Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Chị Đào Chị Lý Tác Giả: Hồ Biểu Chánh    
Nỗi Lòng Bà Mẹ

    Bà Ngọc được lời bà Hòa hứa nếu ở nhà một mình buồn và muốn có người ngủ đặng nói chuyện chơi thì ban đêm bà nọ sẽ chia bớt một cô qua ngủ với cho có bạn. Bà mừng quá nên chiều bữa đó bà dắt một anh bồi lên lầu coi cho anh quét dọn cái phòng ngang với phòng của bà, phòng hồi trước hễ bà buồn thì bà kêu con lên ngủ đó cho gần bà.
    Tối một lát cô Lý ôm sách qua. Bà Ngọc đem cô lên lầu chỉ phòng cho cô coi. Bà mở cửa vặn đèn lên sáng trưng. Bồi đã lau chùi bàn ghế hết rồi. Bà biểu Lý để sách vở trên bàn ngồi học để bà nằm bên giường bà chơi. Bà nằm ngó cô Lý thiệt bà hết buồn. Vì nghĩ con trai bà đi xa, mà bà có Đào với Lý mỗi đêm đều có một cô ngủ trong nhà với bà cũng như bà có hai đứa con gái thì bà còn buồn gì nữa.
    Một lát bồi bưng lên một bình trà nóng đựng trong giỏ, hai cái tách một hộp bánh. Bà biểu Lý học khuya có xót ruột thì ăn bánh uống trà, đừng ái ngại chi hết. Bà nằm chơi đến 10 giờ bà ăn 1 cái bánh, ép Lý ăn với bà. Ăn uống rồi bà mới nói thôi bà về phòng bà, để cho Lý thong thả học tới chừng nào buồn ngủ thì tắt đèn mà đi ngủ.
    Sáng cô Lý dậy mà về đặng sửa soạn đi học. Bà biểu uống một ly cà phê sữa rồi sẽ về và bà dặn tối biểu cô Đào qua, hai chị em thay phiên ngủ với bà thì bà yên lòng bà ngủ được.
    Xe đưa Tòng với Đào, Lý đi học rồi, xe trở về, bà Hòa mới đi Bà Chiểu. Bà thuật cho ông chồng nghe chuyện Khánh theo tiểu đoàn ra Quy Nhơn tác chiến. Hôm qua cậu về một lát mà thăm mẹ và từ giã. Cậu nói nhiều lời hiếu nghĩa thiệt đáng thương, mà thấy bà Ngọc buồn lo bịn rịn thì tội nghiệp quá. Bà Hòa nói bà thấy tình cảnh, bà xúc động quá, nên bà có hứa bữa nào bà Ngọc buồn, muốn có người ngủ chung đặng nói chuyện thì bà cho Đào hoặc Lý qua ngủ dùm cho có bạn.
    Ông Thái nói: "Tội nghiệp có một chút con mà nó đi ra trận thì ở nhà vui sao cho được, vậy nếu bà Ngọc muốn thì mỗi đêm cho con Đào hoặc con Lý qua chơi với bà cho bà bớt buồn".
    Bà Hòa nói: "Hồi hôm con Lý qua ngủ trước rồi. Bà dọn một cái phòng ngang cái phòng của bà trên lầu có giường tủ ghế bàn đủ hết. Con Lý nói ban đêm ở đó học rồi ngủ mát lắm".
    Ông Giáo Hiệp ngồi nghe rồi ông hỏi bà Hòa:
    - Cậu Khánh đó phải là con của ông Phủ Cù hay không vậy bà?
    - Hôm trước nằm chơi tôi hỏi thăm quê quán của bà. Bà nói bà gốc Bình Phước. Bà thuật chuyện ông thân bà có đất mía, có lò đường, có nhà cửa vườn tược, huê lợi lớn lắm. Nhưng bà không có nói chuyện thưa kiện về lò đường cũng không chịu nói chồng bà là ai. Bà chỉ nói mẹ bà mất sớm, chừng bà khôn lớn cha bà gả bà lấy chồng, rồi mua nhà lầu cho vợ chồng bà ở tới bây giờ đó, không nói gả với trường hợp nào. Cách ít năm cha bà chết. Chồng bà không thể tiếp tục công việc làm ăn của ông già. Bà xin về trển mà ở. Chồng bà không cho. Cùng thế bà phải cậy một người bà con một họ về ở nhà đó mà trồng mía làm đường, mỗi năm có lời thì chia hai với bà, bởi vậy huê lợi có vài chục ngàn.
    - Trời ơi người ta nói thằng cha coi làm đó ngổ lắm mà. Phần nó kiếm mỗi năm ít lắm cũng năm bảy chục ngàn.
    - Mà người đó làm được có mấy năm rồi kế gặp cuộc hỗn độn chúng đốt nhà, đốn cây, phá lò đường tiêu tan hết.
    - Phải. Mấy năm trước ở vùng đó dữ tợn lắm. Có thứ gì còn được đâu. Tại như vậy nên chồng cô Ngọc không dám về đó mà ở lúc bình thường cũng vậy.
    - Bà nói năm kia thời cuộc có mòi yên. Dân sự bắt đầu trồng mía lại. Bà nhắn người ở trên đó xuống bà cậy thay mặt cho mướn đất dùm bà. Bà cũng có ra tiền cho người ta trồng mía và lập lò đường lại. Mùa mới rồi đây họ có chia cho bà ít ngàn.
    Ông Thái nói: "Đường bây giờ bán có giá lắm. Thời cuộc đã yên rồi. Bà có đất sẵn lại có tiền nhiều. Lên đó mướn trồng mía mà đạp đường lại mỗi năm có năm bảy muôn chớ. Từ đây lên đó chừng mươi cây số. Mình có xe hơi đi mấy hồi. Má nó nói với bà như muốn về thăm chỗ cũ thì tôi theo hộ tống cho và tôi coi nếu có thể làm ăn lại được thì má nó hùn với bà, tôi chỉ cách cho mà làm. Có địa thế tiện lợi, mỗi năm kiếm năm bảy muôn dễ như chơi, mà có tay để cho thiên hạ ăn hết thì uổng quá".
    Bà Hòa nói: "Để bữa nào vui tôi sẽ nói với bà coi. Bộ bà chán đời quá, không kể tiền bạc, không ham làm giàu. Có lẽ bà có sự ưu phiền gì đó, mà bà dấu, bà không nói ra được".
    Ông Thái cươi mà nói:
    - Chắc bà hổ thẹn lúc xuân xanh lại lấy chồng già mà chồng tuy là họ sợ kêu bằng ông lớn, song gốc là lính kín của Tây chớ gì.
    - Nếu chồng bà như vậy, sao lại sanh con là cậu Khánh, hiền lành, hiếu thảo, tử tế quá như vậy?
    - Chắc là con giống mẹ chớ không giống cha.
    Ông Giáo Hiệp nói: "Ông chủ nói có lý. Ông cả Hơn hồi trước cứng cỏi song thẳng ngay lắm, biết thương người hoạn nạn. Ông không có làm việc chi ác; mà cô Ngọc cũng không có tiếng tăm gì. Có cái ông Phủ Cù đó ổng không kể Tổ Quốc đồng bào gì hết, ổng báo thiên hạ trọc đầu. Có lẽ con ổng hồi nhỏ tríu theo mẹ. Tình yêu của mẹ không thể đặt vào ông chồng già được, nó trút hết cho đứa con thơ, bởi vậy mẹ con dan díu với nhau, rồi con theo tánh nết tâm hồn của mẹ. Tại vậy nên người ta mới nói con nhờ đức mẹ. Mà ở đời người lại nói cây đắng mà sanh trái ngọt, bởi vậy cha hồi trước hung ác mà cậu Khánh bây giờ hiền lành, việc đó cũng thường có".
    Bà Hòa ở chơi đến 10 giờ rồi bà về đặng xe đi rước sắp nhỏ.
    Buổi chiều con đi học rồi, bà đi qua nhà bà Ngọc đặng chị em nói chuyện chơi.
    Bà Ngọc mừng quá, bà nhắc chuyện cô Lý qua ngủ hồi hôm bà nói:
    - Có cháu Lý qua ngủ tôi hết buồn và bớt nhớ thằng Khánh. Chị làm ơn tối nay cho cháu Đào qua ngủ, hai cháu thay phiên với nhau mà ngủ bên tôi, được như vậy tôi cám ơn anh chị lung lắm.
    - Được mà. Hồi sớm mơi tôi có vô thăm cha sắp nhỏ. Tôi có cho ổng hay cậu Khánh đi Qui Nhơn. Ông chắt lưỡi mà than cho phận cô, ổng sợ cô buồn. Tôi có nói cậu Khánh có cậy vợ chồng tôi với hai con nhỏ ở nhà chăm nom an ủi dùm bà mẹ cậu. Tôi cảm động nên tôi hứa ban đêm tôi chia bớt một đứa qua bên nầy học rồi ở ngủ luôn với cô. Ông chịu lắm. Ông nói làm như vậy cho cô vui lòng.
    - Thiệt mấy lời cháu Lý nói với thằng Khánh hôm qua tôi cảm quá. Cháu biểu Khánh đi làm việc bổn phận đừng có lo cho ở nhà. Chị em cháu hứa sẽ chăm nom săn sóc tôi cũng như bà mẹ thứ nhì vậy. Mấy lời ấy hàm súc tình nghĩa vô cùng. Tôi có được hai đứa con gái như vậy thì chắc tôi hết buồn. Mà nếu hai cháu yêu tôi như mẹ, nghĩa là chia bớt cho tôi một mớ thương yêu sở hữu của chị, vậy chị có phiền hay không?
    - Không. Hai đứa nó có một bà mẹ thứ nhì như cô vậy thì chúng nó càng thêm vinh diệu, chúng nó có thêm người khôn ngoan thanh nhã thương yêu mà dạy dỗ chúng nó thì tôi mừng lắm chớ phiền là sao.
    - Tôi cám ơn chị. Tôi muốn biểu hai cháu kêu tôi bằng má hai, chớ đừng kêu dì hai nữa. Chị bằng lòng hay không?
    - Bằng lòng.
    - Ô! Tôi có phước quá! Vậy cũng như tôi tìm con nhỏ của tôi lại được rồi.
    - Con nhỏ nào sao cô nói nó chết?
    Bà Ngọc lơ lửng rồi nói:"Phải! Chắc nó chết mất, chết hồi còn trong tháng. Tại tôi thương nó quá, tôi buồn rầu nên sanh bịnh. May có thằng Khánh nó làm tôi bớt buồn chớ không thì tôi chết lâu rồi. Nay may gặp chị thương tôi, chị cho Đào với Lý xem tôi như mẹ thì tôi vui quá, chắc từ rày sắp lên tôi hết bịnh".
    Bà Hòa sợ bà Ngọc buồn rầu, lãng trí, nên kéo bà nọ trở lại cảnh thực tế mà nói:
    - Cô nên kiếm thế mà giải buồn, đi chỗ nầy chỗ kia chơi cho khỏe trí, chớ lục đục ở trong nhà hoài không nên. Cô muốn đi lên Bình Phước xem chỗ ở hồi nhỏ và viếng mồ mả ông bà hay không?
    - Muốn lắm chớ. Ngặt chỗ đó hẻo lánh quá, đi làm sao được. Mấy năm nay tôi có dám léo về đó đâu.
    - Cha bầy trẻ nói lúc nầy nghe nói đã yên rồi.
    - Để thủng thẳng coi.
    - Ổng nói như chị em mình muốn đi thì ổng đi theo ổng hộ tống đặng coi công cuộc trồng mía và làm đường ra sao.
    - Nếu có đi thì cũng chờ hết mùa mưa, chớ lúc nầy ướt át quá. Chừng đó mía gần đốn mình mới thấy trúng mùa hay thất.
    - Chừng nào cô muốn đi thì cho tôi hay. Vợ chồng tôi sẽ đưa cô đi. Ổng muốn coi công cuộc làm ăn thể nào để đặng ổng chỉ bảo cho cô làm chớ cô bỏ phú cho họ làm họ giựt hết.
    - Thiệt tôi ngán quá, tôi không muốn làm chi hết chị à.
    - Nếu cô sợ cực, cô không muốn làm, thì chị em mình hùn vốn với nhau rồi tôi đi làm cho.
    - Có làm việc chi cũng đợi thằng Khánh tôi nó về kìa chớ nó đi tôi buồn quá tôi không muốn tính gì hết.
    Bà Hòa cũng như chồng bà, cả hai đều hăng hái hoạt động đặng làm giàu thêm. Bà thấy bà Ngọc tinh thần trầm tệ quá, không muốn làm sanh lợi không ham cạnh tranh với đời, thì bà bỏ dẹp việc trồng mía và đương tính lập thế chữa bịnh tinh thần giúp cho bạn rồi sẽ hay. Bà khuyên bà Ngọc hoặc đi chơi cho khuây lãng hoặc phải làm việc đặng lo lắng, phải chơi phải làm mới trí giải, chớ cứ ở nhà nằm êm hoài, trí tự nhiên nhớ những chuyện không vui, để phiền não chồng chất thêm trong lòng luôn luôn lâu ngày rồi phải sanh bịnh.
    Bà Ngọc suy nghĩ cho lời của bà Hòa nói đó là đúng nên khuyên bà Hòa về thay áo và dặn sốp phơ bên nhà đừng đi rước sắp nhỏ, rồi trở qua đây lấy xe của bà, chị em đi rước sắp nhỏ chơi.
    Chiều bữa đó trời tốt, hai bà biểu sốp phơ chạy chậm chậm, chờ rước Tòng rồi lại trường thuốc rước Đào với Lý đủ hết và chạy đi chơi đến tối mới về. Bà Ngọc vui vẻ nói từ rày sắp lên bữa nào trời tốt bà sẽ đi rước dùm mấy cháu cho, rước đặng đi chơi cho khỏe trí.
    Đêm đó cô Đào qua ngủ nhà bà Ngọc, cô hay nói chuyện hơn cô Lý, bởi vậy bà Ngọc càng vui hơn.
    Từ đây về sau, Đào với Lý thay phiên nhau đêm nào cũng có một cô qua ngủ bên nhà bà Ngọc. Năm ba bữa thì bà rước con của bà Hòa một lần, rước rồi chở đi chơi. Chúa Nhựt Đào với Lý phải vô Bà Chiểu một lần thăm cha. Nhưng thăm một buổi, còn một buổi thì qua chơi với bà Ngọc, rồi bà lấy xe chở hai cô đi chơi, bà kiếm đồ mua mà cho, khi mua bóp, khi mua giầy, khi mua hàng tốt đặng may áo, còn bánh trái, thì lần nào đi cũng đều có mua hết .... Chúa nhựt bà lại thường bắt hai cô qua ăn cơm với bà, làm riết rồi hai cô cũng như con chung của hai nhà, hai mẹ đều vui lòng, mà hai con cũng thảo thuận.
    Cậu Khánh ra tới Qui Nhơn thì cậu gởi thơ về cho mẹ hay một cái và riêng cho cô Đào một cái, khuyên mẹ đừng buồn và cậy Đào với Lý làm ơn an ủi dùm cho mẹ vui. Rồi đó mỗi tuần hai nhà đều có được thơ của Khánh luôn luôn, mà được thơ, trả lời liền, thơ bên nhà bà Hòa thì khi cô Đào viết khi cô Lý viết.
    Đào mua hai khuôn kiếng thiệt đẹp mà lộng hình của hai bạn Khánh và Hoài, đặt trên bàn viết để tưởng nhớ hai bạn trẻ phải bỏ học đặng mặc nhung y xông lướt lao khổ hiểm nguy, kẻ ở góc biển chưn trời, người xông pha trong khói lửa, lo làm tròn phận sự nam tử. Vì lòng kính ái đó mà Đào và Lý đêm ngày đều lo làm cho bà Ngọc vui vẻ mà chờ con, dầu cực nhọc cho mấy cũng không nao, miễn là giữ vẹn lời hứa với bạn. Mà bà Ngọc chẳng khác nào người chìm ghe đương lặn hụp giữa vời, gặp cái gì bà cũng níu, nên bà đeo theo hai cô mà đặt tất cả thương yêu của bà, thế thì hai cô làm sao mà nguội lạnh cho được.
    Trót ba bốn tháng tình thân ái buộc chặt hai nhà, mà tin vui vẻ ngoài Qui Nhơn cũng vẫn đưa về đều đều hoài, bởi vậy bà Ngọc được sống giữa an nhàn, mà Đào và Lý cũng vui với nhiệm vụ.
    Trời đương thanh bạch tình cờ gió đưa một cụm mây áng mặt nhựt làm u ám gần xa. Một buổi trưa Đào với Lý đi học về, thấy một phong thơ của Khánh gởi về nằm trên bàn viết chưa ai mở. Cô Đào chụp mở ra rồi cùng Lý đứng đọc chung.
    Bà Ngọc lấy bức thơ chót mà đọc lại một lần rồi bà nói: "Thiệt hồi nãy tôi trách hai đứa nó không biết thương tôi, lời trách đó oan cho hai đứa gái tội quá. Hai đứa nó thương tôi lắm nên chúng nó mới dấu tôi chớ. Tôi đau trái tim, nếu hôm Khánh bị đạn, mà chị hay là hai đứa nó qua cho tôi hay liền, tôi kinh hồn lo sợ, trái tim tôi ngừng, tôi có thể chết được. Bữa nay Khánh mạnh rồi chị mới cho hay. May quá! Tôi cám ơn hết sức, cám ơn chị, mà cũng cám ơn hai đứa nhỏ nữa. Chị để mấy thơ nầy cho tôi mượn đặng tôi đọc lại chơi. Hồi nãy chị nói Khánh được thăng thưởng xứng đáng bây giờ tôi mới hiểu ý chị. Mà nó nói nó có thẹo mặt chắc nó ế vợ. Ối! Miễn còn sống là may, có thẹo hại gì mà lo".
    Bà Hòa cười mà nói: "Cậu Khánh nói chơi, chớ sao lại ế vợ. Trả nợ nam nhi mới được hai cái thẹo đó. Quý lắm chớ, ai mà dám chê".
    Bà Ngọc kéo gối mời bà Hòa nằm nói chuyện chơi. Hai bà nằm hết rồi bà Ngọc nói: "Tôi xin thưa thiệt với chị, tôi là người xấu số, bởi vậy mặc dầu ngày trước cha tôi gả tôi cho một vị Phủ hàm. Mua nhà lầu cho tôi ở, sắm xe hơi cho tôi đi chơi; chừng cha tôi chết cha tôi để lại cho tôi cả triệu bạc mặt với nhà cửa vườn đất và lò đường cuộc làm ăn sanh lợi cả chục muôn nữa. Sống trong cảnh đời giàu sang như vậy đó, lẽ thì tôi sung sướng an vui hơn người ta. Ngặt tôi có một tâm sự chua cay đau đớn nó làm cho tôi ở trong nhà thì buồn lòng thất chí, ra ngoài đường thì hổ với thiên hạ, thẹn với chị em, nên tôi không hưởng mùi phú quý được, trót gần hai mươi năm, tôi kể đời tôi là đời hư hỏng, thân tôi là thân để cho họ vui chơi, trừ con tôi ra, trong nhà không ai lấy tình yêu thành thiệt mà yêu tôi, ngoài đường ai cũng ngó tôi với cặp mắt khinh khi oán ghét. Vì vậy nên tôi rút cổ ở trong nhà không muốn ra khỏi cửa, ôm lòng đau khổ gượng sống đặng nuôi dạy con mà thôi, không biết ham muốn sự chi hết. Buồn bực mà không nói ra được, vì không có ai biết thương tôi mà tôi than thở. Mấy năm nay nhờ có chị về ở gần, chị với mấy cháu làm quen rồi qua lại chơi với tôi nên tôi quên được nỗi lòng chút ít. Từ ngày thằng Khánh tôi đi làm phận sự công dân của nước Việt, tôi nhận thấy chị với hai cháu Đào và Lý thiệt có lòng thương tôi, không thèm kể việc chi hết. Nay có cơ hội thằng Khánh chết hụt, tôi càng thấy tình yêu của chị và hai cháu đối với tôi là tình yêu thành thiệt, yêu tự trong thâm tâm chớ không phải yêu ngoài môi. Tôi cảm quá ...".
    Bà Ngọc ngập ngừng, bà ngồi dậy bà thở một hơi dài và ứa nước mắt mà nói tiếp: "Bấy lâu nay tôi không gặp một người thân biết thương tôi, đặng tôi than thở cho nhẹ bớt nỗi lòng đau khổ của tôi. Nay tôi được biết chị yêu thiệt tình, tôi muốn thố lộ niềm riêng của tôi cho chị hiểu nhưng vì ái ngại sợ chị hiểu rồi chị chê cười khinh bỉ, nên hổm nay tôi dụ dự hoài tôi không dám nói".
    Bà Hòa cũng ngồi dậy mà nói: "Làm chị em với nhau đã hơn ba năm rồi cô còn nghi bụng tôi hay sao? Cô đã cho hai nhà như một, cô đã yêu con của tôi như con của cô. Tôi cũng vậy. Nếu có việc chi cô buồn thì tôi cũng buồn, cô lo thì tôi cũng lo với cô. Sao cô lại nghi tôi chê cười khinh bỉ. Nếu cô có sa chưn sảy bước, tôi nâng đỡ không nổi thì tôi phải buồn rầu, chớ tôi nỡ lòng nào mà chê cười, cô chớ nên ngại".
    Bà Ngọc ngó bà Hòa mà nói nho nhỏ:
    - Tôi có một việc kín, hai mươi mấy năm nay tôi không dám nói cho một người nào biết. Nay tôi tin bụng chị, vậy để tôi nói cho chị nghe. Nhưng tôi xin chị biết rồi thì để bụng, đừng nói lại với anh, nhứt là đừng nói cho Đào với Lý biết, hai cháu khinh rẻ hết kính mến tôi nữa.
    - Chị em mình lớn tuổi, cô có việc buồn rầu cô nói cho tôi nghe đặng tôi kiếm thế gỡ sầu cho cô, chớ con nít nó biết gì đâu mà tôi nói với nó.
    - Tôi mồ côi mẹ sớm quá, tôi khao khát tình yêu dan díu. Cha tôi mắc bận rộn với cuộc làm ăn nên ít gần tôi, Khi tôi được 12 tuổi thì đem xuống gởi trong Nhà trắng cho tôi ăn học. Chừng tôi được 18 tuổi mới đem tôi về. Tuy có một mình tôi nên cha tôi cưng tôi lắm, song tình yêu của cha đối với con gái không phải như tình yêu của mẹ. Mẹ con khắng khít nhau, tình yêu mới mặn nồng. Cha tôi cưng tôi nên mua xe hơi để cho tôi đi chơi. Tôi tập lái xe trong ít tháng tôi lái giỏi. Nhiều khi tôi lái xe đi chơi một mình không cần sốp phơ theo. Lúc ở học dưới Sài Gòn tôi có một người bạn gái tên là cô Kim, chị em khắng khít với nhau lắm. Chừng tôi có xe hơi hễ xuống Sài Gòn thì tôi ghé thăm cô Kim ở với cha mẹ trong Bàn Cờ. Vả cô Kim có một người anh tên Trần trung Chánh lớn hơn tôi một tuổi, ảnh học giỏi ghê lắm, tôi tới thăm cô Kim thường tự nhiên quen với anh Chánh. Quen rồi nói chuyện lần lần tôi với anh Chánh yêu nhau. Ban đầu yêu với con mắt, lâu lâu trao thơ mà bày tỏ nỗi lòng. Đã có cô Kim làm trung gian, lại tôi được thong thả lái xe hơi đi chơi một mình, chị cũng hiểu tôi với phương tiện như vậy tôi với anh Chánh gặp gỡ nhau không có chi khó. Tôi vốn khao khát tình yêu, bây giờ gặp được tình yêu đắm đuối làm sao dằn lòng dè dặt cho được. Tôi thề thốt hứa hẹn với anh Chánh, hễ anh học xong rồi thì anh phải cậy mai mà nói cưới tôi. Tôi khờ khạo nên say mê ái tình mà không kể thế tình, bởi vậy khi anh Chánh học lấy đủ hai bằng tú tài rồi. Cha mẹ ảnh cậy mai nói mà cưới tôi thì rủi cha tôi đương buồn lo về sự người ta áp chế buộc phải dẹp lò đường, lại trồng mía phải bán cho hãng. Cha tôi nhứt định không chịu gả, viện lẽ rằng cha tôi bận việc ở ngoài nên cần phải có tôi trong nhà mà coi sóc việc nhà. Chị thấy khổ hay chưa?
    - Khổ lắm.
    - Cha tôi nói với người ta như vậy, còn tôi thì cha tôi nói rằng vì sự nghiệp lớn lao, cuộc làm ăn đương trục trặc, nếu phải gả tôi lấy chồng thì cha tôi lựa người thông thạo, tráo trở hay tính toán giỏi, cha tôi mới gả, đặng sau có đủ trí mà giữ sự nghiệp cho tôi, chớ gả cho con trai mới lớn lên dầu học giỏi mà không thạo cuộc làm ăn thì phải sạt nghiệp.
    - Mấy ông già xưa vì chịu cực khổ mà lập ra sự nghiệp nên lo gìn giữ cho vững chớ sao.
    - Tôi thất vọng tôi buồn quá. Ngặt lúc đó cha tôi cũng buồn, đương lo làm đơn và biểu mấy chục người trồng mía đứng chung vô đặng kêu nài về sự người ta áp chế. Cha tôi đến đâu cũng đều bị người ta bác đơn. Ổng giận ổng mướn trạng sư kiện. Bọn thực dân giận họ bày mưu thế nào không hiểu mà ít ngày Sở Mật thám Pháp sai người lên bắt cha tôi với chú Biện Tố đem về Sài Gòn mà giam. Tôi chết điếng trong lòng. Tôi chạy xuống cho ông Trạng Sư hay. Ông hỏi thăm rồi nói người ta toan buộc tội cha tôi về tội xúi dân khuấy rối cuộc trị an. Ổng giận lắm. Ổng biểu tôi về yên lòng, để ổng lo cho. Ổng sẽ viết bài báo mà phản kháng chế độ thực dân áp bức và nếu họ giải cha tôi qua Tòa Án thì ổng sẽ biện hộ, không có tội gì mà sợ. Tuy vậy mà tôi cũng lo quá, họ giam cha tôi với chú Biện Tố hơn nửa tháng rồi họ mới thả cho về. Cha tôi nói nhờ ông Phủ Cù lên bắt cha tôi hôm trước đó tra xét ổng biết cha tôi vô tội nên ổng xin thả cha tôi về, ổng lại hứa ổng giúp sức vận động dùm cho cha tôi tiếp tục trồng mía làm đường như cũ, khỏi mất quyền lợi. Không hiểu là nhờ ông Trạng sư hay là nhờ ông Phủ đó, mà nghe cha tôi được khỏi tù tội thì tôi mừng. Một bữa tôi xuống Sài Gòn kiếm anh Chánh, mà cho ảnh hay, có ý khuyên ảnh bền chí mà chờ, bề nào tôi cũng giữ lời hứa hẹn trăm năm với ảnh. Nào dè anh Chánh đã qua tây mà học rồi. Cô Kim nguội lạnh với tôi quá. Cô nói cha tôi chê nghèo không chịu gả nên anh Chánh xin học bổng đặng qua Pháp mà học y khoa. Cha mẹ của anh Chánh lại tỏ lời khinh bỉ cha tôi, nói cha tôi là hạng trượt phú để anh Chánh đi học lấy bằng Bác Sĩ rồi ảnh cưới vợ giàu sang bằng mười tôi cho mà coi. Tôi vừa hổ thẹn vừa thất tình, nên về nhà nằm dàu dàu ít bữa tức tủi quá nên muốn bịnh.
    - Giàu có lại đa tình, gặp cảnh như vậy làm sao mà không tức tủi. Có người cuồng tri họ tự vận kìa chớ. Cô ẩn nhẫn mà sống tới ngày nay là may lắm vậy.
    - Thiệt vậy, tôi không chết được là vì có một cha một con, tôi thương cha tôi quá, nên tôi không nỡ chết. Từ khi cha tôi được thả về thì ông Phủ Cù đó lên bàn tính công chuyện với cha tôi hoài, năm ba bữa lên một lần, khi thì ổng chở cha tôi đi, khi thì ổng ở ăn cơm đặng nói chuyện.
    - Ổng làm tới ông Phủ chắc ổng lớn tuổi chớ.
    - Phải. Tóc ổng đã điểm bạc, tuổi đã quá bốn mươi lăm, song ổng còn mạnh mẽ lắm. Mà có việc nầy mới thiệt là khổ chị à. Hay anh Chánh đi Tây rồi tôi mới biết trong bụng tôi có thai nghén, có thai ít nào được vài ba tháng.
    - Cha chả, rồi làm sao?
    - Khổ quá! Tôi không dám cho cha tôi biết. Còn cô Kim với cha mẹ cô thì đã khinh bỉ cha con tôi, nếu tôi cho hay thì họ chê cười thêm chớ họ thương yêu gì. Tôi bối rối ăn ngủ không được. Trong một tháng mặt mày chao vao. Tôi cứ bận áo dài mà dấu cái bụng. Cha tôi là đàn ông nên không để ý. Nhưng tôi thấy ở trong nhà hoài chẳng sớm thì muộn thế nào cũng bể chuyện, thiên hạ hay xấu hổ, cha tôi giận cha tôi đập chết, bởi vậy tôi mượn chước đau, tôi xin cha tôi cho tôi theo một chị em quen lên Đà Lạt mướn nhà ở lâu lâu mà dưỡng sức. Cha tôi cho liền. Cha tôi giao cho tôi một số bạc, đặng tôi mướn biệt thự mà ở cho rộng rãi, rước một bác sĩ coi mạch và săn sóc thuốc men, mướn người nấu ăn, đi chợ và cho phép tôi ở bao lâu cũng được, để cha tôi ở nhà lo vận động mà củng cố cuộc làm ăn cho êm rồi sẽ biểu sốp phơ lên rước tôi về. Trong mình có tiền bạc nhiều, tôi lên Đà lạt mướn nhà ở riêng và mướn đàn bà ở phục dịch. Khí hậu tốt trí được yên, tôi lấy sức khỏe lại liền, chỉ còn buồn về số phận vô duyên và hối hận tội mất nết. Trong năm ba tuần tôi gởi thơ về cho cha cứ nói ăn ngon ngủ khỏe và thơ nào cũng xin ở lâu lâu. Cha tôi có trả lời cũng không biểu tôi về. Tôi ở trển hơn 5 tháng tôi quen với một cô mụ, tôi cậy cô chừng tới kỳ sanh đến nhà sanh cho tôi chớ tôi không chịu nằm nhà bảo sanh. Cô sẵn lòng. Cô lấy tiền sắm sẵn đồ cần dùng rồi tới ngày tới giúp tôi sanh một đứa con gái.
    - Con gái hay sao?
    - Phải. Con gái mạnh mẽ lắm.
    - Ủa! Mạnh mẽ sao năm trước cô nói nó chết trong tháng.
    - Tôi nói mất, chớ tôi không nói chết.
    - A! Tôi hiểu lầm! Sao mà mất?
    - Để thủng thẳng rồi tôi sẽ nói tới. Tôi đẻ lén nên không dám khai sanh; nhưng tôi tính nuôi nó rồi ngày sau tôi sẽ dựng khai sanh cho nó. Tôi đặt tên Lý và theo họ tôi.
    - A! Chuyện thiệt kỳ! Chị em mình hồi đó không biết nhau mà sao lại hiệp ý mà đặt tên con trùng với nhau?
    - Bởi vậy chừng quen với chị, tôi nghe kêu cháu Lý, tôi nhớ con tôi quá. Sanh một năm với nhau, con tôi năm nay cũng lớn như cháu Lý đó.
    - Thôi, cô nói tiếp coi, rồi sao mà mất?
    - Con nhỏ sanh được 22 ngày tôi cho bú sữa bò, nó khứa khao dễ thương quá. Thình lình anh sốp phơ đem xe nhà lên rước tôi về. Anh trao thơ của cha tôi. Khởi đầu cha tôi nói lật đật cho tôi hay đặng tôi mừng, nhờ có ông Phủ Cù vận động dùm nên sự cha tôi kêu nài được thắng lợi hoàn toàn. Cha tôi được quyền tự do trồng mía làm đường bán như cũ, lại còn có quyền kiểm soát các lò đường hiện hữu trong vùng nữa. Vậy sở lợi của cha tôi khỏi mất chút nào mà có lẽ được thêm nữa, cha tôi dạy tôi phải lên xe mà về liền đặng coi sóc việc nhà vì cha tôi mắc lò đường với sở mía. Tôi bối rối hết sức. Xe hơi lên rước tại sao mà không về? Đi nghỉ dưỡng sức đã hơn sáu tháng rồi, lấy cớ gì mà xin ở nữa? Mà Đà Lạt mướn người ta nuôi thì làm sao mà tới lui mà thăm viếng? Con là máu thịt bỏ nó mà về một mình, sẽ thương nhớ chịu sao nổi?
    - Việc của cô khó xử thiệt.
    - Khó quá. Tôi kêu anh sốp phơ mà nói có về thì tôi phải thâu xếp mọi việc, trả nhà cửa, thôi mướn người ở, tính tiền bạc cho thanh thỏa rồi mới về được. Vậy anh cất xe ăn no rồi đi chơi. Đôi ba bữa tôi thanh toán mọi việc rồi sẽ về. Ảnh thấy con nhỏ ảnh hỏi con ai vậy. Tôi nói có chị giá chồng nên nghèo quá, sanh con chị nuôi không nổi, chị kiếm người chị cho đặng lấy chút đỉnh tiền mua gạo mà ăn. Tôi động lòng lại thấy con nhỏ dễ thương; nên tôi xin tôi nuôi chơi. Tôi giúp cho chị một trăm đồng bạc, chị cám ơn hết sức.
    - Cô nói như vậy nghe xuôi quá.
    - Anh sốp phơ tin hay không tôi không biết. Nhưng tôi thấy ảnh chúm chím cười, rồi ảnh đi chơi. Đêm đó tôi nghĩ cái thuyết của tôi bày mà dối đó có lý. Đem con nhỏ về rồi tôi cũng nói với cha tôi như vậy, có lẽ cha tôi cũng tin. Tôi nhứt định đem nó về. Về phần tôi thì nhờ bác sĩ tiêm thuốc tôi đỏ da nở thịt, tôi trang điểm thêm chút đỉnh thì không còn dáng đàn bà đẻ mà sợ người ta dị nghị. Tôi trả nhà cửa, cho tiền chị ở, sắp đặt đâu đó xong xuôi hết, mua một cái rương mây đựng mền tả áo khăn, cùng vật liệu của con nhỏ vô rồi trưa bữa sau nữa mới lên xe mà về, tính về lối sáu bảy giờ sẽ tới nhà, không cần về sớm. Thiệt lúc chạng vạng xe mới về tới. Trong nhà đã đốt đèn rồi. Cha tôi nghe xe vô sân thì bước ra đứng ngó. Thấy tôi bồng con nhỏ bước lên thềm. Cha tôi ngạc nhiên hỏi con của ai vậy. Tôi làm gan cười và đáp mạnh dạn: "Con của người nghèo họ nuôi không nổi, họ đem bán đặng lấy tiền mua gạo ăn. Thấy con nhỏ dễ thương, lại muốn giúp cho kẻ nghèo đói nên con cho họ một trăm rồi con bắt đứa nhỏ nuôi chơi. Mấy tháng nay ở nhà cha mạnh hả cha?". Tôi vừa nói vừa bồng em đi luôn vô nhà. Cha tôi đi theo và nói: "Chơi cái gì kỳ cục vậy? Mua chim cò hay mèo chó mà chơi thì có lý, chớ gái chưa có chồng, đi vắng hơn nửa năm rồi bồng con về thiên hạ họ dị nghị mà mang xấu chớ chơi. Đem nó mà cho người khác nuôi, như không ai chịu lãnh, thì đem giao cho nhà nuôi mồ côi cho họ tiền chắc họ lãnh". Thấy cha tôi giận, tôi không dám cãi. Cha tôi bỏ đi ra ngoài. Tôi kêu chị bếp mượn nấu nước sôi rồi tôi khuấy sữa cho con nhỏ bú. Chị bếp dọn cơm mời tôi ăn, nói cha tôi ăn hồi chiều rồi. Con nhỏ bú rồi ngủ. Tôi bồng nó vô phòng tôi mà để nó trong mùng đặng tôi đi ăn cơm. Cử chỉ của cha tôi làm cho tôi lo buồn quá, ăn giống gì được. Nhưng sợ gia dịch trong nhà họ nghi, tôi không dám khóc và phải ráng nuốt nửa chén rồi rút vô phòng. Tôi ngồi nhìn con tôi, nước mắt tôi tuôn dầm dề. Tôi thầm nghĩ chắc tại tôi làm gái mà không biết giữ tiết trinh, nên trời Phật mới phạt tôi phải chịu đau khổ như vầy. Cha tôi hầm hừ quá, tôi không thể để con tôi trong nhà mà nuôi được. Mà đem nó đi đâu bây giờ? Nếu tôi xa con tôi, thì chắc tôi chết chớ sống làm sao được. Một bên là cha một bên là con, hai bên đều chung một máu thịt với tôi. Tôi thương đồng hết. Tôi không biết phải vì bên nào mà bỏ bên nào. Tôi thấy cuộc sống của tôi từ đây là một chuỗi ngày ảo não sống đặng chịu buồn thảm chớ vui sướng gì.
    - Nghe cô thuật chuyện tôi động lòng quá. Tôi gặp hoàn cảnh của cô đó, thiệt tôi cũng không biết liệu làm sao. Chắc cô bồng con nhỏ đem giao cho bên nội nó rồi họ bỏ lạc mất hay sao?
    - Không được chị à. Tôi cũng có nghĩ tới cách đó, mà tôi nhắm không tiện. Họ ghét cha con tôi quá họ thương yêu gì con tôi mà họ lãnh họ nuôi. Họ bỏ, họ không thèm nhìn cho tôi mang xấu mà trả thù chơi, tôi càng hổ thẹn thêm nữa. Không được. Ví dầu họ có lãnh họ nuôi đi nữa, vì họ ghét cha con tôi, hoặc họ dùng đứa con nhỏ đó làm bằng cớ mà bia cái xấu của tôi, hoặc họ hất hủi nó tội nghiệp. Mà đem con giao cho nhà nuôi mồ côi mà nuôi, càng tội nghiệp hơn nữa, con có cha mẹ còn sống đủ hết, cha học giỏi có danh, mẹ có cơm tiền chớn chở. Mà bỏ nó sống chung với đám con nít hoang đàng vất vả tôi nhớ tới tôi chịu không nổi. Còn đem nó mà cậy bà con hoặc người quen trong xóm nuôi dùm, tôi cho người ta tiền và tôi tới lui mà thăm viếng thì thiên hạ biết cái nhục của tôi hết, thôi thì để trong nhà mà nuôi cũng vậy, giao cho người khác làm chi. Tôi tính lẩn quẩn không có đường ra, nên tôi ôm con nằm mà khóc, khuya rồi người nhà đóng cửa đi ngủ hết. Cha tôi kêu tôi ra ngoài biểu tôi ngồi rồi nghiêm nghị nói: " Cha nhứt định rồi. Sáng mai con phải đem đứa nhỏ mà cho người khác nuôi, không được để trong nhà, kỳ lắm. Cha biểu con phải nghe lời". Tôi biết tánh ông già tôi nghiêm, mà lại gắt lắm. Thuở nay trong nhà có việc chi hễ ông quyết định thì phải làm theo, không ai dám cãi, bởi vậy tôi nghe ông dạy thì tôi khóc òa mà nói.
    - Tội nghiệp con lắm cha à. Con nuôi con nhỏ hổm nay con thương nó lắm, con không đành giao cho người khác nuôi.
    - Cha biểu phải bỏ. Con đừng có cãi. Cha đã hứa gả con cho người ta rồi. Nếu con để mà nuôi lòng thòng thiên hạ dị nghị ai mà thèm cưới con.
    - Trời ơi! Cha hứa gả con cho ai? Con không chịu lấy chồng đâu.
    - Sao lại không chịu lấy chồng? Hễ chồng cưới rồi thì con được người ta bẩm dạ, gọi con là bà Phủ liền, cha đương trả giá mua một cái nhà lầu dưới Sài Gòn cho vợ chồng con ở, sang trọng quá, con còn làm núng?
    - Bà Phủ gì?
    - Cha đã hứa gả con cho ông Phủ Cù, là ân nhân của cha.
    - Phải người lên bắt cha đem xuống giam rồi sau cha về người đó lên ăn cơm nói chuyện với cha mấy lần đó hay không?
    - Phải. Người đó đa.
    - Trời ơi! Người đó tóc bạc, tuổi đáng cha của con mà gả nỗi gì?
    - Mới bốn mươi ngoài, chưa tới năm mươi mà già cả gì. Để cha nói cho con nghe. Cha nhờ ông Phủ Cù cứu nên cha khỏi tù tội, rồi ông còn vận động cho cha tiếp tục trồng mía làm đường như cũ, cha khỏi thất lợi, mà còn được thêm quyền kiểm soát mấy lò đường nhỏ trong vùng nữa. Ổng là đại ân nhân của nhà mình. Cha đền ơn mấy chục ngàn ông cũng không chịu lấy, ổng chỉ xin cưới con mà thôi.
    - Ổng khôn lắm. Ổng biết cha có tiền bạc nhiều, có sự nghiệp lớn lao mà cha sanh có một mình con. Cha đền ơn ổng lấy làm chi. Ổng cưới con đặng ổng ôm hết bạc tiền sự nghiệp của cha mới no chớ.
    - Con đừng có nói dại như vậy. Ổng cũng có tiền bạc nhiều, chớ phải ổng nghèo cực gì hay sao. Mà chánh cha cũng muốn gả con cho ổng là người lớn tuổi thạo đời sẵn khôn ngoan, biết mưu kế. Con phải có người chồng như vậy mới đủ tài trí mà giữ sự nghiệp cho con. Gả con cho hạng trai trẻ nó ham chơi bời, biết xài phí, chớ có hiểu cuộc đời, có thạo việc gì đâu mà kế nghiệp cho cha được. Con đừng có cãi cha phải bỏ đứa con nhỏ mà ưng ông Phủ, trước con đền ơn cho cha sau con có người giữ sự nghiệp cho bền vững.
    Tôi biết cha của tôi lo chăm chú làm giàu, có lợi thì mừng, thất lợi thì tức. Tôi không thể lấy lời mà cãi được nên tôi phải nói thiệt:
    - Thưa cha, con thú thiệt với cha đứa nhỏ nầy là con của con. Con không thể bỏ nó mà ưng ông Phủ Cù được.
    - Hả? Con nhỏ nầy là của con đẻ? Thiệt vậy hay sao?
    - Thưa thiệt vậy.
    Cha tôi nổi giận vỗ bàn đứng dậy, mắt ngó tôi lườm lườm mà nói: "Trời đất! Làm xấu làm hổ quá! Sanh con đặng nó phá nhà mà! "Cha tôi bỏ mà đi qua đi lại trong nhà. Tôi ngồi tôi khóc không dám nói gì nữa.
    Cha tôi đi một hồi lâu rồi lại đứng trước mặt tôi, mắt nhìn tôi trân rân. Tôi chắc sẽ bị đòn, tôi biết tôi đáng phạt nên tôi sẵn sàng chịu cho cha tôi đánh chửi đặng cha tôi đã nư giận, tôi không thèm kể thân tôi nữa. Nào dè tôi liếc mắt thấy cha tôi đứng nhìn tôi mà không rầy la lại hai giọt nước mắt chảy xuống mặt. Tình cảnh ấy làm cho tôi xúc động cực điểm, tôi khóc ra tiếng. Tôi sụp xuống vừa lạy vừa nói: "Tội con lớn lắm dầu cha đập chết, con cũng ưng bụng chớ con không dám phiền cha. Nhưng con của con đẻ nó là máu thịt của con nên con thương nó quá. Nếu con bỏ nó thì con phải đau đớn trọn đời, biết chi vui sướng nữa mà lấy chồng".
    Cha tôi cúi xuống nắm cánh tay tôi đứng dậy, biểu tôi ngồi lại rồi cha tôi kéo ghế ngồi một bên tôi. Bây giờ nhắc lại cảnh nầy dường như tôi đương thấy trước mặt vậy mà tôi không quên chút nào hết. Cha tôi lấy vạt áo lau nước mắt rồi chậm rãi nói: "Tội con làm thiệt lớn lắm, con gái chỉ có trinh tiết là trọng hơn hết. Con không biết giữ gìn con lén cha mà lấy trai đến có chửa, rồi thừa lúc cha đương bối rối về cuộc làm ăn lớn lao của cha con nói gạt đặng lên Đà Lạt ở mà đẻ cho khuất mắt thiên hạ. Chớ chi con đẻ rồi con kiếm người ở trển con cho phứt đứa nhỏ cho họ nuôi, con về đây một mình, cha không dè, thiên hạ cũng không biết, thì cái hư của con một mình con chịu hổ thầm trọn đời con, cha khỏi xấu hổ với người tôi tớ trong nhà, mà ra đường cha cũng còn dám ngó ngay thiên hạ.
    Con lại bồng dứa con nhỏ đem về nhan nhản! Xấu hổ quá! Con là con nhà giàu có, mà con lấy trai đến chửa hoang đẻ lạnh, đời con còn có giá trị gì nữa đâu. Giá của con bây giờ không bằng mấy đứa con gái nghèo trong xóm cha mướn đánh lá mía cho cha thuở nay đó, con có ra cái gì đâu. Người giàu sang tử tế ai thèm cưới thứ gái hư gái lấy trai mà mong gả. Mà chớ chi con làm quấy con mang xấu một mình con cho đáng tội. Con lại kéo luôn cha xuống vũng sình lầy hôi thúi nữa, con làm cho cả ông bà cha mẹ, cho cả tông môn họ Cao nữa mới khổ".
    Cha tôi nói tới đó rồi tức tửi nên khóc ngay, không nói được nữa. Tôi cũng khóc, lại khóc nhiều hơn hồi nãy nữa bởi vì cha tôi không đánh chửi, lấy lời dịu ngọt mà hài tội tôi, chỉ hậu quả tội ấy, làm cho tôi thêm cảm xúc, thêm hối hận.
    Cha tôi biểu tôi nín rồi nói tiếp: "Cha nói việc con làm nó nhục cho con, mà nhục luôn đến cha, nhục cho cả tông môn nữa, nói như vậy không phải cha muốn đổ trút hết tội lỗi cho con chịu. Cha xét mình, cha thấy cha cũng có tội trong đó hết phân nửa, tội cha thương con, cha cưng con quá đỗi, nên mới ra cớ sự như vậy. Vì thương con quá, nên cha vùi đầu trong cuộc làm ăn, cứ lo hốt tiền bạc cho nhiều đặng để ngày sau con an hưởng cho sung sướng. Mẹ con mất sớm không người chăm nom dạy dỗ con. Vì thương con nên cha không chịu cưới vợ khác đặng người thế cho mẹ con mà chăm nom con. Cha lại cứ lo làm giàu chớ không lo dạy dỗ con. Chừng con trộng rồi cha không cho học nữa, cha lại cưng con thái qua, cha sắm xe hơi cho con đi chơi thong thả, cha cứ đút nhét tiển bạc cho con, muốn bao nhiêu cũng được hết. Tại cái thương mù quáng, cái cưng lỗi thời đó nên bây giờ con mới hư thân, có tiền bạc nhiều mà không bằng ai hết, thua tới sắp con gái nhà nghèo, tay lấm chưn bùn, áo quần rách rưới nữa.
    Cha nghĩ đời con hư hỏng, cha cũng có tội một phần nhiều. Bởi vì lòng cha thương con minh mông không có giới hạn, để cho con tự do nên con mới làm xấu cho cha được. Bây giờ con có con, tự nhiên con thương nó, cha cản sao được, vậy nếu con không đành bồng nó đem cho người khác thì con để mà nuôi. Đời cha đã tới mức chót rồi ai khen ai chê cũng không đáng kể. Còn việc gả con lấy chồng nếu con chê ông Phủ Cù già, con kiếm coi có người nào xứng đôi vừa lứa với con, mà lại sang trọng hơn ông Phủ, nếu họ sẵn lòng cưới con làm vợ, thì con biểu họ tới đây mà nói, cha sẽ gả con cho họ liền. Ơn nghĩa của ông Phủ đối với cha thì cha năn nỉ với ông mà đền đáp cách khác. Dầu ông có phiền ông không thèm nâng đỡ cha nữa thì cha chịu, chớ biết làm sao ".
    Cha tôi nói tới đó, con nhỏ tôi khóc óe lên, cha tôi biểu tôi vô dỗ nó, đừng để nó khóc, chòm xóm họ nghe rồi họ nói nhiều chuyện. Bà Ngọc ngừng đặng rót trà mời khách uống với bà. Bà Hòa nói: "Ông cụ không rầy la ông nói xuôi xị mà tôi thấy cô khó xử lắm". Bà Ngọc nói: "Bởi vậy đến đó tôi muốn bạc đầu. Thà là đánh chửi dễ chịu hơn. Tôi vừa khuấy sữa cho con nhỏ bú, vừa suy nghĩ việc của tôi, bây giờ nó phân ra hai điều riêng biệt, thứ nhứt: phải rứt bỏ con nhỏ mà làm mặt trong sạch cho cha tôi gả lấy chồng; thứ nhì phải ưng ông Phủ Cù cho cha tôi khỏi thất ước được trọn ơn nghĩa lại sau có người khôn lanh thông thạo mà giữ gìn sự nghiệp. Tôi thương con tôi quá, bỏ làm sao được. Còn ưng ông Phủ thì tình yêu của tôi đã khô héo, lại ông Phủ lớn đáng cha tôi, làm sao tôi yêu ổng được mà tôi ưng ổng. Nếu không chịu làm hai điều đó thì cha tôi mang tiếng xấu với thiên hạ, mà còn sợ ông Phủ Cù thất vọng rồi gây hoạ nữa. Khổ lắm chị ơi! Chớ chi ở cái chòi trên rừng sâu, hoặc ở cù lao ngoài biển cả, không gần gũi với ai hết, thì tôi âm thầm nuôi con nhỏ, hủ hỉ với cha già, tình hiếu vẹn toàn, đời sống có lẽ cũng còn vui vẻ được. Ngặt sống giữa thiên hạ, phải giữ danh giá phải lo liệu làm mặt trong sạch, phải dấu việc hư hèn, dầu gian cũng phải làm bộ ngay, dầu xấu xa cũng phải tô điểm cho ra tươi tốt, tại vậy nên mới khổ.
    Con tôi ngủ êm rồi. Tôi lóng ngóng nghe trong nhà im lìm. Tôi lén bước lại cửa buồng mà ngó ra ngoài. Đèn lu lu, cha tôi nằm ngay trên ván hút thuốc, chớ chưa vô mùng mà ngủ. Tôi trở vô ngồi ngó ngọn đèn mà suy nghĩ. Tôi bình tâm định trí tính trót mấy giờ, quyết tìm cho được mối đường phải thoát thân, cho nhẹ bớt tội lỗi đối với cha tôi. Tôi nghĩ phải có cha tôi sanh tôi rồi tôi mới sanh con tôi được. Tuy trên thương cha, dưới thương con, hai gánh đều nặng, song tôi không được phép vì thương đứa nhỏ còn nằm ngo nghoe mà để ông cha già, tóc bạc hoa râm, răng đã rụng bộn, phải ôm lòng che mặt mà chịu buồn rầu nhục nhã. Còn thân tôi bây giờ là gái hư, còn tốt lành gì mà mong có chồng tử tế. Anh Chánh là người hứa hẹn với tôi ảnh đã giận bỏ đi mất rồi, đi mà ôm theo tấm lòng oán ghét, ảnh còn thương yêu gì mà trông. Gặp ảnh lại càng thêm hổ thẹn chớ vui vẻ gì mà chờ đợi. Vậy xuôi thuận theo ý cha tôi định: phải dấu biệt con tôi đẻ và ưng làm vợ ông Phủ Cù, đó là con đường duy nhứt cho tôi thóat khỏi vũng sình hôi thúi, lại còn được chữ hiếu với cha, mà có lẽ cũng còn được người chồng dầu không vừa lứa xứng đôi, song cũng an thân khỏi nhục.
    Nghĩ tới con đường đó tôi cảm thấy trong lòng tôi được nhẹ nhàng, trí tôi bớt rối rắm. Tôi tính sẽ bước chưn vào đó mà tìm ngã ra. Tôi lén bước lại cửa buồng coi như cha tôi còn thức thì tôi thưa cho cha tôi hay đặng cha tôi bớt ưu phiền. Đèn vẫn còn lu lu, cha tôi vẫn còn nằm trên ván, nhưng nằm im lìm chắc đã ngủ. Tôi lẻn bước lại gần, thấy cha tôi ngủ mà một cánh tay gác qua trán, mái tóc điểm bạc, hàm râu le the tôi xúc động quá, lật đật chạy vô buồng ngồi suy nghĩ nữa. Bây giờ tôi quyết định rồi, tôi phải làm theo ý cha tôi cho cha tôi khỏi buồn, phận tôi may rủi tốt xấu lẽ nào tôi cũng vâng chịu, tôi không phép dụ dự nữa.
    Mà dấu biệt con tôi với cách nào?
    Cậy người quen nuôi dùm nó đặng lâu lâu lén tới mà thăm. Làm như vậy người ta biết, thì cha con tôi cũng không tránh tiếng xấu được.
    Đem xuống Sài Gòn mà giao cho cha mẹ của anh Chánh nuôi. Cha mẹ với em gái ảnh đã khinh khi oán ghét tôi. Họ có thèm lãnh đâu mà giao.
    Đem vô nhà nuôi mồ côi mà cho. Họ nuôi chung với trẻ nhỏ hoang đàng tội nghiệp thân con tôi lắm.
    Đem đến chỗ xa lạ hỏi có ai chịu nuôi con nhỏ thì cho đứt họ đặng biệt tích. Nghĩ đến cách nầy tôi dụ dự. Đi hỏi từng nhà thì người ta nghi hoặc phải đến làng mà làm tờ giấy thì thêm khổ. Nếu cho người ta tiền đặng họ ham tiền mà nuôi. Nuôi như vậy họ có thương yêu gì, nhỏ thì bỏ bù lăn bù lóc, còn tiền thì nuôi, hết tiền thì thôi, lại lớn lên họ bắt làm tôi làm mọi cho họ, hoặc họ đợ đặng lấy tiền mà ăn. Đời con nhỏ phải chịu cực khổ, có lẽ bóp mũi cho chết phứt bây giờ mát thân nó hơn là để nó sống trong cảnh bùn than khổ não.
    Tôi tính tới tính lui đến đồng hồ gõ 3 giờ, tôi mới quyết định: ban đêm lựa đường vắng vẻ lén đem để nó bên lề với một bức thơ tha thiết yêu cầu ai gặp con tôi thì làm phước đem về dấu mà nuôi dùm. Phải để theo con nhỏ một số tiền đặng có sẵn cho người ta nuôi. Tôi sẽ cậy nuôi nó thì xin thương yêu, dạy dỗ dùm đặng chừng nó lớn khôn thì nó biết làm ăn, khỏi vất vả cực khổ. Số tiền đó nếu để năm ba trăm, sợ tiền mau hết, rồi người ta hết thương yêu. Vậy phải đính theo một số tiền cho lớn, đặng người ta nhớ hoài, không nỡ hất hủi con tôi. Tôi nhứt định như vậy rồi dở mùng vô nằm với con,.. tôi yên trí nên tôi ngủ quên ".
    Bà Hòa ngồi chăm chú nghe, khi nghe cô Ngọc có chửa mà cậu Khánh bỏ đi Tây thì bà phát nghi bà nầy là mẹ của cô Lý rồi; chừng nghe tới bà nọ nói sanh con gái đặt tên Lý thì 10 phần đã chắc trúng hết 9 phần. Nhưng cứ làm thinh ngồi nghe, không chịu nói chi hết. Đến khi bà Ngọc quyết định đem con mà bỏ trên lề đường với một bức thơ và một số bạc lớn cậy ai gặp thì làm phước nuôi dùm, chừng đó hết nghi ngờ gì nữa, song chúm chím cười mà thôi, chớ cũng không chịu nói ông Thái gặp đứa nhỏ đem về nuôi, nó là con Lý bây giờ đó; bà có ý phải nói chồng hay trước coi chồng liệu lẽ nào chớ bà không dám tự chuyên.
    Bà Ngọc mới nói tiếp rằng sáng bữa sau bà thức dậy mắc làm sữa cho con bú. Chừng xong rồi bà ra ngoài thì ông già đã đi thăm sở mía. Đến trưa cha về ăn cơm. Bà to nhỏ nói cho cha hay bà sẽ làm y theo lời cha dạy, bà không dám cãi, bà xin cha cho 5 ngàn đồng đặng chiều nay bà chở con nhỏ đem đi mướn cho người ta nuôi. Ông già châu mày gặc đầu rồi đi vô buồng ông mà mở tủ sắt. Ông kêu bà vô, chỉ tiền bạc mà nói: "Muốn lấy bao nhiêu tự ý con, miễn nội buổi chiều nay phải đem con nhỏ khỏi nhà đừng có để lâu thiên hạ hay biết".
    Bà đếm lấy 5 ngàn, rồi trở về buồng ngồi viết thơ. Bà đã cương quyết cắt chùm ruột mà quăng cho tròn đạo hiếu với cha và cho hạp với con mắt của thiên hạ, rồi kéo tấm màn che khuất dĩ vãng mà hát lớp khác cho người ta xem, dầu dở, dầu hay cũng phải hát, hát cho giống người ta mới gọi là hạp thời. Buổi chiều đó bà tom góp đồ của con nhỏ mà bỏ vào cái rương mua trên Đà Lạt đựng đồ đem về đó. Ăn cơm chiều rồi bà làm sữa cho con nhỏ bú no, làm thêm một ve nữa đặng đem theo. Bà thay đồ sửa soạn mà đi, bà đau đớn lắm nhưng bình tĩnh không buồn không khóc. Mặt trời chen lặn, bà mượn chị nấu ăn bưng cái rương ra để trên xe hơi rồi bồng con ra đặng thưa với cha mà đi. Té ra ông cha đã bỏ đi đâu rồi. Bà ra mở xe để con nhỏ nằm một bên rồi nắm tay lái cho xe đi ra lộ, cặp mắt đỏ au ruột gan bầm giập.
    Bà lái xe xuống Bà Chiểu rồi qua Phú Nhuận không thấy chỗ nào tiện. Bà xuống Sài - Gòn thì đèn đường đã cháy đều hết rồi. Bà nhớ đường Thị Nghè vô Bà Chiểu hễ tối thì vắng vẻ. Bà mới đi qua đó, tới khúc quanh ra Bà Chiểu không có nhà cửa, bà mới ngừng xe sát đường bên lề, bồng con nhỏ mà khóc. Bà hun hít con một lần chót đặng mẹ con từ biệt. Bà lấy ve sữa cho con bú thêm cho no. Bà để con nằm trên xe, bà bước ra bưng rương đồ để trên lề đường. Bà dỡ ra để bao thơ với 5 ngàn đồng bạc trong cái mền lót ở dưới, soạn mấy gói áo khăn mền, tã, coi đủ hết, rồi bồng con khóc mà hun một lần cúi cùng. Bà để con nằm trong rương, lấy gói mền kê nắp rương cho con khỏi ngộp. Bà chắp tay xá bốn phía van vái trời phật phò hộ tánh mạng con bà, xui khiến cho người từ thiện gặp đem con bà về nuôi cho tử tế.
    Bà bịn rịn đứng khóc rất lâu, không nỡ bỏ mà về. Chừng nhớ lại ông cha già ở nhà, bà phải đè lòng yêu con, dở rương dòm nó một lần nữa, rồi đứng dậy vội vã lên xe phựt đèn mở máy mà đi, xác thì lái xe về Bình Phước, mà hồn thì vởn vơ ở chung quanh cái rương bên lề đường Thị Nghè. Bà Ngọc nói tới đó rồi khóc. Bà Hòa nghe bạn thuật tình cảnh thê thảm não nề quá, bà động lòng nên cũng khóc.
    Cô Đào với cô Lý đi học về nghe người nhà nói mẹ đi qua chơi bên nầy, nghi mẹ qua nói chuyện cậu Khánh, nên hai cô liền đi qua đó đặng sẵn có mẹ mà xin lỗi với bà Ngọc cho rồi. Hai cô bước vô thấy hai bà đương khóc thì hai cô vội đứng lại không hiểu có việc chi. Bà Hòa kêu mà nói: "Hai con vô đây. Má xin lỗi với má hai dùm cho con rồi. Má Hai không giận đâu mà sợ ".
    Cô Đào hỏi: "Vậy chớ có việc chi mà hai má khóc hết? Cậu Khánh có nói việc chi buồn hay sao? ".
    Bà Hòa liền nói: "Vui cũng khóc được vậy. Có việc chi buồn đâu con".
    Bà Ngọc tưởng bà Hòa muốn khỏa lấp chuyện buồn bà thuật nãy giờ không cho hai trẻ biết nên bà tiếp nói: "Thằng Khánh bị đạn nằm nhà thương mà hổm nay hai con dấu không cho má Hai biết. Má Hai thấy hai con thành thiệt yêu má Hai, sợ Má hai buồn lo rồi sanh bịnh. Má Hai cám ơn lắm, chớ kông có giận hai con đâu".
    Bà Hòa mượn cớ phải ăn cơm sớm đặng đi vô Bà Chiểu, nên bà đứng dậy từ giã mà về với hai con, hứa bữa sau sẽ qua nói chuyện chơi nữa.
    
    

- o O o -

    
    Đựơc nghe bà Ngọc tỏ hết tâm sự, bà Hòa khoan khoái nửa mừng nửa tiếc, mừng được biết gốc tích của cô Lý, được biết bà Ngọc là mẹ ruột của Lý, mà cũng là người ơn của vợ chồng bà, nhưng cũng tiếc là vì thuở nay vợ chồng làm ăn phát đạt thường bàn tính với nhau hễ người nào giàu có tử tế trưng đủ bằng cớ xác thật mà nhìn Lý là con, thì sẽ giao Lý lại. Bây giờ Lý đã nên vai nên vóc học thức sắp đầy đủ tánh nết chẳng thua ai, mình biết chắc chắn bà Ngọc là mẹ của Lý rồi, vậy nên làm lơ để mình dành luôn hay không. Con như vậy, mà trả cho người khác làm sao lại không tiếc.
    Trong lòng lộn xộn, bà Hòa muốn gặp chồng cho mau đặng dọ ý chồng. Ăn cơm tối rồi bà hỏi bữa nay tới phiên ai qua ngủ chơi với bà Ngọc. Đào chỉ Lý. Bà cười và biểu Lý qua cho sớm kẻo má Hai trông rồi bà ra xe mà đi Bà Chiểu. Tòng nói bữa nay không có bài làm hay bài học nên đòi đi theo. Bà không cho. Bà biểu ở nhà chơi với Đào bà vô một chút rồi bà về liền.
    Ông Thái nhắc ghế để trước cửa tiệm ngồi hứng gió mát hút thuốc phì phà ngó xa qua lại mà chơi. Bà Hòa vô tới, xe vừa ngưng thì bà mở cửa bước ra, thấy chồng bà liền nói:
    - Buổi chiều nay tôi nói cho cô hay rồi. Cô cảm tình tôi với hai đứa nhỏ rồi cô nói hết tâm sự của cô cho tôi nghe. Chuyện kỳ cục lắm nên tôi lật đật vô cho cha nó hay đây. Ông Giáo có ở nhà hay không?
    - Ổng đi thăm cháu, mới ra đi chưa được 15 phút.
    - Tiện lắm, vậy để tôi thuật chuyện cho cha nó nghe.
    Bà bước vô tiệm xách một cái ghế để khít một bên ông mà ngồi nói:
    - Cô Ngọc đó là mẹ của con Lý. Bữa nay nói rõ cho tôi nghe rồi. Chắc chắn như vậy, không còn điểm gì mà nghi ngờ nữa.
    - Ủa! Sao năm trước cô nói với má nó rằng cô có một đứa con gái đầu lòng, một tuổi với hai đứa nhỏ của mình mà rũi nó chết hồi trong tháng, nên thấy hai đứa nhỏ của mình cô thương nhớ con của cô.
    - Cô nói cô "mất". Tôi hiểu lầm, tôi tưởng "chết mất". Bây giờ cô nói rõ lại, té ra cô "bỏ mất" chớ không phải chết.
    - A! Cô nói làm sao mà má nó dám chắc cô là mẹ của con Lý?
    Bà Hòa mới thuật chuyện bà Ngọc nói hồi chiều cho chồng nghe, nhứt là thuật rõ cái đoạn sau, từ lúc cậu Chánh là tình nhơn xin cưới cô Ngọc. Ông già cô không gả, cậu bỏ đi Tây học thêm. Cô Ngọc biết có nghén đi tìm Chánh, bị cha mẹ và em Chánh giận ghét. Cô Ngọc kiếm chước lên Đà Lạt ẩn núp, sanh một con gái đặt tên Lý, rồi cha cho xe lên rước về, ép buộc phải giấu biệt đứa con nhỏ, đặng cha gả lấy chồng. Vì phải trọn đạo với cha và phải cứu danh giá, thừa lúc đêm tối đem bỏ bên lề đường tại khúc quanh Thị Nghè ra Bà Chiểu với một bức thơ và 5 ngàn đồng cậy ai được con nhỏ thì làm phước dấu mà nuôi dùm.
    Ông Thái nghe mới bao nhiêu đó thì ông nói:
    - Cô Ngọc nói như vậy thì quả cô là mẹ con Lý rồi, còn nghi ngờ giờ nữa, mẹ nó có nói thiệt cho cô biết hay chưa?
    - Chưa. Cô nói, tôi cứ ngồi nghe, tôi không dám nói gì hết. Tôi muốn hỏi coi cha nó liệu lẽ nào, chịu cho cô nhìn con hay không rồi tôi sẽ nói, có gấp gì đâu.
    - Bộ cô có hối hận mà tiếc đứa con hồi trước hay không?
    - Cô thường nói vì đứa con mất đó mà mấy chục năm nay cô buồn rầu đến sanh bịnh, sao lại nói không thương tiếc.
    - Có thương tiếc sao từ hồi đó đến giờ cô không đi tìm kiếm nó?
    - Cô mới nói chuyện đi bỏ con bên lề đường chỗ khúc quanh Thị Nghè, cô lái xe mà về có đứt ruột nát gan, như người sống mà không có hồn. Kế đến Đào với Lý đi học về chạy qua kiếm tôi nên phải ngưng câu chuyện. Tôi chưa kịp hỏi coi cô có đi kiếm hay không.
    - Má nó có nói cho Đào với Lý biết hay không?
    - Không, không. Chưa cho cô Ngọc nhìn con mà cho con Lý biết sao được. Cha nó chịu nói thiệt cho cô Ngọc biết, rồi như cô có xin lại, mình giao cho cô hay không?
    Ông Thái lấy một điếu thuốc mà ngậm, chậm rãi quẹt hột quẹt đốt lửa mà hút đặng suy nghĩ rồi ông mới nói:
    - Tôi gặp cái rương trong đó có con Lý với tã mền chăn gối đủ thứ. Tôi chở về nhà rồi vợ chồng mình soạn ra coi lại có năm ngàn đồng bạc với một bức thơ không ký tên, không biên địa chỉ, cậy bông lông ai gặp được cái rương đó thì dấu mà nuôi dùm con nhỏ, yêu cầu có hai điều là thương yêu và dạy dỗ nó vậy thôi. Lúc đó nhà mình nghèo chí để tôi làm công trong sở Ba Son mỗi ngày có 90 xu, trừ chúa nhựt nghỉ không có lương. Mẹ nó mắc sanh con Đào không đi mua bán được, lại có bịnh không có tiền uống thuốc và mua sữa cho con bú. Gia tài tôi có một cái xe máy cỡi đi bán lấy tiền nuôi vợ con thì không ai thèm mua. Đương lúc nguy nan đó nếu có một trăm đồng bạc cũng đủ cứu cả nhà mình huống hồ 5 ngàn đồng là một gia tài vĩ đại thuở nay không bao giờ mình dám mơ ước. Vợ chồng mình không phải thuộc bực thánh, tiên, hay bồ tát nên thà nằm co mà chết chớ không chịu nhận của hoạnh tài. Tự nhiên mình có số bạc đó là bạc của Trời Phật cho mà cứu vợ chồng mình. Vợ chồng bàn tính nhau rồi vâng theo ý người viết thơ mà dấu con Lý với tiền bạc mà nuôi nó và quyết thương yêu và dạy dỗ như lời người ta cậy. Mình không quên rằng nhờ có số bạc đó mình mới có vốn mà làm ăn sanh lợi mỗi năm thêm một mớ, bây giờ có nhà cửa xe hơi, có tiệm bán mỗi năm có lợi đến bạc muôn mà còn có thêm một đứa con trai nữa, cái đó mới thiệt quí. Cái ơn đó mình không thể nào quên được. Kiểm điểm lại ba điều người ta cậy trong thơ thì vợ chồng mình làm tròn hết. Tôi ra giữa Tòa nhận con Lý với con Đào là con của vợ chồng mình sanh đôi. Trót hai mươi mấy năm nay mình thương yêu nuôi dưỡng dạy dỗ hai đứa đồng nhứt thể, học thi đậu Tú Tài cả hai rồi Đào học Y Khoa, Lý học Bào Chế vợ chồng mình biết ơn nên lo làm theo ký thác như vậy, tôi tưởng cô Ngọc để con Lý mà nuôi cô cũng làm cỡ đó chớ khó mà làm cho hơn. Thiệt như vậy cô Ngọc có tài gì mà làm hơn mình được. Trong vài năm nữa con Lý thi lấy bằng Dược sư rồi mở tiệm bán thuốc Tây mà coi.
    - Tôi nghĩ tới cái đó nên tôi không dám mói thiệt cho cô Ngọc biết, đợi nói cho cha nó liệu coi có nên nói thiệt cho cô biết mà giao lại cho cô hay là nên nín luôn.
    - Nín luôn thì quấy lắm. Khi mình gặp cái rương với con Lý, mình thấy đồ đạc quí với số tiền to mình biết là con nhà giàu sang, vì gia đạo rối rắm sao đó nên người ta phải mướn nuôi, nhưng sợ bể chuyện xấu hổ, nên biểu phải dấu, lại không cho mình biết là ai. Tôi đã thệ tâm làm theo lời ký thác. Tôi lại khẩn nguyện Trời Phật cho tôi làm ăn khá, ngày sau ai đem con mà bỏ đó muốn tìm con lại, nếu tôi xét đủ bằng cớ và nếu tôi coi người tử tế thì tôi cho nhìn. Như chắc cô Ngọc là mẹ con Lý, hồi trước cô đem nó mà bỏ cho mình nuôi, bấy lâu nay cô thương nhớ nó mà rầu buồn, bây giờ cô muốn xin nó lại, thì mình phải cho chớ. Mặc dầu cô bỏ con mà ưng ông Phủ Cù, làm vợ con người ác nghiệt đó không vinh quang gì. Nhưng mình gần gũi cô mấy năm nay, mình dư biết tâm tánh cô hiền lành khiêm nhượng, không có thói xảo trá, không lên mặt giàu sang. Có một đứa con trai là con của Phủ Cù, mà cô khéo rèn tập nên nó không làm cho ai ghét được. Một bợm hung ác đáng khinh khi, đáng oán ghét, họ đã chết mất rồi thì thôi, mình không cần nhớ đến làm chi. Mình không nên oán ghét luôn tới vợ con của họ, nếu vợ con họ không có làm điều chi quấy. Mà dầu cô Ngọc có hư hèn chỗ nào, hay có tội lỗi với ai, mình cũng không được quên cô là vị cứu tinh của mình, nhờ cô mà năm đó má nó mới sống mà nuôi con Đào, sau lại sanh thêm thằng Tòng nữa, nhờ cô vợ chồng mình mới có vốn làm ăn khá như vầy. Vậy nếu mình biết chắc cô Ngọc là mẹ cũa con Lý mà cô đương kiếm con thì mình phải nói thiệt với cô, chớ dấu sao phải.
    - Cái đó tự ý cha nó định. Nuôi con Lý đã lớn khôn rồi tôi yêu mến nó cũng như con tôi đẻ. Bây giờ trao trả nó cho người khác, thiệt tôi tiếc lắm.
    - Có mất đâu mà tiếc. Mình nuôi nó từ khi nó còn đỏ tấm lót. Trót hơn hai mươi mấy năm nay nó chỉ biết mình là cha mẹ nó, chớ nó có biết ai đâu. Dầu mình giao nó lại cho mẹ nó, mình không mất phần thương yêu đâu mà sợ. Nếu mình dấu, rủi ngày sau lậu sự nó biết được thì nó phiền mình ích kỷ lấp nguồn dứt cội của nó, rồi nó hết ơn lại sanh oán, cái đó mới đáng tiếc.
    - Cha nó nói phải. Vậy để sáng mai tôi sẽ nói thiệt với cô Ngọc. Tôi chắc cô mừng lắm.
    - Khoan. Chẳng nên gắp lắm. Để tôi về tôi hỏi lại cho kỹ coi như thiệt trúng rồi sẽ nói. Cũng đừng cho sắp nhỏ biết gì hết nghe hôn. Sáng mai xe đưa sắp nhỏ đi học rồi mẹ nó biểu sốp phơ vô rước tôi.
    Bà Hòa được nghe chồng phân phải quấy bà mới yên lòng mà về.
    Sáng bữa sau sốp phơ đem xe ra đưa mấy cô cậu đi học. Bà kêu mà dặn đưa xong thì chạy luôn vô tiệm cho ông đi mua cây.
    Xe đi rồi bà Hòa qua bà Ngọc mà nói hôm qua bà nghe bạn thuật tâm sự hồi trước, bà xúc động quá, nên hồi hôm bà vô thăm chồng bà có than không biết ai mà cậy đi hỏi dọ đặng tìm dùm đứa con gái lại cho bạn. Chồng bà hứa sáng nầy ông sẽ về hỏi lại cho rành, rồi ông sẽ cậy người đi tìm dùm cho. Vậy bà mời bạn qua chơi cho gặp chồng bà mà nói chuyện.
    Bà Ngọc biết ông Thái là người chơn chánh đàng hoàng, dầu ông có hiểu tâm sự của bà không lẽ ông cười chê, vì hai nhà đã thân thiết cùng nhau như một. Bà liền đi theo qua nhà bà Hòa đặng gặp ông Thái mà cậy ông lập thế tìm con bà dùm cho bà.
    Hai bà ngồi nói chuyện với nhau một lát thì xe rước ông Thái về tới. Ông bước vô chào bà Ngọc, tỏ lời mừng cậu Khánh đã được lành mạnh và được thăng thưởng, rồi ông mới nói: "Hồi hôm mẹ sắp nhỏ vô thăm tôi bả có than hồi trước cô rủi bỏ lạc mất một đứa con gái cỡ tuổi hai đứa nhỏ tôi, mất tại vùng Thị Nghè. Từ ấy đến nay cô buồn rầu nên sanh bịnh. Mẹ nó không biết ai mà cậy kiếm dùm đứa con nhỏ lại cho cô. Tôi nhớ mài mại, lâu lắm nên không chắc năm nào, tôi cũng nghe ở đó có người gặp một cái rương ban đêm bỏ nằm trên lề đường, trong rương có một đứa nhỏ còn sống họ mới đem về họ nuôi. Việc đó không có chi lạ, nên nghe rồi tôi bỏ qua, không lưu ý. Bây giờ tôi nghe mẹ sắp nhỏ nói như vậy, tôi nhơn dịp rảnh tôi chạy về hỏi cô lại cho biết vài chi tiết đặng tôi cậy người dọ dẫm mà tìm dùm con cho cô. Đời nầy thiên hạ yêu ma lắm họ nghe mình mất con mình tìm kiếm, mà nhà mình có cơm tiền, họ đem con họ đến mà nói bướng là đứa nhỏ họ xí được hồi trước cho mình nhìn đặng họ xin tiền mà ăn và con họ được sung sướng tấm thân. Mất con hồi nó còn nhỏ, bây giờ nó lớn rồi, mặt mày tướng mạo đều đổi khác hết, mình làm sao mà biết phải hay là không phải mà dám nhìn. Nhìn bướng thì sợ lầm mưu gian, mà không nhìn thì sợ mất cơ hội. Vậy cô cho tôi biết coi cô mất em nhỏ năm nào? Lúc ấy em được bao lớn? Lúc đó em mặc quần áo gì, có đeo nữ trang hay không? Mất em với cái rương mà trong rương có vật gì cô nhớ hay không? Tôi muốn biết ít điều đó đặng dễ tìm và khỏi sợ bị gạt gẫm".
    Bà Ngọc thấy ông Thái thành thật muốn giúp bà thì bà mừng quá nên quên hết dè dặt bà không cần dấu diếm bà vội vã nói:
    - Nếu anh sẵn lòng làm phước kiếm dùm con tôi thì tôi mang ơn lắm, không thể nào tôi dám quên.
    - Từ đó đến giờ cô có đi kiếm hay là cậy ai kiếm dùm hay không?
    - Tôi có quen biết với ai ở vùng Thị Nghè đâu mà cậy. Còn phận tôi thì khổ lắm, hôm qua tôi có tỏ thiệt với chị, mà vì tôi có dặn nên chắc chị không có nói lại với anh. Khi mới lớn tôi có giao tình với một anh học sinh nghèo mà học giỏi, hai đàng thề thốt cuộc trăm năm tơ tóc với nhau. Anh học sinh thi đậu rồi cậy mai nói mà xin cưới. Cha tôi nhứt định không chịu gả. Anh học sinh nghèo giận cha tôi nên xin học bổng đi qua tây mà học y khoa. Cả nhà ảnh đều oán ghét cha con tôi hết thảy. Tôi có thai nghén. Cha tôi lại có cuộc lôi thôi về việc làm ăn. Tôi giả chước đau nên xin lên Đà Lạt ở dưỡng sức. Tôi sanh con gái mới được 22 ngày thì cha tôi cho xe lên rước tôi về, biểu phải về gấp. Tôi bồng con nhỏ về. Cha tôi giận rồi bắt tội tôi làm nhơ nhuốc cả tông môn và ép buộc tôi phải bỏ biệt con tôi đặng cha tôi gả tôi cho ông Phủ Cù.
    - Phải ông đó là nhơn viên tín nhiệm của Sở mật Thám Pháp hay không cô?
    - Thưa phải. Ổng lớn tuổi bằng hai tuổi tôi mà ổng lại có danh không tốt lành gì. Ổng có quyền thế nên người ta sợ chớ không phải thương yêu. Thiệt lúc đó tôi khổ tâm hết sức. Chiều hôm qua tôi có thuật rõ cho chị nghe tại sao tôi phải vâng lời cha tôi, đem con đi bỏ đặng lấy chồng, tại sao tôi để theo trong rương với con tôi bức thơ và 5 ngàn đồng bạc.
    - Bức thơ cô nói việc chi?
    - Tôi yêu cầu ai được đứa con tôi thì làm phước dấu mà nuôi dùm nó. Tôi xin thương yêu nó, lúc nó thơ ngây thì săn sóc, chừng nó khôn lớn thì dạy dỗ dùm cho ngày sau nó khỏi vất vả hư thân. Tôi vái van Trời Phật độ mạng dùm con tôi, xui khiến cho người hiền lành gặp nó rồi đem về mà nuôi.
    Bà Ngọc nói tới đó rồi bà khóc sướt mướt.
    Ông Thái biết trúng rồi, nhưng ông còn hỏi thêm.
    - Thơ cô có ký tên và biên chỗ ở hay không?
    - Thưa không. Tôi dấu kín mà ký tên sao được. Nhưng trong thơ cô có nói tôi đặt cho nó tên Lý và nói nó sanh được 25 ngày.
    - Chuyện đo hồi năm nào?
    - Năm 1930, bởi vậy con tôi có một tuổi với hai cháu bên nầy.
    - Vậy hả? Cô có cho nó đeo vật chi hay không?
    - Có đeo một dây chuyền nhỏ có hình ông Phật mua trên Đà Lạt.
    Ông Thái đứng dậy ngó vợ mà cười rồi biểu dạy người nhà bắc ghế bưng cái rương để trên đầu tủ đó mà đem ra coi. Bà hòa cũng cười mà nói hồi nãy bà có biểu đem xuống rồi. Bà vừa cười vừa đi vô buồng. Bà bưng một cái rương ra để trên ván, gần chỗ bà Ngọc ngồi mà nói: "Cô Hai coi hồi trước cô bỏ em nhỏ trong cái rương giống như cái rương nầy hay không?".
    Bà Ngọc ngó chăm chăm cái rương và nói: "Ừ. Rương tôi hồi trước giống như cái rương nầy, nhưng tôi nhớ không có đánh vec-ni".
    Bà Hòa nói: "Thứ nầy mối mọt hay ăn. Phải sơn vec-ni để dành lâu được".
    Ông Thái nói: "Cô hai dở nắp soạn đồ ra mà coi".
    Bà Ngọc lết lại gần, dở nắp rương ra thì thấy có ba bốn gói đồ, trên lại có một bao thơ. Bà lấy bao thơ cầm đọc hai hàng chữ đề ngoài: "Ai gặp cái rương nầy, xin xé bao thơ nầy ra mà đọc thì hiểu mọi việc". Bà đọc rồi bà la lớn: "Ý! Chữ tôi viết hồi đó đây mà. Té ra rương của tôi! Sao lại lọt vào nhà anh chị?".
    Vợ chồng ông Thái ngó nhau mà cười, chớ không trả lời.
    Bà Ngọc thấy bao thơ đã xé rồi, bà trút ra thì có một bức thơ với một sợi dây chuyền. Bà càng la lớn: "Thơ cũng của tôi viết đây nữa nè. Còn sợi dây chuyền của con nhỏ tôi rõ ràng. Tôi mua trên Đà lạt cho con tôi đeo. Đây có hình ông Phật dẹp nữa đây. Chắc chắn rồi! Còn nghi gì nữa. Anh chị được cái rương của tôi chớ gì. Phải hôn? Xin nói cho tôi biết. Tội nghiệp tôi lắm mà. Dấu tôi làm chi".
    Ông Thái chống nạnh đứng ngó bà Ngọc mà đáp "Chánh tôi được. Tôi đem về nhà rồi vợ chồng tôi nuôi từ đó đến giờ".
    Bà Ngọc sững sờ hỏi: "Nếu vậy con Lý đó là con của tôi phải hôn?".
    Bà Hòa dành mà đáp: "Phải. Con Lý của tôi đó là đứa nhỏ nằm trong rương, cha nó gặp nên đem về nuôi từ hồi đó tới giờ".
    Bà Ngọc lật đật bước xuống gạch, không kịp mang giày, chắp tay xá vợ chồng ông Thái, bà vừa khóc vừa nói: "Vậy thì trời phật linh thiêng quá, thấy tôi đau khổ nghe tôi van vái; động lòng thương, nên khiến anh gặp mà đem về rồi hai ông bà nuôi dùm cho tôi. Tôi đội ơn hai ông bà nặng lắm đến chết tôi cũng không quên. Té ra con tôi ở một bên đã mấy năm rồi, lúc sau nầy nó lại qua nhà tôi mà ngủ nữa. Vậy mà tôi có dè đâu! Tôi cứ thương nhớ buồn rầu hoài. Hồi nó mới qua thăm tôi lần đầu, trời khiến trong lòng tôi phát nghi. Tại chị nói hai đứa nó sanh đôi nên tôi không dám hỏi kỹ".
    Ông Thái nói: "Thôi, cô ngồi lại, ngồi rồi sẽ nói chuyện".
    Hai bà ngồi bên ván. Ông Thái ngồi cái ghế gần một bên đó.
    Bà Hòa sắp mấy gói trong rương ra và mở cho bà Ngọc coi. Một cái mền vuông nhỏ, một gói tã, một gói áo và một gói vớ, khăn thì bà cho nó dùng luôn nên tiêu hết rồi. Còn đồ nầy nó lớn hết dùng được thì bà giặt ủi làm kỷ niệm đặng sau cha hay mẹ nó có tìm thì biết mà nhìn. Bà Ngọc nhìn nhận đồ nầy là đồ bà sắm cho con hồi mới sanh trên Đà Lạt.
    Để cho bà Ngọc vui mừng đã thèm rồi ông Thái mới kể đầu đuôi chuyện ông gặp cái rương với con Lý. Đem về nhà thấy thơ với tiền bạc vợ chồng ông bàn tính rồi dấu mà nuôi theo ba điều ký thác trong thơ. Lúc đó con Đào sanh được 28 ngày, sanh trước Lý 3 bữa. Thương yêu thì vợ chồng ông ra giữa Tòa lập khai sanh nhìn nhận hai đứa là con song thai cũng để tên Lý đã đặt cho con nhỏ trong thơ. Đã nhìn nhận là con thì tự nhiên thương hai đứa đồng nhau, cho ăn cho mặc cũng như nhau, rồi cũng cho chị em đi học với nhau, không phân biệt con ruột con nuôi gì hết. Ông nói vợ chồng ông chú trọng làm y theo lời phú thác không dám sai một mảy.
    Bà Ngọc nói gần nhau mấy năm nay bà thấy rõ hai vợ chồng đối với ba con thì thương yêu đồng nhứt thể, mà ba đứa nó cũng thương nhau như ruột thịt. Tại vậy nên bà không dám gạn hỏi. Bà cứ nói ơn của vợ chồng ông Thái lớn quá, bà không biết làm sao mà đền đáp cho vừa.
    Ông Thái cười mà nói bà Ngọc mang ơn vợ chồng ông mà vợ chồng ông cũng mang ơn bà nặng lắm. Ông mới thuật lúc ấy vợ chồng ông nguy nan đáo để, nhờ có 5 ngàn đồng bạc của bà, vợ ông mới uống thuốc hết bịnh, con ông mới có sữa bú và ông mới có vốn làm ăn sanh lợi mà cho con ăn học và mua nhà cửa mà ở cho êm ấm đây. Ơn ấy vợ chồng ông cũng không quên, bởi vậy thuở nay thường mong gặp người mẹ của con Lý coi như thiệt biết thương con và muốn nhìn con thì ông sẽ giao lại; nếu người ta làm lơ thì vợ chồng ông không cần cho nhìn làm chi.
    Bà Hòa tiếp nói năm mới quen nhau thì bà có ý nghi. Nhưng nghe nói con mất hồi còn trong tháng bà tưởng là chết mất, chớ không dè bỏ mất. Tại bà Ngọc cứ dấu tâm sự, đến bây giờ mới nói thiệt ra nên bà Hòa không dè bà là người chở con Lý đem bỏ mà nói.
    Bà Ngọc nói tại tâm sự của bà không tốt lành gì, sợ nói ra chị em cười càng thêm xấu hổ, bởi vậy trót hai mươi năm nay bà buồn rầu thương nhớ phận con mà sanh bịnh. May bà có thêm Khánh nên bà phải gượng gạo làm lảng mà sống đặng nuôi dạy con, chớ nếu không có Khánh thì khi ông già chết rồi, bà đã tự vận mà theo mẹ cha, hoặc đã cạo đầu vô chùa mà tu, đặng chuộc tội lỗi vì muốn trọn thảo với cha mà phải cắt ruột đem con bỏ giữa đường, phải ly biệt đứa con mới sanh, nó còn mất không hay nó sướng cực không kể.
    Bà nói mà bà khóc mướt, khóc rồi bà lại vui cười hớn hở mà nói: "Thôi, cái khổ của tôi nhờ ơn anh chị phá tan dùm cho tôi rồi. Tôi hết buồn rầu nữa, từ rày về sau chắc tôi mạnh. Tôi phải sống mà vui với hai đứa con tôi. Tìm được con Lý rồi, thì tôi không còn buồn gì nữa. Tôi có khẩn vái Trời Phật cho tôi tìm được con thì tôi cạo đầu và ăn chay trường mà tạ ơn Trời Phật. Tìm được con Lý rồi, tôi phải làm y theo lời nguyện cho khỏi tội lỗi với đấng thiêng liêng".
    Ông Thái liền can: "Khoan! Tôi xin phép mà khuyên cô Hai nên chầm chậm mà suy nghĩ, chẳng nên vội lắm. Vì muốn trọn thảo với cha già, cũng cần giữ danh giá, nên cô phải lìa con là máu thịt của cô. Bây giờ cô tìm lại được cô mừng, tự nhiên cô nhớ ơn Trời Phật. Tình mẹ thương con hơn hai mươi năm nay làm cho cô bứt rứt, bây giờ cô muốn bộc lộ vui mừng hoàn toàn để bù trừ nỗi niềm đau khổ hồi xưa. Mấy điều ấy là tâm tánh tự nhiên của con người tôi hiểu lắm nên tôi không dám cản. Nhưng tôi chắc thuở nay cô dấu với mọi người, cô không cho ai biết cô bỏ con Lý đặng lấy chồng. Có lẽ cậu Khánh cũng không dè cậu có một người chị khác cha. Còn con Lý thì chắc chắn nó không biết nó có bà mẹ nào khác hơn vợ tôi.
    Bây giờ thình lình cô nói cho con Lý hay cô là mẹ đẻ nó, vì hồi nó mới sanh cô chở nó mà bỏ nó đặng lấy chồng nên hôm nay mới gặp nó lại được đây. Cô nói như vậy nó có vui mà nhìn cô là mẹ hay không? Còn nếu cậu Khánh không hiểu nỗi lòng đau khổ của cô ngày trước bây giờ thình lình cô viết thơ cho cậu hay, cô mới tìm được đứa con gái khác cha, cô chắc cậu sẽ vui mừng mà nhìn nhận người chị như vậy hay không? Nếu cậu hỏi cha của người chị ấy là ai? Thuở nay người chị ấy ở đâu mà bây giờ cô tìm lại được? Tôi thấy khó cho cô mà trả lời lắm. Vậy cô nên suy nghĩ cho kỹ. Mừng thì để bụng, chớ làm gấp quá thì tôi sợ e sự vui mừng đó nó làm rối trong gia đình cô mà nó còn làm giảm lòng kính yêu của con cô nữa".
    Bà Ngọc ngồi sửng sờ mà suy nghĩ rồi bà thở một hơi dài mà than: "Người ta nói thế gian là biển khổ; đường đời đầy chông gai. Thiệt trúng lắm. Hạnh phúc cũng khó tìm, mà tìm được rồi cũng không phải dễ mà hưởng liền được. Lời anh khuyên tôi đó đúng lắm, tôi cảm ơn anh vô cùng. Nếu tôi nhìn con Lý là con thì cũng như thằng Khánh đứa nào cũng hỏi duyên cớ. Chúng nó hỏi rồi tôi trả lời cách nào cho xuôi được. Nếu tôi nói thiệt hết, thì con Lý có lẽ oán ghét tôi chớ thương yêu gì. Còn thằng Khánh thuở nay nó có biết tâm sự của tôi đâu, tự nhiên nó hết thương yêu cung kỉnh tôi nữa. Vậy tôi xin anh chị giấu dùm sự nầy, đừng có cho con Lý biết gì hết. Để tôi suy nghĩ ít bữa rồi mấy bà con mình sẽ bàn với nhau. Rương đồ chị cũng cất lại bên nầy".
    Ông Thái tiếp dặn vợ kín miệng, đừng cho Lý hay Đào biết sự nầy. Ông biểu gói đồ bỏ vô rương bưng mà cất như cũ, để làm vật kỷ niệm chung của hai nhà, rồi ông từ giã lên xe trở vô Bà Chiểu.
    Bà Ngọc ngồi soạn đồ của con hồi nhỏ mà coi lại, bà mừng rỡ nên nói cười rồi bà buồn tủi nên rơi lụy. Bà xin bà Hòa cho bà mượn bức thơ với sợi dây chuyền lại đặng bà cất trong tủ sắt, để nhớ công ơn của vợ chồng bà nọ cứu giúp bà quá ý bà muốn, nghĩ ví dầu bà để Lý mà nuôi, bà không chắc gì bà thương yêu dạy dỗ Lý cho bằng vợ chồng bà Hòa được.
    Bà Hòa cũng thành thiệt tỏ lời cám ơn bà Ngọc, nói ngay rằng trong lúc nguy nan nhờ có số bạc 5 ngàn đó mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ đau ốm rồi làm ăn phát đạt lần lần mới gây dựng sự nghiệp và nuôi con ăn học được như vầy.
    Bà Hòa để bức thơ với sợi dây chuyền vô bao mà đưa cho bà Ngọc bỏ túi, rồi hai bà xếp gói đồ kia lại tử tế để vô rương cho bà Hòa bưng vô buồng mà cất. Hai bà nằm nói chuyện chơi, cả hai đều đồng ý cho việc nầy là việc của trời định. Trời muốn giúp cả hai nhà, nên mới khiến người nầy thiếu tiền thì được người kia giúp, người kia sanh con mà nuôi không được thì người nầy lãnh nuôi dạy dùm. Vậy hai nhà từ rày coi như một, chia buồn chung vui với nhau, khắng khít thương yêu nhau, đừng ái ngại chi hết.
    Hai bà nói chuyện tới mấy cô cậu đi học về, Bà Ngọc nhìn Lý mặt mày bà hớn hở tươi sáng như trăng rằm. Bà nói với Lý ở nhà ăn cơm một mình buồn quá, bà ăn không ngon, bà qua chơi từ sớm mơi tới giờ, bà có ý chờ Lý về đặng bà rủ Lý hoặc Đào qua một người ăn với bà cho vui. Bà Hòa biểu Lý đi rồi bữa khác tới phiên Đào. Bà Ngọc với con song song đi ra sân mà về. Bà Hòa đứng ngó theo, bà chúm chím cười, trong lòng hân hoan vì đã làm được một việc ân nghĩa toàn vẹn.
    Trong lúc mẹ con ngồi ăn cơm, bà Ngọc cứ ngó Lý mà cười hoài. Bây giờ bà mới nhận thấy Lý có nhiều điểm giống bà, tay cầm đũa giống, khi ngó lên cặp mắt giống, chừng nói chuyện khóe miệng giống, tướng đi yểu điệu giống mà tánh nết ôn hòa cũng giống. Bà lấy làm tiếc được gần một bên con mấy năm rồi mà bà không biết săn sóc con nhiều hơn cho thỏa tình mẹ con, để buồn rầu tưởng nhớ hoài làm mất hạnh phúc hết mấy năm thiệt là uổng. Bà muốn ướm thử lòng con nên bà nói: "Anh chị bên nhà có phước sanh được tới hai gái. Má Hai không có con gái đặng hủ hỉ cho vui. Má hai tính xin với anh chị chia bớt cho Má Hai một gái, chia đứt cho ở luôn bên nầy làm con của Má Hai. Làm như vậy mỗi nhà đều có gái có trai cho vui đồng hết. Con sẵn lòng chịu qua ở luôn với Má Hai hay không".
    Lý cười và đáp: "Hai nhà ở khít một bên nhau. Chị em con sanh đôi, thuở nay không rời nhau. Chia rẽ bên nầy bên kia sợ không nên. Chị em con phân phiên qua ngủ với Má Hai như xưa rày vậy cũng được rồi. Cần gì phải chia riêng một người ở luôn với Má Hai, làm cho cha mẹ con buồn, mà chị em con cũng bớt vui".
    Bà Ngọc hiểu ý con không đành bỏ vợ chồng ông Thái về ở với bà, bởi vậy bà bỏ qua mà nói chuyện khác, thầm tính để thủng thẳng tìm cách mà dụ, không nên vội mà sanh rắc rối, dầu không được công khai nhìn nhận con mà mình đã được gần gũi hàng ngày, Lý nói chuyện với mình Lý xưng con và gọi mình là má Hai thì cũng đủ an ủi cho mình hết buồn lo nữa.
    Buổi chiều đó bà Ngọc qua bàn tính với bà Hòa nữa; một đàng thì sẵn lòng giao trả con lại đặng cho rõ ràng ý thành thiệt vừa làm nghĩa vừa đền ơn, tin chắc dầu có trả cũng không mất đâu mà sợ; còn một đàng thì cũng muốn được chánh thức nhìn con để gỡ cái tội đoạn tình mẹ con ngày trước, ngặt nhìn thì phải nói thiệt, mà nói thiệt thì sợ đụng chạm đầu nầy, xích mích đầu nọ, bởi vậy hai bà bàn tính trót mấy ngày mà tìm không ra được một chước nào hết. Bà Ngọc cùng thế rồi, bà nghĩ ông Thái là người xử sự khôn ngoan, sáng suốt, bà rủ bà Hòa đi vô tiệm mà hỏi ý kiến của ông. Một buổi chiều bà biểu sốp phơ đem xe của bà ra rồi bà Ngọc ra rước bà Hòa đi Bà Chiểu.
    Buổi chiều tiệm bán bàn ghế ít khách. Ông Thái thong thả mà nói chuyện nhà. Ông nghe hai bà than không biết làm cách nào cho mẹ con Lý nhìn nhau được ấm êm xuôi thuận.
    Ông Thái suy nghĩ một chút rồi ông nói: "Hổm nay hễ có rảnh thì tôi thường nghĩ đến việc đó. Thiệt tôi cũng bí lối, không thấy ngã nào ra cho được vui vẻ rõ ràng. Cô hai đã thấy lòng dạ vợ chồng tôi thành thiệt biết ơn cô nên muốn giao con Lý lại cho cô đặng mẹ con vui sum hiệp. Con Lý khôn lớn rồi, học đã gần thành tài, vợ chồng tôi sắp nhờ nó được. Nếu vợ chồng tôi có lòng ích kỷ dầu biết chắc cô Hai là mẹ ruột của Lý đi nữa, vợ chồng tôi lặng thinh không thuật chuyện tôi gặp nó cho cô nghe, không đem rương đồ ra cho cô nhìn, thì cô làm sao mà biết nó là con của cô. Mà dầu cô biết đi nữa, con Lý là con song thai của vợ chồng tôi, có Tòa chứng nhận khai sanh rành rẽ, lại từ khi nó biết nói biết đi thì nó chỉ biết vợ chồng tôi là cha mẹ nó, chớ nó có biết cô đâu, nên vợ chồng tôi đâu sợ cho nó nhìn cô rồi nó theo cô mà bỏ vợ chồng tôi. Tôi không sợ vợ chồng tôi mất phần kỉnh yêu của nó đâu. Tôi lo là lo cho phận cô Hai mà thôi, sợ cô nhìn con rồi gia đạo không được an vui mà lại gây cảnh lợt lạt và xào xáo. Theo ý tôi thì đống tro tàn đã nằm êm một chỗ rồi, nên để cho nó êm luôn không nên bươi xới cho nó bay bụi. Con Lý mấy năm nay đã quen kỉnh yêu cô Hai cũng như nó kỉnh yêu mẹ nó, nó đã gọi cô là má Hai cô muốn thấy mặt nó giờ nào cũng được hết. Tôi tưởng nên để nó làm đứa con chung của hai nhà, cô hiệp với vợ chồng tôi mà chăm nom lo lắng, vậy cũng được, chẳng cần cô phải kể chuyện cũ cho nó biết, cũng chẳng cần cho cậu Khánh hay rồi công khai nhìn nhận nó là con làm chi. Thuở nay cô Hai ăn năn về sự bỏ con, không biết nó còn hay mất hư hay nên cô buồn quá nên sanh bịnh. Bây giờ cô hai đã tìm được con rồi, nó ở một bên, nó lui tới hàng ngày, cô biết nó không hư hèn, không cực khổ, cô đã yên lòng rồi, cô vui đỡ như vậy cũng được. Tôi ví dụ cho cô hai nghe: nhà cô rủi phát hỏa, cô đương lo sợ cháy tiêu hết, may Trời xáng xuống một đám mưa lớn dụt tắt ngọn lửa mà cứu cô. Lửa cháy xém chút đỉnh, sửa lại được chớ không hư hại cho lắm. Trời cứu cô như vậy cũng nhiều lắm rồi. Cô tu bổ nhà lại mà ở, cô không nên kêu đòi thái quá, không nên trách trời tại sao không mưa sớm một chút cho nhà cô còn y nguyên, lửa phát cháy tại cô vô ý hơ hỏng gây hoạ, chớ phải tại Trời đốt hay sao mà trách Trời. Cô phải suy nghĩ lại".
    Bà Ngọc nghe ông Thái phân trần chí lý, ông chỉ lợi hại rõ ràng thì bà cảm phục quá. Bà nhứt định áp dụng ý kiến của ông, để yên Lý làm đứa con chung, không cần công khai nhìn mẹ con làm chi cho sanh chuyện rối rắm. Nhưng bà xin vợ chồng ông Thái từ rày mỗi ngày cho phép Lý với Đào một người ăn cơm chung với bà cho bà vui. Bà không dám xin miệt một mình Lý sợ hai trẻ phân bì sự sơ thân mà sanh xích mích.
    Vợ chồng ông Thái thỏa thuận như vậy cho bà Ngọc vui lòng, chờ thời gian trải qua, cuộc đời hoặc may có biến đổi đạo nhà, nếu được xuôi thuận rồi sẽ bàn nhau lại.
    

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 7 (Kết Thúc)

Chị Đào Chị Lý
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán