Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Kiếm Hiệp » Nữ Chúa Hồ Ba Bể Tác Giả: Hoàng Ly - Đỗ Hồng Linh    
Máu đào tuôn chảy về tim...

    Trong khi Woòng Tắc Mềnh được Khiên La dẫn tới tư dinh chúa hồ, tại nhà giam bọn Trần Dũng, Cẩm Tiên vẫn ngồi thao thức, lo ngại chẳng hiểu chúng dẫn lão tướng phỉ đi đâu?
    Lát sau bỗng lại thấy Khiên La đưa một nàng tỳ tướng tới. Nàng này chính là Khiên Mây, em La.
    Mây vào phòng giam, lễ phép bảo chàng trai:
    - Xin mời công tử theo tôi!
    Ngạc nhiên Dũng hỏi:
    - Có chuyện chi?
    Mây lập lại lời mời, Dũng đứng dậy đi theo Khiên Mây ra khỏi nhà giam. Mây đưa Dũng xuống một con đường ngầm, quanh co đi mãi. Lát sau Dũng thấy đứng trước một vùng sơn kỳ thuỷ tú, gần một khu dinh sàn nguy nga. Mây đưa chàng vào, qua mấy dãy hành lang, nhiều căn phòng rộng tới một căn xinh lịch ảo huyền.
    Cau mày, Dũng hỏi:
    - Đây là đâu?
    - Đây là nơi công tử được đãi vào bậc khách quý! Mời công tử vào!
    Mây nép sang bên. Dũng vén soạt rèm bước luôn vào, vẻ bực bội.
    Bỗng chàng đứng phắt lại vì trước mặt là một nữ lang đang ngồi trầm ngâm trên một cái ghế bọc da cọp. Một trang tuyệt sắc giai nhân. Chính nàng chúa Cả mà Dũng đã gặp.
    Nàng chỉ chiếc ghế trước mặt bảo Trần Dũng, vẻ từ tốn:
    - Mời chú em ngồi!
    Chàng trai trẻ tuổi hơi cau mày, phần lấy làm lạ trước thái độ nàng nữ chúa, phần khó chịu vì lời xưng hô kẻ cả của nàng ta, nhưng cũng chậm rãi ngồi xuống, đưa mắt ngó thẳng đối phương, vẻ chờ đợi. Nàng chúa Cả cũng lặng yên nhìn Dũng, giây lâu chợt thở ra nhè nhẹ.
    - Ta muốn mời người trẻ tuổi một vài chén rượu, nhân tiện có việc muốn nói!
    Nàng gõ vào chiếc khánh vàng đặt bên cạnh ba tiếng, phút chốc đã thấy Khiên Mây bưng vào một mâm rượu thịt nghi ngút khói và thơm lừng, toàn những món đặc sản của dân sơn cước vùng hồ Ba Bể. Nàng chúa Cả tự tay rót rượu mời Dũng.
    - Nào, chú em hãy cùng ta cạn chén mừng cuộc gặp gỡ “tiên binh hậu lễ” này.
    Nàng nâng chén rượu lên môi nhìn Trần Dũng đăm đăm, ánh mắt tràn đầy vẻ bao dung, khó hiểu. Người con trai viên tuần phủ không khỏi cảm thấy lúng túng trước tình thế lạ lùng: hai kẻ đối địch nhau giờ bất ngờ lại ngồi cùng nhau đối ẩm!
    - Xin mời!
    Nàng chúa Cả ngửa cổ uống cạn một hơi. Dũng miễn cưỡng làm theo, xong chàng nói luôn:
    - Có chuyện chi cứ nói!
    - Lát nữa sẽ nói chuyện, giờ chú em hãy dùng thử mấy món lạ miệng do đầu bếp của ta làm!
    Rất tự nhiên, nàng tiếp luôn thức ăn cho Dũng. Mới đầu chàng trai chỉ ăn chiếu lệ, sau qua vài chén rượu, thấy ngon miệng chàng cũng ăn uống thoải mái, thầm khen tài nấu nướng của tay hỏa đầu quân thuộc hạ nàng nữ chúa hồ Ba Bể. Rượu được vài tuần, chợt nàng chúa Cả trở nên trầm mặc, gương mặt đẹp tuyệt trần bỗng như có một làn sương mù ảm đạm bao phủ, đôi mắt phượng dõi nhìn xa xăm u uẩn... Hồi lâu, nàng khẽ buông một tiếng thở dài như muốn hút cả tâm tư sầu bi, ai oán.
    - Này chú em, ta mạn phép hỏi một điều, mong chú khá cho ta rõ!
    Giọng nàng chìm hẳn, run run khiến Dũng ngỡ ngàng. Chàng trai Kinh buông đũa ngó sững. Lúc này mặt hoa càng hiện rõ vẻ thê lương như tích chứa cả niềm đau nhân thế! Dũng khẽ gật, ôn tồn đáp:
    - Có điều gì xin cứ hỏi!
    - Chẳng hay... Chẳng hay lệnh đường... thân mẫu chú em nhũ danh là gì? Chú em có thể cho ta biết không? Ta... Ta có điều thắc mắc!
    Dũng ngẩn người trước câu hỏi của nàng chúa hồ, giây lâu chàng muốn nói nhưng lòng đầy phân vân, nghi hoặc về ý định của nàng.
    - Gia mẫu họ Hoàng tên Kiều Liên. Chúa hồ muốn biết chắc có ý dụng gì chăng?
    Vừa nghe Dũng dứt lời, nàng chúa Cả bỗng xúc động lạ thường, thảng thốt khẽ bật kêu:
    - Hoàng Kiều Liên! Họ Hoàng lại lót chữ Kiều... Sao lại trùng hợp đến thế? Phải chăng điều ta suy đoán... không sai?...
    Nàng lẩm bẩm như nói với chính mình, thần sắc càng lúc càng biến đổi. Bỗng nàng nhìn thẳng vào mắt chàng trai Kinh, nghiêm giọng hỏi:
    - Chú em có hiểu biết nhiều về thân thế, họ hàng bên ngoại chứ? Cụ thể là thân mẫu... chú có chị em, anh em ruột thịt ra sao?
    Dũng nhíu mày vừa khó chịu vừa ngạc nhiên trước sự truy vấn khó hiểu của nàng. Tuy nhiên, chàng vẫn điềm tĩnh:
    - Biết chư! Ông bà ngoại ta đã khuất núi từ lâu. Gia mẫu không có em trai, chỉ có một người chị gái!
    - Người chị ấy tên gì? Giờ ở đâu?
    Nghe nàng hỏi dồn, gương mặt chàng trai vụt tối hẳn lại. Lát sau chàng mới bùi ngùi:
    - Nghe nói dì ấy... đã thất lạc từ lâu!
    - Từ bao giờ? Tại đâu?
    Người con trai viênt tuần phủ Cao Bằng chợt thở phào một hơi buồn buồn:
    - Không rõ! Chỉ nghe gia mẫu nhắc sơ qua là dì ấy thất lạc cùng với người con từ lâu lắm... Lúc đó ta chưa sinh ra đời! Dì ấy tên Kiều Lan, Hoàng Kiều Lan!
    Rắc! Dũng vừa dứt lời, chiếc tay ghế nàng chúa hồ ngồi đã gãy sụm. Nàng nấc lên “trời ơi” cực kỳ thống thếit rồi dáng liễu từ từ gục xuống, hai bàn tay bưng kín mặt hoa, đôi vai rung động thổn thức theo từng tiếng nức nở nghẹn ngào...
    Dũng ngồi im. Chàng trai càng lúc càng rối trí trước thái độ, hành động của người thủ lĩnh lục lâm vùng hồ Ba Bể. Hồi lâu, chừng đã vơi bớt phần nào mối xúc động ghê gớm từ cõi sâu u uất của tâm hồn, nàng chầm chậm ngẩng lên. Dưới ánh sáp lung linh, khuôn diện nàng lúc này đầm đìa nước mắt, đẹp não nùng như đóa hoa phù dung trong mưa... muốn tê dại lòng người!
    Nàng lấy khăn lau nước mắt. Ngay khi đó nữ tỳ tướng Khiên Mây vén rèm bước vào cung kính thưa:
    - Bẩm chúa Cả, khách mời ở sơn trấn Cao Bằng đã tới!
    Nàng chúa hồ vụt sáng mắt, truyền:
    - Hãy mời bà vào đây ngay!
    Khiên Mây lui ra, chừng hơn phút sau đã nghe tiếng đàn bà thánh thót ngoài cửa phòng:
    - Cái ngươi đưa ta đi đâu? Chúa hồ của các ngươi đâu? Các người bắt giam con ta nơi nào?
    Vừa nghe giọng nói, Trần Dũng giật mình biến sắc, đứng bật dậy sửng sốt kêu:
    - Mẹ ơi!
    Thiếu phụ được nàng tỳ tướng đưa vào chính là mẹ Dũng, vợ viên tuần phủ Cao Bằng Trần Hùng. Nhận ra con, bà xúc động ôm chầm lấy chàng trai mừng mừng tủi tủi:
    - Con ơi! Mẹ lo quá... chỉ sợ con mẹ...
    Dũng đỡ mẹ ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn tiệc, nghiêm mặt nhìn nàng chúa hồ hỏi:
    - Chúa hồ sai thuộc hạ bắt cóc mẹ con ta đến đây có ý dụng gì?
    Nàng chúa Cả khoát tay, gượng mỉm cười trấn an người con trai viên tuần phủ:
    - Chú em hãy yên tâm! Ta có việc riêng muốn hỏi thăm lệnh đường nên mạn phép “mời” người đến đây, hoàn toàn không có ý xấu! Thưa... bà...
    Ánh mắt nàng dừng lại trên khuôn mặt người đàn bà. Lúc này bà ta cũng đang tròn mắt ngó nàng sững sờ như bị thôi miên. Rồi, bỗng nhiên cả hai người đều rùng mình chừng cùng nhận thấy người đối diện có quá nhiều nét giống mình từ dung mạo đến vóc dáng!
    - Trời! Có lẽ nào... Không! Không phải! Chị ta đã... mất tích từ... buổi chiều hôm đó... buổi chiều khủng khiếp... Không! Trời ơi!
    Người vợ viên tuần phủ vụt ôm mặt nói nhảm như người mê sảng, vẻ bị kích động đến tột độ. Dũng lay gọi một hồi bà ta mới bớt kinh mang, tuy giọt châu vẫn lả tả tuôn rơi nhạt nhoà má phấn.
    - Phu nhân! Xin bà bình tĩnh.
    Nàng chúa hồ rót một chén trà đưa mời, vành môi son cắn chặt cố nén nỗi xúc động mãnh liệt trong lòng. Bà ta run run đỡ lấy uống cạn, hỏi nàng:
    - Cô chúa hồ... Sao cô lại giống người chị tôi đến thế? Giống như hai giọt nước! Chẳng lẽ...
    Thiếu phụ chưa nói hết câu, nàng chúa hồ lặng lẽ rút trong mình ra một chiếc túi gấm nhỏ màu xanh trông đã ngả màu. Nàng mở miệng túi dốc ra một vật bằng kim loại vàng lấp lánh.
    - Thưa, bà đã bao giờ trông thấy vật này?
    Nàng chúa hồ xoè bàn tay cạnh thỏi sáp. Đó là một tấm “lắc” vàng xinh xắn, nhỏ cỡ đeo vừa cổ tay con nít, trên mặt có khắc chữ nhỏ li ti. Thiếu phụ ghé sát dòm. Kiểu dáng tấm lắc cùng hàng chữ hiện rõ dưới ánh sáng toả hắt:
    “Võ Kiều Loan, sinh ngày... tháng... năm... mẹ Hoàng Kiều Lan”
    Thiếu phụ thảng thốt kêu lên:
    - Tấm “lắc” của cháu tôi! Nó thất lạc đã mười tám năm rồi... Sao cô chúa hồ lại có tấm “lắc” này?
    Bà ta chụp tấm lắc xăm soi ngắm nhìn mê mải, nét bi thương càng hiện rõ trên khuôn mặt người mệnh phụ tuyệt sắc. Nàng chúa hồ cảm nghe trái tim muốn ngừng đập trong lồng ngực, đầu óc choáng váng. Nàng hít mạnh một hơi dài, cố lấy giọng tự nhiên hỏi:
    - Thưa, cháu của bà thất lạc trong trường hợp nào, tại đâu? Bà... xin vui lòng cho biết?
    Người vợ viên tuần phủ gạt lệ trừng trừng vào khoảng không, hồi lâu khẽ nói, giọng chùng xuống, ai oán như tiếng gió chiều thu lá rụng:
    - Chuyện cũ nhắc lại thêm đau lòng... Mười tám năm... Chiều đó, hai chị em tôi cùng mấy người gia nhân đi ngoạn cảnh hồ, bỗng cuồng phong nổi dậy, loạn rừng ác thú ra đầy đàn. Một đàn đười ươi do một con chúa đàn cầm đầu đuổi bắt chúng tôi, gia nhân bị tàn sát hết... Con đười ươi chúa quái đản khủng khiếp, súng bắn không chết! Chị tôi bồng đứa con thơ chạy ra đường cái, nhờ xe ngựa chạy trốn nhưng vẫn không thoát, dầu đã được mấy người thương tình hết lòng cứu giúp... Một người nghĩa hiệp đem đười ươi cháu tôi chạy vào rừng, gặp tôi, giao cháu bé cho tôi rồi chạy ra đường quyết tử chiến với con quái vật nhưng rồi cũng đành bất lực bó tay trước sức mạnh phi phàm của nó... Hai dì cháu tôi núp trong rừng bị một bầy sói hung tợn tha đi. May lại được bà cụ Mán giỏi võ xông vào cứu. Bà cụ giấu tôi trong một hốc núi rồi chạy đi cứu đứa bé nhưng... trong khi cụ ấy đi thì tôi bị đười ươi phát hiện, kịp lúc người đàn ông nghĩa hiệp trở lại. Vì không có đười ươi chúa ở đó nên ông ấy cứu được tôi... Vì sợ bầy đười ươi kéo tới, chúng tôi tạm lánh đi nơi khác, đến khi quay lại chỗ cũ thì...không thấy – bà vụt thở dài – Có lẽ... cháu tôi đã... Từ đó tôi mất hai người thân yêu trên đời!...
    Thiếu phụ kể dứt, nàng chúa hồ không còn dằn lòng hơn được nữa, ôm choàng lấy bà ta nức nở:
    - Dì ơi! Cháu đây! Đứa bé bất hạnh mười tám năm xưa... chính là cháu đây! Sư mẫu cháu đã cứu cháu thoát nanh vuốt loài sài lang hung tợn rồi trở lại hốc núi tìm dì, nhưng... dì đã đi khỏi, người... đành mang cháu đi dạy dỗ hết lòng, mong có ngày cháu tìm được cội nguồn thân thế! Dì ơi!
    Người vợ viên tuần phủ bàng hoàng lặng người đi trước lòi xác nhận của nàng dù trước đó bà ta đã thầm nghi hoặc khi thấy người nữ thủ lĩnh hồ Ba Bể giống hệt chị mình.
    - Trời ơi! Cháu... Kiều Loan cháu tôi! Dì Kiều Liên đây! Ôi! Thật trời cao có mắt! Mười tám năm qua, dì... cứ đinh ninh cháu... Thật không ngờ ngày nay lại được trùng phùng!
    Hai mái đầu áp vào nhau cùng khóc vùi, mừng mừng tủi tủi. Trần Dũng chứng kiến cảnh mẹ với nàng chúa hồ - hai người ruột thịt hội ngộ, lòng cũng không kém xúc động. Chàng trai vỡ lẽ ra rõ ràng nàng nữ chúa đã có ý ngờ mình là họ hàng ruột thịt từ đầu nên đối xử một cách đặc biệt bao dung dẫu hai bên ở hoàn cảnh đối địch nhau! Càng ngắm Dũng càng thấy nàng giống mẫu thân mình, tuy vẻ đẹp của người thủ lĩnh hồ Ba Bể có phần sắc sảo hơn chút!
    Rất lâu, hai người phụ nữ mới ngẩng lên. Người vợ viên tuần phủ quay sang con trai gạt nước mắt, bảo:
    - Dũng con! Mau nhận chị! Đây là chị Kiều Loan, con dì Kiều Lan - chị ruột mẹ! Chị con thất lạc từ buổi chiều loạn rừng mười tám năm trước, nhờ trời nay mới gặp lại nhau!
    Dũng lúng túng cúi đầu chào. Nàng chúa hồ Võ Kiều Loan cảm động nắm tay chàng mỉm cười qua làn lệ rưng rưng:
    - Chị có điều gì sai sót với em, mong em miễn thứ cho!
    Chị đã nghĩ từ đầu vào lúc mới gặp em về mối liên hệ huyết thống giữa chúng ta nhưng... còn phải chờ kết quả tìm hiểu nhiều manh mối! Giờ thì mọi sự đã rõ. Trời xanh còn tựa kẻ bất hạnh nên run rủi cho gái này tìm lại được người thân! Dì ơi, sư mẫu cháu có ghi lại sự việc xảy ra mười tám năm xưa. Gần đây cháu có bổ túc thêm khá đầy đủ. Giờ xin mời dì cùng em Dũng sang phòng tranh xem!
    Chợt nàng quay về phía cửa sổ cao giọng:
    - Vị khách nãy giờ ẩn ngoài đó, nếu muốn xem tranh xin mời đi cùng!
    Bà Kiều Liên cùng con trai ngơ ngác nhìn ra. Ngoài khung cửa sổ, cảnh vật bàng bạc sương đêm, xa xa vài tiếng chim khảm khắc vọng lại nghe mơ hồ, bâng khuâng... Bỗng có tiếng tằng hắng rồi một giọng đàn ông vang lên trầm trầm:
    - Giỏi lắm! Kiều Loan con! Tài nghệ con quả đã đến mức phi thường, đang cơn xúc động vẫn kiểm soát được chung quanh!
    Theo tiếng nói, một bóng người quăng vèo vào hạ chân xuống giữa phòng êm như chiếc lá rơi. Hai mẹ con Dũng cùng buột miệng kêu lên mừng rỡ:
    - Ồ! Cha!
    - Ông!
    Người vừa xuất hiện chính là viên tuần phủ Cao Bằng Trần Hùng. Ông ta đưa mắt nhìn nàng chúa hồ, trên gương mặt phong trần hằn rõ những nét thương cảm, giây lát mới thở phào chậm rãi nói:
    - Kiều Loan con! Ta vừa chứng kiến tất cả. Ta cũng đã xem những bức tranh mà sư mẫu con với con vẽ lại thảm cảnh năm xưa! Ta chính là kẻ mang lốt ông già Thổ tình cờ gặp mẹ con trên đường lánh nạn và vì... tài hèn sức mọn nên không cứu nổi người tiết phụ khỏi tay quái vật bạo hành!
    Giọng viên tuần phủ dần rung chìm đứt quãng, môi mím chặt, khoé mắt con người từng vào sinh ra tử một thời long lanh muốn ứa lệ. Cuộc trùng phùng với đứa bé của mười tám năm xưa khơi dậy nỗi đau xót ghê gớm hằng đeo đẳng trĩu nặng tâm hồn ông ta.
    - Con ơi... bao năm qua ta vẫn có ý tìm kiếm tông tích con cũng như mẹ con dù nhiều lúc đã... tuyệt vọng... Cũng may trời cao có mắt, nay còn được gặp con!
    - Thì ra... dượng chính là ông cụ Thổ tốt bụng năm xưa?
    Võ Kiều Loan gạt nước mắt hỏi, bà Kiều Liên xen vào bảo nàng:
    - Đúng vậy đó cháu! Hôm đó khi tình cờ gặp mẹ cháu rồi gặp dì lâm nạn, dượng cháu đang mang lốt hoá trang ông già Thổ. Dượng cháu đã cố sức xả thân vì nghĩa nhưng không địch nổi con quái vật đười ươi khủng khiếp mình đồng da sắt, súng bắn không chết! Sau... cảm nghĩa trượng phu dì gá nghĩa cùng dượng cháu.
    Kiều Loan nghe dứt từ từ sụp xuống chân viên tuần phủ:
    - Cháu xin dượng nhận cho một lạy này!
    Viên tuần phủ họ Trần lật đật tránh sang một bên đỡ nàng dậy.
    - Đừng cháu! Ta là thân nam tử cứu không nổi người cô thế, thực đáng hổ thẹn, sao dám nhận lễ của cháu! Huống chi chúng ta còn chung gia tộc!
    Cả bà Kiều Liên, Trần Dũng đều hết lời khuyên cản. Kiều Loan muốn mời họ sang phòng bên, xem tranh nhưng ông Trần Hùng ý không muốn vợ thấy lại những hình ảnh đó, sợ bà thêm đau lòng. Ông đưa tay chỉ Dũng bảo:
    - Con là nam nhi, tinh thần vững mạnh có thể qua xem!
    Dũng vâng lời theo gái hầu đi ra. Chàng trai nãy giờ nghe chuyện, lòng sôi sục nhiệt huyết muốn biết tường tận diễn biến dẫn đến tai hoạ năm xưa và con quái vật đười ươi chúa đo!
    Còn lại ba người, Võ Kiều Loan truyền pha tra ngồi hàn huyên việc nhà. Qua lời kể của bà Kiều Liên, Võ Kiều Loan được biết cha nàng tên Võ Long, xưa kia vốn tay vũ dũng thích ngang dọc giang hồ lại kiêm thông văn học thạo cả bốn ngón phong lưu: cầm, kỳ, thi, hoạ. Mẹ nàng sinh trưởng trong một gia đình quyền quý – ông ngoại Kiều Loan trước là quan dưới miền xuôi sau bực giận triều đình lắm bọn tham quan ô lại nên cáo lão đem gia quyến lên mạn ngược sinh sống lấy cảnh lâm tuyền vui thú điền viên. “Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau”. Cuộc tình duyên của hai người đang độ tươi đẹp như núi rừng Việt Bắc thình lình kẻ thù cũ xuất hiện. Ông nhận lời thách đấu của y và lên ngựa ra đi một mình, mặc mẹ nàng, cùng gia đình hết lời khuyên ngăn. Mấy ngày sau, Võ Long trở về gục trên lưng ngựa, mình mang thương tích trầm trọng. Ông đã thắng kẻ tình địch, đánh hắn rơi xuống vực từ một triền núi trên ngọn Phi Mã Ác Sơn nhưng bản thân cũng bị mấy đòn thí mạng của hắn. Dù được danh y chữa trị hết lòng, vết thương vẫn không thuyên giảm nên chỉ ít ngày sau ông mất. Khi đó bà Kiều Lan mẹ nàng đang mai thai được sáu tháng. Cái chết của chồng khiến bà đau khổ ngã bệnh, suýt sẩy thai. Nó là vết thương không bao giờ lành trong lòng người cô phụ! Sau khi thân phụ mãn phần, bé Kiều Loan lên hai tuổi. Thấy chị hay sầu muộn, bà Kiều Liên khuyên chị nên đi du ngoạn cho khuây khoả. Hai chị em thường mang theo bé Kiều Loan, cùng gia nhân để đi tìm những danh lam thắng cảnh thưởng lãm. Và rồi một lần nữa tai hoạ lại giáng xuống gia đình vào buổi chiều loạn rừng oan nghiệt đó...!
    Nghe xong cội nguồn thân thế mình, Võ Kiều Loan càng thêm chua xót, tủi hờn. Số phận đã tàn bạo cướp đi hai đấng sinh thành nàng quá sớm. Sinh ra không được nhìn cha, lớn lên không biết mặt mẹ hiền. Giờ đây... thù nhà nặng trĩu đôi vai người thục nữ!
    - Cháu sẽ tìm ra quái vật đười ươi, tru diệt nó rửa hờn cho mẹ.
    Võ Kiều Loan nghiến răng nói như nhai từng tiếng, mắt phượng long lanh chờn vờn sát khí. Tuần phủ Trần Hùng kín đáo khẽ thở dài. Ông hiểu người con gái thủ lĩnh lục lâm vùng hồ Ba Bể sẵn sàng dành trọn cuộc đời để thực hiện lời thề của con nhà võ. Nhưng... kẻ thù của nàng là đười ươi chúa, một con đười ươi biết nói cả tiếng người, súng gươm không phạm nổi... Chính ông mười tám năm xưa từng chạm trán “nó” suýt vong mạng cùng vợ chồng tướng lạc thảo Quảng Tây Woòng Tắc Mềnh - Mẫu Dạ Xoa!
    - Theo dượng, quái vật đười ươi là giống chi, phải “nó” là người mang lốt thú? Cháu không tin “nó” là giống quái vật thành tinh. Có thể “nó” là một kẻ tà đạo giỏi võ, biết thuật dạy thú, mang lốt đười ươi... và mang cả giáp chống đạn bên trong?
    Ông Trần ra dáng trầm ngâm:
    - Dượng không dám khẳng định, tuy điều cháu nói chính dượng cũng từng nghĩ! Chỉ rõ nó cực kỳ lợi hại... quyền cước, súng trường trở thành vô dụng trước nó. Tài nghệ cháu giờ tới mức nào?
    - Cháu được sư mẫu truyền hết võ học của người, giờ có thể lấy đầu người ngoài mấy chục bộ.
    Nàng chúa hồ bình thản đáp vẻ tự tin. Dứt câu, nàng phất vụt tay áo. Một luồng sáng trắng nháng lên bay vút về phía cuối phòng, liếm xoẹt cắt ngang thân cây đuốc cắm trên vách rơi xuống đất tắt phụt, loáng cái nó đảo về nằm gọn trong tay nàng, hiện rõ hình một lưỡi liềm bán nguyệt bằng thép, trắng lạnh.
    Vợ chồng ông Trần thầm rung động kinh phục trước thủ pháp thần tốc của nàng. Nhất là viên tuần phủ, bằng vào kiến thức sau nhiều chục năm lăn lộn trong làng võ, ông hiểu Kiều Loan vừa vận dụng kình lực phô diễn kỹ thuật “cách không phi liềm”, một công phu đặc dị chỉ những cao thủ thượng thừa mới luyện nổi.
    - Tuyệt kỹ! Hảo công phu!
    Võ Kiều Loan không để ý lời khen ngợi, tiếp luôn:
    - Cháu còn một môn công khác, hy vọng sẽ hạ được “nó”, dẫu cho quái vật có mình đồng da sắt! Thôi, dì dượng yên tâm, chuyện đó cháu đủ sức giải quyết! Giờ hãy tính việc trước mắt. Có phải sáng mai, lúc bốn giờ, đại quân của dượng sẽ khởi động?
    Nàng đưa mắt nhìn ông Trần, hỏi. Ông ta không khỏi bối rối trước ánh mắt cô chúa hồ Ba Bể. Nghịch cảnh oái ăm đã đặt hai người vào vị trí đối địch nhau, liệu xử lý cách nào đây? Kiều Loan là thủ lĩnh lục lâm hồ Ba Bể, còn ông kẻ từng dọc ngang vùng vẫy thời trai trẻ, sau đường đời đưa đẩy lại ra làm quan triều đình, dẫu chẳng quá luỵ mình vì bả vinh hoa phú quý nhưng... trách nhiệm ông vẫn là giữ yên vùng trấn nhậm! Tuy nhiên, viên tuần phủ vẫn gật đầu xác nhận.
    - Tin tức của cháu chính xác đấy! Từ nãy giờ dượng đang nghĩ cách hoá giải tình thế hiện nay nhưng... chưa biết tính sao! Có lẽ đã đến lúc dượng rút lui khỏi chốn quan trường đầy phức tạp!
    Võ Kiều Loan tỏ vẻ thông cảm nỗi khổ tâm của ông Trần, hơi mỉm cười nhẹ nhàng bảo:
    - Dượng đừng lo, cháu đã nghĩ đến trường hợp này từ lúc hay tin bọn giám binh Bắc Cạn, Cao Bằng mở cuộc hành quân! Để tránh tình huống phức tạp khó xử cho dượng, cháu đề nghị như vầy...
    Nàng thấp giọng vừa đủ cho ông Trần nghe. Giây lát, viên tuần phủ tươi hẳn nét mặt đứng lên, buông gọn:
    - Giờ đây dượng đi tìm mấy bà Dạ Xoa tới đây, họ đang ẩn ngoài kia! Cháu nên báo cho cha con ông tướng thổ phỉ Quảng Tây ngay thì hơn!
    Ông Trần vọt đi liền. Võ Kiều Loan truyền gái hầu mời riêng cha con tướng lạc thảo Woòng Tắc Mềnh, Woòng Cẩm Tiên đến. Chừng mười lăm phút sau tất cả đều có mặt đầy đủ. Nàng chúa hồ lên tiếng xin lỗi về chuyện xảy ra. Mẫu Dạ Xoa lúc đầu còn hầm hầm giận dữ vì vụ chồng con mụ bị bắt giam, nhưng được ông Trần cùng họ Woòng hết lời khuyên giải, thấy con gái vẫn khoẻ mạnh, lại biết Kiều Loan là con bà áo trắng bị nạn đười ươi năm xưa, mụ mới dịu cơn tam bành thịnh nộ. Nàng chúa hồ cũng kể vắn tắt kế hoạch bàn với ông Trần Hùng về việc đối phó với đạo quan binh. Theo đó, tạm thời trong ít ngày, quân hồ Ba Bể sẽ rút hết vào vùng bí mật, bỏ khu trại ngoài trống không chờ... quan binh đến! Ông Trần sẽ cứu được Dũng, còn bọn đội Đầu Lâu cùng bọn thuộc hạ sẽ được giam riêng... chờ quan binh cứu!
    Nghe dứt, lão tướng lạc thảo Quảng Tây vò râu khen:
    - Hầy à! Kế sách cô chúa đưa ra hay dữ a! Vừa giúp quan Nam tránh khỏi thế kẹt vừa giữ lại chút thể diện cho mấy ông giám binh để họ... hiên ngang kéo quân về! Hay dữ a!
    Võ Kiều Loan quay sang bà dì đang ngồi cạnh Woòng Cẩm Tiên:
    - Cháu sẽ cho người thân tín đưa dì về tư dinh ngoài Cao Bằng! Phần Cẩm Tiên, em sẽ đi cùng lệnh đường lệnh mẫu! Thôi, giờ xin mời mọi người sang phòng bên để gái này dâng chén rượu tạ lỗi cùng chư vị!
    Nàng đứng lên đưa cả bọn sang gian khách sảnh. Từ lúc nào, một bàn tiệc thịnh soạn đã dọn sẵn chờ mọi người...

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 7 (Kết Thúc)

Nữ Chúa Hồ Ba Bể
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
 
Những Truyện Kiếm Hiệp Khác
» Tru Tiên
» Thất Tuyệt Ma Kiếm
» Xác Chết Loạn Giang Hồ
» Hắc Thánh Thần Tiêu
» Lục Mạch Thần Kiếm
» Đàn Chỉ Thần Công
» Đạo Ma Nhị Đế
» Điệu Sáo Mê Hồn
» Hắc Nho
» Luân Hồi Cung Chủ
» Huyết Thiếp Vong Hồn Ký
» Đề Ấn Giang Hồ
» Hóa Huyết Thần Công
» Hải Nộ Triều Âm
» Võ Lâm Phong Thần Bảng
» Thần Điêu Đại Hiệp
» Giang Hồ Thập Ác
» Võ Lâm Ngũ Bá
» Độc Thủ Phật Tâm
» Hàn Huyết Lệnh
» Ngũ Tuyệt Ma Vương
» Huyết Chưởng Thánh Tâm