Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Cô Gái Thành Rome ( Phần II ) Tác Giả: Alberto Moravia    
    Sáng hôm sau, tôi ăn mặc tươm tất, bỏ chiếc hộp đựng phấn vào túi xách tay và ra khỏi nhà để gọi điện thoại cho Astarita. Kể cũng lạ, song tôi cảm thấy rất thanh thản, nỗi buồn do lời thú tội của Sonzogno vào buổi chiều tối hôm trước gieo vào lòng tôi nay đã hoàn toàn tan biến. Sau này nhiều lần tôi tin rằng tính hiếu danh là kẻ thù đáng ghê sợ nhất của lòng nhân ái và nhân hậu. Khi nghĩ rằng tôi là người duy nhất trong thành phố biết rõ vụ án mạng đã xảy ra như thế nào và ai là thủ phạm thì đó chính là tính hiếu danh chứ không phải là nỗi sợ và kinh hoàng. Tôi tự bảo: “Mình biết ai là kẻ giết tên thợ kim hoàn” và tôi có cảm giác nhìn mọi người và mọi vật với con mắt hoàn toàn khác với ngày hôm qua. Tôi nghĩ rằng thậm chí trong tôi chắc cũng có những thay đổi, tôi sợ là qua nét mặt tôi có thể đoán biết được bí mật của Sonzogno. Đồng thời tôi có nguyện vọng êm dịu và lơ mơ là muốn nói tất cả những điều tôi biết với một ai đấy. Điều bí mật này tràn đầy tâm hồn tôi, muốn tràn ra ngoài như nước từ một chiếc bình hẹp và tôi muốn trút nó sang tâm hồn người khác. Tôi nghĩ rằng chính tâm trạng như vậy đã thôi thúc bọn tội phạm đến chỗ thú tội, chúng tôi kể lại những tội ác của mình cho nhân tình hoặc vợ nghe, còn những người này đều lần lượt san sẻ những bí mật của mình với bạn bè thân thiết, và cứ như vậy cho đến khi tin đồn đến tai cảnh sát thì lúc đó hết chuyện. Hơn nữa, khi nhận ra tội lỗi của mình, bọn tội phạm định bằng cách đó trút một phần gánh nặng không kham nổi sang cho người khác. Tựa hồ như tội lỗi là một gánh nặng có thể chia năm sẻ bảy và trút lên vai kẻ khác khi thấy nó chưa đủ nhẹ và chưa đáng kể. Song đâu phải như vậy: gánh nặng hoàn toàn không giảm sút khi trút nó lên vai người khác, ngược lại, nó càng trĩu nặng hơn khi số người phải nai lưng ra gánh vác càng nhiều.
    Trên đường đi tìm trạm gọi điện thoại tự động, tôi mua mấy số báo và trước hết đọc bản tin về vụ án mạng ở phố Palestro. Nhưng vụ án này xảy ra mấy hôm rồi nên báo chỉ đăng vỏn vẹn một cái tin với năm sáu dòng với cái tít: “Chưa có tin gì mới về vụ giết người thợ kim hoàn”. Tôi cho rằng nếu Sonzogno không phạm điều gì ngốc nghếch thì hắn có thể ăn ngon ngủ yên vì không ai có thể phát hiện ra tội ác của hắn được. Cảnh sát điều tra vụ này không dễ gì tìm ra thủ phạm, chẳng là bản thân tên thợ kim hoàn cũng dính vào những vụ mờ ám và bất hợp pháp. Như báo chí đã đưa tin, tên thợ kim hoàn đã tiến hành một phần lớn những vụ mật với những bọn thuộc đủ mọi tầng lớp và đủ mọi giới, thủ phạm có thể là người không quen biết hắn ta và vô tình mà phạm tội. Giả thiết ấy gần sát với sự thực. Chính vì vậy mọi người nhận thấy rằng cảnh sát buộc phải dính vào những cuộc truy lùng tội phạm.
    Tôi bước vào tiệm cà phê có đặt máy điện thoại tự động và quay số điện của Astarita. Phải đến tháng rưỡi nay tôi không gọi điện cho anh ta nên có lẽ đây là điều thật bất ngờ đối với anh ta, thoạt đầu không nhận ra tiếng tôi, anh ta nói giọng tự nhiên như thường dùng khi ở phòng làm việc của mình. Giây phút đầu tiên tôi còn cho rằng anh ta hoàn toàn chẳng muốn nhận ra tôi nữa, và thành thực mà nói, tim tôi thắt lại khi nghĩ tới chị người hầu đang ngồi tù, và cơ hội trùng phùng bất hạnh đối với tôi: nhè vào lúc tôi đang cần đến Astarita – người có thể can thiệp và cứu giúp người phụ nữ tội nghiệp này – thì anh ta lại không thích tôi nữa. Song tôi vui mừng là mình đã thực hiện được sự lo lắng cho số phận chị người hầu, điều đó chứng tỏ tôi vẫn còn có lòng nhân hậu và chứng tỏ tuy tôi quan hệ với tên sát nhân Sonzogno, nhưng nói chung tôi vẫn cứ là Adriana thùy mị và vị tha như trước đây.
    Tôi rụt rè nêu tên mình với Astarita, và tôi vui mừng biết bao khi vừa nghe thấy tên tôi, giọng anh ta liền trở nên ấp úng và ê a. Phải nói thực rằng tôi có thiện cảm với anh ta, vì mối tình như vậy thường làm đẹp lòng người phụ nữ, còn bây giờ nó làm cho tôi an tâm và tràn đầy tình cảm biết ơn. Tôi nói với anh ta, giọng âu yếm khác thường và hẹn gặp anh ta, anh ta hứa nhất định sẽ tới và tôi ra khỏi tiệm cà phê.
    Mưa rơi suốt cả cái đêm khủng khiếp vừa qua đối với tôi. Qua giấc mơ, tôi nghe rõ tiếng mưa hòa với gió cứ ám ảnh mãi, bao phủ cả căn nhà tôi, do đó nỗi cô đơn của tôi càng trở nên tuyệt vọng và đêm tối quanh tôi càng dày đặc thêm. Nhưng sáng ra, trời đã tạnh, gió xua tan những đám mây đen và bầu trời lại trở nên quang đãng, làn không khí im phăng phăng trở nên tươi mát. Gọi điện cho Astarita xong, tôi đi trên con đường trồng tiêu huyền ngắm nhìn ánh nắng ban mai. Sau một đêm mất ngủ chẳng ra sao cả, đầu óc tôi bị choáng váng, nhưng trước làn không khí tươi mát tôi lại thấy tỉnh táo ngay. Tôi hết sức khoan khoái trước một buổi sớm tuyệt đẹp và đưa mắt nhìn mọi vật, tôi thấy chúng có vẻ hấp dẫn, chúng làm tôi đắm đuối và vui tươi. Tôi ngắm nhìn những kẽ ẩm ướt quanh những phiến đá lát đường đã khô ráo, ngắm nhìn những thân cây tiêu huyền có vỏ màu xanh, trắng, vàng, nâu trông từ xa long lanh tựa vàng, ngắm nhìn các mặt nhà vẫn còn lưu dấu vết của trận mưa đêm qua: những mảng lớn ướt, tôi vui thích đưa mắt ngó nhìn khách bộ hành trong buổi sớm, đàn ông vội vã đi làm, phụ nữ xách làn đi chợ, trẻ em cắp sách hoặc đeo cặp được bố mẹ hoặc anh dẫn đến trường. Tôi dừng lại và bố thí cho một kẻ khốn khó già nua, khi lục trong túi xách tìm tiền lẻ, tôi động lòng ngó chiếc capốt đã bợt của ông ta, ngó những miếng vá ở nơi khuỷu tay và cổ áo. Những miếng vá màu xám, màu nâu, vàng, xanh lá cây tươi, tôi đưa mắt nhìn các mụn vá và những đường khâu chân đen đã dính chặt các miếng vá, tôi chợt nghĩ tới công việc của kẻ khốn khó này đã làm vào những lúc như buổi sớm hôm nay: ông ta lấy kéo cắt miếng bị rách, rồi cắt một mảnh trong một tấm giẻ cũ, đặt nó vào chỗ rách và cắm cúi ngồi khâu. Tôi thích thú nhìn những mụn đó với con mắt của kẻ đói nhìn miếng bánh mì vừa ra lò, đã bước đi rồi tôi còn cố ngoái lại nhìn kẻ khốn khó. Vào giây phút ấy, tôi nghĩ: thật là tuyệt vời biết bao nếu toàn bộ cuộc sống cũng giống như buổi sáng trong sáng, sạch sẽ và vui tươi như sáng nay, nếu như cuộc sống của chúng ta cũng được tẩy sạch những vết nhơ đen tối và ta có thể say mê ngắm nhìn xung quanh, cho dù cặp mắt ta chỉ khám phá được những bức tranh thông thường nhất. Trước những suy nghĩ này trong lòng tôi lại trỗi dậy một ước nguyện đã lặng lẽ lắng xuống từ lâu: ước nguyện có một cuộc sống gia đình yên ấm bên người chồng trong một căn nhà mới, sáng sủa và sạch sẽ. Tôi biết rằng mình chẳng yêu thích gì cái nghề của mình, tuy nhờ bản chất đầy mâu thuẫn của bản thân đã lựa chọn chính cái công việc này. Tôi nghĩ rằng nghề của tôi không thể gọi là một nghề sạch sẽ được: quanh tôi, trên cơ thể tôi, trên các ngón tay tôi, chăn giường tôi dường như còn lưu lại dấu vết của mồ hôi, của tinh trùng, của những dục vọng vô luân thường đạo lý, nhớp nháp mà dù có tắm rửa bao nhiêu và dọn phòng cẩn thận thế nào thì dường như bao giờ cũng thấy vương vấn ở nơi đây. Và tôi còn nghĩ rằng cái việc cứ cởi và mặc quần áo hàng ngày trước con mắt đủ loại khách đã không để cho tôi được ngắm nhìn thân mình mà lòng thấy rộn vui và thiết tha như tôi đã cảm thấy hồi còn con gái khi tắm hoặc ngắm mình trong gương. Nhìn tấm thân mình như nhìn ngắm một vật lạ, luôn luôn có cái mới đang tự nó phát triển, tràn đầy sức lực và vẻ đẹp thì thật thích thú biết bao, còn tôi, mỗi lần cố làm cho người tình của mình sửng sốt trước cái mới lạ này, tôi bao giờ cũng tự bỏ mất của bản thân điều thú vị ấy.
    Do chịu ảnh hưởng của những suy nghĩ đó, tội ác của Sonzogno, sự gian xảo của Gino, nỗi bất hạnh xảy ra với chị người hầu và cả một màng lưới những mưu mô úp chụp lấy tôi làm tôi lại coi chúng như những hậu quả trực tiếp trong cuộc đời bất công của tôi, những hậu quả chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt, hoàn toàn không thể quy lỗi tại tôi, nhưng chỉ có thể thanh toán chúng trong trường hợp nếu như tôi thực hiện được những ước mơ lập gia đình trước đây của tôi. Tôi khao khát có được sự công bằng trong mọi mối quan hệ: sống ở trên đời với một đạo lý không cho phép được làm cái nghề của tôi, sống ở trên đời với thiên tính đòi hỏi phụ nữ ở lứa tuổi tôi phải có con, sống ở trên đời với khiếu thẩm mĩ đòi hỏi con người cứ muốn quanh mình phải là những đồ vật đẹp, mặc những chiếc áo dài mới xinh đẹp, sống trong các ngôi nhà sáng sủa, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi. Nhưng cái nọ bác bỏ loại trừ cái kia, nếu tôi muốn sống ở trên đời này với một đạo lý, thì tôi không thể sống trên đời này với một thiên tính được, còn cái khiếu thẩm mĩ mâu thuẫn cả với đạo đức và thiên tính. Nghĩ vậy tôi lại rơi vào một nỗi buồn đã đeo đuổi tôi suốt đời, ấy là tôi muốn nói tới cái ý thức về sự nghèo túng của mình cứ ám ảnh mãi tôi và tôi chỉ có thể dứt bỏ được nếu tôi hy sinh những hoài bão tươi sáng nhất của bản thân. Nhưng ngoài ra tôi hiểu rằng mình vẫn chưa hoàn toàn cam chịu số phận và điều đó đã gây cho tôi niềm tin mới vào tương lai, tôi nghĩ rằng nếu có cơ hội nào đó thay đổi đời – nó chẳng phải là điều đột ngột đối với tôi – tôi sẽ không do dự lợi dụng thời cơ này với ý thức hoàn toàn tự giác.
    Tôi hẹn gặp Astarita và buổi trưa, đúng vào lúc anh ta rời khỏi sở. Tôi còn mấy tiếng đồng hồ nữa và không biết làm gì, nên quyết định đến thăm Gisella. Lâu nay không gặp cô ta, tôi ngờ rằng có một ai đó đã thế Ricardo trong cuộc đời cô ta, người này chẳng ra chồng chưa cưới, cũng chẳng ra tình nhân. Gisella cũng như tôi, hy vọng sớm muộn gì cũng xếp đặt lại cuộc đời mình, tôi nghĩ rằng đây là ước mơ chung cho tất cả phụ nữ hành nghề như tôi. Thiên hướng đã dẫn dắt tôi tới điều đó, còn Gisella, do quá coi trọng ý kiến của con người đã chủ yếu tôn trọng phép xã giao bề ngoài. Cô ta ngượng sợ người khác biết cô ta là ai - tất cả các vấn đề là ở chỗ ấy – tuy khác hẳn tôi, khuynh hướng đối với cuộc sống như vậy ở cô ta còn mạnh mẽ hơn ở tôi đã dẫn dắt cô ta đến với cái nghề này. Còn tôi, ngược lại, tôi chẳng bao giờ thấy ngượng, trừ một đôi khi, hãn hữu mới cảm thấy tủi nhục và bị xúc phạm.
    Tới nhà Gisella, vừa leo lên thang gác tôi liền nghe thấy tiếng bà gác cổng chặn lại:
    - Chị đến gặp signorina Gisella à? Cô ấy không sống ở đây nữa.
    - Cô ta dọn đi đâu rồi?
    - Tới phố Casablanca, nhà số bảy.
    Phố Casablanca nằm ở khu phố mới.
    - Có một anh chàng tóc vàng đi xe ôtô tới, họ đem theo các thứ rồi ra đi.
    Tôi liền nghĩ rằng mình đến đây chính là để nghe những lời ấy: Gisella đã bỏ đi với một signor nào đấy. Chẳng hiểu sao, tôi bỗng thấy mệt mỏi vô chừng, chân cứ muốn khuỵu xuống và tôi phải túm lấy rầm cửa để khỏi ngã. Nhưng tôi cố trấn tĩnh và suy nghĩ lại, tôi quyết định tới địa chỉ mới tìm Gisella. Tôi lên xe taxi và bảo lái xe chở tôi tới phố Casablanca.
    Xe đưa chúng tôi ra xa trung tâm thành phố, xa các đường phố nhỏ hẹp nhà cửa cũ kỹ áp sát bên nhau. Đường phố rộng dần ra, chia thành các nhánh, quy tụ tạo nên thành những quảng trường, rồi lại dãn rộng ra, ở đây toàn nhà mới xây, nhà nọ cách nhà kia bởi một vạt cánh đồng xanh tươi. Tôi không hiểu rằng việc tôi tới chỗ Gisella sẽ chẳng có gì vui cả, thậm chí còn mang tính chất nặng nề do tôi càng đâm ra buồn chán hơn. Tôi chợt nhớ Gisella đã cố xô tôi lầm đường lạc lối và biến tôi thành một con người như bản thân cô ta, tôi bất giác bật khóc một cách tự nhiên như vết thương chưa lành rỉ máu.
    Khi ra khỏi xe taxi ở mãi tít cuối phố, mắt tôi vẫn còn long lanh và má tôi còn đẫm nước mắt.
    - Chẳng nên khóc làm gì, signorina – Người lái xe bảo.
    Tôi chỉ lắc đầu và tiến đến bên nhà Gisella.
    Trước mắt tôi là một tòa nhà hiện đại trắng đến lóa mắt, vừa mới được xây xong, bằng chừng là thùng, ván gỗ và xẻng vứt ngổn ngang một đống trong khoảnh vườn nhỏ cây cối thưa thớt và những vệt vôi rớt trên các chấn song cổng. Tôi bước vào gian tiền sảnh màu trắng và trống trơn, thang gác cũng màu trắng, một làn ánh sáng dịu rọi qua lớp kính mờ. Người gác cổng – một chàng trai có mái tóc hung mặc bộ áo liền quần theo kiểu công nhân, trông chẳng giống những người gác cổng già nua và bẩn thỉu thường gặp chút nào - bấm nút và thang máy bắt đầu nâng lên cao. Thang máy thơm mùi gỗ tươi và verni. Ngay tiếng thang máy chạy nghe cũng có vẻ mới mẻ, xem ra động cơ mới được đưa vào hoạt động. Tôi lên tới tầng cuối, thang máy càng tràn đầy ánh sáng, tựa hồ như nhà không có nóc, còn thang máy cứ vút tận lên trời cao. Sau đó nó dừng lại, tôi bước ra và rơi đúng ngay vào chỗ đầu cầu thang trắng toát đầy ánh nắng chói chang. Ngay trước mắt tôi là một cánh cửa gỗ màu sáng có nắm đấm đồng bóng loáng. Tôi bấm chuông, một chị người hầu gầy gầy trông dễ thương có mái tóc đen đội khăn ren và mặc áo tạp dề thêu ra mở cửa.
    - Tôi muốn gặp signorina De Santis – Tôi bảo - chị bảo giúp là Adriana lại chơi.
    Chị người hầu để tôi lại một mình, còn bản thân tiến về phía cuối hành lang chỗ cánh cửa có lắp lớp kính mờ giống như ở các cửa sổ nơi cầu thang. Hành lang này cũng màu trắng và trống trơn như gian tiền sảnh, tôi nghĩ rằng căn hộ có bốn buồng chứ không hơn. Từ lò sưởi toát ra một làn hơi ấm áp dễ chịu, do đó mùa vữa mới trát và mùi sơn mới lại càng bốc mùi gay gắt. Cuối cùng, cánh cửa kính ở cuối hành lang mở toang và chị người hầu mời tôi vào. Thoạt đầu, khi vừa bước vào phòng tôi không thể nhìn thấy rõ gì cả, vì mặt trời tỏa làn ánh sáng rực rỡ rọi qua cửa sổ rộng lớn gần như choán hết bức tường đối diện. Căn hộ nằm ở tầng cao nhất và bầu trời xanh lơ sáng chói đang ngó vào cửa sổ. Tôi gần như quên mất trong khoảnh khắc mục đích tới thăm của mình và cảm thấy khoan khoái tới mức thậm chí đã nheo mày trước ánh sáng vàng óng như rượu lâu năm này. Nhưng tiếng nói của Gisella đã bứt tôi thoát khỏi nỗi sững sờ. Cô ta ngồi bên bàn kê gần cửa sổ trên bày la liệt các lọ nhỏ, một bà tóc bạc phơ người nhỏ bé đang sửa móng tay cho cô ta. Vẫn với điệu bộ tự nhiên giả tạo, Gisella thốt kêu lên:
    - Ồ, cậu đấy à Adriana?... Cậu ngồi xuống đi, chờ mình một chút nhé.
    Tôi ngồi cạnh cửa sổ và đưa mắt ngó quanh. Phòng có kính là một căn phòng dài và hẹp, thật ra chẳng thấy bày biện gì mấy ngoài chiếc bàn, chiếc tủ buýp phê và dăm ba cái ghế gỗ màu sáng sủa, nhưng đều mới tinh cả, và chủ yếu đều chan hòa ánh nắng. Mặt trời đã tạo ra cho xung quanh một cái vẻ huy hoàng, làm cho tôi bất giác nghĩ rằng chỉ những nhà giàu mới có được ông mặt trời như thế này. Tôi thấy trong người khoan khoái dễ chịu và buông thả đầu óc không nghĩ tới gì cả, tôi nhắm mắt lại. Bỗng một con vật nặng và mềm mại chồm lên đầu gối tôi, tôi mở choàng mắt ra và thấy một chú mèo tướng chẳng rõ giống mèo gì, bộ lông nó dài mượt mà màu xám, mắt có lẽ màu xanh lơ, mõm nó to, nó có điệu bộ bực bội và quan trọng làm tôi chẳng ưa được. Chú mèo cọ vai vào người tôi, chổng ngược chiếc đuôi mềm mại như một cái gù lông và cất tiếng khàn khàn kêu meo meo. Cuối cùng nó cuộn tròn người trên đầu gối tôi và khẽ rên gừ gừ.
    - Con mèo đến là đẹp – Tôi bảo – Nó thuộc giống gì vậy?
    - Loại mèo Ba Tư đấy – Gisella tự hào đáp - đắt lắm... phải tới nghìn lia ấy.
    - Mình chưa thấy một chú mèo như thế này – Tôi vuốt lưng mèo và bảo.
    - Các chị có biết ai cũng có một con mèo hệt như thế này không? – Bà sửa móng tay nói xen vào – Signora Radaelli đấy... và giá các chị được thấy signora chăm sóc nó... cứ hệt như chăm sóc trẻ nhỏ không bằng. Nay mai signora còn bơm nước hoa cho nó nữa ấy chứ... chị có sửa móng chân không?
    - Không, này bà Marta này, hôm nay thế đủ rồi đấy.
    Bà sửa móng tay thu dọn đồ lề và chai lọ cất vào chiếc va li con, chào chúng tôi rồi ra khỏi phòng.
    Còn lại hai người, chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Tôi cảm thấy Gisella cũng mới tinh tươm như toàn bộ ngôi nhà. Cô ta mặc chiếc áo len dài tay đẹp màu đỏ bằng len Angora tôi không thấy cô ta mặc bao giờ. Người cô ta hơi đẫy đà, đặc biệt là ngực và hông, còn má phinh phính một chút nên phần nào trông cô ta khó đăm đăm. Cô ta giống một người ăn ngon, ngủ kỹ và chẳng suy nghĩ gì hết. Cô ta ngó nhìn móng tay mình một lát, rồi hỏi thẳng:
    - Thế nào? Cậu có thích ngôi nhà của mình không?
    Tôi không phải là người hay ghen tị. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, tôi suy bì và ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao một số người có thể suốt đời giữ kín trong lòng những tình cảm tương tự mà tôi thấy không những khó chịu mà còn nhục nhã nữa. Cơ mặt tôi bắt đầu co giật như bị một cơn động kinh, mặt tôi tựa hồ như hốc hác trông thấy, tôi thậm chí không thể mỉm cười và nói với Gisella những lời lịch sự thông thường. Còn chính bản thân Gisella đã gây cho tôi một cảm giác ghê tởm không kìm nén được. Tôi muốn nói với cô ta một điều gì đó xúc phạm, làm nhục cô ta, nói chung, một điều gì đó làm lu mờ niềm vui của cô ta.
    “Mình làm sao thế này? – Tôi bối rối nghĩ, tay vẫn vuốt ve con mèo như máy - Chẳng lẽ mình lại như vậy à?”.
    May thay tâm trạng của tôi không kéo dài lâu. Tính nhân hậu thường lệ của tôi đã trỗi dậy từ sâu trong đáy lòng và đấu tranh với nỗi đố kỵ. “Gisella là bạn mình – Tôi thầm nghĩ – mình không thể dửng dưng trước số phận của cô ta, mình phải thấy vui mừng cho cô ta”. Tôi hình dung thấy Gisella lần đầu tiên bước vào ngôi nhà mới này và cô ta hân hoan vỗ tay, và ngay giây phút đó, tôi vứt bỏ được cảm giác đố kỵ lạnh lùng và băng giá, tôi lại cảm thấy hơi ấm của ánh nắng trìu mến tựa hồ như nó rọi sâu vào tận cõi lòng tôi.
    Tôi bảo:
    - Còn phải nói gì nữa? Một ngôi nhà thật tuyệt vời... mới ngó đã thấy vui rồi... chuyện xảy ra thế nào nào?
    Chắc hẳn tôi đã chân thành thốt lên những lời ấy và thậm chí còn mỉm cười nữa để ban thưởng cho bản thân hơn là cho Gisella về chuyện đã kìm nén được lòng đố kỵ của mình. Gisella đáp, giọng kiêu hãnh và tin tưởng:
    - Cậu còn nhớ Giancarlo, cái anh chàng tóc vàng mà mới gặp mình đã cãi lộn rồi ấy, nhớ không? Và thế là anh chàng để ý mình... anh chàng thậm chí còn tốt hơn nhiều so với mới thoạt nhìn ấy... sau đó bọn mình lại gặp nhau... nhiều lần... cách đây mấy hôm anh chàng bảo: em ạ, anh muốn gây cho em một điều bất ngờ... thú thật, mình ngỡ anh chàng muốn mua tặng mình một cái túi xách tay hay lọ nước hoa gì đấy... nhưng anh chàng đẩy mình vào xe, chở đến đây, dẫn vào ngôi nhà này – nó vẫn chưa có ai ở cả... Mình nghĩ đây là nhà của cậu chàng... anh ta hỏi mình có thích nơi đây không. Mình đáp “có”, dĩ nhiên chẳng thấy ngờ ngợ gì hết... Cậu chàng bảo mình: anh mua căn hộ này cho em đấy... cậu có thể tưởng tượng lúc đó mình ra sao không?
    Gisella bật cười và tự hào đưa mắt nhìn quanh. Tôi đột ngột bật dậy, tiế đến ôm hôn cô ta.
    - Mình mừng lắm... rất mừng... Thực sự mừng cho cậu.
    Những lời nói và cử chỉ ấy đã xua tan nỗi hằn học trong tôi. Tôi tiến đến bên cửa sổ và nhìn ra bên ngoài. Nhà xây trên chỗ đất cao, phía dưới là những cánh đồng phẳng lì chạy dài ra xa vô tận, có con sông chảy uốn khúc cắt ngang, đây đó nổi lên những cánh rừng, những vựa chứa lúa, những quả đồi thấp. Chỉ thấy dạt về một phía có mấy căn nhà trắng - mảnh nhà cuối cùng của khu ngoại thành. Một dãy núi xanh lơ nổi rõ trên đường chân trời, nơi đất trời trong veo hòa trộn vào nhau. Tôi quay lại bảo Gisella:
    - Đứng đây mà ngắm cảnh, tuyệt thật!
    - Cậu thích thật à? – Cô ta hỏi, rồi đi đến bên tủ buýp phê lấy ra hai chiếc cốc, một cái chai phình bụng và đặt lên bàn - Cậu uống chút rượu mạnh nhé? – Gisella hỏi, giọng khinh khỉnh.
    Xem ra cô ta hài lòng với cái vai bà chủ nhà.
    Chúng tôi ngồi bên bàn và lặng lẽ nhâm nhi rượu mùi. Tôi nhận thấy Gisella lúng túng, nên muốn gỡ thế cho cô ta, tôi dịu dàng bảo:
    - Tuy vậy cậu xử sự với mình không hay lắm... sao cậu không kể cho mình nghe gì cả?
    - Mình chẳng có mấy thời gian đâu – Cô ta vội đáp - mới lại do chuyển nhà, mình bù đầu vào việc mua sắm, phải sắm những vật tối cần thiết, đồ đạc, chăn màn, bát đĩa... mình chẳng có giây phút nào rảnh cả... bày biện một căn hộ, đâu phải chuyện đùa.
    Khi nói chuyện, Gisella õng ẹo mím môi cười bắt chước các signora thuộc giới có đức hạnh.
    - Mình rất hiểu cậu, bây giờ được như thế này, cậu thấy khó chịu phải gặp mình... cậu xấu hồ về mình – Tôi nói, giọng không hề có chút xỏ xiên và hằn học, tựa hồ như tôi đang nói tới vấn đề hoàn toàn chẳng liên quan tới tôi.
    - Mình không hề thấy xấu hổ vì cậu – Cô ta đáp, giọng bực tức vả tôi cảm thấy cô ta bực mình không chỉ do lời nói mà cả cái giọng bình tĩnh của tôi - nếu cậu nghĩ vậy, nghĩa là cậu đúng là một mụ ngốc... Tất nhiên là bây giờ chúng mình sẽ không thể gặp nhau như trước đây... mình muốn nói sẽ không thể đi cùng với nhau và... nếu anh ấy biết, mình sẽ chẳng ra sao cả đâu.
    - Yên tâm – Tôi vẫn dịu dàng nói - cậu sẽ không bao giờ thấy mình nữa. Hôm nay mình tới, ấy chẳng qua là muốn biết cậu gặp chuyện ra sao thôi.
    Gisella làm ra vẻ không nghe rõ những lời tôi vừa nói, do đó tôi càng tin vào những điều ước đoán của mình. Cả hai chúng tôi im lặng trong giây phút, rồi Gisella lên tiếng hỏi, giọng ra vẻ thông cảm:
    - Còn cậu thế nào?
    Chẳng hiểu sao tôi liền nghĩ ngay tới Giacomo và bản thân lấy làm lạ trước những ý nghĩ của mình. Tôi đáp, giọng ngắt quãng:
    - Mình à? Không sao... bình thường.
    - Astarita thế nào?
    - Mình gặp anh ta vài bận.
    - Còn Gino?
    - Cắt đứt rồi.
    Khi nghĩ tới Giacomo, tim tôi thắt lại. Song Gisella đã hiểu nỗi bối rối của tôi theo cách của mình, chắc cô ta cho rằng tôi đau buồn trước sự may mắn của cô ta và thái độ khinh khỉnh của cô ta đối với tôi. Suy nghĩ một lát, Gisella nói, giọng băn khoăn quá cường điệu:
    - Mình vẫn tin chắc cậu chỉ cần tỏ ý là Astarita sẽ thu xếp cho cậu một căn nhà như thế này.
    - Nhưng mình đâu có ý định đặt vấn đề với Astarita hay với một ai khác. – Tôi bình tĩnh đáp.
    Gisella nhìn tôi vẻ không tin:
    - Tại sao? Cậu không muốn có một căn hộ như thế này à?
    - Căn hộ tuyệt vời – Tôi đáp – song mình muốn được tự do.
    - Thì mình cũng được tự do đấy chứ? – Cô ta tức giận đáp - Tự do hơn cậu, suốt ngày muốn làm gì thì làm.
    - Mình không có ý muốn nói tới thứ tự do đó.
    - Thế thứ tự do nào?
    Tôi nhận thấy rằng mình làm Gisella tức giận chẳng qua đã ít tỏ vẻ thán phục ngôi nhà - đối tượng tự hào của cô ta. Nhưng nếu giảng hòa với cô ta vấn đề không phải là ngôi nhà, mà thực ra tôi không muốn gắn bó toàn bộ cuộc đời tôi với một người mà mình không yêu, thì lại làm cô ta bực mình, thậm chí càng bực mình hơn nữa... Tôi thấy đổi câu chuyện là hơn, vội bảo:
    - Tốt hơn hết cậu nên dẫn mình đi xem căn hộ đi... cậu có bao nhiêu phòng.
    - Cậu làm sao thế - Gisella hằm hằm hỏi – Chính cậu bảo cậu chẳng muốn có căn hộ thế này mà.
    Cô ta cúi đầu ngồi im.
    - Thế nghĩa là cậu không muốn dẫn mình đi xem nhà cậu à? - Một phút sau tôi uể oải nói.
    Gisella ngước mắt lên, tôi ngạc nhiên thấy mắt cô ta đẫm lệ.
    - Thế mà cũng gọi là bạn à? Rõ ràng cậu chỉ làm bộ làm tịch – Cô ta bỗng thốt lên - Cậu... cậu đến tức nổ ruột vì đố kỵ... còn bây giờ cậu muốn gièm pha ngôi nhà của mình để làm cho mình đau.
    Gisella khóc nức nở, mặt đầm đìa nước mắt. Cô ta khóc vì bực tức, lần này chính cô ta bị nỗi đố kỵ giày vò và sự đố kỵ vô lý ấy của Gisella đã vô tình xúc phạm mối tình tuyệt vọng của tôi đối với Giacomo và sự gián đoạn giữa chúng tôi làm tôi đau khổ đến như vậy, song tôi hiểu rõ Gisella, nên xót thương thay cho cô ta. Tôi đứng dậy, tiến đến bên cô ta, đặt một tay lên vai cô ta và nói:
    - Sao cậu lại nói vậy?... Mình chẳng hề ghen ghét đố kỵ... chẳng qua mình muốn sống một cuộc sống khác... có vậy thôi... nhưng mình vui mừng thấy cậu khấm khá, còn bây giờ - Tôi ôm cô ta, nói tiếp - cậu dẫn mình đi xem những phòng kia đi.
    Gisella lau nước mắt, trấn tĩnh lại và nói:
    - Có bốn phòng tất cả... gần như trống trơn.
    - Ta đi xem đi.
    Gisella đứng dậy, đi trước tôi dọc theo hành lang, lần lượt mở các cửa, chỉ cho tôi xem phòng ngủ có mỗi chiếc giường và chiếc ghế bành, chỉ cho tôi xem một giường nữa “dành cho khách”, chỉ cho tôi xem căn phòng nhỏ của chị người hầu, đây là một căn phòng xép bé. Cô ta làm tất cả những công việc này với một vẻ bực bội, cô ta mở cửa và giải thích qua loa về công dụng của từng phòng. Nhưng nỗi buồn của cô ta đã nhường chỗ cho lòng tự hào khi chúng tôi đến bên phòng tắm và bếp lát gạch tráng men, có bếp điện mới và các vòi nước sáng bóng. Cô ta giảng giải tôi nghe cách sử dụng bếp điện, tấm tắc ca ngợi ưu điểm của nó so với bếp dùng hơi đốt, khẳng định nó sạch và tiện hơn nhiều, tuy trong thâm tâm, tôi thấy dửng dưng trước tất cả những chuyện đó, song vẫn làm ra bộ chú ý và thốt lên những tiếng reo lớn để bày tỏ sự thán phục và sửng sốt của tôi. Rõ ràng Gisella hài lòng về hành vi của tôi và khi xem xong tất cả mọi chỗ, cô ta đề nghị:
    - Bây giờ ta trở ra... uống cốc rượu nữa.
    - Không, không... mình đã đến lúc phải đi rồi.
    - Đi đâu mà vội thế? Ngồi lại một chút nữa nào.
    - Không thể được.
    Chúng tôi đang đứng ngoài hành lang. Cô ta ngập ngừng trong giây phút rồi bảo:
    - Cậu thế nào cũng phải tới chỗ mình đấy... cậu có biết bọn mình làm gì không? Anh chàng thường rời thành Rome, mình sẽ báo với cậu, cậu kéo hai anh bạn của cậu lại đây và ta sẽ tha hồ mà vui...
    - Thế nhỡ anh ta biết thì sao?
    - Biết sao được, hả?
    Tôi đáp:
    - Thôi được... ta cứ thỏa thuận thế nhé!
    Lúc này về phía mình, tôi thấy ngập ngừng, sau đánh bạo hỏi:
    - Nhân tiện cậu cho biết... anh ấy có đả động gì tới anh bạn cùng đi với anh ấy vào cái buổi tối nọ không?
    - Về anh chàng sinh viên ấy à? Cậu hỏi để làm gì? Thích anh chàng đó à?
    - Không, ấy là hỏi thế thôi.
    - Bọn mình mới gặp anh ta chiều tối qua.
    Tôi không giấu được nỗi xúc động và nói, giọng đứt đoạn:
    - Nghe đây... nếu cậu gặp anh ấy... cậu bảo anh ấy ghé chỗ mình nhé... Nhưng là nhân tiện thế thôi.
    - Được rồi, mình sẽ bảo – Gisella đáp và đưa mắt nhìn tôi vẻ nghi ngờ. Còn tôi luống cuống trước cái nhìn đó, vì tôi cảm thấy mối tình của mình đối với Giacomo đã bộc lộ quá rõ trên mặt tôi. Qua giọng nói tôi hiểu rằng cô ta sẽ không có ý định thực hiện lời yêu cầu của tôi. Trong cơn tuyệt vọng, tôi mở cửa ra, chào Gisella, không hề ngoái lại bước vội xuống thang. Tới tầng hai tôi bỗng dừng lại, đứng tựa lưng vào tường và ngước mắt nhìn lên.
    “Mình nói với cô ta làm gì? – Tôi nghĩ – Tại sao mình lại như vậy nhỉ?”
    Và tôi cúi gằm mặt bước xuống thang.
    Tôi hẹn gặp Astarita tại nhà mình. Về đến nhà, tôi hoàn toàn kiệt sức, tôi mất thói quen đi dạo buổi sáng, ánh nắng chói chang và cảnh tấp nập ngoài đường phố làm tôi mệt lử. Buổi gặp gỡ Gisella không gây phiền muộn cho tôi, tôi đã khóc hết nước mắt khi ngồi xe taxi đến chô cô ta. Mẹ mở cửa cho tôi và bảo Astarita đã đợi tôi gần một tiếng đồng hồ rồi. Tôi bước thẳng về phòng mình và ngồi xuống giường, mắt không chú ý nhìn anh ta. Astarita đứng cạnh cửa nhìn ta ngoài sân. Tôi ngồi im trong giây phút, tay ôm ngực và thở hổn hển, chẳng là tôi leo lên thang gác quá ư vội vã. Tôi ngồi quay lưng lại phía Astarita và bối rối nhìn ra cửa. Astarita chào, song tôi không đáp lời. Anh ta tiến lại ngồi xuống bên tôi, ôm ngang lưng và nhìn chằm chằm vào mắt tôi.
    Do bị cuốn vào một nỗi lo âu, tôi hoàn toàn quên khuấy rằng anh ta là người không biết kìm nén và mãnh liệt. Một nỗi ác cảm cay độc xâm chiếm lòng tôi. Tôi nghẹn ngào đẩy anh ta ra và bảo:
    - Lúc nào anh cũng muốn chuyện đó à?
    Anh ta chẳng hề đáp một lời nào, nhưng cầm tay tôi lườm một cái rồi đưa nó lên môi. Tôi có cảm giác mình sắp phát điên lên, giật tay lại:
    - Lúc nào anh cũng muốn chuyện đó à? – Tôi hỏi lại - Thậm chí cả vào buổi sáng?... Ngay cả sau khi đã lao động suốt sáng? Ngay cả khi bụng không dạ đói? Ngay cả trước bữa ăn trưa?... Xem ra anh chẳng phải là một người bình thường.
    Môi anh ta run run, mắt mở to:
    - Nhưng anh yêu em.
    - Tuy vậy cũng phải có lúc dành cho tình yêu, có lúc dành cho mọi vấn đề khác nữa chứ... em hẹn gặp anh vào lúc một giờ trưa, hy vọng anh sẽ hiểu rõ ràng đâu phải là một cuộc hẹn tình tứ... thế mà anh... anh không bình thường thế nào ấy... anh không biết ngượng à?
    Anh ta im lặng nhìn tôi. Chợt tôi xem ra quá hiểu rõ tâm trạng anh ta. Anh ta si tình và chờ đợi cuộc hẹn hò này có trời mới biết được từ bao lâu rồi. Tất cả những ngày gần đây, trong khi tôi chật vật thoát ra khỏi những chuyện rủi ro của bản thân thì anh ta chỉ nghĩ tới tôi, tới cặp đùi, bộ ngực, hông và đôi môi tôi.
    - Vậy thì – Tôi bảo, giọng dịu dàng hơn - nếu em cởi áo xống ra bây giờ...
    Anh ta gật đầu tỏ vẻ tán thành. Tôi bật cười, thật ra không ác ý nhưng khinh bỉ.
    - Anh không mảy may suy nghĩ xem có thể em buồn hoặc không muốn... xem có thể em đang đói hoặc mệt lử... hoặc em có những chuyện lo âu... anh không mảy may có những suy nghĩ này à?
    Anh ta nhìn tôi, sau đó bỗng lao vào tôi, ghì chặt và áp mặt vào vai tôi. Anh ta không hôn tôi mà chỉ áp đầu vào cơ thể tôi tựa hồ như muốn thu hết toàn bộ hơi ấm của nó. Anh ta thở hổn hển, chốc chốc những tiếng thở lại buột ra khỏi lồng ngực anh ta. Tôi không còn giận anh ta nữa, hành vi của anh ta khơi gợi trong tôi sự bối rối, lòng thương và nỗi buồn thường lệ. Khi tôi quyết định rằng anh ta thở dài quá lâu, tôi liền đẩy anh ta ra và bảo:
    - Em mời anh đến đây có việc đấy.
    Anh ta nhìn tôi, sau đó cầm tay tôi và vuốt ve. Anh ta thật ngang bướng và đối với anh ta, chẳng có gì thực sự tồn tại ngoài ý muốn của mình.
    - Anh có quan hệ với cảnh sát, đúng không nào?
    - Đúng.
    - Vậy thì anh ra lệnh bắt em đi, bỏ tù em đi – Tôi nói những lời ấy với một giọng kiên quyết, vào những giây phút ấy tôi thực lòng muốn anh ta hành động như thế.
    - Tại sao? Có chuyện gì nào?
    - Chuyện là em là một con ăn cắp – Tôi đáp, giọng quả quyết - chuyện xảy ra là em đã ăn cắp, và đáng lẽ bắt em, người ta lại bắt một kẻ vô tội... Vì vậy anh ra lệnh bắt em đi... em sẵn sàng ngồi tù... đấy, em muốn vậy đấy.
    Anh ta không ngạc nhiên, nhưng mặt buồn buồn. Anh ta cau mày vẻ không hài lòng, rồi nói:
    - Em cứ yên tâm... và nói rõ đầu đuôi câu chuyện.
    - Thì em đã bảo với anh rằng em là một con ăn cắp mà.
    Và tôi đã kể lại cho anh ta nghe vụ ăn cắp và việc đáng nhẽ bắt tôi, người ta lại bắt chị người hầu. Tôi đã kể lại sự việc gian dối của Gino, nhưng không nêu tên anh ta ra, tôi chỉ bảo “một người hầu” chung chung thôi. Tôi đã chực kể cho Astarita nghe về Sonzogno, về tội ác của gã. nhưng tôi đã kìm được. Tôi kết thúc như sau:
    - Bây giờ anh lựa chọn đi... hoặc là anh thả chị phụ nữ ấy ra... hoặc là hôm nay em sẽ tới đồn cảnh sát thú tội.
    - Em cứ yên tâm – Astarita nhắc lại và giơ tay can – đi đâu mà vội? Chị ta bị bắt giam, nhưng hiện nay chưa bị kết án... ta đợi xem sao.
    - Không... em không muốn chờ đợi... chị ta bị bắt giam và có lẽ bị đánh nữa... em không thể chờ đợi được... anh phải giải quyết mọi vấn đề ngay bây giờ.
    Qua giọng tôi, anh ta hiểu rằng tôi nói rất nghiêm chỉnh, anh ta đứng dậy vẻ không hài lòng và bước vài bước trong phòng. Sau đó tựa như đang nói với bản thân mình, anh ta bảo:
    - Tiện đây xin nói luôn, vụ này còn liên quan cả đến đô la nữa.
    - Nhưng chị ta có thừa nhận đâu... mà nào có tìm thấy đô la... có thể nói một kẻ nào đó đã dựng lên tất cả chuyện này để trả thù.
    - Thế em còn giữ chiếc hộp đựng phấn à?
    Tôi lôi chiếc hộp đựng phán trong túi xách ra đưa cho anh ta và bảo:
    - Đây.
    Nhưng anh ta từ chối:
    - Không, em sẽ đưa nó không phải cho anh – Anh ta ngập ngừng trong giây phút, rồi nói tiếp: - Anh có thể thả người phụ nữ đó, nhưng cảnh sát phải có bằng chứng là chị ta vô tội... đúng là chiếc hộp đựng phấn có thể là bằng chứng đó.
    - Đây, anh cầm lấy chiếc hộp đựng phắn và trả lại cho chủ của nó.
    Astarita cười ầm lên nghe thật khó chịu:
    - Thấy rõ ngay em chẳng hiểu gì những chuyện thế này... nếu ạnh nhận chiếc hộp đựng phấn, anh phải bắt em... nếu không người ta sẽ đặt dấu hỏi làm sao Astarita lại nhận được của ăn cắp, do ai đưa, bằng cách nào, v.v... không và không... cần phải làm như thế này: đưa chiếc hộp phấn đến chỗ cảnh sát, nhưng không để lộ tên mình.
    - Có thể gửi nó qua bưu điện.
    - Không nên gửi qua bưu điện.
    Anh ta bước vài bước trong phòng, rồi ngồi xuống bên tôi và bảo:
    - Em phải làm như thế này này... em có quen một tu sĩ nào không?
    Tôi nhớ tới tu sĩ người Pháp mà tôi đã xưng tội sau chuyến đi Viterbo, nên đáp:
    - Có, em có quen một vị linh mục nghe xưng tội.
    - Em vẫn xưng tội à?
    - Trước đây thôi.
    - Thế này nhé, em đến chỗ vị linh mục của em và kể lại cho ông ta nghe tất cả những gì em kể với anh... em yêu cầu ông ta nhận chiếc hộp đựng phấn và thay mặt em đưa nó đến chỗ cảnh sát... không một tu sĩ nào từ chối việc đó đâu... ông ta không phải thông báo bất kỳ tài liệu nào liên quan đến việc xưng tội kín... một hai hôm nữa anh sẽ gọi điện và sẽ thu xếp mọi việc... nói chung, người ta sẽ thả cái chị người hầu của em.
    Tôi hết sức vui mừng và không kìm được, đã ôm và hôn anh ta. Anh ta nói tiếp, nhưng giọng lại run run vì dục vọng:
    - Nhưng em đừng có làm như vậy nữa nhé... nếu em cần tiền, em cứ hỏi anh và anh...
    - Khi nào phải đi xưng tội, hôm nay à?
    - Tất nhiên là hôm nay.
    Tôi ngồi im không nhúc nhích một hồi lâu, tay nắm chặt chiếc hộp đựng phấn, mắt chăm chăm nhìn vào một điểm. Lòng tôi nhẹ tênh cứ như bản thân mình đang ở vào địa vị của chị người hầu khi được trả tự do, thậm chí tôi còn cảm thấy như chị ấy đã được thả rồi. Tôi không còn cảm giác thấy buồn, mệt mỏi và thất vọng. Trong lúc đó Astarita vẫn vuốt ve tôi, định luồn bàn tay vào trong ống tay áo. Tôi quay lại dịu dàng nhìn anh ta và bảo:
    - Anh không chịu được à?
    Anh ta gật đầu, chẳng thể thốt lên được một lời nào.
    - Anh không mệt à? – Tôi cố không để lộ vẻ chế giễu, làm bộ đang dịu dàng hỏi vậy – Anh không nhìn thấy là đã muộn rồi đấy... mới lại để lần khác thì hơn anh nhỉ? – Anh ta bắt đầu không tán thành – Như vậy là anh yêu em rất tha thiết, anh nhỉ? – Tôi hỏi.
    - Thì tự em cũng rõ là anh yêu em như thế nào rồi – Anh ta khẽ đáp và vẫn định hôn tôi.
    Tôi vùng ra và bảo:
    - Gượm hẵng, anh.
    Biết rằng tôi nhượng bộ, anh ta liền dịu đi. Tôi đứng dậy từ từ ra khóa cửa lại, rồi đến mở cửa sổ ra, khép cửa chớp và đóng khung của sổ vào. Astarita đưa mắt nhìn theo tôi, còn tôi cứ uể oải uyển chuyển đi lại trong phòng, lúc nào cũng cảm thấy cái nhìn của anh ta bám theo và tôi hiểu rằng sự nhượng bộ đột xuất làm anh ta vui lắm đây. Khép cửa sổ xong, tôi khẽ cất tiếng hát, vẻ vui tươi không giả tạo, tôi cởi áo bành tô, cất vào tủ. Sau đó tôi vẫn khe khẽ hát và ngắm mình trong gương. Chưa bao giờ tôi thấy mình đẹp như lúc này, mắt ngời sáng, cánh mũi phập phồng, miệng hé mở, để lộ hàm răng đều đặn, trắng bóng. Tôi biết rằng sở dĩ như vậy vì tôi hài lòng về bản thân và cảm thấy mình là người nhân hậu. Tôi hát to hơn và đồng thời tự mình cởi áo dài ra, bắt đầu từ những chiếc móc ở phía dưới lên. Tôi bắt đầu hát một bài rất dớ dẩn nhưng rất mốt vào thời ấy: “Em thích bài hát này, em suốt ngày ca hát nó: la la, la la, líu liu, líu liu...”, và tôi thấy cái điệp khúc vô nghĩa này giống như cuộc đời chúng ta, nó cũng thật là vô nghĩa - chuyện ấy thì hoàn toàn chắc rồi – nhưng có những giây phút nào đó, ta thấy nó dễ chịu và mầu nhiệm. Song, khi tôi đã cởi hết các móc ra rồi, bỗng có ai đập cửa.
    - Chưa vào được – Tôi bình tĩnh đáp - Chờ một lát nhé.
    - Có chuyện rất gấp - Giọng mẹ đáp.
    Tôi thấy ngờ ngợ liền tiến đến bên cửa, mở hé và ngó ra ngoài.
    Mẹ ra hiệu cho tôi ra ngoài và khép cửa lại, lúc đứng nơi hành lang tối om om, mẹ thì thầm:
    - Có người đến cứ nằng nặc đòi gặp con.
    - Ai vậy mẹ?
    - Mẹ không biết nữa. Một anh chàng tóc đen.
    Tôi thận trọng hé mở cửa phòng may và nhìn ra. Một người đàn ông đứng tựa người vào bàn, lưng quay về phía tôi. Tôi nhận ngay ra đó là Giacomo, nên vội khép cửa lại và khẽ bảo mẹ:
    - Mẹ nói với anh ấy là con ra ngay đây... và đừng để anh ấy rời khỏi phòng nhé.
    Mẹ bảo sẽ làm như vậy, tôi quay về phòng ngủ. Astarita vẫn ngồi trên giường.
    - Nhanh nhanh thu dọn lại đi, anh – Tôi nói – nhanh lên, rất tiếc là anh phải ra về thôi.
    Anh ta bất bình và làu bàu một câu gì đấy, chắc định phản đối quyết định của tôi, nhưng tôi ngắt lời:
    - Bà cô em đang ra ngoài phố thì bị khó ở... mẹ con em phải tới bệnh viện ngay... anh phải nhanh chóng rời khỏi đây.
    Rõ ràng là tôi nói dối, nhưng vào giây phút đó tôi không thể nghĩ ra được điều gì nghe dễ lọt tai hơn. Anh ta cuống quít nhìn tôi, hầu như chẳng tin vào điều không may của mình. Tôi nhận thấy anh ta đã cởi giày cao cổ ra rồi và đang chân đi bít tất có sọc đứng trên sàn.
    - Sao anh cứ nhìn em như vậy? Anh về đi – Tôi tức mình nằng nặc bảo.
    - Được rồi... anh sẽ về... – Anh ta nói và cúi xuống tìm giày. Tôi đã chuẩn bị áo bành tô và đứng cạnh anh ta. Nhưng tôi nhận thấy rằng cần phải hứa hẹn gặp lại anh ta nếu tôi muốn anh ta thả chị người hầu. Khi giúp anh ta mặc áo bành tô, tôi bảo:
    - Anh ạ, em mụ cả người... chiều tối mai anh lại nhé... sau bữa ăn tối... chúng mình ung dung hơn... hôm nay dù sao trước sau gì em cũng phải đuổi khéo anh về... Thế mà lại hóa hay, anh ạ.
    Anh ta im lặng, tôi cầm tay anh ta dẫn ra cửa cứ như anh ta mới tới đây lần đầu tiên, chẳng là tôi sợ anh ta xộc ngay vào phòng may và bắt gặp Giacomo. Tới ngưỡng cửa, tôi bảo:
    - Anh ạ, em sẽ tới gặp một tu sĩ nội nhật trong ngày hôm nay.
    Anh ta gật đầu tỏ ý tán thành. Một nỗi ngao ngán thất vọng lộ rõ trên khuôn mặt đờ đẫn của anh ta. Sốt ruột tôi không đợi anh ta chào liền đóng sập cửa ngay trước mặt anh ta.

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Cô Gái Thành Rome ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc