nào và ở đâu cũng có. Những nền văn học trước Cách mạng vô sản có biết bao nhiêu quyển sách tiên thiên bất túc, bị công chúng ruồng bỏ ngay lúc mới đẻ ra. Văn học phong kiến cũng đã có những tác phẩm sơ lược của mình, với những câu chuyện rẻ tiền của những tráng sĩ mờ nhạt, những trận đấu kiếm vô nghĩa lý, những “nữ hiệp”, những “quái hiệp”, những phi thân, những bửu bối tung ra không đúng chỗ, những loạn trong cung mà dân chúng không muốn nghe… Văn học tư sản khi đã mắc bệnh sơ lược thì lại càng xuống giá “ba xu”, với những chuyện tình tiền, chuyện mọc sừng quanh quẩn, chuyện trinh thám nhạt thếch, chuyện tâm lý chán như một cái ngáp dài, chuyện khiêu dâm hạng bét… Ở Việt Nam ta, những thơ văn sơ lược trước Cách mạng tháng Tám vẫn là số nhiều. Biết bao nhiêu bài thơ anh anh em em đã làm chán tai độc giả! Có những người đã viết những truyện thơ mộng về nông thôn, ca tụng đời sống hiền hoà của nông dân giữa đồng lúa xanh rờn, dưới trời xanh quang đãng. Bệnh sơ lược phải đâu là chỉ ở trong bản chất của nền văn học mới chúng ta nay! − Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc: số người quy bệnh sơ lược cho Đảng và cho chế độ cũng thường trách Đảng và chế độ sinh ra bệnh công thức. Họ nói đến những con người máy, những con người rập khuôn do chế độ ta sinh ra. Theo tôi nhớ, thì luận điệu này, bọn tư bản và đế quốc đưa ra đã lâu lắm rồi; chúng nó luôn luôn rêu rao: Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô tạo nên những con người máy. Nhưng sự thật là chính chủ nghĩa tư bản coi con người như cái máy. Chúng ta hãy nhớ lại phim Thời mớI (Les temps modernes) của Charlie Chaplin; chính chủ nghĩa thực dân buôn bán con người: trên báo Phê bình mới (Nouvelle critique) đã có chụp ảnh một cái hoá đơn của một hãng buôn Pháp tại Phi châu bán một số đàn ông và đàn bà da đen như bán bò, lợn. Còn chúng ta? Những con người máy đã phá kho bom Tân Sơn Nhất chăng? Bế Văn Đàn đã hy sinh rập khuôn với Phan Đình Giót chăng? Hay là trong phe xã hội chủ nghĩa, liệt sĩ Việt Nam Phan Đình Giót đã rập khuôn với anh hùng Liên Xô Matrosov, cũng lấy mình lấp lỗ châu mai một cách “công thức” chăng? Vâng, chúng ta rất giống nhau, chúng ta người nào cũng được Đảng giáo dục yêu nước, yêu dân, cũng được Đảng dặn dò: khi cần thiết thì hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi dân tộc, cũng được Đảng khuyên vứt bỏ cái tự do vô chính phủ rất xấu, mà tự nguyện đứng vào hàng ngũ, vào tổ chức và kỷ luật rất đẹp! Vâng! nếu có một cái khuôn nào, thì đó là cái khuôn cao cả, vĩ đại, phong phú, cái khuôn con người mới biết tự cường, chiến đấu, hy sinh!
    Chúng ta không ưa chút nào cái sáo mới trong những tác phẩm sau Cách mạng, như những anh bí thư chi bộ hoàn toàn gương mẫu, giải quyết được mọi vấn đề, như những truyện phát động quần chúng lúc nào cũng có đủ ba giai đoạn: nông dân có khổ, nông dân vùng lên, và nông dân thắng lợi. Nhưng văn học trước Cách mạng há chẳng đầy rẫy những cái sáo cũ như: chàng bên sông gò ngựa, nàng ngồi đan áo len bên cửa sổ, đan đi rồi lại tháo ra đan lại, như giang hồ vặt, như tự tử vì tình, v.v… Chúng ta ghét cay ghét đắng bệnh sơ lược, công thức trong văn học mới chúng ta, nhưng chúng ta không muốn có người định dùng hai thứ đó như vũ khí để đánh vào những nguyên lý đúng đắn về văn học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Bệnh công thức của ta rất đáng ghét, tuy nhiên động cơ của nó là muốn nói cái mới, cái hay, chỉ vì thiếu nghiên cứu, thiếu sáng tạo mà rơi vào chỗ sáo, ít nhất là nó có hảo ý, chứ còn cái công thức của tư sản phản động, của văn hoá Mỹ thì ác ý và ghê tởm vô cùng; nó cố tâm ném cát vào mắt con người, đổ mực đen trên lương tâm con người; làm cho con người ngu đi, hoang mang đi, để dễ xỏ mũi! Cái công thức Mỹ rất là rối lắm, ly kỳ, nhưng nghèo nàn một cách thảm hại; nó trộn những đùi, những vú lẫn với những cao bồi, súng lục, rừng cây, ngựa, giây thừng, cảnh thì xẩy ra ở miền Tây Hoa Kỳ, ở cái xứ Farwest [1] lắm vàng, và dù nhiều khi có thay việc bắn người da đỏ bằng việc giết người da đen, nhưng muốn trộn đi trộn lại thế nào, cũng cứ phải quay về đùi, vú, súng lục. Văn hoá phản động Mỹ quả là nhiều óc sáng tạo, cho nên chỉ có một việc giết người, mà bày ra được bao nhiêu là món, là cuốn phim mà chỉ đọc đến tên cũng đủ ngấy lên tận cổ và rợn tóc gáy. Hôm nay chiếu: Khẩu súng lục – Dưới nòng súng lục – Người cầm súng lục – Thôi Any, hãy rút khẩu súng lục ra em – Vài chuyện về vấn đề súng lục – Bản hoà âm của sáu khẩu súng lục… hoặc Hôm nay phim mới: Sinh ra đời để giết – Kẻ giết người – Tên giết người được tự do – Những kẻ giết người ở thung lũng chết – Tôi đã giết Dét-sơ-jam – Tôi đã giết Giê-rô-si-mô – Tôi đã giết Kít Bi-ly – Giết hay là bị giết – Bắn để giết, v.v… Cái thứ sơ lược và công thức thoái hoá, phản động này tràn lan trong phe tư bản và đế quốc, và hiện nay nó tác hại ở miền Nam của chúng ta. Chúng ta chống và chữa những bệnh ấu trĩ của nền văn nghệ non trẻ của chúng ta, nhưng chúng ta cũng khẳng định rằng: không có chân trời mới nào hết ngoài cái văn nghệ xã hội chủ nghĩa của phe ta và cái văn nghệ tiến bộ của thế giới; chúng ta không đi tìm hang sâu vực thẳm nào khác!
    Nhưng sở dĩ người ta nói nhiều về bệnh sơ lược trong văn học xã hội chủ nghĩa, là vì, nó đúng là bệnh ấu trĩ trong khi lớn lên: nó rất dễ trông thấy, bởi thực tế xã hội chủ nghĩa tiến nhanh quá, thế giới xã hội chủ nghĩa cải tạo mau quá, văn học cứ bị chậm bước đuổi theo sau; với lại dĩ nhiên người ta chú ý đến bệnh trong trưởng thành của một nền văn học sống, nhiều hơn chú ý đến bệnh già nua của một nền văn học chết.
    Muốn chữa bệnh sơ lược
    Có hai cách chữa bệnh sơ lược: một cách giả tạo và một cách chân chính.
    Cách chữa giả tạo là dựa vào hình thức, vào kỹ thuật, tránh sự tẻ nhạt bằng cách bịa những “trò chơi” quái ác, bằng cách bẻ quặt quẹo thực tế khách quan cách mạng theo thích thú cá nhân của mình, không biết rằng giản đơn có khi là công thức, mà rắc rối cũng lại là công thức. Chữa giả tạo bằng cách quá đề cao cá tính siêu nhân của người văn nghệ; bằng cách đem “tiếng sáo tiền kiếp” ra thổi giữa những bản đàn của thời đại mà mình cho là chán. Bằng cách phục hồi nguyên xi những ý tình cũ kỹ đã bị cách mạng thải ra. Chữa giả tạo trên hình thức bằng cách làm thơ leo thang hay xuống dốc, cắt nát câu thơ ra và xuống giòng nhiều quá sự cần thiết. Những cách chữa đó rơi vào một sự lập dị nặng nề, và công chúng là người biết chọn đá thử vàng giỏi nhất, công chúng không lầm vàng thực với vàng mạ!
    Muốn chữa bệnh sơ lược có hiệu quả, theo ý tôi, cách chân chính vẫn là nghiên cứu sâu thực tế cách mạng. Quần chúng sáng tạo ra lịch sử, sáng tạo ra cuộc sống, tức là đồng thời cũng sáng tạo ra cái chất của văn học. Nếu không nghiên cứu đời sống thực tại, mà lại nặng về tìm tòi kỹ thuật ở trong căn buồng, thì tác phẩm sẽ không có chất, sẽ nông cạn, giả tạo. Cái mới căn bản nằm trong đời sống cách mạng; những ý thức tập thể, ý thức chủ nhân ông, ý thức dành quyền chủ động, những tình cảm yêu con người đến mức tuyệt cao là xoá tất cả áp bức bóc lột, những cái ấy chưa từng có trước đây trong lịch sử; ta phải nói được cái mới căn bản đó, chứ không phải rơi vào một thứ “Mới chủ nghĩa”, đi tìm những cá tính lập dị nào. Chúng ta cũng không cần quá câu nệ, đừng cho rằng sự lặp lại nào cũng là rập khuôn, chớ thấy quần chúng muôn người như một hay nói đến đoàn kết, đến phấn khởi chẳng hạn, mà cho là họ nói như vẹt. Chúng ta phải cảm nghe trong đó tất cả cái mới mẻ, cái hân hoan, cái tin tưởng của những giai cấp trẻ trung mới bước lên vũ đài của lịch sử, họ nói đến những chữ mà có người cho là rập khuôn đó, cũng như người thanh niên nói đến tình yêu; chế diễu những chữ “anh yêu em”, những câu thề ước hẹn hò là thái độ của những kẻ già nua và hằn học.
    Ví dụ như ở một đám cưới đời sống mới, mặc dầu có cái vỏ công thức nào đó như “tuyên bố lý do”, “hai họ phát biểu”, kể cả cái khẩu hiệu “Vui gia đình không quên nhiệm vụ” nữa, − những cái đó người nào đi dự nhiều đám cưới rồi thì dễ chán, − nhưng chúng ta cần có con mắt xanh, con mắt yêu thương giai cấp thật sâu sắc để thấy cái ý tốt đẹp của những người tổ chức nên, thấy cái đạo đức mới đang thành hình, để cảm thông với lòng phơi phới mới toanh của cô dâu chú rể; và những chú thiếu nhi, thiếu niên chen chúc đứng nhìn kia, họ không thấy “rập khuôn” gì cả, mà lại thấy đám cưới đời sống mới thật ý nghĩa, thiêng liêng! Thấu hiểu được cái ruột tươi thắm của sự việc rồi, nếu anh góp được cho nhiều sáng kiến, sáng tạo để làm cho các đám cưới đời sống mới sinh động hơn, hình thức không giống nhau, thì hay biết mấy! Cũng như anh đừng nên bực mình vì quần chúng cứ hát mãi một bài cũ “Kết đoàn”, mà nên bực mình vì nhạc sĩ chưa sáng tác được những bài đồng ca mới vừa hay vừa dễ hát cho quần chúng. Dưới cái vỏ công thức, phải biết nhìn cái bản chất không công thức một chút nào, và có vậy mới xé được cái vỏ công thức một cách đúng đắn, hiệu quả!
    Người ta tặng cho nhà văn là “kỹ sư tâm hồn”, nhưng trước khi là kỹ sư, phải là thợ học việc. Trước khi dạy quần chúng, thì chúng ta phải học quần chúng cái đã. Chúng ta phải biết yêu, ghét với quần chúng. Nếu ta chưa thiết tha yêu quần chúng, thì làm sao quần chúng yêu tha thiết được tác phẩm của ta? Tôi không nói đến việc hiểu biết về nghề nghiệp, về chuyên môn, vì cái đó lẽ dĩ nhiên là phải biết, mà phải biết thấu đáo. Và cũng dĩ nhiên cần phải có năng khiếu văn nghệ nữa, vì một người dốt thì học phải thông, chứ người không có cổ họng tốt thì hát mãi cũng không thể nào hay được. Nhưng cái mà người ta gọi là độc đáo, theo tôi nghĩ, không phải tự đâu ở ngoài đến; khi đã có con mắt nhìn đúng đắn, sâu sắc, khi nhiệt tình cách mạng nung cháy tâm hồn, thì tự nhiên sinh ra cái độc đáo. Vì những cái gì toát ra tự toàn tâm toàn ý của ta, tất phải có bản sắc, sắc thái riêng của ta. (Nếu vẫn cứ không có bản sắc riêng, thì có lẽ đã chọn nhầm nghề, và đã thành ra một vấn đề khác).
    Sống trong một cuộc đời ào ào như thác, giữa những con người mới vùn vụt tiến lên, những người có tài, có năng khiếu nhất cũng không thể chỉ cậy ở tài mà không lăn vào thực tế. Tôi tưởng tượng rằng: nếu bà Thị Điểm mà sống lại, và viết một bản Chinh phụ ngâm mới về phong trào hoà bình thế giới hiện nay, thì Hồng Hà nữ sĩ cũng phải nghiên cứu đời sống quần chúng khổ đau gây ra bởi chiến tranh đế quốc. Nếu Nguyễn Du còn sống và muốn viết về cuộc đấu tranh và lao động hiện tại của nhân dân ta, Nguyễn Du cũng tự nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, và cũng phải thâm nhập vào quần chúng hiện tại!
    Khi đã nghiên cứu kỹ thực tế của quần chúng, thì ta sẽ thấy rằng tô hồng là sơ lược, mà bôi đen cũng là sơ lược, hồng hay đen chẳng qua cũng như màu dùng dưới tay hoạ sĩ, hoạ sĩ có thể dùng nhiều màu hồng hay dùng nhiều màu đen, nhưng xong cả bức tranh, thế tất phải là một bức tranh tích cực, lạc quan, chứng tỏ rằng cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu trong chế độ ta, cái tốt phải thắng và càng ngày càng thắng.
    
    *
    
    Nhiệm vụ của chúng ta chống bệnh sơ lược là cấp bách. Sự chênh lệch giữa nhu cầu văn nghệ của quần chúng với chất lượng tác phẩm của chúng ta là một điều đáng lo nghĩ. Chúng ta cần giúp nhau chống bệnh sơ lược, chống nông cạn, chống bôi bác, chống nghèo nàn, và cùng nhau xây dựng những tác phẩm sâu sắc, dào dạt, sinh động như đời sống cách mạng của chúng ta, xây dựng những tác phẩm phong phú trên cơ sở quần chúng.
    2-1957
    Viết sự thật
    Chúng ta là những nhà văn, tức là những người yêu sự thật, thiết tha tìm chân lý. Chúng ta không những muốn nghiên cứu, tìm hiểu thế giới thực tại, mà còn muốn dùng văn học để cải tạo thế giới thực tại, đưa nó tiến lên hướng mà chúng ta muốn: hướng xã hội chủ nghĩa.
    Vì vậy, chúng ta không thể bị động trước những sự có thật (hay là thực tại), mà phải biết nhìn, biết chọn những sự có thật để đưa vào tác phẩm. Nhất định tác phẩm của ta phải là một đóng góp tích cực vào cuộc đời, dù khi nói đến hàng trăm sai lầm khuyết điểm đi nữa, cũng không được gieo rắc hoang mang, trái lại, vẫn cứ, hay vẫn càng đầy rẫy tinh thần lạc quan cách mạng. Chúng ta nói những sự thật là có một mục đích, mục đích làm công tác tư tưởng bằng văn học, nên ta không phải là một người cầm cái máy ảnh tốt rồi bạ gì cũng chụp ảnh, cũng in ra.
    Chúng ta không hoàn toàn đi theo cái chủ nghĩa thành thật, vì chủ nghĩa đó chỉ đúng có một nửa. Nhất định những thơ văn nào chúng ta viết ra đều là máu, là huyết của ta, đều là thiết tha, thành thật, mà có thiết tha, thành thật thì mới hay được. Nhưng không phải tất cả những tình cảm nào thiết tha, thành thật đều nên đưa vào thơ văn. Ví dụ: Ngay hiện giờ đi nữa, có những lúc, những chặng ngày ta buồn rầu, tan rã cả người, cái “tiếng sáo tiền kiếp” [2] đó thỉnh thoảng hãy còn thổi trong ống xương sống của ta! Nhưng không phải vì thế mà ta đem nó ra làm thơ, để lây những phút giây tan rã đó ra cho người khác. Trong những chế độ bóc lột cũ, người thi sĩ nói cái tan rã tiêu cực của mình, cũng là, dưới một khía cạnh nào đó, tố cáo cái chế độ cũ làm khổ con người. Nhưng, trong chế độ ta hiện nay, theo ý tôi, ta chỉ có thể viết những tan rã đó ra khi mà đồng thời ta cũng vạch được ít nhất là một phương hướng để chữa cái tan rã đó. Nhà văn giỏi phải là một kỹ sư tâm hồn, tôi còn nghĩ cao hơn: nhà văn giỏi còn phải là một bác sĩ tâm hồn nữa; vì nếu chỉ là một kỹ sư phân tích tâm hồn rất tinh tế, mà không chữa được cho tâm hồn khi tâm hồn đau ốm, thì cũng chưa thực là một kỹ sư tài tình và đầy đủ trách nhiệm.
    Nhà văn đối với tâm hồn như vậy, nhà văn đối với xã hội cũng vậy. Không phải cứ thành thật mà đủ, không phải chỉ có dụng ý tốt mà đủ (huống chi là dụng ý xấu!). Nhà văn trong chế độ cũ có thể phân tích bệnh hoạn trầm trọng của xã hội bóc lột, rồi bỏ đấy mà đi. Nhưng những nhà văn kiểu mới, sống trong chế độ này, tài năng có thể chưa bằng một phần nghìn của thiên tài Sê-khốp (Tchékov), nhưng không thể chỉ làm như Sê-khốp nói tất cả cái xót đau dưới chế độ Nga hoàng, nói rất thiên tài, nhưng rồi dẫm chân một chỗ, không biết làm sao thoát ra được. Nhà văn hiện nay nên phát hiện nhiều vấn đề mới; nhưng nêu vấn đề ra, nếu chưa giải quyết dứt khoát được, thì ít nhất cũng bao hàm một hướng giải quyết, một thái độ giải quyết. Nếu chỉ nêu vấn đề ra rồi vứt giữa xã hội, thì chỉ tổ gây hoang mang. Vào trong xã hội, mà chỉ tin ở sự thành thật theo cảm tính của mình, thậm chí cố tình không mang theo những thứ mà mình cho là tầm thường, như lập trường, như đảng tính v.v…, thì càng tưởng rằng viết theo sự thật, lại càng sai lạc.
    Bởi vì có những sự thật bao quát, như nhìn chung mà nói, miền Bắc ta phấn khởi tiến lên, có những sự thật cục bộ, như ở nông thôn có nhiều hậu quả của sai lầm trong cải cách ruộng đất. Làm thế nào nói được sự thật nhỏ và lâm thời mà không chống đối với sự thật lớn và lâu dài. Làm thế nào không vì sự thật hiện tượng mà xoá mờ sự thật bản chất. Ta tán thành, và yêu cầu nữa, nhà văn nói khuyết điểm của Đảng, nhưng phải tả những rác rưởi che cuộc đời như “gấu ăn mặt giăng”, [3] theo như câu thơ của Lê Đạt tuyên bố, chứ không thể tả mặt giăng là một con gấu… Đảng như tấm gương, bị bùn lấm, nhưng phải tả bản chất Đảng của giai cấp vô sản vẫn là tấm gương trong.
    Dưới chế độ của ta, có những sự việc chạy theo quy luật mới, cũng còn nhiều sự việc chạy theo quy luật cũ. Trong tâm hồn ta, những tình cảm tốt là có thật, mà những tình cảm xấu cũng là có thật. Có những khi ta phải tự nguyện, tự giác mà cắt xén những tình cảm ngang trái, lạc lõng của ta, mà như vậy không phải là “đem bục công an máy móc đặt giữa tim người”. Nhà văn phải tả cuộc đấu tranh đau xót đó, và phải đứng về phía đúng đắn, phía chân lý. Trong đời, những cuộc thí nghiệm như trong Một trò chơi nguy hiểm [4] của Nguyễn Thành Long là có thật, và có thể chơi nguy hiểm hơn thế nữa; nhà văn muốn viết những sự thật đó ra, thì phải bao hàm một thái độ giáo dục, sửa chữa, chứ không thể mách nước cho những người nào chưa biết chơi nguy hiểm như thế, thì hãy thử chơi xem.
    Theo ý tôi, các tác phẩm văn học của ta nay phải thống nhất được ba nhiệm vụ:
    
    Phải có giá trị thẩm mỹ, nghĩa là phải cho người ta những khoái cảm, những lạc thú về cái đẹp đẽ, cái diễm lệ, cho người ta những tình cảm cao độ, tập trung, rung động cả tâm thần, v.v… Không có giá trị thẩm mỹ, thì bất thành tác phẩm nghệ thuật.
    
    Nhưng muốn diễm lệ gì, muốn ly kỳ, muốn xúc cảm, muốn mê ly gì, cũng phải bao hàm ý nghĩa giáo dục. Dù chỉ tả hoa nở chim kêu, cũng là giáo dục về cái đẹp đẽ, cái du dương cho con người. Văn học cũ giáo dục cho ta tinh thần nhân văn, ý thức đề kháng, chống đối với áp bức bóc lột, v.v… Văn học mới, văn học cách mạng giáo dục và nhấn mạnh vào tinh thần lạc quan, chủ động, chiến đấu. Hiện nay một tác phẩm diễm lệ mà giáo dục không tốt chút nào, thì cũng không thể là giá trị được. Cố nhiên ta phải hiểu nghĩa sự giáo dục đó một cách không hẹp hòi, và tính cách giáo dục đó phải toát ra tự nhiên, càng kín đáo càng hay, không thô sơ, lộ liễu.
    
    Và cũng còn phải có tác dụng tuyên truyền nữa. Mà về tuyên truyền, thì phải chiếu cố đến hoàn cảnh xã hội, chính trị từng thời kỳ. Theo tôi nghĩ, những tác phẩm viết về sai lầm trong cải cách ruộng đất chẳng hạn, nếu viết với một quan điểm đúng, với một nghệ thuật cao, rất có tác dụng giáo dục. Nhưng không phải những tác phẩm viết về đề tài và khía cạnh ấy đều đạt tới mức độ thật đúng đắn, tài tình. Những tác phẩm nói khuyết điểm mà chưa thành công, lại in ra ngay giữa lúc nhân tâm đang còn hoang mang, chưa bình tĩnh lại, thì là một cái nguy hại. Khi mà không khí còn đầy hơi ét-xăng, chỉ một que diêm đánh lên cũng có thể gây đám cháy lớn. Kinh nghiệm ở Hung-ga-ri cho ta thấy: có những nhà văn Hung-ga-ri, trong lúc tâm thần quần chúng đang kích thích cao độ, lửa đã đỏ lại đổ thêm dầu, không nói đến thành tích mà chỉ toàn nói đến sai lầm, đã đưa đến kết quả là làm lợi cho bọn phản cách mạng. Các ngành hoạt động nào cũng phải chú ý đến hoàn cảnh chính trị cụ thể; văn nghệ dù có đặc trưng gì đi nữa, cũng không thể đứng trên những yêu cầu chính trị của thực tại được. Vả lại, khi chính quyền của nhân dân đã vững mạnh, thì vạch khuyết điểm một cách khác, khi chính quyền của nhân dân còn non mới, phải vạch khuyết điểm một cách khác. Như trong Kháng chiến, một tác phẩm viết về thua trận phải đưa ra với muôn nghìn thận trọng. Có thể có một tác phẩm chưa nên in trong một giai đoạn này, mà in ở giai đoạn sau.
    
    Ba nhiệm vụ: thẩm mỹ, giáo dục và tuyên truyền trên đây không có gì là chống đối nhau cả.
    Việc sáng tác văn học có nhiều trách nhiệm như vậy. Nhưng đó chính là vinh quang của những nhà văn trong chế độ chúng ta, những nhà văn có thể có nhiều tài hay ít tài, nhưng nhất định là những nhà văn kiểu mới.
    4-1957
    Tuyển tập Thơ Việt Nam [5] đối với phong trào thơ
    Làm một tuyên tập Thơ Việt Nam bao quát từ Cách mạng tháng Tám đến nay, ai cũng biết là một việc khó. Mười ba năm thơ là một phạm vi rất phong phú, ngổn ngang. Khó mà vừa lòng mọi người, các tác giả cũng như bạn đọc. Tuy nhiên, theo ý tôi, ở giữa khối thơ bề bộn đó, nếu ta chủ động có một lý luận chắc chắn, có một phương hướng rõ rệt, thì ta vẫn làm nổi được những đường nét căn bản; còn những thiếu sót chi tiết, thì ai mà tránh khỏi. Nhà làm tuyển tập không những nhằm “Tiêu chuẩn để chọn các bài thơ là giá trị nghệ thuật”, mà phải là một nhà phê bình, một nhà văn học sử nắm đúng được những đặc tính căn bản của phong trào, đánh giá những ưu khuyết, phân tích từng chặng diễn tiến. Tìm chọn ngọc trai mới chỉ là một phần công việc; phải có một sợi giây xâu những ngọc đó thành chuỗi, thì mỗi viên ngọc mới khỏi rời rạc lăn lông lốc.
    Dù muốn dù không, tuyển tập lớn này vẫn là một công trình tổng kết, dù là tổng kết sơ bộ. Không thể cho rằng việc nhận định lại phong trào thơ từ Cách mạng đến nay “là việc của Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai và của tổ chức các nhà văn Việt Nam sau này”. Không nhận định những đặc điểm chính của phong trào thơ, thì lấy đường hướng nào để làm tuyển tập? Hoài Thanh đã có tinh thần phụ trách và đã tự mình hợp lẽ với công việc mình làm, khi đặt trước tuyển tập Thi nhân Việt Nam (1932-1941) của ông một bài nghiên cứu, nhận định. Người đọc yêu cầu trước tuyển tập Thơ Việt Nam (1945-1956) cũng phải có một bài nhận định như thế, dù chỉ mới trên nét lớn.
    Vì thiếu một lý luận nền tảng, một đường lối rõ rệt, nên tuyển tập Thơ Việt Nam thiếu một xương sống, đến cả việc tự đặt tên cho mình cũng mơ hồ. Hoài Thanh trước đây tuyển thơ của một số thi sĩ trong thời kỳ 1932-41, trình bày họ trước công chúng, và đặt tên rất đúng cho sách là Thi nhân Việt Nam, mặc dầu có một số ít người được chọn cũng chưa thật đúng tiêu chuẩn. Nay tuyển tập 1945-1956 này rõ rệt là một tuyển tập các tác giả, mà sao lại đặt cái tên rộng lớn là Thơ Việt Nam?
    Trong tương quan của thơ trước Cách mạng, sự sáng tác của quần chúng chưa có được một vai trò trên báo, sách, thì một tập Thi nhân Việt Nam cũng có thể gọi được là một tập “Thơ Việt Nam”. Nhưng sau Cách mạng tháng Tám, chưa có thể lẫn lộn như vậy. Vì thơ Việt Nam từ sau Cách mạng vượt quá tầm nhỏ hẹp của một số tác giả. Thơ của quần chúng công nông binh đã đường hoàng xuất hiện, rộng lớn như chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Và những hạn “chưa thành tác giả” cũng đóng góp một phần quan trọng không thể nào bỏ qua được.
    Vậy thì nên có một tuyển tập Thơ hay một tuyển tập Thi nhân? Theo tôi nghĩ, hiện nay, vì nhiệm vụ đối với phong trào, cần có một tuyển tập Thơ. Ban làm tuyển tập đề ra một tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-56 là đúng, chỉ tiếc là cái ruột chưa đúng.
    Đặc điểm của mười hai năm thơ sau Cách mạng tháng Tám là gì? Theo ý tôi, cái rất mới lạ, cái tự hào của chúng ta là một phong trào thơ lớn rộng chưa từng có, với sự tham gia của hàng chục vạn người, mang tính cách hiện thực, tính cách chiến đấu, và tính cách quần chúng rất rõ rệt. Phong trào đó kết tụ lại trong một số tác giả, trong những bài thơ tốt của những người “chưa phải tác giả” hoặc đang trên đường trở thành tác giả, và trong những bài ca dao, hò, vè tốt của công nông binh. Ba thành phần, ba “khu vực” đó gắn liền, giao nối với nhau, từ công nông binh đến các tác giả không thể có một sự chia cắt nào. Và cái ngọn tác giả luôn luôn phải nhìn về cái gốc quần chúng. Điểm cách mạng nhất của thơ mười hai năm qua, là quần chúng ào ạt, mãnh liệt vào trong thơ; các tác giả đi vào quần chúng tìm thơ, biểu hiện quần chúng trong thơ, và quần chúng tự mình làm thơ. Nội dung của thơ đổi thay về căn bản và mở rộng vô cùng. Chưa bao giờ có một sự rào rào vươn lên của hàng vạn người muốn nói những ý tình thật tốt đẹp, cao cả. Nhưng con đường đi tới những tác phẩm nghệ thuật là lâu dài, gian khổ. Thơ của ta như ngọn suối “mới sa nửa vời”, cuồn cuộn sức sống mới, nhưng nước hãy còn đục, chưa in lắng được một cách trong sáng và kết đọng cảnh vật hai bên bờ. Thơ của ta là một cái gì đang đi, đang gieo, đang nảy; chưa phải là một mùa chín rộ gặt hái. Phải vững chắc và khẩn trương trên đường đi, nhưng không thể nóng ruột. Chưa nên vội vàng quá chú trọng vào các “tác giả”. Số “tác giả” hãy còn ít, và cũng chưa thật là kết tinh cho quần chúng. Mà phải chú trọng vào tính cách hợp tấu của một nền thơ cách mạng đang rất trẻ. Hãy nặng về chọn lọc tất cả những bài thơ hay, thơ tốt bất cứ là của công nông binh “vô danh”, của “tác giả” hay “chưa tác giả”, miễn là thành tựu. Nghệ thuật đòi hỏi một phong trào văn học phải kết tinh vào những tác phẩm hẳn hoi, vào những thi sĩ thật sự, hơn một mức nữa, vào những thi gia ưu tú. Đó là quy luật tất yếu. Nhưng không thể thi hành ngay quy luật đó một cách máy móc đối với tình hình thơ của ta. Ban làm tuyển tập cố nhấn mạnh vào các tài đơn ca, trong khi đơn ca chưa nổi bật, mà cái hay, cái đặc điểm của phong trào thì lại là một cuộc hoà tấu phong phú hơn nhiều. Tuyển tập “Thơ Việt Nam” là một cái gương chưa thật đúng và bẻ một nửa của phong trào thơ.
    Một việc chúng ta làm là phải theo nhu cầu và nhiệm vụ mà làm; không thể lấy một lời nói đầu xin lỗi mà gạt nhiệm vụ đi được. Nhiệm vụ của một tuyển tập thơ 1945-56 là phải chọn lọc thơ của công nông binh. Dù có gặp khó khăn, cũng phải gắng vượt. Để dịp khác là lúc nào? Mười một năm đã qua rồi, đợi tuyển tập khác, là bao giờ nữa? Đứng về giá trị nghệ thuật (nội dung lẫn hình thức), ví dụ nói về tàn ác của giặc, một bài như Về thăm làng vùng bị chiếm của Phạm Phú Thuần tuy có cái gân guốc của một bài hành [6] cổ thể và những nét hiện thực, nhưng tôi đọc nhiều lần mà cứ thấy khúc khắc, lạo xạo, rất khó khăn, tôi thấy không hơn đoạn kể tội ác giặc trong bài “Vè Quảng Giang” của nông dân Bình Trị Thiên kháng chiến:
    
    Người chọc huyết như hình gà vịt,
    Người đem ra xẻo thịt như trâu,
    Người thì lấy búa bửa đầu,
    Nấu nước sôi nó đổ, nấu dầu nó chưng.
    … Bàn tay lấy dây đồng xâu lỗ,
    Nặn máu hồng nó mổ lấy gan.
    Cực hình chi lắm dã man!
    Máu me Hồng Lạc kêu than không thấu trời!
    
    Những bài bi thiết, hiện thực, mà giản đơn, có giá trị nghệ thuật như vậy của quần chúng, tại sao chưa đưa vào tuyển tập một lần nào, trong khi bài của Phạm Phú Thuần được đưa vào đến hai tuyển tập? (Lần trước trong Tập văn Cách mạng và Kháng chiến, 1950).
    Những bài thơ như bài “Chuyển máy” của công nhân, tả đến tột cùng cao độ cái lao động của con người kháng chiến, mang một thái độ chủ động quyết liệt, tư tưởng tính cao, nghệ thuật tính vững:
    
    … Dạng chân trèo, xoạng cẳng kéo hồ lô,
    Vai tỳ, tay đẩy, gối thúc, lưng gò,
    Bụng nổi cục cuộn lên từng đám ruột.
    Bao hơi sức đều đem dồn ra tuốt,
    Miệng há tròn giật cục thở từng hơi.
    Tay có trơn, ta xoa cát mà lôi,
    Chân có trượt, bấm sâu thêm chút nữa.
    Sức có mệt, tiếp thêm người kéo cố
    Chiếc hồ lô to như con voi cộ
    Và nặng hơn chục tấn có vừa đâu…
    … Mưa bao giờ rụng hết lá rừng cây,
    Chặt vài cành che thay nón đêm nay,
    Và đường trơn dẫu có bằng đổ mỡ,
    Cành cây đây ta làm thêm chân nữa…
    
    Một bài thơ khí thế mạnh như vậy, tại sao không được vào trong những tuyển tập?
    Những bài thơ đạt của bộ đội không phải là ít. Một đoạn thơ ngắn như của Hữu Tâm, chỉ trong tám chữ mà nói cả một ngày của đồng bào mong chờ bộ đội trong chiến dịch sông Thao 1949:
    
    Nhà em phố xá buôn nghèo
    Nấu thùng nước vối đặt theo bên đường.
    Chờ anh tự sáng mờ sương,
    Bát khô, nước nguội soi gương mặt người.
    
    Một tiểu đội nghĩ đến “thằng Liên, thằng Khình”, khi nào cùng nhau đóng ở núi Phia Khinh, nay đã tử trận:
    
    Liên! Khình!
    Trên Phia Khinh!
    Hay chăng có nhớ chút tình chúng tao?
    Cùng cầm súng, cùng cầm dao,
    Cùng ăn cơm nắm, cùng vào đồn Tây;
    Cớ sao hôm nay vắng mặt chúng mày
    Để súng ai vác, để dây ai chuyền?
    Chúng tao lắm lúc cũng quên,
    Nhưng khi nhớ đến lại thương Liên, Khình.
    Chúng tao đã biểu đồng tình;
    Phia Khinh xoá bỏ, Liên Khình là tên.
    
    (Họ ước hẹn riêng với nhau: lấy tên Liên Khình đặt tên cho núi). Một bài thơ nói cái chết của đồng chí Phan Phú ở trận Bản Trại:
    
    Trên mặt trận đưa về,
    Đôi chân anh gãy nát.
    Áo quần đẫm máu mê,
    Nụ cười đọng trên đôi môi nhợt nhạt.
    Anh nằm yên anh ơi,
    Em đưa anh về bản,
    Anh nói gì trong mê sảng,
    Cho lòng em ngậm ngùi.
    Anh vẫn nằm yên không nói,
    Đường dài mưa lất phất rơi.
    Quay đầu em lo lắng gọi,
    Thôi anh không thưa nữa rồi.
    Anh chết trên vai em!
    Máu thấm vào tà áo,
    Đêm trăng mờ ảo não,
    Sắc thắm lẫn màu chám,
    Anh đã chết!
    Không! Không bao giờ cả,
    Đêm nay dù gục ngã,
    Muôn ngày mai thanh bình,
    Dâng anh còn sống mãi
    Trong lòng người áo xanh.
    Phạm Lượng
    
    Những bài thơ như thế này phần nhiều quên ghi tên người làm, bởi nó chóng thành của chung của quần chúng. Vâng, nhiều bài của công nông binh không phải chỉ là những câu “nôm na”, “đơn giản”, “hò vè” mà thôi đâu. Nó là những bài thơ hẳn hoi, mỗi lần tôi đọc trước hàng trăm, hàng ngàn người, công chúng và chính tôi lại thấy sao mà cảm xúc, đậm đà hơn thơ của một số “tác giả”. Những bài thơ thành tựu đó đòi quyền vào trong các tuyển tập: đây không phải là chiếu cố, mà cân sắc cân tài, nó không thua kém ai đâu! Thế thì vì lý do gì mà hoãn mãi, gạt mãi những sáng tác đó? Có phải chỉ vì họ là vô danh, là chưa phải tác giả chăng?
    
    *
    
    Tuyển tập Thơ khác tuyển tập Văn. Văn do những người chuyên nghiệp hay nửa chuyên nghiệp làm; còn thơ thì lại có vai trò sáng tác của quần chúng. Quan niệm của tôi là: nên làm một tuyển tập những bài thơ hay, tốt trong mười một năm qua. Những bài của công nông binh mở đầu; tiếp theo là thơ của những người có tên; cứ lấy những bài đạt, không phân biệt “tác giả” hay “không tác giả”. Tên ký dưới bài cũng được, chưa cần treo cao lên đầu trang sách. Giữa những người có thơ được chọn, ai là tác giả, tác gia, tự giấy trắng mực đen sẽ nổi bật lên.
    Vướng vì cái quan niệm “tác giả”, Ban làm tuyển tập bỏ một số bài đạt rất đáng chú ý. Với cái mức độ của một số bài đã được chọn, thì một Chính Hữu chẳng hạn, tác giả những bài: “Ngày về”, “Đêm sầu Hà Nội”, nhất là bài “Đồng chí”:
    
    Quê hương anh nước mặn đồng chua,
    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá,
    Tôi với anh đôi người xa lạ,
    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
    Súng bên súng, đầu nấp bên đầu,
    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ…
    
    Chính Hữu rất xứng đáng vào tuyển tập. Những bài thơ như “Gang ra” của Xuân Cang, đáng được ghi nhớ:
    
    … Bóng lò cao cao, thang cuốn mấy tầng
    Bừng sáng rực, trong muôn làn khói toả;
    Ánh điện mờ đi, mắt người chói loá
    Vì một dòng suối lửa chảy băng băng
    Như từ núi cao đổ xuống đồng bằng
    Suối lửa huy hoàng, tràn lan, rực rỡ…
    
    Những bài như “Bức tranh sinh hoạt” của Minh Tiệp, “Tôi khiêng anh bạn” của Quản Tập, “Gặp chị” (đều đã đăng Văn nghệ), thành thực mà nói, nếu chọn bài, thì tôi thấy tài sắc hơn nhiều bài trong tuyển tập, nhưng Ban làm tuyển tập lại cho họ chưa phải là tác giả. Đối với các nhân sĩ lão thành, thì đã chọn thơ cụ Phạm Phú Thuần, nên chọn thơ kháng chiến của cụ Võ Liêm Sơn.
    Ta cần nắm chắc đường hướng văn nghệ công nông binh. Ta để ý đến nhiều giòng, ta rộng mở với mọi rung cảm làm phong phú tâm hồn con người, ta thấu hiểu những yêu đương, những mơ mộng nữa; ta không bạ nơi nào cũng chụp cho thiên hạ một cái mũ “tiểu tư sản”, “lãng mạn” một cách không căn cứ. Nhưng đồng thời ta luôn luôn nhớ thơ ta phải tìm mọi cách gần gũi công nông binh, diễn tả công nông binh, trân trọng sáng tác của công nông binh, công bằng với những cây bút xuất thân từ công nông binh. Vì xét cho cùng, văn học cách mạng tân kỳ chính là ở nội dung quần chúng và hiện thực. Tôi không yêu cầu chiếu cố đến Hồ Khải Đại, tôi đòi chỗ trong tuyển tập cho người bộ đội làm thơ đó. Một bài như “Lớn lên” của Hồ Khải Đại nói được tâm ý của hàng vạn bộ đội:
    
    Yêu hạnh phúc tuổi xanh
    Thương cha mẹ, gia đình
    Yêu con trâu luống đất
    Chưa về trong tay mình.
    Nhớ khi vào vệ quốc,
    Người mới cao đủ thước,
    Sức nặng không đủ cân,
    Ôm hòn đá dấu quần,
    Hồi hộp lo ngay ngáy,
    May! Trúng vệ quốc quân!...
    
    Một điểm chính nữa tôi muốn nói, là tư tưởng bình quân trong tuyển tập. Ban làm tuyển tập nói “Văn hay chẳng lựa là dài”. Nhưng một thi sĩ có nhiều bài thơ hay với những thi sĩ có ít bài thơ hay, có thể san bằng cứ lấy mỗi người ba bài không? Như thế có phản ánh đúng cái tương quan tài năng, tác phẩm, và vị trí của các thi sĩ ở trong làng thơ không? Từ mười năm trước Tổng khởi nghĩa và mười một năm sau, Tố Hữu là người mở đường trong thơ cách mạng. Những người hiểu biết đều xác nhận vị trí đặc biệt của Tố Hữu; cho đến nay, trong luồng thơ cách mạng, Tố Hữu có nhiều bài đạt hơn cả, được công chúng rộng rãi ưa thích hơn cả. Thực trạng đó đòi hỏi phải trích nhiều thơ của Tố Hữu hơn.
    Đến việc sắp xếp các người thơ, tưởng không nên xếp theo a, b, c, mời họ ngồi bàn tròn như thế. Làm như vậy cầu an, tắc trách. Mà phải cố gắng xếp các bài thơ và tác giả theo khuynh hướng, theo thời kỳ, theo nội dung… Điểm cuối cùng, là ta phải liệu làm tuyển tập như thế nào để khỏi cái tình trạng một nhà thơ trào phúng như Tú Mỡ đã hai lần bị gạt ra khỏi hai tuyển tập lớn (lần đầu là Thi nhân Việt Nam). Chả lẽ đợi chỉ khi nào có tuyển tập thơ trào phúng, thì Tú Mỡ mới được vào!
    
    *
    
    Năm mươi nhăm người có thơ trong tập. Những bài thơ, nói chung, chứng tỏ sự chuyển mình mạnh mẽ của thơ Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám trở đi. Có thể nói trên nét lớn rằng: nhược điểm (ở đây chưa nói ưu điểm) của thơ trước 1945 là tìm cách thoát ly cái sự thực xấu xa, đau khổ, trốn tránh sự đấu tranh trong tình yêu mơ mộng, trong tiên cảnh, trong giang hồ, trong điên loạn, ma quỉ, trong tôn giáo, trong siêu lý v.v… Hầu như các nhà thơ thời ấy không biết đến quần chúng là gì, không biết đến cái thực tại cụ thể mà quần chúng sống. Đó không phải là thơ hành động. Đi theo cách mạng, được cách mạng đưa đường, thơ bắt nguồn vào quần chúng vĩ đại, vào hiện thực vĩ đại, từ thái độ bi quan, tiêu cực, vươn lên đến một thái độ chủ động, lạc quan; thơ không chỉ thở than như trước kia, mà đã thành vũ khí, thành công cụ cải tạo xã hội và thế giới. Đó là một cuộc đổi thay về bản chất. Đó là ưu điểm to lớn, đó là khí thế vững chắc của thơ mười hai năm qua, cho đầu việc kết đọng thành những tác phẩm nghệ thuật hẳn hoi còn gặp nhiều khó khăn, vướng nhiều chậm chạp.
    Nhiều nhà thơ trong Thi nhân Việt Nam trước, nay có mặt trong tuyển tập này với một tư tưởng đổi mới, và thơ mang ít hay nhiều một tính cách quần chúng: Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Anh Thơ, Yến Lan, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân. Nhiều nhà thơ khác trước Cách mạng: Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Cầm, Huyền Kiêu, Lê Đại Thanh, Hoàng Lộc, Lưu Quang Thuận, Khương Hữu Dụng, v.v… Một nhà thơ đã cách mạng trước khi Cách mạng bùng nổ: Tố Hữu, và về sau đã tiếp tục nâng cao, mở rộng hồn thơ mình. Cách mạng lại đã phát hiện, đào tạo hẳn một lớp nhà thơ mới mẻ: Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Nguyễn Đình Thi, Trần Hữu Thung, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Hồng Chương, Vĩnh Mai, v.v… Tiếp theo đợt đầu này, một đợt mới lại đến hoà vào bản hợp tấu: Hồng Nguyên, Lương An, Quang Dũng, Xuân Hoàng, Minh Huệ, Kinh Kha, Lưu Trùng Dương, Phạm Hổ, Trinh Đường, v.v… Những nhà thơ miền Núi chỉ trong Cách mạng mới nẩy nở: Nông Quốc Chấn, Bài Tài Đoàn, Nông Văn Bút… Tôi không kể lại đây số bài thơ đã được khá phổ biến. Một số bài khác được công chúng chú ý. Tôi lại còn ghi nhớ những vần thơ mà đây tôi dẫn ra ít nhiều:
    
    Ai về bến Trấm thì lên,
    Về cho sớm sớm, mưa đêm khó chèo
    Lương An
    Mẹ con đàn lợn âm dương
    Chia lìa đôi ngả
    Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
    Bây giờ tan tác về đâu?
    Hoàng Cầm
    Hôm nay Cao Bắc Lạng cười vang,
    Dọn lán, rời rừng người xuống làng,
    Người nói cỏ lay trong ruộng rậm…
    Nông Quốc Chấn
    Tiếng hát lừng vang trong gió núi
    Ngày vàng ngân giọng trẻ ê a
    Ở đây bản vắng rừng u tối
    Bộ đội mang gieo ánh chói loà…
    … Ở đây những mặt buồn như đất,
    Bộ đội cười lên tươi như hoa
    Thôi Hữu
    Mưa nắng phải đành cam chịu vậy
    Mẹ con không có đến hai quần
    Con đi làm lụng, quần con mặc,
    Đắp chiếu tùm hum, mẹ ở trần
    Xuân Miễn
    Xóm làng đi hết đàn ông
    Đàn bà heo hút sống trong thẳm rừng
    Anh Thơ
    Cam ba lần có trái
    Bưởi ba lần ra hoa
    Anh bước chân đi ra
    Từ ngày đầu cầm cự
    Trần Hữu Thung
    
    Có những đoạn thơ nặng chắc hoặc cô đúc:
    
    Những cánh đồng thơm mát
    Những ngả đường bát ngát
    Những dòng sông đỏ nặng phù sa
    Nước chúng ta
    Nước những người chưa bao giờ khuất
    Đêm đêm rì rầm nghe tiếng đất
    Những buổi ngày xưa vọng nói về
    Nguyễn Đình Thi
    Một tiếng chim kêu sáng cả rừng
    Lên đường, chân lại nối bên chân.
    Đêm qua đầu chụm run bên đá,
    Nay đã cùng mây sưởi nắng hừng.
    Khương Hữu Dụng
    
    Trong những bài, những đoạn, những vần thơ đạt, thơ mới của chúng ta rất hiện thực và nặng suy nghĩ, đầy sức chiến đấu, có một lòng yêu tổ quốc, yêu nhân dân thắm thiết vô cùng. Tuy nhiên, số bài chưa đạt khá nhiều. Thành thật mà nói, nhiều tác giả chưa điển hình, chưa rõ nét, sắc thái riêng chưa rõ rệt. Ban làm tuyển tập không khiêm tốn hẵng chọn những bài thơ cái đã, mà vội “lên khung” các tác giả, nên người đọc thấy gắng gượng, ọp ẹp, chưa đứng vững. Đó là vì không nắm được đặc điểm của phong trào thơ.
    Lấy những bài hay, bài tốt, bài khá trong tuyển tập này, thêm những bài như vậy còn ở ngoài tập, thêm những bài hay, tốt của công nông binh, ta sẽ có được một tuyển tập, chưa dám nói là tuyệt mỹ gì, nhưng đánh dấu được một bước tiến của thơ Việt Nam mà ta đáng tự hào.
    Và còn phải lao động nhiều, nhiều nữa để đi đến những tác phẩm nghệ thuật kết tinh được thời đại. Sáng tác của ta hiện giờ đang dẫm chân một chỗ đấy, phải chẩn mạch cho đúng bệnh đang nằm ở đâu, cương quyết mà chữa, không bao che, không nhân nhượng. Nhưng có gì mà bực bội, hoang mang! Có một đường hướng đúng, một quyết tâm, bao giờ những nhà văn cách mạng cũng gìn giữ được ngọn lửa phấn khởi.
    5-1957
    Mùa đông 1919 – Mùa hè 1957
    Tôi rất tiếc không đọc được tiếng Nga, để thấu nghe cho được cái chân tướng của những câu thơ Mai-a-kốp-ski, để được nhìn tận mắt, bắt tận tay nhà thơ vĩ đại nhất mở đầu cho thơ xã hội chủ nghĩa. Một thi sĩ Tiệp Khắc [7] biết tiếng Nga và tiếng Pháp, có nói với tôi: “Ngay đến bản dịch của En-xa Tờ-ri-ô-lê (Elsa Triolet) ra tiếng Pháp cũng để mất rất nhiều cái hay của thơ Mai-a-kốp-ski” (Mà Elsa Triolet, như ta biết, là một người Nga và là một nữ văn hào của nước Pháp). Tôi nghĩ: Như thế này, thì những bài thơ Mai-a mà từ trước đến nay ta dịch qua tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc, trải hai lần truyền đạt, rơi mất dọc đường biết là bao nhiêu! Nhưng trong khi ta chưa dịch được thơ Pút-kin hay thơ Mai-a thẳng từ tiếng Nga sang, ta không thể cầu toàn, ngồi đợi; ta tạm thời phải qua hai lần cầu vậy.
    Tôi thú thật ở đây một sở đoản của tôi: trong tình trạng thơ của nhà đại thi hào Xô Viết dịch ra tiếng Việt hiện nay, tôi rất khó thông cảm về bài thơ với Mai-a-kốp-ski. “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”; mà nhiều người khác cũng than phiền với tôi như thế. Như vậy, mà có một số bạn cứ bắt chước bài thơ của Mai-a-kốp-ski. Đó là quyền tự do của các bạn. Nhưng chúng tôi (tôi và bạn đọc) nghĩ: Giá các bạn đó học tập nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa nội dung thơ Mai-a! Còn bắt chước hình thức thơ Mai-a, thì có lẽ chưa cần thiết lắm. Vì trong khi các bạn tưởng rằng bắt chước cái điệu đứng, điệu đi, điệu ăn, điệu nói của Mai-a, sự thực các bạn chỉ bắt chước bóng hình của Mai-a qua hai lần kính đã xoa mờ! Các bạn có biết cái nhạc điệu thực sự của thơ Mai-a đâu, cái nhạc điệu bằng tiếng Nga mà người Xô Viết rất yêu thích. Nếu các bạn học được trực tiếp những câu thơ Nga của thi sĩ và đem cái hay của nó dân tộc hoá sang tiếng Việt, thì các bạn sẽ làm giầu cho những bài thơ Việt Nam. Còn với tình trạng hiện nay, các bạn chỉ mới bắt chước cái “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” rất khổ cho lỗ tai Việt Nam! Và các bạn chỉ bắt chước cái hình thức bên ngoài là của Mai-a: thơ leo thang, mà chính Mai-a không phải người làm đầu tiên đâu; theo tôi biết, trước kia, nhà thơ Pháp Man-lác-mê (Mallarmé) (cuối thế kỷ 19) cũng đã sáng kiến ra cái lối xuống giòng nhiều như thế.
    Vâng, không nên học tập Mai-a-kốp-ski một cách giáo điều! Mà trước tiên, phải học tập cái hồn thơ, cái lòng yêu nước, cái lập trường cách mạng không gì lay chuyển nổi của Mai-a-kốp-ski. Nhà văn Xi-mô-nốp đã từng khuyên chúng ta học truyền thống Mai-a-kốp-ski là lòng tin sắt đá của Mai-a vào thắng lợi của xã hội chủ nghĩa, là tuyệt đối không dung nạp mảy may thái độ quỳ gối trước giai cấp tư sản, là nhà thơ xắn tay áo, không ngại một công tác gì để làm nhiệm vụ Đảng giao cho: “Truyền thống của Mai-a-kốp-ski không phải ở chỗ bài thơ Lê-nin hoặc bài thơ Được! viết bằng lối “leo thang” hay không “leo thang”, mà là ở chỗ Mai-a-kốp-ski đã viết bài thơ về Lê-nin, về Đảng và Tổ quốc”.
    
    *
    
    Tôi rất dốt về thơ Mai-a-kốp-ski, nên chưa dám đi sâu hơn nữa, mà mào đầu đoạn trên này là để nói cái cảm kích của tôi khi đọc những bài thơ của Mai-a nói về thuở hàn vi, cám cảnh của Liên bang Xô Viết tức mới còn trứng nước ở trên thế giới này. Vâng, cái giọng “oang oang” của Mai-a lúc này càng kiên cường, dũng khí. Dũng khí chính ngay trong tình cảm, lập trường, thái độ, trong xương tuỷ mạnh mẽ của bài thơ chứ không phải ở lời thơ mà có người học nhầm thành ra một thứ huênh hoang.
    Tôi nghĩ nhiều đến Mai-a-kốp-ski giữa mùa hè 1957 này. Những khó khăn về kinh tế của ta hiện nay, trong khi chế độ ta vật vã vươn mình, là miếng đất tốt cho nhiều thứ hoang mang, nghiêng ngả. Hàn thử biểu của giá cả cứ lên mà chưa có triệu chứng xuống; cơm trong bữa ăn tha hồ đơm, nhưng bệnh dịch vật chết gà lợn, cá bể không được mùa, cá nuôi chậm lớn, thức ăn trên bàn co hẹp lại quá quắt; những nông trường ngốn tiền ngân sách; người thoát ly sản xuất làm phình bộ máy nhà nước, kỷ luật lao động chưa kích được lên; bệnh cúm lan trên cả Đông Nam Á, vào Việt Nam làm chật chỗ tất cả các nhà thương, một quả chanh to có lúc lên đến chín trăm đồng, thuốc tây bị bọn đầu cơ thu dấu; chúng ta vừa mới chẹn tay bọn tích trữ về vải, nhưng lòng tham không đáy của chúng còn đang tìm cách quờ tay lên trăm thứ hàng… Có những ngày kim chỉ nam trên địa bàn tư tưởng của một số người quờ quạng lắc lay… Trong tất cả chúng ta nữa, những khó khăn trong trưởng thành và một số sai lầm khuyết điểm của ta làm chúng ta nặng nề sầm mặt lại… Những lúc đó, thơ Mai-a-kốp-ski là một viện trợ tinh thần quý báu, đúng cái tiếng oang oang sang sảng của Mai-a đây rồi!
    
    Mùa đông 1919 [8]
    Tôi đi đến nhà người yêu tôi
    như một khách mời,
    Tay xách nơi đuôi xanh
    hai củ cà rốt nhỏ;
    Kẹo bánh tôi từng cho,
    tiệc tùng tôi từng mở;
    Nhưng hơn cả mọi món quà đắt đỏ,
    Tôi nhớ
    hai củ cải quý vô ngần
    Và một nửa thanh
    củi gỗ bu-lô.
    ……………………………………….
    Phía sau một khung kính
    tuyết đi,
    Bước của tuyết như bông mềm mại.
    Tảng đá kinh kỳ
    trắng phơ, trần trụi,
    Dính trên tảng đá
    là bộ xương rừng;
    Và kia, sau rừng,
    trời tựa mảnh khăn,
    Một ít mặt trời leo lên trên ấy.
    Sớm tháng chạp mệt mề và chậm chạp
    Mọc trên Mascơva
    như cơn sốt dịch lây.
    Những đám mây
    Bỏ đi tới những nước nào no đủ.
    Sau mây đó nằm trườn nước Mỹ,
    Mỹ nằm trườn, Mỹ ngốn Mỹ ăn
    Cà phê, ca cao.
    Đứng trên đất nước lột trần,
    Tôi ném
    Vào đầu
    tròn hơn những đĩa bàn khách sạn
    Của bọn mỡ mầu kiêu xa đần lợn
    Tiếng kêu này:
    − Ta yêu đất nước ta.
    Người ta có thể quên
    nơi nào, lúc nào bụng béo ra
    Và cằm xệ xuống thành ba ngấn;
    Nhưng đất nước với người ta lận đận,
    Biết cùng nhau cái đói là gì,
    Không bao giờ người ta có thể quên đi.
    ……………………………………………..
    Nhưng đất nước người ta giành từng miếng,
    Người ta ôm khi đất hầu chết điếng,
    Nơi đạn dựng anh dậy
    Nơi súng bắt anh nằm
    Nơi người ta chảy vào quần chúng
    như một giọt nước hoà chan,
    Với đất ấy, sống thì cùng sống,
    Làm cùng làm
    chơi cùng chơi
    chết cùng chết!
    Mai-a-kốp-ski
    
    Dù có khó khăn, Việt Nam mười hai năm sau Cách mạng tháng Tám còn mấy lần tươi hơn Liên Xô hai năm sau Cách mạng tháng Mười. Lúc gay go nhất của ta là giữa Kháng chiến khoảng 49-50, bốn năm anh em văn nghệ chia xẻ cho nhau một cái đầu cá trong rừng Việt Bắc, nhường nhau một hạt nước mắm kem, đi đâu xa về biếu nhau một mảnh đường phèn. Bây giờ chúng ta được ăn cơm tràn, không phải độn dạ dày bằng sắn; áo vá bây giờ ít ai phải mặc; và thực sự ra bữa cơm của nông dân hiện nay không phải co lại, mà lại nở ra. Chúng ta còn mấy lần tươi hơn Mai-a-kốp-ski mùa đông 1919. Mà dĩ nhiên phải như thế.
    Nhưng cái không như thế, là tấm lòng ta chưa thắm bằng tấm lòng thi sĩ Mai-a. Chúng ta chưa có cái giọng sang sảng của Mai-a khi Mai-a thiếu thốn. Chúng ta chưa ném vào đầu đế quốc Mỹ “tròn như những đĩa bàn khách sạn” những tiếng nói kiên cường nhất phát ra từ giữa lúc kinh tế còn khó khăn. Chúng ta học tập Mai-a ở chỗ nào? Sao không học trước tiên cái con mắt quắc của Mai-a vứt tờ hộ chiếu Xô Viết vào mặt bọn tư bản: Chúng bay nhìn xem đi!
    Sao không học cái gật gù của Mai-a năm 1927, khi mười tuổi Cách mạng tháng Mười. Lúc đó, Mai-a chắc cũng thấy cách mạng hẳn đang còn nhiều khuyết điểm, nhược điểm, mới mười tuổi thì lão thành thế nào được! Mặc dầu vậy, nhìn chặng đường qua, đồng thời với phê bình, Mai-a khen: Được! như thế là tốt lắm! Phố này là của tôi. Những nhà này là của tôi…
    
    Tôi ca ngợi Tổ quốc tôi như hiện giờ trông thấy,
    Gấp ba lần tôi ca ngợi Tổ quốc ngày mai
    
    Phê bình hay ca ngợi cũng chỉ là một lòng sáng như nhật nguyệt, cứng rắn như kim cương, trung thành với Cách mạng. Trong khi học giáo điều cái bề ngoài thơ “leo thang” của Mai-a, hay cố học nhầm dáng điệu của Mai-a thành ra một thứ huênh hoang, khệnh khạng, thì những người làm thơ Nhân văn – Giai phẩm bỏ mất hay làm trái ngược cái hồn thơ cao cả của Mai-a. Nếu Mai-a sống ở đất nước Việt Nam khi hoà bình vừa lập lại, khi khu vực ba trăm ngày quân Pháp chưa rút hết, còn đóng sát nách tại Hải Phòng, tôi quả quyết rằng, giả sử như Mai-a có trong hoàn cảnh chưa tìm được việc cho vợ làm, cũng không bao giờ Mai-a nỡ như Trần Dần hạ những câu:
    
    Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà,
    Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…
    
    Những câu thơ như vậy học tập Mai-a-kốp-ski ở chỗ nào?
    Chúng ta đọc thơ Mai-a-kốp-ski như thế chưa đủ đâu. Còn phải đọc nhiều hơn nữa, dịch sát đúng hơn nữa, nghiên cứu sâu xa và thành thực hơn nữa; nếu thảng hoặc dịch chưa hay lắm, thì hãy cứ học lấy cái nội dung.
    Tôi không so sánh mùa hè 1957 Hà Nội với mùa đông 1919 Mat-scơ-va. Sự thực là khác nhau nhiều lắm. Cái chính tôi so sánh là lòng thơ của chúng ta giữa khó khăn với lòng thơ của Mai-a. Hãy nêu cao những tấm lòng! Quả chanh to tôi nói ban nãy chín trăm đồng, phút này đã nhường chỗ cho những quả chanh cốm bằng đầu ngón tay cái, một trăm bốn quả.
    2-6-1957
    Chú thích
    [1]Pha-ru-ét: miền Tây Huê Kỳ (nguyên chú)
    [2]“Tiếng sáo tiền kiếp” là một câu chuyện tưởng tượng của Trần Duy, đăng trong Giai phẩm, viết theo tinh thần ma quái và bi quan. (nguyên chú)
    [3]Trong bài thơ “Nhân câu chuyện mấy người tự tử” của Lê Đạt (báo Nhân văn) (nguyên chú)
    [4]Đăng trong tập sách Xuân 1956 (Nhà xuất bản Văn nghệ) (nguyên chú)
    [5]Nhà xuất bản Văn nghệ
    [6]Hành: một điệu thơ cổ điển của Trung Hoa đã được Việt hoá, bằng thơ 5 hay 7 chữ, theo luật Đường hoặc theo cố thể, thường dài quá 16 câu, bắt một hoặc nhiều vần (Tỷ bà hành, Trường cạn hành…) (nguyên chú)
    [7]Fleichman, sang thăm Việt Nam đầu 1957. (nguyên chú)
    [8]Khi dịch bài thơ này, tôi mạn phép tác giả lược bớt những lần xuống giòng, để người độc giả trung bình Việt Nam dễ đọc hơn.(nguyên chú)

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu