Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Ý Và Tình Tác Giả: Hồ Biểu Chánh    
    Một buổi chiều trời chuyển mưa, mây giăng mù mịt, gió thổi ào ào. Thầy thợ ra khỏi sở, ngó thấy quanh cảnh như vậy thì sợ mắc mưa, nên bươn bả đi riết về nhà. Ngoài đường người ta đi dập dìu, lại thêm xe hơi, xe ngựa, xe máy, chiếc xuống chiếc lên, tiếng chuông leng keng, tiếng còi te tét.
    Cô Quế đi thêu ngoài nhà hàng, cô cũng đi về nhà như người ta và cũng như người ta cô đi xăng xớm, bộ như sợ mắc mưa. Thế mà cô không đi thẳng về nhà, cô lại ghé vô nhà cậu Xuân. Thấy cửa giữa đóng chặt, cô lại đứng chỗ cửa sổ mà kêu thằng Chí.
    Chị Chín Thiện ra mở cửa và nói:
    - Cô Hai đi thêu về sớm dữ. Thằng Chí mới đi ra chợ mua bánh mì. Cô Hai cần dùng nó đi đâu hay sao?
    Cô Quế mau mắn đáp:
    - Không, không... Anh Xuân chưa về hay sao?
    - Thưa, chưa. Cậu tôi đi thi trong trường.
    - Tôi biết... Thi đã cả tuần rồi chớ. Bữa nay vô trường đặng nghe xướng danh coi đậu hay rớt, sao tới chừng nầy mà chưa về!
    - Tôi cầu khẩn cho cậu tôi đậu.
    - Tôi cũng mong ước như vậy. Tôi vái van cho đậu hết, nếu có người nào rớt tôi buồn dữ lắm.
    - Mời cô hai vô nhà chơi. Tối rồi chắc cậu tôi gần về...
    - Dì đi nấu cơm đi dì Chín. Để tôi đứng ngoài nầy tôi chơi một chút.
    Chị Chín trở vô bếp, cô Quế đứng trước hàng ba ngó ra đường có ý trông cậu Xuân.
    Thằng Chí đi chợ về, tay cầm một ổ bánh mì.
    Cô Quế thấy nó bước vô thì nói:
    - Em coi nhà nghe không em Chí. Để qua về một chút rồi qua trở lại.
    Thiệt quả cô về chẳng bao lâu thì cô lại nữa.
    Bây giờ trời đã tan mây lặng gió. Thằng Chí thấy đã tối rồi, nên vặn đèn trong nhà cho sáng. Thế mà cô Quế không vô, cô đứng trên thềm nhà ngó mông, bỗng thấy Xuân với Triều đằng xa đi lại, bộ đi chậm rãi dường như không muốn tới nhà cho mau.
    Cô Quế nóng nảy, muốn hay tin liền về cuộc thi, nên cô bước ra đường mà đón hai cậu. Chừng hai người đi gần tới thì cô lật đật hỏi: "Đậu hay không?"
    Triều lắc đầu và chúm chím cười và đáp:
    - Rớt!
    - Hả? Rớt hết sao?
    - Rớt hết!
    - Trời ơi! Anh Quan cũng rớt nữa à?
    - Quan mà rớt sao được. Nó đậu mà còn được lời khen của ban giám khảo nữa chớ.
    Ba người đắt nhau vô nhà.
    Xuân buồn hiu, quăng cái nón lên bàn rồi nằm ngửa trên ghế xích đu, mắt lim dim, không nói một tiếng chi hết, Triều quay máy hát dĩa "Trảm Trịnh Ân", đứng hát tự nhiên, dường như không quan tâm đến việc thi rớt.
    Cô Quế thấy cậu Xuân buồn thì nói:
    - Người ta thường nói "Học tài thi mạng". Kỳ nầy rủi rớt thì ráng học thêm nữa đặng kỳ sau thi lại. Phải kiên nhẫn, phải cố gắng, phải phấn chí luôn luôn, chẳng nên ngã lòng.
    Xuân cứ nằm thiêm thiếp. Triều cứ đứng nghe máy hát.
    Cô Quế muốn giải nỗi buồn cho hai cậu, cô bèn bước lại ngừng máy hát, mời Triều ngồi, kêu thằng Chí biểu dọn cơm. Cô đi lăng xăng, cô nói không ngớt chớ không tề chỉnh nghiêm nghị như trước nữa.
    Thấy Xuân cứ nằm trơ trơ, cô mới kêu mà nói:
    - Anh Xuân dậy đi thay đồ rửa mặt rồi ăn cơm chớ. Em có thưa cho dì em rồi, bữa nay em ở đàng nầy đặng em ăn cơm với anh. Em đói bụng quá, dậy ăn cơm đặng em ăn với chớ.
    Triều nói tiếp:
    - Dậy ăn cơm toa, Xuân. Moa cũng đói bụng nữa.
    Xuân thủng thẳng đứng dậy mà nói:
    - Tôi hết muốn ăn cơm.
    Cô Quế cười và nói:
    - Trời ơi! Thi rớt rồi tính tuyệt thực hay sao? Làm trai mà yếu trí quá vậy? Thanh niên tân học ta phải có trí kiên nhẫn, có óc hùng cường. Đường đời đương nhiên có chông gai nhiều, mình phải lập thế tránh mà đi tới nơi tới chốn mới hợp. Đã biết thi rớt là một việc trắc trở đáng tiếc lắm. Nhưng mà sự trắc trở ấy nhỏ mọn không đáng cho mình sầu não. Thi rớt thì học thêm đặng thi lại, học hoài cho tới thi đậu mới nghe. Phải có cái trí như vậy mới được. Làm trai nếu gặp việc khó khăn rồi buồn rầu thất trí như thế có hơn đàn bà con gái chỗ nào đâu!
    Có lẽ mấy lời cứng cỏi ấy làm cho Xuân hoặc phấn chí hoặc hổ thầm, bởi vậy cậu mau mau đi rửa mặt không ngẩn ngơ dã dượi nữa.
    Triều ngồi hút gió rồi nói:
    - Ai học nữa thì học, tôi xin kiếu; về cưới vợ, rồi làm ruộng đặng làm giàu đi xe hơi chơi.
    Thình lình Quan từ ngoài bước vô nói:
    - Hai anh rớt, tôi buồn quá, phải hai anh đậu hết tôi mới vui.
    Cô Quế mừng nói:
    - Em nghe anh đậu, em vui quá. Em mừng cho anh.
    - Cảm ơn em.
    - Anh Xuân với anh Triều nãy giờ buồn hiu. Em xin anh ở ăn cơm nói chuyện cho hai anh đó bớt buồn một chút.
    - Thình lình quá, đâu có cơm sẵn mà ăn.
    - Có mà. Để em sắp đặt mà mua đồ ăn thêm.
    Cô Quế bỏ ba cậu ở ngoài nói chuyện, cô đi vô trong lo bữa cơm. Cách độ một hồi cô trở ra mời ba cậu đi ăn cơm, đồ ăn đã dọn đủ hết. Bốn người ngồi ăn cũng theo thứ tự Mai, Lan, Cúc, Trúc.
    Triều hỏi Xuân:
    - Bây giờ toa tính sao đây Xuân? Toa nói nghe thử coi.
    - Tính giống gì?
    - Toa nghe lời em Quế toa học nữa hay sao?
    - Moa chưa nhứt định, để suy nghĩ ít bữa rồi sẽ hay.
    - Moa tính như vầy hay lắm toa. Toa về Cần Thơ mà ở, moa về Bạc Liêu moa xin với tía moa kiếm hai cô con gái con nhà giàu, nói mà cưới vợ cho hai anh em nhà mình, rồi mình lo làm ruộng, buôn lúa, đặng làm nhà giàu.
    - Moa không có chí làm nhà giàu.
    - Toa cứ tính chuyện viễn vông hoài!
    - Không phải viễn vông. Thuở nay moa đi học, moa quyết học thành tài, đặng moa dùng tài học cùa moa mà mở trí đồng bào, cải lương xã hội, làm cho quốc dân cao thượng, làm cho nước nhà chấn hưng. Moa đã nói với toa, moa nhứt định không cưới vợ mà moa cũng nhứt định không làm giàu. Vậy toa muốn làm việc gì thích ý toa, toa cứ làm, đừng rủ moa.
    - Toa thích làm việc minh mông, đã mệt trí lại không ích gì cho toa hết.
    - Nếu mỗi người đều chỉ biết lo cho mình, xã hội còn ra gì nữa. Moa giận rồi, có lẽ moa phải đi Pháp mà học.
    - Tự ý toa. Moa chỉ xin nhắc cho toa nhớ rằng lúa gạo là vật báu trời ban cho xứ mình có nhiều. Vậy mình cứ níu cái hạnh phúc ấy mà sống, chẳng cần phải lo minh mông cho nhọc trí.
    - Cái tâm hồn của toa là tâm hồn nhà quê. Toa không thể hiểu chí hướng của moa nổi. Đừng có nói chuyện ấy với moa nữa.
    Triều rùn vai mà hỏi Quan;
    - Quan, toa thi đậu rồi bây giờ toa tính làm việc gì?
    - Có lẽ tôi sẽ kiếm chỗ mà làm việc nhà nước.
    - Làm việc gì?
    - Biết đâu. Để đợi cơ hội mở kỳ thi vào ngạch công chức nào thì tôi sẽ lập đơn dự thi chớ bây giờ biết đâu mà nói trước được.
    Xuân liền nói với Quan:
    - Toa đi Tây mà học thêm với moa.
    - Ồ! Phận tôi nghèo, tôi đâu dám đèo bồng quá như vậy.
    - Moa còn ba mươi bảy ngàn bạc gởi dưới băng. Số bạc ấy không đủ cho hai đứa mình ăn học bên Pháp năm mười năm hay sao? Toa đi với moa thì moa bao cho toa.
    - Cảm ơn. Phận tôi mẹ goá con côi, tôi không thể tính việc xa vời.
    - Toa là người không có đại chí, toa không có lợi ích cho nước nhà chi hết.
    - Ở đời mình làm việc chi cũng phải lượng sức mình chớ.
    - Moa tiếc cho toa lắm, tiếc vì tài lớn mà chí nhỏ. Chớ chí toa mà chí lớn như moa, thì toa quí không biết chừng.
    Bây giờ cô Quế mới xen vô:
    - Ba anh mỗi người có một chí riêng, không ai giống ai hết. Mới có ba người, lại là ba anh em thân thiết với nhau, mà cũng chưa đồng tâm được, thế thì mười mấy triệu đồng bang làm sao mà hiệp ý cùng nhau.
    Mấy lời của Quế đây là lời bình luận nghe chơi cho vui, chớ không có ý chê bai hay nhạo báng. Thế mà ba cậu trai nghe qua, dường như ăn năn hay hổ thầm nên liếc mắt ngó nhau rồi ngồi gầm mà ăn không nói thêm một tiếng chi nữa hết. Có lẽ lời bình phẩm ấy động tới Xuân nhiều nhứt, bởi vì Xuân châu mày cúi mặt trầm tư nghiêm nghị lắm, làm cho không khí thêm nặng nề.
    Cô Quế dòm thấy cái lỗi của cô, thì cô ăn năn muốn kiếm thế mà gây cuộc vui vẻ lại, song cô không tìm ra chước, bởi vậy khoảng sau bữa ăn có vẻ lãng đạm đìu hiu.
    Ăm cơm rồi, Triều với Quan từ giã đi vô trường lo sửa soạn hành lý đặng sáng mai đi về nhà. Xuân với cô Quế đưa ra cửa. Chừng hai cậu đi rồi, cô Quế thấy Xuân có sắc trầm tư bèn hỏi cậu:
    - Anh nhứt định đi qua Pháp học nữa hay sao?
    - Đó là con đường qua chọn lâu rồi. Trước sau gì rồi qua cũng phải theo con đường ấy. Vậy nên đi liền bây giờ thì phải hơn.
    - Nếu anh có trí un đúc cho có tài cao, thì anh qua Pháp mà học là phải. Học cho thiệt cao mới có ích.
    - Em đồng ý với qua hay sao?
    Cô Quế nhếch miệng cười rất có duyên; tuy ngoài hàng ba không có đèn, song Xuân thấy cô ngước mắt ngó mình và nói:
    - Không phải em đồng ý. Vì anh có chí như vậy nên em phải trưởng chí cho anh chớ.
    Xuân thở dài mà nói:
    - Cảm ơn em.
    Cô Quế muốn nói chuyện nữa, nhưng cô nghĩ thế nào không rõ, cô đứng dụ dự rồi nói:
    - Thôi, để em về cho anh nghỉ. Em chào anh.
    Cô Quế bước xuống thềm. Xuân đứng ngó theo tư lự châu mày.
    
    
- o O o -

    
    Gần 6 giờ chiều, đèn ngoài đường phực cháy lên làm cho quang cảnh châu thành Sài Gòn nằm giữa lúc giao thời, nửa sáng nửa tối.
    Xuân thay đồ mà đi từ hồi 3 giờ, đi xuống nhà băng, đi qua hãng tàu. Cậu về nãy giờ, song cậu ngồi không yên, cứ đi ra đi vô hoài. Bây giờ cậu mới bước ra đường rồi thủng thẳng đi bách bộ, có ý đón cô Quế đi thêu về. Chừng thấy dáng cô đi xa xa, thì cậu mừng thầm nên chúm chím cười, đứng nép bên đường mà chờ cô.
    Vừa gặp nhau thì cô Quế hỏi:
    - Anh làm gì đứng đây?
    - Qua đón em.
    - Cần gì phải đón. Có việc chi gấp hay sao?
    - Có. Qua có một việc riêng cần nói với em.
    - Vậy thì trở về nhà.
    Hai người dắt nhau đi về nhà Xuân. Cô Quế vừa đi vừa nói:
    - Có việc chi quan hệ lắm hay sao mà anh phải đón em, anh làm em lo sợ quá.
    - Để một chút rồi qua sẽ nói.
    - Việc không gấp, vậy thì để em về rồi thì anh sẽ lại nhà em anh nói, hoặc anh sai thằng Chí kêu em cũng được, cần gì phải đón ngoài đường?
    - Vì qua bối rối trong trí quá, không thể ngồi yên được nên phải đi ra đường.
    - Vậy hả? Anh có hỏi thăm chắc chắn bữa nào tàu chạy hay chưa?
    - Hỏi rồi. Sáng mốt đúng 6 giờ tàu kéo neo.
    - Vậy thì chừng nào anh phải xuống tàu?
    - Qua tính tối mai, chừng 10 giờ qua xuống tàu.
    - Vậy để tối mai em đưa anh xuống tàu, rồi sáng mốt lúc tàu gần chạy em sẽ qua bến tàu mà từ giã anh.
    Vô nhà rồi, cô Quế ngồi liền, còn Xuân thì cứ đi qua đi lại, dòm sắc mặt thì cậu lo lung lắm. Cô Quế ái ngại, không muốn biết gấp việc riêng làm cho cậu phải đón mình, nên cô ngồi lặng thinh. Thình lình cô nhớ đến việc cậu Quan cô liền hỏi:
    - À, hôm qua anh nói anh có được thơ của anh Quan. Ảnh nói hôm tháng trước ảnh thi vô làm việc trong dinh Đốc lý đã đậu rồi mà mới được lịnh đòi đi làm, nên mai ảnh sẽ lên. Không biết ảnh lên kịp mà đưa anh xuống tàu hay không?
    - Quan lên tới rồi.
    - Hồi nào?
    - Hồi trưa. Nó có ghé nhà qua.
    - May dữ! Ảnh đi đâu rồi?
    - Hồi trưa nó ghé một chút rồi đi kiếm chỗ ở đậu mà làm việc. Nó nói tối nay nó sẽ trở lại.
    - Chừng nào anh Quan trở lại anh phải cho em hay. Em muốn chiều mai em mời anh với anh Quan ăn cơm với em một bữa. Bữa cơm ấy là bữa lễ tiễn biệt anh và là lễ mừng anh Quan bước chân vào đời.
    - Thôi, đãi đằng làm chi. Em chẳng nên nhọc lòng. Mà em cũng chẳng nên làm cho qua nhọc lòng thêm nữa.
    - Em có làm nhọc lòng anh hay sao?
    - Nhọc lòng lắm.
    - Em không dè. Em xin anh tha lỗi cho em. Vậy chớ trước khi anh đi, anh có thể cho biết lỗi của em đặng em ăn năn trước mặt anh hay không?
    - Sự làm nhọc lòng qua đó không phải lỗi của em. Mà qua mời em ghé đây, chánh qua muốn tỏ sự ấy cho em biết.
    - Vậy thì anh nói đi.
    - Nãy giờ qua dụ dự là vì việc ấy khó nói quá, nói ra sợ em phiền.
    - Anh thiếu can đảm, mà cũng thiếu trí quyết đoán. Anh tính qua Pháp học, mà gần ngày xuống tàu, anh thối chí, không muốn đi hay sao?
    - Không, không... qua có thối chí bao giờ đâu, qua quyết đi lắm chớ.
    - Nếu anh quyết đi thì anh phải hăng hái lo mua sắm đồ đặng xuống tàu đi, chớ còn dụ dự nỗi gì. Em nói thiệt, em không muốn anh dụ dự.
    - Vì qua có một việc, qua muốn tính cho vuông tròn, rồi qua sẽ đi.
    - Việc chi? Anh có thể nói cho em biết hay không?
    Xuân kéo ghế ngồi một bên cô Quế mà đáp:
    - Qua sẽ nói. Chỉ còn có hai đêm với một ngày nữa thì qua sẽ từ biệt quê cha đất tổ mà gởi thân nơi xứ lạ. Việc tương lai không biết nó ra sao. Chừng nào qua trở về xứ? Mà qua sẽ về hay, hay không? Lại qua sẽ có phước mà gặp lai em nữa hay không? Đó là những câu hỏi làm cho qua nhọc lòng khổ trí hết sức.
    - Ở đời phải nuôi tâm hồn lạc quan thì trí mới thơ thới được.
    - Tại qua hay lo xa, mà cũng tại qua thương thân phận em út, nên qua bi quan như vậy.
    - Thân phận của em an ổn lắm, có làm sao đâu mà anh phải thương.
    - Để qua nói rõ cho em hiểu. Ba anh em kết tình bằng hữu với em gần một năm nay, qua không hiểu ý của Triều và Quan như thế nào, chớ riêng qua thì qua thương em lắm. Qua nói thiệt nếu qua không lập chí hiến thân cho Tổ Quốc, qua thích thú gia đình như Triều với Quan, thì qua thưa với dì Hai mà xin cưới em.
    - Cảm ơn anh.
    - Ngặt vì qua nuôi cái chí viển vông quá, nếu cưới em thì qua sẽ làm cho em nhọc lòng chớ không hạnh phước chi hết. Qua đã thương em mà ngày nọ qua nghe dì Hai kể chuyện thương tâm của em nữa thì qua càng yêu mến em, nên qua có hứa sẽ bảo hộ thân em đến cùng. Ngày nay qua phải bỏ xứ lìa em mà đi, thì làm sao qua bảo hộ em nữa được. Chỗ qua nhọc lòng là chỗ đó.
    Cô Quế nghe những lời chứa chan tình nghĩa, thì cô cảm động, nên hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.
    Xuân cũng cảm động, song phải gắng gượng mà nói tiếp:
    - Hồi trưa qua có cậy Quan ở nhà bảo hộ dùm em. Để rồi qua cũng phải viết thơ cho Triều mà gởi gắm thêm nữa. Tuy vậy mà qua cũng chưa yên lòng. Qua nhớ ngày nọ em có nói với qua rằng em hy vọng có được một tiệm may nho nhỏ đặng làm chủ, khỏi đi thêu mướn cực nhọc mà hèn hạ. Em quyết tiện tặn đặng thực hiện hoài vọng ấy. Em tiện tặn đến chừng nào mới có đủ số vốn lập tiệm cho được? Lâu lắm. Vậy nay qua gần đi, qua muốn để lại cho em một ngàn đồng bạc đặng em dọn tiệm liền, khỏi đi thêu mướn nữa. Xin em vui lòng lãnh số bạc ấy, nếu em từ chối thì qua buồn lắm.
    Cô Quế lau nước mắt rồi ngó ngay Xuân mà đáp:
    - Em rất cảm ơn anh. Anh thương em nên em muốn giúp em như vậy, em cảm tình anh không biết chừng nào. Nhưng mà có nhiều cớ khiến em không thể nhận số tiền anh cho được. Thứ nhứt, anh qua Pháp mà học, phải học lâu nên tốn hao nhiều; Vậy thì anh phải để dành tiền mà ăn xài, không nên để lại cho em. Thứ nhì, em nghe nói những người gần gũi với anh đều được thưởng công xứng đáng. Anh cho dì Chín Thiện một trăm, cho thằng Chí năm chục đặng đền công họ cực nhọc với anh trót mấy năm nay. Bây giờ anh cho em tiền nữa, té ra anh cũng thưởng công em làm cho anh vui xưa nay đó hay sao?
    - Hai cớ em nói đó đều sai hết. Hiện bây giờ qua có tới ba mươi bảy ngàn đồng bạc; qua để lại cho em một ngàn, cũng còn 36 ngàn, không đủ ăn học hay sao? Còn em viện cớ thưởng công, cái lý do không chánh đáng nên qua xin phép qua cãi lại. Qua muốn để lại cho em một ngàn, ấy là vì qua muốn tính giúp em được thoả mãn chỗ mơ ước của em, chớ có thưởng công gì đâu. Mà số tiền ấy cũng như số tiền qua gởi em để em cất dùm cho qua; đã làm anh em, sao em còn ái ngại điều nhỏ mọn ấy?
    Xuân liền thò tay vào túi lấy ra một cái bao thơ đựng mười tấm giấy một trăm mà đưa cho cô Quế và nói tiếp:
    - Em hãy lấy mà cất đi. Nêu em từ chối thì qua buồn lắm vậy.
    Cô Quế châu mày ngồi lặng thinh mà suy nghĩ một chút, rồi cô đứng dậy nói xẳn xớm:
    - Anh nói như vậy thì em phải nhận lấy số tiền nầy, mà em xin phép hỏi gắt anh một câu: Anh để một ngàn đồng bạc lại cho em là vì anh muốn giúp em làm ăn chớ không có ý gì khác phải không?
    Xuân cũng đứng dậy mà nói cứng cỏi:
    - Thiệt như vậy. Qua chỉ có ý đó mà thôi, chớ không có ý nào khác.
    Cô Quế chảy nước mắt một lần nữa. Cô lấy cái bao thơ của Xuân rồi thủng thẳng nói: "Anh muốn làm nghĩa với em. Vì tình anh em nên em phải lấy số bạc của anh."
    Xuân hớn hở nói:
    - Em làm cho qua hết buồn. Qua vui lắm, qua cảm ơn em. Còn một việc nầy nữa: đồ đạc trong nhà đây qua không biết làm sao. Hồi trưa qua khuyên Quan về ở đây mà làm việc thì nó nói lương nó ít, nó không có sức ở nổi một căn phố, nó phải đi ở đậu với anh em; qua nói hết sức mà nó cứ từ chối hoài. Bây giờ chở đồ đi bán coi kỳ quá. Còn chị Chín Thiện với thằng Chí, thì qua đã có cho tiền rồi, không lẽ qua còn cho thêm đồ đạc nữa. Vậy qua xin gởi hết đồ đạc trong nhà của em. Hễ qua đi rồi, thì em đem đồ đạc về nhà mà dùng rồi trả phố lại cho chủ. Tiền phố qua đã trả đủ tháng nầy rồi.
    Cô Quế nói:
    - Chớ chi anh Quan về ở đây, ảnh giữ đồ dùm cho anh thì tiện lắm.
    - Qua nói hết lời mà nó không chịu. Mà nó không chịu cũng phải, bởi vì tiền phố mắc quá, nó ăn lương thì ít chịu sao nổi. Vì vậy nên qua không dám ép.
    - Anh Quan không chịu lãnh thì em giữ dùm cho anh, chớ biết làm sao bây giờ.
    - Cám ơn em. Sự buồn sự lo của anh giờ đã bay hết. Qua vui lắm. Qua muốn em thưa cho dì Hai hay, rồi ở đằng nầy ăn cơm với qua.
    - Có anh Quan về ăn cơm hay không?
    - Nó không có hứa.
    - Vậy để em về thưa cho dì hay rồi em trở lại.
    Cô Quế bước ra cửa thì gặp Quan vô, hai người mừng nhau rồi cô Quế đi về, cô hứa lát nữa cô trở lại ăn cơm.
    Thiệt quả cách chẳng bao lâu cô Quế trở lại, mà bây giờ cô rửa mặt sạch sẽ, bới đầu vén khéo, lại bận đồ mới chớ không phải bộ đồ cũ bận đi làm như hồi nãy. Vừa bước vô, cô trách Quan:
    - Anh Quan lên làm việc mà anh không thèm ghé nhà em chơi.
    - Tôi mới lên tới. Nên chưa kịp thăm em.
    - Chừng nào anh bắt đầu đi làm?
    - Sáng mai.
    - Anh sẽ ở đâu?
    - Tôi ở đậu nhà người quen trên chợ Đủi.
    Anh em nói chuyện tới đó, kế thấy một chiếc xe hơi lớn dừng ngay trước cửa rồi ba bốn người mở cửa leo xuống xe.
    Xuân dòm ra rồi nói: „ Ý! Anh Triều lên kìa! Có tía má ảnh nữa chớ."
    Ba người trong nhà đều đứng dậy. Triều bước vô trước, theo sau là vợ chồng ông Từ Tệt và cô Quyên. Xuân chào mừng. Triều tiến dẫn cô Quế với Quan cho cha mẹ biết. Mỗi người chào nhau rồi Xuân mời ngồi rồi kêu thằng Chí biểu rót trà đãi khách. Xuân lại đứng gần cô Quyên, ngó cô mỉm cười và nói: "Em Quyên đi Sài Gòn, tôi không dè chút nào hết. Em lên trên nầy đặng chụp hình hả".
    Cô Quyên ngó Xuân, nét mặt hớn hở, cô cười và đáp: "Nếu chụp hình thì anh chụp cho em, chớ em không chịu người khác chụp."
    Xuân cười và hỏi ông Từ Tệt:
    - Chú thím lên tới hồi nào? Đi Sài Gòn chơi hay là có việc chi?
    - Mới lên hồi xế. Con Quyên cứ đòi đem nó lên trên nầy cho nó học. Bởi vậy chú thím dắt nó lên trường Nhà Trắng đặng nó coi như nó chịu, thì xin cho nó một chỗ để khai trường nó ở nó học.
    - Chú thím đã dắt em đi coi hay chưa?
    - Đi coi hồi chiều rồi. Nó chịu, nên chú thím cũng đã xin chỗ cho nó rồi nữa.
    - Chú thím ở đâu?
    - Mướn phòng ở ngoài khách sạn. Nghe thằng Triều nói cháu tính đi Tây mà học nữa phải không?
    - Thưa, phải.
    - Té ra thiệt cháu không chịu nghe lời chú? Thiệt cháu nhứt định đi Tây hay sao?
    - Thưa, cháu nhứt định đi Tây, cháu xin giấy thông hành và mua giấy tàu rồi. Sáng mốt tàu chạy.
    Ông Từ Tệt ngó Xuân rồi lắc đầu, sắc mặt không vui. Cô Quyên nghe nói thì chưng hửng; cô cũng ngó Xuân trân trân và ứa nước mắt mà hỏi:
    - Sáng mốt anh đi Tây hay sao?
    - Phải, sáng mốt anh đi.
    - Tưởng lên trên nầy học cho gần anh, té ra anh đi Tây!
    Triều hỏi Quan:
    - Toa lên hồi nào?
    - Mới lên hồi trưa.
    - Toa lên đặng đưa Xuân xuống tàu phải không?
    - Không. Moa lên đặng làm việc.
    - Làm ở đâu?
    - Dinh Đốc lý.
    - Moa mừng cho toa. Để moa xin tía má moa ở nán lại đặng sáng mốt đưa Xuân xuống tàu.
    Cô Quyên vội nói:
    - Tôi cũng ở nữa.
    Ông Từ Tệt cười và nói:
    - Muốn ở thì ở. Đưa cháu Xuân xuống tàu rồi sẽ về. Nầy, cháu Xuân, chú mời cháu chiều mai ra nhà hàng ăn cơm với chú thím một bữa rồi sẽ đi.
    Xuân bợ ngợ đáp:
    - Lời chú biểu cháu không dám cãi. Mà nếu vâng chịu thì có chỗ bất tiện cho cháu.
    Bà Từ chận hỏi:
    - Sao mà bất tiện?
    - Dạ, cháu tính tối mai cháu ăn cơm với cô Quế và anh Quan đây rồi cháu xuống tàu.
    - Tưởng ai đâu lạ, chớ anh em với thằng Triều thì thím xin mời hết chiều mai ăn cơm chung với nhau cho thím vui. Thím xin mời hết anh em.
    Triều đứng dậy nói lớn:
    - Hội Mai, Lan, Cúc, Trúc nhóm đại hội, không ai được phép vắng mặt. Lời của trưởng hội truyền. Chiều mai anh em tụ lại đây rồi tôi đem xe vô rước đi. Ăn cơm rồi mình sẽ tính việc đưa Xuân xuống tàu. À, Xuân, toa hay chuyện moa đã nói vợ hay chưa?
    Xuân cười mà hỏi lại:
    - Nói vợ ở đâu?
    - Bên Long Mỹ, con gái một vị điền chủ, đẹp lại giàu.
    - Người ta ưng gả hay không?
    - Sao lại không ưng?
    - Nếu vậy thì toa gần đạt được mục đích của toa rồi.
    - Phải, chớ chi toa làm như moa thì xong quá, khỏi đi học tốn của tốn công.
    - Ai có chí nấy...
    Bà Tệt nói:
    - Thi rớt rồi về nhà nó đòi cưới vợ, chú thím phải lo nói vợ cho nó. Chỗ đó người ta chịu gả rồi, song ra giêng mới cưới.
    Xuân với Quan bắt tay mừng cho Triều.
    Vợ chồng ông Từ Tệt ở chơi một lát rồi trở ra khách sạn mà nghỉ với hai con, ân cần mời Xuân, Quan và cô Quế chiều mai phải ra nhà hàng mà ăn cơm, không ai được từ chối.
    Khách đi rồi, Xuân liền hối Chị Thiện dọn cơm đặng ăn với Quan và cô Quế. Ba người ăn uống nói chuyện chơi tới 10 giờ rồi cô Quế về. Còn Quan ở đó ngủ với Xuân.
    Chiều bữa sau Triều đem xe hơi vô nhà Xuân mà rước anh em. Cô Quế đi thêu về, cô thay đổi y phục, trang điểm chút đỉnh rồi lên xe đi với ba cậu ra nhà hàng.
    Trong bữa ăn, cô Quế nói chuyện khôn ngoan vui vẻ, làm cho vợ chồng ông Từ Tệt mới quen mà cũng yêu mến cô như đã quen lâu rồi.
    Còn cô Quyên ngồi một bên Xuân, cô cứ ngó Xuân hoài, sắc mặt buồn hiu, không nói chi hết.
    Ăn cơm rồi, vợ chồng ông Từ Tệt với cô Quyên sửa soạn lên xe đi về phòng. Mấy anh em đưa ra xe. Cô Quyên hỏi nhỏ Xuân:
    - Anh đi bên Tây chừng nào anh về?
    - Học xong anh mới về.
    - Chừng mấy năm.
    - Năm mười năm, không biết trước được.
    - Lâu quá!.. Anh đem mấy tấm hình của em theo hay không.
    - À, quên. Để lát nữa về nhà rồi anh sẽ lấy mà bỏ trong rương.
    - Anh phải nhớ đa, nghe không.
    - Nhớ! Em hãy an tâm.
    Xe đưa vợ chồng ông Từ Tệt với cô Quyên về phòng rồi trở lại nhà hàng. Triều mời Xuân, Quan và cô Quế lên xe trở về nhà trước. Bốn người đều vui vẻ, tính bỏ đêm ấy không thèm ngủ, để trò chuyện chơi với nhau. Đem đồ xuống tàu xong rồi bốn người bèn lên xe đi Thủ Đức ăn nem.
    Xuân nhân dịp ấy mới gởi gắm cô Quế cho Quan và nhứt là căn dặn Quan ở Sài Gòn phải hết lòng bảo vệ cô, phải giữ cho trọn nghĩa kim bằng.
    Đến ba giờ khuya mấy người mới trở về Sài Gòn. Triều đưa Xuân, Quan và Quế xuống bến tàu rồi trở về khách sạn mà rước cha mẹ. Gần 5 giờ sáng, vợ chồng ông Từ Tệt với cô Quyên mới xuống tới. Chị Chín Thiện với thằng Chí cũng qua bến tàu mà đưa chủ.
    Lúc tàu gần kéo neo, Xuân từ giã mọi người đặng lên tàu. Cô Quế chúc Xuân lên đường bình an, chúc học mau thành tài, cô vui vẻ như thường, chẳng bịn rịn chi hết. Riêng cô Quyên thì cô khóc mùi, cô nắm cánh tay Xuân chặt cứng, dường như không muốn để Xuân đi song cô không nói ra được.
    Tàu rút chạy. Lúc nầy là lúc cảm động hết sức, cảm động giữa kẻ ở người đi. Người dưới tàu đưa tay mà ngoắc; người trên bờ cũng ngoắc lại, và ai ai cũng ngó theo chiếc tàu, song có người buồn mà cũng có người vui, bởi mỗi người có một tâm sự riêng mà không ai thấu hiểu của ai được.
    

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 9 (Kết Thúc)

Ý Và Tình
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói