Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Thương Nhớ Người Dưng Tác Giả: Mường Mán    
    Chị Ngân thương nhất nhất nhất!
    Em mừng suýt té xỉu khi nhận được gói quà từ miền thùy dương cát trắng - Chà, văn huê dữ, thùy dương với lại cát trắng - em bắt chước chữ dùng của chí í! Cành san hô đẹp, những vỏ ốc đẹp, ốc mang cái khoen để xâu chìa khóa cũng đẹp. Ðẹp hết trơn nhưng hơi nặng ký. Sao chị không để dành hồi nào về mang về luôn, gửi chi cho tốn tiền cước hở?
    À mà tiền cước thì có đáng là bao sao với nỗi nhớ chị dành cho em, phải không? Gửi sớm cho em mừng mờ.
    Ai mà thèm tin lời chị. Chị dọa sẽ lấy chồng rồi ở luôn ngoài đó ha? Ngon thì ở luôn đi, em sẽ tờ ư tư huyền từ luôn.
    Em mang quà chị gửi khoe ông ngoại và mẹ tặng dì út Xuyến vỏ ốc mang khoen xâu chìa khóa.
    Ông ngoại nói dỗi là chị quên ông đó. Lúc nào chị về chị nhớ mua...cho ông cái ống điếU hoặc vỏ ốc bự làm gạt tàn nhe. Ðó là ý em thôi, còn ông ngoại chỉ dỗi đùa.
    Em đưa cả thư chị cho mẹ đọc. Mẹ xua tay nó gửi con chứ có gửi cho mẹ đâu, dù em đã bảo thư có gửi lời thăm hỏi mẹ nữa mẹ cũng không chịu. Vợ của ba "cứng đầu" thế đó, mẹ của chúng ta giận dai thế đó. Mà chị cũng kỳ, gởi riêng cho mẹ một lá bộ tốn công tốn giấy mực lắm hở? Chị của em xứng là con của mẹ vì cũng "cứng đầu" không kém.
    Ngân ơi, hôm chị đến xin phép mẹ cho em cùng đi Nha Trang, mãi đến mười một giờ đêm mẹ và em đi dự tiệc tân gia ở nhà bác Ba Mạnh mới về. Ông ngoại đưa tờ giấy chị nhắn lại cho em cùng xâu chìa khóa nhà. Em năn nỉ mẹ nhưng mẹ cương quyết không chịu. Em tức đến phát khóc, chưa chi đêm đó em đã nằm mơ thấy chị chết đuối ngoài biển, càng khóc nhiều. Biết "đàn ông" mà khóc lóc rất xấu nhưng em can em không nổi Ngân ơi!
    Không được đi cùng chị chuyến này thật tiếc đứt cả năm sợi tóc í. Chắc là chị đi sớm lắm hở? Sớm mai khoảng sáu giờ em đạp xe bay về nhà mình thì than ôi, cửa đã khóa im ỉm, ức quá em đá cái cửa thổ tả ba phát trời giáng, đau ê cả chân luôn, tới giờ ngón út còn nhoi nhói em đi như là rón rén cà thọt buồn cười hết biết. Vậy mà dọc đường về còn nuôi hy vọng thấy chị và ba ngồi ăn sáng đâu đó nên ngang qua quán phở quán bún quán cà phê hủ tiếu nào em cũng dòm vô, không thấy! Trẽn cái lỗ mũi quá chừng.
    Theo đúng lời chị dặn, mỗi sáng em đều bí mật - Không để mẹ hay - đến nhà tưới mấy chậu kiểng và mấy giò phong lan. Em mượn xô và lấy nước bên nhà chú Tâm, dù chị để chìa khóa lại nhưng em không mở cửa vào nhà. Vào, ngó đồ đạc nhớ những ngày vui, ấm của chị em mình em nghi là mình sẽ khóc nên... không dám. Mỗi ngày đến tưới cây xong em đứng ở hành lang trông xuống mảnh sân quen thuộc, con đường quen thuộc, sân banh, hàng cây, cư xá...dù không muốn mà trước mắt em cứ như có màn sương cay cay chị ơi!
    Bây giờ em mới khám phá ra cái chuyện ngộ nghĩnh này: Từ ngày em mang chuồng chim câu về nhà ngoại, thắc mắc sao suốt ngày tụi hắn hay đi mà chẳng biết đi đâu, hóa ra mỗi ngày chúng bay về nhà mình chị ạ! Rồi chiều tối mới quay về chuồng. Cách cả chục khu phố tụi hắn cũng tìm ra phương hướng và "sân bay" hay thật. Ngay hôm đầu tiên về nhà, em nửa mừng nửa tủi khi bắt gặp mấy "cậu" mấy "mợ" trên mái. Thấy em chúng lên tiếng gù gù vừa như chào vừa như trêu tức đó. Con chim còn quyến luyến cảnh cũ huống chi con người phải không hở Ngân của em? Em nghe cay cay mắt là phải, dù em là "đàn ông"!!!
    Chị bảo là ba nhớ em, ngày nào cũng nhắc hở? Em chỉ tin có một nửa. Hôm nào về chị nhắc ba mua cho em món qua gì đó mới tin. Chị cho là ở Nha Trang cũng buồn à? Có xạo không đấy? Trong khi em chỉ mong thấy chừng vài centimét Nha Trang thôi cũng không thấy được. Cứ tưởng tượng chị tha hồ vọc nước giỡn sóng là em nôn nao cả ruột. Ước gì chị có dám nghĩ bây giờ đã có địa chỉ chắc chắn, một ngày đẹp trời nào đó em sẽ lén mẹ làm một chuyến phiêu lưu giang hồ ra Nha Trang như ngày xưa, năm mười tuổi em từng phiêu lưu về tận bến phà Mỹ Thuận không? Dám lắm à nghe!
    À! Suýt quên. Dì Út Xuyến bảo nhắn với chị là dì giận chị lắm đó. Chẳng qua đã đành, cả một câu thăm cũng không nhắc tên trong thư. Bực mình hết sức, dì kể lể rằng mới tháng trước dì cho chị khúc vải katé sọc may áo sơ mi mà giờ đã vội quên! Tục ngữ có câu: "Tiếng chào cao hơn mâm cỗ" và, theo em "Nửa câu thăm hỏi cao hơn một câu càu nhàu!" Có viết thư chị làm ơn nhắc đủ hết cho em chờ nhé.
    Thôi, như người xưa thường nói, thơ bất tận ngôn. Cho em gửi nhiều cái hôn chia thật đồng đều cho ba và chị. Ðừng ai dành phần hơn nhé. Mong thư chị từng ngày.
    Dưới chữ ký ngoằn ngoèo là cái tên Nguyễn Tài Trí tức Cu Bờm.
    Dưới nữa là giòng tái bút:
    TB: Văn chương em viết chắc chắn lổn nhổn lắm hả? Sữa chữa bản nháp ba lần mới chép lại í.
    Ngân đọc lui tới gần như thuộc làu năm trang thư của cậu em lớp mười, lòng dào lên lắm nỗi niềm hình sóng dợn. Theo giọng kể của chú bé, chốc chốc em lại thấy mình ứa nước mắt can không nổi, chốc chốc lại mỉm cười chẳng biết có duyên hay vô duyên.
    Và, từ cái dấu nhật ấn bưu điện thành phố Hồ Chí Minh đóng ngoài phong bì, từ những dòng thư của Bờm bỗng gợi rất nhiều mảnh Sài Gòn tưởng như vụn vặt mà sao nghe yêu nhớ quá.
    Sài Gòn của những ngả đường rợp lá me bay chở những tia mắt nồng nàn cũng bay như lá. Trên đường đi học, gặp ngã tư đèn đỏ dừng lại, nghe nóng má bên nào thì cứ y rằng phía ấy có một cặp mắt con trai đang đau đáu nhìn như muốn xô lệch cả mũi người ta, như muốn khoan lúm đồng tiền trên mặt người ta. Những chiều thư viện im ắng vừa nhâm nhi trái me rốp vừa ngốn từng trang sách hấp dẫn. Những sách bán nhan nhản ngoài phố nhưng không đủ tiền mua. Mình say mê ngốn sách, chợt ngửng lên bắt gặp mắt ai len lén ngốn... mình. Những sáng chủ nhật Aérobic tiếng nhạc vướng rối trong tóc trong da theo mãi về tận nhà nghe nỗi mệt ran ran lóng lánh đầu mỗi khớp xương một cách kỳ thú, nhất là cái bao tử co bóp dữ dội, cơm nóng chưa có thì cơm nguội chan nước mắm cũng ngoan như nem công chả phượng. Những đêm tập tễnh khiêu vũ nghe người cứng đơ như nuốt phải gậy, sợ dẫm phải chân nhau nên chân nào thoạt nhìn cũng mang dáng dấp chân hư hay vòng kiềng!
    Sài Gòn của những ngày các rạp mới đổi phim bèn "hội ý" chớp nhoáng đi tới "hạ quyết tâm" cúp cụ, bỏ lớp trốn thầy ra phố cùng thiên hạ mê phim chơi trò xếp hàng rồng rắn. Những phút ra chơi châu đầu lại chuyện nổ như giặc bình luận quên mệt về mode quần áo, dáng đi điệu đứng, nhan sắc của chàng nào đó vụt ngang qua hờ hững mà mổ xẻ tận tình như thể vài ngày nữa sẽ cùng chàng ta đeo nhẫn. Ðấu láo về vidéo- cassette rồi nhao nhao khẳng quyết đêm qua đứa nào lén coi phim đen là đứa ấy thao thức suốt đêm nên sáng nay mắt cứ đỏ hoe hay chớp chớp. Sôi nổi bàn tán chuyện đưa chương trình vào giáo dục tình dục và hôn nhân vào học đường rồi nhìn màu tóc, màu da, vuốt eo vuốt lưng nhau đoán xem đứa nào sau này bị "bể kế hoạch" nhiều nhất, đoạn cười lăn, cười lóc, cười như đười ươi nắc nẻ, cười đến cay xè cả mắt. Mua có mỗi món quà sinh nhật, kéo cả tiếu đội mồm năm miệng mười vô chợ rần rần trả giá tranh nhau bớt một thêm hai chọc các bà bán hàng được một bữa nọ háy nguýt... Nghịch ngợm là thế nhưng có lần cả bọn nhâu nhâu định giương hết móng tay có sơn hay không sơn đòi "xé xác" một anh chàng cùng lớp khi anh này bị chọc ức muốn khóc ngửa mặt lên trời than, nhất quỉ nhì ma thứ ba là các nàng lớp văn K...trường Tổng Hợp! Ôi, những gương mặt bạn bè nghịch tinh thuộc vào hàng quái kiệt: Thủy nhót, Trâm mắt xếch, Oanh hạt tiêu, Trang hạt mít, Lộc tăm tre...tụi bây giờ này đang đi đứng nói cười hát hỏng, buồn vui giận ghét ra sao?
    Sài Gòn của những cơn nắng ngút đường trưa đáng tặng huy chương vàng cho những ly đá đậu, kem, yaourt, chè Cocktail....cấp kỳ giải nhiệt. Những cơn mưa gửi đâu từ các trận bão dọc Hà Nội, Huế, Nha Trang vào cho không biếu không chút se lạnh để những áo len, áo gió khoe sắc khoe màu như bướm rật rật khắp các nẻo đường!
    Còn nữa, nói sao cho cạn những mẩu nhớ Sài Gòn? Những mộng mơ êm ẩm bao ngày nồng tháng ấm trên cái tổ cuối ba mươi sáu bậc thang kia. Cái tổ giờ cửa đóng im lìm và lũ chim câu mỗi ngày về gù nhớ gù thương trên mái. Hẳn chúng lao nhao hỏi nhau cô bé mỗi ngày mở tung cửa sổ đón ánnh mặt trời, đêm trăng thường leo lên sân thượng ngó nhìn bao la bốn phương tám hướng, mơ mộng với những đám cưới sao trên trời... đi đâu mất rồi? Nghĩ gần nghĩ xa lan man nghe vui nghe ấm áp, sao nghĩ đến nhà lòng không dưng xon xót. Ngân gấp những trang thư vào cuốn sách đang đọc như là một cử chỉ buồn bã muốn chạy trốn chính mình, muốn khép lại cánh cửa nhìn vào mình. Nhưng gấp thư lại mà tâm trí cứ nườm nượp diễn hành từng gương mặt thân yêu lướt qua hệt các hình cắt trong một cái đèn kéo quân và, em đành chào thua, đành chịu sự "tra tấn" của cơ man nào là ý nghĩ.
    Mẹ giận lẫy là phải, hẳn ba thừa biết mình chẳng hề viết thư cho riêng cho mẹ vì muốn "trả đũa" hai tiếng cám ơn trong câu chuyện qua đường giây hôm ấy. Mình trẻ con đã đành, mẹ cũng trẻ con đến thế sao? Cả dì Út và khúc vải katé trong câu càu nàu của dì cũng trẻ con nốt? Dễ thương nhất vẫn là cu Bờm và bầy bồ câu chung thủy của em. Không ngờ sự chẻ đôi của nhà mình cũng ảnh hưởng đến lũ chim như thế. Chúng bắc cầu đấy mẹ thấy không? Chúng thầm bảo mình điều gì qua những đường bay từ nóc nhà này đến sân thượng nhà kia hở mẹ? hở ba, hở Bờm? Còn điều gì khác hơn và sự thương yêu cần phải được nối lại? Phải không hỡi những người thân yêu nhất của đời tôi?
    Bờm ơi! Phải chi có em hôm bầy chim câu quay về em đã thấy chị xúc động như thế nào! Xúc động đến rưng rưng nước mắt. Ba cũng đứng lặng bên chị ngạc nhiên trông lên và khi chợt thấy chị khóc, ông đã kêu: Ôi con gái cưng của ba tình cảm rạt rào quá, bao la như biển thái bình, vào bếp hong khô bớt đi con! Tình cảm ướt chừng nào khổ chừng ấy! Chị biết ba nói đùa vậy chứ hình như ông cũng đọc thấy điều gì trong đường bay của lũ chim quay về, Bờm ơi, Bờm ơi!
    Và cứ thế, cái thư đã gợi trong em bao điều ấy cứ được Ngân đọc lui tới gần như thuộc làu. Ðọc vào buổi chiều lúc mới nhận được. Ðọc dưới ngọn đèn đầu giường trước khi ngủ và, sáng nay vừa nhỏ nhẻ nhai bánh mì vừa đọc lại lần nữa.
    Từ phòng ngủ ông bố bước ra trong bộ pyjama nhàu nhượi và tóc râu bù rối.
    
    - Con sắp đi à, sớm thế? - Anh nheo mắt nhìn con gái, giọng âu yếm pha chút cợt cười cố hữu - Hẹn ai chăng?
    - Con hẹn ông thần sóng ngoài biển - Ngân rời mắt khỏi tờ thư trên bàn, quẹt mẩu bánh mì vét sạch dĩa trứng ốpla bỏ vào miệng rồi cười mủm mỉm - Hình như bộ pyjama của ba gần đầy tháng rồi đấy, làm ơn bỏ ra cho con giặt chứ! Hôm qua có người ở dưới nhà bảo trên này có cái mùi gì nằng nặng tỏa xuống tận dưới ấy, con nghi là bộ đồ ngủ của ba quá à.
    Ngữ điệu tỉnh khô và hóm hỉnh của con gái hình như chẳng làm anh bận tâm, như thể em vừa nói chuyện thời tiết ấy. Ngân đứng lên khẽ đong đưa chiếc túi xắc mang sẵn bên vai:
    - Trưa con ở chơi đằng nhà nhỏ Thảo được chứ thưa Ba? Sáng nay cô ấy tới phải không ạ.
    - Ờ khoảng mười giờ! - Vẫn đăm đăm nhìn bức tranh vẽ dở trên giá, hai tay thọc sâu trong túi áo, ông bố đáp hờ hững. Ngân bước đến bên anh ngắm nghía gương mặt người phụ nữ chưa hoàn chỉnh trên khung vải:
    - Cơm và thức ăn đã sẵn, lúc nào ăn phiền ba hâm trở lại. Có thể ba mời cả cô ấy ăn rồi làm việc luôn buổi trưa - Em nháy mắt trêu chọc, ông bố cười, đưa nắm tay lên đe nẹt, đoạn búng khẽ chót mũi em:
    - Chỉ xạo! Thôi đi đi, chiều nhớ về sớm, vụ cơm nước để ba lo. À, còn cái thư của thằng Bờm đâu?
    - Con để sẵn trên bàn, con biến nghe! - Ngân kiểng chân hôn phớt lên vệt tóc mai lấm tấm điểm bạc bên thái dương bố rồi quay đi, chu môi huýt sáo khe khẽ một giai điệu vui, đoạn nửa bước nhảy, em xuống thang ra khỏi nhà.
    Nắng chưa lên, phố xá bàng bạc sương mù gợi nhớ mùa thu còn ở đâu rất xa chưa về. Gió như bị nhốt trong tủ lạnh suốt đêm giờ được thả chạy rong cho người chút cảm giác se se dễ chịu trên da thịt. Dọc các ngã đường chạy bộ tập thể dục, người ra biển tranh thủ tắm trước khi đến sở làm, đến trường lớp tấp nập. Sinh hoạt đầu ngày đa số sớm mai thức dậy là nghĩ đến biển. Người già ra biển hít thở không khí trong lành bồi bổ cho tuổi thọ, người trẻ dầm mình trong nước mặn, phó mình cho biển vuốt ve, nhận chút tươi mát từ thiên nhiên bổ sung thể lực để lao vào đấu vật với số thời gian còn lại trong ngày...
    Trong đám đông yêu biển sáng nay có Ngân. Tóc buộc mảnh băng-đô tím rịm, áo pull màu lục nõn, quần jean màu cặn rượu, nom em mảnh dẻ và tươi trẻ hệt một nhân vật vừa bước ra khỏi một tờ hoạ báo thời trang mới in, vừa ráo mực.
    Không vội xuống bãi, Ngân bước dọc dưới hàng dương cổ thụ cắt xén thành hình tàng lọng, chim thú, dọc những bồn hoa ướt rượt sương long lanh rợp trong bóng dừa đi tới quãng vắng mà em và Thảo từng ưa thích bởi hai đứa ngại chỗ đông người gắn những tia mắt hau háu dán lên những phần da dẻ trống và sự ghẹo chọc của lũ con trai. Thường hai đứa tắm, đấu láo tào lao vung thiên địa rồi về, đôi khi cuộc gặp kéo dài thêm một vài nơi nào đó trong phố chợ, trong một quán cà phê yên tĩnh, trong một rạp chiếu phim hay lăng quăng qua các cửa hàng... Quả là như Thảo nói với Vọng, trước đây Ngân không thân với Thảo, mỗi đứa có một nhóm bạn riêng, nhưng từ ngày về Nha Trang tình cờ gặp rồi trở nên thân thiết từ bao giờ chẳng hay, cũng như biển vậy? Biển đã thâm nhập vào Ngân từ bao giờ? Sóng như đã lặn vào tóc da, sóng như đã dịu dàng hơn, thôi thô bạo với cô gái xa lạ. Bây giờ mỗi lúc phó mình cho biển em đã hết sợ, đã biết nương theo sóng, nhận ra trong đó những nhịp ru, điệu ru vĩnh cửu. Bây giờ Ngân không cho các đấng thi sĩ ngợi xưng biển là nói dóc nữa.
    Cái dãi cát trắng bạc cong hình lưỡi liềm vòng từ xóm Cồn đến vùng Chụt của biển Nha Trang lúc này chưa rời, nhưng Ngân biết nó sẽ hóa thành mảnh trăng cài lên nỗi nhớ của em sau này, mỗi lần hồi tưởng lại những ngày hè khó thể nào quên ở đây.
    

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 14 (Kết Thúc)

Thương Nhớ Người Dưng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc